Thông tin sách Văn học nổi bật tháng 7 năm 2017

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi Caruri Tlkd, 3/8/17.

?

Bạn đã từng đọc cuốn nào trong những cuốn được điểm tới ở bài này?

  1. Tro tàn sắc đỏ

    1 phiếu
    50.0%
  2. Những kỳ vọng lớn lao

    0 phiếu
    0.0%
  3. Ngôn từ

    0 phiếu
    0.0%
  4. Thần thoại Bắc Âu

    0 phiếu
    0.0%
  5. Trọn vẹn con người tôi

    0 phiếu
    0.0%
  6. Ra đời

    0 phiếu
    0.0%
  7. Hành tinh khỉ

    1 phiếu
    50.0%
Multiple votes are allowed.
Moderators: Cát Cát
  1. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Cống hiến cho đồng bào cái sớ sách tháng 7 này, toàn những cuốn hay lẫy lừng và gai góc, an tâm mà múc, từ nhẹ nhàng tới nặng đô, từ Á sang Âu, lại có thêm cả Nga và Khỉ.

    [​IMG]



    1. TRO TÀN SẮC ĐỎ - Pyun Hye Young – Kim Ngân dịch
    Nhã Nam – 264 trang – 86.000 vnd

    Một nhân vật “anh” được phân tới làm việc ở thành phố Y, thủ đô nước C, vì nhờ bắt chuột giỏi. Một chuyến đi tới một nơi xa lạ mà độc giả nhanh chóng nhận ra những trắc trở sẽ lập tức ngáng đường nhân vật. Một mô típ và chủ để điển hình trong văn chương. Ngay khi xuống sân bay anh bị cơ quan kiểm duyệt y tế giữ lại qua đêm vì nước này đang có dịch bệnh, mãi mới được tha cho để về nơi ở, thì tìm đến nơi anh phát hiện mình sống ở chung cư ngay cạnh bãi rác thải khổng lồ, để rồi chẳng mấy chốc vali của anh bị mất nơi anh để điện thoại. Không tìm được vali, phải uống tạm nước đầy rỉ sét trong vòi, được thông báo khoan không phải đi làm bởi người của công ty mẹ ở nước sở tại, anh rơi vào trạng thái ĐTHN.

    Câu chuyện hiện tại này, đan xen với một loạt ký ức của nhân vật, nghĩ lại quãng đời trước với vợ vũ, với đồng nghiệp công ty. Anh đến nước C với tâm thế làm lại từ đầu, và liệu anh có làm lại được từ đầu, hay lại đẩy anh vào trạng thái phải chạy trốn bản thân và xã hội và cảnh sát: khi vợ anh bị giết, xác tìm thấy trong căn hộ của anh, và anh chính là tình nghi chính?

    Tiểu thuyết đầu tay này của nhà văn nữ từng đạt giải thưởng văn học cao quý của Hàn Quốc Yi Sang khiến người đọc có cảm giác vừa quen vừa lạ: quen vì cái không khí đượm chất Camus và Kafka, với nhân vật không tên ở một thành phố xa lạ nơi bệnh dịch đang hoành hành, với chuột chạy khắp ngang cùng ngõ hẻm và trên từng trang sách, với mùi xú uế rác rưởi xộc vào mũi nhân vật và độc giả; lạ vì cái không khí ấy kiểu gì đó lại đặc Hàn, nhưng đồng thời lại không phải Hàn. “Tro tàn sắc đỏ” có khả năng vừa chi tiết vừa trừu tượng, để độc giả có thể tùy ý mà phân cái bối cảnh ấy vào một thành phố bất kỳ, nhất là trong cái thời đại đầy những thảm họa về mặt sinh thái. Một tác giả nữ đương đại nữa của Hàn Quốc có thể khiến độc giả ngạc nhiên, bên cạnh Han Kang, và Shin Kyung-sook.

    Cái tên “Tro tàn sắc đỏ” có lẽ được lấy từ chính đoạn sau trong tiểu thuyết này:

    “Bãi rác đẹp nhất là vào thời điểm đốt rác. Khi đó, giữa cảnh tượng bị lớp sương mỏng buổi sớm hay khói thuốc khử độc lờ mờ che phủ, ánh lửa bập bùng cháy trên rác đẹp đẽ như buổi hoàng hôn của một ngày trời trong. Hay là ánh lửa đỏ sẫm bốc lên từ đống rác hòa cùng với không khí trong lành của buổi sớm. Ánh lửa ban đầu còn leo lét, sau dần màu sắc nổi rõ hơn, cuối cùng tỏa ra khói đen rồi bắt đầu bốc lên ngùn ngụt... Ngay trên đống rác vừa mới thiêu chỉ còn sót lại tro tàn và xỉ than hồng, đống rác mới lại được trút xuống, bới tìm trong đống rác anh có cảm giác như mình đã trở thành một con chuột. Moi móc cố tìm ra những thứ còn dùng được thì toàn thân cũng bám đầy tro bụi, chẳng khác gì một con chuột với bộ lông màu xám.

