Thơ Việt Việt Nam thi nhân tiền chiến.Q1 <1000QSV1TVB #0077>

Thảo luận trong 'Tủ sách Thi ca' bắt đầu bởi Thu VO, 11/11/17.

Moderators: Ban Tang Du Tử
  1. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    0077.VIET NAM THI NHAN TIEN CHIEN_Q.1.PNG

    Tên sách : VIỆT–NAM THI-NHÂN TIỀN-CHIẾN Quyển Thượng
    Tác giả : NGUYỄN TẤN LONG – NGUYỄN HỮU TRỌNG
    Nhà xuất bản : SỐNG MỚI
    Năm xuất bản : 1968
    ----------------------
    Nguồn sách : Thích Đức Châu

    Đánh máy : windyclover, huonggiang, ThanhVan, cakeo, Linh_tt, Searatsuki, Kimduyen, Nhapcua, Songsongsau, Juyci, trung_luoc, thaytumap, quyche, nhnhien, Uyên Bùi, kvkhuong, mientay2012, thuhang1319, ZzmarszZ97, satsukiphan, uZumni, lovesnake289, yuubui, kimtientang, ngotheanh86, thuythaolien, 912209288

    Kiểm tra chính tả : vavavoom14, kimngan_810, retsroi, Lười Đọc Sách,
    Lại Thị Thu Hà, thaole92, Thiên Vũ, lotus, Hanna Le, Caruri,
    Trương Thu Trang, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Tuấn Anh

    Biên tập ebook : Thư Võ
    Ngày hoàn thành : 21/03/2018

    Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận
    « Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link »
    của diễn đàn TVE-4U.ORG


    Cảm ơn tác giả NGUYỄN TẤN LONG - NGUYỄN HỮU TRỌNG
    và nhà xuất bản SỐNG MỚI đã chia sẻ kiến thức đến người đọc.

    MỤC LỤC

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    TẢN-ĐÀ
    TƯƠNG–PHỐ NỮ SĨ
    PHAN KHÔI
    LƯU TRỌNG LƯ
    NGUYỄN THỊ MANH-MANH
    THẾ LỮ
    NGUYỄN NHƯỢC PHÁP
    NGUYỄN BÍNH
    THANH-TỊNH
    NGUYỄN VỸ
    T.T.KH.
    THÂM-TÂM
    VŨ HOÀNG CHƯƠNG
    XUÂN-DIỆU
    BÀNG BÁ LÂN
    ANH-THƠ NỮ SĨ
    NGUYỄN GIANG
    PHẠM ĐÌNH TÂN
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/3/18
  2. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

  3. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    Quá trình sự trưởng thành của nền thơ mới

    Trên lịch sử văn học Việt-nam, phải nói năm 1932 đã xảy ra một sự kiện quan trọng. Có thể coi đó là một biến cố lịch sử, làm đảo lộn cả khuynh hướng tư tưởng, thành hình một hướng đi mới, và mọi ý thức mới về văn nghệ.

    Nếu bảo thế hệ văn học 1932 là thời kỳ thoát thai, thì chính sự thụ thai của nó là thời kỳ 1922-1926. Vào lúc đó, chúng ta thấy những thất bại quân sự làm tắt lịm mọi niềm tin, gieo mầm chán nản vào lớp sĩ phu khiến họ không còn nghĩ đến chiến đấu. Những bậc túc nho đi tìm quên lãng trong việc khảo cứu, dịch sách, viết báo ; lớp người trẻ thì say sưa đi tìm những cảm giác thê lương, ốm yếu để rồi tự hủy mình trong tuyệt vọng trước một viễn cảnh tương lai đen tối.

    Tình trạng bi quan quá độ đó đã tạo một phản ứng nổi dậy từ cuộc sống bế tắc. Vào đêm mồng 9 tháng 2 năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Việt-nam Quốc-dân dảng, cách mạng bùng nổ ở Yên-bái, báo hiệu sự vùng dậy của toàn dân Việt-nam chống thực dân Pháp.

    Tuy thiếu tổ chức, đảng cách mạng thất bại, song cũng gây được ảnh hưởng lớn lao về tinh thần tự cường dân tộc. Cũng trong năm 1930, nhiều đảng phái mới ra đời chứng tỏ một thực trạng bị dồn nén đã đến lúc nổ tung.

    Nhận thấy tinh thần quật khởi đang bồng bột khó lòng dập tắt, nên người Pháp bắt đầu năm 1930 tỏ ra mơn trớn người Việt-nam, tung ra nhiều hứa hẹn. Đặc biệt vào năm 1932, họ lợi dụng cơ hội vua Bảo-Đại hồi hương gây thành một phong trào cởi mở giả tạo, cốt làm cho các phần tử có tinh thần quốc gia tin vào vai trò khai hóa của người Pháp sẽ đưa Việt-nam đến một tương lai rực rỡ.

    Thật vậy, không những người Pháp tỏ ra hoan hỉ, không những người dân đơn sơ tỏ ra vui mừng vì có được một vị vua đầu tiên văn minh tân tiến, mà cả dư luận báo chí toàn quốc đều hưởng ứng. Các nhật báo, tuần báo, nguyệt báo đều có những bài xã thuyết bàn về việc Bảo-Đại hồi loan coi như một biến cố chính trị quan trọng, hứa hẹn nhiều với quốc dân.

    Chủ trương của vua Bảo-Đại cũng như người Pháp lúc ấy là hô hào canh tân, xây dựng một nước Việt-nam mới. Trong bài chỉ dụ canh tân nội các, cũng như bài diễn văn đọc tại điện Cần-chính, vua Bảo-Đại nhấn mạnh đến tính cách đổi mới chế độ :

    « Chí tôi muốn từ bỏ những cách chính trị quá cũ, không thích hợp với thời đại này. Tôi muốn nước Việt-nam tiến bộ theo thời, không kém các nước khác trong thiên hạ nữa. Làm thế không phải là bạo động bách biến, mà là tuần tự canh tân. Nước không đổi mới là nước hỏng. Tôi muốn nước này được hoạt động nên đem hết quyền lực giúp cho tiến hóa, văn minh ».

    Tách rời vấn đề chính trị và xã hội, văn học Việt-nam lúc bấy giờ là thế hệ lãnh đạo của Nam-phong tạp chí. Nhiều người nói :

    « Muốn hiểu xã hội Việt-nam chỉ cần nhìn vào triều đình Huế. Muốn hiểu văn học Việt-nam thời ấy, chỉ cần nhìn vào tạp chí Nam phong. Nam phong là linh hồn văn học thế hệ 1913-1932. »

    Câu nói trên tưởng không phải quá đáng. Bởi vì từ năm 1932 trở về trước, các nhà văn chúng ta chưa có ý nghĩ viết sách, xuất bản sách, mà chỉ có thói quen viết văn trên báo. Vậy Nam phong hầu như cơ quan ngôn luận duy nhất. Nếu đem đốt hết Nam phong đi thì văn học Việt-nam thế hệ 1913-1932 sẽ rỗng tuếch, không có gì để nói nữa.

    Thật vậy, trong suốt mười chín năm, tạp chí Nam phong hầu như giữ vai trò một viên hàn lâm, uy tín Nam phong rất to tát. Người ta coi Nam phong như bậc thầy.

