... TRẬN ĐÁNH CỰ LỘC Trận đại chiến do Hạng Vũ cầm đầu nghĩa quân Sở đánh bại quân Tần ở Cự Lộc (nay ở tây nam Bình Hương, Hà Bắc) vào năm 207 T.C.N. Đây là trận quan trọng có quan hệ tới sự diệt vong của vương triều Tần. Do vì sự thống trị tàn bạo của vương triều Tần, đông đảo nhân dân bị đẩy vào cảnh dầu sôi lửa bỏng, đời sống khó khăn khổ sở đẩy họ đến chỗ phải nổi dậy phản kháng. Trước tiên, Ngô Quảng, Trần Thắng dựng cờ khởi nghĩa, Hạng Vũ, Lưu Bang kế theo hưởng ứng. Ngọn lửa khởi nghĩa bùng lên khắp nơi, người trước ngã xuống người sau đứng lên, không ai biết sợ hãi là gì. Trần Thắng, Ngô Quảng thất bại rồi, Hạng Vũ và Lưu Bang kế tiếp giơ cao ngọn cờ nghĩa, đánh thẳng vào vương triều Tần. Tướng Tần là Chương Hàm nắm chủ lực quân Tần bao vây Cự Lộc, vùng chiếm đóng của nghĩa quân ở Hà Bắc với ý đồ tiêu diệt toàn bộ nghĩa quân. Nghĩa quân đất Sở chia làm hai đường, một do Lưu Bang cầm đầu tiến về phía tây, một do Hạng Vũ, Tống Nghĩa cầm đầu tiến đến Cự Lộc, quyết chiến với chủ lực quân Tần. Quân đến An Dương (nay ở đông Tào huyện, Sơn Đông), Tống Nghĩa dừng lại 46 ngày án binh bất động, có ý trên núi chờ xem hai con cọp đánh nhau, tùy cơ rồi sẽ hành động. Hạng Vũ giết chết Tống Nghĩa, cầm quân tiến lên, sai Kình Bố đem 2 vạn quân vượt sông cứu Cự Lộc. Trận đầu thắng lợi, cắt đứt được con đường dũng đạo do Chương Hàm đắp, cắt đứt đường cung cấp lương thực của quân Tần. Tiếp đó, Hạng Vũ dẫn toàn bộ quân đội vượt sông, họ đốt hết trại quân, đánh chìm hết thuyền bè, đập vỡ bếp nồi, chỉ mang theo 3 ngày lương thực, biểu hiện lòng quyết chiến với quân Tần. Vừa tới bờ, quân Sở (của Hạng Vũ) liền bao vây quân Tần do tướng Vương Ly chỉ huy, nghĩa quân tiến lên anh dũng, tiếng gào thét rung chuyển trời đất. Qua 9 lần công kích kịch liệt, quân Tần bị đại bại, tướng Vương Ly bị bắt sống. Quân Tần bị một đòn trí mạng khiến vương triều Tần bước đến chỗ diệt vong. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index... ...
... TRẬN ĐÁNH MẠC BẮC Trận chiến có quy mô lớn do Hán Vũ đế sai quân đánh tận lên Mạc bắc (nay là sa mạc phương bắc vùng Nội Mông Cổ). Vào năm 119 T.C.N, Hán Vũ đế muốn chấm dứt nỗi lo sợ lâu dài do Hung Nô gây ra ở biên cương phía bắc, nên năm ấy, sai hai tướng nổi tiếng là Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh dẫn 10 vạn quân tinh nhuệ và vài chục vạn bộ binh đi viễn chinh Mạc bắc. Nghe tin Thiền Vu Hung Nô ở phía đông, họ bèn chia quân làm hai đường tấn công. Phiêu kỵ tướng quân Hoắc Khứ Bệnh nắm mặt chủ công, đem quân từ Đại quận (nay ở đông bắc Hà Bắc) xuất phát quyết chiến với chủ lực quân Hung Nô. Đại tướng quân Vệ Thanh giữ nhiệm vụ trợ chiến, đem quân từ Định Tương (nay ở tây bắc Nội Mông Cổ) ra ngoài quan tái khống chế cánh tả Hung Nô. Sau khi ra khỏi cửa quan, Vệ Thanh dò được tin nơi ở của Thiền Vu Hung Nô, ông liền lệnh cho hai cánh quân của Tiền tướng quân Lý Quảng và Hữu tướng quân Triệu Thực đem quân tụ họp nơi địa điểm đã được chỉ định, còn tự thân ông đem quân đánh thẳng vào nơi trú ẩn của Thiền Vu. Quả nhiên, khi họ hành quân hơn ngàn dặm xuyên qua sa mạc, kỵ binh Hung Nô đã dàn trận chờ đợi. Vệ Thanh hạ lệnh quay vòng chiến xa thành vòng tròn doanh trại, rồi lập tức phái 5000 kỵ binh tấn công, Thiền Vu Hung Nô cho xuất phát tới 1 vạn kỵ binh để nghênh chiến. Hai bên đánh nhau tới chiều tối, thì Vệ Thanh lại chia quân làm hai cánh, hợp đồng tấn công hai cánh quân Hung Nô, kết quả đại thắng. Ở phía đông, Hoắc Khứ Bệnh cũng đụng độ quân Hung Nô ở đại sa mạc và tiêu diệt hơn 7 vạn quân địch. Cả hai chiến trường đông, tây đều chiến thắng lớn. Sau trận này, về cơ bản triều Hán đã tiêu trừ được sự uy hiếp ở phương bắc. ...
... TRẬN ĐÁNH CÔN DƯƠNG Trận quyết chiến có tính chiến lược giữa quân khởi nghĩa Lục Lâm và quan quân Vương Mãng ở Côn Dương (nay là Diệp huyện, Hà Nam) vào năm 23. Tháng 3 năm này, nhóm Vương Phụng, Vương Thường Hoà, Lưu Tú cầm đầu quân Lục Lâm đánh chiếm Côn Dương, Định Lăng (nay ở khoảng giữa Diệp huyện, Hà Nam). Vương Mãng nghe tin, nhận thấy đất Quan Trung bị uy hiếp nghiêm trọng, vội vàng sai Tư không Vương Ấp đến Lạc Dương họp cùng Tư đồ Vương Tầm, trưng dụng 43 vạn quân tinh nhuệ các quận, giả hô lên đến trăm vạn rồi kéo đi vây đánh quân Lục Lâm. Côn Dương là vùng đất trọng yếu, tiến có thể đánh mà lui có thể thủ, do vậy việc chiếm được Côn Dương là rất cần thiết. Các tướng lĩnh của quân Lục Lâm thấy thế mạnh của quân Vương Tầm, Vương Ấp thì lấy làm lo lắng. Lưu Tú bèn phân tích tình hình, vạch rõ lợi và hại của mỗi bên, cuối cùng sai Vương Phụng, Vương Thường Hoà giữ thành, còn tự mình tối hôm ấy cùng với nhóm 13 kỵ mã ra ngoài thành thu thập quân sĩ. Lúc đó Vương Tầm và Vương Ấp tung quân bao vây thành Côn Dương nhiều vòng và cho đánh trống khua chiêng vang dội xa mấy chục dặm. Họ đào địa đạo và dùng chiến xa húc mạnh vào tường thành đồng thời bắn tên vào như mưa. Vương Phụng sợ hãi xin đầu hàng nhưng Vương Tầm, Vương Ấp không chấp nhận. Lưu Tú đến các đất Yển và Định Lăng, điều động toàn bộ binh lực rồi dẫn đầu hơn ngàn kỵ binh, bộ binh bày thế trận cách quân doanh của Vương Mãng 4, 5 dặm, chuẩn bị quyết đấu. Đội quân Lưu Tú xông lên trước, Vương Tầm và Vương Ấp muốn rút quân nhưng quân Lục Lâm đuổi rát theo sau, đành phải tự thân ra nghênh chiến. Trận thế quân Vương Mãng rối loạn, quân Lục Lâm thừa cơ xông thẳng tới chém giết, Vương Tầm chết ngay tại trận. Quân Lục Lâm trong thành thừa thế xông ra cùng với quân bên ngoài làm thành thế gọng kìm, tiếng hò hét vang trời. Quân Vương Mãng đại bại, dẫm đạp lên nhau chạy trốn, con đường hơn trăm dặm đầy những xác chết ngổn ngang. Quân Lục Lâm đại thắng, thu chiến lợi phẩm nhiều vô số kể. ...
