Văn học nước ngoài G Quán Rượu - Emile Zola

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi V-C, 5/9/16.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. V-C

    V-C Lớp 4

    Bọ Cạp and tamchec like this.
  2. V-C

    V-C Lớp 4

    546px-Émile_Zola_1895.jpg

    Emile Zola (1840 - 1902) là nhà văn lớn của nước Pháp nửa cuối thế kỷ XIX. Cùng với Guy de Maupassant, ông là một trong hai tác giả được công chúng Pháp tìm đọc nhiều nhất thời bấy giờ. Sách của ông đa phần đều thuộc loại ăn khách. "Quán Rượu" của ông từng được in tới 300 ngàn bản - một con số đặc biệt ấn tượng thời đó.
    Emile Zola sinh ngày 2 tháng 4 năm 1840. Ông là nhà văn hiện thực lớn theo trường phái tự nhiên chủ nghĩa của nước Pháp cuối thế kỉ XIX. Sinh tại Paris nhưng thời niên thiếu sống nhiều năm ở Prôvăngxơ. Cha là Francois Zola, gốc Italia, một kĩ sư tài năng. Năm Zola lên 7 tuổi thì người cha qua đời. Năm 18 tuổi, gia đình chuyển lên sống ở Paris. Vì nhà nghèo, ông sớm phải bỏ học, sau đi phụ việc đóng hòm, bọc sách cho hiệu sách Haset. Năm 24 tuổi ông mới cho in tập truyện ngắn đầu tay. Do tiếp nhận ảnh hưởng của khoa học tự nhiên đương thời, sáng tác của Zola thiên về cái nhìn phân tích, khảo tả kỹ lưỡng tâm trạng con người thực tế và xã hội. Khi nổ ra Cách mạng Công xã Paris (năm 1871), Zola đang ở thành phố Marseille và tỏ thái độ ủng hộ các chiến sĩ Công xã. Năm 1872, trong chuyến đi Nga, Zola quen biết nhà văn lớn Turgénev (1811- 1883) và được giới thiệu làm phóng viên ở Paris cho một tờ báo Nga trong suốt 6 năm. Khi viết tiểu thuyết, Zola thường coi trọng các chi tiết sự thật, đã từng xuống hầm lò với công nhân và khảo sát, kiểm chứng từng thứ giá cả ngoài chợ. Hằng ngày ông làm việc từ ba giờ sáng đến tận đêm khuya. Ngoài sáng tác, Zola còn viết nhiều báo và chuyên khảo về chủ nghĩa tự nhiên. Đương thời Zola còn gắn với một sự kiện chính trị vang dội Châu Âu: vụ án quy kết Đrêphuyx can tội do thám. Zola đã dấn thân vào sự kiện chính trị này và dũng cảm tố cáo hành động quy chụp đầy dã tâm ấy. Ngày 13 tháng Giêng 1898, Zola vạch trần sự thật bằng bài Tôi kết tội trên báo Bình minh . Sau đó ông bị phạt tiền và bị kết án một năm tù, sau lại được xóa án. Đến tháng Bảy 1898, Zola lại bị kết án một lần nữa nên đã trốn sang Anh đến năm 1899 mới trở về Pháp.
    Văn hào Emile Zola qua đời đột ngột tại nhà riêng ở Paris vào ngày 29/9/1902. Theo nhà chức trách thì nhà văn đã tử vong do bị ngộ độc thán khí ống khói lò sưởi (có giả thuyết còn cho là ông bị ám sát). Cư dân thành phố Paris đã lưu luyến đứng dọc hai bên đường tiễn đưa nhà văn yêu quý của mình về nơi an nghỉ cuối cùng.
    Năm 1906, ngay sau khi Deyfus được hoàn toàn phục hồi danh dự, Quốc hội Pháp đã biểu quyết thông qua việc đưa hài cốt Emile Zola vào thờ tại Điện Pantheon sau một trận tranh cãi nảy lửa. Năm 2008, Quốc hội Pháp và Ban quản lý Điện Pantheon đã đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày di hài của văn hào Emile Zola được đưa về an táng tại đây.
    Sáng tác của Zola để lại còn khoảng sáu chục tác phẩm bao gồm nhiều thể loại:
    Truyện kể cho Nanông (1864); các tiểu thuyết
    Teredơ Racanh (1867); Mađơlen Phêra (1863);
    Gia đình Rugông-Macca (1871 - 1893); Ba thành phố; Bốn cuốn phúc âm (1893 - 1902); và các chuyên khảo lý luận về chủ nghĩa tự nhiên như: Tiểu thuyết thực nghiệm (1880);
    Những nhà tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa (1881)…
    Nổi bật nhất trong số các tác phẩm của Zola là bộ tiểu thuyết Gia đình Rugông-Macca gồm 20 cuốn, được viết ròng rã suốt một phần tư thế kỷ. Ở đây tác giả cho trình diễn tới trên 1200 nhân vật, mỗi cuốn kể lại tương đối hoàn chỉnh cuộc đời của một vài nhân vật trong dòng họ Rugông hoặc Macca và có một số ít nhân vật xuất hiện lại trong cuốn sau. Qua bộ sách lớn này, Zola muốn giải thích bằng sự nghiên cứu vấn đề di truyền, quá trình chuyển đổi, suy vi của cả hai dòng họ, từ đó khái quát thành những vấn đề lớn của thời đại. Có điều cùng với sự phản ánh hiện thực là sự tô đậm chủ nghĩa tự nhiên, hệ quả tất yếu của cách nhìn duy về khảo sát, khảo tả. Trong số 20 cuốn sách liên hoàn này phải kể đến các tập tiêu biểu như: Thời vận gia đình Rugông, Tiền, Nara, Cái bụng Paris, Con vật người, Quán rượu, Giecmina.
    Là một tài năng xuất sắc của những khối mâu thuẫn lớn, Emile Zola xứng đáng được đánh giá cao. Chỉ riêng bộ sách Gia đình Rugông-Macca đã được văn hào Nga Gorki (1868-1936) coi là bản anh hùng ca của sự tranh đoạt.
     
  3. V-C

    V-C Lớp 4

    LỜI NÓI ĐẦU
    Bộ Giòng họ Rugông Maca phải gồm đến quãng hai mươi truyện. Từ năm 1869, khái lược chung đã được vạch xong, và tôi theo đuổi nó một cách hết sức nghiêm túc. Quán rượu ra đời đúng như dự kiến; tôi đã viết nó, cũng như tôi sẽ viết các cuốn khác, không một giây phút chệch ra khỏi đường thẳng của tôi. Đó là nguồn sức mạnh của tôi. Tôi có một mục đích để đi tới.
    Khi Quán rượu xuất hiện trên một tờ báo, nó đã bị đả kích một cách tàn nhẫn chưa từng thấy, bị tố cáo, buộc phải chịu trách nhiệm về mọi thứ tội ác. Có thật cần thiết phải giải thích ra đây, qua một vài dòng, những ý định nhà văn của tôi không? Tôi muốn miêu tả sự suy sụp tất yếu của một gia đình công nhân, trong môi trường thối nát của các vùng ngoại ô chúng ta. Hậu quả của nghiện rượu và lười biếng, là sự lơi lỏng tình nghĩa gia đình, là những chuyện vô liêm sỉ trong cảnh ăn chung ở đụng, là sự quên dần mọi tình cảm tốt đẹp, rồi kết thúc, là nhục nhã và cái chết. Đó là đạo đức trong hành động, có thế thôi.
    Quán rượu chắc chắn là tác phẩm trong sạch nhất của tôi. Nhiều lúc tôi còn phải đụng chạm đến những ung nhọt khủng khiếp hơn nữa. Chỉ có hình thức đã làm hốt hoảng. Người ta phẫn nộ về các từ ngữ. Tội lỗi của tôi là đã có cái tính tò mò văn học, nhặt nhạnh và đổ vào một cái khuôn rất gọt giũa thứ ngôn ngữ của bình dân. Ôi! hình thức, cái tội lỗi lớn là ở đó! Tuy nhiên vẫn có những cuốn từ điển về thứ ngôn ngữ đó, vẫn có những học giả nghiên cứu nó và thích thú về tính trẻ trung, về tính bất ngờ và về sức mạnh những hình ảnh của nó. Nó là một món ăn ngon đối với các nhà ngữ pháp thích tìm tòi. Không sao, chẳng có ai lại cho rằng mục đích của tôi là làm một công việc có tính chất đơn thuần ngôn ngữ học, một công việc mà tôi tin là rất bổ ích về phương diện lịch sử và xã hội.
    Vả lại, tôi cũng không tự bào chữa. Tác phẩm của tôi sẽ bênh vực cho tôi. Đây là một tác phẩm nói lên sự thật, là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về nhân dân, không chút dối trá, và có hương vị nhân dân. Cũng không nên kết luận rằng toàn thể nhân dân đều xấu, vì những nhân vật của tôi không xấu, họ chỉ ngu dốt, và bị môi trường làm việc vất vả, nghèo khổ của họ làm cho hư hỏng. Có điều, cần phải đọc truyện của tôi, phải hiểu chúng, phải thấy rõ toàn bộ chúng, trước khi hạ những lời phê phán rẻ tiền, buồn cười và khả ố, xung quanh cá nhân tôi và tác phẩm của tôi. Ôi! giá như người ta biết được bạn bè của tôi thích thú như thế nào về câu chuyện hoang đường sửng sốt mà người ta dùng để mua vui cho quần chúng! Giá người ta biết cái gã uống máu, cái tay viết tiểu thuyết độc ác, là một con người bình thường, đứng đắn như thế nào, là một nhà nghiên cứu và một nhà nghệ sĩ, sống hiền lành trong cái xó của mình, và tham vọng duy nhất của người đó là để lại một tác phẩm thật rộng lớn, thật sinh động! Tôi không phản kháng chuyện bịa đặt nào cả, tôi làm việc, tôi tin tưởng ở thời gian và thiện ý của công chúng, để cuối cùng được bày tỏ sau những lời ngu xuẩn chồng chất.
    Pari ngày mồng một tháng giêng năm 1877.
    EMILE ZOLA
     
  4. V-C

    V-C Lớp 4

    CHƯƠNG I
    Giecve chờ Lăngchiê đến tận hai giờ sáng. Rồi, run cầm cập vì đã mặc áo ngắn đứng ở cửa sổ giữa luồng gió lạnh, chị từ từ nằm vật xuống giường, người sốt hầm hập, hai má đầm đìa nước mắt. Từ tám hôm nay, sau khi ăn ở quán Bê hai đầu[1] ra, hắn vẫn bảo chị về ngủ với con, và mãi khuya hắn mới về, kể lể là phải đi tìm công tìm việc. Tối hôm ấy, trong lúc đứng đợi chồng về, hình như chị đã nhìn thấy hắn đi vào tiệm nhảy Grăng Bancông, có mười cửa sổ sáng rực, hắt một lớp lửa hồng chiếu sáng cho giải đại lộ đen ngòm bên ngoài; và sau lưng hắn, chị đã nhìn thấy con bé Ađen, một con bé làm nghề đánh bóng đồ kim loại, vẫn ăn tối ở quán ăn của họ, đi cách năm sáu bước, bàn tay đung đưa, như thể vừa bỏ cánh tay hắn ra để khỏi đi cùng dưới ánh sáng rực của mấy quả cầu ở cổng.
