Tâm lý - Giáo dục G 100 Câu Chuyện Triết Lý Và Kẻ Trí - Quách Thành

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi chichi.myluckycharm, 29/7/16.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    120. NIỀM VUI

    Một đứa bé trai sống trong căn nhà lớn dưới chân núi. Nó thích trèo cây, bơi lội, đá bóng, thích con gái đẹp. Nó có cuộc sống hạnh phúc. Một hôm, cậu bé nói với Thượng đế:

    - Con nghĩ rất lâu rồi, con biết sau này lớn lên mình muốn gì.

    - Con sẽ làm gì? - Thượng đế hỏi.

    - Con muốn sống trong một tòa nhà lớn phía trước có hành lang, trước cửa có hai tượng thánh Saint Bernard, và một vườn hoa ở cửa sau. Con muốn lấy một người con gái vừa cao vừa đẹp làm vợ, tính tình cô ấy ôn hòa, tóc dài đen nhánh, có đôi mắt màu xanh, biết chơi đàn ghita, có giọng nói trong như tiếng chim hót. Chúng con sẽ có ba đứa con trai khỏe mạnh, và cùng chúng chơi đá bóng. Sau khi lớn lên, một đứa là nhà khoa học, một đứa là nghị sĩ, còn đứa nhỏ nhất sẽ chơi ở vị trí tiền đạo trong đội bóng bầu dục. Con muốn trở thành nhà thám hiểm hàng hải, leo núi, giúp đỡ mọi người và có một chiếc xe đua màu đỏ của hãng Ferrari, có điều tuyệt đối không bao giờ phải chở ai cả.

    - Đó quả thực là một ước mơ đẹp - Thượng đế nói - Hy vọng ước mơ của con sẽ thành sự thật.

    Sau này, anh ta bị chấn thương đầu gối khi chơi đá bóng, từ đó, không thể leo núi hay trèo cây được nữa, càng không thể đi biển. Do đó anh theo học quản lý kinh doanh, sau đó kinh doanh thiết bị y tế. Anh ta cưới một cô vợ tóc đen dài rất đẹp, nhưng cô ta không cao, mắt không phải là màu xanh mà là màu nâu. Cô ta cũng không biết chơi đàn ghi ta, thậm chí không biết hát, nhưng nấu ăn rất ngon, vẽ tranh như một họa sĩ xuất sắc.

    Nhờ chăm chỉ làm ăn, anh ta sống trong một tòa nhà cao tầng tại trung tâm thành phố, từ đó có thể nhìn thấy biển xanh và ánh sáng lấp lánh. Trước cửa nhà anh ta không có bất cứ tượng thánh Saint Bernard nào cả. Anh ta có ba cô con gái xinh xắn, trong đó đứa bé út đang nằm trong xe đẩy là đáng yêu nhất. Cả ba cô con gái rất thương cha mẹ, tuy chúng không thể đá bóng cùng cha, nhưng có lúc họ cùng nhau đi công viên chơi phi thuyền, những lúc như thế cô con gái thường ngồi dưới gốc cây chơi đàn ghita, hát những ca khúc nhẹ nhàng mượt mà. Anh ta có một cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ, nhưng anh ta không có xe đua màu đỏ của hãng Ferrari. Có lúc anh ta cũng không nghĩ đến việc làm sao để thúc đẩy mức tiêu thụ các sản phẩm mình cung cấp.

    Một buổi sáng kia lúc thức dậy, anh chợt nhớ đến ước mơ thời thơ ấu của mình.

    - Tôi thật buồn.

    Anh không ngừng nói như vậy với những người xung quanh, buồn vì ước mơ của mình không thành.

    Trong bóng tối, anh nằm suy nghĩ rất lâu, cuối cùng quyết định mình sẽ có ước mơ mới, đó chính là những thứ anh đang có.

    Sau đó anh khỏe mạnh xuất viện, sống hạnh phúc trong ngôi nhà của mình, nghe tiếng nói dễ thương của trẻ con, ngắm ánh mắt nâu của vợ. Buổi tối, anh ra ngắm biển, hủy bỏ những ước mơ ngày xưa của mình.

    Các bạn trẻ, thực ra mỗi chúng ta ai cũng có niềm vui, đó chính là hiện tại. Con người lạc quan sẽ coi đó là một ơn huệ của Thượng đế, với tấm lòng biết ơn để hưởng thụ hiện tại, còn người bi quan sẽ đánh mất niềm vui đang có trong tay mình. Mỗi chúng ta đều có hiện tại, chúng ta còn lý do gì để không hưởng thụ niềm vui?
     
