Khảo luận Tiếng Việt - Mấy vấn đề về ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa - Cao Xuân Hạo

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi thomas, 1/4/14.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. thomas

    thomas Lớp 8

    Vấn đề âm vị trong tiếng Việt
    (Đăng lần đầu tiên dưới đầu đề The problem of the Phoneme in Vietnamese trên tạp chí Vietnamese Studies, Vol. 40, Linguistic Essay, pp. 96-123.)

    Lần đầu tiên hệ thống âm vị học của tiếng Việt được phân tích một cách có hệ thống là vào khoảng giữa thế kỷ XVII cùng với việc xây dựng bộ chữ viết kiểu Rôman gọi là chữ quốc ngữ, một hệ thống văn tự đã có được dạng hoàn chỉnh của nó khoảng giữa thế kỷ XIX. Bộ chữ viết này gần gũi với một hệ thống phiên âm âm vị học đến nỗi những sự chỉnh lý về sau trong các công trình nghiên cứu âm vị học quanh đi quẩn lại cũng chỉ là thay thế những chữ ghép của tiếng Pháp, của tiếng Bồ Đào Nha, hay của tiếng Ý bằng những chữ đơn của Hội Ngữ âm Quốc tế (API) và thay thế các dấu thanh viết ở trên hay ở dưới các nguyên âm bằng những chữ số Ả Rập viết ở sau từng âm tiết, còn như những chỗ sai biệt vụn vặt khác vốn là những đóng góp làm nên sự mới mẻ của các giải pháp âm vị học, gần đây hơn thì không phải bao giờ cũng đáng cho các tác giả chúng ta lấy làm tự hào (1).

    (1)X. bài về Cách phân tích âm vị học một số vận mẫu có nguyên âm gắn trong tiếng Việt cũng in lại trong tập này

    Phần lớn các công trình miêu tả âm vị học tiếng Việt mà ta có được từ trước đến nay, kể cả cách miêu tả hàm ẩn đã làm cơ sở cho việc xây dựng chữ quốc ngữ, đều là những thành tựu tuyệt vời với tính cách là những cách ứng dụng một "kỹ thuật quy ngôn ngữ thành chữ viết" (a technique for reducing language to writing) (2). Nhưng nếu ta đồng tình với Martinet (1946:11) mà thừa nhận rằng miêu ta một ngôn ngữ trước hết là nói rõ nó khác với các ngôn ngữ khác như thế nào, thì những bản miêu tả ấy thật khó lòng có thể coi như đã làm tròn nhiệm vụ, vì về căn bản chúng đồng nhất cấu trúc âm vị học của một ngôn ngữ đơn lập với cấu trúc âm vị học của những ngôn ngữ biến hình kiểu châu Âu bằng cách xử lý các đặc trưng xa lạ (exotic) - các thanh điệu chẳng hạn - như một cái gì khác hẳn các âm vị, mà họ cho là có cương vị ngôn ngữ học y hệt như âm vị trong các ngôn ngữ châu Âu, lấy cớ rằng thanh điệu trải dài ra suốt âm tiết, trong khi âm vị làm thành những chiết đoạn (Segment) kế tiếp theo nhau, nghĩa là dựa vào một thuộc tính ngôn âm học (phonetic) để gán cho hai thứ đơn vị ngữ âm cùng chung một chức năng và cùng chung một cấp độ này - cả hai đều là thành tố trực tiếp của tiếng, tức của âm tiết hình vị - và đều có vị tri cố định, nghĩa là đều không tham gia vào thế đối lập về trật tự thời gian - chính cái đặc trưng làm cho âm vị của các thứ tiếng châu Âu có được cương vị cao hơn nét khu biệt (3), và khác hẳn các hiện tượng "điệu tính" (prosodic) hay "siêu đoạn" (suprasegmental) như trọng âm hay ngữ điệu. Dĩ nhiên, lý thuyết âm vị học cổ điển không cho phép nhận ra cái nội dung phản âm vị học bao hàm trong quan niệm nói trên.

    (2) Đầu đề của một cuốn sách giáo khoa nổi tiếng của Kenneth L. Pike (1947) về âm vị học thực hành.
    (3) X. bài Chiết đoạn và siêu đoạn trong âm vị học phương Tây và trong tiếng Việt đăng trong tập này.


