ST-Khác Chuyện tình cây bần - wanwenxian (tạp văn)

Thảo luận trong 'Tự Sáng tác' bắt đầu bởi bichdinh, 3/10/13.

Moderators: nhanjkl
  1. bichdinh

    bichdinh Lớp 6

    CHUYỆN TÌNH CÂY BẦN

    WANWENXIAN

    [​IMG]


    Từ tháng năm, khi trận mưa đầu tiên lất phất rơi, bần xòe những cánh hoa ôm nhụy trắng long lanh vươn cao, vẫy chào cuộc đời với những con mắt tròn xoe tinh khiết. Hoa bần ít mùi hương nhưng giấu giếm vị sắc nước hương trời y như những cô gái miền Tây hay cười và bẽ lẽn.


    “Bần ơi, ơi hỡi cây bần
    Lá xanh bông trắng lại gần không thơm”


    “Bần” - cái tên nghe phản phất cái nghèo của dân miền Tây thời khai hoang lập ấp với hình ảnh những đôi vợ chồng vận áo bà ba đen, chèo ghe tam bản xuôi dòng Cửu Long đến tận mũi Cà Mau. Khi tay chèo lưu xứ mỏi mê, họ neo xuồng bên những rặng bần mọc cạnh bờ sông, chồng giăng lưới thả câu vợ ngồi quạt lửa nấu buổi cơm chiều rồi chợt nhoẻn cười sau làn khói trắng.

    “Cây bần soi bóng ghe nghèo
    Qua sông gặp gió, em chèo giùm anh”


    Thân cây bần không cao lớn, chất gỗ chẳng bền, cây to nhất cũng đến chừng năm sáu mét. Xưa, bần mọc nhiều ở miệt Nam Sông Hậu, vùng bãi bồi ven biển ở Cà Mau, Bạc Liêu… Cây bần mọc đến đâu rễ chùm vươn xa bám và giữ đất đến đấy. Nay, thế thời đổi thay, ngoại trừ vùng ven biển còn nhìn thấy cây bần, ở nơi khác bần đã biệt tăm. Dường như khi hết nghèo khó người ta cũng muốn phủi sạch luôn mọi thứ nhất khi nghe nó nghèo nghèo, ít ra cũng phải là phát tài phát lộc hay mai…

    Bần trổ hoa đến chừng tháng sáu thì kết trái. Những trái bần non ruột cứng vị chát, đến khi chín thì võ và ruột bần mềm, ăn chua như me. Thuở nhỏ, tôi thường hái trái chín trên cây, bày muối hột trên tàu lá chuối và ngồi ăn bần chấm muối trên bờ ruộng đầy gió thổi. Cầu kỳ hơn nữa là ăn bần với mắm sống hoặc mắm kho vào mùa nước nổi.

    “Muốn ăn mắm sặc bần chua
    Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm”

    Bần chín dùng nấu canh chua cá bóng kèo, cá bóng các… thì đặc biệt ngon. Khi đun nước vừa sôi, bỏ trái bần chín trong chiếc rỗ nhỏ nấu đến khi bần rã ruột; thả bông sua đủa hoặc, bạc hà vào; và cuối cùng là cho cá bóng vào nồi.

    Ngồi bên nồi canh chua ngon lừng với vị ngọt của bông sua đủa, vị chua chát của trái bần, vị bơ bở của cá bóng… chấm với muối ớt sẽ làm bạn nhớ mãi Cà Mau.

    Không chỉ nổi danh khi làm gia vị cho nồi canh chua, hình ảnh cây bần mọc ven những con sông dọc xóm nghèo xa lắc lơ đã đi theo dân miền vườn vào những điệu hò câu hát Nam Bộ bằng thơ. Đôi khi bạn còn nghe những lão nông ngồi trước sân nhà, khề khà bên bình trà chén rượu kể chuyện tình trắc trở của đôi trai gái từ thuở xưa.

    Có một chàng trai sống bên này sông thương nhớ cô gái sống bên kia bờ sông, khuất nhau bởi rặng bần xanh. Để được ngắm nhìn người mình thương, chàng trai thường giả vờ đi chài lưới rồi ngó qua bờ bên kia để rồi bị người ta phát hiện và ghẹo.

