... LĂNG MÔNG SƠ SÁNG TÁC TIỂU THUYẾT BẠCH THOẠI Lăng Mông Sơ (1580-1644), tiểu thuyết gia cuối đời Minh, tên tự Huyền Phong, hiệu Sơ Thành, biệt hiệu Tức Không Quán chủ nhân, người ở Ô Trình, Chiết Giang (nay là Ngô Hưng, Chiết Giang), ông là tác gia khá nổi tiếng chuyên sáng tác tiểu thuyết bạch thoại trong văn học sử Trung Quốc. Trong các năm Thiên Khải thứ 7 (1627), và Sùng Trinh thứ 5 (1632), viết xong 2 bộ “Phách án kinh kỳ” và “Nhị khắc phách án kinh kỳ"(gọi tắt là “Nhị phách”). Trước họ Lăng tuy đã có bộ sáng tác “Tam ngôn” nhưng chủ yếu vẫn là cải biên từ cơ sở đã có cũ, đến Lăng Mông Sơ mới là người đầu tiên sáng tác tiểu thuyết hoàn toàn mới. Thụy Hương cư sĩ trong bài tựa Nhị khắc phách án kinh kỳ viết: “Nhân vật của ông kỳ lạ, văn chương của ông kỳ lạ, cảnh ngộ của ông cũng kỳ lạ” (Kỳ nhân kỳ, kỳ văn kỳ, kỳ ngộ diệc kỳ). Một chữ “kỳ” (kỳ lạ) ấy, rất chính xác để đánh giá thành tựu sáng tác độc lập của Lăng Mông Sơ. Từ đời Nguyên, Minh trở đi, tiểu thuyết sáng tác có đạt được cảnh phồn vinh, hoàn toàn là do công đặt nền tảng của ông vậy. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index... ...
... LIỄU VĨNH, NGƯỜI VIẾT TỪ NƠI CHỢ BÚA Liễu Vĩnh (khoảng 987-1053), nguyên tên Tam Biến, tên tự Thị Khanh, người ở Sùng An (nay là Sùng An, Phúc Kiến). Vì ông là con thứ bảy trong gia đình nên được gọi là Liễu Thất và vì ông từng giữ chức Đồn Điền Viên ngoại lang nên còn có tên gọi là Liễu Đồn Điền. Liễu Vĩnh là người viết từ chuyên nghiệp đầu tiên đời Bắc Tống, tác phẩm đại biểu là các bài “Vũ lâm linh", “Vọng hải triều” với nội dung miêu tả cảnh phồn hoa nơi đô thị hay cảnh trên đường ngao du sơn thủy. Thể cách Từ của ông khéo về mạn từ (bài Từ dài), có công thay đổi thói quen chỉ coi trọng loại từ ngắn “Tiểu lệnh” lúc ấy. Ngôn ngữ của ông phần nhiều dùng ngôn ngữ thôn quê rất ít chạm khắc hình thành đặc điểm Từ thông tục bình dân. Diệp Mộng Đắc cho biết “Hễ ở nơi chợ búa ăn uống là có người biết hát Từ họ Liễu” (Phàm hữu tỉnh thủy ẩm xứ, tức năng ca Liễu từ). Liễu Vĩnh chính là người làm thay đổi phong cách Từ đời Tống, “thay tiếng cũ thành tiếng mới” (Biến cựu thanh tác tân thanh). ...
... LUẬN ĐIỂM VỀ THANH LUẬT CỦA THẨM ƯỚC Thẩm Ước (441-513), văn học gia đời Nam triều, tên tự là Hưu Văn, người ở Võ Khang, Ngô Hưng (nay là trấn Đức Thanh, Võ Khang, tỉnh Chiết Giang), sau khi chết được ban tên thụy là Ẩn và được người đời xưng tụng là Ẩn hầu. Ông rút kinh nghiệm vận dụng thanh luật trong các sáng tác của người đời trước, cộng với bốn thanh Bình Thượng Khứ Nhập của người đương thời rồi chỉnh lý quy nạp thành tác phẩm “Tứ thanh phổ”, xác định vị trí lý luận thanh luật trong sáng tác thi ca. Bốn thanh này yêu cầu thi ca từng câu phải biết vận dụng sự điều hoà âm điệu làm cho âm tiết hài hoà và biến hoá sinh động. Về mặt đối lập, ông đưa ra “bát bệnh” tức tám loại cấm kỵ về thanh luật trong thi ca. Luận điểm về thanh luật của Thẩm Ước mở ra một thế giới mới cho âm nhạc trong thơ, phát huy ảnh hưởng tích cực đến sự hình thành của “Vĩnh Minh thể” và dẫn đến sự chuyển biến lớn cho cổ thi và luật thi đời Đường. Tác phẩm của ông có “Thẩm Ẩn hầu tập”. ...
