Đôi dòng lưu niệm ... Hiểu Sử NGƯỜI... Thấm Xứ TA...

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 7/1/24.

Moderators: amylee
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    DỮU TÍN VÀ THƠ NHỚ QUÊ HƯƠNG


    Dữu Tín (513-581), văn học gia đời Tây Ngụy và Bắc Chu, quê quán tổ tiên ở Tân Dã, Nam Dương (nay là Tân Dã tỉnh Hà Nam), được đời gọi là Dữu Khai Phủ.

    Phần lớn sáng tác hậu kỳ của Dữu Tín có thành tựu cao nhất là loại thơ “nhớ nhung quê hương” như 27 bài Nghĩ vịnh hoài nổi tiếng. 27 bài nhớ quê hương này là sản phẩm tinh thần độc sáng của ông, được văn học sử Trung Quốc xưng tụng là mỗi câu mỗi chữ đều không lìa được lòng “hương quan chi tư” (Nhớ nhung làng quê). Đỗ Phủ* trong bài Vịnh hoài cổ tích hạ hai câu: “Cả đời Dữu Tín buồn dằng dặc. Tuổi già thơ phú động Giang quan” (Dữu Tín bình sinh tối tiêu sắt, mộ niên thi phú động Giang quan), và trong bài Xuân nhật ức Lý Bạch, họ Đỗ lại khen “Thơ mới mẻ là Dữu Khai Phủ, tuấn dật là Bão Tham quân (Chiếu)” (Thanh tân Dữu Khai Phủ, tuấn dật Bão Tham quân), mấy chữ giản dị ấy đã nêu bật được đặc sắc của thơ Dữu Tín.

    Người đời sau cho rằng các thể thơ thất cổ, ngũ tuyệt, ngũ luật đời Đường đều bắt nguồn từ thơ Dữu Tín. Từ đó các thi nhân Đường không tiếc lời ca tụng ông. Tiểu sử của ông chép trong sách Chu thư. Tác phẩm của ông hiện nay có bộ Dữu Tử Sơn tập chú. Tử Sơn là tên tự của ông.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkClick icon này sẽ chuyến về Index... :)
    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/8/24
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    ĐẠI SƯ CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN, NGÔ THỪA ÂN


    Ngô Thừa Ân (Khoảng 1500 - 1582), tiểu thuyết gia đời Minh, tên tự Nhữ Trung, hiệu Xạ Dương sơn nhân. Tổ tiên ông là người ở Liên Thủy, Giang Tô di cư đến ở Sơn Dương, Hoài An (nay là Hoài An, Giang Tô). Nhờ sáng tác tiểu thuyết thần ma “Tây du ký”, họ Ngô được tôn xưng là đại sư chủ nghĩa lãng mạn.

    Từ đời Đường, khi Huyền Trang qua Tây vực lấy kinh trở về đã được vua Thái Tông ra lệnh kể lại những việc trải qua với nội dung thần hóa Huyền Trang, hoằng dương Phật pháp, nồng đậm sắc thái thần dị.

    Giữa khoảng hai đời Tống, Nguyên, câu chuyện kể ấy được gia công thêm bằng bình thoại, hí khúc như ghi chép trong “Đại Đường tam tạng thủ kinh thi thoại” là sớm nhất. Thế nhưng nhân vật còn đơn sơ, tình tiết rất giản lược.

    Đến đời Kim, Nguyên, tạp kịch “Nhị lang thần tỏa Tề Thiên đại thánh” đã có các tên gọi Tôn Ngộ Không, Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa Tăng; nhưng Tôn Ngộ Không tầm thường, kết cấu thiếu cân xứng.

    Đến đời Minh, xuất hiện “Tây Du Ký bình thoại”. Lúc này Tôn Ngộ Không đã có hình tượng phong phú hơn và thành phần thần thoại cũng tăng hơn nhiều.

    Sau 900 năm dài un đúc, đến đây, Tây Du Ký chỉ còn chờ tay đại bút.

    Họ Ngô từ nhỏ đã ham thích những loại “chuyện vặt nơi hè phố”, cộng thêm lòng phẫn uất vì đời, văn phong khôi hài, đều là những điều kiện ưu việt để ông hoàn thành bộ Tây Du Ký. Tính sáng tạo của ông là mượn quan niệm “Phổ độ chúng sinh” của Phật giáo để biểu đạt tư tưởng xã hội và triết lý nhân sinh, mượn triết lý hoang đường tìm cầu trường sinh bất tử của Đạo giáo để phản ánh hệ thống tư tưởng cũ mục của chế độ phong kiến, ví như đưa ra hai hình tượng đối lập “vì chúng sinh” và “vì mình ta”, hoặc tạo nên những nhân vật độc sáng Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng, hoặc sửa đổi nhân vật lịch sử như Đường Tăng, hoặc gia công thêm hình tượng tôn giáo như Như Lai, Quan Âm. Những nhóm hình tượng nhân vật ấy biến hóa vô cùng, hòa hợp thành một thể vừa thần tính (ảo tưởng tính) vừa nhân tính (xã hội tính) và làm sâu thêm tính triết lý cho tư tưởng chủ đề và tạo không khí rất lãng mạn.

    Đời sau, rất nhiều người khen Tây Du Ký là “kỳ diệu của văn chương” (Văn chương chi diệu). Từ khi ra đời đến nay, đã được dịch ra khoảng 20 ngôn ngữ nước ngoài. Ngô Thừa Ân không hổ là bậc đại sư chủ nghĩa lãng mạn trên thế giới.

