Trịnh Công Sơn-Một người thơ ca-Một cõi đi về

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi Foli, 4/10/13.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    Tên sách: TRỊNH CÔNG SƠN
    MỘT NGƯỜI THƠ CA-MỘT CÕI ĐI VỀ
    Tác giả: Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Đoàn Tử Huyến
    sưu tầm và biên soạn

    Có thể nói Trịnh Công Sơn là một tài danh Việt Nam thế kỷ XX. Ông là hiện tượng đặc biệt trong làng tân nhạc nước nhà với số lượng công chúng hâm mộ hiếm có suốt hơn 40 năm qua kể từ khi ông công bố ca khúc đầu tiên Ướt mi vào năm 1959. Suốt trong cuộc “chiến tranh Việt Nam”, hàng trăm bản nhạc tình và nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn đã được hát lên ở miền Nam, và đặc biệt là từ sau chiến thắng lịch sử xuân 1975 thống nhất nước nhà, âm nhạc của ông đã chinh phục hàng triệu, triệu con tim yêu nhạc trong nước và nước ngoài. Chính vì vậy mà tin Trịnh Công Sơn qua đời đã làm chấn động lòng người từng yêu nhạc, yêu thơ, yêu tranh và yêu cách sống của ông. Hàng nghìn vòng hoa viếng, hang nghìn bài viết tiếc thương và ghi nhận những cống hiến lớn lao của ông đã nói lên điều đó.
    Chúng tôi, những người mến mộ, những người bạn và cũng là đồng nghiệp của ông, trong niềm xúc động chân thành đã cùng nhau sưu tầm lại những bài viết về ông, những trước tác của ông nhằm lưu giữ kỷ niệm về người nghệ sĩ lớn, một thiên tài đã từng có mặt trên chốn trần gian này. Và để tưởng nhớ ông, chúng tôi xin chọn lại một phần nhỏ trong bộ sưu tập Trịnh Công Sơn, làm thành cuốn sách Trịnh Công Sơn Một Người Thơ Ca Một Cõi Đi Về. Cuốn sách được chia làm bốn phần: phần 1 gồm những bài viết về Trị nh Công Sơn trước khi ông mất; phần 2 tập hợp một số bài viết của ông về cuộc đời và nghệ thuật; phần 3 giới thiệu 63 bài thơ (ứng với 63 năm ông ở trọ cõi trần) rút từ các ca khúc Trịnh Công Sơn; và phần 4 - Một Cõi Đi Về - tập hợp một phần nào bài viết về ông sau khi ông qua đời.
    ( Trích Lời ngỏ của cuốn sách)

    Thông tin ebook :
    Trịnh Công Sơn-Một người thơ ca-Một cõi đi về
    Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, Đoàn Tử Huyến sưu tầm và biên soạn

    NXB Âm Nhạc và Trung Tâm Văn hoá Ngôn Ngữ Đông tây, Hà Nội, 5 -2001
    520 trang, khổ 14,5x20,5cm

    Nguồn : vdcmedia
    Thực hiện ebook : hoi_ls
    Xong ngày 01/02/2007

    Code: Định dạng PRC [Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link]

    Postd by hoi_ls
     
    Storm, NayruLove, lost2601 and 3 others like this.
  2. Foli

    Foli Lớp 11

    Nhật Ký Huế - Trịnh Công Sơn [HR][/HR] Nguồn : Một văn hữu vừa tặng Văn Học một di cảo của Trịnh Công Sơn, viết vào dịp Huế tổ chức Festival năm 2000. Di cảo này chưa hề được phổ biến ở đâu, và mang nhiều tâm sự của TCS năm cuối cuộc đời. Văn Học xin đăng tải di cảo quí giá này, thay cho nén hương tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân ngày giỗ đầu 1.4.2002 của ông.

    ■ Đã lâu lắm tôi không ra khỏi nhà để thực hiện những chuyến đi xa. Thế rồi nó trở thành một thói quen. Một thói quen không hiểu là tốt hay xấu. Nhưng dù sao đó cũng là thói quen của một người không có sức khoẻ tốt hoặc đã đạt đến một thứ tuổi lười. Đã từng có những cuộc mời mọc trong vài năm nay để ra nước ngoài nhưng tôi đều từ chối. Và khi kiếm được một cớ nào đó để từ chối mà không phụ lòng người mời, tôi bỗng thấy lòng thảnh thơi, nhẹ nhõm.

    ■ Tháng 4 năm nay ở Huế có tổ chức Festival 2000. Tôi không được mời, nhưng điều đó không có gì quan trọng. Bởi vì rất nhiều người khác cần được mời hơn tôi cũng không được mời. Đã hiểu lý do làm sao mà có một sự thiếu sót như thế thì cần phải viện đến những cơ sự rất phức tạp, thậm chí lạ lùng khó hiểu.

    ■ Thành phố Huế là thành phố của những đứa con thân yêu của Huế, chứ không phải chỉ để dành riêng cho một số người. Càng không phải chỉ để dành cho một thế lực nào đó. Quê hương là quê hương chung, chứ không phải quê hương của riêng ai. Vì thế cho nên muốn làm đẹp cho quê hương cũng phải được chia đều.

