Thi pháp Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi 4DHN, 4/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    Người post: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Thi pháp Nguyễn Tuân
    Tư liệu về Nguyễn Tuân
    ________________________________________
    Thụy Khuê
    Thi pháp Nguyễn Tuân

    Nguyễn Tuân, sinh ngày 10-7-1910 taị phố Hàng Bạc, mất tại Hà Nội ngày 28-7-1987. Tiểu học ở Hà Nội, trung học Nam Định. 1927, về Hà Nội cưới cô Vũ Thị Tuệ, nhưng vẫn trọ học ở Nam Định. 1928 (năm thứ tư trường Thành Chung) vì tham gia bãi khoá, bị đuổi học; Nguyễn Tuân cùng các bạn chạy qua Lào, sang Thái, nhưng bị bắt, giam tại Thanh Hóa khoảng một năm. Ra tù (1931-1936), đi đi về về giữa Hà Nội-Thanh Hoá, làm nhiều nghề và bắt đầu viết văn làm báo. Viết cho các tờ Đông Tây, An Nam tạp chí (của Tản Đà), Tiểu thuyết thứ bảy, v.v... Từ 1937, ở hẳn Hà Nội sống bằng ngòi bút. Đầu năm 38, đi Hương Cảng đóng vai phụ trong phim Cánh đồng ma (phim nói tiếng Việt đầu tiên), trở về viết một loạt bút ký về chuyến đi này, sau gộp lại trong tập du ký Một chuyến đi (Tân Dân, Hà Nội, 1941). 1939-1943, thời kỳ sáng tác mạnh nhất:1939, viết loạt truyện ngắn đăng trên Tao Đàn và Tiểu thuyết thứ bảy, sau in trongVang bóng một thời (Tân Dân, 1940); loạt phóng sự về thuốc phiện trong Ngọn đèn dầu lạc (Mai Lĩnh, 1939). 1940, viết tự truyện Thiếu quê hương (Anh Hoa, 1943); truyện vừa Nhà bác Nguyễn, sau gom lại cùng 6 truyện ngắn khác, thành tập tự truyện Nguyễn, (Thời Đại, 1945). 1941, Nguyễn Tuân in tiếp phóng sự Tàn đèn dầu lạc (Mai Lĩnh, 1941), tự truyện Chiếc lư đồng mắt cua (Hàn Thuyên, 1941) và Tùy bút I (Cộng Lực, 1941). 1943, in Tùy Bút II (Lượm lúa vàng, 1943) và Tóc chị Hoài, (Lượm lúa vàng, 1943) tuy gọi là tùy bút, nhưng thật ra là một tiểu thuyết cách tân; đồng thời viết loạt truyện ngắn huyền hoặc mà ông gọi là Yêu ngôn, đăng trên Thanh Nghị và Trung bắc chủ nhật (Nguyễn Đăng Mạnh sưu tập và cho xuất bản năm 1999). Từ 1944, trừ tùy bút Võng ngô đồng, Nguyễn Tuân viết ít hẳn đi...1945, Cách Mạng tháng Tám bùng nổ, ban đầu ông không tham dự, nhưng viết bài Vô đề sau đổi thành Lột xác ghi lại những trăn trở, xâu xé của nhà văn trước quyết định phải đổi hướng.


    Tháng Tám 1946, viết bài Ngày đầy tuổi tôi cách mệnh xác định sự vững tin vào" lập trường Cách Mạng" của mình, và cho xuất bản Chùa đàn (Quốc Văn, 1946), truyện có ba phần, đoạn đầu và cuối thêm vào sau khi đã "giác ngộ" Cách Mạng, khá chắp vá, phần cốt yếu là Tâm sự của nước độc, viết trước 1945, theo mạch yêu ngôn. Năm 1950, Nguyễn Tuân được vào Đảng, từ 1948 đến 1958, giữ chức Tổng thư ký hội văn nghệ Việt Nam.

    Về mặt văn học, từ 1949 trở đi, trừ một số bài phê bình văn học và tùy bút, Nguyễn Tuân nghiêng hẳn về bút ký, khai thác những chuyến đi thực tế với bộ đội trong những tập Đường vui, (1949), Tình chiến dịch (1950), về giai đoạn Việt Bắc.

