Đôi dòng lưu niệm ... Hiểu Sử NGƯỜI... Thấm Xứ TA...

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 7/1/24.

Moderators: amylee
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    TẢN VĂN CỦA TRƯƠNG ĐẠI


    Trương Đại (1597-khoảng 1676), tản văn gia cuối đời Minh, tên tự Tông Tử và Thạch Công, hiệu Đào Am, người ở Sơn Âm (nay là Thiệu Hưng, Chiết Giang). Thuở nhỏ là con nhà quyền quý, đến năm 50 tuổi, quân Thanh tràn vào cửa quan chiếm Trung Quốc, nước mất nhà tan, ông vào ẩn trong núi chuyên tâm sáng tác.

    Trong hoàn cảnh buồn bã ấy, ông viết các bộ tản văn “Đào Am mộng ức”, “Tây hồ mộng tầm” và “Lang Hoàn văn tập”. Trong sáng tác, ông kiêm cả sở trường của hai phái Công An* và Cánh Lăng*, chống lại việc bắt chước cổ nhân, mô tả tính linh, nói thế không phải ông chỉ khư khư theo hai phái ấy, mà vẫn có sáng tạo riêng. Đề tài tản văn của ông rộng lớn, trong khi miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, cũng ghi lại cả nhiều loại đời sống xã hội hay biểu lộ tâm tình phiền muộn tự nhiên, diễm lệ lạ lùng với văn bút hoạt bát khôi hài.

    Thành tựu tản văn của Trương Đại ở cuối đời Minh là cao nhất, tạo ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của loại văn tiểu phẩm đời Thanh.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkClick icon này sẽ chuyến về Index... :)
    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/8/24
    Wanderman thích bài này.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    TẢN VĂN CỦA VIÊN HOÀNG ĐẠO


    Viên Hoàng Đạo (1568-1610), văn học gia đời Minh, tên tự Lang Trung, hiệu Thạch Công và Vô Học, người ở Công An (nay là huyện Công An, Hồ Bắc). Ông nổi tiếng cùng với anh là Viên Tông Đạo và em là Viên Trung Đạo, được đời gọi chung là “Ba ông họ Viên" (Tam Viên).

    Viên Hoàng Đạo là người khai sáng đầu tiên của phái văn học Công An (Công An phái), lý luận văn học của ông thành cương lĩnh của phái này. Thành tựu của ông là cao nhất, nhất là sở trường tản văn. Các bài văn “Mãn tỉnh du ký" và “Văn du lục kiều đãi nguyệt ký" của ông có đặc sắc “chỉ miêu tả tính linh” (độc trữ tính linh) bất luận trạng vật, trữ tình đều phát ra từ nội tâm, thuận tay viết ngay ra rất tự nhiên, tuyệt đối không có ý “thay thánh nhân lập ngôn”. Ngôn ngữ mới mẻ lưu loát, nhiều hứng thú, kết cấu không câu nệ sáo mòn, ung dung tự tại.

    Trương Đại từng cho rằng về tài năng văn chương sơn thủy, đầu tiên phải kể đến là Lịch Đạo Nguyên, thứ hai là Liễu Tử Hậu và thứ ba là Viên Trung Lang.

    Ông có tác phẩm “Viên Trung Lang toàn tập” và tiểu sử được ghi nhận trong sách Minh Sử.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 18/3/24
    Wanderman thích bài này.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    TẢN VĂN ĐẠI GIA LIỄU TÔNG NGUYÊN


    Liễu Tông Nguyên (773-819), thi nhân, tản văn gia kiệt xuất và người đề xướng vận động cổ văn đời Đường, tên tự Tử Hậu. Ông sinh ở Trường An (nay là Tây An, Thiểm Tây), cuối đời ông bị biếm tới Liễu châu nên còn có tên gọi Liễu Liễu châu. Liễu Tông Nguyên cùng với Hàn Dũ* là những người cầm đầu cuộc vận động cổ văn đời Trung Đường, cũng giống nhau ở chỗ có một hệ thống hoàn chỉnh về lý luận sáng tác.

    Ông chủ trương “Văn dùng để làm sáng đạo” (Văn dĩ minh đạo), đồng thời cảnh giác phải thống nhất giữa “Đạo” và “Văn chương” làm một để ngăn ngừa “không có (nội dung) bên trong mà chỉ trang sức bên ngoài, có (nội dung) bên trong mà không trang sức bên ngoài” (Vô hồ nội nhi sức hồ ngoại, hữu hồ nội nhi bất sức hồ ngoại giả). Ông để lại cho đời hơn 600 bài thơ văn, trong đó hơn 300 bài là tản văn, thành tựu lớn nhất là thể loại sơn thủy du ký, mà bài “Vĩnh châu bát ký” nổi tiếng, có thể coi là tác phẩm tiêu biểu.

    Đặc điểm tản văn của ông là có thể từ trong cảnh vật làm lộ rõ tính tình con người, vượt thoát thứ giới hạn mô tả thuần nhiên của người trước, học tập được tinh tủy mượn cảnh trữ tình của thơ Quốc Phong, Ly Tao. Tiểu phẩm ngụ ngôn của ông cũng mới mẻ, phương pháp tạo ý rất khác lạ với kiến giải sâu sắc, từ đó phát triển và hoàn chỉnh thể loại tản văn ngụ ngôn còn tản mác ở đời Tiên Tần, như bài “Tam giới” là đại biểu.