... LỤC CƠ VỚI TÁC PHẨM “VĂN PHÚ” Lục Cơ (261-303), văn học gia đời Tây Tấn, tên tự Sĩ Hành, người ở Hoa Đình, Ngô quận (nay là huyện Tùng Giang, Thượng Hải). Tác phẩm “Văn phú” của ông là tác phẩm lý luận phê bình văn học hoàn chỉnh đầu tiên của văn học sử Trung Quốc. Tác giả căn cứ vào thực tiễn sáng tác của mình, tổng kết kinh nghiệm sáng tác của những người trước, lấy trung tâm là nghệ thuật kết cấu để tìm hiểu toàn diện các vấn đề lý luận. Bàn về quá trình sáng tạo văn học, ông khái quát tính thống nhất của “vật, ý và văn” với nhận định: “Tôi thường lo ý không tương xứng với vật, văn không theo kịp ý” (Hằng hoạn ý bất xứng vật, văn bất đãi ý). Luận thuật về phong cách văn thể, lý luận của ông tinh vi chặt chẽ hơn hẳn Tào Phi*. Phân tích về vấn đề cảm hứng và tính tưởng tượng, lý luận của ông càng mới mẻ hơn lý luận trước ông rất nhiều, xứng đáng liệt vào những lý luận mở đầu trong văn học sử Trung Quốc. Nguồn gốc của thiên Thần tư trong bộ Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp* chính là từ lý luận của Lục Cơ, còn lý luận của nhóm Thẩm Ước* sau này tuy cũng có gần giống Lục Cơ nhưng lại không cụ thể bằng. Học giả đời nay phần nhiều đánh giá xác nhận Văn phú chính là tác phẩm lý luận mở đầu mà sau này khó có tác phẩm cùng loại vượt hơn được. Tiểu sử Lục Cơ có chép trong sách Tấn thư và tác phẩm Văn phú được chép lại trong bộ Văn tuyển. ...
... LỤC DU, NHÀ THƠ YÊU NƯỚC Lục Du (1125-1210), nhà thơ yêu nước nổi tiếng đời Tống, tên tự Vụ Quan, hiệu Phóng Ông, người ở Sơn Âm, Việt Châu (nay là Thiệu Hưng, Chiết Giang). Do vì ông từ nhỏ đã tận mắt chứng kiến quân Kim kéo vào xâm lược đất đai nhà Tống và sự đấu tranh chống quân Kim của các chí sĩ yêu nước, nên từ thời thiếu niên đã có chí báo đền nợ nước “quét rợ Hồ”. Sau này, làm quan, ông càng tích cực giữ vững chí đánh lên miền bắc, bài trừ phái đầu hàng, tuy nhiều lần bị gian nan, nhưng chí hướng ấy không thay đổi. Ông dồn hết tư tưởng yêu nước và toàn bộ tình cảm của mình vào thơ, làm thành những bài sáng rực rỡ trong lịch sử thơ yêu nước. Thơ yêu nước của ông chẳng những khích lệ lòng đấu tranh chống quân Kim lúc ấy, mà còn khích lệ lòng yêu nước của những đời sau nữa, “Sao được áo giáp ba vạn quân, vì vua chiếm lại non sông cũ” (An đắc thiết y tam vạn kỵ, vị quân vương thủ cựu sơn hà - Túng bút), “Chết đi mới biết muôn việc không, chỉ đau không thấy chín châu cùng. Ngày nào quân chiếm được phương bắc, lễ giỗ đừng quên báo với ông” (Tử khứ nguyên tri vạn sự không, đãn bi bất kiến cửu châu đồng. Vương sư bắc định trung nguyên nhật, gia tế vô vong cáo nãi ông - Thị nhi), “Một thân báo nước dù muôn chết, tóc tơ ai đó có xanh đâu” (Nhất thân báo quốc hữu vạn tử, song mấn hướng nhân vô tái thanh - Dạ bạc thủy thôn). Những bài thơ trên phản ánh tiếng lòng thiết tha yêu nước của một thời đại. Lo nước lo dân là chủ đề quan trọng của thơ Lục Du, ngoài ra, thơ ông còn vạch trần sự bẩn thỉu của bọn tham quan, là tiếng kêu gào của đám dân đen khốn khổ, hình thành bản sắc đặc biệt khác hẳn loại thơ đùa trăng giỡn nguyệt “không bệnh mà rên” lúc ấy... Nói như vậy không phải Lục Du không có đề tài nào khác lòng yêu nước, thơ ông nhiều loại rất đa dạng, “phàm một ngọn cỏ, một thân cây, một loại cá, một loại chim, không gì không được chọn lọc đưa vào thơ” (Phàm nhất thảo nhất mộc, nhất ngư nhất điểu, vô bất tiễn tài nhập thi - Triệu Dực -“Âu Bắc thi thoại”). Thơ và tư cách Lục Du đều được người đời sau ngưỡng mộ, Lương Khải Siêu khen “Suốt xưa nam nhi một Phóng Ông” (Tuyên cổ nam nhi nhất Phóng Ông - Độc lục Phóng Ông tập). Đời Lục Du làm thơ rất nhiều, hiện còn tới hơn 9300 bài, là số lượng sáng tác nhiều nhất của một tác gia trong văn học sử Trung Quốc. Đặc sắc chung của thơ ông là khí phách hào hùng. Ngoài thơ, Từ và văn cũng có thành tựu tập trung trong “Vị Nam văn tập” 50 quyển và “Kiến Nam thi cảo” 85 quyển, hiện nay thu chép cả vào “Lục Phóng Ông toàn tập”. Tiểu sử có chép trong sách Tống sử. ...
