Thơ Việt Gái Quê - Hàn Mặc Tử <The Happiness Project #13-P>

Thảo luận trong 'Tủ sách Thi ca' bắt đầu bởi hanhdb, 28/11/15.

Moderators: Ban Tang Du Tử
  1. hanhdb

    hanhdb Sinh viên năm II

    Mã:
    THÔNG TIN EBOOK
    
    Tên sách: Gái Quê
    Tác giả: Hàn Mặc Tử
    Thể loại: Thi ca
    Nhà xuất bản Văn học - Phương Nam © 2012
    The Happiness Project #13-P
    TVE-4U Read Freely - Think Freedom
    Thực hiện: Hanhdb
    Hoàn thành: 11/2015
    cover.jpg
    Chương giới thiệu Gái Quê

    Trần Thanh Mại, 1941

    Năm 1932, bài “văn xuôi có vần” Tình xưa của Phan Khôi tiên sinh vứt ra giữa làng thơ, tác giả có ngờ đâu nó dội to như một tiếng sét làm điếc tai long óc đám thanh niên thi sĩ. Hai chữ “Thơ Mới” ra đời. Nhà thi sĩ bất tử Tản Đà có nổi giận la lớn rằng đó không có gì mới cả, và môn đệ của tác giả Giấc mộng con dù có theo thầy mà hằn học, nổi lên phản đối, đem những thơ cổ phong từ khúc của thầy ra làm tỉ dụ cũng vô ích mà thôi. Thanh niên đã quá chán nản với cái rọ Đường Thi. Họ muốn rộng, họ khát cao. Họ thấy rằng thể “Thơ Mới” là cái bửu bối có thể đánh đổ hòn Ngũ đài sơn nó đang đè chụp lấy Thơ, cái anh chàng Tôn Ngộ Không ấy mà không cho anh ta “tề thiên”!

    Sự thành công rực rỡ của Thế Lữ càng làm cho thanh niên say sưa lắm. Kế đến, Phạm Huy Thông, Đỗ Huy Nhiệm, Nguyễn Xuân Huy, Nguyễn Văn Kiện, Vũ Đình Liên, Nguyễn Vỹ, Thao Thao, Lan Sơn, Thái A, B. Blan, chen nhau mà nhảy lên thi đàn mới. Ở Trung Kỳ thì có Lưu Trọng Lư, Thái Can, Thanh Tịnh... Bích Khê cũng từ giã vườn thơ của Tiếng Dân, trở về thu mình như một con rắn thay vỏ tại Thu Xà (Quảng Ngãi) để chiêm nghiệm một lối thơ thuần túy.

    Ở tận góc trời Nam, ông Lâm Tấn Phác không cưỡng nổi với phong trào mới, cũng đành bỏ hồ, bỏ động của mình mà về nhập ngũ vào đạo binh cách-mệnh.

    Vào thuở ấy, nhà thơ Đường luật Lệ Thanh (Hàn Mạc Tử) đang chủ trương những tờ báo văn học ở Sài Gòn. Lẽ cố nhiên, tâm hồn rào rạt của chàng hứng đón ngọn gió mới với một sức bồng bột mãnh liệt.

    Quyển Bâng Khuâng của Phan Văn Dật, với cái nhạc điệu nhẹ nhàng và cái thuần túy rất Việt Nam của nó, được Hàn Mạc Tử rất ưa và đã giúp nhiều cho việc chuyển gấp chàng từ địa hạt thơ cũ qua thơ mới.

    Gái Quê, xuất bản năm 1936, là quyển sách đầu tiên đánh dấu cuộc
    thay đổi về quan niệm thơ của Hàn Mạc Tử.

    Cũng như Bâng Khuâng của Phan Văn Dật, Gái Quê của Hàn Mạc Tử như khoảng vườn trùm trong một bầu sương lam nhạt, chứa một nhạc điệu mơ màng mà lối ngũ ngôn cổ phong còn lưu chưa dứt thoát.

