Giới thiệu sách "Trong căn phòng một người bại liệt" - Nguyễn Quang Thiều

Thảo luận trong 'Giới thiệu sách hay chưa có trên TVE-4U' bắt đầu bởi nguyenthanh-cuibap, 17/5/18.

Moderators: CreativeIdiot
  1. nguyenthanh-cuibap

    nguyenthanh-cuibap Cử nhân

    TRONG CĂN PHÒNG MỘT NGƯỜI BẠI LIỆT
    Tác giả: Nguyễn Quang Thiều
    Thể loại: Ghi chép và chân dung
    Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
    [​IMG]

    Nguyễn Quang Thiều với tác phẩm "Trong căn phòng một người bại liệt"
    Thiều kể về ông nội của mình từ khi 11 tuổi đã bỏ nhà ra đi, vì không sống nổi cùng căn nhà với bà vợ cả của bố mình. Cậu đã trải qua làm thuê nhiều nơi, sợ bị bố tìm đến đưa về, nên đã lên rừng núi Thái Nguyên chăn trâu cho phú ông. Một hôm có đám thợ mộc từ xuôi lên làm nhà cho ông chủ. Người phó cả thấy cậu còn quá nhỏ mà rất chăm chỉ lại có trí, nên đã xin chuộc để chỉ bảo cho cậu những thao tác kỹ thuật bí truyền về nghề mộc dựng nhà và đêm đêm dạy học chữ. Mười một năm sau cậu trở thành chàng trai có khả năng làm mọi việc nghề mộc, ông thợ cả sắm cho bộ nghề bảo chàng trai ra làm riêng. Lúc ấy anh ước mơ một ngày nào đó về quê dựng một căn nhà gỗ cho mình. Đi làm ở đâu chàng trai cũng xin chủ trả phần lớn tiền công bằng những tấm gỗ quý và đêm đêm đục đẽo chế tác thành dui mè, cột kèo và cánh cửa... Mười năm tiếp theo, giấc mơ có một căn nhà cho riêng mình đã thành sự thật. Chàng trai về quê lắp ghép gỗ thành phẩm dựng lên căn nhà năm gian, mộng mẹo khớp và chính xác đến lạ kì. Ngôi nhà đến nay truyền qua ba đời. Thiều viết: Thực hiện đúng ý nguyện căn dặn lại của ông nội và cha, “tôi mơ được sống những năm tháng cuối đời trong căn nhà này và được chết yên lành ở đó”. Đọc xong, tôi cứ bị câu chuyện đeo bám mãi. Tôi nghĩ về ý chí khát khao sống tự do và tự lập của một cậu bé 11 tuổi; Nghĩ về khát vọng và giấc mơ của một chàng trai cùng cách người đó tạo dựng nên một ngôi nhà của riêng mình, đã ba thế hệ và còn nhiều thế hệ khác nữa sẽ truyền đời giữ yên ngôi nhà này. Tôi mường tượng Thiều kể ngôi nhà ấy như kể về đất nước - Dân Việt dựng nước và truyền đời quyết giữ yên Đất nước!
    Thiều kể về bà nội của mình. Trước khi bị liệt nằm bại suốt bốn năm, bà đã kể cho cháu nghe biết bao câu chuyện về người làng Chùa. Bà đã dựng lên một cách sống động nhất lịch sử của mình, như hiện thực của một bài thơ. Thiều viết rằng: “Khi qua đời, chân dung cùng tiếng nói kể chuyện của bà nội trước đó trong căn phòng này vẫn đã tồn tại trong tôi mọi chiều của không gian, thời gian và ở mọi tầng suy ngẫm của tôi. Bà là một nông dân không biết chữ, nhưng lại là nhà văn đầu tiên và vĩ dại của tuổi thơ tôi”. Chính giọng nói của bà, cùng hình ảnh bà nằm liệt trong căn phòng này đã lưu giữ trọn vẹn những gì đã qua đời sống này ở làng quê của Thiều, mà chẳng bao giờ mất đi, chỉ có trí tưởng tượng kì diệu mới có thể lờ mờ nhận ra.