    ■ Thế mà cuối cùng tôi cũng đến Huế trong những ngày nằm giữa bề dài của cuộc Festival. Tôi đã sẵn sàng tham dự một vài buổi trình diễn không lấy gì làm hứng thú. Những bữa ăn không mùi vị, thậm chí là nhạt nhẽo. Nhưng tôi không mất nụ cười và sự vui tươi hồn nhiên, vì tôi là thằng con của Huế. Tôi an ủi đám bạn bè cùng đi là hãy vui đi, vì đây là xứ sở của tôi.

    ■ Khi bạn có một xứ sở để trở về hoặc là để thỉnh thoảng trở về, thì bạn còn có hạnh phúc nhiều lắm. ở đó bạn có một dòng sông, một ngọn núi, và bạn tìm lại được những đứa bạn một thời tóc xanh nay đã lốm đốm bạc đầu. Bạn sẽ gặp một cô gái Huế bất chợt trên đường và hỏi rằng: Huế bây gờ có gì lạ không em? thì lập tức, hoặc tình cờ cô gái ấy sẽ đọc lại hai câu thơ của Bùi Giáng:

    Dạ thưa phố Huế bây giờ
    Ngự Bình vẫn đứng bên bờ sông Hương.​


    ■ Huế trăm năm trước và trăm năm sau không có gì thay đổi. Nó hình như muốn giữ trọn một lời thề sắt son, không bao giờ thay lòng đổi dạ. Đó là nét đáng yêu của một thành phố, nhất là một thành phố rất cổ kính. Tuy nhiên thời đại này người ta không cho phép một thành phố với những con người cứ mải mê ngủ hoài trên những vàng son của quá khứ hoặc ôm mãi những giấc mộng huyễn hoặc trên những tàng kính các.

    ■ Huế lần này đã kéo tôi ra khỏi cái góc nhà nhỏ hẹp của tôi. Nếu không có Huế trong dịp Festival này, chưa chắc tôi đã rời được nơi ẩn trú của mình. Tuy vậy, xét cho cùng, không phải vì Festival lôi cuốn sự tò mò của tôi, mà chỉ đơn giản chính là Huế. Tôi về Huế chính vì Huế chứ không phải vì Festival Huế 2000. Nếu nói một cách chính danh, thì đây không phải là một Festival trong đúng nghĩa của nó. Tổ chức luộm thuộm, không có một không khí hội hè đúng như yêu cầu, và thực sự nhìn chung, người dân của Huế không tích cực lắm trong việc chia sẻ một niềm vui chung.

    ■ Dù sao tôi cũng cảm ơn một cái cớ nhỏ để tôi đi giang hồ vặt trong vài ngày ở Đà nẵng, Hội an và Huế. Ngày xưa, thời còn trẻ lắm, những chuyến đi chơi nhỏ mọn này không thể nào đủ để làm nguội bớt máu giang hồ trong tôi. Bây giờ thì những chuyến đi ngắn cùng đông đảo bạn bè cũng tạm an ủi cho những giấc mộng phiêu lưu không còn thực hiện được nữa.

    ■ Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi. Nhưng bây giờ tôi còn Sài gòn và Hà nội. Tôi thấy đâu cũng là quê nhà. ở đâu tôi cũng có giấc mộng và tình yêu. Và vì vậy, đôi lúc tôi không còn cảm thấy mình thuộc về một xứ sở nào nữa. Nhưng ngẫm cho cùng, thì Huế vẫn là quê nhà của tôi, và ngày nào Huế chưa phụ bạc tôi, thì tôi vẫn là đứa con không bị từ chối của Huế.

    Trịnh Công Sơn

    Posted by NatPhung
     
    NayruLove thích bài này.
  3. Foli

    Foli Lớp 11

    Thiền Bùn

    Tác giả: Trịnh Công Sơn


    Thiền trên bùn thấy bùn. Thiền trên cát thấy cát. Thấy cát trôi ra biển. Thấy cát là hư vô. Bùn tấp vào bờ. Bùn tấp vào người trong cơn lũ lụt. Tai nạn bất ngờ, tai kiếp trầm luân. Cơn lũ đi qua, bùn lầy ở lại. Thiền trên bùn không còn thấy bùn là bùn nữa. Là khổ đau chém xuống cuộc đời.

    Ngồi đứng giữa miền Trung, giữa Huế những ngày mưa bão không còn thấy thiền là thiền nữa. Chỉ thấy lũ là lũ. Thấy trôi đi những sinh mạng, sinh vật, cỏ cây hoa lá. Bỗng nhiên thiền lại là thiền giữa những đổ nát mênh mông. Thấy trước thấy sau, thấy đời vô hạn. Thiền trên bãi bùn như trên đống lửa. Lửa cháy bùng để biến tất cả thành tro bụi và bãi bùn ứa máu để biến thành một thiền đau. Thiền đau trên nỗi khổ của con người để biến thành thiền định. Và thiền định để biến mọi nỗi khổ đau thành trang giấy trằng của hư không.

    Đi đến với mùa xuân này ta thử ngồi thiền định. Hãy để cho những cơn bão lụt vừa qua làm lay động chiếc ghế thiền định của ta. Không gió không mưa nữa mà chiếc ghế vẫn rung động và ướt đẫm. Thế thì thiền ở nơi đâu. Ở trong hay ở ngoài. Trên cao hay dưới thấp. Thiền trần trụi hay quần áo, áo quần. Cuối cùng có thể hiểu nhầm rằng thiền không ở nơi nào cả. Thật sự có thiền, có ngồi thiền, có trầm ngâm trong tịch lặng suy tưởng. Suy tưởng về tất cả, về thế giới bên trong bên ngoài, về ta về người, về thiên nhiên, về đồ vật… Thế thì, từ suy tưởng ta có thiền định. Và chỉ riêng mùa xuân này ta sẽ thiền định trên những con nước lũ đã tan đi và để lại cho ta một chỗ ngồi trên đám bụi bùn còn sót lại.