    Sau đợt chỉnh huấn 1953, phải học tập chính sách cải cách ruộng đất của Đảng và tham dự những đợt phát động quần chúng, Nguyễn Tuân viết bài tự kiểm thảo "Nhìn rõ sai lầm", để "nhận tội" và chối bỏ Vang bóng một thời, ông "thú tội" bị ma dẫn lối, quỷ đưa đường, nên đã viết Chùa đàn (Tâm sự của nước độc) trước 1945 theo mạch yêu ngôn. Đoạn tuyệt quá khứ lãng mạn tiểu tư sản, Nguyễn Tuân trở thành cực tả, ông viết những bài miệt thị thậm tệ "kẻ thù" (Mỹ Diệm) và không tiếc lời ca tụng thiên đường xã hội chủ nghĩa Liên xô, Trung quốc.

    Thời kỳ Nhân văn giai phẩm, Nguyễn Tuân trở lại với tính nghệ sĩ cứng đầu, viết những bài tiểu luận khá ngang tàng, phê bình chế độ và một số lãnh đạo văn nghệ như Quanh việc phê bình tờ báo Văn, Phê bình nhất định là khó, Tìm hiểu Sê-khốp, Cây HàNội v.v... nhưng khi Đảng đàn áp Nhân Văn, Nguyễn Tuân -như ông thường nói- lại biết sợ ngay, ông viết bài Nguyễn Tuân tự phê bình, in trên Văn nghệ tháng 5, năm 1958, và ngay khi đang học tập chính trị và đi thực tế ở Tây bắc, ông đã viết những bài bút ký tích cực, theo đúng đường lối của Đảng, sau in trong tập Sông Đà, 1960, ca tụng thiên nhiên, tài nguyên của tổ quốc, ca tụng những chiến sĩ tiên phong mở đường cho việc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

    Chiến tranh Việt Nam ngày càng khốc liệt, máy bay Mỹ hàng ngày oanh tạc miền Bắc. Theo lời kể của Nguyễn Đình Thi, B52 bỏ bom ác liệt hôm trước thì hôm sau trên báo Nhân Dân đã có bài của Nguyễn Tuân viết về một đám cưới bên trận địa cao xạ. Với tập Hà nội ta đánh Mỹ giỏi in năm 1972, Nguyễn Tuân đã trở thành cán bộ chiến sĩ, dùng chữ trực tiếp "đánh" Mỹ.





    Nếu nhìn lại toàn bộ sáng tác gần 5000 trang của Nguyễn Tuân, sẽ thấy vài ngàn trang vô ích, không xứng với tài năng ông và huyền thoại Nguyễn Tuân là một bậc thầy của tùy bút cũng không còn chỗ đứng. Thực ra, Nguyễn Tuân đã viết rất nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, phóng sự, tự truyện, yêu ngôn, bút ký, phê bình, v.v... Mặc dầu có những đầu sách được ông gọi là tùy bút, nhưng thể loại này có chỗ đứng rất nhỏ trong tác phẩm của Nguyễn Tuân. Vũ Ngọc Phan đã dự đoán khá chính xác, ngay từ trước 1945, khi xếp Nguyễn Tuân vào những nhà văn thuộc thể loại bút ký. Nhưng bút ký không đem lại cho Nguyễn những thành tựu văn học đáng kể, dù sau 1945, ông viết cả ngàn trang về thể loại này. Một nghịch lý nữa: những tác phẩm chính của Nguyễn Tuân (hầu hết viết trước 1945), không phải và cũng không có nét gì tùy bút:Vang bóng một thời là tập truyện ngắn, Chiếc lư đồng mắt cua, tự truyện, Chùa đàn và những đoản thiên viết theo mạch yêu ngôn là một thể loại văn học đặc biệt do Nguyễn Tuân sáng tạo. Sau cùng, những bài viết tập hợp trong hai tậpTùy bút I và II, in năm 1941 và 1943, cũng rất ít chất tùy bút, đúng ra là hai cuốn tạp văn, toàn bộ 17 bài, gồm các thể du ký, tâm ký, nhật ký, và tự truyện.

    Sau 1945, Nguyễn Tuân chuyên hẳn về bút ký. Những tập Đường vui, Tình chiến dịch, hai tập Tùy bút kháng chiến và hoà bình I và II, rồi Sông Đà, Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi v.v... dù được ông xác định là tùy bút cũng không thể gọi là tùy bút được, bởi cách cấu trúc văn bản không thuộc thể tùy bút.