    Link đọc thử truyện ở đây: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Ai đọc đến đoạn này thì xin mời tham gia minigame: Nhà Z được Nhã Nam Nho Xanh tài trợ 3 cuốn “Tro tàn sắc đỏ”. Rất đơn giản, xin quý vị comment cho nhà Z ngay tại post này cuốn tiểu thuyết nào của văn học Hàn Quốc mà quý vị đã đọc và giải thích vì sao lại thích, đồng thời share hộ em cái post này. Em sẽ chọn ngẫu nhiên nhé, thời hạn là đến hết hôm mùng 3-8-2018 thì em công bố kết quả.

    2. NHỮNG KỲ VỌNG LỚN LAO – Charles Dickens – Lê Đình Chi dịch
    Nhã Nam – 508 trang – 129.000 vnd

    Đây có lẽ là cuốn thứ 5 của Dickens được dịch (trọn vẹn) ở Việt Nam: 4 cuốn trước là A Christmas Carol (Chiếc chuông Giáng Sinh), Oliver Twist, David Copperfield, và Hard Times (Thời gian khổ). Bản dịch tác phẩm mới này của Dickens sẽ cho độc giả một cái nhìn rõ ràng hơn về Dickens và thế giới nhân vật, thành phố London thời Victoria, cũng như văn phong của ông: một tổng hòa của nhiều trong một, tiểu thuyết bildungsroman được kể từ ngôi thứ 1, một tiểu thuyết hài kết hợp với tiểu thuyết tội phạm, lại trộn lẫn yếu tố Gothic.

    Độc giả có còn nhớ cái spoilers về truyện của Dickens mà nhà Z từng đăng không? Xin được phép nhắc lại đây: NHỮNG KỲ VỌNG LỚN LAO – Bé nghèo thành bé giàu!

    Pip là cậu bé mồ cha mẹ được chị gái lớn hơn cả 20 tuổi nóng tính ngang Thiên Lôi nuôi nấng. Cuộc gặp gỡ ở nghĩa địa nhà thờ với một tên tội phạm bỏ trốn đã thay đổi cuộc đời Pip, mà mãi sau này độc giả mới biết là thay đổi như thế nào. Dickens được coi là nhà văn hiện thực đỉnh cao, với những miêu tả chân thực khắc họa nghèo đói, bệnh tật, tù đày, những mâu thuẫn trong xã hội, những căng thẳng giữa các tầng lớp. Dickens cũng là người tiêu biểu cho biện pháp Khẩu súng trên tường của Sê khốp, nơi ông giới thiệu nhân vật nào là khi kết thúc truyện đều có cách giải quyết thấu đáo cho nhân vật ấy.

    “Những kỳ vọng lớn lao” sẽ đưa độc giả qua một loạt những biến đổi làm nên con người và số phận của nhân vật Pip, mà một trong số đó có lẽ là nhân vật nữ nằm trong tập hợp những nhân vật mờ lờ của thế giới văn chương: Estella, người Pip yêu say đắm, kiêu kỳ, xinh đẹp, tim thì bằng đá, được nuôi lớn với mục đích trả thù thế giới đàn ông, bởi một bà mẹ vốn là LÝ MẠC SẦU của phương Tây.

    3. NGÔN TỪ - Jean Paul Sartre – Thuận và Lê Ngọc Mai dịch
    Nhã Nam – 277 trang – 68.000 đ

    Nhà Z đã bị lừa một cú ngoạn mục bởi cuốn sách này: với tâm thế là tiểu thuyết tự thuật, trình bày giản dị tuần tự theo thời gian, có cái gì mà khó đọc dù là Sartre, ai ngờ đâu, Sartre ngày sau, càng đọc càng lún sâu!

    “Ngôn từ” là một cuốn sách mỏng nhưng không cực kỳ nặng đô của Sartre, nơi ông hồi tưởng và kể lại đời mình, không phải toàn bộ, mà chỉ khoảng chục năm đầu đời, và bằng cách kể lại đó, ông như tìm lại, để hiểu, nó đã khuôn đời mình, khuôn văn chương mình, đi theo hướng thế nào.

