... THƠ SƠN THỦY CỦA TẠ DIỂU Tạ Diểu (464-499), thi nhân đời Tề Nam triều, tên tự là Huyền Huy, người ở Dương Hạ, Trần quận (nay là Thái Khang, tỉnh Hà Nam). Tạ Diểu nối tiếp ngay sau Tạ Linh Vận*, nỗ lực sáng tác loại thơ sơn thủy, đạt tới cảnh giới dung hợp giữa tình và cảnh, do đó được người đời gọi chung cả hai bằng tên tất “Nhị Tạ” (hai ông họ Tạ). Tạ Diểu còn là thi nhân đứng đầu trong phái “Vĩnh Minh thi nhân”, sở trường của ông là khéo vận dụng thanh luật Vĩnh Minh làm thơ, vì vậy câu thơ ông tươi đẹp lóng lánh đọc rất thuận tai. Người cùng thời là Tiêu Diễn* (Lương Võ đế) ca ngợi thơ ông: “Ba ngày không đọc thơ Tạ (Diểu) liền cảm thấy hôi miệng” (Tam nhật bất độc Tạ thi, tiện giác khẩu xú). Thẩm Ước* lại càng khen hơn: “Hai trăm năm nay không có thơ nào bằng thơ này” (Nhị bách niên lai vô thử thi dã). Thơ Tạ Diểu có ảnh hưởng tích cực đối với sự hình thành và phát triển với thơ cận thể đời Đường. Chính Lý Bạch* cũng nhiều lần nhắc khen thơ Tạ Diểu, để đến nỗi Vương Thế Trinh đời Thanh nói Lý Bạch là: “Một đời cúi đầu (trước thơ) Tạ Tuyên Thành” (Nhất sinh đê thủ Tạ Tuyên Thành - Luận thi tuyệt cú). Hiện nay, có sách “Tạ Tuyên Thành thi chú”. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index... ...
... THƠ SƠN THỦY ĐIỀN VIÊN CỦA MẠNH HẠO NHIÊN Mạnh Hạo Nhiên (689-740), thi nhân khai sáng ra phái thơ sơn thủy điền viên đời Thịnh Đường, người ở Tương Dương, Tương Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc) nên được đời gọi là Mạnh Tương Dương. Thơ sơn thủy điền viên của Mạnh Hạo Nhiên sở trường ở điểm “theo (Đào) Uyên Minh, trong sự xung đạm có khí thế tráng dật” (Tông Uyên Minh, xung đạm trung hữu tráng dật chi khí). Khi ông tả núi non, cũng dùng bút pháp giản dị của Đào Tiềm*, lấy cảnh tả tâm, đầy tính hồn hậu, ví dụ điển hình là bài “Dữ Nhan Tiền Đường đăng Chương đình vọng hồ tác”. Thơ tả ruộng vườn của ông, như bài “Quá cố nhân trang” đầy ý cảnh u nhã của thôn làng Tương Dương, gần đạt tới “thần vận” như thơ Đào Tiềm. Đời Tống. Tô Thức* nhận định: “Thơ Hạo Nhiên, vần cao nhưng tài thấp giống như chế rượu mà thiếu men nồng” (Hậu Sơn thi thoại). Lời phê bình này ý nói thơ Hạo Nhiên tuy không cao về tài khí nhưng âm vận có đậm đà. Đó là ý kiến thích đáng. Tiểu sử Mạnh Hạo Nhiên được chép trong Tân, Cựu Đường Thư. ...
... THƠ TRONG THƠ CỦA TRƯƠNG NHƯỢC HƯ Trương Nhược Hư (660-720), người ở Dương Châu (nay thuộc tỉnh Giang Tô). Tên tự, tên hiệu đều không rõ. Bài thơ thất ngôn cổ thi “Xuân giang hoa nguyệt dạ” của ông được xưng tụng là “trong thơ có thơ, đỉnh núi của các đỉnh núi” (Thi trung đích thi, đỉnh phong thượng đích đỉnh phong - Văn Nhất Đa). Bài thơ này dùng đề tài cũ của Nhạc phủ, sử dụng vận luật uyển chuyển, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đại tự nhiên tươi đẹp, ái tình thắm thiết của loài người với triết lý sâu sắc, dung hợp thi tình, họa ý, triết lý vào một thể sáng tạo nên cảnh như tiên tươi đẹp, thanh nhã, mơ hồ, mê đắm khiến người đọc chìm đắm tưởng tượng ra muôn vẻ cao xa. Thơ Trương Nhược Hư ảnh hưởng nhiều đến Từ đời Tống, thơ đời Nguyên. Thơ ông được chép trong sách Toàn Đường thi, còn tiểu sử của ông được chép phụ vào tiểu sử Hạ Tri Chương* trong Cựu Đường Thư. ...