    Khi Giecve tỉnh dậy, vào quãng năm giờ, người cứng đơ, hông ê ẩm, chị òa lên khóc nức nở. Lăngchiê vẫn chưa về. Lần đầu tiên hắn không ngủ nhà. Chị ngồi lên mép giường, dưới mảnh vải sơn ba tư bạc thếch buông thõng từ cái mũi tên buộc giây ở trần. Với đôi mắt nhòa lệ, chị thong thả nhìn vòng quanh căn phòng nghèo nàn, đồ đạc vẻn vẹn một chiếc tủ ngăn kéo bằng gỗ bồ đào, thiếu mất một ngăn, ba chiếc ghế nệm rơm và một chiếc bàn con nhớp nháp, trên mặt lăn lóc một cái bình xách nước mẻ miệng. Thêm cho lũ trẻ, một chiếc giường sắt nằm chắn ngang cái tủ và chiếm hết hai phần ba căn phòng. Trong một góc, cái hòm của Giecve và Lăngchiê, mở toang hoác phô rõ cả vách, một cái mũ đàn ông nằm tận đáy, vùi dưới ít sơ mi và bít tất bẩn; còn dọc các bức tường, trên lưng ghế, những thứ cũ rích cuối cùng mà cánh hàng cầm đồ cũng không thèm. Trong lò sưởi, giữa hai mảnh kẽm xộc xệch, có một gói biên lai của hiệu cầm đồ, màu hồng nhạt. Đấy là căn phòng đẹp nhất của khách sạn, căn phòng ở tầng một, nhìn ra đại lộ.
    Trong khi ấy hai đứa bé vẫn nằm sát vào nhau ngủ cùng một gối. Clốt, tám tuổi, hai bàn tay bé nhỏ bỏ ra ngoài chăn, thở thong thả, còn Êchiên, mới lên bốn, đang cười chúm chím, một tay ôm cổ anh[2]. Lúc đưa đôi mắt rưng rưng nhìn chúng, chị lại thổn thức nấc lên, chị chấm chấm chiếc khăn tay lên miệng, để bóp nghẹt những tiếng kêu nhỏ bật ra. Rồi, chân không, không nghĩ đến việc đi vào đôi giày rách đã rơi xuống, chị lại tì khuỷu tay lên cửa sổ, tiếp tục chờ đợi, mắt soi mói các vỉa hè xa vắng.
    Khách sạn nằm trên đại lộ Sapen, bên trái cửa ô Poatxonie. Đấy là một ngôi nhà nát hai tầng, sơn màu cấn rượu vang đến tận tầng hai, với những cánh cửa chớp mục nát vì mưa gió. Bên trên một cái đèn kính rạn, người ta có thể đọc được giữa hai cửa sổ: Khách sạn Bôngcơ, do Maxtiliê quản lý, bằng chữ to màu vàng, mà rêu vữa đã làm mất mấy mảng. Giecve, bị cái đèn kính che, phải nhón chân, chiếc khăn tay vẫn giữ chặt trên môi. Chị nhìn bên phải, phía đại lộ Rôsơsua, nơi có những bọn bán thịt, tạp dề đầy máu đang đứng túm tụm trước cửa lò mổ; làn gió lạnh thỉnh thoảng lại đưa đến một mùi hôi thối, tởm lợm của súc vật bị giết thịt. Chị nhìn sang trái, suốt một dải đại lộ dài, dừng lại hầu như ngay trước mặt, trên khối nhà trắng của bệnh viện Lariboađie lúc ấy đang xây dựng dở. Thong thả, từ phía nọ sang phía kia, chị nhìn lần theo bức tường của tòa nhà mà đêm đêm đôi khi chị vẫn nghe có tiếng kêu ở phía sau, của những người bị ám sát; rồi chị sục sạo đến các xó xỉnh hẻo lánh, các góc tối, đen ngòm vì ẩm ướt và rác rưởi, trong lòng nơm nớp lo sợ phát hiện ra ở đấy cái xác của Lăngchiê, bụng bị dao đâm thủng. Khi chị ngước mắt lên phía bên kia bức tường cao màu xám và dài dằng dặc bao bọc thành phố bằng một giải dài vắng ngắt, chị thấy cả một khoảng không mờ mờ, một thứ bụi mặt trời, đã rộn lên tiếng ồn ào ban mai của Pari. Nhưng cuối cùng chị cũng quay về chỗ cửa ô Poatxonie, vươn cổ ra, đăm đăm nhìn, giữa hai cái gác lầu bè bè của sở thuế, dòng người, súc vật, xe cộ, không ngừng từ đồi Môngmác và từ Sapen cuồn cuộn đổ xuống. Ở đấy bò ngựa giậm chân rầm rập, đám đông thình lình chững lại, tràn xuống lòng đường một đoàn thợ dài dằng dặc đi làm, dụng cụ vác vai, bánh mì cắp nách; và cái đám ô hợp ấy cứ ùn ùn, không ngớt chui vào Pari, rồi chìm mất trong ấy. Lúc Giecve tưởng như nhận ra Lăngchiê giữa đám đông đó, chị đánh liều nhô người ra tí nữa, rồi chị lại ấn mạnh thêm chiếc khăn tay trên miệng, như muốn đè sâu nỗi khổ đau của mình xuống.
    Một giọng trẻ trung vui vẻ bỗng làm chị rời khỏi cửa sổ.
    — Ông chủ không có nhà sao, bà Lăngchiê?
    — Không đâu, ông Cupô ạ, - chị vừa đáp lại, vừa cố mỉm cười.
    Đấy là anh thợ thiếc, ở căn buồng con mười frăng, tít trên nóc khách sạn. Anh khoác cái túi đồ nghề trên vai. Thấy chìa khóa ở cửa, lấy tư cách bạn thân, anh bước vào.
    — Bà biết không, anh nói tiếp, bây giờ tôi làm ở đằng kia, chỗ bệnh viện ấy… Chà! trời tháng năm gì mà lạ lùng! Sáng nay, buốt quá.
    Anh vừa nói vừa nhìn gương mặt Giecve đỏ bừng vì nước mắt. Thấy chăn gối vẫn không nhàu nát, anh khẽ gật đầu; đoạn anh bước đến tận chỗ nằm của lũ trẻ vẫn ngủ với những bộ mặt hồng hào của hài đồng và hạ thấp giọng.
    — Thế nào! ông chủ không biết điều, phải không bà? Thôi đừng buồn, bà Lăngchiê ạ. Ông ấy mải lo chuyện chính trị quá; hôm nọ, khi người ta bầu cho Ơgien Xuy[3], hình như cũng là người tốt, ông ấy cứ như người điên. Rất có thể là ông ấy đã thức suốt đêm với bạn bè để kể xấu về cái tên chó chết Bônapac.
    — Không, không. - Giecve cố gắng nói khẽ, - không phải như ông nghĩ đâu. Tôi biết Lăngchiê ở đâu rồi… Chúng tôi cũng có những nỗi buồn khổ như mọi người. Trời ơi!
    Cupô nheo mắt để tỏ rằng mình không bị lời nói dối ấy đánh lừa. Rồi anh ra về, sau khi nhận đi lấy sữa hộ, nếu chị không muốn ra khỏi nhà; chị là một người phụ nữ xinh đẹp, hiền lành, chị có thể tin tưởng ở anh, khi nào chị gặp khó khăn. Cupô vừa ra khỏi, Giecve lại đến đứng bên cửa sổ.
    Ở chỗ cửa ô, bò ngựa vẫn tiếp tục giẫm chân trong cảnh ban mai lạnh lẽo. Người ta nhận ra đám thợ khóa qua bộ áo lao động mầu xanh, lớp thợ nề nhờ những quần trắng, cánh thợ sơn bở những chiếc bành tô để thò áo blu dài ra ngoài. Đám quần chúng này, nhìn xa, đều có một vẻ lòa nhòa như vôi vữa, một sắc chung chung, trong đó nổi lên mầu xanh bạc thếch và mầu xám bẩn thỉu. Thỉnh thoảng một công nhân dừng chân châm lại tẩu, còn xung quanh, các người khác vẫn bước, không một tiếng cười, không một lời trao đổi với bạn, đôi má xạm đen, mắt đăm đăm hướng về phía Pari, cái nơi, qua con đường rộng thênh thang của ngoại ô Poatxonie đang nuốt chửng họ, từng người từng người một. Trong khi ấy, tại hai góc phố Poatxonie, ở cửa nhà hai lão hàng rượu đang nhấc các tấm ván lùa, một số người chậm bước lại; và, trước khi vào, họ đứng trên vỉa hè, mắt nghiêng nghiêng hướng về phía Pari, cánh tay thõng thượt, bị cám dỗ bởi một ngày lang thang vớ vẩn. Trước quầy, có những nhóm đang mời rượu nhau quên cả thì giờ, đứng đó, choán hết các phòng, khạc khạc, ho ho, thông họng bằng cách nhấm nháp từng ly nhỏ.
    Giecve đang theo dõi, phía bên trái con đường, căn phòng của lão Côlông, nơi chị cho là đã nhìn thấy Lăngchiê, bỗng một người đàn bà to béo, đầu trần, đeo tạp dề, đứng giữa lòng đường, gọi chị:
    — Này, bà Lăngchiê, bà dậy sớm thế?
    Giecve cúi xuống.
    — Kìa, bà đấy à, bà Bôsơ! … Ôi! Hôm nay tôi lắm việc quá!
    — Phải, công việc thì có bao giờ mà hết được phải không?
    Thế là diễn ra một cuộc đối thoại giữa cửa sổ và vỉa hè. Bà Bôsơ là người gác cổng cho ngôi nhà có quán ăn Bê hai đầu đặt ở tầng dưới. Nhiều lần Giecve vẫn chờ Lăngchiê trong buồng gác của bà ta, để khỏi phải một mình ngồi chung bàn với tất cả những người đàn ông ăn uống bên cạnh. Bà gác cổng kể là mình phải đến phố Sacbonie, cách đấy mấy bước, tìm một người nhân viên khi anh ta còn chưa dậy, để báo là chồng bà không thể vá hộ chiếc áo đuôi tôm. Tiếp đó, bà ta nói đến một ông thuê nhà đêm qua đi về với một người đàn bà, và không để cho ai ngủ ngáy gì, mãi đến tận ba giờ sáng. Nhưng vừa ba hoa, bà ta vừa dò xét gương mặt của người thiếu phụ, với cái vẻ hết sức tò mò; và hình như bà ta chỉ đến đấy, đứng dưới cửa sổ, để mà biết.
    — Ông Lăngchiê vẫn còn ngủ sao? bà ta hỏi đột ngột.
    — Vâng, anh ấy vẫn ngủ, Giecve đáp, không khỏi đỏ mặt.
    Bà Bôsơ trông thấy chị rưng rưng nước mắt; và chắc là đã mãn nguyện, bà ta vừa bước đi vừa liệt đàn ông là đồ ăn hại, nhưng bà ta bỗng quay lại, nói to:
    — Sáng nay chị cũng ra nhà giặt chứ? … Tôi có ít đồ giặt, tôi sẽ giữ cho chị một chỗ cạnh tôi, rồi chị em ta sẽ nói chuyện.
    Đoạn, như chợt động lòng thương hại:
    — Cô em đáng thương ạ, cô đừng đứng đấy thì hơn, cô sẽ ốm mất.. Cô tái xanh cả người rồi.
