... NHO LÂM NGOẠI SỬ Tác phẩm tiểu thuyết phúng thích của Ngô Kính Tử* đời Thanh. Thế kỷ thứ 18, nước Trung Hoa đang sống dưới xã hội phong kiến thống trị của tộc Mãn Thanh, thực hành chế độ khoa cử để chọn kẻ có học. Chế độ ấy tạo nên độc hại làm tê liệt mọi đời sống nhân dân. Tác giả vận dụng toàn bộ tình cảm căm hận đau khổ viết nên bộ tiểu thuyết này. Trong tác phẩm, tác giả dùng tài năng nghệ thuật kiệt xuất xây dựng nên một loạt hình tượng khác nhau của xã hội phong kiến, trong ấy có học trò nôn nóng vì công danh lợi lộc; có bọn vô học lưu manh; có viên quan tàn nhẫn tham lam; có bọn thân hào hãm hại dân lành, ngang ngược tác quái v.v... Từ đó vô tình vạch trần và đả kích chế độ khoa cử đầy tội ác thối nát. Tác giả cũng xây dựng một số hình tượng chính diện như Vương Miện học rộng mà chịu yên với cảnh nghèo; Đỗ Thiếu Khanh khinh tài trọng nghĩa, giúp người làm vui v.v... Với họ, tác giả gởi gắm chủ trương và lý tưởng của bản thân mình. Tác phẩm này không có sự kiện và nhân vật quán xuyến toàn bộ mà chỉ với chủ đề thống nhất vạch trần tội ác của chế độ khoa cử phong kiến, đưa ra từng đoạn chương. Đặc sắc của tác phẩm là có nghệ thuật rõ ràng. Tác giả dùng ngọn bút sắc nhọn vạch trần sâu sắc sự vật nội tại với sự phúng thích ý vị. Ngôn ngữ tác phẩm chân thật, thông tục, chuẩn xác, sinh động đầy cá tính. Nhờ những điều kiện ấy tác phẩm đạt tới đỉnh cao của tiểu thuyết phúng thích Trung Quốc. Nho Lâm ngoại sử đã được dịch ra chữ Việt bởi Phan Võ và Nhữ Thành, nhà Xuất bản Văn Học, 1989 với tựa đề là Chuyện làng Nho. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index... ...
... PHƯƠNG NGÔN Bộ chuyên luận huấn hỗ do học giả trứ danh Dương Hùng* đời Tây Hán biên soạn. Tổng cộng gồm 15 quyển, ghi được hơn 9000 chữ. Sách này mô phỏng quy cách giải thích chữ của Nhĩ Nhã*, cứ theo ý nghĩa của từ ngữ phân loại rồi quy nạp giải thích các từ ngữ phương ngôn cổ kim đồng nghĩa ở các địa phương, cuối cùng khái quát ý nghĩa chung của chúng và chia ra từng phạm vi địa phương mà chúng thông hành. Xem sách này có thể nhận ra được trạng huống ngôn ngữ đời Hán. Phương ngôn cũng như Nhĩ Nhã đều là loại chuyên luận huấn hỗ, phương pháp giải thích chữ cũng có điểm tương tự như Nhĩ Nhã, mỗi điều mục đều liệt kê nhiều chữ đồng nghĩa rồi dùng những chữ thông dụng để giải thích; chỉ khác, Nhĩ Nhã ghi chép phần lớn là cổ thư cổ huấn, còn Phương ngôn ghi chép những khẩu ngữ của người đương thời; vì vậy, Phương ngôn cũng có những điểm khác với Nhĩ Nhã, đặc biệt nó chỉ ra cho biết chữ ấy thuộc về phương ngôn địa phương nào. Ví dụ trong Phương ngôn quyển 1: “(Các chữ) Giá 嫁, Thệ 逝, Tồ 徂, Thích 適 (đều là) Vãng 往 (đi tới), đây là chỗ giống Nhĩ Nhã, nhưng phần giải thích: “Từ nhà đi ra gọi là giá, như con gái ra đi (lấy chồng) là giá vậy. Thệ là tiếng (của nước) Tần, Tấn. Tồ là tiếng (nước) Tề; Thích tiếng (nước) Tống, Lỗ. Vãng là tiếng phổ thông thường dùng” (Tự gia nhi xuất vị chi giá, do nữ xuất vi giá dã; Thệ, Tần Tấn ngữ dã; Tồ, Tề ngữ dã; Thích, Tống Lỗ ngữ dã; Vãng, phàm ngữ) lại là chỗ khác Nhĩ Nhã. Phương ngôn là tư liệu tham khảo quan trọng để chúng ta nghiên cứu văn học cổ và ngữ âm cổ, đồng thời có giá trị tham khảo đối với việc nghiên cứu phương ngôn cổ và sự diễn biến của phương ngôn hiện đại. ...
... QUẢN TỬ Trứ tác của nhóm “Tắc Hạ” nước Tề đời Chiến quốc, trong sách có phần bổ sung của người đời Hán, mượn tên tác giả là Quản Trọng* nước Tề đời Xuân Thu. Đại thể sách hoàn thành từ cuối đời Chiến quốc đến đầu đời Hán, gồm 24 quyển. Đời Tây Hán, Lưu Hướng hiệu đính xác định thành 86 thiên, ngày nay còn lại 76 thiên. Nội dung sách này bác tạp hỗn loạn, bao hàm tư tưởng các phái Nho gia, Đạo gia, Pháp gia, Danh gia, Binh gia, Nông gia, Tung Hoành gia, Âm Dương gia, đến các tri thức về thiên văn, dư địa, lịch số, kinh tế, nông nghiệp v.v... nhưng tư tưởng chủ yếu vẫn là tư tưởng Pháp gia mà đại biểu là Quản Trọng nước Tề. Trong sách đề xuất tư tưởng duy vật phác tố coi “nước” (Thủy) và “khí” (Khí) là bản nguyên của vạn vật, cho rằng trời là tự nhiên giới, có quy luật vận động tự thân, đưa ra quan điểm “Đạt tới đạo của trời, mọi sự giống như tự nhiên” (Đắc thiên chi đạo, kỳ sự nhược tự nhiên), cho rằng nắm được quy luật của tự nhiên giới thì làm việc nhất định thành công. Đồng thời sách nhấn mạnh tác dụng của “Pháp trị” (cai trị nước bằng pháp luật) coi “Pháp” là nguyên tắc tối cao và là gốc của việc trị dân. Có đủ pháp lệnh, “Vua tôi trên dưới quý hay hèn đều (sống) theo Pháp luật” (Quân thần thượng hạ quý tiện giai tòng pháp). Sách tiến hành phê phán cả chế độ “Tỉnh điền”, đưa ra chủ trương đánh tô thuế căn cứ vào sản vật trên thực địa, nhấn mạnh muốn trị nước phải phát triển sự nghiệp kinh tế, phát triển các mặt sinh sản, muối, sắt, khoáng sản, rừng, thương nghiệp, thủy lợi, thổ nhưỡng v.v... Các thiên “Khinh trọng” trong sách là trứ tác bàn nhiều đến vấn đề kinh tế cổ đại, có giá trị rất lớn về sinh sản, phân phối, giao dịch, buôn bán và tài chính. Các bản chú giải sách quan trọng ngày nay có "Quản Tử tập hiệu” của Quách Mạt Nhược. ...
