Tuỳ bút - Biên khảo G Chơi chữ - Lãng Nhân <The Happiness Project #20-NF>

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi teacher.anh, 15/6/16.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    3. Tứ tuyệt

    Một ông tiến sĩ ngồi chức đốc-học tỉnh kia có lẽ vì văn Hán không được trội, đâm ra thích văn nôm, mà nôm quan cũng lại chẳng hơn gì. Đan-cử bài thơ lẩm-cẩm mà sau này quan cho khắc vào sườn núi Dục-Thúy khi quan giữ chức tuần-vũ trong tỉnh:
    Vui Chơi Non Nước

    Trăng gió vui cùng hắn
    Lầm than, bận kệ ai.
    Vui chơi non với nước
    Có phúc được ngồi dai…

    Lời thơ này khắc vào bia đá rồi có khi mòn chứ truyền trên bia miệng thì ngàn năm sau còn rõ ruột gan một người ngồi đầu cả một tỉnh: lầm than bận kệ ai!

    o0o

    Thơ Bùi-Ưu-Thiên thường hàm một triết-lý cao-thượng.
    Đời Người

    Người hết danh không hết
    Đời còn việc vẫn còn.
    Tội gì lo tính quẩn
    Lập những cuộc con con!

    Người ta hay nhắc đến bài ngũ tuyệt sau đây của Ôn-như-Hầu, giọng chua xót trong bình dị:
    Lỏm chỏm vài hàng tỏi
    Lơ-thơ mấy khóm gừng.
    Vẻ chi tèo teo cảnh
    Thế mà cũng tang-thương!


    o0o

    Một buổi tên lính Tây coi bọn người làm xâu đập đá ở Côn-đảo, hỏi Huỳnh-thúc-Kháng: “Mày là cái gì?” Huỳnh đáp: Bẩm, tiến-sĩ. Tên lính tưởng ông nói câu gì vô-lễ, vụt ông một roi. Ông cảm-tác:
    Tiến-Sĩ Bị Đòn

    Tiến-sĩ là cái gì
    Ăn nói sao vô-lễ.
    Cho mày một ngọn roi
    Mày biết tay tao nhé.


    [...]
     
    tducchau thích bài này.
  2. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    VII
    Thơ thất ngôn

    A - Cổ thể

    Thể này ít có người làm, chúng tôi lục sau đây một bài tả cảnh Hà-nội của ông bảng Nông-sơn, trong đó 36 phố-phường được hiện ra như một bức tranh thật linh-động:
    Hà Nội Hành (độc vận)

    Nàng Nhị từ xưa mở đất cõi,
    Nghìn năm vượng khí nơi đô-hội;
    Nếp đất phồn-hoa trải mấy triều,
    Phố xá rộng rãi ở chật-chội;
    Nhà ngói bát úp, đường bàn cờ,
    Đèn điện sao sa nước máy dội.
    Người đủ hạng người, trò đủ trò,
    Phong-lưu thanh-lịch cũng có lối;
    Trừ ra trai mấy cậu phu-xe,
    Là không bộ cánh, áo rách-rưới;
    Trừ ra gái mấy chị hàng than,
    Là không son phấn, mặt đen-đủi;
    Dù đâu mất mùa kém bao nhiêu,
    Ở đất ăn chơi chẳng biết đói;
    Dù người như đất, hiền bao nhiêu,
    Ở lâu tập nhiễm rồi cũng sỏi;
    Người khôn của khó lúc đua chen,
    Đủ ngón mau chân âu mới giỏi,
    Xem trong băm-sáu phố-phường này
    Kẻ đi người lại ai cũng vội;
    Các quan các tỉnh thường về chơi
    Xin bồ xin thăng hoặc xin đổi;
    Công tư to nhỏ biết bao trường,
    Thầy thầy trò trò nhộn hai buổi;
    Kẻ đi làm việc kẻ làm công,
    Mỗi người một nghề chẳng ai rỗi;
    Trước ga xe lửa, trên bến tàu,
    Hàng hóa lên xuống, phu bối-rối;
    Đồng-xuân chợ họp đông cả ngày,
    Hàng-giày khách chơi vui về tối;
    Cà-phê, chả-cá, hiệu cao-lầu,
    Chớp-ảnh, tuồng Tàu, rạp hát-bội;
    Lên cao trông xuống bọn người đi,
    Thật là chen-chúc trong đám bụi.
    Nếu không danh-lợi dắt nhau vào,
    Ai chịu đua chen: sống mấy nỗi!
    Suy ra cho rộng cõi doanh-hoàn,
    Đại-để cũng như thành Hà-nội…

    Thành Hà-nội quả cũng như cõi doanh-hoàn thu nhỏ: lũ người như kiến cỏ đua chen nhau trong đám bụi, chỉ vì miếng cơm manh áo…

    o0o
    [...]
     
    tducchau thích bài này.
  3. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    B - Thơ tám câu
    1. Thơ luật
    Cùng với bài “Hà-nội-Hành” trên này, ông bảng Nông-sơn còn mấy bài thơ luật về Hà-nội chan-chứa một mối u-hoài đau xót.
    Long-Thành
    Còn khỏe còn ham thú nước non,
    Mắt không sao chán gót không chồn.
    Tượng đền Trấn-vũ đồng khôn nát,
    Bia các Khuê-văn đá chửa mòn.
    Vắng mặt hồ Tây trong suốt đáy,
    Bận lòng sông Nhị đục như son.
    Một mình thơ-thẩn rong chiều mát,
    Bóng ác chênh-chênh cuốc gọi hồn.
    Hồ Tây trong suốt đáy, trông chẳng thấy hình bóng Trưng-vương.
    Bận lòng sông Nhị đục như son, thời-cục đã bao phen khiến cho sóng nước đỏ màu phù-sa lại cuồn-cuộn như tấm lòng quặn đau của du-tử.
    La-Thành Phỏng Cổ
    Di-tích Đường xưa mảnh đá chìm,
    Thành La xuyên-tạc biết đâu tìm!
    Gốc cây đục rỗng tia hang chuột,
    Khóm cỏ tha tàn rác tổ chim.
    Trải mấy nghìn năm trong cuộc biến.
    Đứt ra từng đoạn giữa đồng chiêm.
    Sự đời nào chắc gì là vững,
    Nước mắt ai thừa khóc cổ-kim.
    Cao-Biền xây thành Đại-la dựng bia để yểm long-mạch nước ta. Bia đá nay đã chìm vào lòng đất, thành cũng đứt ra từng đoạn, đủ thấy mưu sâu thành vững của chú Tàu đời Đường hòng diệt dân ta, đã bị dân ta giày xéo cho mất tích, dù sự giày xéo ấy phải mất công trong cả ngàn năm.