... TRẬN ĐÁNH QUAN ĐỘ Trận đại chiến có tính quyết định tranh đoạt Trung Nguyên ở Quan Độ (nay ở trung bắc Trung Mâu, Hà Nam) vào năm 200, quân Tào Tháo đánh đại bại quân Viên Thiệu. Năm 199, Viên Thiệu tiêu diệt Công Tôn Toản, chiếm 4 châu U, Thanh, Ký, Tính, thế lực cực lớn, vì thế Thiệu quyết tâm đem 10 vạn đại quân tranh cao thấp với Tào Tháo. Tuy Tào Tháo chỉ có 3 vạn quân nhưng vẫn quyết định đóng trại ở Quan Độ đón quân Viên Thiệu. Lúc đó, Viên Thiệu đã tiến đến Lê Dương chuẩn bị vượt sông xuống nam tấn công Hứa Đô, trước tiên, sai Đại tướng Nhan Lương đánh chiếm Bạch Mã. Để phân tán binh lực của Viên Thiệu, Tào Tháo bèn dẫn quân đến Diên Tân (nay ở bắc Diên Tân, Hà Nam), giả vờ như sắp vượt sông tập kích hậu phương của địch. Viên Thiệu sa bẫy, quả nhiên sai Đại tướng Văn Xú đem quân đến Diên Tân đón đánh, còn chính Viên Thiệu thì đem quân đến Triều Ca (nay là Kỳ huyện, Hà Nam) chuẩn bị tiến đánh Tào Tháo. Thực tế, Tào Tháo đem khinh kỵ tấn công Bạch Mã, tiêu diệt quân Nhan Lương rồi lập tức triệt thoái về Quan Độ. Viên Thiệu đùng đùng nổi giận, lập tức dẫn quân vượt sông truy kích. Khi Tào Tháo đến núi Bạch Mã, sai quân dựng trại ở sườn núi phía nam rồi cho tháo yên ngựa, vất chiến xa để lừa quân Viên Thiệu. Quả nhiên, khi quân của Viên Thiệu đuổi tới nơi thì tranh nhau giành giật xe ngựa, nhân lúc ấy quân Tào xông ra chém giết rồi mau chóng rút khỏi Quan Độ. Tuy Viên Thiệu hai lần thất bại nhưng binh lực và lương thực vẫn còn chiếm ưu thế, do vậy tiếp tục đem quân đến đóng trại ở Quan Độ, triển khai chiến đấu cùng quân Tào Tháo. Hai bên cầm cự nhau 3 tháng trời; kết quả, Tào Tháo sai 3000 kỵ binh tinh nhuệ đánh úp hơn 1 vạn quân giữ lương thực của Viên Thiệu, đốt hết quân lương, giết được cả tướng của Viên Thiệu. Nghe tin này quân sĩ của Viên Thiệu hầu như tan vỡ. Tào Tháo bèn thừa thế tấn công, Viên Thiệu đành cùng con dẫn 800 kỵ binh bỏ trốn, còn lại toàn bộ đều bị tiêu diệt. Tào Tháo đại thắng trận này, tạo thành cơ sở để sau đó thống nhất cả phương bắc. ...
... TRẬN ĐÁNH XÍCH BÍCH Trận đại chiến giữa liên quân Lưu Bị và Tôn Quyền, đánh bại quân Tào Tháo ở Xích Bích (nay là đông bắc Gia Ngư, Hồ Bắc) vào năm 208. Sau khi Tào Tháo thắng trận Quan Độ, hùng cứ phương bắc thì quyết đem binh lực hùng hậu của mình xuống đánh phương nam, tiêu diệt hai tập đoàn lớn của Lưu Biểu và Tôn Quyền, thống nhất toàn quốc. Quả nhiên, dưới sức ép của Tào Tháo, Lưu Tông vừa thừa kế Lưu Biểu đành bó tay đầu hàng, Tào Tháo dễ dàng chiếm lấy Kinh châu. Lưu Bị vốn sống dựa vào Lưu Biểu đành cùng với Lưu Kỳ (một con khác của Lưu Biểu) dẫn 2 vạn quân xuống phía nam đóng ở Phàn Khẩu(nay ở tây bắc Ngạc huyện, Hồ Bắc) theo lời khuyên của Lỗ Túc (Đông Ngô). Khi ấy đại quân của Tào Tháo sửa soạn từ Giang Lăng xuôi sông tiến xuống phương nam. Trong lúc nguy cấp, Gia Cát Lượng xin được sang Giang Đông thuyết phục Tôn Quyền liên hợp để chống Tào. Gia Cát Lượng du thuyết thành công, được Tôn Quyền ủng hộ, sai Chu Du, Trình Phổ và Lỗ Túc đem 3 vạn quân kết hợp với Lưu Bị để đối phó với quân Tào. Liên quân Lưu Bị và Tôn Quyền đụng độ với Tào Tháo ở Xích Bích. Lúc ấy quân Tào Tháo bị dịch bệnh, cảm thấy tình hình bất lợi nên lui về đóng ở Giang bắc còn Chu Du đóng ở Giang nam, hình thành thế đối đầu giữa hai bên. Tào Tháo đóng quân ngang sông, chiến thuyền kết chặt vào nhau để chờ đợi thời cơ quyết chiến với liên quân Lưu Bị và Tôn Quyền. Một hôm, Hoàng Cái, tướng của Chu Du, phao tin muốn đầu hàng Tào Tháo rồi lừa phóng hỏa đốt các chiến thuyền của Tào Tháo. Đang lúc quân địch hỗn loạn, Chu Du thừa cơ thúc quân xông vào hỗn chiến, kết quả quân của Tào Tháo đại bại, Tào Tháo phải dẫn quân trốn chạy theo đường Hoa Dung đạo. Thủy quân và lục quân của Chu Du đuổi theo rất rát, Tào Tháo phải trốn đến Nam quận. Quân sĩ vừa chết trận, vừa đói khát và bệnh tật chết quá nửa, Tào Tháo đành phải rút tàn quân về bắc. ...
