Đôi dòng lưu niệm Tâm sự ... VỀ NHỮNG NGÔI MỘ CỔ ...

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 23/5/19.

Moderators: amylee
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    […]

    Giữa Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) thế kỷ 21 này vẫn còn nhà mồ của một người Việt đã được vinh danh là một trong 18 nhà thông thái của thế kỷ 19. Ai là người đang nằm dưới nhà mồ đó?



    Nỗi niềm dưới mái nhà mồ


    TT - Có một nhà mồ nằm ngay mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, TP.HCM mà không phải ai cũng biết có một thân phận đặc biệt đang yên nghỉ.


    Trên cửa nhà mồ, dòng chữ Latin Miseremini mei saltem vos amici mei (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi) như nói lên nỗi lòng thiên cổ của một người Việt đã được vinh danh là một trong 18 nhà thông thái của thế kỷ 19: Trương Vĩnh Ký.

    upload_2019-5-23_12-36-3.png
    Mộ Trương Vĩnh Ký ở giữa và vợ con hai bên là ba phiến đá lát phẳng với nền nhà mồ.
    - Ảnh: Q.V.

    Lách cách mở ổ khóa đã hoen gỉ ở cửa nhà mồ, ông Trương Minh Đạt, hậu duệ đời thứ tư của Trương Vĩnh Ký, ngậm ngùi: “Lâu lắm rồi mới có khách đến viếng!”. Chúng tôi nhẹ bước qua những chiếc lá vàng khô bị gió cuốn bay vào nhà mồ, mà ngẩn ngơ nhìn thực tế khác nhiều với điều mình hình dung. Nền bằng phẳng, không một gò đất, công trình nào nhô lên như những nấm mộ thường hay nhìn thấy. Dưới ánh chiều đang sậm dần, phải nhìn kỹ mới thấy ba phiến đá khác màu có chiều rộng khoảng 1m, dài gần 2m được lát bằng phẳng mà mới nhìn cứ tưởng là nền nhà mồ. Ông Đạt bùi ngùi: “Các ông nhà tôi yên nghỉ dưới đấy!”.

    Dưới phiến đá trắng đã ngả màu vàng nhạt, nơi Trương Vĩnh Ký yên nghỉ, ở giữa người vợ Vương Thị Thọ và con trai cả Trương Vĩnh Thế. Sinh thời Trương Vĩnh Ký đã nổi danh. Và hơn một thế kỷ trôi qua bao ngòi bút ngược xuôi vẫn còn rỏ mực về ông, nhưng bia mộ lại chỉ vài dòng ngắn ngủi. Nó được khắc ngay trên phiến đá làm nắp mộ với vài dòng danh phận người yên nghỉ: J.B. Petrus Trương Vĩnh Ký. Chữ Pháp đầu dòng không phải tên Tây của ông mà là tên đạo ông theo từ thuở ấu thơ ở quê hương Cái Mơn, Bến Tre. Bia mộ không ghi năm ông sinh (6-12-1837), nhưng khắc rõ ông mất ngày 1-9-1898. Trang trí mộ bia cũng giản dị với hình một cành lá, không hoa bao quanh.

    Mất sau chồng đến chín năm, nhưng bia mộ bà Vương Thị Thọ lại bị thời gian làm phai mòn nhiều hơn. Bà yên nghỉ dưới phiến đá màu nâu đỏ đã ngả màu sậm có nhiều vết nứt, vỡ cùng năm tháng. Lau lớp bụi thời gian, ông Đạt ngậm ngùi kể mình 58 tuổi. Từ nhỏ, ông đã được cha là Trương Vĩnh Thạnh dặn dò phải gìn giữ nhà mồ các cố để hậu sinh truyền đời tưởng nhớ, nhưng không thể ngăn được sự tàn phá của thời gian và bao biến động thời cuộc.

    Giữ đúng đạo “xuất giá tòng phu” xưa, dòng đầu trên bia mộ cụ bà mang tên chồng là Maria Trương Vĩnh Ký. Dòng nhỏ dưới mới khắc tên mình là Vương Thị Thọ mất năm 1907 và không trang trí một hoa văn nào ngoài hình cây thánh giá. Nằm bên trái cha, tình trạng bia mộ người con Trương Vĩnh Thế cũng bị nhiều vết hư hại của thời gian. Trong gia phả dòng họ, Trương Vĩnh Thế là anh cả ông nội Trương Vĩnh Tống của ông Trương Minh Đạt, hiện đang sống ở đây để gìn giữ nhà mồ. Sinh thời, ông Thế làm quan đốc phủ sứ mà dòng chữ khắc trên bia vẫn còn rõ nét.

    Ông Đạt trầm ngâm: “Hồi xưa, khu nhà mồ này còn nhiều di vật ông cố Trương Vĩnh Ký để lại với các sách vở, hình ảnh được giữ gìn cẩn thận. Về sau, một số được tặng cho Viện Khảo cổ Sài Gòn, nhiều cái còn lại đem qua Pháp trong năm 1975”. Thuở trước, nhà mồ còn có bức tượng bán thân cụ cố Trương Vĩnh Ký. Tượng được đắp bằng ximăng, sơn đen. Những năm khó khăn sau năm 1975, kẻ xấu đã lẻn vào lấy trộm vì tưởng là “đồng đen” quý hiếm. Thời ấy, phải vật vã kiếm miếng ăn, anh em ông Đạt đã bỏ nhiều ngày lang thang các khu “chợ trời” vỉa hè để tìm chuộc lại nhưng cuối cùng đành gạt nước mắt về không. Họ nghĩ có lẽ kẻ gian phát hiện tượng ximăng, không phải kim loại quý, đã đập mất rồi!

    Hiện nay, toàn bộ khuôn viên nhà mồ còn rộng hơn 2.000m2. Ngoài nhà mồ Trương Vĩnh Ký, bãi đất còn khoảng 60 ngôi mộ khác của gia tộc và một nhà ngói cổ được xây từ năm 1937 đến giờ vẫn đang là nơi ở của gia đình ông Đạt. Mang nét kiến trúc Pháp với nhiều cửa, cột, vòm cong, nhà mồ Trương Vĩnh Ký rộng khoảng 50m2, trang nhã với các chi tiết nhẹ nhàng nhưng tinh tế.

    upload_2019-5-23_12-37-52.png
    Chân dung Trương Vĩnh Ký - Ảnh tư liệu.