    Thế mà năm 1932, những gì trước kia được trọng vọng, được tôn sùng, bỗng chốc long lay tận gốc rễ qua cơn bão văn học.

    Nếu trên chính trường những Nguyễn Hữu Bài, Võ Liêm, Tôn Thất Đàn, Phạm Liệu đã phải về hưu, nhường cho những Ngô Đình Diệm, Phạm Quỳnh, Bùi Bằng Đoàn.. thì trên văn đàn những Phạm Quỳnh, Đông-Hồ, Hoàng Ngọc Phách, Tương-Phố... cũng rút lui vào bóng tối để nhường trường sở cho những Nhất-Linh, Khái-Hưng, Lưu Trọng Lư, Thế-Lữ.

    Điều đáng chú ý là cũng trong thời gian này, nhiều báo chí mới ra đời. Tuy nhiên, không giống các báo khác, năm 1932, có thể nói tuần báo Phong hóa là tờ báo dẫn đầu cho thế hệ trẻ. Trong lúc các báo chỉ hoan nghênh khi tiếp nhận những thay đổi mới lạ về chính trị, về xã hội... thì báo Phong hóa tiến sâu vào địa hạt văn học, dàn thành mặt trận đánh thẳng vào Nam phong, đánh thẳng vào người lãnh đạo Nam phong, đánh ngay đường lối chủ trương về tư tưởng, nghệ thuật, tức là phá vỡ cái cơ cấu văn học do Nam phong đã kiến tạo và được quốc dân sùng mộ trong mười chín năm qua.

    Phong hóa là luồng gió mới thổi tung lớp bụi phủ trên lâu đài văn hóa cũ kỹ, mở đầu những hiện tượng văn học dồn dập xảy đến, báo hiệu sự thành hình một khuynh hướng mới, đánh dấu môt chuyển hướng sâu xa của nền văn học Việt-nam.

    Nhận thấy văn học Việt-nam thế hệ 1932 là một biến cố lịch sử, thì nền thi ca Việt-nam, một bộ môn của văn học, không thể đứng yên.

    Lãnh vực thi ca là nơi ký thác tâm hồn, gởi gắm tình cảm, tất nhiên phải chịu một xáo trộn to lớn.

    Nếu những văn nhân thế hệ 1932 ra sức đả phá những gì cũ kỹ, phong tục lễ giáo Khổng Mạnh ràng buộc, lập thành mặt trận tân tiến chống đối cựu học, thì ở lãnh vực thi ca, các thi nhân thế hệ trẻ cũng không ngừng đập đổ nhưunxg khuôn sáo cũ kỹ của thời xưa, đưa thi ca đến một hình thức mới, hòa hợp với tư tưởng mới, tình cảm mới, nếp sống mới trong thế hệ mới.

    Chính vì vậy mà nền thi ca Việt-nam vươn mình đến một cuộc cách mạng, để lại trên lịch sử thi ca những chứng tích giữa cuộc bút chiến thơ cũ và thơ mới.

    Đứng về quan điểm văn học nhân xét thì nền thi ca thế hệ 1932 đã thụ thai từ năm 1917 chứ không phải diễn biến một cách đột ngột.

    Trên tờ Nam phong tạp chí số 5 tháng 11-1917 nơi bài Bàn về thơ nôm, chính Phạm-Quỳnh cũng đã nẩy ra ý thức cho thơ cũ là phiền phức, luật lệ ràng buộc, khắc nghiệt không khác luật hình.

    Ông viết :

    « Người nào thuộc luật thì bằng trắc tất không lộn, vần tất áp, luật tất niêm, điệu tất xứng, đối tất chỉnh, sành những khóe thôi xao, giỏi những cảnh xuất sáo, mà gây nên những bức âm thanh tuyệt diệu. Người nào không thuộc luật thì phạm phải tội ghê gớm, đọc đến mà rùng mình ; nào là tội thất niêm, tội thất luật, tội khổ độc, tội cưỡng áp, tội trùng ý, trùng chữ, điệp điệu...

    ...Người ta thường nói thơ là tiếng kêu tự nhiên của con tâm. Người Tàu định luật nghiêm cho nghề làm thơ thật là muốn chữa lại, sửa lại cái tiếng kêu ấy cho nó hạp hơn, nhưng cũng nhân đó mà làm mất cái giọng thiên nhiên đi vậy. »

    Ý thức của Phạm-Quỳnh là kết quả của sự cảm thông cái huyền của thơ Pháp, không gò bó, nhưng ông chủ trương « dung hợp », chỉ muốn nới rộng phạm vi niêm luật của thơ nhà để thu thập một ít sắc thái của thơ nước ngoài thôi.

    Nếu năm 1917, Phạm-Quỳnh đã có ý thức, nhưng chưa dám mạnh dạn chê bai thơ cũ, thì năm 1928, trên Đông Pháp thời báo, Phan Khôi đã lớn tiếng đả kích một cách táo bạo, cho luật lệ thơ cũ là trói buộc, hãm đà, thô tục. Ông viết ở Chương đàm thi thoại, trang 46 :

    «...Từ ngày đem thất ngôn luật vào khoa cử rồi thì thể ấy trở nên bó buộc quá mà mất cả sinh thú... Ấy chỉ là luật riêng, dạy về lối làm thi trong khoa cử mà thôi, nào có phải cái phép tắc chính truyền của nghề thi như vậy ? Nhưng mà ngày nay người ta cũng tuân theo, không biết cởi mình ra khỏi trói. Thấy có một vài cuốn sách quốc ngữ tự xưng dạy phép làm thi mà cũng dạy theo lối thi khoa cử ấy, thì thật tức quá. Thi quý nho nhã, mà đã tục tài thì dạy ai ? »

    Năm 1929, liên tiếp một loạt bài của ông Trịnh Đình Rư bình luận về văn thơ trên Phụ nữ tân văn, ông cho rằng thơ là sản phẩm của chế độ xã hội. Mỗi chế độ xã hội có mỗi tình cảm khuynh hướng khác nhau ; cái hay thời xưa không còn là cái hay bây giờ. Và mỗi thời phải có sự đổi mới. Như Phạm Quỳnh và Phan Khôi trước đây, Trịnh Đình Rư cũng cảm thấy lối thơ Đường luật gò bó, nên lên tiếng đả kích ở báo Phụ nữ tân văn số 29, ngày 21-11-1929 :

    « Lối thơ Đường luật bó buộc người làm thơ phải theo khuôn phép tỉ mỉ, mất cả hứng thú tự do, ý tưởng dồi dào. Nếu ngày nay, ta cứ sùng thượng lối thiw ấy mãi thì làng văn nôm ta không có ngày đổi mới được... »

    Tuy nhiên, dù bất mãn với lối thơ cũ, khuyên mọi người nên cải tiến, ông Trịnh Đình Rư cũng không đề ra được một lối thơ nào mới, mà chỉ đề nghị nên lấy hai lối thơ lục bát và song thất lục bát ; theo ông, hai thể thơ này dễ làm, không bó buộc, lại có tính chất Việt-nam.

    Ông Trịnh Đình Rư cũng tán thưởng thơ song thất lục bát, cho thể thơ này có tính chất Việt-nam, chẳng những hay hơn thơ Đường luật mà còn hay hơn thơ lục bát nữa vì nó uyển chuyển, tự do hơn.