... LƯU AN VÀ BỘ “HOÀI NAM TỬ” Lưu An (từ năm 197-122 trước công nguyên (T.C.N), người đất Bái (nay thuộc Giang Tô), là văn học gia đời Tây Hán được kế thừa tước ấm Hoài Nam vương của cha. Bộ “Hoài Nam tử” là do ông ra lệnh cho các môn khách viết thành. Đây là bộ sách chứa đựng rất nhiều tư liệu chuyện kể trước đời Tần (như các chuyện Nữ Oa luyện đá vá trời, chuyện Hậu Nghệ bắn mặt trời, chuyện vua Hạ Vũ trị thủy, v.v...). Những tư liệu này có giá trị bổ sung cho các khoảng trống trong văn học sử Trung Quốc và có giá trị về nhận thức thẩm mỹ khá cao. Sách này qua sự chỉnh lý của Lưu Hướng (đời Tây Hán) được gọi là “Hoài Nam”, qua sự ghi chép của sách Tùy Thư được gọi là “Hoài Nam tử” và có các bản chú giải của Hứa Thận*, Cao Dụ (đời Đông Hán). Tiểu sử của Lưu An có chép trong sách Hán Thư. ...
... LƯU HIỆP, NGƯỜI THÀNH LẬP MÔN LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC Lưu Hiệp (khoảng 465-532), nhà lý luận văn học đời Lương Nam triều, tên tự là Ngạn Hoà. Tổ tiên ông quê ở Lư huyện, Đông Hoãn (nay là huyện Lư, tỉnh Sơn Đông), nhưng nhiều đời đã ở Kinh Khẩu (nay là Trấn Giang, Giang Tô). Trứ tác của ông có 10 quyển “Văn tâm điêu long” là sách chuyên khoa nghiên cứu văn học kỹ lưỡng sớm nhất trong văn học sử Trung Quốc. Tác phẩm này xác lập hệ thống lý luận phê bình văn học hoàn chỉnh. Xét chung sách này, những ví dụ về các sáng tác mà Lưu Hiệp nêu ra để phê bình đều đặc sắc, mở đầu một kỷ nguyên mới trong nền phê bình văn học Trung Quốc. Qua nhiều triều đại, các văn nhân thi sĩ đều đánh giá cao Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp như sử học gia Lưu Tri Cơ đời Đường coi đây là khuôn mẫu khi ông viết bộ Sử thông. Hồ Ứng Lân đời Minh ca ngợi: “Sự phê bình, nghị luận của Lưu Hiệp tinh vi xác đáng” (Lưu Hiệp chi bình, nghị luận tinh tạc - Thi tẩu). So với tác phẩm “Thi học” của Aristot, lý luận của Lưu Hiệp không hề thua kém, thậm chí có thể nói hệ thống lý luận của Lưu Hiệp còn nghiêm mật hơn và nội dung cũng cụ thể phong phú hơn. Văn tâm điêu long đã là một bộ trứ tác lý luận văn học, mà còn là một tác phẩm mỹ học cổ điển quan trọng. Các sách Lương thư và Nam sử đều có chép tiểu sử của ông. Gần đây, lại có các tác gia hiện đại hình thành môn học riêng biệt gọi là “Điêu long học”. ...
... LƯU NGẠC, NGƯỜI VIẾT VỀ XẤU XA CỦA QUAN LẠI Lưu Ngạc (1857-1909), tiểu thuyết gia cận đại, tên tự Thiết Vân, biệt hiệu Hồng Đô bách luyện sinh, người ở Đan Đồ, Giang Tô (nay là Trấn Giang). Trứ tác có tiểu thuyết “Lão tàn du ký”. Trong tiểu thuyết này, nhờ ông mô tả tội ác xấu xa của bọn gọi là “thanh quan” mà được nổi tiếng trên văn đàn. Ông nói: “Quan ăn hối lộ đáng oán hận, người người biết thế. Bọn quan thanh liêm càng đáng oán hận, phần lớn người không biết thế” (Tang quan khả hận, nhân nhân tri chi, thanh quan vưu khả hận, nhân đa bất tri – Lão tàn du ký). Vì vậy, với những việc mắt thấy tai nghe, ông trình bày ra tội ác xấu xa của ba tên “thanh quan” Ngọc Hiền, Cương Bật, Trương Cung Bảo (tên các nhân vật trong Lão tàn du ký) làm bộc lộ hết xấu xa bỉ ổi của chúng dưới bóng mặt trời. Ngọc Hiền thực ra là ám chỉ Lưu Hiền, tri phủ Tào Châu, hắn vu oan cho lương dân thành trộm cướp, chưa tới một năm, đã giết oan chết hơn 2.000 người. Cương Bật thực ra là ám chỉ Chương Nghị, tên quan án giết oan không biết bao nhiêu dân vô tội. Trương Cung Bảo thực ra là ám chỉ tên Tuần phủ Sơn Đông Trương Dực, y “yêu tài năng khao khát”, thu nạp hai tên thuộc viên Lưu Hiền và Chương Nghị, đem đến muôn ngàn tai họa cho dân chúng Sơn Đông, còn chính y, lầm nghe lời can ngăn bậy bạ, làm cho toàn bộ cư dân sống trong vòng sáu trăm dặm ven sông Hoàng Hà chìm trong biển nước. Bọn quan lại bên ngoài giả vờ liêm chính ngay thẳng ấy thực chất chỉ là bọn tàn bạo ma vương giết người không gớm tay. Sáng tác độc sáng của Lưu Ngạc được Lỗ Tấn đánh giá là “Nói ra những lời người ta chưa từng dám nói” (Ngôn nhân sở vị thường ngôn). Nhờ vậy, Lưu Ngạc trở thành một trong bốn tác gia lớn viết loại tiểu thuyết khiến trách cuối đời Thanh. ...
