Tạp Luận...

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi tducchau, 28/12/14.

Moderators: Cát Cát
  1. tauvequehuong

    tauvequehuong Lớp 10

    Bạn @tducchau ơi, dữ liệu lấy về được chưa ? :):)
     
    tducchau thích bài này.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    'Né, núp' hoài mà vẫn 'bị' nhá nhá 'chiếu bí' vậy trời! :)!
    Mới lấy được một ít, nhưng chưa có bản Quốc Văn Giáo Khoa Thư :(!, các bản word đều chuyển về Text ANSI hết...
    Có lẽ tducchau sẽ dùng bản PDF convert lại... Thành thực xin lỗi @tauvequehuong nha! tducchau cố gắng hoàn tất sớm. Nếu có gì 'bất ổn' sẽ chuyển thẳng các bản text vô Diễn đàn! (Đang suy nghĩ vậy đó, Phòng đọc trực tuyến mới được mở lại, mấy quyển nầy đọc tới đọc lui vẫn thấy rất thâm thúy, thấm thía ...)
     
    tauvequehuong thích bài này.
  3. tauvequehuong

    tauvequehuong Lớp 10

    Hihi nghe nói Admin và Ban quản trị tính xây nhà TVE-4U cả trăm năm, như vậy thì cứ post vô diễn đàn cho yên tâm bạn ạ.
    Mấy cuốn đó thì hay lắm, đơn giản mà thâm thúy, đứa bé nào được học thì thật là may mắn cho đứa bé đó.
     
    tducchau and Ban Tang Du Tử like this.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ... Nhân đứa học trò cưng gả chồng cho con, nhất định phải gởi bằng được cho tôi miếng trầu têm cánh phượng Kinh Bắc (Kính, Báo Hỉ, Mời Trầu) & quyển 'Trong cõi' của thầy Vượng mới được xuất bản tại Việt Nam (Trong cõi, Trần Quốc Vượng_Nhà xuất bản Hội nhà văn, Nhã Nam phát hành, 2014)... Mừng rơi nước mắt! Nhớ và thương Thầy quá... Thầy ơi!
    Tôi xin chép lại ra đây một bài, bài số 10; Âu cũng là một dịp để tưởng nhớ Ân Sư & mừng cho...

    TRIẾT LÝ TRẦU CAU
    "Miếng trầu đầu câu chuyện". Một cư dân, một dân tộc qua ngàn năm (hạt cau được tìm thấy trong di chỉ khảo cổ thuộc văn hoá Hòa Bình, cách ngày nay trên dưới một vạn năm) đã điều chế được một hệ thống ứng xử vô cùng lịch sự qua triết lý trầu cau và sự mời trầu...

    Triết lý trầu cau và triết lý tình nghĩa.

    Tình nghĩa vợ chồng: xã hội Việt Nam truyền thống lấy gia đình (nhà) làm bản vị:

    Có phải duyên nhau thì thắm lại
    Đừng xanh như lá bạc như vôi.
    (Hồ Xuân Hương)​

    Nhìn miếng trầu têm, một hòa sắc trên "gam" màu mát: quả cau xanh (vỏ) trắng (thịt) vàng tươi (hạt). Lá trầu xanh... vôi trắng... miếng vỏ đỏ tươi... "Chia ba, hòa một", nơi "thống nhất" cái môi miệng con người. Lối hòa hợp: cái sự nhai trầu của chính con người. Và kỳ lạ thay: sự "tổng hợp" đưa lại một màu đỏ thắm, màu của máu, của sự sống, sự sống vĩnh hằng, sự sống vô biên...

    Miếng trầu tỏ tình:

    Vào vườn hái quả cau xanh,
    Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu.
    Trầu này trầu tính, trầu tình,
    Trầu loan, trầu phượng, trầu mình lấy ta.

    Cái "bạo dạn" của người thôn nữ xưa không đi "quá" đến sự "trâng tráo" mà được "cân bằng" lại bằng sự "giữ gìn", giữ lấy cái mà phương Tây xem là "nữ tính" hơn cả: tính e thẹn:

    Sáng nay em đi hát dâu,
    Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.
    Hai anh đứng dậy hỏi han,
    Miệng nói tay cởi túi trầu mời ăn,
    Thưa rằng: Bác mẹ em răn,
    Làm thân con gái chớ ăn trầu người...

    Đó là nghệ thuật chối từ mà giờ đây ít ai chịu học vì đã quá quen với sự "thu nhận".

    Phép biện chứng vừa bạo dạn, vừa e thẹn đúng nơi, đúng lúc là nghệ thuật sống của người thanh nữ...

