... HỒNG LÂU MỘNG Tác phẩm tiểu thuyết trường thiên của tác gia vĩ đại Tào Tuyết Cần* đời Thanh. Nguyên bản có 89 hồi, tên ban đầu là “Thạch đầu ký” được lưu truyền rộng rãi dưới hình thức chép tay. Đến năm Càn Long thứ 56 mới đổi tên là Hồng lâu mộng và được in bản 120 hồi, trong ấy có 40 hồi sau cùng được giới học thuật cho rằng do Cao Ngạc căn cứ vào tàn cảo của Tào Tuyết Cần mà viết tiếp. Hồng lâu mộng chủ yếu kể câu chuyện bi kịch hôn nhân ái tình giữa Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa. Thông qua sự miêu tả bi kịch này, tác giả vạch trần sự tàn bạo hoành hành của giới địa chủ phong kiến, đả kích chế độ hôn nhân phong kiến thối nát. Tác giả còn thông qua truyện miêu tả sự hưng vong biến động của Giả phủ, biểu hiện xu thế suy sụp và tội ác dẫy đầy của giới thống trị giàu có. Thành tựu nghệ thuật của Hồng lâu mộng hết sức cao, với số nhân vật rất nhiều, sự kiện phức tạp, mâu thuẫn sâu sắc, xung đột liên tục, nhưng tác giả vẫn sắp đặt có trật tự, đầu cuối minh bạch, tính cách nhân vật rõ ràng sinh động như người sống. Tác giả còn giỏi vận dụng tình tiết để miêu tả bản chất sự vật, tạo ý nghĩa điển hình. Ngôn ngữ trong tác phẩm là ngôn ngữ ưu tú nhất trong tiểu thuyết cổ điển. Tính nghệ thuật và tính tư tưởng của Hồng lâu mộng đều là mẫu mực của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, đưa trình độ sáng tác tới đỉnh cực cao. Sau khi Hồng lâu mộng ra đời, ảnh hưởng rất sâu rộng, cung cấp cho các tác phẩm đời sau kinh nghiệm sáng tác rất đáng quý. Trong kho tàng văn học thế giới, tác phẩm này cũng được coi như một viên ngọc sáng. Hồng lâu mộng đã được dịch ra chữ Việt, nhà Xuất bản Văn Nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh - 1989. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index... ...
... KIM BÌNH MAI Tác phẩm tiểu thuyết ái tình xã hội của Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh đời Minh, tên đầy đủ là “Kim Bình Mai từ thoại”. Tác phẩm này mượn câu chuyện ngoại tình giữa Tây Môn Khánh và Phan Kim Liên trong Thủy hử truyện* phát triển sáng tác thêm mà thành. Tây Môn Khánh là tên côn đồ chợ búa, suốt ngày hắn rong chơi lưu đãng, kết bè kết bạn tìm hoa hỏi liễu. Hắn dùng mưu gian chiếm Phan Kim Liên, giết chồng của cô ả là Võ Đại Lang, em Đại Lang là Võ Tòng báo thù, giết lầm Lý Ngoại phó, bị phân phối đi Mạnh châu, còn Tây Môn Khánh bình an vô sự lại càng phóng túng ngang ngược thêm. Sau này hắn càng phát tài, cảnh nhà giàu có, bèn mua quan bán chức, ngông cuồng tham lam, cuối cùng chết vì tham dục quá đáng. Võ Tòng được ân xá, quay về giết chết Phan Kim Liên. Tiểu thuyết thông qua hình tượng nhân vật tên Tây Môn Khánh phản ánh từ bọn địa chủ phong kiến câu kết với bọn con buôn ác bá làm điều ác, để bộc lộ xã hội đen tối thối nát cuối đời Minh, cho đến bọn thống trị hoang dâm vô sỉ. Đặc điểm nghệ thuật của Kim Bình Mai là: nhân vật có đặc trưng cá tính phong phú, tác giả rất chú ý miêu tả tinh tế, ngôn ngữ trôi chảy, kết cấu nghiêm cẩn. Kim Bình Mai ra đời mở đầu cục diện mới cho sáng tác tiểu thuyết trường thiên cổ đại. Nó không tả anh hùng, không ghi lịch sử, không bàn thần tiên, chỉ miêu tả đời sống bình thường hàng ngày, tuy tả sự đen tối nhầy nhụa của xã hội nhưng có khuyết điểm là quá tự nhiên chủ nghĩa. Nhưng, nếu xét dưới góc độ phát triển văn học, Kim Bình Mai vẫn có tác dụng nhất định thúc đẩy loại tiểu thuyết trường thiên thế tục, có ảnh hưởng khá lớn. Những câu dâm uế dơ bẩn trong Kim Bình Mai xưa nay từng bị độc giả chỉ trích. Kim Bình Mai đã được dịch ra chữ Việt, nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1989. ...
... KINH ĐIỂN THÍCH VĂN Bộ sách chuyên môn chú âm huấn hỗ và giải thích chữ trong các kinh điển cổ do học giả nổi tiếng đầu đời Đường là Lục Đức Minh biên soạn. Toàn bộ giải thích nghĩa văn và chú âm 14 bộ kinh điển là: Chu Dịch*, Thượng Thư*, Thi Kinh*, Chu Lễ*, Nghi Lễ*, Lễ Ký*, Xuân Thu Tả thị truyện*, Công Dương truyện, Cốc Lương truyện, Hiếu kinh*, Luận Ngữ*, Lão Tử*, Trang Tử* và Nhĩ Nhã*. Mỗi bộ đều chia ra gọi là “Âm nghĩa” như “Chu Dịch âm nghĩa”, “Thượng Thư âm nghĩa”, “Nhĩ Nhã âm nghĩa” v.v... Sở dĩ Kinh điển thích văn không chú giải bộ “Mạnh Tử” mà lại chú giải “Lão Tử”, “Trang Tử”, là vì trước đời Bắc Tống, Mạnh Tử chưa được coi là kinh điển, còn Lão, Trang ngay từ đời Ngụy Tấn đã được các giới sĩ đại phu tôn sùng. Kinh điển thích văn không những chỉ chú giải kinh văn mà còn giải thích cả những lời chú giải cổ, không những chú âm kinh văn mà còn phát huy rộng kinh văn. Sách thu thái phần lớn chú thích và “thiết âm” (âm đọc của chữ) của các học giả từ đời Hán, Ngụy, Lục triều đến lúc ấy và khảo sát chứng minh những chỗ khác nhau của các ấn bản. Hầu hết sách vở thư tịch được Kinh điển thích văn dẫn dụng, từ Đường Tống đến nay đã bị mất mát nhiều, ngày nay, chỉ còn có thể đọc được trong sách này mà thôi. ...