    Địa vị của Liễu Tông Nguyên trong cuộc vận động cổ văn không thua kém gì Hàn Dũ nên được đời gọi chung là Hàn Liễu. Tác phẩm để lại chép đầy đủ trong “Hà Đông tiên sinh tập" của Lưu Vũ Tích*.Tiểu sử được Hàn Dũ ghi lại trong bài “Liễu Tử Hậu mộ chí minh”.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    TẢN VĂN TỰ SỰ CỦA QUY HỮU QUANG


    Quy Hữu Quang (1506-1571), tản văn gia đời Minh, tên tự Hi Phủ, hiệu Chấn Xuyên, người ở Côn Sơn (nay là Côn Sơn, Giang Tô).

    Tác phẩm tiêu biểu là bộ “Hạng tích hiên chí”, những bài tản văn tự sự trong bộ này rất khéo ngôn tình, kể những việc vặt hằng ngày mà làm người đọc rung động. Tản văn tự sự của Quy Hữu Quang mới mẻ, khác hẳn không khí văn học trầm uất phục cổ đương thời, nên được Vương Thế Trinh* khen: “không theo việc chạm trổ trang sức (văn chương) mà tự có phong cách thú vị” (Bất sự điêu sức nhi tự hữu phong vị -Quy Thái Phó tán).

    Tản văn của ông có ảnh hưởng lớn đến các văn nhân trong “Đồng Thành phái”. Tác phẩm của Quy Hữu Quang tập trung trong sách “Chấn Xuyên tiên sinh tập”.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    TÂN KHÍ TẬT VIẾT TỪ YÊU NƯỚC


    Tân Khí Tật (1140-1207), người viết Từ Nam Tống, tên tự Ấu An, hiệu Giá Hiên, người ở Lịch Thành. Tân Khí Tật trải qua nhiều gian nan, phải đương đầu với nạn nước nên phong cách Từ hùng mạnh cứng cỏi, bi phẫn, trầm uất lòng yêu nước.

    Bài “Thủy long ngâm” của ông biểu lộ nỗi khổ tâm vì không đủ tài đủ sức như Lưu Lang, hay bài “Bồ Tát Man” yêu ghét rành mạch trước tình cảnh bất lực vì nỗi đau khổ của dân chúng. Đời ông suốt tới tuổi già lão vẫn không quên “thiên cổ giang sơn”. Từ họ Tân phát huy phong cách hào phóng của Từ Tô Đông Pha* và tiếp thụ được tinh hoa thời đại, dồn sức phản ánh các đề tài trọng đại về dân tộc, quốc gia.

    Ảnh hưởng Từ họ Tân kéo dài mãi đến nhiều đời sau, như sáng tác sau này của Nguyên Hiếu Vấn* (đời Kim), Trần Duy Tùng* (đời Thanh), đến cả Lương Khải Siêu cận đại đều coi ông là nhân vật tiêu biểu.

    Ông có tập Từ “Giá Hiên trường đoản cú" và tiểu sử được chép trong sách Tống Sử.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    TẦN QUAN, ĐỨNG ĐẦU PHÁI TỪ UYỂN ƯỚC


    Tần Quan (1049-1100), người làm Từ Bắc Tống, tên tự Thiếu Du và Thái Hư, tên hiệu Hoài Hải cư sĩ, người ở Cao Bưu (nay là huyện Cao Bưu, Giang Tô).

    Từ của Tần Quan sở trường những bài Từ dài trữ tình, đạt tới cõi “lời hết mà ý không hết, ý hết mà tình không hết” (Ngữ tận nhi ý bất tận, ý tận nhi tình bất tận - Chu Huy, “Thanh Ba tạp chí”), đại biểu là tác phẩm “Mãn đình phương” dùng các cảnh sắc “chim quạ lạnh” (Hàn nha), “nước chảy” (Lưu thủy), “chiều tà” (Hoàng hôn) để gửi gấm tình cảm chia ly, hay bài “Thước kiều tiên” tả tình dằng khó chia tay của Ngưu lang Chức nữ.

    Nhờ đó, Tần Quan được các danh sĩ cùng thời ca ngợi lắm, Lý Thanh Chiếu* cho rằng “Từ họ Tần chuyên về tình cảm”, còn Tô Thức* chép bài “Đạp sa hành” của Tần Quan lên cái quạt cầm tay để luôn tụng đọc.

    Chuyện kể về Tần Quan có rất nhiều, như đời Tống có “Trường Sa nghĩa xướng truyện”. Tạp kịch truyền kỳ đời Nguyên, Minh, Thanh có các bộ “Vương Diệu Diệu tử khốc Tần Thiếu Du", “Mi sơn tú” v.v...

    Tiểu sử ông chép trong Tống Sử và tác phẩm được tập trung trong sách "Hoài Hải trường đoản cú”.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    THÁI VIÊM VÀ “BI PHẪN THI”


    Thái Viêm (sống khoảng năm 177 sau Công nguyên), là nữ thi nhân sống vào khoảng giữa hai đời Hán và Ngụy, tên tự Văn Cơ (Chiêu Cơ), là người đất Trần Lưu (nay thuộc Hà Nam).