    ...
     
    vuivui2013 thích bài này.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    ĐÀO UYÊN MINH, THI NHÂN ẨN SĨ ĐẦU TIÊN


    Đào Uyên Minh (365-427), thi nhân văn gia đời Tấn. Ông còn có tên là Tiềm, tự Nguyên Lượng, được ban tên thụy Tĩnh Tiết, người ở Tầm Dương (nay thuộc tỉnh Giang Tây). Suốt đời, Đào Uyên Minh viết hơn 120 bài thơ, mà xét về nội dung và đề tài có thể chia làm 2 loại: thơ Vịnh hoài và thơ Điền viên.

    Thế nhưng, khiến cho ông được xưng tụng là người đứng đầu phái thơ điền viên chính là do những bài thơ miêu tả về đời sống ruộng vườn nông thôn như các bài “Ẩn dật thi nhân”, hoặc “Điền viên thi nhân”. Còn các bài “Hoài cổ điền xá”, “Quy viên điền cư”, “Tây điền hoạch tảo đạo”, “Đào hoa nguyên ký”, đều là những bài phản ánh chân thực tấm lòng chán ghét quan trường, mong muốn được về ruộng vườn tự cầy cấy nuôi thân của ông.

    Trong những bài này, có bài so sánh đời sống ruộng vườn tươi vui trong sạch hơn hẳn đời sống trên thượng tầng xã hội, có bài tỏ rõ sự vui sướng khi được rời bỏ cảnh dơ bẩn ô trọc của quan trường quay về với nông thôn, lại có bài mô tả cảnh sống chất phác an vui của nông dân, mà bài “Đào hoa nguyên thi trích ký”, là một loại tổng kết sau một thời gian dài ông sống ở nông thôn, gửi gấm lý tưởng, phản ánh lòng bất mãn mạnh mẽ của ông đối với hiện thực đen tối lúc ấy, và cũng biểu đạt cả mong ước của giới nông dân.

    Thành tựu về nghệ thuật của thơ Đào Uyên Minh rất cao, ông chính là người tổng kết truyền thống hay đẹp của thơ ngũ ngôn và dùng thủ pháp nghệ thuật sáng sủa giản dị đưa nó đến bước phát triển cao hơn với ngôn ngữ vừa tự nhiên chân thực vừa hết sức tinh luyện, tạo nên phong cách đặc sắc riêng biệt.

    Chung Vinh* là người đầu tiên phê bình toàn diện nghệ thuật đặc sắc của thơ Đào Uyên Minh, ca tụng ông là “Tổ sư của các thi nhân ẩn dật” (Ẩn dật thi nhân chi tông - Thi phẩm), còn Tiêu Thống* mê thơ Đào Uyên Minh đến mức “không thể rời tay” và là người đầu tiên sưu tập thơ và viết tựa cho thơ Đào Uyên Minh.

    Đến đời Đường, xuất hiện phái thơ điền viên với các thi nhân Vương Duy*, Vi Trang*, Liễu Tông Nguyên* làm đại biểu, càng nâng cao tên tuổi thanh thế của thơ Đào Uyên Minh trên thi đàn. Các đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, địa vị của Đào Uyên Minh chưa bao giờ sút giảm. Tiểu sử của ông được chép trong các sách Tấn thư, Nam sử.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    ĐỖ MỤC, GIỎI CẢ THƠ LẪN VĂN


    Đỗ Mục (803-853), văn học gia cuối đời Đường, tên tự Mục Chi, người ở Vạn Niên, Kinh Triệu (nay là Tây An, Thiểm Tây). Đỗ Mục là người đa tài đa nghệ, sở trường cả thơ lẫn văn.

    Thơ ông đại biểu là những bài thất ngôn tuyệt cú, ngôn ngữ đầy màu sắc phồn hoa. Đặc điểm thơ ông chữ ít mà ý tình nhiều, vần điệu tài hoa đột xuất, đó là đặc trưng tính cách hoài bão cao rộng dung hoà với lòng tiếc thời gian qua mau của ông. Trong hoàn cảnh thi ca hưng thịnh, tài năng ra đời nhiều như cây rừng, lúc nhà Đường đã trải qua 200 năm mà tạo dựng được phong cách đặc biệt như Đỗ Mục không phải là việc dễ, ví như bài hoài cổ “Bạc Tần Hoài” của ông được Thẩm Đức Tiềm* coi là “tác phẩm hay nhất” (Áp quyển chi tác) trong loại tuyệt cú đời Đường.

    Về văn, ông chủ trương “dùng ý làm chủ" (Dĩ ý vi chủ) và phê phán căn bệnh ý không đầy đủ, chỉ toàn là ngôn ngữ hoa hòe trống rỗng. Cụ thể theo ông, nếu đã có đầy đủ ý, ngôn ngữ diễn tả càng chất phác đơn giản văn càng cao, nếu không có ý đầy đủ, ngôn ngữ càng hoa hòe văn càng thấp.

    Do đó, cổ văn của ông chịu ảnh hưởng của Hàn Dũ*, hàm chứa nhiều ước vọng kinh bang tế thế, nhu các bài “Tội ngôn”, “Chiến luận”, “Thủ luận”, đều có giá trị sử liệu rất quý, được Tư Mã Quang* trưng dẫn nhiều lần khi viết “Tư trị thông giám”. Tài năng ông sau này được Hồng Lượng Cát đánh giá rất đúng: “Một đời Đường, sở trường về cả thơ lẫn văn, chỉ có Hàn (Dũ), Liễu (Tông Nguyên), Tiểu Đỗ (Đỗ Mục) ba nhà mà thôi” (Hữu Đường nhất đại, thi văn kiêm thiện giả, duy Hàn, Liễu, Tiểu Đỗ tam gia - Bắc Giang thi thoại).

    Ông để lại “Phàn Xuyên văn tập” 20 quyển và tiểu sử chép trong Tân, Cựu Đường Thư (phụ vào phần Đỗ Hựu truyện).

    ...
     
