Thảo luận Về văn hóa đọc...

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi Foli, 4/10/13.

Moderators: Cát Cát
  1. Foli

    Foli Lớp 11

    10 lý do thúc đẩy chúng ta đọc sách
    Lê Quỳnh Mai
    Tạp chí Tia Sáng


    1) Bồi đắp sự thông minh.

    2) Tạo ra sự tưởng tượng phong phú.

    3) Tăng sự hiểu biết.

    4) Có thể đi du lịch qua đọc sách.

    5) Cho phép độc giả tự đánh lừa giữa khoảng cách của sự sống và cái chết giúp độc giả chấp nhận sự hiện hữu - những ước muốn không thể thực hiện được.

    6) Mang lại những điều tốt đẹp nhất, cho độc giả hiểu rằng bản thân con người không phải là một cái máy, mà là một thực thể văn hóa.

    7) Đời sống đầy những nghịch lý. Đọc và viết xóa bỏ những nghịch lý ấy.

    8) Đọc có khuynh hướng dẫn đến viết, là một trong những "sở thích và thú vui” đẹp nhất của con người.

    9) Đọc và viết là hành động tự do, không bi ép buộc, là hành động “cho không". Điều “cho không biếu không” này trong đời sống rất khó xảy ra!

    10) Từ đọc -> viết -> có thể mang lại cho tác giả một quyền lực khi chính mình tạo dựng cốt chuyện và nhân vật.

    Posted by vnn
     
  2. Foli

    Foli Lớp 11

    Cách đọc một cuốn sách khó


    Trích:
    [TABLE="width: 100%"]

    [TD="class: alt2"] Thưa tiến sĩ Adler,

    Nói thật với ông, tôi nhận thấy những cuốn sách gọi là vĩ đại rất khó đọc. Tôi sẵn lòng tin lời ông rằng chúng vĩ đại. Nhưng làm sao tôi có thể đánh giá cao sự vĩ đại của chúng nếu như đối với tôi chúng quá khó đọc? Ông có thể cho tôi vài gợi ý hữu ích về cách đọc một cuốn sách khó không?

    I.C. [/TD]
    [/TABLE]

    I.C. thân mến,

    Nguyên tắc đọc quan trọng nhất là nguyên tắc mà tôi cứ nói đi nói lại với nhóm nghiên cứu về những tác phẩm lớn của tôi: Trong khi đọc một cuốn sách khó lần đầu tiên, cứ đọc nó một mạch không dừng lại. Hãy chú ý đến những gì anh có thể hiểu, và đừng dừng lại vì những gì anh chưa nắm bắt được ngay lập tức. Cứ làm như vậy. Đọc một mạch cuốn sách không nản lòng vì những đoạn, những chú thích, những luận điểm, những tham khảo mà anh không nắm bắt được. Nếu anh dừng lại ở bất kỳ những chướng ngại này, nếu anh cứ trì hoãn, anh sẽ thất bại. Trong hầu hết các trường hợp, anh sẽ không thể giải đáp được sự việc bằng việc bám lấy nó. Anh có cơ hội hiểu nó nhiều hơn qua lần đọc thứ hai, nhưng điều đó đòi hỏi anh phải đọc cuốn sách một mạch trong lần đầu.

    Đây là phương pháp thực tiễn nhất mà tôi biết để bẻ gãy vỏ bọc của một cuốn sách, để có được cảm tưởng khái quát về nó, và chấp nhận cấu trúc của nó một cách nhanh chóng và dễ dàng như có thể. Anh càng lần lữa trong việc tìm hiểu nghĩa tổng thể của một cuốn sách, anh càng lâu hiểu nó. Đơn giản là anh phải hiểu biết tổng thể trước khi anh có thể xem xét những phần trong phối cảnh thực của chúng – hoặc trong bất kỳ phối cảnh nào.

    Giá trị của Shakespeare bị phá hỏng vì bao thế hệ học sinh trung học bị buộc phải nghiên cứu kỹ Julius Caesar, Hamlet, hoặc Macbeth từng cảnh một, tra cứu tất cả những từ quá mới mẻ đối với họ, và học tất cả những chú thích quá chuyên môn. Kết quả là họ không hề thực sự đọc vở kịch. Thay vào đó họ bị kéo lê qua nó, từng chút một, qua nhiều tuần lễ. Đến khi họ tới phần cuối vở kịch, chắc chắn họ đã quên mất phần đầu. Lẽ ra người ta nên khích lệ họ đọc vở kịch một mạch. Chỉ có như thế họ mới hiểu chút ít về nó và khiến họ có thể hiểu nó nhiều hơn.

    Những gì anh hiểu khi đọc một mạch cuốn sách từ đầu đến cuối – thậm chí nếu chỉ năm mươi phần trăm hay ít hơn – sau đó sẽ giúp anh có thêm nỗ lực trở lại những nơi anh đã qua trong lần đọc ban đầu. Thực ra anh sẽ đi giống như bất kỳ người lữ hành nào trên những đoạn chưa biết. Đã từng đi qua địa thế đó một lần, anh sẽ có thể khám phá nó lại từ những lợi thế mà trước đó có thể anh chưa biết. Anh sẽ ít có khả năng nhầm những con đường phụ với con đường chính. Anh sẽ không bị những bóng mát lúc giữa trưa đánh lừa, bởi anh sẽ nhớ lại chúng ra sao lúc mặt trời lặn. Và bản đồ trong tâm trí mà anh đã lập ra sẽ chỉ tốt hơn những thung lũng và núi đồi là tất cả bộ phận của một phong cảnh như thế nào.

    Không hề có phép thần thông nào về việc đọc nhanh lần đầu. Nó không thể đạt được kết quả tốt và chắc chắn không thể được coi như một cách thay thế cho việc đọc cẩn thận đáng dành cho một cuốn sách hay. Nhưng việc đọc nhanh lần đầu làm cho việc nghiên cứu cẩn thận dễ dàng hơn nhiều.

    Thực tiễn này giúp anh giữ được sự nhạy bén trong khi lao vào một cuốn sách. Đã bao lần anh mơ mộng theo cách của anh qua hết trang này đến trang khác để khi tỉnh dậy trong đầu anh không có một ý tưởng nào về nơi anh đã qua? Điều đó có thể xảy ra nếu như anh để mình tự trôi một cách thụ động suốt cuốn sách. Chưa ai từng hiểu được gì nhiều theo cách ấy. Anh phải có một cách nắm bắt mạch chung.

    Người đọc tốt luôn tích cực trong mọi nỗ lực để hiểu. Bất kỳ cuốn sách nào cũng là một vấn đề, một điều bí ẩn. Thái độ của người đọc phải là thái độ của một thám tử tìm kiếm những manh mối đi vào những ý tưởng cơ bản và nhạy bén với tất cả những gì làm cho chúng rõ ràng hơn. Nguyên tắc về việc đọc nhanh lần đầu giúp duy trì thái độ này. Nếu bạn theo cách đó, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình tiết kiệm được bao nhiêu là thời gian, bạn sẽ hiểu thấu đáo hơn biết bao nhiêu, và nó sẽ dễ dàng hơn biết bao nhiêu.

    Posted by vnn
     
    amylee and Lamani like this.
  3. Foli

    Foli Lớp 11

    9 sai lầm của văn hóa đọc
    Thiên Minh
    Tạp chí Sành điệu


    Chữ là thứ có thể thờ, chơi, xin, cho, ăn cắp, mua bán, khoe khang, khinh rẻ, nát (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Việt Hà) hay đơn giản là dùng - tất cả phụ thuộc vào thái độ của người đọc.

    Trên chiếc tàu điện ngầm cũ kỹ, một cô gái ăn vận bình thường, nhan sắc bình thường đang ngồi đọc một cuốn sách cũng bất bình thường. Bên cạnh cô, một ông già trông chẳng có gì đặc biệt cũng đang đọc một cuốn sách chẳng có gì đặc biệt. Chúng ta đang nói đến chuyện quái quỷ gì thế này? Bạn có thể hỏi thế, với mt thái độ rõ ràng là rất thiếu kiên nhẫn.

    Quả thật, nếu tất cả chỉ có thế thì thật là vớ vẩn. Nhưng nếu bạn biết rằng chuyến tàu đó có 15 toa, mỗi toa có khoảng 50 người và mỗi người đều đang đọc một cuốn sách nào đó giống như cô gái và ông già kia, thì bạn sẽ thấy cả một khối lượng tri thức khổng lồ đang di chuyển dưới lòng đất. Chuyện sẽ không còn là bình thường nữa nếu chúng ta tính đến tất cả những chuyến tàu ngầm ở Moscow - bối cảnh cho ví dụ trên hoặc tất cả các phương tiện vận chuyển trên thế giới này vào bất cứ khoảnh khắc nào trong một ngày.

    Văn hoá đọc lớn hơn những gì chúng ta thấy trên tay cô gái bình thường hay ông già chẳng có gì đặc biệt kia rất nhiều.

    Từ khi chữ viết ra đời, một mẩu giấy vụn cũng có thể trở thành vô giá. Lịch sử tri thức nhân loại từng ghi nhận không ít những tuyệt tác ra đời trên giấy lộn hoặc bên lề những trang viết nháp. Đó là bản giao hưởng của Bach, bản thảo thơ của Henrick Heine, công thức toán của Evarit Galois. Quá trình đọc của con người là một con đường dài đi từ những hang động bên bờ sông Nile, nhũng thẻ tre trong Hoàng cung Bắc kinh đến những tấm biển quảng cáo cỡ lớn trên quảng trường Time Squate và những tờ thực đơn trong một quán cà phê ở ngay sát nhà bạn. Số chữ in ra mỗi ngày có lẽ nhiều hơn rất nhiều lần số bụi trên thế giới này, để đáp ứng nhu cầu con người muốn đọc ở mọi nơi, mọi chốn. Và với mỗi người, hành trình đọc lại khác nhau.

    Với tôi, đó là một hành trình đi qua những bi kịch của Kafka, những tuyệt vọng của A.Tolstoy, những thử nghiệm của Appolinaire, những mơ mộng của Saint Exupery, những hoan lạc của Goethe, những ẩn ức của Matquez, những trắc ẩn của Kundera. Với vợ tôi hành hình đó lại đi qua những suy luận của Conan Doyle, những tình tiết của Shidney Sheldon (vĩnh biệt ông) những dẫn giải của Agatha Christie, những nhân vật của Graham Chase và những huyền thoại mafia của Mario Puzo. Với con gái tôi, đọc là hành trình lặp đi lặp lại nước mắt của Lọ Lem, giấc ngủ của Bạch Tuyết, nụ cười của cô bé quàng khăn đỏ, bộ quần áo của nhà vua, chiếc đèn thần của Aladin, đôi cánh của thiên nga... Còn với đứa chị họ của nó, trên thế giới này, đọc chỉ đơn thuần là một con đường độc đạo đi qua những trang truyện tranh. Một câu chuyện là một cái ngã tư. Có ngã tư Thám tử Conan, ngã tư Bảy Viên Ngọc Rồng, ngã tư Doremon...

    Hồ sơ văn hoá đọc của con người đồ sộ và dày dặn hơn tất cả các bảo tàng trên thế giới này cộng lại. Không thể nói văn học cổ điển và kinh điển, tiểu thuyết best-seller, cổ tích hay chuyện tranh, cái nào hơn cái nào. Cũng không thể bó gọn văn hóa đọc trên giấy và những con chữ. (Thực tế là con người còn đọc nhau qua ánh mắt, bờ môi, những cử chỉ của cơ thể, và cả những sắc thái vô hình khác nữa). Thế nên, trong quan niệm của tôi, không có chuyện khủng hoảng văn hóa đọc mà chỉ có sự khủng hoảng cái nhìn về văn hóa đọc.

    Nói một cách nôm na hơn, vấn đề không phải là đọc gì, mà đọc như thế nào? Và dưới đây là chín sai lầm trong văn hóa đọc của người Việt.

    1) Chúng ta tích lũy tri thức qua việc đọc báo thay vì đọc sách


    Và kết quả là tri thức của chúng ta bao gồm những thứ được nhắc đến trong chuyên mục phóng sự xã hội, quốc tế hay tâm lý của báo chí (Showgame và phim dã sử truyền hình cũng là một kênh, nhưng có lẽ xin bàn ở bài khác). Với một số người hiện đại hơn, tri thức nằm trong những trang báo điện tử và các diễn đàn. Thông thái hơn nữa thì Wikipedia và Google hay Yahoo là những ông thánh sống.

    2) Chúng ta đọc sách theo kiểu đọc báo

    Và chúng ta chỉ mang máng nhớ là trong chiến tranh và hòa bình có một anh chàng tên là Andre đi đánh giặc, trong Hamlet có một câu "Tồn tại hay không tồn tại”, trong Trăm năm cô đơn hình như có một đuôi lợn.

    3) Chúng ta rất lười ghi chép

    Và nếu có ghi chép thì chúng ta cũng luời cả việc đọc lại nó.

    4) Chúng ta đọc theo phong trào


    Cứ sau mỗi mùa trao giải hoặc mỗi scandal nào đó, là một cuốn sách được nhắc đến lại bán chạy như tôm tươi, dù trước đó cả tháng trời chịu phận “cá thối". Đơn giản bởi rất ít người trong số chúng ta có được định hướng đọc và kế hoạch đọc, cho mình.

    5) Chúng ta giả vờ đọc

    Nghĩa là chúng ta chỉ mua sách, gáy càng đẹp, bìa càng cứng càng tốt, để bày cho sang phòng chứ ít khi giở ra. Nếu có giở thì cũng là để khoe chữ ký của nhà văn nổi tiếng để tặng chủ nhân trong đó. Ngày xưa Nguyễn Tuân từng sốt sắng tả cái cảm giác mua sách về rồi nắn nót cầu kỳ đọc từng trang, sờ cái lề giấy… Bây giờ, điều đó là xa xỉ khi vô số cuốn sách xén lỗi chẳng bao giờ bị lo phát hiện vì nhiều người đâu có giở chúng ra lần nào.

    6) Nếu đọc, chúng ta sẽ đạo


    Rất nhiều khi chúng ta đương nhiên coi những gì chúng ta đọc được là của mình. Và chúng ta nhại lại như thể chúng ta viết ra nó.

    7) Chúng ta thiếu sự hoài nghi

    Thường thì sách báo nói thế nào, chúng ta tin như vậy. Rất ít khi chúng ta thử dừng lại, nhìn lại vấn đề theo quan điểm riêng. Trong khi nghi ngờ sách là một thái độ đáng tôn trọng không kém gì tôn sùng sách.