  2. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    121. BẦN CÙNG CHÍNH LÀ GIÀU CÓ

    Trong tuyển tập “Ngụ ngôn Aesop” có một câu chuyện như sau:

    Chuột thành phố và chuột nông thôn là bạn thân của nhau. Một hôm, chuột nông thôn viết một bức thư gửi chuột thành phố, trong thư viết:

    - Anh chuột thành phố ơi, rảnh mời anh đến nhà tôi chơi, ở đây có thể thưởng thức cảnh sắc tươi đẹp và không khí trong lành của nông thôn, cuộc sống nhàn hạ thong dong, không biết ý anh thế nào?

    Chuột thành phố sau khi nhận được thư, vui lắm, lập tức về quê. Con chuột nông thôn rất vui khi thấy bạn tốt của mình đến chơi. Nó đãi bạn một bữa thịnh soạn. Chuột nông thôn sợ rằng không có đủ thức ăn cho cả hai, vì vậy nó chỉ ăn chút ngũ cốc. Trong khi, chuột thành phố có cả nắm đậu xanh, một miếng phô mai và trái táo chín đỏ. Sau khi con chuột thành phố ăn hết ngần ấy thức ăn, nó bảo bạn:

    - Sao cậu có thể sống ở miền quê thế này chứ? Cậu chẳng nhìn thấy gì ngoài rừng cây, sông suối, những cánh đồng và ngọn núi. Cuộc sống thật chán ngắt khi chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng chim. Lên thành phố với tớ đi. Cậu có thể sống trong những ngôi nhà xinh đẹp, mỗi ngày đều có những thứ ngon lành cho bữa tối. Chỉ cần sống ở thành phố một tuần thôi, cậu sẽ quên cuộc sống ở cái miền quê này ngay.

    Vậy là hai con chuột cùng nhau lên thành phố.

    Chuột nông thôn thấy thành phố hào hoa, nhà cửa sạch sẽ nên rất ngưỡng mộ. Nghĩ đến việc mình ở nông thôn từ sáng đến tối, đều chạy trong đồng ruộng, ăn toàn lúa mì và ngũ cốc, mùa đông vẫn phải tìm kiếm thức ăn trên tuyết lạnh, mùa hè người toát hết mồ hôi, so với chuột thành phố thì mình thật bất hạnh. Về đến nhà chuột thành thị thì trời đã tối.

    - Chắc cậu đói rồi. Chúng ta đã đi một chặng đường dài thế kia mà. - Con chuột thành phố bảo bạn - Chúng mình sẽ có bữa tối ngay thôi.

    Vậy là chúng tới nhà ăn, con chuột thành phố tìm được rất nhiều trái cây và bánh.

    - Tự nhiên nhé. - Nó bảo - Có đủ cho cả hai đứa mình đấy, một bữa tối ngon lành - chuột thành phố hoan hỉ.

    - Anh giàu thật đấy.

    Nhưng sau đó một con chó bước vào. Hai con chuột nhảy phốc xuống bàn và biến vào cái lỗ dưới sàn. Con chuột nông thôn nhỏ bé tội nghiệp vô cùng sợ hãi!

    - Cậu đừng sợ - chuột thành phố trấn an bạn - Con chó ấy không chui vào đây được đâu!

    Sau đó, hai con chuột lại vào nhà bếp. Chúng tìm được mẩu bánh táo trên kệ và chén ngon lành. Cùng lúc đó, chúng nhìn thấy đôi mắt sáng quắc đang dõi theo chúng.

    - Mèo! Mèo! - Con chuột thành phố rống lên, và cả hai lại chạy thục mạng vào cái lỗ ngay hốc tường. Chuột nông thôn sợ quên cả đói, khi đã trấn tỉnh lại, nó đội mũ lên nói với chuột thành phố:

    - Cuộc sống ở nông thôn, vẫn hợp với tôi hơn. Ở đây tuy nhà đẹp thức ăn ngon, nhưng hàng ngày rất căng thẳng, chẳng thà quay về quê ăn lúa mạch, sống vui vẻ. Ở quê, lũ chim ca hát trong khi tớ ăn táo, ăn bắp. Ở thành phố, lũ mèo canh chừng cậu ăn bánh. Tớ thích ăn bắp trong an lành hơn là ăn bánh trong sợ hãi.

    Sống trong nhung lụa mà lúc nào cũng phải nơm nớp lo sợ, không bằng những ngày nhàn hạ của cuộc sống bần hàn. Mỗi người có một lý giải khác nhau về cuộc sống, quan trọng là bạn nhìn cuộc sống này như thế nào. Đừng đi ngưỡng mộ người khác, chỉ cần bạn thích, bạn có thể hưởng thụ cuộc sống của chính mình.
     
  3. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    122. LẤY OÁN BÁO ÂN

    Một con Hươu đang đi trong rừng bỗng nghe thấy tiếng kêu cứu. Hươu chạy về nơi phát ra âm thanh, thấy một con Sói đang bị đè dưới một cái cây. Hươu hỏi:

    - Anh Sói ơi, anh có sao không?