... THƠ VÀ TRUYỆN TRUYỀN KỲ CỦA NGUYÊN CHẨN Nguyên Chẩn (779-831), thi nhân đời Đường, tên tự Vi Chi. Tổ tiên vốn là người thuộc bộ Thác Bạt dân tộc Tiên Ti, đến đời ông đổi làm họ Nguyên, dời về ở Lạc Dương phủ Hà Nam. Sáng tác văn học của Nguyên Chẩn đa dạng, thơ, văn đều hay, đẩy nhanh sự tiến bộ của thơ nhạc phủ và truyện truyền kỳ. Ông cùng Bạch Cư Dị* trở thành hai nhà thơ lớn đời Đường “thiên hạ ca ngợi Nguyên Bạch, các học giả hùa theo gọi là “thơ Nguyên Hòa” (Thiên hạ xưng Nguyên Bạch, học giả hấp nhiên, hiệu “Nguyên Hòa thi” - Toàn Đường văn). Có sự gán ghép như vậy, vì chủ trương văn học của họ cũng gần giống nhau, vào khoảng niên hiệu Nguyên Hòa, họ cùng nhau đề xướng cuộc vận động tân Nhạc phủ, nhấn mạnh đến tác dụng phúng thích khuyên răn của thi ca, chủ trương thi ca cần phải phục vụ cho xã hội, cho chính trị. Về phong cách sáng tác thơ, hai người cũng khá gần nhau, họ đều yêu thích âm nhạc, thanh điệu với sắc thái rõ ràng, chủ đề xác đáng, ngôn ngữ trôi chảy, họ viết khá nhiều bài phúng thích xã hội hiện thực và nỗi khổ của nhân dân. Tác phẩm đại biểu cho nghệ thuật thơ của Nguyên Chẩn là các bài “Điền gia từ”, “Cô khách lạc”. Bài tự sự trường thiên “Liên Xương cung từ” của ông nổi tiếng không kém bài Trường hận ca của Bạch Cư Dị. Còn truyện truyền kỳ “Oanh Oanh truyện” là do ông dùng từng trải bản thân cộng với phần gia công mà viết thành, truyện truyền kỳ này đã vượt qua rất xa ý đồ ban đầu của ông, trở nên một giai tác thể hiện được phương pháp sáng tác hiện thực với hình ảnh Oanh Oanh can đảm chống lại lễ giáo phong kiến, chủ động đi tìm tình yêu cá nhân còn Trương Sinh với đức hạnh bạc bẽo bị độc giả chán ghét. Oanh Oanh truyện có ảnh hưởng sâu sắc với các loại tiểu thuyết tài tử giai nhân và hí kịch ở đời sau. Thoại bản “Oanh Oanh truyện” đời Tống, “Cảnh thế thông ngôn” đời Minh hoàn toàn ảnh hưởng ở tác phẩm Nguyên Chẩn. “Tây Sương Ký chư cung từ” của Đổng Giải Nguyên đời Kim càng góp phần truyền bá câu truyện tình yêu của Oanh Oanh và Trương Sinh. Đến kịch bản trứ danh “Tây Sương Ký" của Vương Thực Phủ* đời Nguyên càng rõ ràng là rút tư liệu từ Oanh Oanh truyện của Nguyên Chẩn. Tác phẩm của ông hiện chép trong sách “Nguyên thị Trường Khánh tập” 60 quyển. Tiểu sử ông được Bạch Cư Dị* chép trong bài Nguyên Chẩn mộ chí minh. ...
... THƠ VĂN CỦA VƯƠNG BỘT Vương Bột (650–676), tên Tử An, người ở Long Môn, Giáng Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Tây), là một trong “Sơ Đường tứ kiệt” (bốn người làm thơ kiệt xuất đầu đời Đường). Vương Bột nỗ lực chủ trương cải cách văn phong, thường cố gắng sửa đổi thói quen văn chương đẹp đẽ phù phiếm hoa lệ lúc ấy. Thơ văn của Vương Bột có ý cảnh cao xa, khí thế hào hùng, tình cảm thành thực chân thiết, từ cú mới mẻ tráng lệ. Thơ ông phần lớn là thể ngũ luật, ngũ tuyệt, có nhiều câu trở thành danh cú hàng ngàn năm nay như “Bốn bể còn tri kỷ, góc trời vẫn thiết thân” (Hải nội tồn tri kỷ, Thiên nhai nhược tỉ lân). Văn của Vương Bột phản lớn thuộc loại biền ngẫu, bài “Đằng Vương các tự” của ông được khen tụng là tác phẩm phú “Muôn đời không nát” (Đương thùy bất hủ) của bậc thiên tài. (lời nói Vương Định Bảo trong “Đường chính ngôn”), còn sách Tứ khố toàn thư tổng mục cho tài ông là “đứng đầu trong tứ kiệt” (Tứ Kiệt chi quán). Thơ văn của Vương Bột có công lớn đối với sự hình thành văn phong mới ở đời Đường (Đường nhân khai sơn tổ). Tiểu sử của ông được chép trong hai bộ Tân và Cựu Đường Thư. Tác phẩm hiện nay tập trung vào sách Vương Tử An tập chú của Tưởng Thanh Dực đời Thanh. ...
