Tâm lý - Giáo dục G Tiên Học Lễ

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi tducchau, 8/3/15.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    MỘT CHỮ CŨNG LÀ THẦY
    NỬA CHỮ CŨNG LÀ THẦY



    BỮA TIỆC VUA BAN


    Vua Tự Đức rất ngạc nhiên. Cỗ bàn đã bày ra đầy đủ. Các quan đã tề tựu cả rồi. Hôm nay nhà vua ban yến cho các vị triều thần và một số nhà khoa mục mới về kinh đã được nhà vua thăm hỏi. Phần đông các vị đều đã đỗ Tiến sĩ hoặc Cử nhân, giữ các trọng trách ở các bộ, các viện chung quanh bộ máy của triều đình. Những người ở các tỉnh về cũng đều hoặc là đại thần, hoặc các vị từ bậc đốc học trở lên. Cuộc họp mặt hôm nay là hiếm có, so với nhiều triều đại trước.

    Được lời tâu trình của các cận thần, nhà vua đã tới ngự để chủ tọa buổi tiệc. Mọi người, sau khi tung hô vạn tuế, đã được nhà vua cho phép bình thân để ngồi vào chiếu đẩu giành phần cho mình theo thứ bậc. Nhưng điều ngạc nhiên là mặc dầu vua đã cho phép, mà mấy vị quan đại thần vẫn cứ đứng trơ trơ, không dám nhúc nhích. Các vị quan ở những bàn dưới, thấy những ngưới bề trên chưa ngồi, cũng đều phải đứng, vòng tay áo thụng. Phút yên lặng kéo dài, nhà vua cũng thấy sốt ruột, chưa hiểu đầu đuôi ra sao. Vua đưa mắt nhìn quanh. Tất cả đều giữ dáng điệu trang nghiêm lễ phép như vậy. Ánh mắt nhà vua lướt đến mấy vị trọng thần đứng ở hàng đầu. Vị quan trung niên, đứng bên tả, Tham tri Nguyễn Trọng Hợp vội vàng qùi xuống:

    - Tâu bệ hạ, có vị tôn sư của chúng thần đang đứng đây, chúng thần đâu đã dám ngồi.

    Nhà vua hỏi:

    - Thế ư? Vị tôn sư nào vậy? Sao các khanh không báo trước cho Trẫm?

    Nguyễn Trọng Hợp tâu tiếp:

    - Dạ, tôn sư của chúng thần là Lỗ Am tiên sinh, đang đứng ở đây.

    Theo hướng tay chỉ, vua Tự Đức đi lại gần một vị lão nho. Con người đứng trước mặt vua, đội khăn, mặc áo dài thường phục, không có hoa hốt cẩm bào gì cả, dáng điệu ung dung quắc thước. Thấy nhà vua tiến lại, ông vội vàng sửa soạn quì xuống:

    - Xin bái chúc thánh thượng.

    Tự Đức vội vàng khoát tay:

    - Ta xin miễn lễ cho tiên sinh. Kính mời tiên sinh ngồi vào ghế cho, để các vị đại thần ở đây được an tọa.

    Vua quay về chỗ của mình và ra hiệu cho một nội giám đến đưa cho cụ Lỗ Am ngồi lên ghế đẩu. Tất cả các quan đều thở ra khoan khoái. Cụ Lỗ Am vái nhà vua một vái nữa, ngồi vào bàn và nói với các quan đứng chung quanh :

    - Được lời hoàng thượng, các anh hãy ngồi vào tiệc để chúc mừng hoàng thượng.

    Lúc đó, bữa tiệc mới bắt đầu. Những chén ngự tửu được mang đến chó các quan bàn trên, bàn dưới. Ca nhạc tấu những khúc vui. Vua Tự Đức, trước khi bắt chuyện với cụ Lỗ Am, cười nói với Phan Thanh Giản :

    - Ta nhớ ra rồi. Vị tôn sư này là bạn đồng khoa với ông phải không?