    Ý thức canh tân về thi ca của ông Trịnh Đình Rư rất mạnh, nhưng có lẽ ông không tìm ra lối thơ mới nào để thay thế thơ cũ nên phải nghĩ đến thơ lục bát.

    Lấy hai thể thơ này làm thơ độc tôn cho Việt-nam, đó là một sự lúng túng của ông Trịnh Đình Rư trên địa hạt canh tân. Vì ông thấy ngoài mảnh đất ấy ra không còn biết bám víu nào đâu nữa.

    Xem thế, chúng ta thấy trước năm 1932 là một thời kỳ bế tắc về thi ca. Bế tắc ở chỗ cái cũ không còn thích hợp nữa, cái mới chưa tìm ra, tình cảm con người bị cô đọng mà không có lối thoát.

    Phải đợi mãi đến ngày 10 tháng 3 năm 1932, Phụ nữ tân văn mới cho nổ trái bom cách mạng vào thành trì thơ cũ, làm cho nền móng thơ cũ sụp đổ tan tành, mà người chỉ huy cuộc tấn công này là Phan Khôi. Nếu từ năm 1917 là thời kỳ thai nghén thì năm 1932 là thời kỳ thoát thai của thơ mới. Tiếng khóc chào đời đầu tiên là tiếng khóc « Tình già » của đứa con Phan Khôi. Đứa con « Tình già » ấy phải được coi là tên lính xung phong vào thành trì thơ cũ. Trong bài Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ viết ở Phụ nữ tân văn số 122 (10-3-1932) để phân trần, Phan Khôi đã cho việc khai sinh đứa con « Tình già » của ông là một hành động mạo hiểm. Ông viết :

    « Mới đây tôi có gặp ông Phạm Quỳnh... Ông Phạm bảo tôi nên lấy lại cái thái độ ngâm thơ hồi trước. Trong đó tỏ rằng bấy lâu tôi đã bỏ mất hay đã đổi cái thái độ ấy đi, nghĩa là bấy lâu nay tôi không ngâm thơ. Mà quả thế, gần mười năm tôi không có bài thơ nào hết, thơ bằng chữ gì cũng không có.

    Trước kia tôi dẫu không có tên tuổi trong làng thơ như ông Nguyễn Khắc Hiếu, ông Trần Tuấn Khải, song ít ra trong một năm tôi cũng có được năm bảy bài hoặc bằng chữ Hán, hoặc bằng chữ nôm. Mà năm bảy bài của tôi không phải là nói phách, đều là năm bảy bài nghe được. Vậy mà gần mười năm nay, mót lắm chỉ được một vài bài mà thôi, thì kể như là không có.

    Xin thú thật với mấy ông thợ thơ. Không có không phải là tại tôi không muốn làm, hay không thềm làm, nhưng tại tôi làm không được.

    Vậy thì hiện nay đừng nói tôi không chịu nhận lời khuyên của ông Phạm, dầu tôi có nhận lời đi nữa, mà tôi không còn làm thơ được, thì ông mới xử trí cho tôi ra làm sao. Đó, chính là cái vấn đề ở chỗ đó rồi.

    Lâu nay, mỗi khi có hứng, tôi toan giở ra ngâm vịnh thì cái hồn thơ của tôi bị lúng túng. Thơ chữ Hán ư ? Thì ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choán trong đầu tôi rồi. Thơ nôm ư ? Thì cụ Tiên-Điền, bà Huyện Thanh-quan đè ngang ngực làm cho tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói lại không nói ra được nữa, thì đọc đi đọc lại nghe như họ đã nói rồi. Cái ý nào chưa nói, mình muốn nói ra thì lại bị những niêm luật bó buộc mà nói không được. Té ra mình cứ loanh quanh lẩn quẩn trong lòng bàn tay của họ hoài, thật là dễ tức.

    Duy tân đi ! Cải lương đi ! »

    Nếu chỉ đả kích và bất mãn lối thơ cũ thì việc đó trước đây Phạm Quỳnh và Trịnh Đình Rư đã làm, không có gì đáng nói. Nhưng Phan Khôi sau khi công kích, liền trình làng đứa con Tình già của ông (xin xem bài thơ Tình già ở phần Phan Khôi).

    Một bài thơ mới đầu tiên, mới cả về cách gieo, vần lẫn điệu, cách dùng tiếng. Câu thơ dài thướt lướt, ngắn nhất cũng trên mười chữ, dài nhất cũng tới mười sáu, mười bảy chữ, luật bằng trắc bị phá vỡ hoàn toàn.

    Ông Phan Khôi viết :

    « Đó là bài thơ tôi làm trước đây mấy tháng mà tôi kêu là một lối thơ mới đó. Chẳng phải vì toi hiếu sự, nhưng vì tôi hết chỗ ở trong vòng lãnh đạo của thơ cũ ; tôi phải đi kiếm miếng đất mới, mà miếng đất tôi kiếm được đó chẳng biết có được không, nên mới ra mà trình chánh giữa làng thơ. Chẳng phải tôi là người thứ nhất làm ra việc này. Hơn mười năm trước ở Hà-nội cũng có một vị thanh niên làm việc ấy mà bị thất bại. Tôi lại dại gì lại đi theo cái dấu xe đã úp ? Nhưng tôi tin rằng cái lối thơ cũ của ta đã hết chỗ hay rồi, chẳng khác một đế đô mà vượng khí đã tiêu trầm, ta phải kiếm nơi khác mà đóng đô. Tôi cầm chắc việc đề xướng của tôi sẽ thất bại lần nữa, nhưng tôi tin rằng sau này có người làm như tôi mà thành công. »

    Quả đúng như lời phân trần, việc làm của ông không vì danh vì hiếu sự, mà chính vì tình cảnh thúc bách, ý hướng duy tần, tìm một mảnh đất mới cho thế hệ trẻ.

    Chính Phan Khôi đã đau lòng khi xác nhận điều này : « Thay đổi một chế độ xã hội còn dễ hơn thay đổi một khuynh hướng trong con người ». Vậy thì thái độ và tình cảm lưu luyến trong bài Tình già chính ông Phan Khôi đã bộc lộ sự khó khăn ấy. Tuy nhiên, cuối cùng ông mạnh dạn đoạn tuyệt tình xưa.

    Lời tiên tri thứ nhất của Phan Khôi rất đúng. Bài thơ « hỗn loạn » của ông đưa ra liền bị ngay nhiều người chỉ trích. Họ cho là cái quái thai thời đại, một điều sỉ nhục cho văn học. Họ nhìn đứa con đầu lòng của thế hệ thơ trẻ với đôi mắt khắc nghiệt, đầy đe dọa, muốn bóp chết nó ngay khi cất đôi tiếng chào đời.

    Nhưng nếu lời tiên tri thứ nhất của ông đúng thì lời tiên tri thứ hai cũng không sai.

    Chính Lưu Trọng Lư đã theo chân ông mà thành công.

    Vào tháng 6 năm 1932, trên Phụ nữ tân văn số 153 có đăng một bức thư của Lưu Trọng Lư gởi cho Phan Khôi tỏ ý hưởng ứng, trách Phan Khôi đánh trống bỏ dùi, không tiếp tục sứ mệnh khai phá mảnh đất thơ mới.