    Giecve vẫn ngoan cố đứng ở cửa sổ suốt hai tiếng đồng hồ nữa đến tận tám giờ. Các cửa hiệu đã mở cửa. Giòng áo blu[4] từ các đồi cao đổ xuống đã dứt; và chỉ có dăm ba người đi muộn, dài bước vượt qua cửa ô. Tại mấy quán rượu, vẫn những người đàn ông ban nãy đứng đó, tiếp tục uống uống, ho ho, khạc khạc. Sau thợ đàn ông đến các nữ công nhân, các ả đánh bóng, các chị bán áo mỏng mảnh, nhún nhảy dọc các đại lộ; họ đi từng tốp ba bốn người, chuyện trò râm ran, miệng cười khúc khích, mắt long lanh nhìn xung quanh; từng quãng từng quãng lại có một cô thui thủi, gầy gò, vẻ xanh xao và thùy mị, lần theo bức tường của sở thuế, cố tránh những dòng nước bẩn. Rồi sau đó đến số nhân viên đi qua, phù phù thổi vào bàn tay, vừa đi vừa gặm chiếc bánh mì một xu; một số thanh niên gầy gò, áo ngắn ngủn, mắt díu lại, mờ đi vì buồn ngủ; mấy ông già nhỏ bé lẫm chẫm, mặt mày tái mét, mòn mỏi vì bao tháng năm bàn giấy, nhìn đồng hồ để lượng bước đi cho khỏi chậm vài ba giây. Các đại lộ đã lấy được cái không khí thanh bình ban mai của chúng; mấy người sống về lợi tức tiết kiệm quanh đó đi bách bộ ngoài nắng; các bà mẹ, đầu trần, váy xống bẩn thỉu, ẵm những đứa trẻ sơ sinh, thay tã lót cho chúng trên ghế dài; cả một đám lau nhau mũi dãi, áo quần xốc xếch, xô đẩy nhau, lăn lóc trên đất, giữa những tiếng ríu rít, tiếng cười và tiếng khóc. Lúc ấy, Giecve mới cảm thấy nghẹn ngào, choáng váng lo âu, hết hy vọng; chị thấy hình như tất cả đều hết, rằng thời gian đã hết, rằng Lăngchiê sẽ không bao giờ về nữa. Đôi mắt xa vời, chị nhìn từ những lò mổ cũ đen tối vì chuyện giết hại và mùi thối tha, đến tòa bệnh viện mới, phơi bày, qua những lỗ thủng còn toang hoác của các dẫy cửa sổ những gian phòng trơ trụi, nơi mà Thần Chết từng vung lưỡi hái. Trước mặt chị, phía sau bức tường sở thuế, bầu trời rực rỡ, vừng dương mới mọc cứ to dần trên cảnh bừng dậy rộng lớn của Pari, làm cho chị lóa cả mắt.
    Người thiếu phụ vẫn đang ngồi trên ghế, hai tay buông thõng, không khóc nữa, khi Lăngchiê thản nhiên bước vào.
    — Anh! Anh! – chị reo lên, định lao tới ôm lấy cổ chồng.
    — Ừ, tôi, rồi sao? – hắn đáp – Cô không định giở trò khỉ ra đấy chớ?
    Hắn gạt chị ra. Rồi bằng một cử chỉ cáu kỉnh, hắn lia phắt cái mũ dạ đen lên mặt tủ. Đấy là một thanh niên hăm sáu tuổi, nhỏ người nước da bánh mật, có bộ mặt đẹp trai, với hàng ria mỏng dính mà lúc nào hắn cũng quen tay vân vê. Hắn thường mặc một cái quần làm việc của công nhân, một chiếc áo dài cũ, lem luốc mà hắn bóp sát vào người, và khi nói hắn có một giọng nói đặc vùng Prôvăng[5].
    Giecve lại ngồi phịch xuống ghế, khẽ phàn nàn bằng những câu ngắn.
    — Em không thể nào chợp được mắt… Em cứ nghĩ là người ta đã hại anh… Anh đi đâu thế? Anh ngủ đêm ở đâu? Lạy Chúa anh đừng làm thế nữa, em sẽ điên lên mất… Ôguyxt, anh nói đi, anh đã đi đâu thế?
    — Đi có công có việc chứ, – hắn nhún vai nói. - Lúc tám giờ, tôi tới nhà máy nước đá, nhà cái anh bạn định mở một xưởng làm mũ đó. Tôi ngồi hơi khuya. Nên tôi ngủ luôn ở đó. Hơn nữa, cô nên biết, tôi không ưa người ta rình mò tôi đâu. Cô hãy để cho tôi yên đi!
    Người thiếu phụ lại ngồi thổn thức. Tiếng quát tháo, cử chỉ hùng hổ của Lăngchiê xô ghế xô bàn vừa làm cho lũ trẻ tỉnh giấc. Chúng ngồi cả dậy, mình trần, đưa những bàn tay bé nhỏ lên gạt tóc; nghe tiếng mẹ khóc, chúng kêu thét lên và, mắt nhắm mắt mở, cũng khóc theo.
    — À! nổi nhạc lên rồi đó! Lăngchiê nổi sung hét to – Tao nói trước cho tụi bay biết, tao còn đi nữa. Mà lần này tao đi luôn… Tụi bay không im hả? Thôi được, tao lại quay về cái chỗ đó vậy.
    Hắn đã cầm lấy cái mũ trên tủ. Nhưng Giecve vội lao tới ấp úng:
    — Không, không!
    Và chị vuốt ve con, không cho chúng khóc. Chị hôn lên tóc con, dùng những lời âu yếm dỗ chúng nằm xuống lại. Lũ trẻ dịu ngay, úp mặt lên gối cười khúc khích, đùa với nhau. Trong khi đó, người cha, không bỏ giày, đã nằm vật ra giường, vẻ mệt mỏi, mặt mày hốc hác sau một đêm thức trắng. Hắn không ngủ, cứ mở mắt thô lố nhìn quanh buồng.
    — Nhà cửa sạch thật! hắn nói khẽ.
    Rồi sau khi nhìn Giecve một lúc, hắn độc ác nói tiếp:
    — Cô cũng không thèm rửa mặt nữa sao?
    Giecve mới hăm hai tuổi. Chị cao, hơi mảnh khảnh, với những đường nét thanh tú, đã dài ra vì những đắng cay vất vả của cuộc đời. Đầu tóc rối bời, chân đi dép vải, run rẩy trong chiếc áo ngắn trắng mà bàn ghế đã để lại bụi bặm và vết mỡ, chị có vẻ như già đi hơn mười tuổi vì những giờ phút lo âu khắc khoải và đầy nước mắt chị vừa trải qua. Lời nói của Lăngchiê kéo chị ra khỏi thái độ sợ hãi và nhẫn nhục.
    — Anh như thế là không đúng, chị vừa nói vừa nóng mặt lên. – Anh thừa biết là tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể. Đâu phải lỗi tại tôi nếu chúng mình sa ngã ở đây… Tôi chả mong thấy anh, và hai đứa con, trong một căn nhà mà không có đến một cái lò để đun nước… Lúc đến Pari, là phải lo làm ăn ngay, như anh đã hứa, chứ đâu phải ngồi ăn cho hết tiền hết bạc.
    — Này cô ơi! - Hắn hét lên. Cô đã cùng với tôi gặm hết bạc vàng, bây giờ, cô không nên khạc nhổ vào những miếng ngon chớ!
    Nhưng hình như chị không nghe hắn nói, chị tiếp tục:
    — Thôi hãy can đảm, ta còn có thể thoát được cảnh này… Chiều hôm qua tôi đã gặp bà Fôcôniê, bà chủ hiệu giặt ở phố Mới; đến thứ hai bà ấy sẽ lấy tôi vào làm. Nếu anh cùng làm với ông bạn chỗ nhà máy nước đá, thì không đầy sáu tháng là chúng ta sẽ lại đâu vào đấy, thời gian để chúng ta sắm sửa may mặc và thuê được một cái xó đâu đó, thế là chúng ta sẽ có nhà riêng… Ôi! phải lao động, lao động…
    Lăngchiê ngoảnh nhìn cái ngõ hẻm, ra vẻ chán chường. Giecve liền nổi khùng.
    — Phải, đúng thế, người ta thừa biết là chẳng bao giờ anh thích lao động cả. Anh chỉ chết vì danh vọng, anh cứ muốn ăn mặc như một ông lớn và dắt mấy con đĩ mặc váy lụa đi lượn. Có phải thế không? Anh thấy tôi chẳng còn xinh xẻo gì nữa từ ngày anh bắt tôi cầm hết xống hết áo. Này! Ôguyxt, tôi chẳng muốn nói thôi, tôi còn chờ xem, nhưng tôi đã biết anh ngủ đêm ở đâu; tôi đã thấy anh vào tiệm Grăng Bancông với cái con Ađen thối thây. Hừ! anh khéo chọn đấy! Con ấy chả tốt đẹp lắm mà! Nó lên mặt đài các là phải… Nó đã ngủ với tất cả tiệm ăn.
    Lăngchiê nhảy bổ xuống giường. Hai con mắt của hắn chuyển sang màu đen mực trên khuôn mặt xanh mét và ở con ngươi nhỏ thó đó, cơn giận nổi lên đùng đùng như bão táp.
    — Đúng, đúng, với tất cả tiệm ăn! - Người thiếu phụ nhắc lại. Bà Bôsơ sẽ tống cổ chúng nó ra, nó với con chị cao kều của nó, vì lúc nào cũng có một xâu một xốc đàn ông trong cầu thang.
    Lăngchiê đưa hai nắm tay lên; rồi cố nén cái ý muốn đánh vợ, hắn nắm lấy cánh tay chị, lắc lắc như điên, đẩy chị ngã lên giường lũ trẻ, bọn này lại kêu thét lên. Đoạn hắn nằm xuống lại, vừa lắp bắp, vẻ hùng hổ như người đã quyết, nhưng còn do dự.
    — Cô không biết cái việc cô vừa mới làm đâu, Giecve… Cô đã có lỗi, rồi cô sẽ biết.
    Lũ trẻ khóc nức nở một hồi lâu. Mẹ chúng, ngồi cúi gập bên mép giường, ôm cả hai đứa vào lòng; và chị nhắc đi nhắc lại đến hai mươi lần câu nói sau đây với giọng đều đều:
    — Ôi các con đáng thương của mẹ! Giá đừng có các con! … Giá đừng có các con! … Giá đừng có các con! …
    Nằm dài một cách thản nhiên, hai mắt ngước nhìn lên trần, lên mảnh vải sơn bạc thếch, Lăngchiê không nghe nữa, cứ đắm đuối vào một ý nghĩ cố định. Hắn nằm như thế đến gần một tiếng đồng hồ, không ngủ, mặc dầu mí mắt cứ díu lại vì mệt mỏi. Lúc hắn quay người lại, chống khuỷu tay lên, mặt hầm hầm và cả quyết, thì Giecve đã dọn dẹp xong căn buồng. Chị dọn giường cho lũ con mà chị vừa bế dậy và mặc quần áo cho. Hắn nhìn chị cầm chổi quét, lau bàn ghế; căn phòng vẫn đen tối, thảm hại, và trần nhà ám khói, giấy dán đã bong vì ẩm thấp, ba cái ghế tựa và và tủ ngăn kéo khập khiễng, mà khăn lau có động vào ghét bẩn cũng vẫn nằm lì và loang rộng ra. Rồi, trong lúc chị rửa mặt, sau khi đã kẹp lại tóc, trước chiếc gương tròn con tí, treo ở móc, mà hắn vẫn soi để cạo râu, hắn có vẻ như ngắm nghĩa đôi tay trần, cái cổ trần tất cả những chỗ chị để hở ra, như đang có so sánh trong đầu óc. Và hắn bĩu môi. Giecve vốn khập khiễng bên chân phải; nhưng điểm đó người ta chỉ nhìn thấy những hôm mệt nhọc, khi chị chán chường, hông mỏi như dần. Sáng hôm ấy, rời rã vì thức đêm, chị kéo lê chân, vịn vào vách tường.
