Văn học nước ngoài Chân dung phóng đại - Dino Buzzati

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi nhat1395, 6/3/20.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. nhat1395

    nhat1395 Lớp 7

    Mình đang làm ebook truyện này nên sẵn đăng dần lên để mọi người cùng đọc ^^
    Thông tin sách: Chân dung phóng đại
    Tác giả: Dino Buzzati
    Dịch giả: Đoàn Tử Huyến
    [​IMG]

    Larger than Life is a 1960 novel by the Italian writer Dino Buzzati. It tells the story of a scientist who becomes entangled with a large electronic machine in which the woman he loves is reincarnated.​
     
    Viet5225 and amylee like this.
  2. nhat1395

    nhat1395 Lớp 7

    I
    Tháng Tư năm 1972, giáo sưErmann Ixmani, 43 tuổi, giảng viên bộ môn điện tử học trường Đại học tổng hợp thành phố N., một người đàn ông tầm thước, tính tình vui vẻ nhưng nhút nhát, nhận được thư từ Bộ Chiến Tranh gửi tới mời đến gặp đại tá Jakinto, Cục trưởng Cục Nghiên Cứu Khoa Học. Thư đóng dấu khẩn.

    Tuyệt nhiên không hiểu nguyên do của sự việc, vốn lại là người có mặc cảm cố hữu trước mọi thứ chính quyền, ngay ngày hôm đó giáo sư vội vã đến văn phòng Bộ.

    Trước kia anh chưa bao giờ đến đấy. Với vẻ rụt rè thường lệ, anh ngó đầu vào phòng trực. Ngay tức khắc trước mặt anh xuất hiện một cảnh vệ mặc binh phục hỏi anh cần gì. Ixmani xuất trình tấm giấy mời.

    Như có phép thần, vừa liếc qua tờ giấy, viên cảnh vệ, lúc đầu nói năng với khách khá hách dịch (dưới con mắt của anh ta giáo sư Ixmani ăn mặc lôi thôi, cử chỉ vụng về chỉ là một thứ tép riu không đáng kể), lập tức thay đổi hẳn thái độ. Anh ta xin lỗi, mời giáo sư ngồi đợi, rồi hối hả chạy sang phòng bên cạnh.

    Một viên thiếu úy bước ra, đọc bức thư, một nét cười khẩy mơ hồ thoáng qua trên môi; và với vẻ kính cẩn phô trương, anh ta mời Ixmani đi theo mình.

    Bức thư lạ lùng kia là cái gì thế nhỉ? - Ixmani hơi ngạc nhiên nghĩ. Tại sao họ rối rít lên với mình như với một nhân vật quan trọng vậy? Tờ giấy có vẻ như mọi tờ giấy công vụ bình thường khác mà thôi.

    Anh nhận thấy cũng một thái độ sợ sệt như thế ở các viên sĩ quan khác, cấp bậc của họ mỗi lúc một cao hơn khi họ chuyền nhau dẫn anh từ phòng này qua phòng khác đi tiếp mãi đâu đó. Thậm chí anh cảm thấy khó chịu vì hình như các sĩ quan người nào trông thấy tờ giấy cũng vội vã chuyển giao anh cho người khác ở cấp cao hơn, dường như anh, Ixmani, có toàn quyền được hưởng mọi sự kính trọng nhưng đối với họ, những sĩ quan ở đấy, anh lại là một cái gì đó bất tiện, thậm chí nguy hiểm.

    Đại tá Jakinto hẳn phải có quyền lực rất lớn. Lớn hơn nhiều so với cấp bậc của ông ta có thể mang lại, - giáo sư Ixmani phải vượt qua quá nhiều hàng rào thủ tục mới đến được phòng ông ta.

    Jakinto khoảng năm mươi tuổi, mặc thường phục, tiếp giáo sư rất nhã nhặn. Ông ta thông báo rằng giáo sư Ixmani hoàn toàn không cần phải vội như vậy, cái dấu “khẩn” chỉ là hình thức, nó được in hầu như trên tất cả mọi giấy tờ của cơ quan ông ta.

    - Để không mất thì giờ của ngài, thưa giáo sư, tôi xin vào việc ngay. Chính xác hơn, - ông ta bật ra một tiếng cười ngắn, đầy hàm ý, - chính xác hơn tôi xin trình bày tóm tắt vấn đề mà Bộ đề nghị ngài lưu ý.

    Thực chất sự việc ra sao thì chính bản thân tôi cũng không được rõ. Ngài cũng biết đấy, thưa giáo sư, có những lĩnh vực nhất định mà sự thận trọng hoàn toàn không có hại gì. Thật ra, đối với người khác thì phải ngay từ đầu đặt ra yêu cầu trách nhiệm giữ bí mật tuyệt đối... nhưng với ngài, thưa giáo sư... tên tuổi của ngài... công lao của ngài... quá khứ chiến đấu của ngài... uy tín của ngài...

    Ông ta muốn gì, Ixmani nghĩ, mỗi lúc một thêm lo âu. Và anh nói:

    - Xin lỗi đại tá, tôi không hiểu.

    Đại tá liếc nhìn anh với vẻ ít nhiều giễu cợt, rồi rời bàn viết đứng dậy, rút từ trong túi ra chùm chìa khoá, mở một cánh tủ sắt nặng, lấy trong tủ ra một cặp giấy rồi lại ngồi vào sau bàn.

    - Vậy thì, - ông ta nói, tay giở những tờ giấy đánh máy trong cặp. - thưa giáo sư Ixmani, ngài có sẵn sàng phục vụ Tổ Quốc không?

    - Tôi? Bằng cách nào? - ý nghĩ về một sự nhầm lẫn nào đó mỗi lúc một tăng.

    - Chúng tôi tin tưởng ngài, thưa giáo sư, - Jakinto nói. - Thái độ của ngài đã được các cấp trên biết tới. Vì vậy chúng tôi hi vọng ở ngài.

    - Nhưng tôi... tôi vẫn chưa rõ...

    - Ngài có đồng ý, thưa giáo sư, - viên đại tá hỏi cao giọng, nhấn từng từ, - ngài có đồng ý chuyển đến ở, tối thiểu là hai năm, tại một trong những khu vực quân sự của chúng tôi để tham gia vào một công việc có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia và ý nghĩa khoa học hết sức lớn lao không? Về phía nhà trường, ngài coi như được cử đi công tác chính thức, vẫn giữ nguyên lương và tất nhiên cộng thêm một khoản công tác phí khá cao. Tôi không thể nói chính xác, nhưng đâu khoảng hai mươi, hai hai ngàn lia một ngày.

    - Một ngày? - Ixmani sửng sốt hỏi lại.

    - Thêm vào đấy là một căn nhà rộng rãi với các tiện nghi hiện đại. Nơi đó, như tôi biết qua các giấy tờ này, phong cảnh rất đẹp, khí hậu hết sức tốt cho sức khoẻ. Ngài hút xì gà không?

    - Cám ơn, tôi không hút. Thế công việc gì vậy?

