Thơ Đường thi dịch sang thơ Việt

Thảo luận trong 'Tự Sáng tác' bắt đầu bởi TrongNghia, 4/3/15.

Moderators: nhanjkl
  1. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Tự quân chi xuất hĩ
    (Trương Cửu Linh)

    Tự quân chi xuất hĩ,
    Bất phục lý tàn ky .
    Tư quân như mãn nguyệt,
    Dạ dạ giảm quang huy.

    Từ ngày anh ra đi
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)

    Từ ngày anh ra đi,
    Canh cửa chẳng thiết gì.
    Nhớ anh như trăng sáng,
    Đêm đêm khuyết dần đi.

    (Còn tiếp)
     
    Ducko, lichan and thichankem like this.
  2. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Quá tửu gia
    (Vương Tích)

    Thử nhật trường hôn ẩm
    Phi quan dưỡng tính linh
    Nhãn khan nhân tận tuý
    Hà nhẫn độc vi tinh


    Qua quán rượu
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)


    Hôm nay rượu qúi lại cạn ly,
    Vẫn biết men say chẳng ích gì.
    Trần thế muôn người đều say cả,
    Mình ta cô độc, tĩnh mà chi.

    (Còn tiếp)
     
    langtu, Ducko, lichan and 1 other person like this.
  3. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Đề Thôi Dật Nhân sơn đình
    (Tiền Khởi)


    Dược kính thâm hồng tiển,
    Sơn song mãn thúy vi.
    Tiện quân hoa hạ túy,
    Hồ điệp mộng trung phi.

    Đề ở sơn đình của Thôi Dật Nhân
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)


    Đầy đường thược dược cỏ rêu hoang,
    Mây che khung cửa núi ngút ngàn.
    Dưới hoa say ngủ vơi hồ rượu,
    Chiêm bao vòng lượn bướm Chu Trang.

    (Còn tiếp)
     
    Ducko and lichan like this.
  4. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Lục Thuỷ Khúc
    (Lý Bạch)

    Lục Thuỷ thu minh nguyệt
    Nam Hồ thái bạch tần
    Hà hoa kiều dục ngữ
    Sầu sát đãng chu nhân.


    Khúc Lục Thuỷ
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)


    Trăng lồng đáy nước sáng ngần,
    Giữa hồ hái ngọn rau tần xanh tươi.
    Hoa sen xào xạc nói cười,
    Cảnh tình bỗng khiến lòng người sầu vương.


    (Còn tiếp)
     
    Ducko thích bài này.
  5. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6


    Oán tình
    (
    Lý Bạch)

    Mỹ nhân quyển châu liêm
    Thâm toạ tần nga my
    Đản kiến lệ ngân thấp
    Bất tri tâm hận thuỳ.


    Oán tình
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)


    Người đẹp tay cuộn bức rèm châu,
    Lặng ngồi nhăn nếp cặp mày sầu .
    Long lanh chưa khô đôi ngấn lệ,
    Hận lòng vương vấn bởi vì đâu?


    (Còn tiếp)
     
    Ducko thích bài này.
  6. Người đẹp nâng tay cuốn rèm châu
    Lặng ngồi ủ rũ dáng mày sầu
    Giọt lệ buồn rơi nhòe mắt ngọc
    Vấn lòng thương hận bởi vì đâu?
     
    Ducko, Heoconmtv, teacher.anh and 3 others like this.
  7. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Thu nhật hồ thượng
    (
    Tiết Oánh)

    Lạc nhật ngũ hồ du
    Yên ba xứ xứ sầu
    Phù trầm thiên cổ sự
    Thùy dữ vấn đông lưu.

    NGÀY THU CHƠI HỒ
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)


    Chiều tàn thuyền dạo ngũ hồ,
    Bốn bề sóng nước lô xô đượm sầu.
    Truyện xưa chìm nổi bể dâu,
    Nước về Đông Hải biết đâu hỏi cùng.

    (Còn tiếp)
     
    Ngọc Sơn and Ducko like this.
  8. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Độ Hán giang
    (Lý Tần)

    Lĩnh ngoại âm thư tuyệt,
    Kinh đông phục lập xuân.
    Cận hương tình cánh khiếp,
    Bất cảm vấn lai nhân.


    QUA SÔNG HÁN
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)

    Chẳng được thư Lĩnh ngoại,
    Đông tàn đến lập xuân.
    Gần nhà lòng bỗng hãi,
    Chẳng dám hỏi người thân.

    (Còn tiếp)
     
  9. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Ẩm tửu khán mẫu đơn
    (Lưu Vũ Tích)

    Kim nhật hoa tiền ẩm
    Cam tâm tuý sổ bôi
    Đãn sầu hoa hữu ngữ:
    Bất vị lão nhân khai.