    Trong nhà im phăng phắc, hai bên không nói lời nào với nhau nữa. Hắn như chờ đợi, Giecve thì vội vàng, tuy căm tức mà vẫn cố làm ra vẻ thờ ơ. Cuối cùng, thấy chị bó thành một bó số quần áo bẩn vứt trong xó, sau cái hòm, Lăngchiê liền mở miệng, hỏi:
    — Cô làm gì thế? … Cô đi đâu?
    Mới đầu chị không đáp. Sau đó, khi Lăngchiê hùng hổ nhắc lại câu hỏi, chị mới quyết định.
    — Có lẽ anh cũng thấy rõ chứ… Tôi đi giặt tất cả chỗ này. Lũ trẻ không thể sống trong bùn đất được.
    Hắn để cho chị nhặt hai ba chiếc khăn tay. Lại im lặng một lúc nữa, rồi hắn nói tiếp:
    — Cô có tiền không?
    Nghe thấy, chị đứng thẳng người lên, nhìn vào mặt hắn, tay vẫn không buông những chiếc sơ mi của lũ trẻ.
    — Tiền! anh muốn tôi ăn cắp ở đâu ra tiền? … Anh biết rõ là hôm kia với cái váy đen, tôi có được ba frăng. Số tiền đó, chúng ta đã ăn trưa hai bữa, và mua thịt hết nhẵn… Không, chắc chắn là tôi không có tiền. Tôi còn bốn xu để trả tiền nhà giặt… Tôi đâu có kiếm được như một số đàn bà nào đó!
    Hắn không để ý đến câu nói móc đó. Hắn nhảy xuống giường, lướt mắt qua mấy manh áo rách lủng lẳng quanh buồng. Cuối cùng hắn lấy cái quần và chiếc khăn san trên móc xuống, mở tủ ra, thêm vào gói đồ một chiếc áo ngắn và hai sơ mi đàn bà; đoạn vứt tất cả lên cánh tay Giecve.
    — Đó, đưa chỗ đó đi cầm.
    — Anh không muốn tôi đem cả lũ trẻ đi luôn chứ? chị hỏi. Hừ! Giá người ta cho cầm cả trẻ con thì thật là một cách thoát nợ tuyệt vời!
    Tuy vậy, chị vẫn đi đến hiệu cầm đồ. Lúc chị quay về, sau nửa giờ, chị vừa đặt đồng một trăm xu lên lò sưởi vừa để tờ biên lai vào với các tờ khác, giữa hai cây nến.
    — Đấy, họ cho tôi có thế, chị nói. Tôi đòi sáu frăng, nhưng không được. Ôi! Chúng nó có phá sản đâu… Với lại ở đấy lúc nào cũng đông như hội!
    Lăngchiê không cầm ngay đồng một trăm xu, hắn muốn chị đổi ra tiền lẻ, để lại cho hắn một ít. Nhưng hắn quyết định nhét cả vào túi áo gilê, khi thấy trên tủ còn ít giăm bông gói trong tờ giấy, với một mẩu bánh mì.
    — Tôi không đến bà hàng sữa, vì mình còn nợ bà ta tám ngày. - Giecve giải thích. - Nhưng tôi sẽ về sớm, anh đi xuống mua bánh với sườn nướng, trong lúc tôi đi vắng, và chúng ta sẽ ăn trưa… Anh mua luôn cả một lít rượu vang nữa.
    Hắn không nói gì cả. Hinh như thể là giải hòa. Người thiếu phụ đã gói xong mớ quần áo bẩn. Nhưng khi chị định lấy số sơ mi và bít tất của Lăngchiê ở đáy hòm, hắn liền quát bảo chị để chỗ ấy lại.
    — Để quần áo tôi lại đó, cô nghe không! Tôi không muốn!
    — Anh không muốn cái gì? - Chị vừa hỏi vừa thẳng người lên. - Chắc hẳn anh không định mặc lại cái của hôi thối này chứ? Cần phải giặt đi chứ?
    Và chị lo lắng nhìn kỹ hắn, thấy trên khôn mặt đẹp trai của hắn vẫn còn cái vẻ hằm hằm, như từ nay không gì có thể làm hắn thay đổi. Hắn giận dữ, giật khỏi tay chị số quần áo và vứt lại vào hòm.
    — Trời đất ơi! cô nghe lời giùm tôi một lần đi! Tôi nói với cô là tôi không muốn mà!
    — Nhưng tại sao? Chị tái cả mặt, nói tiếp, thoáng có một nghi ngờ khủng khiếp. Bây giờ anh lại không cần đến sơ mi, anh không định bỏ đi chứ… Tại sao anh lại không để tôi mang đi?
    Hắn do dự một lúc, khó chịu vì đôi mắt rực lửa của chị nhìn xói vào hắn.
    — Tại sao? Tại sao? hắn ấp úng… Trời ơi! Cô đi rêu rao khắp nơi là cô nuôi tôi, rằng cô giặt, cô may, cô vá. Vậy đó, tôi bực mình vì vậy đó? Cô cứ làm việc của cô, tôi sẽ làm việc của tôi… Các cô thợ giặt không lao động cho chó mà.
    Chị van xin hắn, thanh minh là chị không hề kêu ca; nhưng hắn tàn nhẫn đóng sập hòm lại, ngồi lên trên, quát: Không! vào mặt chị. Đúng, hắn là chủ nhân những gì của hắn! Rồi, để tránh khỏi cặp mắt của chị đuổi theo, hắn quay lại nằm dài trên giường, vừa nói rằng hắn buồn ngủ lắm, và chị đừng có làm hắn đau đầu thêm nữa. Lần này, đúng, hắn có vẻ như ngủ thật.
    Giecve đứng do dự một hồi lâu. Chị đã định lấy chân đẩy bó quần áo ra, ngồi đấy, để may. Hơi thở đều đều của Lăngchiê cuối cùng làm cho chị yên tâm, chị liền cầm lấy viên lơ và miếng xà phòng lần giặt trước còn lại; và, đến gần lũ trẻ đang bình thản chơi với những cái nút chai cũ, trước cửa sổ, chị vừa hôn chúng vừa nói khẽ với chúng.
    — Các con phải thật ngoan, đừng có làm ầm ĩ. Bố ngủ đấy.
    Lúc chị rời khỏi căn phòng, chỉ có tiếng cười khe khẽ của Clốt và Êchiên rúc rích trong cảnh vắng lặng như tờ, dưới mái trần đen. Lúc ấy là mười giờ. Một tia nắng xuyên qua cái cửa sổ mở hé.
    Trên đại lộ, Giecve rẽ sang trái và đi theo phố Gutơđa Mới. Qua trước hiệu của bà Fôconiê, chị khẽ gật đầu chào. Nhà giặt công cộng ở quãng giữa phố, chỗ đường bắt đầu dốc lên. Bên trên một chỗ mặt bằng xây gạch, ba thùng nước rất to, những đường ống bằng thiếc bắt bu loong chắc, phô cái mình tròn màu xám; còn phía sau là chỗ phơi, một cái gác hai rất cao, bốn phía quây kín bằng cửa lá sách mỏng, để gió trời lùa qua đó và cho thấy những quần áo phơi trên giây đồng. Bên phải các thùng chứa nước, đường ống nhỏ của cái máy hơi nước thở phì phì đều đặn, phun ra những tia khói trắng. Giecve không xắn váy, kiểu phụ nữ đã quen với bùn lầy nước vũng, đi qua dưới cái cổng ngổn ngang những vại nước giặt. Chị đã biết bà chủ nhà giặt, một phụ nữ nhỏ nhắn, mảnh khảnh, mắt kèm nhèm, ngồi trong một cái buồng con quây kính, với mấy quyển sổ trước mặt, dăm bánh xà phòng trên kệ, ít lơ viên trong hũ, ít thuốc tẩy gói thành cân. Lúc đi qua, chị hỏi lấy cái chày đập và cái bàn chải mà chị nhờ giữ hộ lần giặt vừa qua. Rồi, sau khi lấy số, chị đi vào trong.
    Đấy là một căn nhà trống trải, trần thấp, trông thấy cả sà gỗ, đặt trên những cột chống bằng gang, xung quanh có cửa sổ rộng sáng. Một thứ ánh sáng tù mù tự do ùa qua lớp hơi nước nóng lơ lửng như một lớp sương trắng đục. Khói bốc từ một vài xó xỉnh, tỏa rộng ra, dìm các chỗ phía sau trong một màu xanh nhạt. Một không khí ẩm ướt, nặng nề, là là, đượm mùi xà phòng, một thứ mùi nhàn nhạt, dinh dính, dai dẳng; và chốc chốc những luồng hơi nước tẩy mạnh hơn lại sực lên. Dọc các bàn giặt, hai bên lối đi chính, phụ nữ đứng thành hàng, cánh tay trần đến tận vai, cổ trần, váy xắn cao để lộ những chiếc bít tất màu và những chiếc giày gộc buộc giây. Họ đang đập như điên, cười đùa, ngửa người ra để hét lên một tiếng trong cảnh ồn ào, cúi vào đáy chậu, tục tĩu, thô bạo, ưỡn ẹo, ướt đẫm như gặp mưa rào, da thịt đỏ ửng và bốc hơi. Xung quanh họ, dưới chân họ, nước chảy như suối, những xô nước nóng xách đi xách lại và trút đổ ào ào, những vòi nước lạnh mở to, chảy ồ ồ trên cao xuống, nước từ chày đập bắn tóe tứ tung, từ quần áo giũ rồi giỏ xuống, những vũng nước trong đó họ lội bì bõm chảy thành suối nhỏ trên nền gạch dốc. Giữa tiếng kêu réo, tiếng đập nhịp nhàng, tiếng rì rào như mưa, tiếng ầm ầm như bão nghẹt dưới trần nhà ướt nước, cái máy hơi nước, nằm ở bên phải, trắng xóa một lớp sương bay, đang không ngừng hồng hộc và phì phò, với tiếng xình xịch nhảy nhót của cái bánh đá có vẻ như điều hòa cái cảnh ồn ào rộng lớn đó.
    Trong khi ấy, Giecve cứ thủng thỉnh lần theo lối đi, mắt nhìn sang phải sang trái. Chị ôm bó quần áo trên tay, hông nhô cao, chân càng khập khiễng, trong cảnh đi lại của các bà đến giặt, thỉnh thoảng lại xô vào chị.
    — Này! Lại đây cô em! giọng nói oang oang của bà Bôsơ vang lên.
    Rồi, khi người thiếu phụ đã đến đứng bên trái, ở đầu dẫy, bà gác cổng đang vò rối rít một chiếc bít tất, liền bắt đầu nói bằng những câu ngắn, nhưng vẫn không ngừng công việc của mình.
    — Cô đứng đấy, tôi đã giữ chỗ cho cô đấy. Chà! tôi sắp xong rồi đấy. Bôsơ gần như không làm bẩn quần áo… Còn cô, cũng không lâu lắm chứ? Bó của cô bé tẹo ấy mà. Chỉ gần trưa là chúng ta xong thôi, và ta có thể về ăn trưa… Tôi vẫn đưa quần áo cho một mụ thợ giặt ở phố Pulê; nhưng mụ ta làm rách hết của tôi, vì thuốc tẩy và bàn chải của mụ. Thế là tôi giặt lấy. Tiện lợi đủ điều. Chỉ mất ít tiền xà phòng… Này, chỗ sơ mi đó lẽ ra cô đã phải vứt đi. Cái lũ trẻ ranh ấy, nói thật chứ chúng nó như có bồ hóng sau hông.
    Giecve mở gói quần áo, trải số sơ mi trẻ con ra; và khi bà Bôsơ khuyên chị mua một xô nước tẩy, chị đáp:
    — Ồ! không, nước nóng là đủ… Tôi đã quen rồi.