    - Công lệnh của Bộ nhấn mạnh việc lưu ý đến chuyên môn đặc biệt của ngài... Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chính phủ sẽ đặc biệt... hơn nữa tính đến những bất tiện buộc phải sống tách biệt...

    - Sao? Tôi không thể đi khỏi đó?

    - Ngài thấy đấy, nhiệm vụ đặc biệt...

    - Những hai năm? Thế còn nhà trường? Còn bài giảng?

    - Như tôi đã nói, các chi tiết cụ thể tôi không rõ. Nhưng tôi có thể cam đoan với ngài là sẽ có được điều kiện thực hiện những nghiên cứu cực kì thuận lợi. Tôi xin nói thang, ở đây không ai nghi ngờ về câu trả lời đồng ý của ngài.

    - Thế tôi sẽ làm việc với ai?..

    - Điều này tôi không thể nói được. Nhưng tôi có thể kể ra một tên tuổi lớn: Endriad.

    - Endriad? Nhưng ông ấy đang ở Brazil kia mà!

    - Tất nhiên, đang ở Brazil. Theo thông báo chính thức, - và viên đại tá nháy mắt với giáo sư. - Chà. chà, thưa giáo sư, không nên xúc động như vậy. Thần kinh bất ổn rồi, phải không?

    - Tôi ấy à? Tôi không biết...

    - Vào thời này hỏi ai mà không bất ổn với cái cuộc sống rối mù như vậy? Nhưng trong trường hợp này thì không có lí do nào cả. Tôi xin nhấn mạnh, chúng ta đang bàn đến một để nghị khá hấp dẫn. Hơn nữa ngài còn có thời giờ để suy nghĩ. Ngài hãy về nhà, thưa giáo sư, và sống bình thường như trước, - ông ta mỉm cười. - Dường như không hề có cuộc nói chuyện của chúng ta... ngài hiểu ý tôi chứ? Dường như chúng tôi không mời ngài đến đây... Nhưng ngài hãy suy nghĩ... Hãy suy nghĩ... và nếu có việc gì, hãy gọi cho tôi theo số máy...

    - Thế còn vợ tôi? Thưa đại tá, nói ra chắc ngài ngạc nhiên, nhưng chúng tôi mới cưới nhau hai năm.

    - Xin chúc ngài hạnh phúc, thưa giáo sư, - viên đại tá nhíu mày như đang cân nhắc một vấn đề phức tạp. - Tôi không nói rằng... nhưng nếu như chính ngài sẵn sàng bảo đảm...

    - Ồ, vợ tôi là một người rất chân thực, rất hiền lành, ngài có thể hoàn toàn yên tâm về cô ấy. Cô ấy không bao giờ để ý đến công việc của tôi.

    - Thế thì tốt, - viên đại tá cười, nói.

    - Nhưng trước hết...

    - Tôi nghe ngài đây...

    - Trước khi đi đến một quyết định nào đó tôi có thể đươc biết...

    - Cụ thể hơn, có phải ngài muốn nói thế không?

    - À vâng. Phải gác lại tất cả trong hai năm, mà không biết...

    - Tôi hiểu rồi. Phải kiên nhẫn thôi, thưa giáo sư. Tôi xin nói với ngài, bản thân tôi biết về việc đó cũng không nhiều hơn những gì tôi đã nói với ngài. Tin hay không tuỳ ngài, những tôi e rằng không một ai ở Bộ này - ngài hiểu không, không một ai - có thể giải thích chính xác sứ mạng của ngài là gì? Thậm chí cả tham mưu trưởng... Ngài nói đúng, điều này quả có vẻ lạ lùng. Cơ chế bí mật quân sự nhiều khi thật phi lí, ngược đời. Bằng cách này hay cách khác, nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ bí mật đó. Đằng sau bí mật đó là gì - không liên quan đến chúng tôi. Nhưng rồi ngài sẽ được biết. Gì không biết, chứ thời gian của ngài sẽ có đủ. Sau hai năm, tôi nghĩ...

    - Nhưng xin lỗi, tại sao các ngài lại chọn chính tôi?

    - Đấy không phải do chúng tôi. Yêu cầu triệu tập, nghĩa là lời giới thiệu, đến từ nơi kia.

    - Của Endriad?

    - Xin giáo sư đừng gán cho tôi những gì tôi không nói. Có thể là của Endriad. Cụ thể tôi không rõ. Hãy yên tâm, thưa giáo sư. Hãy tiếp tục làm việc như không có gì xảy ra. Và cám ơn ngài đã đến. Không dám làm mất thêm thì giờ của ngài. - Jakinto đứng dậy để tiễn Ixmani ra cửa. - Xin nhắc lại - hoàn toàn không cần vội... những ngài hãy suy nghĩ. Và nếu có gì...
     
  3. nhat1395

    nhat1395 Lớp 7

    II
    Lời đề nghị khiến giáo sư Ixmani rơi vào một vực xoáy những băn khoăn. Có lẽ tốt hơn, anh nghĩ, là vâng theo tiếng nói của lí trí: giữ nguyên res sic stanles, nếp sống yên tĩnh quen thuộc của cuộc đời bình lặng, không có những lo âu, chấn động, - tóm lại, là cần phải trả lời “không”.

    Nhưng chính những băn khoăn đó lại thôi thúc Ixmani đồng ý. Thực ra chính viễn cảnh hai năm bị vứt vào cái xứ heo hút nào đó vì một công việc bí mật nào đó mà chắc anh chẳng thích thú gì, thường xuyên ở trong trạng thái bảo mật nghiêm ngặt giữa những con người xa lạ (Endriad, một ngôi sao vật lí học, anh chỉ mới gặp vài lần mà cũng trong đám đông ồn ào của các cuộc hội nghị), chính cái viễn cảnh đó đã khiến anh gần như cảm thấy hoàng sợ. Đối với anh, một con người trung thực và nghiêm chỉnh, lại khó có thể trốn tránh trách nhiệm công dân và trí thức của mình (điều này đã được nói đến trong cuộc trao đổi nọ).

    Ixmani đã chiến đấu dũng cảm trong chiến tranh, nhưng không phải vì anh khinh thường nguy hiểm như những người khác. Mà ngược lại. Chính nỗi sợ hãi tỏ ra nhát gan, không hoàn thành mệnh lệnh, không đáp ứng sự tin cậy của binh lính, không xứng đáng với danh hiệu của mình đã buộc anh trong nỗi đau đớn không tả nổi chế ngự được nỗi sợ hãi khác - nỗi sợ hãi thể chất - trước súng đạn của kẻ địch, trước thương vong và cái chết. Và bây giờ anh cũng lâm vào một tình huống như vậy.

    Anh vội vã về nhà để kể hết mọi chuyện với vợ. Eliza trẻ hơn anh mười lăm tuổi nhưng về kinh nghiệm sống chị tỏ ra già dặn hơn chồng nhiều.

