Nhận định Điển cố - điển tích. Giai thoại... Văn Học. [abc...]

Thảo luận trong 'Tác phẩm và nhận định' bắt đầu bởi tducchau, 18/4/14.

Moderators: Cát Cát
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    MỘT NỀN ĐỒNG TƯỚC KHOÁ XUÂN HAI KIỀU


    Sau khi dự hội Đạp thanh, ba chị em Thuý Kiều, Thuý Vân và Vương Quan trên đường trở về, gặp Kim Trọng:

    “Chung quanh vẫn đất nước nhà,
    Với Vương Quan trước vốn là đồng thân.
    Trộm nghe thơm nức hương lân,
    Một nền Dồng tước khoá xuân hai Kiều”.

    (Câu 153 đến 156)​

    Đời Tam quốc (220 – 280) (1), chúa Nguỵ là Tào Tháo có xây một đài bên sông Chương (huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam), đặt tên là Đồng Tước. Đài cực kỳ tráng lệ, trang hoàng lộng lẫy. Thào lại tuyển gái đẹp khắp vùng cho chứa vào trong. Vậy mà Tháo còn tham…

    Nhân một dịp du thuyền trên sông Trường Giang, rượu ngà say, Tháo cao hứng nói với các quan:

    - Ta năm nay đã 54 tuổi. Nếu chiếm xong Giang Nam, ta cũng được chút vui mừng riêng. Số là trước kia, ta có quen thân cụ Kiều công, được biết cụ có hai cô gái đều là trang quốc sắc. Không ngờ về sau Tôn Sách và Châu Du cưới mất. Nay ta xây đài Đồng Tước bên sông Chương, nếu hạ được Giang Nam, ta sẽ đem hai nàng họ Kiều về đó ở để vui thú năm tháng về già. Thế là ta mãn nguyện.

    Nguyên Tào Tháo có đứa con nhỏ tên Tào Thực tự Tử Kiến có tài hạ bút thành văn. Khi xây xong đài Đồng Tước, Tháo sai con làm bài phú “Đồng Tước đài” để ca tụng công nghiệp của nhà họ Tào. Bài phú rất đặc sắc.

    Để khích Châu Du là Đô đốc nhà Đông Ngô đánh Tào Tháo, chúa nhà Bắc Nguỵ, Quân sư nhà Tây Thục là Gia Cát Lượng (Khổng Minh) sửa đổi câu thứ bảy của bài phú. Nguyên văn là:

    “Liên nhị Kiều vu đông tây hề, nhược trường không chi đế đống”.​

    Nghĩa là:

    “Bắc hai cầu đông tây nối lại, như cầu vòng sáng chói không gian”. (2)​

    Nhưng Khổng Minh lại đổi ra:

    “Lâm nhị Kiều ư đông nam hề, lạc triêu tịch chi dữ cộng”.​

    Nghĩa là:

    “Tìm hai Kiều Nam phương về sống, vui cùng nhau giấc mộng hồi xuân”. (3)​

    Khổng minh đem chữ “Kiều” là “cầu” đổi ra chữ “Kiều” là nàng họ Kiều; và đổi cả toàn vế sau để cố ý chỉ vào Tào Tháo muốn bắt hai nàng Kiều: Đại Kiều (vợ của Tôn Sách) và Tiểu Kiều (vợ của Châu Du) về làm thiếp cho ở đài Đồng Tước. Nhưng vì cuộc liên minh giữa Đông Ngô và Tây Thục, lại nhờ Khổng Minh cầu gió Đông lúc trái mùa, nên Châu Du – Đô đốc của Ngô – dùng hoả công đốt phá 83 vạn quân của chúa Nguỵ Tào Tháo tại trận Xích Bích (4), Nguỵ thua to. Mộng chiếm đất Giang Nam để đoạt lấy hai nàng Kiều xinh đẹp làm thiếp của chú Nguỵ Tào Tháo hoàn toàn tan vỡ.

    Nhân đó, nhà thơ Đỗ Mục đời nhà Đường có bài “Xích Bích hoài cổ”:

    “Chiết kích trầm sa thiết vị tiêu,
    Tư tương ma tẩy nhận tiền triều.
    Đông phong bất dữ Châu lang tiện,
    Đồng tước xuân thâm toả nhị Kiều”.​

    Tạm dịch:

    “Kích gãy cát chìm sắt chửa tiêu,
    Rửa mài nhận thấy dấu tiền triều.
    Gió Đông chẳng giống chàng Châu thắng,
    Đồng tước đài xuân nhốt hai Kiều”.

    Cũng đoạn hai bên gặp nhau nầy giữa chị em Kiều với Kim Trọng, có câu:

    “Hài văn lần bước dặm xanh,
    Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.
    Chàng Vương quen mặt ra chào,
    Hai kiều e lệ nép vào dưới hoa”.

    (Câu 143 đến 146)​

    Và, đến đoạn diễn tả khi Kiều trở về nhà, đêm lại trằn trọc mộng thấy Đạm Tiên:

    “Thoắt đâu thấy một tiểu Kiều,
    Có chiều phong vận có chiếu thanh tân.
    Sương in mặt tuyết pha thân,
    Sen vàng lững thững như gần như xa”.

    (Câu 187 đến 190)​

    “Kiều” nầy là từ chung, chỉ người gái đẹp (viết không hoa). “Hai kiều” tức là Thuý Kiều và Thuý Vân, vì cả hai đều có sắc đẹp; “tiểu kiều” tức là Đạm Tiên, một ca nhi nổi danh tài sắc một thời.

    Một nền Đồng tước khoá xuân hai kiều”, Kiều nầy là tên “Kiều” đi đôi với nến “Đồng tước”. Đây là từ riêng chỉ nhân vật (viết hoa), tức hai nàng Đại Kiều và Tiểu Kiều con của Kiều Quốc lão (Kiều công) ở đất Ngô đời tam quốc. Hai nàng đều tuyệt sắc giai nhân. Ngay cả hai đã có chồng rồi mà chúa Ngục Tào Tháo – tuy đã tuyển được nhiều gái đẹp để ở đài Đồng tước – nhưng vẫn mơ tưởng ước ao, mong được “mãn nguyện, để vui thú năm tháng về già” !...

    Tác giả lấy cái riêng (nhị kiều) bằng điển tích để dẫn đến cái chung (hai kiều), chẳng những có ý nói nhà họ Vương có hai người gái đẹp kín cổng cao tường (khoá xuân), vừa đề cao cái đẹp của cả hai xứng đáng là tuyệt thế giai nhân.

    ______

    (1) Nhà Hán suy mạt, cuối đời Hiến đế thì Trung Hoa chia làm ba nhà cũng gọi là ba nước: Bắc Nguỵ (Tào Tháo), Tây Thục (Lưu Bị), Đông Ngô (Tôn Quyền) tranh đánh nhau. Thời Tam quốc được chép thành bộ truyện vĩ đại là “Tam quốc chí diễn nghĩa”, tác giả La Quán Trung. Truyện nầy có phần đi sát với chánh sử.

    (2), (3) Theo bản dịch của Tử Vi Lang. – “Tam Quốc Chí diễn nghĩa”.

    (4) Xích Bích: tên một dãy núi ở huyện Gia Ngư, tỉnh Hồ Bắc, trên bờ sông Dương Tử. Năm 208, Tào Tháo đại bại tại đây. “Tam Quốc Chí diễn nghĩa” gọi là trận “Xích Bích ao binh” (hầm binh Xích Bích). Hai bên bờ sông vì lửa đốt làm vách núi biến thành sắc đỏ nên gọi là “xích Bích” (vách đỏ).


    [...]
     
    lichan, Heoconmtv, chis and 1 other person like this.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    ANH HÙNG VÔ DỤNG VÕ CHI ĐỊA
    英雄無用武之地
    (ANH HÙNG KHÔNG ĐẤT DỤNG VÕ)


    XUẤT XỨ:

    Phần "Gia Cát Lượng truyện, Thục thư" trong sách Tam Quốc Chí, có câu: "Lượng thuyết phục (Tô) Quyền rằng: ... Nay (Tào) Tháo là thế lực đại anh hùng trừ diệt tất cả đã gần dẹp yên, vừa phá Kinh Châu, uy thế chấn động bốn biển. Anh hùng mà không đất dụng võ, nên Dực Châu (tức Lưu Bị) mới trốn chạy đến đây" (Lượng thuyết Quyền viết: "... "Kim Tháo sản di đại hùng, lược dĩ bình hĩ, toại phá Kinh Châu, uy chấn tứ hải. Anh hùng vô sở dụng võ, cố Dự Châu độn đào chí thử"

    GIẢNG NGHĨA:

    Câu "Anh hùng vô dụng võ chi địa" chuyển hóa từ câu "Anh hùng vô sở dụng võ" ở trên. Nguyên ý nói: anh hùng không có chỗ để thi triển tài dùng binh của mình để tỉ dụ người tài năng không có chỗ phát huy.

    ĐIỂN TÍCH:

    Năm 208, sau khi bình định phương bắc không lâu, Tào Tháo thân hành chỉ huy đại quân tiến xuống hướng nam, chuẩn bị dẹp tan Lưu Biểu đang chiếm vùng Kinh Châu. Quân Tào chưa kịp tới Kinh Châu đã nghe tin Lưu Biểu chết vì bệnh. Con trai nhỏ của Lưu Biểu là Lưu Tông hoảng hốt chẳng có chủ kiến gì, bị các nhóm thủ hạ thân tín xúi giục quyết định ra hàng Tào Tháo để bảo vệ an ổn cho mình.

    Lúc này, Lưu Bị đang được Lưu Biểu giao phó trấn giữ Phàn Thành (nay thuộc Hồ Bắc) chưa hay biết gì, đến khi quân Tào tiến vào huyện Uyển, Bị mới hay tin, vội vàng dẫn quân triệt thoái xuống phương nam. Lưu Bị đến chân thành Tương Dương, Lưu Tông đóng chặt cửa thành không cho Bị vào. Trước tình hình ấy, Gia Cát Lượng khuyên Bị nên đánh chiếm lấy Tương Dương rồi hiệu triệu dân chúng Kinh Châu cùng chống lại quân Tào. Lưu Bị không đồng ý, bảo: "Lưu Biểu vừa mới qua đời, ta nào nhẫn tâm làm thế!". Rồi Bị tiếp tục lệnh cho quân tiến sâu nữa xuống phương nam, rút về hướng Giang Lăng. Nhân dân Tương Dương không muốn đầu hàng (theo Lưu Tông) nên đua nhau theo Lưu Bị, đội ngũ của Bị đột ngột tăng lên tới hơn 10 vạn người. Có người khuyên Bị nên bỏ họ lại và chạy trước để khỏi bị quân Tào Tháo đuổi kịp, Bị đáp: "Người làm nên đại sự lấy lòng nhân làm gốc, nay nhân dân Kinh Châu theo về với ta, ta nào nỡ bỏ họ mà chạy trước!".

    Quân Tào vừa đến Tương Dương, Lưu Tông vội dẫn văn võ bá quan ra cửa thành nghênh đón. Tào Tháo hỏi rõ hướng chạy của Lưu Bị rồi lập tức đem theo 5 ngàn kỵ binh đuổi riết theo. Quân Tào đuổi kịp đội ngũ của Lưu Bị ở Đương Dương Trường Bản (nay thuộc Hồ Bắc). Lưu Bị chỉ huy vài chục tướng sĩ đột phá vòng vây, chạy về hướng Hán Tân ở phía đông (nay là bến Hán Thủy). Bị vượt sông Hán Thủy, hội quân với đại tướng Quan Vũ và con lớn của Lưu Biểu là Lưu Kỳ rồi quyết định đóng quân lại ở Hà Khẩu (nay là thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc). Quân Tào tiếp tục nam tiến, chiếm trấn Giang Lăng. Tháo ra lệnh cho quân nghỉ ngơi chút ít, chuẩn bị xuôi dòng nước về phía đông đuổi đến Hạ Khẩu tiêu diệt lực lượng của Lưu Bị rồi thừa thắng tiêu diệt luôn Đông Ngô của Tôn Quyền, quét sạch vùng Giang Nam.