    8) Chúng ta dễ dãi với những sai sót

    Ngày trước, kèm theo mỗi cuốn sách xuất bản thường có một tờ đính chính. Nhưng đính chính đó đôi khi chỉ là lỗi chính tả tên riêng... Mẩu giấy nhỏ nhưng hàm chứa một ý thức lớn của người làm sách. Bây giờ, công nghệ hiện đại hơn, in ấn rẻ hơn, nhưng những mẩu giấy đính chính lại gần như thất truyền mặc dù lỗi in rõ ràng là nhiều hơn. Cả ý thức của người làm sách lẫn người đọc sách đều kém hơn trước.

    9) Chúng ta chỉ đọc những gì mình thích


    Điều đó không xấu, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể đọc cả những điều mình không thích, nhưng cần. Bởi đọc không chỉ là để giải trí. Đọc cần phải có mục đích, và rất nhiều sự kiên nhẫn.

    Hy vọng sự kiên nhẫn của bạn đọc vẫn đi cùng với tôi đến những dòng chữ này.

    Posted by vnn
     
    lanphuongphan thích bài này.
  4. Foli

    Foli Lớp 11

    Bàn về cái đọc của thanh niên
    Ths. Bùi Văn Tiếng
    Tạp chí Người Đọc Sách

    Gunter Grass, nhà văn đoạt giải thưởng Nobel văn chương năm 2004 với tác phẩm nổi tiếng Cái trống thiếc rất có lý khi cho rằng không gì có thể thay thế văn hóa đọc. Ấy vậy mà ở nước ta, cái "không gì có thể thay thế" đó đang trở thành mối bận tâm của các nhà văn hóa cũng như những ai hay ngẫm nghĩ về văn hóa. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin được lạm bàn về một phạm vi nhỏ của văn hóa đọc: vấn đề cái đọc của thanh niên. Có thể có người sẽ hỏi: Cái đọc của thanh niên ư? Có gì đáng bàn bạc thêm đâu. Cần quan tâm là thiếu nhi đọc cái gì kia! Bởi lẽ trao đi đổi lại mãi mà hiện nay chưa ai trả lời thật rốt ráo câu hỏi liệu trẻ em có phải là những ngưới lớn, nhỏ tuổi không, viết cho thiếu nhi khác với viết cho người lớn chỗ nào, và mới đây khi bàn về vấn đề thiếu nhi đọc cái gì, người ta còn tính toán sao cho có sự cân đối giữa truyện tranh với truyện chữ.. Hoặc nếu muốn nhiễu sự sao chẳng đặt vấn đề cái đọc dành cho người cao tuổi? Người già có bao nhiêu thị hiếu riêng về cái đọc đấy chứ... Vậy cái đọc cho thanh niên còn đề cập làm gì nữa?

    Thật ra xung quanh câu chuyện cái đọc cho thanh niên còn không ít điều khiến ta phải băn khoăn. Nếu có thời giờ đi dạo các hiệu sách, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận rằng thanh niên ngày nay có nhiều sách học mà ít sách đọc. Nhan nhản những giáo trình ngoại ngữ, tin học, kỹ thuật... Sách dạy ứng xử, dạy yêu đương... Độc giả thanh niên rất cần đọc, đọc kỹ các loại sách học này. Không thế họ sẽ không đủ hành trang tri thức để đi đến cùng với thiên niên kỷ mới. Ông cha ta xưa từng nói: "Không thầy đố mày làm nên" - thầy ờ đây có thể hiểu là những người dạy trực tiếp mà cũng có thể hiểu là những người dạy gián tiếp - tức sách học. Nhiều năm nay, do công tác xuất bản không ngừng được đổi mới và do tiếp thị nhanh nhạy, ngành phát hành sách đã đáp ứng tương đối đầy đủ và kịp thời nhu cầu sách học khá đa dạng của thanh niên.

    Có điều thanh niên tìm đến sách, đọc sách không chỉ để học, không chỉ với tư cách học trò mà họ còn muốn đóng vai tri âm, lắng nghe người viết sách bộc lộ, giãi bày, thậm chí muốn đối thoại bình đẳng cùng tác giả. Đây cũng là học, nhưng là học bạn, mà theo tư duy của ông cha xưa thì "học thầy không tầy học bạn" - ở đây có thể hiểu là những người bạn trực tiếp mà cũng có thể hiểu là những người bạn gián tiếp - tức là sách đọc. Nói thanh niên đang rất cần cái đọc, đang thiếu cái đọc, chính là nói tới các tác phẩm văn chương viết về thanh niên và viết cho thanh niên đọc.

    Tâm lý thanh niên thời nay có phần khác so với thanh niên thời trước. Nhìn chung thanh niên ngày nay có trình độ cảm thụ nghệ thuật tinh tế mẫn cảm hơn, bởi họ là sản phẩm của một nền giáo dục phát triển trong điều kiện hòa bình và trong không khí đổi mới của đất nước. Giờ đây, không ít trong số họ đã có đủ khả năng khám phá chất văn chương từ bản thân văn chương, cũng như có đủ nhận thức để hiểu rằng văn chương không gì khác là sự nỗ lực khám phá chất người từ bản thân con người.

    Và dẫu dè dặt đến đâu, vẫn có thể khẳng định nhu cầu về sách đọc và việc đọc sách của thanh niên ngày nay - với đặc thù về thi hiếu thẩm mỹ - thị hiếu nghệ thuật như vừa trình bày - chưa được đáp ứng đúng mức. Công bằng mà nói thì lứa tuổi mới lớn đã bắt đầu được chăm chút hơn. Ngày càng có nhiều cuốn sách có chất lượng nghệ thuật cao, nội dung phù hợp với tính chất của lứa tuổi này.

    Thanh niên ngày nay sống giữa kỷ nguyên thông tin mà lại mang mặc cảm có phần thiệt thòi hơn thế hệ cha anh họ. Chẳng hạn, trong cuộc sống, không phải họ chưa từng ngưỡng mộ những con người tài đức vẹn toàn, đang lao động quên mình vì sự giàu mạnh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, song hầu như họ chưa hề bắt gặp những hình ảnh đáng yêu ấy trong thế giới nghệ thuật. Có thể nói điều bất cập lớn nhất của sách dành cho thanh niên hiện nay là sự thiếu vắng hình tượng anh hùng có chiều sâu tư tướng, có tầm cao triết lý, có số phận cá nhân mang tính thẩm mỹ và có sức mạnh nghệ thuật khả dĩ hấp dẫn độc giả thanh niên đương thời.



    Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Một cách tiếp thị sách thiếu cân đối, chỉ thiên về kinh doanh mặt hàng sách học. Một sự đánh giá không chính xác của người viết đối với thị hiếu thẩm mỹ - thị hiếu nghệ thuật của thanh niên, chỉ thấy và khai thác phần thị hiếu không lành mạnh. Rồi sự áp đảo của văn hóa nghe - nhìn đối với văn hóa đọc trong bản thân độc giả .trẻ tuổi. Còn có thể kể thêm nhiều lý do khác nữa, trong đó có lý do thuộc về chỗ đọc. Ở phương Tây, khi một cuốn tiểu thuyết được in ra thì ngoài khổ sách thông thường còn có một khổ sách nhỏ hơn, gọn gàng hơn để bỏ túi. Bỏ vừa trong túi là để phục vụ nhu cầu đọc sách tranh thủ của phần đông độc giả: đọc lúc chờ xe buýt, đọc khi ngồi hàng giờ trên máy bay và còn có thể đọc ở nhiều nơi chốn khác.

    Có nhiều chỗ đọc như vậy nhưng họ vẫn rất coi trọng chỗ đọc - thu viện. Đi thăm nước Mỹ về, nhà thờ Vũ Quần Phương đã mô tả một trong những chỗ đọc - thư viện nổi tiếng của giáo dục đại học Hoa Kỳ như sau: "Thư viện Trường San Diego ngự trong một tòa nhà dáng lạ, như cây nấm khổng lồ. Ngay tiền sảnh, một tấm ảnh lớn choán cả bức tường: Mặt biển và bầu trời. Biển mênh mông và trời cũng mênh mông. Bóng người bé tí phía dưới, vươn hai tay lên trời và đang lao người về phía biển. Một biểu tượng khát vọng trí tuệ của con người trước mênh mông kiến thức nhân loại. Bức tường đối diện vẽ bốn cây bút sắt bút chì dựng đứng, vươn từ nền nhà lên tới trần cao". Người Việt Nam mình vốn không có thói quen đọc sách kiểu tranh thủ như người phương Tây, nếu buộc phải tranh thủ thì chủ yếu là chúng ta đọc báo. Cho nên ở nước ta, chỗ đọc - thư viện chính là "mặt tiền" của văn hóa đọc Địa phương nào có được một chỗ đọc - thư viện hiện đại và tầm cỡ như thư viện Trường San Diego, có được một chỗ đọc - thư viện mà khi đến đó khách phương xa sẽ có dịp tận mắt chứng kiến sự ham mê và trân trọng tri thức của người dân - thì thật đáng tự hào về văn hóa. Tất nhiên đi liền với cái chỗ đọc - thư viện để đời ấy, chúng ta còn phải ra sức làm một việc khó hơn nhiều là nâng cao văn hóa đọc nói chung, văn hóa đọc sách nói riêng sao cho đông đảo nhân dân - nhất là thế hệ thanh niên - không bao giờ cảm thấy xa lạ với sự uyên bác và với văn chương.

    Posted by vnn
     
    lanphuongphan thích bài này.
  5. Foli

    Foli Lớp 11

    Văn hóa đọc trong bối cảnh bùng nổ truyền thông
    Nguyễn Hữu Giới
    Tạp chí Văn hóa nghệ thuật

    Trong nửa sau của thế kỷ 20, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nhất là sự bùng nổ thông tin với sự xuất hiện của vô tuyến truyền hình, video và các phương tiện nghe nhìn khác, đã khiến người ta tập trung vào số phận của sách: Liệu có phải sách đang mất dần vị trí độc tôn của nó trong nền văn hóa hay không?
    Mặc dù vài chục năm trở lại đây, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học và kỹ thuật - nhất là kỹ thuật in ấn - đã cho phép người đọc rộng rãi có được những cuốn sách hay, sách đẹp, có chất lượng tốt. Nhưng ngày nay, người ta cũng đang nói tới một cuộc cách mạng về sách dưới dạng sách báo điện tử. Có thể sẽ là một triển vọng tốt và biết đâu nó cũng hết sức thuận lợi cho người đọc trong tương lai? Chẳng hạn ở nhiều nước phát triển, người đọc hôm nay có thể ngồi tại nhà hay tại công sở, chỉ cần vào mạng internet là có thể tìm đọc những cuốn sách mình muốn, không cần phải tới thư viện. Song chính điều đó cũng hàm chứa và tiềm ẩn một nguy cơ làm thay đổi hẳn diện mạo của cuốn sách truyền thống.

    Vấn đề chính có lẽ là ở chỗ những hạn chế trong khuôn khổ vật chất tạo nên bản thân cuốn sách truyền thống. Hiểu một cách thuần túy, sách chỉ là những tờ giấy, trên đó bằng cách này hay cách khác, thông qua ngôn ngữ được coi là những hệ thống tín hiệu, những ý nghĩ, thông tin được truyền đạt cho một đối tượng và đối tượng ấy sẽ nhận thức được vấn đề.

    Còn khi truyền một tin tức hay một thông báo bằng hình ảnh, âm thanh thì phương tiện truyền tin sẽ có ít nhiều ảnh hưởng đến bản thân nội dung thông báo đó, tùy thuộc vào các phẩm chất ưu việt của phương tiện nghe nhìn ấy. Trong trường hợp này thì cuốn sách dẫu hay và đẹp đến mấy cũng không thể sánh nổi với màn hình ti vi màu hay băng video, VCD về sự hấp dẫn.

    Thêm vào đó, các phương tiện nghe nhìn (tivi, video, đài phát thanh…) ít làm tốn sức trí óc và thời gian hơn cho mọi người so với việc đọc sách báo. Và nói chung đọc sách thường phải tập trung tư tưởng, trí óc, còn thưởng thức nghệ thuật nghe nhìn, con người vẫn có thể kết hợp với những việc khác theo một hình thức và mức độ nào đó. Làm việc hay ăn uống, hai việc chính của con người, vẫn có thể phần nào kết hợp xem tivi hoặc nghe nhạc, nghe đài. Rõ ràng là so với việc đọc sách báo, phương tiện nghe nhìn có những lợi thế hơn và phù hợp, thuận tiện hơn với nhịp sống hiện đại, khi mà đối với con người hiện nay, quĩ thời gian cho việc nghỉ ngơi, giải trí sau những giờ lao động, làm việc căng thẳng còn quá ít ỏi.

    Nói như vậy không có nghĩa là sách đang đánh mất dần vị trí của nó trong đời sống xã hội. Nói một cách công bằng, sách vẫn có những ưu thế tuyệt vời của nó. Bởi ngoài đặc tính vật chất, giá trị văn hóa, sách còn có những đặc tính tinh thần to lớn. Nếu những họa tiết, trang trí ở ngoài bìa mỗi cuốn sách thu hút tâm trí và sự tò mò của người đời bao nhiêu, thì cái cốt lõi nội dung tư tưởng và những kiến thức và cuốn sách đang chứa đựng bên trong mới đích thực là nguồn nam châm mạnh mẽ thu hút tâm trí của người đọc bấy nhiêu.

    Chúng ta thừa nhận rằng trong thời đại bùng nổ thông tin, sách và ấn phẩm báo chí thì nhiều, nhưng quyền hưởng thụ văn hóa của nhân dân thì vẫn còn khoảng cách khá xa giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt là với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trước tình hình đó, nhiều tờ báo đã tìm cách hạ giá bán để báo có thể đến tay bà con nghèo. Nhưng đối với sách thì còn khó khăn hơn vì giá giấy, công in tăng mà sách lại in ít bản nên giá sách không thể hạ. Từ đó dẫn đến hệ quả dễ thấy là thị trường sách bị thu hẹp chưa từng có.

    Cách đây vài năm, thông thường một cuốn tiểu thuyết hoặc truyện ngắn còn được in với số lượng từ 2000 - 3000 cuốn, nay thì trừ những cuốn sách có dư luận, còn hầu hết đều được in với số lượng trên dưới 1000 cuốn. Với các tập thơ thì số lượng in càng ở mức khiêm tốn hơn: chỉ chừng 500- đến 800 cuốn. Chỉ số xuất bản đó không thể xem là bình thường với một đất nước có hơn 80 triệu dân, có truyền thống ham học và ham đọc sách như nước ta. Vậy thì có phải văn hóa đọc trong thời đại bùng nổ thông tin đang đi xuống?

