... MAO KHÔN BIÊN SOẠN “ĐƯỜNG TỐNG BÁT ĐẠI GIA VĂN SAO” Mao Khôn (1512-1601), tản văn gia đời Minh, tên tự Thuận Phủ, hiêu Lộc Môn, người ở Quy An (nay là Ngô Hưng, Chiết Giang). Mao Khôn là thành viên quan trọng của “Đường Tống phái”*. Trong phong trào phản đối văn chương “nghĩ cổ” (bắt chước người xưa) và đề xướng cuộc vận động cổ văn Đường Tống, ông biên soạn bộ sách “Đường Tống bát đại gia văn sao". Toàn bộ này gồm 164 quyển, chia ra văn Hàn Dũ* 16 quyển, văn Liễu Tông Nguyên* 12 quyển, văn Âu Dương Tu* 32 quyển, Ngũ đại sử 20 quyển, văn Vương An Thạch* 16 quyển, Tăng Củng 10 quyển, Tô Tuân 10 quyển, Tô Thức* 28 quyển, Tô Triệt 20 quyển. Ông bình luận phê điểm, chú thích từng tác gia và tôn sùng đề cao Hàn Dũ, Âu Dương Tu, Tô Thức nhất. Vì giá trị rất cao, bộ này được “thịnh hành khắp nước, trẻ con làng xóm không ai không biết đến Mao Lộc Môn” (Thịnh hành hải nội, hương lý tiểu nhi vô bất tri Mao Lộc Môn giả - Minh Sử). Ảnh hưởng của bộ sách vô cùng sâu xa, trở thành tên gọi “Đường Tống bát đại gia” và được lịch sử dùng quen. Mao Khôn còn để lại nhiều tác phẩm khác. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index... ...
... MAO TÔN CƯƠNG VÀ “ĐỆ NHẤT TÀI TỬ THƯ” Mao Tôn Cương (không rõ năm sinh năm mất), nhà phê bình cuối Minh đầu Thanh, tên tự Tự Thủy, người ở Trường Châu (nay là Ngô huyện, Giang Tô). Cùng với cha (là Mao Luân) tu đính sửa đổi, chỉnh lý chương hồi, phân định rõ sự thực lịch sử, tăng bổ thêm thơ và từ cho bộ “Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa”* của La Quán Trung* và liệt vào loại “đệ nhất tài tử thư", đây chính là bản “Tam quốc diễn nghĩa” 120 hồi như hiện nay, trên đầu quyển 1 có in bài tựa của Kim Thánh Thán*, sau tựa có mục “Phàm lệ” và “Phép đọc Tam quốc chỉ", các hồi đều có bài bình luận tổng kết chung. Chính nhờ các bài bình điểm này nên đã có tác dụng lớn đến sự lưu truyền của bộ Tam Quốc diễn nghĩa và có tác dụng thúc đẩy cả sự phát triển của môn phê bình tiểu thuyết. ...
... NGÔ ỐC NGHIÊU, NHÀ TIỂU THUYẾT LỚN Ngô Ốc Nghiêu (1816-1910), tiểu thuyết gia cuối đời Thanh, còn có tên Bảo Chấn, tên tự Tiểu Doãn và Nghiên Nhân, biệt hiệu Ngã Phật sơn nhân, người ở Phật Sơn, Quảng Đông (nay là thành phố Phật Sơn), sáng tác của họ Ngô phong phú, được gọi là “nhà tiểu thuyết lớn” (tiểu thuyết cự tử). Từ năm 1897, trước sau ông làm chủ bút các báo “Tự lâm hỗ báo”, “Thái Phụng báo”, “Kỳ tân bảo”, “Ngụ ngôn báo”. Từ năm 1903, ông hoàn thành tiểu thuyết tiêu biểu “Nhị thập niên mục đổ chi quái hiện trạng” đăng tải liên tục trên tạp chí “Tân tiểu thuyết” của Lương Khải Siêu. Tiểu thuyết gồm 108 hồi, ghi chép 189 sự kiện “hiện trạng kỳ quái” (quái hiện trạng) trong quan trường, thương trường, vạch trần hiện thực đen tối hủ bại của xã hội cuối đời Thanh. Tiểu thuyết này được khen là: “Trứ thuật của tiên sinh có Nhị thập niên mục đổ chi quái hiện trạng nổi tiếng trong sáng nhất, nên đàn bà con trẻ đều nhắc đến” (Tiên sinh trứ thuật, dĩ Nhị thập niên mục đổ chi quái hiện trạng nhất thư vi tối trứ, cố phụ nhụ năng đạo chi - Uông Duy Phủ). Ông còn viết các bộ: “Thống sử” 27 hồi, về lịch sử suy vong của triều Nam Tống, đả kích Giả Tự Đạo khinh vua làm mất nước, ca tụng Văn Thiên Tường và các nghĩa sĩ anh hùng. Toàn bộ này dùng lời văn lấy xưa phúng thích nay gửi gấm tấm lòng phản đế của ông; Bộ “Cửu mệnh kỳ oán" 36 hồi, vạch trần tội ác của bọn tham quan và địa chủ. Thủ pháp văn chương của ông rất giống đặc sắc của tiểu thuyết nước ngoài. Bộ “Tân Thạch đầu ký” 40 hồi, dùng đường tuyến trung tâm là chuyện Giả Bảo Ngọc tái sinh để miêu tả xã hội lý tưởng của tác giả. Trong Trung Quốc tiểu thuyết sử lược, Lỗ Tấn khen tặng ông “là người cứng cỏi, không chịu đứng dưới người khác” cho nên tác phẩm đời được ca ngợi. ...