... LÝ BẠCH, NHÀ THƠ LÃNG MẠN KIỆT XUẤT Lý Bạch (701-762), nhà thơ lớn đời Đường, tên tự Thái Bạch, hiệu Thanh Liên cư sĩ. Ông sinh ở Toái Diệp, Tây Vực (đời Đường thuộc An Tây đô hộ phủ, trước đây thuộc đất Liên Xô cũ). Thuở còn nhỏ ông theo gia đình chuyển về Xương Long, Cẩm Châu (nay thuộc Tứ Xuyên). Thi ca Lý Bạch hùng cứ thi đàn đời Đường bằng thể cổ thi và nhạc phủ ca hành. Xét về nội dung, thơ ông ca ngợi truyền thống quan tâm đến chính trị và đời sống gian nan của nhân dân Trung Hoa. Xét về nghệ thuật, thơ ông làm thay đổi cả phong cách thơ đầu đời Đường, đứng độc lập hẳn một trường phái và mở đầu cho phong cách hào hùng kỳ lạ phóng túng vào bậc nhất thời đó. Sách “Đường Tổng thi thuần” hình dung: “(Thơ Lý Bạch) thường giống như mưa và gió tranh nhau bay, rồng cá biến đổi trăm lần, lại như sông lớn không có gió mà sóng tự gào, mây trắng trên không thay đổi theo gió, đúng là có thể nói là quái dị lớn lao lắm vậy” (Vãng vãng phong vũ tranh phi, ngư long bách biến, hựu như đại giang vô phong, ba lãng tự dũng, bạch vân tòng không, tùy phong biến diệt, thành khả vị quái vĩ kỳ tuyệt giả hĩ). Ngoài cổ thi, ông còn sở trường các loại thơ ngũ ngôn, thất ngôn tuyệt cú. Ngũ tuyệt của ông hàm súc có ý vị sâu xa, được coi là bậc đệ nhất đời Đường; hoặc có người còn so thất tuyệt của ông với Vương Xương Linh* là hai viên ngọc biếc. Những bài thơ hay của ông mô tả núi sông vĩ đại, không bài nào không nồng đậm không khí thần thoại; còn thơ sơn thủy của ông lại lạ lùng vạch một lối riêng biệt. Tóm lại, như Hồ Ứng Lân đời Minh đánh giá thơ ông bằng mấy chữ “Trùm hết xưa nay” (Quán tuyệt cổ kim) là hoàn toàn xứng đáng. Thơ Lý Bạch với tư tưởng kỳ đặc, khoa trương mạnh mẽ, khí phách hào hùng, cấu tứ rộng lớn, ngôn ngữ mới mẻ đã trở thành nhà thơ vĩ đại nhất theo chủ nghĩa lãng mạn tích cực sau Khuất Nguyên*. Hầu hết các thi nhân lịch triều đều ca tụng Lý Bạch như một bậc thiên tài kỳ tuyệt và từ nhiều góc độ khác nhau, các thi nhân đời sau đều có học tập ở thơ ông. Hiện nay có sách Lý Thái Bạch tập gồm 30 quyển, trong ấy có hơn 1000 bài thơ và hơn 60 bài văn. Tiểu sử ông có chép trong Tân, Cựu Đường Thư. ...
