Thương nữ hát khúc Hậu Đình hoa là ai?

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi goldfish, 11/11/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. goldfish

    goldfish Lớp 8

    Trong bài “Tôi nghe nhạc” của Trần Tiến Khôi đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay số 837, ngày 10.11.2013, có đoạn sau đây:

    “Cách đây khoảng 3.000 năm, khi nhà Chu diệt nhà Thương, các kỹ nữ nhà Thương vẫn vô tư ca khúc Hậu đình hoa để mua vui cho quan lại nhà Chu mà không hề biết nỗi nhục mất nước. Vì thế, họ bị hậu thế chê trách là “Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xướng Hậu đình hoa” (Kỹ nữ nhà Thương chẳng biết hận mất nước, Bên sông vẫn hát khúc Hậu đình hoa – vốn là khúc nhạc của nhà Thương)”.

    Người mà ông Trần Tiến Khôi gọi là “hậu thế” đó chính là Đỗ Mục, người đời Đường, tác giả bài Bạc Tần Hoài:

    Yên lung hàn thủy, nguyệt lung sa,
    Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.
    Thương nữ bất tri vong quốc hận,
    Cách giang do xướng Hậu đình hoa.

    泊秦淮

    烟籠寒水月籠沙,
    夜泊秦淮近酒家。
    商女不知亡國恨,
    隔江猶唱後庭花。


    Theo ông Trần Tiến Khôi thì “Thương nữ” là: “Các kỹ nữ nhà Thương”, nhưng bộ Đại cương văn học sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, Vô danh (tức cụ Phương Sơn) dịch là: “Cô gái buôn” và Nguyễn Hiến Lê chú thích như sau: “Hai chữ Thương nữ đây, Trần Trọng Kim dịch là “gái ca”, Ngô Tất Tố dịch là “chi em”. Trong “Đường Thi tam bách thủ độc bản” chú thích là “thương gia chi tử”. Nhiều trang chữ Hán trên mạng chú thích là: “Ca nữ” [歌女], hoặc “dĩ mại xướng vi sanh đích ca nữ” [以賣唱為生的歌女].

    Còn “Hậu đình hoa” có phải là một “khúc nhạc của nhà Thương” không?

    Nguyễn Hiến Lê, trong sách đã dẫn, chú thích “Hậu đình hoa” như sau: “Trần Hậu Chủ vì mê ca nhạc, thơ phú mà mất nước, giặc tới ngoài thành mà vẫn còn đờn ca với cung nữ. “Hậu đình hoa” là một khúc hát của bọn cung nữ ấy”. Có người cho rằng “Hậu đình hoa” là: “Tên khúc hát làm trong buổi tiệc của vua Trần hậu chủ Trần Thúc Bảo và Trương Quý Phi thời Nam Bắc triều, trong đó có câu: Yểu cơ kiểm tự hoa hàm lộ, Ngọc thụ lưu quang chiếu hậu đình. (Mặt người đẹp như hoa ngậm sương, Cây ngọc chiếu sáng cả sân sau)”. (xem Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link).

    Cho dù khúc Hậu đình hoa là một khúc hát của nhà Thương, chứ không phải là của Trần Hậu chủ thời Nam Bắc triều đi nữa thì người đương hát khúc đó ở bên kia sông mà Đỗ Mục (803-852) ở bên này sông (tức đang ở bến Tần Hoài) nghe được thì người đang hát khúc đó, dù là ca nữ, cô gái buôn, kỹ nữ hay gì gì đi nữa thì cũng không thể là người nhà Thương vong quốc được (nhà Thương bị nhà Chu diệt vào khoảng năm 1122 tr.CN).

    Phải chăng vì chữ Thương trong Thương triều (nhà thương) và chữ Thương trong Thương nữ đều viết là nên ông Trần Tiến Khôi cho rằng “Thương nữ” là “các kỹ nữ nhà Thương” và do đó ông suy rộng ra rằng: “khúc Hậu đình hoa – vốn là khúc nhạc của nhà Thương”? Hay là ông Trần Tiến Khôi cho rằng Đỗ Mục là một nhà “ngoại cảm” nên có thể nghe được tiếng hát của “các kỹ nữ nhà Thương” sống trước ông khoảng 2.000 trước?
     
  2. quocsan

    quocsan Sinh viên năm I

    Đọc bài này, sực nhớ đến các bài trong bộ "Chuyện đông chuyện tây" của cụ An Chi.
    Nhiều vị có bài đăng lên tạp chí, thậm chí in ra sách mà giải thích các cụm từ … liều thấy sợ! :-)
     
    vu thien vu and tducchau like this.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này