TH-Khác Về thể tính của chân lý - Martin Heidegger <Phạm Công Thiện dịch>

Thảo luận trong 'Tủ sách Triết học' bắt đầu bởi sun1911, 30/9/13.

Moderators: Do dai hoc NEU, yam2408
  1. sun1911

    sun1911 Lớp 11

    Lời giới thiệu của người dịch

    Heidegger là tư tưởng gia nguy hiểm nhất hiện nay. Nguy hiểm như chiến tranh Việt Nam bây giờ: một nỗi nguy hiểm thiêng liêng, vì con người bị đặt trước hố thẳm không đáy: ý nghĩa của hư vô sẽ được tát
    cạn hay không, hư vô sẽ được lật ngược hay không; hư vô sẽ là nơi trú ẩn oanh liệt của mùa xuân, nuôi dưỡng buổi triêu dương mới của toàn thể nhân loại; hư vô cũng có thể đổi mặt và đưa đẩy toàn thể
    nhân loại đến chỗ tiêu diệt thê thảm; vô nghĩa của hư vô và ý nghĩa của hư vô; tịch dương của con người và triêu dương của con người; nguy hiểm sa đọa và nguy hiểm thiêng liêng: hai nỗi nguy hiểm này
    đang thành hình song phương trong ý thức của Heidegger, nhưng Heidegger càng lúc càng trở nên im lặng, càng lúc càng “tịch nhiên bất động” và thì thầm những thiết vọng thần diệu của Hölderlin giữa huyền án trầm lặng của Hy Lạp cổ thượng:

    Nhưng bạn bè của tôi hiện giờ ở đâu?

    Hölderlin đã hỏi bi đát như thế. Và Heidegger đã lặp lại câu hỏi bi đát
    của Hölderlin trong tập Andenken: “Những bạn bè đã đi về đâu và họ
    có đi về nguồn?” (cf. Heidegger, Approche de Hölderlin, trang 106).
    Xa nguồn, nguy hiểm trở thành nỗi nguy hiểm sa đọa, nguy hiểm đưa con người quên mất thể tính và lạc mất thể tính và lạc mất trong thế giới vật chất. Nhưng trở về nguồn, nguy hiểm trở thành nỗi nguy
    hiểm thiêng liêng, nguy hiểm đưa con người nhảy qua hố thẳm và trở về sống gần thể tính để tìm giải thoát trong nỗi mất quê hương của toàn thể nhân loại ở thời hiện đại (Heidegger gọi “nỗi mất quê
    hương” là “Unheimlichkeit”).

    Chiến tranh Việt Nam sẽ là một nỗi nguy hiểm sa đọa hay nỗi nguy hiểm thiêng liêng? Chỉ có người Việt Nam mới trả lời được câu hỏi quan trọng này, khi nào người Việt Nam ý thức được hiện thể mình trong phương trời khai tính của toàn thể tính mệnh và sinh mệnh của con người trên mặt đất. Heidegger là một tư tưởng gia nguy hiểm nhất hiện nay, vì Heidegger sẽ đưa mình đối diện với sinh mệnh Tây phương trong tất mệnh của chính sinh mệnh ấy; và từ đó, mình mới
    đủ khả năng đóng lại một sinh mệnh và lao vào tính mệnh của khai tính để khai thông cho hiện thể Việt Nam trong phương trời uyên mặc của chân lý.

    Chân lý là gì?

    Tất cả những trận chiến tranh đều xuất phát từ một quan niệm nào đó về chân lý.

    Thể tính của chân lý là gì?

    Bản dịch này mở ra ngôn ngữ của Heidegger, lời nói của một con người cô đơn đối diện với hư vô, đối mặt với nỗi vong tính hoang tàn ở thế kỷ XX.

    Bản dịch này là nơi “giao đàn” giữa ngôn ngữ Việt Nam và ngôn ngữ Đức, song thoại giữa tư tưởng Việt Nam và tư tưởng Tây phương, bước đầu để nhóm lên một đốm lửa ban mai sắp hiện. Heidegger là người đã đặt lên huyền án về thể tính. Huyền án về thể tính đã bắt đầu xuất hiện lúc văn minh Tây phương le lói ở chân trời
    Hy Lạp đại cổ thượng. Huyền án ấy đã lung lay vô thức Hy Lạp và cắt đứt ý thức Hy Lạp ra ngoài vô thức thần thoại để tựu thành trọn vẹn trong nền văn minh cơ khí vi tế của Tây phương ở thế kỷ XX.
    Thể tính là gì?