    Bước vào năm 2000 chúng ta sẽ chọn một chỗ ngồi khác để làm lại một cuộc hành trình vào cõi thiền đáng mơ ước hơn.


    (Nguồn: Hội Ngộ Quán)

    Posted by goldfish
     
    NayruLove thích bài này.
  4. Foli

    Foli Lớp 11

    Đạo Phật Trong Âm Nhạc

    Trao đổi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

    Thích Tâm Thiện thực hiện

    Có người phát biểu rằng, những bản nhạc của anh thường mang đậm triết lý nhà Phật? Xin anh vui lòng cho biết ý kiến của mình.

    TCS: Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật Giáo. Từ những ngày còn trẻ tôi đã đọc kinh và thuộc kinh Phật. Thuở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có những năm tháng nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó. Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt đuợc còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy.

    "Một cõi đi về" có thể nói là một bài hát thuyết phục được cả hai "thế giới" trẻ và người lớn tuổi, xin anh cho biết về bối cảnh để bài hát này ra đời?

    TCS: Như tôi đã nói ở trên, thuở nhỏ tôi thích đến chùa vì sự tịch lặng thanh khiết. Càng lớn tôi càng ít đi chùa và gần đây hầu như không có nhu cầu đó nữa. Lý do đơn giản là tôi đã may mắn tìm thấy sự yên tĩnh đó ở trong bản thân mình. Vì thế khi viết bài hát "Một cõi đi về" và nhiếu bài tương tự như thế, tôi không phải nhờ đến một bối cảnh ngoại giới nào cả. Đó chỉ là một bài thơ nhỏ tôi muốn hát về một cảnh giới mà trong mỗi người ai cũng có. Từ hư vố đến cuộc đời. Và từ cuộc đời trở về lại với hư vô. Đi - về là một lộ trình quen thuộc của cuộc sống mà ai cũng phải trãi qua. Đó là một trò chơi vừa vui thú vừa ngậm ngùi mà tạo hóa đã bày ra cho con người và cho cả vạn vật. Một người bạn thân là nhà văn khi nghe bài này đã nói với tôi: nghe bài này mình không còn cảm thấy sợ chết nữa. Đó chỉ là một ý kiến. Điều tôi thành thật rất vui là giới trẻ có vẻ cũng thích bài hát này. Tôi rất muốn nghe những ý kiến của họ.

    Anh có thể cho biết những kinh gnhiệm của mình về Phật Giáo? Một tôn giáo như htế nào? Đặc biệt là trong lãnh vực văn học nghệ thuật hay âm nhạc v.v...

    TCS: Không hiểu sao, những năm gần đây tôi thường nghỉ về Phật Giáo như một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ sát-na, một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát-na của thực tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi đứng, nắm ngồi. Không làm công việc này mà nghỉ đến công việc khác. Với tôi đó cũng là Thiền, là một cách sống đích thực. Tôi vẫn tiếp tục thực tập cách sống như thế hằng ngày.

    Tôi đang cố gắng quên Phật Giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải nỗ lực để xây dựng cho bằng đuợc một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp cho ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi. Với tôi Phật Giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống.

    Anh có hành Thiền mỗi ngày không? Và thường anh bằng cách nào để vươn đến đỉnh cao trong hứng cảm sáng tác? Đạo Phật có giúp gì việc đó không?

    TCS: Tôi có cách hành Thiền riêng. Không có giờ nhất định. Và thậm chí cũng không nghĩ là mình đang làm việc Thiền. Đó chỉ là một cách sống. Và sống Thiền trong mỗi sát-na. Ngồi trước một ly rượu hay trước một nhan sắc cũng vậy. Điều này hơi vi phạm giáo luật Phật Giáo, nhưng tôi là kẻ trần tục nên cứ tự cho phép mình như thế. Vả lại có nhiều con đường dẫn đến với Phật như gõ mõ tụng kinh, thắp hương cầu nguyện, tại sao tôi lại không dùng một phương tiện quen thuộc và gần gũi với mình nhất là ly rượu? Hơn nữa tôi không quan niệm tìm đến với Phật tính trong cõi riêng mình. Đó là quê hương, là chiếc ngai Phật.Tôi ngồi. Phật sẽ tràn ngập tôi và tôi sẽ tràn ngập Phật. Như một lũ con dũng mãnh đầy phù sa, mang theo trong nó những gì có thể nuôi dưỡng được cho một cõi "Ngộ" ra đời. "Thấy" và "Biết" và từ đó làm nảy sinh một nụ cười tủm tỉm, một thoáng cười "hàm tiếu" là La Joconde của Léonard de Vinci mới có thể trong muôn một so sánh được.

    Cuối năm 1995 tôi có viết được một bài hát mà tôi rất thích và bạn bè ai cũng thích. Đó là bài "Sóng về đâu". Bài này lấy cảm hứng từ câu kệ "Gaté Gaté. Paragaté. Parasamgaté. Bodhi Savaha".