    UỐNG RƯỢU NGẮM MẪU ĐƠN
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏngdịch)


    Hôm nay uống rượu trước khóm hoa,
    Đưa cay đôi chén gượng vui mà.
    Chỉ sợ hoa kia lên tiếng bảo,
    Sắc hương đâu tặng tóc tuyết pha.
    (Còn tiếp)
     
    Ducko and Heoconmtv like this.
  10. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Nhân bác TrongNghia đăng một loạt bài thơ Đường, xin mạn phép hỏi bác có dịch mấy bài sau chăng? (Thú thực, em chỉ còn nhớ mang máng, sai chữ nào nhờ bác sửa giúp).

    1. Hồi hương ngẫu thư
    Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
    Hương âm vô cải mấn mao thôi
    Nhi đồng tương kiến bất tương thức
    Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.

    2. ??
    Hạ mã ẩm quân tửu
    Vấn quân hà sở chi
    Quân ngôn bất đắc ý
    Quy ngoạ Nam Sơn thuỳ
    Đãn khứ mạc phục vấn
    Bạch vân vô tận thì

    Cảm ơn bác.
     
    TrongNghia thích bài này.
  11. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Cám ơn bạn Ducko, trong tập “Đường thi dịch sang thơ Việt” trước đây không có hai bài nầy. Nay trên tinh thần phục vụ và ước mong được bạn cảm thông như lời dẫn nhập ghi trong Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link, xin gửi đến bạn vần thơ phỏng dịch tức thời của tôi khi đọc hai bài thơ Hồi hương ngẫu thư và Tống biệt:

    Hồi hương ngẫu thư
    (Hạ Tri Chương)
    Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi
    Hương âm vô cải mấn mao thôi
    Nhi đồng tương kiến bất tương thức
    Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.



    Viết lúc về quê.
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)

    Xa quê từ thuở bé,
    Về quê lúc tuổi già.
    Giọng quê vẫn không đổi,
    Trên đầu tóc tuyết pha.
    Trẻ con làng cười hỏi,
    Cụ ở xứ nào qua?


    Tống biệt
    (Vương Duy)
    Há mã ẩm quân tửu,
    Vấn quân hà sở chi?
    Quân ngôn bất đắc ý:
    Quy ngoạ Nam Sơn thuỳ.
    Đãn khứ mạc phục vấn,
    Bạch vân vô tận thì!


    Tiễn bạn
    (Lê Trọng-Nghĩa phỏng dịch)

    Xuống ngựa cạn chén rượu đào
    Hỏi bạn đi đến nơi nào ngày mai?
    Bạn bảo nặng nỗi u hoài,
    Chung Nam núi cũ phôi phai mộng đời.
    Nghe bạn bỗng thấy nghẹn lời,
    Trắng mây cuồn cuộn đầy trời bay bay.
     
  12. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Thưa bác, thật quá bất ngờ, hai bài thơ dịch của bác quá hay và khác lạ! Rất biết ơn bác về món quà này. Em sẽ bàn tiếp về hai bài thơ (nguyên tác và bản dịch của bác) sau, giờ em xin phép chào hỏi "chủ nhà".
    Em xưng hô "bác bác, em em" với bác, thực ra là quá phận. Theo bác bảo, năm 76 bác đã tay bút tay nghiên, lúc ấy em mới chào đời; vậy nên chi bác phải hơn em chừng hai giáp là tối thiểu. Lại nghe bác gọi cụ Đông Hồ bằng "thầy", vậy khéo bác cỡ tuổi em của... mẹ em :-)-D) vì mẹ em cũng là học trò cụ ở ĐHVK. Nhưng không sao, em thiết nghĩ khách văn chương là bác cũng không quá câu nệ tiểu tiết. Cũng chừng hơn hai mươi năm rồi em không đọc lại thơ Đường, tình cờ gặp những bài viết của bác ở đây, cũng có nhiều cảm xúc. Mong được đọc nhiều hơn.
    Kính bác.
    Ducko
     
  13. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Trở lại với bài "Hồi hương ngẫu thư".
    Cái khó của việc dịch thơ Đường là chữ Hán dùng trong thơ Đường quá súc tích. Một chữ, một câu mà hàm ý triền miên. Nói nhiều mà vẫn sợ rằng chưa đủ.

    Việc bác thay đổi thể thơ so với nguyên tác đã cho em (người đọc) một trải nghiệm thú vị. Sự thay đổi trong tiết tấu, nhịp điệu khiến cho người đọc nhận ra một ý tứ khác lẫn trong nội dung của nguyên tác. Sự dịch, nếu có thể ví như vận chuyển rượu qua sa mạc, thì thứ rượu bồ đào Thổ Lỗ Phồn ba lần chưng ba lần cất ấy, đem về đây được bác chưng cất lại thêm lần nữa, vừa có hương vị ấm nồng của rượu mới, vừa có sự đậm đà ý nhị của mấy mươi năm trước vậy.