    o0o

    Duy-Tân bị đày, Khải-Định lên kế-vị. Dân đói, quan tham, bọn xu-nịnh đua nhau làm tay sai cho Pháp. Một nhà nho đã mượn cảnh vườn Bách-thú Hà-nội để tả tình-trạng ấy:
    Vườn Bách Thú
    Dưới rặng cây xanh, một rặng chuồng,
    Mỗi chuồng nuôi một giống chim muông:
    Khù-khì vua cọp no nằm ngủ
    Nhao-nhác dân hươu đói chạy cuồng.
    Lũ khỉ nhe răng bày lắm chuyện,
    Đàn chim chẩu mỏ hót ra tuồng.
    Lại thêm cầy-cáo dăm ba chú
    Hục-hặc tranh nhau một nắm xương!
    Thơ tả-chân thật đã như vẽ cảnh vườn Bách-thú, nó là một bức tranh xã-hội đương thời thu nhỏ lại, càng nhỏ lại càng rõ nét.

    o0o

    Kinh-đô Thăng-Long được đế-vịnh đã nhiều, có bài sau đây tả Pháp lúc mới sang, giọng châm-biếm khá nặng-nề:
    Bốn bên hàng phố tiếng xôn-xao,
    Giở dậy mà xem những thế nào?
    Lục-sở trò bày trong rạp rối,
    Tam-tài cờ cắm ngọn thành cao.
    Giày tàu bít gót, ngô đi bãi,
    Váy lĩnh phơi trôn, đi rửa hào,
    Nhuôm, vện, khoang, vằn, vô số chó,
    Ra tuồng đắc-ý chạy nhông-nhao!
    Giày tàu bít gót (khác với giày ta hở gót) ngô đi bãi (bãi cỏ, nơi bài tiết những chất dơ) váy lĩnh phơi trôn đi rửa hào (hào là một loại sò, hến, trai: vợ chỉ hơn trời có cái trai!) đời nào cũng thế cả, có khác chăng là xưa thì phô ra, nay lại giấu vào phòng kín, còn ngô với đĩ, thực chất nào có gì thay đổi đâu!

    o0o

    Một buổi qua chơi Hà-nội, Từ-Diễn-Đồng có bài thơ cảm khái:
    Vịnh Thăng Long
    Đất này thủa trước đóng đô đây
    Hơn bốn ngàn năm mới tới nay
    Năm cửa chỉ còn lầu cửa Bắc
    Cột cờ sao có lá cờ Tây?
    Miếu Khuê nhà Lý xây còn đó
    Hồ Kiếm vua Lê vất chỗ này
    Hào kiệt anh hùng đâu mất cả
    Xe rồng chẳng thấy, thấy xe tay!
    Cờ Tây tại sao cắm trên kỳ-đài, chỉ nhìn cái lỗ đạn đại-bác khoét vào tường thành cửa Bắc là hiểu rồi: tất nhiên xe rồng vua ngự không còn nữa, chỉ còn thấy xe tay là thứ xích-lô có càng vươn ra phía trước để phu nắm tay mà kéo do Pháp hồi ấy đã chế theo kiểu Nhật-bản và Hương-cảng.

    o0o

    Từ-Diễn-Đồng hiệu Long-Tải (1870-1916) quán làng Hà-hồi, phủ Thường-tín, tỉnh Hà-đông (Bắc-Việt), là người trọng tiết tháo, nên đỗ tú tài rồi, gặp lúc quốc-bộ gian-nan, ở nhà dạy học và bốc thuốc để độ-nhật, chứ không lăn lưng vào vòng danh-lợi, mặc dầu cảnh nhà rất gieo-neo.
    Ông đã mô-tả cảnh ấy bằng một bài thơ thống-thiết:
    Than nghèo
    Cái khó theo nhau mãi thế thôi!
    Có ai hay chỉ một mình tôi!
    Bạc đâu ra miệng mà mong được,
    Tiền chửa vào tay đã hết rồi!
    Van nợ lắm khi tràn nước mắt,
    Chạy ăn từng bữa lụt mồ-hôi.
    Biết rầy, thủa trước đi làm quách,
    Chẳng ký, không thông, cũng cậu bồi!
    Coi vậy, tuy thống-thiết, nhưng vẫn không phải không trào-lộng mỉa-mai. (Bài này thường bị chép là của Tú Xương. Nhưng Tú Xương đã có bà Tú nuôi đủ 5 con với 1 chồng, đâu còn phải chạy ăn từng bữa!)
    Ông gặp buổi “mưa Âu gió Á” tự coi mình như kẻ lạc-đường, không biết tìm ai mà hỏi xem lúc nhà tan nước mất nên kiếm ngả nào tiến bước cho phải thời.
    Lạc đường
    Mặt trời đã gác, quãng đường xa,
    Lững-thững non sông chửa đến nhà.
    Muốn bước, sa chân toàn đất khách,
    Hỏi thăm, lạ mặt những người ta.
    Bóng cây nghiêng-ngửa coi rầu-rĩ,
    Tiếng dế vo-ve giọng thiết-tha.
    Ngoảnh lại thử xem trời đất tí
    Tối lâu, lâu cũng sáng dần ra…
    Quốc-gia ở thời Pháp-thuộc, có thể ví như nằm trong đêm tối, đằng-đẵng thâu canh, thanh-niên luôn-luôn muốn trỗi dậy, người lớn tuổi cần-thủ hơn không dám bạo-hành, nhưng vẫn để tâm rình trộm, tiếc rằng đèn khêu còn nhỏ, mà chó săn thì lại cắn to…
    Tối Mò
    Đêm sao đêm mãi, tối mò-mò…
    Đêm đến bao giờ mới sáng cho?
    Lũ trẻ u-ơ chừng muốn dậy,
    Ông già húng-hắng vẫn đâm ho.
    Ngọn đèn rình trộm khêu còn tí,
    Tiếng chó nghi người cắn lại to…
    Hàng xóm bốn bên ai tỉnh chửa?
    Tỉnh rồi, lên tiếng gọi nhà nho!
    Cảnh đêm tối mà Từ-Diễn-Đồng tả trên đây toàn những nhận xét thiển-cận, nhưng ẩn-ý thật xa-xôi chua-xót.