    Các tiếng (hay "từ" - words, như các nhà ngôn ngữ học Mỹ thường gọi) của tiếng Việt thường được miêu tả như gồm có một số âm vị nguyên âm, phụ âm và bán nguyên âm làm thành những chiết đoạn giống hệt như các nguyên âm, phụ âm và bán nguyên âm của các thứ tiếng châu Âu về đủ mọi phương diện. Việc phân đoạn cho ta các chuỗi âm tố kế tiếp nhau trên trục thời gian này, cũng như đối với các thứ tiếng Âu châu quen thược, được tiến hành bằng trực giác thông qua thao tác "phiên âm ngôn ngữ học", trong đó người phiên âm tuyệt nhiên không ý thức được mình căn cứ vào đâu mà cắt cái ngữ lưu vốn hoàn toàn liên tục ra thành từng khúc như vậy: cũng như ở mọi thành viên của nhân loại, thính giác của người châu Âu xử lý tiếng nói bằng cách tri giác từng âm tiết một, nhưng lại tự phát cắt âm tiết ra một cách hoàn toàn bản năng thành từng âm đoạn đúng như khi họ nghe tiếng mẹ đẻ, nghĩa là, ngay khi phiên âm, họ đã tiến hành cái thao tác phân tích quan trọng nhất của suốt quá trình xử lý âm vị học. Sau đó, cái còn sót lại là thanh điệu, một hiện tượng mà họ không quen miêu tả trong khi làm việc với tiếng mẹ đẻ và các thứ tiếng quen thuộc khác.

    Thanh điệu là một tập hợp những nét khu biệt mà các nhà ngữ học phương Tây thường gọi là điệu tính (prosodic) hay siêu đoạn (suprasegmental) để đối lập với các nét khu biệt mà họ gọi là nội tại (inherent), được coi là những nét khu biệt cấu tạo nên các âm vị "đoạn tính" (segmental) (4). Sự phân biệt này được hình dung như sau: các nét khu biệt nội tại được thực hiện cùng một lúc ở bên trong phạm vi một âm vị (một âm đoạn), còn các nét điệu tính thì như "một lớp vữa trát lên trên một dãy âm vị" (cf. E. Haugen 1949:378). Như vậy, sự phân biệt giữa hai yếu tố âm vị học này căn cứ vào những tiêu chuẩn ngôn âm học thuần túy và do đó không thể có hiệu lực đối với ngôn ngữ học đại cương được.
    (4) Cf. Einar Haughen 1949; x.i Roman Jakobson et al. 1955.

    Điều đáng chú ý là, khác với cách định nghĩa hình vị và nét khu biệt, vốn chỉ chứa đựng những đặc trưng thực sự ngôn ngữ học, nghĩa là những đặc trưng cấu trúc và chức năng, cách định nghĩa âm vị bao gồm cả những đặc trưng gắn liền với cách thức đơn vị này được thể hiện ra sao trong chất liệu âm thanh: nó cho thấy một biểu hiện của cái mà Martinet gọi là "phonéticisme" ("ngôn âm luận") vốn được ông coi là một lỗi lầm thô bạo trong khi làm âm vị học: không bao giờ người làm ngôn ngữ học được phép sử dụng những sự suy xét thuộc lĩnh vực ngôn âm học, cũng như thuộc mọi lĩnh vực chất liệu khác của ngôn ngữ nói chung, làm luận chứng để giải quyết bất kỳ vấn đề ngôn ngữ học nào (5). Việc đưa tính phân đoạn (segmentality) cũng như tính đồng thời (simultaneity) của các nét khu biệt vào định nghĩa của âm vị làm cho toàn bộ lý thuyết âm vị học cổ điển mầt đi tính nghiêm ngặt và nhất quán mà nó vẫn lấy làm tự hào, và là cội nguồn của những cách phân tích dĩ Âu vi trung mà nó áp đặt cho các hệ thống âm vị học khác loại hình với các thứ tiếng Âu châu. Thật vậy, ta cần phải dự kiến rằng các ngôn ngữ khác nhau có thể sử dụng các chiều kích của chất liệu âm thanh theo những cách thức khác nhau, và không có lý do gì để khẳng định một cách tiên nghiêm rằng sự đối lập giữa tính đồng thời và tính kế tiếp chẳng hạn trong thứ tiếng nào cũng phải làm thành một biên giới giữa hai bình diện (hai cấp độ) khác nhau. Ta cũng không thể hiểu nổi tại sao trật tự kế tiếp trước sau trong thời gian, mà ai cũng biết là một chiều kích của chất liệu âm thanh (6) lại phải được coi là quan yếu ở cấp độ âm vị trong tất cả các ngôn ngữ của nhân loại.

