Thảo luận 10 cặp từ ai cũng hay bị "lẫn lộn" trong Tiếng Việt

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Caruri Tlkd, 4/4/17.

Moderators: amylee
  1. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Đây, bài này trên kenh14, dành cho những tay làm ebook đây.

    Đi khắp Đông Tây, thật hiếm có ngôn ngữ nào chứa từ tượng hình và tượng thanh nhiều như Tiếng Việt.

    Tuy nhiên, dù Tiếng Việt đẹp bao nhiêu, dễ học, dễ nhớ bao nhiêu thì vẫn có không ít người Việt hay bị nhầm lẫn trong cách sử dụng từ.

    Dám cá rằng, không ít bạn trong chúng ta sử dụng những cặp từ này hàng ngày nhưng vẫn khó tránh khỏi sai sót. Hãy cùng xem đó là cặp từ gì và chia sẻ xem bạn có hay dùng nhầm không nhé!

    1. Chia sẻ hay chia xẻ

    Hẳn nói đến cặp từ này, không ít bạn quả quyết "chia sẻ" mới là từ đúng bởi ít khi nhìn thấy ai dùng từ "chia xẻ" cả. Nhưng bạn có hay, hai từ này đều được sử dụng, mặc dù nghĩa của chúng có hơi khác nhau.

    Từ "chia sẻ", "chia" có nghĩa là làm ra thành từng phần, từ một chỉnh thể; "sẻ" là chia bớt ra, lấy ra một phần. Do đó, "chia sẻ" có nghĩa là cùng chia với nhau để cùng hưởng, hoặc cùng chịu đựng. (ví dụ: Chia cơm sẻ áo, chia sẻ nỗi buồn).

    [​IMG]

    "Chia xẻ" – "chia" vẫn có nghĩa là làm nhỏ ra thành từng phần từ một chỉnh thể, trong khi đó "xẻ" nghĩa là chia, bổ, cắt cho rời ra theo chiều dọc, không để dính liền nhau nữa, hay có nghĩa là đào cái gì cho thông, thoát (VD: xẻ rãnh thoát nước).

    Bởi vậy, có thể nói, hai từ "chia sẻ" và "chia xẻ" này cùng là động từ, có nghĩa gần giống nhau nhưng cách dùng từ khác nhau. Bạn nên chọn từ đúng trong mỗi trường hợp, chứ đừng cãi cố là không có từ "chia xẻ" nhé!

    2. Giả thuyết hay giả thiết

    Trời, từ này là cực hay nhầm lẫn luôn đó! Có người thì khăng khăng nói rằng, chỉ có "giả thuyết" mới đúng và dùng trong tất cả các trường hợp, người khác thì lại quả quyết - "giả thiết" mới thật chính xác. Và sự thật là... cả hai từ đều dùng được nhưng ở trong các trường hợp khác nhau.

    Cụ thể, "giả thuyết" được sử dụng trong trường hợp muốn nêu luận điểm mới trong khoa học để giải thích một hiện tượng tự nhiên nào đó và tạm được chấp nhận, chưa được kiểm nghiệm, kiểm chứng.

    [​IMG]
    Trong khi đó, "giả thiết" được dùng để chỉ điều cho trước trong một định lý hay một bài toán để căn cứ vào đó mà suy ra kết luận của định lý hay để giải bài toán.

    Một định nghĩa khác được đề cập trong Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê như sau: "giả thiết" - điều coi như là có thật, nêu ra làm căn cứ để phân tích, suy luận, giả định. Bởi vậy, hai từ "giả thiết" và "giả thuyết" đều đúng, chỉ là bạn nên chọn từ thật đúng trong mỗi trường hợp mà thôi.

    3. Độc giả hay đọc giả

    Cần chỉ rõ rằng, "độc giả" là từ Hán Việt gồm hai chữ gốc Hán: "độc" mang ý nghĩa "đọc" hay "học" và "giả" mang ý nghĩa "người". Khi hai chữ đó được kết hợp với nhau, từ "độc giả" có nghĩa là "người đọc".

    Trong từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê xuất bản năm 2000, trang 336 cũng có định nghĩa từ"độc giả" – đó là người đọc sách báo, trong quan hệ với tác giả, nhà xuất bản, cơ quan báo chí, thư viện.

    [​IMG]

    Trong khi đó, từ "đọc giả" được một số người sử dụng với nghĩa "người đọc" hay "bạn đọc" – bao gồm "đọc" là một từ thuần Việt và "giả" là một chữ Hán Việt. Khi ghép hai từ này vào, ta sẽ nhận thấy một sự kết hợp không hợp lý.