    Tôi xin bày tỏ mấy suy nghĩ về những nguyên nhân trước mắt làm suy giảm sự đọc hiện nay ở nước ta.

    Một là, mặc dù lượng sách báo xuất bản ngày một nhiều nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người đọc. Vắng sách trên giá các thư viện và cửa hàng sách - nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - không hoàn toàn do thiếu người cần. Nhiều sách báo không đủ số lượng để phát hành, thậm chí có khi hết ngay ở trong thành phố, thị xã. Mặt khác, sự không đáp ứng được một phần quan trọng là do giá cả quá cao so với túi tiền eo hẹp của số đông độc giả. Là giáo viên, bác sĩ, kỹ sư… (tức đội ngũ trí thức) ở nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi xa xôi mà nhiều người vẫn nằm mơ sách báo!

    Hai là, từ ngày văn hóa nghe nhìn phát triển mạnh, nhiều người từ già đến trẻ ngại đọc sách báo (kể cả tầng lớp sinh viên, học sinh). Ban ngày bận biết bao công chuyện, tối đến về nhà, sau khi cơm nước xong là cả nhà lại dán mắt vào xem các chương trình ti vi… rồi đi ngủ. Vậy còn thời giờ đâu cho việc đọc sách báo. Chẳng cứ gì ở vùng sâu, vùng xa, mà ngay ở một số vùng nông thôn quê tôi (chỉ cách Hà Nội hai, ba chục cây số), khi được hỏi về văn hóa đọc, vẫn còn có những người quan niệm thế này: "Xưa kia thời bao cấp chỉ có cái loa, cái đài bé tí tẹo để nghe thời sự, ca nhạc. Giờ đây có cả ti vi màu để nhòm tận mắt toàn thế giới rồi, vẫn còn chưa đủ sao?". Xin thưa lại rằng: Bản thân các phương tiện nghe nhìn hiện đại ấy không giành cái việc đọc của con người, nhưng nó lại làm cho con người ta lười cái việc đọc.

    Trong xã hội thông tin hiện đại, đã bắt đầu tình trạng tràn ngập thế giới âm thanh và hình ảnh qua các phương tiện nghe nhìn, trong đó một số chức năng của việc đọc đã được các màn hình và thùng loa đảm nhận. Thời gian đọc sách và độc giả hình như đang bị co hẹp lại, dù chỉ là tương đối. Tuy nhiên, điều quan trọng là sách vẫn có những tính năng không thể thay thế được bằng các phương tiện nghe nhìn và chúng ta cần tạo ra một nhận thức rộng rãi trong xã hội về sách và thư viện như một bộ phận hữu cơ của hệ thống thông tin và giao lưu xã hội.

    Hiển nhiên là hàng ngày, trên tivi, nhất là trên các băng video, VCD, DVD… chữ vẫn xuất hiện khá nhiều và do đó mà việc đọc vẫn diễn ra như con người vẫn thở mà không quan tâm đến việc thở. Nhưng chất lượng của việc đọc ấy mang tính ngẫu nhiên, bị động. Còn việc đọc sách là một hành động có động cơ rõ ràng, có ham muốn đọc và là một quá trình thông tin. Người đọc là người tiếp nhận thông tin một cách chủ động trong quá trình tự phân tích, chọn lọc, ghi nhận, một quá trình "đối thoại ngầm" ngay cả với chính tác giả của cuốn sách. Trước thềm thiên niên kỷ mới, nhà văn hóa Hữu Ngọc có nên một câu hỏi: "Thế kỷ XXI liệu có cần đến thơ nữa không, đến văn hóa đọc nữa không?" và ông tự trả lời rằng" Có! dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưa chuộng". Còn đối với văn hóa đọc thì ông cũng khẳng định: "Bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại, đọng lại lâu bền…".

    Cho dù mai sau, khi xã hội sẽ phát triển cao hơn, con người có thể đọc sách trong thư viện điện tử hay qua mạng internet thì vẫn chắc chắn một điều là: sách vẫn không hề mất đi giá trị văn hóa truyền thống lâu đời vốn có của nó. Cái cảm giác khi ta được lật từng trang sách, tờ báo, tạp chí vẫn còn tươi nguyên mùi mực in và thơm tho mùi giấy với những trang trí, họa tiết đẹp đẽ - chứ không phải căng mắt ra để đọc chúng trên các trang màn hình máy tính - có lẽ mãi mãi vẫn là một điều thú vị vô cùng. Đơn giản bởi sách đã gắn bó với con người qua hàng ngàn năm lịch sử và cho đến tận hôm nay nó vẫn là nguồn sống quí giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể sánh được.

    Còn nếu quả thật, tivi, video và các phương tiện nghe nhìn khác đã và đang vươn lên để đáp ứng tối ưu mọi nhu cầu hưởng thụ tinh thần, tình cảm, thẩm mỹ của con người, của thời đại, thì đó cũng là niềm vui không chỉ của riêng ai mà của chung tất cả chúng ta. Nói hết sức thanh thản như thế để thấy rằng: Sách và văn hóa đọc lo mà không lo trước sự bùng nổ và lấn át mạnh mẽ của phương tiện nghe nhìn. Vấn đề còn lại chỉ là mối tương hợp giữa đặc trưng các loại hình với nhu cầu thực tế luôn luôn biến độ trong xã hội.

    Posted by vnn
     
    lanphuongphan thích bài này.
  6. Foli

    Foli Lớp 11

    Những cuốn sách kinh điển và văn hóa đọc hiện nay
    Như Bình
    Văn nghệ Công an nhân dân

    “Muốn có văn hóa thì phải được giáo dục, định hướng, bồi dưỡng nhưng bạn đọc của ta hiện nay phần nhiều bối rối, bất lực và lạc lối giữa biển sách đủ loại, đủ màu sắc, hay-dở, tốt-xấu, thật -giả lẫn lộn”, dịch giả Đoàn Tử Huyến nói.

    Cách đây 20 năm, trong 2 năm nằm trên giường bệnh, dịch giả Đoàn Tử Huyến (DG ĐTH) đã dịch kiệt tác “Nghệ nhân và Margarita” ủa một trong những nhà văn được đánh giá là lớn nhất và kỳ bí nhất của nước nga: Mikhail Bulgacov. Có thể nói, công trình dịch thuật lớn nhất và công phu nhất ông được in bằng tiếng Việt tại Nhà xuất bản Cầu Vồng ngay khi bắt đầu trào lưu Cải tổ ở Liên Xô và Đổi mới ở Việt Nam. Và sau 10 năm nữa nó được tái bản (trong Tuyển tập văn xuôi M. Bulgacov) với lượng in 1.000 bản, nhưng theo lời dịch giả lúc đó kiêm cả vai trò “đầu nậu” Đoàn Tử Huyến thì cuốn sách phải tiêu thụ trong vòng 10 năm mới hết.

    Mới đây nhân kỷ niệm 65 năm ngày tác phẩm ra đời, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông - Tây liên kết với NXB Lao Động tái bản kiệt tác này với hy vọng đưa một giá trị văn chương xuất chúng đến gần hơn nữa với bạn đọc Việt Nam, đặc biệt là bạn đọc trẻ tuổi.

    Sự thật là chưa bao giờ sách được xuất bản và phát hành rộng rãi trên thị trường như hiện nay. Điều đó đã chứng tỏ, văn hóa đọc không hề chững lại, không hề mất đi trong đời sống kinh tế thị trường. Trái lại, xét ở một góc độ nào đó, con người sau khi đã bão hòa với văn hóa nghe nhìn, có vẻ như văn hóa đọc đang dần trở lại và ổn định trong sự phát triển của xã hội.

    Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là số phận, vị trí của những cuốn sách quý, có giá trị trong đời sống văn hóa đọc hiện nay. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Đoàn Tử Huyến - Chủ tịch Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông- Tây, nơi trong những năm qua đã tổ chức xuất bản nhiều cuốn sách có giá trị được bạn đọc ghi nhận về vấn đề này.

    - Thưa ông, có một sự thật là chưa bao giờ sách được xuất bản và phát hành rộng rãi như hiện nay, đi đâu ta cũng gặp sách: trong các nhà sách sang, trong những quán sách bụi, sách bày vỉa hè, sách lang thang bán dạo.... Nhưng mặt khác, ta lại cũng nghe không ít lời than rằng lớp trẻ ngày nay đọc sách quá ít, văn hóa đọc đang ngày càng tàn lụi, bị văn hóa nghe nhìn lấn lướt... Vậy thực chất của nghịch lí này là ở đâu?

    - Có hiện tượng bề ngoài như thế, nhưng tôi không coi đây là nghịch lí. Quả là sách được in ra nhiều hơn, và số thời gian con người dành cho việc đọc ít đi, vì còn bao nhiêu thứ khác: truyền hình, báo chí, phim ảnh, ca nhạc... Nhưng tôi khẳng định rằng văn hóa đọc hiện nay vẫn tồn tại và thậm chí phát triển chứ không phải đang tàn lụi. Không phải căn cứ vào số lượng người đọc hoặc số thời gian đọc mà định giá văn hóa đọc, mà là qua chất lượng đọc, đọc cái gì, đọc như thế nào, đọc để làm gì. Bây giờ biểu tượng văn hóa đọc (người Việt) không phải là hình ảnh cậu bé cầm sách ngồi vắt vẻo lưng trâu. Đọc sách bây giờ có thể là những thư viện sang trọng, những cỗ máy tính (xách tay càng tốt)... Không cần phân định quá rạch ròi rồi e ngại văn hóa nghe nhìn. Mà quan sát thế giới, các nước tiên tiến Âu, Mỹ, xem văn hóa nghe nhìn của họ phát triển hơn mình rất nhiều, nhưng người ta vẫn đọc sách, văn hóa đọc của họ có mất đi đâu.

    - Thưa ông, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông-Tây đưa việc xuất bản các loại sách có giá trị văn hóa cao của thế giới thành chủ trương hẳn hoi, và đã tiến hành bền bỉ gần chục năm nay, vậy có phải điều đó chứng tỏ độc giả hiện nay không hề quay lưng lại với những cuốn sách được xem là “nằm phủ bụi” trên giá sách của các thư viện?

    - Chúng tôi là một tổ chức phi chính phủ tự nguyện đặt cho mình nhiệm vụ làm chiếc cầu nối nhỏ giữa các nền văn hóa Đông - Tây, giới thiệu tinh hoa văn hóa thế giới vào Việt Nam và ngược lại. Qua nhiều năm tồn tại và hoạt động trong những điều kiện khó khăn, chúng tôi đã và đang tổ chức xuất bản nhiều tủ sách, bộ sách triết học, văn hoá, lịch sử có giá trị, nhiều tác phẩm và tuyển tập tác phẩm của các nhà văn lớn trên thế giới.

    Xin kể vài cuốn gần đây thôi: đó là “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” của Lê Quang Định, bộ sách quí được soạn vào đời Gia Long nhưng 200 năm rồi chưa được dịch và phổ biến rộng rãi; là “Siêu lý tình yêu”, những tác phẩm triết- mỹ chọn lọc của nhà triết học hàng đầu nước Nga V. Soloviev; là “Tủ sách Nobel Văn học” đến nay đã ra được ba cuốn là “Các nhà văn giải Nobel”, “Tuyển tập tác phẩm Y. Kawabata” (Nhật Bản) và “Tuyển tập tác phẩm Cao Hành Kiện” (Quốc tịch Pháp gốc Trung Quốc); là “Nghệ Nhân và Margarita” của M. Bulgacov, một trong những đỉnh cao nghệ thuật ngôn từ Nga do tôi dịch...

    - Hình như loại sách này Trung tâm của ông làm để cho sang trọng “tên tuổi” mình lên chứ thực tế nhìn những cuốn sách dày cộp, nặng vài cân, giá tiền hàng trăm ngàn đồng trở lên, thậm chí cả triệu, với những cái tên không phổ biến lắm, quả là rất “ khó đọc” và “khó bán”?

    - Không phải thế đâu. Tôi tin rằng sức sống của những cuốn sách này sẽ mãi còn trong văn hóa đọc Việt Nam, dẫu đó không phải là những cuốn sách thuộc loại phổ biến rộng rãi trong bạn đọc. Đúng là những cuốn sách này chúng tôi chỉ in được với số lượng trên dưới 1.000 bản và phát hành chủ yếu vào các thư viện và cho các nhà nghiên cứu cùng những ai yêu thích và quan tâm.

    Làm những bộ sách này chúng tôi chủ yếu muốn để những giá trị văn chương, học thuật, tư tưởng của cha ông cũng như của chung nhân loại, đến được tay bạn đọc đang cần tri thức mà trong thực tế còn chưa được quan tâm. Tuy nhiên, để “sống” được, bên cạnh loại sách này, chúng tôi còn bắt buộc phải làm loại sách có tính thương mại để kinh doanh. Có thế chúng tôi mới “nuôi” được bộ máy Trung tâm, thực hiện được chủ trương chính là xuất bản những cuốn sách cao cấp mà khó bán khác. Cái khó của chúng tôi là làm thế nào để cân bằng được hai thái cực này.

    - Ví như cuốn “Nghệ Nhân và Margarita”, nghe nói 10 năm trước đây ông in 1.000 cuốn và bán mãi không hết. Bây giờ ông lại tái bản và toàn bộ nhuận bút ông lấy bằng sách để tặng cho tất cả những ai thích đọc. Có phải ông làm như vậy vì văn hóa đọc, hay vì ông... thích cho cá nhân ông?

    - Tôi mong đưa được tác phẩm này đến gần hơn nữa với bạn đọc Việt Nam, nhất là bạn đọc trẻ, thế hệ mà tôi hy vọng dễ dàng tiếp cận với nó hơn. Đáng buồn là sau 20 năm cuốn sách có mặt ở Việt Nam, tôi vẫn chưa được đọc một bài phê bình, chứ chưa nói đến một công trình nghiên cứu nào bằng tiếng Việt viết về nó cả. Thực tế là cuốn sách này khó đọc.

    Có thể nói, tôi đã tặng bạn đọc tiếng Việt nói chung một bản dịch khá công phu của tôi, và giờ đây tôi sẵn sàng tặng cả phần “vật liệu” làm nên ấn phẩm này cho những người cụ thể mong muốn đọc nó. Đương nhiên, cho tất cả mọi người như chị nói thì không thể, nhưng một số thì... không có vấn đề gì! Tôi làm như vậy là vì tôi thích, nhưng tôi thích có thêm nhiều người đọc được tác phẩm hay, và như vậy lại chính là vì văn hóa đọc.