... NHÀ BÌNH ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRƯƠNG TRÚC PHA Trương Trúc Pha (1670-1690), vốn tên Đạo Thâm, tên tự Tự Đắc, hiệu Trúc Pha. Tổ tiên ở Thiệu Hưng, sau chuyển về Bành Thành (nay là Từ Châu). Nổi tiếng ở đời nhờ bình điểm bộ “Kim Bình Mai” gọi là “Bành Thành Trương Trúc Pha phê bình Kim Bình Mai đệ nhất kỳ thư”, đây có thể coi là tác phẩm nghiên cứu phân tích toàn diện Kim Bình Mai. Cống hiến của ông là ở điểm đề xuất ra thuyết “Đệ nhất kỳ thư”, bác bỏ dư luận coi đây là “dâm thư”, ông chỉ ra Kim Bình Mai chỉ có “một tội là có tài và sắc” (độc tội tài sắc) là tác phẩm nói lên lòng căm phẫn, ông còn so sánh Kim Bình Mai* với Sử Ký*, khẳng định dứt khoát địa vị của Kim Bình Mai trong văn học sử. Trương Trúc Pha còn tiến hành tổng kết đặc sắc nghệ thuật của bộ tiểu thuyết này, từ đó quy nạp ra đặc điểm cơ bản của loại “văn học chợ búa” (thị tỉnh văn học), phân tích cụ thể kết cấu “ngàn gian nan đau khổ” “máu lệ liên tiếp” và các thủ pháp miêu tả đặc điểm cá tính nhân vật v.v... Lần đầu tiên Trương Trúc Pha đánh giá khẳng định sự kiệt xuất của tiểu thuyết trường thiên Kim Bình Mai, tạo ảnh hưởng rất lớn, chẳng những giúp cho Kim Bình Mai lưu truyền rộng rãi, mà còn làm phong phú thêm cho lý luận tiểu thuyết Trung Quốc, vì vậy, trong lịch sử phê bình tiểu thuyết ông chiếm địa vị quan trọng, chỉ kém hơn Kim Thánh Thán* chút ít. ...
... NHÀ BÌNH LUẬN VĂN NGHỆ LƯU HI TẢI Lưu Hi Tải (1813-1881), nhà bình luận văn nghệ đời Thanh, tên tự Dung Trai, người ở Hưng Hóa (nay thuộc Giang Tô). Đời ông chủ yếu dồn sức cho kinh học (môn học nghiên cứu kinh điển cổ), thông hiểu đủ mọi loại sách bách gia chư tử và thi văn từ phú, sở trường nhất bình luận văn nghệ, có nhiều kiến giải xác đáng tinh tế. Ông cho rằng văn học là “Tâm học”, là đối tượng chà sát giữa “ta” (Ngã) và “vật” (Vật), do vậy nhân phẩm cao hay thấp của tác gia có thể quyết định đến hay hoặc dở của tác phẩm. Ông bảo “Phẩm chất của thơ là do phẩm chất của người” (Thi phẩm xuất vu nhân phẩm), “Phú coi trọng tài không bằng coi trọng phẩm chất” (Phú thượng tài bất như thượng phẩm - Nghệ khái) đã trình bày rõ được quan hệ giữa chủ quan và khách quan. Ông còn nhấn mạnh tác phẩm cần có ý tinh vi, miêu tả tư tưởng cảm tình chân thật, và coi đó là nguyên tắc để đánh giá các tác phẩm cổ đại. Đồng thời, trong vấn đề làm mới và kế thừa, ông cho rằng “Chỉ người giỏi dùng cổ mới có thể thay đổi làm mới cổ được” (Duy thiện dụng cổ giả năng biến cổ - Nghệ khái). Ông phản đối loại văn mô phỏng bắt chước, mù quáng tập tành theo người xưa và tán dương các tác phẩm, tác gia có tinh thần đổi mới, có cá tính. Về phương pháp nghệ thuật, ông đề xướng nhiều thủ pháp để đạt đến cảnh giới “Lời có cùng mà âm và ý vô cùng” (Ngôn hữu tận nhi âm vô cùng). Tác phẩm ông có các sách Nghệ khái, Du nghệ ước ngôn. ...