... LƯU NGHĨA KHÁNH VÀ SÁCH “THẾ THUYẾT TÂN NGỮ” Lưu Nghĩa Khánh (403-444), văn học gia nổi tiếng đời Tống Nam triều, người ở Bành Thành (nay là tỉnh Giang Tô). Lưu Nghĩa Khánh là người “yêu thích văn nghĩa”, “thích tụ tập văn học khắp nơi, các kẻ sĩ gần xa đều tìm đến” (theo Tống thư). Trứ tác của ông có các bộ Điển tự, U Minh lục, mà trong số ấy, tập tiểu thuyết chí nhân Thế thuyết tân ngữ là tác phẩm đại biểu. Đây là bộ sách ghi chép trên cơ sở sưu tập các truyền văn tản mát về các danh sĩ nổi tiếng thời ấy, thể lệ sách chép theo “loại biên” chia ra 36 thiên như “Đức hạnh”, “Ngôn ngữ”, “Chính sự”, “Văn học” v.v... Phần lớn ghi chép các câu chuyện dật sự và lời nói việc làm của các danh sĩ từ cuối đời Hán đến đời Đông Tấn, nhất là ghi chép rất tường tận về cuộc sống của bốn đại sĩ tộc lúc ấy (là các họ Vương, Tạ, Cố, Hi), quả là tài liệu quý về xã hội, văn học, lịch sử của thời Ngụy Tấn. Về nghệ thuật, tác phẩm này kế thừa được ảnh hưởng thể sử truyện và tản văn chư tử, biểu hiện được phần đặc sắc “ghi việc thì kín đáo xa xôi, ghi lời nói thì giản dị mà sâu sắc” (lời Lỗ Tấn). Đời Minh, Hồ Ứng Lân nhận định về Thế Thuyết tân ngữ: “Đọc sách ấy, bao nhiêu ngôn ngữ diện mạo của người đời Tấn đều hiện ra rõ ràng sinh động”. Thế Thuyết tân ngữ dựa trên cơ sở người thật việc thật mà bút pháp biểu hiện nhân vật hết sức sống động, đã trở thành một môn phái bút pháp “tiểu thuyết bút ký” riêng biệt của Trung Quốc, đời sau được nhiều người mô phỏng, như đời Đường có “Tục Thế Thuyết tân ngữ” (của Vương Phương Khánh), Tống có “Đường ngữ lâm” (của Vương Đảng) và “Tục thế thuyết” (của Lý Thanh) v.v... Ngoài ra, Thế Thuyết tân ngữ còn là đề tài ban đầu của các Hí khúc, tiểu thuyết, như Kinh kịch có vở “Trừ tam hại”. Tiểu sử Lưu Nghĩa Khánh được chép trong các sách Tống thư và Nam sử. ...
... LƯU VŨ TÍCH, HỌC TẬP DÂN CA Lưu Vũ Tích (772-842), thi nhân nổi tiếng đời Đường, tên tự Mộng Đắc, từng tham gia cuộc đổi mới niên hiệu Vĩnh Trinh. Cuộc đổi mới ấy thất bại ông bị biếm đi xa. Cuộc sống bị biếm trích ấy kéo dài 22 năm khiến ông được gần gũi dân chúng bình thường. Thơ của ông còn lại hơn 800 bài, trong ấy những bài hay nhất là loại thơ thất ngôn nhạc phủ sáng tác khi bị lưu lạc ở các vùng Lang châu, Liên châu, Quỳ châu, Tứ châu, chính vì đã hấp thu được dân ca và phản ánh được tình cảm của nhân dân dưới hạ tầng xã hội với đầy đủ ý vị chân thật, phác tố hàm súc uyển chuyển, mà đại biểu là các bài “Trúc chi từ”, “Lãng đào sa từ”, “Đê thượng hành”, “Đạp ca hành” v.v... Những bài thơ này, về nội dung, đả kích lễ giáo phong kiến, ca ngợi sự chất phác của nhân dân lao động, về đề tài, nồng đậm không khí quê hương; về kỹ xảo biểu hiện, ngoài xử dụng các thủ pháp tỉ hứng, song quan còn mở ra một cách thức mới tận dụng ngôn ngữ trong sáng của dân ca tục ngữ. Thơ của ông đã vượt qua khỏi thời đại, lưu truyền rộng rãi khắp vùng Giang Nam, được nhiều người đời sau học tập mô phỏng, như Tô Thức* có “Trúc chi ca”, Dương Duy Trinh* có “Tây hồ trúc chi”, Trịnh Nhiếp* có “Duy huyện trúc chi từ”. Hiện nay còn bộ Lưu Mộng Đắc văn tập 40 quyển. ...
... LÝ DỤC, NGƯỜI VIẾT TỪ Lý Dục (937-978), người viết Từ đời Ngũ đại Thập quốc Nam Đường, tên tự Trùng Quang, tên hiệu Chung Ẩn và Bồng Phong cư sĩ, người ở Từ Châu (nay là Giang Tô). Sau khi lên ngôi, ông xưng là Lý Hậu chủ. Lý Dục thông thạo đủ mọi nghề Thơ, Văn, Thư (phép viết chữ Hán), Họa, Từ, Khúc, Âm luật, sở trường trác tuyệt nhất về Từ. Tác phẩm Từ của ông có thể chia làm hai thời kỳ, trước và sau khi bị bắt làm tù binh. Thời kỳ đầu, ông biểu lộ tài hoa khác thường, nhưng đề tài chật hẹp; thời kỳ sau, đang từ vị trí Hoàng đế rơi xuống làm tù binh, phong cách Từ của ông thay đổi hẳn. Đến đây Từ của ông hết sạch vẻ diễm lệ son phấn mà đồng lòng nhớ nhung nước cũ với tình cảm bi ai thê thiết; tác phẩm đại biểu lúc này là bài “Ngu mỹ nhân”: “Hoa xuân trăng thu bao giờ hết” (Xuân hoa thu nguyệt hà thời liễu) hay bài “Lãng đào sa”: “Ngoài rèm mưa rả rích (Liêm ngoại vũ sàn sàn). Những bài Từ này đã đột phá con đường sáo mòn phần lớn mô tả tình yêu yếu đuối của loại Từ “Hoa gian”, biểu hiện sức mạnh rộng lớn của Từ, như Vương Quốc Duy viết: “Từ đến Lý Hậu chủ mới bắt đầu mở rộng tầm nhìn” (Từ chí Lý Hậu chủ nhi nhãn giới thủy đại - Nhân gian từ thoại). Đặc sắc nghệ thuật Từ của Lý Dục là ngôn ngữ giản dị và rất khéo sử dụng tỉ dụ so sánh làm cho tình cảm trừu tượng biến thành ý cảnh cụ thể, để lại nhiều câu hay và đẹp. Phong cách ấy chẳng những độc lập trong các nhà viết Từ cuối đời Đường Ngũ đại, mà còn tạo ảnh hưởng tích cực đến phái Từ Hào phóng đời sau. Tiểu sử của ông được chép trong sách “Tân ngũ đại sử”, tác phẩm được người sau gom lại trong sách “Lý Cảnh, Lý Dục từ” do Chiêm An Thái chú giải. ...