    Bài thơ ngũ ngôn “Bi phẫn thi” là tác phẩm đại biểu của bà, mô tả bi kịch của một người đàn bà trong thời ly loạn về chính trị, với tình tiết hoàn chỉnh, hình tượng nhân vật sinh động. Quán xuyên suốt bài thơ là tình cảm “buồn giận” dữ dội mà thâm trầm nên có tên là “Thơ buồn giận” (Bi phẫn thi). Về nghệ thuật, bài thơ tái hiện lại cuộc đời bi thảm của chính tác giả, tượng trưng cho hàng vạn phụ nữ đau khổ trên đời, có tính thời đại rất mạnh.

    Đây là bài ngũ ngôn trường thiên tự sự (dài 108 câu) đầu tiên do cá nhân sáng tác trong văn học sử Trung Quốc. Cùng với bài này, bài “Khổng tước đông nam phi”, được coi là hai viên ngọc quý của loại thơ trường thiên tự sự trong thời kỳ Kiến An.

    Tiểu sử của bà được chép trong phần vợ của Đổng Tự, sách Hậu Hán Thư.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    THI CA CỦA CAO KHẢI


    Cao Khải (1336-1374), thi nhân đầu đời Minh, tên tự Quý Địch, hiệu là Sà Hiên, người ở Trường Châu (nay là Tô Châu, Giang Tô). Cuối đời Nguyên, ông ẩn cư ở Thanh Khâu, lấy hiệu Thanh Khâu Tử.

    Thơ Cao Khải chủ yếu “kiêm hay của nhiều nhà” (Kiêm sư chúng trưởng). Thơ thể ca hành và thơ thất luật của ông nổi tiếng nhất như các bài “Đăng Kim Lăng Vũ hoa đài vọng đại giang”, "Thanh minh quán trung trình chư công”, lâm ly tiêu sái như vận dụng được phong vận của thơ Lý Bạch*, xứng đáng gọi là hay tuyệt.

    Sách “Tứ khố đề yếu” khen ông rằng: “Bắt chước (văn) Hán Ngụy giống như Hán Ngụy, bắt chước (văn) Lục Triều giống như Lục Triều, bắt chước (thơ) Đường giống như Đường, bắt chước (thơ) Tống giống như Tống, hễ người xưa có sở trường gì, ông đều có cả” (Nghĩ Hán Ngụy tự Hán Ngụy, nghĩ Lục Triều tự Lục Triều, nghĩ Đường tự Đường, nghĩ Tống tự Tống, phàm cổ nhân sở trường, vô bất kiêm chi).

    Người đời liệt ông vào “Bốn kẻ có tài đất Ngô Trung (Ngô Trung tứ kiệt). Người đời sau bắt chước học tập ông, tạo thành phong trào thơ “Nghĩ cổ” (Theo người xưa) kéo dài.

    Tiểu sử ông chép trong Minh sử, tác phẩm ông có “Cao Thanh Khâu tập”.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    THI NẠI AM, NGƯỜI MỞ ĐẦU TIỂU THUYẾT ANH HÙNG TRUYỀN KỲ


    Thi Nại Am (khoảng 1296-1370), tiểu thuyết gia cuối đời Nguyên đầu đời Minh. Có thuyết nói ông vốn tên Nhĩ, sau đổi tên An, Nại Am là tên tự, người ở Dương Châu (có thuyết ghi là Tô Châu).

    Tác phẩm “Thủy Hử truyện" là viên đá đặt nền móng cho tiểu thuyết anh hùng truyền kỳ Trung Quốc.

    Thi Nại Am hoàn thành tác phẩm này sau khi đã qua một quá trình biến đổi lâu dài. Giai đoạn đầu tiên, là ở cuối đời Bắc Tống với đặc điểm chỉ mới là câu chuyện kể truyền miệng, chưa được ghi lại bằng ngôn ngữ. Giai đoạn thứ hai, là ở Nam Tống và cuối đời Nguyên với đặc điểm được biến thành kịch diễn hay truyện kể. Rồi, văn nhân tham dự vào, thêm thắt màu sắc cặn bã phong kiến, nhưng đã có hình ảnh của một giảng thoại tiểu thuyết, tạo điều kiện sáng tạo thành trường thiên Thủy Hử truyện. Giai đoạn thứ ba, là ở cuối Nguyên đầu Minh, do Thi Nại Am viết thành sách.

    Họ Thi là một trí thức uyên bác và là tay đại bút có ý thức dân tộc và khuynh hướng dân chủ sơ kỳ. Ông viết Thủy Hử truyện theo nguyên tắc “nhân đà văn sinh ra sự việc” (nhân văn sinh sự), không chịu sự trói buộc bởi quan niệm “dùng văn chuyên chở sự việc” (Dĩ văn vận sự). “Sự” ở đây chỉ sự thực lịch sử, còn “Văn” chỉ hình tượng nghệ thuật.