    Danh từ “thể tính” xuất phát từ biến trình văn hóa Trung Hoa; ý nghĩa của “thể tính” càng lúc được khai thị rõ rệt hơn, nhất là từ lúc văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Độ gặp gỡ nhau qua sự du nhập tâm linh của Phật giáo. Ý nghĩa của danh từ “thể tính” trong bài dịch này không còn giữ lại ý nghĩa phức tạp trong tiến trình tư tưởng
    Trung Hoa và Ấn Độ, mà mang lại một ý nghĩa mới hẳn và được đặt trên thể diện của sinh mệnh Tây phương trong phương trời thể luận của triết lý Hy Lạp.

    Heidegger đã cưu mang toàn thể sinh mệnh tính thể luận của Tây phương, đặt nghi vấn lại với toàn thể truyền thống Tây phương, truy nguyên lại tận nguồn Hy Lạp và bới sâu luống cày mới trong vùng Huyền Lâm của Tính Mệnh Tây phương. Người dịch và giới thiệu Heidegger nơi đây là một người sinh trưởng trong một nước bé nhỏ mà chiến tranh đã tàn phá từ lúc hắn mới ra đời; cuộc đời hắn trên
    mặt này dính liền mật thiết với trận chiến tranh ý thức hệ kéo dài từ hai mươi sáu năm nay; do đó, khi hắn đọc Heidegger thì không phải chỉ là làm công việc có tính cách trí thức thông thường; hắn đọc và dịch Heidegger để bới lại một gốc rễ nào đó trong nỗi mất quê hương của chung toàn thể nhân loại. Dịch có nghĩa là đối diện, có nghĩa là song diện và song thoại; ngôn ngữ Việt Nam là ngôn ngữ Đông phương; dịch Heidegger là song thoại với Heidegger trong cuộc đối
    chất sống chết giữa Tây phương và Đông phương trên mặt trận tư tưởng. Vấn đề không còn đặt ra giữa hai biên giới địa lý, giữa hai nền văn hóa sai biệt; vấn đề không phải là chọn bên này và bỏ bên kia;
    vấn đề không phải là tinh thần chủng tộc hạn hẹp. Vấn đề là phải đặt lại tính thể và thể tính của chính tính thể ấy trong Tính Mệnh chung của toàn thể nhân loại. Sự phân chia giữa một nền văn hóa này với
    một nền văn hóa khác chỉ có thể xảy ra và tựu thành khi văn hóa uyên nguyên đã không còn uyên nguyên nữa, nghĩa là đã mất căn nguyên gốc rễ (Bodenlosigkeit: absence de fondement); từ đó, mỗi nền văn hóa cá biệt đi riêng trên con đường rẽ ấy càng đi xa vào vực sâu của hư vô: hiện nay Việt Nam là hình ảnh cụ thể của vực sâu phũ phàng ấy; sự mất gốc của toàn thể nhân loại hiện nay đã nói lên
    thấm thía sự thực đơn giản, sự thực nền tảng phá tan sự phân biệt giữa hai thực thể: “chỉ có một nhân loại duy nhất, và từ bao giờ cho đến bây giờ, chỉ có một gốc rễ duy nhất, một nền tảng duy nhất thôi”
    (Il n’y a qu’une humanité, il n’y a jamais qu’un seul Boden); trong năm 1957, Merleau-Ponty đã lặp lại như vậy, khi dạy về Husserl (cf. Merleau-Ponty, Le Visible et l’Invisible, 281-282; Husserl, Krisis der
    europäischen Wissenschaften, 156, 448, Husserl, Erfahrung und Urteil, 25). Con người suy tư hiện nay, đặc biệt nhất là con người suy tư ở đất Việt này, phải đi tìm lại một quê hương cội rễ, uyên nguyên (Urheimat), quê hương chung của tất cả con người trên mặt đất này, chứ không phải chỉ tình cảm lải nhải theo điệu “đất mẹ thương đau”, “dòng giống Lạc Hồng”, “giữa lòng đau thương dân tộc”, “nòi giống da vàng” vân vân và vân vân. Tất cả những than thở tình cảm ấy mà bất cứ người nào đi giữa chợ cũng có thể than thở được, chỉ nói lên sự bại nhược của ý thức nô lệ, không dám lạnh lùng cưu mang hư vô trong tim và tát cạn nó trong tim để lạnh lùng tàn nhẫn bước tới, đi tới, nuôi nỗi chất khôn cùng trong đôi mắt phũ phàng của một người bi tráng hướng nhìn sâu vào trái tim vũ trụ, đặt lịch sử dân tộc mình trong lịch sử uyên nguyên (Urhistorie) của con người tận nơi “nguyên nguyên bản bản” mà Husserl gọi là “Ur-Arche” (Husserl, Umsturz der kopernikanischen Lehre: die Erde als Ur-Arche bewegt sich nicht, chưa xuất bản) Merleau-Ponty đã dịch là “l’arche originaire” và nhận xét rằng triết lý Husserl đã gần gũi với tư tưởng củaHeidegger trong đêm tối hậu này (cf. Merleau-Ponty, le Visible et l’Invisible, 239, 249, 281, 319).
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/10/13
  2. sun1911