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    ĐỘC SÁNG THƠ VÔ ĐỀ LÝ THƯƠNG ẨN


    Lý Thương Ẩn (813-858), thi nhân cuối Đường, tên tự Nghĩa Sơn, hiệu Ngọc Khê Sinh, và Phàn Nam Sinh, người ở Hà Nội, Hoài Châu (nay thuộc Hà Nam).

    Lý Thương Ẩn được coi là thi nhân có thành tựu nghệ thuật đặc biệt cuối cùng của thời kỳ phồn hoa đời Đường. Ông rất khéo hấp thu kinh nghiệm sáng tác nhiều mặt của người trước, độc sáng nên khá nhiều bài thơ vô đề, hoặc cơ bản là vô đề. Những bài thơ này biến ảo khó đoán, mơ hồ gốc ngọn dẫn đến nhiều cuộc tranh luận của người đời hằng ngàn năm nay.

    Ý thơ của ông có phần hàm súc kín đáo, lời ở đây nhưng ý ở chỗ khác, không tiện hoặc khó đặt tiêu đề nên gọi là “Vô đề”. Đại đa số thơ vô đề của Lý Thương Ẩn thuộc thơ ái tình, hoặc mô tả những điều khó giải bày trong đời sống tình yêu, hoặc biểu hiện nỗi bất hạnh của tình yêu trong lễ giáo phong kiến sơ cứng: “Gặp đã khó rồi biệt khó hơn, gió đông mềm mại muôn hoa tàn” (Tương kiến thời nan biệt diệc nan, đông phong vô lực bách hoa tàn), “Lòng xuân hoa chẳng nở cùng nhau, một tấc tương tư một tấc sầu” (Xuân tâm mạc cộng hoa tranh phát, nhất thốn tương tư nhất thốn khôi); hoặc ca ngợi ái tình trung trinh không dời đổi: “Tầm xuân đến chết tơ mới dứt, nến đã lụn rồi lệ chửa khô" (Xuân tàm đáo tử ti phương tận, lạp cự thành khôi lệ thủy can); hoặc miêu tả tình yêu tốt đẹp. Một bộ phận trong thơ vô đề trong khi mô tả mặt trái của tình yêu còn gởi gấm tâm sự gì khác nữa.

    Thơ vô đề của họ Lý có nghệ thuật cao nhất và cũng có giai tác được nhiều người truyền tụng nhất nhờ văn từ diễm lệ, đối ngẫu chỉnh tề, dùng điển khéo léo, ai oán bị thương, tình và tứ dằng dặc đầy màu sắc cảm thương, nhưng thơ ông cũng có nhiều từ ngữ quá sâu kín khó hiểu.

    Tuy vậy, ảnh hưởng tới đời sau của thơ Lý Thương Ẩn là cực lớn, như các tác giả của “Tây Côn thể” đời Tống coi ông là mẫu mực, hoặc như Vương An Thạch* tự thú: “Nhận được sâu sắc bút ý của Ngọc Khê sinh” (Thâm đắc Ngọc Khê Sinh bút ý), các bài Từ trong “Uyển Ước phái” sau này cũng hoàn toàn ảnh hưởng nơi ông. Có thể nói, không thời đại nào không có người học tập theo ông. Tác phẩm ông để lại là “Ngọc Khê Sinh tập” 3 quyển, tiểu sử có chép trong Tân, Cựu Đường Thư.

    ...
     
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    GIẢ NGHỊ, NGƯỜI MỞ ĐẦU CHO PHÚ ĐỜI HÁN


    Giả Nghị (200-168 trước công nguyên (T.C.N) là văn học gia đời Tây Hán. Sáng tác văn học của Giả Nghị chủ yếu nổi tiếng nhất là loại Từ phú, mà tác phẩm tiêu biểu là bài “Phú chim bằng” (Bằng điểu phú) và bài “Phú điếu khóc Khuất Nguyên* (Điếu Khuất Nguyên phú). Hai bài phú này xứng đáng là tác phẩm mở đầu cho Từ phú đời Hán.

    Xét về hình thức, phú Giả Nghị đã thoát ly khỏi mô thức của Sở Từ, áp dụng thể văn xuôi hỏi đáp, với văn từ diễm lệ hoa mỹ và sâu sắc, trở thành tiêu biểu cho phú đời Hán. “Điếu Khuất Nguyên phú” cũng là Giả Nghị tự than khóc cho mình, bày tỏ cuộc đời bất hạnh đau thương của mình, được Lưu Hiệp* khen là “Chữ thanh nhã trong sáng mà lý lẽ bi thương” (Từ thanh nhi lý ai - Văn tâm điêu long),

    Tư Mã Thiên* vì đồng tình với Giả Nghị, nên chép chung truyện của Khuất Nguyên và Giả Nghị vào cùng một chương, do đó đời sau gọi chung là “Khuất Giả”. Đời Đường, Lý Thương Ẩn* ca tụng “Tài điệu của họ Giả càng không hai” (Giả sinh tài điệu cánh vô luân). Đời Minh, người ta sưu tập xuất bản tác phẩm của Giả Nghị vào bộ “Giả Trường Sa tập”.

    ...
     
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    HÀN ÁC, NHÀ THƠ SON PHẤN


    Hàn Ác (842-923), thi nhân cuối Đường, tên tự Trí Nghiêu, có chỗ viết lầm là Trí Quang hay Trí Nguyên, tiểu tự Đông Lang, tự hiệu Ngọc Sơn tiều nhân, người ở Vạn Niên, Kinh Triệu (nay là Tây An, Thiểm Tây).