    (5) Chất liệu ở đây bao gồm cả chất liệu trên bình diện nghĩa, tức sờ biểu (signifíe của Saussure) cũng như trên bình diện phương tiện biểu đạt, tức năng biểu (signifiant)

    (6) Vả chăng thế nào là đồng thời, thế nào là kế tiếp, và sự đối lập này phải được xét trên bình diện nào của quá trình giao tiếp ngữ âm (cấu âm, âm học hay thính giác) - chưa từng được ai nếu rõ bao giờ, dù chỉ bằng một câu, trong khi thuyết minh cách định nghĩa âm vị của mình. Trên thực thế không làm gì có sự tương ứng một đối một giữa ba bình diện ấy. Ngày nay ai cũng biết rằng những gì là kế tiếp trên bình diện cấu âm và/hay âm học đều có thể được tri giác như là đồng thời, và ngược lại cũng thế. Dẫn chứng phổ thông nhất là các tổ hợp phụ âm đơn âm vị tính có trong rất nhiều ngôn ngữ. Bên cạnh đó, một âm /ʈ/ lợi của tiếng Thụy Điển được người bản ngữ tri giác như hai âm phụ [r + t] kế tiếp nhau, còn các nguyên âm mũi của tiếng Pháp [ɑ̃], [ɛ], [ɔ̃] thì được người ngoại quốc nghe như thể như một nguyên âm có một phụ âm mũi theo sau.


    Đối với những người đã quen với thứ chữ viết ghi từng âm tố, tính chiết đoạn của âm vị (đoạn tính), tuyến tính của một chuỗi âm vị trong thời gian, sự xuất hiện đồng thời của các nét khu biệt cùng thuộc một âm vị, đều được coi là những dữ liệu ngôn âm học, nghĩa là những sự thật khác quan cho sẵn trong chất liệu âm thanh, đang chờ đợi những thao tác phân tích và giải quyết của nhà âm vị học. Từ hơn nửa thế kỷ nay, vô số ngữ liệu âm học thực nghiệm có được nhờ những khí cụ càng ngày càng tinh vi, đã cho phép các nhà ngôn ngữ học và các kỹ sư âm thanh làm việc trong những phòng thí nghiệm được trang bị tối tân như phòng thí nghiệm Haskins và phòng thí nghiệm của trường Kazan đi đến những kết luận hoàn toàn trái ngược với những định kiến nói trên: các nét khu biệt của một âm vị hầu như không bao giờ thu gọn trong một âm đoạn, có nhiều nét thường trải dài trên toàn âm tiết, chẳng hạn như tính tròn môi của nguyên âm trong hầu hết các ngôn ngữ, và tính mũi của phụ âm trong một số ngôn ngữ đáng kể; trong các ngôn ngữ có hiện tượng hài hòa nguyên âm, một số nét khu biệt của nguyên âm còn lan rộng ra khắp cả từ; trên bình diện âm học, các nét khu biệt thuộc phương thức cấu âm thường đi trước hay đi sau các nét khu biệt thuộc vị trí cấu âm, vì các nét này của phụ âm nằm trong âm đoạn thường được gán cho nguyên âm, các động tác cấu âm của những âm tố cùng thuộc một âm tiết đều được thực hiện đồng thời, trừ những động tác "bất khả dung hòa" (quy tắc của Fant 1956)

    File PDF download ở Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Chỉnh sửa cuối: 2/4/14
  2. cudan

    cudan Mầm non

    Cám ơn bạn, mình tìm các tác phẩm của Cao Xuân Hạo mãi không được, bạn còn quyển nào của tác giả thì up tiếp nhé. Chúc bạn khỏe.
     
  3. fucacaxaza

    fucacaxaza Mầm non

    Cảm ơn bạn, mình đang cần tìm cuốn này ^^
     
  4. luonggia

    luonggia Mầm non

    Ad ơi file ko tải được ạ
     
  5. Trángkakakaja

    Trángkakakaja Mầm non

    Cho mình xin bản pdf với ạ.
     
    Last edited by a moderator: 27/9/23
  6. sucsongmoi

    sucsongmoi Lớp 6

    PDF ở link tải #1 chứ đâu! :p
     
    machine thích bài này.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này