    Lúc ấy quân Tào Tháo có hơn 50 vạn người (thanh xưng lên tới 83 vạn quân) còn cả binh mã của Bị chỉ có hơn 1 vạn. Binh lực hai bên cách biệt hẳn. Do vì Tôn Quyền sợ Tào Tháo nên cứ đóng yên ở Sài Tang (nay thuộc Giang Tây) không dám động binh. Vì muốn liên hợp với Đông Ngô cùng chống lại quân tào, Lưu Bị sai Gia Cát Lượng đến Sài Tang thuyết phục Tôn Quyền.

    Gia Cát Lượng gặp Quyền, nói: "Tào Tháo đã chiếm mất Kinh Châu, tướng quân dự định làm gì? Nếu như chuẩn bị chống cự thì hãy quyết chiến với Tào Tháo; còn như không chuẩn bị chống cự thì hãy sớm đầu hàng đi. Không nên do dự chờ thời, tai họa sẽ đến mau lắm đấy!". Tuy Tôn Quyền sợ Tào Tháo nhưng lại không can tâm bỏ cơ nghiệp tổ tiên quỳ gối đầu hàng Tào. Nay bị Gia Cát Lượng nói khích, Quyền khó chịu hỏi ngược lại: "Nếu đã như thế, sao Lưu Dự Châu (tức Lưu Bị) không đầu hàng?" Gia Cát Lượng đáp: "Lưu Dự Châu đã quyết định không đầu hàng. Bị đến Kinh Châu tạm thời nương thân ở Phàn Thành, anh hùng không có đất dụng võ, nên mới bị Tào Tháo đánh bại, nhưng Bị vẫn là dòng dõi vương thất, anh hùng cái thế hào kiệt bốn phương dốc lòng ngưỡng mộ giống như nước trăm sông đều đổ vào biển lớn, tương lai chắc chắn sẽ cùng Tào Tháo tranh đoạt thiên hạ, làm sao khuất thân đầu hàng hắn được?" Tôn Quyền kích động nói: "Lưu Dự Châu anh hùng khí khái khiến người khâm phục! Tôn Quyền ta kế thừa đại nghiệp của cha anh, quyết không thể dâng đất Đông Ngô cho người khác. Tâm ta đã quyết chống lại quân Tào, không thể đầu hàng!".

    Một ngày vào tháng 12 năm ấy, xảy ra trận chiến lịch sử trên sông Xích Bích (nay thuộc phía tây huyện Võ Xương, Hồ Bắc) giữa quân Tào Tháo và liên quân Lưu Bị - Tôn Quyền.


    [...]
     
    lichan, Heoconmtv and teacher.anh like this.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    BA XUÂN

    Tháng thứ ba của mùa xuân, tức tháng ba.

    Thơ Mạnh Dao (đời Đường): “Thùy ngôn thốn thảo tâm, báo đắc tam xuân huy” (Ai bảo tấm lòng nhỏ mọn như tấc cỏ, mà lại có thể báo đáp được ánh sáng tháng ba mùa xuân). Ý nói khí ấm áp của tháng ba mùa xuân làm cho cây cỏ sinh trưởng được.

    Văn học cổ dùng để chỉ công sinh dưỡng của cha mẹ.

    Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,
    Liều đem tấc cỏ báo đền ba xuân.

    (Nguyễn Du)​


    BÁ DI

    Xem Di Tề. (Bổ sung sau).

    Bá Di người rằng thanh là thú,
    Nhan Tử ta xem ngặt ấy lề.

    (Nguyễn Trãi)​


    BÁ KIỀU CHIẾT LIỄU

    Bẻ cành liễu ở cầu Bá.

    Theo Tam phụ hoàng đồ, cầu Bá ở phía đông Trường An (Trung Quốc); người đời Hán khi tiễn đưa nhau đến cầu này, thường bẻ một cành liễu tặng nhau.

    Nói cảnh chia tay, ly biệt.

    Bá kiều chiết liễu đến nay,
    Nhớ người cảm nghĩa, sầu xây lên thành.

    (Lưu nữ tướng)​


    BÁ LAO

    Xem Phi yến. (Bổ sung sau).

    Nghe ra phượng thấp loan cao,
    Nghe ra phi yến bá lao lạc loài.

    (Truyện Tây sương)​


    BÁ NHA

    Xem Tri âm. (Bổ sung sau).

    Bá Nha đã gặp Tử Kỳ,
    Bảo Sơn ai nỡ trở về tay không.

    (Trinh thử)​


    BÁ NHẠC

    Tức Tôn Dương, người thời Xuân Thu, giỏi xem tướng ngựa.

    Theo Sử ký, Bá Nhạc đi qua Nhu Bản, có ngựa quý phục ở dưới xe trông lên Bá Nhạc mà hí. Bá Nhạc xuống xe, nhỏ nước mắt, vỗ về ngựa. Ngựa ra vẻ hả hê, nghửa mặt lên mà hí vang.

    Mã Long Tuấn gặp chàng Bá Nhạc,
    Ngọc Kinh Sơn gặp được Biện Hòa.

    (Bần nữ thán)​


    BÁCH

    Thuyền làm bằng gỗ bách.

    Kinh thi: “Phiếm bỉ bách chu diệc phiếm kỳ lưu” (Lênh đênh chiếc thuyền gỗ bách kia, trôi nổi theo dòng nước).

    Chỉ thân phận trôi giạt, không nơi nương tựa của người phụ nữ thời xưa.

    Nàng rằng: Chiếc bách sóng đào,
    Nổi chìm cũng mặc lúc nào rủi may!

    (Nguyễn Du)​


    BÁCH NIÊN

    Trăm năm, trăm tuổi.

    Lễ ký: “Nhân sinh dĩ bách niên viết kỳ” (Người ta sống được một trăm tuổi là đủ kỳ hạn).

    Kinh thi: “Dữ tử giai lão” (cùng nàng sống đến già).

    Do đó, người ta thường nói “Bách niên giai lão” để chỉ việc vợ chồng sống hạnh phúc cho đến.

    Ngỡ là trọn đạo vu quy,
    Lấy lời vàng đá mà thề bách niên.

    (Phạm Tải – Ngọc Hoa)​


    BẠCH CÂU

    Con ngựa non sắc trắng. Trang Tử: “Nhân sinh thiên địa chí gian, nhược bạch câu chi quá khích, hốt nhiên nhĩ di” (Người ta sống trong khoảng trời đất, cũng giống như bóng bạch câu lướt qua khe cửa, trong chốc lát mà thôi).

    Hán Thư chú thích rằng: bạch câu là ngựa non dùng để ví sự lướt nhanh của bóng mặt trời, bóng nắng.

    Bóng bạch câu vượt qua khe cửa, hoặc bóng nắng lướt qua khe cửa, dầu theo cách giải thích nào cũng đều nói ý rất nhanh chóng, đều dùng để chỉ thời gian trôi qua rất nhanh.

    Bóng bạch câu bay vụt cửa phù sinh,
    Hình thương cẩu đúc mòn khuôn đại khối.

    (Nam hải tế văn)​

    Những là khen dạ đá gan vàng, bóng bạch câu xem nửa phút như không, ơn dày đội cũng cam trong phế phủ.
    (Người Văn Thành)​


    [...]
     
    lichan and Heoconmtv like this.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    NHẤT PHU ĐƯƠNG QUAN, VẠN PHU MẠC KHAI.
    Một người giữ ải, muôn người khôn qua.

    Trong bài thơ "Thục đạo nan" Lí Bạch mô tả địa hình Tứ Xuyên "Núi Kiếm Các chênh vênh cao ngất, một người giữ ải, muôn người khôn qua".

    Sau thành ngữ này dùng để chỉ hình dung địa thế hiểm trở, dễ giữ khó đánh.


    NHẤT VÔ SỞ QUÝ.
    Không thẹn một chút nào.

    Gia Cát Hoằng người đời Tấn không chịu nghiên cứu học hành gì cả. Một hôm, anh ta nói chuyện với Vương Di Phủ, một học giả nổi tiếng đương thời. Vương Di Phủ thấy anh ta rất thông minh, than mà rằng: "Trí lực anh siêu quần, nếu chịu khó nghiên cứu tìm tòi một chút thì chẳng có điều gì hổ thẹn cả". (X. Thế thuyết tân ngữ: Học vấn).

    Người đời sau lấy câu nói của Vương làm thành ngữ để chỉ điều hổ thẹn, rất xứng đáng là chuyện gia nổi tiếng, có thành tích xuất sắc.


    NHẤT BẤT TỐ NHỊ BẤT HƯU.
    Không làm thì thôi, làm thì không nghỉ.

    Ý là đối với việc gì đó, không làm thì thôi, đã làm thì làm đến cùng, không bỏ dở.

    Ông Triệu Nguyên Nhất đời Đương trong "Phụng thiên lục" quyển 4 viết: "Truyền cho đời người sau, một là không làm, hai là đã làm không được nghỉ".

    Người đời sau lọc thành thành ngữ "Không làm thì thôi, làm thì không nghỉ".


    [...]
     
    lichan, Heoconmtv and teacher.anh like this.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]

    NHẤT THẾ CHI HÙNG.
    Anh hùng nhất thuở.

    Hoàn Huyền từng gọi Lưu Dụ là "anh hùng một thời" (X. Tống thư: Vũ Văn đế kí thượng).

    Về sau dùng để chỉ nhân vật xưng hùng một thời.


    NHẤT MỤC THẬP HÀNG.
    Đọc nhanh như gió.

    Thời Bắc Tề, ở Hà Nam có một người tên gọi Vương Thiếu Liêm, rất thông minh hiếu học, nghe nói anh ta "đọc sách mười hàng một lúc" (X. Bắc Tề thư: Ha Nam Vương Thiếu Liêm truyện).

    Đời sau gọi cách đọc của Vương Thiếu Liêm là "nhất mục thập hàng" (Liếc mắt một cái đọc được mười hàng), để chỉ cách đọc của người đó rất nhanh. Có khi cũng chỉ đọc sách không cần hiểu, chỉ cần nhanh.

    Thành ngữ này cũng viết là "Thập hàng cụ hạ".


    NHẤT ĐIỆP TRI THU.
    Thấy lá rụng biết thu về.

    "Hoài Nam tử: Thuyết sơn huấn" nói: "Nhìn thấy lá rụng biết trời đã chiều".

    Người đời sau căn cứ vào đó tạo ra thành ngữ "Thấy lá rụng biết thu về", để chỉ qua triệu chứng nhỏ có thể đoán được xu thế và kết quả phát triển của sự vật.


    NHẤT DIỆP CHƯƠNG MỤC,
    BẤT BIẾN THÁI SƠN.

    Chỉ thấy cây mà không thấy rừng;
    Chỉ thấy cái nhỏ mà không thấy cái lớn
    .

    Tương truyền, ở đất Sở thời xưa có một anh học trò nghèo, chẳng chịu đọc sách nghiêm chỉnh, suốt ngày chỉ muốn phát tài. Một hôm anh ta đọc một cuốn sách phương thuật, trong sách kể về lá cây mà con bọ ngựa dùng để che thân, cũng có tác dụng giúp người ta tàng hình, thế là anh ta đi tìm chiếc lá đó, đeo bên người, cho rằng người khác không nhìn thấy mình được nữa. Anh ta ra chợ, thấy cái gì thì lấy cái ấy, và bị người ta bắt giữ. Quan huyện hỏi anh ta tại sao giữa thanh thiên bạch nhật lại đi ăn cắp đồ của người ta, anh học trò bèn kể lại đầu đuôi, quan huyện vừa tức cười, vừa bực bội nói: “Mày rõ là chỉ thấy cái nhỏ mà không thấy cái lớn” (X. Tiếu lâm của Hàn Đan Thuần đời Tam Quốc).

    Sau thành ngữ này dùng để ví một người bị cái nhỏ che lấp, mà không thấy được toàn bộ sự vật bản chất của vấn đề. “Nhất diệp chương mục” là một chiếc lá che mất mắt.


    [...]
     
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    ẨM CHẨM CHỈ KHÁT
    飮鴆止渴
    (UỐNG RƯỢU ĐỘC ĐỂ ĐỠ KHÁT)


    XUẤT XỨ

    Phần“Hoắc Tư truyện” 霍諝傳 trong sách Hậu Hán thư 後漢書 có câu: “Thí dụ như muốn đỡ đói mà ăn chất phụ tử, muốn hết khát mà uống rượu độc, những thứ ấy chưa vào tới ruột đã đứt cổ họng, há làm được thế sao!” (Thí do liệu cơ ư phụ tử, chỉ khát ư chẩm độc, vị nhập tường vị, dĩ tuyệt yết hầu, khởi khả vi tai! 譬猶療附...)


