Thảo luận Ai biết ... giải thích giùm.

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Song Ngư, 5/10/13.

Moderators: amylee
  1. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Ơ..., siêu Mod đòi em giải thích chỗ nào đấy ạ? Nếu là cái chỗ "mua (mướn, mượn, xin, đọc ké...) thì xin thưa rằng ngày í em còn bé. Nhà cũng nghèo (điệp khúc) mà Kiến Thức Ngày Nay thì in bìa màu, giá cũng "chát". Dành dụm được tiền thì mua, thấy ai có thì mượn, ai đọc rồi mà không quý thì xin, không cho mượn, không cho xin thì ngồi đọc ké. Ngộ Không có 72 phép biến hóa thì mình cũng cố có dăm bảy phép đọc chùa chứ ạ.
     
    tducchau and Heoconmtv like this.
  2. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Xưa nay trong đạo đọc chùa,
    Chữ "mua" kia cũng có ba bốn đường,
    Có khi biến có khi thường,
    Có quyền nào phải một đường chấp kinh.
     
    tducchau, vqsvietnam and Ducko like this.
  3. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Hô hô, thơ hay thay!
     
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Hichic... mình đang bị 'truy kích' cật lực vì 'cái chuyện' hay nói là: ... đa phần nguồn gốc dân Sài Gòn à dân gốc Ngũ Quảng!... hic hic!... Tại sao lại gọi là Ngũ Quảng... Hichic...

    Thực ra, 'cái vụ' nầy có từ cái hồi 'mần' tiệc Sài Gòn 300 năm (1698-1998) tuổi lận... khởi thủy từ buổi 'cù cưa' với cụ Sơn Nam ở Gò Vấp ngày nào... Nay xin 'chánh thức' thưa lại ... Ai biết... giải thích giùm!
     
    Despot and teacher.anh like this.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]

    Thành phần chủ lực của
    dân Sài Gòn là dân gốc Ngũ Quảng


    Vấn đề bình thường, dễ lý giải đối với người Việt Nam ta, ấy thế mà một thời gian dài, thực dân Pháp đã nghiên cứu và tỏ ra ngạc nhiên: Tại sao người Việt Nam từ đồng bằng Sông Hồng đến đồng bằng sông Cửu Long lại thống nhất khó chia rẽ để trị? Đế quốc Mỹ đến lại cố gây chia rẽ, ngỡ rằng người Việt Nam ở vùng đất mới, phía Nam, có thể thù nghịch với người Việt bên kia vĩ tuyến do Hiệp định Genève tạm phân chia. Cùng một tiếng nói, một lịch sử, một chữ viết, nhất là cùng một phong tục. Sách Văn Công Thọ Mai gia lễ vẫn là kim chỉ nam suốt từ thời phong kiến đến thời thực dân về những nghi lễ cưới hỏi, ma chay, phong tục ngày Tết, tảo mộ tháng Chạp. Vẫn là Truyện Kiều, ca dao, chữ Hán chữ Nôm, liễn đối hoành phi. Gần gũi hơn, ta thấy thơ “tiền chiến”, nhạc “tiền chiến” phần lớn xuất phát từ bên kia vĩ tuyến vẫn lưu hành, làm rung động hơn bao giờ hết những người ở phía Nam, trong hoàn cảnh đất nước bị phân ly.

    Câu trả lời đơn giản vẫn là ở người Biên Hòa, Sài Gòn tận phía An Giang, bên kia sông Hậu đều là dân Ngũ Quảng, làm cốt lõi. Ngũ Quảng là dân Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi, sau thêm dinh Bình Khang (Khánh Hòa). Dân Ngũ Quảng đến Đồng Nai — Bến Nghé xưng là dân Hai Huyện, tức là hai huyện Phước Long và Tân Bình, sau trở thành Biên Hòa và Gia Định. Họ được xem là mẫu mực về thuần phong mỹ tục, sang trọng, đối với lưu dân đến sau, gồm người Bình Định, rồi người Trung Hoa (phần lớn từ miền Nam Trung Hoa du nhập).

    Lưu dân tạp nhạp lần hồi sống ổn định, phú quý sanh lễ nghĩa. Để xóa mặc cảm là lưu dân, con cháu thế hệ sau rước thầy dạy chữ nho từ Nghệ An, từ Quảng Nam đến. Lại học thêm âm nhạc, sử dụng nhạc khí cổ truyền để trở thành “văn nhân tài tử” có thể cầm chầu khi xem hát bội, viết câu đối trong dịp lễ lạc và làm thơ bát cú. Để che giấu nguồn gốc, tránh thảm họa tru di tam tộc, nhất là từ sau vụ Lê Văn Khôi rồi đến các phong trào Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, từ xưa những người Đồng Nai và đồng bằng không làm gia phả. Những gia phả còn gặp được đều biên soạn ở thế hệ sau, kém phần xác thực. Để cúng giỗ, mỗi “kiếng họ” thường biên soạn quyển “phú ý” nhằm ghi ngày tháng cúng giỗ ông cố bà cố... không ghi năm từ trần.

