Truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX nằm trong qui luật phát triển chung của cả nền văn học thế kỷ này, vô cùng phong phú nhưng cũng rất phức tạp. Đó là thế kỷ chuyển từ tư duy nghệ thuật trung đại sang tư duy nghệ thuật hiện đại, chuyển từ công cụ sáng tác chính là chữ Hán sang chữ Quốc ngữ. Khảo sát sự phát triển của truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX chúng ta thấy rất rõ điều đó. Những tác giả cuối cùng của tư duy nghệ thuật trung đại như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Huỳnh Thúc Kháng... sáng tác bằng chữ Hán là chính. Những truyện ngắn của các tác giả này chưa được cấu trúc như truyện ngắn hiện đại của lớp tác giả thời kỳ 1930 - 1945. Đồng thời, những đại biểu đầu tiên của tư duy văn học hiện đại, đều sáng tác bằng chữ quốc ngữ và tác phẩm của họ mới là những phôi thai của truyện ngắn hiện đại, tiêu biểu như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản ở cuối thế kỷ trước. Đến những năm hai mươi với Nguyễn ái Quốc, Nguyễn Bá Học và Phạm Duy Tốn... thì truyện ngắn Việt Nam hiện đại đã hình thành rõ nét.