    GIẢNG NGHĨA

    Chẩm: theo truyền thuyết là một loài chim độc có lông màu xanh, ngâm lông ấy vào rượu thành chất độc giết người, rượu này gọi là “Rượu chẩm”. Uống rượu chẩm để hết khát là tỉ dụ chỉ lo giải quyết khó khăn trước mắt mà không nghĩ đến tai họa lớn sau này.


    ĐIỂN TÍCH

    Hoắc Tư, người Nghiệp thành quận Ngụy (nay thuộc Hà Bắc) đời Đông Hán. Từ nhỏ ông đã có phẩm chất thông đạt khoan hậu, chuyên cần học tập, từ tuổi trẻ đã đọc hầu hết sách sử Nho gia, viết được văn chương, nổi tiếng một vùng quê.

    Cậu của Hoắc Tư là Tống Quang làm quan ở quận, do thẳng thắn nên đắc tội với bọn quyền quý, chúng dâng thư vu cáo Tống Quang tự ý sửa đổi chiếu thư của triều đình. Tống Quang không biên bạch được tiếng oan, bị bắt giải lên kinh thành Lạc Dương tống vào ngục. Tống Quang là người hết sức ngay thẳng, ông quyết không nhận tội do bọn vu cáo chụp vào đầu mình, ông cũng không chịu bỏ tiền ra hối lộ bọn quan thẩm vấn ông. Vì vậy, ông bị bọn cai ngục hung dữ tra khảo tàn nhẫn, nhưng chúng không tài nào khuất phục được ông.

    Đương thời đại tướng quân Lương Thương đang nắm quyền được Hán Thuận đế tín nhiệm. Ông này từng có ý hoài nghi vụ án Tống Quang dự định sai người đi điều tra, nhưng rồi vì bận rộn công việc Lương Thương chưa kịp thực hành.

    Lúc ấy Hoắc Tư vừa đầy 15 tuổi, từ nhỏ ông vẫn thường tiếp xúc với Tống Quang nên biết cậu không thể là người xấu, ông vội viết thư dâng lên Lương Thương, hết sức biện bạch cho Tống Quang. Thư ông viết: "Tống Quang thân là trưởng quan châu quận xưa nay đều vì việc công giữ nguyên pháp luật, hi vọng được triều đình tin dùng. Dù ông ấy có ngờ vực chỗ nào trong chiếu thư đi nữa cũng không dám mạo hiển sửa đổi vì đó giống như “để đỡ đói ăn phụ tử" (phụ tử là một thực vật độc), để đỡ khát uống rượu độc” vậy, lẽ nào ông ta lại làm vậy?”. Lương Thương đọc thư rất bội phục tài học và đảm lược của Hoắc Tư. Thương lập tức gặp Thuận đế xin tha cho Tống Quang. Sau đó, Tống Quang được tha và miễn tội.

    Qua việc này, tên tuổi Hoắc Tư được nổi tiếng khắp kinh thành. Do nhờ sự tiến cử, Hoắc Tư sau này được giữ chức Thượng thư bộc xạ rồi lên chức Đình úy (quan tư pháp tối cao). Đời ông không sợ quyền thế, chấp hành công lý, được hoàng đế tín nhiệm và trọng dụng.

    Thành ngữ “Ẩm chẩm chỉ khát” là xuất xứ từ câu “uống rượu độc để đỡ khát” của ông mà chuyển biến thành.


    [...]
     
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    NHẤT PHÁT THIÊN QUÂN.
    Ngàn cân treo sợi tóc.

    Năm đầu thời Tây Hán, vua Ngô Lưu Tỉ rất bất mãn với chính sách cắt giảm đất phong cho chư hầu của chính quyền trung ương, liền liên kết với 6 nước chư hầu như Sở, Triệu V.v… để chống lại. Bấy giờ Mai Thặng đang làm quan trong triều của Lưu Tỉ, ông ta chống lại việc phản loạn, khuyên vua Ngô rằng: “Bây giờ tình thế rất nguy kịch, như một sợi chỉ mành treo vật nặng 3 vạn quân vậy.” Mai Thặng mong Lưu Tỉ nghe lời khuyên, làm cho quốc gia chuyển nguy thành an. (X. Hán thư: Mai Thặng truyện).

    Quân là đơn vị đo trọng lượng thời cổ, một quân bằng 30 cân (0,5 kg).

    Về sau, người ta dùng thành ngữ này để chỉ tình thế nguy hiểm và nguy cấp.


    NHẤT KHÂU CHI LẠC.
    Cùng một duộc; Cùng loại mèo mả gà đồng.

    Thời Hán Tuyên đế, có một ông quan tên là Dương Hồn, tính tình chính trực liêm khiết, dám gây sự với bọn quyền quý.

    Một lần, ông được tin Thiên Vu (quốc vương) của Hung Nô bị ám sát, liền bình luận rằng: “Ông vua không biết nghe lời khuyên của tôi trung, thì sẽ rơi vào kết cục như vậy. Cũng như Tần Nhị Thế chỉ nghe lời nịnh hót của bọn gian thần, giết hại người trung lương, cuối cùng thân chết nước tan. Từ cổ đến kim, bọn đế vương đều cùng một giuộc cả.” (X. Hán thư: Dương Hồn truyện).

    Người đời sau dùng thành ngữ “nhất khâu chỉ lạc” (cáo hồ ở cùng một núi). Để chỉ loại người có tính cách như vậy, với nghĩa châm biếm.


    NHẤT Y ĐÁI THỦY.
    Cách mặt nhưng không cách lòng.

    Đầu đời Tùy, Tùy Văn đế đã có những chính sách tương đối tiến bộ. Lúc bấy giờ, Trung Quốc còn chưa thống nhất, nước Trần ở phía nam sông Trường Giang đối lập với triều Tùy ở phương Bắc. Trần hậu chủ, vua nước Trần, sống xa hoa dâm dật, phung phí tiền của của nhà nước, nhân dân khổ cực vô cùng. Tùy Văn đế xưa nay vẫn muốn tiêu diệt nước Trần, thống nhất nam bắc. Nhưng sau khi ông ta nghe tình hình nước Trần như vậy, nói: “Ta là cha mẹ của trăm họ, lẽ nào chỉ cách một con sông (Trường Giang) như giải áo mà không đi cứu trăm họ ở bên kia bờ nhỉ?” (X. Nam sử: Trần hậu chủ kí).

    Về sau dùng câu thành ngữ “nhất y đái thủy” (dòng sông như giải áo) để chỉ hai dân tộc, hai quốc gia cách nhau rất gần, nên quan tâm đến nhau và sống hữu hảo, hòa mục với nhau.


    NHẤT TỰ CHI SƯ.
    Ông thầy chữa một chữ.

    Nhà sư Tề Kỉ đời Đường thích làm thơ, khi viết chọn chữ rất cẩn thận.

    Một lần, ông làm một bài thơ tên là “Mai sớm” theo thể ngũ ngôn, có câu: “Thông trước trong tuyết dày, đêm qua mấy cành nở”, ông cầm bài thơ đến thỉnh giáo người bạn tên là Trịnh Cốc. Trịnh Cốc xem đi xem lại mấy lần, rồi nói: “Mấy cành không đủ biểu hiện được cái ý “sớm”, tốt nhất là chữa thành “một cành”. Tề Kỉ nghe xong rất phục, bèn chụa thành “một cành”. Mọi người gọi Trịnh Cốc là “Ông thầy chữa một chữ” (X. Đường thi kí sự).

    Trong lịch sử câu chuyện về “thầy một chữ” rất nhiều.

    Về sau người ta dùng điển cố này để chỉ người nào chữa văn thơ cho người khác, tuy chỉ có một chữ, nhưng ý khác hẳn.


    NHẤT TỰ THIÊN KIM.
    Một chữ nghìn vàng.

    Cuối đời Chiến quốc, tướng quốc nước Tần là Lã Bất Vi, nuôi rất nhiều môn khách. Lã Bất Vi ra lệnh cho họ cùng viết sách “Lã thị xuân thu”, nội dung bao gồm thiên văn, địa lý cổ kim, tình hình thái bình loạn lạc các nơi. Viết xong ông lệnh treo sách trước cổng thành của đô thành Hàm Dương, và tuyên bố ai có thể tăng giảm hoặc thay đổi một chữ sẽ thưởng nghìn vàng. Nhưng vì họ Lã quyền thế hiển hách, nên không ai dám thay đổi chữ nào để được thưởng. (X. Sử kí: Lã Bất Vi liệt truyện).

    Người đời sau dùng “một chữ nghìn vàng”, “vàng treo thành tần” để chỉ văn chương tinh tế.


    [...]
     
    Heoconmtv, lichan and cungcung like this.
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    ÐÀO NGUYÊN LẠC LỐI ÐÂU MÀ ÐẾN ÐÂY


    Sau khi du Thanh minh về, Kiều nằm mộng:

    Thoắt đâu thấy một tiểu kiều,
    Có chiều phong vận có chiều thanh tân.
    Sương in mặt tuyết pha thân
    Rước nàng đón hỏi dò la:
    Ðào nguyên lạc lối đâu mà đến đây?”

    (Câu 187 đến 192)​

    Và, nhân lúc cha mẹ và em vắng nhà, Kiều sang phòng văn của Kim Trọng:


    Lần theo núi giả đi vòng,
    Cuối tường dường có nẻo thông mới vào.
    Xắn tay mở khoá động Ðào,
    Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai”.

    (Câu 389 đến 392)​

    "Ðào nguyên", "động Đào" hay "động Bích" chỉ nơi tiên ở cũng như "Thiên thai".

    Theo "Ðào hoa nguyên ký" của Ðào Tiềm (365 - 427), một nhà thơ văn đời Ðông Tấn, có một ngư phủ huyện Vũ Lăng, một hôm chèo thuyền đi ngược theo bờ suối. Càng đi xa chừng nào thì thấy càng có nhiều hoa đào trôi theo dòng nước đổ xuống. Ðến một quãng bỗng thấy trước mặt hiện ra một rừng đào. Hoa đào đỏ rực rỡ làm cho ngư phủ càng thấy say sưa, thích thú. Ðịnh có người ở gần đấy nên bỏ thuyền lên bờ. Vượt qua rừng đào đến một ngọn núi, dưới chân núi có một cái hang nhỏ hẹp vừa một người chui được, bên trong thấy thoáng có ánh sáng.

    Gợi tính tò mò, ngư phủ lách mình vào cửa hang. Lúc đầu cửa hang còn hẹp, sau rộng dần. Rồi cả một thế giới hiện ra: ruộng vườn tươi tốt, thôn ấp, nhà cửa liên tiếp nhau. Gà gáy, chó sủa nghe rõ mồn một. Trai gái đều say sưa công việc đồng áng. Trên mặt mọi người hiện vẻ vui tươi, chất phát, hồn nhiên. Người già, trẻ con đều có vẻ ung dung, thanh thản. Họ thấy ngư phủ thì lấy làm kinh ngạc hỏi làm sao đến được chốn này? Ngư phủ trình bày sự thật. Các phụ lão đem vợ con ra chào mừng khách lạ, dọn cơm rượu thịnh soạn đãi đằng. Ngư phủ ăn uống lấy làm ngon lạ, vì tuy cơm rượu mà tính chất khác thường. Các phụ lão lại nói: "Ðây là động Ðào nguyên. Tổ tiên chúng tôi tránh họa đời Tần, đem cả gia đình vào ở đây, từ đó cách biệt với bên ngoài. Hiện nay chúng tôi không biết có nhà Hán, huống chi là nhà Nguỵ, nhà Tấn".

    Cuối cùng họ dặn ngư phủ: sau khi ra khỏi chốn này, xin đừng cho ai biết có họ ở đây.

    Lão ngư phủ ở chơi một hôm rồi cáo biệt.

    Từ đời nhà Tần (221 trước D,L) đến nhà Tấn (419 sau D.L) mà họ đến đây tránh nạn kể ra có trên 600 năm. Ngư phủ cho mình may mắn gặp được tiên. Khi trở về nhiều người đến thăm hỏi, trước đó còn tìm cách dấu quanh. Nhưng cuối cùng, chuyện thấu đến quan Thái thú sở tại, ngư phủ đành phải thuật cả việc lại. Có tính hiếu kỳ, viên Thái thú sai người đi theo ngư phủ tìm lại động Ðào nguyên nhưng bị lạc đường đành phải trở về.