... LÃ THỊ XUÂN THU Tác phẩm văn chính luận do Là Bất Vi*, tướng đời Tần, chiêu tập các môn khách cùng biên soạn, còn có tên là “Lã Lãm”. Nguyên bản chia “Thập nhị kỷ” 60 thiên, “Lục luận” 36 thiên, "Bát lãm” 64 thiên, thêm 1 thiên “Tự ý”, tổng cộng 161 thiên, nhưng vì Bát lãm mất 1 thiên, nên bản hiện nay còn 160 thiên, hợp lại thành 26 quyển. Sách này lấy học thuyết Đạo gia* làm chủ, học thuyết Nho gia* làm phụ, kiêm thâu thái các học thuyết Mặc gia*, Pháp gia*, Danh gia*, Nông gia*, coi như tập đại thành học thuyết chư tử tiên Tần, có thể coi là tác phẩm đại biểu của Tạp gia*. Sách bảo tồn khá nhiều tư liệu về các học phái trước đời Tần, tập trung nhiều tư tưởng tiến bộ các học phái tiên Tần như các chủ trương Quý sinh của Đạo gia, Bạc táng (giản dị việc chôn cất) của Mặc gia, Sát kim (xét việc hiện nay) của Pháp gia, Thượng nông (coi trọng việc nông) của Nông gia v.v... chỉ có mê tín quỷ thần là không giữ lại. Đây chính là tác phẩm tổng kết kinh nghiệm lịch sử giúp Tần thống nhất thiên hạ. Ngoài ra, sách còn bảo tồn không ít sử cựu văn và các mặt tri thức về thiên văn, lịch số, nông y, âm luật. Do sách có giá trị nhiều mặt về văn hiến cổ. Cao Dụ, người đời Đông Hán từng chú giải sách này, tạo cống hiến lớn với việc chỉnh lý và bảo tồn sách. Gần đây, có bản “Lã thị Xuân Thu tập thích” của Hứa Duy Duật, khảo chứng khá kỹ. Lã thị Xuân Thu đã có bản lược dịch chữ Việt. ...
... LÃO TỬ Một trong những tác phẩm kinh điển của học phái Đạo gia đời Xuân Thu Chiến quốc, cũng gọi bằng các tên “Đạo Đức kinh", "Lão Tử ngũ thiên văn", tương truyền là tác phẩm của Lão Đam* cuối đời Xuân Thu. Hiện nay, hầu hết đều cho rằng năm sách hoàn thành hình như là vào khoảng trung diệp đời Chiến quốc, trên cơ sở những lời thảo luận của Lão Đam và các học giả đầu đời Chiến quốc, có sửa chữa gọt dũa thêm bớt nhưng cơ bản vẫn là bảo lưu được tư tưởng chủ yếu của bản thân Lão Tử. Toàn thư chia ra làm hai thiên Thượng và Hạ, thiên Thượng là “Đạo kinh” 37 chương, thiên Hạ là “Đức kinh” 44 chương, tổng cộng 81 chương, hơn 5000 chữ. Sách là tác phẩm đại biểu của Đạo gia tiên Tần, hệ thống tư tưởng có phần hoàn chỉnh. Về triết học, tác giả đề xuất phạm trù “Đạo” giống như bậc chủ tể của tất cả tạo vật, biểu hiện một chủ nghĩa duy tâm khách quan. Về phương pháp luận, biểu hiện tư tưởng biện chứng pháp thô sơ, nhận thức sự vật đều có hai mặt đối lập mâu thuẫn và từ đó chuyển hoá lẫn nhau. Về chính trị, sách tuyên dương các tư tưởng “tuyệt thánh bỏ trí tuệ” (tuyệt thánh khí trí), “quên tình ít thèm muốn”(vong tình quả dục), “trị bằng không làm” (vô vi nhi trị), phản đối các chế độ pháp lệnh, phản đối văn hoá khoa học, hy vọng tới một cõi “nước nhỏ ít dân” (tiểu quốc quả dân) trong xã hội nguyên thủy. Nội dung sách còn đề cập đến các tri thức binh pháp, thiên văn, dưỡng sinh, phản ánh sinh động mâu thuẫn xã hội cuối đời Xuân Thu. Nói tóm lại, đối với việc nghiên cứu từ học thuyết Lão Tử và tư tưởng triết học cổ đại, cho đến lịch sử thay đổi của xã hội, sách đều có giá trị tham khảo nhất định. Qua các triều đại, bản chú giải sách này lên đến vài trăm bộ, khá sớm là bản “Lão Tử chương cú” của Hà Thượng Công đời Tây Hán và bản “Lão Tử chú” của Vương Bật đời Ngụy. Các bản mới đáng kể có “Lão Tử chính hỗ” của Cao Hanh. Năm 1973, khảo cổ học phát hiện bản bạch thư trong mộ đời Hán ở Mã Vương đôi, Trường Sa, có phần xếp Đức kinh lên trước Đạo kinh, câu chữ cũng có phần hơi khác với bản Lão Tử vẫn lưu hành, có giá trị tham khảo quan trọng. Lão Tử đã được dịch ra tiếng Việt nhiều lần bởi Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Hạo Nhiên Nghiêm Toàn, Nguyễn Hiến Lê v.v... ...