    Không khó để thấy rằng bác đã "bẻ đôi câu thơ" khi dịch bài này. Phải chăng cũng vì sự súc tích của Hán tự trong Đường thi? Vì rằng như thế, bác có lợi thế là dùng mười chữ để dịch cho bảy chữ. Thế nhưng việc bẻ đôi này lại không trọn vẹn, vì bản dịch của bác chỉ còn sáu câu thay vì tám câu như lẽ ra phải thế. Dường như bác đã để rơi mất câu "Nhi đồng tương kiến bất tương thức".

    Với em, câu này mới là câu cốt yếu của bài thơ. Mọi ý tứ đều dồn vào đó. Bơ vơ lạc lõng giữa quê nhà dầu rằng giọng quê vẫn còn giữ. Lưu lạc tha hương, tấc lòng vẫn đăm đắm về cố quận. Vậy mà giờ "chân bước bâng khuâng lòng ngập ngừng", "những người muôn năm cũ" không còn đấy, để một mình mình thành khách lạ giữa quê hương. Đây mới là nỗi lòng u uẩn của thi nhân. Đây mới là tâm sự muốn gửi vào bài thơ. Vậy mà bác gạt phăng đi mất?!

    Rồi em chợt ngẫm:
    "Trẻ con làng cười hỏi,
    Cụ ở xứ nào qua?
    "
    thì có khác chi "tương kiến bất tương thức". Bởi nó không biết nó mới hỏi "ông ở đâu ta?". Ấy vậy là lấy cái sự kiện, bỏ cái hàm ý. Rồi tuỳ vào duyên của độc giả, họ tự ngẫm ra. Vậy là trong nụ cười của trẻ con làng ấy, có ẩn tiếng thở dài của ông lão tha hương. Thế nên em mới nói rượu có hương mới cất mà lại giữ vị lâu năm là như thế.
    Cảm ơn bác.
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/7/15
  14. TrongNghia

    TrongNghia Lớp 6

    Cám ơn bạn Duckho nhiều về niềm đồng cảm tích hợp-ẩn ý “bất tương thức” vào “vấn hà xứ lai”. Bạn còn trẻ mà hiểu sâu về Đường thi và có khiếu văn chương như thế thật là điều đáng mừng. Hơn thế bạn còn một mặt mạnh đáng quý nửa. Rất mong được đãi bạn buổi cà phê biểu dương mặt nầy, chia sẻ chút kỷ niệm với thầy Đông Hồ ở ĐHVK và trao đổi thêm về Đường thi. Thân ái.
     
    Ban Tang Du Tử and Ducko like this.
  15. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Đọc thấy bên kia có người hỏi về cái tên Du Tử. Chợt nhớ:

    Du tử ngâm (?)

    Từ mẫu thủ trung tuyến
    Du tử thân thượng y
    Lâm hành mật mật phùng
    Ý khủng trì trì quy
    Thuỳ ngôn nhất thốn thảo
    Báo đắc tam xuân huy.

    Đính chính: mới xem lại: "thốn thảo tâm" chứ không phải "nhất thốn thảo", bậy quá, xin lỗi mọi người.
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/8/15
  16. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Cảm ơn thịnh ý của bác @TrongNghia nhất định sẽ có dịp cà phê hầu chuyện bác.

    Em đọc thơ Đường cũng rất tình cờ. Ngày bé nhà nghèo chả có gì chơi, đem sách ra chơi cute_smiley20. Không có sách trẻ con đành đọc sách người lớn. Chữ Tây mù tịt, chỉ đọc được chữ Ta. Em đọc cả Nho Giáo của Trần Trọng Kim lẫn Lão tử Đạo Đức kinh của cụ Nghiêm Toản. Cũng ê a "Đạo khả đạo phi thường đạo" nhưng chả hiểu khỉ gì, giờ nghĩ lại mà buồn cười quá.3D_42
    Chỉ có Đường Thi là đọc nghe còn có chút thi vị, còn cảm thấy hay hay
    nên thích đọc hơn cả, rồi nghiễm nhiên cũng thuộc lòng vài bài.

    Ngày bé đọc thơ thì thích vậy, nhưng chưa hiểu sự tình, cũng không cảm được ý thơ. Những bài như "Hồi hương ngẫu thư" ấy, phải đến khi trên đầu có hai thứ tóc "minh kính bi bạch phát" rồi, phải có ly gia, hồi cố rồi thì mới thấm được hơn. Mỗi lúc, mỗi tuổi, mỗi hoàn cảnh cảm nhận về thơ mỗi khác, bác ạ. Chả trách người ta bảo "nhân bất phong sương vị lão tài".
     