    Nước ta có chuyện "Ðộng Bích Ðào".

    Ðộng ở xã Trị Nội, huyện Nga Sơn, bên mặt núi Trần Phù thuộc tỉnh Thanh Hoá. Tương truyền đời nhà Trần, niên hiệu Quang Thái (1388 - 1398) có ông Từ Thức làm quan Tể huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh). Bên cạnh huyện có một ngôi chùa có trồng một cây mẫu đơn. Mỗi khi nở hoa thì người các nơi đổ đến, xe ngựa dập dìu làm thắng hội thưởng hoa.

    Trong khi mọi người nhìn ngắm hoa đẹp, bỗng có một thiếu nữ dung nhan diễm lệ bước đến, đưa tay ve vuốt lấy hoa. Nhưng chẳng may khi vịn lấy một cành thì cành giòn bị gãy. Người giữ hoa giữ nàng lại, bắt đền. Nàng không có vật gì đền. Và, mãi đến tối cũng không có người quen đến nhận. Nàng khóc. Từ Thức thấy thế động lòng thương xót, liền cởi áo bạch cẩm cừu đưa cho nàng chuộc tội, để được thả về.

    Một thời gian sau vì không muốn ràng buộc bởi lợi danh, Từ Thức trả ấn từ quan về ở huyện Tống Sơn. Rồi ngày ngày, Từ với một con thuyền, một bầu rượu, túi thơ chu du khắp danh lam thắng cảnh. Một hôm nhìn thấy cửa biển Thần Phù có đám mây năm sắc kết tụ hình hoa sen, Từ vội chèo thuyền đến, thấy một hòn núi rất đẹp, lòng sinh cảm khái, nhân đề một bài thơ:

    “Thiên chương bích thụ quải triêu đôn,
    Hoa thảo nghinh nhân nhập động môn.
    Nhiễu giản dĩ vô tăng thái dược,
    Diêm lưu thặng hữu khách tầm nguyên.
    Lữ du tư vị cầm tam long,
    Điếu đỉnh sinh nhai tửu nhất tôn.
    Nghĩ hướng Vũ lăng ngư tử phủ vấn,
    Triều lai viễn cận chung đèo thôn”.​

    Tạm dịch:

    “Đầu cành thấp thoáng bóng kim ô,
    Hoa động vui mừng đón khách vô.
    Cạnh suối nào là người hái thuốc ?
    Quanh nguồn chỉ có gã bơi đò.
    Xênh xang ghế mát đàn ba khúc,
    Đỉnh đủng thuyền câu rượu một vò.
    Ướm hỏi Vũ Lăng chàng đánh cá,
    Làng đào đâu đó cách chừng mô”.


    (Bản dịch của TRÚC KHÊ)​

    Từ đề thơ xong nhưng bỡ ngỡ chưa biết đường nào đi, thoạt thấy vách đá tách mở ra một chỗ tròn khoảng trên một thước. Từ đi bộ chen mình vào, nhưng được vài bước thì vách đá khép kín lại. Ði được vài dặm thấy sườn đá đứng thẳng như bức tường. Từ lần leo lên, mỗi bước thấy đường càng rộng. Ðến chót núi thì thấy có ánh mặt trời chiếu xuống. Nhìn quanh bốn phía thấy một dãy lâu đài cực kỳ lộng lẫy như tranh vẽ. Từ đương lấy làm ngạc nhiên, bỗng thấy có một đồng nữ áo xanh đến bảo:

    – Phu nhân tôi xin mời tướng công vào!

    Từ mừng rỡ vâng lời. Thẳng vào thì thấy một phu nhân đương ngồi trên giường chạm thất bảo (1), bên cạnh có đặt một cái tháp nhỏ bằng đàn hương. Phu nhân mời Từ ngồi ung dung bảo:

    – Ðây là hang động thứ sáu trong số 36 động ở Phù Lai. Ta đây là Ngụy phu nhân địa tiên Nam nhạc, nghe nhà ngươi có cao nghĩa hay cứu trợ người khốn đốn nên mới cho rước đến đây.

    Ðoạn, phu nhân gọi một cô gái đến.

    Từ liếc nhìn, nhận ra là thiếu nữ làm gãy hoa ngày trước. Phu nhân chỉ cô gái, bảo Từ:

    – Ðó là con ta tên Giáng Hương. Khi truớc nhờ ngươi cứu việc làm gãy hoa, ơn ấy không quên nên ta muốn kết làm giai ngẫu để trả.

    Từ rất vui mừng. Ngay trong đêm ấy, phu nhân truyền thắp đèn mở phụng, trải phụng, trải chiếu vũ rồng, cho Từ cùng Giáng Hương làm lễ giao bôi.

    Thấm thoát đã được một năm. Nhưng cảnh tiên không khuây khoả được lòng trần, Từ bỗng dưng động lòng nhớ cố hương nên ngỏ ý với Giáng Hương cho về thăm. Biết không giữ được, nàng đành thưa với mẹ. Phu nhân biết Từ còn nặng lòng trần nên bằng lòng, cho Từ một chiếc xe bằng mây "Cẩm xa vân" để đưa về. Riêng Giáng Hương giao cho Từ một phong thư, dặn về đến nhà hãy mở ra xem.

    Ðến nhà, nhìn quanh cảnh cũ không còn như xưa, thành quách nhân dân không còn như trước, duy cảnh núi sông thì còn như độ nào. Từ đem tên họ mình mà hỏi thăm người già, thì có người bảo:

    – Thuở tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng tên họ như ổng, đi vào núi mất đến nay có gần trăm năm rồi.

    Từ Thức bấy giờ mới bỡ ngỡ, bùi ngùi, muốn lên xe mây để về chốn cũ thì xe đã hoá thành con trường loan bay mất. Buồn tủi, Từ mở thư của Giáng Hương xem, chỉ có câu ngắn ngủi: "Kết loan lữ ư vân trung, tiền duyên dĩ đoạn; phỏng trên sơn ư hải thượng, hậu hội vô nhân". (Kết bạn loan trong mây, duyên trước đã dứt, tìm núi tiên ở trên biển, hội sau khôn cẩu). Ý nói, duyên trước kết đôi loan phụng cùng nhau nay đã đoạn tuyệt rồi; ngày sau muốn tìm lại núi tiên cũng không được nữa.

    Tuyệt vọng hoàn toàn. Từ đó, Từ Thức mặc áo Khinh cừu, đội nón lá vào núi Hoàng Sơn ở huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hoá) rồi biệt tích.

    Ðào nguyên, Ðộng Ðào, Thiên Thai (2), động Bích là tiên cảnh, nơi tiên ở... dùng lối thậm xưng để chỉ chỗ ở xinh đẹp, thanh cao.

    ________

    (1) Thất bảo bảy thứ quý gồm san hô, hổ phách, xà cừ, mã não, kim ngân, trân châu, lưu ly. Gường nạm bảy vật báu này.

    (2) Xem bài sau: “Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên thai”.
     
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    TAY TIÊN MỘT VẪY ĐỦ MƯỜI KHÚC NGÂM


    Sau khi du Thanh minh về, Kiều nhớ đến nấm mồ vô chủ của Đạm Tiên càng cảm thấy một nỗi buồn man mác xâm chiếm cõi lòng. Nghĩ phận người lại nghĩ phận mình, hay kiếp hồng nhan rồi phải chung một mạng bạc. Đêm đến, Kiều nằm mộng thấy Đạm Tiên đến nói chuyện với mình. Đoạn nầy, “Truyện Kiều” có câu:

    Hàn gia ở mé tây thiên,
    Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu.
    Mấy lòng hạ cố đến nhau,
    Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng.
    Vâng trình hội chủ xem tường,
    Mà xem trong sổ Đoạn trường có tên.
    Âu đành quả kiếp nhân duyên,
    Cùng người một hội, một thuyền đâu xa!
    Này mười bài mới mới ra,
    Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời.
    Kiều vâng lĩnh ý đề bài,
    Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm”.

    (Câu 195 đến câu 206)​

    “Mười bài mới mới ra” tức là mười đề thơ của Hội chủ hội Đoạn trường mới ra cho các hội viên làm. Nay đưa cho Kiều làm. Theo nguyên truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, thì mười đề ấy là: 1.- Tích đa tài (tiếc người đa tài), 2.- Liên bạc mạng (xót người bạc mạng), 3.- Bi kỳ lộ (buồn chia đường), 4.- Ức cố nhân (nhớ ngưới xưa), 5.- Niệm nô Kiều (nhớ cô hầu), 6.- Ai thanh xuân (thương tuổi xanh), 7.- Ta kiển ngộ (than vận rủi), 8.- Khổ linh lạc (khổ suy tàn, 9.- Mộng cố viên (mơ quê nhà), 10.- Khốc tương tư (khóc tương tư).

    Với mười đầu đề, Kiều lấy giấy bút viết thao thao bất tuyệt. Chỉ trong giây lát, đủ mười bài từ khúc theo lối hồi văn.

    1. – Tiếc đa tài.

    Tờ oanh (1) nỡ bỏ hoài,
    Hợp hoan ngày tháng phổ cho ai ?
    Tương tư mình gác để ngày mai.
    Để ngày mai!
    Tiếc cho tài!

    2. – Xót bạc mạng.

    Đêm đêm một mình lạnh,
    Nhà vàng nghe nói để A kiều.
    (2)
    Một mặt nghe chừng khó hân hạnh.
    Khó hân hạnh!
    Xót bạc mạng!

    3. – Buồn chia đường.

    Khúc đường quanh co thực khổ đi,
    Đường khổ chưa bằng lòng em khổ !
    Một bước sai thì ngàn bước lỡ !
    Ngàn bước lỡ
    Buồn chia đường!

    4. – Nhớ người xưa.

    Tóc bạc nhưng tình vẫn chưa thân,
    Cần gì trước phải lên tận mây xanh.
    Ngồi xe đội nón mới là chân.
    (3)
    Mới là chân.
    Nhớ cố nhân!

    5. – Nhớ cô hầu.

    Soi gương hồn biến đâu?
    Ta thấy ai vẫn còn than thở!
    Son phấn thôi đừng giễu cợt nhau.
    Giễu cợt nhau.
    Nhớ cô hầu.

    6. – Xót tuổi xuân.

    Cành hoa giống mỹ nhân,
    Xuân sắc núi rừng ôi đẹp đẽ.
    Muốn mượn mưa xuân tưới hoa thần.
    Tưới hoa thần,
    Xót tuổi xuân!

    7. – Than vận rủi.

    Giấc mơ tỉnh rồi đó,
    Đâu phải gặp ai cũng kêu thương.
    Chỉ vì lầu son lối chưa tỏ.
    Lối chưa tỏ,
    Than vận rủi!

    8. – Khổ suy tàn.

    Thân nầy hết đường bước,
    Lìa cành hoa rụng khắp đông tây.
    Nhạn lạc đàn bay quanh hiên trước
    Quanh hiên trước,
    Khổ suy tàn!

    9. – Mơ quê nhà.

    Hồ về cậy ai đưa?
    Cảnh cũ cúc tùng không thấy nữa,
    Mây trắng cỏ thơm lặng như tờ.
    Lặng như tờ,
    Nhớ quê nhà!

    10. – Khóc tương tư.

    Nghẹn ngào đã lắm khi
    Lòng đau không giữ nổi tiếng khóc,
    Đất cũ tình thâm luống sầu bi.
    Luống sầu bi,
    Khóc tương tư!

    Kiều viết xong, trao lại cho Đạm Tiên. Xem qua, Đạm Tiên tấm tắc khen:

    – Quả thực mỗi chữ khác gì ôm khối hận. Nếu đem vào tập “Đoạn trường”, chắc chắn sẽ đoạt giải nhứt! (4)

    Đoạn nầy trong “Truyện Kiều” có câu:

    “Xem thơ nức nở khen thầm:
    Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường
    Ví đem vào tập Đoạn Trường
    Thì treo giải nhất chi nhường cho ai”.

    (Câu 207 đến câu 210)​

    ______

    (1) Giấy có vẽ hình chim oanh để dùng viết thư, thơ.

    (2) Vua Hán Võ đế lúc còn nhỏ ao ước nếu lấy được nàng A Kiều, sẽ đúc nhà vàng cho nàng ở.