... THƠ VỊNH MAI CỦA LÂM BÔ Lâm Bô (967-1028), nhà thơ đời Bắc Tống, tên tự Quân Phục, người ở Tiền Đường (nay là Hàng Châu, Chiết Giang), khi chết được ban tên thụy Hòa Tĩnh tiên sinh. Lâm Bô suốt đời sống độc thân, không lập gia đình, ẩn cư ở vùng núi Tây Hồ, vui với cuộc đời chơi mai, nuôi chim hạc nên tự gọi mình “mai là vợ, hạc là con” (Mai thê, học tử). Thơ ông sở trường thể ngũ luật, nhất là các bài vịnh hoa mai. Các bài “Sơn viên tiểu mai”, “Mai hoa” thể hiện thành công phong thái đặc biệt “bóng thưa cành ngang” (Sơ ảnh hoành tà), “hương ngầm lay động” (Ám hương phù động) của hoa mai. Ông thường xướng họa với các bạn cùng thời như Phạm Trọng Yêm, Mai Nghiêu Thần. Tài thơ của ông vang xa, người tìm đến bái yết không lúc nào ngớt. Tống Chân Tông nghe tiếng ông, ban cho gạo, vải lụa và lệnh quan trưởng sử mỗi năm phải đến thăm hỏi ông. Tác phẩm hiện còn là bộ Lâm Hòa Tĩnh thi tập. ...
... THƠ VỊNH SỬ CỦA TẢ TƯ Tả Tư (khoảng từ năm 250-305), văn học gia đời Tây Tấn, tên tự Thái Xung, người đất Lâm Truy (nay thuộc tỉnh Sơn Đông). Tám bài thơ “Vịnh sử” và là tác phẩm tiêu biểu của ông, được Lưu Hiệp* coi là tác phẩm “vượt hơn hẳn mọi người” (Xuất lọai bạt tụy). Tám bài này có thủ pháp miêu tả lịch sử của loại thơ vịnh sử từ đời Ban Cố* đến lúc ấy, thơ Tả Tư không câu nệ vào sự kiện có thực của lịch sử mà là để “vịnh người xưa nhưng phải thể hiện được tính tình của chính mình” (Vịnh cổ nhân nhi kỷ chi tính tình câu hiện). Đây chính là sự đổi mới lớn xưa nay chưa từng có. Tám bài thơ vịnh sử này của Tả Tư làm sống lại hình tượng một phần tử trí thức đời cổ có đủ ý chí, tài cán và lý tưởng. Thủ pháp biểu hiện của nó hết sức sinh động, như lời khen của Trương Ngọc Cốc: “Có lúc thuật ý của mình trước để chứng minh sự thật lịch sử, có lúc thuật lại sự thật lịch sử trước rồi dùng ý riêng mình phán đoán, có khi chỉ thuật ý riêng mình mà vẫn thích hợp với sự thật lịch sử, có khi chỉ thuật lại sự thật lịch sử mà ẩn ngụ ý riêng trong ấy” (Cổ thi tán tích). Còn Hồ Ứng Lân (đời Minh) lại khen: “Tạo ngôn ngữ kỳ lạ lớn lao, phương pháp sáng tạo mới mẻ đặc biệt, tung hoành ngang dọc, khí cao xa tới mây, đáng là những bài hay tuyệt xưa nay”. Tả Tư làm mới hoàn toàn loại thơ vịnh hoài bằng 8 bài thơ Vịnh sử của ông. Công trạng ấy không kém gì công đổi mới loại thơ “Sơn thủy” của Tạ Linh Vận* hoặc đổi mới loại thơ “Điền viên” của Đào Uyên Minh*, có tác dụng là một người đi đầu mở đường để những thi nhân sau này kế thừa phát triển rộng thêm đến đời Đường sẽ trở thành một thể thơ chính thống. Tiểu sử của Tả Tư được chép trong phần Văn Uyển truyện, sách Tấn Thư. ...
... THUYẾT “THẦN VẬN CỦA VƯƠNG SĨ TRINH Vương Sĩ Trinh (1634-1711), thi nhân kiêm thi luận gia đời Thanh, tên tự Di Thượng, hiệu Nguyễn Đình, biệt hiệu Ngư Dương sơn nhân, người ở Tân Thành (nay thuộc Sơn Đông). Lý luận về thơ của ông nhiều lần thay đổi, nhưng chủ trương “Thần vận” của ông trước sau như một. Các môn sinh sưu tập thi luận của ông rồi phân loại in thành bộ “Đới Kinh Đường thi thoại” trở thành tác phẩm đại biểu của thuyết “Thần vận”. Trung tâm của thuyết Thần vận dựa cơ sở trên lý luận thi ca của Hạo Nhiên, Tư Không Đồ*, khai triển chủ trương lập luận thơ phải hàm súc, uẩn tàng, cho rằng thơ “lấy trong trẻo cao xa làm quý” (Dĩ thanh viễn vi thượng-Trì Bắc ngẫu đàm). Bộ “Đường Hiền tam vị tập” của ông chỉ chọn in những tác giả cao xa thanh cao, thậm chí không tuyển chọn cả thơ Lý Bạch*, Đỗ Phủ*. Thuyết Thần vận của ông, ảnh hưởng lâu dài hằng trăm năm trên thi đàn đời Thanh. Tác phẩm để lại của ông có “Ngư Dương thi tập” và “Trì Bắc ngẫu đàm”. Tiểu sử có chép trong sách Thanh sử cảo. ...
