Thảo luận Về đọc sách - Giang Le

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi dangtuanpr, 10/9/15.

Moderators: amylee
  1. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Mình thấy một bài bình luận rất hay và ý nghĩa bàn về việc đọc sách do một facebooker viết. Mình mang về diễn đàn mình mong mọi người cùng đọc và cùng chia sẻ những suy nghĩ của bản thân sau khi đọc xong.

    VỀ ĐỌC SÁCH

    Có phải cứ đọc nhiều sách là tốt không? Một quốc gia cứ có nhiều sách xuất bản tất sẽ thịnh vượng không?

    Sách thực sự là một vật mang tri thức có tác động đa chiều. Nhờ nó con người có thể phổ biến và truyền đi tri thức của mình đến rất nhiều người, việc tiếp nhận những tri thức này đã làm cho xã hội ngày một phát triển hơn. Nhưng sách cũng sẽ trở thành “hiểm họa” khi mà việc tiếp nhận nó không đúng cách, nó không những không tạo ra những nền tảng cho sự phát triển thịnh vượng bền vững mà có khi lại trở thành nguồn gốc gây nên những “bệnh hoạn về mặt tinh thần” làm rối loạn xã hội, làm cản trở sự tiến bộ của xã hội.

    Vấn đề về tính hai mặt của sách xuất phát từ tính chủ quan hay cái có thể gọi là “tri thức cá nhân” của những tác giả. Bản thân tác giả của các cuốn sách khi viết những cuốn sách đó đã áp đặt những quan điểm chủ quan, từ góc nhìn hạn hẹp của mình về thế giới hiện thực, thông qua lăng kính nhận thức và sự phát triển tư duy của mình hình thành nên những tri thức mới. Người đọc cũng góp phần tiếp theo làm khúc xạ hơn nữa thế giới hiện thực khi tiếp nhận những tri thức đó thông qua lăng kính nhận thức của mình. Nếu lăng kính của tác giả và lăng kính của người đó hạn chế tối đa được sự khúc xạ, làm méo ít nhất có thể bản chất thực của thế giới hiện thực, sự đồng điệu giữa hai cái nhìn – của tác giá và người đọc – thì chúng ta càng có cơ hội tiệm cận hơn đến bản chất thực của thế giới hiện thực, ngược lại, nó đẩy chúng ta ra xa khỏi cái bản chất thực này.

    Tiếp đến, con người luôn là một chủ thể hướng đích. Một cách có ý thức hay vô thức, quá trình tiếp nhận và xử lý tri thức của con người luôn là một quá trình hướng đích. Mục đích có thể là rõ ràng hay không rõ ràng, nhưng cả tác giả và người đọc khi viết ra hay tiếp nhận tri thức đó đều hướng đến một mục đích nào đó. Cái mục đích vô tình hay hữu ý đó, rõ ràng hay không rõ ràng nó, như một khuynh hướng tự nhiên điều hướng dòng suy nghĩ của chúng ta, áp đặt lên đó sự chủ quan trong nhận thức, những định kiến, thiên kiến và nó khiến cho cách chúng ta diễn giải về ngữ nghĩa của thông điệp rất khác nhau. Bối cảnh, thời điểm, vị trí của người đọc, vai trò của người đọc trong một cấu trúc xã hội cũng tạo nên những hoàn cảnh mang tính điều kiện khiến người đọc có những cách hiểu khác nhau, cùng một người, cùng một nội dung, nhưng trong những hoàn cảnh điều kiện khác nhau. Tri thức khi được tiếp nhận trở thành một thứ tài sản mới của người đọc, tính “sở hữu” là một thuộc tính mới của những tri thức này và nó được cá nhân hóa bởi mỗi người đọc/tiếp nhận. Không có thứ tri thức phổ quát giống nhau ở tất cả mỗi người đọc, mặc dù về mặt hình thức, chúng đều được thể hiện một nội dung dưới một “hình ảnh ngôn ngữ” cụ thể nào đó giống nhau. Bởi, mỗi con người đều khác nhau về những hoàn cảnh điều kiện. Điều đó tạo ra sự giao thoa của những vùng tri thức tương đồng được mỗi cá nhân “sở hữu” được hiểu “giống nhau”.