    sun1911 Lớp 11

    Mặc dù, con đường tư tưởng của Heidegger đã tiếp cận với con
    đường triết lý của Husserl ở chung điểm vừa nêu, nhưng con đường
    tư tưởng của Heidegger dứt khoát rõ rệt hơn và triệt để hơn cả
    Husserl trong việc truy nguyên tận cùng gốc rễ của thể diện Tây
    phương, đẩy lùi truyền thống Tây phương, đi sâu hơn vào Huyền
    Tính (Geheimnis) để tìm cách đặt lại một thể thái tư thế (Verhalten)
    uyên nguyên khả dĩ đặt lên một huyền án về tính thể (Sein) giữa thời
    đại khủng hoảng ở thế kỷ XX này, Heidegger đã đào sâu vào thể tính
    (Wesen) của văn hóa Tây phương, truy lại tận nguồn (Ursprung) chi
    phối thể mệnh Tây phương để mở lại con đường mới toàn triệt khả dĩ
    đưa thể mệnh ấy về trong thể tính của Tính Mệnh, Heidegger đã cưu
    mang tất mệnh của Tây phương và xác định lại thể tính Tây phương.
    Nhưng còn Đông phương? Đông phương hiện nay đang bị nô lệ trong
    thể điệu suy tưởng và thể điệu văn minh Tây phương; Đông phương
    đã có ai để xác định lại thể tính của Đông phương để đối diện với thể
    tính Tây phương trong việc đi tìm lại một căn tính uyên nguyên
    (Urboden) cho toàn thể nhân loại ở thế kỷ hư vô này?
    Khi đối chất với Tây phương, tư tưởng Đông phương nay mai không
    phải đối chất với Karl Marx, không phải đối chất với Wittgenstein hay
    Husserl hay Sartre hay Jaspers, mà phải đối chất với Heidegger,
    Rimbaud và Nietzsche. Nietzsche đã báo trước rằng chủ nghĩa hư vô
    (nihilisme) thao túng thế kỷ XX; Rimbaud đã nhìn thấy tất mệnh của
    sinh mệnh Tây phương qua tập thơ une saison en enfer; Heidegger
    đã đặt lại thể tính của Tây phương trong việc truy tính với Platon,
    Descartes, Kant và Nietzsche trong diễn trình hình thành của ý thức
    Tây phương và đặt lại thể tính của kỹ thật cơ khí đang qui định thời
    đại chúng ta.

    Nhưng muốn đối chất với Tây phương trong chặng cuối của truyền
    thống văn hóa ấy, Đông phương phải bắt buộc song thoại với
    Heidegger: Heidegger đã đặt lại thể tính của Tây phương, nhưng
    Đông phương có đặt lại thể tính của Đông phương chưa để mà có
    thể đối diện với Tây phương trong một thể thái tư thế (Verhalten)
    của mình? Hay là Đông phương lại chỉ mải miết giải thích, phục hồi,
    ca tụng truyền thống văn hóa mình qua những phạm trù Tây phương
    mà chính mình không ngờ?