... QUẢNG NHÃ Bộ sách chuyên luận huấn hỗ do nhà Huấn hỗ học đời Ngụy là Trương Ấp biên soạn. Sách dựa trên cơ sở sách Nhĩ Nhã* rồi bổ sung, phát huy rộng thêm để thành một từ thư. Sách còn có tên là Bác Nhã (học giả đời Tùy là Tào Hiến khi thích âm sách Quảng Nhã này, vì kỵ húy tên của Tùy Dượng đế Dương Quảng nên phải đổi tên, hai chữ Quảng và Bác đều có nghĩa là rộng). Toàn thư chia ra làm 3 quyển thượng, trung và hạ. Từ đời Đường trở về sau, chia ra làm 10 quyển, đến đời Thanh bản của Vương Niệm Tôn lại chia ra làm 20 quyển. Cách thực hiện soạn của Quảng Nhã tương đồng với Nhĩ Nhã, chỗ khác nhau giữa hai sách này là Quảng Nhã thu chép thêm nhiều từ ngữ mới (có giải thích) mà Nhĩ Nhã chưa kịp thu chép, sự giải thích cũng linh hoạt hơn, các thiên chương mở rộng phạm vi hơn, ví dụ như thiên Thích thân bao quát giải thích cả nhân thân hình thể, thiên Thích thủy bao quát giải thích cả thuyền bè v.v... Quảng Nhã sưu tập, bảo tồn khá nhiều nghĩa từ cổ nghĩa, đặc biệt là từ ngữ hai đời Hán và các tư liệu huấn hỗ trong các thư tịch khác, điều ấy có giá trị tham khảo lớn đối với học giả đời sau và được các Huấn hỗ gia lịch đại coi trọng. Vì những điểm ấy, sách là tác phẩm quan trọng trong lịch sử huấn hỗ học cổ đại. ...
... QUẢNG VẬN Bộ “Vận thư” do nhóm học giả Trần Bành Niên, Khâu Ung đời Tống biên soạn. Sách này kế thừa đời trước mở đường cho đời sau, có địa vị quan trọng trong lịch sử âm vận học Trung Quốc. Sách hoàn thành năm 1008 (niên hiệu Đại Trung Tường Phù nguyên niên đời Tống), tên đầy đủ là “Đại Tống trùng tu quảng vận” do nhóm Trần Bành Niên, Khâu Ung vâng theo chiếu chỉ hoàng đế hiệu đính sửa chữa sách Thiết Vận* biên soạn thành. Trong quá trình hiệu đính sửa chữa, các tác giả có tham khảo các vận thư khác như Vương Vận, Đường Vận, Thiết Vận của Lý Chu v.v... tuyển chọn hấp thu sở trường và xả bỏ khuyết điểm của các bộ ấy. Ngoài việc tăng thêm chữ và thêm chú thích, Quảng Vận còn đính chính thêm các bộ mục. Toàn thư gồm 5 quyển, thu chép hơn 26 vạn chữ Hán, sắp xếp theo phương pháp “cùng một âm tập hợp loại” (đồng âm loại tụ), đem tất cả chữ Hán thu chép được xếp vào 206 vần. 206 vần ấy lại xếp theo thanh điệu, chữ âm Bình thanh nhiều nhất chia làm 2 quyển thượng và hạ, trong ấy Thượng bình thanh có 28 vần, Hạ bình thanh có 29 vần. Mỗi thanh Thượng, Khứ, Nhập có một quyển, trong ấy Thượng thanh có 55 vần, Khứ thanh có 60 vần, Nhập thanh có 34 vần. Quảng Vận là bộ vận thư đầu tiên do chính phủ tổ chức và tập thể quan lại hiệu đinh biên soạn, nó thích ứng với yêu cầu làm thơ từ của văn nhân lúc cần gieo vần, đồng thời cũng là sách tiêu chuẩn để các quan phủ khi chấm thi xem các thơ từ có gieo đúng vần quy định hay không. Có thể nói Quảng Vận là sách pháp định của quốc gia. Quảng Vận chú âm theo phương pháp “Phiên thiết”, mỗi chữ “phiên thiết” xong kể ra số chữ đồng âm, dưới đó chú nghĩa chữ, vì vậy có tính chất một bộ tự điển. Sách này đã tập đại thành được các loại vận thư thiết vận, là sách kế thừa trực tiếp của Thiết Vận và Đường Vận. Do vì nó lưu truyền đến tận ngày nay, giữ gìn được hoàn chỉnh nhất, nên nó là tư liệu quan trọng để nghiên cứu ngữ âm trung cổ; lại do vì nó là tác phẩm kế thừa sách trước mở đầu cho sách sau nên cũng có cả giá trị tham khảo quan trọng để nghiên cứu ngữ âm thượng cổ và ngữ âm cận cổ nữa. ...