    o0o
    [...]
     
    tducchau thích bài này.
  4. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    Nguyễn-Khuyến, nhân một ngày hội tây (14 tháng 7 dl) cũng đã cảm-khái:
    Hội Tây

    Kìa hội thăng-bình tiếng pháo reo,
    Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo
    Bà quan tênh-hếch xem bơi chải,
    Thằng bé lom-khom nghé hát chèo.
    Cậy sức, cây đu nhiều chị rún
    Tham tiền, cột mỡ lắm anh leo.
    Khen ai khéo vẽ trò vui thế
    Vui thế bao nhiêu, nhục bấy nhiêu!

    Nhục vì đình đám người mẹ con ta, [44] nhục vì đình-đám người lại diễn ra trên đất nước nhà.

    o0o

    Khoảng năm 1944, ở Huế, ông Võ Mạnh là một nhân-viên ban văn-hóa Nhật, có tham-dự vào một vụ âm mưu lật chính-quyền. Chẳng may việc vỡ lở, ông sợ liên-lụy cho các chỗ tương-thức, bỏ trốn vào Nam. Trước khi lên đường, ông gửi lại bạn bè bài thơ lời lẽ thống-thiết, tưởng cũng nên chép lại:

    Ra đi không hẹn được ngày về,
    Cái gánh sinh-linh, gáng nặng-nề.
    Cứu quốc vả chăng là phận-sự,
    Thức thời hay chẳng, mặc khen chê
    Đã nguyền sống thác cùng sông núi
    Há để đau thương đến bạn-bè
    Hãy hãy bền lòng theo nguyện-ước
    Dầu không mốt nọ cũng mai tê!

    Không mốt nọ cũng mai tê, chứ chẳng lẽ chịu mãi cảnh gông cùm xiềng xích!

    o0o

    Nhà cách-mạng Lê-lăng-Vân, biệt-hiệu Hải-Nông, ở chán nơi trung-châu rồi lần mò lên mạn ngược, mắc bệnh ngã nước (nóng lạnh cách nhựt). Trong lúc nằm rên trên giường bệnh, ông cảm-tác nên một bài:
    Ngã Nước

    Công phạt xưa kia sớm biết ra,
    Kềnh-càng chi đến nói lâu mà!
    Nghiêng lưng xã tắc e đau-đớn,
    Ngứa mắt tang-thương luống xuýt-xoa.
    Vốn những căm gan câu phá nước
    Lại thêm tim tiết nỗi cay da.
    Quân thần tả sứ điều-đình mãi.
    Giải độc phen này để nữa ta…

    Quân thần tả sứ: đơn thuốc Đông-y bao giờ cũng kê vị nhiều vị ít, vị nhiều là vua (quân), vị ít là tôi (thần), những vị phụ là tá, là sứ để dẫn thuốc. Đây ám chỉ vua tôi trong nước.

    o0o

    Dưới thời Pháp-thuộc, nhà nho không từ một dịp nào để giãi-tỏ lòng uất-hận của mình về thời-cục, nhưng vì sách báo in ra phải qua một lần kiểm-duyệt rất chặt-chẽ, nên thi-văn thường dùng lời bóng-bẩy để ngụ ý, chứ không nói được thẳng.
    Nói thẳng chỉ có một vài người bộc trực như ông này đã gọi Khổng-tử lên mà trách:
    Bố Khổng Ôi!
    Bố Khổng đâu rồi, bố biết chăng?
    Bây giờ thế sự đến lăng nhăng.
    Giở trời tôm tép lên ngôi cụ,
    Trái sóng kình nghê xuống cấp thằng.
    Một lũ gian tham no phềnh bụng,
    Mấy trang quân tử đói nhe răng,
    Thánh kinh lủi thủi về Đông hộ,
    Bố Khổng đâu rồi, bố biết chăng?
    Hay như Trương-linh-tử đã nhái bài thơ Dại Khôn của Tú Xương:
    Người Ngợm
    Thế giới ngày nay lắm ngợm người,
    Biết ai là ngợm, biết ai người?
    Người không quần áo, người ra ngợm,
    Ngợm lắm tiền tiêu, ngợm hóa người.
    Nếu muốn thành người thì phải ngợm,
    Đời này có ngợm mới nên người
    Hỏi ai là kẻ phân người ngợm
    Để thế gian trông rõ ngợm, người.
    Còn những người ưa ví von xa xôi thì lại dùng lối ngụ-ngôn, như bài:
    Con Cái-ghẻ
    Khốn-nạn, mày ơi, tớ lạy mày!
    Sao mày lẩn-quất mãi chi đây?
    Trước còn ăn ruỗng lần da mỏng,
    Sau lại dùi vô thớ thịt dày.
    Sâu trắng đục ngầm không kẻ biết,
    Nước vàng chảy mãi, có ai hay!
    Mấy phen thuốc đắng mà chưa khỏi,
    Sớm liệu thì đâu đến nỗi này…
    Bài này từ đầu đến cuối không ra ngoài cái đề con cái ghẻ, vậy mà khi đem kiểm duyệt lại bị gạt. Ấy chỉ vì bốn chữ “sâu trắng, nước vàng”, các cụ trong ấy cho là đáng nghi…
    Lại như bài:
    Con Ruồi
    Trời sinh cắc cớ giống con ruồi
    Có cánh sao mà chẳng có đuôi.
    Mắt lớn chuyên nhòm đồ nhớp nhúa,
    Vòi dài chỉ hút vật tanh hôi.
    Gặp may lắm lúc đeo khu ngựa,
    Thừa thế nhiều khi đậu trốt voi.
    Cúng cấp cỗ bàn đều ních trước,
    Gươm vàng cũng xếp đứng mà coi.
    Và như bài:
    Cọp
    Kìa xem chú cọp vẻ vang thay!
    Sảnh rộng, thềm cao ngự bấy nay.
    Một kiếp tàn hung hùm xám đó,
    Muôn dân ghê rợn ác ôn này!
    Chầu hầu bao kẻ không gần mặt,
    Thăm viếng nào ai dám bắt tay.
    Mưa gió lầm than đâu đấy mặc!
    Phòng riêng mộng ấm tháng năm chầy.