    Ông căn cứ vào hình tượng nhân vật đã được tôi luyện lâu dài trong dân gian. Trong sách “Tống sử cương” chỉ có 36 nhân vật cho ông tham khảo, ông biến hóa trình bày thành 108 vị tướng sĩ. Lao động có tính sáng tạo này hoàn toàn phù hợp với quy luật nghệ thuật sáng tác và bắt nguồn hoàn toàn trong đời sống thực. Ông xây dựng rất nhiều hình ảnh anh hùng dân dã, phá vỡ rào chắn loại anh hùng quý tộc, đó cũng chính là tính khái quát nghệ thuật của nhiều cuộc nổi dậy cuối đời Nguyên. Các nhân vật lãnh tụ của ông cũng đều là người văn võ toàn tài, có trí thức nhất định, như Tống Giang, Ngô Dụng, Công Tôn Thắng.

    Những truyện kể, sử thực, thoại bản, hí khúc dưới ngọn bút của Thi Nại Am đã đạt tới sự thống nhất hoàn mỹ, vượt hơn hẳn người trước. Kim Thánh Thán* cho rằng ông là tác gia kiệt xuất “Tài năng chân chính rộng như bể” (Chân chính kỳ tài như hải - Đệ ngũ tài tử thư). Học giả các triều đại đều đã xác nhận cống hiến của họ Thi.

    Dưới ảnh hưởng của Thủy Hử truyện, từ cuối Minh về sau, các tiểu thuyết cùng loại đua nhau ra đời.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    THI THÁNH ĐỖ PHỦ


    Đỗ Phủ (712-770), nhà thơ vĩ đại chủ nghĩa hiện thực đời Đường, tên tự là Tử Mỹ, tự xưng là Thiếu Lăng dã lão, tổ tiên chuyển đến ở huyện Củng, Hà Nam (nay là huyện Củng, Hà Nam). Hiện thơ ông để lại hơn 1.400 bài, đều theo khuynh hướng chính trị và đậm đà màu sắc thời đại, phản ánh sâu sắc và toàn diện lịch sử thịnh suy đời Đường, nên ông còn được xưng tụng là “viết sử bằng bằng thơ” (Thi sử).

    Tài hoa nghệ thuật của ông rất cao, có thể nói không thể loại thơ nào ông không sở trường, không thể loại nào ông không có bài hay, ông đáng là bậc “Thánh thơ” (Thi thánh).

    Trong sáng tác của Đỗ Phủ, hay nhất là những bài đồng tình với nỗi đau của đại đa số nhân dân cùng khổ. Ông đưa ra những hình tượng đối lập giai cấp khái quát thành những câu “Rượu thịt thối” (Tửu nhục xú), “Xương chết cóng” (Đống tử cốt) để cảnh cáo xã hội. Ông sở trường tạo dựng lên vô số hình ảnh điển hình “sĩ tốt”, “hành nhân” để phản ánh những vấn đề xã hội. Với bút pháp minh bạch, những yếu tố nêu trên được ông thể hiện rất hoàn hảo trong các tác phẩm, tiêu biểu như “Binh xa hành”, “Bắc chinh” v.v...

    Ngoài ra, Đỗ Phủ còn đầy nhiệt tình yêu nước, thường đem lòng trung với nước và lo cho dân để làm rung động người đọc, mà các bài “Tam lại”, “Tam biệt" là phản chiếu chân thực nhất. Ông thường sáng tác bằng thể loại Cổ thi và Luật thi, mà đặc sắc và công phu nhất là các bài Luật thi 5, 7 chữ.

    Thơ thất ngôn của ông được đánh giá đa số là rất hay, người đời Đường rất ít người vượt qua được tài ông. Thế nhưng, cuối đời ông vẫn bật ra tiếng than bi thiết: “Trăm năm thơ tự khổ, chưa gặp một tri âm” (Bách niên ca tự khổ, vị kiến hữu tri âm - bài Nam chinh).

    Từ đời Tống trở về sau, tài năng của Đỗ Phủ được coi trọng nhiều hơn. Hoàng Đình Kiên* khẳng định thơ Đỗ Phủ: “Làm thơ mấy ngàn bài, sáng soi cùng nhật nguyệt” (Tác thi sổ thiên thiên, dữ nhật nguyệt tranh quang). Đặc biệt là đời Nam Tống, thơ Đỗ Phủ là nguồn động viên lớn trong hoàn cảnh nước mất nhà tan.

    Thư pháp bài Giang Nam phùng Lý Quy Niên của Đỗ Phủ
    (Nguồn: SÁP ĐỒ BẢN)
    [​IMG]
    岐王宅裏尋常見,
    崔九堂前幾度聞。
    正是江南好風景,
    落花時節又逢君。

    Kỳ vương trạch lý tầm thường kiến,
    Thôi Cửu đường tiền kỷ độ văn.
    Chính thị Giang Nam hảo phong cảnh,
    Lạc hoa thời tiết hựu phùng quân.