... TÔ THỨC TOÀN TÀI Tô Thức (1037-1101), văn học gia đời Bắc Tống, tên tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha cư sĩ, người ở Mi Sơn (nay là Mi Sơn, Tứ Xuyên), đỗ Tiến sĩ niên hiệu Gia Hựu. Văn, thơ và từ của Tô Thức đều có thành tựu sáng tác rất cao. Thơ ông đề tài rộng lớn, khí phách thần kỳ hào phóng, được các nhà phê bình khen là: “Sau Hàn Văn Công là người mở ra một cõi mới” (Hàn Văn Công hậu hựu khai tịch nhất cảnh giới dã - Thuyết thi túy ngữ). Hiện ông còn lại 2.700 bài thơ, với đủ các thể loại đều hay, sở trường nhất là thể thất ngôn. Nội dung có bài nói thẳng đến chính sự, có bài ngôn ngữ châm biếm phúng dụ, có bài bày tỏ tâm tình, có bài tả cảnh núi non mây nước. Cuối đời, ông lại bỏ công dung hòa thi ca, hội họa, thư pháp vào cùng một thể và đều đạt thành tựu xuất sắc. Về nghệ thuật của ông Thẩm Đức Tiềm (đời Thanh) ví dụ như: “Ngựa trời thoát dây cương, bay chơi trên cõi tiên, biến ảo cùng cực (Thiên mã thoát kỵ, phi tiên du hí, cùng cực biến huyễn - Thuyết thi túy ngữ). Lời phẩm bình ấy là xác đáng, chứng minh bằng đời sau rất nhiều tác gia hoàn toàn ảnh hưởng học tập theo nghệ thuật của ông. Từ của Tô Thức đột phá khuôn mẫu loại Từ chuyên mô tả tình ái, tình trai gái ly biệt có từ cuối Đường Ngũ đại, mở rộng thêm đề tài cho Từ. Nâng cao tính sáng tạo nghệ thuật. Ông dùng thơ văn làm Từ, tung hoành hào phóng làm thay đổi hẳn phong cách Từ uyển ước, sáng lập phái Từ Hào phóng*. Những bài Từ “Niệm nô Kiều”, “Thủy điệu ca đầu”, “Giang thành tử” của ông đã trở thành những danh tác mẫu mực hàng ngàn năm nay. Từ của họ Tô “quét sạch phong thái mềm thơm tho, thoát khỏi mực thước uyển chuyển, làm cho người ta leo lên cao nhìn ra xa, ngẩng đầu hát lớn mà có tấm lòng rộng lớn như vượt ra ngoài cõi bụi bặm này” (Nhất tẩy ỷ la hương trạch chi thái, bãi thoát trù mậu uyển chuyển chi độ, sử nhân đăng cao vọng viễn, cử thủ cao ca, nhi dật hoài hạo khí, siêu hồ trần ai chi ngọai - Hồ Dần), các thế hệ sau như Lục Du*, Tân Khí Tật*, Nguyên Hiếu Vấn*, Trần Duy Tùng đều chịu ảnh hưởng sâu đậm phong cách Từ của ông. Tản văn Tô Thức nổi tiếng ngang hàng Hàn Dũ*, Liễu Tông Nguyên*, là một trong “Đường Tống bát đại văn gia”. Văn bút của ông tung hoành đa dạng, văn chính luận có kiến giải sâu sắc (như các bài “Sách lược”, “Sách đoán”), văn sử luận phân tích tinh tế (như các bài “Bình vương luận”, “Lưu hầu luận”), nhưng đặc sắc nhất là tạp văn tùy bút của ông vừa giản dị vừa linh hoạt sống động, thân thiết mà tự nhiên, tình cảm thật thà, ngôn ngữ bình dị thông thoát. Bài “Xích Bích phú” như thơ như họa, khiến người đọc sảng khoái, được truyền đọc hằng ngàn năm nay. Ngoài ra, ông còn khá nhiều danh tác khác nữa, ví như Hỉ vũ đình ký, Phương sơn tử truyện v.v... Trong lĩnh vực văn học, Tô Thức đích xác là một tài năng toàn vẹn. Tiểu sử của ông chép trong sách Tống Sử. Tác phẩm có Đông Pha toàn tập hơn 100 quyển. ...
... TRẦN TỬ LONG, THƠ YÊU NƯỚC ĐỜI MINH Trần Tử Long (1608-1647), nhà thơ và nhà lý luận thơ cuối đời Minh, tên tự Nhân Trung và Ngọa Tử, hiệu Thiết Phù và Đại Tôn, người ở Hoa Đình (nay là huyện Tùng Giang, Thượng Hải). Ông từng tổ chức nhóm hoạt động có khuynh hướng chính trị “Cơ xã” để làm thế hô ứng với nhóm “Phục xã” (cùng chống quân Thanh). Thơ và lý luận về thơ của ông có tình cảm dân tộc khá mạnh. Trước khi triều Đại Minh tiêu vong, ông viết 8 bài “Liêu sự tạp thi” biểu đạt lòng lo đau đáu trước cảnh nước nhà bị uy hiếp và buồn khổ vì muốn cứu nước, cứu dân. Sau khi triều Minh mất, ông viết 10 bài "Thu nhật tạp cảm" biểu hiện lòng nhớ nhung nước cũ, đau thương trước cảnh biết bao liệt sĩ anh hùng hy sinh bảo vệ tổ quốc. Lý luận về thơ ông cũng nhấn mạnh thơ phải đối diện với hiện thực, cọ sát với thời đại, chính ông nhận rằng loại thơ không đề cập đến thời thế “dù có hay, ta cũng không thích”. Lòng yêu nước nồng nàn và từ thực tế đấu tranh mà làm thơ của họ Trần đã phá vỡ phên dậu chủ nghĩa bắt chước người xưa trong văn học cuối Minh nên được xưng tụng là nhà thơ yêu nước. Hồ Ứng Lân khen thơ ông “cách cao khí dật, vần điệu xa xôi mà tư tưởng sâu sắc” (Cách cao khí dật, vận viễn tư thâm - Thi tẩu). Tác phẩm ông hiện có Trần Trung Dụ công toàn tập. ...