    Bởi vậy có thể khẳng định rằng, "độc giả" mới là từ đúng.

    4. Chín mùi hay chín muồi

    Theo định nghĩa của Hoàng Phê – trong Từ điển Tiếng Việt 2000 (trang 161) có đề cập "chín muồi" là (quả cây) rất chín, đạt đến độ ngon nhất. Đạt đến độ phát triển đầy đủ nhất, để có thể chuyển giai đoạn hoặc trạng thái. (VD: Điều kiện để chín muồi).

    [​IMG]

    Nhưng lại có rất ít từ điển đề cập đến từ "chín mùi". Ngay cả từ điển của Nguyễn Kim Thản (2005) cũng chỉ nêu "chín muồi" là…. chín mùi như một cách nói tắt.

    Bởi vậy, có thể khẳng định, từ đúng ở đây phải là "chín muồi".

    5. Tựu chung hay tựu trung

    Trường hợp đúng ở đây phải là "tựu trung". Tuy nhiên, không ít người dùng "tựu chung" hàng ngày bởi họ cho rằng, nghĩa của "chung" trong "tựu chung" giống trong từ "chung quy".

    [​IMG]

    Thật ra, từ "tựu trung" - "tựu" có nghĩa là tới (tề tựu); trung: là ở giữa, trong, bên trong. "Tựu trung" có nghĩa là tóm lại, biểu thị điều sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến. Ví dụ: Mỗi người nói một kiểu nhưng tựu trung đều tán thành cả.

    6. Vô hình chung hay vô hình trung

    Không ít người thường dùng từ "vô hình chung" thay cho từ "vô hình trung" bởi nghĩ từ "chung" có nghĩa là chung quy. Tuy nhiên, cách hiểu này không đúng.

    [​IMG]

    Theo nghĩa Hán Việt, "vô hình trung" có nghĩa là "trong cái vô hình". Còn trong Từ điển Tiếng Việt có định nghĩa: "vô hình trung": tuy không có chủ định, không cố ý nhưng tự nhiên lại là (tạo ra, gây ra việc nói đến). Ví dụ: "Anh không nói gì, vô hình trung đã làm hại nó".

    Trong khi đó, không có từ điển nào đề cập đến định nghĩa của từ "vô hình chung" cả. Vì thế, "vô hình trung" là từ đúng; còn "vô hình chung" là sai.

    7. Nhậm chức hay nhận chức

    Theo nghĩa Hán Việt, "nhậm" trong từ "nhậm chức" là gánh vác công vụ, nhiệm vụ; "chức" là chức trách, việc quan, bổn phận. "Nhậm chức" là giữ chức vụ, gánh vác, đảm đương chức vụ do cấp trên giao cho, hiểu đơn giản, cấp trên bổ nhiệm, cấp dưới nhậm chức.

    [​IMG]

    Trong khi đó, từ "nhận chức" trong nghĩa Hán Nôm thì "nhận" là tiếp đón, chịu lấy, lĩnh lấy; nên"nhận chức" là nhận chức vụ, nhưng không diễn tả được trách nhiệm với chức vụ đó. Theo nghĩa Hán, "nhận" là nhìn, biết, chịu, bằng lòng nên "nhận chức" không có nghĩa.

    Do đó, dù theo từ điển Hán Nôm, hay Hán Việt thì từ "nhận chức" đều không có nghĩa diễn tả được trách nhiệm đối với chức vụ. Do đó, từ đúng phải là "nhậm chức".

    8. Chẩn đoán hay chuẩn đoán

    Bạn cho rằng, chẩn đoán và chuẩn đoán là giống nhau ư? Nhưng sự thật là, trong này chỉ có một từ đúng mà thôi.

    "Chẩn đoán" - "chẩn" có nghĩa là xác định, phân biệt dựa theo những triệu chứng, dấu hiệu có sẵn; "đoán" có nghĩa là dựa vào cái có sẵn, đã thấy, đã biết để tìm cách suy ra điều chủ yếu còn chưa rõ hoặc chưa xảy ra.

    Như vậy, "chẩn đoán" có nghĩa là xác định bệnh, dựa theo triệu chứng và kết quả xét nghiệm (theo Từ điển Tiếng Việt). VD: Chẩn đoán bệnh có đúng thì điều trị mới có hiệu quả.