    Tạm dịch:

    Nhà cũ Kỳ vương thường vẫn thấy,
    Mấy độ trước sân ngưỡng vọng rồi.
    Nay đúng Giang Nam phong cảnh đẹp,
    Phiêu linh hoa rụng lại gặp người.​

    (Nt: Lý Quy Niên là một nhạc công đời Đường Huyền Tông. Ông rất rành về âm nhạc cung đình và các âm luật; cùng với Tôn đại nương là một nữ nhân rất giỏi múa ca, được vua Đường rất sủng ái và thường mời trình diễn trong cung vua. Về sau lưu lạc ở vùng Giang Nam, mỗi khi gặp giai tiết, thường tấu những khúc nhạc làm cho người nghe xúc cảm, rơi lệ...)

    Hai đời Nguyên, Minh tuyển thơ Đỗ Phủ liên tục xuất hiện, đến đời Thanh càng không ít người nghiên cứu thơ Đỗ, xác nhận vị trí “Thánh thơ” trên thi đàn Trung Hoa. Tiểu sử ông có chép trong Tân, Cựu Đường Thư.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/4/24
    teacher.anh and Wanderman like this.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ... Bài đọc thêm: (... từ rất lâu... đã từng đăng trên TVE và Thi viện); giờ, xin ‘tái pót’ với TVE-4U ... :)

    Khi từ quan, đại thi hào Đỗ Phủ phiêu dạt về Tứ Xuyên, ngụ trong một căn nhà lá tồi tàn phía Tây thành.

    Một sáng, thi nhân nổi tiếng nhà Đường là Sầm Tham du ngoạn qua thành, quá bộ đến thăm ngôi nhà lá của Đỗ Phủ. Gặp gỡ bất ngờ nên cả hai người bạn cố tri đều xiết bao mừng rỡ. Chủ nhân lập tức mang rượu ra thết đãi, hối gọi người nhà làm cơm thết khách. Nhưng khi mở hết ngăn trên chạn ngoài đựng thức ăn ra xem, thì hỡi ôi, bà vợ Đỗ Phủ rất ái ngại chỉ tìm được hai quả trứng gà và một cây hành là có thể nhấm nháp được. Riêng Đỗ Phủ lại không lấy thế làm phiền lòng. Ông bảo:

    – Quân tử nói chuyện với nhau như nước chảy, thôi thì nhà có gì ăn nấy, lọ là… Chúng ta cứ dùng những cái mà mình có và lấy lòng thành ra đãi khách là được rồi.

    Lát sau, món đầu tiên được bê ra. Đó là hai cái lòng đỏ trứng gà, giữa hai cái trứng có khéo léo cài vào một cọng hành xanh. Đỗ Phủ xởi lởi gắp thức ăn lên bát bạn, miệng ngâm khe khẽ:

    兩個黃鸝鳴翠柳
    Lưỡng cá hoàng ly minh thuý liễu
    (Hai con hoàng anh hót trong hàng liễu biếc)​

    Lâu ngày biệt nhau, Sầm Tham thấy Đỗ Phủ vẫn đối xử với mình như đối với một người bạn tâm đầu ý hợp xưa thì phấn khích lắm. Cụng ly vui vẻ, cảm thấy thật thân thiết.

    Món thứ hai được dọn lên, Sầm Tham nhác trông thấy đã chạnh lòng: hai cái lòng trắng trứng. Trước cái nhạt thếch, đơn điệu, Đỗ Phủ lại vẫn ngâm:

    一行白鷺上青天
    Nhất hành bạch lộ thướng thanh thiên
    (Một hàng cò trắng vút trời xanh)​

    Món nhắm lập tức chứa chất một hương vị đặc biệt thú vị.

    Món thứ ba là một củ hành do bà Đỗ Phủ chế biến nên, xem ra chẳng thành một món gì cả, nhưng trong mắt của thi nhân bỗng lóe lên tia sáng. Đỗ Phủ ngâm:

    窗含西嶺千秋雪
    Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết…
    (Cửa sổ ngậm bao tuyết trời thu Tây Lĩnh)​

    – Tuyệt! Thật tuyệt vời! – Sầm Tham cao hứng thốt lên và tợp một ngụm rượu, ngợi khen rối rít.

    Vừa lúc ấy, món tiếp khách cuối cùng của nhà Đỗ Phủ được bưng lên. Ấy là bát canh thanh thủy lớn bốc khói nghi ngút, trên mặt bát có hai nửa vỏ trứng gà trong như hai chiếc thuyền đang bập bềnh trong sóng. Nhìn cảnh ấy, Sầm Tham nổi hứng và gần như đồng thanh cùng Đỗ Phủ, ông lên giọng ngâm nga:

    門泊東吳萬里船
    Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền
    (Thuyền vạn dặm nhà Đông Ngô trên sóng cuồn cuộn)​

    Thơ xuất, rượu say, cả hai đều vui.

    Và cũng từ đó, với hai cái trứng gà, một cây hành, một thi tứ đã làm cho hai thi sĩ càng gắn bó với nhau hơn trong cảnh khốn khó.

    (Theo Lý Công Phùng, TRUNG QUỐC-CỐ SỰ HỘI, 1962)
    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 21/3/24
    teacher.anh, amylee and Wanderman like this.
  12. Wanderman

    Wanderman Lớp 5

    Cuốn này đã có bản dịch tiếng Việt không bác?
     
    tducchau thích bài này.
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    Mình cũng không rõ!... vì cũng lâu lắm rồi không có điều kiện để tìm hiểu thêm! Chỉ biết: Đó là những ghi chép lại 'rất vụn vặt' của 'dân' Văn học Sử khi đi điền dã... :)
     
    teacher.anh and Wanderman like this.
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    THI THỨC CỦA HẠO NHIÊN


    Hạo Nhiên (không rõ năm sinh năm mất), thi nhân tăng sĩ đời Đường. Ông vốn họ Tạ, tên Trú, tự là Thanh Trú, cháu 10 đời của Tạ Linh Vận*, người ở Hồ Châu (nay thuộc Chiết Giang).