    Chị đã chọn chỗ quần áo, để riêng ra mấy chiếc đồ màu. Rồi, sau khi đổ bốn xô nước lạnh, lấy ở vòi phía sau vào đầy chậu, chị nhúng đống quần áo trắng vào: xắn vấy lên, kéo vào giữa đùi, chị bước vào đứng ở một ô cao đến bụng.
    — Cô quen rồi à? bà Bôsơ nhắc lại, ở quê cô, cô cũng làm thợ giặt, phải không, cô em?
    Giecve, tay áo xắn cao, để lộ đôi cánh tay xinh đẹp, rám nắng, còn trẻ khỏe, chỉ hơi đỏ hồng ở khuỷu, bắt đầu vò quần áo cho sạch. Chị vừa trải một chiếc sơ mi lên tấm ván hẹp của bàn giặt, đã bị nước ăn mòn làm cho trắng bợt; chị xát xà phòng, lật áo lại, xát mặt kia.
    Trước khi trả lời, chị nắm lấy cái chày, vừa bắt đầu đập vừa nói thật to, chấm câu bằng những chày thật mạnh và nhịp nhàng .
    — Vâng, vâng, thợ giặt… Dạo lên mười… Cách đây mười hai năm… Chúng tôi vẫn đi ra sông… Dễ chịu hơn ở đây… Có một góc dưới bóng cây, thích lắm… nước trong chảy xiết… Bà biết không, ở Platxăng[6]... Chắc bà không biết Platxăng?… gần Macxây ấy mà?
    — Ái chà chà! – Bà Bôsơ thốt lên, ngạc nhiên về sức mạnh của những tiếng chày. – Cô này khỏe thật! Với đôi cánh tay tiểu thư nhỏ bé, cô có thể đập bẹp cả sắt.
    Cuộc nói chuyện lại tiếp tục rất to. Bà gác cổng đôi khi buộc phải cúi cúi vì không nghe rõ. Tất cả chỗ quần áo đã được đập xong, và đập rất khỏe! Giecve lại dìm chúng vào chậu, rồi lấy ra từng chiếc để vò xà phòng một lần nữa và chải. Một tay chị giữ chặt quần áo trên bàn giặt, tay kia, với cái bàn chải cỏ ống, chị trải từ quần áo ra một lớp bọt bẩn, lõng thõng chảy dài xuống. Lúc này, giữa tiếng bàn chải nhè nhẹ, hai người xích lại gần nhau, trò chuyện một cách thân mật hơn.
    — Không, chúng tôi chẳng cưới xin gì cả. – Giecve nói tiếp. – Điều dó, tôi chả cần giấu giếm. Lăngchiê có phải tử tế gì đâu để người ta ước ao được làm vợ anh ấy. Nếu không có lũ con thì cứ là!… Tôi mới mười bốn, anh ấy mười tám, hồi chúng tôi được đứa con đầu lòng. Đứa kia bốn năm sau mới sinh… Bà biết đấy, sự việc xảy ra đúng như thường tình vẫn xảy ra. Ở nhà, tôi có được sung sướng gì đâu; ông bố Maca của tôi hay dở thế nào cũng cứ nhè hông tôi mà đá. Vì thế, thú thật, tôi mới nghĩ đến chuyện vui thú bên ngoài… Lẽ ra người ta phải tổ chức cho chúng tôi, nhưng tôi cũng chẳng hiểu nữa, bố mẹ chúng tôi không muốn.
    Chị rẩy rẩy hai bàn tay đỏ ửng dưới lớp bọt trắng.
    — Nước ở Pari xót quá, – chị nói.
    Lúc này bà Bôsơ chỉ vò một cách ẻo lả. Bà dừng tay kéo dài việc vò xà phòng, để đứng đấy, hiểu cho rõ câu chuyện đã dằn vặt tính tò mò của bà, từ mười lăm hôm nay. Trên bộ mặt phền phệt của bà ta, cái mồm hé mở, đôi mắt thô lố sáng ra. Bà ngẫm nghĩ, thỏa mãn là mình đã đoán không sai.
    — Đúng, con bé hay chuyện quá. Có cãi nhau rồi,
    Đoạn bà ta nói to:
    — Thế ra anh ấy không tốt a?
    — Bà đừng nói thế! – Giecve đáp, – trước kia, hồi còn ở đấy, đối với tôi, anh ấy rất tốt; nhưng từ ngày chúng tôi lên Pan, tôi không thể nào chịu nổi nữa… Phải nói để bà biết là mẹ anh ấy mất hồi năm ngoái, cũng có để lại cho anh ấy chút ít, ngót một nghìn bảy trăm frăng. Anh ấy muốn đi Pari. Lúc ấy, vì ông bố Maca của tôi lúc nào cũng đánh cũng tát, nên tôi thuận đi với anh ấy; chúng tôi ra đi với hai mụn con. Anh ấy phải thu xếp cho tôi làm thợ giặt, còn anh ây làm nghề thợ mũ. Lẽ ra chúng tôi sung sướng lắm mới phải… Nhưng bà thấy đấy, Lăngchiê là kẻ háo danh, một tay ăn tiêu hoang toàng, một người chỉ nghĩ đến chuyện chơi bời. Tóm lại, anh ấy chả ra gì,.. Vậy là chúng tôi đến khách sạn Môngmác, phố Môngmác. Thôi thì chè chén, ngựa xe, xem hát, anh lấy một cái đồng hồ, tôi một chiếc áo lụa; vì anh ấy không phải là người bẩn bụng, khi có tiền. Bà hiểu đấy, khét tiếng một dạo đến nỗi sau hai tháng chúng tôi hoàn toàn trắng tay. Chính vào lúc ấy chúng tôi đến khách sạn Bôngcơ, và thế là bắt đầu cái cuộc đời chết tiệt…
    Chị dừng lại, đột nhiên cảm thấy nghẹn ngào ở cuống họng, cô nuốt nước mắt. Chị đã chải xong quần áo…
    — Tôi phải đi lấy nước nóng đây, – chị nói khẽ.
    Nhưng bà Bôsơ, rất bực mình vì câu chuyện tâm sự bị bỏ giở liền gọi chú lao công nhà giặt đang đi qua.
    — Saclơ, cháu ngoan nhé, cháu chạy lấy cho bà một xô nước nóng, bà đang vội.
    Chú lao công cầm xô đi và xách về đầy xô nước. Giecve trả tiền, một xu một xô. Chị đổ nước sôi vào chậu, vò chỗ quần áo lần cuối cùng, cúi gập người trên bàn giặt, giữa một lớp hơi nước cứ quyện những giải khói xám vào mái tóc hoe vàng của chị.
    — Này, cô cho thuốc tẩy vào chứ, tôi có đây, – bà gác cổng nói rất niềm nở.
    Và bà ta dốc cả vào chậu Giecve chỗ còn lại trong túi xút mà bà đã đem đến. Bà cũng bảo chị lấy cả nước giaven, nhưng người thiếu phụ từ chối; thứ ấy chỉ dùng khi nào bị những vết mỡ và những vết rượu vang thôi.
    — Tôi cho là anh ấy có hơi trai lơ, – bà Bôsơ nói tiếp, quay lại chuyện Lăngchiê mà không gọi đến tên của hắn.
    Giecve cúi gập, hai tay dìm ngập và co quắp trong mớ quần áo, chỉ gật gật đầu.
    — Đúng, đúng, – bà kia nói tiếp, – tôi nhận thấy có nhiều chuyện lặt vặt…
    Nhung bà ta vội chữa lại, trước cử chỉ đột ngột của Giecve, chị thẳng người lên – tái mét, nhìn thẳng vào bà ta.
    — Nhưng mà không, tôi không biết gì cả!… Tôi nghĩ là anh ấy thích vui thích cười, có thế thôi… Chẳng hạn như hai ả ở chỗ của cô, Aden và Viêcgini, cô biết họ đấy, anh ấy cười đùa với họ, và không đi xa hơn nữa dâu, tôi chắc chắn là thế.
    Người thiếu phụ đứng thẳng trước bà ta, mặt nhễ nhại mồ hôi, hai cánh tay nước ròng ròng, vẫn nhìn bà ta bằng cặp mắt chằm chằm và sâu sắc. Thế là bà gác cổng giận dỗi, tự đấm vào ngực, lấy danh dự ra thề to:
    — Tôi không biết gì cả mà, tôi đã nói thế với cô!
    Đoạn, trấn tĩnh lại, bà ta tiếp thêm bằng một giọng ngọt ngào như khi nói vói một người mà chân lý chẳng đáng gì hết.
    — Tôi thì tôi thấy anh ấy có đôi mắt ngay thẳng. Anh ấy thế nào cũng sẽ cưới cô làm vợ, cô em ạ, tôi cam đoan với cô thế!
    Giecve đưa bàn tay ướt lên lau trán. Đoạn chị vừa lấy trong nước ra một chiếc quần áo khác, vừa gật gật đầu lần nữa. Cả hai cùng lặng im hồi lâu. Xung quanh họ, nhà giặt đã yên tĩnh. Đồng hồ điểm mười một giờ.
    Một nửa số ngươi giặt, ngồi một chân bên mép chậu, với một chai rượu vang mở nút để ở chân, đang ăn bánh mì kẹp xúc xích. Chỉ có những bà nội trợ đến đây để giặt những bó quần áo nho nhỏ là vội vã, vừa nhìn cái đồng hồ treo bên trên bàn giấy. Một ít tiếng chày còn vỗ, cách quãng, giữa những tiếng cười rúc rích, những câu đối thoại dấp dính trong tiếng nhai nhồm nhoàm; cồn cái máy hoi nước, vẫn đều đều, không nghỉ không ngừng, dường như cất cao giọng, run run, phì phì, vang khắp căn phòng rộng lớn. Nhưng không bà nào nghe thấy nó, cứ như đấy là tiếng thở của chính nhà giặt, một hơi thở nóng hổi dồn lại, dưới những thanh gỗ của trần nhà, lóp hơi vĩnh viễn đang lơ lửng. Cái nóng trở nên ngột ngạt, không chịu nổi: những tia mặt trời xuyên vào bên trái, qua các cửa sổ trên cao, làm sáng những lớp hơi mù mịt, óng ánh một màu xám hồng và một màu xám xanh rất dịu. Vì có nhiều người kêu quá, chú Saclơ liền đi từ cửa sổ nọ qua cửa sổ kia, kéo những tấm màn vải thô lên; tiếp đó chú qua phía bên kia, phía bóng tối, và mở các của thông gió. Người ta vỗ tay, hoan hô chú; không khí vui nhộn hẳn lên. Chẳng mấy lúc những chày đập cuối cùng cũng im nốt. Các bà thợ giặt, mồm lúng búng, chỉ con ra hiệu bằng những con dao mở sẵn cầm ở tay. Không khí yên tĩnh đến nỗi nghe rõ đều đều, ở tít đằng cuối, tiếng xẻng xoen xoẹt của người đốt lò, xúc than bùn hắt vào trong hầm lò máy.
    Trong khi ấy, Giecve vò số quần áo màu trong nước nóng, lầy nhầy xà phòng, mà chị còn để dành. Giặt xong, chị kéo một cái ghế gỗ lại, vắt tất cả số quần áo lên, chúng giỏ xuống đất những vũng nước xanh xanh. Chị bắt đầu giũ. Sau lưng chị, vòi nước lạnh chảy vào một cái chậu rộng, gắn chặt trên mặt đất và có hai thanh gỗ bắc ngang để đỡ quần áo. Bên trên, trên không, lại có hai thanh gỗ khác, để quần áo giỏ cho hết nước.