... LỄ KÝ Sách biên tập làm tư liệu giải thích Nghi lễ, cũng gọi bằng các tên Tiểu Đái lễ, Tiểu Đái ký và Tiểu Đái Lễ ký, một trong các kinh điển của Nho gia. Đời Tây Hán xuất hiện 2 bản Lễ ký: một do Đái Đức biên tập gồm 85 thiên, một do Đái Thánh biên tập gồm 49 thiên. Bộ đầu còn có tên là Đại Đái Lễ ký, bộ sau gọi là Tiểu Đái Lễ ký, các học giả cận đại cho rằng bản Lễ ký hiện nay không hoàn toàn đúng với nguyên bản do Đái Thánh biên tập. Lễ ký ghi chép những lời bàn đối đáp của Nho gia các đời Chiến quốc, Tần, Hán, đặc biệt là những lời bàn liên quan đến phương diện lễ chế. Nội dung của sách viết rất phức tạp, đại khái có thể chia thành: có thiên chép về lễ tiết, thể tài rất gần với sách Nghi lễ như các thiên “Bôn tang”, “Đầu hồ”; có thiên thuyết minh Nghi lễ như các thiên “Quan nghĩa”, “Hôn nghĩa”, “Hương ẩm tửu nghĩa”, “Xạ nghĩa”, “Yến nghĩa”, “Sính nghĩa” v.v...; có thiên chép về việc tang và tang phục như các thiên “Đàn cung”, “Tăng Tử vấn”, “Tang phục tiểu ký”, “Tạp ký”, “Tang đại ký”, “Bôn tang”, “Vấn tang”, “Phục vấn”, “Tam niên vấn”; có thiên chép các loại lễ tiết như các thiên “Vương chế”, “Lễ khí”, “Giao đặc sinh”, “Ngọc tảo”, "Minh đường vị”, “Tế pháp”, “Tế thống”, “Thâm y” v.v...; có thiên chép về sinh hoạt lễ tiết hàng ngày như các thiên “Khúc lễ”, “Nội tắc”, “Thiếu nghi”; có thiên chép ngôn luận của Khổng Tử như các thiên “Phòng ký”, “Tang ký”, “Tri y”, “Trọng Ni yến cư”, “Khổng Tử nhàn cư”, “Ai công vấn”, “Nho hạnh”. Kết cấu trong sách khá hoàn chỉnh về văn luận Nho gia như các thiên “Lễ vận”, “Học ký”, “Tế nghĩa”, “Kinh giải”, “Đại học”, “Trung dung" v.v... Lễ ký là một tư liệu quan trọng nghiên cứu tình huống xã hội và lễ chế cổ đại Trung Quốc, là sách cần thiết khi muốn tìm hiểu tư tưởng Nho gia thời Chiến quốc, Tần, Hán. Bản thông hành hiện nay của Lễ ký được in trong “Thập tam kinh chú sớ” của Trịnh Huyền và Khổng Dĩnh Đạt. Lễ ký đã có bản lược dịch chữ Việt của Nguyễn Tôn Nhan, nhà xuất bản Văn Học, 1998. ...
... LIỆT TỬ Tác phẩm triết học. Sách này đến năm 742 (Thiên Bảo nguyên niên đời Đường) được chiếu chỉ tôn xưng là “Xung Hư chân kinh”; năm 1007 (Cảnh Đức thứ 4 đời Tống) lại phong thêm hai chữ “Chí đức” thành “Xung Hư chí đức chân kinh” liệt vào hàng một trong những kinh điển quan trọng của Đạo giáo. Các bản cũ đề biên soạn là Liệt Ngự Khấu, người nước Trịnh đời Chiến quốc. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư chép sách này có 8 thiên, đã mất từ lâu. Bản Liệt Tử 8 thiên ngày nay có thể là tác phẩm của người đời Ngụy, Tấn nếu căn cứ vào hệ thống tư tưởng và phong cách ngôn ngữ. Toàn thư chia ra làm 134 đoạn ngắn, thể tài không hoàn toàn có thể là trứ tác của người trước đời Tần được, đại bộ phận thuộc các truyền thuyết thần thoại, ngụ ngôn và chuyện kể dân gian, có đoạn phản ánh chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân của giới thống trị phong kiến, có đoạn bao hàm quan điểm duy vật thô sơ của Đạo gia, có đoạn đưa ra nhiều nghi vấn trước hiện tượng tự nhiên, có đoạn phản đối truyền thống lễ giáo của Nho gia. Tất cả về đại thể chỉ quy về tư tưởng Lão Trang, thỉnh thoảng lại tham hợp cả tư tưởng kinh Phật. Sách không thiếu những thiên văn chương hay và giàu ý nghĩa giáo dục, văn phong mới mẻ hoạt bát, nhiều ví dụ sinh động hấp dẫn. Vì vậy, sách không những cần thiết cho việc nghiên cứu tư tưởng sử mà còn có địa vị nhất định trong văn học sử Trung Quốc. Chú giải có bản của Trương Trạm đời Tấn được coi là rõ ràng minh bạch. Xung Hư chân kinh đã được dịch ra chữ Việt bởi Nguyễn Tôn Nhan, nhà Xuất bản Văn Học, 1999. ...