... QUỐC NGỮ Tập tản văn lịch sử, bộ sử từng nước xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc. Sách chia làm 8 bộ phận, Chu, Lỗ, Tề, Tấn, Trịnh, Sở, Ngô, Việt, ghi chép sự việc theo từng nước gồm 21 quyển, chép việc bắt đầu từ năm Chu Mục vương đi đánh nước Khuyển Nhung (khoảng năm 967 T.C.N) đến năm Trí Bá bị diệt vong (năm 453 T.C.N), với nhiều sự kiện lịch sử trong vòng khoảng hơn 500 năm thời Xuân Thu. Theo lời của Tư Mã Thiên* và Ban Cố* thì tác phẩm này do Tả Khâu Minh*, sử quan nước Lỗ viết, nhưng nhiều học giả gần đây cho rằng sách này không thể do một người viết trong một thời mà là do nhiều người viết trong thời Chiến quốc. Nội dung của sách này có thể đối chứng tham khảo với sách Tả truyện*,bổ sung chỗ thiếu sót cho Tả truyện, nên sách còn được gọi là Xuân Thu ngoại truyện, còn Tả truyện được gọi là Xuân Thu nội truyện. Cách nói như vậy tuy chưa hoàn toàn xác đáng nhưng vẫn cho biết sự quan hệ mật thiết giữa hai sách. Sách này chủ yếu ghi lời nói, có thể dùng đối chiếu với Tả truyện chủ yếu ghi sự việc. Thành tựu văn học của Quốc Ngữ tuy có kém Tả truyện, nhưng một số chương (như Câu Tiễn diệt Ngô, Tề Khương tuý khiển Trùng Nhĩ v.v...) có câu chuyện sinh động, ngôn ngữ giản phác, truyền thần, khắc họa nhân vật tinh tế, đạt được mức độ nghệ thuật nhất định. Bản chú giải sớm nhất Quốc Ngữ là bản của Ngô Vi Chiếu đời Tam quốc. Gần đây, có bản chú giải của Từ Nguyên Cáo và bản chú thích của Thượng Hải Cổ tịch xuất bản xã ấn hành năm 1973. ...
... SƠN HẢI KINH Bộ địa lý cổ đại nặng về truyền thuyết thần thoại. Theo thuyết cũ ra đời vào khoảng đời Đường Ngu, Hạ Võ nhưng không đáng tin. Không rõ tác giả, niên đại hoàn thành sách này hiện nay khó xác định, phần lớn các học giả hiện nay đều cho rằng sách do nhiều người viết trong khoảng đầu đời Chiến quốc đến đầu đời Hán chứ không thể do một người viết trong thời gian ngắn. Toàn thư gồm 18 thiên, bao quát hai bộ phận: Bộ phận thứ nhất là 5 thiên, từ Nam Sơn kinh đến Trung Sơn kinh, gọi chung là Ngũ tạng sơn kinh. Bộ phận thứ hai là 8 thiên Hải ngoại kinh, Hải nội kinh và 5 thiên Đại hoang kinh, tổng cộng 13 thiên, gọi tắt là Hải kinh. Cả hai bộ phận được gọi chung là Sơn Hải kinh. Thời cổ, sách Sơn Hải kinh vừa có đồ hình vừa có chữ viết, sau đó những đồ hình cổ mất mát hết, các đồ hình in trong sách hiện nay đều do người đời sau vẽ lại. Nội dung sách phong phú rộng lớn, bao quát đủ loại phong tục, vật quý kỳ lạ, y dược, tông giáo, sản vật, dân tộc, truyền thuyết, thần thoại, địa lý, lịch sử của Trung Quốc cổ đại, cung cấp tài liệu quan trọng cần thiết cho việc nghiên cứu văn hóa, địa lý, lịch sử thượng cổ Trung Quốc. Sách này từ xưa đã bị coi là “hoang đản, vu khoát, đầy những lời quái dị lạ lùng”, không được các học giả hiểu biết hết nên họ có nhiều cách lý giải, có người cho rằng đây là sách địa lý cổ. Lỗ Tấn cho rằng đây là “sách bói thời cổ” và xếp sách vào loại tiểu thuyết gia và nhận định “phần lớn là thần quái” “trăm phần không có một phần sự thật, đáng gọi là thủy tổ của loại tiểu thuyết”. Hồ Ứng Lân đời Minh trong sách Tứ bộ chính ngoa, lại nói đây là “thủy tổ của sách quái dị xưa nay”. Hai quan điểm ấy chỉ rõ đặc điểm của sách này. Tư liệu thần thoại trong Sơn Hải kinh rất nhiều, như các truyện “Khoa Phụ đuổi mặt trời” (Khoa Phụ trục nhật), “Tinh Vệ lấp biển” (Tinh Vệ điền hải) hoặc các truyện về Nữ Oa, Cộng Công, là tinh hoa của thần thoại Trung Quốc đều có chép trong sách. Từ ý nghĩa ấy, có thể nói đây là tổng tập thần thoại của Trung Quốc. Bản chú giải sớm nhất của sách này còn lại hiện nay là bản Sơn Hải kinh chú của Quách Phác đời Tấn. Hiện nay có ấn bản Sơn Hải kinh hiệu chú của Viên Kha với tư liệu khá phong phú, đồ hình và ngôn ngữ đầy đủ, rất có ích cho người đọc. ...
... SỬ KÝ Bộ thông sử viết theo thể “kỷ truyện” đầu tiên do sử học gia kiệt xuất, văn học gia và tư tưởng gia Tư Mã Thiên* đời Tây Hán biên soạn. Sách nguyên có tên “Thái sử công thư” hoặc còn gọi là “Thái sử công ký” hay “Thái sử ký”, đến khoảng đời Ngụy, Tấn mới bắt đầu gọi là Sử Ký. Sách ghi chép từ đời Hoàng đế truyền thuyết đến niên hiệu Thái Sơ đời Hán Võ đế, tổng cộng hơn 3000 năm lịch sử, chép cẩn thận tường tế lịch sử các đời Chiến quốc, Tần, Hán. Toàn thư dùng 12 thiên “Bản kỷ”, 10 thiên “Biểu”, 8 thiên “Thư”, 30 thiên “Thế gia”, 70 thiên “Liệt truyện”(trong ấy bao gồm 1 thiên “Thái sử công tự tự”) hợp thành, tổng cộng gồm 130 thiên. Trong ấy, 12 thiên “Bản kỷ” dùng thể biên niên, căn cứ theo niên đại ghi chép những đại sự lịch sử, được coi như tổng đại cương của toàn thư; 10 thiên “Biểu” đem những việc lớn và các nhân vật theo niên đại, khu vực, dùng phương pháp lập biểu rõ ràng; 8 thiên “Thư” ghi lại tình huống và chế độ các phương diện chính trị, kinh tế, thiên văn, địa lý; 30 thiên “Thế gia” ghi chép sự tích các nước chư hầu phong kiến chủ yếu đời Chu và sự tích các vua chư hầu đầu đời Hán, các nhân vật có địa vị tương đương chư hầu cũng được liệt vào hạng Thế gia; 70 thiên “Liệt truyện” chủ yếu tự thuật hoạt động của quan liêu, sĩ đại phu, danh nhân và cả những người bình dân, trong ấy, thiên “Tự tự” giới