    o0o

    Cùng khẩu-khí này, còn bài sau đây của Lê-văn-Luyện do ông Minh-Đạo thuật. Ông Lê ở làng Nam-trực, phủ Nam-trực, tỉnh Nam-định, nên lấy bút-hiệu Song-Nam. Bình-sinh không ưa bôn-tẩu, đỗ cử-nhân rồi cũng chỉ ở nhà làm ruộng. Bài thơ dùng những phương-ngôn nói về chó: dại như chó, chó nhảy bàn độc, ăn bẩn như chó, chó cắn áo rách…
    Con Chó
    Ai dại như mày, hỡi chó ơi,
    Lăm-le bàn-độc nhảy lên ngồi!
    Thức đêm, dẫu có công vì chủ,
    Nếm bẩn, cho nên tiếng để đời…
    Thấy kẻ ăn mày còn nghiến lợi
    Theo người áo rách sủa vang trời.
    Này này bà đã mua riềng sẵn
    Chỉ đợi cho mày béo đầy thôi!
    Thức đêm dẫu có công vì chủ, nếm bẩn cho nên tiếng để đời, loài chó ở trong thời bị-trị, có những hành vi đáng bỉ, nhưng đến khi dân-khí nổi lên, thì chỉ đợi cho mày béo đầy thôi, vì dân dẫu chịu lép trong lúc còn yếu thế, nhưng đã phòng sẵn riềng với mẻ rồi…

    o0o

    Đến ngày rối ren Pháp Nhật Tàu, con chó lại được mô tả cách khác:
    Chó
    Lũ mày chẳng phải giống nhà đâu,
    Mẹ Nhật, cha Tây, hoặc bố Tàu.
    Nịnh kẻ giàu sang đuôi vắt vắt,
    Dọa người khôn khó miệng gâu gâu.
    Bơ thừa sữa cặn mà xơi thích,
    Anh ruột em nhà có nề đâu.
    Liệu xác: ngày mai người thắng vật,
    Rượu, riềng mi sẽ hưởng công đầu.

    o0o

    [...]

    [44] Nguyên văn là người mẹ con ta, người làm ebook nghĩ là người mẹ ta con, với ý Tây là mẫu quốc.
     
    tducchau thích bài này.
  5. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    Một viên quan nọ nhờ xu-phụ người Pháp mà leo nhanh bước thang sĩ-hoạn, trước có cưới một chị hầu non, được ít lâu chị này không chịu nổi cảnh ăn cơm nguội nằm nhà ngoài, bỏ đi lấy người khác. Quan lớn nhắn lời trách-móc sự bội bạc. Cô hầu cũ gửi lại một bài thơ:

    Chỉ trách ai, sao chẳng trách mình?
    Mình trung đâu đó, bắt người trinh!
    Áo dày cơm nặng bao nhiêu nợ
    Chiếu cạnh màn bên, mấy hột tình…
    Tơ tóc nỗi riêng thì xét nét
    Giang-sơn nghĩa cả nỡ mần-thinh
    Cổ cong mặt lệnh người đâu thế!
    Cái cóc bôi-vôi khéo dại hình…

    Tiếng Bắc mấy hột có nghĩa là chẳng được bao nhiêu, như nói mưa được mấy hột; lãi-lờ được mấy hột!
    Chiếu cạnh màn bên mấy hột tình, chữ mấy hột vừa nghĩa bóng và nghĩa đen, rõ cái cảnh đãi nàng hầu về sáng! Chả trách cô nàng chán. Đã chán thì trông thấy ngay những là mặt lệnh cổ cong, chứ lúc đầu cái mặt lệnh cổ cong ấy trong mắt cô khỏi thế nào đã chả có ít nhiều duyên-dáng!

    o0o

    Thời Pháp thuộc, bác-sĩ Phan-văn-Hy làm việc ở bệnh-viện Huế, thấy rằng quyền-hành ở trong tay Pháp cả, mình chỉ làm tôi mọi thôi, nên tự ví mình như cái đầu tàu hỏa hay anh phu xe kéo, lời thơ kín-đáo trong đau-xót:
    Đầu Toa Xe Lửa

    To đầu mà chạy thật là mau!
    Chỗ gọi rằng xe chỗ gọi tàu.
    Đi khắp tỉnh này qua tỉnh nọ,
    Nối liền toa trước với toa sau.
    Nước sôi than nóng không nài khổ.
    Lối vạy đường cong đã thuộc làu.
    Lui tới đều quyền tài xế cả,
    Bảo gì làm nấy biết gì đâu!

    Phu Xe
    Công việc phu xe chẳng khó gì,
    Người đi không nổi kéo người đi.
    Giả làm tôi mọi cho qua buổi,
    Đánh đổ quan quyền cũng có khi.
    Phố xá đua-chen cùng võng giá,
    Phong trần lem-luốc cả tu mi.
    Người ngồi người kéo đều người cả,
    Có khác nhau chăng một chữ “thì”!

    Làm vua như Tự-Đức, chỉ mải mê về thơ văn mà không lo đối-phó với ngoại-xâm, thật đáng trách:
    Non-sông lệ-thuộc đến bao giờ?
    Chính-trị nhà vua quá ngẩn-ngơ
    Nước mất không lo, lo chuộc đất
    Binh hèn chẳng tập, tập làm thơ.
    Ghét quân da trắng toan xua-đuổi
    Tin tướng Cờ đen những đợi-chờ
    Của hết, dân tàn, trăm họ khổ
    Mình rồng thuở ấy tỉnh hay mơ?


    o0o

    Ông nghè Ngô đức-Kế (1878-1929) hiệu Tập-Xuyên, quê làng Trảo-nha, Hà-tĩnh, vốn là con nhà kế thế nho khoa, bị đày Côn-đảo 10 năm vì làm cách-mạng, tới năm 1921 mới được thả thì năm 1923, gặp ngay lúc Khải-Định làm lễ “tứ-tuần đại-khánh”. Ông cay-cú làm hai bài đả-kích:
    Hỏi Gia-Long

    Ai về địa phủ hỏi Gia-Long
    Khải-Định thằng này phải cháu ông?
    Một lễ tứ-tuần vui lũ trẻ,

    Trăm thêm ba chục [45] khổ nhà nông.
    Mới rồi ngoài Bắc tai liền đến [46]
    Năm ngoái qua Tây ỉa vãi cùng! [47]

    Bảo-hộ trau dồi nên tượng gỗ:
    Vua thời còn đó, nước thời không!
    Nước thời không có, có vua chi?
    Có cũng như không, chả ích gì!