... NHÀ THƠ ĐỔI MỚI HOÀNG TUÂN HIẾN Hoàng Tuân Hiến (1848-1905), nhà thơ, nhà hoạt động đổi mới, nhà ngoại giao đời Thanh, tên tự Công Độ, người ở Gia Ứng châu (nay là Mai huyện, Quảng Đông). Ông từng qua các nước Nhật Bản, Tân Gia Ba, Mỹ, Anh, làm công tác ngoại giao trong thời gian dài. Sau khi về nước, ông tích cực tham gia đổi mới. Sau cuộc chính biến Mậu Tuất, ông ở nhà làm thơ đến cuối đời. Thơ ông sở trường “miêu tả thời sự”. Những sự kiện lớn trong lịch sử cận đại Trung Quốc như chiến tranh nha phiến lần 1, lần 2, cuộc thất bại ở Lữ Thuận, Uy Hải, đều được tác giả đưa vào thơ, thể hiện rất rõ tấm lòng của nhà thơ “Trên xúc cảm vì biến động nước nhà, giữa cảm thương chủng tộc, dưới nữa buồn thương muôn dân” (Thượng cảm quốc biến, trung thương chủng tộc, hạ ai sinh dân - Nhân Cảnh Lô thi thảo tự) nên ông còn được gọi là “Thi sử”. Với những cảnh vật ở nước ngoài, ông cũng nhiều lần ngâm vịnh như các bài viết về lễ hoa anh đào ở Nhật, phong tục cưới hỏi ở Nam Dương, tháp Eiffel ở nước Pháp, sương mù ở nước Anh, thậm chí xe hỏa, tàu chiến, điện báo đều là đối tượng thơ ông. Ý tưởng mới mẻ ấy mở ra lãnh vực mới trong thi sử Trung Quốc. Thơ ông không câu nệ một phong cách nào, có khi điềm tĩnh, có lúc hùng biện, có khi khôi hài, đầy đủ đặc điểm đa dạng. Các tác phẩm đại biểu có thể kể là “Kim biệt ly”, “Dương thành cảm phú”, “Phùng tướng quân ca” v.v... Bài “Quân ca” của ông được Lương Khải Siêu ca tụng “Người đọc bài thơ này mà không nhảy múa ắt không phải là đàn ông” (Độc thử thi nhi bất khởi vũ giả, tất phi nam tử - Ẩm băng thất thi thoại). Cũng Lương Khải Siêu khen thơ ông “Có thể nấu đúc tư tưởng mới hòa nhập vào phong cách cũ” (Năng dung chú tân tư tưởng dĩ nhập cựu phong cách - Ẩm băng thất thi thoại). Hoàng Tuân Hiến đứng giữa bước quá độ của thơ cũ hướng tới thơ bạch thoại, không thẹn là ngọn cờ chỉ đường. Tác phẩm của ông có các tập Nhân cảnh lô thi thảo, Nhật Bản tạp sự thi. ...
... NHÀ TIỂU THUYẾT LÝ BẢO GIA Lý Bảo Gia (1867-1906), tác gia tiểu thuyết khiển trách cuối đời Thanh, còn có tên Bảo Khải, tên tự Bá Nguyên, biệt hiệu Nam đình đình trưởng, lại có các bút hiệu Du Hí chủ nhân, Âu Ca biến tục nhân, người ở Võ Tiến, Giang Tô (nay là thành phố Thường châu). Ông có tính ưa đùa giỡn hoạt kê, suốt đời tuyên truyền cổ vũ cho tư tưởng đổi mới. Tác phẩm đại biểu “Quan trường hiện hình ký” đăng liên tiếp trên báo “Thế giới phồn hoa báo” do chính ông chủ biên. Toàn bộ gồm 60 hồi, gần 80 vạn chữ, đả kích cơ cấu quan liêu đời Thanh hắc ám, hủ bại, nịnh ngoại bang và tàn hại dân chúng. Ngôn ngữ ông sắc bén, nghiêm khắc, kết cấu “hồi giống Nho lâm ngoại sử*” (lời Lỗ Tấn) do vì “yêu cầu đặc biệt của thời sự” nên “đại danh nổi lên”. Cùng một loại với tiểu thuyết Quan trường hiện hình ký, ông còn tác phẩm “Văn minh tiểu sử”, nhưng về góc độ ghi chép hai tác phẩm có khác nhau, tác phẩm sau phản ánh một thời đại lịch sử đặc biệt. Riêng tác phẩm “Hoạt địa ngục” gồm 43 hồi, nhưng mới viết xong hồi thứ 39, ông đã qua đời, sau đó Ngô Nghiên Nhân* (Ốc Nghiêu) viết tiếp 3 hồi và Âu Dương Cự viết một hồi cuối cùng. Bộ này mô tả về sự tàn ác dơ bẩn trong nhà lao ở các châu huyện, chẳng khác gì nơi “địa ngục sống”. Khi giới thiệu các tác phẩm của Lý Bảo Giang, Ngô Ốc Nghiêu viết: “Mỗi cuốn xuất hiện, không cuốn nào không được người đời hoan nghênh, nơi buôn bán rất nhiều người lấy sách người khác giả đề tên ông xuất bản” (Mỗi nhất thoát cảo, mạc bất thụ thế nhân chi hoan nghênh, phường cổ thậm hữu dĩ tha nhân sở tuyển chi tiểu thuyết, giả quân danh dĩ xuất bản giả - Lý Bá Nguyên truyện). Tiểu thuyết khiến trách của Lý Bảo Gia giống như tấm gương chiếu rõ mọi thối nát của bọn quan lại phong kiến cuối đời Thanh, vì vậy đã thành một trong 4 bộ tiểu thuyết khiển trách lớn cuối Thanh. ...
