Tấm lòng của người Thầy (Lê Anh Dũng)

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 4/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    TẤM LÒNG CỦA NGƯỜI THẦY


    Đầu năm 1993 tôi xuất bản Giải mã truyện Tây Du (1). Người bạn đời của Thầy Hiến Lê mâm mê quyển sách trên biếu trên tay, giọng như trần hẳn đi: “Phải chi ổng còn sống, ổng mừng cho cho lắm. Trong số mấy thanh niên, cháu là người ổng mến nhứt!”. Tôi im lặng, chia sẻ cùng cô khoảnh khắc cảm xúc bất chợt. Cô đâu biết, khi nắn nót ghi lời biếu cô quyển sách, tôi cũng ngậm ngùi nhiều, vì chính lúc ấy tôi nhớ Thầy biết mấy. Trong những điều bất như ý đời mình, tôi cứ tiếc hoài một nỗi Thầy đã đi xa khiến tôi không thể xin thầy đề tựa cho quyển sách đầu tay năm ấy…

    *​

    Trong Hồi ký Nguyễn Hiến Lê có đoạn viết: “Số thanh niên không học tôi mà coi tôi như thầy, thỉnh thoảng viết thư cho tôi thì rất nhiều…” (2). Tôi đến với Thầy trong tình cảm như vậy. Cho đến bây giờ, trong tâm tôi chỉ có hình ảnh một người Thầy, chứ không phải một học giả hay nhà văn. Quyển Tự học – một nhu cầu của thời đại của Thầy, do Thanh Tân xuất bản, tôi được đọc từ những năm đầu tiên của bậc trung học đệ nhất cấp (cấp hai, hay trung học cơ sở) đã tác động tôi nhiều nhất. Cũng từ đó, dù chưa biết Nguyễn Hiến Lê là ai, thấy sách nào có tên Nguyễn Hiến Lê thì lại mua. Cuốn nào đọc không thích cũng không tiếc, nhủ thầm: Để dành, biết đâu sau nầy sẽ thích.

    Cũng theo hướng dẫn của Thầy trong quyển Tự học, dần dần tôi biết lựa cho mình một tủ sách riêng khá lớn, hàng trăm cuốn, bằng cách để dành tiền ăn sáng. Cứ thế cho tới khi tôi vào đại học.

    Giọng văn của Thầy. Cách nói khiêm tốn mà xác tìn. Sự giải thích rõ ràng dễ hiểu những vấn đề trừu tượng… Tất cả những đức tính ấy ngày một ảnh hưởng nhiều đến tôi. Yêu sách rồi yêu người viết sách, cuối cùng tôi có suy nghĩ rằng sau này tôi sẽ chọn nghề dạy học và sẽ tập tành viết, để tiêu khiển. Tôi cũng biết mình không có khiếu văn chương, nhưng Thầy khuyên: Không viết được thì dịch. Cũng do do đó tôi ráng học lấy một sinh ngữ.

    Đọc sách của Thầy nhiều tôi lại thích công việc biên khảo. Cuối năm 1974, đang học năm thứ hai ở trường Thương mại, tôi soạn thử cuốn mỏng: Khía cạnh tâm lý trong việc thảo thư từ thương mại (ronéo), rồi lại làm gan gửi Thầy một bản đẹp.

    Qua mấy ngày, tôi nhận được thư thầy, đề ngày 29-12-74:

    Cháu Lê Anh Dũng,

    Cảm ơn cháu cho một bản giấy tốt tập
    Soạn thảo thư từ thương mại.

    Đọc xong tôi thấy cháu viết được lắm, sáng sủa, dễ hiểu, ý sắp đặt khéo mà xác đáng. Chưa phải là một công trình, dĩ nhiên, nhưng thanh niên viết loại biên khảo được như vậy, không phải có nhiều người đâu. Cháu cứ tiếp tục đi, phải đọc nhiều, kinh nghiệm nhiều rồi mới hay, khoảng 40 tuổi trở đi, chứ muốn sâu sắc ngay thì không được. Ngành biên khảo như vậy…

    Chúc cháu vui.


    Tháng 4 năm 1975 tôi soạn xong cuốn Danh từ quan thuế-thuế vụ đối chiếu (Anh-Việt) rồi cũng gửi tặng Thầy một bản (ronéo). Thư thầy viết (26-8-75):

    Tôi đã đọc Danh từ quan thuế… in rất đẹp mà cháu đã trang trọng gởi cho tôi. Tôi khen cháu: cháu làm việc có phương pháp và cẩn trọng đấy. Cứ tiếp tục, sau này cháu sẽ giúp được nhiều về khu vực đó.