    Có phải ca tụng, để cao Đông phương là hiểu được thể tính của
    Đông phương? Có phải kêu gọi phục hồi Đông phương là lãnh hội
    được thể tính của Đông phương? Tất cả lý thuyết, quan niệm hành
    động của chúng ta, dù có “Đông phương” đến đâu đi nữa, vẫn bị kẹt
    vướng trong những phạm trù ý niệm Tây phương, dù mình có thể
    không biết một chữ Tây phương nào, vì thế kỷ XX là thế kỷ mà dấu
    vết của nền văn minh Tây phương đã in sâu trên khắp trái đất:
    không khí đã nhiễm độc: chúng ta không thể chọn lựa. Một người
    Đông phương hiện nay, bất cứ một người Đông phương nào có ý tính
    toàn triệt về đời sống toàn diện, cũng phải mang trong mình hai tính
    phận: tính phận của một người sống ở thế kỷ XX, tức là tính phận
    của Tây phương; vì sống ở thế kỷ XX có nghĩa là sống với và giữa và
    bằng những phạm trù giá trị Tây phương; đó là tính phận thứ nhất,
    còn tính phận thứ hai là tính phận của dòng máu trong cơ thể mình,
    nghĩa là tính phận Đông phương; cả hai tính phận đứng trên thể
    mệnh thì hoàn toàn khác biệt; nói như thế có nghĩa là người Tây
    phương ở thế kỷ XX chỉ phải chịu đựng có một thứ chủ nghĩa hư vô
    duy nhất là chủ nghĩa hư vô xuất phát từ nguồn Hy Lạp, còn người
    Đông phương ở thế kỷ XX lại phải chịu đựng hai thứ chủ nghĩa hư vô
    đồng lúc: chủ nghĩa hư vô xuất phát từ Ấn Độ và chủ nghĩa hư vô
    xuất phát từ Hy Lạp. Do đó, sứ mệnh của con người tư tưởng Đông
    phương hiện nay lại nặng nề gấp đôi sứ mệnh của con người tư
    tưởng Tây phương, vì hắn bị bắt buộc phải truy tìm lại tính thể,
    chẳng những của Đông phương thôi, mà phải cưu mang cả thể tính
    Tây phương nữa, để hội thành Tính Mệnh trong thể phận lưỡng thể
    của hắn. Nói khác đi, con người Tây phương ở thế kỷ XX đã quên thể
    tính của Hy Lạp uyên nguyên, nhưng con người Đông phương lại
    quên thể tính ấy gấp hai lần: vừa quên thể tính của Ấn Độ uyên
    nguyên. Do đó, văn hóa Đông phương càng ngày càng sụp đổ và
    càng sụp đổ thảm thương hơn nữa, khi người ta có tham vọng phục
    hồi nó, vì sự phục hồi ấy chỉ là phục hồi một biểu tượng, chứ không
    phải phục hồi thực tại: lý do dễ hiểu là ngay chính khuynh hướng
    phục hồi ấy cũng là hậu quả của sự bỏ quên thể tính Đông phương
    và đồng thời bỏ quên thể tính Tây phương: thể tính Đông phương chỉ
    có thể phục hồi ở thế kỷ XX là khi nào thể tính Tây phương đã được
    cưu mang trong tất mệnh và sinh mệnh của nó!

    Ở Đông phương hiện nay có ai đã chuẩn bị đầy đủ để thể hiện sứ
    mệnh lịch sử trên?
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/10/13
  3. sun1911

    sun1911 Lớp 11

    Thiên cảo luận Vom Wesen der Wahrheit là một tác phẩm quan trọng
    nhất của Heidegger, đánh dấu sự lật ngược đảo lộn (Kehre:
    renversement) về tính diện trong tư tưởng của Heidegger từ lúc phần
    còn lại của Sein und Zeit chưa xuất bản (và sẽ không bao giờ xuất
    bản). Quyển Sein und Zeit (tính thể và thời thế) xuất bản vào năm
    1927 và chỉ xuất bản có một phần dở dang; quyển Sein und Zeit
    được coi như là tác phẩm quan trọng nhất của Heidegger nhưng
    thiên cảo luận Vom Wesen der Wahrheit (Thể tính của Chân lý) được
    dịch trọn vẹn hôm nay, lại được chính Heidegger coi là quan trọng
    hơn cả Sein und Zeit, vì Vom Wesen der Wahrheit nằm trong chân
    trời đảo ngược từ Sein und Zeit (Thể tính và Thời tính) qua Zeit und
    Sein (Thời tính và Thể tính); chính Heidegger đã nhận rõ ràng như
    vậy (cf. Über den “Humanismus”, 1947, p.72).