    Người phụ nữ tầm thước, hơi đẫy đà, gương mặt tròn trịa này trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không hề tỏ ra bối rối, điều đó khiến cho người khác cảm thấy tự tin hơn khi ở bên cạnh chị. Ở bất kì nơi nào, dù bất tiện, dù giữa những người không hiếu khách đến đâu, chị cũng lập tức cảm thấy như đang ở nhà mình. Chỉ cần chị xuất hiện, thì tất cả sự lộn xộn, rác rến, tất cả những lo lắng, khó xử đều dường như tan biến. Đối với Ixmani, một kẻ thiếu đầu óc thực tế và bất cứ điều vụn vặt nào cũng khiến anh lo lắng, thì một người vợ như Eliza chẳng khác gì món quà của số phận. Có thể nói; sự trái ngược của hai tính cách – điều xảy ra không hiếm - chính là nguyên nhân chủ yếu tạo nên một tình yêu lớn. Hạnh phúc của cặp vợ chồng này là còn nhờ ở chỗ: Eliza, mới tốt nghiệp phổ thông trung học, hoàn toàn không có ý niệm gì về công việc nghiên cứu của Ixmani. Chị coi chồng là thiên tài và không can dự vào công việc của anh. Ngoại trừ việc không cho anh ngồi sau bàn làm việc quá khuya.

    Ixmani còn chưa kịp bước vào phòng ngoài, thì Eliza đã bước ra đón; chị mặc tạp dề, tay vung vẩy muỗng nấu ăn trước mũi anh.

    - Anh khoan nói. Em biết hết rồi. Người ta đề nghị với anh một công việc mới chứ gì?

    - Làm sao em biết?

    - Ôi anh yêu, chỉ cần nhìn mặt anh là đủ. Hệt như Napoleon trước khi đi ra đảo Thánh nữ Elena ấy.

    - Ai nói với em?

    - Nói gì?

    - Về Thánh nữ Elena.

    - Anh được gửi đi ra đảo Thánh nữ Elena thật à? - Eliza khẽ nhướn mày.

    - Gần như thế. Nhưng em đừng nói với ai. Nếu có người nào biết, sẽ lôi thôi đấy.

    Quay phát người lại, Ixmani vụt mở toang cánh cửa lớn mà tự tay anh vừa đóng khi bước vào phòng, nhớn nhác nhìn ra cầu thang, nhìn xuống phía dưới.

    - Anh sao thế?

    - Anh nghe có tiếng bước chân.

    - Thì sao?

    - Chúng ta không thể để người khác nghe thấy.

    - Anh Ermann, anh làm em sợ đấy. Chẳng lẽ nghiêm trọng như vậy thật ư? - Eliza cười hỏi. - Nào ta đi, ta đi ra bếp, rồi anh kể hết cho em nghe, ở đó sẽ không có ai nghe thấy chúng ta cả, anh có thể yên tâm.

    Nhớ lại từng chi tiết một cách khó khăn, Ixmani kể với vợ câu chuyện giữa anh với Jakinto.

    - Nghĩa là anh đã đồng ý?

    - Sao em lại nói thế?

    - Ôi anh yêu, chẳng lẽ anh sẽ từ chối sao?

    - Ý em muốn nói về thù lao chứ gì? - Ixmani hỏi hơi có vẻ tự ái. vì bao giờ anh cũng tự cho mình đứng cao hơn những dồng tiền thô thiển.

    - Sao lại thù lao ở đây? Nghĩa vụ... nhiệm vụ quan trọng... lòng yêu nước... Họ thì rất biết cách phải tác động tới anh từ hướng nào. Nhưng em không trách anh. Lạy Chúa... - Eliza lại cất tiếng cười. - Hơn sáu trăm ngàn một tháng, lại còn giữ nguyên lương ở trường đại học nữa!..

    - Em đã kịp làm phép tính rồi à? - Ixmani cảm thấy một sự nhẹ nhõm khó giải thích.

    - Anh nằm mơ cũng không có được số tiền như thế. Em tưởng tượng ra vẻ mặt các đồng nghiệp của anh: họ phải chết nghẹn mất vì ghen tị. Thế cái gì ở đó? Trạm nguyên tử à?

    - Anh không biết. Họ không nói gì với anh cả.

    - Nếu bí mật như thế thì chắc là trạm nguyên tử rồi... Thế anh có biết gì về nó không? Hình như đây không phai là chuyên ngành của anh?

    - Anh không biết... anh không biết tí gì.

    Eliza ra dáng nghĩ ngợi.

    - Hừm, quả thế... Anh không phải là nhà vật lí. Nếu như họ đã chọn đúng anh...

    - Điều đó không có ý nghĩa gì cả. Ở các trạm nguyên tử, đặc biệt là ở giai đoạn thi công, cũng có thể cần chuyên gia về...

    - Thế nghĩa là trạm nguyên tử. Vậy thì khi nào?

    - Cái gì khi nào?

    - Khi nào đi?

    - Anh không biết. Anh chưa đồng ý cái gì cả.

    - Anh sẽ đồng ý, lẽ nào anh lại không đồng ý! Duy chỉ một trường hợp anh có thể từ chối.

    - Trường hợp nào?

    - Nếu như anh phải đi một mình, không có em. Phải không? - Eliza mỉm cười.

    - Nghe nói ở đó cảnh đẹp lắm. - Ixmani nói thêm.
     
  4. nhat1395

    nhat1395 Lớp 7

    III
    Ixmani với vợ khởi hành đến “Khu vực quân sự ba mươi sáu” vào đầu tháng Bảy trên chiếc xe của Bộ Chiến Tranh. Một người lính lái xe. Tháp tùng họ là đại úy Vext’ro từ Bộ Tổng tham mưu, một sĩ quan ba mươi lăm tuổi, vạm vỡ, hai mắt nhỏ nhìn chăm chú và có vẻgiễu cợt.

    Ngay trước khi lên đường, vợ chồng Ixmani được biết rằng họ sẽ đến thung lũng Tecxeruda, một điểm nghỉ mát nổi tiếng mà Eliza hồi còn bé, trước đây lâu lắm rồi, đã từng đến nghỉ. Ngoài ra họ chẳng biết gì thêm. Phía Bắc thung lũng là một khối núi lớn. Nơi họ phải đến có thể nằm trong khu vực hẻo lánh nào đấy khuất sau các ngọn núi, hay là giữa rừng sâu, hay là trong một bản làng Alpa dân bị di đi chỗ khác để làm căn cứ quân sự.

    - Đại úy, - Eliza Ixmani hỏi, - anh đưa chúng tôi đi đâu thế này?

    Vext’ro nói rất chậm, dường như tìm từng từ một, sợ nói thừa không cần thiết.