    - Ông cho rằng cần phải có một sự định hướng cho bạn đọc, và có cách để nâng cao dần trình độ bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ, giúp họ tiếp cận được những cuốn sách kinh điển?

    - Đây là điều tôi muốn nói tới. Trong mọi lĩnh vực quản lí và tổ chức các hoạt động xã hội, vai trò của nhà nước là hết sức quan trọng. Hoạt động văn hóa đọc cũng vậy. Xã hội tri thức cần phải có các tổ chức, cơ quan làm nhiệm vụ định hướng cho bạn đọc tìm đến với những cuốn sách hay, sách có giá trị, sách cần cho mọi người, mỗi người.

    Ở Việt Nam ta, nói một cách nghiêm khắc, việc xuất bản sách tốt, phát hành và đọc sách tốt đang bị thả nổi, gần như tự phát hoàn toàn. Về xuất bản chắc là một câu chuyện khác, ở đây tôi chỉ nói về việc đọc, hay như chị nói, văn hóa đọc. Muốn có văn hóa thì phải được giáo dục, định hướng, bồi dưỡng chứ. Bạn đọc của ta hiện nay phần nhiều bối rối, bất lực và lạc lối giữa biển sách đủ loại, đủ màu sắc, hay-dở, tốt-xấu, thật -giả lẫn lộn.

    Ở các nước văn minh từ hàng trăm năm nay đã có những cơ quan ngôn luận, những tạp chí giới thiệu sách rất đáng tin cậy, do những chuyên gia có uy tín phụ trách. Sách của họ chắc chắn nhiều hơn của ta, nhưng người đọc nhờ đó mà dễ dàng tìm được cái mình cần. Còn ở ta, nói đúng ra không phải không có những cơ quan có chức năng, tôn chỉ như vậy, nhưng được thực hiện bởi những bàn tay nói thẳng ra là chưa đáng tin cậy hoặc là về trình độ, hoặc là về trách nhiệm. Xuất bản, phát hành sách phải là văn hóa, đọc sách là tìm đến văn hóa, còn định hướng cho người ta đến với văn hóa thì càng phải có văn hóa cao. Nhưng thử hỏi bạn đọc về mấy tờ tạp chí Sách của Việt Nam xem...

    Mới đây có một sự kiện lý ra đáng mừng, có thể “tôn vinh văn hóa đọc”, “tôn vinh giá trị cao quí của sách Việt Nam”, là lễ trao giải Sách Việt Nam lần thứ nhất, nhưng người ta đã thực hiện tùy tiện, để rồi rồi chìm nghỉm, chẳng để lại tiếng vang, chẳng giúp ích gì cho văn hóa đọc...

    Posted by vnn
     
    lanphuongphan thích bài này.
  7. Foli

    Foli Lớp 11

    Sách không bao giờ cũ
    Hoài Thu
    Tạp chí Ngày nay

    Bạn là "tuýp" người hoài cổ và muốn tìm lại những cuốn truyện xưa để hồi tưởng và để cho các con cháu mình học? Bạn muốn tìm một cuốn sách nhân bản cách đây vài năm nhưng không còn "ăn hàng" nữa nên người xuất bản không còn "mặn mà”. Bạn là dân kỹ thuật và muốn tìm những cuốn sách "độc”? Bạn muốn mua cho con mình cuốn truyện tranh Đôrêmon với giá bìa của một cuốn? Đơn giản hơn, bạn có cả một buổi chiều rảnh rỗi đi một mình. Vậy mới bạn đến tiệm sách cũ - nơi bạn có thể tìm những cái mình đang cần và trải qua một thời gian thật thân thiện và dễ chịu. Đi mua sách cũ, có thể coi là một thú chơi đầy văn hoá của người Sài Gòn.

    Ai mê sách cũ

    Bạn là sinh viên và đang cần mua những cuốn giáo trình với 1 /10 giá bìa. Bạn là “tuýp" người hoài cổ và muốn tìm lại những cuốn truyện xưa để hồi tưởng vò để cho các con cháu mình đọc? Bạn muốn tìm một cuốn sách nhân bản cách đây vài năm nhưng không còn “ăn hàng" nữa nên người xuất bản không còn “mặn mà”? Bạn là dân kỹ thuật và muốn tìm những cuốn sách “độc"? Bạn muốn mua cho con mười cuốn truyện tranh Đôremon với giá bìa của một cuốn? Đơn giản hơn, bạn có cả một buổi chiều rảnh rỗi đi một mình. Vậy mời bạn đến tiệm sách cũ - nơi bạn có thể tìm những cái mình đang cần và trải qua một thời gian thật thân thiện và dễ chịu.

    Vũ - cậu Sinh viên năm tư Trường Đại học Nông Lâm đang làm Luận án tốt nghiệp loay hoay suốt buổi sáng trong tiệm sách cũ để tìm những cuốn sách về kỹ thuật trồng trà và cà phê, cười toe toét: “Chị coi nè, em tìm được cả chục cuốn, cuốn nào cũng hay”. Quê của Vũ ở Bảo Lộc, Lâm Đồng vùng chuyên về trà và cò phê nhưng cậu vẫn tìm đến đây.

    Anh Chiến họa sĩ thì lại đến tiệm sách để tìm những cuốn Tạp chí kiến thức ngày nay để giải trí.

    Thi thoảng trong các gác nhỏ của những nhà sách cũ, ta có thể bắt gặp hình dáng nhỏ bé của các độc giả nhí đang ngồi xếp bằng say mê xem “Lucky Lucke”, “7 viên ngọc rồng", “Thám tử Conan"... Cầm trong tay quyểền truyện tranh là bạn có thể dễ dàng đến làm quen và trò chuyện với các bé. Bé Nhi (ngụ tại đường Lý Chính Thắng, Quận 3) kể tôi nghe bé đã đến nhà sách cũ lừ lúc bé mới 5 tuổi theo ba đi mua sách. Quen đến mức khi bé 8 tuổi ba mẹ cho phép bé đi một mình qua chọn sách mua. Nhà chật, bé mang sách đã mua đổi sách khác và cứ như thế bé hình thành mối quan hệ hai chiều với nhà sách quen. Nhà sách trên đường Lê Văn Sỹ cũng có hai khách hàng rất độc đáo: ông cháu bé Minh nhà nghe khu giáo xứ Bùi Phát. Đã gần 10 năm nay ông bế cháu từ lúc còn hai tuổi qua nhà sách, cô bán hàng phải bế dùm cho đến khi bé lớn tự xem và chọn sách như một tay chơi thực thụ. “Đó, nó đứng kia kìa” cô chủ tiệm chỉ tay kín đáo cho tôi xem cậu bé đeo mắt kính đang đứng lặng lẽ dò sách trên kệ. “Ông mới đi mấy tháng, nó tới đây buồn hiu”. Thiếu bóng dáng của người ông - người thầy tinh thần thân thiết hẳn bé rất buồn nhưng tôi như thấy ngọn đuốc trí thức của người ông trao cho cháu đang bừng sáng trên gương mặt cậu bé.

    Và có rất nhiều người, đến với tiệm sách cũ là để sống lại cùng những hồi ức về một thời thơ ấu.

    Tại sao sách cũ được chuộng hơn cả sách mới?

    Bạn có thể đọc “Rừng Nauy”, Thế giới phẳng vào các nhà sách lớn... để nghĩ và nhân loại trong thế kỷ XXI và ngược lại bạn chỉ có thể đến với những tiệm sách cũ để trôi về những hồi ức và khoảng không gian cách đây hàng chục, thậm chí hàng trăm năm.

    Nếu có thời gian, giở lại chồng báo cũ của những năm 50 - 60, trong một tiệm sách cũ trên đường Cách mạng tháng tám, chúng ta có thể đọc lại một số bài báo của đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân và kinh ngạc về văn phong khá hiện đại của người phụ nữ nổi tiếng này. Ngôn ngữ sắc sảo xúc tích, những câu chữ của bà về sự bình quyền của phụ nữ trong xã hội hiện đại hoàn toàn không cũ.

    Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến những tác phẩm dịch. Muộn hơn một chút, những năm 70 - 80 là thời kỳ hoàng kim của văn học dịch. Các tác phẩm của văn học Nga, Xô Viết hay văn học Pháp, được dịch khá mượt mà chau chuốt ngôn ngữ được Việt hóa một cách đáng kinh ngạc, điều đó không phải cuốn sách mới xuất bản nào cũng làm được. Các dịch giả như Lê Khánh Trường, Cao Xuân Hạo, Dương Tường là những tên tuổi được khá nhiều người mê sách cũ tín nhiệm. Các cuốn sách của những dịch giả này, mặc nhiên được coi là hàng quý!

    Nếu không mê sách cũ, bạn cũng cứ đọc thử vài trang trong các cuốn Bình minh mưa. Sông đông êm đềm. Hội chợ phù hoa... và so chúng thử với một số cuốn sách mới như Những cây cầu ở quận Medison, bạn sẽ hiểu ngay tại sao nhiều người mê sách cũ đến vậy.

    Và những người bán sách cũ!

    Có thể nói, họ là cây cầu nối hết sức đáng khâm phục cho các độc giả yêu hồi ức và những cuốn sách cũ. Trên hết mọi mục tiêu kinh doanh, họ là những người yêu sách đến mức đáng kinh ngọc. Các chủ tiệm sách cũ trên đường Cách mạng tháng tám thậm chí còn coi đây là một nghề truyền thống của gia đình. Hãy xem cách họ sắp xếp các cuốn sách cũ, trân trọng từng trang báo, từng cuốn tạp chí, bạn sẽ hiểu những tình cảm của họ dành cho sách cũ. Rải rác trên đường Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thị Minh Khai... các chủ tiệm đều không hề than thở về sự ế ẩm trong những tháng mưa hay ngày nắng gắt. Thảnh thơi ngồi trong những góc khuất, chỉ đứng lên giúp và trả lời khi người mua hỏi thăm hoặc nhờ tìm kiếm. Không có sự vồn vã thái quá của những người bán hàng chuyên nghiệp, nhưng luôn có sự thân thiện và ân cần vừa đủ để người đi tìm sách cũ hiểu rằng: giữa họ luôn có một sợi dây liên kết chặt chẽ, đó là tình yêu dành cho những cuốn sách cũ...

    Sách không bao giờ cũ, đó là món hàng đặc biệt của nhân loại sẽ còn tồn tại cùng lịch sử loài người trong trang kết bởi nó được duy trì nhu cầu theo cách rất riêng. Thế hệ đi trước đã thắp lên lửa trong tâm hồn để ngọn lửa đó duy trì sự cháy của cây đuốc tri thức cho thế hệ sau. Bằng cách đó lửa không bao giờ tắt.

    Posted by vnn
     
    lanphuongphan thích bài này.
  8. Foli

    Foli Lớp 11

    Văn hóa đọc không đơn thuần chỉ là đọc nhiều

    Một thời gian dài, lời kêu gọi cứu văn hóa đọc tập trung vào "đọc nhiều". Nhưng đến nay, "đọc gì" mới là điều quan trọng. Để định hướng cho độc giả, rất cần sự trợ giúp của các nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu. ​

    Nhiều người lên tiếng cảnh báo về tình trạng văn hóa đọc đang "lép vế" trước phương tiện nghe nhìn, Internet. Nhưng, sự thành công của các nhà sách, rầm rộ hoạt động về sách, là minh chứng cho thấy văn hóa đọc đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vị trí trong đời sống tinh thần của người dân. Thế nhưng, văn hóa đọc không chỉ đơn thuần là đọc nhiều mà còn là đọc cái gì và đọc như thế nào?

    [​IMG]
    Nhà sách trong nước ngày càng mọc nhiều hơn
    để phục vụ nhu cầu bạn đọc. Ảnh: A.V.


    Đọc theo mốt

    Thế giới phẳng là tên một cuốn sách rất thành công của nhà kinh tế -xã hội học Thomas L. Friedman. Khi được NXB Trẻ xuất bản tại Việt Nam, nó đã tạo nên một cơn sốt trong thị trường sách. Đi đâu cũng thấy hỏi nhau "Đọc Thế giới phẳng chưa?" và nhiều người xem nó như là một cuốn sách cần phải đọc khi Việt Nam gia nhập WTO.

    Tuy nhiên, trình bày những quan điểm mới lạ đối với bạn đọc trong nước về xu hướng toàn cầu hóa, Thế giới phẳng không phải là một cuốn sách dễ đọc. Tại cuộc giao lưu giới thiệu về tác phẩm này do NXB Trẻ tổ chức, bạn Thùy Trang, sinh viên năm 2 ĐH Kinh tế TP HCM, đã thú nhận "không hiểu hầu hết tư tưởng của tác giả".

    Đây cũng là tâm lý chung của rất nhiều bạn trẻ khi đọc tác phẩm trên cũng như một tác phẩm khác rất nổi tiếng của Friedman là Chiếc Lexus và cây ôliu. Thế nhưng, không hiểu là một chuyện, đọc vẫn cứ đọc, như nhận xét của một thành viên tại diễn đàn văn học trên ttvnol.com "Ai cũng bàn về nó mà mình không đọc thì thấy lạc hậu quá mà đọc thì chẳng hiểu nó nói gì nhưng vẫn cứ phải đọc". Thế là dù không thích, không hiểu nhưng bạn đọc nhất là các bạn đọc trẻ vẫn chạy đi mua những cuốn sách mà "mọi người đều đọc" để mình không trở thành người "lạc hậu".

    Trong lĩnh vực kiến thức, nhất là kiến thức kinh tế đang là sốt hiện nay, việc đọc theo mốt còn có thể lý giải. Nhưng ngay cả trong lĩnh vực văn học, một lĩnh vực đòi hỏi sự cảm nhận của cá nhân, thì việc đọc theo mốt cũng không phải là chuyện hiếm. Cuốn tiểu thuyết Chuyện tình New York của nữ tác giả Hà Kin là một trường hợp điển hình, được quảng bá là "tác phẩm văn học Việt Nam hot nhất trên mạng", "tác phẩm từ blog đặc sắc nhất"…

    Và cũng giống như Thế giới phẳng, bạn trẻ nhất là những ai hay lên mạng Internet (mà bây giờ đã là trẻ mấy ai lại không biết mạng) đều phải ít nhất một lần nhận câu hỏi "Đọc Chuyện tình New York chưa? Chưa à, đọc đi, hay lắm"... Và cứ thế, một tác phẩm mà giới phê bình đánh giá "trung bình kém" thậm chí có cả một ấn bản "hai ngôn ngữ" khá lố lăng nhưng vẫn tà tà đứng nhất nhì trong bảng xếp hạng sách bán chạy của một trang web bán sách lớn nhất Việt Nam.