    Theo chân ông Đạt, tôi trở ra đường Trần Hưng Đạo. Cảm giác bùi ngùi khi chẳng thể tìm được tấm bảng nào chỉ dẫn đây là nơi Trương Vĩnh Ký - người Việt đã được vinh danh một trong 18 nhà thông thái thế giới, sử dụng thành thạo 26 ngôn ngữ - yên nghỉ. Bên góc cổng, người anh Trương Minh Tấn của ông Đạt đang cặm cụi với quán cà phê kiếm sống qua ngày. Gương mặt ông Tấn hằn nét khắc khổ, già hơn tuổi 68. Nhắc chuyện xưa, ông Tấn tràn ngập ký ức: “Hồi tôi còn nhỏ, đường này thưa thớt lắm, bên đây nhìn thấy con kênh đào ven đại lộ Võ Văn Kiệt bây giờ. Thuở đó, kênh vẫn còn trong xanh và là nơi ông cố Trương Vĩnh Ký dựng nhà mát bên sông để đọc sách, dạy học trò”.

    Khi anh em ông Tấn, ông Đạt chào đời, Trương Vĩnh Ký đã mất cả nửa thế kỷ. Ký ức hai anh em được ông nội Trương Vĩnh Tống (con trai thứ Trương Vĩnh Ký) truyền kể rằng nhà mồ nằm bên đại lộ Gallieni nay là đường Trần Hưng Đạo. Vùng đất ngày xưa còn gọi Chợ Quán này là quê vợ Trương Vĩnh Ký. Còn nơi chôn nhau cắt rốn của ông ở Cái Mơn, Bến Tre. Là con trai lãnh binh Trương Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu, Trương Vĩnh Ký sớm mồ côi khi cha đi công vụ ở Cao Miên.

    Trong gia đình có đạo, tuổi thơ Trương Vĩnh Ký sớm thăng trầm khi triều Nguyễn ra lệnh “sát tả” ngăn chặn Thiên Chúa giáo. Ban đầu, Trương Vĩnh Ký học chữ Nho với thầy đồ, và ông chỉ lộ rõ thiên tài khi được các linh mục Pháp dạy học. Đặc biệt là ở chủng viện Penang (Malaysia), ông đã làm cả thầy lẫn bạn học khâm phục sự đam mê đọc sách cùng trí nhớ siêu việt và khả năng học nhanh chóng cùng lúc nhiều ngoại ngữ khó như Latin, Hi Lạp, Pháp, Ý, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha,Thái Lan. Nhờ vậy mà nghiệp bút của Trương Vĩnh Ký đã đạt kỷ lục khoảng 120 cuốn sách gồm đủ các lĩnh vực, đặc biệt là các sách đạo làm người, từ điển Pháp - Việt...

    Và rồi định mệnh như an bài với Trương Vĩnh Ký. Chính thiên tài ngoại ngữ, tri thức sâu rộng nhờ đọc sách, đi xa đã cuốn ông vào vòng xoáy lịch sử chênh vênh, phức tạp trong thời cuộc nước nhà bị Pháp tiến chiếm. Trở thành thông ngôn cho Pháp, rồi cho cả sứ bộ triều đình, phải kề cận kẻ đô hộ lẫn gần gũi chính nhà vua nước mình, Trương Vĩnh Ký đã bị người đời nhìn nhận ngược xuôi công tội.

    Để rồi trước khi nhắm mắt xuôi tay, chính ông phải cảm thán viết bài thơ đầy nỗi niềm:

    Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai
    Xô đẩy người vô giữa cuộc đời
    Học thức gửi tên con sách nát
    Công danh rốt cuộc cái quan tài
    Dạo hòn lũ kiến men chân bước
    Bò xối, con sùng chắc lưỡi hoài
    Cuốn sổ bình sanh công với tội
    Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.


    […]
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/5/19
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    […]

    Chứng kiến sự thật các chiến cuộc, hòa ước, kể cả có mặt trong phái bộ đi Pháp trước tình thế nước nhà lâm nguy, Trương Vĩnh Ký đã nghĩ gì, làm gì để cuối đời phải thốt lên: “Tìm nơi thẩm phán để thừa khai?”



    Trong vòng xoáy lịch sử

    TT - Là cây bút có giá trị sử liệu nổi tiếng nói thẳng, không sợ mất lòng, Vương Hồng Sển khẳng khái nhận xét bậc tiền bối của mình: “Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của là ba ông minh triết bảo thân, gần bùn mà chẳng nhuốm mùi bùn, không ham “đục nước béo cò” như ai, thấy đó mà mừng thầm cho nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn người xứng danh học trò cửa Khổng...”.


    upload_2019-5-23_12-56-54.png
    Nhà mồ Trương Vĩnh Ký.


    Giữ đạo nhà

    Suốt buổi chiều ngồi trò chuyện với chúng tôi về ông cố Trương Vĩnh Ký của mình, hậu duệ Trương Minh Đạt cứ đau đáu nỗi lòng: “Người ta nói theo Tây tìm lợi lộc, nhưng cố tôi giàu sang gì đâu, đến xuôi tay vẫn còn giấy nợ bên mình. Nhiều tài liệu nói nhà mồ này do Trương Vĩnh Ký tự xây trước, nhưng tôi nghe cha mình kể lại có lẽ không phải vậy. Đến đời con trai cố tôi, nhà mồ này mới được xây dựng cho cha mẹ yên nghỉ không tủi nắng mưa và cho cả chính mình, nên trong nhà mồ còn có phần mộ người con đầu Trương Vĩnh Thế”.

    Chuyện nhà mồ ở đại lộ Galliéni nay là Trần Hưng Đạo, TP.HCM được xây dựng năm nào chưa thể rõ ràng vì nhiều tài liệu gia tộc họ Trương không còn ở đây, nhưng có một điều xác tín rằng cả đời nhà bác học ngôn ngữ này đã sống đạo thanh khiết, thậm chí nghèo khổ cuối đời. Trong tất cả hình ảnh còn lại về ông, cả những lúc làm việc, dạy học, viết sách hay đeo huân chương trên ngực ... chưa bao giờ thấy ông rời bỏ áo dài khăn đóng truyền thống của tổ tiên.

    Một người biết 26 thứ tiếng, từng dạy học vua Đồng Khánh, thông ngôn sứ bộ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, có tài năng và đức độ khiến các đại văn hào, nhà khoa học, chính khách nổi tiếng như V.Hugo, Littré, Renan, Paul Bert ... phải quý mến, kết giao mà vẫn trọng giữ lấy lề thầy đồ thanh bạch của dân tộc. Ông mang tên đạo Pétrus Ký nhưng dứt khoát không nhập tịch Tây. Trả lời thắc mắc sao không “vào dân Tây”, ông đã khí khái bày tỏ: “Tôi lấy sự ấy làm trái tự nhiên không ăn thua vào đâu ... Không lý trời sanh ra tôi làm con quạ, bây giờ nói tôi một hai là con cò làm sao đặng? Nên là điều trái tự nhiên hết sức. Đặng một bên mất một bên, lợi thì ít mà hại thì nhiều”. Đó chính là lối sống mà Trương Vĩnh Ký đã tự bạch bằng câu cách ngôn Latin “Sic vos non vobis” (ở với họ mà không theo họ). Sự hiểu biết, tài năng và những gì làm được cho hậu thế, ông đã đi trước thời đại mình rất xa, đến mức có thể bị kẻ đương thời suy diễn này nọ, nhưng chưa bao giờ ông để mất gốc rễ mình, mất lương tâm một con dân nước Việt.