    Người Sài Gòn tức là người theo phong cách ứng xử tương đối rõ nét theo kiểu dân... “Sài Gòn”. Đó là người nay không còn cư ngụ ở Sài Gòn, đã đi lưu tán khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, lập nghiệp ở vùng kinh tế mới hoặc trở thành Việt kiều ở nước nào đó. Có thể đó là người Hoa, người thương mến đất Sài Gòn, nơi mà họ đã có nhiều kỷ niệm vui buồn. Không cần rào đón trước rằng người viết bài bút ký này mang nặng óc địa phương, nhưng vấn đề được đặt ra để cùng bàn bạc, xin ghi chép vài nét tạm gọi là dễ thương, hoặc khó thương của một quần cư trên đất nước. Nói chung, không riêng gì Sài Gòn mà khắp đất nước ta, thậm chí cả nhân loại, con người ở đâu mà chẳng hiếu khách, yêu đời, chuộng lao động, nhưng chúng tôi thử ghi chép những nét đậm nhạt khác nhau, mức độ liều lượng yêu đời của từng địa phương. Ai đã gặp cơ hội đến những vùng đất đang mở mang phía Đồng Tháp Mười, hẳn thấy rõ nét về phưng cách người Sài Gòn trong những thôn xóm chưa định hình bên cạnh những người từ Cần Giuộc, Cái Bè, Cao Lãnh đến đây lập nghiệp.

    Gọi phong cách là vài nét định hình, ít biến đổi qua thời gian của người thuộc địa phương nào đó. Thử kiểm kê lí lịch những người cư ngụ ở vùng nội thành ngày nay: Hầu hết là người mới đến trong vòng năm ba chục năm nay, nhất là những khu phố thương mãi. Có tổ tiên đến từ năm sáu đời, thuở Minh Mạng, Gia Long, quả là rất ít. Ở Phú Nhuận, Xóm Gà, Bình Hòa, Rạch Cát ta gặp vài kiếng họ xưa từ đời tằng tổ, nhưng phần lớn mồ mả bị thất lạc hoặc đã hốt cốt, cải táng, chẳng rành năm sinh, từ nơi nào đến, nhớ mang máng ràng “từ miền Trung, Quảng Nam, Bình Định hoặc Huế” hay là “ông cố tôi từ bên Tàu qua hơn trăm năm”. Nói chung, người cũ đã xiêu tán, người mới đến chừng một thế hệ hoặc đôi mươi năm, được quyền tự hào là “người Sài Gòn” với phong cách phảng phất chút gì của người Sài Gòn cũ. Do ảnh hưởng của thổ ngơi: cây quít từ xứ khác đem trồng đất Sài Gòn lần hồi trở nên ngọt hay chua...


    Trích theo Sơn Nam
    (Nguồn Tạp chí Xưa&Nay)​
     
    lichan, Despot and teacher.anh like this.
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Còn đây là bài giải thích về cái tên Ngũ Quảng của bác Lê Hồng Khánh...


    TẠI SAO GỌI LÀ NGŨ QUẢNG?


    (Bài nầy tui viết và in đã khá lâu. Lần đầu trên báo Văn Hóa, còn lần sau thì trên tạp chí Xưa Nay của Hội Khoa học Lịch sử VN. Nhân có BL hỏi, xin đưa lên đây để bà con xem, nếu có gì chưa phải thì xin chỉ biểu giúp cho. Trân trọng! Lê Hồng Khánh.)


    Lâu nay ta quen dùng danh xưng Ngũ Quảng để chỉ một dải miền Trung từ phía nam đèo Ngang (Hoành Sơn) đến phía bắc đèo Bình Đê, hiện nay là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam (bao gồm thành phố Đà Nẵng) và Quảng Ngãi.

    Nhưng tại sao gọi là Ngũ Quảng (5 vùng đất Quảng) mà ít nhất từ đầu thế kỷ XX đến nay ở đây chỉ thấy có 4 tên tỉnh bắt đầu bằng Quảng là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Ngãi?

    Theo các nhà nghiên cứu, Quảng trong tiếng Hán và tiếng Việt (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đông, Quảng Tây,...) là một từ gốc Tày – Thái, tương đương với khoảng trong tiếng Thái hiện đại, và có nghĩa là hạt, tiểu khu, vùng.

    Đối chiếu lịch sử, chúng ta có thể hiểu Ngũ Quảng chính là 5 vùng (tiểu khu, dinh, hạt) thuộc địa bàn dung thân của chúa Nguyễn trong cuộc tranh giành thế lực với chúa Trịnh ở Đàng ngoài. Chính ở địa bàn chiến lược này, họ Nguyễn đã khuyếch trương thanh thế để ngăn chặn những cuộc hành binh của họ Trịnh, đồng thời mở rộng ảnh hưởng về phía Nam.

    Xa hơn về trước, vào đầu đời vua Trần Anh Tông, niên hiệu Thiệu Long thứ 14 (1306), sau khi vua Chiêm là Chế Mân dâng cho vua Trần 2 châu Ô, Lý để làm sính lễ cưới Huyền Trân Công chúa, vùng đất Thuận Hoá của quốc gia Đại Việt đã được hình thành trên cơ sở sáp nhập 2 châu này và 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính) mà vua Chiêm Chế Cũ đã dâng cho vua Lý để giảng hoà trước đó.

    Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông tiến hành cải tổ bộ máy hành chính – cai trị, chia nước làm 12 đạo (sau đổi là Thừa tuyên) trực thuộc Nhà nước phong kiến Trung ương. Thừa tuyên Thuận Hoá là vùng đất xa nhất về phương nam, coi sóc 2 phủ Tân Bình và Triệu Châu với 7 huyện (Phong Lộc, Lê Thuỷ, Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền, Hải Lăng, Đăng Xương) và 4 châu (Minh Linh, Bố Chính, Thuận Bình, Sa Bôi).