    - Đừng hỏi nữa, mau dùng sừng của bạn lấy cái cây ra đi, để tôi leo lên! - Sói nói.

    - Tôi không biết có nhấc nổi nó không! - Hươu nói.

    Rồi nó thử lấy sừng nâng cái cây lên, cố gắng hết sức nó mới nâng nổi cái cây lên, con Sói chạy ra. Việc đầu tiên là kiểm tra xem có bị gãy xương không, rồi sau đó vui vẻ nhảy lên nói với Hươu:

    - Hươu, bây giờ tôi muốn ăn thịt anh!

    - Cái gì? - Hươu sợ thót mình, nó nói:

    - Lẽ nào anh không biết nhục? tôi đã cứu mạng anh, ngược lại anh lại đòi ăn thịt tôi.

    - Đúng, anh cứu mạng tôi, tôi rất cảm ơn. Nhưng, bây giờ tôi đói rồi, do đó phải ăn thịt anh.

    Chúng tranh cãi hồi lâu, sau cùng quyết định mời Gấu tới phân giải. Chúng kể tường tận tỉ mỉ câu chuyện cho Gấu nghe. Gấu nghĩ một chút rồi nói với Hươu:

    - Anh cứu Sói, Sói lại muốn ăn thịt anh, Sói làm vậy là không đúng. Nhưng nếu xét ở một phương diện khác mà nói, Sói cũng có lý, vì đói, mới phải ăn thịt anh. Như thế này nhé, hãy đưa tôi đến chỗ cái cây đó, xem anh đã cứu Sói như thế nào, tôi mới quyết định được.

    Hươu và Sói đều đồng ý, mọi người quay lại chỗ cái cây bị đổ. Hươu dùng hết sức để nhấc cái cây, đè lại lên người Sói. Lúc này, Gấu nói:

    - Anh hãy dùng sừng nhấc cây ra để cứu Sói.

    Hươu trả lời:

    - Hôm nay tôi đã nhấc cây này hai lần rồi, bây giờ tôi mệt lắm.

    Gấu nói:

    - Nếu như anh không có sức để nhấc, vậy đừng nhấc nữa. Nhưng, với tình hình thế này tôi làm sao giải quyết? Hươu, anh đừng có tức, tôi không phải là không bênh vực anh, tôi hết cách rồi.

    Nói xong Gấu bỏ đi.

    - Thật sự là hết cách.

    Hươu nói xong cũng bỏ đi. Vì vậy con Sói bị cây đè cho đến chết.

    Có rất nhiều ân oán trong cuộc sống chúng ta, có ân báo ân, có oán báo oán, đã trở thành quan niệm sống của nhiều người. Ân cũng được mà oán cũng được, chúng ta nên cảm ơn cuộc đời đã cho ta sống và cảm ơn những người đã giúp đỡ khi chúng ta gặp phải khó khăn.
     
  4. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    123. ĐỜI NGƯỜI NHƯ LEO NÚI

    Một thanh niên thích leo núi đi tìm một chuyên gia leo núi nổi tiếng, xin ông ta chỉ bảo cho những cách thức leo núi. Trong đó có một vấn đề:

    - Nếu chúng ta ở lưng chừng núi, đột nhiên trời mưa phải làm sao?

    Chuyên gia leo núi nói:

    - Anh nên đi lên đỉnh.

    - Tại sao lại lên đỉnh, ở trên đó không phải là mưa gió to hơn sao? - Người thanh niên nghi hoặc hỏi.

    - Đi lên đỉnh, đương nhiên mưa to hơn, nhưng không nguy hiểm đến tính mạng; chạy xuống, mưa gió nhỏ hơn một chút, nhưng dễ xảy ra lở đất, anh có thể bị vùi chết.

    Chuyên gia leo núi nghiêm túc nói:

    - Đối với mưa gió, tránh nó, có thể sẽ bị cuốn trôi; nghênh đón nó, ngược lại sẽ giành được sự sinh tồn.
     
  5. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    124. CON ĐƯỜNG PHÍA TRƯỚC

    Trời tối đen như mực.

    Trên đường, người qua lại vội vã. Có tiếng gõ cọc cọc đều đều phát ra từ cây gậy gỗ trên tay anh - một người bị mù.

    Người đi đường nhắc:

    - Phía trước là ngõ cụt rồi.

    Người mù nói:

    - Phải đi hết mới biết đường thế nào.

    Người mù không dừng lại, cứ thế tiến về phía trước. Tiếng gõ xa dần, nhỏ dần và đến khi mất hẳn.
     
  6. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    125. VÌ MỌI NGƯỜI

    Một bé gái được cha đưa ra vườn hoa hồng dạo chơi.

    Cô bé hít thật sâu, nói:

    - Cha, cha có ngửi thấy không? Những bông hoa hồng này thật là thơm!