    - Ở đây, thưa chị Ixmani, - anh ta giở ra một tờ giấy đánh máy, nhưng không trao cho Eliza, - Ở đây có hưóng dẫn lộ trình của chúng ta. Tối nay chúng ta sẽ dừng lại ở Crea. Sáng mai tám rưỡi lên đường. Theo đường nhựa đến Xant-Agoxtino. Tiếp đó là đường quân sự. Tôi có vinh dự và hân hạnh đưa quý anh chị đến trạm kiểm soát thường trực. Đến đó tôi hết nhiệm vụ. Sẽ có xe khác đến đón anh chị đi tiếp.

    - Thế anh đã đến đó bao giờ chưa, đại úy?

    - Đến đâu ạ?

    - Khu ba mươi sáu ấy.

    - Không, tôi chưa bao giờ đến đó cả.

    - Thế cái gì ở đó? Trạm nguyên tử à?

    - Trạm nguyên tử... - anh ta nhắc lại với một chút khó hiểu trong giọng nói. - Có lẽ ngài giáo sư sẽ thú vị...

    - Nhưng tôi hỏi anh kia mà, đại úy.

    - Hỏi tôi? Xin lỗi, nhưng tôi không được biết.

    - Anh có đồng ý là điều này kì quặc không? Anh không biết gì, chồng tôi không biết gì, ở Bộ họ cũng không biết gì. Ở Bộ họ cứ tìm cách nói lảng, đúng không anh Ixmani?

    - Nói lảng? Nhưng tại sao? - Ixmani hỏi lại. - Họ xử sự rất lịch sự.

    Vext’ro thoáng mỉm cười.

    - Anh thấy chưa, - Eliza nói, - em đã đúng.

    - Em đúng à? Đúng cái gì?

    - Rằng người ta đưa anh đến trạm nguyên tử.

    - Nhưng đại úy có nói như vậy đâu?

    - Thế họ làm cái gì ở khu ba mươi sáu ấy, - người đàn bà vẫn khăng khăng, - nếu không phải là bom nguyên tử?

    - Cẩn thận, Morra! - viên đại úy quát lên, lần này không bỏ thời gian để chọn từ, vì họ vừa vượt qua một cỗ xe tải lớn trên dải đường khá hẹp.

    Nhưng sự lo lắng của anh ta là vô ích. Con đường nhựa bằng phẳng thẳng như một mũi tên và tuyệt không có xe cộ chạy ngược chiều.

    - Em nói là, - Eliza tiếp tục, - nếu họ không chế tạo bom nguyên tử thì họ làm gì ở đó? Và tại sao họ giấu chúng ta? Cứ cho là bí mật quân sự, nhưng chúng ta, theo em... Chính chúng ta đang đi đến khu vực đó.

    - Thế nghĩa là theo chị, trạm nguyên tử...

    - Không phải theo tôi, tôi chỉ hỏi.

    - Thưa chị Ixmani, - đại úy Vext’ro vất vả chọn từ, nói, - tôi e chị phải chịu khó đợi đến khi tới nơi. Chị hãy tin là tôi không thể giải thích gì được cả.

    - Nhưng anh phải biết chứ, đúng không?

    - Nhưng tôi đã nói rồi, thưa chị, tôi chưa lần nào đến đó cả.

    - Nhưng anh phải biết cái gì đang được chế tạo tại đó chứ?

    Giáo sư Ixmani ngồi nghe với vẻ mặt căng thẳng.

    - Đừng coi tôi là logic hình thức, nhưng ở đây có một trong ba khả năng: hoặc đối tượng không bí mật nhưng tôi không biết nó, hoặc tôi biết nhưng đối tượng bí mật, hoặc đối tượng bí mật nhưng tôi không biết. Tự chị cũng biết đấy, rằng trong bất kì trường hợp nào...

    - Nhưng anh có thể nói cho chúng tôi biết ở đây là trường hợp nào chứ!

    - Tất cả phụ thuộc vào mức độ bí mật, - viên sĩ quan đáp. - Nếu đây là bí mật tuyệt đối, chẳng hạn như thường thấy trong tác chiến, các kế hoạch chiến dịch, thì theo cơ chế, nó bao gồm đến tất cả những gì có quan hệ xa hoặc quan hệ một phần tới đối tượng, thậm chí dưới hình thức gián tiếp và phủ định. Còn dưới “hình thức phủ định” nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là một người nào đó biết về sự tồn tại của đối tượng nhưng không biết các chi tiết, thì anh ta cũng không được phép tiết lộ cả sự không biết đó. Và thưa chị Ixmani, thoạt nhìn một sự giới hạn như vậy có vẻ phi lí nhưng thực ra nó có những cơ sở nghiêm túc. Thử lấy trường hợp của chúng ta làm thí dụ - khu quân sự ba mươi sáu. Đấy, tôi vừa nhắc đến sự không liên quan của mình. Với cấp bậc và các chức trách của tôi một thông tin như vậy, dù cho là ở mức độ tối thiểu nhất, đã có thể giúp cho ai đó.

    - Nhưng anh đã biết rõ chúng tôi là ai kia mà! - Eliza Ixmani bực bội kêu lên. - Chỉ riêng việc anh đang dẫn chúng tôi đi đã loại bỏ mọi sự nghi ngờ.

    - Tôi cho rằng chị chưa bao giờ qua trường quân Sự... ở đó trong phòng trực có một khẩu hiệu: “Với bí mật không có bạn bè, người thân”. Một sự không tin tưởng như vậy đôi khi có vẻ xúc phạm, tôi đồng ý với điều đó, nhưng dù sao... - anh ta chợt ngừng nói. Có lẽ đã mệt vì lời giai thích dài dòng.

    Eliza phá ra cười.

    - Nói cách khác, anh đã tế nhị cho chúng tôi hiểu là không thể hoặc không muốn kể về cái khu quân sự dở hơi đó chứ gì?

    - Nhưng, thưa chị Ixmani, - viên đại úy nói vẫn bằng giọng chậm rãi và vẻ kể cả của mình, - tôi đâu có nói rằng tôi biết...

    - Thôi được, thôi được. Chẳng qua là do tôi quá tò mò. Tôi xin lỗi.

    Viên sĩ quan im lặng.

    Năm phút trôi qua. Rồi Ixmani rụt rè lên tiếng:

    - Tôi xin anh đừng tự ái, đại úy, anh vừa nói đến ba khả năng, nhưng thực ra là bốn. Bởi vì cũng có thể là đôi tượng không bí mật và anh có biết.

    - Tôi không nói đến khả năng này là vì chỉ riêng việc nhắc đến cũng đã là thừa.

    - Thừa?

    - Vâng. Trong trường hợp dó... Trong trường hợp đó thì tôi đã kể ra từ lâu rồi. Cẩn thận, Morra!

    Nhưng lời cảnh báo đối với lái xe cũng là thừa: khúc ngoặt của con đường mà họ đang tiến đến rất rộng và tốc độ của chiếc xe không ngoài sáu mươi cây số một giờ.
     
  5. nhat1395

    nhat1395 Lớp 7

    IV

    Ngày hôm sau họ bắt đầu đi vào địa phận thung lũng Tecxeruda.