    Ông thường xướng họa với các thi nhân Nhan Chân Khanh*, Vi Ứng Vật*, Cố Huống*, được người đương thời gọi là “Giang Đông danh tăng”. Ông nổi tiếng với trứ tác “Thi thức”. Đây là sách chuyên luận về phong cách thi ca, toàn bộ sách nhấn mạnh đến chủ đề yêu cầu thơ phải chú trọng đến tình cảm chân thật và coi trọng tự nhiên, đưa ra những tiêu chuẩn “tứ bất”, “nhị yếu”, “thất đức” v.v...

    Ông cũng chính là người đầu tiên đưa ba lý luận thơ sử dụng “Thiền lý” với những khái niệm “Cao cổ”, “Nhàn dật”. Cuối đời Đường, Tư Không Đồ* viết tác phẩm “Thi phẩm” đưa ra 24 loại phong cách thi ca chính là chịu ảnh hưởng (có phát triển thêm) của “Thi thức”, sau đó các thuyết “Diệu ngộ” của Nghiêm Vũ* đời Tống và thuyết “Thần vận” của Vương Sĩ Trinh* đời Thanh cũng phát triển từ lý luận “dùng thiền đạo luận thơ” (Dĩ thiền luận thi) của Hạo Nhiên.

    Thi thức” sau này được chép vào bộ “Lịch đại thi thoại”. Tiểu sử của Hạo Nhiên có chép trong sách “Cao tăng truyện”.

    ...
     
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    THƠ BIÊN TÁI CỦA SẦM THAM


    Sầm Tham (715-770), nhà thơ biên tái đời Thịnh Đường, người ở Tiên Châu, Hà Nam (nay thuộc tỉnh Hà Nam).

    Phần lớn thơ biên tái của Sầm Tham dùng thể thất ngôn ca hành. Không những ông chỉ tả chiến tranh biên giới với đời sống, tâm tình của người chiến sĩ nơi xa xôi, mà còn phản ánh cách sống, cách giao tiếp của các dân tộc sống xen kẽ lẫn lộn với nhau, nhất là ông rất khéo đưa các việc lạ, người lạ vào thơ. Sa mạc mênh mông, tuyết đổ trên Thiên Sơn cao ngất, gió bão cuốn dữ dội, lửa cháy thiêu đốt rừng rậm, tất cả hiện tượng đại tự nhiên ấy đều là đề tài trong thơ Sầm Tham. Như Ân Phiên nhận định: “Ngôn ngữ thơ Sầm Tham kỳ lạ sắc sảo, ý thơ cũng lạ lùng” (Sầm thi ngữ kỳ tuấn, ý diệc tạo kỳ).

    Điều ấy, hình thành phong cách bi tráng lộng lẫy cho thơ ông. Đại biểu tác phẩm ấy là các bài “Bạch tuyết ca”, “Tẩu mã xuyên hành”, “Luân đài ca”. Ông nổi tiếng ngang với Cao Thích* nên được đời gọi chung là “Cao Sầm”. Thơ ông rất được Lục Du* tán thưởng, khen rằng: “Sau Thái Bạch (Lý Bạch*), Tử Mỹ (Đỗ Phủ*) chỉ có một mình ông thôi” (Thái Bạch, Tử Mỹ chi hậu, nhất nhân nhi dĩ - Bạt Sầm Gia Châu thi tập).

    Hiện còn Sầm Gia Châu thi tập 8 quyển và 4 quyển thơ chép trong Toàn Đường thi.

    ...
     
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    THƠ CỦA NGUYỄN TỊCH


    Nguyễn Tịch (210-263), thi nhân đời Tam Quốc tên tự Tự Tông, người ở Trần Lưu (nay là Khai Phong, Hà Nam), được gọi là Nguyễn bộ binh Bác.

    Thơ ông thông qua trữ tình để phát lộ nỗi đau khổ trong lòng và phản ánh kiếp người, cảm thán cho cuộc đời và lòng bất mãn vì chính trị đen tối lúc ấy, đồng thời, còn cho biết nỗi đau buồn ông vì không cách nào thực hiện được ý muốn cứu đời của mình. Nguyễn Tịch còn giỏi sử dụng thủ pháp tượng trưng, so sánh, hình thành đặc điểm sâu kín trong từ ngữ để đạt tới hiệu quả “Lời nói ở trong tai mắt, mà tình cảm gởi gắm tận mãi ngoài xa xăm” (Ngôn tại nhĩ mục chi nội, tình ký bát hoang chi biểu - lời của Chung Vinh*), mà 82 bài “Vịnh hoài thi” là tác phẩm tiêu biểu. Ông là người nối tiếp sau Tào Thực*, dốc hết sức vào việc sáng tác thể thơ ngũ ngôn, mang lại cống hiến rất lớn cho công cuộc củng cố địa vị thơ ngũ ngôn trên văn đàn.