    Vì Vom Wesen der Wahrheit nằm trong chân trời tư tưởng của sự
    đảo ngược tính diện (das Denken der Kehre), cho nên Vom Wesen
    der Wahrheit là tác phẩm khó hiểu nhất của Heidegger; chính những
    triết gia nhà nghề chuyên môn về Heidegger cũng phải nhận rằng
    Vom Wesen der Wahrheit là tác phẩm khó hiểu nhất (cf. Werner
    Brock, Existence and Being, p.127; Alphonse de Waelhens et Walter
    Biemel, De l’essence de la Vérité, p.8). Khi giới thiệu bản dịch Anh
    văn cho giới triết gia Anh, giáo sư Werner Brock đã nói như vầy: “Tác
    phẩm Vom Wesen der Wahrheit là thiên cảo luận khó hiểu nhất; do
    đó mình phải cần nghiên cứu thật chậm, nghiên cứu chậm rãi từng
    câu một và cần phải đọc đi đọc lại thật nhiều lần” (cf. op.cit: “But it
    is probably also the most difficult essay to understand. It requires to
    be studied slowly to be re-read several times”). Thực là một điều bất
    ngờ, đây là lần đầu tiên tác phẩm của Heidegger được dịch ra Việt
    ngữ, mà tôi lại lựa chọn tác phẩm khó nhất và quan trọng nhất của
    Heidegger để giới thiệu với độc giả Việt Nam. Sở dĩ tôi làm như vậy là
    vì tôi quan niệm rằng muốn hiểu tư tưởng Heidegger không phải là
    có thể hiểu bằng ý niệm thông thường được; muốn hiểu tư tưởng
    Heidegger thì phải làm một “cái nhảy” (Satz); cái nhảy này sẽ đưa
    mình ra ngoài lý lẽ hiển nhiên thường tình của người đời
    (Selbstverständlichkeit): nhảy vào trong tính thể (Ein Satz in das
    Sein) (cf. Heidegger, Der Satz vom Grund, 1657, p.96).
    Bản dịch này đánh dấu một biến cố quan trọng trong Tư Tưởng Việt
    Nam, vì “dịch” (übersetzen) theo Heidegger, “dịch có nghĩa nhảy,
    dịch chỉ có thể thành tựu được là nhờ một cái nhảy” (Dieses
    Übersetzen gelingt nur in einem Sprung) (cf. Heidegger, Was heisst
    Denken?).

    Người dịch Heidegger phải bắt buộc làm hai cái nhảy: nhảy vào thể
    tính Đông phương qua ngôn ngữ Việt Nam và nhảy vào thể tính Tây
    phương qua ngôn ngữ Đức: điều kiện sơ đẳng của người dịch là phải
    nắm lấy tính thể Đông phương trong mười ngón tay mình và nắm lấy
    tính thể Tây phương trong mười ngón chân mình. Dịch chữ “Sein”
    của Heidegger là “tính thể” không phải chỉ là dịch thế nào cũng
    được; dịch “Sein” là “tính thể” là một biến cố quan trọng trong tư
    tưởng của cả Đông phương (mà Ý thức mới trong văn nghệ và triết
    học, Hố thẳm tư tưởng và Im lặng hố thẳm đã thực hiện khi dịch
    “Sein” là “tính”, “tính thể”, “thể tính”) vì dịch “Sein” là “tính thể” đã
    xuất phát từ nỗ lực suy tư của người dịch sau khi duyệt qua toàn thể
    tư tưởng Ấn Độ và Trung Hoa, chẳng hạn xin trình bày đại khái:

    1. “Sein, Seyn” là bởi ngữ căn của chữ Phạn “bhũ, bheu” (và
    “asus”, “vasami”) (chính Heidegger đã nhận thế, trong quyển
    Introduction à la Métaphysique, NRF, 1967, trang 80-81).