    Bởi "nhận trầu" khi trước là "siêu ngôn ngữ" của sự "nhận lời". Người ta cầu hôn bằng trầu cau. Người ta đi "hỏi vợ", đi "chạm ngõ", đi "ăn hỏi" bằng cau trầu. Lễ cưới ngày xưa cũng nhất thiết phải có trầu cau. Đó là một phần nghi thức rất Việt Nam, độc đáo Việt Nam, mang bản sắc Việt Nam mà giờ đây, không chắc đã nên bỏ đi cả, duy có điều là nên giảm bớt, chỉ giữ lại như một "biểu tượng" tốt đẹp, tốt lành...

    "Nên vợ, nên chồng" rồi, thì khi người chồng ra đi vì việc công, vì việc quân, người vợ đảm cũng têm trầu, giữ tình nghĩa nơi miếng trầu tiễn chồng ra trận:

    Túi gấm cho lẫn túi hồng,
    Têm trầu cánh kiếm cho chồng đi quân.

    Một giá trị đẹp, một cử chỉ đẹp. Đẹp và lịch sự. Duyên thầm. Tình ẩn. Tiềm ẩn nơi miếng trầu. Một lời chúc phúc. Một ý mong chiến thắng: ở nhà, trầu loan, trầu phượng. Đi quân! Trầu cánh kiếm...

    Miếng trầu, đơn giản thế thôi: Trầu, cau, vôi, nếu có thể thêm tí vỏ, viên thuốc lào (với người ăn "trầu thuốc"). Ấy thế mà miếng trầu mang đậm "cá tính" "con người". Người ta têm trầu là để mời trầu, mời người khác ăn trầu. Điếu thuốc lá công nghiệp ngày nay là phi cá tính. Còn miếng trầu thủ công nghiệp ngày xưa đã được cá tính hóa (có phải cứ "tiến lên" công nghiệp hóa là bỏ sạch thủ công đâu". Còn phát triển (đúng hướng) thủ công là đằng khác!).

    Nhìn miếng trầu, đã biết được con người "têm" nó. Chàng hoàng tử trong truyện cổ tích nhận ra Nàng (Tấm) là do miếng trầu, là nhờ ở miếng trầu. Ở cái dáng đẹp (hay xấu) của miếng trầu têm, ở nếp gấp lá, cài trầu ở cái cánh trầu...

    Ăn miếng trầu, càng biết được "tính nết" người têm nó. Giản dị hay cầu kỳ. Đậm đà hay nhạt nhẽo. Do chất lượng và số lượng vôi bôi trên là trầu. Và có khi miếng trầu "ở giữa đậm quế hai đầu thơm cay"...

    Vậy phép biện chứng của miếng trầu là nó vừa mang nặng bản sắc xã hội (phương tiện giao tiếp), vừa mang nặng bản sắc cá nhân. Miếng trầu Việt nam mang nặng tình người và chở nặng tình người nhất: con người, về bản chất, vừa là một sinh vật xã hội, vừa là một cá nhân. Ứng xử hài hòa hai mặt đối lập mà hòa hợp đó là ứng xử cao nhất của xã hội loài người.

    Miếng trầu còn tàng ẩn, tiềm ẩn tình nghĩa anh em ở nơi sự tích trầu - cau - vôi: Đôi vợ chồng và người em trai bất hạnh: Sống chia rẽ anh em là chết. Sự hối hận đền bù cho cái chết, bằng cái chết... Chết rồi nhưng vì biết hối hận nên lại sống lại, hoá thân nơi trầu - cau - vôi, hòa hợp nơi miếng trầu. Một triết lý nhân sinh huyền nhiệm, tuyệt vời, không cần rao giảng rườm lời như triết lý Tây, không cần "Thiên kinh địa nghĩa" như triết lý Tàu. Triết lý Việt Nam thường là "triết lý vô ngôn" mà hay. Mà màu nhiệm. Mà đầy tính "hiệu quả".

    Anh em như thể chân tay.
    Máu chảy ruột mềm...

    Người ta cảm được triết học bằng sinh học, sinh lý, cảm nhận bằng máu thịt thân xác...

    Trầu cau còn là đạo lý ứng xử bạn bè, bà con lối xóm. "Chia trầu" để báo tin vui con cái trưởng thành, dựng vợ gả chồng, ra ở riêng... có thâm thuý hơn chăng cái "thiếp báo hỷ" tốn giấy, tốn mực, tốn tiền...?