    Vì Hàn Ác nổi tiếng nhờ tác phẩm "Hương Liễm tập" nên được gọi là nhà thơ son phấn (Hương Liễm là hộp đựng son phấn gương lược của phụ nữ). Vả chăng, phần lớn thơ ông cũng mô tả tình yêu nam nữ và dung mạo ăn mặc của đàn bà (đó là lý do ông đặt tên là Hương Liễm tập), cùng một thể tài với loại thơ “Cung thể” đời Lục triều. Thể loại này cũng có ảnh hưởng nhất định đến đời sau nên tiểu sử ông được chép trong Tân Đường Thư.

    ...
     
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    HÍ KHÚC CỦA MÃ TRÍ VIỄN


    Mã Trí Viễn (khoảng 1250-1321), nhà viết Hí khúc đời Nguyên, không rõ tên thật, nổi tiếng bằng tên hiệu (Trí Viễn), hiệu Đông Ly, người ở Đại Đô (nay là Bắc Kinh).

    Mã Trí Viễn là một trong bốn nhà viết hí kịch lớn nhất đời Nguyên (Nguyên khúc tứ đại gia). Tản khúc của ông được tôn xưng là đệ nhất đời Nguyên, tổng cộng có hơn 130 bài, nội dung chia ra làm 3 loại lớn: Than đời, Tả cảnh và Vịnh tình.

    Bài sáo khúc “Song điệu - Dạ hành thuyền - Thu tứ” là tác phẩm than đời đại biểu của ông. Bài này cảm thán đời 1 người như giấc mộng và phủ định công danh lợi lộc trong đời, về nghệ thuật là “Không có một chữ không thỏa đáng” (Vô nhất tự bất thoả - Chu Đức Thanh). Bài tiểu lệnh “Việt điệu - Thiên tĩnh sa - Thu tú” là bài tả cảnh nổi tiếng, toàn bài tả nỗi khổ buồn rầu vắng vẻ của đứa con xa nhà, phản ánh tâm sự văn nhân u uất không tương lai trong chế độ phong kiến.

    Tác phẩm ái tình của ông dễ xúc động lòng người vì ngôn ngữ thanh tân. Mã Trí Viễn mở rộng nội dung hí khúc, đề cao ý cảnh, có địa vị rất cao trong lịch sử tản khúc đời Nguyên, được phần lớn người đời sau ngưỡng mộ. Tạp kịch “Hán cung thư” là tác phẩm đại biểu của ông. Ngoài ra, ông còn các vở nổi tiếng khác như “Tiến phúc bi”, “Nhạc Dương lâu”, “Nhiệm Phong tử" v.v...

    Ông sở trường về loại kịch đạo sĩ tu thành tiên nhất. Hí khúc và kịch của ông đều có ảnh hưởng lớn đến đời sau.

    ...
     
    tran ngoc anh and Wanderman like this.
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    HÍ KHÚC GIA LÝ NGỌC


    Lý Ngọc (Khoảng 1591– 1671), hí khúc gia đời Thanh, tên tự Huyền Ngọc, hiệu Tô Môn khiếu lữ và Lạp Am chủ nhân, người ở Ngô huyện (nay thuộc Giang Tô).

    Ông là tác gia đại biểu cho phái Tô châu, bỏ cả đời dồn sức sáng tác hí khúc, hiện nay hí khúc của ông còn hơn 30 bài, nổi tiếng nhất là các vở “Nhất nhân vĩnh chiếm” (bao gồm các vở “Nhất bổng tuyết”, “Nhân thú quan”, “Vĩnh đoàn viên”, “Chiếm hoa khôi”) và vở “Thanh trung phổ”. Ông còn biên soạn sách “Nhất Lạp Am bắc từ quảng chính cửu cung phổ”, là tư liệu quan trọng để nghiên cứu hí khúc phương bắc.

    Sáng tác truyền kỳ của ông có thành tựu ở những điểm, một, tình tiết hí kịch đột xuất khác lạ; hai, đột phá khuôn sáo tài tử giai nhân cũ kỹ, phản ánh đời sống xã hội rộng lớn; ba, ngôn ngữ thông tục dễ hiểu mà vẫn có bản sắc tự nhiên, lưu giữ được đặc điểm của tạp kịch đời Nguyên; bốn, phương pháp biểu diễn linh hoạt đa dạng, không đơn điệu chỉ có xướng khúc.

    Thành tựu về hí khúc của Lý Ngọc sau này được các học giả như Phùng Mộng Long*, Tiền Khiêm Ích coi trọng và đánh giá rất cao.

    ...
     
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    HOÀNG ĐÌNH KIÊN, ĐỨNG ĐẦU THI PHÁI GIANG TÂY


    Hoàng Đình Kiên (1045-1105), thi nhân Bắc Tống, một trong “Tô môn tứ đệ tử”*, tên tự Lỗ Trực, hiệu Sơn Cốc và Bồi Ông, người ở Phàn Ninh, Hồng Châu (nay thuộc Giang Tây).

    Thơ Hoàng Đình Kiên trong thi đàn Bắc Tống tự lập thành một phong cách riêng biệt. Đặc điểm thơ ông là sáng tạo những vần hiểm, dùng những chữ lạ, như trong các tác phẩm tiêu biểu “Đề Lạc Tinh tự”, “Đề Hoàng Cơ Phục” v.v... Thành tựu sáng tác của Hoàng Đình Kiên có thể so ngang với Tô Thức* nên đời thường gọi chung là “Tô Hoàng”.

    Phương Đông Thọ ca ngợi ông: “Ngọn bút tinh anh có khí chất lạ, câu kiệt xuất tạo cảnh giới cao siêu, tự lập thành một nhà riêng biệt (Anh bút kỳ khí, kiệt cú cao cảnh, tự thành nhất gia - Chiêu Muội chiêm ngôn).

    Ảnh hưởng thơ họ Hoàng có thể thấy phần nào trong sách “Tông phải đồ” của Lã Bản Trung*. Hoàng Đình Kiên đã lập ra thi phái Giang Tây mà ông chính là người mở đầu, một tông chủ.