    — Thế là sắp xong rồi, không có gì là khó khăn, – bà Bôsơ nói – Tôi ở lại giúp cô vắt tất cả chỗ này,
    — Ồ, không cần, xin đa tạ bà, – người thiếu phụ đáp, vói hai nắm tay, chị nhấn chìm và đưa qua đưa lại số quần áo màu trong chậu nước trong. – Nếu có khăn trải giường thì tôi không dám từ chối.
    Tuy thế chị vẫn phải nhận sự giúp đỡ của bà gác cổng. Đang cùng vắt mỗi người một đầu, một chiếc váy, một thứ hàng len mỏng màu hạt dẻ bềnh bệch, nuớc ra vàng vàng, thì bà Bôsơ bỗng thốt lên:
    — Kìa, con Viêcgini cao kều!… Với bốn mảnh giẻ rách trong chiếc khăn tay thế kia thì, cái con ấy, nó đến giặt gì ở đây nhỉ?
    Giecve ngẩng phắt đầu lên. Viêcgini là một cô ả trạc tuổi chị, to cao hơn, tóc nâu, xinh xẻo, tuy khuôn mặt có hơi dài. Ả mặc một chiếc áo đen cũ có tua bay phấp phới, một sợi ruy băng đỏ vòng quanh cổ; lại chải chuốt cẩn thận, búi tóc quấn trong chiếc lưới kim tuyến viền chung quanh. Đứng giữa lối đi chính, cô ả nheo mắt một hồi lâu như có vẻ tìm kiếm; rồi, sau khi nhìn thấy Giecve, ả liền đi qua gần bên chị, người cứng đơ như cây củi, xấc xược, ưỡn ẹo hai bên hông và đứng vào cùng dẫy, cách năm bệ giặt.
    — Đúng là cái đồ õng ẹo! – Bà Bôsơ, thấp giọng hơn,nói tiếp. – Không bao giờ nó vò lấy một đôi tay áo… Ôi! Đồ thối thây, cam đoan với cô là như thế! Khâu đầm mà đến giày mình cũng không bao giờ mó đến! Đúng như con em nó làm nghề đánh bóng, cái con Ađen mất dạy, cứ ba ngày lại bỏ xưởng đến hai. Chẳng có bố mà cũng chẳng có mẹ rõ ràng, chẳng biết sống bằng gì, và nếu người ta muốn nói… Nó vò cái gì thế nhỉ? Hừ, váy trong chăng? Hẳn là tởm lắm, cái váy trong ấy, chắc nó đã phải nhìn thấy lắm thứ quí lắm đấy!
    Tất nhiên, bà Bôsơ muốn làm vui lòng Giecve. Sự thực thì bà ta vẫn thường uống cà phê với Aden và Viêcgini, khi mấy ả này có tiền. Giecve không đáp lại, cứ hối hả giặt, hai tay run run. Chị vừa pha lơ trong một cái chậu con ba chân. Chị nhúng số quần áo trắng của chị vào, khoắng khoắng một lúc trong lớp nước màu, lóng lánh như có tí son; và sau khi vắt nhè nhẹ, chị giăng chúng lên các thanh gỗ, bên trên. Suốt thời gian làm việc đó, chị giả vơ ngoảnh lưng lại Viêcgini. Nhung chị vẫn nghe có tiếng cười chế giễu, chị cảm thấy ả kia hay nguýt chị. Dường như Viêcgini chỉ đến đây để khiêu khích chị. Một lúc sau, Giecve ngoảnh lại, hai bên nhìn nhau chằm chằm.
    — Thôi đi nhé, – bà Bôsơ nói khẽ. – Hai cô lại định túm tóc nhau đấy… Tôi đã bảo là không có gì cả kia mà! Không phải cô ấy đâu!
    Đúng lúc ấy, người thiếu phụ đang phơi chiếc áo cuối cùng, thì có tiếng cười ở cổng nhà giặt,
    — Có hai đứa bé đòi gặp mẹ! – Saclơ nói to.
    Tất cả các bà đều nhô người, Giecve nhận ra Clốt và Êchiên. Vừa nhìn thấy chị, chúng chạy ngay đến, qua các vũng nước, dẫm gót giày tụt giây bành bạch lên nền gạch. Clốt, thằng anh, đưa tay cho em nắm. Khi chúng chạy qua, các bà thợ giặt đều âu yếm gọi, vì thấy chúng hơi có vẻ sợ hãi, tuy vẫn tươi vui. Chúng cứ đứng trước mặt mẹ, không buông nhau, ngẩng cao mái tóc vang hoe.
    — Bố sai con đến à? – Gìecve hỏi.
    Nhưng khí cúi xuống để buộc lại giây giày cho Êchiên, chị thấy ở một ngón tay thằng Clốt, đung đưa chiếc chìa khóa buồng với miếng đồng mang số.
    — Kìa, con lại cầm chìa khóa cho mẹ! – Chị nói, rất ngạc nhiên. – Sao thế?
    Thằng bé trông thấy chìa khóa mà nó đã quên khuấy mất ở ngón tay, như nhớ ra, và gắt to vói giọng nói trong trẻo.
    — Bố đi rồi!
    — Bố đi mua thức ăn trưa đấy, bố bảo các con đến tìm mẹ ở đây sao?
    Clốt nhìn em do dự, không biết nên thế nào nữa. Đoạn nó lại nói tiếp một mạch:
    — Bố đi rồi… Bố nhảy xuống giường, bố bỏ tất cả đồ đạc của bố vào hòm, bố bê hòm xuống bỏ lên một cái xe. Bố đi rồi.
    Giecve, đang ngồi xổm, thong thả đứng lên, mặt tái nhợt, đưa hai tay lên má và thái dương, tưởng như chị đang nghe đầu mình vỡ ra. Chị chỉ còn biết nhắc đi nhắc lại đều đều một giọng đến hai mươi lần có mỗi một câu:
    — Ôi! Trời ơi!… Ôi! Trời ơi!… Ôi! Trời ơi!…
    Trong khi ấy, đến phiên bà Bôsơ hỏi thằng bé, bà ta nóng ruột nóng gan muốn nắm cho được câu chuyện.
    — Nào, cháu của bác, phải nói cho rõ ràng chứ… Chính bố đóng cửa và bảo cháu đưa chìa khóa đến, phải không?
    Và, hạ thấp giọng, bà ta nói vào tai Clốt:
    — Trong xe có bà nào không?
    Thằng bé lại lúng túng. Nó lại bắt đầu câu chuyện của nó, với một vẻ vênh váo:
    — Bố nhảy xuống giường, bố bỏ tất cả đổ đạc của bố vào hòm, bố đi rồi.
    Nói xong, vì bà Bôsơ buông cho nó đi, nó liền kéo em nó đến trước vòi nước, cả hai đùa nghịch vặn cho nước chảy.
    Giecve không thể nào khóc được, chị nghẹn ngào, hông tì vào chậu giặt, hai tay vẫn ôm lấy mặt. Chị run lên khe khẽ. Chốc chốc lại có tiếng thở dài, trong khi chị ấn mạnh thêm nắm tay lên mắt như để tan biến vào chỗ đen tối của cảnh bị ruồng rẫy, Đây là một cái hố đen tối mịt mù mà hình như chị đang rơi xuống đáy,
    — Thôi, em ạ, cần quái gì! – bà Bôsơ nói nhò nhẹ.
    — Giá mà bà biết! Giá mà bà biết! – Cuối cùng chị nói thật khẽ. – Sáng nay anh ấy bảo tôi đi cầm khăn quàng và áo lót để trả tiền chiếc xe ấy dấy…
    Rồi chị khóc. Chuyện đi đến hiệu cầm đồ, cụ thể hóa một sự việc buổi sáng, đã làm cho chị phải bật lên những tiếng thổn thức nghẹn ngào trong họng.
    Chuyến đi đó là một sự nhục nhã, là nỗi niềm chua xót lẫn trong thất vọng của chị. Nước mắt ròng ròng trên cằm, hai bàn tay chị đã làm ướt nó, chị cũng không nghĩ đến việc rút khăn tay ra.
    — Cô hãy biết điều; cô nên nín đi, người ta đang nhìn cô đấy, – bà Bôsơ lăng xăng bên chị nhắc đi nhắc lại, – lẽ nào lại tự làm cho mình đau khổ đến thế vì một người đàn ông!… Thế ra cô vẫn yêu anh ta, phải không cô em yêu quý dáng thương? Ban nãy thì cô tức tối với anh ta. Thế mà bây giờ cô lại khóc lóc, lại đứt ruột đứt gan vì anh ta… Lạy Chúa tôi, sao mà chúng ta ngu ngốc thế!
    Đoạn bà ta tỏ ra âu yếm.
    — Một người đàn bà bé bỏng xinh đẹp như cô! Ai lại nỡ!… Bây giờ thì có thể kể hết cho cô nghe rồi chứ? Thế này nhé, cô còn nhớ, lúc đi qua dưới cửa sổ nhà cô, tôi đã ngờ ngợ… Cô hãy tưởng tượng đêm qua, lúc con Aden về, tôi nghe tiếng chân đàn ông với tiêng chân của nó. Thế là, muốn biết cho rõ, tôi cố nhìn vào cầu thang. Anh chàng đã lên đến tầng hai, nhưng tôi nhận ngay ra cái áo đuôi tôm của ông Lăngchiê. Sáng nay, Bôsơ đứng rình, đã nhận thấy anh chàng thản nhiên đi xuống… với con Ađen, có nghe không. Hiện nay con Viêcgini có một lão, mỗi tuần nó đến nhà lão hai lần. Có điều, dù sao, thì cũng chẳng sạch sẽ gì, vì chúng nó chỉ có mỗi một phòng và một giường, tôi cũng không rõ con Viêcgini có thể nằm vào cái chỗ nào nữa.
    Bà ta lặng im một lúc, quay lại, rồi vẫn cái giọng ồm ồm nghèn nghẹn.
    — Cái con vô lương tâm ấy, thấy cô khóc là nó cười cô đấy. Tôi cam đoan rằng việc nó đến giặt chỉ là chuyện vờ vĩnh thôi!,.. Nó đã chặn hai đứa kia lại, và đến đây để rồi kể cho chúng nghe chuyện cô điên đầu ra sao.
    Giecve bỏ tay ra nhìn. Thấy Viêcgini đứng trước mặt, giữa ba bốn người phụ nữ, vừa thì thầm, vừa chăm chăm nhìn mình, chị giận điên lên. Hai tay đưa ra phía trước, tìm tìm ở đất, chị xoay mình, tay chân run bần bật, bước mấy bước, gặp một cái xô đầy, liền hai tay chụp lấy, hất thật mạnh.
    — Đồ con đĩ! – Ả Viêcgini cao kều hét lên.
    Ả nhảy lùi lại một bước, chỉ ướt mất đôi giày, Trong khi ấy, nhà giặt, rối lên từ nãy vì những giòng nuớc mắt của người thiếu phụ, cứ xô đẩy nhau để xem cuộc ẩu đả. Một số bà đã ăn xong, đứng lên chậu giặt. Một số khác chạy đến, hai tay đầy xà phong. Một vòng tròn hình thành.
    — À! Con đĩ! – Ả Viêcgini cao kều nhắc lại. – Cái con rồ này nó làm sao thế?