    Người cha chưa kịp trả lời, thì đã nghe tiếng một bà lão đứng bên hành lang nói:

    - Nếu như hai cha con thích, thì cứ chọn lấy vài bông.

    Hai cha con chọn hái những bông hoa đẹp nhất, rồi cảm ơn bà lão và khen những bông hoa bà trồng thật đẹp.

    Bà lão nói:

    - Mục đích tôi trồng những bông hoa này là để mọi người đến thưởng thức, chứ bản thân tôi không thấy được chúng, vì tôi là một bà lão mù.
     
  7. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    126. NGHI NGƯỜI TRỘM RÌU

    Có một người bị mất cây rìu, bèn nghi ngờ đứa con của người hàng xóm ăn cắp. Do đó, anh ta thường xuyên theo dõi cậu thanh niên ấy, thấy nó đi trên đường giống y như người ăn cắp cái rìu của mình, nghĩ thầm:

    - Bước đi mà không phát ra âm thanh nào cả, xem ra là tay điêu luyện.

    Rồi một hôm ông ta nghe cậu thanh niên nói chuyện với người khác, liền nghĩ:

    - Nói mà phát ra âm thanh the thé, dường như sợ người khác nghe thấy, thật là gian xảo.

    Ông ta cảm thấy dáng đi của cậu thanh niên giống tên trộm, âm thanh tiếng nói giống tên trộm, tóm lại, toàn thân từ trên xuống dưới, nhất cử nhất động, không có chỗ nào không giống kẻ trộm.

    Sau này, ông ta tìm thấy cây rìu bị mất, thì ra là khi chặt củi trên núi, do không cẩn thận làm rìu rơi xuống khe núi.

    Ngày hôm sau, ông ta lại nhìn thấy cậu con trai người hàng xóm, liền cảm thấy dáng đi của anh không khác gì người thường, lời nói cũng bình thường, chẳng giống một tên ăn trộm tí nào cả.
     
  8. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    127. CAO THỦ CÂU CÁ

    Nước Sở có một cao thủ câu cá tên Chiêm Hà, ông ta câu cá không giống mọi người; dây câu chỉ là một sợi tơ, lấy cây cỏ chè vè uốn lại làm lưỡi câu, cần câu là một cành trúc. Khi câu, ông ta dùng nửa hạt cơm đính vào lưỡi làm mồi. Chỉ trong thoáng chốc, Chiêm Hà đã câu được đầy một xe cá! Nhưng kỳ lạ là, dù câu nhiều như thế, nhưng dụng cụ câu cá của ông ta không hề bị biến dạng; dây câu không bị đứt, lưỡi câu không bị thẳng, thậm chí cần câu cũng không bị cong!

    Sở Vương nghe tin Chiêm Hà có kỹ thuật câu cá cao siêu như thế lấy làm hiếu kỳ, liền phái người mời vào cung, hỏi bí quyết câu của ông ta. Chiêm Hà đáp:

    - Tôi nghe người cha đã mất nói, nước Sở trước đây có một cao thủ bắn chim tên gọi Bồ Thư Tử, ông ta chỉ cần kéo nhẹ dây cung, mũi tên đã lao đi vun vút, hơn nữa một mũi tên có thể bắn trúng hai con chim hoàng bằng đang bay trên trời. Cha nói, bởi vì ông ta chuyên tâm, dùng lực đều. Do đó, tôi đã dùng cách của ông để câu cá, sau năm năm luyện tập, cuối cùng đã tinh thông kỹ thuật này. Mỗi khi đến bờ sông câu cá, toàn tâm toàn ý chú ý vào việc câu cá, hoàn toàn không nghĩ đến việc khác, tâm tình tĩnh lặng, loại bỏ ý nghĩ đen tối. Một khi quăng cần câu, lực dùng vừa phải, không nặng cũng không nhẹ, hoàn toàn không tác động gì đến môi trường xung quanh. Như thế, cá nhìn thấy mồi câu của tôi, tưởng rằng đó là cặn bã hay bọt nước mà thôi, thế là chúng không ngần ngại bơi đến đớp mồi. Bởi vì, khi câu cá, tôi luôn lấy nhu chế cương, lấy khinh làm trọng.

    Câu chuyện Bồ Thư Tử bắn chim và Chiêm Hà câu cá đều nêu ra một đạo lý chung: Bất luận làm việc gì, đều phải toàn tâm toàn ý, không được qua loa, cần dùng trái tim để phán đoán và vận dụng quy luật khách quan để chế ngự nó. Chỉ như thế, mới có thể giành được thành quả nổi bật, đạt được thành công trong công việc.
     
  9. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    128. NUÔI CHIM

    Bên ngoài thành nước Lỗ có một con chim biển rất lạ, mọi người trước giờ chưa từng thấy qua loài chim này, nên cho rằng nó là con chim thần. Quốc vương sai người tìm cách bắt con chim đó về, và nó đã được đối đãi như một vị khách quý trong hoàng cung, nhưng trông con chim rất ủ rũ.