... LÝ LUẬN THI CA CỦA DIỆP NHIẾP Diệp Nhiếp (1627–1703), nhà văn luận đời Thanh, tên tự Tinh Kỳ, hiệu Dĩ Huề, người ở Gia Hưng, Chiết Giang, cuối đời tự xưng là Hoành Sơn tiên sinh. Diệp Nhiếp là nhà lý luận văn học kiệt xuất thế kỷ 17 ở Trung Quốc. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng giữa chủ nghĩa duy tâm, chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa phục cổ, ông đi sâu nghiên cứu các vấn đề nguồn gốc thi ca, phát triển thi ca, đổi mới thi ca và tính chân thật, tính nghệ thuật của thơ, sự tu dưỡng của tác gia, rồi đề xuất một hệ thống lý luận hoàn chỉnh. Trong khi phân tích nguồn gốc và diễn biến của thi ca, ông cho rằng thơ có nguồn có dòng, có gốc có ngọn. Ông muốn theo dòng tìm ngược tới nguồn, lần theo ngọn quay về gốc, nên gọi là “nguồn dòng, gốc ngọn, thường hay biến, thịnh hay suy đều theo nhau tuần hoàn” (Nguyên lưu, bản mạt, chính biến, thịnh suy, hỗ vi tuần hoàn - Nguyên thi, nội thiên). Tuy vậy, ông kiên trì theo nguyên tắc “trong biến động có yếu tố không biến động tồn tại” (Biến trung hữu bất biến giả tại). Khi nghiên cứu thủ pháp thi ca, ông phân tích từ hai phương diện chủ quan và khách quan, cho rằng, đối với tác giả sáng tác, có các vấn đề “tài năng, đảm lược, tri thức và năng lực” (Tài, đảm, thức, lực); còn đối với hiện tượng được phản ánh, có các vấn đề “lý lẽ, sự việc, tình cảm” (Lý, sự, tình). Lý luận thơ của Diệp Nhiếp có đầy đủ tư tưởng chủ nghĩa duy vật thô sơ và khuynh hướng biện chứng pháp. Lý luận này cống hiến mở mới và phá vỡ quan niệm chính thống, đẩy nhanh đổi mới. Người đời Thanh đánh giá lý luận về thơ của Diệp Nhiếp như sau: “Quét sạch các thuyết nông nổi xưa nay về thịnh suy thường đổi”. Trong lịch sử lý luận phê bình cổ điển ở Trung Quốc, Diệp Nhiếp có địa vị rất quan trọng. ...
... LÝ LUẬN THI CA VÀ TUYỂN TẬP CỦA THẨM ĐỨC TIỀM Thẩm Đức Tiềm (16731769), thi nhân đời Thanh, tên tự Xác Sĩ, hiệu Quy Ngu, người ở Trường Châu (nay là Tô Châu). Luận về thơ, Thẩm Đức Tiềm noi theo thơ các đời Hán Ngụy và Thịnh Đường, bài xích thơ Tống, ông nhấn mạnh đến tác dụng “Thi giáo”. Trong “Thuyết thi toái ngữ”, ông nói: “Thơ mà vì đạo có thể lý giải được tính tình, khéo điều giữ vật, làm xúc cảm quỷ thần, dạy dỗ nước nhà và ứng đối với chư hầu” (Thi chi vị đạo, khả dĩ lý tính tình, thiện luân vật, cảm quỷ thần, thiết giáo bang quốc, ứng đối chư hầu), ông phản đối loại tác phẩm chơi hoa giỡn nguyệt. Thẩm Đức Tiềm chủ trương “Cách điệu”, tức chú trọng tới tính trọng yếu của âm luật. Về phong cách, ông đề xướng “Ôn nhu đôn hậu”, nhấn mạnh “lời nông nhưng tình sâu” (ngôn thiển nhi tình thâm). Do vì địa vị của ông cao, thơ lại có được sự thưởng thức của vua Càn Long nên luận về thơ của ông có ảnh hưởng rất lớn với đương thời. Một cống hiến khác của Thẩm Đức Tiềm là ông đã biên soạn rất nhiều thi tập: “Cổ thi nguyên”, “Đường thi biệt tài", “Minh thi biệt tài", “Thanh thi biệt tài", trong số đó, bộ Cổ thi nguyên chẳng những thu chép rất nhiều dân ca từ đời thượng cổ đến Nam bắc triều mà còn đưa ra nhiều kiến giải tinh tế về nghệ thuật thi ca, đều có giá trị quan trọng. ...