    ...
     
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    “HOẠT PHÁP” CỦA LÃ BẢN TRUNG


    Lã Bản Trung 1084-1145), nhà lý luận thơ đời Nam Tống, tên tự Cư Nhân, hiệu Tử Vi, người ở Thọ Châu (nay là Thọ huyện, An Huy), lý luận về thơ, Lã Bản Trung là người đầu tiên sáng tạo ra “Hoạt pháp”.

    Trong bài tựa Hạ Quân phụ văn tập, ông giải thích: “Học làm thơ nên hiểu biết Hoạt pháp, gọi là Hoạt pháp nghĩa là đầy đủ cả quy củ mà cũng có thể vượt ra ngoài quy củ, biến hoá khôn lường mà vẫn không ngược với quy củ” (Học thi đương thức hoạt pháp. Sở vị hoạt pháp giả, quy củ bị cụ, nhi năng xuất vu quy củ chi ngoại, biến hoá bất trắc, nhi diệc bất bội vu quy cú dã)

    Câu này phần nào đã cho biết chủ trương của Lã Bản Trung. Quy nạp lại, có ba điểm quan trọng: Một là, cơ bản phải có sự thực vì chữ, câu, cách luật đều thuộc về “Quy củ” trong phạm vi “Định pháp” (Phép tắc nhất định), đó là tiền đề đầu tiên. Hai là, chú trọng vào điều kiện “Ngộ nhân”(làm người ta tỉnh ngộ hiểu biết). “Ngộ nhân” chính là chìa khoá để từ trong “Quy củ” tiến đến “Hoạt pháp” (phép tắc linh hoạt). Ba là, phải chuyên cần học tập suy tư, nghiên cứu. Có biết “Định pháp” lại hiểu “Hoạt pháp” mới đạt được cảnh giới cao diệu hay không, “chính ở công phu chuyên cần hay lười biếng mà thôi". Đó chính là điểm cho ta biết "Ngộ nhân” là do công phu mới có được. Ba trình tự để làm thơ ấy, thể hiện nguyên lý chất phác, không có gì là huyền diệu.

    Lý luận này có ảnh hưởng sâu rộng trong đời Tống, chẳng những thi phái Giang Tây* tuân theo chủ trương này, mà đến cả Nghiêm Vũ*, người chống đối thi phái Giang Tây cũng nhấn mạnh tới quan điểm “Diệu ngộ”.

    ...
     
    duykhan thích bài này.
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    HỒNG THĂNG, THƠ, KỊCH ĐỀU HAY


    Hồng Thăng (1645-1794) thi nhân kiêm hí kịch gia đời Thanh. tên tự Phỏng Tư, hiệu Bại Huề hoặc Bại Thôn, lại có hiệu Nam Bình tiều giả, người ở Tiền Đường (nay là Hàng châu, Chiết Giang). Sinh ra trong gia đình quan lớn, chứa hàng vạn quyển sách, 15 tuổi ông đã nổi tiếng thơ, suốt đời ông làm hơn ngàn bài thơ, có các tập “Khiếu nguyệt lâu tập”, “Bại Huề tập”, “Bại Huề tục tập” để lại.

    Thơ ông sở trường tự nhiên chân thực, không rơi vào chỗ thời thượng chạm khắc trang sức. Bài “Kinh đông tạp cảm” ông làm năm 1681 có câu “Bạc đầu di lão tại, chỉ chốn mười ba lăng” (Bạch đầu di lão tại, chỉ điểm thập tam lăng) như một tiếng thở dài kín đáo tiếc thương triều Minh bị diệt vong, tuy bình đạm mà vẫn cho thấy công lực bên trong. Thầy ông là Vương Sĩ Trinh* viết “Hồng Thăng, môn nhân của ta làm thơ nổi tiếng Kinh sư” (Thăng, dư môn nhân, dĩ thi hữu danh kinh sư - Hương tổ bút ký).

    Thế nhưng, làm cho ông khét tiếng “miền nam có họ Hồng, miền Bắc có họ Khổng (Thượng Nhiệm)*” (Nam Hồng bắc Khổng) lại là vở kịch “Trường sinh điện”. Đây là vở kịch dung hợp hai thể loại kịch ái tình và kịch chính trị vào một thể, thể hiện sự thống nhất hoàn mỹ của phương pháp sáng tác vừa lãng mạn vừa hiện thực, làm tiêu chí cho sự phát triển cao độ của nghệ thuật Côn khúc đời Thanh.

    Ngoài ra, ông còn có vở tạp kịch “Tứ thiền quyên”, chia ra 4 hồi nhỏ ca ngợi 4 vị nữ hào kiệt của Trung Quốc. Vở này tuy kịch tính kém Trường sinh điện, nhưng vẫn có giá trị văn học khá cao.

    ...
     
    duykhan thích bài này.
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    KHỔNG THƯỢNG NHIỆM, TINH LUYỆN LÝ LUẬN HÍ KỊCH


    Khổng Thượng Nhiệm (1648-1718), hí kịch gia đầu đời Thanh, tên tự Sính Chi và Quý Trọng, hiệu Đông Đường, biệt hiệu Ngạn Đường, tự hiệu Vân Đình sơn nhân, người ở Khúc Phụ, là cháu đời thứ 64 của Khổng Tử*.

    Họ Khổng nổi tiếng với một vở kịch “Đào hoa phiến”, nhưng chính các phần phê bình phụ vào chính kịch như “Tiểu dẫn”, “Tiểu thức”, “Bản mạt”, “Phàm lệ”, “Khảo cứ”, “Cương lĩnh" lại là chỉ nam lý luận xuất sắc cho sáng tác của ông.