    [​IMG]

    Trong khi đó, "chuẩn" trong từ "chuẩn đoán" lại không hề mang nghĩa như vậy. Từ "chuẩn" chỉ có nghĩa là cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu, hướng theo đó mà làm đúng; hay là cái được công nhận là đúng theo quy định hoặc theo thói quen trong xã hội mà thôi.

    Vì vậy, "chẩn đoán" mới là từ đúng.

    9. Tham quan hay thăm quan

    Nhiều người cho rằng, "tham quan" hay "thăm quan" giống nhau về nghĩa nên có thể sử dụng xen lẫn được. Nhưng sự thật là chỉ có 1 từ đúng thôi – và đó là "tham quan". Thử phân tách nghĩa các từ ra nhé!

    Từ "thăm quan" được gắn nghĩa từ "thăm" - đến nơi nào đó bày tỏ sự quan tâm, hỏi han (đi thăm người ốm) hay xem xét để biết tình hình (thăm trường, lớp)… với từ "quan" – quan sát.

    [​IMG]

    Trong khi từ "tham quan" (động từ) - theo gốc Hán thì "tham" có nghĩa là thêm vào; "quan" là quan sát, nhìn nhận. Do đó, "tham quan" nghĩa là đi tận nơi để quan sát, mở rộng hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm.

    Tuy nhiên, từ này đồng âm khác nghĩa với từ "tham quan" (danh từ) chỉ viên quan có tính tham lam. Bởi vậy, từ "tham quan" mới là từ chính xác.

    10. Sát nhập hay sáp nhập

    Nếu ai đó hỏi bạn từ "sát nhập" hay "sáp nhập" mới đúng. Bạn sẽ trả lời sao? Sự thật là gốc của 2 từ "sát nhập" và "sáp nhập" này bắt nguồn từ "sáp nhập" – một từ ngoại lai. Trong đó, "Sáp" có nghĩa là cắm vào, cài vào; còn "Nhập" nghĩa là vào, tham gia vào, đưa vào.

    Do vậy, "sáp nhập" là nhập chung lại, gộp chung lại làm một. (Ví dụ: Sáp nhập ba xã làm một/ Công ty A sáp nhập vào công ty B). Với từ "sát nhập", từ "sát" là từ biến âm, biến thể dân gian của từ "sáp" mà ra. Từ "sát" trong tiếng Việt có nghĩa phái sinh từ từ "sáp".

    [​IMG]

    Ngoài nghĩa gốc là cắm vào, cài vào thì còn có nghĩa là liền ngay bên cạnh, xích gần lại đến mức không còn khoảng cách. Đứng trên quan điểm đồng đại, nhiều người sử dụng hai từ "sáp nhập" và "sát nhập" y như nhau. Một vài cuốn từ điển tiếng Việt đề cập đồng thời hai từ "sáp nhập" và "sát nhập" với nghĩa tương tự nhau.

    Tuy nhiên, theo ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận – Trưởng Bộ môn Hán Nôm Khoa Văn học và khoa Ngôn ngữ - trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thì không nên sử dụng hai từ này giống nhau bởi nó không thật hợp lý.

    Từ "sát" – tức là cạnh đến mức không còn khoảng cách, còn "sáp" nghĩa là cắm vào, cài vào; nếu sử dụng chung, nghĩa gốc của từ "sáp" không còn, từ đó, nghĩa của từ đã bị thay đổi.

    Hãy chia sẻ thêm về những cặp từ mà bạn hay nhầm lẫn qua bình luận ở dưới nhé!

    Một số tài liệu tham khảo:

    1.Đào Duy Anh (2005), Hán Việt từ điển, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

    2.Hoàng Phê (chủ biên) (2000), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học.
     
  2. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Là người hay sửa chính tả nên ít khi tôi bị lẫn mấy lỗi trên đây. Thật ra thì tôi thấy "sát nhập" với "chín mùi" vẫn chấp nhận được với ý nghĩa là biến âm của hai từ "sáp nhập" và "chín muồi".

    Theo kinh nghiệm sửa chính tả trên wikipedia thì "thăm quan", "chuẩn đoán" nhiều người nhầm.

    Ngoài ra còn một từ sai nữa mà phổ biến là "quan ngại". Từ này chẳng phải là "quan tâm và lo ngại" mà là "bận lòng vì khó khăn, trở ngại", tức với nghĩa "ngại ngần" nhưng cứ được dùng như nghĩa "lo lắng". Xuất phát của việc dùng sai từ này là bộ ngoại giao, chẳng biết khởi nguồn từ tay nào soạn văn bản mà phát ngôn viên lúc nào cũng ra rả "chúng tôi quan ngại thế này", "quan ngại thế kia"...
     