... NHÀ VIẾT HÍ KỊCH THANG HIỂN TỔ Thang Hiển Tổ (1550-1616), nhà viết hí kịch đời Minh, tên tự Nghĩa Nhưng, hiệu Hải Nhược và Nhược Sĩ, biệt hiệu Thanh Viễn đạo nhân, người ở Lâm Xuyên (nay thuộc Giang Tây). Đời họ Thang để lại 5 bộ hí kịch, trừ bộ “Tử tiêu ký” chưa hoàn tất, còn 4 bộ là “Mẫu đơn đình ký”, “Tử thoa ký”, “Nam Kha mộng ký”, “Hàm Đan mộng ký" đều có đặc trưng miêu tả cảnh trong mộng nên được gọi là “Lâm Xuyên tứ mộng”. “Bốn giấc mộng” này dù đề tài có thay đổi, nhân vật khác nhau, nhưng đều chung nhất trước sau là “Tình” và “Mộng”. Đó chính là nỗi lòng gửi gắm của tác giả khi bế tắc trên đường đời và cũng chính là sức hấp dẫn vô số độc giả và khán giả. Trong các tác phẩm của Thang Hiển Tổ, thành tựu cao nhất là Mẫu đơn đình ký, tác phẩm này phản ánh xã hội phong kiến hậu kỳ, thanh niên nam nữ phản đối lễ giáo xưa cũ, đấu tranh và đi tìm tự do ái tình, về nghệ thuật nồng đậm sắc thái lãng mạn chủ nghĩa. Tử thoa ký, Hàm Đan ký và Nam Kha ký đều lấy tài liệu từ tiểu thuyết đời Đường. Hai tác phẩm sau tác giả viết vào cuối đời, không có thành tựu gì lớn. Cuối đời, Thang Hiển Tổ vì thất ý về chính trị và chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Phật giáo, coi đời người như giấc mộng, nhuốm tư tưởng tiêu cực xuất thế. Điều ấy phản ánh rõ trong Hàm Đan ký và Nam Kha ký. Thời trẻ ông viết Tử tiêu ký thực ra là cảo bản đầu tiên của Tử thoa ký, còn thô sơ chưa chín muồi. Trong sách Khúc thoại, Lương Đình Nam (đời Thanh) phê bình: “Hay nhất là Mẫu đơn đình ký, kế đó là Hàm Đan, dưới nữa là Nam Kha, còn Tử Thoa là kém nhất”. Lời đánh giá ấy tương đối công bình. Nói tóm lại, tác phẩm hí kịch của Thang Hiển Tổ hàm chứa tư tưởng tiến bộ với nội dung phong phú, giàu có về văn thái, có tác dụng khai sáng một trường phái trong sáng tác hí kịch, hình thành thế đối lập với phái chú trọng âm luật của “Ngô Giang phái” và chính ông được coi là đại biểu của “Lâm Xuyên phái”, gây ảnh hưởng đến nhóm Lý Ngư*, Hồng Thăng* và Tưởng Sĩ Thuyên* đời Thanh sau này. Tiểu sử ông có chép trong sách Minh Sử. ...
... NỖ LỰC TÌM MỚI CỦA TRIỆU DỰC Triệu Dực (1727-1814), thi nhân đời Thanh, tên tự Vân Tung và Vân Tùng, hiệu Âu Bắc, người ở Dương Hồ (nay là Võ Tiến, Giang Tô). Thơ nổi tiếng ngang Viên Mai*, Tưởng Sĩ Thuyên*. Luận về thơ, ông phản đối bắt chước cổ nhân, nỗ lực tìm tòi cái mới. Ông nói: “Thơ văn tùy đời đổi, không một ngày không theo mới” (Thi văn tùy thế vận, vô nhât bất xu tân - Luận thi). Dù cho đó là thơ Lý Bạch*, Đỗ Phủ* “đến nay còn thấy chẳng tươi mới” (Chí kim hoàn giác bất tân tiên). Trong tác phẩm “Âu Bắc thi thoại”, ông đề xướng “Cái gì trước đây đời cổ chưa hề có thì sau có thể truyền ở đời được” (Tiền cổ sở vị hữu, nhi hậu khả dĩ truyền thế). Ông cực lực phản đối “Khen đời xưa bạc bẽo đời nay" (Vinh cổ ngược kim). Quan điểm tiến bộ ấy tạo ảnh hưởng rất mạnh cho sự đổi cũ thay mới của thi ca và cũng là đòn giáng mạnh vào quan điểm hẹp hòi nhắm mắt bắt chước cổ nhân. ...
... NỮ TỪ GIA LÝ THANH CHIẾU Lý Thanh Chiếu (1082-1155), nữ Từ nhân đời Nam Tống, tên hiệu Dị An cư sĩ, người ở Chương Khâu, Tế Nam (nay thuộc Tế Nam, Sơn Đông). Văn tài của bà đa dạng, sở trường nhất viết Từ, được cho rằng là “Một nhà làm Từ riêng biệt (Từ biệt thị nhất gia). Từ của bà đặc biệt chú trọng âm luật, đại biểu cho xu thế mới trên Từ đàn, sáng tạo phong cách độc đặc. Ví dụ, trước khi theo nhà Tống xuống phương nam, tuy bà viết phần nhiều là những bài đề tài về phụ nữ (các bài "Như mộng linh", "Nhất tiễn mai” v.v...) nhưng vẫn biểu lộ phân tích được thế giới nội tâm, can đảm trình bày tình yêu chân thật của mình, có giá trị cao chống lại lễ nghi phong kiến. Như mộng linh (Lý Thanh Chiếu) Tạc dạ vũ sơ phong sậu, nồng thụy bất tiêu tàn tửu. thức vấn quyển liêm nhân: Khước đạo hải đường y cựu. Tri phủ? Tri phủ? Ứng thị lục phì hồng sấu? Đêm qua mưa thưa gió lọt, ngủ vùi không tan rượu sót. thử hỏi người vén rèm: Sao bảo hải đường như trước. Biết chăng? Biết chăng? Hay là xanh tươi hồng mỏi? Sau khi theo nhà Tống xuống phương nam, bị dằng xé bởi nợ nước buồn nhà, bà viết nhiều bài có tính yêu nước bi tráng (Như bài “Vĩnh ngộ lạc”). Lưu Thìn Ông* ca ngợi: “Đọc bài “Vĩnh ngộ lạc” của Lý Dị An đến rơi nước mắt” (Tụng Lý Dị An “Vĩnh ngộ lạc” vi chi thế hạ), người cùng thời gọi loại Từ của bà là “Dị An thể”, suốt các triều đại không ít tác gia học tập, mô phỏng. ...