    Định hướng văn hóa đọc

    Trong một cuộc họp báo tổ chức tại TP HCM cách nay hơn một năm, giữa lúc nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu xã hội đang mạnh mẽ đưa ra ý kiến rằng: Ngày nay người ta ít đọc do bị các loại hình giải trí khác như điện ảnh, game điện tử… lôi cuốn và văn hóa đọc đang suy thoái; thì ông Phạm Minh Thuận, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát hành sách TP HCM (Fahasa) đứng lên khẳng định như đinh đóng cột: "Người dân vẫn đọc sách rất nhiều và thậm chí ngày càng nhiều hơn".

    Ông Thuận nêu chứng minh cụ thể: Chỉ tính riêng ngành phát hành sách đã thu lợi hơn 1.200 tỷ đồng mỗi năm, nhà sách mọc lên như nấm, sách cũng đa dạng hơn với các loại sách kỹ thuật số. Kể cả một minh chứng nữa không hay ho gì là: Các đầu nậu sách vẫn bất chấp tất cả để làm sách lậu vì lợi nhuận rất cao.

    Tất cả chứng tỏ một điều: Đọc sách vẫn là một nhu cầu quan trọng trong đời sống văn hóa và bất chấp những loại hình giải trí hấp dẫn khác. Và, người dân vẫn đọc sách ngày càng nhiều.

    Tuy nhiên, đọc nhiều không có nghĩa là văn hóa đọc phát triển. Điển hình như hiện tượng đọc theo mốt đang dẫn đến tình trạng bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ, đánh mất dần sự cảm nhận cái hay, cái đẹp từ chính bản thân mình, mà chuyển qua cảm nhận theo số đông. Trong trường hợp này đọc nhiều lại trở thành hại khi việc đọc chạy theo mốt sẽ dẫn đến ca ngợi theo phong trào những giá trị phi văn hóa.

    Một thời gian dài, lời kêu gọi cứu văn hóa đọc tập trung vào việc "đọc nhiều" nhưng đến nay "đọc gì" mới là điều quan trọng trong việc phục hồi văn hóa đọc. Nhưng để định hướng lại việc đọc sách, không chỉ để mặc bạn đọc tự chạy theo phong trào, rất cần sự trợ giúp của các nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu nhằm giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm thật sự có chất lượng tốt.

    (Nguồn: Tường Vy - Sài Gòn Giải Phóng)​


    Posred by quocvu2k
     
    lanphuongphan thích bài này.
  9. Foli

    Foli Lớp 11

    Văn hóa đọc truyền thống & văn hóa đọc @

    Đọc là nhu cầu văn hóa của con người. Ngày nay, với Internet, văn hóa đọc càng tiện ích. Vấn đề là làm sao giáo dục cho trẻ có sự hứng thú để tìm đọc

    Văn hóa đọc truyền thống

    Xưa kia sách không rẻ và rất quý hiếm, người biết chữ cũng ít. Cho nên sách hầu như chỉ dành cho vua chúa, quan chức, quý tộc, nhà giàu. Ngay cả kẻ sĩ cũng không thể có nhiều sách để đọc. Có lẽ vì thế mà thiên hạ quý sách, tôn sùng sách đến nỗi một số lớn sách được “nâng cấp” gọi là kinh (theo nghĩa kinh là chân lý, vì kinh chép lời thánh hiền).

    Trước đời Hán (thế kỷ 3 trước Công nguyên), giấy chưa được phát minh. Người ta viết chữ trên lụa hay thẻ tre, thẻ gỗ. Các thẻ tre, thẻ gỗ được kết lại bằng dây da bền chắc, giống những tấm mành trúc thời nay, và gọi là “sách”. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên (thế kỷ 2 trước Công nguyên), Khổng Tử ham đọc Kinh Dịch và đọc đi đọc lại đến nỗi các dây da buộc các thẻ tre bị đứt đến ba lần! Cũng theo Tư Mã Thiên, Khổng Tử có lần rời nước Lỗ sang nước Chu tìm gặp Lão Tử để học hỏi về lễ. Mà Lão Tử lại quản thủ kho sách của triều đình, nên không loại trừ khả năng Khổng Tử nhân cơ hội ấy đã xin Lão Tử cho phép ghé mắt vào kho tàng kinh sách quý giá của thiên tử.

    Khi sách quá hiếm, sở hữu được một pho sách tốt là đủ để mài giũa cho thành “chánh quả”! Có lẽ vì thế nên nhiều nhà triết học hay đạo gia Trung Quốc khi xưa, mỗi vị chỉ nhờ chuyên trị một pho kinh mà đã thành danh, bất hủ. Chả trách, trong bộ Hán thư (100 thiên hay chương) của sử gia Ban Cố (32-92), có câu này: “Di tử hoàng kim mãn doanh, bất như nhất kinh” (Để lại cho con một rương vàng chẳng bằng lưu lại một pho kinh (sách)”.

    Văn hóa đọc @

    Sách báo thời bây giờ in quá nhiều, giá cả dẫu chưa rẻ, nhưng không đến nỗi chẳng thể mua được. Tuy nhiên, có vẻ như xã hội càng tiến bộ, điều kiện tiếp cận sách báo càng dễ hơn thì con người càng coi nhẹ việc đọc sách, và hệ quả nhãn tiền đang được công luận lưu ý là con người thời đại đang suy thoái về mặt văn hóa đọc (reading culture).

    Có người “đổ thừa” rằng văn hóa đọc sở dĩ đang bị lấn lướt vì nó đang chịu áp lực từ sự tăng tốc phát triển muôn vẻ của văn hóa nghe-nhìn (audio-visual culture), mà hai thủ phạm nổi cộm nhất là truyền hình màu và Internet.

    Dường như lý lẽ trên không phải là... “hoang đường”. Quả thật, trong thời @ người ta có thể đọc sách báo bằng nhiều cách, đọc và nghe online (trực tuyến) với cả e-books lẫn audio books. Mà cách đọc thời @ cũng chứa lắm sự dở điều hay trong đó.

    Ngày xưa, để khuyến khích con cháu đọc sách, các cụ luôn nhắc câu “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” (Trong sách có sẵn người con gái mặt xinh như ngọc mỹ miều). Ngụ ý rằng ráng đọc sách, chăm học hành, mai sau thi đậu làm quan thì bấy giờ tha hồ chọn vợ đẹp. Ngày nay, Internet chẳng những cung cấp dễ dàng, mau lẹ và rẻ tiền đủ các kiểu sách báo online mà còn cám dỗ người đọc trên mạng sa chân lạc bước vào những vùng XXX với không biết bao nhiêu là nữ nhân đủ quốc tịch, chẳng những trình diện “nhan như ngọc” mà còn hào phóng phô bày thêm tất tần tật nhiều chỗ “ngọc ngà” khác nữa!

    Thử hỏi, trong một cuộc cạnh tranh không cân sức như thế, văn hóa đọc truyền thống làm sao mà chẳng sa sút?!

    Văn hóa đọc truyền thống không bị đào thải

    Khi các báo ngày phát hành thêm loại hình báo trực tuyến online, có người tưởng rằng báo in giấy sẽ mau chóng rút lui khỏi “vũ đài” ngôn luận. Nhưng sự lo xa này hóa ra cũng là... “hoang đường”. Trừ một số giới trẻ sính uống cà phê ăn sáng với laptop và công nghệ wifi trong các tiệm máy lạnh sang trọng, đại đa số quần chúng vẫn không bỏ được cái thú ngồi gác chân quán cóc bình dân, vừa nhâm nhi cà phê, vừa nghiền ngẫm tờ báo ruột của mình.

    Văn hóa đọc truyền thống cũng sẵn sàng thách thức văn hóa đọc @ ở nhiều phương diện khác. Cúp điện, hay động đất làm đứt cáp ngầm dưới đáy Thái Bình Dương, đối với sách báo in thì... vô tư. Chúng ta không thể không tán thưởng tiện ích kỳ diệu mà văn hóa đọc @ cung cấp, nhưng văn hóa @ làm sao có thể thỏa mãn cho ta cái thú nằm đong đưa trên võng dưới một tàn cây râm mát và đọc một bản văn hay, ngâm nga một bài thơ trữ tình?

    Dung hòa văn hóa đọc truyền thống với văn hóa đọc @

    Nhưng văn hóa đọc @ có một ưu thế mà văn hóa đọc truyền thống phải chào thua. Một ông nọ nghe râm ran bàn tán về quyển Ba người khác của Tô Hoài, NXB Đà Nẵng in năm 2006, bán chưa tới 35.000 đồng. Nhưng ông ở tỉnh lẻ, tìm sách không ra! Ông vào Google, lập tức tìm ra toàn văn quyển sách, lại còn kiếm thêm đủ bộ các cuộc bàn thảo của văn giới Hà Nội chung quanh tác phẩm (mà sách in không có). Ông bèn download tất, khi in lại chọn cỡ chữ Times New Roman 14 cho dễ đọc với con mắt già nua. Ông còn photocopy tặng cho mấy thân hữu ghiền sách. Tính ra một bản sách “luộc” như thế nội dung phong phú hơn sách “gin” mà tiền sao chụp chưa tới 10.000 bạc! Những kẻ về hưu, ít tiền như ông thích quá.

    Một ông khác làm nghiên cứu, những danh tác như Đông Chu liệt quốc, Việt Nam sử lược, v.v... ông đã sắm đủ bộ, đóng bìa giả da mạ chữ vàng cẩn thận. Nhưng khi dạo Internet, phát hiện bộ nào đã trở thành e-book, ông đều download và chép vào CD-Rom. Hỏi tại sao làm chuyện thừa? Ông không giấu nghề, chỉ “mánh”: Tìm một điển tích trong Đông Chu hay một sự kiện trong Sử lược, phải dò từng trang, từng dòng, mệt lắm! Có bản e-book, chỉ cần dùng công cụ tìm kiếm trên computer là thấy ngay. Đã thế, liền copy đúng đoạn văn cần dùng, dán (paste) vào bài viết của mình, khỏi phải lọ mọ gõ từng con chữ theo sách in. Tiện biết mấy!

    Thực tế cho thấy, văn hóa đọc truyền thống và văn hóa đọc @ không hoàn toàn “xung khắc” nhau, trái lại cả hai đều có thể dung hòa, hỗ trợ cho nhau. Vấn đề là biết đọc và biết khai thác. Sách in hay e-books đều chỉ là công cụ, là phương tiện. Chính con người mới làm chủ nó, quyết định cách dùng nó.

    Muốn vậy, ngay từ thơ ấu trẻ phải được bồi dưỡng văn hóa đọc từ trong gia đình thông qua chuyện kể của ông bà, cha mẹ (hoặc dùng audio books). Khi trẻ vào cấp tiểu học, chính nhà trường phải tiếp tục dẫn dắt trẻ vào thế giới của chữ nghĩa. Sách giáo khoa soạn khéo sẽ tác động, lôi cuốn trẻ dần dần thấm nhập một cách tự nhiên vào văn hóa đọc cho đến tuổi trưởng thành. Mọi lo lắng, dị ứng hay “kỳ thị” trước sự phát triển của văn hóa @ đều không cần thiết nữa.