... TRẬN ĐÁNH GIANG LĂNG Trận đánh do Tôn Quyền của Đông Ngô tổ chức, đánh bại Quan Vũ của Thục Hán để chiếm đoạt Kinh châu vào năm 219. Sau trận đánh ở Xích Bích, Tào Tháo chiếm bắc bộ Kinh châu, Tôn Quyền chiếm Trung bộ Kinh châu và Lưu Bị chiếm nam bộ Kinh châu. Sau đó, Lưu Bị có ý muốn phát triển lên trung bộ và bắc bộ Kinh châu, và thừa cơ sẽ chiếm lấy luôn Ích châu. Vì việc này, Tôn Quyền hết sức bất mãn, đòi lại Nam quận nhưng Lưu Bị từ chối. Tôn Quyền càng thêm giận, quyết dùng vũ lực để tranh đoạt Kinh châu với Lưu Bị nhưng ngay sau đó, vì Tào Tháo đem quân tới Hán Trung nên đành phải tạm dừng việc tranh đoạt lại. Thêm vào đó, người chủ trương liên kết giữa Tôn Quyền và Lưu Bị là Lỗ Túc vừa mới chết, Đông Ngô cho Lã Mông đến trấn thủ Lục Khẩu (nay ở tây nam Gia Ngư, Hồ Bắc), tình hình càng xấu thêm. Lã Mông bí mật kiến nghị với Tôn Quyền xin giải quyết Quan Vũ, Tôn Quyền đồng ý. Lã Mông bèn giả cớ có bệnh, cho Lục Tốn thay thế mình đến Lục Khẩu viết thư gửi cho Quan Vũ, ca tụng công lao to lớn của Quan Vũ. Quả nhiên, Quan Vũ đọc thư càng kiêu ngạo thêm, không lưu ý đề phòng và rút nửa số quân về Phàn Thành (Hồ Bắc). Quan Vũ dụ hàng bộ tướng của Tào Tháo là Vu Cấm và vài vạn quân. Nhân vì thiếu lương thực, Quan Vũ cho quân đi cướp lương gạo của Tôn Quyền ở Tương Quan. Tôn Quyền nổi giận, quyết định đánh úp Quan Vũ. Lã Mông cho thủy quân chiếm trước thành Giang Lăng, thủ phủ Kinh châu; Tôn Quyền liền phong cho Lã Mông làm Thái thú Nam quận, Lục Tốn làm Thái thú Nghi quận. Các thành ấp khác đều hàng Lục Tốn. Tôn Quyền sai người đến dụ hàng Quan Vũ lúc đó đang cố thủ ở Mạch thành (nay ở đông nam Đương Dương, Hồ Bắc). Quan Vũ không bằng lòng, dẫn theo vài chục kỵ binh trốn chạy. Tháng 12, Quan Vũ và con là Quan Bình bị giết tại Chương Hương (nay ở phía tây Kinh môn, Hà Bắc). ...
... TRẬN ĐÁNH DI LĂNG Trận đánh ở Di Lăng vào năm 221, vài vạn quân Ngô tấn công đánh bại vài chục vạn quân của Lưu Bị. Sau trận chiến Xích Bích, ba nước Ngụy, Ngô, Thục hình thành cục diện thế chân vạc, đất Kinh châu ở vào giao giới giữa 3 nước là nơi yếu địa chiến lược có thể công, có thể thủ. Năm 315, Tôn Quyền sai người đòi Kinh châu nhưng Lưu Bị mượn cớ không chịu trả. Năm 219, Tôn Quyền nhân cơ hội Đại tướng Quan Vũ đóng ở Kinh châu bận lên phía bắc đánh Tương Dương và Phàn thành, bèn sai các tướng là Lã Mông, Lục Tốn đem đại quân đánh chiếm thủ phủ Giang Lăng ở Kinh châu, tiếp đó giết luôn Quan Vũ khi quay về cứu nguy, đoạt chiếm Kinh châu. Tháng 7 năm 221, Lưu Bị lấy cớ báo thù cho Quan Vũ chiêu tập vài chục vạn binh mã tiến đánh nước Ngô. Đại tướng Triệu Vân cố sức khuyên Lưu Bị nên liên kết với Đông Ngô mà chống với Tào Tháo, đừng nên đánh Ngô nhưng Lưu Bị không nghe theo. Tôn Quyền cũng nhiều lần sai người xin cầu hòa, Lưu Bị đều cự tuyệt. Trước tiên Lưu Bị chiếm Giáp khẩu Trường Giang rồi tiến vào địa giới nước Ngô. Năm sau đánh chiếm Di Lăng (nay ở đông Nghi Xương, Hồ Bắc), đóng quân ở hai bên bờ Trường Giang. Tháng 2 năm ấy, Lưu Bị mang quân chủ lực tiến đến Hổ Đình, đóng đại bản doanh để sửa soạn quyết chiến với quân Ngô. Sau khi phân tích tình hình, Đại đô đốc Lục Tốn của nước Ngô quyết định áp dụng chiến lược phòng ngự, tránh giao chiến với quân chủ lực Thục. Quân Thục tiến sâu vào đất Ngô hơn 5, 6 trăm dặm, đóng trại liên tiếp và tìm cơ hội giao phong với địch nhưng quân Ngô luôn luôn cố thủ, nhất định không giao chiến. Thời gian trôi qua nửa năm, hai bên không hề đánh trận lớn nào mà khí hậu thì càng ngày càng nóng nực khiến quân Thục vốn chịu nóng không quen, bắt đầu sa sút ý chí chiến đấu. Lục Tốn liền nhân cơ hội trời đang nóng dữ, nửa đêm theo hướng gió phóng hỏa tấn công trên toàn trận tuyến. Hơn 40 doanh trại của quân Thục bị công phá, thế trận hoàn toàn tan vỡ, quân sĩ chết nhiều không kể xiết. Trận này quân Thục thất bại thê thảm. ...