    Ban Tang Du Tử and TrongNghia like this.
  17. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Xin bàn tiếp bài Tống Biệt. Quả nhiên thơ của Vương Duy có khác. Lời lẽ đơn giản, sơ sài nhưng ý tứ thì triền miên.
    Trong phần phiên âm, bác @TrongNghia có phiên âm từ đầu tiên của bài thơ là "há". Điều này hoàn toàn chính xác. Em vẫn nhớ các động từ há/hạ, thướng/thượng,... Nhưng mà thực tình khi đọc bài thơ lên, em vẫn thấy nếu đọc là "hạ", trong trường hợp này, thì âm thanh nghe phù hợp hơn. Cả "hạ" và "há" đều là vần trắc, nên không ảnh hưởng gì đến vần luật của câu thơ, nhưng một cái thượng thanh ở vị trí này, nghe không hay bằng một hạ thanh, nhất là ngay câu sau lại có một thượng thanh nữa là chữ "vấn" đi đầu. Là em cảm nhận như thế.
    Bản dịch của bác TrongNghia em thích nhất câu cuối. Trắng mây cuồn cuộn đầy trời bay bay. Rất sinh động. Hoàn toàn có thể mường tượng ra khung cảnh ấy. Đúng chất "thi trung hữu hoạ" của Vương Duy. Câu trong nguyên bản không có động từ nào, vậy mà câu dịch có những hai động từ, mà lại đều dùng từ láy. Em cảm thấy như một trời giông bão trong lòng người. Em cho rằng câu thơ dịch này đã lột tả được tâm trạng của bài thơ.
    Em không nhớ chắc, nhưng hình như cụ Trần Trọng San dịch câu cuối bài này là "(Đi rồi không hỏi nữa) / Mãi mãi trắng ngàn mây". Tuyệt nhiên không dám nói bác TrongNghia dịch hay hơn Trần Trọng San, nhưng mà em thích câu của bác dịch hơn :rose:
     
  18. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Nhân "tống" với "biệt", em lại nhớ bài:

    Tống Đỗ Thẩm Ngôn

    Ngoạ bệnh nhân sự tuyệt
    Ta quân vạn lý hành
    Hà kiều bất tương tống
    Giang thụ viễn hàm tình.

    Chờ nghe bản dịch của bác @TrongNghia

    Hồi bé em nghịch (rảnh rỗi sinh nông nổi mà), "lẩy Đường" như cách "lẩy Kiều", em đem trộn bài này với bài "Nam hành biệt đệ" thành:

    Đạm đạm trường giang thủy
    Ta quân vạn lý hành
    Lạc hoa tương dữ hận
    Giang thụ viễn hàm tình.
    cute_smiley18
     
    TrongNghia and Ban Tang Du Tử like this.
  19. Ducko

    Ducko Lớp 4

    Lại nói chuyện hồi bé. Có những điều mãi mãi về sau này mới hiểu. Ví dụ như ngày xưa đọc bài thơ "Tẩu mã xuyên hành", có câu "Hung Nô thảo hoàng mã chính phì" mà được dịch ra là "Ngựa béo cỏ vàng miền Hung Nô", thì em ấm ức lắm.
    Cỏ vàng là cỏ héo úa, dĩ nhiên làm sao bổ dưỡng bằng cỏ xanh được. Hà cớ gì mà cỏ vàng thì ngựa béo, nghe thật là vô lý! Cái sự ấm ức ấy theo em suốt cho đến rất gần đây khi đọc "Tôtem sói". Thì ra cỏ vàng ấy là đất Hung Nô sau mùa tuyết, cỏ non vươn mình mọc lên đón nắng. Do bị che phủ suốt mùa đông nên những ngọn cỏ còn chưa có màu xanh, giống như mầm măng lúc còn chìm trong đất vậy. Cỏ vàng là cỏ mới nhú mập mọng chứ không phải cỏ héo. Đúng là kiến thức bao la.
     
    TrongNghia and Ban Tang Du Tử like this.
  20. Ban Tang Du Tử

    Ban Tang Du Tử Moderator Thành viên BQT

    Hạ mã ẩm quân tửu
    Vấn quân hà sở chi
    Quân ngôn bất đắc ý
    Quy ngoạ Nam Sơn thuỳ
    Đãn khứ mạc phục vấn
    Bạch vân vô tận thì

    ----
    Xuống ngựa cạn một chung
    Hỏi bạn đi nơi nào?
    Bạn cười đáp gượng gạo
    Lánh Nam Sơn núi cao
    Thôi chẳng tiện hỏi nữa
    Mây trắng trời lao xao.

    P/s. Cháu góp vui thôi chú Nghĩa nhé. :)
     
Moderators: nhanjkl

Chia sẻ trang này