... LIÊU TRAI CHÍ DỊ Tác phẩm đoản thiên tiểu thuyết lãng mạn của Bồ Tùng Linh* đời Thanh. Tác phẩm kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật truyền kỳ của người đời Ngụy Tấn và Đường, đẩy sáng tác tiểu thuyết văn ngôn đến đỉnh cao, tác phẩm miêu tả tuy là những chuyện ma tiên, hồ tinh, quỷ mị, nhưng từ những góc độ khác nhau vẫn phản ánh khúc chiết cuộc sống hiện thực rộng lớn, đưa ra khá nhiều vấn đề xã hội trọng đại, ký thác tình cảm yêu ghét của chính tác giả. Có câu chuyện vạch trần sự hắc ám của xã hội lúc ấy, phê phán bọn tham quan ô lại, tội ác của bọn thân hào, tán dương sự tranh đấu của nhân dân quần chúng, có chuyện bộc lộ và đả kích tội ác tệ đoan của chế độ khoa cử phong kiến, nhưng nhiều nhất là các chuyện thông qua ái tình hôn nhân trai gái để tán dương tinh thần tự do và cá tính luyến ái. Những câu chuyện này đều có ý nghĩa tiến bộ, thế nhưng, trong tác phẩm cũng có một số chuyện bị nhiễm đậm tư tưởng mê tín và dấu tích của đạo đức phong kiến, thậm chí có chuyện còn miêu tả tình dục hơi dung tục. Liêu Trai chí dị là một tập đoản thiên tiểu thuyết có giá trị nghệ thuật độc đáo với tưởng tượng phong phú, kết cấu khéo léo kỳ lạ, tình tiết khúc chiết, hình tượng minh bạch, thấm đầy hiện thực và lãng mạn. Liêu Trai chí dị ngoài bản dịch toàn bộ ra chữ Việt của Trần Văn Từ và Nguyễn Chí Viễn còn rất nhiều bản trích dịch, tiêu biểu là các bản trích của Tản Đà, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Hoạt v.v... ...
... LINH HIẾN Tác phẩm thiên văn học do khoa học gia Trương Hành* đời Đông Hán biên soạn. Nội dung chủ yếu của sách gồm: 1- Kể tường tận khởi nguyên của trời đất, kết cấu của vũ trụ, tình trạng vận hành của mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao. 2- Giải thích quy luật vận hành của mặt trời, xác định vị trí và tên gọi của đường Hoàng đạo, Xích đạo, tìm hiểu nguyên nhân tại sao ngày mùa hè dài, ngày mùa đông ngắn. 3- Minh xác được thực thể phản quang của mặt trăng, mặt trăng tròn khuyết và nguyên nhân nhật thực, nguyệt thực, tính toán cả đến trực kính của mặt trời và mặt trăng. 4- Cung cấp một số con số đáng tin về thiên văn, ghi chép hằng ngàn hằng tinh mà mắt thường nhìn thấy được. 5- Đưa ra quan điểm vô hạn luận về vũ trụ và giải thích nó. Tóm lại, sách đặt ra toàn diện và hệ thống nguyên lý cơ bản về “Hỗn thiên thuyết”, nhưng sách còn chứa lẫn lộn một số thành phần mê tín phong kiến. Dù cho như thế, sách vẫn là một tác phẩm quan trắc thiên văn cổ đại có thành quả nghiên cứu khoa học tiên tiến. ...
... LUẬN HÀNH Tác phẩm triết học do nhà duy vật thô sơ, nhà phê bình văn học Vương Sung* đời Đông Hán biên soạn, gồm 30 quyển, 85 thiên, trong ấy “Chiêu trí thiên” đã mất, hiện còn 84 thiên, gồm hơn 20 vạn chữ. Tác giả cảm vì “sách giả văn tục, phần lớn không thành thực” (Ngụy thư tục văn, đa bất thành thực - bài Tự kỷ) nên bỏ ra hơn 30 năm viết thành sách này. Nội dung sách đề cập đến mọi vấn đề quan trọng của triết học, chính trị, tông giáo, văn hoá. Về vũ trụ quan, ông cho rằng “nguyên khí” là vật chất cơ sở nguyên thủy của vạn vật trời đất, cho rằng “trời đất hợp khí, muôn vật tự sinh” (Thiên địa hợp khí, vạn vật tự sinh), dùng quy luật tự nhiên của tự nhiên giới thay thế cho mục đích luận thần học. Về nhận thức luận, ông phê phán tiên nghiệm luận “thánh nhân sinh ra là đã biết” do chủ nghĩa duy tâm tuyên truyền, ông nhấn mạnh phải học rộng để hiểu biết cổ kim. Về nhân tính luận, ông chủ trương tính người có Thiện và Ác, ông chia tính người thành ba cấp Thượng, Trung và Hạ. Về quan hệ giữa hình và thần, ông đề xuất quan điểm tinh khí cần phải dựa vào hình thể, hình thể chết đi, tri giác cũng ngừng, phê phán tư tưởng mê tín sấm vĩ. Về lịch sử quan, ông phản đối tư tưởng tiến hoá “tôn sùng cổ, chê bai nay”. Về quan hệ học phái, ông phê phán mọi học phái có tư tưởng mê tín từ Khổng, Mạnh, Tuân, Mặc, Danh gia, Pháp gia, Đạo gia, Âm Dương gia. Ngoài ra, trong sách còn khá nhiều tri thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Vì sách có tính chiến đấu tranh luận rất cao nên vừa ra đời đã bị giới thống trị ghép vào loại “tà thuyết dị đoan” và bị đè nén trong một thời gian dài, từ sau đời Tống, Minh mới dần dần được coi trọng. Vương Sung gần như khiêu chiến với toàn bộ tư tưởng thần học “Thiên nhân cảm ứng” đời Tây Hán và bọn “Sấm vĩ mê tín" đương thời, đặc biệt, ông đã khai sáng ra giai đoạn mới cho chủ nghĩa duy vật thô sơ với nguyên khí tự nhiên luận, cống hiến quan trọng cho triết học cổ đại, nhưng do trình độ hạn chế của nhận thức thời đại, khiến ông cho rằng con người thọ hay yếu, quý hay tiện, quốc gia trị hay loạn, an hay nguy đều bị chi phối bởi “thời số”, lý luận số mệnh duy tâm ấy phản ánh tự nhiên trong sách ông. Sách này từ đời Minh, Thanh đến nay có nhiều người chú giải, ngày nay, có bản “Luận hành tập giải” của Lưu Phán Toại do Cổ Tịch xuất bản xã in năm 1957 đáng để tham khảo. ...