    Cho đến tận khe Olt’ro nằm giữa những cánh rừng, một khu du lịch nổi tiếng, con đường nhựa trải dài rất tốt. Nhưng tiếp đó đường bắt đầu hẹp dần, chạy quanh co, mỗi lúc một khó đi hơn.

    Quang cảnh mỗi lúc một hoang dại, nhà cửa hai bên đường ít dần, rừng cây xung quanh thêm rậm rạp, người qua lại ít gặp hơn. Trong những khoảng trống thung lũng thỉnh thoảng lại hiện ra các khối núi dựng đứng và đổ nghiêng về một phía giống như những hàng cây hai bên bờ sông, nơi gió chỉ thổi theo một hướng.

    Cả ba hành khách im lặng. Bầu trời màu xám, tẻ nhạt và rất cao. Thấp hơn phía dưối, ngay sát những ngọn núi, mây đen tụ lại trĩu dần xuống những khe sâu.

    - Còn lâu không? - Ixmani chốc chốc hỏi.

    - Tôi không rõ. - Vext’ro đáp. - Tôi cũng đi lần đầu mà.

    - Nhưng còn bao nhiêu cây số nữa?

    - Không còn nhiều nữa đâu.

    Họ gặp một ngã ba. Nhánh đường rẽ phải đâm thẳng vào một khe núi đáng sợ, nó dốc đứng đến nỗi không hiểu nổì làm sao có thể đi tiếp được. Trong một thoáng chỉ bằng một phần giây, trong khoảng không chật hẹp giữa hai cánh gà bằng đá dựng đứng,nơi có những cây thông xơ xác thấp tè không hiểu bằng cách nào có thể bám được trên những chỗ lồi bé xíu của các bức tường, Ixmani bỗng nhận ra một pháo đài bằng đá trắng với những vòm mái tròn trông hao hao như những chiếc đầu lâu. Cảnh tượng tác động nặng nề, anh nghĩ nếu đây là nơi anh phải đến thì chắc anh sẽ không thể nào ở lại được. Và anh nghĩ tiếp: ngay bây giờ chúng ta sẽ rẽ sang phải, hướng về khe núi. Nhưng chiếc xe đã lại tiếp tục chạy thẳng.

    Khoảng nửa giờ sau những ngọn núi ở hai bên dần dần giãn ra, trời sáng sủa hơn, thung lũng không còn ảm đạm như trước nữa. Chiếc xe đỗ cạnh một trạm xăng nhỏ. Mọi người bước ra vươn vai thư giãn và uống cà phê.

    Nhân lúc viên đại úy đứng cách xa một quãng, Ixmani đến bên người bán xăng, một ông già có nét mặt phúc hậu, chỉ vào con đường chạy vòng vèo trên sườn núi, hỏi:

    - Đến trạm nguyên tử đi đường này phải không?

    - Trạm nguyên tử? - người bán xăng nhìn quanh như tìm người giúp đỡ. - Tôi không hiểu.

    - Nhưng ông có nghe nói về nó chứ? - (Vext’ro đang đi lại gần).

    - Ở đây người ta nói đủ thứ... Và thời tiết, tất nhiên... Thời tiết...

    - Thời tiết sao?

    - Thời tiết, tôi nghĩ đã thay đổi. Bây giờ khá hơn. Và đã ngớt mưa.

    Ông ta phá ra cười.

    Một câu trả lời mập mờ như vậy (điều đó có thể chờ đợi xét theo tính cách luôn luôn cảnh giác của những người dân thung lũng phải sống cách biệt với thế giới bên ngoài) có thể coi là khẳng định. Mà có thểtin ông ta được không? Ixmani thoáng nhìn thấy - hay anh tưởng tượng ra? - một nụ cười khẩy lướt qua trên mặt người bán xăng, dường như ông ta nháy mắt đồng loã với viên đại úy. Nhưng Vext’ro không động đậy đến cả một cái lông mày.

    Khi ngồi lại vào xe, viên sĩ quan lúng húng nói gì đó với lái xe. Người này quay xe, và thay vào chỗ đi tiếp, dọc theo thung lũng, chiếc xe chạy theo đường ngược lại.

    - Chúng ta quay về à? - Eliza Ixmani hỏi.

    Vext’ro đáp nhát gừng.

    - Tôi xin lỗi. Tôi đến đây lần đầu, nên không nhận thấy đã bỏ qua chỗ rẽ.

    - Chỗ rẽ nào? - Ixmani lo lắng hỏi, anh chợt nhớ lại cái khe núi đã gây cho anh cảm giác khó chịu.

    - Đáng ra chúng ta phải rẽ cách đây ba, bốn cây số.

    Tất cả im lặng.

    Đúng là như vậy, Ixmani nghĩ. Thì mình đã hiểu ra ngay mà. Dường như anh cảm thấy. Nhưng mình nhất quyết sẽ không ở lại đó.

    - Đại úy, - mấy phút sau anh nói. - Xin lỗi tôi tò mò. Nhưng nếu tôi...

    - Vâng, vâng, tôi nghe đây, thưa giáo sư, - viên sĩ quan nhận thấy sự ngập ngừng của anh, liền đáp.

    - Nếu như tôi... cứ coi là giả thử... Nếu như tôi bỗng nghĩ lại. nghĩa là ngay bây giờ tôi từ chối, thì sẽ ra sao?

    - Trong trường hợp đó, - Vext’ro nói rành rẽ từng tiếng một như thường lệ, - tôi sẵn sàng phục vụ và đưa giáo sư trở lại nhà.

    - Thế đã có những trường hợp như vậy rồi chứ?

    - Tôi không biết. Tôi đã có chỉ thị từ trước. Cảcho trường hợp ngài bỗng nhiên, thưa giáo sư...

    - Anh sao thế, Ixmani? - Eliza mỉm cười hỏi. - Anh nghĩ gì thế?

    Ixmani không nghe vợ nói. Anh hết sức lo lắng trước câu trả lời của viên đại úy.

    - Thế nghĩa là, - anh nói tiếp, - không ngoại trừ khả năng vào giây phút chót tôi...

    - Trong những hoàn cảnh tương tự, thưa giáo sư, người ta đã cố tính trước mọi khả năng, và ở Bộ... Tôi nghĩ rằng công việc của ngài là hoàn toàn tự nguyên, và mọi sự cưỡng bức là mâu thuẫn với...

    - Đại úy, mong anh nói thật, có ai trong số các đồng nghiệp của tôi đã... đào ngũ chưa?

    - Tôi không biết, tôi không nghĩ đến. Tôi chưa từng nghe thấy. Tôi đã nói rằng tôi đến đây lần đầu tiên.

    Ixniani ngập ngừng im lặng, không biết nên quyết định ra sao. Bây giờ mà từ chối, sau khi đã đi một quãng đường như vậy, quả là vừa kì quặc vừa buồn cười, - anh đâu phải là trẻ con nữa! Cái vẻ hoang dại của khe núi với những mỏm đá chết chóc dưới lòng sâu gây nên ở anh một cảm giác khó chịu. Nhưng Ixmani vẫn quyết định trì hoãn thêm một lúc.