    - Làm sao mới khiến chú chim này vui vẻ lên? - Quốc vương vô cùng lo lắng.

    Bỗng nhiên ngài reo lên:

    - Nghĩ ra rồi!

    Đức vua nghĩ ra một cách là mời đội nhạc công đến tấu nhạc cho chú chim kia nghe, lại sai đầu bếp làm thật nhiều các món ăn ngon mời nó ăn. Nhưng thiện ý này của Đức vua ngược lại làm cho con chim sợ hãi, nó chẳng dám ăn uống gì, cả ngày lo lắng bất an, còn vỗ cánh bay loạn cả lên. Cứ như thế hai ngày trôi qua, con chim biển kia sợ đến chết.
     
    Mỹ Giang, kaoaye and Bọ Cạp like this.
  10. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    129. NGƯU KHUYẾT GẶP CƯỚP

    Ngưu Khuyết là một người có học vấn uyên thâm, một lần trên đường đi gặp bọn cướp:

    - Đứng lại! Muốn tiền hay muốn mạng? - Bọn cướp vung đao chặn đường.

    Ngưu Khuyết mỉm cười, xuống xe, để lại hết tiền của và xe ngựa cho bọn cướp rồi vui vẻ lên đường như không có chuyện gì xảy ra.

    Bọn cướp cảm thấy kỳ lạ, vì trước nay khi bị cướp, người ta không chống lại thì van xin. Người như Ngưu Khuyết, chúng mới gặp lần đầu, liền đuổi theo hỏi:

    - Bọn ta cướp đồ của ngươi, sao ngươi lại không thấy xót?

    Ngưu Khuyết bình thản trả lời:

    - Quân tử không nên vì những vật nuôi mình mà hại đến thân.

    Ngưu Khuyết đi rồi, một tên cướp nói:

    - Thật là một người hiểu biết!

    Một tên khác nói:

    - Người này học vấn uyên thâm, nếu như ông ta đi gặp vua nước Triệu nhất định sẽ được trọng dụng, lúc đó một khi ông ta nhớ đến câu chuyện bị cướp trên đường sẽ báo cho vua, vua nhất định lập tức phái binh đi giết chúng ta. Bây giờ, chúng ta nên giết ông ta để trừ hậu họa.

    Các tên khác cũng đồng ý, thế là bọn cướp đuổi theo giết chết Ngưu Khuyết.

    Nước Yên có người nghe được chuyện này, bèn triệu tập mọi người trong nhà lại, bảo:

    - Gặp cướp chớ học theo Ngưu Khuyết!

    Không lâu sau, em trai người này đến nước Tần, quả nhiên gặp cướp ở ải Hàm Cốc. Khi bọn cướp giựt đồ, anh ta nhớ lời anh dặn, bèn giành giật cùng bọn cướp. Bọn cướp đông người nên cuối cùng giựt được tay nải. Anh ta bèn đi theo bọn cướp, liến thoắng nịnh bợ, nhằm đòi lại tay nải.

    Bọn cướp cả giận:

    - Bọn ta tha mạng cho mi đã là may cho mi lắm rồi, thế mà mi còn đi theo lải nhải mãi, làm hành tung bọn ta bị bại lộ. Thôi thì kết liễu mi cho xong, khỏi phải rách việc.

    Rồi giết chết anh ta, còn giết cả những người đi theo anh ta.
     
  11. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    130. CÁI BÓNG

    Có một người thấy cái bóng của mình quá phiền phức, muốn đuổi nó đi nhưng làm thế nào cũng không thể bắt cái bóng rời khỏi mình. Cho dù anh lấy gậy đánh hay nhảy xuống nước... thì cái bóng vẫn y như cũ, lẽo đẽo theo bên cạnh.

    Một vị nho sĩ trông thấy anh chàng này ngồi ủ rũ bèn tiến lại hỏi:

    - Có chuyện gì khiến cho anh phải lo lắng như vậy? Trên đời này không có gì là không giải quyết được, hãy nói cho tôi nghe, biết đâu tôi giúp gì được cho anh.

    Thế là anh bèn kể việc mình đuổi cái bóng đi như thế nào, và nó lì lợm ra sao cho vị nho sĩ này nghe.

    - Ông nói xem, tôi phải làm sao đây? - Anh chàng buồn rầu hỏi.

    - Ồ! - Vị nho sĩ kia chậm rãi nói:

    - Nếu như anh không cần cái bóng của mình nữa, thì chỉ việc đứng ở dưới gốc cây kia là được rồi.
     