    Mời trầu để làm quen, và để tỏ lòng tin cậy... Một người phương Tây đến Việt Nam thế kỷ XVII nhận xét: Người Việt Nam đi đâu cũng có túi trầu mang theo. Gặp nhau, sau câu chào hỏi, cởi túi trầu, người nọ lấy miếng trầu ở túi người kia, rồi vừa ăn trầu của nhau vừa trò chuyện... Mến yêu, tin vậy, lịch sự biết bao! Đó là nét giao tiếp đặc sắc Việt Nam, mà cái sự mời nhau thuốc lá ngày nay không thể nào ăn đứt được, không thể nào thay thế được. Gia dĩ, hút thuốc lá có thể có hại cho sức khoẻ. Còn ăn trầu thì không, tuyệt đối không! Ăn trầu chắc răng, bổ răng (có chất vôi...), ăn trầu chống rét, kích thích nhè nhẹ hệ tuần hoàn, kích thích thần kinh. Ăn trầu, hồng đôi má, thêm duyên... Ăn trầu, hơi say say, câu chuyện tâm tình, cởi mở... (người xưa cởi mở hơn người nay, một phần vì thế chăng?) Dân tộc nào mà không có một chất "ma tuý" nhè nhẹ hay nằng nặng? Có người nào mà cả đời "tỉnh như sáo"? (Người nào, lúc nào cũng "tỉnh" chắc chắn là người "nguy hiểm", anh chị hãy cùng tin với tôi như vậy!). Tỉnh táo khi làm việc, lao động. Ngà ngà đúng lúc, đúng nơi, khi sống nhàn, khi cần thư dãn, khi cần vui chơi, giải trí, "sống với" bạn bè. Đó cũng là một phép biện chứng "say- tỉnh" của miếng trầu, của cái sự ăn trầu...

    Tôi không đại thanh tật hô "Trầu cau muôn năm!", "vĩnh cửu hoá" quá khứ. Tôi chỉ vạch ra một nét đẹp của văn hóa trầu cau, của giá trị văn hóa Việt Nam truyền thống, của triết lý và giao tiếp Việt Nam truyền thống... Theo dấu người xưa, theo cái đẹp truyền thống giao tiếp, là cốt ở tinh thần triết lý sống của nó. Chứ chủ yếu không phải ở cử chỉ. Càng không phải ở phương tiện...

    Theo TRẦN QUỐC VƯỢNG
    ('Trong cõi' _ NXB Hội nhà văn, 2014)
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/2/15
    SongAn, tamchec and tauvequehuong like this.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    TRIẾT LÝ BÁNH CHƯNG BÁNH DÀY


    Ở một vài đô thị Việt Nam hiện đại, như thủ đô Hà Nội, người ta đã làm và bán bánh chưng, bánh dầy hàng ngày, như một thứ hàng quà, để phục vụ cho thị hiếu thích ăn quà của dân đô thị. Quà là để ăn chơi, tất nhiên cũng có thể "ăn no quà", nhưng về bản thể luận, quà là món ăn chơi, ăn qua loa quít luýt thôi, chứ không phải là thứ lương thực thực phẩm chủ yếu, hằng ngày...

    Trong phong tục học và tâm (lý) học, người ta thường phân biệt hai cặp phạm trù:

    - Cái thiêng liêng / cái thông thường (hay cái THIÊNG và cái TỤC)
    - Cái nghi lễ / cái hằng ngày.

    Giữa hai phạm trù này, có một phép biện chứng chuyển hóa lẫn nhau.

    Ví như xôi, vốn là lương thực hằng ngày của người Việt cổ thời đại Đông Sơn - Âu Lạc trở về trước (trong nhiều di chỉ Phùng Nguyên - Bàu Trỏ đã tìm thấy chõ xôi bằng đất nung) cũng như của các ngư dân Thái Mường miền thung lũng trước Cách Mạng Tháng Tám.

    Với xu hướng "tẻ hóa" của nhà nông trồng lúa nước (do áp lực dân số và nhu cầu tăng năng suất lúa), dần dà người Việt thời Lý, Trần và người Thái người Mường hôm nay hằng ngày đều dùng cơm tẻ. Người ta dành chõ xôi cho những ngày giỗ chạp, tết nhất, cưới xin, ma chay... nghĩa là chuyển hóa xôi thành món ăn nghi lễ.

    Bánh chưng bánh dầy ở đô thị thời hiện đại đã thuộc phạm trù cái hằng ngày, hay nói cách khác, đã được giải thiêng.