... TRẦN TỬ NGANG, MỞ ĐẦU PHONG CÁCH THƠ MỚI Trần Tử Ngang (659-700), thi nhân xuất sắc đầu đời Đường, tên tự là Bá Ngọc, người ở Xạ Hồng, Tử châu (nay là huyện Xạ Hồng tỉnh Tứ Xuyên). Trần Tử Ngang là người mở đầu đổi mới thi ca đời Đường và là một thi nhân kiệt xuất mở đầu phong cách mới kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Trong một bài viết, ông đưa ra hệ thống lý luận muốn thay đổi thi ca bằng cách phản đối loại văn cương diễm lệ hình thức từ đời Lục triều, Tề Lương. Ông sáng tác 38 bài “Cảm ngộ” đầy hứng khởi để phản ứng lại loại thơ “trống rỗng không có sự vật” gì ở đời Tề Lương, chính như Lưu Khắc Trang đời Tống nhận định: “Thơ ông quét sạch sự ủy mị yếu đuối đời Lục triều” (Nhất tảo lục đại thiên nhược - Hậu thôn thi thoại). Tinh thần và tác phẩm sáng tạo của Trần Tử Ngang được vô số người đời sau hưởng ứng, tạo nên một phong trào đổi mới lớn rộng như, 59 bài Cổ phong của Lý Bạch*, hay các bài Tam lại, Tam biệt của Đỗ Phủ*, Tân Nhạc phủ, Tần Trung ngâm của Bạch Cư Di* v.v... Cuối đời Đường, Lục Quy Mông* được người đời gọi là “Mô phỏng theo Trần Tử Ngang”. Còn những người tôn sùng Tử Ngang, không đời nào không có nhiều. Đỗ Phủ ca ngợi tên tuổi ông “cùng treo cùng mặt trời mặt trăng” (Danh dữ nhật nguyệt huyền), Bạch Cư Dị rất vinh dự nếu tên mình được đứng kế cận tên của Tử Ngang. Chu Hi* đời Tống sau khi đọc những bài Cảm Ngộ phải khen “Người làm Từ đời nay không ai bằng” (Phi đương thế Từ nhân sở cập), còn Nguyên Hiếu Vấn lại ca tụng hơn: “Đem cả vàng ròng đúc Tử Ngang” (Hợp trứ hoàng kim chú Tử Ngang). Ông là người có công lớn nhất trong loại thơ Đường phản ánh hiện thực xã hội và mở đầu cho cục diện thi ca mới. Tiểu sử của ông có chép trong các sách Tân, Cựu Đường Thư. Tác phẩm hiện nay in đầy đủ trong sách Trần Tử Ngang tập do Từ Bằng hiệu đính. ...
... TRUYỆN TRUYỀN KỲ CÓ TÍNH PHÚNG THÍCH CỦA LÝ CÔNG TÁ Lý Công Tá, tên tự Chuyên Mông, người ở Thiểm Tây (nay thuộc Cam Túc). Không rõ năm sinh năm mất, sống khoảng niên hiệu Nguyên Hòa đời Hiến Tông, giữ chức Phán quan Quan sát sứ Tây đạo Giang Nam. Sau đó bị bãi chức đưa về vùng Thượng Nguyên (nay là Nam Kinh) Tô Châu. Tính ông rất thích truyện truyền kỳ, hay giao du với Bạch Hành Giản. Nổi tiếng nhờ tác phẩm “Nam Kha thái thú truyện”, tuy vậy, ông còn các trứ tác khác, như “Tạ Tiểu Nga truyện”, “Cổ Nhạc độc kinh” v.v... Nam Kha thái thú truyện* ngụ ý vạch trần hậu quả tranh giành danh lợi của bọn sĩ tử, chẳng qua chỉ là trò ảo ảnh, đến cả cái gọi là “lộc cao quyền quý khuynh đảo nước nhà” chẳng qua cũng chỉ như bầy kiến tranh ăn trong gò mối mục rữa mà thôi. Trong các tiểu thuyết đời Đường, dám đụng chạm trực tiếp đến thời sự, dám vạch trần diện mạo xã hội thẳng thắn như tác phẩm này là điều ít có. Tác phẩm cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sau và trở thành thành ngữ “Giấc mộng Nam Kha” (Nam Kha nhất mộng). Câu chuyện truyền kỳ này sau sẽ diễn biến thành hí khúc, như đời Minh, Thang Hiển Tổ* viết kịch bản “Nam Kha ký”, hay Xa Nhiệm Viễn viết “Nam Kha mộng” chẳng hạn. Tiểu sử ông có chép sơ lược trong Cựu Đường Thư. ...