    Người vét đinh điền còn bạch địa [48]
    Ta khoe dụ chỉ tự đan trì! [49]
    Cấp tiền nguyệt bổng vinh nào có [50]

    Ăn của quan trường, tệ lắm ri!
    Thọ lắm lại càng thêm nhục lắm,
    Nhỏ cu-li, lớn cũng cu-li!


    o0o

    Khi Bảo-Đại từ-giã đất Thần-Kinh để ra Hà-nội mang tên Cố-vấn Vĩnh-Thụy, có bài thơ sau đây do một sĩ-phu nơi núi Ngự viết:
    Nỏ [51] tiếc, không thương cái bệ rồng

    Ngự xe cờ đỏ tới Thăng Long
    Trải qua non nước nhìn quang rạng
    Ngoảnh lại lâu đài bỏ trống không

    Gió tạt cành thu chim ngái [52] tổ
    Trăng soi cửa cấm nhện giăng mùng.
    Có ai vô Nội cho mình hỏi:

    Thần-tử còn lưa [53] lại mấy ông?

    o0o

    Năm 1933, Phạm-Quỳnh bỏ báo Nam Phong nhảy vào chính-trị, chủ xướng bảo-hoàng lập hiến chống với đường lối trực trị của Nguyễn văn Vĩnh, được chính quyền Pasquier cho làm thượng-thư trong triều-đình Huế. Có người làm thơ mừng:

    Tin mới đâu vang khắp lưỡng kỳ,
    Thượng Chi rầy đã hóa tham tri!
    Rõ nhà họ Phạm dư hồng-phúc,
    Thật mệnh anh Quỳnh có tử-vi.

    Kính trắng sẽ ra làng báo chí [54]
    Bài vàng nay dựa đám quyền uy,
    Công gào lập hiến, ừ không uổng.
    Trực trị như ai có ích gì!

    Lại cũng có người mỉa-mai thâm độc hơn:
    Vịnh Diều Giấy

    Tung hoành đừng tưởng gặp hồi may,
    Có biết vì đâu sáng tạo mày?
    Thân phận chắc chỉ tờ giấy bản
    Tơ duyên chừng cậy sợi dây đay.
    Mà toan ngất ngưởng trời mây ấy,
    Lại chực vo ve đất nước này.
    Lên lắm ông cho rồi có lúc,
    Một cơn mưa nhỏ biết nhau ngay!


    o0o

    [...]

    [45] Năm 1923, thực-dân Pháp và triều-đình Huế tăng thuế 30%.
    [46] Năm 1922-1923, Bắc-Kỳ bị lụt.
    [47] Năm 1922, Khải-Định đi dự đấu-xảo ở Paris, làm nhiều việc nhục quốc-thể, bị Phan-chu-Trinh vạch tội bảy điều.
    [48] Người (tức Pháp) đánh thuế nặng quá, nông-dân phải bỏ ruộng hoang.
    [49] Ta (tức Khải-Định) ban chỉ dụ từ thềm son (chỗ vua ở).
    [50] Khải-Định được Pháp cấp cho mỗi tháng một vạn đồng.
    [51] Nỏ (tiếng Huế): chẳng
    [52] Ngái (tiếng Huế): lìa xa
    [53] Lưa: sót lại
    [54] Phạm-Quỳnh cận thị.
     
    tducchau thích bài này.
  6. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    Phan-Bội-Châu khi bị bắt cầm tù ở Quảng-Châu, đã tỏ chí hiên-ngang của mình bằng mấy vần bi-tráng:
    Ngồi Tù Cảm Tác

    Nếu chết phăng đi cái cũng hay
    Còn ta, ta lại nghĩ sao đây.
    Trời đâu có ngục chôn thần thánh
    Đất há không đường ruổi gió mây.
    Tát cạn bể Đông chìu tắc lưỡi
    Phá tan rừng Bắc vẫy đôi tay.
    Anh em ai nấy xin thêm gắng
    Công nghiệp ngàn thu, há một ngày!


    o0o

    Năm 1925, Phan Bội-Châu bị bắt giải về Hà-nội, bị kết án tử hình, nhưng được ân xá và đưa về giam lỏng ở Huế. Ở đây, ông hay xuống nằm nghỉ mát trên một chiếc thuyền con neo dưới gốc cây sung đầu cầu Bến-ngự. Nhân thoáng nghe một cô lái đò đậu gần đó hát:

    Ăn sung nằm gốc cây sung,
    Lấy anh thì lấy nằm chung không nằm.
    Ông cao hứng làm bài thơ sau đây để nói lên tình cảnh cô gái Việt bị ép duyên với anh chồng Pháp:
    Nằm Gốc Sung

    Thời-thế xui nên giả vợ chồng,
    Lấy anh chưa dễ đã nằm chung,
    Ừ chơi, coi nó toi đồng bạc,
    Há chịu cho ai nếm má hồng!
    Cười gượng lắm khi che nửa mặt,
    Khóc thầm vì nỗi khác hai lòng.
    Bao giờ duyên mới thay duyên cũ,
    Thỏa thuận cùng nhau tát bể đông!