    Mỹ Giang, kaoaye and Bọ Cạp like this.
  12. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    131. NỖ LỰC

    Một cặp vợ chồng đến nhà hát xem vở kịch nổi tiếng có nội dung xoay quanh khoảng thời gian Chúa Jesu bị nạn. Khi vở kịch hạ màn, họ đến hậu trường hỏi thăm người đóng vai Chúa Jesu. Trong lúc nói chuyện với nhân vật chính, họ chú ý đến cây thánh giá bằng gỗ rất to được cất ở một góc phòng, đó chính là đạo cụ lúc nhân vật chính bị treo lên. Người chồng nói với vợ:

    - Hãy chụp cho anh một tấm ảnh cõng cây thánh giá.

    Nói xong bèn bước đến bên cây thánh giá, nâng nó lên. Ông hết sức kinh ngạc, cây thánh giá rất nặng, ngoài sức tưởng tượng của ông, lúc cõng nó lên ông phải dùng hết sức lực mới di chuyển được vài bước. Một lúc sau ông kiệt sức, thả cây thánh giá xuống, ngồi thở hổn hển.

    Ông quay đầu sang hỏi diễn viên:

    - Tôi cứ tưởng rằng bên trong nó rỗng, trọng lượng nhẹ. Sao anh lại làm cây thánh giá nặng như thế?

    Người diễn viên nói:

    - Thưa ông, nếu như trọng lượng cây thánh giá quá nhẹ, tôi không thể diễn vai này tốt được.
     
  13. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    132. TIẾNG KÊU CỦA CHIM CÚ MÈO

    Huệ Tử làm Tướng quốc nước Lương, Trang Tử muốn qua thăm. Có người nói với Huệ Tử:

    - Trang Tử đến đây không đơn thuần là tới thăm ngài, mà hắn muốn thay ngài làm Tướng quốc.

    Huệ Tử nghe thế hoảng sợ, cho quân lùng xét trong thành ba ngày, ba đêm.

    Trang Tử hay tin Huệ Tử muốn đuổi mình đi, lại càng muốn đến thăm bạn. Khi gặp ông nói với Huệ Tử:

    - Trên đường đi đến đây, tôi có nghe một câu chuyện rất buồn cười, ông có muốn nghe không?

    Huệ Tử nói:

    - Là chuyện gì?

    Trang Tử nói:

    - Ở phương Nam có loài chim tên là Uyên Sồ, ông có biết không? Loài chim này thích sự yên tĩnh. Uyên Sồ xuất phát từ biển nam bay sang biển bắc, không phải cây ngô đồng thì nó không đậu, không phải quả luyện (một loại quả rất thanh khiết) thì nó không ăn, không phải suối nước ngọt thì không uống. Bấy giờ có con chim cú mèo đang rỉa xác con chuột chết, thấy chim Uyên Sồ bay qua, ngẩng đầu nhìn Uyên Sồ, kêu một tiếng “quác” giận dữ (vì sợ Uyên Sồ đến tranh mồi). Nay ông định đem cái chức vị Tướng quốc nước Lương ra kêu để dọa tôi đấy ư?
     
  14. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    133. XƯƠNG SỌ

    Trang Tử đến nước Sở, nhìn thấy trong đám cỏ dại bên đường một cái xương sọ của người chết, gió thổi qua cái xương sọ đó, phát ra tiếng kêu vù vù. Trang Tử dùng roi da quất vào xương sọ, hỏi nó:

    - Nhà ngươi làm ra những chuyện thương thiên hại lý gì nên mới bị ra thế này? Hay là vì nước mất nhà tan, bị kẻ thù lấy dao chặt ra như thế này? Hay là ngươi làm chuyện gì xấu xa, sợ cha mẹ vợ con phải uất ức mà chết nên mới thành ra thế này? Nhà ngươi bị đói khát lạnh nên mới biến ra như thế này? Hay là tuổi thọ đã hết, chết già trở thành thế này?

    Nói xong, Trang Tử cảm thấy hơi mệt, liền nằm xuống thảm cỏ, gối đầu lên chiếc xương sọ ngủ. Đến nửa đêm, chiếc xương sọ kia báo mộng.

    - Ta đã nghe thấy lời nói của ngươi lúc ban ngày, ngươi quả có tài ăn nói. Ngươi nói nào là nước mất nhà tan, nhục nhã, đói khát, chết già, đây đều là nỗi đau của người sống. Chết đi thì không có nữa. Nhà ngươi muốn biết niềm vui sau khi chết không?

    Trang Tử nói:

    - Được, ngươi nói đi.

    Xương sọ nói:

    - Sau khi chết, không có quan phủ đến quản ngươi, cũng không phải lo bận rộn bốn mùa, tự do tự tại, sống thọ cùng trời đất, có thể nói người làm vua cũng không thể so sánh với niềm vui của ta.

    Trang Tử không tin, nói:

    - Ta gọi thần trông coi việc sinh tử đến cho nhà ngươi sống lại, quay về với cha mẹ, vợ con, bạn bè, nhà ngươi đồng ý không?