... TƯ MÃ TƯƠNG NHƯ, NHÀ VIẾT PHÚ VĨ ĐẠI ĐỜI HÁN Tư Mã Tương Như (179-117 trước Công nguyên (T.C.N), là nhà Từ phú nổi tiếng đời Tây Hán, tên tự là Trường Khanh, tiểu danh là Khuyển Tử, người ở Thục quận, Thành đô (nay thuộc Tứ Xuyên). Theo Nghệ Văn chí, sách Hán Thư, đời ông viết tất cả 29 bài phú, nhưng nay chỉ còn 6 bài, mà trong ấy đại biểu là 2 bài “Tử Hư phú” và “Thượng lâm phú”. Sách Sử Ký lại ghép 2 bài này vào 1 thiên và gọi là “Thiên tử du lạp phú”, nội dung phản đối việc xa hoa phung phí của Hán Võ đế với hình thức sử dụng nhiều liên từ, đối ngẫu đẹp đẽ. Lỗ Tấn ca tụng đây là bài phú “Trác việc ở đời Hán” (Trác việt Hán đại - Hán văn học sử cương yếu), xác định được hình thức cố định của phú Hán, khiến đời sau, dù nhiều người mô phỏng bắt chước ông, nhưng chưa ai vượt được qua ông. Tiểu sử của ông được chép riêng một thiên trong Sử Ký. ...
... TỪ PHÁI HOA GIAN, ÔN ĐÌNH QUÂN Ôn Đình Quân (812- khoảng 870), người viết Từ cuối đời Đường, tên tự Phi Khanh, người ở Thái Nguyên (nay thuộc Sơn Tây). Mỗi lần ông đi thi, khảo quan ra đề 8 vần, ông chỉ xoa tay 8 lần là viết xong, nên có tên hiệu “Ôn bát xoa” (ông họ Ôn xoa tay 8 lần). Ông nổi tiếng ngang Lý Nghĩa Sơn (Thương Ẩn*) và Đoàn Thành Thức* nên còn được gọi là “Tam tài tử”. Ông là tác gia đầu tiên trong lịch sử vận văn Trung Quốc, chuyên dồn hết công lực làm Từ. Trong hơn 60 bài Từ ông làm trong đời, có hơn 18 bài áp dụng điệu thức từ mới, đáng gọi là đứng đầu trong các Từ nhân cuối Đường. Lại do ông “có thể gảy đàn hát Từ của mình" thường ra vào chốn thanh lâu, hiểu rất rõ cuộc sống và đồng tình với giới ca kỹ, nên ông có khả năng viết nên ngôn ngữ Từ diễm lệ trên cơ sở các ca khúc dân gian. Ông rất giỏi miêu tả đời sống phụ nữ và những thay đổi tâm lý của họ nên được gọi tôn xưng là ông tổ của “Hoa gian từ phái”*. Ông chính là người bắc cầu từ Thơ sang Từ, đem đến một phong cách độc lập cho Từ, mở ra cục diện hưng thịnh của Từ từ cuối Đường Ngũ đại đến Tống. Tác phẩm của Ôn Đình Quân hết sức phong phú, hiện còn hơn 310 bài thơ, 31 bài văn, hơn 60 bài Từ chép trong các sách Toàn Đường Văn và Hoa gian tập. ...
... TỪ VỊ, TÁC GIA TẠP KỊCH Từ Vị (1521-1593), hí kịch gia đời Minh, tên tự Văn Trường và Văn Thanh, hiệu Thiên Trì sơn nhân và Thanh Đằng đạo sĩ, người ở Sơn Âm (nay là Thiện Hưng, Chiết Giang). Từ Vị có tài năng nhiều mặt, tinh thông mọi loại thơ, văn, thư (viết chữ đẹp), họa và hí khúc. Thế nhưng, cả đời ông lạo đảo, có tài mà không gặp thời, cuối đời phải mượn viết chữ, vẽ tranh làm kế sinh nhai. Ông nổi tiếng nhất về tạp kịch, tác phẩm có cấu tứ kỳ đặc, biểu đạt tư tưởng tiến bộ phản phong kiến, phản luân lý Nho gia. Về thể chế tạp kịch, ông phá vỡ trói buộc của truyền thống với âm luật tự do, ngôn ngữ trôi chảy tự nhiên, mà tác phẩm đại biểu là “Tứ thanh viên” (gồm 4 vở Ngư Dương lộng, Thủy hương mộng, Thư Mộc lan, Nữ trạng nguyên) được đánh giá rất cao. Từ Vị còn viết một bộ chuyên luận về Hí khúc, là bộ “Nam từ tự lục”, khảo sát về nguồn gốc và sự phát triển của Hí khúc phương nam, đồng thời phân tích phong cách, thanh luật, bình phẩm tác gia, tác phẩm Nam hí. Cuối sách, phụ lục chép 65 vở Nam hí, 48 vở truyền kỳ với nội dung rất rộng lớn. Sách này là trứ tác duy nhất về Hí khúc phương nam của cả 4 đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, đã giữ được số lớn tư liệu quý. Thành tựu của Từ Vị trong bối cảnh suy tàn của tạp kịch là rất lớn đã làm cho sáng tác kịch đời Minh hưng thịnh lên. ...