    “Vũ Ngọc Phan: “Ông là một nhà bác học hơn là một nhà văn, ông lại hơn người ở chỗ làm việc rất mải miết, rất đều đặn, nên sự nghiệp văn chương của ông thật lớn lao...”.

    Jean Bouchot: “Ta thấy con người thuần Nam kỳ ấy đã sánh kịp các nhà thông thái bậc nhất của châu Âu trong đủ mọi ngành khoa học”.

    T. Thomson: “Tôi không bao giờ quên được nỗi sững sờ khi người ta giới thiệu ông với tôi. Ông nói tiếng Anh rất giỏi, hơi pha chút ít giọng Pháp, còn tiếng Pháp của ông thì thật thanh lịch, tao nhã. Tiếng Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha ... đối với ông đã trở thành quen thuộc”.”

    Nhà văn Hoàng Lại Giang sưu tầm tư liệu, nghiên cứu viết về Trương Vĩnh Ký, kể rằng ông đã từng thâm thúy trách dạy Lê Phát Đạt, một học trò rơi vào đường bất đạo, làm quan tranh thủ thời thế “đục nước béo cò” cho thân mà không đếm xỉa nỗi khổ của dân. Khi Đạt tỏ ý chê thầy không biết cách làm giàu, Trương Vĩnh Ký trả lời rằng: “Anh khoe với ta tài làm giàu ư? Với ta đó là sự sỉ nhục mà học trò ta đã gieo cho ta. Ta muốn khuyên anh chớ vui mừng quá sớm: đang lúc vui nên gẫm mà buồn lần đi”. Còn bạn đốc phủ đương thời hỏi Trương Vĩnh Ký sao chẳng lo làm giàu, ông đã nhẹ nhàng viết thư trả lời: “Các ông hỏi tôi ý làm sao không lo về phần của cải? Sao không mua đất sắm ruộng kiếm tiền bạc mà tiêu dùng? ... Thật thì ai cũng phải lo về sau, nhưng mà xét cho cùng mà coi thì cũng chẳng nên lo cho quá làm chi ... Chi bằng ý thực tùy duyên tự nhiên khoái lạc: có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít thì được vui vẻ, yên lòng, yên trí...”.

    Hơn 100 năm sau, hai người cháu cố Trương Minh Tấn và Trương Minh Đạt vẫn kể chuyện cha ông nhắc nhớ đến cuối đời Trương Vĩnh Ký còn thiếu nợ nhưng không phải nợ tậu đất, mua nhà mà nợ xuất bản sách... Ngay tài sản lớn nhất ông còn để lại là mảnh đất hơn 2.000m2 ở đường Trần Hưng Đạo đang làm nhà mồ và chỗ ở cho con cháu cũng được cho là của bên vợ ông, quê hương bà Vương Thị Thọ, xưa gọi là Chợ Quán.

    upload_2019-5-23_12-57-55.png
    Phiến đá lát trên mộ Trương Vĩnh Ký - Ảnh: Q.V.


    Hậu thế minh định

    Ông Đạt kể lời cha ông truyền đời rằng Trương Vĩnh Ký từng có mặt trong nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, giao thân với nhiều nhân vật có thể quyết định vận mệnh dân tộc, nhưng chưa bao giờ ông nhận lãnh chức quan nào. Ngoài những lúc thời cuộc đưa đẩy phải làm thông ngôn chênh vênh giữa hai phía, tâm huyết Trương Vĩnh Ký là dạy học, viết sách, làm báo đến nỗi phải nợ nần. Trong thư gửi bạn, Trương Vĩnh Ký tự bạch rằng: “Tôi có được thư ông nói sao tôi không ra làm chức chi ... như phủ, huyện, đốc phủ với người ta lấy danh chơi? ... Song tôi trộm xét theo ý riêng tôi, tôi tưởng chẳng cần chi. Vì tôi nghĩ rằng làm huyện, làm phủ mặc dầu, cũng ở dưới tay người ta, người ta sai cắt hành hạ, tánh tôi không chịu được ... Chi bằng mình sẵn làm ông thầy dạy học, lại dạy là dạy Tây các quan...”.

    Viếng mộ Phan Thanh Giản, rồi thắp nén nhang lên bàn thờ Trương Vĩnh Ký, hai thân phận bị cuốn cùng một dòng xoáy lịch sử và phải mang nặng nỗi niềm đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa nguôi, chúng tôi bùi ngùi nhớ lại lời Trương Bá Cần viết: “... Cuốn sổ bình sinh công với tội/ Tìm nơi thẩm phán để thừa khai. Đã 100 năm trôi qua, còn nói công với tội làm gì? Đối với Trương Vĩnh Ký cuộc đời đã khép lại rồi, không thể khai báo gì thêm”.

    Tuy nhiên cũng chính Trương Bá Cần, người có công trình nghiên cứu sâu sắc mối quan hệ Việt - Pháp trong 100 năm ân oán, vẫn không quên lời công minh với ông: “Nhưng vào lúc đất nước đã thống nhất, nhiệm vụ còn lại là xây dựng con người và xây dựng đất nước, nếu có đặt vấn đề dựng lại tượng đài hay phục hồi tên trường cho Trương Vĩnh Ký thì có lẽ không phải là thuần túy muốn sự công bằng cho người đã quá cố. Bởi vì về mặt trí tuệ và lao động khoa học cần cù, Trương Vĩnh Ký là một khuôn mặt làm rạng rỡ giống nòi được thế giới kính trọng”.

    Thôi thì, công tội cuộc đời ông hãy phó thác cho hồn thiêng sông núi. Trăm năm thiên hạ vẫn chưa hết ngược, xuôi về Trương Vĩnh Ký, thì ba trăm năm sau hay ngàn năm nữa hậu thế chắc sẽ minh định tấm lòng ông!


    Theo QUỐC VIỆT
    (Nguồn: © Copyright 2015 TUOITRE.VN)​
     
    thichankem, mio_168 and quangnw like this.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    […]


    Thăm mộ Trương Vĩnh Ký
    - Tổng Biên tập đầu tiên trong làng báo Việt Nam

    upload_2019-5-25_14-58-31.png

    Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), là một nhà văn, nhà ngôn ngữ học thông thạo 26 ngoại ngữ, nhà giáo dục học, và khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam với trên 100 tác phẩm các loại.