    + Phủ Tân Bình, sau cải làm Tiên Bình (đầu niên hiệu Hoằng Định), rồi Quảng Bình. Năm Gia Long thứ 5, dinh Quảng Bình trực lệ vào kinh sư; năm Minh Mạng thứ 8 (182) đổi thành trấn Quảng Bình, không còn “trực lệ”. Năm 1932 (Minh Mạng thứ 13) Quảng Bình trở thành một trong 31 tỉnh của cả nước.

    + Phủ Triệu Châu, nhà Nguyễn cải tên là Triệu Phong, đặt hai dinh cai quản là dinh Quảng Trị và dinh Quảng Đức.

    - Dinh Quảng Trị (cai quản hai huyện: Hải Lăng, Đăng Xương và hai châu là Thuận Bình, Sa Bôi). Thời Nguyễn Hoàng, bản doanh của chúa Nguyễn đặt tại xã Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương. Đầu đời Gia Long, triều đình đặt dinh Quảng Trị trực lệ vào kinh sư. Năm 1900 Quảng Trị trở thành đơn vị hành chính cấp tỉnh.

    - Dinh Quảng Đức (cai quản ba huyện Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền). Năm 1821 đổi thành phủ Thừa Thiên, phủ “Phụ kỳ” của kinh đô. Sau năm 1945, phủ Thừa Thiên đổi thành tỉnh Thừa Thiên, nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế.

    Về phía Nam, năm 1402, nhà Hồ lấy đất Chiêm động và Cổ Luỹ động của Chiêm Thành, đặt thành 4 châu Thăng, Hoa (nay là đất Quảng Nam), Tư, Nghĩa (nay là đất Quảng Ngãi). Vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi thuộc vào cương vực Đại Việt từ đó. Trải qua nhiều biến động, đến sau năm 1471, tức là sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông, vùng đất Nam – Ngãi cùng với thành Đồ Bàn trở thành thừa tuyên Quảng Nam của quốc gia phong kiến Đại Việt. Thừa tuyên Quảng Nam cai quản ba phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhân.

    + Năm 1602 (Hoằng Định thứ 3), Nguyễn Hoàng đổi phủ Tư Nghĩa thành phủ Quảng Nghĩa, đồng thời thành lập dinh Quảng Nam cai quản ba phủ: Thăng Hoa, Quảng Nghĩa và Hoài Nhân; 3 năm sau thêm phủ Điện Bàn (vốn là huyện Điện Bàn của phủ Triệu Phong).

    Năm 1832 (Minh Mạng thứ 13), triều đình bãi bỏ các trấn, thành, dinh, chia cả nước thành 31 đơn vị hành chính. Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ra đời. Riêng 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đặt dưới quyền coi sóc của tuần phủ Nam – Ngãi (đến năm Thiệu Trị thứ 7, thay bằng tổng đốc Nam – Ngãi). Tuần phủ Nam – Ngãi kiêm quản cả 2 ty Bố chánh và Án sát của tỉnh Quảng Ngãi. Hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi còn có lúc mang tên là Nam Trực (áp sát kinh đô Phú Xuân về mạn nam), đối ứng với Bắc Trực là vùng Quảng Bình, Quảng Trị.

    Như vậy Ngũ Quảng chính là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Đức (Thừa Thiên - Huế ngày nay).


    Theo Lê Hồng Khánh
    (Nguồn Núi Ấn Sông Trà)
    ______

    Tài liệu tham khảo:

    - Quốc Sử quán Triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí – NXB Thuận Hoá 1996.
    - Phan Huy Chú- Hoàng Việt địa dư chí – NXB Thuận Hoá 1997.
    - Trần Trọng Kim - Việt Nam sử lược – Sài Gòn 1962.
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/10/15
    Ngọc Sơn, ichono87, lichan and 2 others like this.
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    :rose:... Nếu muốn đơn giản hơn... các bạn có thể xem... trên Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkcủa Huình Tịnh Paulus Của! :p! (mình vẫn cứ 'tồn nghi' hoài: không hiểu sao bác Khánh lại không nhắc tới quyển nầy?!? o_O!)...

    Tối giản hơn nữa thì đọc trọn Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, hoặc rút trích 'tí teo' sau đây 'bỏ túi là'... rồi... :D!

    ... "Theo Huình Tịnh Của, nước VN thời đó hoặc trước đó, chia thành bốn kì, chứ không phải ba kì như trong thời Pháp thuộc và chữ ở đây đã có từ thời các vua nhà Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị. Tứ kì đó gồm: Tả kì kể từ Quảng Nam tới Bình Thuận, Hữu kì từ Quảng Trị ra tới Thanh Hóa, Nam kì gồm có 6 tỉnh miền cực nam và Bắc kì là thập nhị thừa tuyên hay 12 tỉnh phía bắc. Riêng về Quảng Đức, năm 1822, tỉnh này được đổi thành phủ Thừa Thiên. 29 tỉnh được phân phối như sau:

    - Nam kì: Hà Tiên, An Giang, Vĩnh Long, Định Tường, Gia Định, Biên Hòa.
    - Tả kì: Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú An (Phú Yên), Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
    - Hữu kì: Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa.
    - Bắc kì: Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Yên, Bắc Ninh, Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng."

    Thế là xong! Thân mến! (tdc). :)!
     