    Tôi đang đi tìm một cách biểu hiện mới. Muốn vậy, khi sáng tác, tôi phải lãng quên hiện hữu này để đi vào một thực tại, một thực tại phiêu bồng, ở đó không có những xung đột trần tục của chữ nghĩa và những lý luận ngõ cụt không đâu.

    Tôi đang tập hành Thiền về sự lãng quên. Lãng quên những gì không cần thiết cho đời và cho chính bản thân mình.

    Câu hỏi cuối cùng: "Làm sao em biết bia đá không đau, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau". Anh có thể cho biết sự đồng cảm, cảm thức của mình khi hát lên điều đó?

    TCS: Mỗi sự vật, mỗi đồ vật, dù nhỏ dù lớn đều có hai giá trị, Valeur en soi và Valeur puor soi. Tôi nhìn viên sõi từ ngày này qua tháng nọ và bỗng dưng tôi có cảm giác là nó cũng có một thân phận và một nỗi buồn vui riêng của nó. Tôi là hạt bụi và nó là viên sõi có khác gì nhau đâu. Nếu tôi có thể buồn vì một đóa hoa tàn thì vì sao tôi không thể cảm cảnh vì một viên sõi lẻ loi này không có một viên sõi khác nằm cạnh bên.

    Xin cám ơn nhạc sĩ

    Posted by hoi_ls
     
    NayruLove thích bài này.
  5. Foli

    Foli Lớp 11

    Ảnh Hưởng Phật Giáo Trong Nhạc Trịnh Công Sơn

    "…Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
    Rọi xuống trăm năm một cõi đi về"


    Bản nhạc như là một dấu ấn định mệnh của cái âm hưởng Thiền Phật giáo gắn vào cuộc đời Trịnh Công Sơn. Ðể từ đó Sơn bước đi với những trăn trở, tra vấn về thân phận con người trong cõi trần gian… Như một hành trang "nằng nặng" của cái nghiệp đang bước đi… Vậy mà ngày về với "cát bụi’ thì trong tay chỉ còn một nắm "lau trắng" tuổi đời theo anh đi về nơi ấy.

    Tôi nghe Trịnh Công Sơn từ những bàng hoàng, ngơ ngác, bơ vơ, mộng mị đầu đời của "Ướt mi", "Biển nhớ", "Hạ trắng", "Thương một người" với những …. "Bờ vai như giấy mới, sợ nghiêng hết tình tôi"… hay… "Ðàn lên cung phím chờ, sầu lên dâng hoang vu…" để cho …"triều sương ướt đẫm cơn mê"… Với tình yêu mà Trịnh Công Sơn cũng luôn trăn trở, lo buồn vời vợi, khắc khoải, đớn đau: "…Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau…".

    Tôi gặp Trịnh Công Sơn từ những trăn trở thân phận với nỗi đau của con người bất lực trước cái "ác" đối với nhau trong chiến tranh, vì chiến tranh luôn tàn phá mọi giá trị tinh hoa của con người. Trịnh Công Sơn đã trực diện điều đó trên quê hương mình. Anh đau đớn và bất lực trước những ngã xuống của anh em, bạn bè ở đâu đó trong nhà tù, ngoài chiến trận vào những năm 1966 – 1967 cho đến ngày hoà bình. Bên ngoài thành phố thì "mộ bia đầy như nấm" ở bưng biền, đồng ruộng, núi đồi… Bên trong thành phố thì đầy dẫy đó đây …"người già co ro, em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi…" Với "từng cuộn dây gai xé nát da người… " trong cuộc tấn công Phật giáo năm 1966.

    Hồi đó, tôi thường gặp Trịnh Công Sơn ở Nhà xuất bản Lá Bối gặp cả nhóm bạn bè thân thiết với Sơn : Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Bửu Ý… Các nhà tư tưởng, triết gia một thời của Phật giáo ấy đã thường ngồi với nhau, nói với nhau, bàn bạc rất nhiều về những vấn nạn thân phận con người thời đại, về chiến tranh, hòa bình… Nhưng vẫn chưa có được lối thoát cho một Trịnh Công Sơn đang chơi vơi kinh hoàng với "Tình ca người mất trí" : "Tôi có người yêu vừa chết hôm qua, chết thật tình cờ, không hẹn hò, nằm chết như mơ"… Rồi với hai bản nhạc đã đưa tên tuổi Trịnh Công Sơn vang khắp các phong trào phản chiến thế giới và được cho là tiếng kêu hòa bình thống thiết nhất từ VN và Sơn nhận được giải Ðĩa Vàng, bài hát được dịch ra tiếng Nhật vang đi khắp nơi, đó là "Ru con"… "Ðứa con của mẹ da vàng, ru con, ru đạn làm hồng vết thương"… "Ru con, ru đã hai lần"… "Sao ngủ tuổi 20…" và bài "Hãy nói giùm tôi, hãy sống giùm tôi, hãy thở giùm tôi", Sơn đã nói thay lời Nhất Chi Mai, người sinh viên Phật tử tự thiêu cho hòa bình VN năm 67… "Ai có nghe tiếng nói người Việt Nam, chỉ mong hòa bình sau đêm tăm tối"… "Chờ mong một ngày tay ấm trong tay"… Hai bản này Sơn đã đưa tôi chép giữ lại, không thấy in bán.