thiệu thân thế tác giả, mục đích viết sách, quá trình viết, mục đích và nội dung của sách. Toàn bộ, có thể coi các thiên “Bản kỷ” và “Liệt truyện” là chủ thể. Sách chẳng những thu thập tài liệu lịch sử văn hiến nhiều ở các đời trước mà còn dung hợp được sở đắc mấy chục năm học hỏi của tác giả, từ đó bảo tồn được khá nhiều sử liệu quý giá, điều đáng quý nhất là với tư tưởng quảng bác, tác giả ghi chép vừa sống động vừa chân thực, phản ánh sâu sắc chân thật tình huống mọi mặt xã hội và trong nhiều vấn đề, tác giả đã can đảm đưa ra chủ trương tiến bộ của mình. Đồng thời, văn chương của sách ưu mỹ, tả người chép việc linh động như sống. Vì vậy, sách không chỉ là tác phẩm sử học bất hủ, mà còn là tác phẩm văn học vĩ đại. Sách khai sáng thể thông kỷ truyện, tạo ảnh hưởng hết sức sâu xa cho đời sau. Trong quá trình lưu truyền, Sử Ký có lúc bị sứt mẻ, đời Hán, khoảng niên hiệu Nguyên đế, Thành đế có nhóm Chử Thiếu Tôn bổ sung vài thiên. Dù như vậy, bản Sử Ký hiện nay về cơ bản vẫn bảo tồn tinh thần của nguyên bản, không hề bị giảm sút giá trị. Qua các triều đại có rất nhiều trứ tác chú thích, nghiên cứu Sử Ký, khá quan trọng là bản có 3 phần Tập giải của Bùi Nhân đời Lưu Tống; Sách ẩn của Tư Mã Trinh đời Đường và Chính nghĩa của Trương Thủ Tiết đời Đường. Sử Ký đã có bản lược dịch ra chữ Việt của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, nhà xuất bản Lá Bối, Sàigòn năm 1971... ...
... SƯU THẦN KÝ Tác phẩm tiểu thuyết chí quái do Can Bảo đời Tấn biên soạn. Thời kỳ Ngụy, Tấn, Nam Bắc triều, nhân vì xã hội động loạn bất an trong một thời gian dài, tư tưởng tông giáo mê tín lưu hành rộng rãi, trong tình huống ấy, một số tiểu thuyết chí quái ra đời. Sưu Thần ký chính là tác phẩm đại biểu trong loại tiểu thuyết ấy. Sách có 20 quyển, trong ấy đại bộ phận tác phẩm đều do tác giả sưu tập từ các sách vở cổ hoặc trong các truyền thuyết dân gian. Vì vậy, sách bảo tồn khá nhiều truyền thuyết thần thoại ưu tú và chuyện kể dân gian. Tác giả yêu thích âm dương thuật số, mục đích ông sưu tập những tác phẩm này chỉ là để “làm rõ sự không lừa dối của thần đạo” (Phát minh thần đạo chi bất vu dā). Trong Sưu Thần ký không thiếu tác phẩm có ý nghĩa xã hội tích cực, như truyện Tam vương mộ rõ ràng biểu hiện lòng hận thù và phản kháng của nhân dân với giới thống trị phong kiến; truyện Hàn Bằng phu phụ biểu hiện lòng không sợ cường bạo của dân chúng; truyện Lý Ký trảm xà biểu hiện sự ngu dốt bất tài của quan lại phong kiến; truyện Bạch thủy tố nữ biểu hiện phẩm chất ưu tú lương thiện của nhân dân v.v... Đương nhiên, cũng có một bộ phận tác phẩm tuyên dương cho mê tín phong kiến, đó chính là phần cặn bã của sách. Đặc sắc nghệ thuật của Sưu Thần ký là: vận dụng được phương pháp kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn; mượn chuyện thần tiên quỷ quái để thể hiện phẩm chất và tinh thần đấu tranh của nhân dân lao động, kế thừa và phát triển truyền thuyết thần thoại cổ đại. Sách còn có không ít tác phẩm ưu tú, tình tiết hấp dẫn, kết cấu hoàn chỉnh, chú ý tới miêu tả tình tiết. Tiểu thuyết chí quái có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của văn học đời sau, trên cơ sở tiểu thuyết chí quái, tiểu thuyết truyền kỳ đời Đường mới phát triển. Các tác phẩm truyền kỳ đời Đường, như Chẩm trung ký hay Nam Kha Thái thú truyện*... đều có nguồn gốc từ Sưu Thần ký này. ...
... TAM QUỐC CHÍ Bộ sử chia từng nước theo thể kỷ truyện do Trần Thọ* đời Tây Hán biên soạn. Năm sách hoàn thành rất khó xác định, người đời sau suy đoán ước đại là vào khoảng Trần Thọ trên dưới 60 tuổi. Sách chia làm 3 phần lớn: “Ngụy thư” 30 quyển, “Thục thư” 15 quyển, “Ngô thư” 20 quyển, tổng cộng 65 quyển. 4 quyển đầu phần Ngụy thư gọi là Kỷ, ghi chép các đế vương nước Ngụy. Thục thư và Ngô thư chỉ có phần Truyện, không có Kỷ chép các chúa hai nước Ngô và Thục, tuy vậy, sách chép “Truyện” ở đây cũng chẳng khác gì phần đế kỷ. Sách chép thời gian lịch sử 60 năm, từ năm 220 (niên hiệu Hoàng Sơ nguyên niên đời Ngụy) đến năm 280 (niên hiệu Thái Khang nguyên niên đời Tấn), nghĩa là trọn vẹn thời gian tam quốc, 3 nước Ngụy, Thục, Ngô chia thế chân vạc. So với Sử ký* và Hán thư*, nội dung sách này tuy không phong phú bằng, nhưng cách tự sự có đầu đuôi rõ ràng, cách chọn tài liệu cẩn thận, bình luận nhân vật cơ bản là chuẩn xác, vả chăng tài liệu ghi chép liên quan đến lịch sử Tam quốc đến nay còn rất ít nên sách vẫn là sách sử quan trọng để nghiên cứu lịch sử Tam quốc. Khuyết điểm của sách chủ yếu là hay giấu giếm, né tránh cho nước Ngụy và sự đoạt ngôi chiếm vị của Ngụy và Tấn không dám nói thẳng. Văn tự của sách cũng quá giản lược. Đến đời Tống Nam triều, Văn đế Lưu Nghĩa Long từng ra lệnh cho Bùi Tùng Chi*chú giải sách này. Họ Bùi đã bổ sung nhiều chỗ giản lược, dẫn dụng các sử thư khác, nhiều đến hơn trăm loại, tài liệu dẫn chứng có đầu cuối hoàn chỉnh, văn tự nhiều hơn chính văn đến ba lần, các sách dẫn chứng ấy ngày nay phần nhiều đã mất mát nên bản chú giải này trở nên cực quý giá. Ngoài bản chú giải của họ Bùi còn có các sách “Tam quốc chí bổ chú” của Hàng Thế Tuấn đời Thanh cũng đáng dùng tham khảo. ...