    Thiều kể về cha của mình, là một đảng viên cộng sản và làm nghề công an, nhưng với ông “Bất cứ con người nào cũng phải được hưởng tình yêu thương từ đồng loại của mình, ông thực hiện điều đó suốt đời mà không dựa vào giáo lí, tôn giáo nào”. Ông lo con trai làm thơ chẳng giống ai, sợ Thiều bị bắt. Ông lo con người phải chịu hậu họa khủng khiếp do chính con người gây ra. Khi làm tiếp phẩm, đi mua và đèo hai sọt cá về cơ quan, ông tạt qua nhà, nhìn Thiều gầy bé ăn uống thiếu thốn thời bao cấp, ông thọc tay vào sọt cá quả để tìm một con cá nhỏ nhất cho con. Nhưng rồi ông dừng tay đậy sọt vì không tìm thấy lí do nào lấy cá của tập thể. Thiều nhớ lại, khi ấy: “Mẹ đã khóc vì thương cha, thương những đứa con đói rét của bà”. Sau này mỗi lần nhớ về chuyện đó,Thiều thấy lòng tái tê vì “bây giờ khó tìm được một hình ảnh nào giống cha tôi và nhiều người cùng thế hệ cha tôi thuở ấy nữa”. …
    Thiều dựng chân dung nhà văn. Kể về nhà văn này, Thiều không có lấy một dòng nào khen chê những sáng tác đang nổi tiếng của ông ta viết về hợp tác hóa nông nghiệp, đã được đưa vào sách giáo khoa. Ông ở Sài Gòn, nhà có thang máy, mỗi lần ra Hà Nội họp, phải ở căn phòng khách nhỏ bé của Hội Nhà văn tại 17 Trần Quốc Toản, bên dưới cầu thang là báo Văn nghệ nơi Thiều làm việc cùng anh em khá chật chội. Thiều thấy ông quan sát mọi người tĩnh lặng đến mức có thể thu hết mọi gương mặt rồi viết, văn phong của ông thủng thẳng “chết người”. Thiều mô tả khá dài về nhà văn “chiếu trên” đó, có lúc như dùng cây bút phác họa chân dung: Ông sống lặng lẽ, nói nhỏ nhẹ, thâm thúy và hài hước. Nhận xét người khác thì người ấy thường phải ngẫm nghĩ nửa ngày mới hiểu ra ông ta nói gì về mình. Ban đêm ông đi tiểu nhiều lần, mỗi lần xuống, ông lặng lẽ nhìn ngắm Thiều và anh em đang thức trắng đêm để làm báo kịp đưa in, rồi lắc đầu bỏ đi. Sau này trong một bài viết, ông tả Thiều có “hai mắt to như cái chén tống, giọng nói khào khào… và thức suốt đêm để làm báo”. Sáng sáng ông tản bộ và ăn sáng, lát sau đạp xe lên Nghi Tàm Quảng Bá xem người làng hoa chăm chút những cây đào cho mùa xuân sắp tới. Ấn tượng nhất của Thiều về ông nhà văn này là cưỡi trên chiếc xe đạp Trung Quốc cao lênh khênh, thảnh thơi dạo chơi trên đường Nguyễn Du và Thiều tự nghĩ: chẳng biết Bảo tàng Hội nhà văn Việt Nam có biết mà giữ chiếc xe đạp của ông lại không.
    Thiều kể về nhà văn Kim Lân, không thích những sáng tác đã viết ra, ngán ngẩm nghĩ rằng: viết thế này thì viết cả đời cũng không tả nổi cái mặt của mình! Rồi ông thử viết truyện ngắn theo ý mình thì ngay lập tức thành công, bộ mặt văn chương của ông hiện ra sống động và từ ấy ông chỉ muốn viết những gì mình đã trải nghiệm, đã khổ đau và thương nhớ. Nhưng đến một ngày ông tự thấy viết theo ý mình là không dễ: “Cái miệng mình cười lại của người khác. Mắt