    Thơ vịnh hoài của Nguyễn Tịch phá vỡ lối mòn khuôn mẫu của loại thơ tả loại tình du tử nhớ quê hương nhỏ nhặt lúc ấy để nhấn mạnh tới tình cảm nội tâm, tạo thành ma lực hấp dẫn nhiều đời sau. Đào Uyên Minh*, Dữu Tín*, Trần Tử Ngang*, Lý Bạch* sau này đều chịu sự un đúc ảnh hưởng của thơ ông khi sáng tác những bài vịnh hoài.

    Phần Kinh Tịch chí sách Tùy Thư chép thơ Nguyễn Tịch 13 quyển và sách Tấn Thư chép tiểu sử đời ông.

    ...
     
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    THƠ CỦA QUỶ TÀI LÝ HẠ


    Lý Hạ (790-816), thi nhân kiệt xuất đời Trung Đường, tên tự Trường Cát, người ở Xương Cốc, huyện Phúc Xương (nay thuộc Hà Nam).

    Một đời Lý Hạ coi thơ là nghiệp, đề tài thơ ông hết sức lớn rộng với phong cách lạ lùng lạnh lẽo, trong ấy thơ Nhạc phủ là tiêu biểu không kém gì thơ của các bậc “Nguyên Bạch” “Trương, Vương” cùng thời.

    Mao Tiên Thư trong bài “Thi biện để” nói: “Từ niên hiệu Đại lịch trở về sau, hiểu rõ phép làm Nhạc phủ, chỉ có mình Lý Hạ”. Thi nhân có lúc mượn đề tài cũ, có lúc sáng tạo ra đề tài mới, nhưng phần lớn đề cập thẳng đến các tệ xấu đương thời, dùng xưa châm chọc nay, tái hiện những nguy cơ trùng điệp của thời đại và niềm hy vọng của riêng

    Thơ ông miêu tả thần tiên quỷ mị, đó chính là nỗi uẩn khúc với tâm sự sinh bất phùng thời của ông. Đỗ Mục* nhận định rằng: “Ma trâu thần rắn không đủ để nói lên vẻ hoang lương quái dị kỳ ảo” (Ngưu quỷ xà thần bất túc vi kỳ hứ hoang đản huyễn dã - Lý Trường Cát ca thi tự). Khi lý tưởng luôn luôn bị hiện thực phá vỡ, thi nhân chỉ còn biết tìm vào chốn thần tiên ma quỷ, Tiền Dịch đời Tống đánh giá: “Lý Hạ tuyệt diệu quỷ tài” (Lý Hạ vi quỷ tài tuyệt). Nghiêm Vũ* cho rằng: “Ngôn ngữ Trường Cát là quỷ và tiên vậy” (Trường Cát quỷ tiên chi từ nhĩ) đều là những khẳng định xác đáng.

    Nghệ thuật thơ của Lý Hạ kế thừa tinh thần lãng mạn của Khuất Nguyên*, Lý Bạch*, hấp thu nguyên tắc bỏ những câu sáo cũ của Hàn Dũ*, nỗ lực làm mới, sáng tạo nên “thể thơ Trường Cát” kỳ ảo lạnh lẽo, thê thiết đẹp đẽ với cấu tứ lớn rộng, ý cảnh hư ảo, ngôn ngữ diễm lệ. Đỗ Mục ca ngợi ông là “bậc miêu duệ đời sau của Ly Tao” (Tao chi miêu duệ). Vương Phu Chi* cho thơ ông “đúng là có thể so ngang thơ Lý Bạch” (Chân dữ Cung Phụng vi địch). Đời sau, như Lưu Khắc Trang đời Tống, Tát Đô Thích đời Nguyên, Từ Vị* đời Minh, Diệp Nhiếp đời Thanh đều chịu ảnh hưởng của ông sâu sắc.

    Tuy ông mất sớm, nhưng may mắn đã biên tập thơ mình và được Đỗ Mục viết tựa. Tiểu sử ông chép trong Tân, Cựu Đường thư.

    ...
     
    amylee thích bài này.
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    THƠ DU TIÊN CỦA QUÁCH PHÁC


    Quách Phác (276–324), văn học gia trứ danh đời Tấn, người ở Hà Đông (nay thuộc tỉnh Sơn Tây).

    Thơ ông hiện còn 22 bài, mà đại biểu là 14 bài “Du Tiên thi”.Những bài thơ này lấy đề tài thần tiên với ngôn ngữ kỳ dị, đặc biệt gửi gấm nỗi thất vọng của một kẻ sĩ về vận mệnh quốc gia và tương lai của chính mình với dấu ấn rất rõ về phong trào thanh đàm huyền diệu đầy tư tưởng Lão Trang ở thời Ngụy Tấn lúc ấy: có bài tả cảnh rong chơi nơi rừng núi với các bậc thần tiên (bài thứ 2); có bài tả cảnh cô độc, khinh bỉ vinh hoa phú quý (bài thứ 3); lại có bài mơ ước được hóa thành tiên bay trên trời (bài thứ 5) v.v...