    Họ Khổng cho rằng một người viết kịch cần có tông chỉ sáng tác “Cảnh giới đời, thay đổi thế tục, ca tụng đạo thánh và giúp đỡ theo vua” (Cảnh thế dịch tục, tán thánh đạo nhi phụ vương hóa). Đời thường chuộng những vở kịch vụ án, đó chỉ là trò tiêu khiển. Ông dồn hết tinh huyết một đời, 3 lần sửa đổi bản thảo mới viết xong vở Đào hoa phiến, chính là “Mượn tình yêu hợp tan để tả xúc cảm về hưng thịnh và suy vong” (Tá ly hợp chi tình, tả hưng vong chi cảm - Tiểu dẫn). Muốn có được tông chỉ rõ ràng ấy, còn cần phải biết chọn lựa đề tài, tư liệu.

    Ông đề xuất: “Truyền kỳ là truyền lại cái kỳ lạ của sự việc mà thôi, sự việc không kỳ lạ thì không truyền lại” (Truyền kỳ giả, truyền kỳ sự chi kỳ yên giả dã, sự bất kỳ tắc bất truyền - Tiêu thức), ông cho rằng chỉ có những việc “kỳ lạ” mới đáng ghi chép truyền lại.

    Có đề tài thích hợp rồi, còn phải xử lý khéo léo giữa hư và thực. Xử lý khoa học giữa lịch sử chân thực và kết hợp với điển hình nghệ thuật, là nguyên tắc sáng tác thể hiện hiện thực. Ông nhấn mạnh tới tính “đột ngột mà đến, thình lình mà đi, khiến người xem không thể suy đoán trước cục diện. Phàm đã suy đoán được cục diện, tức là đến cuối vở rồi” (Phàm lệ).

    Bàn về lời đối thoại, ông cho rằng: “lời nói trong các bản kịch cũ, chỉ viết 3 phần, vai diễn viên ra sân khấu, tự cương đến 7 phần. Thói tục xấu ấy thường làm gỗ sắt thành vàng, làm liên lụy đến văn bút. Nay lời đối thoại đầy đủ rõ ràng, không thể thêm một chữ” (Phàm lệ); đó chính là nguyên tắc “Ba phần hí kịch, bảy phần đối thoại” (Tam phần hí, thất phần bạch).

    Những lý luận về sáng tác hí kịch ấy, quả thực là đáng quý.

    ...
     
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    KHUẤT NGUYÊN, NGƯỜI MỞ ĐẦU CHO THỂ THƠ LY TAO


    Khuất Nguyên (khoảng 340-278 trước công nguyên (T.C.N), tên là Bình, tên tự là Nguyên, là một nhà thơ lớn.

    Đời ông sáng tác tất cả 25 bài thơ, mà “Ly Tao” là tác phẩm đại biểu. Câu thơ của ông có hình thức hết sức linh hoạt, thường dùng loại 1 câu 6,7 chữ và có chữ “Hề” là chữ trợ từ, được người đời sau gọi là “Thể Ly Tao” (Tao thể thi). Thể Ly Tao của Khuất Nguyên xuất hiện, đưa thi ca của Trung Quốc vào giai đoạn sáng tác có ghi tên cụ thể tác giả và là bước đầu tiên của tác phẩm theo chủ nghĩa lãng mạn ở Trung Quốc với đầy đủ thủ pháp biểu hiện lãng mạn và một hệ thống tượng trưng hoàn chỉnh, sẽ trở thành kinh điển cho các thi nhân đời sau học tập. Câu của “Thể Ly Tao” dài ngắn khác nhau, câu dài câu ngắn không đều tạo thành ảnh hưởng rất sâu sắc với các thể thơ và phú đời sau.

    Từ khi Lưu An* đời Hán viết “Ly Tao truyện”, về sau này, các sách ca tụng tác phẩm và nhân phẩm của Khuất Nguyên không đời nào không có, từ Tư Mã Thiên* khẳng định tài năng Khuất Nguyên “đủ để sáng rực cùng mặt trời mặt trăng” (Dữ nhật nguyệt tranh quang khả dã - Sử ký - Bản truyện); Lưu Hiệp* tán tụng “Văn thái kỳ lạ tuyệt đẹp, khó có tác phẩm sánh bằng (Kính thái tuyệt diễm, nan dữ tinh năng - Văn tâm điêu long); đến Lý Bạch*, Đỗ Phủ* đời Đường hết lời ca ngợi; và ngay đời cận đại, Lỗ Tấn còn ca tụng văn chương Khuất Nguyên là “Văn chương chữ nghĩa vĩ đại, thanh dật, vượt cả một đời” (Dật hưởng vĩ từ, trác tuyệt nhất thế - Hán văn học sử cương).

    Năm 1953, Khuất Nguyên được thế giới công nhận là một trong bốn danh nhân vĩ đại của văn hoá thế giới. Sáng tác vĩ đại của ông được coi là di sản ưu tú quý báu của kho tàng văn hoá nhân loại.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/3/24
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    KHƯƠNG QUỲ, TỪ CÁCH LUẬT


    Khương Quỳ (khoảng 1155-1221), văn học gia Nam Tống, tên tự Nghiêu Chương, tự hiệu Bạch Thạch đạo nhân, người ở Phiên Dương, Nhiễu Châu (nay là Phiên Dương, Giang Tây).

    Từ của Khương Quỳ phần lớn là loại du ký, vịnh vật. Các bài này có kỹ xảo cao, ngôn ngữ đẹp, cảnh giới trang nhã, cùng chia ba Từ đàn đời Nam Tống với Tân Khí Tật* và Ngô Văn Anh. Từ du ký của ông phần lớn chứa đựng nỗi khổ phiêu linh như bài “Nhất ngạc hồng” hết sức bi thương. Từ vịnh vật của ông lại càng sinh động, hình ảnh “Ám hương”, “Sơ ảnh” đều mượn hoa mai ví với quân vương để cảm thán nhớ tiếc ngày xa xưa. Hoàng Thăng cho rằng “Từ của Bạch Thạch rất tinh diệu” (Bạch Thạch từ cực tinh diệu - Hoa Am Từ tuyển). Loại từ cách luật của Khương Quỳ rất được phái Tao Nhã cuối đời Tống và Từ Chiết phái đời Thanh tôn sùng.