    Phan Thanh Giản trả lời:

    - Tâu bệ hạ, đúng như vậy. Nhưng tuy đỗ đồng khoa, mà chúng thần hạ không thể nào sánh được với Lỗ Am tiên sinh. Tiên sinh là người độc nhất ở nước Nam ta từ xưa đến nay, vì khi vinh qui có đến bảy cờ biển.

    *
    * *​

    Lời nói của Phan Thanh Giản là sự thực. Việc Lỗ Am thi đỗ Tiến sĩ là một sự kiện văn hóa lẫy lừng chưa bao giờ có. Đám rước mừng ông ở Hà Nội năm ấy (1826) thật rầm rộ. Đi trước kiệu và võng của vị tân khoa và các người thân, là bảy cái biển và cờ vàng rực rỡ:

    - Biển ân tứ vinh qui.
    - Cờ tam giáp Tiến sĩ.
    - Cờ họ Vũ,
    - Cờ song thân cụ khánh (cha mẹ còn sống).
    - Cờ thiếu niên đăng khoa (đỗ còn ít tuổi. Năm ấy, ông mới 23 tuổi).
    - Cờ tiệp cử (đi thi là đỗ liền, không trì trật như nhiều người khác).
    - Cờ anh tuấn (người tài giỏi).​

    Lỗ Am tên thật là Vũ Tông Phan, nguyên người ở Hải Dương, về sống ở thôn Tự Tháp, phường Báo Thiên, huyện Thọ Xương (Hà Nội). Tuy đỗ cao, học giỏi, nhưng ông không chịu làm quan. Chỉ nhận ít năm rồi cáo ấn xin về dạy học. Trường của ông là một trường tư, có tên là trường Tự Tháp, còn gọi là trường Hoàn Kiếm.

    _____
    (Nt: Xin Lưu ý! Đề nghị không viết Bình luận, bàn thảo,... dưới các Bài viết tại Phòng đọc trực tuyến (PDTT). Các bài spam đều bị xóa.
    Nếu muốn, các bạn vui lòng qua Box Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link hay Box Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Xin cám ơn!).
     
    Chỉnh sửa cuối: 15/3/15
    winnie_moon, vietanht2001 and eta128 like this.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Công Cha như núi Thái Sơn
    Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra


    MẸ CON TA ĐỀU VÌ NGHĨA LỚN

    - Bây giờ con đã ngần này tuổi, mẹ còn nói đến chuyện ấy làm gì? Mẹ cứ nghe theo lời quan gia mà không nhớ quan gia đối với con, còn có nghĩa tình chi nữa! (*)

    - Con không nên nặng lời như thế. Con không hiểu nỗi niềm của quan gia. Mà con cũng chưa thấu rõ tấm lòng của mẹ. Con ạ! Mẹ con ta đều vì nghĩa lớn cả thôi.

    Câu chuyện tâm sự trên đây đang diễn ra trong nội cung nhà Trần, giữa hai mẹ con bà Trần Thị Dung và Lý Chiêu Thánh. Cô gái vừa ngậm ngùi, vừa trách móc. Bà mẹ cũng xót xa thương cảm, song cố gắng để thuyết phục đứa con yêu quí của mình. Cả một chuỗi ngày quá khứ như sống lại trong tâm trí của hai người phụ nữ, một già, một trẻ. Những nỗi niềm ngang trái, những uất ức phiền muộn dấu kín từ lâu, hôm nay họ đều nhắc lại. Trang bí sử ở chốn thâm cung - người ngoài không ai biết, người trong cuộc không có dịp phân trần - dù có dấu diếm cách nào, cũng không dễ trôi vào quên lãng.

    *
    * *​

    Trần Thị Dung và con gái bà vốn đã là những vị hoàng hậu. Chuyện riêng tư của họ trong cung cấm quả là vô cùng phức tạp, lẫn lộn bi, hài, nhưng lại rất có quan hệ đến đại sự quốc gia. Không nắm được sự tình của đất nước vào đầu thế kỷ XIII, và nhất là không rõ tập quán riêng của họ Trần, thì không làm sao hiểu nổi.