    Nhưng ở thời đại Việt cổ truyền, và chừng nào đó, ở nông thôn Việt Nam cho đến Tết xuân con Rồng 1988 này, bánh chưng bánh dầy vẫn thuộc phạm trù nghi lễ. Người ta chỉ làm và dùng nó (dùng để cúng, để ăn, để làm quà biếu tặng nhưng thường không để bán) trong ngày Tết hay trong những ngày lễ hội (nhiều làng đồng bằng Bắc Bộ có tập tục Tết rằm tháng giêng cúng và dùng bánh chưng, lễ hội tháng Ba lịch trăng (Mồng 3, mồng 6, mồng 10...) cúng và dùng bánh dầy, chè kho).

    Ngày trước, bánh dầy, bánh chưng là những lễ vật và món ăn dân tộc. Bây giờ nó vẫn còn là món ăn dân tộc đáng cho ta gìn giữ và trân trọng.

    Nhưng xin nhận thức lại cho đúng mức hơn. Nó không phải là lễ vật và món ăn độc đáo Việt Nam theo nghĩa chỉ Việt Nam mới có, mới dùng.

    Bà Á Linh, giảng viên trường Đại học Sư phạm Ngoại Ngữ Hà Nội là người Việt gốc Hoa, quê gốc ở Tứ Xuyên, theo chồng Việt Nam sang sinh sống và công tác ở Hà Nội từ mấy chục năm nay, nhân ngày tết cổ truyền năm con Khỉ (1980) đã cho tôi biết là ở Tứ Xuyên quê bà có loại bánh lễ gần giống như "bánh Tét" (bánh chưng gói tròn như cái giò) và được gọi âm Hán Việt đọc là "tông bỉnh" nhưng âm Hán Tứ Xuyên đọc gần như Téung pính.

    Ông Obayashi Taryo, giáo sư nhân học văn hóa Trường Đại học Tokyo trong bài báo cáo cô đúc "Vị thần lấy trộm giống lúa" (Xem thông báo Unesco tháng 12 - 1984, số chuyên đề về "Những nền văn minh lúa gạo") lại cho ta biết món bánh mochi rất phổ biến và quan trọng của bếp ăn Nhật Bản "được làm bằng gạo nếp hạt ngắn đem đồ lên đến khi chín mềm rồi đem giã nóng bằng chầy cho đến khi thành bột dính trong đó không còn phân biệt được hạt nữa... Mochi đóng vai trò quan trọng trong lễ tết, đầu năm mới?

    Đó chính là bánh dầy với các loại hình to nhỏ khác nhau, được bầy thành hàng trên bàn thờ cúng tổ tiên và sau đó được ăn với các thứ cháo đặc biệt gọi là ojoni trong bữa ăn nghi thức sáng mồng một Tết của người Nhật.

    Cho nên, xin nói lại cho chính xác hơn là bánh chưng, bánh dầy là sản phẩm độc đáo của một vùng văn minh lúa gạo rộng lớn ở Đông Á và Đông Nam Á. Tất nhiên giáo sư viên sĩ Đào Thế Tuấn cho ta biết là lúa nếp có loại hình đa dạng nhất và điển hình nhất của ngày Tết Việt Nam.

    Nhân ngày Tết năm con Rồng này, tôi xin đưa ra một minh giải văn chương: Bà con cô bác miền Nam gọi bánh chưng là bánh tét, chữ bánh tét là tiếng đọc trạnh kiểu miền nam của bánh tết. Và nhân đây xin thanh toán một "ngộ nhận văn hóa". Thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói vuông như bây giờ mà gói tròn như bánh Nam Bộ, gọi là đòn bánh tét là hoàn toàn chính xác. Ngay giờ đây, xin các bạn chỉ quá bộ sang Cổ Loa, Đông Anh ngoại thành Hà Nội thôi, vẫn thấy bà con cố đô Cổ Loa gói bánh chưng như đòn bánh tét và vẫn gọi nó là bánh chưng, thảng hoặc mới gói thêm bánh chưng vuông. Thế cho nên, cái triết lý gán bánh chưng vuông tượng Đất, bánh dầy tròn tượng Trời là một "ngộ sự văn hóa". Trời tròn đất vuông là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào triết lý Việt Nam. Đó không phải là triết lý dân gian Việt Nam. Nó không phải là Folklore (nguyên nghĩa: trí tuệ dân gian) mà là Fakelore (trí tuệ giả dân gian).

    Bánh chưng tròn dài tượng Dương vật, như cái chày, cái nô. Bánh dầy tròn dẹt tựa Âm vật, như cái cối, cái nường.