  8. Despot

    Despot Lớp 11

    Hix hix vầy là mình đoán trúng Ngũ Quảng có Thừa Thiên Huế rồi mà bạn Châu cứ giả vờ không biết làm mình phải làm mình phải lăn xả hỏi đi hỏi lại Ngũ Quảng cả chục lần vẫn chưa nhận được câu trả lời :D :D

    Hehhehe. Cảm ơn Bạn nhé!
    Có thêm một thông tin về Đại Nam Quấc Âm Tự Vị rồi hehe :D :D.
    Qua bài này mình cũng biết quê hương mình từ năm 1466 có tên Minh Linh.
     
    vqsvietnam and tducchau like this.
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Ngũ Quảng có Thừa Thiên (Quảng Đức). Không có Huế! :D :p!
     
    lichan, teacher.anh and Despot like this.
  10. Despot

    Despot Lớp 11

    Ủa chứ sao giờ người ta cứ gọi là Thừa Thiên - Huế mà...
    Có cần phải như vầy không? 'Tui' xỉu cái đây! Quá đáng nha! Sao lại đi bắt bẻ mấy cái lỗi cỏn con vầy chớ?

    Dù biết là "không biết vẫn có tội" nhưng mà người không biết này đang cố gắng biết chớ đâu có phải là phủi tay không quan tâm đâu???
     
    tducchau thích bài này.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    cute_smiley23cute_smiley23 Hichic... đó lại là một vấn đề khác, không thuộc sự 'giả nhời' về 'dân' Ngũ Quảng... Hichic... Ai biết ... giải thích giùm!
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/10/15
    lichan and teacher.anh like this.
  12. Despot

    Despot Lớp 11

    A! Ha! Đây đây chính là nhân chứng vật chứng rành rành cho việc khó tính, khó chịu, cầu toàn của Bạn đây!
    Khỏi chối cãi nhé!

    Bạn thấy vùng Ngũ Quảng kéo dài từ Quảng Bình cho tới Quảng Ngãi.
    Thừa Thiên Huế lọt thỏm ở giữa thì thế nào cũng nằm trong Ngũ Quảng, còn cái chi nữa mà đòi hỏi phải chính xác 100%.
    Chẳng lẽ sau này Bạn giải thích là: Ngũ Quảng bao gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, còn Huế không phải. Vầy Huế nằm ở đâu trên bản đồ.
    Giờ đi đâu mình cũng được nghe là Thừa Thiên Huế, hoặc đơn giản là Huế.
    Chẳng lẽ Bạn giải thích rằng Huế là vùng đất được bồi đắp (không thuộc tỉnh Thừa Thiên), được ai đó sáp nhập sau này?
     
    Last edited by a moderator: 13/10/15
    tducchau thích bài này.
  13. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Nhân nói về Quảng Ngãi mình xin mượn đất của thầy @tducchau có đôi lời.

    Từ Quảng Nghĩa tại sao đọc là Quảng Ngãi?

    Đầu thế kỷ 15, đất Quảng Ngãi ngày nay chính thức sáp nhập vào nước Việt là do Hồ Hán Thương (1401-1407), ông vua thứ nhì cũng là vua cuối của triều đại nhà Hồ thâu nhận đất Cổ Lũy (còn đọc là Cổ Lụy) của vua Chiêm dâng nộp, rồi đổi làm châu Tư và châu Nghĩa.

    Đến đời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) vào đầu niên hiệu Hồng Đức, sau cuộc Nam chinh lừng lẫy thì cả đất Đồ Bàn (nay là Bình Định) đất Cổ Lũy (nay là Quảng Ngãi) và đất Đại Chiêm (nay là Quảng Nam) họp thành một đạo, sau gọi là xứ Quảng Nam trong số 13 xứ của nước Đại Việt. Châu Tư và châu Nghĩa được hợp nhất thành phủ Tư Nghĩa gồm 3 huyện Nghĩa Giang, Bình Sơn và Mộ Hoa: địa phận tỉnh Quảng Ngãi ngày nay đã được xác định từ đó.

    Khi Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng (1600-1613) vào trấn thủ Thuận Quảng lại đổi phủ Tư Nghĩa thành tên phủ Quảng Nghĩa, thuộc Thừa Tuyên Quảng Nam. Đến nhà Tây Sơn (1788-1802) đổi tên phủ Quảng Nghĩa ra tên phủ Hòa Nghĩa.

    Khi Nguyễn vương Phúc Ánh tái chiếm miền Trung và thành Phú Xuân (1801) bèn đổi là dinh rồi trấn Quảng Nghĩa. Đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), trong việc sắp đặt lại cơ sở hành chánh thống nhất toàn quốc, trấn Quảng Nghĩa đổi thành tỉnh Quảng Ngãi như hiện nay.

    Qua giấy tờ hành chánh hay thi văn, địa danh Quảng Nghĩa (là châu, phủ, xứ, dinh, trấn, tỉnh) đều có chữ NGHĨA, có tự dạng Hán tự duy nhất được phát âm là nghĩa. Từ các năm 1830 về sau, vẫn chữ Quảng Nghĩa ấy ở chữ Hán, nhưng lại đọc là Quảng Ngãi. Khi chữ quốc ngữ (gốc La tinh) được phát triển thì trên giấy tờ hành chánh, thẻ căn cước tùy thân, trích lục địa bạ thường ghi cả chữ Hán, chữ Pháp và chữ quốc ngữ được viết là Quảng Ngãi. Chữ Quảng Nghĩa đọc chệch là Quảng Ngãi thì hầu như ai cũng biết, nên khi trò chuyện nói là Nghĩa hay Ngãi tùy ý, không có vấn đề gì; nhưng trên giấy tờ quốc ngữ hôm nay viết Ngãi ra Nghĩa là một rắc rối lớn về lý lịch, nhất là người di trú hải ngoại.

