Giới thiệu sách Chiến tranh và chiến tranh

Thảo luận trong 'Giới thiệu sách hay chưa có trên TVE-4U' bắt đầu bởi nhat1395, 1/7/19.

Moderators: CreativeIdiot
  1. nhat1395

    nhat1395 Lớp 7

    [​IMG]

    "Thiên đường thì buồn"

    Krasznahorkai László đã bắt đầu cuốn sách của mình bằng một câu khẳng định như vậy. Và sau đó là hằng hà sa số những câu văn dài. Người đọc ngụp lặn trong chúng, tưởng như hết hơi vì đọc chúng, không, đúng hơn là cái không khí chúng tạo ra khiên độc giả cảm thấy ngạt thở. Và điều kì lạ hơn, câu chuyện được kể bởi một gã điên. Vâng, bạn không nhầm đâu, hắn điên thật.

    Rốt cuộc, chiến tranh trong cuốn sách này là gì. Không một tiếng súng nổ, không một tiếng đại bác, không một vị tướng xuất thần, càng không có chuyện bày mưu chước kế để giành thắng lợi. Đây đơn thuần là một cuộc chạy trốn liên tục của 4 nhân vật trong một cảo bản mà gã điên Korin kia đọc được. Nhưng nếu vậy, cuốn sách này lẽ ra phải là "Chạy trốn và chạy trốn" mới đúng chứ. Không, nó vẫn là chiến tranh, ẩn khuất sau hàng tá những mê lộ quanh co rối rắm, những cuộc dịch chuyển bất ngờ điểm này qua điểm kia, cả trên trục không gian và thời gian. Họ đã chạy trốn thiên đường, chính trị, tôn giáo và cả số phận. Cuộc chạy trốn ấy bắt đầu từ chiến tranh, và chỉ dừng lại trước một cuộc chiến khác.

    Trở lại với Korin, một nhân viên lưu trữ quèn ở một tỉnh lẻ heo hút thuộc Hunggary, kiên quyết thực hiện một chuyến đi vĩ đại của cuộc đời để đến trung tâm của thế giới, nơi mà hắn nghĩ là hắn thuộc về nó. New York. Hắn đến thành phố xa hoa bậc nhất này không phải để bắt đầu cuộc sống mới. Hắn đến để kết thúc cuộc sống cũ. Sự vĩnh cửu chỉ đi cùng với sự vĩnh cửu. Hắn đã thực hiện cuộc hành trình vĩ đại đó, để tìm lối thoát cho chính mình và cho cả 4 nhân vật trong cảo bản lạ lùng nọ. Gã không có quá khứ, cuộc đời gã đã phân tách thành hai phần hết sức lạ lùng. Trước và sau khi đọc cảo bản kia.

    Thỉnh thoảng, trong cái hành trình vĩ đại của gã, độc giả hẳn sẽ tự nhủ sao hắn lắm lời đến vậy. Gặp ai cũng kể về cảo bản nọ, về cuộc hành trình của gã, về sự bất an với thế giới đầy hỗn độn này. Nhưng cũng kì lạ thay, độc giả của hắn, một nhóm 7 đứa con nít lưu manh, một cô tiếp viên hàng không, một tên phiên dịch cùng tình nhân của hắn lại lắng nghe hết sức chăm chú. Kể cả là độc giả, người đang cầm trên tay cuốn sách này, dẫu đang hết hơi vì những câu văn dài vẫn chăm chú lắng nghe đến lạ kì.
    Cuốn sách này còn là một sự sụp đổ. Thế giới sụp đổ. Cái thế giới mà Korin bất tuân vào lịch sử, nơi "lịch sử là bằng chứng không chỉ cay đắng nhất, mà đúng hơn là nực cười nhất của sự không thể tiếp cận sự thật", nơi định mệnh ẩn giấu trong các khái niệm, nơi chiến tranh không chỉ là tiếng súng, tiếng đại bác và những người chỉ huy kiệt xuất. Đó còn là sự sụp đổ về niềm tin. Niềm tin của bốn con người bị luân chuyển từ thời này qua thời khác, nơi này qua nơi kia, giữa những lằn ranh của chính trị và tôn giáo. Họ còn lại gì sau những cuộc chiến kia. Tất cả chỉ là những mảnh vỡ rời rạc, để khi Korin chắp vá chúng, một bức tranh không vẹn toàn, đớn đau đến lạ thường xuất hiện.

    "Cuộc sống của con người là linh hồn của chiến tranh". Krasznahorkai đã viết hiện thực hóa những linh hồn ấy bằng ngòi bút cực kì điêu luyện của mình. Chúng trở nên sống động hơn nhưng cũng đau thương hơn, rõ ràng hơn nhưng cũng hết sức mờ ảo. Ở cuốn sách này, Krasznahorkai đã để cho những nhân vật của mình, linh hồn của chiến tranh, tự tìm lối ra trong cái mê lộ chằng chịt kia. Một lối ra kì ảo giữa những cuộc chiến.

    Tại sao "Thiên đường thì buồn" chứ không phải là chiến tranh? Đó là bởi, giữa những cuộc chiến, họ tìm thấy lối thoát cho chính bản thân, cho số phận trôi nổi từ cuộc chiến này đến cuộc chiến khác. Thiên đường không làm được điều đó. Và sẽ mãi mãi buồn.
     
    Bilbone, Haugaks and mckplez like this.
Moderators: CreativeIdiot

Chia sẻ trang này