    Những bài thơ này đều phong phú sắc màu, hết sức phiêu dật, biểu lộ nỗi mong muốn vượt qua đời dơ bẩn và nỗi khổ tâm vì bất lực của tác giả, đưa ra một nỗi hy vọng trong ảo vọng nhuốm đầy vẻ bi ai với ý cảnh lạ lùng huyền diệu. Phong cách thơ của Quách Phác có điểm tương tự với loại thơ “Du tiên” của Nguyễn Tịch, Kê Khang, là một loại hoa lạ trong văn đàn đời Lưỡng Tấn nói riêng và cả thi đàn cổ đại nói chung.

    Đến đời sau, khá nhiều thi nhân mô phỏng theo thơ du tiên của Quách Phác, ví dụ như Lý Bạch trong loạt bài “59 bài cổ phong” (Cổ phong ngũ thập cửu thủ) hay Lý Hạ trong bài “Mộng thiên”... Tiểu sử của Quách Phác được chép trong sách Tấn Thư.

    ...
     
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    THƠ ĐIỀN VIÊN CỦA PHẠM THÀNH ĐẠI


    Phạm Thành Đại (1126-1193), thi nhân Nam Tống, tên tự Trí Năng, hiệu Thạch Hồ cư sĩ, người ở Côn Sơn, Bình Giang (nay thuộc Giang Tô).

    Thơ của ông “Giản ước uyển chuyển độc lập, tự thành một nhà” (Ước dĩ uyển tiễu, tự thành nhất gia - Tứ khố đề yếu). Cuối đời, ông viết loạt bài “Tứ thời điền viên tạp hứng" có thành tựu rất cao. Trong thơ ông đem vào những niềm vui nỗi khổ của nông dân theo thứ tự thời gian bốn mùa, có phong độ như bài “Thất nguyệt” trong Kinh Thi*, mà lại uyển chuyển như lời ca dao tục ngữ của dân làng vùng Giang Nam.

    Thái độ của ông là đồng tình với nông dân, làm thay đổi thể loại thơ điền viên truyền thống, có ý nghĩa tích cực phản ánh diện mạo đời sống nông thôn một cách chân thực. Đây chính là đỉnh cao mà loại thơ điền viên trước đây không đạt tới. Thơ ông ảnh hưởng rất lớn đến thơ điền viên từ Nam Tống trở về sau.

    Tiểu sử ông có chép trong sách Tống Sử và tác phẩm có Thạch Hồ cư sĩ thi tập.

    ...
     
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...

    THƠ NHẠC PHỦ CỦA BÃO CHIẾU


    Bão Chiếu (sống khoảng 414-466), thi nhân đời Tống Nam triều, tên tự là Minh Viễn, người ở Đông Hải (nay là Liên Thủy, Giang Tô).Được đời tôn xưng là Bão Tham quân.

    Thơ Bão Chiếu còn lại hơn 200 bài, trong ấy hơn 80 bài là thơ thất ngôn và thơ Nhạc phủ tạp ngôn mà nổi tiếng nhất là 18 bài “Nghĩ hành lộ nan”. Thẩm Đức Tiềm đời Thanh nhận định: “Thơ Nhạc phủ của Minh Viễn giống như năm cái đinh khắc vào núi, mở đầu cho (loại thơ văn) người đời chưa từng có” (Minh Viễn nhạc phủ, như ngũ đinh tạc sơn, khai thế nhân sơ vị hữu - Cổ thi nguyên), ý kiến đánh giá như vậy là quá cao.

    Những bài thơ này của Bão Chiếu kế thừa và phát triển thêm truyền thống tốt đẹp” cảm xúc vì buồn vui, phát ra theo sự việc” (Cảm vu ai lạc, duyên sự nhi phát) của Nhạc phủ đời Hán, Ngụy và miêu tả được các nỗi đau khổ của giới có học chính trực bị nhiều tầng áp bức dưới chế độ môn phiệt quyền quý lúc ấy. Đó chính là nỗi uất ức được biểu thuật ra bằng văn chương của tác giả.

    Loại thơ “Nghĩ hành lộ nan” vốn thuộc loại vãn ca Nhạc phủ, phần lớn chữ nghĩa là thô sơ vụng về. Nhưng những bài mô phỏng (nghĩ tác) này của Bão Chiếu lại có ngôn ngữ hoa mỹ, sử dụng điển cổ rất linh hoạt, bảo lưu được không khí dân ca, lại không e ngại dùng cả tục ngữ. Các bài ấy chủ yếu là 7 chữ xen lẫn 5 chữ, với hình thức vần cách câu, tạo cơ sở cho loại thơ thất ngôn cổ thi, nên được xưng tụng là người mở đầu cho thơ thất ngôn, như Vương Phu Chi đời Thanh ca ngợi: “Tự bản thân thơ Nhạc phủ của Minh Viễn đã là đỉnh cao của thơ thất ngôn” (Minh Viễn nhạc phủ tự thị thất ngôn chí cực).

    Tiểu sử đời sống của Bão Chiếu có chép trong “Bão Chiếu tập tự” của Ngu Viêm đời Nam Tề.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkClick icon này sẽ chuyến về Index... :)
    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/8/24
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này