    Tuy được phân làm 2 phần “Đọc” và “Viết” nhưng các nhà nghiên cứu lại cho rằng “Ngôn từ” có thể chia làm 5 hồi khác nhau, mà theo nhà Z là khá rõ rệt và có thể dùng sự phân tách làm sợi chỉ đỏ để mà lần theo trong mê cung của tưởng tượng và ngôn từ của Sartre.

    Những người yêu sách có lẽ sẽ tìm thấy một sự thấu cảm với Sartre, khi đọc những dòng này, khi văn chương, sách vở, thư viện, đóng một phần không hề nhỏ, trong cái phần “Đọc”, định hình Sartre:

    “Tôi đã bắt đầu cuộc đời mình hẳn là như cách mà tôi sẽ kết thúc nó: giữa những cuốn sách. Sách có ở khắp nơi trong phòng làm việc của ông ngoại tôi, nhưng không được phủi bụi trừ một lần trong năm, trước lễ khai giảng tháng Mười. Khi chưa biết đọc, tôi đã tôn thờ sách, những tảng cự thạch: dù chúng đứng thẳng hay nghiêng, chen chúc cạnh nhau như những viên gạch trên giá, hay cách quãng một cách thanh tao như từng hàng cột đá, tôi đều cảm thấy sự thịnh vượng của gia đình chúng tôi phụ thuộc vào chúng. Tất cả chúng đều giống nhau và tôi vui chơi trong một thánh điện tí hon, được bao bọc bởi những tượng đài vuông vức, cổ kính, đã chứng kiến ngày tôi sinh ra, có thể sẽ chứng kiến ngày tôi qua đời, và sự hiện diện thường xuyên của chúng bảo đảm cho tôi một tương lai cũng êm đềm như quá khứ.”

    4. THẦN THOẠI BẮC ÂU - Peter Andreas Munch - Nguyễn Hồng Vi - Lê Hồng Hạnh dịch
    Trithuctrebooks – 372 trang – 96.000 vnd

    Dủ gì dù gì, dù khinh ra mặt, thì cũng xin đội ơn các chàng Hô li út mà nhờ các chàng em mới biết đến chàng Thor, và thằng Loki mặt choắt, và thần thoại Bắc Âu. Trong khi thần thoại Hy Lạp ăn sâu vào em từ những ngày còn bé bỏng, bên cạnh Làm mắm em ruột và Ăn một quả trả một cục vàng, thì đến tận tuổi ế chồng em mới biết đến thần thoại Bắc Âu.

    Peter Andreas Munch là một sử gia danh tiếng của Na Uy, là người biên soạn cuốn thần thoại Bắc Âu hồi năm 1840, vốn là sách đọc thêm cho sách sử Na uy, Thụy Điển, và Đan Mạch, chính vì thế là một loại tài liệu tham khảo cực kỳ cơ bản và được đọc phổ biến. Nó gồm 3 phần: Thần thoại về các vị thần, các truyền thuyết về các vị anh hùng, và việc thờ cúng các thần.
    Phần cực hay ho của “Thân thoại Bắc Âu” là phần kể về Ragnarok, còn gọi là Buổi hoàng hôn của các vị Thần, nơi cuộc chiến tranh giữa hai phe thiện ác diễn ra, và nơi thế giới rơi vào hủy diệt.

    5. TRỌN VẸN CON NGƯỜI TÔI – Anna Funder – Phạm Văn Vĩnh dịch
    Nhã Nam – 514 trang – 118.000 vnd

    Cuốn sách đầu tay dày hự đạt vô số giải thưởng, được bình chọn cuốn sách của năm của Úc này của Anna Funder có đề tài rất quen thuộc trong văn chương: những con người đấu tranh và chết vì lý tưởng, chống lại phát xít và Hitler. “Trọn vẹn con người tôi” đặc biệt thêm ở chỗ, tất cả các nhân vật của nó đều là người thật, đêu là chứng nhân của lịch sử, và một trong số đó, là kịch tác gia nổi tiếng thế giới Ernst Toller, người từng làm tổng thống nước cộng hòa Xô viết Bavaria chỉ trong thời gian ngắn ngủi 6 ngày, để rồi sau đó bị cho đi tù 5 năm, thoát chết nhờ có Thomas Mann làm chứng giảm bớt tội cho, và trong tù đã sáng tác những vở kịch và thơ nổi tiếng thế giới.