    (3) Cổ thi: “Anh đi xe, tôi đội nón, ngày khác gặp nhau xuống xe đón”. Ý nói đã là bằng hữu thì người sang không khinh bạn nghèo.

    (4) “Kim Vân Kiều Truyện” của Thanh Tâm tài Nhân – Theo bản phiên dịch và nhuận chính của Tô Nam và Hàm Cổ.


    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/6/16
    Heoconmtv, lichan and teacher.anh like this.
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    NHÀ HUYÊN – MẠCH TƯƠNG


    Kiều nằm mộng thấy Đạm Tiên đến trao hoạ mười bài thơ “Đoạn trường”, lúc tỉnh dậy nhớ đến lời nói của Đạm Tiên và nghĩ đến thân phận duyên kiếp của mình, tương lai sẽ ra sao nên sụt sùi:

    “Giọng Kiều rền rĩ trướng loan,
    Nhà huyên chợt tỉnh hỏi cơn cớ gì?
    “Cớ sao trằn trọc canh khuya,
    Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa?”
    Thưa rằng: “Chút phận ngây thơ,
    Dưỡng sinh đôi nợ tóc tơ chưa đền.
    Buổi ngày chơi mả Đạm Tiên,
    Nhắp đi thoắt thấy ứng điềm chiêm bao.
    Đoạn trường là sổ thế nào,
    Bài ra thế ấy vịnh vào thế kia.
    Cứ trong mộng triệu mà suy.
    Phận con thôi có ra gì mai sau!”
    Dạy rằng: “Mộng triệu cứ đâu,
    Bỗng không mua não chuốc sầu nghĩ nao!”
    Vâng lời khuyên giải thấp cao,
    Chưa xong điều nghĩa đã dào mạch Tương”.

    “Nhà huyên chợt tỉnh hỏi cơn cớ gì ?”

    “Nhà huyên” tức là “huyên đường”, là nhà trồng cây huyên, do phép chuyển nghĩa dùng để chỉ người mẹ. Có những câu:

    “Ngoài thì chủ khách dập dìu,
    Một nhà huyên với một Kiều ở trong?”

    (Câu 873 đến 874)

    “Thưa nhà huyên hết mọi tình,
    Nỗi chàng ở bạc nỗi mình chịu đen”.

    (Câu 1607 đến 1608)

    “Xót thay huyên cỗi xuân già,
    Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi!”

    (Câu 2237 đến 2238)​

    Huyên là một giống cỏ, tục gọi là cây hiên (hoa gọi là hoa hiên hay Kim châm), còn có tiếng gọi văn vẻ “vong ưu thảo”, cho rằng ăn nó giải được nỗi buồn phiền. Huyên được dùng để chỉ người mẹ do chữ trong Kinh thi: “Yên đắc huyên thảo, ngôn thụ chi bối”, nghĩa là: ước gì được cây hoa hiên trồng ở chái phía bắc (chỗ mẹ ở). Theo phương hướng kiến trúc Trung Hoa là chái nhà phía bắc gọi là “bắc đường”. Những việc tế tự lễ bái thì địa vị người mẹ ở bắc đường có trồng cỏ huyên nên gọi là “huyên đường”. Cỏ huyên có tên “Vong ưu thảo” được nói lên vai trò của người mẹ đối với con, thường gần gũi bên con, an ủi vỗ về khi con có điều đau khổ.

    Nghe mẹ khuyên, Kiều chưa biết nghĩ ra thế nào cho phải thì nước mắt lại dào dạt ra “chưa xong điều nghĩ đã dào mạch Tương”, “Mạch Tương” chỉ nước mắt.

    Theo truyền thuyết đời Thượng cổ Trung Hoa, ông Thuấn họ Hữu Ngu vốn là người hiền đức. Tương truyền mẹ ông nằm mộng thấy cầu vồng (cái xuống) xuất hiện, màu sắc rực rỡ rồi tượng thai. Nhưng mẹ mất sớm. Cha là Cổ Tẩu có vợ khác, sinh một con tên là Tượng. Cha và mẹ ghẻ cả Tượng đều ghét ông Thuấn. Nhiều lúc Cổ Tẩu nghe lời vợ, tìm cách mưu hại ông. Có lần bảo ông lên lợp chòi nhà, lại rút cầu thang rồi phóng lửa đốt, ông sáng ý lột nón lá đội đầu cầm tay nhảy xuống, thoát nạn…

    Đày đoạ ông, Cổ Tẩu bảo ông đến cạnh núi lịch, cày vỡ đất để trồng lúa. Ông tuân theo lịnh cha. Nơi đây toàn đá sỏi, cỏ lác… sức ông có hạn, nhưng lòng hiếu đạo của ông cảm động lòng trời nên có voi ra cày giúp, chim từng bầy đáp xuống mổ bứt cả cỏ, làm cho Cổ Tẩu không lấy cớ gì để làm tội ông. Ông không oán hận cha, mẹ ghẻ và em mà vẫn một lòng giữ đạo hiếu để. Do đó, dần dần ông cảm hoá được cả gia đình, bấy giờ cả cha, mẹ ghẻ và Tượng trở lại thương mến ông.

    Vua Nghiêu (2357 – 2257 trước D.L) có chín trai hai gái, muốn tìm người hiền đức để kế vị. Nghe ông Thuấn là bực đại hiền nên cho vời đến truyền ngôi và gả hai người con gái Nga Hoàng và Nữ Anh cho ông, tức vua Thuấn hay Đế Thuấn (2256 – 2208).

    Vua Thuấn là một người đức hạnh lại có tài trị nước. Cho nên từ quan lại đến dân chúng, mỗi đêm khi nghe gà gáy sáng là vội vàng thức dậy để làm điều lành (Thuấn chi đồ kê minh vi thiện). Ông dùng những người có tài đức như ông Võ, ông Tiết, ông Cao Dao, ông Ích, ông Khí… để trông coi mọi việc. Từ vua Nghiêu đến vua Thuấn, đời rất bình trị. Nhà nhà đều không cần đóng cửa, không trộm cướp, của đánh rơi ngoài đường không bị mất, trai gái đi đường có trật tự, trẻ kính già, già mến trẻ… Sử Trung Hoa gọi là thời đại Hoàng Kim.

    Vua Thuấn sai ông Võ trị thuỷ (đào kinh, tháo nước lụt sông Hoàng Hà) thành công (1) nên dân rất mang ơn. Cũng như vua Nghiêu, vua Thuấn không truyền ngôi cho con (2), thấy ông Võ có công và có đức nên truyền ngôi (2205 – 2197 trước D.L).

    Vua Thuấn đi tuần thú đất Thương ngô ở miền sông Tương không may bị bịnh chết. Hai người vợ là Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm vua đến bến sông Tương, ngồi bên bờ sông khóc lóc thảm thiết rồi trầm mình dưới sông tự tử.

    Truyện Kiều”, đoạn diễn tả khi Kiều bị Hoạn Thư, vợ của Thúc Sinh âm mưu bắt Kiều về làm hoa nô, rồi bắt buộc Kiều đánh đàn hầu tiệc trước mặt Thúc Sinh, khiến Thúc Sinh đau lòng, có câu:

    “Giọt châu lã chã khôn cầm,
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương!”

    (Câu 1857 đến 1858)​

    Trong tác phẩm “Bích câu kỳ ngộ”, tác giả Vô Danh, đoạn diễn tả Tú Uyên tương tư nàng Giáng Kiều, cũng có câu:

    “Ỏi tai những tiếng đoạn trường,
    Lửa tình dễ nguội sóng Tương khôn hàn.”

    Mạch Tương, sông Tương, giọt Tương đều chỉ nước mắt cũng như “giọt châu” (giọt châu lã chã khôn cầm).

    ______

    (1) Sử chép: ông Võ tận tâm với công việc trị thuỷ suốt 13 năm trời, đến nỗi ba lần đi ngang qua nhà mà không ghé thăm. Dân bảo nhau: nếu không có ông thì họ sẽ… thành cá hết cả.

    (2) Những chuyện nhường ngôi là do nhà Nho có ý muốn ca tụng, đề cao đời xưa gọi là thuyết “Truyền hiền” với quan điểm nhân trị.

    Sự thực, dân tộc Trung Hoa thời đó còn ở trong chế độ thị tộc. Các thị tộc hợp nhau thành bộ lạc rồi công cử một người tù trưởng. Dưới chế độ mẫu hệ, cha làm tù trưởng không được truyền cho con. Sau vua Võ lập thành nhà Hạ (2205 – 1767) truyền ngôi cho con mà không truyền ngôi cho người hiền, tức là chế độ mẫu hệ chuyển sang phụ hệ. (Theo “Trung Hoa sử cương” của Đào Duy Anh và “Lịch sử Thế giới” của Thiên Giang và Nguyễn Hiến Lê).


    [...]
     
    lichan, Heoconmtv and teacher.anh like this.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    NHẤT KHUYỂN PHỆ HÌNH, BÁCH KHUYỂN PHỆ THANH.
    A dua phụ họa.

    Trong thiên “Hiền Nan” sách “Tiềm phu luận” của Vương Phủ đời Hán có ghi một câu ngạn ngữ như trên.

    Ý là: Lúc đầu một con chó nhìn thấy cái bóng (của người, của vật) bèn sủa lên, những con chó khác thấy thế cũng sủa theo.

    Sau dùng để chỉ sự a dua phụ họa, thấy người ta nói cũng nói theo.


    NHẤT NHẬT TAM THU.
    Một ngày ba thu.

    Có một bài dân ca thời Tiên tần miêu tả người con trai nhớ nhung người con gái hái rau như sau: “Người ấy hái rau hào hè, một ngày không thấy mặt, dài tựa ba thu hề” (X. Kinh Thi: Vương phong: Thái Cát).

    Người đời sau thu gọn lại thành “nhất nhật tam thu”, để chỉ tình cảm nhớ thương của trai gái, một ngày xa nhau như đã xa nhau 3 năm rồi.


    NHẤT NHẬT THIÊN LÍ.
    Một ngày nghìn dặm.

    Thời Chiến quốc, nước Tần mang quân đi đánh nước Triệu, Ngụy, Yên, v.v… Khi quân Tần kéo đến gần biên cương nước Yên, vì nước Yên nhỏ thế yếu, quân dân trên dưới đều lo trước nạn mất nước, thái tử Yên càng lo lắng, về sau thầy dạy cũ của thái tử tên là Cúc Vũ giới thiệu cho thái tử một người tên là Điền Quang, nói là có thể bàn bạc với ông ta để đối phó với quân Tần. Nhưng Điền Quang lại nói với thái tử: “Tôi nghe nói ngựa tốt trong thời kì sung sức có thể một ngày đi ngàn dặm, nhưng đến lúc về già thì không bằng con ngựa tồi. Bây giờ tôi già rồi, tôi xin tiến cử Kinh Kha cho thái tử”. (X. Sử kí: Thích khách biệt truyện).

    Thành ngữ này cũng thấy trong “Tuân tử: Tu thân” và “Trang tử: Thu thủy”.

    Sau người ta dùng để chỉ sự nghiệp phát triển mau lẹ hoặc sự tiến triển vượt bực của con người.


    NHẤT KIẾN NHƯ CỐ.
    Mới gặp đã quen; như gặp bạn cũ.

    Câu thành ngữ này bắt nguồn từ câu ngạn ngữ thời Chiến quốc: “ Quen nhau đã lâu, nay đến bạc đầu vẫn như mới quen nhau: hai người ngồi hai xe, mới gặp nhau đã chuyện trò thân mật như đã quen từ lâu”.

    Ý nói có những người từ nhỏ đã quen nhau, nay đến bạc đầu mà vẫn chưa hiểu nhau, như mới quen lần đầu; hai xe của hai người giữa đường gặp nhau đã trò chuyện tâm đầu ý hợp như bạn cũ vậy. (X. Sử kí: Lỗ Trọng Liên, Trâu Vương biệt truyện).

    Người ta lấy nửa sau của câu ngạn ngữ làm nên thành ngữ “Nhất kiến như cố”, hình dung hai người mới gặp lần đầu đã như bạn cũ vậy, rất tâm đầu ý hợp.


    NHẤT KIẾN CHUNG TÌNH.
    Mới gặp đã yêu.