    Hồi đó, ở vùng đất ngày nay thuộc huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình có một gia đình chuyên nghề chài lưới nhưng rất giàu và rất nhiều thế lực. Quen với nghề đánh cá, họ lấy ngay tên các thứ cá đế đặt cho người trong nhà. Sử sách sau này chép thành chữ nghĩa cho trang trọng, nên rất ít người biết ông Trần Lý tên thực là Chép, (lý là cá chép). Con trai ông là Dưa (cá dưa) được phiên là Trần Thừa. Con Trần Thừa là Trần Liễu, chính tên là Leo (cá leo), ông này đã sinh ra Trần Hưng Đạo. Em Trần Liễu là Trần Cảnh, chính tên là Lành Canh (cá lành canh), sau này là Trần Thái Tông, vua đầu triều của nhà Trần. Gia đình này có một cô con gái ở đất chài dã mà lại là con người sắc nước hương trời. Cô có tên là Ngừ (cá ngừ), được chuyển thành Trần Thị Dung. Cô là em gái Trần Thừa. Hai ông Trần Liễu và Trần Cảnh đều là cháu gọi cô bằng cô ruột. Sau này, Trần Thị Dung được tôn phong làm quốc mẫu, song dân chúng địa phương vẫn gọi bà theo hiệu thân mật: bà chúa Ngừ.

    Vào những năm đầu thế kỷ XIII, triều nhà Lý ở vào giai đoạn hoàn toàn suy thoái. Lý Cao Tông bị các tướng tá bất mãn đánh phá kinh thành phải bỏ chạy. Con trai ông là hoàng tử Sảm chạy nạn, lánh về vùng quê hương họ Trần, nương tựa ông Trần Lý. Những ngày sống ở đây, thái tử cảm vì tài sắc của cô gái vùng duyên hải, nên chẳng bao lâu cô Ngừ được trở thành vợ của thái tử và được phong làm Nguyên phi. Bà mẹ của hoàng tử Sảm không tán thành cuộc hôn nhân này, đã nhiều lần ngăn trở, thậm chí có những âm mưu ác độc để hại cô, song cô được thái tử hết sức bảo vệ. Cô Ngừ cũng hết sức ăn ở cho phải đạo để giữ được hạnh phúc của mình. Rồi thái tử lên ngôi, tức là Lý Huệ Tông, Trần Thị Dung trở thành hoàng hậu, sinh được một cô gái đặt tên là ChiêuThánh.

    Nhà Lý đã sắp mất. Con cháu họ Trần, nhờ cơ hội lọt vào triều đình cung cấm, nắm những chức vụ trọng yếu. Trấn Thị Dung cũng đã nhờ vào sự ứng xử khéo léo của mình, thuyết phục được nhiều hoàng thân quốc thích và quan quân nhà Lý yên tâm dựa vào các tướng lĩnh họ Trần. Các phe phái chống đối rất nhiều, nhưng dần dần ai nấy đều bị thuyết phục vì lời khuyên giải của Trần Thị Dung. Họ không gây bạo loạn, cũng không chia rẽ triều đình. Bà Dung thấy hoàn cảnh đã thuận lợi cho nhà Trần lên thay nhà Lý, nên tạo điều kiện cho con gái mình chơi thân với cháu trai. Hai cô cậu thiếu niên Trần Cảnh và Lý Chiêu Thánh thân mật, gắn bó với nhau gần như không lúc nào rời, kể cả khi Chiêu Thánh đã lên ngôi thay cha làm vua. Huệ Tông bị bệnh thần kinh không điều hành việc nước được, lại không có con trai, đành cho con gái lên ngự ngai vàng! Nhà vua thiếu nữ Lý Chiêu Hoàng tức vị chẳng được bao lâu thì nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Trần Thị Dung vừa là cô ruột vừa là mẹ vợ của Trần Thái Tông. Không nói, ai cũng biết bà đã đóng góp phần quan trọng đến mức nào trong việc bảo vệ mối tình, bảo vệ hạnh phúc của đôi trẻ, và như thế, chính là bảo vệ và mở mang cơ nghiệp cho nhà Trần.