... PHÊ BÌNH THI CA CỦA CHUNG VINH Chung Vinh (466-518), văn học gia đời Lương Nam triều, tên tự là Vĩ Trường, người ở Trường Xã, Dĩnh Xuyên (nay là huyện Trường Cát, tỉnh Hà Nam). Tác phẩm Thi phẩm của ông là một bộ chuyên luận phê bình thi ca sớm nhất ở Trung Quốc. Sách này chia ra làm hai phần lớn, Thi phẩm tự (còn gọi là Tổng luận) và Phẩm bình. Trong bài tự ấy, ông hệ thống minh bạch lý luận thi ca của mình. Đầu tiên ông cho rằng đời sống xã hội và tự nhiên giới có quan hệ cảm ứng với sáng tác và là gốc nguồn sinh ra thi ca, đả phá quan niệm truyền thống coi thơ bốn chữ mới là thơ chính đính (Tứ ngôn vi chính), xác lập vị trí của thơ năm chữ (Ngũ ngôn thi). Cuối cùng, ông đưa ra nguyên tắc sáng tác thi ca, phê phán cách dùng điển cố xơ cứng và chủ nghĩa hình thức trong phong cách làm thơ. Những lý luận ấy đều có ý nghĩa mới trong thời đại ấy và có tác dụng hướng dẫn sáng tác thi ca. Trong phê bình, Chung Vinh chọn ra 12 thi nhân từ Hán Ngụy đến Tề Lương, rồi chia ra ba bậc Thượng, Trung, Hạ để bình phẩm với nỗ lực thông qua tác phẩm vạch ra được phong cách văn chương. Quan điểm này cung cấp tư liệu lớn về các trường phái thi ca. Thi phẩm xưa nay được so ngang cùng với Văn tâm điêu long* và được coi là hai tác phẩm phê bình lớn đời Nam triều. Tiểu sử của Chung Vinh được chép trong Tùy thư và phần Kinh tịch chí, sách này chép tên Thi phẩm thành Thi bình. ...
... PHÙNG MỘNG LONG ĐỀ XƯỚNG VĂN HỌC THÔNG TỤC Phùng Mộng Long (1574-1646), tiểu thuyết gia cuối đời Minh, tên tự Do Long, biệt hiệu Long Tử Do, người ở Trường Châu (nay là Giang Tô). Suốt đời ông nỗ lực nghiên cứu và sáng tác văn học thông tục. Ông cho rằng văn học thông tục cũng phải được lưu truyền muôn đời như học Thi, Thư vì nó có quan hệ gần nhất, ảnh hưởng lớn nhất, hay nhất với đại đa số nhân dân quần chúng. Cả đời ông dồn sức sưu tập, chỉnh lý và sáng tác văn học thông tục, ông từng cho ấn hành các tập dân ca “Quải chi nhi”, “Sơn ca”, sáng tác kịch bản truyền kỳ “Song hùng ký”, cải biên các tiểu thuyết trường thiên “Bình yêu truyện”, “Tân liệt quốc chí”. Ông còn biên tập các bộ đoản thiên tiểu thuyết “Dụ thế minh ngôn”, “Cảnh thế thông ngôn”, “Tỉnh thế hằng ngôn”. (Gọi tắt là Tam ngôn) Bộ này có ảnh hưởng khá lớn, không kém bộ truyện cười dân gian “Cổ kim tiếu sử”. ...
... PHƯƠNG BAO, NGƯỜI ĐẶT CƠ SỞ LÝ LUẬN VĂN CHƯƠNG PHÁI ĐỒNG THÀNH Phương Bao (1668-1749), tản văn gia đời Thanh, tên tự Phụng Cửu hay Linh Cao, hiệu Vọng Khê, người ở Đồng Thành, An Huy. Ông là người đầu tiên đưa ra nguyên tắc “Nghĩa Pháp” làm trung tâm lý luận văn chương cho phái Đồng Thành. Cái gọi là “Nghĩa” là “nói có vật” và “Pháp” là “nói có thứ tự”. Hai điều ấy ngang dọc kết hợp thành văn chương. Đó chính là kết hợp cụ thể giữa nội dung và hình thức, lý luận này suốt 200 đời Thanh được kế thừa lưu truyền và tôn xưng là mẫu mực. Ngoài ra, từ lý luận “Nghĩa Pháp” mới nảy sinh ra thuyết “Nhã Khiết” cũng là tiêu chuẩn phong cách trong tản văn của phái Đồng Thành mà Phương Bao là người tiên phong và trở thành đặc trưng chủ yếu trong tác phẩm môn phái này. Văn chương của riêng Phương Bao cũng giản dị và tinh tế, không có những cảm xúc chi li phiền toái, mở ra cục diện mới cho tản văn đời Thanh. Chương Bính Lân đánh giá rất cao Phương Bao, gần đây trong sách Trung Quốc văn học phê bình sử, Quách Thiệu Ngu khen rằng lý luận Nghĩa pháp là “tập đại thành lý luận văn chương xưa nay”, trở thành một loại sơ tổ của phái “văn luận”. Phương Bao có tác phẩm Vọng Khê tiên sinh văn tập. ...