    2. Tôi nhận thấy rằng ngữ căn chữ Phạn “bhũ” đã nằm trong Rig
    Veda (bahũhyâs, bhũyat, babhũtu) trong Atharva Veda
    (bhuyât);

    3. Tôi nhận thấy rằng ngữ căn chữ Phạn “bhũ” đã khai sinh ra chữ
    Phạn “bhavá” và “bhavá”.

    4. Tôi đã thấy chữ “bhavá” có vô số nghĩa phức tạp nào là “là, trở
    thành, trở nên, hiện hữu, xuất hiện, xảy ra, phát hiện” (như
    trong Svetâsvatara Upanishad); “chuyển đổi, thay, thay đổi,
    chuyển thời” (như trong MahahBharata), ngoài ra còn vô số ý
    nghĩa khác như “tiếp, tiếp diễn, trạng thái, điều kiện, cấp bực,
    tình trạng, sự thực, chân lý, thực tế, thực tại, bản chất, tính
    chất, tính thể, bản thể, tính tình, thể cách, thể tính, tư thế, tư
    cách, hành động, hạnh kiểm, sử thế, đường lối suy tư, cảm
    giác, ý kiến, khuynh hướng, ý định, cảm tình, tham dục, ý
    nghĩa, tình yêu, tình thương, tâm, hồn, linh hồn, tâm trí, những
    gì đang hiện hữu, bản chất, vật thể, hiện thể, sinh vật, tình
    trạng của tinh cầu, thế giới, vũ trụ, lòng, thiên lực, thực tại tối
    cao, thượng đế, …” (nói tóm lại chỉ một chữ “bhavá” mà có đủ
    mọi ý nghĩa.)

    5. Tôi thấy chữ bhavá chỉ nằm trong bhavá chứ bhavá không có
    nghĩa giới hạn như bhavá;

    Đó là biến trình trong tư tưởng Ấn Độ được du nhập qua Trung Hoa,
    thì Trung Hoa đã lãnh hội tư tưởng Ấn Độ như thế nào? Tùy cách
    lãnh hội của Trung Hoa về chân lý mà văn hóa của Trung Hoa sẽ đi
    hướng riêng cá biệt; cơ cấu của chữ Tàu khác hẳn cơ cấu chữ Phạn;
    phong trào dịch kinh Phật từ chữ Phạn ra chữ Tàu là một biến cố
    quyết định trọn vẹn thể tính của văn hóa Trung Hoa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/10/13
    kinhnhieuloc thích bài này.
  4. sun1911

    sun1911 Lớp 11

    Xin trình bày đại khái:

    1. Tôi nhận thấy rằng hai chữ bhavá và bhavá đã bị giới hạn lại
    trong cách dịch chữ Tàu, trong một chữ duy nhất là “hữu”,
    (chính nhà học giả Nhật Bản Hajime Nakamura cũng đã nhận
    thấy như vậy, cf. Hajime Nakamura, Problem sof Individualism
    in CFar-Eastern cultural traditions, 1966, chưa xuất bản) (cf.
    Hajime Peoples, 1964, trang 233).

    2. Cưu Ma La Thập đã dùng chữ “hữu” để đối nghịch lại chữ “vô”
    trong khi chuyển Kinh Đại Phẩm Bát Nhã và Trung Quán Luận
    từ chữ Phạn sang chữ Tàu.

    3. Tôi nhận thấy rằng chính sự chuyển dịch như thế đã đưa văn
    hóa Trung Hoa thể hiện thể tính (Wesen) về chân lý qua một
    thể diện khác; việc Cưu Ma La Thập dịch “bhava” là “hữu” cũng
    giống như quan niệm của Platon khi chuyển chân lý từ aletheia
    qua orthotes hay truyền thống Trung Cổ La Tinh chuyển
    aletheia của Hy Lạp qua veritas của La Tinh, do đó mới có quan
    niệm chân lý (veritas) là adaequatio (tương ứng xứng hợp) (cf.
    Heidegger, Platons Lehre von der Wahrheit, 1942).

    4. Văn hóa Trung Hoa quy định văn hóa Việt Nam trong thể điệu
    lãnh hội của Trung Hoa về chân lý, do đó, người Việt thường
    dịch “Être” của Triết Tây là “Hữu thế”.