    Đúng như anh đoán, khi đến đầu khe núi đáng sợ nọ, chiếc xe đi chậm lại.

    - Chúng ta đến đó phải không?

    - Không, - Vext’ro đáp. - Hoàn toàn ngược lại, - và anh ta chỉ sang phía sườn dốc bên kia.

    Ixmani và vợ nhìn sang phải, ở đó, họ trông thấy một chiếc cầu nằm vuông góc với con đường chính, bắc qua dòng sông (đúng hơn là một dải đất rộng trải đầy cuội trắng, còn chính bản thân dòng sông chỉ còn là một con suối nhỏ róc rách) và chạy vào thung lũng con đường. So với khe sâu phía bên kia, thung lũng này khá rộng rãi, xanh tốt và nhìn thật vui mắt. Những cánh rừng và đồng cỏ nối tiếp nhau trên những ngọn đồi nhấp nhô nằm rải rác không theo một trật tự nào, và phía sâu của bức tranh lãng mạn này hiện ra một đãy núi nhấp nhô đứt quãng. Không hiểu do núi non ở đấy có vẻ gì khác, hay là vì có một luồng ánh sáng hiền hòa nào đó đang tuôn xuyên qua những khe sáng chợt mở ra trên bầu trời, mà lần này trong lòng Ixmani không xuất hiện cảm giác khó chịu nữa.
     
  6. nhat1395

    nhat1395 Lớp 7

    V

    Ở ngay dưới chân của đãy núi đá dựng đứng, mà tiếp theo phía bên kia con đèo có lẽ là một khoảng cao nguyên bằng phẳng, con đường bỗng phình rộng ra tạo nên một khoảng không gian mở; đến đây đoàn người gặp một trạm kiểm soát thường trực: một doanh trại nhỏ, cột ăng ten và cờ, một thanh barie gỗ, hai ghế dài, một chiếc bàn và một chuồng chó bỏ không.

    Phong cảnh đẹp tuyệt vời: xung quanh là những cánh rừng trải dài theo sườn núi dốc xuống thung lũng Tecxeruda, phía rất xa dưới lòng thung thấp thoáng dòng sông trắng nước, những bản làng nằm rải rác, một làn sương khói mơ màng, và bao trùm lên tất cả là một sự tĩnh lặng, trong sáng và bình yên mà ta vẫn thường gặp ở những vùng núi non hiền hòa.

    Chỉ có phía sau lưng, cái khung cảnh trọn vẹn đó như bị phá vỡ: rừng cây bị thay bằng những khối đá nặng nề lởm chỏm, mọc đầy những bụi gai và cỏ dại, tiếp đó là một khoảng trống không há hoác. Những bức tường treo đó, mặc dù có vẻ rộng lớn, dường như đóng gông cả bức tranh chung lại khiến cho nó ít nhiều mang nét ảm đạm u tối.

    Đón vợ chồng Ixmani là viên sĩ quan trực ban, trung úy T’roxdem. Đã được báo trước về việc họ sẽ đến, anh ta đã chuẩn bị bữa ăn và tỏ ra khá lễ độ.

    Họ buộc phải dừng lại ở trạm kiểm soát này. Xe của đại úy Vext’ro không được phép đi vào khu quân sự. Từ Trung Tâm, nơi Ixmani sắp tới, sẽ cử một chiếc xe khác đến đón họ. Đúng ra, viên trung úy giải thích, xe đã ở đây rồi, nhưng họ phải chờ thêm một người nữa - chị vợ của kĩ sư Xt’robele; cùng với chị ta hai vợ chồng Ixmani sẽ đi nốt đoạn đường cuối cùng.

    Xt’robele là ai? Qua những lời giải thích mù mờ của viên trung ùy. Ixmani kết luận rằng Xt’robele là một nhân vật khá quan trọng ở trên kia. Và chắc chắn rằng việc chị vợ anh ta đến cùng lúc với vợ chồng Ixmani không phải là ngẫu nhiên, sự thu xếp như vậy không nhằm mục đích tiết kiệm xăng dầu mà là để giảm thiểu đến mức tối đa việc qua lại ranh giới khu vực được canh giữ hết sức nghiêm ngặt này.

    Người ta dẫn vợ chồng Ixmani vào một phòng hẹp của doanh trại được dùng làm nhà ăn. Ở đây đã có mấy người mặc quân phục khác: thiếu úy Picco, thượng sĩ Ambrozini, thượng sĩ Int’roxxi.

    Đại úy Vext’ro vội vã đến chào tạm biệt, viện cớ có nhiệm vụ phải gấp rút trở về. Nhưng có thể thấy rõ là chẳng qua anh ta muốn nhanh chóng rời xa chỗ này càng sớm càng tốt.

    Cùng với sự ra đi của Vext’ro, sợi chỉ cuối cùng nối Ixmani với cuộc sống bình thường đã bị cắt đứt. Bắt đầu những phiêu lưu. Những câu chuyện anh nghe xung quanh chỉ càng tăng thêm nỗi bất an của anh.

    Ixmani bỗng nhiên hiểu ra rằng, cả trung úy T’roxdem, cả Picco, và tất cả những người khác hoàn toàn không có bất kì một khái niệm nào về những gì đang xảy ra ở trên cao nguyên kia. Cái đồn biên phòng nhỏ này, kết hợp với những đồn kiểm soát khác nằm rải rác quanh khu quân sự ba mươi sáu, chỉ có chức năng canh gác đơn thuần. Đây là trạm gác ngoài cùng có nhiệm vụ ngăn cản người ngoài đột nhập vào khu quân sự và giám sát vùng xung quanh. Sĩ quan và binh lính các đồn này không trực thuộc Trung Tâm, không được phép đi vào khu quân sự và không biết gì về nó cả.

    Họ canh giữ một bí mật. Nhưng bí mật gì? - chính họ cũng không biết. Một trạm nguyên tử chăng...?