    Nhưng sự thể lại không tiến triển một cách bình thường, đơn giản. Nhà Trần nổi lên, nhờ có triều thần văn võ tài giỏi nên làm cho đất nước được thịnh cường, nhưng những người trụ cột trong hoàng tộc vẫn không yên tâm, vì mãi mà Trần Thái Tông không có con trai. Bà hoàng Chiêu Thánh, không hiểu tại sao vẫn chưa sinh nở. Thiếu người chính thức nối dõi là điều mà bất cứ nhà vua phong kiến nào cũng băn khoăn. Trần Cảnh không lấy làm lo lắng, song các vị phụ chánh tôn trưởng của ông như Trần Thủ Độ lại rất quan tâm. Trần Thủ Độ chọn một giải pháp rất khắc nghiệt, ai cũng thấy bất bình khó chịu mà vẫn buộc phải vâng lệnh ông. Trần Thủ Độ bắt phế bỏ Lý Chiêu Thánh, đưa vợ của Trần Liễu hiện đang có mang sang làm hoàng hậu của Trần Thái Tông. Cả nội cung của họ Trần, cả triều đình và dân chúng bàng hoàng, sửng sốt và phẫn nộ trước sáng kiến ngược đời ấy.

    Sự bất bình không chỉ âm thầm, lặng lẽ. Trần Cảnh phải bỏ Chiêu Thánh, và chịu mang cái tiếng cướp vợ của anh, rất thẹn thùng đau khổ. ông bỏ ngôi vua, lên núi Yên Tử vói các nhà sư, định bụng kéo dài ngày tàn ở chốn chùa chiền, không thiết gì việc đời nữa. Nhưng ý định của ông không thực hiện được, vì Trần Thủ Độ đưa tất cả các quan văn võ lên núi, bắt nhà vua phải quay về kinh đô. Trần Liễu khi không bị mất vợ, cũng vô cùng căm giận đem hết quân lính bộ hạ của mình sửa soạn tấn công cho hả niềm uất ức. Thế lực của Trần Liễu tất nhiên không địch nổi triều đình. Trần Thủ Độ dẹp ngay được âm mưu phản loạn. Trần Liễu chỉ còn cách một mình một chiếc thuyền đang đêm đến gặp Trần Cảnh. Hai anh em ôm nhau khóc lóc thì Trần Thủ Độ xuất hiện, vung gươm định giết. Trần Cảnh phải lấy thân mình để che chở cho anh. Tình trạng căng thẳng này chỉ dịu đi khi có sự can thiệp của Trần Thị Dung. Lấy tư cách là cô ruột, bà Dung hết lời khuyên can hai cháu, không nên gây cảnh huynh đệ tương tàn. Lấy tư cách là người mẹ, bà dỗ dành Chiêu Thánh để nàng chấp nhận cảnh ngộ, vùi sâu trong tâm khảm nỗi đau thương. Trần Thị Dung lấy ngay hoàn cảnh bản thân của mình đế giảng giải cho con gái rõ:

    - Mẹ hiểu nỗi đau đớn này. Nhưng mẹ muốn con nghĩ đến sơn hà xã tắc, đến cơ nghiệp của họ Trần mà chính con đã có công lao xây đắp nên. Bản thân mẹ cũng chịu những đau khổ nhục nhằn, có gì hơn con đâu. Nhưng sự thể đã đặt ra cho mẹ con ta là phải quên mình vì nghĩa lớn.

    Bà Dung đã nói đúng về mình. Thực ra, tuy ở ngôi cao, nhưng cuộc dời của bà đã không hiếm gì bi kịch! Không nói đến nỗi khổ những ngày đầu bà kết duyên với thái tử Sảm, phải cực nhục lắm mới sống được với mẹ chồng (hoàng hậu của Lý Cao Tông). Khi chính thức là nguyên phi của Huệ Tông, rồi gả con gái cho Trần Cảnh, địa vị của bà càng cao, với tư cách là một hoàng thái hậu. Nhưng năm 1226, Lý Huệ Tông mất, bà lại bị giáng xuống làm công chúa, gọi là Thiên Cực công chúa! Ngôi thứ đổi thay, danh giá không phải là không bị xúc phạm, nhưng Trần Thị Dung không hề quan tâm. Bà chỉ lo làm sao cho nội cung yên ổn, triều chính được vững bền. Song rồi một sự ép buộc mới lại xảy ra. Tôn tộc họ Trần thu xếp, gán ghép đưa bà về làm vợ của Trần Thủ Độ (so sánh vị thứ thì Trần Thủ Độ là em họ của bà). Thật là lung tung, hỗn độn. Làm vợ Trần Thủ Độ, một con người nghiêm nghị quyết liệt, xử sự không hề run tay, bà phải cố gắng nhiều lắm.