... GIA CÁT LƯỢNG ĐÁNH PHƯƠNG BẮC Để vượt thoát khỏi vị trí là một nước nhỏ yếu cho Thục Hán, từ năm 228 đến năm 234, Gia Cát Lượng đã tiến hành 5 lần đánh lên phương bắc. Nước Thục Hán sau các trận thất bại ở Giang Lăng, Di Lăng, mất Kinh châu nên tổn thất một số lớn nhân lực vật lực, đã biến thành một nước nhỏ yếu nhất trong trong ba nước. Tuy vậy, Gia Cát Lượng vẫn một lòng báo đáp ân nước, cúc cung tận tụy, thủy chung không quên giấc mơ tiến vào Trung Nguyên, tiêu diệt nước Ngụy và hoàn thành sự nghiệp thống nhất. Năm lần đánh phương bắc của Gia Cát Lượng là: Lần một, mùa xuân năm 228 (Kiến Hưng thứ 8), Gia Cát Lượng tuyên xưng từ Tà Cốc (nay ở tây nam Mi huyện, Thiểm Tây) đánh chiếm đất Mi, sai Triệu Vân và Đặng Chi làm nghi binh chiếm giữ Kỳ Cốc (nay ở tây bắc Thiểm Tây), rồi tự thân mình dẫn quân chủ lực tiến chiếm Kỳ Sơn (nay ở đông bắc Lễ huyện, Cam Túc). Tào Ngụy sai Tào Chân trấn giữ đất Mi. Trận này, quân Thục đại bại vì Mã Tắc làm trái chỉ thị của Gia Cát Lượng, làm mất Nhai Đình; Gia Cát Lượng đành phải rút quân quay về Hán Trung (nay là Hán Trung, Thiểm Tây) và chém đầu Mã Tắc. Lần thứ hai vào tháng 12 năm 228, Gia Cát Lượng cho rằng hai nước Ngụy và Ngô đang bận chiến tranh ở Kinh châu, bỏ trống Quan Trung nên đem quân bao vây Trần Thương (nay là Bảo Kê, Thiểm Tây). Tướng Ngụy là Hách Chiêu độ đóng cửa thành giữ rất vững nên quân Thục không thể nào đánh hạ nổi. Sau hơn 10 ngày vây hãm, quân lương bị thiếu hụt, Gia Cát Lượng đành rút quân về. Quân Ngụy tuy có truy kích nhưng bị quân Thục tương kế tựu kế phục kích lại. Lần thứ ba, vào mùa xuân năm 229, Gia Cát Lượng sai Trần Giới đánh chiếm 2 quận Võ Đô (nay ở tây bắc Cam Túc) và Dương Bình (nay ở tây Văn huyện, Cam Túc), còn tự thân đem quân đến đất Kiến Uy (nay ở tây bắc Thành huyện, Cam Túc). Quân Ngụy buộc phải rút lui, bỏ mất hai quận. Lần thứ bốn, vào tháng 2 năm 231, Gia Cát Lượng đem quân ra Kỳ Sơn đến Thượng Khuê (nay là Thiên Thủy, Cam Túc), Tư Mã Ý đem quân kháng cự, đối đầu mấy tháng. Lúc ấy vào mùa mưa, vận chuyển lương thực rất khó khăn nên quân Thục phải rút về theo lệnh của Hậu chủ. Lần thứ năm, vào năm 234, Gia Cát Lượng liên hợp với quân Đông Ngô cùng đánh Ngụy, Gia Cát Lượng chỉ huy hơn 10 vạn quân giữ đường Tà Cốc, còn Tư Mã Ý đóng quân ở bờ nam sông Vị thủy mà chống cự. Gia Cát Lượng đóng quân ở Ngũ Thượng Nguyên, cầm cự với quân Ngụy hơn trăm ngày. Cuối cùng vì quá lao lực, Gia Cát Lượng chết trong doanh trại vào tháng 8, quân Thục đành rút về. Đến đây, việc đánh phương bắc của Thục Hán đành chịu cáo chung. ...
... TRẬN QUÂN NGỤY TIÊU DIỆT THỤC HÁN Trận chiến lớn do quân nước Ngụy tiến hành để tiêu diệt nước Thục Hán vào năm 263. Sau khi Gia Cát Lượng của Thục Hán chết rồi, thế nước ngày càng suy yếu. Lưu Thiên là kẻ tối tăm bất tài lại dung túng cho tên hoạn quan Hoàng Hạo gian trá lộng quyển. Kết quả, làm cho chính quyền thối nát, nước nghèo dân khổ, bước tới chỗ sửa soạn bị diệt vong. Tháng 5 năm 263, Tư Mã Chiêu hạ lệnh tập họp 18 vạn quân đem đi đánh Thục. Quân Ngụy chia 3 đường mà tấn công, Đặng Ngải dẫn quân từ Địch Đạo (nay là Lâm Đào, Cam Túc) hướng tới Cam Tùng (nay ở đông nam Cam Túc) để chế ngự quân Khương Duy; Gia Cát Tự từ Kỳ Sơn (nay ở đông Lễ huyện, Cam Túc) tiến quân đến Võ Nhai (nay ở tây bắc Thành huyện, Cam Túc) để chặn đường trở về của Khương Duy; Chung Hội dẫn quân chủ lực từ Tà Cốc (nay ở tây nam Mi huyện, Thiểm Tây), Lạc Cốc (nay ở tây nam Tây An, Thiểm Tây), Tí Ngọ Cốc (nay ở nam Tây An, Thiểm Tây) tiến thẳng đến Hán Trung (nay ở tây Hán Trung, Thiểm Tây) và đồng thời phái Vệ Hoán giám đốc 2 đạo quân của Chung Hội và Đặng Ngải. Tháng 9, quân Ngụy phát động tấn công toàn diện. Chung Hội dẫn 3 vạn quân vượt qua Tần Lãnh (nay ở trung bộ Thiểm Tây) đột nhập vào Hán Trung, vây đánh Hán thành (nay ở đông Miễn huyện, Thiểm Tây) và Lạc thành(nay ở đông Thành Cố, Thiểm Tây) chiếm cửa khẩu Dương An (nay ở tây bắc Ninh Cường, Thiểm Tây) và chuẩn bị tiến thẳng đến Thành Đô. Ba đạo quân của Đặng Ngải tấn công quân Khương Duy, Khương Duy phải dẫn quân chuyển về phía đông. Lúc này, Gia Cát Tự đã chiếm Võ Nhai và Âm Bình Kiều Đầu nên Khương Duy bị đánh ép cả hai mặt, liền phải ra khỏi Khổng Hàm quan(nay ở đông nam Võ Đô, Cam Túc) rồi quay quân về thông qua Kiều Đầu, lui đến Kiếm Các (nay là Kiếm Các, Tứ Xuyên) đóng ở hiểm địa mà cố thủ. Chung Hội dẫn quân đến, đánh phá rất lâu mà không hạ được. Tháng 10, Đặng Ngải chỉ huy quân xuất phát từ Âm Bình rồi vượt qua Ma Thiên lãnh, thông qua Mân sơn, tiến rất nhanh về đất Bồi (nay ở đồng Miên Dương, Tứ Xuyên). Quân của Đặng Ngải đánh bại quân Thục, giết được Gia Cát Chiêm, chiếm lãnh Miên Trúc. Vì vậy triều đình nhà Thục Hán hết sức rối loạn, Hậu chủ Lưu Thiện buộc phải đầu hàng Đặng Ngải. Quân Ngụy tiến chiếm Thành Đô rồi thì Khương Duy mới nghe tin Gia Cát Chiêm đại bại, không biết Hậu chủ ra sao nên vội đem quân tiến vào đất Ba (nay là Ba Trung, Tứ Xuyên). Chung Hội đến Bồi thành, sai Hồ Liệt đuổi theo Khương Duy. Khương Duy đành phải chạy đến đất Thê (nay là Quảng Phúc, Tứ Xuyên). Khương Duy nhận được lệnh đầu hàng của Hậu chủ bèn cho quân đội buông vũ khí, đầu hàng Chung Hội. Đến đây Thục Hán hoàn toàn bị diệt vong. ...