    Vai trò của giáo dục có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc gia tăng vùng giao thoa này ngày một rộng hơn. Người ta có thể bàn rất nhiều về những vai trò và ý nghĩa của giáo dục, nhưng theo quan điểm cá nhân của tôi, giáo dục có một vai trò duy nhất đó là giúp con người có thể “hiểu nhau” để có thể “giao tiếp hiệu quả” với nhau. Tức là nó giúp con người có thể hiểu “giống nhau” ở một tỷ lệ nhiều nhất có thể một nội dung thông điệp nào đó. Giáo dục, hiểu theo ý nghĩa này tạo nên “tính thanh khoản” cho tri thức, làm cho nó trở nên có thể phổ biến được và từ đó tạo ra giá trị của tri thức, khi nó được hiểu để được “sử dụng” một cách hiệu quả.
    Trở lại vấn đề đọc sách, nếu như nền tảng căn bản của một người chưa đủ năng lực để tiếp nhận, tức là sự mơ hồ về mục đích đọc sách và năng lực để có sự “hiểu đúng” giữa thông điệp mà tác giả muốn truyền đạt và người đọc có thể hiểu được đúng là như vậy ở mức độ tỷ lệ cao nhất thì việc đọc sách trở thành một vấn đề rủi ro rất lớn đối với người đọc. Nó tạo ra một sự ngộ nhận, ảo giác về những tri thức được tiếp nhận, nó làm cho người đọc bị “say” tri thức, vừa không thực sự hiểu được giá trị thực của nội dung tri thức ấy, vừa không thể áp dụng một cách hiệu quả tri thức ấy, nhưng những cơn say này lại tạo ra một cái “tôi” có tính cách tiêu cực. Cái tôi của “sự biết nửa vời”, tưởng là biết rất nhiều, nhưng thực sự lại chẳng biết là bao. Và đây chính là cái mầm mống tạo nên cái tôi gọi là những “bệnh hoạn về mặt tinh thần”. Sách vô tình, thay vì tạo nên những con người có khả năng tri nhận xã hội đúng bản chất của xã hội, tiệm cận gần nhất bản chất thực của xã hội để cải tạo và biến đổi xã hội theo chiều hướng tích cực, thì lại tạo nên những con người thao thao bất tuyệt về những điều xa vời, sáo rỗng về mặt thực tế nhưng lại đầy khoa trương về ngôn từ, với những trích dẫn từ hết quyển sách này đến quyển sách nọ. Với họ, thế giới như tất cả đã “nằm trong đầu”, họ như “đã thấu hiểu” hết tất cả.

    Chúng ta, đến đây có thể nhận thức một cách rõ ràng rằng, việc đọc sách và theo đó là việc xuất bản sách không phải là một việc cứ làm càng nhiều càng tốt. Việc căn bản đầu tiên cần thiết là phải xác định “năng lực nền tảng” đối với cả từ từng cá nhân, cả ở cấp độ quốc gia, để rồi từ đó xác định, trước hết là mục đích của việc đọc sách. Việc đọc sách sẽ trở thành vô nghĩa khi ta mơ hồ về mục tiêu, nó càng trở thành vấn đề khủng hoảng hơn nếu xem xét trong bối cảnh bùng nổ xuất bản hiện nay trên thế giới, khi sách và tri thức được tạo ra mỗi ngày một lớn hơn theo cấp số nhân. Việc đọc khi mơ hồ về mục đích và theo đó là mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn sẽ khiến cho tri thức ta tiếp nhận trở nên manh múm, vừa thừa vừa thiếu và càng đọc càng mù mờ, càng chẳng thực sự biết gì. Ở cấp độ quốc gia cũng vậy, việc không xác định các mục tiêu xuất bản sẽ khiến việc xuất bản hết sức lộn xộn, cái cần thì không xuất bản, cái không cần xuất bản thì tràn lan. Thực trạng xuất bản hiện nay ở Việt Nam là một minh chứng hùng hồn cho vấn đề này. Việc xuất bản sách tại Việt Nam nếu không xác định một cách căn bản thì càng xuất bản nhiều chỉ càng làm cho việc phổ biến tri thức thêm loạn xạ. Chúng ta thực sự thiếu một chiến lược trong việc xuất bản. Chúng ta lao vào việc xuất bản những sách kinh điển chẳng hạn, trong khi tất cả những sách nhập môn, những sách dẫn nhập, tham khảo về chủ đề đó lại hoàn toàn thiếu vắng, thì việc xuất bản sách kinh điển đó hoàn toàn trở nên vô nghĩa. Làm sao có thể hiểu được thực sự những thứ “cao vời vợi đó” khi không xếp những bậc thang để bước tới đó? Hay trong nhiều lĩnh vực, việc xuất bản bị lủng lỗ, bởi việc đọc sách này phải tham chiếu được một số sách nhất định thì việc sử dụng mới hiệu quả, nhưng những sách đó lại không được xuất bản cùng.

    Đọc sách, xuất bản sách chỉ thực sự trở nên có giá trị, tức là tạo ra “tính thanh khoản” cho tri thức đó khi tri thức do sách mang lại phải có “giá trị trao đổi” hay điều đó chỉ thực sự xảy ra và được đẩy mạnh khi tri thức có “giá trị sử dụng” thực sự. Việc này thì phụ thuộc vào công tác giáo dục. Khi sự giáo dục hướng dẫn con người ta tới việc sử dụng sách như một công cụ để tìm kiếm tri thức, dạy cho con người ta biết cách khai thác tri thức một cách hiệu quả bằng công cụ “sách”, truyền đạt hiệu quả khả năng “giao tiếp” để con người ta có thể hiểu và tiếp thụ ở được ở tỷ lệ giao thoa “cái hiểu phổ quát” cao nhất của những tri thức này, khi đó giá trị tri thức từ sách và bản thân sách mới có giá trị. Sẽ lại là một bài ca muôn thuở nếu ta đặt vấn đề “giáo dục” đó cho một ai đó ngoài bản thân ta, như một đòi hỏi rằng “một ai đó” phải chịu trách nhiệm về điều này. Nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm.