    Riêng đối với nền báo chí quốc ngữ, ông được coi là “ông tổ nghề báo Việt Nam”, người đặt nền móng, bởi ông chính là người sáng lập, là Tổng Biên tập tờ báo quốc ngữ đầu tiên - Gia Định báo.

    upload_2019-5-25_14-34-16.png



    Xin hãy thương tôi

    Tôi tìm đến mộ Trương Vĩnh Ký vào một buổi chiều. Không như nhiều bài báo nói rằng mộ ông khó tìm, khu mộ này rất dễ tìm thấy vì nó nằm ngay góc đường Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng, quận 5, TP.HCM. Cổng chính ở số 520 Trần Hưng Đạo, còn cổng phụ đường Trần Bình Trọng đã bị bít lại. Có khó tìm chăng là do ta không biết trước, vì nơi đây không hề có bảng biển gì cho biết đây là mộ của một danh nhân. Theo tư liệu Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, khu mộ phần này được xây dựng trước khi Trương Vĩnh Ký mất (năm 1889), khi đó gọi là Chợ Quán, Sài Gòn. Mộ được xây dựng ngay tại khu sinh phần của dòng họ.

    upload_2019-5-25_14-48-49.png
    Bên cạnh khu mộ là ngôi nhà cổ với kiến trúc ba gian hai chái truyền thống. Bên trong có treo bức hình chụp cả nhà họ Trương trong ngày chôn cất Trương Vĩnh Ký. Theo con cháu Trương Vĩnh Ký hiện vẫn còn sinh sống tại đây, ngôi nhà này là do đích thân ông chỉ huy xây dựng. Đây cũng là nơi ông sống và làm việc vào những ngày cuối đời.

    upload_2019-5-25_14-50-3.png
    Khu lăng mộ Trương Vĩnh Ký là công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn xưa. Ở đây có sự kết hợp hài hòa giữa các trường phái kiến trúc Đông - Tây, kim - cổ. Cổng vào lăng mộ được xây theo kiến trúc đình, chùa phương Đông với cổng Tam quan, cột hai bên đều có câu đối chữ Hán. Nhưng trên nóc cổng lại có gắn một cây Thập giá của đạo Thiên chúa. Giữa cổng có khắc hàng chữ La tinh trích từ Cựu ước: “Miseremini mei saltem vos acimic mei” - “Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi” như một lời nhắn gửi của học giả họ Trương.

    Nhưng không phải chỉ có cửa chính đề chữ La tinh, mà hai cửa còn lại cũng ghi dòng chữ lấy từ Kinh Thánh có nghĩa là “Kiến thức của con người - Đó là nguồn sống” và “Những ai sống và tin Ta sẽ không phải chết đời đời”.

    Bước vào trong nhà mồ, chúng tôi ngạc nhiên về sự trống trải, khiêm nhường của nó. Chính giữa là một bàn thờ chung của gia tộc. Mộ của học giả, nhà báo Trương Vĩnh Ký không có nấm mà bằng phẳng với nền nhà, đọc bia mộ mới biết ông nằm giữa hai người thân. Bên trái là phu nhân Vương Thị Thọ, bên phải là người con trai trưởng Trương Vĩnh Thế…


    Gia Định báo

    upload_2019-5-25_14-59-5.png
    Trương Vĩnh Ký chôn nhau cắt rốn ở Cái Mơn, Bến Tre và mồ côi cha từ năm mới 8 tuổi. Ông sớm được đi học chữ Hán với một thầy đồ trong làng. Sau đó một cố đạo chịu ơn của cha ông đã khuyên mẹ ông cho ông đi học chữ Quốc ngữ và cải theo đạo Công giáo. Vì thế, ông có tên là Pétrus Trương Vĩnh Ký, viết và gọi tắt là Pétrus Ký.

    Năm 11 tuổi (1848), Pétrus Ký được theo học một Linh mục người Pháp giữ chức Cai tại trường đạo Pinha-lu ở Phnom Penh. Ở đây, có các học sinh là người Cao Miên (Campuchia), Ai Lao (Lào), Miến Điện (Myanma), Trung Quốc... ông lân la làm quen và rồi học luôn các thứ tiếng ấy.

    Năm 1851, Pétrus Ký lại được gửi vào trường đạo ở Penang (nay thuộc Malaysia). Trong khoảng thời gian theo học tại đây, ông còn học thêm các thứ tiếng khác, như: Ấn Độ, Anh, Tây Ban Nha, Mã Lai, Nhật Bản, Hy Lạp, Thái Lan, Pháp...

    Ngày 8/5/1862, Pháp thành lập trường Thông ngôn, ông được nhận vào dạy. Năm 1863, triều đình Huế cử một phái đoàn do Phan Thanh Giản đứng đầu sang Pháp xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Phan Thanh Giản đã xin Pétrus Ký đi theo làm thông ngôn.

    Ông cộng tác với Pháp, mặc dù chỉ là học quan nhưng cũng khiến một số quan lại nhà Nguyễn đâm ra nghi kỵ. Nhưng sau nhiều suy tính, ông nghĩ rằng phải làm việc để giúp đỡ đồng bào, trước hết là trong phương diện văn hóa, nhất là lúc ấy, Pháp và Nam triều chưa hiểu nhau, chưa thành thật với nhau. Pétrus Ký đã mượn câu cách ngôn Latinh “Ở với họ mà không theo họ”, để làm phương châm khi nhận lời làm việc cho Pháp. Mặc dù làm việc cho thực dân Pháp, nhưng khi sưu tầm và chú thích bản “Gia Định thất thủ vịnh”, Trương Vĩnh Ký vẫn gọi Pháp là “giặc”.

    Hoàn cảnh của ông có nét tương đồng với Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) làm thông ngôn cho Pháp nhưng luôn trăn trở và hiến kế cho triều đình về việc chống Pháp. Nguyễn Trường Tộ từng có dự định làm nội ứng cho một cuộc nổi dậy đánh đuổi giặc Pháp, đòi lại Nam Kỳ.

    Ngày 8/11/1870, Trương Vĩnh Ký có lời di huấn “Người đời sanh ký tử quy, đàng đi nước bước vắn vỏi lắm. Nhưng ai cũng có phận nấy, hễ nhập thế cuộc bất khả vô danh vị, cũng phải làm vai tuồng mình cho xong đã, mới chun vô phòng được. Sự sống ở đời tạm nầy, đỏ như hoa nở một hồi sương sa; vạn sự đều chóng qua hết, tan đi như mây như khói. Nên phải liệu sức, tùy phận mà làm vai tuồng mình cho xong”...

    Ông viết khiêm nhường vậy nhưng đóng góp của ông cho văn hóa Việt sẽ không bao giờ mất, chỉ riêng Gia Định báo thôi đã là một đóng góp hết sức lớn lao. Đây là tờ báo đầu tiên bằng tiếng Việt mới (chữ Quốc ngữ), được ra mắt vào ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn. Đây là phương tiện truyền thông đầu tiên hoàn toàn mới mẻ, làm cho tiếng Việt mới có cơ hội phổ biến trong dân chúng.