    Ai cũng biết rằng dưới các triều đại quân chủ chuyên chế có thông lệ kiêng kỵ gọi tên húy, tên thụy của vua, hoàng hậu... đương triều và tiền triều. Vua Gia Long, sau khi khôi phục nhà Nguyễn, bèn truy tôn 9 đời chúa Nguyễn đều là Hoàng đế, lập Thái miếu để thờ, coi trọng lệ kỵ húy. Từ đó, dân chúng cũng noi theo tục lệ tránh đặt tên cho con trùng tên ông bà, tiên tổ và người thân cận trong gia đình. Kỵ húy là nguyên nhân đọc trại, đọc chệch chữ “Nghĩa ra Ngãi”.

    Để dẫn chứng điều nầy, xin đơn cử việc đổi tên ở quan chức xuất thân là Cử nhân từ một khoa thi Hương năm Giáp Ngọ (1834), niên hiệu Minh Mạng thứ 15:

    * Trường thi Thừa Thiên có 4 người đổi tên trong số 31 người lấy đậu.

    * Trường thi Nghệ An có 4 người đổi tên trong số 14 người lấy đậu.

    * Trường thi Nam Ddịnh có 3 người đổi tên trong số 9 người lấy đậu.

    Chỉ kể 3 trường thi, đậu cử nhân được 54 người thì có đến 11 người phải đổi tên vì húy kỵ trong đó có: Nguyễn Hữu Hằng đổi tên là Nguyễn Huyên (chức Lang trung, là Phó sứ đi Trung Quốc) Mai Đức Hằng đổi tên là Mai Đức Thường (chức Thị lang bộ Hộ) vì kỵ húy bà Từ Dũ tên Phạm Thị Hằng, mẹ vua Tự Đức.

    Và Bùi Đình Bảo đổi tên là Bùi Danh Phan (Tiến sĩ khoa Ất Mùi 1835), Nguyễn Bảo đổi tên là Nguyễn Liêm (Tri phủ) vì kỵ húy bà Ngọc Bảo là chị của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, vợ của Thái sư Trịnh Kiểm.

    Tham khảo Quốc triều hương khoa lục (có 5232 Cử nhân) và Quốc triều đăng khoa lục (hơn 500 Tiến sĩ, Phó bảng) dưới triều Nguyễn, có rất nhiều vị phải đổi tên, đổi chữ đệm, đọc chệch họ đi vì húy kỵ. Lại còn phải kiêng kỵ tên thụy của hoàng đế. Ví dụ như khoa thi Hội năm Ất Sửu (1865) niên hiệu Tự Đức thứ 18, có Phó bảng Vũ Chu đổi tên là Vũ Giác (Bố chánh Thái Nguyên), Phó bảng Lê Minh đổi tên là Lê Lượng (Bố chánh, bị giáng) vì trùng tên húy và tên thụy của Tộ Quốc Công Nguyễn Phúc Chu, truy tôn là Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế.

    Vì kiêng kỵ chữ Nghĩa mà phải đổi tên có Lâm Duy Nghĩa (Cử nhân khoa Mậu Tý, 1828) đổi tên Lâm Duy Thiếp (Thượng thư, Cơ mật viện đại thần cùng Phan Thanh Giản vào Nam thương thuyết với Pháp), Lê Văn Nghĩa (Cử nhân khoa Mậu Ngọ, 1858) đổi là Lê Như Dạng (Tuần phủ Ninh Bình) vì cả 2 vị trùng tên thụy của Hoằng Quận Công Nguyễn Phúc Trăn, truy tôn là Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng đế, thường gọi là chúa Nghĩa.

    Chữ đệm cũng theo phép kỵ húy như con của Thái Bảo Trương Đăng Quế về sau, chữ đệm Quang đổi cho chữ Đăng bắt đầu từ Trương Quang Đản (Phụ chính đại thần) vì phạm húy vua Kiến Phúc tên là Ưng Đăng.

    Việc kỵ húy không viết thành luật, nhưng đã thành lệ, cho nên các sĩ tử đi thi đến các đại quan đều phải “bén nhạy” mới khỏi phạm húy, đồng nghĩa với phạm thượng đến phải hỏng tuột. Khẳng định như trên thì việc kỵ húy đã trở thành một sự kiện lịch sử. Vậy Quảng Nghĩa đổi ra Quảng Ngãi có từ lúc nào? Tại sao các huyện của tỉnh nầy vẫn đọc là Chương Nghĩa, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành...?

    - Theo Đại Nam nhất thống chí (tập 2, quyển 8) có ghi: “Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) đổi trấn Quảng Nghĩa ra tên tỉnh Quảng Ngãi”: đây là mốc điểm khả tín được tìm thấy bằng văn tự.

    - Minh Mạng (1820-1840) là ông vua rất quyết đoán, coi trọng kỷ cương, văn tự, mọi việc đều có sự lệ. Sự lệ kỵ húy chỉ áp dụng triệt để cho nhân danh, địa danh từ cấp tỉnh đến Triều đình (vì thường nói đến nơi Hoàng triều), từ cấp huyện trở xuống thì loãng dần, không nhất thiết phải kiêng kỵ nữa. Vì vậy các huyện, xã của Quảng Ngãi vẫn giữ nguyên gốc chữ “Nghĩa”; và Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (đậu khoa Ất Mùi, 1835, chức Tri huyện, sau lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp) hay Cử nhân Vũ Trọng Nghĩa (đậu khoa Mậu Ngọ, 1858, chức Giáo thụ) không phải đổi tên. Sự lệ trở thành thông lệ là các địa danh, tộc họ... có từ lâu đời, không thể thay đổi, vẫn giữ nguyên chữ viết (theo tự dạng chữ Hán), nhưng vì húy kỵ nên đọc chệch đi. Đó là trường hợp Quảng Nghĩa - Quảng Ngãi, các họ Võ - Vũ, Thới - Thái, Huỳnh - Hoàng... các vọng tộc chữ đệm Phúc - Phước, Bảo - Bửu v.v...