    “Anh kia trốn bụi bần non
    Không lo chài lưới, lo dòm các cô”

    Tình yêu của anh dài cho cô gái ngày càng nhiều nhưng anh không biết làm sao để tỏ tình ý với nàng, mỗi trưa nhìn đàn bướm bay lượn có đôi dưới bờ sông anh càng sốt ruột.

    “Bướm bay dưới dạ cây bần,
    Làm sao kết nghĩa Châu Trần với nhau”

    Và không phải hôm nào nhìn qua bên kia rặng bần anh cũng nhìn thấy cô gái thường hay mĩm cười với mình ngồi vá lưới trước sân, lúc đó anh thấy rặng bần trước sân cũng buồn heo hút.

    “Chiều chiều xuống bến ba lần
    Bóng em không thấy thấy bần xơ rơ”

    Nhớ mong và lo sợ khoảnh khắt không còn nhìn thấy cô gái nữa, chàng trai lấy hết can đảm của mình viết thư, bơi xuồng qua bên kia sông treo lên đọt bần trước nhà cô gái tỏ tình ý.

    “Làm thơ anh dán đọt bần
    Dán cho hai họ Nguyễn Trần gặp nhau”

    Từ lâu cô gái đã biết những tình cảm của chàng trai bên kia sông dành cho mình nhưng vì là phận gái nên không biết phải làm sao hồi đáp.

    “Thân em như trái bần trôi
    Sóng dập gió dồi biết tắp vào đâu ?”

    Rồi một ngày khi chàng trai đang chài lưới bên sông, cô bơi xuồng sang và than thở.

    “Neo ghe vô dựa gốc bần
    Anh thương em, anh nói vậy chớ biết mình gần đặng không ?”

    Khi biết được đắn đo của cô gái, chàng trai bày tỏ quyết tâm được sống chết bên nàng.

    “Phụ mẫu đánh anh quặt quà quặt quại,
    Đem anh treo tại nhánh bần
    Rủi đứt dây mà rớt xuống,
    Anh cũng lần mò kiếm em.”

    Còn cô gái cũng hứa rằng, dù có gì xảy ra cũng cố đợi chàng trai.

    “Lẻ đôi em chịu lẻ đôi
    Hoa tàn em cũng đợi, bần trôi em cũng chờ”

    Nhưng rồi một ngày hai chiếc ghe lớn ghé lại ở mé sông nhà cô, có người đến hỏi cưới. Chàng trai giận dỗi đòi đốn hạ gốc bần dưới mé sông.

    “Chiều mai chiều mốt anh cốt cây bần
    Chẳng cho ghe cá đậu gần ghe tôm”

    Dù đôi ba lần cô gái cự tuyệt quyết định của cha mẹ nhưng dường như mọi chuyện đã được quyết định.

    “Ba bốn nơi sang cả, phụ mẫu em muốn gả
    Em chấp tay: khoan đã, chưa tới duyên phần
    Phụ mẫu nói em bất tôn giáo hoá
    Em trèo lên cây bần cho kiến nó bu”

    Với cảnh nghèo của mình chàng trai chỉ còn biết than thân trách phận.

    “Cảm thương ô dước, bời lời
    Sao cha mẹ sến, dựa nơi gốc bần”
    Giận vì chàng trai thiếu niềm tin, cô gái buộc miệng.
    “Hổng thương em hổng có cần
    Trầm hương khó kiếm chớ đước, bần thiếu chi”

    Rồi trách.

    “Bần gie con hạc đậu cánh xòe
    Tưởng anh vô gá nghĩa, ai dè gạt em”

    Rồi cô gái theo ghe đi lấy chồng giàu, bỏ lại chàng trai vì mặc cảm nghèo mà không dám bước tới.

    “Bần gie bần ngả bần quỳ
    Sống mà chịu cảnh chia ly thêm buồn”.

    NGUYỄN VĂN HIẾN

    [​IMG]


    Nguồn: TVE (wanwenxian post 10.07.2013)
     
    Last edited by a moderator: 8/5/15
Moderators: nhanjkl

Chia sẻ trang này