... QUAN HÁN KHANH, TÁC GIA NGUYÊN KHÚC VĨ ĐẠI Quan Hán Khanh, sinh vào khoảng cuối đời Kim, chết vào khoảng niên hiệu Đại Đức đời Nguyên Thành Tông, nhà viết hí khúc vĩ đại đời Nguyên, tên hiệu Dĩ Trai, người ở Đại Đô (nay là Bắc Kinh). Ông là một lãnh tụ vừa viết kịch vừa đạo diễn lại vừa đóng vai diễn xuất. Kịch bản còn lại của ông có đến ít nhất là 60 bản trở lên. Các tác phẩm này phản ánh mọi mặt rộng lớn của xã hội, trình bày sự mâu thuẫn sâu sắc dân tộc và giai cấp, xây dựng rất nhiều hình tượng nhân vật điển hình, xứng đáng là tác gia hí khúc đứng đầu đời Nguyên. Trong các sáng tác của ông có 3 loại ý nghĩa dẫn đầu: một là, can đảm vạch trần xã hội đen tối đời Nguyên, đả kích trực diện bọn cai trị dị tộc; hai là, xây dựng cực nhiều hình tượng phụ nữ, phản ánh tư tưởng dân chủ quan tâm tới nữ giới của tác giả; ba là, dùng đường tuyến ái tình để biểu đạt chủ đề tôn trọng các sĩ tử có tài học. Do nhờ thành tựu trác việt của sáng tác, nên ngay đương thời, ông đã được ca tụng là “Lãnh tụ vườn nghệ thuật” (Lê Viên lãnh tụ). Đến gần đây, Vương Quốc Duy* còn cho rằng: “Ngôn ngữ của Quan Hán Khanh nói hết tình cảm sâu xa, khúc chiết của con người, chữ nào cũng có bản sắc, nên xứng đáng là người đứng đầu đời Nguyên” (Nhi kỳ ngôn khúc tận nhân tình, tự tự bản sắc, cố đương vi Nguyên nhân đệ nhất) và nhấn mạnh thêm vở kịch “Đậu Nga oan" của ông “có liệt vào trong loại đại bi kịch của thế giới cũng không thua kém” (tức liệt chi vu thế giới đại bi kịch trung diệc vô quý sắc - Tống Nguyên hí khúc khảo). Năm 1958, Quan Hán Khanh được xếp vào hạng danh nhân văn hóa thế giới. Quan Hán Khanh là đại sư vĩ đại về hí kịch được cả thế giới ngưỡng mộ. Sách “Quan Hán Khanh hí khúc tập” thu chép 18 vở tạp kịch của ông. ...
... SÁCH “NGỌC ĐÀI TÂN VỊNH” CỦA TỪ LĂNG Từ Lăng(507-583), văn học gia khoảng đời Lương và Trần Nam triều, tên tự là Hiếu Mục, người ở Đông Hải (nay là tỉnh Sơn Đông). Thơ văn của ông chuộng dùng điển cổ, coi trọng câu văn đẹp đẽ hoa lệ, đối ngẫu, ông nổi tiếng ngang với Dữu Tín* nên được gọi là “Từ Dữu thể” (thể văn của Từ Lăng và Dữu Tín). Tác phẩm “Ngọc Đài tân vịnh” của ông là tổng tập thi ca nổi tiếng sau các bộ “Kinh Thi”, “Sở Từ” còn được gọi tắt là Ngọc Đài tập. Mục đích của Ngọc Đài tập như chính tác giả thú nhận là để “người đẹp chơi cùng sách vở, chuyền đưa trên cánh tay ngà” giúp các cung phi mỹ nữ trong cung cấm có phương tiện giải tỏa nỗi sầu muộn vì cuộc sống đau khổ trong cung kín. Sách chọn tuyển 131 tác gia (từ đời Hán đến đời Lương) với 870 tác phẩm, tất cả đều lấy đề tài về phụ nữ. Đây chính là điểm độc sáng của Từ Lăng trong văn học sử. Trong toàn bộ thơ được tuyển chọn, chỉ có số ít liên quan tới tính “dâm đãng” còn đa số là có chủ đề nhớ nhung, khắc họa được tính phản kháng của giới nữ thời ấy, đó là chưa kể đến nội dung mô tả nhiều mối tình trong sáng lãng mạn. Quy cách biên soạn sách này sắp xếp theo niên đại trước sau, từ đó cho ta thấy sự diễn biến phát triển của thể thơ ngũ ngôn, thất ngôn để tạo cơ sở vững chắc ở đời Đường. Do vì sách ra đời khá sớm nên còn bảo tồn được khá nhiều bài dân ca đã thất lạc, như bài Khổng tước đông nam phi chẳng hạn. Tiểu sử của Từ Lăng được chép trong các sách Trần Thư và Nam sử. ...