    Hôm cháu đem tập đó lại cho tôi, tôi đau khá nặng. Tôi đau gần hết nửa năm nay, bây giờ mới khá, nhưng không thấy hăng hái làm việc nữa.


    Một lần Thầy biên thư bảo tôi lại chơi vào buổi chiều. Thấy tôi đeo kính, Thầy bảo có ai đó viết sách nói về chữa tật cận thị. Đâu khoảng hai ba ngày sau tôi nhận được thư ngày 11-10-1979 của Thầy:

    Cháu Dũng,

    Tôi đã tìm được cuốn
    L’Art de voir (3) của Aldous Huxley mà hôm đó tôi nói với cháu. Huxley có một phương pháp luyện mắt để trị cận thị. Cháu muốn đọc thì lại mà lấy. Buổi chiều nào tôi cũng có nhà.

    Thân ái.


    Việc tuy nhỏ nhưng thầy vẫn luôn ân cần, chu đáo. Thư Thầy viết cho tôi thường ngắn gọn. Có khi chỉ là một phần tư hay một phần tám của một tờ giấy cỡ A4. Viết một hoặc hai mặt. Hết chỗ thì xoay ngang viết chen vào lề. Trông giống như một memo. Nhưng khi giải đáp cho tôi về vấn đề học thuật thì Thầy không tiếc công ngồi viết tỉ mỉ. Thầy thường hoàn lại tôi thư đã hỏi, các câu trả lời Thầy viết bằng mực khác màu với tôi, bên cạnh chỗ tôi hỏi. Cụ thể mà tiện cho tôi lắm. Rồi Thấy cần thì biên thêm cho nửa trang à nữa.

    Thường, ở Long Xuyên lên Thầy hay gửi thư báo cho biết, dặn tôi ghé chơi buổi chiều. Sau này Cô cũng vậy, cũng hay nhắn tôi đến như thuở Thầy sanh tiền. Có cuốn sách nào của Thầy mới tái bản, thỉnh thoảng Cô lựa ra một hai quyển, dặn người nhà để dành cho tôi.

    Biết ý Thầy, đến chơi tôi không dám ngồi lâu. Có lần tôi ghé lúc Thầy đang tiếp ba văn hữu ở ngoài Bắc vào. Tôi vội xin phép về thì Thầy vui vẻ giữ lại và giới thiệu: Đây là anh bạn trẻ vong niên của tôi. Làm tôi ngượng. Khách về rồi, Thầy nhăn mặt: Cả ngày hôm nay ngồi tiếp khách mệt quá. Cầm lon thuốc rê cố hữu, Thầy bảo tôi lên lầu, chỗ Thầy làm việc. Hôm đó tôi có cảm giác Thầy rất vui. Thầy nằm ở chiếc giường một, bằng gỗ đơn sơ, không nệm, kê ở một góc phòng. Góc kia là một cái bàn nhỏ để để viết. Mọi thứ ngăn nắp, sạch sẽ. Thầy bảo tôi kéo ghế lại gần bên giường ngồi cho gần, dễ nói chuyện. Thấy tôi chú ý vài món trang trí nho nhỏ trong phòng. Thầy vui vẻ giải thích. Đó là những kỷ vật mà độc giả nơi xa, học trò cũ, bạn văn tặng. Ấy là lần duy nhất tôi trò chuyện rất lâu với Thầy, vì khi tôi xin cáo từ thì Thầy cầm lại thêm, mà liền sau đó, cơn mưa chiều khá dai dẳng lại bất chợt ập xuống thành phố.

    Thư cho tôi, thỉnh thoảng Thầy báo cho biết sơ về bệnh tật, giọng nhẹ nhàng:

    Tôi gần 70 tuổi rồi, suy về thể chất lẫn tinh thần, lúc này chẳng viết lách gì nữa. (Thư ngày 18-8-79)

    Thời tiết mùa mưa này ở Long Xuyên (miền ngập nước) không tốt đâu. Nhà nào cũng có người đau. Tôi một tháng nay đau nhiều bệnh vặt, cứ vài ngày ăn cơm lại vài ngày ăn cháo và ngày nào cũng uống thuốc. (Thư ngày 18-8-83)

    Tôi nửa năm nay sức khoẻ suy nhiều, hay đau lưng: thận thuỷ và hoả đều suy. (…) Suốt ngày tôi nằm võng. (thư này viết trên võng đây.) Mắt lại bị cataract: tra tự điển T.H. (4) phải ra chỗ thật sáng và dùng loupe… (Thư Long Xuyên ngày 23-3-84).