    Nội dung chính của Gia Định báo ban đầu gồm 2 phần: công vụ và tạp vụ, sau đó thêm các phần khảo cứu, nghị luận, gồm các bài dịch thuật, sưu tầm, khảo cứu, sáng tác thơ, văn, lịch sử, truyện cổ tích... Ông đề ra ba mục đích cho tờ báo: Truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Từ đó, báo không chỉ làm một tờ công báo đơn thuần nữa mà góp phần cổ động việc học chữ quốc ngữ và lối học mới, mở đường cho các thể loại văn xuôi Việt Nam in bằng chữ quốc ngữ, đặt nền móng cho sự hình thành báo chí hiện đại Việt Nam. Vì thế sau này có người nhận xét: “Cũng như một số văn sĩ sinh ra ở miệt vườn phương Nam, nhà báo họ Trương chủ trương dùng một thứ chữ dễ dãi, như tiếng nói thường ngày, không một chút chải chuốt, sang sửa, viết như nói, không hoa mỹ, cầu kỳ, nhưng có ý thức giữ gìn sự trong sáng, phong phú của ngôn ngữ dân tộc, nhưng không dung tục, thực dụng, ngôn ngữ vỉa hè, văn chương cống rãnh, mà là ngôn ngữ của những người bình dân tự trọng, có văn hóa”.

    Đến năm 1897, Gia Định báo chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn nhắc lại một cứ liệu xác định Gia Định báo tồn tại đến ngày 31/12/1909 (44 năm), và chính thức đình bản vào 1 tháng 1 năm 1910.


    Giải phóng câu văn Việt

    Đứng lặng lẽ trong ngôi nhà mộ học giả uyên bác, vị Tổng Biên tập tờ báo tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam nhìn ra khu mộ chung của gia tộc ông đổ nát qua biết bao nắng mưa, thay đổi, nghĩ đến lời cầu xin “Xin hãy thương tôi…” của ông mà không khỏi ngậm ngùi.

    Ngôi nhà mồ đã phản ánh phần nào con người uyên bác, chủ động hội nhập với phương Tây nhưng vẫn là người Việt thuần túy từ hình thức đến tâm hồn. Bạn bè cùng thời dù hết lời khuyên can ông cũng không chịu mặc Âu phục, lúc nào cũng khăn xếp, áo the truyền thống, ông cũng quyết không chịu nhập quốc tịch Pháp. Giáo sư Thanh Lãng từng nhận xét: “Trương Vĩnh Ký không đạo mạo, không đài các, không cao kỳ; ông trai trẻ hơn, ông mới hơn... Và nhờ ông, câu văn Việt được giải phóng khỏi những xiềng xích chữ Hán. Chủ trương của ông chính là “cách nói tiếng An Nam ròng” và viết “trơn tuột như lời nói”. Nếu đem phân tích theo ngữ pháp thì thấy lôi thôi, nhưng so với văn xuôi khác ra đời sau ông 20, 30 năm, văn ông vẫn còn hay hơn, mạch lạc khúc chiết hơn”.

    Vậy là dù uyên thâm Hán học, tiếp thu văn hóa phương Tây nhưng trước sau như một ông là người Việt Nam sống chết, buồn vui với dân tộc mình, mang tri thức đến với đồng bào ông, dù họ là những người quần manh áo vá. Sự nghiệp đồ sộ của ông có thể còn tranh cãi nhưng chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ để hậu thế tri ân ông...


    Theo Nguyễn Phan Khiêm
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/5/19
    thichankem thích bài này.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    […]

    Về Cái Mơn,
    thăm quê Tổng biên tập tờ báo quốc ngữ đầu tiên


    Tuy còn nhiều tranh luận xung quanh cuộc đời và sự nghiệp, nhưng người dân Bến Tre vẫn xem ông là niềm tự hào xứ sở. Vì vậy, không chỉ lưu giữ cái sẵn có, nhiều nơi còn lập mới nhiều công trình...

    upload_2019-5-27_9-47-37.png
    Nhà bác học Trương Vĩnh Ký sinh ra ở Cái Mơn.

    Xứ Cái Mơn được biết đến như thủ phủ hoa kiểng, cây giống nức tiếng, nhưng vẫn giữ được nét hồn nhiên, mộc mạc của làng quê đặc chất Nam bộ với hình ảnh những con đường quê nho nhỏ vắt mình qua những vườn cây xanh, quả ngọt. Và người dân chân chất nơi đây thì luôn rộng mở tấm lòng hiếu khách.

    [​IMG]
    Trương Vĩnh Ký, còn được gọi là Pétrus Ký, sinh ngày 6.12.1837 tại làng Cái Mơn (huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh-Long - nay là xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre) được xem như nhà bác học bách khoa bởi sự hiểu biết sâu rộng hiếm có. Ông là 1 trong số 18 nhà bác học danh giá nhất thế giới trong cuộc bầu chọn Toàn cầu bác học danh gia năm 1874, khi mới ngoài 30 tuổi.

    Còn theo nhiều nguồn tài liệu của tỉnh Bến Tre, ông được xem là người đặt nền móng ban đầu cho nghề làm vườn ở Cái Mơn trù phú ngày nay trong vai trò mang nhiều giống cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bòn bon từ nước ngoài về quê trong các kỳ nghỉ hè thời du học...

    Trong giới báo chí Việt Nam, ông vừa là nhà sáng lập, vừa giữ chức Chánh Tổng tài (tương đương với chức danh Tổng biên tập ngày nay) của tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam: Gia Định báo.

    Nhà bác học Trương Vĩnh Ký sinh ra ở Cái Mơn. Nay địa danh này được thay đổi là Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre. Nhưng danh xưng Cái Mơn vẫn còn lưu hành. Lưu truyền, lúc nhỏ, do nhà nghèo, ông Trương Vĩnh Ký được đưa vào nhà thờ Cái Mơn ăn học. Bằng trí tuệ và sự cần cù trong học tập, lao động, ông đã trở thành nhà bác học trên nhiều lĩnh vực, được xếp vào 18 nhà bác học toàn cầu khi mới ngoài 30 tuổi. Vì vậy khi ông qua đời, năm 1837, bạn hữu đã về nơi ông sinh ra lập nên nhà tưởng niệm. Hiện công trình vẫn còn ở ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành. Nhà bia có hình tứ giác, 4 mặt không có vách, với 16 cột tròn bằng xi măng, mái lợp ngói. Bên trong có bia được làm bằng đá xanh, cao khoảng 2,5m, được điêu khắc khá công phu với sự phối hợp Đông- Tây: Phía trên hình tượng lưỡng long tranh châu là hình tượng cây thánh giá. Mặt trước (quay ra hướng rạch Ông Mầu) bia được khắc bằng 3 thứ chữ: Pháp, Hán và quốc ngữ.

    upload_2019-5-27_9-53-18.png
    Tại nội viện Nhà thờ Cái Mơn, nơi ngày xưa ông từng học chữ, cũng xây tượng ông ngay phía trước Trung tâm Mục vụ. Tên của ông cũng được đặt tên cho trường PTTH ngay xứ Cái Mơn.