    “Trọn vẹn con người tôi” kể lại cuộc sống trốn chạy của Ruth và chồng, Dora cùng người tình Toller, sang London và được kể lại qua hai ngôi trần thuật là thời hiện tại của Ruth ở Sydney năm 2011, và lời kể của Toller trước khi tự sát ít lâu ở New York năm 1939. Ruth Becker đến thăm em họ Dora ở Đức hồi năm 1923 gặp và yêu và lấy nhà báo Hans Wesemann. Khi Hitler lên cầm quyền, Ruth đang tắm dở. Câu đầu tiên của tiểu thuyết đã đặt toàn bộ nhân vật và những gì cô trải nghiệm vào cái bối cảnh lịch sử: giữa thời phát xít. Ruth, hóa ra, là người duy nhất sống sót, và giờ đây, bằng văn chương, bằng truyện kể, cô làm sống lại cái cuộc đời chết vì lý tưởng của họ, để làm sống lại Dora và những con người xưa, trên câu chữ.

    6. RA ĐỜI – Aleksei Varlamov – Phan Xuân Loan dịch
    NXB Phụ nữ - 172 trang – 56.000 vnd

    Có ai từng băn khoăn như em, văn học Nga đương đại thế nào rồi? Từ ngày long mạch Nga, ý em là chủ nghĩa xã hội, bị đứt và quá trình nhập khẩu văn chương Nga bị tắc tị, em hầu như không còn biết gì về Nga nữa. Hình như năm xưa có cuốn Cô đơn trên mạng mà cho đến bây giờ em vẫn mãi không lật ra vì nghe cái tên đã muốn nằm (hóa ra ba nan, xin lỗi em lại ngồi dậy). Những Đốt những Lép những Khốp vẫn đồng hành cùng con cháu nước anh em Việt ta nhưng những Mốp những Sây mới đương đại thì đã vắng bóng hẳn. Chính vì thế cuốn “Ra đời” của nhà văn được coi là rất được ưa chuộng và tương đối nổi tiếng của đương đại Nga Aleksei Varlamov làm em tò mò muốn đọc, để xem văn chương Nga đang đi về đâu. (Một câu rất quen chỉ cần đổi Nga thành Việt).

    Là một truyện dài, “Ra đời” khiến em nhớ đến Gia đình hạnh phúc nào thì cũng giống nhau mà Bất hạnh theo kiểu khác nhau, có phải cái câu của Anna nó thế không í nhỉ? Các nhân vật không có tên, mà độc giả dễ dàng phóng chiếu mình vào đó, các mối quan hệ nơi con người dần trở thành người xa lạ với chính người thân và chính mình, là mối quan tâm của và là nơi mà Varlamov tập trung triển khai.

    7. HÀNH TINH KHỈ - Pierre Boulle – Vĩnh An dịch
    Tao Đàn – 252 trang – 86.000 vnd

    Đang bay trên trời thì bắt được cái chai! Trong chai có gì? Trong chai có tiểu thuyết! Chào mừng đến với thế giới khoa học viễn tưởng của Pierre Boulle, cuốn sách mới nhất của Tao Đàn trong xê ri XXX (điền vào chỗ trống miễn không phải con người) lên ngôi.

    Ở cái hành tinh xa xăm mà Boulle kể ấy thì chính là loài khỉ. Ngay từ dòng đầu khi hai nhân vật Jinn và Phillys bắt được cái chai với lời cảnh báo có tai họa khủng khiếp đe dọa giống người và họ hỏi nhau “Giống người nào?” là em đã cảnh luôn giác, còn giống người nào? Hay đến lúc cái chai đến tay họ đã không còn giống người nữa?

    Vào năm 2500, khi tất cả chúng ta đã mồ yên mả đẹp, một con tàu du hành vũ trụ gồm 3 người đã lạc vào một hành tinh khỉ. Nhiều việc xảy ra. Giết chóc xảy ra. Đồng hóa xảy ra. Tình dục xảy ra. Người và thú đấy. Chạy trốn xảy ra. Quay về trái đất xảy ra. Jinn và Phillys cười hí hí xảy ra.

    Anh có thấy tiếc cho loài người không, lặp lại. Capek và Boulle và những dự đoán về sự hủy diệt của loài người và trái đất.

    “Tro tàn sắc đỏ” và “Hành tinh khỉ” thật tình cờ lại gặp nhau ở cái ý tưởng đầy chất tận thế đến vậy.​
    Nguồn: page FB Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này