    Bức thư Lưu Trọng Lư là lời hưởng ứng đầu tiên, là tiếng nói thiết tha trên thi đàn. Tuy mang tính chất cá nhân, nhưng đại diện cho ước vọng tập thể của thế hệ.

    Cái gì có xướng họa tất phải gây phong trào, thì bức thu của Lưu Trọng Lư là mồi lửa đầu tiên châm vào làm nổ ngòi tranh luận giữa hai phái thơ cũ, thơ mới.

    Người công kích đầu tiên và mạnh mẽ nhất có lẽ là ông Vân-Bằng. Trên An-nam tạp chí ra ngày 30-4-1932 số 39, Vân-Bằng viết bài Tôi thất vọng vì Phan Khôi lấy cớ Phan Khôi thất lễ với Nguyễn Tiến Lãng, chê trách Phan Khôi là con người lập dị, việc gi cũng muốn làm khác người.

    Nếu bất mãn vì việc khai sinh một lối thơ mới mà đả kích Phan Khôi, đem ý thức tranh luận thì chẳng nói làm chi. Cái « độc địa » của Vân-Bằng là thấy phong trào thơ mới được số đông hưởng ứng, nên muốn « hạ » ngay người đề xướng bằng cách bôi lọ, phá uy tín Phan Khôi.

    Thế là ngòi thuốc súng bùng nổ !

    Luồng gió mới thổi đến ầm ầm. Báo Phong hóa số 14 ngày 22-9-1932 lên tiếng kịch liệt đả kích thơ cũ, hô hào bênh vực thơ mới. Phong hóa viết :

    «...Phong hóa đã bàn về những chỗ không hay, không hay vì bị bó buộc vào trong khuôn sáo của lối thơ Đường luật.

    ...Bỏ luật, niêm, đối, bỏ điển tích, sáo ngữ, nghĩa là tóm tắt, đừng bắt chước cổ nhân một cách nô lệ. Thơ ta phải mới, mới văn thể, mới ý tưởng. »

    Nếu trong lãnh vực văn chương, trước đây có cuộc tranh luận giữa hai khuynh hướng cũ mới, chỉ dùng báo chí làm chiến trường, dùng bút mực làm vũ khí thì nay trong lãnh vực thi ca, người ta dùng cả hai mặt : khẩu chiến và bút chiến.

    Theo lời tưởng thuật của Hoài-Thanh - Hoài-Chân, bài Một thời đại thi ca trong quyển Thi nhân Việt-nam viết :

    «...Ngày 26 tháng 7 năm 1933, một nữ sĩ có tài và có gan, cô Nguyễn Thị Kiêm, đã lên diễn đàn Hội Khuyến-học Sài-gòn hết sức tán dương thơ mới. Hội Khuyến-học Sài-gòn thành lập đến bây giờ đã 25 năm. Lần thứ nhất một bạn gái lên diễn đàn và cũng lần thứ nhất có một cuộc diễn thuyết được đông người nghe nhìn thế.

    Nối gót cô Nguyễn Thị Kiêm còn nhiều diễn giả cũng theo một mục đích, giành lấy phần thắng lợi cho thơ mới.

    Juin 1934 : Ông Lưu Trọng Lư diễn thuyết tại nhà Học-hội Qui-nhơn.

    Janvier 1935 : Ông Đỗ Đình Vượng diễn thuyết tại Hội Trí-tri Hà-nội.

    Janvier 1935 : Cô Nguyễn Thị Kiêm lại diễn thuyết tại Hội Khuyến-học Sài-gòn để tranh luận với ông Nguyễn Văn Hanh.

    Novembre 1935 : Ông Vũ Đình Liên diễn thuyết tại Hội Trí-tri Nam-định.

    Février 1936 : Ông Trương-Tửu diễn thuyết về thơ Bạch Nga tại Hội Khai-trí Tiến-đức Hà-nội. »

    Về phải bênh vực thơ cũ cũng có các cuộc diễn thuyết, Hoài-thanh viết :

    « Aout 1933 : Một tuần sau cuộc diễn thuyết thứ nhất của cô Nguyễn Thị Kiêm, ông Tân-Việt bỉnh bút báo Công luận Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link bênh vực thơ cũ tại diễn đàn Hội Khuyến-học Sài-gòn.

    9 Janvier 1935 : Ông Nguyễn Văn Hanh diễn thuyết tại Hội Khuyến-học Sài-gòn.

    9 Janvier 1935 : Ông Nguyễn Văn Hanh lại diễn thuyết tại Hội Khuyến-học Sài-gòn cùng một hôm với cô Nguyễn Thị Kiêm (diễn thuyết tranh luận).

    Aout 1937 : Ông Nguyễn Văn Hanh diễn thuyết tại Hội Quảng-trị Huế. » (Hoài-Thanh – Hoài-Chân, Thi nhân Việt-nam)

    Về mặt bút chiến lại càng sôi nổi hơn.

    Phái bênh vực thơ cũ :

    « Octobre 1933 : Văn học tạp chí Hà-nội chê các nhà thơ mới không biết cân nhắc chữ dùng.

    Novembre – Décembre 1934 : Tản-Đà nói chuyện thơ mới thơ cũ trên Tiểu thuyết thứ bảy.

    Décembre 1934 : Trên Văn học tạp chí, ông Hoàng Duy Từ phản đối bài diễn thuyết của ông Lưu Trọng Lư tại nhà Học-hội Qui-nhơn.

    Avril 1935 : Hai ông Tường-Vân và Phi-Vân xuất bản tập thơ cũ « Những bông hoa trái mùa » ở Vinh.

    Juin 1935 : Ông Tùng-Lâm Lê Cương Phụng công kích thơ mới trên Văn học tuần san Sài-gòn.

    Avril 1936 : Ông Thái-Phỉ công kích thơ mới trên Văn học tuần san Sài-gòn.

    Juin 1941 : Ông Huỳnh Thúc Kháng, sau nhiều lần chỉ trích và mạt sát, cả quyết rằng thơ mới đã đến ngày mạt vận. » (Hoài-Thanh – Hoài-Chân, Thi nhân Việt-nam)

    Phái bênh vực thơ mới :

    « Tháng 6-1933 : Lưu Trọng Lư xuất bản « Người sơn nhân » kịch liệt đả phá thơ cũ và thiết tha với thơ mới.

    Tháng 12-1934 : Lưu Trọng Lư gởi hai bức thư lên Khê-thượng nói chuyện thơ mới với Tản-Đà đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy ssố 29 và số 34.

    Tháng 1-1935 : Ông Lê Tràng Kiều viết tám bài đăng ở Văn học tạp chí và Hà-nội báo (1936) để trả lời ông Tùng-Lâm và Thái-Phỉ, nội dung ca tụng các nhà thơ mới.

    Tháng 12-1932 : Phong hóa số 28 bài bác Tản-Đà nơi bài Họa nguyên vận. »

    Ngoài ra những đề tài lặt vặt có tính cách bênh vực thơ mới rất nhiều.

    Nếu ở mặt trận tân học và cựu học chống đối nhau, tân học đưa hai nhân vật điển hình của cựu học là Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh ra để chế giễu, thì ở mặt trận thơ cũ và thơ mới, Phong hóa đã lấy Tản-Đà làm điển hình cho thành trì thơ cũ để châm biếm.

    Ngược lại, phái thơ cũ cũng không vừa, trên mặt trận khẩu chiến họ chĩa mũi dùi vào cô Nguyễn Thị Kiêm bài xích thật độc địa.