    Đó là tín ngưỡng và triết lý nô-nường-chày-cối chưng dầy của dân gian, của tín ngưỡng phồn thực dân gian. Ngay như khi đã gói bánh chưng vuông, dân gian ngày trước vẫn có tục lệ buộc hay ấp hai chiếc bánh một sấp một ngửa đặt trên bàn thờ và khi biếu họ hàng khách khứa ngày trước dân gian cũng giữ tục biếu một cặp bánh chưng (cũng như trước đây bao giờ dân ta cũng mua một đôi chiếu) chứ không bao giờ tặng một chiếc bánh chưng (cũng như không bao giờ mua một chiếc chiếu). Nhân tiện nói thêm: việc mua hay chặt cây mía cả gốc cả ngọn đặt bên bàn thờ với giải thích hữu thức ngày sau đó là "gậy chống của ông vải" về nguyên thủy cũng thuộc về tín ngưỡng phồn thực.

    Bánh chưng gói ghém trong nó cả một nền văn minh nông nghiệp lúa gạo. Trong bầu khí văn minh đó, người Việt Nam sống vừa hòa hợp (thích nghi tối đa và tối ưu) vừa đấu tranh (biển đổi) với tự nhiên. Lá dong gói bánh là lá dong riềng lấy sẵn của thiên nhiên. Cái bánh chưng, là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi Việt Nam: gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn... Cái đặc sắc, độc đáo của bánh chưng không phải chỉ là, thậm chí không phải chủ yếu là ở từng yếu tố hợp thành cái bánh mà là ở cơ cấu của bánh, nó tạo nên nét khác biệt trong hình khối, màu sắc, hương vị của bánh chưng so với các lọai xôi đỗ và bánh nếp khác. Với gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn... có thể tạo nên mấy chục loại bánh xôi Việt Nam dùng hàng ngày như quà và trong các dịp cưới xin, giỗ, tết như lễ phẩm.

    Huyền thoại qui công sáng tạo bánh chưng bánh dầy cho Lang Liêu, một người con thứ của vua Hùng, tổ dựng nước Việt Nam. Cũng như "vua Hùng", "Lang Liêu" là một "anh hùng văn hóa", nó không hề hiện hữu như một cá thể (cá nhân) nhưng chỉ tồn tại trong công thể (cộng đồng) của nhân dân, dân tộc Việt Nam. Lang Liêu có tài sáng tạo, làm ra bánh chưng bánh dầy cho nên được nhường ngôi, trở thành "vua Hùng" mới. Tuy cũng là cha truyền con nối như xu hướng phổ quát của lịch sử loài người, nhưng không truyền cho con trai trưởng (trước thế kỷ XI, dường như Việt Nam không có tập tục này và sau đó cho mãi đến thế kỷ XIV, XV (Hồ Quý Ly cũng không nhường ngôi cho con trai trưởng là Hồ Nguyên Trừng mà cho con thứ là Hồ Hán Thương) nó vẫn là một truyền thống yếu, có xu hướng ngoại sinh) theo lý, cũng không truyền ngôi cho con trai của một bà ái phi nào theo tình, mà truyền ngôi cho con nào hiền tài, đó là sự kết hợp giữa truyền tử và truyền hiền, đó là sự hòa hợp lý tính thời cổ đại...

    Trong các cuộc thi tài thuở trước, mà ở đây là thi nấu cỗ, có biết bao người con của "vua Hùng" đã làm ra biết bao nhiêu món lạ, lạ mắt, lạ miệng... những sơn hào hải vị kiếm tận đâu đâu... Cái giỏi của "Lang Liêu", cái con mắt tinh đời của "vua Hùng" cũng là cái sáng giá trong bảng giá trị văn hóa của dân tộc dân gian là tìm cái phi thường trong cái thường thường. Trong tâm lý thường nghiệm, có thói quen chuộng lạ, ưa của lạ. Cái hằng ngày thân quen, nếu không biết cách nhìn, cách thưởng thức, cách biến đổi thành những cơ cấu mới từ những nhân tố quen thuộc thì dễ trở thành nhàm chán.

    Tìm cái đặc biệt trong những của lạ thì nào có khó khăn gì! Có khả năng diễn tả cái phi thường bằng những cái thường thường mới là một tài năng đặc biệt không dễ nhận ngay được giá trị vì cứ tưởng là không khó mà thật ra rất khó, vì nó đòi hỏi sự thấu hiểu, sự đi sâu tìm hiểu, sự nhập thể rất sâu trong lòng văn hóa và nhân dân...


    Theo TRẦN QUỐC VƯỢNG
    (Báo Người Hà Nội, Số Xuân Mậu Thìn, 1988.)​
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/2/15
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này