    Có lần, tôi và chị BS Ðỗ Thi Văn đã tổ chức một buổi nhạc Trịnh Công Sơn ở trụ sở sinh viên Phật tử Sài Gòn để Sơn giới thiệu mấy ca khúc mới và "Ca khúc da vàng". Khán giả trẻ đã đứng lên vỗ tay hát theo anh… Người nhạc sĩ có dáng dấp triết gia đó, với đôi mắt đăm chiêu qua làn kính cận, đã thu phục được hết cả hội trường. Tôi nghĩ thành công đó không chỉ do cái thủ thuật ca từ phù thủy của anh như nhiều người thường nói, hơi ác ! Mà chính đó là do nỗi lòng trăn trở chân thật của chính anh trước những kinh hoàng về "Thiện" "Ác" trong mỗi con người, thật khó hiểu… Phải chăng, qua những thao thức với bạn bè, Trịnh Công Sơn đã đúc kết cho mình một cái nhìn phù du về cuộc sống, một cái lẽ vô thường của đời người, để từ đó, mùi Thiền đã bàng bạc trong một số tác phẩm anh cho đến khi tuổi đời "chập chờn lau trắng" thì …"người bỗng hết buồn, đã hết buồn… người lặng nghe đá lên trong mình!" (Du mục) - Hay là như ngọn cỏ xót xa, Sơn ngồi "nghe tiền thân về chào tiếng lạ, những mai hồng ngồi nhớ thiên thu"… Và nhiều, nhiều lắm, cái chất lạ đó của Thiền cứ bàng bạc mãi hoài trong ca từ của Sơn, và theo anh tận "cõi đi về". Về với "cát bụi", Trịnh Công Sơn đã đi một mình "lặng lẽ nơi này" vào cái buổi trưa hôm ấy.

    "Trời cao đất rộng, một mình tôi đi, một mình tôi đi.
    Ðời như vô tận, một mình tôi về, một mình tôi về, với tôi" !

    Sáng nay, đưa Sơn lần cuối, khi nghe tiếng kèn saxo của Trần Mạnh Tuấn trỗi lên bài "Cát bụi", tôi không sao cầm được nước mắt, Sơn ơi !

    Một người bạn cũ thời Ca khúc da vàng ở Ðại học Văn khoa xưa.

    Trần Tuyết Hoa
    (Tuần-báo Giác-Ngộ số 63/2001)


    Posted by hoi_ls
     
    NayruLove thích bài này.
  6. Foli

    Foli Lớp 11

    Tự Bạch

    Tác giả: Trịnh Công Sơn


    Hội họa và âm nhạc là hai người bạn đồng hành trong nghệ thuật. Mỗi người tự là tiếng nói của mình đồng thời cũng là tiếng nói của người kia. Trong âm thanh có mầu sắc và ngược lại, trong màu sắc có âm thanh. Khi bạn đứng trước một bức tranh hoặc nhiều bức tranh, trong yên lặng, bạn sẽ nghe từ những khối màu, từ những đường nét vang lên một thứ âm thanh mơ hồ nào đó. Và nếu bạn là nhạc sĩ bạn có thể ghi chép lại và cùng hợp tấu với những âm thanh kia.

    Và cũng tương tự như thế, khi bạn nghe một bản nhạc, bạn đắm chìm vào bản nhạc ấy và trong khối lượng âm thanh kia bỗng nhiên mở ra cho bạn một không gian đầy màu sắc, lung linh, óng ả mà có thể bạn chưa bao giờ nhìn thấy.

    Có nhiều điều tôi chỉ vẽ mà không diễn tả bằng âm nhạc được. Lúc ấy tôi phải sử dụng ngay cọ, màu và bố ( toile). Ngược lại có những chủ đề chỉ dùng âm nhạc mới nói được những điều mình muốn nói.

    Tôi đã làm công việc song hành này trong rất nhiều năm và cảm thấy không hề có sự va chạm hoặc đổ vỡ nào trong nguồn cảm hứng cả. Với tôi đấy chỉ là một cuộc vui chơi và đã xem là cuộc chơi thì tất cả chỉ nhẹ như tơ hồng.


    (Nguồn: Tạp Chí Sóng Nhạc)

    Posted by goldfish
     
    NayruLove thích bài này.
  7. Foli

    Foli Lớp 11

    NHỮNG DÒNG SÔNG NHỎ

    TTO - Những dòng sông nhỏ là một bài viết trong tập sách Như những dòng sông - cuốn hồi ức mới nhất về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Hoàng Tá Thích - em rể của Trịnh Công Sơn chấp bút. Nhân ngày giỗ lần 6 của người nhạc sĩ tài hoa này (1-4-2001 - 1-4-2007), TTO xin trích giới thiệu đến bạn đọc.

    [​IMG]

    Người con gái đầu tiên bước vào đời Trịnh Công Sơn là một cô gái đẹp của thành phố Huế thời bấy giờ. Chỉ là một cuộc tình lãng mạn thời niên thiếu, khi anh mới 18 và cô gái xinh tươi như một vùng cỏ non liên thiên bích ấy vừa tròn 17. Thuở đó, tình yêu của lứa tuổi này được viết bằng chữ A lớn (Amour), mà một cái nắm tay đủ làm cho nhau ngây ngất, một nụ hôn vụng về tưởng suốt đời không thể nào quên. Hơn nữa, trong cái thành phố nhỏ bé đầy những thành kiến bảo thủ ấy, anh chỉ có thể để lòng mơ mộng đến một cuộc tình nhẹ nhàng đầy tính lãng mạn.