    Giecve dừng lại, dướn cái cằm ra, mặt hầm hầm không đáp, vì chưa quen đối đáp kiểu Pari. A kia lại tiếp tục:
    — Này! Mày bụi đời ở tỉnh lẻ chán rồi, mới chưa đầy mười hai tuổi may đã làm đệm cho lính tẩy nằm, rồi mày bỏ một chân lại ở quê làng… Cái chân đó đã mục ruỗng ra rồi…
    Tiếng cười lan ra. Thấy thắng thế, Viêcgini bước đến hai bước, thẳng cái thân hình cao lêu nghêu lên càng gào to:
    — Nào! Cứ bước tới một tí xem, để tao cho mày sáng mắt ra! Mày phải biết, đừng có mà đến đây làm rầy chúng tao… Tôi, tôi có quen biết cái con đĩ rạc đó đâu! Nó mà động vào tôi ấy à, là tôi tốc váy nó lên cho bà con xem, Tôi đã làm gì nó, nó thử nói nghe xem nào… Nói đi, đồ thối thây kia, tao dã làm gì mày?
    — Đừng có lắm mồm thế – Giecve ấp úng – Chị thừa biết… Tối hôm qua, có kẻ đã thấy chồng tôi.. Chị hãy im di, không có tôi bóp cổ chị đấy, chắc chắn như vậy.
    — Chồng nó! Ha ha! Cái con ấy nó mới quý hóa chứ!… Ông chồng của bà lớn! Làm như cái của ấy mà cũng có được chồng. Có phải lỗi tại tao đâu, nếu anh ta bỏ rơi mày. Tao không ăn trộm anh ta của mày kia mà. Cho mày khám đấy… Mày có muốn tao nói mày nghe không, chính mày làm cho cuộc đời anh ta đen tối đấy! Anh ta đối xử vói mày quá tốt… Anh ta có mang cổ dề hay không đã? Có ai tìm thấy chồng của bà lớn đâu không nhỉ… Sẽ được trọng thưởng đấy…
    Tiếng cười lại bắt đầu. Giecve, giọng hầu như khản đặc, vẫn đành nói nhỏ nhẹ:
    — Chị thừa biết, chị thừa biết… Chính em chị, tôi sẽ bóp cổ con em của chị cho xem.
    — Đúng, có giỏi thì đụng vào em tao. – Viêcgini vùa nói tiếp vừa cười nhạo. – À! chính em tao, có thể lắm, em tao đẹp hơn mày… Nhưng mà việc gì đến tao! Người ta không thể nào được yên ổn giặt giũ nữa sao! Để cho tao yên, mày nghe không, như thế là đủ rồi!
    Và chính ả ta hung hãng quay lại, sau khi đập năm sáu chày, say sưa với những câu chửi. Ả im lặng rồi lại nói tiếp ba bận như sau:
    — Ừ đấy! Đúng, chính em tao đấy. Nào, mày đã bằng lòng chua?… cả hai đứa, chúng nó yêu nhau, quí nhau. Phải nhìn chúng nó hôn hít nhau mới biết!.,. Và anh ta đã bỏ rơi mày với lũ con hoang! Những thằng bé xinh mới gớm, mặt mày như mặt giặc! Có một đứa con của tên sen dầm, phải không? Mày còn bóp chết ba đứa khác nữa, vì mày không muốn đến đây với quá nhiều gánh nặng. Chính Lăngchiê của mày đã kể cho bọn này nghe thế đấy. A! Anh ấy còn kể khối chuyện hay, anh ấy đã chán ngấy cái xác của mày rồi!
    — Đồ đĩ ngựa! Đồ đĩ ngựa! Đồ đĩ ngựa! – Giecve rống lên, không tự chủ được, lại run lên vì tức giận.
    Chị quay lại, một lần nữa tìm tìm ở đất, và chỉ thấy có cái chậu con, chị liền cầm lấy chân chậu, hắt chỗ nước hồ lơ vào mặt Viêcgini,
    — Con đĩ! Mày làm hỏng cái áo của tao rồi! – Ả này thét lên, một bên vai ướt đẫm và bàn tay trái xanh lè.
    — Mày chờ đấy con thối thây kia.
    Đến lượt mình, ả cũng chụp lấy một cái xô, hắt vào người Giecve. Thế là diễn ra một trận chiến ác liệt, cả hai chạy dọc theo dẫy chậu, giành lấy những xô đầy, rồi quay lại hắt xô vào đầu nhau. Mỗi lần hắt nước lại kèm theo tiếng hét. Lúc này, bản thân Giecve cũng đáp lại:
    — Này! Đồ dơ bẩn!… Mày đã đón rước nó! Cho mày cái này cho êm mông đít,
    — A! Cái đệm thịt! Đây, cho mày để kỳ cọ. Trên đời mày cũng phải rửa mặt rửa mày một lần chứ.
    — Phải, phải, để tao làm cho mày bớt tẩm đi, đồ voi dày!
    — Này nữa… Đánh răng súc miệng đi, tắm rủa cho sạch để chiều nay đến phiên này, ở góc phố Benlom đây.
    Cuối cùng, hai bên phải hứng xô vào các vòi nước. Trong lúc chờ cho đầy xô, họ tiếp tục văng bẩn. Những xô dần hắt vụng, chỉ khẽ chạm vào người. Nhưng rồi họ quen tay. Chính Viêcgini đầu tiên, nhận được một xô vào giữa mặt; nước tuôn qua cả áo, chảy theo lưng, theo ngục, từ trong áo tóe ra. Ả đang tối tăm mặt mũi thì lại nhận thêm một xô thứ hai, như một cái tát mạnh vào tai trái; búi tóc ướt đẫm, sổ ra như một đoạn thừng. Giecve thoạt tiên bị vào chân; một xô xối vào đầy cả giày, bắn lên đến tận đùi, hai xô khác làm chị ướt đẫm cả hông. Chẳng mấy lúc, không còn cách nào đánh giá được nữa. cả hai đều ướt như chuột lột từ đầu đến chân, áo dính sát vào vai, váy dán tịt vào hông, người đét lại cứng đơ đơ, run cầm cập, giỏ nước tong tong, cứ như những chiếc ô giữa một trận mưa rào.
    — Buồn cười quá thể! – Một bà đến giặt cất giọng khàn khàn nói.
    Nhà giặt vui như mở hội. Nguời ta lùi cả lại để khỏi bị bắn vào mình. Tiếng vỗ tay, tiếng pha trò, vang lên giữa những tiếng xô rào rào hắt nước tung tóe. Trên đất, nước vũng chảy nhanh, hai người đàn bà bì bõm lội đến tận mắt cá. Trong khi ây, Viêcgini, âm mưu một chuyện nham hiểm, thình lình chụp lấy một xô nước giặt đang sôi, mà một chị bên cạnh đã hỏi mua, hắt thật mạnh.
    Có tiếng kêu thét lên. Người ta tưởng Giecve bị trúng nước sôi. Nhưng chị chỉ hơi bỏng ở chân trái. Dốc hết sức lực, điên lên vì đau, lần này không thèm hứng đầy nữa, chị ném luôn cái xô vào chân Viêcgini, ả này lăn quay ra.
    Tất cả các người đến giặt cùng la lên một lúc:
    — Chị ấy làm gẫy chân ả kia rồi!
    — Đúng! Ả kia định làm thịt chị ta kia mà!
    — Dù sao thì chị tóc vàng cũng phải, nếu người ta cướp mất chồng chị ấy.
    Bà Bôsơ đua hai tay lên trời, thốt lên. Bà ta đã khôn ngoan nép vào giữa hai cái chậu, còn hai đứa bé, Clôt và Ềchiên, thì khóc lóc, nghẹn ngào, hoảng sợ, bám lấy áo bà ta, kêu liên tục: “Mẹ! Mẹ!” giữa những tiếng thổn thức. Khi trông thấy Giecve ngã ra đất, bà ta liền chạy đến, túm vào váy Giecve lôi ra, vùa nhắc đi nhắc lại:
    — Thôi, đì về đi! Phải biết điều chứ… Tôi hết cả hồn vía, thật thế! Chưa bao giờ thấy có một chuyện giết nhau như thế này!
    Nhung bà ta giật lùi, quay lại nấp giữa hai cái chậu, với lũ trẻ. Viêcgini vừa nhảy vào ngực Giecve. Á ghì chặt lấy cổ chị, cố làm cho chị nghẹn thở, Thế là, chị này vùng thật mạnh, thoát được, túm lấy đuôi tóc ả, như muốn giật rời đầu ả ra. Cuộc chiến lại bắt đầu, câm lặng, không một tiếng kêu, không một tiếng chửi, bàn tay xòe ra, quắp lại, cào cấu những gì gặp được. Sợi ruy băng đỏ và cái lưới nhung xanh của ả da nâu cao kều đã bị giật đứt; cái áo lót, toạc ở cổ, để lòi cả da thịt, đến tận vai; còn chị tóc vàng, chỉ còn đồ lót, một ống tay của chiếc áo ngắn trắng mất đâu không biết, sơ mi bị một chỗ toạc để lộ chỗ ngực trần của chị. Vải rách bay tứ tung. Mới đầu, chính Giecve bị chảy máu, ba vết cào từ mồm xuống phía dưới cằm, chị cố bảo vệ đôi mắt, mỗi lần bị tát, chị lại nhắm mắt, vì sợ bị móc mắt. Viêcgini vẫn chưa bị chảy máu, Giecve nhắm vào tai ả, điên lên vì chưa túm được, cuối cùng, chị nắm được một chiếc hoa tai, một hạt thủy tinh màu vàng; chị giật mạnh, làm đứt hẳn lỗ tai, máu chảy ròng rong.
    — Chúng giết chết nhau! Tách mấy con khỉ cái đó ra!
    — Nhiều giọng nói lên tiếng.
    Các bà thợ giặt đều đổ xô cả lại. Hình thành hai phe: một bên thì khích hai người đàn bà như hai con chó cái đánh nhau, một bên, thần kinh yếu hơn, run cầm cập, ngoảnh mặt đi không buồn xem nữa, cứ nhắc đi nhắc lại rằng chắc chắn là mình đến ốm mất vì chuyện này. Và xuýt nữa thì đánh nhau to, ngươi ta nhiếc nhau là vô lương tâm, là vô tích sự; những cánh tay trần vươn ra; ba tiếng tát tai vang lên.
    Bà Bôsơ, tuy vậy, cũng cố tìm chú lao công nhà giặt:
    — Saclơ! Saclơ!... Nó đâu rồi nhỉ!
    Và bà ta tìm thấy nó đang đứng ở hàng đầu, khoanh tay nhìn. Nó là một thanh niên cao to, cổ lực lưỡng, nó đang cười hề hề, thích thú trước những chỗ da thịt hở hang của hai người đàn bà. Chị tóc vàng thì béo như con cun cút. Nếu áo lót của chị mà toạc ra thì thật là chết cười.
    — Kìa! – Nó nheo mắt nói khẽ, – chị ta có một cái nốt ruổi ở trong nách.
    — Sao! Anh đứng đấy à! – Bà Bôsơ quát lên khi trông thầy nó, – giúp chúng tôi gỡ họ ra chứ… Anh thì thừa sức gỡ họ ra chứ!
    — Ồ! Không! Chịu thôi! Giá có mình tôi! – Hắn ta thản nhiên nói. – Để người ta cào vào mắt tôi như hôm nọ chứ?… Tôi ở đây có phải để lo những chuyện đó đâu, nếu thế thì nhiều việc quá… Bà đừng có sợ mà! Chảy máu tí chút, như thế là hay cho họ. Như thế làm cho họ dịu đi.
    Bà gác cổng liền tính đến chuyện đi báo cảnh sát. Nhưng bà chủ nhà giặt, người thiếu phụ ốm yếu, mắt kèm nhèm, kịch liệt phản đối. Bà ta nhắc đi nhắc lại:
    — Không, không, tôi không đồng ý, như thế mang tiếng cho nhà giặt.
    Cuộc vật lộn trên đất vẫn tiếp tục. Thình lình Viêcgini chống gối lên được. Cô ả vừa nhặt được một cái chày nện, ả vung nó lên. Ả rống to, giọng khác hẳn:
    — Đồ chó! Chờ đấy! Chuẩn bị quần áo bẩn của mày đì!