    “Ừ chơi”, ừ vậy mà chơi thôi, đã dễ làm gì được nhau! Vâng, ừ chơi thôi, vậy mà cũng mất 80 năm kia đấy, huống nữa có toi chăng, lại chính là đồng bạc của mình!

    o0o

    Khoảng năm 1930, sau vụ Yên-Bái, chính quyền Pháp bổ ông Vi về tổng-đốc Thái-Bình, và đặc-cách thưởng đệ-tứ bắc-đẩu bội-tinh.
    Về Thái-Bình, ông Vi dùng hết tâm-cơ để săn bắt những người làm quốc-sự, lại sáng chế ra một cách tra tấn thần-hiệu là dùng chày nện vào các khớp xương.
    Được tin ấy, cư-sĩ Đồng-Giang ở Nam-Định, gửi lên báo Đông-Tây một bài thơ vịnh chày, lẩy vần chày, độc-vận.
    Bài này đưa kiểm duyệt, thấy không bị gạch dấu chì xanh, nhà báo cho là nhân-viên ban kiểm-duyệt không nhìn thấy chỗ dụng ý của bài thơ: sở kiểm duyệt đã không nhìn thấy thì độc giả chắc cũng chỉ đọc qua đi mà thôi, bài thơ sẽ mất hứng thú.
    Vậy làm cách nào cho ai nấy hiểu tới chỗ vi-ẩn?
    Hồi bấy giờ lệ kiểm-duyệt cho đưa từng bài lẻ chứ không phải đưa cả trang báo lớn như bây giờ, nên khi ráp các bài đã được phép in để xếp thành một trang, tòa soạn trưng hình ông Vi lên trang nhất, với lời chú kính-cẩn:
    Quan Tổng-Đốc Vi vừa được ân thưởng đệ tứ đẳng bắc đẩu bội-tinh
    Và ngay bên dưới, đóng khung bài thơ chày, đã có dấu kiểm-duyệt:
    Chày

    Khen ai khéo khéo tạc nên chày
    Đau đớn cho ai chỉ vị chày
    Ở chốn rừng xanh trơ xác lõi
    Về nơi dân đỏ béo thân chày
    Trồng ra tròn trặn trơn lì gỗ
    Dùng đến hung hăng giã nặng chày
    Đầu có nhọn đâu mà cổ thắt?
    Ngàn thu còn nhớ mãi tên chày.

    Ở chốn rừng xanh trơ xác lõi, về nơi dân đỏ béo thân chày: cụ-lớn vốn là người mạn ngược đầu tiên được cử về trị-nhậm ở vùng xuôi, cũng nhờ cái tiếng hét ra lửa.
    Báo phát-hành, quả-nhiên tiếng chày vang lên rộn rã trên khắp các tỉnh miền trung-châu, và từ đó về sau cái hình phạt “chày” cụ-lớn không cho áp-dụng nữa.
    Âu cũng là một ảnh-hưởng tốt của văn thơ.
    Làm báo ở dưới thời Pháp-thuộc, muốn động-chạm đến những người có vai-vế để làm một trận cười cảnh-tỉnh, coi vậy, không phải là không tốn mưu cơ.
    Tuy-nhiên cái mưu-cơ trên này chỉ thắng được một lần.
    Sáu tháng sau báo Đông-Tây bị thu hồi giấy phép!

    o0o

    Đã nói đến các ông “tâm tồn mẫu-quốc”, tất phải nói đến một “cụ lớn” đứng đầu trong sổ. Cụ lớn này có công dẹp những cuộc phản-kháng của văn-thân, nên được cất lên cực-phẩm, hai con cũng chẳng mấy lúc thăng đến chức tổng-đốc. Có người mừng, nhân dịp thọ 70:

    Vượng-khí Lam-Hồng đúc vĩ-nhân,
    Trời ban thêm tuổi, chúa thêm ân.
    Huân-danh sự-nghiệp: Hiến-Thành Lý,
    Phú-quý vinh-hoa: Nhật-Duật Trần.
    Con cháu một nhà hai tổng-đốc
    Pháp Nam hai nước một công-thần.
    Tuần này hạ-thọ là tuần bảy
    Còn biết sau đây mấy chục tuần!

    Lời khen thật là mỉa-mai; công-thần mà lại của hai nước!
    Nếu được như lời chúc-tụng, thì gian-thần còn dai dẳng kiếp sống những mấy chục tuần nữa, có lẽ chẳng kém gì Bành-Tổ!

    o0o

    Tuy là gian-thần, nhưng ông lại là tay văn-chương hàm-súc, ngòi bút sử-quan rất đĩnh-đạc và khám phá: tri với hành, coi vậy, quả đã cách biệt nhau quá xa!
    Ông có bài:
    Thành Cổ-loa

    Thành ốc mây mờ cỏ lẫn rêu
    Biển tê trăng lặn, nước dâng triều.
    Hòa thân, trót đã lầm đôi chữ,
    Ân-oán, xui nên đủ mọi điều!
    Quy-trảo dẫu rằng cơ Tạo đổi,
    Nga-mao như có nợ tình đeo.
    Hưng vong, biết chửa người thiên-cổ?
    Thành-tín bao nhiêu, dối bấy nhiêu!

    An-Dương-Vương bị lừa vì hai chữ hòa-thân: những tưởng xử hòa rồi kết thân là êm mọi chuyện hằn-thù. Nào hay đâu việc đời ân hay trở nên oán, tình đời càng thành-thực lại càng gian-ngoan. Bài học lịch-sử đã được diễn ra bằng lời văn đanh thép, sáng-sủa.
    Nhưng bài học đó tác-giả đã rút ở kinh-nghiệm bản-thân: chính ông đã lầm vì hai chữ hòa thân với Pháp nên mới hối-quá.
    Có người đã phỏng theo bài này làm một bài vịnh cái thái-ấp mà chính-quyền Pháp bấy giờ đặc-biệt cắt cho cụ lớn làm nơi hưu-dưỡng:

    Thái-ấp mây mờ, cỏ lẫn rêu,
    Pháp Nam, trung-tín cả hai triều.
    Hòa thân, trót đã lầm đôi chữ,
    Ân-oán, xui nên đủ mọi điều.
    Nước Việt dẫu rằng cơ tạo đổi,
    Làng Bông như có nợ tình đeo.
    Hưng vong biết chửa, anh Tường Thuyết?
    Hục-hặc bao-nhiêu, chết bấy-nhiêu!

    Làng Bông là nguyên-quán người sủng-cơ của cụ lớn, vì người này mà ân-oán xui nên đủ mọi điều, để tai-tiếng cho kẻ quyền gian không ít.
    Chống lại Pháp ít như Nguyễn-văn-Tường, nhiều như Tôn-thất-Thuyết đều đi đến thất-bại, sao bằng làm như cụ lớn đây: Pháp Nam trung-tín cả hai triều!
    Sân nhà gian-thần có bể cá vàng núi non-bộ, trên núi có tượng Phúc Lộc Thọ. Một người bợ-đỡ đã đến hót bằng một bài thơ đề vịnh:

    Hòn đất gây nên há cỏn con,
    Trí, nhân vui cả nước cùng non [55]
    Bát tiên quá hải, năm còn vắng [56]
    Ngũ lão du sơn, cặp chửa tròn. [57]

    Sấm sét không sờn gan sắt đá,
    Mây mưa thêm rạng vẻ vàng son.
    Còn trời, còn đất, còn non nước,
    Còn mãi ba ngôi vẫn chẳng mòn.