    Cho đến một hôm nghe tin người mình yêu sắp từ giã con đường Huyền Trân Công Chúa, anh bỗng thấy lòng vấn vương một nỗi buồn man mác. Con đường đó anh vẫn thường đi qua. Ngôi nhà của nàng nằm cao cao bên bờ sông Bến Ngự, đối với anh quen thuộc biết bao. Những buổi chiều tà, cùng ngồi với nhau trong phòng đọc sách, anh có thể nhìn thấy, một chút nắng vàng vẩn vơ đọng trước hiên nhà phía trước.

    [​IMG]
    Bìa sách Như những dòng sông

    Cuộc tình trôi qua như thoáng mây bay, chẳng có một gắn bó hứa hẹn nào, nhưng lại sống mãi trong tác phẩm nổi tiếng Nhìn những mùa thu đi (1960): “Anh nghe buồn mình “trên ấy”, chuyện chúng mình ngày xưa, anh ghi bằng nhiều thu vắng, đến thu này thì mộng nhạt phai”. Anh thường gọi cái buồn man mác đó là la melancolie, nỗi buồn nhẹ nhàng như đang ngồi trong một khu vườn nhìn buổi chiều tà tắt nắng.

    Ướt mi được viết từ những giọt lệ trên khóe mắt ca sĩ Thanh Thúy lúc được chính anh yêu cầu cô hát bản Giọt mưa thu ở phòng trà Vân Cảnh (Sài Gòn) năm 1958. “Buồn dâng lên đôi môi, buồn đau hoen ướt mi ai rồi”. Hồi đó Thanh Thúy còn rất trẻ, chưa đủ tuổi để ký hợp đồng khi đi vào nghề ca hát mà đã sớm mất mẹ. Anh cũng chưa quen biết nhiều cô ca sĩ này, nhưng nhìn những giọt nước long lanh trên đôi mắt to tròn ấy, anh đã xúc động không cùng. Sau khi trở về Huế, anh ghi lại cảm xúc của mình và bài hát được gửi vào Sài Gòn cho Thanh Thúy. Ca khúc Ướt mi, có thể gọi là tác phẩm đầu tay của anh trong những năm 1959-1960, qua tiếng hát liêu trai của Thanh Thúy tại khắp các phòng trà, vũ trường Sài Gòn, đã làm cho cái tên Trịnh Công Sơn trở thành một dấu hỏi, vì thật ra ít ai biết tác giả là người như thế nào.

    Một bài nhạc khác cũng được anh viết cho Thanh Thúy, như là một kỷ niệm của người nhạc sĩ một hôm bất chợt thấy thương cho người ca sĩ lặng lẽ trở về ngõ tối sau một đêm tràn ngập ánh đèn màu: “Thương ai về ngõ tối, sương rơi ướt đôi môi... Thương ai về xóm vắng, đêm nay thiếu ánh trăng (Thương một người -1959).

    Đầu năm 1962, gia đình dời nhà từ đường Phan Bội Châu qua Nguyễn Trường Tộ. Đối diện nhà là khuôn viên của tòa Tổng giám mục Huế. Đứng trên ban-công, có thể nhìn thấy một đoạn đường phía bên kia cầu Phú Cam. Con đường đó, ngày ngày người con gái mang tên Diễm trong chiếc áo lụa trắng của trường Đồng Khánh, vẫn thường đi ngang, băng qua cầu, rẽ tay mặt về nhà. Hình ảnh người con gái thùy mị mang nét kín cổng cao tường rất cổ điển đó đã làm cho anh không ngày nào không nhìn xuống đường chờ đợi: Lụa áo em qua phủ mặt đường; Gót nhỏ xanh xao tựa khói sương .

    Diễm mang đến cho anh một mối tình nhẹ nhàng và lãng mạn như hai chữ Diễm xưa. Có hôm thức dậy muộn, nhìn thấy bên cửa sổ có cài một nhành dạ lý hương, anh biết người đẹp đã đi qua nhà mình. Và mỗi lần thức dậy anh đều mong nhìn thấy cành hoa cài trên cửa: “Chiều nay còn mưa, sao em không lại, nhớ mãi trong cơn đau vùi, làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau, bước chân em xin về mau”.

    Diễm xưa ra đời, nhanh chóng nổi tiếng khắp miền Nam, đến độ mọi người đều cho đó là một mối tình lớn của Trịnh Công Sơn. Nhưng không phải thế, vì chưa đầy một năm sau thì đôi mắt nai ngây tròn của người em mới thực sự làm anh ngây ngất.

    Cuối năm 1962, lúc anh bắt đầu cuộc sống xa nhà ở Quy Nhơn rồi Bảo Lộc, thì những cánh thư tình đã bắt đầu qua lại với Dao Ánh. Từ đôi mắt trong như nắng thủy tinh của nàng, rất nhiều ca khúc viết tiếp theo đều dành cho người con gái này. “Còn tuổi nào cho em” đây? “Thuở đó, tình đẹp như cơn “Mưa hồng” ươm nắng. Anh thổ lộ “em đã cho tôi quên đi muộn phiền”. Đến độ anh đã tưởng rằng “áo xưa dù nhầu, cũng xin bạc đầu, gọi mãi tên nhau”.