    Nguồn : Dũ Lan Lê Anh Dũng - NLĐO

    Posted by quocvu2k
     
    lanphuongphan thích bài này.
  10. Foli

    Foli Lớp 11

    12 cuốn sách làm chấn động thế giới

    Mới đây, nhà nghiên cứu văn học người Anh Melvyn Bragg đã tiến hành một công việc có thể nói là cực kỳ khó khăn. Đó là lựa chọn ra 12 cuốn sách của xứ sở sương mù góp phần làm thay đổi thế giới.
    Sách có một sức mạnh ghê gớm. Chân lý này không ai có thể phủ nhận được. Chỉ bằng đối tượng khiêm tốn là một quyển sách thôi, tác giả có thể truyền cảm hứng để người đọc mọi giới trở nên khát khao sáng tạo. Hay thông qua công cụ tuyệt vời này, tác giả chuyển tải những tư duy của mình, tác động đền sự phát triển loài người.
    Khi nghĩ đến sự thay đổi thế giới, chắc hẳn chúng ta, những người đọc sách, liên tưởng đến những biến cố “hoành tráng” như vụ rơi thiên thạch 65 triệu năm về trước làm tuyệt chủng loài khủng long và giải phóng diện tích cho loài có vú sinh sôi nảy nở. Hay chúng ta nghĩ về những biến đổi trong Kỷ băng hà.
    Hay tình trạng toàn cầu đang nóng lên hiện nay.
    Cũng có thể, chúng ta nghĩ về những cuộc chiến tranh tàn phá mà loài người đã tự gây ra cho nhau…
    Tưởng như, một cuốn sách bình thường cầm trên tay khó có thể là chất xúc tác cho những biến đổi nghiêm trọng như trên. Nhưng đó lại là sự thật.
    Với những “con mọt sách” thì ảnh hưởng to lớn của những trang viết không phải là một kết luận mới mẻ. Sách hình thành nhận thức của chúng ta, nhờ có sách mà con người bổ sung thêm được kiến thức thông tin, mở mang những khái niệm, rèn giũa thị hiếu, kích thích cảm giác.
    Sách có thể cải thiện sức khoẻ, đem lại vui buồn hay là nguồn an ủi cho người đọc. Cao hơn thế, sách có thể đem lại cảm giác cao thượng về tinh thần và được cổ vũ, ít nhất là trong một khoảng thời gian nào đó. Đã có nhiều ví dụ chứng minh rằng việc đọc sách làm thay đổi tâm tính con người.
    Ở một cấp độ khác, trước đây và hiện nay, người ta vẫn coi sách là công cụ truyền đạt quan điểm để hình thành và cải tạo loài người. Đó thường là sách tôn giáo, giữ một vị trí xứng đáng trong hàng ngũ 12 cuốn sách có nhiều ảnh hưởng nhất.
    Bragg đã mạnh dạn mở rộng khái niệm “sách” vì nhà nghiên cứu này muốn bản danh sách phải thực sự đa dạng, bao gồm tủ sách giải trí đến nghệ thuật cao siêu, từ khoa học đến chính trị, từ xã hội đến công nghệ…
    Chẳng hạn, Bragg đã quyết định đưa vào danh sách cuốn Hiến chương tự do vì vai trò then chốt của nó trong việc tạo ra hiến pháp. Năm 1215, văn phòng hoàng gia Anh đã soạn thảo cuốn sách này dưới dạng sắc lệnh của hoàng gia, về sau văn bản đó đã trở thành tài liệu tra cứu có tầm quan trọng sống còn, là nền tảng của Hiến pháp Anh và nhiều nước khác kể cả Mỹ và Ấn Độ.
    Một vài cuốn sách mà sự góp mặt của chúng là chắc chắn như Những nguyên lý toán học của Newton (1687), Nguồn gốc các loài của Darwin (1859), Nghiên cứu về bản chất và nguồn gốc của cải của các nước của Adam Smith (1776), Nghiên cứu thực nghiệm về điện của Michael Faraday (1855) và đóng góp vĩ đại của Wiliam Tyndale trong Kinh thánh của vua James (1611).
    Đồng thời không thể nào bỏ qua chiến dịch thành công của Wiliam Wiberforce trong việc đòi bãi bỏ chế độ nô lệ. Thật ra ban đầu, đây chỉ là một bài phát biểu dài 4 tiếng đồng hồ ở Hạ nghị viện Anh năm 1789 và bài phát biểu được in ngay lập tức, trở thành cuốn sách với khí thế mang tính cách mạng còn hừng hực cho đến ngày nay.
    Cũng không thể xem thường những tư tưởng về quyền bình đẳng của phụ nữ. Về chủ đề này có những cuốn Bảo vệ quyền phụ nữ (năm 1972) của Mary Wollstonecraft và Tình vợ chồng (1918) của Mary Stopes có ảnh hưởng lớn.
    Còn trong lĩnh vực nghệ thuật và giải trí, cuốn The First Folio (1623) của Shakespeare, được công bố sau khi tác giả qua đời vẫn đang có ảnh hưởng đến tư duy của mọi người.
    Cuốn sách đầu tiên về những luật lệ của liên đoàn bóng đá (1863) đã hướng dẫn thế giới cách chơi trò chơi mà hiện đang cuốn hút hàng tỷ người trên khắp hành tinh.
    Về khoa học, Bằng phát minh máy hơi nước (1769) của Richard Arkwright chiếm vị trí quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp vẫn còn diễn ra cho đến ngày nay.
    Nhưng bản danh sách trên cũng vấp phải sự phản đối của không ít người. Nhà văn Howard Jacobson tỏ ý cực kỳ ngạc nhiên khi không có cuốn tiểu thuyết nào trong danh sách. Jacobson lập luận: “Tôi viết tiểu thuyết, anh viết tiểu thuyết, chúng ta yêu tiểu thuyết. Tiểu thuyết làm thay đổi đời tôi, thay đổi đời bạn, làm thay đổi cuộc sống hàng ngày”. Chỉ sự có mặt của Shakespeare vẫn là chưa đủ.
    Nhưng nhà nghiên cứu Bragg bảo vệ bản danh sách của mình với lý lẽ mỗi người có thể lập ra một danh sách riêng của mình và nhấn mạnh đến ý nghĩa góp phần thay đổi thế giới chứ không phải thế giới của một con người.
    Ông lập luận rằng Newton đã nâng chúng ta lên Mặt trăng, Faraday đã mang lại điện. Mary Wollstonecraf đã khởi xướng cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ, còn Mary Stopes thì đòi để phụ nữ được quyền kiểm soát đời sống tình dục của mình khi lấy chồng và tận hưởng cuộc sống đó. Albert Wiberforce đã bắt đầu đề cập đến quyền bình đẳng giữa các chủng tộc, còn Hiến chương tự do là chiếc chìa khoá trong cuộc đấu tranh chống lại ách độc tài. Các thị trường của chúng ta hoạt động theo các quy luật mà Adam Smith mường tượng. Ngôn ngữ của người Anh và tôn giáo được hình thành
    nhờ Kinh thánh của vua James.
    Tóm lại, theo Bragg, bản danh sách dưới đây có thể chưa đầy đủ nhưng trong phạm vi con số 12, nó đã phản ánh được khá chính xác quyền lực to lớn của những trang sách tác động lên nhân loại.

    1. Những nguyên lý toán học (Principia Mathematica), 1687, Isaac Newton
    2. Tình vợ chồng (Married Love), 1918, Mary Stopes
    3. Đại Hiến chương (Magna Carta), 1215.
    4. Điều lệ của liên đoàn bóng đá (Book of Rules of Asociation Football), 1863.
    5. Nguồn gốc các loài (On the Origin of Species), 1859, Chales Darwin.
    6. Về việc bãi bỏ chế độ buôn bán nô lệ (On the Abolition of the Slave Trade), 1789, Wiliam
    Wiberforce
    7. Bảo vệ quyền lợi phụ nữ (A Vindication of the Rights of Woman), 1792, Mary Wollstonecraft
    8. Những nghiên cứu thực nghiệm về điện (Experimental Researches in Electricity), 3 tập 1839, 1844,
    1855, Michael Faraday
    9. Bằng phát minh máy dệt (Patent Specification for Arkwtights Spinning Machine), 1769, Richard
    Arkwright
    10. Kinh thánh của vua James (The King James Bible), 1611, William Tynde và 54 học giả do nhà vua
    chỉ định
    11. Nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân tạo ra nguồn của cải của các dân tộc (An Inquiry into the
    Nature and Causes of the Wealth of Nations), 1766, Adam Smith
    12. The First Folio, 1623, William Shakespeare.

    Theo Văn Nghệ Trẻ

    Posted by buiquochuy
     
    lanphuongphan thích bài này.
  11. Foli

    Foli Lớp 11

    Nhân đọc về Văn hoá đọc, xin được chia sẻ một ít trải nghiệm đọc của cá nhân tôi, và xin được các bác, các bạn đánh giá về .. văn hoá đọc.

    Thực ra tôi là người đọc bình thường, không phải là người có đủ điều kiện đại diện hay phát ngôn về văn hoá đọc của công chúng, vì thế nếu post này không hợp lệ, xin mod cứ xoá.

    Nếu nói văn hoá đọc là "kiểu đọc, cách đọc" thì tôi đã và đang trải qua nhiều giai đoạn đọc khác nhau.

    Đầu tiên là: đọc ngốn ngấu, đọc vô tội vạ, đọc lấy đọc để, đọc .. để thoả mãn cơn .. đói sách. Tôi đã đọc bất cứ cuốn sách, báo, tạp chí nào lọt vào tay, miễn là chúng có chữ và nghĩa. Tôi đọc từ khá sớm, những cuốn sách đầu tiên không ngoài lẽ thường là truyện cổ tích: Nghìn lẻ một đêm, truyện cổ Grim, truyện cổ Andersen... Ngày ấy, sách không nhiều minh hoạ như bây giờ, cuốn sách nào giấy cũng xấu (trừ sách của Liên xô cũ) và không có hình ảnh minh hoạ gì. Có lẽ vì thế mà về sau tôi cũng ít quan tâm đến truyện tranh. Tuy nhiên, không vì thế mà trí tưởng tượng của tôi lại thiếu chất xúc tác, hình như truyện không tranh lại khơi mào nhiều tưởng tượng hơn hết thảy.

    Tôi nhớ có lần một „hot blogger“ ngày nay có phê phán những truyện cổ tích chỉ .. ưu ái những người đẹp, làm tổn thương những cô bé trót sinh ra không đẹp, và càng làm những người không đẹp cảm thấy mất tự tin và yếm thế. Tuy nhiên, cho phép tôi được phản đối ý kiến đó. Bởi lẽ, khi còn bé, khi đọc những trang truyện cổ tích, tôi cũng từng mơ mộng mình là công chúa. Có nhiều khi, đọc những dòng mô tả nàng Bạch Tuyết khiến tôi nhìn vào gương và tự nhủ: chỉ cần mắt mình to thêm 1 tý, cái mũi hếch này cao hơn 1 tẹo, mái tóc búp bê này dài hơn tý nữa, mình cũng sẽ như … nàng Bạch Tuyết. Hay có lần bị mẹ mắng vì mải đọc sách để cơm khê, tôi lại ước ao có Bụt hiện lên để .. biến nồi cơm nhà mình như nồi cơm Thạch Sanh không bao giờ vơi, không bao giờ cần đun, thổi mà vẫn chín, để thời gian rảnh đó tôi tha hồ đọc sách. Nói như thế để thấy rằng, cho dù không xinh, bình thường và .. là con nhà khá nghèo, tôi vẫn chưa bao giờ tự tách mình ra khỏi những nhân vật trong sách để .. ao ước hay ghen tỵ với một nàng công chúa ngủ trong rừng nào cả.

    Thời ngốn ngấu sách của tôi không nhiều sự chọn lựa. Cứ cuốn nào đến tay là đọc tất. Từ những cuốn sách cho trẻ con mà ba tôi có dụng ý mua về cho tôi, đến những cuốn sách ông mua cho chính ông đọc. Nói chung, tôi không từ một cuốn sách nào rơi vào tay, đọc không cần biết mình có .. hiểu không, sách hay hay dở. Miễn có .. chữ để đọc. Không hề có cảm giác ngại khi cầm một cuốn toàn chữ là chữ, dày cui và .. giấy đen xì. Và không chỉ đọc một lần, mà đọc đi, đọc lại. Mỗi lần lại hiểu cuốn sách hơn một tý.

    Tôi đọc mọi lúc mọi nơi. Buổi chiều trốn .. việc nhà ra vườn ngồi bên gốc ổi đọc truyện đến tận lúc nhá nhem, mắt vẫn cố dán vào những dòng chữ nhoè nhoẹt trên trang giấy đen xì đến tận lúc không nhìn thấy gì mới chịu thôi. Buổi tối thức thật khuya để tranh thủ đọc sau khi học xong bài, có nhiều khi, cuốn truyện để trong hộc bàn, cứ thế kéo ra đọc, nghe tiếng bố mẹ vào kiểm tra bài học là đóng ngăn kéo, quay trở về với trang vở đang mở trên bàn…

    Nhiều cuốn sách đọc trong giai đoạn này đến giờ vẫn nhớ: Thời niên thiếu của Hồ Chủ Tịch, Búp Sen Xanh, Tuổi thơ dữ dội, nhiều tác phẩm trong và ngoài nước... thậm chí cả những truyện diễm tình chép tay truyền nhau của bà chị học trên vài lớp cũng không thoát khỏi tay tôi. Đọc tất. Đọc tuốt. Đọc cả. Nhớ cái truyện Búp Sen Xanh viết về cuộc đời của Bác Hồ tôi đọc trong một hoàn cảnh rất .. kỳ cục. Đó là sau một trận lụt, tủ sách nhà tôi ướt nhẹp, tôi phải mang từng cuốn ra sân thượng và ban công để phơi, những cuốn sách ướt chữ cứ chồng vào nhau, nhoè nhoẹt. Tôi mở từng trang để phơi sách và tình cờ đọc được cuốn này. Không nhịn được, tôi cũng phơi mình dưới nắng vừa hong từng trang sách vừa tranh thủ đọc. Đến khi đọc xong cuốn sách thì .. tôi cũng khô cong, và hôm đó bị một trận cảm nắng .. nhừ tử.

    Giai đoạn này có thể tóm tắt lại bằng một chữ: mọt sách. Sách cho tôi nhiều cảm xúc, nuôi dưỡng trí tưởng tượng thêm phong phú, giúp tôi biết tin vào cái tốt, phê phán cái xấu, và tin tưởng vào những tương lai tốt đẹp của cuộc sống.

    Thời kỳ thứ hai là giai đoạn đọc để khám phá. Những tác phẩm "kinh điển", vì sao mà "kinh điển"? Những cuộc phiêu lưu, những vùng đất mới, những sách về khoa học, đời sống, thậm chí cả sách chuyên ngành hẹp... cũng được tôi vơ vào đọc để lấy thông tin, để hiểu. Không nhiều, những sự lựa chọn sách, chủ yếu tôi thích khoa học đời sống, sự sống, con người, sự tồn tại của tự nhiên.. và nền văn học thế giới với những tác phẩm được dịch, giới thiệu rộng rãi, đều là những đầu sách đáng quan tâm. Tôi vẫn thích đọc đi đọc lại một cuốn sách, chứ không chỉ đọc lấy "đầu sách", đếm số lượng thay thế cho chất lượng vì tôi không thể nạp vào đầu và nhớ tốt những gì đã đọc.

    Rồi tôi rời khỏi thời kỳ thứ 2 rất nhanh chóng khi cảm thấy đầu óc của mình không kham nổi sự ồ ạt của thông tin như thế, hay đúng hơn, tôi mệt mỏi vì sách và vì có nhiều những mối quan tâm khác trong cuộc sống buộc tôi phải cân bằng giữa đọc và .. làm việc/ học tập. Tôi đọc những cái "cần" chứ không phải là những cái "thích" và vì thế phải thừa nhận là hiệu quả đọc không cao.

    Thời kỳ thứ 3 đến rất .. ngớ ngẩn: Đọc theo .. phong trào. Đó là lúc .. tôi muốn chứng tỏ mình .... cập nhật với thời đại. Tôi đọc những cuốn sách "rùm beng" trên các tờ báo giới thiệu, được quảng cáo trên mạng, qua bạn bè, người quen... và muốn mình không ngoài "dòng chảy" thông tin đó nên tôi .. đọc. Thế giới phẳng, truyện của Đỗ Hoàng Diệu, những cuốn sách "best seller" đó đây, chuỗi sách của Dan Brown, Tru Tiên, Vô Cực, Chuyện tình New York của Hà Kin... đều lọt vào tầm ngắm vì .. được PR nhiều cách. Tôi đọc, hoặc khó hiểu, hoặc .. cảm thấy mỏi mệt vì cố nắm bắt tư tưởng của tác giả, hoặc .. chán ngán như nhiều cuốn được đánh giá là hay nhưng thực ra không ra ngoài được chất lượng của một entry viết tàm tạm trên blog.., tôi đọc Hồi Ký Hilary chỉ để muốn cũng có thông tin "tám" về cựu đệ nhất phu nhân của nước Mỹ, đọc Tru Tiên chỉ để muốn tám với bạn tôi rằng Tru Tiên hay hay dở, nói chung động cơ đọc của tôi không phải là vì .. sách mà vì ... muốn có cái gì đó, lạm bàn với thiên hạ cho vui . Dần dà, tôi càng .. ngại sách, ngại phải đi trong rừng những cuốn sách đua chen nhau rực rỡ màu bìa, "tít" kêu như chuông, giật gân ... mà không biết nên chọn sách như thế nào để đọc. Rồi tôi đến thời kỳ thứ 4.

    Thời của ... đọc để .. phê phán và/ hoặc nhận xét. Tôi đọc, với một cảm thức "kẻ cả", chỉ muốn biết kiểu như: văn học hiện nay đang bàn đến vấn đề gì, đi về đâu, các tác giả trẻ đang viết gì, phản ảnh điều gì ... nói chung thái độ đọc của tôi rất ... cao ngạo và ...phiến diện. Chỉ chọn độc 1 cuốn truyện ngắn hay của 1 năm nào đó, rồi thì ... phán luôn là văn học trong năm là như thế như thế ... Hoặc giả đọc đôi ba dòng tóm lược văn chương, và cho rằng mình đủ .. đoán được xu thế của văn học đang diễn tiến...