... LUẬN NGỮ Tập ghi lại ngôn ngữ cử chỉ của Khổng Tử* và một số học trò, một trong những kinh điển trọng yếu của Nho gia. Sách này không phải là tác phẩm của một người viết trong một lúc mà là những hồi ức của học trò và học trò đời sau Khổng Tử ghi nhớ lại, trải qua nhiều lần biên tập chỉnh lý mới có diện mục hiện nay. Toàn thư khoảng 1 vạn 2 ngàn chữ, gồm 20 thiên, trong đó 10 thiên đầu hoàn thành hơi sớm, phản ánh rất đáng tin cậy tư tưởng và thời đại Khổng Tử, 10 thiên sau biên tập muộn hơn. Theo nghiên cứu của các học giả, Luận ngữ hoàn thành cuối cùng là vào khoảng đầu đời Chiến quốc, có thể sớm hơn Tả truyện* chút ít và có thể dùng để bổ sung những chỗ thiếu sót của Tả truyện. Luận ngữ là một tư liệu cơ bản để nghiên cứu học thuyết Khổng Tử và cũng là tư liệu quan trọng nghiên cứu tư tưởng sử, giáo dục sử, văn hoá sử, xã hội sử Trung Quốc. Luận ngữ truyền đến đời Hán, xuất hiện 3 loại văn bản khác nhau là “Lỗ Luận ngữ”, “Tề Luận ngữ” và “Cổ văn Luận ngữ”. Cả ba bản này từ nội dung, thiên chương, đến thứ tự mỗi thiên đều có xuất nhập. Cuối đời Tây Hán, lão sư của Hán Thành đế là Trương Võ truyền đọc "Lỗ Luận ngữ”, vì thế được lưu truyền rộng ra. Toàn thể sách viết theo thể “ngữ lục”, nội dung chủ yếu giảng thuyết về Nhân, Lễ, Hiếu đễ, Trung hiếu của Khổng Tử. Hiện nay thông hành có bản chú giải khá tốt của Hà Án (đời Ngụy, Tam quốc), Luận ngữ chú sớ và bản Luận ngữ tập của Chu Hi đời Tống. Luận ngữ có nhiều bản dịch chữ Việt, chủ yếu là bản dịch của Lê Phục Thiện (theo bản Chu Hi) do bộ Giáo Dục Sàigòn xuất bản 1962.
... NAM KHA THÁI THÚ TRUYỆN Tác phẩm tiểu thuyết truyền kỳ đời Đường của Lý Công Tá*. Nội dung mô tả Thuần Vu Phần uống rượu say, nằm mộng tới nước Hoè An, được làm phò mã cưới công chúa, lại được làm Thái thủ Nam Kha. Nhờ có chính tích, Phần càng ngày càng leo cao trong sự hiển quý. Sau đó vì đánh thua ngoại tộc, công chúa chết và Phần bị đuổi quay về nhà, tỉnh dậy mới biết đây chỉ là giấc mộng ngắn ngủi, nước Hoè An trong mộng chỉ là một tổ kiến. Từ đó Thuần Vu Phần tỉnh ngộ, hiểu ra sự vô thường của kiếp người và sự hư ảo của phú quý, bèn tìm vào Đạo giáo. Tác giả thông qua câu chuyện mộng ảo, chỉ trích số văn nhân phong kiến say đắm vào công danh lợi lộc, biểu hiện lòng khinh miệt của tác giả đối với vinh hoa phú quý, đồng thời cũng vạch trần hiện tượng xấu xa tranh quyền đoạt lợi dưới chế độ phong kiến. Tác phẩm truyền kỳ tiểu thuyết này phản ánh rõ ràng tình hình biến động của lòng người và xã hội đời trung Đường, cái gọi là quan cao bổng nhiều và vinh hoa phú quý chẳng qua chỉ là giấc mộng mà thôi. Nam Kha Thái thú truyện là truyện truyền kỳ có đề tài phủ định công danh lợi lộc, tác giả thông qua hoạt động của nhân vật trong giấc mộng mà cấu tạo nên câu chuyện, kết hợp giữa mộng ảo và hiện thực để khắc họa nhân vật làm lộ rõ chủ đề, khiến ý nghĩa phúng thích của tác phẩm đạt tới hiệu quả nghệ thuật biểu đạt. Đời Đường do nhờ kinh tế chính trị đều phát triển, thúc đẩy sự phồn vinh của tiểu thuyết truyền kỳ. Thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều cũng đã có những loại tiểu thuyết chí quái, tiểu thuyết dật sự, nhưng các tác phẩm thiếu độ dài, tình tiết đơn giản, thiếu hẳn ý nghĩa điển hình. Dù sao, các tác gia tiểu thuyết truyền kỳ đời Đường cũng dựa trên cơ sở ấy, trải qua chuyên cần thực tiễn nghệ thuật, bất luận về nội dung hay đề tài, tác phẩm đời Đường cũng đạt được thành tựu mới mẻ. Tiểu thuyết đến đời Đường đã bước vào giai đoạn chín muồi mà Nam Kha Thái thú truyện là một trong những tác phẩm có ảnh hưởng đáng kể. ...