... “VĂN TUYỂN” CỦA TIÊU THỐNG Tiêu Thống (501-531), là con trưởng của Lương Võ đế Tiêu Diễn, tên tự là Đức Thi, tiểu tự Duy Ma, quê quán tổ tiên là người Nam Lan Lăng (nay thuộc tỉnh Giang Tô), được đời gọi là “Chiêu Minh thái tử”. Cống hiến quan trọng trong đời Tiêu Thống là ông đã biên tập bộ tổng tập thơ văn tên là “Văn Tuyển” hoặc còn có tên là “Chiêu Minh văn tuyển”. Trong khoảng thời gian Ngụy Tấn, Nam Bắc triều có rất nhiều tác phẩm văn học ra đời. Làm sao để tuyển chọn những tác phẩm văn học ra đời? Làm sao để tuyển chọn những tác phẩm tinh túy? bỏ bớt những chương bài yếu kém?... là nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc ấy. Với vị trí tôn quý của một Thái tử. Tiêu Thống chiêu nạp nhân tài, bắt đầu tuyển lựa biên tập bộ Văn Tuyển. Sách này gồm 30 quyển, 130 tác gia, 514 bài, chia ra 3 loại lớn là Phú, Thi và Tạp văn. Trong 3 loại lớn (Đại loại), chia thêm các loại nhỏ (Tiểu loại), trong tiểu loại lại có từng môn loại. Xem ra, như vậy tác giả phân tích văn thể đã có phần tinh tế, phản ánh nhận thức đúng đắn của ông đối với nguồn gốc của từng loại văn thể. Tiêu chuẩn để ông tuyển chọn tác phẩm đưa vào “Văn Tuyển” là lấy “văn chương làm gốc” (Văn vi bản). Vì vậy, ông tuyển chọn đa số là thơ văn từ phú của các bậc tài tử, mà không tuyển chọn các loại kinh điển hay sử thư chuyện kể. Điều này, cho thấy rõ tác giả nỗ lực phân định rõ hai phạm trù “văn học” và “phi văn học”, và cũng xác định chắc chắn tính độc lập của văn học. Sự ra đời của sách Văn Tuyển, đã bảo tồn được rất nhiều tác phẩm kiệt xuất cổ đại, trở thành khuôn mẫu cho các văn thi nhân đời sau học tập. Thậm chí, với chế độ dùng thi phú để thi tuyển sĩ tử của các chế độ xưa, Văn Tuyển đã được ca ngợi trong câu tục ngữ dân gian: “Đọc nát bộ Văn Tuyển là đã đậu tú tài một nửa” (Văn Tuyển lạn, tú tài bán). Văn Tuyển còn là đề tài hấp dẫn vô số người nghiên cứu, đến độ trở thành danh xưng là ngành “Văn Tuyển học” từ đời Đường. Tiểu sử Tiêu Thống có chép kỹ trong các sách Lương Thư và Nam Sử. ...
... VĂN XUÔI CỦA KÊ KHANG Kê Khang (223-263), văn học gia dưới triều Ngụy đời Tam Quốc, là một thành viên trong nhóm “Trúc lâm thất hiền”, tên tự là Thúc Dạ, người ở Tiều quận (nay là tỉnh An Huy), được đời gọi bằng tên Kê Trung tán. Văn xuôi (tản văn) của Kê Khang rất sâu sắc và dũng cảm khi phát biểu về kiến giải cá nhân, được Lỗ Tấn khen là “Tư tưởng mới mẻ, thường thường phản đối lại các lý thuyết xưa cũ” (Tư tưởng tân dĩnh, vãng vãng dữ cổ thời cựu thuyết phản đối). Tản văn của Kê Khang phóng túng mạnh mẽ, phân tích căn kẽ đầy triết lý, đưa ra nhiều ví dụ phong phú, tính lý luận rất cao với phong cách đặc sắc thoát sáo. Bài “Dữ Sơn Cự Nguyên tuyệt giao thư” là tác phẩm đại biểu của Kê Khang, biểu lộ lòng căm ghét sâu sắc của ông đối với sự tầm thường ở đời, vạch trần hết mọi lễ pháp giả dối của kẻ sĩ thời ấy. Bài này chẳng khác gì tuyên ngôn phản đối Lễ giáo. Sống trong vòng trói buộc hàng ngàn năm của cái gọi là “Thi giáo ôn nhu đôn hậu” trong quan niệm về văn chương thi ca thời ấy, đây chính là bài văn đánh trúng ngay tử huyệt của các văn nhân thi sĩ hoa hòe huê dạng trong thời loạn lạc Tam quốc ấy. Gần đây, văn xuôi của Kê Khang được các học giả sưu tập hiệu đính và đánh giá cao, trong các tập Kê Khang tập của Lỗ Tấn hay Kê Khang tập hiệu chú của Đới Minh Dương. ...