    5. Tôi dịch lại “Être” của Heidegger là “Tính”, “Tính thể”, “Thể
    tính” để phân biệt với “étant” (La Tinh = ens), tức là “hữu thế”;

    6. Vì “Être” của Heidegger là “Seyn”, “Sein”, “Sein” là bhu, là
    Bhava của chữ Phạn, là “hữu” của chữ Hán.
    Thế là sau khi đã truy lại tận nguồn hình thành của văn hóa Ấn Độ và
    Trung Hoa, tìm lại hướng đi của Ấn Độ và Trung Hoa trong việc thể
    luận chân lý, tôi đặt đảo ngược lại bình diện (Kehre) để nhảy vào
    (Satz) trong tính thể (Wesen) của Đông phương để đặt lại cuộc đối
    chất với tư tưởng Tây phương hiện đại trong Tính Mệnh (Geschick)
    cũa toàn thể nhân loại.

    Từ những tính kiện ở trên, tôi có thể làm lại một cuộc “phục hồi lại
    nghi vấn về ý nghĩa của tính thể” (Wiederholung der Frage nach dem
    Sinn von Sein) trong toàn thể truyền thống tư tưởng Đông phương
    để đối chất và song thoại với toàn thể truyền thống triết lý Tây
    phương qua cuộc phục hồi (Wiederholung) của Heidegger; do đó, tư
    tưởng Đông phương đang song thoại đối chất với triết lý Tây phương
    qua ngôn ngữ Việt Nam. Tư tưởng triết lý Việt Nam ở thế kỷ XX chỉ
    được đánh dấu từ hai quyển sách của Trần Đức Thảo: Triết lý đã đi
    đến đâu (Paris, 1950) và Phénoménologie et Matérialisme dialectique
    (Paris, 1951). Đối với Trần Đức Thảo, hiện tượng luận đã không
    thành tựu được sứ mệnh và chỉ có chủ nghĩa marxisme là giải đáp
    duy nhất cho những vấn đề mà hiện tượng luận đã nêu ra và đã
    không thể hiện được (op. cit. , trang 5).

    Những sai lầm lớn nhất của Trần Đức Thảo, theo tôi, đại khái là:

    1. Trần Đức Thảo đã không hiểu Husserl và bỏ quên chặng cuối
    của Husserl, nhất là ý niệm của Husserl về “Ur-Arche” (trong
    Husserl, Umsturz der kopernikanischen Lehre: die Erde als Ur-
    Arche bewegt sich nicht);

    2. Trần Đức Thảo vẫn bị kẹt trong ý niệm về “chân lý” như là
    “adaequatio” (judicium est locus veritatis);

    3. Trần Đức Thảo đã không lãnh hội được rằng thể tính (essence)
    của duy vật biện chứng nằm trong thể tính của kỹ thuật
    (Wesen der Technik) trong tính mệnh thể sử của chân tính (ein
    Seinsgeschichtliches Geschick der in der Vergessenheit
    ruhenden Wahrheit des Seins) mà Heidegger đã truy lại trong ý
    nghĩa chữ techne của Hy Lạp;

    4. Do đó, Trần Đức Thảo không bao giờ lãnh hội được ý nghĩa của
    tư tưởng Heidegger mà ông thường đả kích một cách vô cùng
    nông cạn, vì ông đã hiểu Heidegger một cách quá hời hợt và vô
    cùng thiển cận;

    5. Cũng thế, Trần Đức Thảo cũng chẳng có được một căn bản
    nhận thức sơ đẳng nhất về tư tưởng Nietzsche để có thể tát
    cạn ý nghĩa của chủ nghĩa hư vô;

    6. Do đó, Trần Đức Thảo đã không hiểu được thể tính của văn
    hóa Tây phương, rằng ngay lập trường mà ông bênh vực, cũng
    chỉ là sản phẩm của văn hóa Tây phương;

    7. Trần Đức Thảo lại cũng không nhận ra thể tính của Đông
    phương, do đó, tư tưởng ông đã kẹt vào trong nỗi vong quốc
    (Die Heimatlosigkeit) của Tính Mệnh Thế Giới (Weltschicksal).
    Từ những lý do trên, hôm nay, tôi dịch quyển Vom Wesen der
    Wahrheit của Heidegger để chuyển lại hướng đi quan trọng trong tư
    tưởng Việt Nam, sau hai quyển sách hời hợt của Trần Đức Thảo; dịch
    phẩm này nỗ lực lãnh hội lại thể tính của Tây phương và đồng thời
    lãnh hội luôn thể tính của Đông phương để chuẩn bị việc phá hủy cả
    hai truyền thống Đông phương và Tây phương.