... MẠNH TỬ Sách ghi chép những lời đối thoại và ngôn hành của Mạnh Kha*. Đây là một trong những kinh điển quan trọng của Nho gia, được biên soạn bởi Mạnh Kha và các môn đồ như Vạn Chương, Công Tôn Sửu vào giữa đời Chiến quốc; một thuyết khác cho rằng là do đệ tử và đệ tử tái truyền của Mạnh Kha ghi chép lại. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư chép Mạnh Tử có 11 thiên, bản hiện còn có 7 thiên. Mạnh Kha là nhân vật đại biểu nhất của học phái Nho gia kế tiếp Khổng Tử*. Sách Mạnh Tử chép khá kỹ hoạt động chính trị, học thuyết chính trị và triết học luận lý giáo dục của Mạnh Kha, là tư liệu văn hiến quan trọng nhất để nghiên cứu tư tưởng của họ Mạnh. Sách phát huy chữ Nhân của Khổng Tử trở thành Nhân chính và dùng Nhân chính để phản đối bạo lực, phản đối bạo lực cách mạng. Chủ trương quay trở lại chế độ “tỉnh điền”, nhận định “dân là quý, đất nước ở hàng thứ, vua đáng khinh (Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh) biểu hiện được tư tưởng vì dân nhất định. Sách tuyên dương “Thiên mệnh luận” duy tâm cho rằng “Tính thiện” là bản chất trời cho của con người và Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí là điều “người ta ai cũng có”, từ đó kiến lập hệ thống tư tưởng “Tận tâm”, “Tri tính”, “Tri thiên”, ông còn kết hợp giữa Thiên và Tài để cổ xúy cái gọi là “Thiên chi giáng tài” v.v... Văn chương của Mạnh Tử sinh động, thuyết lý minh bạch, lý luận vững vàng chặt chẽ, có thể xứng đáng gọi là kiệt tác của Tản văn chư tử trước đời Tần, xứng đáng có giá trị văn học cực cao. Từ trước đời Tống, Mạnh Tử đã được xếp vào “Tử bộ” Nho gia, đến Chu Hi đời Nam Tống xếp vào một trong “bốn sách” (Tứ thư) và có bản chú giải Mạnh Tử tập chú. Mạnh Tử đã được dịch ra chữ Việt nhiều lần, tiêu biểu là bản dịch của Nguyễn Thượng Khôi (theo bản của Chu Hi), do Trung Tâm Học Liệu Sàigòn xuất bản, 1968. ...
... MẪU ĐƠN ĐÌNH Tác phẩm hí khúc của kịch tác gia kiệt xuất Thang Hiển Tổ* viết trong khoảng Vạn Lịch đời Minh, còn có tên là “Hoàn hồn ký”. Nội dung như sau: Đỗ Lệ Nương tuổi trẻ đa tình, trong giấc mộng gặp gỡ thư sinh Liễu Mộng Mai rồi yêu nhau, sau khi tỉnh giấc vương vấn lo buồn đến nỗi sinh bệnh qua đời. Ba năm sau, Mộng Mai trên đường đi thi qua mộ Lệ Nương, nhìn được bức tranh vẽ nàng thì cũng hết sức ái mộ. Âm hồn của Lệ Nương thoát ra bức tranh, kết hợp với Mộng Mai. Sau khi hiểu mối tình, Mộng Mai cho đào mộ mở áo quan, Lệ Nương sống dậy cùng nhau kết duyên vợ chồng. Cha của Lệ Nương là Thái thú Nam An Đỗ Bảo cho rằng Mộng Mai phạm tội đào mồ ăn trộm, phạt giam chàng và cưỡng bức Lệ Nương phải ly dị. Sau đó Mộng Mai thi đậu Trạng nguyên, chàng và nàng cuối cùng được đoàn viên. Kịch tuy miêu tả ái tình đầy sắc thái hư ảo lãng mạn nhưng tác giả rất nhiệt tình ca ngợi sự phản đối lễ giáo phong kiến của Đỗ Lệ Nương và Liễu Mộng Mai, quyết liệt đấu tranh đi tìm sự thể hiện cá tính với tình yêu bất khuất, biểu hiện tình cảm yêu ghét phân minh của tác giả. Thông qua kịch bản, tác giả đã can đảm đưa ra tư tưởng đòi phá vỡ lễ giáo cũ kỹ, đả phá tư tưởng thống trị, rõ ràng có ý nghĩa thời đại tích cực. Tình tiết Mẫu đơn đình khúc chiết, văn vẻ diễm lệ cao xa, hình tượng nhân vật rõ nét, có tính điển hình rất cao. Do vậy, mấy trăm năm nay, Mẫu đơn đình rất được mọi người yêu thích, đây là thành tựu cao nhất trong sáng tác Hí khúc dưới triều Minh. ...
... MẶC TỬ Tổng tập kinh điển của Mặc gia, một trong những tác phẩm tản văn lý luận trước đời Tần. Tựa đề cũ ghi do Mặc Địch* người nước Lỗ đời Chiến quốc biên soạn. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* ghi có 71 thiên, đời Tống mất 18 thiên, hiện còn 53 thiên. Đại bộ phận là do đệ tử hoặc đệ tử cách đời của Mặc Tử chép lại ngôn hành của thầy. Trong ấy, các thiên “Kiêm ái”, “Phi công”, “Thiên chí”, “Minh quỷ”, “Thượng hiền”, “Thượng đồng”, “Phi nhạc”, “Phi mệnh", “Tiết táng”, “Tiết dụng” là đại biểu chủ yếu của tư tưởng Mặc Tử. 6 thiên “Kinh” (thượng, hạ); “Kinh thuyết" (thượng, hạ); “Đại thủ”, “Tiểu thủ” là trứ tác của Mặc gia đời sau. Đời sau gọi là “Mặc kinh”, khái quát cơ bản chủ trương và học thuyết Mặc gia, chủ yếu có thành quả nhiều mặt về nhận thức luận duy tâm, tư tưởng luận lý và khoa học tự nhiên. 11 thiên, từ thiên “Bị thành môn” trở về sau, hoàn toàn giảng về kỹ thuật chế tạo cơ giới và thuật giữ thành trì, là sử liệu về tư tưởng quân sự của Mặc Tử và các đệ tử, có người cho rằng đây là phần do người đời Hán biên soạn. Ngoài ra, có các thiên "Thân sĩ”, “Tu thân” chép hỗn tạp cả tư tưởng Đạo gia và Nho gia. Sách có giá trị tham khảo quan trọng để nghiên cứu các mặt chính trị sử, triết học sử, tư tưởng sử, khoa học sử, quân sự sử trước đời Tần. Các học giả đời Thanh góp phần lớn vào việc chú giải Mặc Tử, ví dụ bản “Mặc Tử gián hỗ” của Tôn Di Nhượng là bản khá hoàn thiện. Mặc Tử đã có bản lược dịch ra chữ Việt bởi Nguyễn Hiến Lê. ...