    Thư ngày 15 tháng 02 năm 1884, tôi hỏi thầy nhân biên khảo một quyển sách chú giải (5). Thầy trả lời hết các câu hỏi. Nhiều chỗ, thầy phê ngay bên cạnh câu tôi hỏi: Chịu. Chịu thôi. Hoặc: Tôi không biết. Đồng ý cách tôi giải, Thầy viết: Đồng ý với cháu. Hoặc: Tôi cũng nghĩ như cháu. Khi phủ nhận thì rất gọn: Không tin được, bỏ đi. Hoặc: Tôi không tin thuyết đó.

    Thư trả lời của Thầy (ngày 23-3-84) viết ở Long Xuyên. Dù đang bệnh nhiều, Thầy vẫn ân cần kèm theo một nửa tờ A4, viết kín hai mặt giấy, chỉ dẫn thêm cho tôi ngoài những phần đã giải đáp.

    -----------------
    (1) NXB Thành phố Hồ Chí Minh. Tái bản: NXB Văn hoá – Thông tin, Hà Nội, 1995, NXB Trẻ TP.HCM 2000 [BT]
    (2) Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, Hà Nội: NXB Văn học, 1993, tr.512.
    (3) Tạm dịch: Nghệ thuật nhìn.
    (4) Tức là bộ Từ Hải (từ điển tiếng Hán).
    (5) Tìm hiểu Kinh cúng tứ thời. Huế: NXB Thuận Hoá, 1995.

    (còn tiếp)
     
  2. Foli

    Foli Lớp 11

    Thầy viết cho tôi về bản thảo Sử Trung Quốc của Thầy mà tôi được đọc hai phần ba tác phẩm trong quá trình giúp Thầy đánh máy thêm vài bản trên giấy trắng mỏng (6). Thầy rất khiêm tốn khi bảo: “Cháu không thể dùng bản của tôi để nghiên cứu được, may lắm là dùng được nó làm points de repère (7) thôi. Phải đọc các bộ chuyên đề sử chẳng hạn của Marcel Granet, Henri Maspéro thì mới hiểu thêm được vấn đề cháu muốn nghiên cứu. (Thư ngày 18-8-83)

    Trả lời những nhận xét và ý kiến của tôi về bản thảo Sử Trung Quốc, thư ngày 20-01-84 Thầy viết:

    Những nhận xét và góp ý của cháu về bộ Sử Trung Quốc của cháu đều đúng hết.

    Tôi đã sơ suất, cháu sửa giùm tôi (…) Tôi đã sửa ngay trên bản I của tôi rồi. Phải có người thân đọc thật kĩ tác phẩm của mình mới vạch lỗi cho mình được. Chính mình đọc lại thì ít khi thấy lắm; mà bạn thân đọc qua thì cũng khó nhận ra được. Công phu nhất là những chỗ cháu muốn chú thích thêm cho rõ. Điều đúng cả, thú vị nữa, tôi sẽ ghim tất cả những giấy cháu viết vào bản I của tôi, chưa có thì giờ để thêm vô được.


    Thầy muốn khuyến khích tôi hơn nên lại viết:

    Tôi sinh sau các cụ trong Nam Phong như Phan Kế Bính, Nguyễn Hữu Tiến… đọc được nhiều sách mới hơn các cụ đó, nên viết về văn học, triết học Trung Quốc kỹ hơn các cụ. Cháu lại thuộc lớp sau nữa, đọc được nhiều sách hơn nữa, có thể đi sâu vào một vài vấn đề nào đó được. Cứ mỗi đời tiến hơn đời trước một chút.

    Khoảng cuối tháng 12 năm 1983, xảy ra một việc mà tôi có lỗi với Thầy. Hôm ấy, tôi được thư Thầy báo đã lên Sài Gòn, bảo chiều đến chơi. Giữa chừng câu chuyện, Thầy hỏi tôi có tin tử vi thì đưa giờ sinh, ngày sinh chính xác để Thầy chấm cho lá số. Biết tôi đã có sẳn lá số, Thầy tươi cười nói mau: Như thế tôi khỏi mất công chấm [1]. Cháu mang lại đây cho tôi đoán. Lúc tiễn tôi ra tận ngoài thềm hiên, Thầy còn nhắc đem lá số đến gấp vì Thầy sắp về Long Xuyên.

    Bây giờ nhớ lại tôi vẫn tự trách, ân hận cho tính thanh niên nông nổi, cạn nghĩ. Tưởng đâu tôi không đến thì Thầy bỏ qua chuyện tử vi đi (dù tôi đã ghi lại giờ và ngày sinh cho Thầy trước khi về). Ngờ đâu, thư Long Xuyên ngày 15-01-84 Thầy viết:

    Cháu Lê Anh Dũng,

    Tôi về đây trên nửa tháng. Trước khi về có ý mong cháu tới, tôi đoán lá số cho. Cháu không đem tới, thành thử tôi phải lấy.