... LÝ NGƯ VÀ LÝ LUẬN HÍ KHÚC CỦA ÔNG Lý Ngư (1611-khoảng 1680), lý luận gia, tác gia viết hí khúc cuối Minh đầu Thanh, tên tự Lạp Hồng và Trích Phàm, hiệu Lạp Ông, ra đời ở Trĩ Cao (nay là Như Cao, Giang Tô). Thuở niên thiếu ông đắm đuối vào cái học khoa cử, triều nhà Thanh xâm nhập Trung Quốc rồi, cảnh nhà sa sút, ông lập ban hí kịch gia đình, biên soạn hí kịch và bán sách làm kế sinh nhai. Tác phẩm Lý Ngư có tập truyền kỳ “Lạp Ông thập chủng khúc” và tạp luận “Nhàn tình ngẫu ký” để lại cho đời. Luận về hí khúc, Lý Ngư chú trọng tới kết cấu và đưa ra những phương pháp cụ thể khi viết hoặc xây dựng một vở hí khúc khác, đưa ra quy luật cấu tứ hí kịch, đột phá thói quen cũ coi trọng âm luật. Lý Ngư còn cường điệu tác dụng của “Tình” trong hí khúc, chủ trương sau khi phải “Hợp nhân tình” cần “có thể làm người ta khóc, có thể làm người ta cười, có thể làm người ta giận dữ dựng tóc tới..., có thể làm người ta hoảng sợ đến chết” (Năng sử nhân khốc, năng sử nhân tiếu, năng sử nhân nộ phát xung quan, năng sử nhân kinh hồn dục tuyệt) dẫn đến sự đồng tình của người xem. Về phương diện ngôn ngữ hí khúc, Lý Ngư nhấn mạnh đến tính giản dị dễ hiểu trong những câu của tuồng, làm thay đổi thói quen “xem thường lời nói” (thị tân bạch vi mạt trứ). Đồng thời, ông còn yêu cầu ngôn ngữ phải nhất trí với vai diễn, không được dùng một loại ngôn ngữ gán ghép vào nhiều nhân vật khác nhau. Lý luận hí khúc của Lý Ngư tổng kết kinh nghiệm sáng tác của người xưa, đưa ra rất nhiều ý kiến xác đáng, có ý nghĩa vừa kế thừa vừa khai mở đường hướng mới cho sự phát triển lý luận hí khúc. ...
... LÝ LUẬN THI CA CỦA TƯ KHÔNG ĐỒ Tư Không Đồ (837-908), thi nhân và nhà lý luận về thơ cuối Đường, tên tự Biểu Thánh, hiệu Tri Phi Tử, người ở Ngu Hương, Hà Trung (nay thuộc Sơn Tây). Bộ Nhị thập tứ thi phẩm (gọi tắt là Thi phẩm) của ông là một đoá hoa nở trên cây lý luận trong vườn hoa thi ca muôn màu muôn vẻ của hơn 200 năm phồn thịnh đời Đường. Trước tiên, thi nhân chia thi ca ra làm 24 môn loại, sau đó, phê bình mỗi môn loại bằng 12 câu tứ ngôn có vần, sáng tạo quy luật phẩm bình 24 phong cách với ý cảnh, tư tưởng khác nhau, từ đó vạch ra đời sống hiện thực được thi ca phản ánh, cống hiến rất lớn về phạm trù mỹ học của thơ. Công trình này của ông có công mở ra một phương pháp mới lý luận về thơ. Trước đây, đã có những công trình lý luận của Tào Phi*, Lục Cơ*, Lưu Hiệp*, nhưng đều không hệ thống và sâu sắc bằng công trình này của Tư Không Đồ. Về ảnh hưởng, đời Tống có thuyết “Diệu ngộ” của Nghiêm Vũ*, đời Thanh có thuyết “Thần vận” của Vương Sĩ Trinh* đều đứng trên chuẩn tắc của Thi phẩm mà lập luận, đó là chưa kể những tác phẩm mô phỏng sau này như “Tục thi phẩm” của Viên Mai*, “Bổ thi phẩm” của Cố Hàn v.v... Thi phẩm được chép vào sách Toàn Đường thi và tiểu sử ông được ghi trong Tân, Cựu Đường Thư. ...