    Nếu ta đem so sánh những bài như Tiễn Đưa hay Bi Xuân Nương ở Bâng Khuâng với những bài như Tình quê hoặc Lòng quê ở Gái Quê chẳng hạn, ta sẽ thấy lời thơ của hai bài cùng ngân lên theo một nhịp, chữ thơ rất luyện, rất nhẹ nhàng, và lột được cả tinh thần Đông phương, vì toàn là những chữ kiểu.

    Đọc những bài ấy, người ta có cảm giác sống một đời xưa cổ an nhàn, một đời mà theo lời của ông Hoài Thanh “Trời đất còn mênh mông hơn bây giờ, mà mỗi lần người ta đi xa về là hàng xóm leo tường xem mặt và đốt đuốc nói chuyện thâu đêm.”

    Đây là một thí dụ: bài Tình quê, bài thơ chỉ có độc một vần:

    Trước sân anh thơ thẩn,

    Đăm đăm trông nhạn về.

    Mây chiều còn phiêu bạt.

    Lang thang trên đồi quê;

    Gió chiều quên ngừng lại;

    Dòng nước luôn trôi đi...

    Ngàn lau không tiếng nói;

    Lòng anh dường đê mê.

    Cách nhau ngàn vạn dặm,

    Nhớ chi đến trăng thề?

    Dầu ai không mong đợi,
    Dầu ai không lóng nghe

    Tiếng buồn trong sương đục,

    Tiếng hờn trong lũy tre,

    Dưới trời thu man mác

    Bàng bạc khắp sơn khê.

    Dầu ai bên bờ liễu,

    Dầu ai dưới cành lê...

    Với những ngày hờ hững

    Cố tình quên phu thê,

    Trong khi nhìn mây nước,

    Lòng xuân cũng não nề.


    Một hạng thiếu niên thi sĩ đời bây giờ có thể cho lối dùng chữ ấy là sáo. Chính Hàn Mạc Tử cũng biết thế, nên về sau để trả lời cho lối dùng thể thơ theo kiểu thơ của Xuân Diệu, Hàn viết: “Vẫn biết nghệ thuật chuộng ở sự tiến bộ, ở sự hoàn toàn từ tinh thần đến hình thức của một bài thơ. Song le, ta không nên quên rằng thơ ta là thơ quốc âm, ta phải giữ cái tinh thần An Nam của ta, hơn nữa, cái tinh thần Đông phương mà sự rung cảm tâm hồn người ta là nhờ ở cái đẹp kín đao, cái tình sâu sắc, cái buồn thấm thía... Vì thế, cho nên những sáo ngữ: trăng, hoa, tuyết, gió, hay là những danh từ đẩy đưa trong khi hành văn (những danh từ rất thường dùng) đều là những luận đề bất tử cả. Mất những danh từ ấy, những sáo ngữ ấy, nghĩa là mất hết tinh thần Đông phương rồi, mất cái điện lực, cái gân chuyển tình cảm vào người.”

    Hàn Mạc Tử phê bình nghệ thuật của Xuân Diệu như thế này:

    “Bao giờ Xuân Diệu cũng ưa lập dị với những thi liệu của Tây phương, cốt làm cho bài thơ mình có cái dáng dấp một sự duy tân. Nhưng cuộc
    duy tân ấy thất bại ngay, vì không hợp với lòng đâu, nghĩa là không cảm được người ta vậy. Phải để cho bài thơ cái cốt cách nguyên vẹn từ xưa, cái cốt cách cố hữu của nó, mới nổi cái giá trị của nó lên. Kết luận, không thể lập dị trong những sự dùng chữ kiểu cách, những “tournures” lạ kỳ để làm cho bài thơ thoát sáo, vì thoát sáo theo kiểu ấy, bài thơ sẽ mất sức rung cảm, kém hay.”

    Tuy là nói vậy, để bênh vực cho một lối thơ mà chính mình đã làm, chứ về sau Hàn Mạc Tử lại còn đi xa hơn Xuân Diệu nữa, còn táo bạo, còn lập dị hơn nhiều, chàng sẽ lạc vào rừng tượng trưng và siêu thực, nó sẽ làm cho người theo chàng phải đứng chưng hửng ở ngoài, ngơ ngác không biết ra sao nữa hết.