    Hiện nay, tiểu sử và tác phẩm Khương Quỳ được ghi trong sách “Khương Bạch Thạch từ biên niên tiên hiệu" của Hạ Thừa Đào.

    ...
     
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    KIM THÁNH THÁN BÌNH ĐIỂM CỔ THƯ


    Kim Thánh Thán (1608-1661), nhà phê bình văn học cuối đời Minh đầu đời Thành, vốn họ Trương, sau đổi họ Kim, tên Vị, tên tự Thánh Thán. Sau khi nhà Minh bị tiêu diệt, đổi tên là Nhân Thụy, người ở Trường Châu (nay là Tô Châu, Giang Tô).

    Đời Kim Thánh Thán nổi tiếng nhờ bình điểm cổ thư. Các tiểu thuyết, hí khúc được ông bình điểm có “Đệ ngũ tài tử thư Thủy Hử truyện", “Đệ lục tài tử thư Tây Sương ký”. Ông còn có các trứ tác khác như “Ngữ lục toán", “Thánh nhân thiên án", “Tùy thủ thông”, “Trầm ngâm lâu tá Đỗ thi”, “Tả truyện thích” v.v...

    Cống hiến kiệt xuất đầu tiên của ông là làm cho bản Thủy Hử 70 hồi mà ông bình điểm được lưu hành rộng và thành một giai tác có ảnh hưởng lớn.

    Cống hiến thứ hai là khi ông bình điểm bao quát cả tư tưởng văn học. Ông đánh giá Thủy Hử và tác giả của nó rất cao. Theo ông, tính cách nhân vật sáng sủa là tiêu chuẩn quan trọng của nghệ thuật tiểu thuyết. Ông bảo “Tính cách 108 nhân vật (trong Thủy Hử) đúng là 108 kiểu” (Nhất bách cá nhân tính cách, chân thị nhất bát dạng), ông còn nhấn mạnh ý nghĩa phổ biến của nhân vật điển hình. Cuối cùng ông còn minh xác sự khác biệt và liên hệ giữa tiểu thuyết và sách sử.

    Cống hiến thứ ba là ông nhấn mạnh tình cảm có tác dụng quan trọng trong sáng tác, ông cho rằng văn của Tây Sương sâu sắc ở tình, ông coi trọng tài năng nghệ thuật miêu tả ái tình của tác giả, khẳng định nàng Thôi Oanh Oanh là “người con gái chí tình" (Chí tình nữ tử).

    Tính sáng tạo trong phê bình của Kim Thánh Thán phát huy thành lý luận văn học của Lý Chí*, Viên Hoàng Đạo* sau này.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/3/24
    Wanderman thích bài này.
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    “KỶ HỢI TẠP THỊ” CỦA CUNG TỰ TRÂN


    Cung Tự Trân (1792-1841), văn học gia cuối đời Thanh, còn có tên Dị Giản, Củng Tổ, tên tự Sắt Nhân và Bá An, hiệu Định Am, cuối đời lại có hiệu Vũ Khâm sơn dân, người ở Nhân Hòa, Chiết Giang (nay là Hàng châu).

    Cung Tự Trân có hơn 600 bài thơ, trong ấy chiếm hơn nửa bài đặc sắc là nhóm thơ “Kỷ hợi tạp thi”. Nhóm thơ này viết vào đêm trước cuộc chiến tranh nha phiến khi ông đã từ quan quay về phương nam, trải qua 8 tháng trên đường lữ thứ.

    Thơ ông đề cập tới mọi lãnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, sử liệu, tái hiện lại cảnh tao động thối nát cuối đời Thanh, đời sống tan tác như hiện ra trước mắt, ông làm một loạt thơ đầy sắc thái phê phán mạnh mẽ.

    Về nghệ thuật, thơ ông có nhiều sáng tạo với kết cấu giống như tự sự, có thể là một bài độc lập mà cũng có thể liên kết lại thành một bài thơ dài có liên quan với nhau. Thủ pháp biểu hiện có khi khái quát cao độ ghi lại những sự việc trải qua, có khi bàn luận một cách tế nhị, có khi dùng khoa trương liên tưởng, có khi so sánh hồi ức bày tỏ tình cảm khái. Kỷ hợi tạp thi có nội dung lịch sử phong phú, dùng cách thức tổ hợp thơ mới mẻ, xung phá phong cách thơ chuộng hình thức cuối đời Thanh, được khen là “Hạng đệ nhất ba trăm năm nay” (Tam bách niên lai đệ nhất lưu - lời Liễu Á Tử).

    Với ngôn ngữ thơ sử dụng kết hợp vừa thanh nhã vừa thông tục, thơ Cung Tự Trân có ảnh hưởng rất lớn đến các thi nhân phái đổi mới (Duy tân phái) và các thi nhân trong nhóm “Nam xã” sau này.

    ...
     
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    KỶ QUÂN VÀ BỘ “TỨ KHỐ TOÀN THƯ”


    Kỷ Quân (1724-1805), văn học gia và thư tịch gia đời Thanh, tên tự Hiểu Lam và Xuân Phàm, người ở huyện Hiến, Trực Lệ (nay là Hà Bắc).