... LÝ LUẬN THƠ “DIỆU NGỘ” CỦA NGHIÊM VŨ Nghiêm Vũ (không rõ năm sinh, năm mất), nhà luận thơ đời Nam Tống, tên tự Đan Khâu và Nghi Khanh, tự hiệu Thương Lãng Bô khách, người ở Thiệu Võ (nay là huyện Thiệu Võ, Phúc Kiến). Lý luận về thơ của ông rất có ảnh hưởng, tác phẩm tiêu biểu là “Thương Lãng thi thoại”. Lý luận thơ của Nghiêm Vũ có tính sáng tạo ở điểm phát triển lý luận “dùng đạo Thiền ví dụ trong thơ” của sư Hạo Nhiên đời Đường, ông tiến bộ hơn người trước, đưa ra thuyết “Diệu ngộ”. Ông cho rằng Diệu ngộ vừa là hình thức cần thiết, vừa là bản sắc, nếu nhà thơ hiểu biết (Ngộ) người thì “tung hoành ngang dọc, tùy tay viết ra, bài nào cũng là đạo” (Thất tung bát hoành, tín thủ niêm lai, đầu đầu thị đạo hĩ), như vậy thuyết này giống với sự tham Thiền học làm thơ, chứng tỏ ít nhiều kiến giải đặc sắc với quy luật nội tại, nhưng nếu đem nó để thay thế hoàn toàn thực tế xã hội sẽ sa vào khuyết điểm bỏ gốc theo ngọn. Nghiêm Vũ coi trọng tư duy hình tượng, yêu cầu lấy thơ Đường làm tiêu chuẩn đánh giá đặc điểm nghệ thuật với chủ trương cảm hứng tự nhiên hồn hậu, phản đối văn xuôi hoá, nghị luận hoá thơ. Lý luận về thơ của ông tạo ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lý luận thi ca đời Minh và Thanh, có sách cho rằng thuyết “Thần vận” của Vương Sĩ Trinh là do từ Nghiêm Vũ mà ra. ...
... LÝ LUẬN VỀ TỪ CỦA TRƯƠNG VIÊM Trương Viêm (1248-1320?), người viết Từ và lý luận về Từ đời Nam Tống, tên tự Thúc Hạ, hiệu Ngọc Điền và Lạc Tiếu Ông, người ở Lâm An (nay là Hàng Châu, Chiết Giang). Tác phẩm “Từ nguyên” là tổng kết kinh nghiệm sáng tác và thành quả nghiên cứu học tập về Từ cả đời ông, bộ sách này chia làm hai quyển Thượng, Hạ. Quyển Thượng bàn về âm nhạc, luận rất kỹ về ngũ âm, quyển Hạ bàn về sáng tác. Dùng hình thức Từ làm chủ, ông chia ra làm 15 môn loại để thảo luận, trong ấy trung tâm là thuyết “Thanh không”, còn các bộ phận khác chỉ là tùy thuộc, tạo thành hệ thống thứ tự rất rõ ràng. Sách này ra đời xung phá được sự trói buộc của phong cách Từ cuối đời Tống, chỉ rõ phương hướng sáng tác cho các nhà viết Từ. Đương thời, sách được xưng tụng là “chỉ ra đường hướng mê lầm” (Chỉ mê). Đến đời Thanh, ảnh hưởng của sách càng sâu xa, trong lịch sử Từ Trung Quốc, tác phẩm này tự lập được địa vị khá quan trọng. Hiện nay Từ nguyên được chép chung vào bộ “Từ thoại tùng biên". ...
... LÝ THÂN, MỞ ĐẦU TÂN NHẠC PHỦ Lý Thân (772-846), thi nhân trung Đường, tên tự Công Thùy, người ở Vô Tích, Nhuận Châu (nay là Vô Tích, Giang Tô). Nổi tiếng ngang với Lý Đức Dụ, Nguyên Chẩn nên được gọi chung là “Tam tuấn” (ba người tài tuấn). Lý Thân là người mở đầu cho cuộc vận động tân nhạc phủ đời trung Đường và là người đầu tiên viết loại thơ tân nhạc phủ. Hai bài thơ ”Mẫn nông” của ông đã thành cách ngôn từ nhiều đời nay. Tiểu sử của ông có chép trong Tân, Cựu Đường Thư và thơ chép 4 quyển trong Toàn Đường thi, văn chép 12 bài trong Toàn Đường văn. ...
... MAI THỪA, TÁC GIA VIẾT PHÚ KẾ THỪA NGƯỜI TRƯỚC VÀ MỞ ĐẦU CHO NGƯỜI SAU Mai Thừa (?-140 trước công nguyên (T.C.N), là nhà viết Từ phú đời Tây Hán. Ông tên tự là Thúc, người đất Hoài Âm (nay thuộc Giang Tô). Tác phẩm chỉ còn lại một bài “Thất phát”. Tác phẩm này tuy không gọi tên là “Phú” nhưng thực sự nó đã đại biểu hoàn toàn cho sự hình thành của Phú đời Hán, cụ thể biểu hiện chủ yếu ở hình thức ngôn ngữ khoa trương và tự sự bày tỏ. Vả chăng, với cách viết hỏi đáp, dùng hình thức văn xuôi từ đầu đến cuối, thoát ly hẳn mô thức của Sở Từ để bước hẳn vào lãnh vực Phú đời Hán, chỉ cần một bài “Thất phát” này đã xác định địa vị văn học kế thừa Sở Từ và mở đầu Phú Hán của Mai Thừa và cũng chính Mai Thừa là người đầu tiên dùng chữ Thất như một thể văn để sau đó có nhiều người mô phỏng theo, như Trương Hành có bài “Thất biện”, Tào Thực có bài “Thất khải”, Trương Hiệp có bài “Thất mệnh” v.v... Tiểu sử Mai Thừa được chép vào sách Hán Thư. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index... ...