... MỘNG KHÊ BÚT ĐÀM Bộ sách tổng biên bảo tồn khá hoàn chỉnh sử liệu về khoa học kỹ thuật của Trung Quốc do Thẩm Quát đời Bắc Tống biên soạn, cũng là một bộ sách lịch sử có giá trị sử liệu rất cao. Vì tác giả viết sách này vào cuối đời khi định cư ở vườn Mộng Khê, Nhuận châu (nay là Trấn Giang) nên sách có tên như trên. Sách hoàn thành vào cuối thế kỷ 11, nguyên bản gồm 26 quyển, chia ra 17 mục là Cố sự, Biện chứng, Nhạc luật, Tượng số, Nhân sự, Quan chính, Quyền trí, Nghệ văn, Thư họa, Kỹ nghệ, Khí dụng, Thần kỳ, Dị sự, Mậu ngộ, Cơ ngược, Tạp chí, Dược nghị. Trong số ấy, bộ phận khoa học tự nhiên đã tổng kết được thành tựu khoa học tự nhiên của Trung Quốc, đặc biệt là khoa học tự nhiên đời Bắc Tống. Phần ghi chép các phát minh sáng tạo như kỹ thuật in “hoạt tự” (in chữ rời) của Tất Thăng, phương pháp tiên tiến nối ráp cầu qua sông, “Mộc kinh” của Dụ Hạo và các thành tựu kiến trúc v.v... Về bộ phận liên quan tới hiện tượng lịch sử xã hội, có nhiều điều mục ghi chép về chính trị, quân sự lúc ấy và các câu chuyện dật sự, chuyện kể văn nghệ. Trong ấy, có nhiều chuyện lịch sử tránh né không nhắc tới như chuyện về cuộc khởi nghĩa của Lý Thuận, cuộc chống Tây Hạ của Chung Thế Hành và Chung Ngạc v.v... Vì vậy, sách cung cấp khá nhiều tư liệu quý về sử học đồng thời lại có giá trị nhất định về lịch sử xã hội. Gần đây có bộ Mộng Khê bút đàm do Hồ Đạo Tĩnh khảo chứng (1962, Trung Hoa thư cục tái bản) rất tiện duyệt đọc. ...
... NGHI LỄ Sách tập họp một bộ phận lễ chế đời Xuân Thu Chiến quốc, nguyên tên là Lễ. Người đời Hán gọi là Sĩ Lễ, lại gọi là Lễ Kinh, đến đời Tấn mới bắt đầu gọi tên Nghi Lễ, là một trong các kinh điển của Nho gia. Sách gồm 17 thiên, ghi chép nghi thức cụ thể về các sinh hoạt: lễ thành niên (Quan), lễ hôn nhân (Hôn), lễ tang (Tang), lễ tế (Tế), ăn uống (Ẩm), bắn cung (Xạ), yến tiệc (Yến), triều cống sính lễ (Sính) và bái kiến, yết kiến (Cận). Nghiên cứu sách này, chúng ta có thể biết được mọi tình hình về quan hệ thân tộc, tư tưởng tông giáo và đời sống của giai cấp thống trị cổ. Sách này là y cứ quan trọng cho các triều đại phong kiến chế định các nghi thức lễ chế, trong ấy, Tang phục thiên là một thiên có tính văn hiến rất đặc thù, có ảnh hưởng lớn về cách mặc tang phục sau này. Theo truyền thuyết, tác giả sách Nghi Lễ là Chu công Đán, thuyết khác lại cho Khổng Tử* là người biên định; nhưng theo nghiên cứu văn bản học và khảo cổ học gần đây, Nghi Lễ được biên soạn vào đời Chiến quốc. Bản chú giải quan trọng là của Trịnh Huyền (đời Đông Hán). ...
... NGỌC THIÊN Bộ tự điển của nhà huấn hỗ học đời Lương Nam triều là Cố Dã Vương biên soạn. Toàn thư gồm 30 quyển, nguyên bản thu chép được 1 vạn 6 ngàn 9 trăm 17 chữ. Bản hiện nay có tới hơn 2 vạn 7 trăm chữ là bản do Tôn Cường, học giả đời Đường tăng bổ thêm. Nguyên bản Ngọc Thiên vốn thất lạc từ rất sớm, bản thông hành hiện nay, “Đại Quảng Ích Hội Ngọc Thiên", đã qua sự tăng bổ thêm chữ của Tôn Cường đời Đường, sau đó, lại qua sự trùng tu sửa chữa của các ông Trần Bành Niên, Ngô Nhuệ, Khâu Ung đời Tống. Xét về bản đang thông hành hiện nay, quy cách biên soạn của Ngọc Thiên khá giống cơ bản với Thuyết văn giải tự*, nhưng nội dung Ngọc Thiên lớn hơn Thuyết văn rất nhiều. Tác giả Ngọc Thiên tập họp các loại tư liệu huấn hỗ từ đời Ngụy, Tấn trở về trước, khi giải thích chú trọng hoàn bị, chân thực, so với Thuyết văn có tính thực dụng và tính phổ cập nhiều hơn. Ngọc Thiên chia các chữ ra làm 542 bộ, nhiều hơn 2 bộ so với Thuyết văn, thứ tự sắp xếp của bộ cũng khác với Thuyết văn. Bộ thủ của Thuyết văn sắp xếp theo phương pháp “liên hệ theo hình chữ” (Cứ hình hệ liên); còn phương pháp của Ngọc Thiên là “dùng nghĩa chữ gom loại” (Dĩ nghĩa loại tụ). Quy cách giải nghĩa của Ngọc Thiên như sau: mỗi chữ trước tiên dùng luật “phiên thiết” chú âm đọc rồi giải thích nghĩa bằng cách dẫn chứng kinh điển, có dẫn tài liệu chú thích của các sách khác. Tóm lại, cách giải nghĩa chữ của Ngọc Thiên nếu so với Thuyết văn phong phú hơn rất nhiều. Hiện có bản hiệu đính của La Chấn Ngọc rất có giá trị. ...