... TRẬN ĐÁNH NƯỚC TẤN TIÊU DIỆT NƯỚC NGÔ Trận chiến được nước Tấn tiến hành để tiêu diệt nước Ngô của Tôn Quyền vào năm 280. Sau khi Tư Mã Viêm nắm quyền ở nước Tấn thì chú ý vỗ yên đất Ba Thục, khen thưởng tướng sĩ, phát triển sản xuất, đóng đồn trữ lương, chọn dùng nhân tài và cho đóng rất nhiều chiến thuyền. Về các mặt chính trị, kinh tế, quân sự đều tăng cường sức mạnh, tạo thế chuẩn bị tiêu diệt Đông Ngô. Tháng 11 năm 279 (Hàm Ninh thứ 5), Tấn Võ đế Tư Mã Viêm khởi hơn 20 vạn quân mã chia ra làm 6 đường tấn công Tôn Ngô. Tháng 2 năm 280, tướng Tấn là Vương Duệ thuận giòng Trường Giang tiến xuống phương nam đánh phá Đan Dương (nay ở đông Hồ Bắc) và phá hủy các dây sắt do quân Ngô bố trí ở những nơi yếu hại, chiếm Tây Lăng (nay ở tây bắc Nghi Xương, Hồ Bắc) giết Đô đốc nước Ngô là Lưu Hiến. Kế đó, quân Tấn lại đánh chiếm 2 thành Kinh Môn (nay ở tây bắc Nghi Đô, Hồ Bắc) và Di Đạo (nay là Nghi Đô, Hồ Bắc), giết được giám quân Lục Án, tiến đến bức Lạc Hương (nay ở đông bắc Tùng Tư, Hồ Bắc), đánh đại bại Đô đốc Tôn Hâm. Không lâu sau, quân Tấn lại giết được Đô đốc Tôn Ngô là Lục Cảnh. Cũng trong lúc này, tướng nước Tấn là Đỗ Dự đã đánh chiếm Giang Lăng, các quận khác thấy vậy đều vội vã đầu hàng. Trung tuần tháng 2, Tư Mã Viêm điều chỉnh lại hàng ngũ tác chiến, sai Vương Duệ làm Đô đốc đem quân xuống phía đông quét sạch các đất Ba Khâu (nay là Nhạc Dương, Hồ Nam) và Võ Xương, rồi thuận giòng tiến thẳng đến Mạt Lăng (nay ở Nam Kinh, Giang Tô), đồng thời cũng sai Đỗ Dự đến Kinh châu phủ dụ. Quân của Vương Duệ theo giòng xuống nam đoạt chiếm Hạ Khẩu, Võ Xương. Lúc đó, quân đội của Vương Hồn đã xuống phía nam đánh bại 3 vạn quân của Thừa tướng Ngô là Trương Đễ, khiến cho trên dưới vua tôi nước Ngô đều chấn động. Vương Duệ từ Võ Xương thuận giòng tiến thẳng về Kiến Nghiệp. Các tướng Ngô đầu hàng Vương Hồn, nên quân Tấn tha hồ tiến vào thành Kiến Nghiệp. Ngô chúa Tôn Hạo phải tự trói tay, đặt quan tài trên xe mà ra đầu hàng Vương Duệ. Đến đây, cục diện chia 3 kéo dài 90 năm đã chấm dứt. ...
... TRẬN ĐÁNH PHÌ THỦY Trận đại chiến do quân Đông Tấn đánh bại gần trăm vạn quân Tiền Tần ở Phì Thủy (nay là vùng Thọ huyện, An Huy) vào năm 383. Vào thời kỳ mà lịch sử gọi là “16 nước” (Thập lục quốc), ở phương bắc có khá nhiều chính quyền của dân tộc thiểu số hỗn chiến lẫn nhau. Từ khi Phù Kiên lên ngôi đế, triều Tiền Tần thống nhất phương bắc trở về sau nên quyết định tiến xuống phương nam tiêu diệt chính quyền do Tư Mã Duệ, hoàng tộc nhà Tấn với tên gọi mới là Đông Tấn vương triều. Phù Kiên không nghe can gián, mở cuộc tấn công đại quy mô suốt chiến tuyến đông tây dài đến vạn dặm. Chính quyền Đông Tấn được phần lớn dân chúng ủng hộ, Tể tướng Tạ An sai Tạ Thạch, Tạ Huyền và Lưu Lao Chi đem 8 vạn quân nghênh chiến. Lúc đó quân của Tiền Tần đã đánh chiếm được Thọ Dương (nay là Thọ Dương, An Huy), nên Phù Kiên cho rằng chiến thắng đã nằm trong tầm tay, bèn đem chủ lực đại quân đóng ở Hạng Thành, còn tự thân dẫn 8000 khinh kỵ đến Thọ Dương. Phù Kiên lại sai Chu Tự, vốn là tướng Đông Tấn bị bắt, trở lại khuyên hàng triều đình Đông Tấn. Chu Tự chẳng cũng không khuyên hàng mà còn báo cáo toàn bộ tình hình Tiền Tần với Đông Tấn. Tiền quân Đông Tấn do Lưu Lao Chi chỉ huy nhân những tin tức này liền dẫn 5000 tinh binh vượt sông Lạc Giản đang đêm đánh úp đại doanh trung quân Tiền Tần, chém chết chủ tướng là Lương Thành và tiêu diệt 1 vạn 5 ngàn sĩ tốt của Tiền Tần. Quân Đông Tấn thừa thắng tiến tới bờ sông Phì thủy đối đầu với quân Tiền Tần đóng ở bờ bên kia. Phù Kiên cậy mình quân đông thế mạnh, rất kiêu căng khinh địch. Tạ Huyền lợi dụng nhược điểm ấy sai người sang yêu cầu quân Tiền Tần rút ra sau một đoạn để có đất trống cho quân hai bên giao chiến quyết thắng bại. Phù Kiên không nghe lời khuyên ngăn của các tướng, chấp nhận đề xuất ấy với mưu đồ đợi lúc quân Đông Tấn đang vượt sông sẽ tiêu diệt gọn. Nhưng sự việc xảy ra trái với ý định của Phù Kiên, khi lệnh rút quân vừa ban ra thì quân sĩ tưởng rằng đã thất bại nên thi nhau bỏ chạy điên cuồng hỗn loạn, không có hàng ngũ gì nữa. Quân Đông Tấn lập tức vượt sông truy kích theo ráo riết. Quân Tiền Tần tranh nhau trốn chạy, dẫm đạp lên nhau chết vô số kể, Phù Kiên cũng bị tên bắn trúng, cuối cùng đành phải mang tàn quân chạy về Trường An. ...