    Trận chiến tranh Việt Nam hiện nay là sự tựu thành của cơ khí Tây
    phương; tư tưởng Việt Nam nay mai phải vượt qua Siêu thể học Tây
    phương (Überwindung der Metaphysik), vượt qua luận lý học toán
    học (logistique) của ý thức hệ Anh Mỹ và vượt qua luôn cả duy vật
    biện chứng của Nga Tàu. Chữ “Việt” trong chữ “Việt Nam” có nghĩa là
    “vượt qua”. Tư tưởng Việt Nam nay mai phải hướng về “Việt Tính”
    (l’essence du Viet Nam).

    Vượt qua để đi về đâu?
    Đi về nguồn, đi về quê hương (Heimkunft).

    Đi về quê hương là đi về tính thể của quê hương (das Heimatliche).
    Tư tưởng Việt Nam phải qui hướng về quê hương, tư tưởng ấy chính
    là qui tưởng (Andenken).

    Do đó, tư tưởng Việt Nam nay mai phải trải qua ba chặng đường:

    1. Đi về thể tính Tây phương qua “phương tiện thiện xảo” (chữ
    Phạn: upayakausalya) của tư tưởng Heidegger để vượt ra ngoài
    truyền thống văn hóa Tây phương;

    2. Đi về thể tính của Đông phương bằng cuộc phục hồi câu hỏi về
    ý nghĩa của “tính thể” (Wiederholung der Frage nach dem Sinn
    von Sein) qua việc song thoại với Uyên Nguyên (Ursprung):

    a. Song thoại với Védas (qua chữ Bhu)

    b. Song thoại với Đại Phẩm Bát Nhã (Prajnaparamita Sutras)
    của Phật giáo (qua chữ Bhava trong câu: “Sarvákárajnatâ
    advayâ advaidhi kara sarvadharmabhâvasvabhâvatam
    upâdaya” trong kinh ‘Satasahasrika Prajnapâramita, trang
    825).

    c. Song thoại với Kinh Dịch.

    Sau khi đã song thoại với Védas, Bát Nhã và Kinh Dịch, đã phục
    hồi lại thể tính của Đông phương thì sẽ song thoại với
    Anaximandre (qua chữ Adikia); cuộc song thoại này sẽ được
    diễn ra bằng cách phá hủy toàn thể tư tưởng Ấn Độ xuất hiện
    sau Véda và sau Bát Nhã, phá hủy toàn thể tư tưởng Tây
    phương xuất hiện sau Anaximandre (nghĩa là phá luôn truyền
    thống từ Héraclite, Parménide. Cho đến Nietzche, Marx và
    Heidegger).

    3. Phục hồi thể tính của Việt Nam, nghĩa là phục hồi “Việt Tính” và
    đặt “Việt Tính” trong sự trở về quê hương (Heimkunft) chung
    cho toàn thể nhân loại; con đường phục hồi này sẽ vượt ra
    ngoài truyền thống Đông phương và Tây phương, để đưa “Việt
    Tính” đi vào “Uyên Mặc”, nghĩa là “sự im lặng của nguồn gốc
    cội rễ” (im lặng hố thẳm).

    Bản dịch Thể tính của chân lý (Vom Wesen der Wahrheit) này là một
    trong những bước đi (đã khởi hành từ Ý thức mới trong văn nghệ và
    triết học đến Hố thẳm tư tưởng và Im lặng hố thẳm) trên con đường
    vô hạn đã vạch ở trên.
    Con đường trên có thể sẽ không đưa về đâu cả, nhưng ý muốn “đi về
    một nơi nào đó” phải chăng chỉ là hậu quả của thảm trạng mất
    nguồn?

    Ngôn ngữ của người ở tại nguồn sẽ giống như “bóng mây trời”
    (Heidegger: die Wolken des Himmels).
    Khói lửa của chiến tranh Việt Nam đang bay lên thành mây, những
    đám mây non của một bình minh sắp hiện.

    Phạm Công Thiện
    3.xi.1967

    ( nguồn Talawas.org)

    View attachment Về thể tính của chân lý - Martin Heidegger.rar

    Nguồn TVE: Nick Cungcung
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/10/13
  5. kinhnhieuloc

    kinhnhieuloc Lớp 8

    Quá nguy hiểm:)
     
Moderators: Do dai hoc NEU, yam2408

Chia sẻ trang này