    - Thưa giáo sư, vì Chúa, xin ngài đừng hỏi gì tôi cả, - trung úy T’roxdem nói. – Nếu như ngài chưa rõ... Tôi ở đây đã năm tháng và hiện cũng không biết gì hơn ngày đầu tiên tôi đến đây. Cái quỷ quái gì họ đang làm trên kia? Bí mật... bí mật... ở đây đâu đâu cũng rặt là bí mật... Đúng là một ám ảnh! Thật dễ hiểu là mỗi người chúng tôi nghĩ ra một cách giải thích khác nhau, đưa ra những lời đoán định hoang đường nhất... Tôi chỉ nói một điều: ngài thật gặp may. Sau mấy giờ nữa ngài sẽ đến đó và sẽ được biết tất cả. Ngài sẽ đúng khi nói rằng người ta không tin tưởng chúng tôi, rằng công việc của chúng tôi là canh gác và không được xía mũi vào những nơi không cần thiết. Đúng là như thế thật. Nhưng ngồi ở đây, chỉ cách hai bước chân, mà chẳng biết mô tê ma trơi gì hết, thì quá thật khó chịu - nó tác động lên thần kinh lắm. Ngài có thấy mỏm dá kia không? Chỉ cần lên đó - ngọn đèo không cao lắm, đâu chưa đến một trăm mét - từ đó có thể nhìn thấy... Nhưng điều đó bị cấm, còn chúng tôi là quân nhân, sự tò mò chúng tôi phải trả giá đắt... – T’roxdem cười một cách khó hiểu. - Nhưng dù sao... thêm vào đó... Tóm lại, tôi có bốn chục chàng lính. Không có dự bị. Hoàn toàn cách biệt. Không một mống đàn bà nào. Và lại còn cái bí mật quân sự kia nữa. Đủ các thứ câu đố. Ít ra cũng nói cho biết chúng tôi ở đây làm gì! Khổ sai, không hơn... Nhưng dù sao... dù sao... ngài biết không, không một ai muốn đi khỏi đây cả. Buồn chết người, ngày nào cũng như ngày nào, đã quên mất con gái trông ra sao rồi... Đấy, chị chẳng hạn, thưa chị, - anh ta quay sang phía Eliza Ixmani, - tôi chẳng biết so sánh chị với cái gì nữa... Chị như tiên trên trời giáng xuống... Nhưng dù sao chúng tôi cũng thích ở đây. Tinh thần sảng khoái, ăn uống ngon miệng... Chị có thể giải thích điều đó được không? Tôi, thưa chị, vốn là một người thật thà... nhưng thưa với chị rằng... Nếu như đây là trạm nguyên tử, thì quả là một trạm kì lạ!

    - Kì lạ?

    - Những gì diễn ra ở đây quá ư là kì lạ...

    - Thế diễn ra cái gì? Cái gì ? - Ixmani hồi hộp hỏi.

    - Sao thế, trung úy, - Eliza chen vào, chị thấy chồng có vẻ hoảng hốt, - chẳng lẽ anh không phải giữ bí mật quân sự à? Sao anh lại thản nhiên kể ra tất cả những điều đó? Ai đảm bảo với anh là chúng tôi, chẳng hạn cả hai chúng tôi, không phải là gián điệp?

    T’roxdem phá ra cười.

    - Không, thật may là chúng tôi chẳng liên quan gì cả. Bí mật bắt đầu từ phía sau doanh trại này, còn chúng tôi ở bên ngoài... Chúng tôi chỉ còn thiếu cái bí mật đó nữa thôi! Và một khi chúng tôi tuyệt đối chẳng biết một tí gì, thì ít ra chúng tôi cũng tha hồ nói về cái “chẳng biết một tí gì” đó chứ.

    Eliza Ixmani hiểu rằng không thể dừng anh ta được. Viên trung úy nói, nói mãi không ngừng, tự mình cũng không tin rằng sau năm tháng dài đằng đẵng cuối cùng anh ta được nói, nói hết. Câu chuyện của anh ta rối rắm và nói chung khá hoang đường.
     
  7. nhat1395

    nhat1395 Lớp 7

    VI

    Công việc xây dựng Trung Tâm, trung úy T’roxdem bắt đầu câu chuyện, được khởi sự khoảng mười năm trước đây. Tất cả những nẻo đường đến khu cao nguyên này bị phong tỏa và hàng trăm, có thể hàng ngàn công nhân, và chuyên gia được đưa đến đây, sống trong các khu lều trại. Bắt đầu đào đất, xây móng, và mọi người đều nghĩ là ở đây sẽ xây dựng đập thủy điện. Quả thực, một con đập với trạm thủy điện đã được xây xong, nhưng đồng thời cũng mọc lên những bức tường của một, thậm chí của nhiều công trình khác. Bắt đầu thi hành một sự bảo mật tuyệt đối, công nhân được tuyển từ các nhà máy và xí nghiệp quân sự, với thâm niên ít nhất năm năm. Các khu vực công trường được cách li hẳn với nhau, mỗi nơi một khu riêng biệt để không ai có thể biết về kế hoạch tổng thể.

    Sau tám năm xây dựng, hầu như toàn bộ công nhân bị chuyển đi hết, chỉ để lại không đầy vài chục người. Một điều dễ hiểu: nếu đây là một nhà máy - nhà máy nguyên tử chẳng hạn - thì nó được vận hành theo cơ chế tự động, nhân công chỉ cần rất ít. Nhưng liệu đó có phải là nhà máy không? Theo ý kiến của T’roxdem. Ở phía trên kia được lắp đặt một khối lượng cực lớn các máy móc điện tư. nhưng là máy móc gì và để làm gì - anh ta không biết.

    Sự yên tĩnh tiếp theo sau đó cho phép ước đoán rằng công trình đã xây dựng xong, hay ít ra công đoạn thiết kế quan trọng nhất đã được hoàn thành. Những nhà máy đã bắt đầu hoạt động chưa? Điều đó thật đáng ngờ: số lượng xe tải lên xuống hết sức thưa thớt, nó chứng tỏ rằng sản phẩm xuất xưởng là rất ít hoặc hoàn toàn không có. Nhưng cũng có thể nguyên liệu được khai thác tại chỗ và sản phẩm xếp kho ngay tại đó. Theo một dự đoán khác thì nhà máy không sản xuất ra sàn phẩm nào cả, mà có một chức năng hoàn toàn khác - một chức năng thật khó mà hình dung nổi.

    T’roxdem đã nhiều lần nói chuyện với các công nhân theo những nguyên nhân khác nhau đi lên trên đó hoặc từ trên đó xuống, nhưng từ những cuộc nói chuyện này ít khi rút ra được điều gì, thậm chí là hoàn toàn không rút ra được điều gì. Đám người này được huấn thị rất kĩ lưỡng và kín như bưng. Nhưng kể cả một số ít người không có thái độ nghiêm túc lắm đối với việc giữ bí mật, họ cũng hiểu biết mọi việc hết sức mơ hồ.

    Chi có một chi tiết quan trọng T’roxdem biết được, là: ngoại trừ cấp lãnh đạo và những chuyên gia kĩ thuật chủ chốt nhất, không một ai được tham dự vào công việc từ đầu đến cuối. Sau thời hạn nhiều nhất là hai năm, toàn bộ số nhân viên đều được thay đổi. Cho nên không một ai trong số họ có thể có một ý niệm tổng thể về tính chất công việc ởđấy.