    Vậy trước hết, thế nào là tùy bút?
    Chữ tùy bút, nếu hiểu theo nghĩa tùy hứng phóng bút, thì có lẽ nó đã được dùng sai, ngay từ thời Phạm đình Hổ, bởi chính trong Vũ trung tùy bút, Phạm đình Hổ cũng chẳng ngẫu hứng phóng bút gì cả. Trương Chính có lý, khi giới thiệu cuốn Vũ trung tùy bút, ông viết: "Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, so với các loại truyện ký cùng thời, có giá trị riêng của nó. Về mặt tài liệu, nói không được đầy đủ bằng cuốn Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, về mặt lịch sử, không được hoàn chỉnh và có hệ thống như cuốn Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Thì Chí. Nhưng nó bổ sung cho hai cuốn kia. Nhiều điều ở đây có thì ở đó không có. Lại nữa, ở đây, Phạm Đình Hổ chú ý nhiều về chuyện vặt vãnh trong đời sống của người dân thường, hơn là những chuyện "to lớn" trong phủ Chúa hay trong Triều đình. Cho nên, muốn hiểu xã hội ta khoảng nửa cuối thế kỷ XVIII, người ta không quên tra cứu cuốn Vũ trung tuỳ bút của ông" (Lời giới thiệu Vũ trung tùy bút, bản dịch của Nguyễn Hữu Tiến, nxb Đông Nam Á, Paris, 1985, trg 14).

    Vũ trung tùy bút có 28 bài, thì chỉ có Hoa thảo là có chất tùy bút, còn lại là một bài Tự thuật, 5 truyện ký: Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh, Lục hải, Tả chí hầu, Cảnh chùa Sơn Tây, Thay đổi địa danh và 21 bài nghiên cứu ngắn (từ Học thuật, Lối chữ viết... trở đi). Một cuốn sách pha nhiều thể loại như thế nên gọi là tạp văn. Đáng lẽ Phạm Đình Hổ nên để nhan sách là Vũ trung tạp bút và cái lầm này sẽ không đáng nói nếu Nguyễn Tuân không chép lại cái sai của Phạm Đình Hổ (và chắc chắn Nguyễn Tuân đã chép lại cái sai này, vì ông hay nhắc đến cách viết "tùy bút" của Phạm Đình Hổ như một mẫu mực mô tả nếp sống đẹp của người xưa). Điều đáng tiếc nữa là Phạm chỉ có một cuốn "tùy bút", còn Nguyễn viết đến sáu, bảy tập "tùy bút" rồi những người đi sau lại rập theo cái lầm của Nguyễn mà luận, mà bàn, mà ca tụng cái tài hay cái thể văn tùy bút (không có thật) của Nguyễn Tuân.

    Trong văn chương quốc ngữ, kể đúng tùy bút, viết theo lối ngẫu hứng phóng bút, thì có lẽ phải đến Thạch Lam với Hà Nội băm sáu phố phường, chúng ta mới thật sự có tùy bút. Tùy bút khác hẳn các lối truyện ký ở chỗ gặp đâu viết đấy, nếu có luận cũng là luận phiếm, nói phiếm, không có cớ mà cũng chẳng cần bằng (Võ Phiến). Tùy bút thường không có chủ đề, nói đúng hơn, nếu có chủ đề thì cũng chỉ để làm vì vì tác giả luôn luôn đi lạc, tính chất cơ bản của tuỳ bút là phóng túng, tản mạn, tứ tán gần như lạc đề. Ví dụ cái tựa Hà nội băm sáu phố phường của Thạch Lam đã ẩn trong "tiềm thức" ý muốn "lạc đường" lắm rồi: ông ghé nhìn "những biển hàng" ở phố Hàng Đào một tí, bàn phiếm về loài vật một tí, rồi chạy sang chuyện "người Ta viết chữ Tây", chuyện dốt mà hay chơi chữ, rồi lại táp vào "hàng quà rong" nếm phở, bún sườn, canh bún, mìn páo, giầy giò, vv...Và ngay trong các "chủ đề" canh, bún, miến, mìn páo... cũng có sự chạy rông, vì chúng không chỉ nói về món ăn, mà còn đi lang thang sang con người, tình cảm, sống, chết, đói khổ... Tuy Thạch Lam không gọi sách của mình là tuỳ bút thì nó vẫn cứ là ... tùy bút, tức là linh tinh, linh động, "lạc đề" một cách nghệ thuật... Sau đó, Vũ Bằng tiếp tục truyền thống tùy hứng phóng bút của Thạch Lam (đôi khi bắt chước y hệt cả giọng lẫn chữ của Thạch Lam) trong Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai... rồi đến thế hệ Mai Thảo, Võ Phiến, thể loại tùy bút được phát triển theo những chiều hướng, phong cách hoàn toàn khác nhau: Mai Thảo mạnh về văn, về thi pháp, Võ Phiến giầu về ý. Mai Thảo "lạc đề" liên miên theo "một đề": từ một ánh lửa, ông có thể "đi" hai ba trang lửa: lửa bếp, lửa tâm, lửa Hồ Gươm, lửa cửa ô, lửa đèn, lửa đuốc, lửa lân tinh, lửa sống , lửa chết... nhưng lửa chỉ là cái cớ để nói về... Hà Nội. Võ Phiến "lạc đề" trong lúc luận, đi từ hũ mắm Bình Định, sang Quang Trung, sang áo dài, sang bánh tráng, sang tiếng nói, tiếng cười, tiếng gọi... Nhưng lại rất lạ là cả hai nhà văn này đều ít nhiều chịu ảnh hưởng Nguyễn Tuân: Mai Thảo ảnh hưởng Nguyễn Tuân trong nghệ thuật ngông và tạo thi pháp mới. Võ Phiến ảnh hưởng phong cách sống trà đạo của Nguyễn Tuân.