    Sự rung cảm ở Gái Quê là một thứ rung cảm dịu dàng, chất phác của một tâm hồn chưa muốn thoát khỏi lũy tre xanh và hình ảnh của một cô gái quê hiền lành.

    Đây mới là thứ tình kín đáo của người con trai mới lớn lên, đương còn ngượng ngùng về niềm ân ái, ôm một thứ tình trong sạch thiêng liêng, hồn nhiên và ngây dại, nghe qua tội nghiệp và “dễ thương” quá:

    Từ gió xuân đi, gió hạ về,

    Anh thường gởi gắm mối tình quê,

    Bên em mỗi lúc trên đường cái

    Hóng mát cho lòng được thỏa thuê!

    Em có ngờ đâu trong những đêm

    Trăng ngà giãi bóng mặt hồ êm,

    Anh đi thơ thẩn như ngây dại

    Hứng lấy hương nồng trong áo em...

    Bên khóm thùy dương em thướt tha,
    Bên này bờ liễu em trông qua,

    Say mơ vướng phải mùi hương ướp,

    Yêu cái môi hường chẳng nói ra...

    Độ ấy xuân về em lớn lên,

    Thấy anh em đã biết làm duyên,

    Nhưng thời gian vẫn trôi đi mãi,

    Yêu dấu lòng anh ôm hận riêng.


    (Âm thầm)

    Bao nhiêu hình ảnh trong Gái Quê đều là những hình ảnh mơ mộng, êm ái như những sợi tơ trời về mùa thu bay lưởng vưởng giữa đồng không bát ngát, và người con trai trong tập thơ làm những cử chỉ tưởng tượng nhiều hơn thiết thực, những cử chỉ tình thật chưa từng làm và không bao giờ làm. Có người con trai nào lớn lên mà không qua một thời kỳ lãng mạn? Có cái văn chương nào phát triển mà thoát khỏi cái thời đại huyền ảo ấy?

    Đến đây, ta đã nhận thấy được cái nhạc điệu du dương uyển chuyển, lời thơ êm ái tự nhiên, nó chứng tỏ ở thi sĩ một thiên tài đầy hứa hẹn, đủ tất cả điều kiện để đi xa, để vượt lên cao. Thi sĩ đã tìm được con đường chính đáng cho mình. Bây giờ thì cứ mạnh dạn mà bước.

    Một đôi khi con rồng con ấy, trong những cái cựa mình và tập vỗ cánh, đã trổ ra một vài ngọn phi thường, khiến cho người ta phải kinh dị, và báo tin trước những kỳ công rực rỡ sau này, những cuộn bay lừng lẫy để chiếm cứ những cõi trời xa lạ. Cái mùi hương ở Đau thương và Xuân như ý đã phảng phất ở đây rồi. Và đọc một bài như bài Bẽn lẽn của Gái Quê rồi, thì về sau ta cũng không lạ gì mà được có những viên ngọc vô ngần quý giá như Đà Lạt trăng mờ, Huyền ảo hay Đây thôn Vỹ Giạ. Chỉ trong 12 câu đã kết tinh lại biết bao ảo thuật quái dị. Mỗi chữ ở trong đây đều có một linh hồn, mỗi chữ là một nguồn “hoạt động lực,” nó bắt
    tay nhau mà nhảy lên một bản khiêu vũ thần tiên.

    Trăng nằm sóng soải trên cành liễu,

    Đợi gió đông về để lả lơi...

    Hoa lá ngây tình không muốn động,

    Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi!

    Trong khóm vi lao rào rạt mãi,

    Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?

    Ô kìa! bóng nguyệt trần truồng tắm,

    Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

    Vô tình để gió hôn lên má,

    Bẽn lẽn làm sao, lúc nửa đêm,

    Em sợ lang quân em biết được,

    Nghi ngờ cho cái tiết trinh em.


    Trần Thanh Mại

    Trích theo Hàn Mạc Tử, tr.53-60

    Võ Doãn Mại, 1942, Sài Gòn
     

    Các file đính kèm:

Moderators: Ban Tang Du Tử

Chia sẻ trang này