    Đời Tấn có một người tên là Vương Nhung, con nhỏ anh ta chết, rất đau khổ. Bạn anh ta đến an ủi, thấy anh ta quá đau khổ, liền nói: “Nó còn nhỏ tuổi, hà tất phải đau khổ đến như vậy”. Vương Nhung đáp: “Thánh nhân mới quên được tình cảm, phàm mọi sự đều không liên quan đến tình cảm. Còn việc chung tình, chính là của con người bình thường chúng ta”. (X. Thế thuyết tân ngự: Thương thệ). “Chung” là tập trung. “Chung tình” là tập trung tình cảm vào một người.

    Sau thành ngữ nay chỉ ý một người vừa nhìn thấy ai hoặc sự vật nào đó thì có cảm tình ngay, và thường chỉ tình cảm giữa nam nữ.


    [...]
     
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    BÁC NHI BẤT TINH
    博而不精
    (HỌC RỘNG NHƯNG KHÔNG CHUYÊN)


    XUẤT XỨ

    Phần“Mã Dung truyện”, trong sách Hậu Hán thư có câu: “Ông họ Giả chuyên tinh nhưng không rộng, ông họ Trịnh học rộng nhưng không tinh” (Giả quân tinh nhi bất bác, Trịnh quân bác nhi bất tinh).

    GIẢNG NGHĨA

    Câu này có nghĩa là học thức quảng bác rộng rãi mà không chuyên tinh về một vấn đề gì.

    ĐIỂN TÍCH

    Trịnh Chúng (không rõ năm sinh – mất năm 83) tên tự Trọng Sư, con trai của Trịnh Hưng, kinh học gia trứ danh đời Đông Hán, cuối đời Trịnh Hưng chuyên tâm nghiên cứu sách “Tả thi Xuân thu” bản lãnh cực sâu sắc, được nhiều học giả đương thời bái làm thầy. Bắt đầu từ năm 12 tuổi, Trịnh Chúng đã theo cha cẩn thận học bộ kinh điển nổi tiếng ấy. Ngoài bộ “Tả thị Xuân thu”, Trịnh Chúng còn học rộng đến các bộ “Chu Dịch”, “Mao thi”, “Chu lễ” và các trứ tác khác, ông còn nghiên cứu cả lịch pháp, vì vậy ngay tử khi còn rất trẻ, ông đã nổi tiếng có học thức uyên bác trong giai cấp sĩ phu.

    Khoảng niên hiệu Kiến Võ đời Quang Võ đế (từ năm 25 đến năm 55) vì ngưỡng mộ tài học của Trịnh Chúng, hoàng thái tử Lưu Cương và Sơn Dương vương Lưu Kinh sai Hổ bôn trung lang tướng Lương Tùng đem theo vàng bạc đến kết giao hi vọng lung lạc ông. Được hoàng thái tử trọng vọng như vậy là cơ hội tiến thân rất tốt, nhưng Trịnh Chúng lại khác, ông nói với Lương Tùng: “Hoàng thái tử là người sẽ nối ngôi đế, Sơn Dương vương là chư hầu tôn quý, đều không nên âm thầm kết giao tân khách, đây là điều vi phạm cấm lệnh, tôi rất tiếc không dám vâng mệnh”. Lương Tùng trầm nét mặt, giọng nói uy hiếp: “Đây là ý muốn của hai vị trưởng giả, ông không nên làm trái!”. Trịnh Chúng không khuất phục, trả lời: “So với tội vi phạm cấm lệnh, thà tôi cứ giữ chính đạo mà chết!”. Lương Tùng không ép buộc được Trịnh Chúng, đành trở về bẩm báo với hoàng thái tử và Sơn Dương vương, họ đành bỏ qua việc kết giao này.

    Lương Tùng là con rể của Quang Võ đế, xưa nay vẫn được tin yêu. Tùng dựa vào thân phận và địa vị ấy kết giao khá nhiều tân khách, kết nạp kẻ thân tín kiếm nhiều lợi riêng. Những hành vi ấy của Tùng sau này bị bại lộ, Tùng bị bãi chức. Mất chức, Lương Tùng rất căm hận. Năm 61, Tùng lén lút viết mốt bức thư nặc danh phỉ báng triều đình, sự việc bại lộ, Tùng lập tức bị bắt giữ, ít lâu sau chết trong ngục. Do vì bình thường Lương Tùng giao du rất rộng nên hki triều đình tra xét tội của Tùng khá đông người bị liên lụy tới. Trịnh Chúng từng có lần được Lương Tùng mang vàng bạc đến thăm, theo lẽ cũng bị tra cứu, nhưng các quan viên đều biết thái độ cương quyết cự tuyệt của Trịnh Chúng, nên không ai dám nghi ngờ ông.

    Trịnh Chúng từng giữ chức Việt kỵ Tư mã đi sứ sang Hung Nô, sau này được thăng làm Thái thú Võ Uy (nay thuộc Cam Túc) lập được nhiều chính tích. Những lúc rảnh việc công, ông dạy học trò các bộ “Mao thi” “Chu lễ”, nhưng tinh lực chủ yếu của ông dồn vào công trình chú giải bộ “Tả thị Xuân thu”. Sau khi bản “Tả thị Xuân thu chú” của Trịnh Chúng hoàn thành nó được lưu truyền ra và được đánh giá cao ngang với bộ “Tả thị Xuân thu chú” khác của kinh học gia Giả Quỳ.

    Đương thời còn có một đại kinh học gia là Mã Dung có tên tuổi lớn nhất lúc ấy viết phần chú giải các sách “Chu Dịch”, “Thượng thư”, “Thi kinh”, “Tam lễ”, “Luận ngữ”, “lão tử”, “Hoài Nam tử”. Sau này, Mã Dung còn nghiên cứu sâu bộ “Tả truyện”, chuẩn bị viết bộ “Tả thị Xuân thu chú”. Trước khi chú giải bộ này, Mã Dung đọc kỹ hai bản chú giải của Trịnh Chúng và Giả Quỳ rồi nhận định: “Chú giải của Giả Quỳ chuyên tinh nhưng không rộng, chú giải của Trịnh Chúng rộng nhưng không chuyên tinh. Nếu như vừa tinh chuyên vừa rộng được thì ta làm sao vượt qua họ nổi”. Kỳ thực, 2 bản chú giải của Trịnh Chúng và Giã Quỳ đều có sở trường riêng, hợp cả 2 bộ lại sẽ bổ khuyết những chỗ thiếu sót của nhau.

    Câu phê bình của Mã Dung sau này được thu gọn thành thành ngữ “Bác nhi bất tinh”.

    [...]
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/6/16
    lichan, Heoconmtv and teacher.anh like this.
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    ÁO GẤM ĐI ĐÊM


    Gấm là thứ hàng dệt bằng tơ nhiều màu có hình hoa lá sặc sỡ. Thời trước, gấm là một trong những thứ vải quý hiếm, thường dùng để may áo. Vì vậy áo gấm (áo may bằng vải gấm) được coi là biểu tượng của sự giàu sang, phú quý trong sự đối lập với áo rách biểu tượng của sự nghèo hèn. So sánh:

    "Chồng em áo rách em thương
    Chồng người áo gấm xông hương mặc người"

    Hơn thế nữa, áo gấm còn biểu trưng cho sự thành đạt trong học hành, thi cử. Những người học trò sau các kỳ thi hương, thi hội trở về quê (vinh quy bái tổ) đều mặc áo gấm để tỏ rõ sự thành đạt, công thành danh toại của mình trước họ hàng, trước làng nước. Nhân dân ta hay nói: áo gấm mặc về chính là nói về sự đỗ đạt trong thi cử, một mong ước chính đáng của những người lều chõng đi thi:

    "Cũng đừng áy náy lòng quê
    Bao giờ áo gấm mặc về mới thôi"

    (Phan Trần)​

    Áo gấm chỉ mặc ban ngày mới được mọi người nhận thấy sự rực rỡ của nó. Đối với người giàu có, sự rực rỡ của áo gấm phô bày cho thiên hạ biết anh ta thuộc hạng người lắm tiền, nhiều của. Đối với các chàng học trò sau khi thi trở về, áo gấm mách bảo cho mọi người về sự đỗ đạt của anh ta. Ấy thế mà mặc áo gấm ban đêm, đi trên đường làng thuở trước với khung cảnh tối tăm mù mịt như thế thì ai hay biết, ai phân biệt gấm vóc với các thứ vải khác được. Trong Hán sử có câu "phú quý bất quy cố hương như cẩm y dạ hành" (giàu sang mà không trở về quê thì cũng như mặc áo gấm đi đêm).

    Thành ngữ này được dùng trong tiếng Việt với hai nghĩa: (1) Của quý mà không dùng đúng lúc, đúng chỗ thì cũng hoài phí (giống như mặc chiếc áo gấm - loại áo may bằng vải gấm, biểu tượng cho sự giàu sang trước đây mà đi trong đêm thì ai nhìn thấy được, nên nó cũng giống như mọi áo may bằng vải thường khác mà thôi). (2) Lối khoe khoang, phô trương sự giàu có một cách kệch cỡm, không phải lối, không tương hợp với hoàn cảnh hay chính con người đó.

    Những điều phân tích, luận giải ở trên cũng cho thấy, đối lập với thành ngữ áo gấm đi đêm là thành ngữ áo gấm ban ngày. Cũng vậy, trái với gấm đêm (dạng rút gọn của áo gấm đi đêm) là gấm ngày (dạng rút gọn của áo gấm ban ngày):

    "Vẻ vang rực rỡ gấm ngày
    Ai ai chẳng muốn bạn bần với tiên"

    (Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Thiện)​


    (Theo Kể chuyện Thành ngữ Tục ngữ. Viện Ngôn ngữ học, 1988).​
     
    Last edited by a moderator: 8/6/16
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    CHẠY NHƯ CỜ LÔNG CÔNG


    Thành ngữ “chạy như cờ lông công” trước hết được hiểu là “chạy rối rít, chạy loạn xạ”... Thành ngữ “chạy như cờ lông công” còn có một sắc thái nghĩa nữa là “chạy rông, chạy rối rít, chạy không đạt kết quả gì”.

    Cờ là biểu tượng cho một quốc gia, một dân tộc, một tổ chức, một ngành nghề thậm chí còn là tín hiệu cho một mệnh lệnh. Cờ thường được làm bằng vải, nhưng cũng có khi bằng lông chim, lông thú, đôi khi còn được làm bằng cành cây giống như cờ bằng bông lau của Đinh Bộ Lĩnh ngày trước.

    Cờ lông công trong thành ngữ “chạy như cờ lông công” là cờ làm bằng lông con công. Đây là loại cờ hiệu của những người lính trạm xưa kia, thường dùng khi chạy công văn hoả tốc.

    Ngày nay, ngoài việc truyền đạt các mệnh lệnh, công văn bằng các vô tuyến, hữu tuyến, người đưa tin còn được sử dụng các phương tiện giao thông khác như máy bay, ô tô, xe lửa...

    Nhưng ngày xưa, công việc này chỉ được thực hiện nhờ sức người và sức ngựa. Vì vậy, nhà nước phong kiến mới đặt ra các trạm và tuyển mộ các loại lính trạm, phu trạm. Từ trạm nọ đến trạm kia là một cung đường. Thông thường, người lính trạm khi chạy công văn hoả tốc phải vượt hai đến ba cung đường trong một ngày. Người đời nhìn thấy cờ hiệu lông công của những người lính trạm ở khắp các nẻo đường của Tổ quốc. Bao giờ họ cũng vội vàng, tất tưởi, người chạy đi, kẻ chạy lại, cả người cả ngựa đều đẫm mồ hôi. Công văn vừa chuyển đi, lại có công văn đến. Sự đan chéo, liên tục của các công văn, mệnh lệnh tạo nên sự đan chéo, dồn dập của những cờ hiệu lông công. Vì vậy, “chạy như cờ lông công” trước hết được hiểu là “chạy rối rít, chạy loạn xạ”; “Liên lạc vẫn chạy như cờ lông công mang lệnh dồn dập của tiểu đoàn” (Trần Đăng “Truyện và ký sự”).

    Nhưng có lẽ cũng từ một thực tế là những người mang cờ hiệu lông công mặc dù chạy ngược chạy xuôi rối rít nhưng chẳng phải là để vận chuyển hàng hoá nặng nhọc gì, với con mắt người đời đấy là một việc làm không cần thiết. Còn tính khẩn cấp của công văn lại cũng chẳng liên quan gì đến họ.