... TẠ LINH VẬN, MỞ ĐẦU THƠ SƠN THỦY Tạ Linh Vận (385–433), thi nhân nổi tiếng đời Nam triều, quê hương tổ tiên ở Trần quận, Dương Hạ (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên), nhiều đời đã ở Cối Kê (nay thuộc tỉnh Chiết Giang). Ông có tiểu danh là A Khách và Tạ Khách, được đời gọi là Tạ Khang Lạc. Cống hiến đặc biệt của Tạ Linh Vận là đã hoàn thành bước quá độ từ loại thơ Huyền ngôn đến thơ Sơn thủy, làm cho loại thơ Sơn thủy cuối cùng đã thay thế loại thơ Huyền ngôn, đưa thơ Sơn thủy lên địa vị độc lập trên thi đàn đời Lưu Tống và phát triển thành một thi phái riêng biệt. Tác phẩm đại biểu của ông chủ yếu viết trong thời gian làm quan ở Vĩnh Gia. Những bài thơ này ông sử dụng bút pháp tinh tế chạm trổ thành nhiều câu hay được Lý Bạch sau này rất tán thưởng hoặc như Bão Chiếu khen: “Thơ năm chữ của họ Tạ như hoa sen mới nở, đẹp một cách tự nhiên” (Tạ ngũ ngôn như sơ phát phù dung, tự nhiên khả ái - Nam Sử). Thang Huệ Hưu cũng bảo “Thơ họ Tạ như hoa sen nở trên mặt nước” (Tạ thi như phù dung xuất thủy - Thi phẩm). Cả hai đều đưa ra ví dụ giống nhau đủ thấy nghệ thuật tươi đẹp của thơ Tạ Linh Vận được người cùng thời công nhận. Cả đời Tạ Linh Vận dồn sức vào sáng tác thơ sơn thủy, tạo thành phong trào để các thi nhân đời sau đua nhau mô phỏng thành trào lưu “Tạ Linh Vận thể". Tiểu sử của ông có chép trong phần Tạ Linh Vận truyện sách Tống thư. ...
... TÁC GIA TIỂU THUYẾT PHÚNG THÍCH, NGÔ KÍNH TỬ Ngô Kính Tử (1701-1754), tác gia viết tiểu thuyết phúng thích đời Thanh, tên tự Kính Hiên và Lạp Dân, cuối đời tự hiệu Văn Mộc lão nhân, người ở Toàn Tiên, An Huy, ngụ cư ở Tần Hoài. Họ Ngô xuất thân thế gia quan quyền, nhưng họ hàng tranh giành chia năm xẻ bảy khiến ông nếm đủ mùi vị lạnh lẽo của cuộc đời và hiểu thấu mọi loại sa sút vô sỉ của bọn sĩ đại phu. Tiểu thuyết “Nho lâm ngoại sử” của ông, dùng thể loại châm chọc sắc bén, vạch trần hiện thực đen tối của thời kỳ phong kiến cuối cùng. Đầu tiên, ngọn bút của ông nhắm thẳng vào chế độ lấy văn “bát cổ” chọn kẻ sĩ. Thông qua các câu chuyện của Chu Tiến, Phạm Tiến ông vạch trần tội ác chế độ khoa cử. Tiếp đó, ngọn bút sắc sảo của ông lại chĩa vào lễ giáo phong kiến giả dối. Thông qua câu chuyện các nhân vật Tuân Mai, Nghiêm Giám Sinh, ông vạch trần chân tướng ăn thịt người của Lễ giáo. Nhưng rốt ráo, ông không chỉ là một tác gia lạnh lùng ghét đời chán thế tục, ngọn bút phúng thích sắc sảo của ông vẫn yêu thương đồng tình với nhân dân bình thường. Ông phản ánh chính diện sự phản kháng của lớp thị dân và ca tụng nhân vật chính diện Đỗ Thiếu Khanh, sơ bộ phản ánh tư tưởng dân chủ manh nha đòi hỏi được giải thoát cá tính. Ông kế thừa truyền thống nghệ thuật phúng thích tốt đẹp trong văn học sử, rời bỏ cái gọi là “thái bình thịnh thế” lừa bịp, làm cho toàn bộ xã hội thối nát phải hiện ra rõ từng nét dưới bóng mặt trời. Chính đây là điều rất mới trong tiểu thuyết sử Trung Quốc, làm cho Ngô Kính Tử được coi là một tác gia kiệt xuất. Ngô Kính Tử không bị thế tục của đời tầm thường che mắt. Bút pháp phúng thích của Ngô Kính Tử tạo ảnh hưởng rất lớn đến loại “tiểu thuyết khiển trách” cuối đời Thanh. Lý Bá Nguyên*, Ngô Nghiên Nhân* đều học tập theo ông ở tinh thần phê phán, thủ pháp phúng thích ấy. ...