    Một thân-sĩ thấy lời nịnh-nọt trâng-tráo quá, đã nổi giận phừng-phừng họa lại:
    Ủa ba lão trượng bé con con,
    Có ích chi mà nước với non?
    So với Di, Tề thì lẻ một,

    Sánh cùng Quách, Lý vẫn chưa tròn.[58]
    Ngoài da chỉ những sành cùng sỏi,
    Trong dạ còn đâu sắt với son…
    Đã chẳng ích gì non nước nữa,
    Đập cho tan nát, để chi mòn!


    o0o

    [55] Luận Ngữ: người nhân thì thích núi (tĩnh), người trí thì thích nước (động).
    [56] Tám vị tiên qua biển, đây chỉ có ba vị, thiếu năm
    [57] Năm ông già chơi núi, đây còn thiếu hai.
    [58] Câu trên: Di, Tề: Bá-Di và Thúc-Tề, hai kẻ sĩ ẩn ở núi Thú-Dương, không chịu ăn thóc của nhà Chu.
    Câu dưới: Quách, Lý: Lý-Ưng và Quách-Thái là hai danh sĩ đời xưa, có tiếng tiết-tháo.
     
  7. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    [...]

    Có năm nước lớn, một ông phủ Vĩnh-Tường ra coi đê gặp lúc viên công-sứ cùng đi với vợ đến kinh-lý.
    Tới quãng nọ nước sông đánh tạt lên ngập một đoạn mươi thước đường, viên công-sứ giẫm nước đi qua, nhưng vợ đầm, vì thân hình to lớn nặng-nề, ngần-ngại không dám cất bước. Thấy vậy ông phủ vội lại vòng tay ra sau lưng, cõng người đầm lội qua. Cách xử-sự này đã làm đầu-đề cho ông Huyện Móm giễu như sau:

    Khen thay phủ Vĩnh khéo khôn ngầm
    Nịnh bố cu tây, cõng mẹ đầm
    Đôi vú ấp tai đầu nghển nghển
    Hai tay bưng đít mặt hầm hầm
    Phen này cứng cánh nhờ ơn tổ
    Lúc ấy sa chân, chết bỏ bầm!
    Chẳng kể mề đay cùng tưởng lục
    Ngửi tay, tủm tỉm miệng cười thầm…

    Tả-thực đã linh-động: đầu nghển nghển để giữ thăng-bằng, mặt hầm-hầm vì ôm quá nặng. Luận thật đúng lý: may mà cứng cánh cõng nổi, chứ nếu trượt chân mà cùng ngã cả thì nguy to! Kết rất đột-ngột: ông phủ không màng đến sự được thưởng mề-đay hay tưởng-lục, chỉ cốt được thỉnh-thoảng ngửi lại cái tay đã bưng bà đầm…
    Ông Phủ Vĩnh có đọc đến bài này chắc lại tủm-tỉm cười thầm chứ không nỡ giận, vì họ mỉa nghe… mùi!

    o0o

    Xứ Cò-Trắng, một ông vợ mới chết xác còn quàn trong nhà, vội-vã cưới ngay bà chủ mình cũng vừa lâm cảnh góa chồng. Đặc-điểm là ông làm công mới ba chục tuổi, còn bà chủ thì đã ngoại ngũ tuần, nhưng có đồn-điền to. Cuộc hôn-nhân như vậy là bù trừ để lấy lại “công-bằng xã-hội”, song hai cậu em bà chủ đồn-điền không tán-đồng, bà phải hối-lộ hai cậu sáu ngàn đồng cho êm, chỉ khổ bốn anh con ông chủ mới, tang mẹ ruột chưa xong mà mỗi người phải chào mẹ ghẻ hai lạy.
    Ông huyện Móm tức cảnh ngay:

    Cò-Trắng lâu nay lắm tiếng đồn
    Chồng vừa mới chết, vợ chưa chôn
    Trai trong ba chục, còn non mặt
    Gái ngoại năm mươi vẫn nứng dồn
    Hí-hửng sáu nghìn hai cậu nó
    Sụt-sùi tám lạy bốn thằng con.
    Suối vàng ai có hay chăng tá
    Thì cũng Châu-Trần, cũng nước non!

    Phải đấy, nếu được tin đám cưới trên trần mà dưới âm hai người quan quả cũng cưới nhau, cái công-bằng xã-hội trên kia sẽ được lập lại cho cả âm lẫn dương, thì đôi ngả âm-dương cùng khỏi phải ngậm-ngùi: “Sâm thương chẳng vẹn chữ tòng”!

    o0o

    Trên kia chúng tôi đã chép một vài câu đối của ông Trần-Bình. Nay xin thuật lại mấy bài thơ ông làm khi sắp từ-trần.
    Ông nghe lời thầy số nói tháng tám năm ấy sẽ về chầu tổ, nên tới hạn ông về nằm nhà đợi chết. Qua sang tháng chín, ông vẫn chưa mệnh hệ gì, liền gửi bài thơ sau này đăng lên “Trung-Bắc Tân-văn”:
    Cáo Tồn (trái lại với cáo phó)

    Bướu mọc, càng thêm ruột xót đau
    Thà rằng vùi trước khỏi nhơ sau.
    Sinh ra nước Việt làm tôi Pháp
    Lỡ tại người Nam học chữ Tàu (!)
    Kiếp nặng chửa tan kềnh một giấc
    Đời thừa còn góp sống năm châu.
    Đã qua tháng tám mà không chết
    Thầy số năm xưa cũng lắc đầu.