    Phải thuyết phục Trần Thủ Độ, phải khuyên con, dạy cháu, phải hàn gắn những vết thương lòng của những nạn nhân đau khổ, qui tụ sức lực vào việc chung: giữ gìn đất nước thịnh cường, bảo đảm sự vững mạnh của hoàng gia để họ Trần hoàn thành được sứ mệnh với lịch sử dân tộc. Và quả thực, Trần Thị Dung đã làm được nhiệm vụ lớn lao này. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, bà đã lo lắng việc hậu cần, giữ gìn các hoàng thái tử, cung phi, công chúa và vợ con các tướng thoát khỏi tay giặc cướp. Vua Trần Thái Tông phong cho bà là Linh từ quốc mẩu. Sử sách chép về bà xem bà như vị thánh "trời sinh ra cốt để mở nhà Trần", (theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư) là phần thưởng cao qúy nhất cùa bà.

    Lần này trong câu chuyện tâm sự, giữa hai mẹ con, Trần Thị Dung lại một lần nữa, thuyết phục cô con gái. Lý Chiêu Hoàng từ ngày ly dị với Trần Cảnh, sống buồn rầu uất ức trong chốn cung vi. Nàng buồn vì số phận, nàng âm thầm oán trách cuộc đời. Trần Thái Tông cũng hiểu thấu tâm sự ấy và luôn luôn tự nhận mình có tội với nàng. Ông thấy phải tìm cách để Lý Chiêu Thánh đỡ phần cô độc, sống những ngày cuối cùng trong không khí đầm ấm của gia đình. Cơ hội ấy đã đến. Ông lại phải nhờ bà cô ruột - bà mẹ đẻ của Chiêu Thánh đến bàn bạc với nàng. Trần Thị Dung bảo con gái:

    - Mẹ thấy quan gia cũng có lòng thành thực. Tác thành duyên mới cho con là để chuộc lại lỗi lầm. Và con kết duyên với người này, lại cũng là tiếp tục nghĩa cả lớn lao mà mẹ con ta tự đặt cho mình: bảo vệ nhà Trần, cũng là bảo vệ Tổ quốc. Người mà quan gia chọn, đã có chiến công xuất sắc. Trong trận đánh giặc Nguyên vừa qua, người này xông pha khói lửa, bảo vệ cho Thái Tông được an toàn. Con có thể đẹp lòng với cuộc hôn phối này, đừng nghi ngại nữa. Mẹ con ta đều vì nghĩa lớn cả thôi.

    Nghe mẹ chân tình khuyên nhủ, Chiêu Thánh đã bằng lòng. Cuộc hôn lễ được cử hành kịp thời để Chiêu Thánh nữ vầy duyên mới. Chồng của bà là một danh tướng có công lớn với triều đình. Cái tên Lê Phụ Trần của ông, chính do vua Trần đặt cho. Và những người con của Lê Phụ Trần - Lý Chiêu Thánh sau này cũng là những tài năng góp nhiều chiến công với đất nước.

    ______
    (*) Nhà Trần gọi vua là quan gia.

    _____
    (Nt: Xin Lưu ý! Đề nghị không viết Bình luận, bàn thảo,... dưới các Bài viết tại Phòng đọc trực tuyến (PDTT). Các bài spam đều bị xóa.
    Nếu muốn, các bạn vui lòng qua Box Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link hay Box Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link. Xin cám ơn!).
     
    Chỉnh sửa cuối: 15/3/15
    winnie_moon thích bài này.
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này