... “TÁNG LOẠN THI” CỦA NGUYÊN HIẾU VẤN Nguyên Hiếu Vấn (1190-1257), ngôi sao Bắc đẩu trên văn đàn đời Kim, tên tự Dụ Chi, hiệu Di Sơn, người ở Tú Dung, Thái Nguyên (nay thuộc Sơn Tây). Nguyên Hiếu Vấn sinh ra giữa buổi giao thời của hai triều đại Kim và Nguyên, tự thân trải qua nhiều loạn lạc nên cảm thụ rất sâu sắc. Chính vì vậy mà loại thơ “Táng loạn” (Táng loạn thi) bi tráng của ông gây chấn động thi đàn, như bài “Kỳ dương” bộc lộ sự hung ác của quân Mông Cổ khi đánh vào Biện Kinh, hay bài “Quý tị ngũ nguyệt tam nhật bắc độ" chứng kiến cảnh bi thảm nước mất nhà tan. Chùm thơ “Tục tiểu nương ca” tố cáo nỗi khổ của phụ nữ bị giặc bắt làm tù binh. Triệu Dực đời Thanh nói trúng chỗ thành công của thơ Nguyên Hiếu Vấn: “Nước nhà rủi quá, thơ không rủi, phú đến tang thương chữ lại hay” (Quốc gia bất hạnh thi gia hạnh, phú đáo thương tang cú tiện công - Đề Di Sơn thi). Thơ ông kế thừa truyền thống lo nước lo dân từ Khuất Nguyên* đến Lý Bạch*, Đỗ Phủ*, trở thành tên tuổi hùng cứ thi đàn đời Kim, Nguyên. Các bài tuyệt cú luận thơ và thơ đề tranh của ông cũng nổi tiếng. Tác phẩm và tiểu sử chép trong sách “Nguyên Hiếu Vấn toàn tập”. ...
... TÀO THỰC, BẬC THẦY THƠ NGŨ NGÔN Tào Thực (192-232), là thi nhân kiệt xuất giữa khoảng hai đời Hán và Ngụy, tên tự là Tử Kiến, người đất Tiều (nay thuộc An Huy). Bất luận về thơ, phú hay văn xuôi, tài năng của Tào Thực đều xứng đáng xếp vào hạng đầu thời ấy, nhất là về loại thơ ngũ ngôn (mỗi câu 5 chữ). Thơ ông, thời kỳ đầu, phản ánh hùng tâm tráng chí muốn lập công lao ”sinh ra ở thời loạn, lớn lên giữa ba quân”, đầy tình khảng thái bi tráng, đại biểu cho thời kỳ này là bài “Bạch mã thiên”, thời kỳ sau, sống trong tình cảnh bị áp bức, phần nhiều thơ ông trở nên phẫn uất buồn rầu, đại biểu là bài “Dã điền hoàng tước hành". Thơ ngũ ngôn của Tào Thực chẳng những thể hiện phong được cách cao nhã khẳng khái của thời kỳ văn học Kiến An, mà còn hàm chứa đủ màu sắc trữ tình, tả cảnh, thuyết lý nữa. Do vậy thơ ông được Vương Thế Trinh ca ngợi là “Sự thay đổi của nhạc phủ đời Hán là bắt đầu từ Tử Kiến” (Hán nhạc phủ chi biến, tự Tử Kiến thủy - Nghệ Uyển chi ngôn). Công lao mở đầu ấy đã đẩy mạnh sự phát triển cho thơ ngũ ngôn và xác định được sự cống hiến của thể thơ này trong văn học sử Trung Quốc. Đỗ Phủ* cũng ca ngợi thơ Tào Thực trong câu thơ “Văn chương của Tử Kiến hùng tráng” (Tử Kiến văn chương tráng). Từ đời Thanh đến nay, các tác phẩm tuyển chọn in thơ Tào Thực liên tục ra đời, như các bộ Tào Tử Kiến thi chú của Hoàng Tiết, Tào Thực tập hiệu chú của Triệu Ấu Văn v.v... Tiểu sử Tào Thực có chép trong sách Ngụy Chí phần Trần Tư Vương truyện. ...
... TẢN KHÚC CỦA TRƯƠNG KHẢ CỬU Trương Khả Cửu (1280-?), tác gia Tản khúc hậu kỳ đời Nguyên, tên tự Tiểu Sơn, người ở Khánh Nguyên (nay là Ninh Ba, Chiết Giang). Ông để lại cho đời hơn 800 bài Tản khúc, là tác gia có số Tản khúc để lại nhiều nhất đời Nguyên. Ông sở trường miêu tả phong cảnh tự nhiên, nhất là phong cảnh và nhân vật vùng Giang Nam với văn bút diễm lệ, đẹp đẽ nên được gọi là tác gia đại biểu “Thanh Lệ phái”. Bài sáo khúc “Nhất chi hoa - Hồ thượng vãn quy” của ông sử dụng phương pháp liên tưởng và tỉ dụ dung hợp với các câu danh cú của tiền nhân làm cho cảnh yên lặng Tây hồ như hiện lên mặt giấy, bài này được so sánh với bài “Dạ hàng thuyền - Thu tứ” của Mã Trí Viễn*. Tản khúc của Trương Khả Cửu tạo ảnh hưởng đến nhiều đời sau, sách “Toàn Nguyên tản khúc” thu chép toàn bộ tác phẩm của ông. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index... ...