  3. minhchanh57

    minhchanh57 Mầm non

    Theo các bạn thì cặp từ THỐNG KÊ và THỐNG KẾ thì như thế nào ?
     
  4. khanh911

    khanh911 Lớp 3

    Sai mất "vô hình trung" với "tựu trung", mặc dù mấy từ này ít dùng. :D
     
  5. metalheart5410

    metalheart5410 Lớp 7

    Còn nhiều cặp từ lắm: "Dông tố" hay "Giông tố", "Xoi mói" hay "Soi mói",... Muốn biết đúng hay sai lại phải đi tìm hiểu từ nguyên (cái này cũng được bổ sung, chỉnh lý theo thời gian), rồi cấu trúc từ ghép đẳng lập, từ ghép chính phụ, từ láy, từ vay mượn,... Mà ngôn ngữ thường phát triển theo quy luật: sai mà tỷ lệ người dùng nhiều thì thành đúng (lúc đó ta bổ sung từ sai vào từ điển thế là xong)
     
  6. hungbc1010

    hungbc1010 Lớp 6

    Mình thì dùng "tựu trung" nhưng lại "vô hình chung" :P
    Ngoài lề:
    - Mình chuyên gia viết biên bản có dính tới từ "súc xả". Mặc dù là không bao giờ sai chính tả nhưng cứ hay bị nhầm, hễ đặt bút viết từ này là bắt đầu bằng chữ x rồi ngay lập tức phải sửa lại.
    - Từ mà rất nhiều người dùng sai: bất cập, cứu cánh...
     
  7. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    2 khái niệm trên có vẻ rất gần nhau. Có lẽ tác giả đã cố gắng đưa ra những ý nghĩa khác nhau để dễ phân biệt nhưng đó là những nghĩa phái sinh thôi.
    'Chia cơm sẻ áo' thì trước hết phải sẻ cái áo ra mới 'cùng chia với nhau để cùng hưởng' được. 'Xẻ rãnh thoát nước' thì trước hết đó là xẻ mặt đất làm hai phần, sau đó mới có nghĩa phái sinh là chia, bổ, cắt cho rời ra theo chiều dọc. Vậy 'sẻ' hay 'xẻ' thì nguyên nghĩa là như nhau.
    Trong các sách cũ, nhất là sách in ở miền Nam, các từ này đều in là 'sẻ', cũng như 'sà nhà', 'hoa soan'... Nếu bây giờ ta sửa lại thì nên sửa hết là 'xẻ' cũng được.
    Thực ra, từ 'sẻ' bắt nguồn từ 'tể' trong tiếng Hán, theo quy tắc biến âm giống như: tà-sà, từ-(đồ) sứ, tiêu-sáo, tu-sửa, túy-say... Mà 'tể' trong tiếng Hán thì có nghĩa là 'sẻ' hay 'xẻ'. VD như 'tể phu' dịch là người chia thịt (thịt cúng tế), 'đồ tể' là giết và xẻ thịt. Vậy ta để nguyên là 'sẻ' thì cũng không sai.
     
  8. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Bạn này nói đúng rồi. VD Tự tín mới là đúng nhưng giờ ta dùng 'tự tin'.
    Chưa kể nhiều từ được gọi là từ láy: VD 'hì hục' đúng ra phải là 'trì trục'.
    Chưa kể nhiều từ nói tắt, VD Túy lý càn khôn -> túy lúy.
     
  9. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Còn có một cái là phương ngữ và giọng vùng miền nữa. Ví như từ Dông tố. Theo chuẩn phổ thông (Lấy theo giọng Bắc Việt) thì phải là Giông tố, nhưng theo giọng miền Nam thì Dông tố mới đúng.

    Hiện nay mình thấy thiếu nhà nghiên cứu ngôn ngữ và công trình nghiên cứu ngôn ngữ có tầm.
     
  10. V/C

    V/C Mầm non

    Chuẩn rồi! Quyền lực có thể thay đổi từ ngữ. Thế nào mới là từ chuẩn Việt? Sao không thể là Dông hay Nhứt? Từ nào dùng nhiều nhất là từ chuẩn? Hay cứ theo kiểu giảng giải của Hán Việt mới là từ chuẩn?
    Khó lắm thay! Thôi, quen thế nào dùng thế ấy.
     