    Nếu về nữ giới, cô Nguyễn Thị Kiêm đã khuấy động mặt trận khẩu chiến, thì bên nam giới, Lưu Trọng Lư cũng được mọi người chú ý. Bài diễn thuyết của Lưu Trọng Lư có một nội dung hàm súc ý tưởng thiết tha, mới lạ, một cảm quan dị biệt mà thời ấy ít người quan niệm nổi. Tuy không gây được sức phản ứng trực tiếp sôi nổi như cô Nguyễn Thị Kiêm, Lưu Trọng Lư vẫn được kể vào hàng chiến sĩ trong mặt trận khẩu chiến.

    Ở mặt trận bút chiến chúng ta có nhiều tài liệu hơn, tuy nhiên, cũng không thể góp nhặt đầy đủ những tài liệu bút chiến nẩy lửa bị thất lạc.

    Nhìn chung, cuộc bút chiến giữa thơ cũ và thơ mới không phải với tính cách cá nhân hay địa phương, trái lại nó đã tạo thành phong trào đối lập từ Nam chí Bắc, chống đối kịch liệt. Các cơ quan ngôn luận hầu hết dùng làm chiến trường cho cuộc bút chiến này.

    Về phía thơ cũ có những tờ báo như : An-nam tạp chí, Văn học tạp chí, Công luận, Tiếng dân, Văn học tuần san, Tin văn. Những chiến sĩ nòng cốt của phong trào như : Vân-Bằng, Dương Tự Quán, Thương-Sơn, Động-Đình, Tùng-Lâm, Thiết-Diện, Đẩu-Tiếp, Tản-Đà, Thái-Phỉ v.v...

    Về phía bênh vực thơ mới có các báo như : Phong hóa, Phụ nữ tân văn, Tiểu thuyết thứ bảy, Hà-nội báo, Loa, Ngày nay. Những chiến sĩ nòng cốt của phong trào như Lưu Trọng Lư, Lê-Ta, Lê Tràng Kiều, Hoài-Thanh, Phan Khôi, Việt-Sinh, v.v...

    Ngoài ra, bên nào cũng có một số người không tham gia phong trào, chỉ đứng ngoài ủng hộ.

    Duyệt qua mặt trận này, chúng ta ngược lại thời gian từ 1932 trở đi ; trong lúc khắp mặt trận khẩu chiến bùng nổ thì cùng một lúc, cuộc bút chiến trên các báo cũng nổi dậy ứng chiến mãnh liệt.

    Mở đầu chiến dịch, báo Phong hóa đả kích thơ cũ bằng việc mạt sát Tản-Đà trong bài Họa nguyên vận (số 28, ngày 30-12-1932) để trả đũa bài Tửu nhập thi xuất của Tản-Đà nhắn như báo Phong hóa ; Phong hóa viết :

    « Anh lên giọng rượu khuyên Phong-hóa
    Sặc sụa hơi men khó ngửi quá
    Đã dạy bao lần, tai chẳng nghe,
    Hẳn còn nhiều phen mồm bị khóa.
    Thân mềm chưa chắc đứng ngay đâu,
    Lưỡi ngắn thì nên co lại nhé.
    Phong-hóa mà không hóa nổi anh,
    Túy nhân quả thật là nan hóa. »


    Sự thật không phải Phong hóa vô tình đưa Tản-Đà ra đả kích, mà họ nhằm vào chủ trương chung tìm mục tiêu để tấn công vào thành trì thơ cũ, vì lúc bấy giờ trên thi đàn, Tản-Đà được coi như tiêu biểu cho khuynh hướng thơ cũ.

    Cũng bắt đầu từ đấy, ngoài việc viết bài chửi thơ cũ, bênh vực thơ mới, Phong hóa còn chú trọng nhất về việc đăng tải thơ mới của các bạn thi nhân gởi đến nữa.

    Người tham gia phong trào chống thơ cũ hăng say nhất lúc ban đầu chính là Lưu Trọng Lư. Lưu Trọng Lư đã đứng cả về hai mặt khẩu chiến và bút chiến.

    Sau khi diễn thuyết ở Học-hội Qui-nhơn, gởi bài đăng ở Phụ nữ tân văn, ở Phong hóa, Lưu Trọng Lư vẫn chưa lấy làm thỏa mãn, nên tháng 5 năm 1933, khi xuất bản tập tiểu thuyết đầu tiên Người sơn nhân, ông còn đính kèm ở phần hai một bài đả kích thơ cũ, ca ngợi thơ mới. Đó là bài Một cuộc cải cách về thi ca, nội dung ông ghi nhận là trên thi đàn, khuynh hướng thơ mới đã nảy chồi.

    Tiếp đến ngày 20-7-1933, Thạch-Lam đứng trong hàng ngũ mặt trận thơ mới, đưa một vị thanh niên thi sĩ Hồ Văn Hảo lên báo Phụ nữ tân văn giới thiệu với độc giả bài Con nhà thất nghiệp.

    Không cần lý thuyết dài dòng, đưa tác phẩm thi ca lên mặt báo phân tích cái hay, cũng là một lối tranh luận rất có hiệu quả.

    Ngày 3-8-1933, Phụ nữ tân văn số 210 lại giới thiệu thêm bài Tình thâm của Hồ Văn Hảo, kèm một bài của ông T.L thuộc phái thơ mới, ông đưa ra lý luận chống lại quan niệm phải thơ cũ đề nghị giữ lại hình thức cũ, chỉ phát huy tư tưởng mới mà thôi.

    Bài của T.L. tuy ngắn những biện bạch rất rõ ràng về điểm hình thức và nội dung không thể tách rời.

    Thực ra, không thể mặc áo cổ y mà băn súng. Mỗi thế hệ có một hình thức, một bộ mặt khác nhau. Các cụ thời xưa cũng không thể không thừa nhận như vật. Tuy nhiên, họ vẫn chống lại quan niệm thơ mới. Đó là vấn đề tâm lý.

    Một người cha già nua, đã sống với thế hệ cũ, không muốn đứa con vì đổi mới mà lìa xa mình, hoặc ít ra tạo thành một bức tường ngăn cách giữa tâm hồn già và trẻ. Một dân tộc cũng thế, lớp người lớn không muốn con em mình dựng lên một bức tường chia đôi tư tưởng, từ chối sự trưởng thành trong tình thương của họ.

    Khi đã đặt vấn đề cũ, mới tức là đã tạo ý thức chia rẽ giữa hai lớp tuổi tác. Mặt khác lớp người lớn lại thấy con đường giải phóng của thế hệ trẻ chưa có định hướng, chưa có mục tiêu, mà chỉ phá vỡ, đập đổ một ngôi nhà đang sống, mặc dù xấu xa chật hẹp, để lao mình đến một nơi vô định, chưa biết nguy hiểm hay hạnh phúc ra sao !

    Bản chất nghi ngờ và thủ cựu là bản chất của lớp người tuổi tác ; ngược lại tuổi trẻ thì chỉ biết dấn thân vào bánh xe xã hội, nhảy tung vào đà tiến hóa của nhân loại một cách vô tư. Nhân loại bảo họ tiến, luật vũ trụ bảo họ phải nẩy nở để thay thế lớp người sắp tàn. Họ có quyền sống, họ phải được sống, mà họ sống cho họ chớ không phải sống cho những người sắp chết, tại sao buộc họ phải làm một kẻ già nua, cằn cỗi trong lúc nguồn sinh lực của họ nẩy nở dồi dào.