    Tóm lại: Từ năm 1832 về sau, địa danh Quảng Nghĩa đã đọc chệch là Quảng Ngãi vì kỵ tên thụy của chúa Nghĩa (Nhà Nguyễn truy tôn là Anh Tông Hiếu Nghĩa hoàng đế).


    Tinh thanh Viet Nam.jpg
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/10/15
  14. bichdinh

    bichdinh Lớp 6

    Ngũ Quảng gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam & Quảng Ngãi. Năm 1821, Quảng Đức đổi tên thành Thừa Thiên. Năm 1976, 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên gộp chung lại thành 1 tỉnh là Bình Trị Thiên. Năm 1989, Bình Trị Thiên tách ra lại thành 3 tỉnh như cũ, riêng tỉnh Thừa Thiên lúc tách ra thì đổi thành tên mới là Thừa Thiên - Huế.
     
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    cute_smiley23cute_smiley23 Hichic... Thế... thế... Huế là gì? Nỏ bít mô? Huế từ đâu ra vạy? Có từ khi mô?... Rồi... rồi... sao lại là Thừa Thiên-Huế?... Hichic... Ai biết... giải thích giùm!
     
    Despot and teacher.anh like this.
  16. Despot

    Despot Lớp 11

    Đấy quan trọng là từ Huế bắt nguồn từ đâu ra mình không biết.
    Vì sao Bạn lại khăng khăng là Thừa Thiên - Huế không thuộc Ngũ Quảng.


    P/S: A! Mà sao Bạn lại xài cổ ngữ của quê mình thế?
    Lâu rồi mới thấy lại, cảm giác thiệt thân thương.
     
    tducchau thích bài này.
  17. Heoconmtv

    Heoconmtv Moderator Thành viên BQT

    Lại mượn ít đất của thầy @tducchau nói vài dòng về Huế.

    1. Oa chuyển thành uê?

    Tháng 4-1992, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hội thảo khoa học lần thứ II về triều Nguyễn được tổ chức. Tham dự hội thảo đó, với báo cáo Huế - một di sản sáng giá do triều Nguyễn để lại, nhà nghiên cứu Phan Thuận An tái khẳng định: “Lịch sử chính thức của vùng Thuận Hoá thuộc Đại Việt mới bắt đầu cách đây non 700 năm, sau cuộc hôn nhân Chàm – Việt năm 1306 giữa quốc vương Chế Mân và công chúa Huyền Trân. Hai châu Ô – Lý được dùng làm sính lễ dâng tặng cho nhà Trần, nghĩa là cho dân tộc Đại Việt. Ô – Lý trở thành Thuận Hoá (1307). Chữ Hoá (化) bị đọc trại thành Huế về sau”. [1]

    Trong cuốn sách Theo dòng lịch sử, giáo sư Trần Quốc Vượng viết: “Vua Trần đổi tên châu Ô thành châu Thuận và châu Lý thành châu Hoá. Địa danh Thuận Hoá có từ đó và tên Huế là đọc trạnh từ tên Hoá”.[2]

    Soạn tập I Hỏi đáp về triều Nguyễn và Huế xưa, Nguyễn Đắc Xuân ghi: “Thuận Hoá là đất cũ hai châu Ô và Ry (Lý) xưa, Thuận Hoá đọc gọn lại và trại ra thành Huế”.[3]

    Đinh Xuân Vịnh cũng chép không khác vào Sổ tay địa danh Việt Nam: “Địa danh Huế bắt nguồn từ các địa danh Châu Hoá đời Trần, Thuận Hoá đời Lê, đọc tắt là Huế”.[4]

    Lập luận trên nghe càng có vẻ hữu lý khi người ta củng cố bằng cứ liệu chuyển hoá ngữ âm tiếng địa phương: hoà vẫn được dân Huế nói huề và hoa lắm lúc được dân Huế nói huê. Do đó, Hoá chuyển thành Huế cũng hợp lẽ.

    Thế nhưng, xét tổng quát ngữ âm vùng Huế, chưa thể đúc kết thành quy luật oa => uê đối với phần vần gồm cặp nguyên âm cuối ấy được. Chẳng người Huế bình thường nào phát âm hội hoạ thành hội huệ và thuỷ hoả thành thuỷ huể, cả giáo hoá và phong hoá cũng không phát âm thành giáo huế và phong huế. Thực tế lịch sử cho thấy hoa buộc phải đọc thành huê hoặc thành ba do kiêng huý tên riêng của bà Hồ Thị Hoa (1719–1807; chính phi của vua Minh Mạng) theo lệnh triều đình ban bố từ niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất, tức năm Tân Sửu 1841. Do đó, tỉnh Thanh Hoa đổi ra tỉnh Thanh Hoá, cửa Đông Hoa đổi ra cửa Đông Ba, cầu Hoa đổi ra cầu Bông. Còn hoà đọc trại thành huề là từ năm Quý Mùi 1883, lúc hoàng tử Hồng Dật lên làm vua Hiệp Hoà.

    2. Biến đổi ngữ âm và ký tự

    Vấn đề đặt ra: địa danh Huế xuất hiện tự bao giờ?