  11. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Vừa mới đọc báo thấy có ông còm men:

    "Ở một số nước phụ nữ là yếu nhân..." thấy diễn đạt sai vì ý ông ấy muốn nói "phụ nữ là thứ yếu, không quan trọng", còn "yếu nhân" là "người quan trọng". Tương tự một cặp hay dùng sai là "yếu điểm" được dùng như là "điểm yếu".

    Vừa check chính tả cuốn Ỷ Thiên cũng có một từ nhà xuất bản dùng không chính xác là "thiền sư rời chân đi". Đúng ra phải là "dời" vì "rời" là đi khỏi cái gì (ví dụ "rời nhà đi kiếm ăn" hay "rời quê hương tìm đường cứu nước) còn "dời" là chuyển cái gì đi (ví dụ "tôi dời nhà hôm qua" (tức chuyển nhà), "dời gót ngọc"...). Cho nên mới có "Chiếu dời đô" (chuyển thủ đô đi nơi khác) chứ không phải là "Chiếu rời đô" (đi xa khỏi thủ đô).
     
    tran ngoc anh thích bài này.
  12. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Ngôn ngữ nó là quy ước mà thôi. Qua thời gian, cái gì dùng nhiều, từ sai có thể chấp nhận thành đúng (như các ví dụ các bạn đã nêu). Ví dụ nếu đọc mấy cái báo đầu thế kỷ 20 thì có nhiều từ nay chúng ta không dùng nữa hoặc chỉ dùng theo dạng biến thể khác (ví dụ "giòng nước" hay "dun dẩy"...).

    Không phải như toán học, theo công thức này nọ, ngôn ngữ nó có nhiều ngoại lệ. Vì vậy bài toán xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) mới trở thành một hướng nghiên cứu riêng.
     
  13. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Các bác nghĩ sao khi ở VN, thường có cách nói và viết đại loại như 'Ông X là nhân chứng trong vụ án...' ?
     
  14. metalheart5410

    metalheart5410 Lớp 7

    Đúng là có yếu tố vùng miền, nhưng trường hợp bạn đưa ra là chưa đúng. Nếu viết đúng thì chỉ một là "Dông tố" thôi. Từ này có thể tra trong "Đại Nam quốc âm tự vị" của Huỳnh Tịnh Của (được biết là quyển tự vị Tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam).
     
  15. Se Sẻ Nâu

    Se Sẻ Nâu Lớp 6

    Nhân nói về từ 'quan ngại', gần đây còn có từ 'khuất tất'. Trước đây, nó là từ Hán Việt, có nghĩa là quỳ gối. Giờ thì từ ấy dùng nhan nhãn trên báo chí và được các quan chức lãnh đạo ưa dùng với ý nghĩa như 'khuất lấp', ý chỉ sự việc mờ ám, không rõ... Mỗi khi đọc từ này lại thấy hơi sao sao ấy... biết rằng ngôn ngữ biến chuyển như một chủ thể sống, nhưng sự trong sáng của nó nên được đưa lên hàng đầu...
     
  16. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Đó gọi là sự thay đổi nội hàm của ngôn ngữ đấy. Trước đây 'khuất tất' không có nghĩa là 'mờ ám' (mà phải là 'khuất khúc') nhưng bây giờ người ta thêm nghĩa mới cho nó.
    VD từ 'truyền thống' nguyên nghĩa chỉ là nối dài thêm sợi dây (nối dõi) nhưng sau này nó lại được dùng như danh từ với nghĩa khác.
     
  17. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Cuốn "Đại Nam quốc âm tự vị" không biết ngày nay còn được mấy người dùng. Chứ mình cũng chưa thấy mặt mũi ra là sao (mình cũng học hết lớp 12 rồi). Nhưng những cuốn tự điển hiện thời thì có cả "Giông tố" nữa, nghĩa là nó không sai.
     
  18. quang3456

    quang3456 Lớp 10

    Nếu viết đúng như quyển đó thì phải là Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của
     
  19. tran ngoc anh

    tran ngoc anh Cử nhân

    Đúng là trước có thắc mắc vụ này, "uốc" trong từ "quốc" lại không được phát âm là "uốc".
     
  20. cfcbk

    cfcbk Lớp 2

    Đọc mới biết chính mình lại dốt tiếng Việt :)
    Các bác cho em hỏi có cái cặp từ: Thủa xưa và Thuở xưa, người ta hay dùng từ sau, nhưng em thấy vần "uơ" thật sự thấy rất ít dùng, mà em cũng không biết cái vần "uơ" thì nó phát âm ra sao nữa, mong các bác chỉ bảo để em về dạy con bé nhà sắp đi học :D
     
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này