    Suốt nửa năm 1933 và 1934, trong lúc cuộc khẩu chiến và bút chiến giữa hai phái thơ cũ mới tranh luân nhau, Tản-Đà hình như tự đặt mình ngoài vòng, mặc dù đã bị báo Phong hóa thỉnh thoảng lôi ông ra chế biếm. Tuy nhiên, ngày 30-11-1934, Tản-Đà có viết một loạt bài đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy nhan đề Phong trào thơ mới, ông trình bày với mọi người những bài thơ ông làm cách đấy 20 năm ; những bài thơ không theo lối cũ, mà không tự gọi là thơ mới, Tản-Đà dùng lời lẽ ôn hòa cảnh tỉnh lớp người mới, cái mà lớp người trẻ gọi mới, chính Tản-Đà đã trải qua, hay ít nữa đã nếm thử nó. Chỉ có khác ở nội dung, thơ Tản-Đà ý tứ không thiên về lãng mạn như những thơ mới của phái thi nhân trẻ.

    Thế thì cái mới của phái trẻ, theo Tản-Đà, chỉ là cái ồ ạt của tâm hồn họ, họ chỉ thấy nội giới tâm hồn mà không thấy ngoại giới vũ trụ. Chỉ trích như vậy, Tản-Đà muốn nói lớp người trẻ chỉ là một động lực hăng say, bồng bột và lầm lẫn. Vì phần chủ quan quá mạnh, họ có thể tự đánh lừa họ.

    Loạt bài của Tản-Đà càng đi sâu vào tính chất tranh luận với những lý lẽ vững chắc và cảm thông.

    Sau đấy Lưu Trọng Lư liền gởi lên Khê-thượng cho Tản-Đà hai bức thư và được đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy số 27 (1-12-34) và số 29 (15-12-34) / Điều đáng chú ý là khác với thái độ hăng say đả kích lúc ban đầu, lúc này Lưu Trọng Lư nói chuyện với các nhà thơ cũ bằng một tâm hồn cởi mở, một tâm hồn muốn mở ra để đón lấy một tâm hồn.

    Phải chăng cuộc bút chiến trong thời gian qua đã gieo vào tâm hồn Lưu Trọng Lư một cái gì đau khổ. Đau khổ vì thấy bức tường tư tưởng ngăn cách giữa hai thế hệ, đau khổ vì thấy lớp người sắp bị luật đào thải khỏi xã hội phải ngậm ngùi nhìn con em họ, trước khi họ trở thành người thiên cổ, bàn giao cuộc sống cho thế hệ mai sau.

    Cảm thông được lẽ ấy, Lưu Trọng Lư đã làm được hai trọng trách trước lịch sử văn học. Thứ nhất, vượt khó khăn, vươn mình tới, dẫn đầu thế hệ trẻ tìm một luồng sinh lực mới cho tâm hồn ; thứ hai là phá hẳn mọi thành kiến, lấy tình cảm làm môi trường hàn gắn những vết thương đã rạn nứt trong cuộc « xung đột » tư tưởng mới cũ.

    Rồi vào cuối năm 1934, Hoài-Thanh viết một bài báo đại ý cho rằng không có thơ mới mà cũng không có thơ cũ. Chỉ có thơ mà thôi. Tức là thơ ngày xưa và thơ ngày nay. Theo Hoài-Thanh chỉ có tuyệt tác của thời gian, chứ không có vấn đề cũ mới. Tuy nhiên, Hoài-Thanh nhận rằng có « cái mới » ; ý kiến ấy, phải chăng ông cho rằng không có thơ mới, chỉ có con người mới làm thơ.

    Nhận xét của Hoài-Thanh là kết quả sau loạt bài của Tản-Đà. Tản-Đà đưa ra mấy bài thơ theo thể mới mà ông làm từ trước, chính Lưu Trọng Lư cũng nhận là mới, nên Hoài-Thanh theo đó phủ nhận sự mới cũ của thơ chăng.

    Hoài-Thanh còn đem ví thi cảm như một dòng sông. Dòng sông bị nước tràn chảy ra ngoài để tạo thêm những dòng sông khác. Tuy ta thấy có nhiều dòng sông, nhưng nước sông chỉ là một ; cũng như ta thấy bề ngoài hình như có thơ cũ và thơ mới, song kỳ thực thơ cũ và thơ mới cũng chỉ là một, chẳng khác những dòng nước chảy thông thương với nhau.

    Đầu năm 1935, trên báo Phong hóa số 134 (30-1-1935), Tứ-Ly tổng kết phong trào đấu tranh thơ mới trong mục Thơ mới và quần áo mới. Đem so sánh thơ mới và quần áo mới, Tứ-Ly đã phản ảnh được tâm hồn người Việt-nam lúc bấy giờ. Thơ mới và quần áo mới tuy là hai lãnh vực, nhưng vẫn là một. Nó xuất phát từ ở mỹ cảm, ở khuynh hướng mà ra. Cho nên, khi một tình cảm mới, một tâm hồn mới xâm nhập vào dĩ nhiên hình thức phải đổi khác.

    Một chế độ xã hội thay đổi làm cho tâm hồn con người thay đổi, hoặc ngược lại. Vạn vật đều tương quan và sự thay đổi ấy cũng là luật tất nhiên của vũ trụ.

    Cuộc bút chiến về thơ mới là một cuộc tranh đấu về ý thức, nó liên hệ đến mỹ cảm, đời sống con người. Cho nên, khi phong trào quần áo tân thời mỗi ngày một thịnh, chúng ta thấy rõ ý thức chuộng mới thắng cuộc, và đó cũng là nguyên nhân đưa phong trào thơ mới đến thắng lợi chung cuộc.

    Tuy nhiên, những sự dằng co về ý thức rất phức tạp. Nhất là về mặt tình cảm và phong tục khi đã tiêm nhiễm vào đầu óc con người, thì nhất đán không thể cởi bỏ dứt khoát. Phong trào đổi mới càng mạnh bao nhiêu thì sức phản ứng tăng gia bấy nhiêu. Những bài chỉ trích thơ mới không vì thế mà buông lơi nhịp công kích đều đều của nó.

    Ngoài Bắc thì có ông Chất-Hằng dùng tờ Văn học tạp chí làm cơ quan bài bác thơ mới. Trong Nam, ông Tùng-Lâm Lê Cương Phụng dùng tờ Văn học tuần san chửi thơ mới quyết liệt.

    Theo ông Tùng-Lâm thì lịch sử văn chương từ chỗ phôi thai tiến đến chỗ chặt chẽ, cũng như xã hội loài người, từ chỗ phôi thai tiến đến chỗ có tổ chức trật tự, tạo thành một nếp sống chung. Xã hội loài người từ chỗ rời rạc đi đến chỗ kết đoàn, tổ chức xã hội, đặt ra pháp luật, bảo vệ luật pháp và điều hành cuộc sống.