    - Không! Không! Không! - Xương sọ trả lời một cách sợ hãi - Ta luyến tiếc niềm vui tự do tự tại này, ta sợ sự bận rộn, sợ những ngày tháng phải tranh giành trên nhân gian.
     
  15. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    134. CHỌI GÀ

    Có một người rất giỏi huấn luyện gà chọi, Quốc vương mời anh ta vào hoàng cung huấn luyện gà. Mười ngày sau, Quốc vương hỏi:

    - Gà đã được huấn luyện tốt chưa?

    Người đó nói:

    - Vẫn chưa được, con gà này chỉ biết dùng tiếng kêu để dọa con gà khác.

    Qua mười ngày nữa, Quốc vương lại hỏi:

    - Con gà đó đã có thể chọi được chưa?

    Người đó nói:

    - Chưa được. Nó quá kích động, vừa nghe thấy tiếng kêu của con gà khác, liền xông đến chiến đấu với người ta.

    Một tháng trôi qua, Quốc vương hỏi:

    - Bây giờ có thể chưa?

    Người đó nói:

    - Vẫn không được, thấy con khác nó chỉ trừng mắt nhìn.

    Thế là, lại qua mười ngày nữa, Quốc vương hỏi anh ta:

    - Con gà kia đã tốt chưa?

    - Lần này được rồi. - Người huấn luyện gà nói - Bây giờ khi nó nghe tiếng con gà khác, thần sắc không thay đổi, giống như một con gà gỗ. Nó giành thắng lợi một cách tự tin, con gà khác cứ nhìn thấy nó đều quay mình chạy, cơ bản không dám đấu với nó.
     
  16. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    135. TÀI VÀ BẤT TÀI

    Trang Tử cùng đệ tử đi chơi trên núi, thấy một cây to, cành lá rậm rạp. Một tiều phu đi đốn củi ngồi dưới gốc cây, mà không đốn. Trang Tử đi đến hỏi ông tại sao? Người tiều phu nói cái cây này chẳng có tác dụng gì. Trang Tử bèn quay sang nói với các đệ tử:

    - Cái cây này bởi vì gỗ của nó không thể dùng làm được bất cứ vật dụng gì có ích, cho nên mới được trường tồn như thế này.

    Ra khỏi núi, Trang Tử ghé vào nhà người bạn, người bạn đó rất vui, sai gia nô giết chim trích đãi khách. Gia nô hỏi:

    - Một con biết gáy, và một con không biết gáy, vậy giết con nào?

    Người này nói:

    - Giết con không biết gáy đi.

    Hôm sau, đệ tử hỏi Trang Tử:

    - Hôm qua cái cây trong núi vì bất tài mà sống, còn con chim trích, vì bất tài mà chết. Nếu là thầy, thầy sẽ xử trí thế nào?

    Trang Tử cười nói:

    - Tài và bất tài cũng như nhau, đều không thể tránh khỏi lụy thân, muốn sống yên ổn thì phải biết ở giữa “tài” và “bất tài” vậy.
     
  17. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    136. BỌ NGỰA BẮT VE, CHIM SẺ CHỰC SẴN
    Trang Tử đi dạo trong vườn hoa, thấy một con chim từ phía nam bay tới. Cánh của nó rộng bảy thước, mắt to như mắt rồng, nó bay ngang qua chạm phải trán của Trang Tử, đậu xuống một cây trong vườn.

    - Đây là con chim gì? - Trang Tử nghĩ - Cánh rộng, nhưng bay không xa, mắt lớn nhưng kém linh hoạt.

    Trang Tử rút một cây ná từ lưng ra, lặng lẽ đi vào trong vườn trái cây, giương ná chuẩn bị bắn nó. Đúng lúc đó thì bỗng phát hiện trên cành cây có một con ve đang vui vẻ ca hát, một con bọ ngựa đang rình bắt con ve đó, và con chim lạ không biết từ lúc nào đã xuất hiện sau lưng con bọ ngựa, đang chuẩn bị ăn con bọ ngựa, nhưng nó lại không phát hiện Trang Tử đang cầm ná đứng dưới. Nhìn thấy cảnh này, Trang Tử than rằng:

    - Ôi! Sự tàn sát giữa các sinh vật, là vì sự hấp dẫn lẫn nhau nên dẫn đến bi kịch.

    Trang Tử về đến nhà đóng cửa suy ngẫm, ba tháng không bước ra khỏi cửa.
     
  18. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    137. TRANG PHỤC VÀ HỌC GIẢ

    Một lần, Lỗ Vương kiêu ngạo nói với Trang Tử:

    - Nước Lỗ ta có rất nhiều học giả thông thái.

    Trang Tử nói:

    - Ở nước Lỗ rất ít gặp các học giả.

    - Không đúng! - Lỗ Vương nói - Nước Lỗ đi đâu cũng gặp người mặc trang phục học giả, tại sao nói rất ít gặp học giả?