    Có thể vì lẽ đó mà thành ngữ “chạy như cờ lông công” còn có một sắc thái nghĩa nữa là “chạy rông, chạy rối rít, chạy không đạt kết quả gì”.

    “Thưa ông bà... từ sáng đến giờ tôi chạy cứ như cờ lông công đấy thôi ạ!” (Lộng Chương. “Quẫn”).


    [...]
     
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    CHẠY GIỐNG BÁI CÔNG
    (CHẠY RỐNG BÁI CÔNG)


    Bái Công tên là Lưu Bang, tự Quý, người đời Chiến Quốc. Vì sinh ở đất Bái, nên Lưu Bang thường được gọi là Bái Công. Lúc còn hàn vi vì Lưu Bang đã nổi tiếng vì chém chết bạch xà ở núi Mang Dịch. Việc này được xem như điềm ứng báo cho khả năng xây dựng cơ nghiệp bá vương sau này. Nhân lúc Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần suy yếu, các nước chư hầu thi nhau nổi lên tranh giành thiên hạ. Bái Công cũng chiêu tập binh mã, được hơn 50 vạn, để đánh nhau với Hạng Võ, vua nước Sở, một người nổi tiếng có sức khỏe, lại có quân đông, tướng giỏi, người có khả năng bình thiên hạ nhất lúc bấy giờ. Hai bên đánh nhau giằng co trong năm năm. Rốt cuộc, Hạng Võ thua và tự tử. Bái Công thống nhất thiên hạ, lập nên nhà Hán được tôn làm Hán Cao Tổ.

    Trong suốt năm năm đánh nhau với Hạng Võ, Bái Công luôn ở trên mình ngựa đánh đông dẹp bắc, nên có câu: Hán Cao Tổ mã thương đắc thiên hạ (nghĩa là: Hán Cao Tổ trên mình ngựa được thiên hạ).

    Trong “Lục súc tranh công”, khi kể công của loài mình, ngựa cũng nhắc:

    Ông Cao Tổ năm năm thương mã,
    Mới dựng nên cơ nghiệp Lưu gia.

    Có lẽ từ ý trên mà thành ngữ “chạy giống Bái Công” được dùng để nói về người suốt ngày suốt tháng cứ phải chạy chỗ này, đi chỗ nọ; chạy nhiều, giống như Bái Công đã chạy.

    “Lạ thật, mình chạy giống Bái Công lên không tìm thấy được một giọt, vậy mà ai lại bê nó đặt vào đây?” (Nhiều tác giả, “Hương cỏ mật”)

    Tuy nhiên, cũng có một biến thể khác của thành ngữ này là chạy rống Bái Công. Vậy nên giải thích thế nào đối với biến thể này?

    Như đã biết, cho đến cùng thì Bái Công diệt được Sở vương, bình trị thiên hạ. Nhưng trong thời gian hai bên đánh nhau, Hạng Võ đã nhiều trận đánh cho Bái Công bị thua phải chạy tháo thân. Đặc biệt là trận Bành Thành, không phải Hạng Võ, mà tướng của Hạng Võ là Quý Bố cũng đã làm cho Bái Công phải khiếp vía, kinh hồn. Tục ngữ có câu: “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”, Bái Công nhớ nỗi đau thất trận ở Bành Thành đến mức khi đã lấy được thiên hạ rồi còn treo giải thưởng những 1.000 lạng vàng cho ai bắt được Quý Bố.

    Cho nên có thể giải thích “chạy rống Bái Công” là chạy rống như Bái Công chạy tháo thân khi thua trận,

    “Vừa mới đụng đầu với quân ta, bọn địch đã hoảng hốt chạy rống Bái Công” (dẫn theo Nguyễn Lực… Thành ngữ tiếng Việt)

    Có khi ta chỉ nói gọn là chạy rống, cũng với nghĩa là chạy rất nhanh với vẻ hốt hoảng, chạy hộc tốc để tháo thân.

    Tuy nhiên, chạy rống có nghĩa chung hơn, ít biểu cảm hơn so với chạy giống Bái Công.


    [...]
     
    lichan, Heoconmtv and teacher.anh like this.
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    MỖI CHÚNG TA VIẾT
    CHÍNH VÌ CÁI CHÚNG TA THIẾU


    Có lần, nhà văn hài hước nổi tiếng của Đức Moris Đaphir (1795 – 1858) cãi nhau với một nhà thơ. Anh này vốn ghét ông, thoá mạ:

    – Thưa ngài Đaphir, ngài chỉ viết vì tiền. Còn tôi, tôi viết văn chỉ vì danh dự.

    – Phải, mỗi chúng ta viết chính vì cái chúng ta thiếu – Ông từ tốn đáp.


    (Theo Giai thoại Văn chương. Hội nhà văn xuất bản, 1978)​


    [...]
     
    lichan, Heoconmtv, chis and 1 other person like this.
  17. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm IV

    GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH


    Thời Nam Bắc triều, nước Trần có đô thành ở Kiến Khang (nay là thành phố Nam Kinh) Trần Hậu Chủ (Trần Thúc Bảo) là một hôn quân, ham mê tửu sắc, không màng chi việc triều chính. Trong lúc đó, nước Tùy ở phương Bắc đang trỗi dậy, thanh thế lớn nhanh; Tùy Văn Đế Dương Kiên ngấp nghé mưu toan diệt Trần.

    Em gái Trần Hậu Chủ là quận chúa Lạc Xương, một giai nhân tuyệt sắc, có chồng là nho sĩ Từ Đức Ngôn, làm quan thị tùng cho Trần Hậu Chủ. Tuy sống trong phú quý hoàng cung, nhưng vợ chồng Từ Đức Ngôn cứ phập phồng lo sợ, một ngày nào đó ngoại xâm sẽ giày xéo giang sơn nhà Trần.

    Ngày đó không xa. Sau khi Dương Kiên thống nhất miền bắc Trung Quốc, quả thật mở cuộc tấn công vào đô thành Kiến Khang của nước Trần. Đức Ngôn vội vàng thu vén ít tiền bạc, định đưa cả gia đình bỏ trốn khỏi kinh thành. Nhưng Lạc Xương đã ngăn lại:

    - Chàng là bậc nam nhi, gặp lúc loạn ly, phải xả thân cứu quốc. Thiếp sẽ luôn ở bên chàng, thà chết vinh hơn là sống nhục.

    - Đúng, ta phải ở lại góp sức diệt giặc. Nhưng nàng, một nhan sắc không khỏi bị nhục khi giặc tràn vào. Vây nàng hãy vâng lời ta, một mình trốn đi.

    Lạc Xương thuận theo lời chồng, rồi cầm lấy chiếc gương đồng hàng ngày mình vẫn soi, đập vỡ làm đôi:

    - Chàng hãy cầm lấy nửa mảnh gương này, thiếp giữ một nửa. Nước sẽ mất, nhà sẽ tan, nhưng tình đôi ta không có gì có thể chia cắt được. Chúng mình phải sống cho nhau; hẹn chàng, đến ngày thượng nguyên, không được năm nay, thì qua năm khác, qua năm nữa..., vợ chồng mình đem mảnh gương này ra chợ bán. Nếu trời thương cho vợ chồng mình còn gặp nhau, thì hai mảnh gương sẽ đuợc ghép khít vào , gương vỡ lại lành, đôi ta sum vầy.

    Vợ chồng bùi ngùi chia tay.

    Chưa đầy một tháng, kinh thành nước Trần thất thủ. Nước Trần bị tiêu diệt, Trần Hậu Chủ bị bắt, quân Tùy tràn vào như thác lũ. Tướng Tùy là Việt công Dương Tố (ông này có quả Dương công bảo khố làm nền cho tác phẩm Đại Đường Song Long đây) xua quân, tha hồ càn quét. Lạc Xương, từ ngày chia tay chồng đã chạy thoát gần đến biên giới an toàn, nhưng vì lo âu cho chồng, nên lại quay trở về kinh thanh dò la tin tức, không may lọt vào vòng vây của địch.

    Tùy Văn Đế khen thưởng những người có công đánh chiếm nước Trần, công chúa Lạc Xương bị đem thưởng cho đại thần Dương Tố làm hầu thiếp. Lạc Xương kháng cự mãnh liệt, hoặc là giữ được tiết hạnh hoặc chọn lấy cái chết. Cũng may, Dương Tố không phải là tên võ biền háo sắc, hạ tiện nên đã không cố ép liễu nài hoa. Nghĩ rằng rồi thời gian, giai nhân sẽ xiêu lòng nên cho nàng cấm cung, có đàn cung nữ hầu hạ, canh giữ ngày đêm.

    Rồi xuân đến, lời hẹn hò Tết nguyên tiêu hãy tìm đến nhau, nhưng giờ này đôi uyên ương lưu lạc nơi nào. Phần nàng, bị vây trùng trong cung cấm, làm sao đem mảnh gương tìm ra chợ đây?

    Phần Từ Đức Ngôn, từ khi kinh thành thất thủ, trốn thoát được, được tin vợ đã đến kinh đô Đại Hưng nhà Tùy (nay là Tây An tỉnh Thiểm Tây), bèn lặn lội đường dài đến đó, và dò la chỗ ở cụ thể của vợ. Mỗi khi đêm khuya tĩnh mịch, chàng cầm nửa cái gương, nhớ lại thời gian hạnh phúc sống bên vợ. Và công chúa Lạc Xương tuy sống cuộc sống xa hoa trong quan phủ Dương Tố, nhưng trong lòng vẫn nhớ chồng, và cũng thường xuyên giở nửa cái gương ra xem, nhớ lại việc xưa.

    Kịp lúc xuân về, chàng hồi hộp đem mảnh gương vỡ ra chợ, giả vờ bán.

    Trong cung cấm. Lạc Xương may mắn đã thuyết phục được một nàng hầu, nên đúng ngày rằm tháng giêng nàng đã nhờ hầu nữ này cầm mảnh gương ra chợ tìm Đức Ngôn. Đến chợ, hầu nữ thấy đám đông đang đứng vây quanh một anh chàng, trêu chọc thằng điên đang đòi bán một tấm gương vỡ với giá ngàn vàng.

    Biết là gặp đươc người đang tìm, cô hầu đưa ngay nửa mảnh gương cho chàng. Hai mảnh gương ghép khít vào nhau, Từ Đức Ngôn bật khóc như đứa trẻ. Chàng hôn hít tấm gương rồi viết vào mặt sau, bài thơ gửi người tình:

    Ảnh dữ nhân câu khứ
    Ảnh quy nhân vị quy
    Vô phục hằng nga ảnh
    Không lưu minh nguyệt huỵ

    Tạm dịch:
    Theo người gương vỡ mắt sâu
    Gương đà về đó, nhưng đâu thấy nàng
    Chị Hằng cũng quạnh tâm can
    Vầng trăng sầu muộn úa vàng năm canh.


    Nàng hầu lật bật đem gương về. Từ khi nhận được gương và thơ của chồng, công chúa Lạc Xương khóc hàng ngày, không ăn không uống. Sau khi được biết sự thật, Dương Tố lấy làm cảm động, gọi Từ Đức Ngôn trả lại công chúa Lạc Xương và tặng cho chàng nhiều đồ. Rốt cuộc vợ chồng đã đoàn tụ.

    Văn học đời sau dùng “Gương vỡ lại lành” chỉ vợ chồng ly tán được đoàn tụ.
     
    Last edited by a moderator: 9/6/16
  18. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm IV

    YÊU RÂU XANH

    Râu Xanh (tiếng Pháp: Barbe bleue) là một truyện dân gian của Pháp. Phiên bản nổi tiếng nhất được in trong tập Truyện cổ tích của tác giả người Pháp Charles Perrault, xuất bản lần đầu năm 1697. Trong tập này cũng có các truyện cổ tích phổ biến ngày nay như Cô bé quàng khăn đỏ, Lọ Lem, Người đẹp ngủ trong rừng, Chú mèo đi hia... Râu Xanh có nội dung về một nhà quý tộc hung bạo và người vợ tò mò của ông ta.