    Còn văn chương từ chỗ phôi thai tiến dần đến chỗ có quy tắc, có luật lệ mỗi ngày một phong phú và chặt chẽ hơn. Như vậy luật lệ trong văn chương là yếu tố minh định sự tiến bộ lọc lừa trải qua thời gian, vượt từng thế hệ. Luật lệ không phải là ràng buộc mà chính là « vật dụng » lừa lọc, đào thải những cái xấu, cái dở, đưa văn chương dần dần đến chỗ tinh vi. Ông còn xác định vị trí thi ca trong lãnh vực nghệ thuật, sánh với điệu đàn, bức họa. Đã là nghệ thuật, dĩ nhiên phải là một công trình đòi hỏi ở công phu, thế thì cái công phu đẽo gọt, tô điểm là việc làm cần thiết của một nghệ sĩ, không thể gọi là gò bó được. Mỉa mai nhất, là ông khinh thường lớp người mới, ông liệt họ vào hạng phàm phu tục tử mà đòi thưởng thức thú tiêu dao. Ông còn chê « bọn thơ mới » là dốt, không hiểu ý vị thơ cũ. Ông đòi « căng nọc » ra đánh như các cụ đồ nho đánh học trò.

    Trong cuộc tranh luận, các nhà văn trẻ ranh mãnh, hiểm hóc, thì ông Tùng-Lâm hằn học một cách đạo mạo của người đàn anh.

    Để đương đầu với ông Tùng-Lâm, tờ Phong hóa số 148 (10-5-1935) đưa tập thơ Những bông hoa trái mùa của hai thi nhân phái cũ lên bàn mổ, Lê-Ta đóng vai bác sĩ mổ xẻ tập thơ này với dụng ý bài kích thơ cũ sáo ngữ. Đây là một « đòn trả » khi ông Tùng-Lâm lên vai ông đồ đòi căng nọc lớp người trẻ ra giảng dạy, chê lớp tân thi nhân là dốt, thì nay Lê-Ta chê lớp ngừoi cũ là « nhai lại », chỉ giỏi nghề « xào nấu ».

    Đáp lại bài phê bình của Lê-Ta, ông Thiết-Diện lên tiếng ày tỏ thái độ ác cảm trong bài Quan niệm của tôi đối với thơ mới ở báo Văn học tuần san số 8 (15-8-1935). Thiết-Diện cực lực chê trách thơ mới, coi nó chỉ là thứ đồ rác rưởi, trò múa may quay cuồng của bọn người ngu dốt, có khác nào bọn du đảng ăn mặc rằn ri, bọn lẳng lơ đi giày cao gót. Theo ông, đã gọi là thơ mới thì phải đỏi mới như thơ của Hồ-Thích bên Tàu, chứ chỉ đổi mới bằng cách đem tâm hồn ủy mị, tính chất bạc nhược, tinh thần thua trận, lo cho cá nhân, xa rời đại chúng thì sự đổi mới ấy chẳng ích gì.

    Trong lúc phái thơ mới cho thơ cũ là sáo, là « nhai lại », là bắt chước điển tích xưa, thì ông Thiết-Diện « tố » ngược lại thơ mới. Trước kia chê rằng thơ cũ mang tính chất thương mây khóc gió, khép mình trong cái bi ai sầu não, xem thơ cũ như là chỗ chứa nước mắt, chứa buồn thảm, thì nay, đối với Thiết-Diện, thơ mới vẫn với giọng điệu ấy, mặc dù không bắt chước tiếng khóc cũ, nhưng lại cũng rên rỉ cho duyên phận, cho ái tình, cho biệt ly, cho đau khổ. Chê người ta than thở, buồn bực, rồi mình lại khóc lóc thảm sầu, theo ông Thiết-Diện, không có gì mới cả.

    Đầu năm 1936, cuộc diện còn trong vòng tranh luận sôi nổi ; với một ngón đòn chiến tranh cân não, ông Lê Tràng Kiều kiểm điểm thành tích thơ mới trưởng thành trong phong ba bão táp. Ông ví ba năm va chạm thi ca trong giai đoạn 1932-1936 dài như một thế kỷ. Trên Hà-nội báo số 14 (8-4-1936), ông viết bài chúc mừng chiến thắng của thơ mới, ông bảo : « Từ bao giờ đến bây giờ, người ta đã có mấy lần một tâm hồn hùng tráng như Huy-Thông, dồi dào như Thế-Lữ, huyền diệu như Thái-Can, âm thầm như Đông-Hồ, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, mơ màng như Leiba, buồn não như Nguyễn-Vỹ, và, một tâm hồn đầy nhạc, đầy mộng ảnh như Lưu Trọng Lư. »

    Rồi ông Lê Tràng Kiều trưng ra một loạt thi nhân mới với những sáng tác của họ như những « chiến lợi phẩm ».

    Thực ra, ý kiến của Lê Tràng Kiều không có gì mới mẻ, cái dí dỏm chỉ ở chỗ ông « dàn trận » theo một phương pháp khác biệt mà thôi.

    Theo sau loạt bài của Lê Tràng Kiều, phái thơ cũ đưa ra ông Đẩu –Tiếp ứng chiến bằng một loạt bài như muốn kết thúc.

    Sau loạt bài của Lê Tràng Kiều bênh vực phái thơ mới và Đẩu-Tiếp bênh vực phái thơ cũ, hình như hai bên bắt đầu thu dọn chiến trường. Cuộc bút chiến dịu dần.

    *​

    Xưa nay không cuộc chiến tranh nào không có kết thúc. Nhưng, mọi kết thúc không nhất thiết phải giống nhau. Có những cuộc chiến tranh khi chấm dứt hai bên còn nuôi hận. Có những cuộc chiến tranh tàn phai trong bẽ bàng, im lặng. Có những cuộc chiến tranh chấm dứt bằng tang tóc đau thương.

    Cuộc bút chiến giữa hai nền thơ cũ, mới ở Việt-nam thoát ra ngoài công lệ ấy. Nó kết thúc bằng tình tha thiết của dân tộc, bằng tình thương của lớp người giữa hai thế hệ, bằng nguồn thông cảm của những đứa con cùng chung bầu sữa mẹ.

    Hỡi bà Mẹ Việt-nam ! Máu huyết của Mẹ đang chuyển vào động mạch, chảy rần rật trong cơ thể đàn con. Bầu sữa Mẹ đã trút ra rất nhiều, vun quén mầm non đất nước. Dòng máu áy, giọt sữa ấy là nguồn sinh lực, là động cơ thúc đẩy từng thế hệ đứng lên, chịu trách nhiệm trước lịch sử, vun bồi cho danh dự của non sông, cho uy linh của dân tộc.

    Nếu có gì bất bình thoáng qua, chính là cử chỉ vươn lên của lớp người trẻ từ chối nuông chiều, gạt bỏ tình quyến luyến của lớp người già nua để đi tìm nghĩa vụ.

    Mọi cuộc phân ly không cuộc phân ly nào khỏi gieo sầu. Nhưng rồi ai cũng phải hài lòng với trách nhiệm. Và khi đã xa cách nhau rồi, tình thương càng nhiều, nhớ mong càng nặng.

    Cuộc bút chiến về thơ cũ, thơ mới, chính lớp người trẻ đã thắng cuọc hoàn toàn. Cái lâu đài cổ kính mấy ngàn năm kia lần lần coi như một ngôi cổ mộ, chôn chặt những công trình kiến trúc xa xưa, mà lớp người trẻ nhìn lại với con mắt kính yêu, nhưng không muốn trở về ở đó nữa.