    Đến khi bệnh trở nên trầm-trọng, ông nằm trơ một mình, không ai thăm hỏi. Một hôm có người cũ ở Thúy-sơn là nơi ông trọng-nhậm khi trước, đến thăm, ông cảm-động khẩu-chiếm bài thơ chữ Hán:
    Tàn tức, thùy tri bát nguyện tồn,
    Thi cùng, khả dữ Thúy-sơn ngôn!
    Bi hồ, uổng sái chư-công huyết
    Tầu cầu nan chiêu nhất lão hồn!
    Biến địa kinh-trăn, đường cựu bạt
    Hoài nhân phong-vũ, cúc không tôn.
    Hoang lư, tà nguyệt, cô đăng dạ,
    Tài triển ngâm biên lệ dĩ thôn…
    Rồi ông tự-dịch ra quốc văn:
    Thoi-thóp, ngờ đâu tháng tám còn…
    Thơ còn hơi thở, thở cùng non!
    Tiếng ầm, cáo khóc hoài phun máu,
    Thần sót, cầy săn uổng hú hồn!
    Ghế nhạt bóng đường gai góc tủa,
    Chén hờ hương cúc gió mưa tuôn…
    Canh khuya nhà vắng, trăng soi lệch
    Vừa giở bài ngâm thổn thức dồn…

    Thơ còn hơi thở, thở cùng non: chỉ còn có làm thơ cho núi Thúy nghe mà thôi, vẫn cái giọng nước non ra dáng!
    Cáo khóc hoài phun máu: đáp lại những lời phúng sống gắt gao mà ông cho là ngậm máu phun người.
    Cầy săn uổng hú hồn: cho ai cũng là chó săn, trong khi chính mình là một, lúc làm quan!
    Ghế nhạt bóng đường gai góc tủa: bóng cam đường của Thiệu-bá nhạt rồi thì gai-góc trổ ra! Tiếc rằng Thiệu-bá là viên quan gương mẫu, đâu có như ông!
    Chén hờ hương cúc gió mưa tuôn: ai ngờ trong lúc ngày tàn còn có người ở Thúy-sơn là nơi trồng nhiều kim-cúc, đến thăm mà rỏ lệ thương vay.
    Đến lúc thoi-thóp rồi mà còn tự dối cả chính mình. Hay là thổn-thức dồn là để ăn-năn đấy!

    o0o

    Nhà nho ở buổi giao thời, nhiều người có tư-cách đáng chê nhưng cũng không thiếu người cốt-cách phong-lưu, nếu đôi khi có kiêu thì cũng kiêu một cách đáng mến. Như ông thượng-thư Trần-chỉ-Tín tự cười mình:
    Tự Trào

    Tuổi tác nay đà ngoại sáu mươi
    Hơn ai chẳng dám, dám thua ai!
    Hai bàn tay trắng làm nên thế,
    Một tấm lòng son ở với đời.
    Lấy phúc mà đong lo cũng mệt
    Có duyên thì gặp dễ như chơi!
    Xưa nay con tạo xoay vần nhỉ
    Hết đó rồi đây vẫn thảnh thơi…


    o0o

    Ông Nguyễn Đình-Ngọc năm 55 tuổi, có một nhân-sinh-quan bình thản, vui trong cảnh nghèo:
    Ngũ Thập Ngũ Tự Thọ

    Vừa mới ngày nào tóc chấm vai,
    Đốt tay bấm đã ngoại năm mươi.
    Nặng-nề chưa dễ đền ơn nước,
    Khuôn-phép còn may trọn cách người.
    Học cũ thế mà tư-tưởng mới,
    Nhà nghèo cũng vẫn nói cười vui.
    Hoa sen một giấc say chưa tỉnh,
    Đã chắc hơn ai, chắc kém ai.


    o0o

    Nguyễn-Trọng-Cẩn (1900-1947) bút-hiệu Hoài-Nam, quán Quảng-bình, Trung-Việt. Theo học chữ nho trong khi chữ quốc-ngữ và chữ Pháp đã phổ-biến. Đến năm mậu-ngọ (1918) vào Huế dự kỳ thi hương cuối cùng. Không đỗ, ở luôn tại đó làm nghề viết báo. Đến năm 1929, lui về nguyên-quán làm thuốc và dạy chữ Hán. Năm 1947, bỏ mình vì đạn của quân đội Pháp.
    Ông có trí-nhớ hơn người, văn viết lưu-loát, không cần gọt sửa. Thơ đôi phần nhiều xuất-sáo, nên linh-động hồn-nhiên. Đan-cử hai bài sau đây:
    Tự Thán

    Con tạo e khi cũng muốn đùa,
    Khiến anh-hào phải chịu cay chua!
    Văn lùa quỉ đói đi không nổi,
    Rượu đánh ma sầu vẫn cứ thua.
    Mối nợ đa-tình vay chửa trả,
    Tấm thân vô dụng bán ai mua!
    Của riêng còn có kho vô tận:
    Tuyết nguyệt phong hoa đủ bốn mùa.

    Tự Trào
    Có bệnh chi mà tớ muốn điên?
    Chẳng tham quan-tước, chẳng tham tiền.
    Trăm khôn, e mắc trăm đường mệt,
    Một dại, là xong một mối phiền.
    Rắn rết, gớm ai lòng độc-địa,
    Rồng mây trôi kệ chuyện huyên-thiên.
    Người đời cười tớ là điên thật,
    Tớ lại cười ai giả thánh-hiền!

    Chú ý: độc-địa đối với huyên-thiên.
    Cuộc thay đổi xảy ra trong triều đình Huế ngày 2/5/1933 đã làm đầu đề cho ông cảm-khái nên một bài thơ rất được truyền-tụng:
    Năm Trụ Ngã Ình

    Năm trụ khi không ngã cái ình!
    Đất bằng một tiếng thảy đều kinh:
    BÀI không đeo nữa đem dưng LẠI
    ĐÀN nọ ai nghe khéo dở HÌNH
    LIỆU thế không xong BINH chẳng được
    LIÊM đành giữ tiếng, LỄ đừng rinh.
    CÔNG danh thôi thế là hưu hĩ…!

    ĐẠI sự xin nhường lớp hậu-sinh…[59]

    o0o

    [59] Nguyễn-hữu-Bài: Thượng thơ bộ Lại, Tôn-thất-Đàn: Thượng thơ bộ Hình, Phạm-Liệu: Thượng thơ bộ Binh, Võ-Liêm: Thượng thơ bộ Lễ, Vương-tứ-đại: Thượng thơ bộ Công.
     
    SauRiengSG and vinhhoa like this.
Moderators: galaxy, teacher.anh
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này