    Kỷ Quân học thức uyên bác, sở trường về môn khảo chứng và huấn hỗ (chú thích phân tích ngôn ngữ). Năm Càn Long thứ 37 (1772), chính phủ Thanh hạ chiếu biên soạn bộ “Tứ khổ toàn thư”, ông giữ chức quan tổng biên tập. Bộ này thu chép tất cả 10.254 loại sách gồm 172.860 quyển, cơ hồ đã thu nạp hầu hết sách vở kinh điển chủ yếu trong văn học sử Trung Quốc từ đời Càn Long trở về trước.

    Bộ này phải điều động sử dụng vài ngàn học giả sĩ tử, trải qua gần 20 năm nỗ lực mới hoàn thành. Tứ khố toàn thư được chép cẩn thận ra làm 7 bản chia ra tàng trữ ở 7 nơi khác nhau: hoàng cung Bắc Kinh, Viên Minh viên, Thừa Đức tị thử sơn trang, cố cung Thịnh Kinh (nay là Thẩm Dương), Trấn Giang, Dương châu và Hàng châu.

    Kỷ Quân còn chủ trì biên soạn sách “Tứ khố toàn thư tổng mục” gồm 200 quyển, khảo xét bình điểm nguồn gốc của các tác phẩm, nêu ra chỗ được chỗ mất, biện biệt chữ nghĩa, trở thành tác phẩm có thành tựu lớn về “mục lục học” ở Trung Quốc. Nhờ sự chỉnh lý, bảo tồn thư tịch cổ điển của Kỷ Quân nên nền văn hóa lâu dài của dân tộc Trung Hoa càng được phát dương, truyền bá. Cống hiến ấy của ông là hết sức lớn.

    Bút ký tiểu thuyết “Duyệt Vi thảo đường bút ký" của Kỷ Quân cũng chiếm địa vị riêng trong tiểu thuyết sử Trung Quốc.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    LA QUÁN TRUNG, BẬC THẦY KHAI SƠN LỊCH SỬ DIỄN NGHĨA


    La Quán Trung (Khoảng 1330-1400), tiểu thuyết gia cuối Nguyên đầu Minh. Nguyên tên Bản, tự Quán Trung, biệt hiệu Hồ Hải tản nhân, người ở Thái Nguyên (nay là Thái Nguyên, Sơn Tây).

    Họ La sở trường dùng đề tài lịch sử biên soạn tiểu thuyết phản ánh đời sống hiện thực. Tương truyền, ông còn có sách “Thập thất sử diễn nghĩa”; nay chỉ còn các tác phẩm “Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa”, “Tùy Đường lưỡng triều chí truyện”, “Tàn Đường Ngũ đại sử diễn nghĩa", “Tam Toại bình yêu truyện". Tuy tất cả tác phẩm trên đều đã qua sự tu sửa của người đời sau, nhưng công khai phá mở đầu vẫn thuộc về ông.

    Đời Tống và Nguyên nền thương nghiệp thành thị hưng thịnh, các thoại bản chuyện kể lưu hành, trong đó có thoại bản lịch sử “Toàn tương tam quốc chí bình thoại”, nhưng tình tiết thiếu ly kỳ, chữ nghĩa thô sơ. Họ La tham khảo khắp chính sử, dã sử, truyền thuyết, dật văn, cấu tứ thêm ý mới, tái sáng tạo nghệ thuật nên mới có Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa ra đời. Nó phản ánh tư tưởng rộng lớn khác hẳn, vượt qua hầu hết các tác phẩm cùng đề tài. Nó sử dụng hình thức thể chương hồi, thành khuôn mẫu loại lịch sử diễn nghĩa.

    Từ đó về sau, lịch sử diễn nghĩa mới trở thành một nhánh quan trọng trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    LÂM THƯ, NHÀ PHIÊN DỊCH THỜI KỲ ĐẦU


    Lâm Thư (1851-1924), tên tự Cầm Nam, hiệu Úy Lô, biệt hiệu Lãnh Hồng Sinh, người ở Mân huyện, Phúc Kiến (nay là Phúc Châu).

    Lâm Thư đeo đuổi công việc phiên dịch trong hơn 20 năm, nhưng ông lại hoàn toàn không biết chữ ngoại quốc nào. Lúc phiên dịch, ông đều nhờ người khác dịch từng chữ từng câu bằng miệng cho nghe, rồi ông viết lại theo trình độ thông thạo cổ văn của mình. Công việc dịch thuật lạ lùng ấy khiến ông và người cộng tác cùng hoàn thành hơn 180 dịch phẩm, lập thành tích có thể gọi là trác việt. Chính ông nói: “Lâm Thư tôi tuổi đã già, không còn có ngày báo ân nước, nên suốt ngày muốn làm con gà gáy sáng hi vọng lay tỉnh đồng bào” (Thư niên dĩ lão, báo quốc vô nhật, cố nhật vi khiếu đán chi kê, ký ngô đồng bào cảnh tỉnh - Bất như quy tự).

    Có thể thấy, chính vì tấm lòng lo nước lo dân thúc đẩy Lâm Thư làm công việc dịch thuật ấy. Do vì ông có căn bản cổ văn khá sâu, văn bút trôi chảy thông sướng nên văn dịch của ông chẳng những vẫn giữ được tình điệu của nguyên tác mà thậm chí đến những chỗ u mặc khó biểu đạt, ông cũng tái hiện ra được.

    Trong nhất thời, dịch phẩm của ông lưu truyền trên toàn quốc, rất được hoan nghênh. Bản dịch “Trà Hoa nữ” (Ba lê Trà hoa nữ di sự) là dịch phẩm trường thiên tiểu thuyết đầu tiên ở Trung Quốc, và các tên tuổi Shakepspeare, Victor Hugo v.v... cũng lần đầu tiên được Trung Quốc biết đến là do Lâm Thư.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkClick icon này sẽ chuyến về Index... :)
    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/8/24
    Wanderman thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này