... TAM QUỐC DIỄN NGHĨA Tiểu thuyết trường thiên lịch sử do La Quán Trung* biên soạn vào khoảng đời Nguyên và Minh. Tên đầy đủ là “Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa”, tài liệu rút từ sách Tam quốc chí của Trần Thọ và các truyền thuyết thoại bản dân gian. Bản thông hành có 120 hồi miêu tả lịch sử gần trăm năm, từ năm 184 (năm Trung Bình nguyên niên đời Đông Hán) đến năm 280 (năm Thái Khang nguyên niên đời Tây Tấn). Sách đặt trọng điểm là sự hưng suy của 3 triều đại Ngụy, Thục, Ngô, vạch trần hiện thực đen tối suy sụp của xã hội và sự hủ bại của chính trị cuối đời Đông Hán, mở ra bức tranh đấu tranh ác liệt giữa các tập đoàn chính trị và các thế lực phong kiến, phản ánh sự đau khổ nặng nề về chiến tranh của nhân dân, từ đó biểu hiện tư tưởng chính trị của tác giả. Thành tựu nghệ thuật của Tam quốc diễn nghĩa rất cao, tác phẩm miêu tả một loạt chiến trận có thanh có sắc, rất chân thực, sinh động, hấp dẫn người đọc, nó còn khắc họa nhân vật với hình tượng sinh động, cá tính rõ ràng. Dưới ngòi bút của tác giả, Tào Tháo vốn đã có tài cán và mưu lược lại vô cùng gian hiểm và tàn bạo; Lưu Bị tương phản với Tào Tháo, đôn hậu nhân từ, họ Lưu chính là hình tượng một đấng “thánh quân" để tác giả tuyên dương tư tưởng “nhân chính"; Gia Cát Lượng là một tôi trung nhiều mưu lắm kế v.v... Tài năng kể chuyện của tác giả hết sức kiệt xuất, nội dung câu chuyện có đầu cuối quấn xoắn vào nhau nhưng thứ tự rõ ràng, mạch lạc phân minh. Sau khi Tam quốc diễn nghĩa ra đời, tạo ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển văn học lúc ấy và đời sau. Tam quốc diễn nghĩa đã được dịch ra chữ Việt nhiều lần. ...
... TẢ TRUYỆN Bộ sử biên niên sớm nhất ở Trung Quốc, vốn tên là “Tả thị Xuân Thu”. Hán Nho cho rằng sách này là "Truyện” để giải thích kinh Xuân Thu nên gọi là Xuân Thu Tả thị truyện, Xuân Thu tả truyện, Tả thị truyện, là một trong bộ ba Xuân Thu tam truyện. Tác giả của sách này theo thuyết truyền thống là Thái sử Tả Khâu Minh* người nước Lỗ, cuối đời Xuân Thu; nhưng các học giả sau này nghiên cứu khảo chứng căn cứ vào nội dung Tả truyện xác định sách này hoàn thành vào đời Chiến quốc và do Nho gia hậu học căn cứ vào sử liệu các nước mà viết thành. Tả truyện vốn lưu hành riêng với Xuân Thu*, do vì đến đời Tây Hán, Đỗ Phụ hợp cả hai sách lại cho khớp niên đại để chú giải, trở thành bản hiện nay. Sách này chép lịch sử từ năm 722 T.C.N (Lỗ Ẩn công nguyên niên) đến năm 453 T.C.N (Lỗ Điệu công thứ 14), thời gian dài hơn 28 năm so với Xuân Thu. Sự việc lịch sử chép trong Tả truyện so với Xuân Thu cũng hơi dị đồng. Đặc điểm chủ yếu của Tả truyện là dùng lịch sử sớ chứng kinh văn Xuân Thu. Xuân Thu chỉ ghi chép những nét lớn khái quát lịch sử, còn Tả truyện đem sự kiện ra miêu tả kỹ lưỡng hơn, làm cho câu chuyện có đầu đuôi hoàn chỉnh, khúc chiết rõ ràng và giữ gìn được một phần lớn sử liệu. Sách không những chỉ ghi chép lịch sử nước Lỗ, mà còn thuật lại một cách hệ thống lịch sử của những quốc gia chư hầu chủ yếu lúc ấy, chẳng những ghi chép khá nhiều sự kiện lịch sử đời Xuân Thu mà còn bảo tồn một số truyền thuyết và sử sự trước đời Xuân Thu. Đồng thời nội dung sách cũng không chỉ giới hạn về chính trị mà còn đề cập tới nhiều phương diện xã hội khác. Vì vậy, sách là loại văn hiến lịch sử quan trọng, giúp chúng ta nghiên cứu xã hội cổ đại Trung Quốc, nhất là đời sống xã hội đời Xuân Thu. Ngôn ngữ Tả truyện trong sáng đơn giản, tả người tả việc sinh động thông thoáng, trong ấy có nhiều đoạn nổi tiếng hấp dẫn nhiều thế hệ người đọc hàng ngàn năm nay. Vì vậy, Tả truyện không những là một tác phẩm sử học vĩ đại mà còn là một danh trứ văn học. Sách chú giải Tả truyện rất nhiều, chủ yếu là “Xuân Thu kinh truyện tập giải” của Đỗ Dự đời Tây Tấn; năm 1977, Thượng Hải Nhân dân xuất bản xã in lại bản này và đổi tên là “Xuân Thu tả truyện tập giải”. ...