    Sau cùng, là giai đoạn hiện tại: giai đoạn 5. Tôi quay về với những câu chuyện dành cho trẻ con và cảm thấy rất .. thoải mái. Tôi không chạy đua theo những tác phẩm thời thượng nữa, trái lại tôi cảm thấy tìm về với sách như tìm về tuổi thơ. Tôi đọc những cuốn truyện một thời bé tý đã từng mê mẩn, không quan tâm rằng tôi đã qua từ lâu cái tuổi .. đọc loại truyện đó. Sách truyện như một người bạn nhỏ, thân thiện và không kém phần lý thú. Bạn đọc Hoàng tử bé đi nhé, không chỉ đơn giản là cho trẻ con, đúng không? Bạn đọc lại một câu chuyện cũ, và tự dưng được pha lẫn giữa cảm xúc ngày thơ bé với câu chuyện đó, rồi lại được soi rọi nó với nhận thức của hiện tại... cho một cảm nhận thú vị vô cùng. Doremon, Tứ Quái, Hoàng Tử Bé, Loạt truyện của Nguyễn Nhật Ánh... hoặc là tôi chỉ chọn những tác giả quen thuộc, những người mà trước đây đã khẳng định tên tuổi qua những tác phẩm tốt. Bởi vì như tôi đã nói, tôi quá lười với việc chọn sách giữa một rừng sách đua sắc mà chẳng biết có khoe hương. Và đúng là tôi ngại đọc. Ngại những tác phẩm đòi hỏi đầu óc phải tư duy nhiều, chứa đựng nhiều thông điệp...

    Bạn sẽ thắc mắc là tôi bao nhiêu tuổi mà .. tự dưng lại có nhiều thời kỳ với nhiều kiểu đọc như thế? Liệu tôi có là 1 kẻ già nua trong thế giới đọc này không? Thưa không, tôi chỉ mới trong ngoài 30 tuổi với khoảng chừng hơn 20 năm đọc sách. Nhưng nếu chỉ xét trong ý thức đọc, chắc hẳn tôi đã quá già nua, vì không còn thôi thúc đọc sách vì những điều tốt đẹp như các tác giả đang bàn về văn hoá đọc như trước.

    Vậy câu hỏi của tôi đến giờ này vẫn là: văn hoá đọc là gì? Là kiểu đọc, cách đọc nói chung, hay nhất thiết phải là kiểu đọc.. tốt, cách đọc .. lành mạnh hay gì gì khác?

    Nói về nội dung sách, tôi chỉ đọc cái tôi "thích", (bị buộc) đọc cái tôi "cần" và nếu được chọn lựa, không bao giờ đọc cái tôi không thích.

    Nói về ..thái độ đối với sách: tôi quăng sách trên sàn nhà, trong phòng ... tắm, trên bàn, trên giường, dưới đất .. vì tôi cũng đã lê la đủ hết mọi góc đó để đọc, tóm lại sách có mặt ở nơi nào tôi có mặt. Tôi xài xể nó khi .. tôi xài xể chính tôi.

    Nói về sự ghi chép khi đọc: không bao giờ.

    Tôi cần gì ở sách? Đó, tuỳ theo từng giai đoạn, tôi lại cần sách theo một kiểu khác nhau.

    Cuối cùng, tôi không có ý chê bai riêng 1 cuốn sách nào, không "khoe" mình đọc nhiều vì thế tôi không liệt kê các đầu sách, và tôi cũng không muốn đề cao mình trong khái niệm: đọc là ... hành vi có văn hoá.

    Tôi chỉ muốn hỏi và tự hỏi: Đọc sách, như tôi, liệu có phải là một cách đọc có văn hoá?

    Xin cảm ơn các bạn đọc bài này.

    Posted by Bim_HF
     
    lanphuongphan thích bài này.
  12. Foli

    Foli Lớp 11

    ĐỌC THẦM
    (Phạm Toàn)
    Tác phẩm Bàn về tự do của John Stuart Mill (1806-1873), một nhà triết học thực chứng, một nhà logic học, nhà kinh tế học, nhà chính luận và nhà hoạt động xã hội người Anh, được xuất bản lần đầu tiên tại Anh vào năm 1859.
    Thay vì nói ra những lời đẹp đẽ và to tát về nền văn hoá đọc, ta tìm đến những giải pháp kỹ thuật-nghiệp vụ giản dị và khả thi, đủ sức trao vào tay các giáo viên bình thường nhất, để họ sẽ huấn luyện và tạo ra ở con em một cách đọc mang tính văn hoá đọc.
    Giải pháp đầu tiên thật vô cùng đơn giản, ấy là dạy con em ngay từ lớp Một đã phải có kỹ năng và có thói quen đọc thầm.
    Văn hóa đọc là gì? Nếu chỉ tham chiếu một cuốn sách đầy tham vọng về văn hoá đọc tên là Khoái cảm văn chương, (JOHN COWPER POWYS, Les Plaisirs de la littérature, nguyên bản tiếng Anh. Bản dịch tiếng Pháp của nhà xuất bản L’AGE D’HOMME, Lausanne, Thụy Sĩ, 1995) mà riêng phần dẫn luận đồ sộ nói về Đọc là gì nôm na ra là thú vui đọc sách đã dài đến sốt ruột, ta sẽ thấy có lẽ trên đời chỉ còn tác giả sách đó là đủ những tiêu chuẩn của một người biết đọc sách!
    Thời đại mới không cốt đem lại thú vui đọc sách cho một tầng lớp dài lưng tốn vải coi mọi chuyện đều thấp hèn duy chỉ có đọc sách là cao sang, vạn ban giai hạ thử, duy hữu độc thư cao. Thời đại mới còn nỗi lo to đùng khác, lo rằng nếu không có những giải pháp đưa nền “văn hóa đọc” chiếm lĩnh tâm trí đại chúng, thì cái gọi bằng nền “văn hóa nghe-nhìn” sẽ ở vào thế thượng phong rồi trở thành thế độc tôn, để rồi sau đó các bậc cha mẹ chỉ còn một con đường, hoặc là lười biếng dễ dãi chia sẻ các công cụ đa phương tiện với con cái, hoặc là chư vị chịu nhận tiếng “khốt-ta-bít” rồi lủi thủi đọc sách một mình và thở than con trẻ bây giờ ít đọc sách quá, chẳng như ngày xưa...
    ***
    Có thể nói nếu thay vì nói ra những lời đẹp đẽ và to tát về nền văn hoá đọc, ta tìm đến những giải pháp kỹ thuật-nghiệp vụ giản dị và khả thi, đủ sức trao vào tay các giáo viên bình thường nhất, để họ sẽ huấn luyện và tạo ra ở con em một cách đọc mang tính văn hoá đọc.
    Giải pháp đầu tiên thật vô cùng đơn giản, ấy là dạy con em ngay từ lớp Một đã phải có kỹ năng và có thói quen đọc thầm. Đọc thầm nghĩa là đọc chỉ bằng cách di chuyển con ngươi của mắt, thay cho lối đọc nghêu ngao nhân chi sơ tính bản thiện, thiên giời địa đất cử cất tồn còn... thay cho cả lối vừa đọc vừa di chuyển ngón tay để chỉ từng chữ và đánh vần từng tiếng. Đọc thầm tạo ra tốc độ đọc, là điều kiện vô cùng cần thiết để có sự đọc nhận thức vì đọc chậm chính là nguyên nhân gây nên điều nhận thức quái đản rắn là một loài bò...
    Đọc thầm và đọc nhận thức còn hàm chứa một thao tác khác ngay trong khi đọc, tưởng tượng. Thao tác tưởng tượng không chỉ diễn ra khi đọc các tác phẩm của tưởng tượng, thí dụ khi đọc tiểu thuyết. Nó diễn ra ngay cả khi đọc các tác phẩm khoa học tự nhiên và lô gích. Nhờ thao tác tưởng tượng mà khi đọc Darwin người đọc sẽ hình dung được sự tiến hóa như thể chính mình cũng đang được sống trong guồng phát triển đó. Nhờ tưởng tượng mà người đọc về cơ học lượng tử sẽ hình dung được bản chất của vật chất mà những công thức tính toán kèm theo sẽ chỉ tương tự như là những minh họa trong các tác phẩm nghệ thuật. Còn với những tác phẩm của tưởng tượng (fiction) người đọc sẽ nhìn thấy rõ mồn một những con người, những hành động, những tình cảnh chỉ thông qua các miêu tả bằng những con chữ. Vì thế, ta sẽ thấy văn hoá đọc cực kỳ dị ứng với thể loại tranh truyện đã bị lạm dụng (lấy chữ minh họa cho hình thay vì hình loáng thoáng minh họa nội dung cuốn sách được mô tả hoàn toàn bằng chữ, những minh họa chỉ làm đẹp mà không làm hại bao nhiêu cho tưởng tượng).
    Đọc thầm còn là công cụ cho suy ngẫm. Tại sao? Trước hết, tại vì khi đọc thầm con người hoạt động hoàn toàn tự lập, tự chủ, là cái nền cho suy tưởng. Sau đó, còn tại vì khi đọc thầm con người không bị lãng trí vì âm thanh do mình gây ra hoặc do người bên cạnh phát âm gây ra. Và sau nữa, đọc thầm bằng mắt với những con chữ khiến người đọc thoát khỏi sự lười biếng của kẻ đọc truyện tranh, và người đọc càng miên man theo văn bản càng bị bám theo những vấn đề nảy sinh trong văn bản đó. Mà khi đã là vấn đề thì sẽ có biện luận, có đôi co, có cảm thông, có thỏa hiệp, có khẳng định, có chiến thắng – dù là chiến thắng ảo, chiến thắng mà không có “quân địch” giơ tay xin hàng trước mặt – song đó lại chính là những yếu tố của suy ngẫm đọc.
    Đọc thầm, đọc bằng tưởng tượng và đọc suy ngẫm sẽ dẫn đến kỹ năng tìm thông tin và chia sẻ thông tin là những yếu tố giúp cho con người của văn hóa đọc vừa biết co lại trong cái vỏ cá nhân tự lập vừa biết rộng mở tâm hồn trứoc những luồng gió mới. Đó là hai mặt của các thành phần trí khôn đã được Howard Gardner gọi bằng trí khôn cá nhân hướng nội và trí khôn cá nhân hướng ngoại. (Cf. Howard Gardner, Cơ cấu trí khôn, Phạm Toàn dịch, 450 trang, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1996, 1997).
    Có một nền văn hóa đọc phát triển đúng hướng sẽ không xung đột với nền văn hóa nghe-nhìn mà ngược lại nếu ở trạng thái lý tưởng tối ưu, văn hóa đọc sẽ khiến cho văn hóa nghe-nhìn có bề sâu hơn, và mặt khác, văn hóa nghe-nhìn sẽ buộc văn hóa đọc chuyển mình cho thành nhẹ nhõm hơn, năng động hơn và hấp dẫn hơn. Những tiểu thuyết trường thiên thởi nảo thời nào sẽ được thay bằng tiểu thuyết cỡ Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Và những bộ phim sê-ri cũng sẽ bớt đi thói huênh hoang không bị kiểm soát để chắt lọc nhiều thế thái nhân tình hơn.
    ***
    Về nguyên tắc, một nền giáo dục lành mạnh được các nhà sư phạm thật sự có năng lực sư phạm hiện đại điều hành, sẽ giúp học sinh ngay từ lớp Hai đã bắt đầu có những kỹ năng đọc như vừa miêu tả.
    Tiếc rằng, khó có thể ca tụng một thực tại sư phạm như bao nhiêu năm nay nó đã diễn ra và vẫn còn đang diễn ra.
    Chẳng hạn, một nhà giáo tương lai cần phải biết vì sao và làm cách nào dạy trẻ em ngay từ lớp Một đã có năng lực đọc thầm. Trường sư phạm đã dạy cho sinh viên đủ thứ, nào ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, văn bản, nhưng nó hoàn toàn không dạy cho giáo sinh biết sinh lý của mắt khi đọc. Tất nhiên, giáo viên ra trường sẽ không biết rằng khi ta đọc con mắt của người đọc dịch chuyển theo những bước nhảy ôm gọn từng lúc dăm ba tiếng, chứ con mắt ta khi đọc không dịch chuyển từ từ dần dần theo từng tiếng. Sinh lý đọc như vậy của mắt khiến tốc độ đọc nhanh, đồng thời khi nó ôm gọn một nhóm từ cũng có nghĩa là nó ôm gọn những nét nghĩa, và đó chính là cơ sở của đọc nhận thức. Thế rồi, không được trang bị đầy đủ và đúng mức cho tới khi các giáo viên đó ra trường, càng tích cực bao nhiêu họ lại càng “chăm sóc” con trẻ bấy nhiêu bằng cách bắt ép các em khi đọc phải lấy ngón tay mà di di theo từng chữ, để rồi hệ quả là ngay những em có khả năng hoặc muốn đọc nhanh thì cũng bị “bó phanh” hoặc bị “bắn tốc độ”.
    Trường sư phạm vốn là nơi nghiên cứu và phát triển tâm lý học dạy học song cũng lại càng không bao giờ dạy cho giáo sinh về tâm lý học của việc đọc. Giáo viên ra trường thừa đủ sức bắt chước các thầy mình và có sẵn cả năng lực tán dóc về vẻ đẹp của tiếng Việt, nhưng họ lại hoàn toàn thiếu kỹ năng dạy đọc theo đúng tinh thần và đòi hỏi của một nền “văn hóa đọc”. Họ lúng túng khi thấy học trò mình mê mải đọc truyện tranh và không biết phải làm cách nào để điều hòa hoặc sửa chữa tình trạng đó. Họ không biết nên họ hoàn toàn coi nhẹ những yêu cầu của việc đọc và tưởng tượng, đọc và suy ngẫm, đọc và biện luận, đọc và chia sẻ... theo đúng sự phát triển tâm lý của việc đọc theo tinh thần của nền “văn hóa đọc”.
    Người ta đang đổ tội cho “kinh tế thị trường” khiến văn hóa nghe-nhìn át mất văn hóa đọc. Người ta chưa chịu tìm vào cội rễ mang tính nghiệp vụ sư phạm của vấn đề. Bao giờ thì hy vọng sửa chữa được tình trạng đó? Hãy nhìn vào những bộ sách giáo khoa ngữ-văn cải cách đương thời thì sẽ có câu trả lời.