    Nhưng thú vị nhất, mặc dù không giải thích được, theo ý kiến của trung úy Troxdem, là một sốtình huống và chi tiết liên quan trực tiếp đến đồn canh ở đường biên ngoài cùng của khu quân sự ba mươi sáu; chúng thú vị trước hết vì anh ta là nhân chứng sống. Anh ta kể lại như sau:

    Các sĩ quan và binh lính bị tuyệt đối cấm vượt qua đường ranh giới và thâm nhập vào khu quân sự ba mươi sáu ở phía bên kia hàng rào dây thép gai được chăng kín thậm chí cả ở trên sườn của những vách dá dốc đứng. Họ có trách nhiệm báo cáo ngay về chỉ huy sở Trung Tâm theo máy bộ đàm cá nhân hay điện thoại khi có bất kì một người hay vật đáng ngờ nào xuất hiện, cũng như khi có bất kì một sự việc lớn nhỏ nào xây ra. Thòi gian gần đây những yêu cầu tăng cường canh giác từ trên đưa xuống đã thực sự trở nên ác mộng, dường như ở trên đó giờ phút nào cũng chờ có kẻ địch từ ngoài xâm nhập vào.

    Nhưng có một điều thật lạ lùng. Cứ mỗi lần đội tuần tra hay trực gác phát hiện ra một ai đó - hầu hết là những người coi rừng hay dân săn bắn - và báo về bằng điện đài hay ba tiếng tù và làm tín hiệu, thì bao giờ họ cũng bị chậm hơn, dù chỉ là mấy giây, một thông báo đúng như vậy từ sở chỉ huy chuyển xuống. Chẳng hạn từ Trung Tâm gửi lệnh xuống:“Tăng cường quan sát khu vực bên phải, tọa độ 78 (toàn bộ địa bàn khu vực được chia ra thành các ô đánh số thứ tự) ở thung lũng Rio-Xprea”. Và đó chính là nơi mấy người lính vừa phát hiện ra một kẻ lạ mặt.

    Trong một số trường hợp thông báo từ trên đưa xuống còn chính xác hơn: “Có hai người lạ mặt đang đi dưới chân mỏm đá ở tọa độ X. Chú ý theo dõi”. Đôi khi lính gác còn chưa thấy gì cả.

    T’roxdem tự hỏi: như thế là thế nào? Chẳng lẽ có ai đó vô hình đang kiểm soát họ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và nhắc nhở các đồn gác phải thường xuyên bảo đảm sự chuẩn xác và cảnh giác? Nhưng là ai? Và từ đâu? Bởi vì mọi người trong đồn không bao giờ thấy một ai khác ở trong khu vực, và trên sườn các núi đá dựng quanh đó cũng không thấy bóng dáng của các đội tuần tra nào khác. Có thể nghĩ rằng trên Trung Tâm có phù thủy chăng?

    - Nhưng tự mắt anh, trung úy, - Ixmani vẫn chưa thôi, - anh có thấy các công trình ở trên kia không?

    - Không lần nào, tôi đã nói là người của đồn gác chúng tôi không được phép đến gần đó. Chúng tôi chỉ thấy núi và rừng. May ra từ thung lũng Thiên Thần, cách đấy chừng cây số, là có thể nhìn thấy một cái gì đó.

    - Cụ thể là cái gì?

    - Ai biết được... Một phần tường. Không có cửa lớn,cửa sổ. Phía trong tường là một dàn ăng ten cao, giống như tháp thu phát sóng. Phía trên là một khối tròn nào đó.

    - Khối tròn?

    - Vâng. Có người nói là thấy nó chuyển động.

    - Chuyển động như thế nào?

    - Quay quanh trục của nó.

    - Để làm gì?

    - Ngài hỏi tôi ấy à? Đó là một câu đố. Ở đây tất cả xung quanh đều là những câu đố đáng nguyền rủa. Và chẳng hiểu để làm cái gì.

    - Thế anh không nghĩ ở đó là một trung tâm nguyên tử à?

    - Tôi đã nói rồi. Trong chừng mực một thằng dốt nát như tôi có thể luận được... Nếu như đây là một trung tâm nguyên tử, thì phải có nhiều xe tải đủ loại đi qua chỗ chúng tôi. Và sau đó...

    - Thế việc vận chuyển, - Ixmani hỏi, - chỉ đi qua một đường này thôi à?

    - Để chở hàng còn có đường cáp treo, nhưng chúng tôi có thể nhìn thấy các toa có chở hàng hay không, - thiếu úy Picco chợt lên tiếng, từ nãy giờ anh ngồi một mình ở bàn bên cạnh lắng nghe câu chuyện của họ. - Tốt nhất là anh kể về cái giọng nói...

    T’roxdem nhún vai.

    - Đừng nghe, thưa giáo sư. Và tôi cũng không tin. Theo tôi đó là chuyện cổ tích. Nhiều người trong số lính chúng tôi khẳng định rằng có nghe thấy một giọng nói nào đó. Và hình như giọng nói đó không giống giọng đàn ông.

    - Nó ở trên kia?

    - Vâng.

    - Thế nó nói gì?

    - Không ai hiểu gì cả. Nhiều người cho rằng đó là tiếng nước ngoài nên không hiểu. Một số khác thì cho là tại khoảng cách quá xa. Riêng cá nhân tôi thì chưa nghe thấy bao giờ.

    Ixmani quay sang phía thiếu úy Picco:

    - Thế còn anh?

    - Tôi... Tôi cảm thấy như nghe được mấy lần... Nhưng thật sự tôi không dám chắc.

    - Các ngài thấy chưa? - T’roxdem kết luận. - Hễ cứ bắt đầu tìm hiểu nghiêm túc là y như biến mất tăm. Ai ai cũng đồn đại, thề thốt rằng đấy là sự thật trăm phần trăm nhưng không ai dám nói: ấy, chính tôi đã được nghe vào ngày này, giờ này. Tưởng tượng, đơn thuần là tưởng tượng, - và cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên: xung quanh bất kì một bí mật nào cũng có đủ các thứ tin đồn thổi vô lối, hệt như trong chiến tranh.

    - Thế sao anh không kể về chuyện những con chó? - Picco nói ngang. - Chính anh đã nhìn thấy mà.

    - Về những con chó? - Ixmani tò mò hỏi lại.

    - Vâng. Một trong vô số những hiện tượng không thể giải thích - T’roxdem đáp.

    - Về những con chó các anh nuôi ở đây?

    - Đã nuôi trước đây. Hệt như hai con sói. Nhưng không dùng được cho tác chiến. Vừa mới đưa đến đây chúng đã tỏ ra bị kích động một cách khó hiểu.

    - Sủa?

    - Không, điều lạ lùng nhất là chúng lại không sủa. Chúng tru. Và chạy xô lên trên kìa.

    - Trên kia nào?

    - Ai mà biết được. Lên các mỏm đá, trên kìa... Tóm lại, phải trả chúng về.

    - Chỉ có lần đó hay những con chó khác cũng thế?

    - Với tất cả bọn chúng đều xảy ra một chuyện gì đó. Thậm chí với con cáo mà có lần Int’rosi mang lên đây, nó cũng hướng về phía những mỏm đá mà rú như phát cuồng lên.

    Vừa lúc đó nghe có tiếng động cơ ô tô. Có vẻ như chiếc xe đang leo lên quãng dốc cuốicùng, Mọi người nhìn ra cửa sổ. Chiếc xe hơi chở phu nhân Xt’robele đang tiến đến gần doanh trại.
     
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này