    Cái Mơn bây giờ được xem là thủ phủ của hoa kiểng và giống cây ăn trái mà nhà bác học Trương Vĩnh Ký chính là người đã đặt nền móng ban đầu.
    Theo Lục Tùng
    (Nguồn Lao động Online)​
     

    Các file đính kèm:

    thichankem thích bài này.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    […]

    Thắp nén hương trên mộ cổ danh tướng Nguyễn Tri Phương để tự hào hiểu rằng Tổ quốc này chưa bao giờ lùi bước trước quân thù. Và sự thật khí tiết của vị đại tướng này đã được chính quân viễn chinh Pháp kể lại thế nào?


    Ngôi mộ cổ vị danh tướng


    TT - Ngôi mộ cổ ấy là nơi máu xương, khí phách anh hùng Nguyễn Tri Phương đã hòa cùng lòng đất Việt.


    Một vị tướng đến tuổi 73 vẫn can trường chiến đấu và hi sinh, không chịu hòa nhục với quân thù, để người đời cảm khái đề thơ tiếc thương: “Thác về hùng khí rạng sơn hà/Nếp nhà vẫn giữ màu thanh đạm/Lo nước nào hay tóc bạc pha...”.

    Đặc biệt, ngay quân Pháp bao phen giáp trận với Nguyễn Tri Phương cũng rất trân trọng ông.

    upload_2019-5-27_10-25-8.png
    Gò mộ của cha con danh tướng Nguyễn Tri Phương ở Phong Điền.
    - Ảnh: Q.V.

    Gò mộ cổ ở Chí Long

    Về làng Chí Long, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, hỏi thăm khu mộ phần danh tướng Nguyễn Tri Phương ai cũng biết. 138 năm đã trôi qua cùng bao biến động thời cuộc xảy ra trên quê hương kể từ khi ông tuẫn tiết cùng thành Hà Nội, nhưng người đời sau vẫn chưa phai nhòa công đức ông. Từ đường cái rẽ vào một đường làng nhỏ đã được xây gạch tinh tươm, thấy lăng mộ nổi bật lên giữa cánh đồng lúa bao la. Đó là một gò đất rộng vài trăm mét vuông, nhô cao khoảng hơn 2m so với mặt đồng.

    Đây chính là nơi an nghỉ cuối cùng của hai cha con danh tướng tử trận Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Lâm. Chính sử kể rằng ngày 20-11-1873, phò mã Nguyễn Lâm tử trận và Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương khi bảo vệ thành Hà Nội rồi oanh liệt giữ khí tiết đến chết sau đó đúng một tháng. Cảm khái trước sự hi sinh anh hùng của hai cha con, vua Tự Đức đã lệnh đưa thi hài về an táng tại cánh đồng tổ tiên này và thờ tự tại gò Đống Đa lẫn quê hương. Đến giờ sau nhiều năm, bia đá cùng những câu đối trên trụ cổng và tường lăng đã chữ còn chữ phai theo thời gian.

    Tường lăng xây không cao, tôi đứng ngoài đã nhìn thấy rõ hai nấm mộ Nguyễn Lâm và Nguyễn Tri Phương bên trong. Mộ đầu tiên từ cổng vào được xây vuông vức nhưng vẫn để lớp đất lơ thơ cỏ xanh trên mộ. Chếch phía sau là nấm mộ kiên cố, nhiều đường nét hơn với hai khối chồng lên nhau. Theo các cụ cao niên địa phương, người xưa đã xây dựng lăng mộ rất chắc chắn bằng hợp chất ô dước vôi, cát, mật. Nó bền bỉ trải qua hơn một thế kỷ với bao mùa nắng hạn, lũ lụt lẫn bom đạn chiến tranh nhưng chưa bị hư hại nặng nào.

    Tuy nhiên cách đây vài năm, nấm mộ bên trong đã bị kẻ gian đục trộm hai lỗ xuyên qua lớp quách ngoài để tìm kiếm cổ vật, châu báu chôn theo cha con vị đại tướng của triều đình. Một lỗ đục ngang hông mộ, một lỗ ở ngay phía đầu. Dân địa phương phát hiện sự việc trong đêm. Người ta chỉ dám tìm hiểu sự tàn phá của kẻ gian bằng cách thọc cây vào lòng mộ xem bị đào sâu bao nhiêu. Kẻ trộm mồ đã kịp trốn mất. Nhưng người làng Chí Long tin rằng chúng không lấy được gì vì sinh thời Nguyễn Tri Phương vốn nổi tiếng thanh bạch.

    Quê hương Nguyễn Tri Phương ở chính mảnh đất Phong Điền địa linh nhân kiệt. Đặc biệt, ngay trong gia đình Nguyễn Tri Phương thì ngoài ông còn thêm người em trai Nguyễn Duy, con trai Nguyễn Lâm cũng là danh tướng trực tiếp ra trận. Từng nhiều phen sát cánh trong thời kỳ đầu chống quân Pháp, cả ba ông cùng chấp nhận kết cục bi tráng cho Tổ quốc là đều tuẫn tiết tại sa trường.​

    upload_2019-5-27_10-38-54.png
    Chân dung danh tướng Nguyễn Tri Phương do người Pháp vẽ lại - Ảnh tư liệu.

    Từng đánh bại quân Pháp

    Ngược thời gian trở lại cách đây hơn 200 năm, làng cổ Chí Long này chính là nơi Nguyễn Tri Phương ra đời vào ngày 21-7-1800 với tên đầu là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên. Gia đình ông thanh đạm, sống bằng nghề nông và thợ mộc. Lòng trung nghĩa với nước của ông cũng khác người khi tiến thân bằng chính năng lực thực tế của mình chứ không nặng khoa cử như kẻ cùng thời.

    Theo một công trình nghiên cứu Nguyễn Tri Phương của tác giả Đào Đăng Vỹ, khởi đầu ông chỉ là nha lại phụ việc ở huyện đường Phong Điền nhưng có tư chất cứng cỏi, thông minh khác người. Từ việc tra xét nghiêm minh một vụ án bí ẩn, ông được mời lên làm ở Bộ Hộ, rồi giữ trọng trách suốt ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

    Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất ở Nguyễn Tri Phương là từ quan văn, ông đã trở thành một quan võ hữu dụng trong thời cuộc Tổ quốc loạn lạc. Và triều Nguyễn cũng chưa từng có vị quan nào xông pha sa trường nhiều như ông khi đã chỉ huy trăm trận suốt Nam, Trung, Bắc, đối đầu từ giặc loạn trong nước đến quân xâm lược biên thùy. Đến tuổi 73, Nguyễn Tri Phương râu tóc bạc phơ vẫn đi đầu binh lính tử chiến đến cùng với quân Pháp.