... TẬP VẬN Bộ “vận thư” do nhóm học giả Đinh Độ đời Tống vâng chỉ biến soạn thành, trong quá trình trùng tu sửa chữa bộ Quảng Vận*. Năm 1037 (niên hiệu Cảnh Hựu thứ 4 đời Tống Nhân tông), tức sau khi bộ Quảng Vận ban hành 30 năm, có người đưa ra ý kiến phê bình Quảng Vận, cho rằng sách này “dùng nhiều văn cũ vừa phiền phức vừa sơ lược không đúng” (Đa dụng cựu văn, phồn lược thất đáng), đồng thời lại phê bình bộ Vận Lược là “phần nhiều chữ không giải thích, ngờ rằng thanh âm hỗn độn, chữ trùng lắp” (Đa vô huấn thích, nghi hỗn thanh, trùng điệp tự). Hoàng đế Nhân tông bèn ban chỉ sai nhóm Đinh Độ hiệu đính sửa chữa, biên soạn lại Quảng Vận, sửa chữa Vận Lược. Sau khi sửa chữa, Quảng Vận đổi tên thành Tập Vận, và Vận Lược đổi tên là Lễ bộ vận lược. Tập Vận gồm 10 quyển, thu chép hơn 53.500 chữ Hán (nhiều gấp bội so với Quảng Vận). Về mặt chú thích, có sửa chữa thích đáng so với Quảng Vận và có cả bổ sung; có chỗ bỏ bớt điểm phồn tạp cho giản dị, có chỗ tăng bổ thêm, có chỗ sửa chữa hoặc lược bỏ. Ngoài ra, Tập Vận còn điều chỉnh một phần vận mục của Quảng Vận, đưa ra phương pháp “phiên thiết” mới, sửa đổi một số “phiên thiết” của Quảng Vận. Những chỗ sai lầm của Tập Vận cũng không ít, sau này có người khảo chứng lại, như nhóm các ông Phương Thành Khuê, Trần Chuẩn, họ chia nhau viết các sách “Tập Vận khảo chính” và “Tập Vận khảo chính hiệu đính”. ...
... TÂY DU KÝ Tác phẩm tiểu thuyết thần thoại của Ngô Thừa Ân* đời Minh. Nguồn gốc đề tài tác phẩm là có người thật việc thật. Năm 629 (Trinh Quán thứ 3 đời Đường), danh tăng Huyền Trang* một mình sang Ấn Độ xin kinh, trải qua 17 năm và đi hàng vài vạn dặm, vượt hơn trăm quốc gia với muôn ngàn đau khổ gian nan, cuối cùng mang về 657 bộ kinh Phật. Công trạng thần kỳ này của Huyền Trang từng dẫn đến nhiều loại truyền thuyết thần thoại, sau đó trải qua sự gia công liên tục của các người kể truyện sách (Thuyết thoại nhân) và văn nhân, câu chuyện đi thỉnh kinh ngày càng hoàn thiện. Trên cơ sở và các tư liệu của những người trước, Ngô Thừa Ân bỏ công sáng tạo lại, cuối cùng viết thành bộ tiểu thuyết vĩ đại này. Nội dung của Tây Du ký chủ yếu mô tả tinh thần đấu tranh và hành vi anh hùng của Tôn Ngộ Không. Y đại náo Long cung, Địa phủ và Thiên cung, sau đó quy y cửa Phật và bảo vệ Đường tăng đi qua Tây thiên thỉnh kinh, trên đường đi chiến thắng vô số yêu ma quỷ quái và vượt qua muôn vàn hiểm trở gian nan. Tác giả muốn thông qua hình tượng anh hùng của Tôn Ngộ Không, phản ánh khúc chiết yêu cầu phản kháng và lòng mong muốn tự do của nhân dân dưới sự thống trị phong kiến và nguyện vọng chiến thắng đại tự nhiên, tiêu diệt tà ma tội ác. Truyền thuyết thần kỳ trong Tây Du ký thực tế là một loại ảo hoá của hiện thực. Nghệ thuật Tây Du ký đặc sắc rõ ràng, câu chuyện biến chuyển khôn lường, vừa ly kỳ vừa cổ quái; tình tiết sinh động đầy thú vị, hấp dẫn người đọc. Đặc biệt, tác giả đã xây dựng cho chúng ta một loạt nhân vật thần thoại có cá tính sống động như người sống, thí dụ như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới chẳng hạn. Căn cứ vào yêu cầu xây dựng hình tượng nhân vật và sự phát triển của tình tiết câu chuyện, tác phẩm sử dụng ngôn ngữ sâu sắc, đầy hứng thú, tạo thành phong cách đặc biệt mới mẻ. Sau khi Tây Du ký ra đời, được lưu hành rất rộng, ảnh hưởng rất lớn, các bản viết nối tiếp (tục bản) và viết mô phỏng theo (phỏng bản) ra đời nhiều không dứt, đó là chưa kể đến những bản bình luận, phê bình, giảng giải, không đời nào không có. Tây Du ký đã được dịch ra chữ Việt nhiều lần. ...
... TÂY SƯƠNG KÝ Tạp kịch của nhà tạp kịch nổi tiếng Vương Thực Phủ đời Nguyên, tên đầy đủ là “Thôi Oanh Oanh đãi nguyệt Tây sương ký”. Nguồn gốc sớm nhất của kịch bản này là ở câu chuyện đời Đường được chép trong “Oanh Oanh truyện” của Nguyên Chẩn, rồi sau đó được thoát thai thành “Tây Sương ký chư cung điệu” của Đổng Giải Nguyên đời Kim. Nội dung kịch bản mô tả tình yêu của thư sinh Trương Cung và tiểu thư Thôi Oanh Oanh, do lễ giáo phong kiến trói buộc nên không được gần nhau. Sau đó, quân của Tôn Phi Hổ vây chùa Phổ Cứu, Thôi lão phu nhân đành phải hứa nếu Trương sinh làm họ Tôn lui binh sẽ gả con gái Oanh Oanh cho. Thôi Cung dùng kế lui binh giặc, giải vây chùa Phổ Cứu, nhưng rồi Thôi lão phu nhân cho rằng Trương sinh thân thế thấp kém, không giữ lời hứa cũ. Nhờ sự giúp đỡ của a hoàn Hồng Nương, cuối cùng Trương sinh và Oanh Oanh lén lút kết thành vợ chồng. Sự việc bị Thôi lão phu nhân phát hiện, lấy cớ con nhà Tướng không thể có con rể áo trắng nên ép Trương sinh phải lên kinh ứng thí. Cuối cùng, Trương sinh đậu cao, cùng kết duyên với tình nhân. Kịch vạch trần sự áp bức tàn nhẫn của thế lực phong kiến với tự do luyến ái của thanh niên, phản ánh sự đấu tranh của nam nữ với hôn nhân tự do để đạt tới lý tưởng tốt đẹp “nguyện cho các tình nhân trong thiên hạ kết thành vợ chồng" (Nguyện thiên hạ hữu tình nhân chung thành quyến thuộc). Về nghệ thuật, Tây Sương ký có thành tựu đặc sắc, tác giả căn cứ vào yêu cầu của nội dung, vận dụng nhiều tình tiết khúc chiết, biểu hiện hoàn chỉnh một câu chuyện, đó là một sáng tạo trong tạp kịch thời ấy. Kịch bản căng thẳng, chọn đúng mâu thuẫn, đẩy tình tiết phát triển, các đường tuyến hết sức rõ ràng. Tác giả rất tế nhị biểu hiện hoạt động trong chỗ sâu kín nhất của nội tâm nhân vật với ngôn ngữ diễm lệ ưu mỹ, khiến cho tình tiết nồng đậm thi ý. Tây Sương ký có ảnh hưởng sâu rộng đối với hậu thế. Tây Sương ký đã được dịch ra chữ Việt bởi Nhượng Tống. ...