mình đấy mà lệ rơi vào từ đẩu từ đâu. Tay mình đấy lại cầm cái không muốn cầm. Chân mình đấy lại đi vào cái ngõ không định bước”. Rồi ông không viết nữa. Ông ở ẩn suốt mấy chục năm nay, không về quê như Nguyên Hồng, không lên rừng như Sao Mai, mà lặng lẽ sống trong căn phòng nhỏ nơi góc phố. Ông buồn vì cho rằng đời sống đầy khổ đau và vô nghĩa thế, mình thì bất lực! Thiều thông cảm , kính trọng và chia sẻ với nhà văn Kim Lân. Thiều nghĩ: Ông là người hiểu được lẽ đờì, một khi phải lẩn trốn chính mình thì cuộc chạy trốn ấy là cực kì khó khăn và đau khổ nhất, nó “chỉ kết thúc khi sang thế giới bên kia!”
    Thiều đã viết tới mười trang sách mô tả về nhà thơ Tố Hữu với giọng văn trang trọng. Thiều nhắc lại những ấn tượng thời trẻ thần thánh hóa về một thần tượng thơ ca và là một người quyền uy cao vời vợi. Thời ấy đến đâu cũng thấy người ngâm thơ Tố Hữu, kể cả những em nhỏ cắp sách đến trường cũng được dạy và đọc thuộc một số câu thơ của ông. Lí giải hiện tượng này, Thiều cho rằng: Ông là nhà thơ chân thành, sinh ra đúng thời điểm mà nhân dân đang chán ghét kiếp sống nô lệ, muốn vùng lên giành chính quyền và độc lập tự do thì thơ ông đã nói lên khát vọng ngàn đời ấy. Khi Pháp và Mỹ xâm lược, thơ ông như tiếng kèn xung trận, cổ súy hàng chục triệu người xông lên đánh thắng giặc, giành độc lập thống nhất đất nước. Sau mỗi chiến thắng và khi non sông về một mối, thơ ông như bài ca vui bất tận, gợi mở cho con người thấy tương lai vô vùng tốt đẹp… Nhưng cuối đời, thơ Tố Hữu buồn hẳn đi và buồn day dứt. Thiều tả khi gặp ông, lúc này: “Một Tố Hữu khác xưa, một chút cô đơn, một chút mệt mỏi, một chút giày vò, một chút yếu đuối” và kém tự tin; Có lẽ vì ông thấy những gì mình cổ súy, nói về tương lai tốt đẹp, mà mãi không thành hiện thực. Nhiều, rất nhiều người không còn thần tượng thơ ông. Ông vẫn cố làm thêm một số bài thơ cổ súy tiếp, nhưng giọng cổ súy buồn và gượng gạo. Sau này nhà thơ hầu như không còn mấy bạn đọc. Trong con người Tố Hữu, ngoài thơ ca còn là quyền lực, ông là nhân vật có tầm ảnh hưởng quyết định đến chiều hướng tư tưởng và văn hóa văn nghệ thời bấy giờ. Nhớ lại ngày xưa, khi quyền lực của ông nghiêng trời lệch đất, rất đông người từ Bộ trưởng trở xuống, ngày ngày xếp hàng dài đến chúc tụng, xin ý chỉ đạo và chút ân huệ, thì nay không mấy ai thăm viếng, rút cục nhà thơ vốn có thời đầy quyền uy đã trở nên thật sự cô đơn giữa đồng loại! Khi Tố Hữu qua đời, Thiều tự hỏi: “Giờ đây linh hồn ông đang mỉm cười hay đang suy ngẫm, thở phào nhẹ nhõm hay dằn vặt khổ đau?”.
    Thiều đã đưa ra một số chân dung nghệ sĩ vượt qua những bi kịch khắc nghiệt ấy để sáng tạo những tác phẩm và nhân vật có sức sống mãnh liệt như hoa xương rồng nở nơi sa mạc, vươn lên từ bão cát và nắng lửa, đẹp rực rỡ dưới ánh sáng mặt trời.