... TRẬN ĐÁNH THIỂN THỦY NGUYÊN Trận chiến do Lý Thế Dân chỉ huy quân Đường đánh bại thế lực cát cứ của Tiết Nhân Cảo ở Thiển thủy nguyên (nay ở đông bắc Trường Võ, Thiểm Tây) vào năm 618. Tháng 7 năm ấy, Cao tổ vương triều Đường là Lý Uyên muốn diệt trừ thế lực cát cứ của Tiết Nhân Cảo và củng cố vương triều, kết quả bị thất bại ở Thiển thủy nguyên. Tháng 11, Lý Thế Dân làm Nguyên soái, một lần nữa đem quân đi đánh Tiết Nhân Cảo. Cảo cho tướng là Tông La Hầu ra đối đầu. Quân Đường chia hai đường đánh kẹp quân của Tông La Hầu vào giữa khiến địch quân hết sức rối loạn, Lý Thế Dân liền dẫn hơn 2000 kỵ binh truy kích đến tận chân thành mà Tiết Nhân Cảo đang đóng giữ. Cảo ra nghênh chiến nhưng sau đó phải đầu hàng quân Đường. Quân Đường đại thắng. ...
... LÝ TĨNH CHINH PHẠT THỔ CỐC HỒN Trận đánh quan trọng do quân vương triều Đường viễn chinh đánh Thổ Cốc Hồn lên tận miền biên thùy phương tây vào năm 635. Thổ Cốc Hồn là một bộ lạc thuộc bộ tộc Tiên Ti cổ đại, đầu đời Đường dần dần lớn mạnh lên và thường hay quấy nhiễu các vùng Lương châu (nay là Võ Uy, Cam Túc), Quách châu (nay ở nam Hóa Long, Thanh Hải), đe dọa nghiêm trọng hành lang Hà Tây thông sang các nước Tây Vực. Vì vậy Đường Thái tông để quyết định tây chinh để trừ diệt tai họa ngay sát nách. Lúc ấy, Lý Thế Dân đã dùng lão tướng Lý Tĩnh, phong cho ông làm Tây Hải đạo hành quân Đại tổng đốc, chỉ huy 5 đạo quân của Hầu Quân Tập, Lý Đạo Tông, Lý Đạo Ngạn, Lý Đại Lượng, Cao Tắng Sinh để tiến đánh Thổ Cốc Hồn. Khi Lý Tĩnh đến Thiện châu (nay là vùng Lạc Đô, Tây Ninh, Thanh Hải), Khả Hãn Thổ Cốc Hồn là Phục Doãn nghe tin vội trốn về phía tây. Lý Tĩnh liền sai Lý Đạo Tông đem quân tiên phong đuổi theo, còn quân chủ lực theo sát phía sau. Khi đuổi đến Khố Sơn La (nay ở nam Hồ Đông, Thanh Hải) quân Thổ Cốc Hồn chiếm vùng hiểm yếu để kháng cự. Quân chủ lực của Lý Tĩnh đuổi tới, sai Lý Đạo Tông mang hơn ngàn kỵ binh vòng ra sau núi đánh vu hồi. Quân của Phục Doãn tan vỡ bỏ chạy, nhưng quân Đường vẫn đuổi theo ráo riết. Quân Thổ Cốc Hồn thấy vậy đốt hết đồng cỏ hòng cắt được lương thực của ngựa kỵ binh, còn bọn chúng chạy vào sa mạc. Trong tình thế ấy, Lý Tĩnh áp dụng ý kiến của Hầu Quân Tập, quyết định đuổi sâu vào sa mạc. Lý Tĩnh chia quân làm 2 đạo theo thế gọng kềm đánh ép quân Thổ Cốc Hồn lại. Lý Tĩnh thân chỉ huy đạo quân phía bắc tiến tới như chẻ tre, đánh bại quân Thổ Cốc Hồn ở nhiều nơi, khi đuổi đến tận đô thành của Thổ Cốc Hồng là Phục Hầu thành (nay thuộc Thanh Hải), Phục Doãn vội bỏ thành trốn chạy. Lý Tĩnh vẫn tiếp tục đuổi theo, quyết bắt giết cho bằng được Phục Doãn. Lúc đó, đạo phía nam do Hầu Quân Tập và Lý Đạo Tông cũng đuổi tới nơi, đánh tan tác quân của Phục Doãn ở Ô Hải (nay là Khổ Hải, Thanh Hải) và bắt sống được 20 danh tướng. Quân Lý Tĩnh vượt qua cả Tích Thạch sơn (nay thuộc Thanh Hải) đuổi Thổ Cốc Hồn đến biên thùy phía tây. Cuối cùng, đại quân của Lý Tĩnh tiến vào sa mạc, đánh úp doanh trại của Phục Doãn, tiêu diệt được mấy vạn quân địch và bắt sống vợ con của Phục Doãn. Phục Doãn hết đường trốn chạy đành phải tự thắt cổ chết, các tướng khác cũng đầu hàng. ...
... TRẬN CHIẾN QUÂN TỐNG TIÊU DIỆT NAM ĐƯỜNG Trận đánh cuối cùng trong quá trình Bắc Tổng thống nhất phương nam vào năm 975. Nam Đường là một chính quyền cát cứ từng diệt Man ở đông, bình Sở ở tây, cai quản đất đai 36 châu, nhưng sau bị triều Hậu Chu đánh bại, thế nước ngày càng suy yếu. Khi Lý Dục (tức Nam Đường Hậu chủ) lên ngôi, tuy Nam Đường chỉ còn lại 19 châu ở Giang Đông nhưng vẫn là một quốc gia có kinh tế giàu có. Lý Dục tích cực chuẩn bị, chia 30 vạn quân đóng ở các nơi yếu địa với ý đồ dựa vào hiểm trở của sông Trường Giang để ngăn chặn quân Tống đánh xuống phương nam. Hoàng đế Bắc Tống là Triệu Khuông Dẫn cũng chuẩn bị hết sức cẩn thận cho giấc mộng thống nhất phương nam. Tháng 10 năm 972 (Khai Bảo thứ 5), Triệu Khuông Dẫn bắt đầu tiến đánh Nam Đường, cho thủy quân Bắc Tống tiến phát từ sông Hoài đánh Giang Nam, tập kết ở Kinh Nam đợi 10 vạn đại quân theo sông xuống phía đông. Quân Tống thông qua Hổ khẩu rồi đột ngột vượt sông đánh thẳng vào Trì châu. Tiếp đó, quân Tống bắc cầu nổi ở Thạch Bi khẩu (nay ở tây An Khánh, An Huy) hạ liên tiếp Đồng Lăng, Vu Hồ, Đương Đồ và tấn công các vùng quan trọng ở hạ lưu Trường Giang, tiến thẳng tới Kim Lăng (nay là Nam Kinh, Giang Tô). Lý Dục vội điều động 10 vạn quân cứu viện Kim Lăng, nhưng đã muộn, quân Nam Đường đại bại ở khắp nơi nên không thể nào cứu viện các mặt trận khác được. Cuối cùng, Triệu Khuông Dẫn hạ lệnh phá thành, Lý Dục buộc phải đầu hàng. ...