    Nhưng trước sau Trịnh Công Sơn vẫn là một nghệ sĩ lãng du, chưa có ý định dừng chân ở bến đỗ nào. Còn cô gái khuê các Dao Ánh lại không thể sống mãi với mối tình lãng mạn chẳng một lời một hứa hẹn. Và cuối cùng cuộc tình đã kết thúc sau nhiều năm gắn bó: Em đi bóng đổ đường dài; Để tôi ở lại miệt mài nỗi đau.

    Đầu năm 1970, trong những ngày tháng lang thang trên vùng đồi núi Đà Lạt, anh gặp một cô gái xinh đẹp đã liều lĩnh leo rào nội trú Trường Yersin để hẹn hò với anh - P.T.L môi đỏ má hồng, mắt long lanh như nước hồ Đà Lạt, đã đem đến cho anh nguồn vui mới. Trên những con đường của thành phố ngàn thông mơ mộng, anh cùng người đẹp lang thang khi xuống phố khi leo đồi. Nhưng rồi cuộc tình lại cũng như thoáng mây bay, chưa kéo dài bao lâu đã phải chia tay vội vàng.

    Khoảng cuối năm 1970, anh đang ở Huế bỗng nhận được điện tín nhắn vào Sài Gòn gấp. Vài hôm nữa đã là ngày giỗ thân phụ nhưng anh vẫn vội vã lên máy bay để chỉ kịp đến phi trường tiễn đưa người tình rời quê hương đến một phương trời xa xôi biền biệt: Em đi pháo đỏ nhuộm đường; Tôi ngồi với nỗi tiếc thương bạc lòng.

    Biết không bao giờ có thể gặp lại, làm sao giây phút tiễn đưa chẳng khỏi chạnh lòng: “Từ lúc đưa em về, là biết xa nghìn trùng... ta nghe nghìn giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh (Như cánh vạc bay - 1970)”.

    Năm 1981, anh gặp Hoàng Lan. Cô gái lúc nào cũng sống động vui tươi này gợi lên hình ảnh một đôi hài ba lê duyên dáng gõ trên phím dương cầm thánh thót. Tóc mây buông xõa, môi cười họa mi, đóa hoa vàng đã nhập vào hồn làm anh ngây ngất. Nhân ngày sinh của người đẹp, anh mang đến tặng nàng 21 cánh hoa hồng màu vàng: “Yêu em một đóa hoa vàng, yêu em một phút hoàng lan tình cờ”.

    Bài hát anh viết cho Hoàng Lan năm 1981 mang tên Một thuở hoa vàng, sau được đổi thành Hoa vàng mấy độ lúc xuất bản: “Em đến bên đời, hoa vàng một đóa, một thoáng hương bay, bên trời phố lạ, nào có ai hay, ta gặp tình cờ”.

    Hồi đó, Trịnh Công Sơn vừa đến ngưỡng 40. Nếu quả thật anh đã mệt mỏi đôi chân muốn tìm một nơi ngơi nghỉ, biết đâu người con gái này có thể là người bạn đời của anh. Nhưng rồi cuộc tình cũng trôi qua. Không do phụ rẫy, không bởi nhạt phai, mà chỉ vì anh muôn thuở là chàng lãng tử.

    Khoảng năm 1990, V.A đến với anh bằng những nồng nàn của người con gái tuổi đôi mươi có nhan sắc tuyệt vời và thân hình chuẩn mực của một á hậu. V.A thường xuyên đến thăm anh ở nhà Duy Tân. Tiếc thay, cuộc tình chỉ kéo dài chưa đầy năm. Có lần, anh nhờ một người bạn trẻ đưa V.A về. Đến khi biết ra thì quá muộn màng, chàng trai ấy đã mang nàng tiên ra đi không trở lại. Chẳng biết, anh có đau khổ vì mất người yêu hay không, chỉ biết V.A có lần nhắn tin cho anh Sơn khi cô nằm trên giường bệnh, nhưng anh đã không đến thăm.

    Cuộc tình này chấm dứt để lại cho chúng ta ca khúc. Con mắt còn lại (1990): “Còn hai con mắt khóc người một con, còn hai con mắt một con khóc người, con mắt còn lại nhìn một thành hai, nhìn em yêu thương, nhìn em thú dữ”. Không hiểu anh nghĩ gì khi viết nhìn em yêu thương, nhìn em thú dữ, chỉ biết rằng mỗi lần nhắc đến tên V.A hình như anh có chút chi băn khoăn trong lòng.

    Năm 1992, sau khi đi Canada về anh thường lui tới với Hồng Nhung. Cô ca sĩ nhạc pop người Hà Nội với thân hình bé như hạt tiêu dường như làm cho anh trẻ lại. Hồng Nhung chỉ bằng nửa tuổi của anh Sơn, nhưng ngay từ đầu cô vẫn hồn nhiên xưng hô với anh một cách thân mật như người bằng vai phải lứa. Mặc dù đôi khi anh trách yêu cô là “hỗn”, nhưng lại tỏ vẻ rất thú vị.