... TỀ DÂN YẾU THUẬT Tác phẩm nông học hệ thống và khá hoàn chỉnh sớm nhất còn lại đến nay, do Giả Hiệp Tư đời Bắc Ngụy biên soạn. tác giả đã bỏ ra thời gian 10 năm, từ năm 534 (Vĩnh Hi thứ 3 đời Bắc Ngụy), đến năm 544 (Võ Định thứ 2 đời Đông Ngụy), trải qua tra duyệt tìm đọc hơn trăm loại cổ thư từ trước đời Tần đến Ngụy, Tấn và thu thập vô số ngạn ngữ nông thôn phương Bắc (Trung Quốc), tổng kết kinh nghiệm kỹ thuật sinh sản nông nghiệp vùng hạ du sông Hoàng Hà để viết thành tác phẩm nông học lớn này. Toàn thư, ngoài bài tựa, chia làm 10 quyển, 92 thiên, kể cả chính văn và lời chú gồm khoảng 11.000 chữ. Nội dung sách đề cập từ nông cụ để cày cấy, chăn nuôi, sinh sản gieo trồng... Thể lệ kết cấu toàn sách tương đối nghiêm mật, mỗi thiên có đề chương, chính văn và kinh truyện văn hiến kết cấu thành, dưới lại có chú văn (việc dẫn văn hiến lịch sử hoặc điều tra riêng của tác giả) bao gồm các tên biệt danh, dị danh của vật phẩm và địa phương sản xuất, dẫn chứng cả nguồn gốc và đặc tính tượng trưng. Chính văn là do điều tra thực tế và thể nghiệm tự thân. Cuối thiên còn có việc dẫn kinh điển để bổ sung cho chính văn, bao gồm tư tưởng trọng nông, quản lý kinh doanh, kỹ thuật sinh sản, mùa màng nông nghiệp, địa lý nông nghiệp, bảo tồn và gia công nông phẩm v.v... Có thể nói đây là tác phẩm luận về nông nghiệp kết hợp giữa kinh nghiệm lịch sử và thực tiễn kỹ thuật sinh sản đương thời. Bản khắc in sớm nhất của sách này còn lại là bản in từ đời Tống của Sùng Văn viện. Hiện nay có bản “Tề dân yếu thuật kim dịch” của Thạch Thanh Hán đáng làm tư liệu tham khảo. ...
... THÁI BÌNH QUẢNG KÝ Tác phẩm tiểu thuyết do Lý Phỏng đời Bắc Tống vâng sắc chỉ biên tập. Nhân vì sách hoàn thành vào niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc đời Tống Thái tông nên có tên ấy. Sách gồm 500 quyển với riêng mục lục 10 quyển. Nội dung phần lớn là truyện thần quái chia ra làm 92 loại như Thần tiên, Dị nhân, Hào hiệp, Kỹ xảo, Bác hí, Khôi hài, Yêu vọng, Linh dị v.v... lại chia ra hơn 150 loại nhỏ, ghi chép sưu tập hơn 500 loại tiểu thuyết, bút ký, dã sử từ đời Hán đến đầu đời Tống, có truyện chỉ là một đoạn, có truyện sưu tập được toàn bộ. Tuyển tập này bảo tồn được rất nhiều sách vở cũ đã bị thất lạc, là một tư liệu quan trọng để nghiên cứu lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc. Do vì sưu tập phong phú đủ mọi nguồn tư liệu nên có ích về nhiều mặt danh vật điển cố. Quy cách biên soạn của sách giống như sách “loại thư” nên bộ “Sùng văn tổng mục” xếp Thái Bình quảng ký vào loại thư. Còn bộ “Tứ khố toàn thư tổng mục” nhận định Thái Bình quảng ký là “gốc nguồn biển lớn của tiểu thuyết gia” và xếp nó vào loại “Tử bộ tiểu thuyết gia”. Thái Bình quảng ký có nhiều ấn bản khác nhau của các nhà xuất bản ở Trung Quốc. ...
... THẾ THUYẾT TÂN NGỮ Tác phẩm tiểu thuyết dật sự do Lưu Nghĩa Khánh đời Tống Nam triều biên soạn. Thời kỳ Ngụy-Tấn, trong xã hội vẫn còn tồn tại tục thanh đàm huyền học phẩm bình các nhân vật, vì vậy, loại tiểu thuyết ghi chép chuyện lặt vặt dật văn về các nhân vật theo thời thượng ra đời. Cho đến thời Nam Bắc triều, xu hướng tiểu thuyết dật sự đã trở nên quen thuộc và hưng thịnh lên, Thế thuyết tân ngữ chính là một tác phẩm ưu tú trong loại ấy. Sách nguyên có 8 quyển, đời Lương, Lưu Hiếu Tiêu chú giải chia thành 10 quyển, bản hiện nay có 3 quyển. Toàn thư phân loại theo nội dung, tổng cộng gồm 36 thiên Đức Hạnh, Ngôn Ngữ, Chính Sự, Văn Học v.v... Tác giả dùng quan điểm của một nhà thanh đàm chia môn loại ghi chép về sưu tập ngôn hành một số nhân vật thời đại Ngụy-Tấn, phản ánh khá rõ đời sống và diện mạo tinh thần của giới sĩ đại phu đương thời, có ý nghĩa xã hội nhất định. Trong Thế thuyết tân ngữ, có một số nhân vật đáng làm gương cho mọi người, như Hi Siêu vì công quên mình cứu nước nhà, Tuân Cự Bá vì nghĩa quên mạng sống. Chu Xứ Dũng vì dân trừ hại v.v... Sách có nhiều đoạn miêu tả giới giàu có sĩ tộc đời Ngụy-Tấn, giúp chúng ta hiểu được cuộc sống hủ bại tàn ác của giới thống trị trong xã hội đen tối đường thời. Do vì tác giả bị giới hạn bởi chính địa vị của bản thân và giới hạn của tư tưởng, trong tác phẩm thiếu hẳn phê phán và phân tích đúng đắn. Tác giả Thế thuyết tân ngữ rất khéo thông qua sự kiện điển hình làm bật rõ tính cách nhân vật, ngôn ngữ toàn bộ sách giản dị mà rõ ý, hình tượng sinh động, nhiều tỉ dụ thần diệu rất dễ hiểu. Có thể nói, nghệ thuật sáng tác chính là điểm độc đáo của sách. ...