    [​IMG]

    Một tạo hình của Râu Xanh

    Tóm tắt như sau:
    Râu Xanh là một nhà quý tộc giàu có nhưng lại bị người khác e ngại bởi ông ta có một bộ râu xanh (xanh lam, xanh da trời) xấu xí khủng khiếp. Râu Xanh đã cưới vợ ba lần nhưng không ai biết những gì đã xảy ra với những người vợ này, chỉ biết rằng họ tự dưng mất tích. Do đó các cô gái trong vùng đều tránh né ông ta. Khi Râu Xanh đến thăm gia đình một người hàng xóm và hỏi cưới một trong hai cô con gái, các cô đều hoảng sợ và tìm cách thoái thác. Nhưng cuối cùng ông ta cũng thuyết phục được cô gái út cưới mình. Sau lễ cưới cô út chuyển đến sống với Râu Xanh trong lâu đài của ông.

    Một thời gian ngắn sau đó Râu Xanh nói rằng mình phải đi xa một thời gian. Trước khi đi ông ta trao lại tất cả những chiếc chìa khóa của lâu đài cho người vợ mới, trong số chìa khóa đó, có một chiếc chìa là chìa khóa của một căn phòng nhỏ mà ông ta cấm tuyệt đối cô không được mở.
    Sau khi chồng đi khỏi lâu đài, sự tò mò muốn được nhìn thấy những thứ trong căn phòng cấm đã thôi thúc người vợ. Dù chị của cô lúc đến thăm cô đã ngăn cản cô nhưng không ngăn được cô thỏa mãn sự tò mò bằng cách mở cánh cửa căn phòng.

    Khi mở cửa căn phòng cấm, cô phát hiện ra bí mật khủng khiếp: Sàn phòng nồng nặc mùi máu và kinh khủng hơn là tử thi của những người vợ cũ của chồng cô thì bị treo trên các bức tường. Hoảng sợ, cô khóa cánh cửa lại, nhưng vì run sợ, cô đánh rơi chùm chìa khóa trên sàn và máu dính vào chùm chiếc chìa khóa, cô vội vàng tẩy rửa, nhưng không hiểu sao, mọi chìa khác đều được rửa sạch, riêng chiếc chìa khóa mở căn phòng bí mật thì không thể rửa sạch được. Râu Xanh bất ngờ trở về và ngay lập tức biết những gì vợ mình đã làm. Trong cơn giận dữ mù quáng ông ta dọa chặt đầu cô ngay tại chỗ. Người vợ liền tự khóa mình trên ngọn tháp cao nhất của lâu đài cùng với người chị gái của cô. Họ chỉ còn biết chờ các anh em trai của mình đến cứu trong khi Râu Xanh, tay cầm kiếm, đang cố phá tung cánh cửa. Vào giây phút cuối cùng, khi Râu Xanh sắp tung ra đòn kết liễu thì những người anh em trai xông vào lâu đài và giết chết ông ta trước khi ông ta kịp chạy trốn.

    Người vợ thoát chết là người được thừa kế gia tài to lớn của Râu Xanh. Cô dùng một phần làm của hồi môn cho người chị gái, một phần khác để giúp đỡ những anh em trai và phần còn lại để cưới một người chồng thực sự, người khiến cô quên đi những kí ức tồi tệ về Râu Xanh.

    Như vậy Râu Xanh nguồn gốc là tên giết người hàng loạt, còn sang tiếng Việt thì “râu xanh/yêu râu xanh” bị biến đổi trở thành từ để chỉ những kẻ hiếp dâm hay có những hành vi xâm phạm tình dục phụ nữ, nhất là đối với các bé gái.
     
    Chỉnh sửa cuối: 10/6/16
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    MÀ XEM TRONG SỔ ĐOẠN TRƯỜNG CÓ TÊN


    Thi hào Nguyễn Du khi viết “Truyện Kiều” đã định lấy hai tiếng “Đoạn trường” đặt tên cho tác phẩm là “Đoạn trường tân thanh”, nên nhân đặt luôn những chữ “Sổ Đoạn trường”, “Số Đoạn trường”, “Tập Đoạn trường”, “Hội Đoạn trường”, “Khúc Đoạn trường” v.v… từ chỗ không mà làm ra có cho mặn mà, ly kỳ của truyện với một dụng ý thâm thuý đặc biệt. Đếm kỹ, chúng ta thấy có 17 tiếng “Đoạn trường” trong 17 câu – hơn tất cả những từ và những câu khác:

    “Mà xem trong sổ Đoạn trường có tên.”
    (câu 200)

    “Ví đem vào tập Đoạn trường”
    (Câu 209)

    “Đoạn trường là số thế nào”
    (Câu 231)

    “Đoạn trường lại chọn mặt người vô duyên.”
    (Câu 818)

    “Đoạn trường thay lúc phân kỳ”
    (Câu 869)

    “Đã toan trốn nợ Đoạn trường được sao?”
    (Câu 996)

    “Xót người trong hội Đoạn trường đòi cơn.”
    (Câu 1270)

    “Đoạn trường lúc ấy nghĩ mà buồn tênh.”
    (Câu 1324)

    “Cuộc vui gẩy khúc Đoạn trường ấy chi.”
    (Câu 1860)

    “Sụt sùi dở nỗi Đoạn trường.”
    (Câu 1943)

    “Này thôi hết kiếp Đoạn trường là đây.”
    (Câu 2622)

    “Kiếp sao rặt những Đoạn trường thế thôi.”
    (Câu 2654)

    “Lại tìm những chốn Đoạn trường mà đi.”
    (Câu 2666)

    “Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi.”
    (Câu 2676)

    “Đoạn trường sổ rút tên ra.”
    (Câu 2721)

    “Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau.”
    (Câu 2722)

    “Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu.”
    (Câu 3212)​

    “Đoạn trường”* nghĩa đen là ruột đứt, chỉ sự đau đớn bi thảm cùng cực.

    Ở vùng đất Vũ thuộc địa phận phủ Định Châu tỉnh Phúc Kiến, có giống vượn đỏ như vang, nõn như tơ, xa trông lấp lánh rất đẹp. Có người thợ săn tên Trương Mậu Hiệp đánh bẫy bắt được vượn con nhưng không bắt được vượn mẹ. Biết vượn mẹ thương con nên đem vượn con ra là mồi nhử để đánh bẫy. Vượn con kêu gào thảm thiết, nhưng vượn mẹ ở trên cây cứ từ cành này nhảy chuyền sang cành kia qua lại rối rít như con thoi tỏ vẻ muốn xuống cứu con, nhưng tinh khôn không xuống.

    Người thợ săn họ Trương lấy roi quật vào vượn con, khiến nó kêu la thê thảm thêm lên. Vượn mẹ trên cây cuống cuồng tuột xuống cứu con nhưng rồi lại trèo lên, cứ như vậy mãi. Có lúc lại ngồi trên cây nhìn xuống mặt mày buồn bã, kêu gào lên một giọng bi thảm rồi té xuống chết. Họ Trương đem về mổ thịt, thấy ruột vượn mẹ đứt ra từng đoạn.

    Trong bài “Trường hận ca” của Bạch Cư Dị, một thi hào đời Đường, diễn tả mối tình vương giả bi ai của vua Đường Minh Hoàng với Dương Quý Phi bị loạn An Lộc Sơn, phải bỏ chạy vào đất Thục, quân sĩ nổi loạn giết anh của Dương Quý Phi là Dương Quốc Trung, lại còn kết án Dương Quý Phi gây cuộc bạo loạn nên buộc thắt cổ chết tại Mã Ngôi, có câu:

    “Thục giang thuỷ bích Thục sơn thanh,
    Thánh chúa triêu triêu mộ mộ tình.
    Hành cung kiến nguyệt thương tâm sắc,
    Dạ vũ vạn linh trường đoạn thanh.”​

    Tạm dịch:

    “Nước non Ba Thục xanh xanh biếc,
    Sớm tối nhà vua trĩ nhớ nhung.
    Quạnh quẽ hành cung trăng gợi thảm,
    Đêm mưa chuông vẳng tiếng đau lòng.”

    Tổng vịnh truyện Kiều” của Phạm Quý Thích, có câu:

    “Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu,
    Bạc mạng cầm chung oán hận trường.”​

    Thoát dịch:

    “Nửa giấc đoạn trường tan gối điệp,
    Một dây bạc mạng dứt cầm loan.”

    Đái Đức Tuấn (bút hiệu Tchye), một nhà thơ trữ tình, cũng có những câu cực kỳ não ruột với thể thơ mới:

    “Hững hờ xách gói qua đường vậy,
    Còn biết làm sao với đoạn trường.
    Đời tựa bánh xe lăn chuyển mãi,
    Phong trần chọn mặt khách tang thương !”

    ______

    * “Đoạn trường”: nỗi đau đớn quằn quại như đứt từng khúc ruột.


    [...]
     
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    [...]


    NHẤT TỰ BAO BIẾM.
    Một chữ khen chê; Dùng chữ tinh xác.

    Sách "Xuân Thu" viết rất cẩn thận, nghiêm chỉnh, một chữ cũng thể hiện rõ ý khen chê. Trong "Xuân Thu kinh truyện tập giải tự" của Đỗ Dự đời Tấn viết: "Xuân Thu" tuy một chữ cũng thể hiện khen chê, nhưng phải mấy câu mới có thể thành ngôn".

    Người đời sau dùng "nhất tự bao biếm" (một chữ khen chê) để chỉ văn chương dùng chữ rất tinh tế nghiêm ngặt hoặc lời nhỏ ý lớn ngụ ở bên trong.



    NHẤT QUYẾT THƯ HÙNG.
    Quyết sống mái một phen. Quyết phân thắng bại.

    Cuối đời Tần, Hạng Vũ và Lưu Bang tranh cướp thiên hạ, gây nên chiến tranh liên miên, trăm họ điêu linh, cuộc sống khổ cực vô cùng. Do đấy Hạng Vũ nói với Lưu Bang: "Bây giờ cả nước không được an ninh, chủ yếu do hai ta không ngừng gây ra chiến tranh. Tôi muốn thách thức ông, quyết một phen sống mái, chứ không để trăm họ chịu khổ vô ích mãi" (X. Sử kí: Hạng Vũ bản kí).

    Người đời sau đổi câu "quyết nhất hạ thư hùng" của Hạng Vũ thành "nhất quyết thư hùng" để chỉ hai bên thông qua một việc để quyết định cao thấp, thắng bại.



    NHẤT TRƯỜNG XUÂN MỘNG.
    Giấc mộng tan tành, Mộng đẹp vỡ tan.

    Thời Bắc Tống, Tống Thần Tông giao cho Vương An Thạch thi hành tân pháp, Tô Thức phản đối, nên Tô Thức bị giáng chức . Thời Tống Triết Tông, vua dùng Tư Mã Quang, người từng phản đối tân pháp, làm tể tướng, nên Tô thức mới được đề bạt làm hàn lâm học sĩ, nhưng sau đó những người thi hành tân pháp lại lên nắm chính quyền, Tô thức lại bị biếm đến Xương Hóa (nay là huyện Xương Giang) tỉnh Quảng Đông.

    Một hôm, có một bà già đến chuyện trò với Tô Thức, sau cùng bà nói: "Khi ông làm hàn lâm học sĩ thì rất giàu có, bây giờ xem ra chỉ là giấc mộng mùa thu". Tô Thức rất tán đồng với ý kiến của bà. (X. Hầu tỉnh lục của Triệu Lệnh Trù (Tống).

    Về sau người ta dùng "nhất trường xuân mộng" để chỉ mộng đẹp tan vỡ, hoặc toan tính khôn ngoan của kẻ xấu bị đổ vỡ.

    Thành ngữ này cũng viết thành "Xuân mộng nhất trường".



    NHẤT THÀNH BẤT BIẾN.
    Nhất thành bất biến.

    Sách "Lễ kí: Vương chế" viết: "Hình phạt đã xác lập, nhất thành bất biến, nên quân tử mới tận tâm".

    Ý là hình pháp đã được chế định thì quân tử phải tận tâm tận lực bảo vệ.

    Về sau người ta dùng "nhất thành bất biến" để chỉ phải giữ mực thước quy củ, không được thay đổi hoặc sự vật khách quan không có gì thay đổi.



    NHẤT KHÚC THIÊN KIM.
    Khúc hát nghìn vàng.

    Trong bài "Cổ cầm ngâm" của Tô Thức, đời Tống viết: "Nhớ lúc đương thời, tiếng hát nhè nhẹ; như tiếng suối chảy, một khúc giá nghìn vàng".

    Sau dùng "nhất khúc thiên kim" để chỉ giá trị ca khúc rất cao hoặc ví sự vật quí giá.


    [...]
     
    Last edited by a moderator: 10/6/16
Moderators: Cát Cát

Chia sẻ trang này