    Nguyễn Tuân ít viết tùy bút, thời tiền chiến, ông có vài bài ký hay có nhiều chất tùy bút như Gió đã lên, Cửa Đại, Võng ngô đồng... Sau 54, ông có vài bài khác như Phố màu, Chợ Đồng Xuân, Cây Hà Nội, Trang hoa, Đố ai quét sạch lá rừng... tất cả đều nửa ký, nửa tùy bút, còn những bài nổi tiếng và có thể thực sự gọi là tùy bút như bài Phở và một số bài khác như Cốm, Giò lụa, Cái bánh dẻo tròn... viết theo lối Thạch Lam, lại không có gì thật đặc sắc, riêng biệt. Nguyễn Tuân chuyên về bút ký, tức là ông viết có mục đích, không lạc đề, viết để ghi lại những chuyến đi với những nhận xét, kiến thức, cảm tưởng của mình về những phong cảnh, hoàn cảnh gặp giữa đường như Hải Trình chí lược của Phan Huy Chú (1832)... Sự nghiệp bút ký của Nguyễn Tuân bắt đầu với Một chuyến đi, và sau 1945, phát triển mạnh mẽ với những bút ký kháng chiến, Sông Đà... Sau Nguyễn Tuân, Phan Nhật Nam, Hoàng Phủ Ngọc Tường là những nhà văn viết bút ký rất tài hoa.
    (Xin xem tiếp File kèm theo )

    Tu lieu ve Nguyen Tuan.rarVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Last edited by a moderator: 10/9/14
  2. 4DHN

    4DHN Tiêu Dao

    Người post: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    TVE

    Ebook THI PHÁP NGUYỄN TUÂN

    Từ file .doc bài Thi pháp Nguyễn Tuân của Thuỵ Khuê do bạn Nldsd đăng ở trên, tôi chỉnh sửa một vài lỗi chính tả rồi chuyển thành file .prc.

    Tôi đoán bài Thi pháp Nguyễn Tuân này được bạn Nldsd chép lại từ website Thư viện Giáo án điện tử Violet (Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link), cho nên trong ebook tôi ghi:

    Nguồn: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Sưu tầm: Nldsd.

    Trên trang web nêu trên còn có các thông tin sau:

    (Bài giảng chưa được thẩm định)
    Nguồn: Thụy Khuê
    Người gửi: Vũ Ngọc Vinh
    Ngày gửi: 22-11-2009
    Dung lượng: 45.8 KB
    Số lượt tải: 22
    Số lượt xem: 81


    Xin cảm ơn bạn Nldsd và xin chia sẻ cùng các bạn.

    ---------------
    Ebook được đưa lên lại ngày 12/04/2010

    ThiPhap NguyenTuan.rarVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Last edited by a moderator: 10/9/14
    TrangNguyen162171, Fish and Cải like this.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này