... TRẬN ĐÁNH U CHÂU Hai trận đánh do Bắc Tống tiến hành ở vùng U châu với nước Liêu trong quá trình Tống muốn thu phục 16 châu Yên, Vân xảy ra vào các năm 979 và 986. Tháng 5 năm 979, Tống Thái tông Triệu Quang Nghĩa chỉ huy vài chục vạn quân vừa mới dẹp yên Bắc Hán, chưa được nghỉ ngơi thì lại định đem quân chiếm đoạt U châu (nay là bắc bộ Hà Bắc và vùng Liêu Ninh). Tống Thái tông đánh bại Đại vương Liêu Bắc là Da Luật Hi Đạt ở Sa Hà rồi tiến thẳng đến nam thành U châu. Quân Tống tấn công bốn mặt nhưng U châu là thành cao tường vững, quân Tống lại thiếu khí cụ công phá nên đánh rất lâu mà không sao phá được. Không lâu sau, Tể tướng Da Luật Sa của Liêu Nam chỉ huy quân cứu viện kéo đến U châu, kịch chiến dữ dội với quân Tống ở Cao Lương hà (nay ở ngoài thành Bắc Kinh). Chiều tối hôm ấy, Đại vương của Liêu Bắc là Da Luật Hưu Ca chỉ huy kỵ binh kéo tới hội với quân của Da Luật Sa, chia làm hai cánh tả hữu tấn công quân Tống, cả quân Liêu trong thành cũng tràn ra tham chiến. Bị đối địch ở nhiều mặt, quân Tống không sao chống nổi nên đành đại bại, Triệu Quang Nghĩa phải cưỡi lừa mà chạy trốn về phương nam. Đến năm 986, Tống Thái tông Triệu Quang Nghĩa lầm tưởng Cảnh tông nước Liêu đã qua đời, do Thái hậu Tiêu Xước cầm quyền chính thì thế nước chắc chắn sẽ bị suy yếu nên quyết định bắc phạt lần nữa. Giữa đường hành quân, quân trung lộ do Điền Trọng chỉ huy và quân tây lộ do Phan Mỹ, Dương Nghiệp chỉ huy đánh trận nào thắng trận nấy; về phía quân đông lộ do Tào Bân, Mễ Tín chỉ huy cũng chiếm được nhiều thành trì, đại phá quân Liêu. Quân của Tào Bân đóng tại Trác châu (nay là Trác huyện, Hà Bắc) hơn 10 ngày thì lương thực đã cạn phải rút về Hùng châu (nay là Hùng huyện, Hà Bắc). Triệu Quang Nghĩa cho rằng như thế không thỏa đáng, vội lệnh cho quân của Tào Bân đóng ven theo Bạch Câu hà để giữ thế liên tục với quân của Mễ Tín, đợi cùng nhau đánh U châu. Các tướng của Tào Bân không chịu nghe lệnh, tranh nhau ra xin đánh, không sao ngăn cản được nên Tào Bân đành quay về Trác châu. Da Luật Hưu Ca nhân dịp ấy đánh chận, khiến cho quân Tào vừa hành quân vừa chiến đấu mãi 4 ngày sau mới về đến Trác châu, sĩ tốt mệt mỏi rã rời. Vì quân Liêu lại đuổi ráo riết đến nơi, nên quân Tào đành bỏ thành lần nữa, dẫn dân chúng triệt thoái. Da Luật Hưu Ca bám đuổi theo, đánh đại bại quân Tào. Triệu Quang Nghĩa liền hạ lệnh cho quân của Điền Trọng lui về đóng ở Định châu (nay là Định huyện, Hà Bắc), còn quân của Phan Mỹ lui về đóng ở Đại châu (nay là Đại huyện, Sơn Tây). Tháng 7 năm đó, 10 vạn đại quân Liêu chuyển sang hướng đông vây đánh Úy châu (nay là Ủy huyện, Hà Bắc), đánh bại quân của Phan Mỹ và tiêu diệt luôn quân của Dương Nghiệp. Cả hai trận đánh ở U châu, quân Tống đều thảm bại. ...
... TRẬN THỦY CHIẾN TRẤN GIANG Những trận thủy chiến chận quân triều Tống để quân Kim rút về phương bắc vào năm 1130 ở Trường giang gần Trấn Giang. Lần thứ ba quân Kim xâm lược phương nam bị tình hình bắt buộc, họ phải rút về Trấn Giang mà vượt sông quay trở về phương bắc. Tướng soái Tống là Hàn Thế Trung quyết định đem 8000 thủy quân ra đóng ở Tiêu sơn, ngay giữa lòng Trấn Giang phía đông bắc để cắt đứt đường quay trở về phương bắc của quân Kim. Trung tuần tháng 3, chủ tướng Kim là Tông Bật chỉ huy 10 vạn quân đến Trấn Giang, chuẩn bị vượt sông. Hàn Thế Trung và vợ là Lương Hồng Ngọc chia nhau chỉ huy một đội chiến thuyền mai phục ở hai bờ đông tây Tiêu sơn. Khi quân Kim vừa đi chiến thuyền nhẹ đến gần, thủy quân Tống đột ngột xông ra tấn công, Lương Hồng Ngọc dóng trống vang dậy trợ uy. Trong chốc lát quân Kim đã đại loạn, rơi từng nhóm xuống sông, con rể của Tông Bật là Long Hổ đại vương bị bắt sống. Quân Kim vượt sông thất bại đành xin với Hàn Thế Trung cho nộp lại toàn bộ số tài sản đã cướp được ở Giang Nam, chỉ mong được qua sông thoát chết. Hàn Thế Trung nghiêm khắc cự tuyệt, cuối cùng đẩy quân Kim phải tiến vào chỗ chết ở cảng Hoàng Thiên Đăng (nay ở đông bắc Nam Kinh, Giang Tô), không còn cách tiến thoái. Quân Kim đào mở con đường thủy cũ để mong trốn tới được Kiến Khang (nay là Nam Kinh, Giang Tô), đi nửa đường thì đụng độ với tướng Tống là Nhạc Phi ngăn chận, đành lại phải rút về Hoàng Thiên Đăng. Trung tuần tháng 4, quân Kim đã chuẩn bị đầy đủ, có ý định cố vượt Trường giang lần nữa. Tông Bật chỉ huy chiến thuyền tấn công quân Tống rất dữ dội, Hàn Thế Trung bèn chia quân làm hai đạo bao vây chiến thuyền quân Kim, khiến các chiến thuyền này trước sau đều thụ địch, rốt cuộc chiến bại lần nữa. Tông Bật không còn cách nào khác là lại tha thiết van xin Hàn Thế Trung ban cho mình một con đường sống, nhưng vẫn bị cự tuyệt. Vài ngày sau, Tông Bật thu nhận kiến nghị của các tướng, quyết định dùng hỏa công đánh chiến thuyền của Hàn Thế Trung Ngày 25 tháng 4, hai bên triển khai thủy chiến lần thứ 3, Tông Bật dùng rất nhiều cung thủ bắn tên lửa vào buồm của chiến thuyền quân Tống. Các lá buồm này rất dễ bắt lửa nên chỉ trong chốc lát là khói lửa mịt mù, tiếng người gào thét, ngựa hí vang trời, quân sĩ liên tiếp bị rơi xuống sông. Toàn bộ chiến thuyền của quân Tống đều bị tiêu diệt, còn Hàn Thế Trung một mình chạy thoát về Trấn Giang. Quân Kim đại thắng, vượt sông quay trở về phương bắc. ...