    Trang Tử nói:

    - Tôi nghe nói, học giả đầu đội mũ chóp tròn, biểu thị hiểu biết thiên văn; chân đi giày vuông biểu thị am tường địa lý; trên mình đeo ngọc hoàn có lỗ hổng, biểu thị biết đạo lý, làm việc quyết đoán. Thực ra, những người học giả biết việc không nhất định mặc áo học giả, người mặc đồ học giả không nhất định biết việc.

    Lỗ Vương không tin, Trang Tử lại nói:

    - Không tin ngài cứ ra một mệnh lệnh: Tất cả những người nào không phải là học giả mà mang đồ học giả đều bị hành quyết thì tình hình sẽ ra sao.

    Thế là Lỗ Vương liền ban hành mệnh lệnh đó, chưa đến năm ngày, nước Lỗ không ai dám mặc đồ học giả nữa. Lại được vài ngày sau, phát hiện thấy có một người mặc đồ học giả, đứng trước cung điện. Lỗ Vương mời vào hỏi, quả nhiên tinh thông thiên văn địa lý, nói đến chuyện đại sự quốc gia cũng rất hiểu biết.

    Trang Tử nói với Lỗ Vương:

    - Nước Lỗ rộng lớn như thế, người học giả chân chính chẳng qua chỉ có một người này! Có thể nói là nhiều không?
     
    Mỹ Giang, kaoaye and Bọ Cạp like this.
  19. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    138. NGỤ NGÔN

    Các ngư dân tung lưới đánh cá vớt được một cái bình từ dưới biển sâu, trong bình có một tờ giấy, trên đó có viết:

    - Mọi người, mau đến cứu tôi, tôi đang ở đây. Long Vương đã mang tôi nhốt trên một hòn đảo hoang, tôi đang đứng trên bờ chờ mọi người đến cứu. Xin mọi người hãy cứu tôi! Tôi ở đây.

    - Không có ngày tháng. Giờ chắc đã quá muộn. Cái bình đã trôi trên biển một thời gian dài - Một ngư dân nói.

    - Địa điểm cũng không rõ, đại dương mênh mông biết đi hướng nào mà tìm - Ngư dân thứ hai nói.

    - Không quá muộn, cũng chẳng xa. Hòn đảo nào cũng đều là ở đây - Người thứ ba nói.

    Thế là họ cảm thấy không bị ràng buộc, thế là họ trầm tư. Chân lý thông thường là như thế.
     
  20. chichi.myluckycharm

    chichi.myluckycharm Cử nhân

    139. CHIM ĐẠI BÀNG VÀ GÀ

    Bộ lạc của người Indian ở Mĩ có một câu chuyện như sau:

    Ngày xưa, có một ngọn núi rất cao, bên sườn núi có một tổ chim đại bàng, trong tổ có bốn quả trứng lớn. Một trận động đất xảy ra làm rung chuyển ngọn núi, một quả trứng đại bàng lăn xuống và rơi vào một trại gà nằm dưới chân núi. Một con gà mái tình nguyện ấp quả trứng lớn ấy.

    Một ngày kia, quả trứng nở ra một chú đại bàng xinh đẹp. Nhưng buồn thay chú chim nhỏ được nuôi dạy và lớn lên như một con gà. Từ nhỏ cho đến lớn, đại bàng con đều làm những việc mà những con gà thực thụ làm, nó đào đất tìm giun và côn trùng, kêu cục tác, cũng vỗ cánh và bay được một đoạn trên không trung.

    Chẳng bao lâu sau, đại bàng cũng tin nó chỉ là một con gà như bao con gà khác.

    Đại bàng yêu gia đình và ngôi nhà đang sống, nhưng tâm hồn nó vẫn khao khát một điều gì cao xa hơn.

    Cho đến một ngày, khi đang chơi đùa trong sân, đại bàng nhìn lên trời và thấy những chú chim đại bàng đang dũng mãnh lướt đi trên bầu trời cao vút.

    - Ước gì tôi có thể bay như những con chim đó.

    Bầy gà cười ầm lên:

    - Anh không thể bay cao như những con chim đó được. Anh là một con gà và gà không biết bay.

    Đại bàng tiếp tục nhìn gia đình thật sự của nó, mơ ước có thể bay cao cùng họ. Mỗi lần đại bàng nói ra mơ ước của mình, bầy gà lại bảo điều đó không thể xảy ra.

    Rồi đại bàng tin là thật, không mơ ước nữa và tiếp tục sống như một con gà. Cuối cùng, đại bàng chết.

    Thiếu sót lớn nhất trong cuộc sống đại bàng chính là niềm say mê khám phá bản thân. Nó chưa bao giờ dám thực hiện ước mơ, chưa bao giờ dám học bay để có thể tự tin bay vút lên trời xanh như tổ tiên ngàn đời của mình.
     
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này