    Đọc thư và lời Thầy giải lá số lòng tôi quá thẹn. Tôi nhớ chuyện cũ: Xưa có người trên đường công vụ tạt qua chào bạn. Thấy khách đeo gươm báu bạn tỏ ý thích, mà không dám xin. Người kia hiểu ý, nhủ thầm khi xong việc trở về sẽ tặng bạn gươm quý. Nào hay, lúc trở lại thăm, bạn đã ra người thiên cổ. Viếng mộ bạn, người ấy trân trọng treo gươm bên cạnh mộ, rồi bái biệt [2].

    Không ai mở miệng xin mà chẳng ai hứa tặng, thế nhưng đã đến mức như vậy. Tôi giật mình sợ hãi, Thầy đã nói ra lời, làm sao quên được. Tôi nghiệm ra rằng: dù a tăng kỳ kiếp về trước hay a tăng kỳ kiếp sau này, dù ở Tây phương thế giới hay Đông thổ trần gian, các bậc chính nhân quân tử cũng đều có một cung cách sống mà thôi. Như Thầy Hữu Tử bảo: Tín cận ư nghĩa, ngôn khả phục dã (8).

    Khi viết về đức Khổng Tử, Thầy nhận định: Học thì không biết mệt mỏi mà dạy người khác thì tận tâm tận tụy. Chính Thầy cũng có đức tính đó. Thầy còn một đức tính mà nhờ gần Thầy nhiều, tôi mãi mới nghiệm ra được, đó là không bao giờ Thầy nói điều gì bất lợi cho một người vắng mặt.

    Đức Khổng Tử dạy: Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã (9). Đọc sách Thầy, qua thư từ với Thầy, trò chuyện cùng Thầy, tôi nhận thấy Thầy luôn luôn trong sáng trong tư tưởng, học thuật. Cái gì biết, dù tôi hỏi ít, Thầy cũng liệu theo sức của tôi mà tận tâm chỉ vẽ cặn kẽ. Cái gì không chắc, không biết thì thẳng thắn nói ngay là không biết. Mười sáu, mười bảy năm đi dạy, tiếp xúc nhiều giáo chức, tôi biết không phải thầy giáo nào cũng có được đức tính quý báu đó. Nhất là đối với học trò mình.

    Tôi biết có những tác giả mà người đọc chỉ nên đứng rất xa để chiêm ngưỡng, vì họ sống không như họ viết. Đức Lão Tử dạy: Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri (10). Với Thầy, tôi tin có thể sửa lại câu nói ấy: Tri giả năng ngôn, ngôn giả năng hành (11). Vì quả thực, Thầy biết sao thì nói đúng, viết đúng và làm đúng, sống đúng như Thầy đã nói đã viết.

    Đức Khổng Tử có lần than phiền: Trước kia, nghe ai nói, ta tin rằng đức hạnh của họ hợp với lời của họ, ngày nay thì ta đâm ngờ, phải quan sát xem hành động của họ có đúng với lời họ nói không (12). Với Thầy, tôi cho rằng đức Vạn thế Sư biểu không thể có chỗ hoài nghi. Phật giáo coi trọng thân thuyết hơn khẩu thuyết. Nho giáo đề cao tri hành hiệp nhất. Thầy viết hằng bao nghìn trang để dạy cho bao thế hệ nên người, thì đời Thầy chính thực đã là một con Người với chữ N viết hoa trân trọng.

    LÊ ANH DŨNG
    (20-11-1993) [3]

    ----------------
    (6) Đã in: Sử Trung Quốc, hai tập. Hà Nội: NXB Văn hoá, 1997.
    (7) points de repère: các điểm mốc.
    (8) Hứa điều gì hợp nghĩa thì nên thực hiện lời đã hứa. (Luận ngữ, Học nhi 13)
    (9) Biết điều gì thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết, như vậy là biết. (Luận ngữ, Vi chính 17)
    (10) Người biết không nói, người nói không biết. (Đạo đức kinh, chương 56)
    (11) Người biết thì nói được; người nói được thì làm được.
    (12) Luận ngữ, Công Dã Tràng 9.

    (Nguồn: Nguyễn Hiến Lê – Con người và tác phẩm, Nhiều tác giả, Nxb Trẻ, 2003)

    ---------------------
    Chú thích của Goldfish:
    [1] Tức khỏi mất công “An sao”
    [2] Tức chuyện Quí Trát, con vua nước Ngô, vì chữ tín mà treo gươm bên cạnh mộ bạn là vua nước Từ.
    [3] Tức ngày đăng trên báo Văn hóa & đời sống (Theo Blog Góc nhà Dũ Lan Lê Anh Dũng)

    Posted by goldfish
     
    nth thích bài này.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này