... TRẬN CHIẾN THUẬN XƯƠNG Trận chiến do quân Nam Tống chống trả cuộc xâm lăng của quân Kim ở Thuận Xương (nay là Phụ Dương, An Huy) vào năm 1140. “Hòa ước Thiệu Hưng” ký kết xong chưa lâu, quân Kim lợi dụng cơ hội quân Nam Tống không đề phòng ở biên giới, đột nhiên mở cuộc tấn công chiếm lĩnh các đất Trường An, Lạc Dương, Khai Phong và tiếp tục tiến quân xâm lấn Hoài Tây. Lúc ấy, Lưu Y vừa mới nhận trọng trách Đông Kinh Phó lưu thú, vội vàng chỉ huy quân đội đến Thuận Xương đụng độ với quân Kim. Lưu Y quyết tâm ngăn chận không cho quân Kim chiếm được Thuận Xương. Vào cuối tháng 5, hơn 3 vạn quân Kim bao vây Thuận Xương. Trước tiên, quân Tống dùng cung nỏ đẩy lui quân Kim, rồi sau đó tràn ra chém giết. Đêm hôm ấy, quân Tống lại sai 500 tráng sĩ lặng lẽ xuất thành đánh úp doanh trại của quân Kim, chém giết được rất nhiều. Nguyên soái quân Kim là Tông Bật nghe tin vội tự thân chỉ huy 10 vạn quân đến tăng viện cho quân ở Thuận Xương, tiếp tục vây thành và mở các cuộc tấn công liên tục. Quân Tống vừa cố thủ vừa phản công, bắn tên ra như mưa nhưng nhất định không ra tiếp chiến. Lúc đó, trời đang mùa nắng lớn, buổi trưa mặt trời như đổ lửa nên quân Kim không sao chịu nổi khí hậu ấy, người và ngựa đều mệt lả. Lưu Y cho rằng đã đến thời cơ, ra lệnh cho quân đội tấn công dữ dội. Sĩ khí của quân Tống hết sức hăng hái, thi nhau tràn ra chém giết. Tông Bật cũng chống cự rất dũng mãnh nhưng chỉ cầm cự được giai đoạn đầu, cuối cùng bị quân Tống đánh bại, tổn thất hơn 5 ngàn quân. Quân Kim phải rút lui và đóng trại ở phía tây, chuẩn bị việc vây khốn Thuận Xương lâu dài. Nhân ngày hôm sau trời mưa như trút nước, quân Tống liền lợi dụng khí hậu thay đổi mà đánh úp quân Kim. Lúc ấy, sông Dĩnh cũng dâng nước rất cao, quân của Nhạc Phi lại kéo đến tăng viện, nên Tông Bật thảm bại, cuối cùng phải rút chạy tơi tả. ...
... TRẬN CHIẾN TRUNG ĐÔ Hai trận đánh do Thành Cát Tư Hãn chỉ huy quân Mông Cổ đánh chiếm Trung Đô (nay ở tây nam thành Bắc Kinh), là đô thành của nước Kim từ năm 1211 đến năm 1215. Mông Cổ nguyên là tôi thần của triều Kim, nhưng vào năm 1206, Thành Cát Tư Hãn thống nhất các bộ lạc phương bắc, kiến lập nước Mông Cổ. Thế nhưng, Kim Thế tông vẫn thống trị Mông Cổ một cách tàn khốc, khiến Thành Cát Tư Hãn quyết định tiến đánh phương nam để trừng phạt Kim, chiếm đô thành Trung Đô. Lần thứ nhất, đánh Trung Đô là vào năm 1211, Thành Cát Tư Hãn chỉ huy hơn 10 vạn quân, xuất phát từ Oa Lỗ Tạp thành ở thượng du sông Ngạc Nhĩ Hồn, thuận dòng tiến xuống phương nam xâm phạm biên giới nước Kim. Vào mùa thu, sau khi chỉnh đốn hàng ngũ, Thành Cát Tư Hãn lại tiếp tục tiến quân, hạ liên tiếp mấy châu. Kim đưa 30 vạn quân bảo vệ Dã Cô lãnh (nay ở bắc Hà Bắc), bị quân Mông Cổ tràn tới chém giết xác chết đầy đồng. Tiền phong quân Mông Cổ tiến vào Cư Dung quan, uy hiếp Trung Đô; nhưng đây là một tòa thành kiên cố, nên quân Mông Cổ đánh mãi mà không hạ được, đành phải rút lui. Lần thứ hai, đánh Trung Đô là tháng 5 năm 1212, 30 vạn quân Kim giao chiến ác liệt với quân Mông Cổ ở phía bắc Dã Cô lãnh. Đại tướng Mông Cổ là Mộc Hoa Lê chỉ huy quân cảm tử xông vào kẻ địch, còn Thành Cát Tư Hãn chỉ huy quân chủ lực đánh ép ở phía sau, quân Kim đại bại. Quân Mông Cổ thừa thắng tiến thẳng xuống phương nam đánh hạ nhiều châu quận. Năm ấy Tây Kinh (nay là Đại Đồng, Sơn Tây) và Đông Kinh (nay là Liêu Dương, Liêu Ninh) của quân Kim đều bị Mông Cổ công hãm, như thế Kim đã mất hết hai cánh tay. Năm 1213, quân Mông Cổ chiếm Cư Dung quan, Thành Cát Tư Hãn chỉ huy quân chủ lực bao vây Trung Đô. Mông Cổ chọn phương án tác chiến tấn công bốn mặt để cô lập Trung Đô, liên tiếp đánh hạ hơn 90 thành. Mùa xuân năm 1214, Kim Tuyên tông phải dâng tặng cho Thành Cát Tư Hãn nhiều lễ vật (gồm Công chúa, vàng lụa...) để mong cầu hòa, nhờ vậy quân Mông Cổ mới giải vây rút về. Tháng 5 năm 1214, Kim Tuyên tông dời đô về phía nam, Thành Cát Tư Hãn lại dẫn quân vây đánh Trung Đô. Lúc này quân Mông Cổ đã chiếm được các châu quận ở Liêu Tây, Liêu Đông nên các quan viên ở Trung Đô hết sức sợ hãi, thi nhau đầu hàng; còn quân tăng viện của Kim đều bị đánh tan tác, tướng trấn giữ Trung Đô tự sát. Sau đó, đến tháng 5 năm 1215, quân Mông Cổ hoàn toàn chiếm được Trung Đô. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index... ...