    Từ điển Địa danh thành phố Huế của Trần Thanh Tâm và Huỳnh Đình Kết ghi nhận: “Đến nay vẫn chưa rõ từ Huế ra đời vào lúc nào và nó được ký âm như thế nào bằng chữ Hán – Nôm. Điều tra trong văn liệu cổ thì từ Huế được ký âm là 化 được tìm thấy trong tác phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn tương truyền của Lê Tư Thành (1442–1497) tức vua Lê Thánh Tông, lên ngôi năm 1460, đi đánh Chiêm Thành ngang qua xứ Huế năm 1470, song việc xác minh tập sách này có phải của vua Lê Thánh Tông không cũng chưa đi đến kết luận. Đến năm 1553, tác giả Dương Văn An cũng ghi từ Huế là 化 trong tác phẩm Ô châu cận lục. Cả hai trường hợp này đều không đứng vững vì chữ này đều có thể đọc là Hoá hoặc Huế. Từ Huế được viết bằng mẫu tự Latinh đã xuất hiện lần đầu vào năm 1653 trong tác phẩm Voyage et Missions (Hành trình và truyền giáo) do giám mục Alexandre de Rhodes biên soạn, ông là người có công san định chữ quốc ngữ đã được nhiều người ký âm trước đó. Trong tác phẩm này, ông đã dùng từ Kẻ Huế để chỉ Kim Long”.[5]

    Có thật Alexandre de Rhodes [A Lịch Sơn Đắc Lộ] (1591–1660) viết nguyên dạng Huế hoặc Kẻ Huế chăng?

    Năm 1915, trên tờ Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH: tập san Đô Thành Hiếu Cổ), học giả Léopold Cadière đã trích mấy đoạn từ Voyage et Missionscủa Alexandre de Rhodes trong bài Les Européens qui ont vu le vieux Hué (Những người Âu từng thấy Huế xưa). Xin dẫn lại đôi câu liên quan: “Thành phố mà đức vua ngự trị gọi là Kehue, triều đình rất đẹp (...). Khi đi qua, chúng tôi nghỉ lại ở Hoâ”. Và đây là sự phân tích của Léopold Cadière: “Trước hết, hãy chú ý tên thành phố trong văn bản: Kehue.[6] Chỗ khác, Alexandre de Rhodes lại viết Hoâ. Còn từ điển của ngài[7] thì ghi Hoá, Kẻ Hoá và Hué, Kẻ Hué. Tôi còn thấy vài tài liệu thời ấy dạng Hoé nữa. Kehue là dạng viết gộp của Kẻ Hué. Riêng dạng Hoâ tương đương dạng Hoá, dấu mũ trên chữ a chắc do ấn công người Âu nhầm lẫn. Dẫu sao, vào thời Alexandre de Rhodes, dạng Huế như hiện nay với âm ê đóng là chưa có. Hồi trước, người ta phát âm tên kinh đô với âm cuối mở, hoặc là a, hoặc là e, chứ dạng Hoé đã biến mất lâu rồi. Như vậy chứng tỏ trong quá khứ từng tồn tại các dạng Hoé, Hué, Hoá. Tài liệu của các tác giả Âu châu gồm Bồ Đào Nha, Hà Lan và Pháp cùng hoặc sau thời đó có ghi Sinua, Sennua, Senua, Singoa; tất cả đều phiên âm tên hành chính Hán – Nôm của vùng này là Thuận Hoá. Ví thử dạng Huế với âm cuối ê đóng như hiện nay đã hiện hữu trong quá khứ, ắt Alexandre de Rhodes ghi nhận rồi, bởi nơi mục từ chỉ kinh đô ở từ điển của mình, ngài không quên liệt kê đồng thời các dạng có a tận cùng với các dạng có e tận cùng. Trong khi chờ đợi thêm thông tin mới, tôi nghĩ có thể kết luận rằng tên thủ phủ của chúa Nguyễn thời Alexandre de Rhodes có dạng là Hoá hay Hué, chứ dạng Huế bấy giờ chưa xuất hiện, còn dạng Hoé thì mất hẳn tự đời nào”.

    3. Gốc gác địa danh Huế: tiếng Chăm

    Thực tế, dạng Hoé tiền thân của địa danh Huế chẳng hề mất, mà vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cư dân thuộc cộng đồng Việt Nam đa dân tộc: người Chăm.[8]

    Trước thế kỷ XIV, chính xác là trước năm Đinh Mùi 1307 — lúc triều Trần chính thức tiếp quản hai châu Ô và Ry (Lý) — thì người Chăm tại lưu vực sông Hương gọi địa bàn mình trú ngụ bằng tên Hoé. Niên điểm ấy trở về sau, khá đông người Chăm dời lần vào phía Nam, song vẫn còn một số người Chăm nán lại trên mảnh đất mà họ đã chôn nhau cắt rốn và sống cộng cư hoà ái với người Kinh từ phía Bắc mới “chân ướt chân ráo” tới lập nghiệp. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi chi tiết vào năm Nhâm Thìn 1472, niên hiệu Hồng Đức thứ III: “Ra sắc chỉ cho Thái bộc tự khanh xét họ tên của bọn người Chiêm”.[9] Nhiều gia đình người Chiêm, tức Chăm, mang họ Bá, Bạch, Cái, Chế, Hàm, Hứa, Ma, Ông / Ôn, v.v., lưu lại xứ Thuận Hoá bấy giờ vẫn gọi đất này là Hoé giống trước kia và giống cách phát âm của bà con họ ở Ninh Thuận lẫn Bình Thuận ngày nay. Địa danh cổ xưa đó về sau được Dictionnaire Căm - Vietnamien - Français (Từ điển Chăm - Việt - Pháp) của Gerard Moussay xuất bản tại Phan Rang năm 1971 ghi là Hwe.