    Lâu nay hậu thế ngậm ngùi biết nhiều về cuộc chiến bại đại đồn Kỳ Hòa như mở đầu chuỗi thất bại của tướng Nguyễn Tri Phương trước hải quân viễn chinh Pháp. Nhưng ít ai biết ông từng gặt hái chiến thắng hiển hách trước đội quân này. Năm 1858, hạm đội 14 chiến thuyền của Pháp và Tây Ban Nha lại tái nổ súng vào Đà Nẵng. Vụ tập kích pháo hạm này được chỉ huy do chính viên trung tướng dày dạn chiến trường Rigault de Genouilly từng ám khói súng ở Nga và đánh phá tơi bời Trung Quốc. Hai đồn An Hải và Tôn Hải, Đà Nẵng do Đào Trí và Lê Đình Lý trấn giữ không chịu nổi hỏa lực nên bị quân Pháp đánh hạ. Triều đình phải điều Nguyễn Tri Phương làm tổng thống đại thần cùng người em Nguyễn Duy khẩn cấp vào Đà Nẵng chống Pháp.

    Trước đà thắng trận, liên quân Pháp - Tây Ban Nha ồ ạt tiến vào sông Nại Hiên. Trong đó có những chiến hạm hạng nặng như Némésis với 50 đại bác, Phlégéton 12 đại bác ... Nguyễn Tri Phương lợi dụng hiểm địa hai bờ sông, bố trí nhiều súng đạn đã quyết liệt bắn trả. Một trong các chiến hạm của Pháp trúng đạn bốc cháy dữ dội và bị chìm. Các tàu còn lại phải rút lui. Chính Rinault de Genouilly đã phải tường trình trận chiến này: “Những đồn lũy này tốt hơn tất cả đồn lũy ta đã thấy ở Trung Quốc rất nhiều”. Trong thư gửi bộ trưởng hải quân Pháp lưu tại tàng thư Bộ Thuộc địa, viên trung tướng này còn thừa nhận: “... Chính phủ đã bị lừa dối về “công cuộc Cochinchine” ... Người ta nói đến sự thiếu vắng một đội quân vũ trang. Thật ra đạo quân chính quy rất đông đảo, và đạo quân dân gồm những người tráng kiện trong nhân dân ...”.

    Từ chiến thắng này, Nguyễn Tri Phương đã xây dựng học thuyết quân sự ngăn ngừa, chống giữ trước đội quân hỏa lực mạnh và được huấn luyện tốt. Ông cho xây dựng đồn Liên Trì, đắp trường lũy Hải Châu, đào hầm chông để chặn đứng các toán lính thủy đánh bộ Pháp. Đến giờ nghĩa trang liên quân Pháp, Tây Ban Nha vẫn chưa nhòa dấu vết trên chiến trường xưa ở Đà Nẵng.

    Nhưng sự nghiệp vệ quốc của vị danh tướng vẫn còn đẫm máu xương cho đến ngày ông phải tuẫn tiết ...


    […]​
     
    Chỉnh sửa cuối: 27/5/19
    chucvirus and baothoa like this.
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    […]

    Nguyễn Tri Phương không chỉ được Tổ quốc vinh danh mà kẻ thù cũng kính nể. Sự thật hành động tuẫn tiết của ông đã được chính quân Pháp ghi nhận thế nào? Có hay không “ngôi mộ chiêu hồn” của ông để đánh lừa kẻ thù?


    Cái chết anh hùng


    upload_2019-5-27_13-51-3.png
    Mộ danh tướng Nguyễn Tri Phương từng bị kẻ gian đục trộm nhưng đã được sửa lại - Ảnh: Q.V.

    “Người Pháp đã giỏi về binh cơ, lại thêm tàu mạnh súng hay, mình thủ thì hơn chớ đánh thì bất lợi. Nhưng đạo làm tôi phải trung với nước. Như kẻ hạ thần này nếu ra hòa với người ta, thật lấy làm nhục lắm! Còn đánh mà không hơn được lại là cái tội ngu thần.Vậy xin theo ý hoàng thượng sở định, ngu thần xin cúi mình hết sức cho đến chết thì thôi, chớ có đâu dám tiếc thân già”. Đó là những lời bộc bạch khí tiết của Nguyễn Tri Phương khi vua Tự Đức hỏi ông thế trận khó nên hòa hay chiến trước quân Pháp.


    Trận chiến cuối cùng

    Sau khi ngậm ngùi chịu chiến bại trước pháo hạm áp đảo của quân Pháp ở đại đồn Kỳ Hòa và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam kỳ, Nguyễn Tri Phương lại được triều đình cử ra trấn giữ thành Hà Nội để giải quyết mâu thuẫn. Ngòi nổ chiến tranh đang lăm le bùng nổ. Năm 1873 cũng là lúc Nguyễn Tri Phương đã 73 tuổi (có tài liệu nói 74 tuổi). Trong lịch sử quân sự thế giới cũng rất hiếm vị tướng nào còn trực tiếp xông trận được ở tuổi này.

    Trong cuốn Le Tonkin (Xứ Bắc kỳ), gã lái súng Jean Dupuis cũng khẳng định nguyên nhân vị tướng lão thành của nước Việt hết đánh trận miền Nam lại tất tả ra Bắc cũng chính vì sự gây hấn của gã. J. Dupuis nguyên là một gã lái buôn lang bạt nhiều nơi, và sau khi thử thời vận ở Trung Quốc đã tiến xuống nước Việt.

    Ban đầu, gã định mở một “con đường tơ lụa” theo đường sông Mekong ngược lên Trung Quốc nhưng bất thành, nên phải tìm kiếm một con đường là ngược sông Hồng đi lên. Có máu khám phá mạo hiểm lẫn tổ chức chiến tranh, nhưng mục đích chính của J. Dupuis là đi buôn. Cụ thể với đường sông Hồng, gã đã tính chuyện đưa vải vóc, gạo muối, vũ khí lên bán cho các tỉnh phía nam Trung Quốc và chở các loại quặng về bán. Chính điều đó đã vi phạm đến những quy tắc lãnh thổ của triều đình Huế ở xứ Bắc kỳ, nhất là trong hoàn cảnh nước Pháp đang ngày càng mở rộng thôn tính đất nước này.

