THI SĨ TẢN ĐÀ Lê Thanh Nghiên cứu & Phê bình: Trần Huệ Phong Tản Đà Thư Cục 1939 Nguồn: Tve-4U.org Đánh máy: quyche Trình bày & Hiệu đính: VC Tạo bìa: inno14 - Tạo ebook: tna (Dự án #0101: 1000 cuốn sách Việt một thời vang bóng) • Tiểu sử Tản Đà Ông Tản-Đà sinh ngày 29 tháng tư năm Thành-thái nguyên-niên (1888), quán làng Khê-Thượng, huyện Bất-Bạt, Sơn-Tây. Ông là con cụ Nguyễn danh-Kế. Ông vốn giòng giõi quyền-quí, tổ-tiên xưa đã làm quan dưới triều Lê. Đến khi nhà Lê suy nhà Nguyễn lên ngôi trị-vì các ngài đã thề với nhau rằng sẽ không bao giờ ra làm quan nữa. Nhưng đến đời thân-sinh của ông, cụ Nguyễn danh-Kế, sự bần hàn trong gia-đình đã bắt cụ ra thi chịu ấn phong của triều Nguyễn. Cụ giỏi chữ lại hay thơ, làm đến án-sát, đã giữ chức ngự-sự trong Kinh. Tục truyền văn án tiên-sinh dùng để gỡ tội cho bị-cáo-nhân bao giờ cũng đanh thép, nhiều lần vua Tự-Đức đã phải khen. Muốn chứng thực tài văn-án của tiên-sinh, tôi tưởng không gì bằng thuật lại ở đây một vụ truy tố ly-kỳ sẩy ra dưới triều Tự-Đức mà trong đó tiên-sinh đóng vai ngự-sử. Nguyên hồi ấy trong cung vua Tự-Đức có nuôi một con hạc rất đẹp. Vua yêu nó lắm đã phong tước Vương cho nó. Ở cổ hạc lủng lẳng một cái bài ngà. Một buổi chiều kia, hạc ta ngất-nghểu ngao du ra ngoài cửa thành và bị cắn chết bởi một con chó của người chủ quán bán hàng cơm gần đấy; tức thời chủ quán bị bắt giam và truy-tố. Tiên-sinh ở địa vị ngự-sử, làm trạng-sư cãi cho bị-cáo-nhân. Bản cãi rất hùng hồn và nhiễm một cách trào phúng rất sâu-sắc. Trong đó có bốn câu dưới đây, lý thú nhất: Hạc hữu kim bài Khuyển bất thực tự Xúc vật tương thương Hà phương nhân sự. • Dịch nghĩa: Con hạc có đeo kim bài thật nhưng con chó không biết chữ. Đó là việc loài vật hại lẫn nhau. Việc chi đến người bị tội. Vua Tự-Đức mến phục tài tiên-sinh liền truyền tha bổng người chủ-quán.
Xin gửi các bạn bài nghiên cứu về Tản Đà để đọc thêm. Bài viết khá hay của Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng