Giới thiệu sách Việt Nam giáo sử (1965)

Thảo luận trong 'Giới thiệu sách hay chưa có trên TVE-4U' bắt đầu bởi sadec1, 3/2/17.

Moderators: CreativeIdiot
  1. sadec1

    sadec1 Sinh viên năm IV

    Giới thiệu sách:
    Việt Nam giáo sử (1965)
    Tác giả: Linh mục Phan Phát Huồn

    Những sự thật cần phải biết – Đặng Chí Hùng

    Và sách:
    Tự điển nhà Nguyễn
    Tác giả: Võ Hương An

    Tác giả Võ Hương An không phải là một người xa lạ với Huế. Là một người sinh ra và lớn lên ở Huế, lại là con của một quan Nhất đẳng Thị vệ Nguyễn triều, tác giả có cơ duyên đạt được một sự hiểu biết thâm sâu về triều đại này. Ông đâ bỏ nhiều công sức nghiên cứu và viết khá nhiều bài báo liên hệ đến triều Nguyễn trên các website, có sách in ở Mỹ và đặc biệt là có sách đã in ở trong nước. Đó là cuốn “Huế của một thời” do NXB Tổng hơp Tp HCM năm 2008 ấn hành. Những bài viết của ông đã làm sáng tỏ nhiều nghi vấn lịch sử như “Tự Đức con ai?”, “Việc đời vay trả”, “ Tứ bất lập hay Ngũ bất lập”, “Tên húy của vua Gia Long là Anh hay Ánh?”,… nên đã được giới nghiên cứu trân trọng. Với những bài viết rất khách quan, nghiêm túc và khoa học như thế, ông đã tạo được niềm tin tưởng trong một số lượng đông đảo độc giả trong và ngoài nước.

    Giải thích cái tên sách, tác giả Võ Hương An đã viết:
    Khi dùng chữ Nhà Nguyễn, chúng tôi muốn bao gồm trong đó cả 9 đời chúa Nguyễn của Đàng Trong (1558 – 1777) và 13 đời vua Nguyễn (1802 – 1945) vì chúng tôi quan niệm rằng không thể nói đến các vua Nguyễn mà bỏ qua các chúa Nguyễn. vì rằng công nghiệp của các vua Nguyễn là sự kế thừa, chỉnh đốn, sửa đổi và phát triển công nghiệp tổ tiên khởi lập từ nửa sau của thế kỷ XVI.”(TĐNN, tr.7)
    Chúng tôi đồng ý với quan điểm này. Với 9 đời chúa Nguyễn, đất nước chúng ta đã mở rộng cho đến mũi Cà Mau, đã thiết định một nền hành chính mới mẻ vững vàng, và đã tổ chức xã hội, kinh tế, văn hóa,… có qui mô, nề nếp. Vậy thì nói đến triều Nguyễn do hậu duệ của các chúa Nguyễn lập nên trên dãi đất từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, chúng ta làm sao quên đi được công nghiệp của tổ tiên họ.
    Thêm nữa, nếu chỉ nhìn vào phần đất được mở rộng thêm trong cuộc Nam tiến dưới thời các chúa Nguyễn, chúng ta đã thấy được rằng các vua Nguyễn đã thừa hưởng một gia tài quá quý giá về nhân tài, vật lực, thổ địa cũng như các truyền thống văn hóa, tín ngưỡng,…từ công nghiệp của các chúa Nguyễn.Họ đã kế thừa và phát triển lên từ đó. Tất cả đã làm giàu thêm Tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta ngày nay.
    Cọng cả hai thời kỳ là 362 năm, nhà Nguyễn rõ ràng đã để lại một công nghiệp to lớn. Chuyện về nhà Nguyễn vì thế vô cùng gần gũi, phong phú và sinh động. Hiểu về chúng một cách chân xác vừa bổ ích vừa lý thú. TĐNN đã giúp chúng ta nhiều trong hành trình đi tìm kiếm sự hiểu biết này.
    Xin nói về chuyện lí thú trước. Ví dụ một là với từ “Ả” mà chúng ta được nghe vua Bảo Đại thưa với Đức Từ Cung trong bộ phim “Ngọn nến Hoàng cung”. Sao lại ả? Ban đầu, tôi cũng rất ngỡ ngàng, cứ tưởng phim cổ trang thì các đạo diễn hư cấu này nọ. Hóa ra, đó là “Con của các phi tần gọi mẹ đẻ là Ả….. bà Từ Cung (mẹ đẻ của vua Bảo Đại) không phải là chánh hậu của vua Khải Định.” (TĐNN, tr.13)
    Ví dụ hai, đề tài “Con dâu nhà vua gọi là gì?” có thời được tranh luận khá sôi nổi trên các tạp chí trong nước. Trong bài viết “Con dâu nhà vua triều Nguyễn được gọi là gì?” (Huế Xưa & Nay số 103, tháng 3-4/2011) tôi đã khảo sát một số gia phả của các phủ phòng và đi đến kết luận rằng đó là từ “phủ thiếp/ dắng thiếp”, một cách gọi rất độc đáo và rất Việt Nam. TĐNN đã xác nhận điều đó: “Vợ chánh của Hoàng tử, dâu của vua được gọi là Phủ thiếp. Vợ bé của hoàng tử gọi là dắng” (Sđd, tr.501).
    Ví dụ ba, giải quyết nghi vấn tên húy của vua Gia Long, TĐNN cho rằng đó là Nguyễn Phúc Ánh vì ba lí do:
    a. Miền Nam xưa, nơi khởi nghiệp của vua Gia Long, kiêng tên vua nên không gọi ánh sáng, Họ gọi là yến sáng.
    b. Các bậc túc nho trước 1945 đều đồng ý gọi húy của vua là Ánh.
    c. Và điều quan trọng nhất là: vì Anh không phải là húy của vua Gia Long nên vua Minh Mạng mới dám đặt cho đỉnh thứ tư (tại vị trí tả tứ, thứ 4 bên trái Cao đỉnh trong Thế miếu) là Anh đỉnh và năm 1883 triều đình mới dám tôn thụy hiệu của vua Tự Đức là Anh Hoàng đế và bà vợ chánh của vua, Võ Thị Duyên, làm Anh Hoàng hậu.
    ” (TĐNN, tr.213)
    Thế là quá rõ ràng. Vô lẽ vua Minh Mạng không kỵ húy tên cha và các quan lại muốn bị giáng chức vì phạm húy tên của Cao hoàng đế?.
    Ba ví dụ trên chỉ là một phần nho nhỏ của TĐNN mà đông đảo người bình thường hiếu kỳ muốn tìm hiểu. Bên cạnh đó, phần bổ ích mới đáng kể. Nó bao gồm cả nhân vật chí, dư địa chí, phong tục chí, quan chức chí, …nhà Nguyễn. Chỉ với phần nhân vật chí, qua tóm tắt những nét chính các danh thần, nghĩa sĩ dưới nhà Nguyễn, TĐNN làm cho ta tự hào về những bậc tiền nhân trung dũng, lỗi lạc của dân tộc ta. Các mục khác thậm chí có những mục từ trong đó đòi hỏi dày công nghiên cứu cẩn túc như mục từ “Cửu phẩm quan giai” (9 trang), “Án triện”, “Binh chế”, “Bửu tỉ”, “Văn võ quan phục”, “Tiền tệ” … Con cháu ngày nay muốn hiểu giòng họ của mình, chí ít là ông cố, ông sơ thì các ngài đều từng là quan dân nhà Nguyễn. Tra chức tước, phẩm trật của các ngài trong TĐNN là có ngay. Nói chung, muốn hiểu, muốn viết về nhà Nguyễn, cứ đọc TĐNN là nhanh gọn nhất.
    Hình ảnh cũng là một ưu điểm của cuốn TĐNN. Với hình ảnh ta thấy lại được sự sống sôi động của một triều đại đã qua qua lâu đài, con người, y phục, phẩm phục, nghi lễ, vũ khí,…Đặc biệt nhất là phẩm phục của bá quan văn võ, hoàng đế, hoàng hậu, công chúa… đều được minh họa rất rõ ràng.
    Có thể nói TĐNN đã giúp cho chúng ta có một cái nhìn đầy đủ hơn, chi tiết hơn, chính xác hơn về nhà Nguyễn và cải chính được nhiều nghi vấn trước đây. Nói ngoa thì đây là một cuốn tiểu Bách khoa toàn thư về nhà Nguyễn vậy.
    Tuy nhiên, với một công trình có tầm vóc lớn lao như thế, cuốn TĐNH vẫn có những hạn chế nhất định như tác giả đã nói trong Lời nói đầu: “Dù thận trọng và cố gắng đến đâu chăng nữa trong khi biên soạn, người viết tin chắc rằng vẫn không tránh được những sai lầm và thiếu sót rất có thể có nhưng chưa được phát hiện. Rất mong nhận được sự chỉ giáo của các bậc cao minh bốn phương để tác phẩm được đầy đủ và hoàn thiện hơn,” (TĐNN, tr.6)
    Là một kẻ hậu học, không dám tự nhận là “cao minh”, chúng tôi xin góp ý một vài điểm nhỏ:
    a. Tác giả đôi chỗ dùng chữ Hán giản thể. Theo thiển nghĩ của chúng tôi thì đó là một điều không nên. Lý do là các chữ này khác với các chữ đã ghi trên các bia đá, biển ngạch, sách sử, vật thể,.. được tạo ra dưới triều Nguyễn.
    b. Nhà hát Duyệt Thị Đường được ghi là 閱視堂 (TĐNN, tr.148). Thực tế hoành phi hiện còn trong nhà hát là 閱是堂.Ghi sai dẫn tới hiểu sai. Chính Wikipedia cũng nhầm như tác giả dù trang web này có trưng hình bức hoành phi đó. Thị (是) trên bức hoành phi đó có nghĩa là đúng/ phải/ấy thế, chứ không phải là thấy (視).
    Dùng hình thức từ điển để biên tập nhân vật chí, dư địa chí, phong tục chí, quan chức chí, …nhà Nguyễn tạo cho TĐNN một ưu thế vượt trội hơn khối thư tịch đồ sộ từ trước đến nay được viết về triều đại này. Nó giúp ta tra cứu, tìm kiếm dễ dàng và gọn gàng hơn. Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến này của tác giả.
    Với tình yêu quê cha đất tổ, với lòng yêu mến văn hóa lịch sử nước nhà, tác giả Võ Hương An đã trao tặng chúng ta một phương tiện rất quý giá. Cho nên, sở hữu một cuốn TĐNN có lẽ là một ước mong của bất cứ ai còn quan tâm đến lịch sử nước nhà...(Trích)
     

    Các file đính kèm:

  2. honvietbiz

    honvietbiz Mầm non

    Đang chờ cuốn Từ điển nhà Nguyễn bản đầy đủ của tác giả Võ Hương An, cảm ơn @sadec1 nhiều
     
    nguyen352 and VietNhan like this.
Moderators: CreativeIdiot

Chia sẻ trang này