    Các quan sở tại giải quyết không nổi, Nguyễn Tri Phương lại phải thân chinh ra thành Hà Nội và ngay sau đó lại gặp vấn đề với J. Dupuis khi không thể chấp nhận những yêu sách quá đáng của gã như mở cửa thông thương, thuế quan... Sự mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi thống đốc Nam kỳ Dupré cử đại úy hải quân Francis Garnier ra “xử” kẻ quấy rối J. Dupuis nhưng thực chất là dẫn pháo hạm đánh chiếm Hà thành. Chính một lá thư của Garnier đã kể lại cuộc tái chạm trán với đối thủ cũ ở đồn Kỳ Hòa: “Tôi và đoàn tùy tùng đi thẳng vào thành và tuyên bố là tôi chỉ dừng chân tại dinh quan khâm sai.

    Đó là danh tướng Nguyễn Tri Phương, người đã chỉ huy trận tuyến Kỳ Hòa bị chúng ta chiếm... Tôi phải nhìn nhận ông đã 74 tuổi vẫn cư xử rất lanh trí, nói vài tiếng Pháp, che giấu uất hận của ông dưới nụ cười”. Nghiên cứu của tác giả Đào Đăng Vỹ còn kể rằng Garnier đã lễ phép với Nguyễn Tri Phương: “Thưa ngài, chắc chúng ta có gặp nhau ở trận Kỳ Hòa và từ đó tôi vẫn tỏ lòng ngưỡng mộ ngài nhiều”.

    Tuy nhiên, các yêu sách của viên sĩ quan hải quân cùng gã lái súng người Pháp xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích kinh tế cùng danh dự của triều đình Huế ở xứ này đã buộc Nguyễn Tri Phương phải bác bỏ. Cuối cùng, chiến tranh đã nổ ra. Tối 19-11-1873, Garnier tập trung binh lính chuẩn bị đánh úp thành Hà Nội vào ngay rạng sáng 20-11. Đây là thành được vua Gia Long tái xây dựng kiên cố theo kiểu Vauban của Pháp, nhưng hệ thống vũ khí phòng thủ đã lạc hậu hơn nhiều so với hỏa lực pháo hạm của Pháp cùng thời.

    5g30 ngày 20-11-1873, hai cánh quân gồm hơn 200 binh lính cùng lực lượng của J. Dupuis do Garnier chỉ huy tấn công thành Hà Nội. Mở đầu là đợt pháo kích dữ dội từ các chiến hạm Scorpion và Espingole (sử gia Philippe Devillers cho rằng đây là lần đầu quân An Nam ở thành Hà Nội chịu đựng pháo kích bằng đạn nổ có sức công phá lớn chứ không phải đạn viên cổ điển). Đại bác vệ thành bắn trả nhưng tầm đạn ngắn, không gây sát thương. Sau đó, Garnier chỉ huy cánh chính đánh cửa đông nam và đối mặt Nguyễn Tri Phương.


    Lòng trung nghĩa của vị tướng già

    Trong phúc trình đánh chiếm thành Hà Nội, chính Garnier đã xác nhận tinh thần tiên phong của Nguyễn Tri Phương: “... Cái cửa chắc chắn này đã đứng vững được khá lâu. Lúc phá được lối vào, tôi bèn xông vào dưới cửa tò vò và nhận thấy trước mặt tôi bọn cầm lọng che cho tướng phòng thủ. Lúc ấy tôi không ngờ đó chính là vị thống soái...”. Tay lái súng J. Dupuis còn ghi chép tỉ mỉ trong cuốn Le Tonkin: “Thống soái già đã bị thương trong lúc phòng thủ cửa Nam... Ông bị một vết thương ở bụng chắc không lành được. Ông đã leo lên đầu thành để phấn chấn binh lính và một viên đạn đã bắn trúng ông”.

    Sau đó, chính J. Dupuis cùng nhiều tác giả Pháp khác đều rất trân trọng khí tiết của vị tướng nước Việt này khi thuật lại việc ông khước từ chăm sóc y tế của quân Pháp và tuyệt thực đến chết sau đó một tháng. Quyển L’Empire d’Annam đã viết rằng: “Ông bị thương nặng trong trận tấn công thành và chết vì vết thương. Ông từ chối sự săn sóc của bác sĩ Pháp và rứt bỏ đồ băng bó vết thương”.

    Đặc biệt, nhà nghiên cứu Đào Đăng Vỹ khi viết tác phẩm Nguyễn Tri Phương, đã tìm được gia phả họ Nguyễn ở Huế. Trong đó có đoạn chép rất xúc động: “Cụ cùng con là phò mã Nguyễn Lâm đốc suất quân ra phía cửa đông nam vượt lên thành chống giặc. Phò mã bị một phát đạn vào đầu chết ngay. Cụ cũng bị thương, binh lính khiêng vào dinh. Người Pháp đem thuốc vào buộc, cụ đều rứt ra, đưa đồ ăn vào cụ đều phun nhổ không nuốt, nói rằng: Bây giờ nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa...”.

    Một tháng sau khi bị thương, Nguyễn Tri Phương tử tiết. Vua Tự Đức nghe tin rất cảm động, lệnh cho quan quân Hà Nội hộ tống quan cữu của ông và con trai Nguyễn Lâm về an táng tại bản quán ở làng Chí Long, huyện Phong Điền. Vua còn ban cho gấm lụa và 1.000 quan tiền để lo tang.

    upload_2019-5-27_13-56-29.png
    Tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương ở nhà thờ Phong Điền –
    Ảnh: Q.V.

    Gần đây, phó giáo sư Nguyễn Thương Ngô đi điền dã, viết phả hệ họ Nguyễn đã đưa giả thuyết mộ thật của Nguyễn Tri Phương ở Bình Định, còn mộ ở Chí Long chỉ là mộ chiêu hồn hay là mộ giả như nhiều người đương thời để tránh tình trạng loạn lạc, mồ mả bị xâm phạm. Cơ sở của ông là có truyền khẩu rằng di hài Nguyễn Tri Phương được đưa bằng đường biển về Bình Định và vùng này cũng có nhánh hậu duệ Nguyễn Tri. Nấm mộ được cho là của Nguyễn Tri Phương ở đây cũng được xây bằng hợp chất ô dước vôi, cát, mật kiên cố và cũng từng bị đào phá tìm cổ vật như lăng mộ ở Phong Điền...

    Tuy nhiên, hiện nhiều nhà sử học và dân địa phương vẫn tin rằng lăng mộ đôi ở Phong Điền là của cha con danh tướng Nguyễn Tri Phương. Chính sử không chỉ ghi vua Tự Đức lệnh đưa quan tài hai cha con danh tướng trung nghĩa về an táng tại quê hương Phong Điền, mà vua còn cho xây nhà thờ Trung Hiếu từ gần lăng mộ.

    _______

    […]
     
    thichankem thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này