    Hwe tiếng Chăm có nghĩa hương thơm, chẳng mấy chốc chuyển thành Huế tiếng Kinh và được ký âm Hán – Nôm là 化. Điều đó khiến hậu thế ngộ nhận rằng Huế do Hoá đọc trại ra. Sự thật thì diễn biến ngược lại. Há lẽ chỉ mỗi Hoá biến thành Huế, còn Thuận 順 lại không biến thành địa danh nào?

    Với lối chính tả Việt ngữ sử dụng mẫu tự Latinh (chữ quốc ngữ), dạng Huế cũng sớm được ổn định, ít nhất là từ thế kỷ XVIII. Năm 1755, đại uý hải quân Pháp Le Floch de la Carrière quan trắc thực địa để vẽ Plan d’une partie des côtes de la Cochinchine (Bản đồ một phần duyên hải xứ Đàng Trong) rồi đem về Lorient ấn loát vào đầu tháng 7-1787, đã ghi tên dòng Hương bằng nguyên văn sông Huế và chua thêm tiếng Pháp rivière du Roi (sông Vua).[10] Cũng tại Lorient, giám mục Pierre Pigneaux de Béhaine [Bá Đa Lộc] đã đáp tàu thuỷ đến trước đấy bốn tháng. Giai đoạn 1772–1773, soạn thảo Dictionnarium Anamitico Latinum [11] Bá Đa Lộc cũng ghi rõ Huế kèm chú giải: “Kinh đô chúa Đàng Trong”. Được xem là kế thừa và phát triển bộ từ điển in năm 1651 của Alexandre de Rhodes, công trình này tạo nền móng cho các bộ từ điển của Tabert, của Génibrel ra đời vào thế kỷ XIX.

    Nhiều tổ chức lẫn cá nhân bao lâu đã đầu tư nghiên cứu sự ảnh hưởng của văn hoá Chăm đối với văn hoá Huế nói riêng, văn hoá Việt Nam nói chung. Ảnh hưởng ấy lần lượt được khám phá qua vô số biểu hiện cụ thể, từ âm nhạc và vũ đạo đến điêu khắc và kiến trúc, từ phong tục tập quán đến miếng ăn tiếng nói, v.v. Năm 1943, với khảo luận Noms et lieux Cham - Annamites (Tên và địa điểm Chăm - Việt), học giả Nguyễn Văn Tố từng chỉ ra hàng loạt địa danh gốc Chăm hiện hữu khắp tỉnh Thừa Thiên. Ví dụ: An Lỗ, Lai Trung, Liễu Cốc, Mậu Tài, Mỹ Xuyên, Nguyệt Biều, Thanh Phước, Tiên Nộn, Ưu Điềm. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng sông Ô Lâu, làng Sình, thị trấn Sịa xuất xứ từ tiếng Chăm. Tuy nhiên, đến hôm nay, rất hiếm người nhận thấy rằng ngay cả địa danh “lớn” là Huế cũng có từ nguyên Chăm ngữ.


    _________________________

    [1] Những vấn đề văn hoá - xã hội thời Nguyễn. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1995; tr. 105.

    [2] NXB Văn Hoá, Hà Nội, 1996, tr. 517-518.

    [3] NXB Trẻ, 2000; tr. 11.

    [4] NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội, 2002; tr. 127.

    [5] NXB Văn Hoá Dân Tộc, Hà Nội, 2001; tr. 172-173.

    [6] Tập 2 Những người bạn cố đô Huế. NXB Thuận Hoá, Huế; tr. 208-227. Bản dịch của Đặng Như Tùng, với sự hiệu đính của Bửu Ý, thì Kehue chuyển ngữ thành Kẻ Huế.

    [7] Ý chỉ Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt - Bồ - La) của Alexandre de Rhodes in tại Roma năm 1651.

    [8] Người Chăm còn được gọi Chămpa, Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Hời. Đó là dân tộc có nguồn gốc bản địa, ngôn ngữ thuộc hệ Mã Lai – Đa Đảo. Hiện người Chăm cư trú từ Bình Định đến An Giang, đông nhất ở Ninh Thuận và Bình Thuận.

    [9] Bản in Nội các quan bản. Mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ XVIII (1697). Hoàng Văn Lâu cùng Ngô Thế Long dịch và chú thích. Hà Văn Tấn hiệu đính. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1998. Tập II, tr. 460.

    [10] Iconographie historique de l’Indochine Française (Sách ảnh lịch sử về Đông Dương thuộc Pháp). Paris, 1931.

    [11] Tự vị Annam Latinh. NXB Trẻ, 1999.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/10/15
    bun_oc and Despot like this.
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    cute_smiley23cute_smiley23cute_smiley23... Chài ui! Chỉ một chữ Huế... mà đã hao tổn biết bao công sức, giấy mực... vạy ư!
    Hichic... thiệt là 'nàng kia... kia... thiệt ít có Ác nhắm... thay!' Ô hô!...
    Cảm ơn chàng trai đến từ... 'gộc' 'dân' Ngũ Quảng nha!
    Đọc mờ 'mồ hôi hột... hột...' 'Hưn nà' 'thẩm định luận văn PhD'!
    ... Á... ớ... 'mờ' 'chưa 'tỏ'...
     
    Despot and teacher.anh like this.
  19. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    {:sup:}{:sup:} Các bác luận khí thế chữ nghĩa mà "túm cái váy" lại thì tại sao Huế không được "định danh" thuộc Ngũ Quảng vậy???
     
    Despot thích bài này.
  20. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    1. Ngũ Quảng Có Huế!
    2. Ai nói Thừa Thiên không có Huế?
     
    tducchau thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này