    Khi bắt đầu chuyển sang hát nhạc Việt, Hồng Nhung trình bày ca khúc Hạ trắng với thể điệu rock. Một số khán giả yêu nhạc Trịnh Công Sơn đã bày tỏ sự không bằng lòng vì cho rằng không phù hợp phong cách nhạc Trịnh. Nhưng anh Sơn lại cười hiền hòa: “Chẳng sao, bởi vì Hồng Nhung hát bình thường sẽ không thể nào tranh được với Khánh Ly”. Dù biết là anh chỉ nói đùa, nhưng điều đó chứng tỏ anh rất thương cô gái bé bỏng này. Và có lẽ Hồng Nhung là người ca sĩ duy nhất được Trịnh Công Sơn viết riêng cho đến ba bài hát (Thuở Bống là người, Bống không là bống, Bống bồng ơi).

    Tuy rất được yêu, nhưng cũng có lúc Bống làm anh buồn. Hay có lúc Bống đã muốn nhảy lên bờ, bỏ mặc anh đợi chờ dưới suối. Như anh đã viết: “Có một con đường em không đi tới, vui buồn hội ngộ trong kiếp người”. Phải chăng đó là một lời trách móc người bạn bé nhỏ đã không chia sẻ những vui buồn trong cuộc đời với anh?

    Cuối năm 1992, một người tình cũ từ Hoa Kỳ trở về thăm anh: “Người ngỡ đã đi xa, nhưng người bỗng lại về” (Tình nhớ). Dao Ánh vẫn trong tà áo lụa ngày nào, vẫn đôi mắt của nắng thủy tinh, vẫn là đóa hướng dương vô thường, đã làm anh như sống lại với những kỷ niệm xa xưa. Không khác gì ngày xưa, vẫn chọn một chỗ hẹn hò dưới phố. Buổi chiều, anh nhờ các em gái chọn giúp một chiếc sơ mi để mặc đi đến chỗ hẹn. Năm ấy là mùa pháo Tết cuối cùng ở Việt Nam, anh bồi hồi nhìn người yêu trở lại: “Hai mươi năm xin trả nợ người, trả nợ một đời em đã phụ tôi, bao nhiêu năm em nợ bạc đầu, trả nợ một đời không hết tình đâu.” (Xin trả nợ người - 1993).

    Rồi lại bồi hồi nhìn người yêu ra đi về nơi ngút ngàn xa cách. Những cánh thư đi về nối lại chuyện tình hai mươi năm về trước. Lại tiếp tục những cuộc hẹn hò, kéo dài cho đến ngày anh nằm bệnh. Trong số các khuôn mặt người tình, có lẽ Dao Ánh là người anh yêu thương sâu đậm nhất. Phần đông những người cũ khi gặp lại đều đã thuộc về người khác, anh luôn giữ mối tương kính bạn bè. Riêng Dao Ánh đã làm cho tình cảm trong anh sống lại, hai mươi năm vơi cạn lại đầy...

    Khánh Ly không có một cuộc tình với Trịnh Công Sơn, nhưng định mệnh như đã gắn liền cái tên cô với tên anh. Cô ca sĩ này đã chân đất giã từ thành phố Đà Lạt để theo Trịnh Công Sơn hát cho sinh viên lúc chỉ hơn 20 tuổi. Nhiều người đã cho rằng trời sinh ra Khánh Ly để hát nhạc Trịnh Công Sơn. Cô yêu thương anh như một người bạn, một người anh, một người thầy, và cả một người tình. Đôi khi trước mặt những người khác, anh đã la rầy Khánh Ly như một cô học trò nhỏ. Khánh Ly cũng chỉ cười buồn.

    Suốt mười năm bên cạnh anh, Khánh Ly đã trở thành một cái gì không thể tách rời với cái tên Trịnh Công Sơn. Khánh Ly thường nói: “Tuy không một ca khúc nào của Trịnh Công Sơn viết riêng cho tôi, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng hầu hết tất cả những ca khúc của Trịnh Công Sơn đều được viết cho Khánh Ly”. Có lẽ vì vậy mà có thể nói cô là một trong những người hiểu rõ nhất từng ca từ cũng như những tâm ý trong một số lớn ca khúc của anh. Sau năm 1975, Khánh Ly rời Việt Nam lang thang khắp thế giới với nghiệp cầm ca, nhưng không lúc nào cô rời bỏ cái tên Trịnh Công Sơn bên cạnh cuộc đời mình. Khánh Ly từng nói rằng, cô đã chết nửa cuộc đời theo Trịnh Công Sơn sau ngày anh nằm xuống.

    Đối với Trịnh Công Sơn, anh chỉ thấy Khánh Ly là một gắn bó định mệnh. Hơn mười lăm năm sau mới hội ngộ nhau ở Canada, đối diện với anh Sơn vẫn là Khánh Ly nhỏ bé ngày xưa, luôn luôn yêu thương và kính trọng người anh, người thầy của mình...

    Một điều chắc chắn là bất cứ người con gái nào tới với anh, đem đến cho anh dù chỉ một chút tình, anh vẫn nâng niu đón nhận. Ngay cả khi anh đã qua độ tuổi bồng bột mà, như anh thường nói, đôi khi ngồi bên một người đẹp chưa chắc anh đã thú vị bằng ngồi ngắm ánh nắng buổi chiều tà hay cơn mưa phùn buổi sáng, thì vẫn có rất nhiều phụ nữ vì yêu tài mà tìm đến anh.

    Anh biết ơn tất cả, bởi bản chất anh là luôn trân trọng hết thảy mọi phụ nữ mình từng quen biết trong đời.

    HOÀNG TÁ THÍCH

    Posted by hoi_ls
     
    NayruLove thích bài này.
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này