    Giecve vùng dậy, vươn tay ra, cũng chụp lấy một cái chày, giơ cao lên như một cái chùy. Và giọng chị cũng khản đặc:
    — À! Mày muốn tẩy uế toàn bộ… Đưa cái xác mày đây để tao làm giẻ lau!
    Một hồi lâu, hai bên cùng ngồi ở đấy, quì gối, đe dọa nhau. Tóc xòa trên mặt, thở hồng hộc, mình mẩy vấy bùn, thâm tím, họ rình nhau, chờ đợi, lấy lại hơi. Giecve đánh trước; chày của chị truợt lên vai Viêcgini, và chị nhảy sang một bên để tránh cái chày của ả này, nó chỉ khẽ chạm vào hông chị. Thế là, hăng máu, họ nện vào nhau như thợ giặt nện quần áo, rất mạnh, nhịp nhàng. Mỗi khi nện trúng nhau, tiếng chày nghẹn đi, nghe như tiếng vỗ vào chậu nước.
    Xung quanh họ, các bà thợ giặt không cười nữa; nhiêu bà đã ra về, bảo là câu chuyện làm họ đau lòng quá; số khác, những người ở lại, vươn cả ra, mắt sáng lên một ánh tàn nhẫn, thấy hai chị đáo để quá. Bà Bôsơ đã dắt Clốt và Êchiên đi; người ta nghe thấy, ở đầu kia, tiếng khóc nức nở của chúng lẫn với tiếng chan chát của hai cái chày chạm vào nhau.
    Nhưng đột nhiên Giecve rống lên. Viêcgini vừa phang trúng vào cánh tay trần của chị, phía trên khuỷu; một vết đỏ hằn rõ, thịt sưng lên ngay. Thế là chị lăn xả vào. Người ta tưởng như chị định giết chết ả kia,
    — Thôi! Thôi! – Mọi người hét lên.
    Mặt chị dễ sợ đến nỗi không một ai dám đến gần. Sức mạnh tăng lên gấp bội, chị ôm ngang hông Viêcgini, bẻ gập người ả lại, ấn mặt ả xuống gạch, lưng chổng lên trời; và mặc cho giẫy giụa, chị tốc hết váy ả lên, tô hô… Bên trong, có một cái quần. Chị xọc tay vào cửa quần, giật phăng ra, làm lộ ra tất, đùi trần, mông trần. Đoạn giơ chày lên, chị ra súc nện, như ngày trước chị vẫn nện ở Platxăng, bên bơ sông Viornơ, khi bà chủ của chị còn giặt quần áo cho trại lính. Tiếng gỗ nện vào thịt nghe bèn bẹt, ươn ướt, Cứ mỗi cái nện, một vệt đỏ dài lại han rõ trên làn da trắng hếu.
    — Ối! Ối! – Chú lao công Saclơ lạ lùng, trố mắt, khẽ kêu.
    Tiếng cười lại lan ra. Nhưng chẳng mấy lúc lại có tiếng hét: “Thôi! thôi!”
    Giecve không nghe, không biết mệt, chị nhìn công việc của mình, cúi lom khom, quyết không chừa một chỗ nào khô. Chị muốn cho tất cả lớp da kia phải tơi bời,ê chề nhục nhã. Chị cất tiếng lải nhải, ngây ngất vì một niềm vui ác độc, nhớ đến một bài hát của thợ giặt:
    — Păng! păng! Bà đến nhà giặt… Păng! păng! Bà nện thẳng tay… Păng! păng! Giặt sạch con tim… Păng! păng! Đen ngòm chua xót…
    Và chị lại tiếp:
    — Này phần của mày, này phần em mày, này phần Lăngchiê… Khi nào gặp chúng, mày đưa cho chúng… cẩn thận! Tao bắt đầu lại. Này phần Lăngchiê, này phần em mày, này phần của mày… Păng! păng! Bà đến nhà giặt… Păng! păng! Bà nện thẳng tay…
    Ngươi ta phải giằng Viêcgini ra khỏi tay chị. Cô nàng tóc nâu cao kều, nước mắt ròng ròng, mặt đỏ như gấc, xấu hổ, nhặt quần áo chạy biến. Cô nàng đã thua. Trong khi ấy, Giecve xỏ lại tay áo ngắn và buộc lại váy. Cánh tay đau, chị phải nhờ bà Bôsơ để hộ quần áo lên vai, Bà gác cổng kể lại trận đánh, nói nỗi lo sợ của mình, và bảo để xem hộ trong người chị…
    — Có lẽ cô bị gẫy cái gì đấy… Tôi có nghe một cú…
    Nhưng người thiếu phụ muốn đi về ngay. Chị không đáp lại những lời thương hại, những lơi khen huyên thuyên của mấy bà thợ giặt vây quanh chị. Khi quần áo đã để lên vai, chị đi ngay ra cổng, nơi hai đứa con đang chờ chị.
    — Hai giờ, vậy là hai xu, – bà chủ nhà giặt vừa nói vừa chận chị lại, bà ta đã lại ngồi trong cái buồng kính.
    Tại sao lại hai xu? Chị không hiểu sao người ta lại đòi chị tiền chỗ nữa. Thế rồi, chị đưa hai xu, và dưới sức nặng của đống quần áo ướt vắt trên vai, mồ hôi nhễ nhại, khuỷu tay thâm tím, bên má rớm máu, chị khập khà khập khiễng vừa bước đi, vùa với đôi cánh tay trần, kéo theo Echiên và Clốt, lóc cóc bên cạnh, lem luốc, vẫn khóc thút tha thút thít.
    Sau lưng chị, nhà giặt lại nổi lên cái tiếng ồn ào như đập nước. Các bà thợ giặt đã ăn hết bánh mì, uống xong rượu, và họ càng nện khỏe, mặt đỏ như gấc, vui nhộn vì cuộc đánh nhau của Giecve và Viêcgini. Dọc các chậu giặt, lại nhốn nháo như diên những cánh tay, những bộ mặt nghiêng nghiêng góc cạnh của những con rối, lưng cúi gập, vai uốn cong, co giật nhanh như có bản lề. Chuyện trò tiếp tục từ đầu nọ đến đầu kia các lối đi. Tiếng nói, tiếng cười, lời tục tĩu tan vỡ trong tiếng nước ồng ộc. Các vòi nước khạc đều, các xô chậu cứ hắt tung tóe, nước dưới bàn giặt chảy thành một con lạch. Đây là không khí hăng say lúc xế trưa, áo quần như bị nghiền, như bị giã dưới sức chày nện. Trong gian nhà rộng thênh thang, khói chuyển sang màu đỏ hoe, đây đó có những vong nắng xuyên thủng, đó là những quả bong bóng vàng mà các chỗ màn rách để lọt qua. Mọi người đều ngột ngạt trong hơi nóng xà phòng. Thình lình, gian nhà bỗng tràn ngập một thứ hơi trắng; cái nắp to tướng trên nồi nước giặt đang sôi, tự bồng lên theo cái cọc răng cưa giữa nồi; và cái lỗ toang hoác của miếng đồng, ở đáy bệ bằng gạch, cuồn cuộn bốc lên những luồng hơi toàn mùi bồ tạt ngọt. Trong khi ấy, bên cạnh mấy cái máy vắt vẫn làm việc; các bộ quần áo trong mấy cáí thùng gang, vung trả nước ra nhờ một cái bánh xe quay trong máy, hồng hộc, nghi ngút, làm cho xưởng giặt càng rung chuyển mạnh nhờ hoạt động liên tục của những cánh tay thép.
    Khi Giecve đặt chân lên lối đi của khách sạn Bôngcơ, chị lại giàn giụa nước mắt, Đây là một lối đi tối tăm chật hẹp, vói một giòng suối nhỏ chảy dọc chân tường dành cho những thứ nước bẩn; cái mùi hôi thối gặp lại ấy khiến chị nghĩ đến mười lăm ngày chung sống ở đó với Lăngchiê, mười lăm ngày cực khổ, cãi cọ, mà giờ phút nay hồi nhớ lại chỉ là một nỗi hối tiếc xót xa, chị thấy hình như đang đi vào chỗ bị hắn ruồng bỏ.
    Trên căn buồng trống rỗng, đầy nắng, cửa sổ mở toang. Ánh mặt trời kia, lớp bụi vàng nhảy nhót kia, làm cho lớp trần đen và các vách tường bong giấy thêm thiểu não. Trên một cái đinh lò sưởi, chỉ còn mỗi một chiếc khăn quàng nhỏ của đàn bà, xoắn xoặn như một sợi thừng. Chiếc giường trẻ con kéo ra giữa phòng, làm lộ chiếc tủ, mà ngăn kéo để mở phô hết các vách rỗng. Lăngchiê đã tắm rửa và đã dùng hết chỗ kem bôi mặt, hai xu kem quệt trên một quân bài; nước nhờn ở bàn tay hắn dây đầy chậu. Hắn chẳng quên gì cả, chỗ góc từ trước vẫn đặt cái hòm, Giecve thấy nó giống như một cái lỗ hổng rất to. Đến cái gương tròn bé tí móc ở cửa, chị cũng không thấy. Như có linh tính báo, chị nhìn lên lò sưởi,
    Lăngchiê đã lấy đi tất cả chỗ biên lai, cái gói giấy màu hồng nhạt không còn ở đấy nữa, giữa mấy cái đế đen xiêu vẹo bằng kẽm.
    Chị vắt quần áo lên lưng ghế; chị đứng yên, xoay người, quan sát bàn ghế, kinh ngạc quá đến nỗi nước mắt chị không trào ra nữa. Chỗ bốn xu dành để trả tiền nhà giặt, chị chỉ còn vẻn vẹn có một xu. Nghe tiếng Êchiên và Clốt đã nín cười ở của sổ, chị thong thả đến gần, ôm lấy đầu con, trong giây lát quên hết mọi nỗi buồn trước con đường xám xịt, nơi mà sáng nay chị đã nhìn thấy thức dậy tầng lớp thợ thuyền, cánh tay lao động khổng lồ của Pari. Giờ đây, nền đường nóng lên vì những công việc trong ngày đang hừng hực hắt lên một ánh sáng chói chang trên thành phố, sau bức tường sở thuế. Chính trên nền đường đó, trong cái không khí lò nung đó, người ta đã vút bỏ chị, một mình với mấy đứa con; chị đưa mắt nhìn suốt mấy đại lộ bên ngoài, bên phải, bên trái, dừng lại ở hai đầu, hãi hùng, choáng váng, như thể cuộc đời chị, từ nay sẽ đứng sừng sũng ở đó, giữa một lò mổ và một bệnh viện.
    • Chú thích:
    [1] Nguyên văn: Veau à deux têtes. Để độc giả dễ nhớ và dễ đọc chúng tôi tạm dịch một số danh từ riêng. Còn lại đều phiên âm (ND).
    [2] Trong tác phẩm này, Giecve chỉ có hai đứa con trai là Clốt và Êchiên. Không rõ vì lý do gì, về sau, trong tác phẩm “Máu Thú, Mặt Người" (La bêtê humaine), Zola sẽ bịa thêm một đứa nữa, tên là Giắc.
    [3] Eugène Sue (1804 - 1857) Tác giả Những bí mật của Paris (Les Mystères de Paris) được bầu làm nghị sĩ.
    [4] Áo blu chỉ những người thợ, đối lại với áo bành tô chỉ cánh tư sản.
    [5] Miền Nam nước Pháp
    [6] Platxăng là quê quán của giòng họ Rugông Maca.
     
    lemontree123 thích bài này.
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này