... NHĨ NHÃ Tác phẩm huấn hỗ học (giải thích chữ) do các học giả đầu đời Hán biên tập ghi chép từ các sách vở cũ có hiệu đính tăng bổ thêm. Đây là chuyên thư giải thích chữ nghĩa kinh văn sớm nhất, hoàn chỉnh nhất của Trung Quốc cổ đại. Tông chỉ biên soạn là giải thích những chữ khác nhau xưa nay, giải nghĩa phương ngôn ở các vùng đất khác nhau, làm cho những từ ngữ xa lạ tiếp cận “nhã ngôn” (tức chữ phổ thông, chữ cộng đồng dễ hiểu). Toàn thư gồm 19 thiên, ba thiên đầu Thích hỗ, Thích ngôn, Thích huấn giải thích tất cả từ ngữ và quy tất cả các chữ cùng nghĩa vào một mối rồi dùng chữ thường dùng để giải thích. 16 thiên sau là tên các loại danh vật. Thích thân giải thích tên gọi người trong thân thuộc, Thích cung giải thích tên gọi cung thất, nhà cửa, Thích khí giải thích tên gọi các dụng cụ khí vật, Thích nhạc giải thích tên gọi âm nhạc và nhạc khí, Thích thiên giải thích tên gọi thiên văn, Thích địa, Thích khâu, Thích sơn, Thích thủy giải thích tên gọi địa lý, Thích thảo, Thích mộc, Thích trùng, Thích ngư, Thích điểu, Thích thú, Thích súc giải thích các tên gọi thực vật và động vật. Nhĩ Nhã lưu giữ được một phần lớn từ ngữ Hán ngữ cổ đại là sách công cụ quan trọng khi nghiên cứu văn hiến cổ điển trước đời Tần, là tư liệu tham khảo trọng yếu khảo chứng nghĩa chữ và tên các vật loại cổ. Sách này có giá trị hết sức quan trọng trong lịch sử huấn hỗ học, nhưng do vì sách ra đời quá sớm nên cũng còn ít nhiều khiếm khuyết vì giới hạn thời đại, ví dụ từ ngữ và giải thích trong sách nhiều điều mục chưa hoàn bị. Về phân loại cũng có phần không khoa học, về phần giải thích nhiều chữ rơi vào giản đơn, phiến diện v.v... Sách Nhĩ Nhã được các nhà Huấn hỗ học và học giả lịch đại coi trọng, các Kinh học gia đời sau thường dùng sách để giải thích kinh nghĩa Nho gia. Đến các đời Đường, Tống sách được xác định vào một trong 13 kinh (Thập tam kinh) và được chú giải rất nhiều ấn bản. Trong ấy, có ảnh hưởng lớn nhất, thành tựu cao nhất, là bản chú giải của nhà Huấn hỗ học Quách Phác* đời Tấn. ...
... NHỊ PHÁCH Tập tiểu thuyết đoản thiên do Lăng Mông Sơ* viết vào khoảng niên hiệu Sùng Trinh đời Minh, tức “Sơ khắc phách án kinh kỳ” và “Nhị khắc phách án kinh kỳ” gồm 80 thiên. Đây là loại “nghĩ thoại bản” (bắt chước thể thoại bản) có ảnh hưởng khá lớn xuất hiện kế tiếp sau Tam ngôn*. Chủ đề Nhị phách đa phương diện: Một, miêu tả hoạt động của bọn con buôn kiếm lợi và hành vi mạo hiểm ra hải ngoại, từ đó cho chúng ta biết sự phát triển của thương nghiệp cuối đời Minh. Hai, miêu tả tình yêu trai gái, trong các tác phẩm này (ví dụ “Tuyên Huy viện sĩ nữ thu thiên hội”), tác giả ca tụng những mối tình chân thật, tố cáo những mối tình giả dối. Ba, miêu tả những hành vi nghĩa hiệp, thông qua những tác phẩm ấy tác giả tán dương nghĩa cử cướp của người giàu cứu tế người nghèo. Bốn, miêu tả bọn quan lại tham lam xấu xa, vạch trần bọn cai trị tham độc và bản chất hiểm ác của chúng. Trong Nhị Phách có ít tác phẩm hay, khuynh hướng cơ bản của sách là tiêu cực. Trong khá nhiều thiên chương, nó đẫm màu sắc dục và tuyên truyền thuyết giáo cho loại tư tưởng nhân quả báo ứng, thậm chí còn nhiều đoạn miêu tả nông dân như kẻ thù. Dù sao, cùng với Tam ngôn, Nhị Phách là tác phẩm đại biểu cho thành tựu loại “nghĩ thoại bản” cuối đời Minh, có ảnh hưởng nhất định đối với sáng tác văn học đời sau. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index... ...