    Cái lâu đài cổ kính ấy là nền thi ca cũ vậy.

    Nhưng khi đã đi tìm được một mảnh đất mới, dựng một ngôi nhà mới rồi, tự nhiên lớp người trẻ như thấy có cái gì ân hận, nhớ thương. Họ không còn muốn có sự ngăn cách nữa. Họ không muốn nói đến danh từ thơ mới, thơ cũ nữa, mà chỉ có « thơ » mà thôi.

    Nếu từ năm 1933 đến năm 1936 là những năm tranh đấu quyết liệt giữa hai ý thức thơ cũ, thơ mới, thì qua năm 1937 chúng ta không còn thấy một bài tranh luận nào trên báo chí nữa, mà thay vào đó bằng những bài hàn gắn tình thương.

    Trước tiên, ta đi vào tâm trạng phái cựu học.

    Phái cựu học bây giờ đã thấy được đà tiến của bánh xe xã hội, không còn có thể giữ lại được nữa. Nho học phải nhường lại cho Tây-học. Ha nói cách khác, thế hệ già nưa phải bàn giao sự nghiệp tinh thần cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, nỗi lòng của phái cựu học băn khoăn không ít. Chính họ thấy trong ngôi nhà cổ kính sắp sụp đổ kia có nhiều ngọc quí, nhiều báu vật, nếu bỏ đi rất uống. Họ sợ lớp người sau, con em của họ, của thế hệ trẻ, không sao biết đến. Thừa hưởng một gia tài văn học ngàn năm, lúc chết đi có lẽ không có một tờ di chúc ?

    Ước vọng của họ là làm sao gởi gắm vào lớp người trẻ tiếng nói cuối cùng của họ, chỉ cho lớp người trẻ biết trong ngôi nhà sắp sụp đổ mà họ đã sống qua có cái gì quí, cái gì xấu, cái gì nên, cái gì hư. Như vậy họ mới tròn trách nhiệm đối với tiền nhân.

    Trong số người thiết tha với sự nghiệp Nho học, chúng ta có thể kể như : Phan Kế Bính, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim... Nhưng người đã có tiếng nói làm ta cảm động nhất là Trần Trọng Kim. Ông đã ký thác lời cuối cùng vào quyển Nho giáo. Nó là một « bản di chúc », là một « của tin », là những gì của lớp cựu học muốn gởi lại.

    Lời của ông Trần Trọng Kim thật thiết tha và đầy tâm huyết ! Tiếng nói cuối cùng của phái cựu học chẳng những chứa đựng một tình thương nồng nàn đối với lớp người trẻ, mà còn tỏ ra những lo lắng cho tiền đồ văn học.

    Cái gì sắp mất thì tinh thần lưu luyến càng tăng. Có xa nhau mới thấy cái buồn ly biệt.

    Có lẽ sự ưu ái của lớp người cựu học đã gieo vào lớp tân học một vết thương lòng, mà bổn phận họ phải hàn gắn vết thương ấy.

    Phải ! Không có gì thiêng liêng bằng tình dân tộc. Xóa bỏ mọi khuôn phép ràng buộc của gia đình, không có nghĩa là bỏ tình ruột thịt. Từ chối một nền văn minh lỗi thời không có nghĩa là tách rời tình dân tộc.

    Và lớp người trẻ đã tự nhận trách nhiệm mình như thế.

    Việc làm của họ là trở lại tình cảm lúc đầu. Trước kia, phái thơ mới đưa Tản-Đà ra làm tiêu biểu cho phái thơ cũ, đổ xô vào mạt sát, châm biếm, thì từ băm 1938 trở đi, Tản-Đà được coi như vị thánh sống của làng thơ. Họ chia nhau viết về Tản-Đà, ca tụng thơ của Tản-Đà.

    Nhóm Tự lực văn đoàn :

    Văn-Bình viết : Thi sĩ Tản-Đà (Ngày nay só 147, ngày 29-1-1939)

    Xuân-Diệu viết : Công của thi sĩ Tản-Đà (Ngày nay, số 166 ngày 17-6-1939)

    Khái-Hưng viết : Một tháng với Tản-Đà (Ngày nay số 171 ngày 22-7-1939) và Cái duyên của Tản-Đà (Ngày nay số 166 ngày 17-6-1939).

    Báo Tao đàn số đặc biệt ra mắt Tản-Đà (số 9 ngày 1-7-1939) gồm có các bài :

    Lưu Trọng Lư viết : Bây giờ đây, khi nắp quan tài đã đậy lại.

    Trương-Tửu viết : Sự thai nghén một thiên tài.

    Nguyễn-Tuân viết : Chén rượu vĩnh biệt.

    Nguyễn Triệu Luật viết : Ảnh hưởng Tản-Đà đối với nhà văn lớp sau.

    Trúc-Khê viết : Tản-Đà triết học.

    Xuân Diệu viết : Một vài kỷ niệm về yêu thơ Tản-Đà.

    Nguyễn Xuân Huy viết : Tản-Đà dịch văn.

    Nguyễn-Tuân viết : Tản-Đà một kiếm khách.

    Nguyễn Công Hoan viết : Ông Tản-Đà đi làm việc để tái bản An-nam tạp chí.

    Ngô Tất Tố viết : Tản-Đà ở Nam-kỳ.

    Nguyễn Nhất-Lang viết : Tản-Đà tửu điếm.

    Nguyễn Công Hoan viết : Ông soát vé xe lửa với thi sĩ Tản-Đà.

    Lê-Thanh viết : Mộng và mộng.

    *​

    Sau cơn bồng bột của lớp người trẻ, họ đã dùng mọi biện pháp phũ phàng, cố thực hiện khát vọng của thế hệ đang nảy mầm, của lòng giục giã đổi mới. Họ đã chà đạp lên tình thương, đập đổ gia sản phụ ấm để tranh đoạt chiến thắng ý thức cho kỳ được. Và ngày nay họ đã thắng. Nhìn lại dấu vết đổ nát hoang tàn của rhế hệ cũ đã thảm bại, lòng họ bùi ngùi, hối hận ; cái phần thiêng liêng của con người được khơi động. Nó sống sót một cách đáng thương. nó khuyên nhủ, vỗ về. Tiếng nói của nó thiết tha, êm đềm, đủ khả năng làm dịu lòng người, chiếm được tình cảm, xóa tan mọi hờn giận oán ghét, hàn gắn cách ngăn, gây lại tình thương yêu dân tộc.

    - Nó là gì ?

    - Là cái lương tâm thức tỉnh của lớp người trẻ vậy ! Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Sa-Đéc, July 3, 2015

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Không phải ông Tân-Việt báo Phong hóa.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Muốn hiểu rõ chi tiết sự diễn biến thi ca, xin các bạn hãy đọc quyển Khuynh hướng thi ca tiền chiến.
     
  4. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    Ebook vừa hoàn thành và được update ở Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.
    :rose::rose::rose:
     
  5. QuangHai

    QuangHai Lớp 2

    quyển hạ có được làm không ạ?
     
  6. Thu VO

    Thu VO Leader 1000QSV1TVB

    Có nhé bạn :)
     
    Heoconmtv and QuangHai like this.
Moderators: Ban Tang Du Tử

Chia sẻ trang này