    Posted by ntt_nguyen
     
  13. Foli

    Foli Lớp 11

    Còn căn phòng nào cấm nữa không thưa mẹ?

    Thưa mẹ.

    Mẹ mất đã hơn 20 năm rồi. Con cũng đã gần…60 năm cuộc đời rồi. Mẹ đã lên cõi tiên, người tiên không trách người trần vậy con xin phép cho con … được "phê bình" mẹ một vụ mà con ấm ức mãi. Vụ đó lớn lên con mới hiểu.

    Thưa mẹ.

    Mẹ nỡ nào gạt thằng con bé bỏng của mẹ. Có thằng nhỏ nào mà không hiếu động, ham chơi, lười học. Thà mẹ phạt con quì gối úp mặt vào tường hay cho vài cái roi mây quắn đít. Nhưng mẹ không làm thế, mẹ chả làm gì ngoài cấm con được vào căn phòng cấm duy nhất trong nhà [mà khi vào con mới biết nó có to lớn gì đâu chỉ 8 mét vuông với toàn là kệ gỗ]. Mẹ cấm vào nhưng đi chợ thì để chìa khóa ngay trong ổ khóa, tất nhiên là con vào. Cái gì cấm càng thích vào. Trong ấy có gì? Chỉ toàn sách là sách thứ mà con toàn phải đi thuê ở ngoài cớ sao mẹ giấu con? Cái kho tàng số một thế gian ấy thua gì cái hang chứa vàng của Alibaba và 40 tên cướp. Phẻ ! Thế là con đọc hết Tam Quốc Chí lúc 10 tuổi, đọc hết Đông Chu Liệt Quốc, Thủy Hử lúc 12 tuổi, đọc Mark Twain, Jack Lon Don khi 14 tuổi. Căn phòng bí mật của mẹ hết còn bí mật rồi nhá, con đã đột nhập được từ lâu rồi nhá. Mà mẹ vẫn không hề hay biết nhá. Sướng thật!

    Thưa mẹ.

    Nhưng trứng gà sao khôn hơn gà mẹ được. Khi 20 tuổi con nhận ra mình đã bị mẹ hiền gạt. Thì ra mẹ muốn con đọc sách, muốn con bớt lêu lổng nên giả vờ cấm con vào nơi mẹ rất muốn con vào. Mẹ giả vờ quên chìa khóa. Mẹ biết hết, mẹ cười thầm…

    Nhưng điều con “phê bình” mẹ chính là vì cứ tưởng mình đột nhập được cái kho báu ấy, để mẹ không phát hiện, con đã đọc hết bao nhiêu cuốn sách trong phòng ấy … trong bóng tối, con không dám bật đèn. Kết quả: Mẹ đã tặng con cái kính cận dày cộm khi con chỉ 14 tuổi rưỡi. Hai cái “đít chai” dày thêm mỗi tháng, mỗi năm. Nó đã nằm trên sống mũi của con suốt đời. Bây giờ hết cận thì con qua…kính lão, có bỏ được đâu cơ chứ.

    Nhưng con biết khi còn sống mẹ cũng ân hận vì điều ấy. Mỗi lần đưa con đi thay kính mẹ lại thở dài.

    Thôi thì phê bình thì phê bình.

    Mẹ chẳng còn nữa mà nghe phê bình.

    Và tiếng thở dài rất khẽ ấy…

    Nếu mẹ còn, con sẽ bước đến ôm vai mẹ thì thầm “còn căn phòng nào cấm nữa không hiền mẫu ?”

    [tháng bảy âm lịch 2010]

    đỗ trung quân
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Posted by vnn
     
  14. Foli

    Foli Lớp 11

    Về cái sự ĐỌC của mình, chẳng biết là văn hoá đến đâu, xin chia sẻ với các bạn tí chút... .^^.

    Văn hoá đọc, mình nghĩ mỗi người chúng ta có tính cách riêng thì cũng có thái độ, có cách đọc riêng. Chẳng có gì là sai hay đúng khi bạn thích loại sách nào, bạn đối xử với nó như thế nào (để rách nát tả tơi vì tha lôi đi khắp nơi, nghiền ngẫm nhiều lần, hay là mới tinh vì lúc nào cũng được chủ nhân gìn giữ), hay bạn đọc nó ở đâu (trên bàn, trên giường ngủ, trong toilet, trong...giờ hoc, giờ ngủ, giờ làm), bởi vì nó phản ánh chính bản thân bạn. Cũng như là tình yêu thì có nhiều cách thể hiện, với việc ĐỌC cũng thế.

    Mình mê đọc từ lúc bắt đầu biết đọc chữ. Mỗi lần được bố mẹ vui lên hỏi muốn được thưởng gì, thích quà gì, câu trả lời duy nhất luôn là truyện. Thế là học lớp 3 thì giá sách có gần trăm quyển. Đầu tiên là truyện tranh mong mỏng, cả Việt Nam lẫn thế giới, sau đó là truyện chữ mỏng, rồi dày. Mình nhớ mãi có lần mẹ đi công tác Hà Nội, mua về cho một bộ truyện cổ tích dày cộp, nhìn mà thèm, nhưng mẹ giấu đi, lâu lâu mới cho đọc một quyển. Tìm ra chỗ giấu và nghiền hết cả bộ 5 quyển trước khi mẹ đưa cho quyển thứ hai, mình đọc mọi lúc có thể. Ôm một quyển truyện quý giá đến lớp, đọc trong giờ và bị cô phát hiện, cô bắt nộp lên bàn cô. Con bé gan lì nói "không" và nhét quyển truyện vào ngăn bàn, mặc kệ cô nhắc lại yêu cầu đến 4-5 lần, nhất định không nộp, vì biết rằng nộp là mất. Thế mà rồi cô cũng bỏ qua.

    Lớp 5, xóm xuất hiện một hàng thuê truyện, nghe đâu anh chủ quán ở tận Hà Nội về, chở lên một gia tài mà bọn trẻ con vô cùng ngưỡng mộ, một gian hàng toàn sách là sách. Anh chủ hàng dễ mến, giá thuê 200 đồng một cuốn, mỏng thì 100 đồng, thuê vài ba cuốn sẽ được mượn thêm một cuốn mỏng không tính tiền, đứa nào cũng háo hức. Giấc mơ kết thúc khi anh ta không trả nổi tiền thuê nhà và bỏ đi nơi khác. Ôi cái hồi ấy, mình đọc tất cả những gì mình có được, lục lọi sách cũ trong nhà, những quyển Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt, Nữ tướng Fulro, Huyền Trân công chúa, truyền thuyết Hùng Vương,... của ông ngoại, giấy vàng như giấy gói hàng, chữ li ti nhoè nhoẹt, thế mà mình đã bao nhiêu đêm dí mắt vào đọc dưới ánh đèn... ngủ!

    Lớp 8, thư viện tỉnh mở cửa, chỉ tốn có 5.000 đồng để làm thẻ thư viện, và 30.000 đồng để đặt cược, có thể tha hồ thả sức đọc đến chán chê, rồi được mượn mỗi lần 3 quyển về nhà. Gắn với thư viện là mùa hè mình đã đọc được bộ Sáu người bạn đồng hành, Anh em sinh đôi, Tứ quái. Truyện tranh Nhật bắt đầu đổ bộ, nhưng chưa ngập tràn như bây giờ, mình bắt đầu tiêu tiền ăn sáng vào việc thuê truyện. Truyện tranh gây được sự yêu thích với mình rất nhanh, nhưng rồi nhạt đi cũng nhanh như thế, trừ một vài bộ còn đọng lại. Có lẽ ai cũng trải qua thời gian chạy theo những ham mê chóng vánh như thế, nhỉ. Dù sao, mình rất kính nể các mangaka thực thụ với những trí tưởng tượng siêu phàm. [​IMG]

    Từ lúc nào không rõ, bắt đầu đọc tiểu thuyết. Nhưng chắc chắn là cái đam mê ấy bùng nổ từ khi đi học đại học, tự tiêu tiền và bắt đầu lượn qua lượn lại phố Đinh Lễ với vẻ thèm muốn được bưng tất cả về nhà. Mình thích cảm giác đi giữa những giá sách, lướt tay trên những gáy sách, chọn ra vài quyển, ngắm nghía và, hoặc giữ lấy, hoặc đặt lại thật cẩn thận. Dù sao thích đến mấy cũng phải suy nghĩ xem tháng này mình sẽ ăn bằng cái gì đã :D. Đôi khi mình mua sách vì những lý do rất là vớ vẩn, vì cái bìa đẹp, vì một câu mà tình cờ lật ra đọc phải, vì cái bạn đứng bên cạnh mỉm cười bảo truyện đó kết thúc đẹp. Hồi mới đọc tiểu thuyết thì đọc tất, cái gì cũng nghiền. Đọc tương đối một tí thì kén chọn, chỉ chọn đọc những thứ mình thích. Bây giờ thì chỉ trừ mấy loại: 1. Truyện dễ-lấy-nước-mắt điển hình Trung Quốc; 2.Truyện motif Linda Howard, lãng mạn đặc sệt, yêu, yêu, và làm tình; 3.Truyện được hê lên ầm ĩ bởi internet (có lẽ hơi vơ đũa cả nắm, nhưng mà hầu hết). Không phải là mình không đọc, mà là đã đọc rồi để kết thúc một cách đau thương là không muốn bình luận.

    Cơ bản mình nghĩ mỗi tác phẩm đều có giá trị riêng của nó, nếu bạn thấy dở mà người khác thấy hay thì không có nghĩa một trong hai người có vấn đề, chỉ là nó có hợp với cái tạng của bạn không thôi (nói theo ý tác giả Pierre & Jean ấy). Nhiều quyển mình đọc rồi cũng không hiểu giá trị của nó, không hiểu sao nó được yêu thích, và thế là, đọc lại, đọc chậm. Rồi từ từ sẽ vỡ ra một cái gì đấy, nhỏ thôi, nhưng có thể làm mình quay ngoắt từ Không thích thành Thích, thề luôn. [​IMG]

    Về ghi chép khi đọc, mình có. Minh hay làm một booklist của tháng, ghi những quyển mình đọc được và nghĩ gì về nó, ghi những câu mà mình thích nhất trong tác phẩm, có khi là cả đoạn dài, như trong Suối nguồn của Ayn Rand. Sắp tới có lẽ mình làm cái topic về những câu mình thích nhất trong tác phẩm (kiểu như danh ngôn ý), hi vọng nhận được sự chia sẻ của các bạn. Mình là đứa luộm thuộm trong nhiều thứ, nhưng sách thì luôn được bọc bìa trong suốt hoặc bọc bằng băng dính, và luôn được kẹp kèm một bookmark khi cho mượn. Nhìn cuốn sách yêu quý của mình rách nát, tơi tả, bẩn thỉu và nhăn nhó thì xót lắm, tất nhiên chúng sẽ cũ đi, nhưng mình vẫn muốn giữ gìn nếu mình có thể.

    Posted by lys_meo
     
  15. Foli

    Foli Lớp 11

    Bây giờ ngẫm lại chuyện đọc sách hồi trước, tôi lại tủm tỉm cười một mình, vì sao mà đọc trọn vẹn một cuốn sách thuở ấy quá đỗi là khó khăn. Tôi biết có rất nhiều gia đình khuyến khích con cái đọc sách, nhưng trong nhà tôi, sách là điều cấm kị, tiểu thuyết, truyện tranh, hay bất kì những gì có chữ đều là đối tượng để các bậc phụ huynh trong nhà phát tiết cơn giận dữ, đọc trộm trong tolet, tịch thu, sách trong cặp, xé nát, phát hiện cuốn truyện cổ tích giấu sau sách giáo khoa, đốt cháy. Và, hậu quả của cái sự nghiệp "đốt sách, chôn Nho" ấy là kho báu tôi khổ công giấu giếm chẳng còn bao nhiêu.

    Hồi ấy, bất kể cầm được cái gì có chữ, lòng tôi chan chứa sự hạnh phúc tột độ, tôi đọc hết không kén chọn, ngấu nghiến và đọc cho kì được, kì xong. Những câu chuyện của Andecxen, Grim, Nghìn lẻ một đêm...đã theo tôi vào từng giấc mơ, đã cho tôi biết bao điều tưởng chừng như không thể có trong hiện thực...

    Lớn hơn một chút, biết kén chọn trong việc đọc, cuốn sách nào có phần mở đầu không hấp dẫn, không đọc, quyển nào có tình tiết không như mình mong muốn, dừng đọc, trang nào có nhân vật mình không thích, bỏ qua. Vâng, tôi đã đọc "Cuốn theo chiều gió", "Tiếng chim hót trong bụi mận gai", "Kiêu hãnh và định kiến", Đôì gió hú"...trong một tâm thế như thế. Bây giờ, ngẫm lại, mới thấy cách đọc kiểu đó thật ngu, chẳng khác nào bẻ cong đứa con tinh thần của người viết theo quan điểm chủ quan của mình. Nhưng chí ít, khi đó tôi còn yêu sách tới điên cuồng, vẫn còn cảm giác hạnh phúc khi lật giở từng trang sách, được đồng hành với từng nhân vật, tạm quên đi thời gian mà đắm chìm vào miền tưởng tượng của nhà văn.

    Thêm một vài sinh nhật trôi qua, tuổi cũng lớn hơn, sở thích đọc cũng vì thế mà thay đổi, đọc cái gì không đọc lại lao vào đọc ngôn tình tiểu thuyết Trung Quốc, motip quen thuộc, con người quen thuộc, đến tính cách cũng rập khuôn như nhau, biết thế, chán thế, nhưng vẫn đọc. Tại sao lại thế, sao lại có cái thời tôi ngao ngán trước một cuốn sách, ngại ngần vì độ dài của nó quá nhiều, vì nó là một tác phẩm mang mác "kinh điển" nhỉ, tôi thực sự không hiểu. Tôi cảm thấy bản thân thật kì lạ, đã bao lâu rồi, tôi chưa đọc một quyển sách hoàn chỉnh, mà toàn đọc lướt lấy nội dung, cái thuở đọc để ngấm, để chậm rãi cảm nhận sự tinh tế của những câu văn đậm chất tình..trôi đi đâu rồi. Tôi không hiểu, dường như đam mê đọc sách, mà tôi cứ ngỡ rằng sẽ không bao rời bỏ mình, sẽ đồng hành với mình cho tới hơi thở cuối cùng...đã biến mất không một dấu vết, đã bỏ tôi đi thật rồi.

    Vâng, tôi đang đau khổ đi tìm lại một nửa cuộc đời đã mất của mình: thú đọc sách.

    Posted by sentan123
     
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này