... VIÊN MAI VỚI THUYẾT “TÍNH LINH” Viên Mai (1716-1797), thi nhân và luận thi gia đời Thanh, tên tự Tử Tài, hiệu Giản Trai, người ở Tiền Đường (nay là Hàng Châu). Luận thơ, Viên Mai chủ về Tính linh thuyết, đề xướng mô tả linh cảm cá nhân, biểu đạt xúc cảm đời sống một cách chân thực. Ông cho rằng “thơ là do tình sinh ra, có tình không thể giải bày ra được nên sau mới có thơ không thể nát được” (Thi giả, do tình sinh giả dã, hữu tất bất khả giải chi tình, nhi hậu hữu tất bất khả hủ chi thi). Ông chủ trương không ngại đề tài, phong cách đa dạng, lý của luân thường, tình của sơn thủy, thậm chí không gì bằng (tình) trai gái” (Tình sở tối tiên, mạc như nam nữ). Đến như phong cách “thơ kỳ lạ hay bình thường, diễm lệ hay chất phác, đều có thể thu nạp” (Thi chi kỳ bình diễm phúc, giai khả thái thủ). Ngoài ra, Viên Mai còn cho rằng thơ chia ra hay dở không vì giới hạn cổ kim, ông phản đối quan niệm tôn sùng Đường, Tống, ông không chịu mù quáng học theo cổ nhân mà phải tự tìm ra độc sáng của riêng mình. Lý luận về thơ của Viên Mai đặt cơ sở cho sự phát triển chủ trương trữ thuật Tính linh của các phái Cánh Lăng* và Công An*, biểu hiện tư tưởng phản đối truyền thống, phản đối trói buộc, đi tìm cái mới của ông. Ông được coi là nhân vật đại biểu của thuyết Tính linh đời Minh và Thanh. ...
... VƯƠNG DUY, TRONG THƠ CÓ HỌA Vương Duy (701-761), tên tự Ma Cật, người ở Thái Nguyên (nay là tỉnh Sơn Tây), là thi nhân đại biểu kiệt xuất cho thi phái sơn thủy điền viên đời Đường. Thơ ông hiện còn khoảng 400 bài. Căn cứ vào phong cách nghệ thuật và tư tưởng từng giai đoạn khác nhau, ta có thể chia thơ ông ra hai thời kỳ trước và sau. Ở 40 năm trước, với hy vọng làm trong sáng chính trị, thơ ông chứa đầy tâm tình hào hiệp lãng mạn với phần lớn là thể ca hành để miêu tả đời sống biên tái hay du hiệp. Ở 40 năm sau, con đường làm quan chìm nổi, ông chuyển làm cổ thi và cận thể tả cảnh sơn thủy điền viên, ca ngợi thú an nhàn điềm tĩnh. Đại biểu cho thời kỳ sau là hơn 200 bài thơ sơn thủy điền viên đặc sắc. Khi ông mới ẩn cư ở núi Chung Nam, ông có bài “Chung Nam biệt nghiệp” với ý cảnh rất mới mẻ, mở ra phong cách cơ bản hài hòa cho loại thợ sơn thủy điền viên đời Đường, Sau đó, ông ẩn cư ở Võng Xuyên, Lam Điền, làm nhiều bài thơ xướng họa với bạn thân là Bùi Địch, trong ấy có 40 bài thơ tập trung trong Võng Xuyên tập với ngôn ngữ chạm khắc tinh tế, miêu tả sinh động truyền thần, có ý vị rất đặc sắc. Những bài này chẳng những dung hòa được ý cảnh như thơ Đào Uyên Minh* mà còn lột tả được tinh lực khắc họa của thơ Tạ Linh Vận*, nên được Tô Thức* ca ngợi là “Trong thơ có họa” (Thi trung hữu họa). Người đời sau ghép tên ông chung với Mạnh Hạo Nhiên* và gọi tắt là Vương Mạnh* để ghi nhớ công lao mở đầu thi phái sơn thủy điền viên đời Đường của ông. Tiểu sử của ông được chép trong Tân, Cựu Đường thư. Tác phẩm hiện nay tập trung vào sách Vương Hữu Thừa tiên chú. ...
... VƯƠNG KÝ ĐỨC, NHÀ LÝ LUẬN HÍ KHÚC Vương Ký Đức (? – 1623), nhà lý luận hí khúc cuối đời Minh, thành viên chủ yếu trong “Ngô Giang phái”, tên tự Bá Tuấn, hiệu Phương Chư Sinh, người ở Cối Kê (nay là Thiệu Hưng, Chiết Giang), giao du rất thân với Từ Vị*, Thẩm Cảnh, rất am hiểu Từ khúc. Trứ tác của ông có truyền kỳ “Đề hồng ký” và tạp kịch “Nam vương hậu”. Nhưng ảnh hưởng lớn hơn hết là 4 quyển “Khúc luật”. Bộ này nghiên cứu sâu sắc nguồn gốc cung điệu, âm luật của hí khúc phương bắc (Bắc khúc), tổng kết từ phương pháp viết hí khúc và ca hát trình diễn cho đến kỹ xảo miêu tả, cú pháp. Vương Ký Đức coi trọng âm luật nhưng không coi thường văn chương, nhấn mạnh đến sự hoàn chỉnh của kết cấu, lời lẽ giản dị minh bạch. Bộ sách này còn phê bình, so sánh rất nhiều tác phẩm, tác gia Nguyên, Minh, thu nạp sở trường của các môn phái, không có định kiến thiên vị. Lã Thiên Thành rất đề cao “Khúc luật”. Vương Ký Đức chính là nhà lý luận hí khúc có thành tựu nghiên cứu lớn nhất đời Minh, chẳng những ông tổng kết được kinh nghiệm sáng tác Nam Bắc khúc, mà còn đột phá mô thức ghi chép đơn giản của các tác gia đời trước trong khi nghiên cứu, ông cũng là người đầu tiên phân tích chia ra từng môn phái hí khúc, cống hiến lớn cho sự nghiệp nghiên cứu “Khúc học” ở Trung Quốc. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index... ...