... THI KINH Tổng hợp thi ca sớm nhất ở Trung Quốc. Vốn chỉ được gọi là Thi hoặc Thi tam bách (300 bài thơ), sau vì nhà Nho tôn lên hàng kinh điển nên mới gọi là Thi kinh, gồm 305 chương (thiên). Tác phẩm được thu chép lên tới thế kỷ 11 T.C.N (đầu đời Tây Chu), cho đến thế kỷ thứ 6 T.C.N (trung kỳ đời Xuân Thu). Những bài thơ ấy đương nhiên phải được thu thập trong thời gian dài rồi chỉnh lý, biên tập mới thành, đại để là công trình của các sử quan các nước chư hầu, các nhạc sư vương triều Chu. Nội dung Thi Kinh căn cứ vào sự khác nhau của nhạc điệu và tính chất có thể chia làm 3 loại lớn: Phong, Nhã và Tụng. Phong chỉ Quốc phong, là phong tục ở các nước, gồm 160 chương, phần lớn là thơ ứng tác của nhân dân, trong ấy không ít bài phản ánh sự phản kháng vì bị áp bức của nhân dân lao động, phản đối sự bóc lột và đi tìm mong ước cuộc sống lý tưởng. Nhã là những bài nhạc ca trong cung đình vương triều Chu, gồm 105 chương, trong ấy Đại Nhã 31 chương mô tả võ công và sự tích của tổ tiên nhà Chu; Tiểu Nhã 74 chương, phần lớn là thơ phúng thích chính trị sau khi nhà Chu đã sa sút. Tụng có 40 chương, trong ấy Chu tụng 31 chương, Lỗ tụng 4 chương và Thương tụng 5 chương. Trong Chu tụng có nhiều bài thơ miêu tả tình trạng nông nghiệp đại quy mô, phản ánh cảnh phồn thịnh đầu đời Chu. Lỗ tụng và Thương tụng là những bài nhạc ca trong tông miếu nước Lỗ và nước Tống. Về đủ mọi mặt, Thi Kinh biểu hiện các sinh hoạt xã hội thời ấy, là nguồn sử liệu có giá trị rất quan trọng. Đồng thời, về nghệ thuật biểu hiện nó cũng có thành tựu xán lạn. Từ đời Hán đến nay, tác phẩm chú thích Thi Kinh nhiều đến số ngàn. Tạo ảnh hưởng khá lớn là bản Mao thi tiên của Trịnh Huyền (Đông Hán), Mao thi chính nghĩa của Khổng Dĩnh Đạt (Đường) và Thi tập truyện của Chu Hi (Tống). Thi Kinh đã có bản dịch chữ Việt của Tạ Quang Phát, Trung Tâm Học Liệu Sàigòn xuất bản, 1969. ...
... THÍCH DANH Bộ sách chuyên luận huấn hỗ do học giả đời Đông Hán là Lưu Hi biên soạn. Toàn thư gồm 8 quyển 27 thiên, mỗi tên thiên đều có chữ Thích đầu tiên, như sau: Thích thiên, Thích địa, Thích sơn, Thích thủy, Thích khâu, Thích đạo, Thích châu quốc, Thích hình thể, Thích tư dung, Thích trưởng ấu, Thích thân thuộc, Thích ngôn ngữ, Thích ẩm thực, Thích thái bạch, Thích thủ sức, Thích y phục, Thích cung thất, Thích sàng trướng, Thích thư khế, Thích điển nghệ, Thích dụng khí, Thích nhạc khí, Thích binh, Thích xa, Thích thuyền, Thích tật bệnh, Thích tang chế. Mỗi thiên là một loại khái quát sự vật, sự phân chia như vậy so với Nhĩ Nhã tinh tế hơn và cũng có phần hợp lý hơn. Tác giả Thích danh cho rằng tất cả sự vật đều có nguồn gốc, đó cũng là nguồn gốc căn nguyên của chữ. Sách này chủ yếu dùng phương pháp “thanh huấn”, tức phương pháp dùng âm đọc tìm nghĩa để tìm hiểu nguồn gốc tên gọi các loại danh vật. Phương pháp này chủ yếu dùng một âm thanh giống hay gần giống để giải thích tên gọi của vật, ví dụ như “Thổ (đất) là thổ ói ra, thổ ói ra muôn vật vậy” (Thổ, thổ dã, thổ sinh vạn vật dã). Ở đây hai chữ Thổ (nghĩa là đất) và Thổ (nghĩa là ói mửa) có âm đọc giống nhau nên tác giả cố ghép vào để giải nghĩa. Sách này bảo tồn khá nhiều nghĩa cổ của từ ngữ và ghi chép lại rất nhiều kiến thức liên quan đến danh vật, điển chương, chế độ, phong tục tập quán. Sách lại còn là tư liệu ngôn ngữ cuối đời Đông Hán, giúp độc giả thêm rất nhiều tri thức và là tư liệu tham khảo rất quý giúp nghiên cứu vần cổ, tiếng cổ. Đồng thời, cũng cung cấp cho ta đầu mối tìm hiểu nguồn gốc từng chữ. Do vì sự hình thành và biến đổi của ngữ nghĩa không chỉ có quan hệ với ngữ âm mà còn quan hệ tới nhiều phương diện khác, huống nữa còn sự khác biệt của các phương ngôn, do vậy, chỉ dùng phương pháp đồng âm hoặc cận âm để giải thích ngữ nguyên rất dễ rơi vào phiến diện, chính vì vậy rất nhiều giải thích trong sách này bị khuyết điểm khiên cưỡng phụ hội, không hợp tình lý. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index... ...