    Mỗi người đều có thể tự tạo ra một cuộc cách mạng về giáo dục và theo đó là một cuộc cách mạng về việc biến “sách” trở thành một “vũ khí hiệu dụng” cho sự phát triển thịnh vượng của cá nhân, nếu chúng ta thực sự biết đặt ra cho mình mục đích và tự rèn luyện cho mình cho mình thông qua việc đọc sách từng bước để đạt mục đích đó. Đó chính là tự rèn luyện năng lực tự học và học tập suốt đời. Có thể là khó với rất rất nhiều người, nhưng dù là ít, dù là đơn giản hãy bắt đầu chỉ bằng một ít mỗi ngày, bằng những thứ đơn giản nhất. Ví dụ như ta thích một cái gì đó, hãy đọc sách để hiểu rõ hơn về nó. Bóng đá chẳng hạn, hãy đọc sách về bóng đá để tìm hiểu về những lối chơi, về những cách thức tổ chức các giải đấu bóng lớn… Chỉ có điều hãy đọc nó để tự làm cho mình “phát triển” về mặt tri thức để rồi qua đó giúp cho mình trưởng thành một bước, chứ đừng đọc để sinh ra những “bệnh hoạn về mặt tinh thần” bằng việc đọc để “chém gió” lung tung và ảo tưởng về “năng lực”.

    Hàng ngày trên Facebook có thể thấy rõ sự “bệnh hoạn về mặt tinh thần” đang trở thành một căn bệnh không thể phủ nhận của xã hội Việt Nam hiện nay. Chúng ta ào ạt bàn tán, phê phán, tranh luận… về tất cả mọi vấn đề từ trên trời xuống tới đất, từ ở cái ngõ xóm nhà ta đến những chuyện của Obama hay Tập Cận Bình, Putin ở những nơi xa lắc xa lơ, về nền hòa bình của thế giới… nhưng lại hầu như chẳng thực sự chịu tìm hiểu kỹ càng về các vấn đề đó. Giá như để có thể tranh luận một cách hiệu quả, để thực sự biết về những vấn đề đó nghiêm túc, chúng ta “đọc sách” thì tôi tin xã hội Việt Nam sẽ tiến bộ không ngừng với tính tích cực về chính trị và xã hội này. Việc xuất bản sách ở Việt Nam và theo đó là việc đọc sách sẽ không còn là một vấn đề phải “hô hào” nữa. Tất cả sẽ cùng tiến đến thịnh vượng nhờ sách được xuất bản nhiều hơn, người viết có cơ hội tìm thấy bạn đọc, bạn đọc có thể tìm được những gì mình muốn hiểu nhờ sự phong phú của sách.

    Nguồn: Giang Le
     
  2. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Thật ra giáo dục còn có một vai trò cực kỳ quan trọng nữa là giúp con người ta có thể tự nói chuyện với chính mình. Và điều này tôi nghĩ là quan trọng hơn cả điều trên kia.

    Một chiến lược xuất bản có thể sẽ cần đến một quốc qua có tầm nhìn hay là một quốc gia đủ mạnh để có thể bao cấp cho cả hệ thống xuất bản.
    Và còn tùy thuộc vào tầm nhìn đó là gì. Nên việc nói chung chung về tầm nhìn cũng không đưa vấn đề đi đến đâu được. Thật ra, với dòng sách kinh điển, chúng ta đã cũng có một tầm nhìn, nhưng tầm nhìn đó theo một kiểu khác, dường như không tương thích lắm.
    Còn nếu như để các nhà sách tư nhân tự lo lấy mình thì theo tôi vẫn không thể trách được chuyện người ta chọn sách khách hàng ưa chuộng để bán.
    Như vậy đó, câu chuyện về chiến lược xuất bản là một câu chuyện dài liên quan đến an sinh xã hội và định hướng phát triển của các quốc gia. Nó không chỉ hời hợt được nhận xét bởi các biểu hiện bề mặt và chứng minh phán xét cho một kết quả.

    Đây là cái ý sáng nhất bài viết này. Việc giáo dục, còn là tự giáo dục, nó không phụ thuộc hoàn toàn vào việc bạn được dạy dỗ như thế nào. Nếu đủ ý thức, chúng ta hãy cố gắng tự giáo dục lấy mình, trang bị võ khí cho mình. Và hướng tới học để biết chứ không phải để khoe khoang hơn người.
    Điều này, khi đọc đến đây tôi cũng tự học hỏi được rất nhiều.

    Học khiêm tốn và học cái giá trị của sự đọc như cái trích dẫn trên kia có lẽ là thuốc cho căn bệnh tinh thần này.
    Dù chưa gặp được nhiều người mắc bệnh này ngoài đời, nhưng như vậy cũng đáng lo ngại.
    Hy vọng mình không bị nhiễm bệnh hồi nào mà không biết. :D
     
    hanhdb thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này