Giới thiệu sách Tế lễ mùa xuân của Lục Thu Trà

Thảo luận trong 'Giới thiệu sách hay chưa có trên TVE-4U' bắt đầu bởi huytran, 17/8/17.

Moderators: CreativeIdiot
  1. huytran

    huytran Lớp 5

    Về mặt lập luận trinh thám thì cuốn này rất vớ vẩn, nhưng tôi thấy như vậy lại là một sự độc đáo. Xưa nay, tôi vẫn không thích trinh thám lắm, vì không coi chuyện A giết B là cái gì ảnh hưởng đến nhân quần xã hội tới mức phải theo dõi qua 2-300 trang. Một ngoại lệ là khi nhân vật giết nhau vì tư tưởng, triết lý, quan điểm học thuật... tức là những cái to tát lớn lao hơn mảnh đời tư. Mà những lúc đấy thì cảm nhận trực giác về ý nghĩa sự việc quan trọng hơn là những mẩu bằng chứng vụn vặt, phải trình ra dông dài để thuyết phục đám đông độc giả ít trí tưởng tượng.

    Về nhiều mặt, tác giả này có thể so sánh với Eco, một Eco con gái, ít tuổi và lười biếng. Cũng gần giống với "Tên của đóa hồng", truyện lấy bối cảnh trong 1 thế giới thần quyền, nơi những quan điểm trái chiều về giáo lý, về siêu nhiên chứ không phải mâu thuẫn quyền lợi hay cá nhân đẩy người ta đến chỗ giết người. Dĩ nhiên, vị trí của mỗi cá nhân trong thế giới tri thức cần phải nối kết với thế giới tâm lý của họ, để cho nhân vật có sự sống thực chứ không phải chỉ làm cái loa cho tác giả phô bày học vấn. "Lễ tế mùa xuân" xoay chung quanh sự say mê của các nhân vật với tư tưởng thần quyền Trung Hoa thượng cổ. Nhưng nó cũng tận dụng chất liệu là những quan hệ gần như luyến ái giữa mấy thiếu nữ mới lớn để phác họa cái mà một độc giả khắt khe luân lý có thể gọi là "tính bệnh lý" trong nguyên cớ các sự kiện.

    Ai đọc tiểu thuyết cổ Trung Hoa cũng quen thuộc với cách hành xử lập dị kỳ quặc, nặng tính sân khấu của nhân vật, ví dụ cái trò "cười ba tiếng, khóc ba tiếng". Đấy có lẽ là những motif lưu truyền lại từ thời thượng cổ, khi mà thần kinh và tâm lý con người còn có hình thái rất khác biệt với những thời đại đã đô thị hóa. Người thời thượng cổ sống sát với tự nhiên và hòa lẫn vào tự nhiên; họ không có ý niệm phân định rõ giữa mình và thế giới bên ngoài như chúng ta. Trong suy nghĩ của họ lẫn lộn ý nghĩ cá nhân và lời phán truyền của các "quỷ thần"; họ sống trong 1 trạng thái "lưng chừng" (twilight state), nửa mê nửa tỉnh, thường có những khuynh hướng chấp nê phi lý, hoặc hành vi, cử chỉ đột ngột, kích động, đi quá chừng mực an toàn trong giao tiếp. Đó là những trạng thái tương tự như đồng nhập, khi người ta chuyển tải những ý nghĩ hoặc ý chí nằm ngoài giới hạn tỉnh táo của mình.

    Tác giả lựa chọn nhóm nhân vật lý tưởng nhất để thể hiện trạng thái thần kinh đó, là các thiếu nữ mới lớn. Những chi tiết như khi Tiểu Quỳ bỗng nhiên tát Lộ Thân vừa bất ngờ vừa rất thật, biểu hiện một cung cách hơi rồ dại kiểu trẻ con trước một đối tượng mà mình giành cho quá nhiều sự quan tâm. Chỉ có một cô gái yếu đuối, yếm thế, lười biếng chán chường, sống một mình trong thế giới ảo tưởng như tác giả tự thú nhận, có thể xây dựng được những nhân vật có đời sống tình cảm kỳ lạ như vậy, để rồi người này giết người vì những lý do vô nghĩa, còn người kia giải nghĩa được những vụ giết người đó. Nhân vật chính trong truyện cũng không lão luyện sâu sắc như đa số nhân vật thám tử khác, mà có kiểu hợm hĩnh rất trẻ con về trí tuệ của mình, khi phá án thì lý luận ngây ngô, nhưng nhờ vậy lại tìm được đầu mối trong mớ tình cảm hỗn loạn của các thiếu nữ trẻ con muốn học làm người lớn đang sống chung quanh. Tóm lại, 1 truyện mới lạ và độc đáo, không nằm trong khuôn mẫu nào.

    1 phàn nàn lớn nhất: dịch giả dùng bản dịch Ly tao của Nhượng Tống cho các trích dẫn trong truyện. Tôi không bao giờ có thể hiểu nổi cái thú của các cụ hồi xưa cứ thích dịch thơ Hán sang lục bát; đa phần là 1 sự phá hoại kinh khủng đối với cái khí chất của nguyên bản. Trừ một bản dịch Chinh phụ ngâm thành công gần như tuyệt đối, còn kiểu dịch này đa số tạo ra 1 bài thơ chắp vá hỗn độn, ý tưởng không mạch lạc rõ ràng, nghe như 1 bài đồng dao vớ vẩn cho con nít hát nghêu ngao. Sao không dùng bản dịch của Đào Duy Anh nhỉ.

    (Lại quảng cáo thêm 1 cuốn: bạn đọc nên tìm đọc cuốn Sở từ do Đào Duy Anh dịch, để cảm nhận được cái thế giới thần quyền, vu thuật đầy mộng ảo trước thời đại đô thị hóa của xã hội và kinh điển hóa, trừu tượng hóa của tư duy Trung Quốc. Nó cũng giống như tìm đọc sách Khải huyền để hiểu thêm cuốn của Eco vậy).
     
Moderators: CreativeIdiot

Chia sẻ trang này