    Đó là Tào Mạt. Ông là “vua chèo”, một nghệ sĩ hiếm thấy, nơi ông chứa đựng tinh hoa của nghệ thuật truyền thồng, chứa đựng khát vọng ngàn đời về tình yêu lẽ phải của nhân gian. Ông là điển hình về bản lĩnh vững như bàn thạch của một văn nghệ sĩ chân chính làm đúng chức phận, ông đã dám nói trong một bối cảnh không dễ nói, bằng cách thông qua nhân vật Hề Hoạn để vút lên tiếng hát hợp với nhịp trống chèo đấu tranh chống oan khuất mà thời nào cũng có. Chèo là môn nghệ thuật dân gian lâu đời nhất gắn bó với người nông dân Việt. Ông đã viết và dựng bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước”, trong đó có nhân vật Hề Hoạn. Ông Hề đã bị chôn sống chỉ vì “quá tin yêu người, không uốn lưỡi nói trái sự thật” để vừa lòng quan tể tướng. Tào Mạt mô tả cảnh Hề Hoạn bị chôn sống, ai xem và nghe ông Hề nói, ông Hề hát chèo, cũng rơi nước mắt. Đây là cảnh tác giả viết như lên đồng, thành công nhất, được các nhà phê bình sân khấu thừa nhận là cảnh hay nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông và trong kịch bản chèo nói chung. Tào Mạt đã gửi tới thời nay và muôn đời sau một thông điệp đấu tranh cho quyền được nói thật bảo vệ lẽ phải, thông qua một ông hề, một con Người không chịu khuất phục trước cường quyền, thà chết chứ không chịu lừa dối nhân gian. Dường như Tào Mạt sinh ra để viết và hát chèo, đi đâu ông cũng nói về chèo, cũng hát về nhân vật Hề Hoạn, khóc và cười với nhân vật này. Tào Mạt hạnh phúc, đau đớn, thậm trí đôi lúc (bị chất vấn) đến hoảng loạn bởi vở… chèo. Nhưng ông vẫn đêm đêm cùng cộng sự hát chèo để kể cho hậu thế cái bi kịch của cuộc đời, để mọi người đối chiếu và soi dọi, ngăn ngừa và đấu tranh với những cảnh đời ngang trái. Trước khi kết thúc câu chuyện về chân dung Tào Mạt, Nguyễn Quang Thiều viết: “Hề Hoạn đã chết từ lâu. Kiếp sau của Hề Hoạn là Tào Mạt cũng đã rời bỏ thế gian này. Bộ ba vở chèo lịch sử sẽ còn được trình diễn nhiều nữa, Hề Hoạn đã, đang và sẽ còn lên sân khấu nước nhà để đấu tranh cho lẽ phải và lại bị chôn sống trong một đêm diễn. Tào Mạt vẫn hiện lên trên cánh đồng quê hương Thạch Thất của ông vào một đêm trăng nào đó để hát, lại múa, lại sống mê đắm và kiêu hãnh với sứ mệnh của một nghệ sĩ đấu tranh cho lẽ phải và lại từ từ biến mất vào cát bụi”.
    “Trong căn phòng một người bại liệt” đậm tính dân tộc, rất sâu và ý nhị, lại kết hợp được cái hiện đại của thế giới - Đó là kết quả nỗ lực vượt bậc của một nhà văn gắn bó và hòa trong đời sống vinh quang cũng như khổ đau của nhân dân mình, cùng đi nhiều ra thế giới học nhiều hiểu biết rộng. Tác phẩm này cùng những tác phẩm thơ và văn xuôi khác của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, là một chút góp phần phong phú thêm cho văn học nhân loại.
    Hạ Bá Đoàn
    (Văn nghệ số 50/2016)

     

    Các file đính kèm:

    Wanderman, dongmai, VietNhan and 2 others like this.
Moderators: CreativeIdiot

Chia sẻ trang này