Đôi dòng lưu niệm ... Hiểu Sử NGƯỜI... Thấm Xứ TA...

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 7/1/24.

Moderators: amylee
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THIẾT VẬN


    Bộ vận thư (sách sắp xếp theo vần chữ Hán) có hệ thống đầu tiên trong lịch sử âm vận học Trung Quốc, do nhóm Lục Pháp Ngôn đời Đường biên soạn. Đây là bộ vận thư có ý nghĩa thời đại lớn trong lịch sử âm vận học Trung Quốc, nó kế thừa và tổng kết hết tinh hoa của các vận thư đời trước, là dấu mốc cực lớn trong lịch sử âm vận học.

    Đầu niên hiệu Khai Hoàng Tùy Văn đế (từ năm 581 đến năm 600), các học giả đương thời là Lưu Trăn, Nhan Chi Thôi, Lư Tư Đạo, Tiêu Cai, Lý Nhược, Tân Đức Nguyên, Tiết Đạo Hành, Ngụy Uyên thường tụ hội ở nhà Lục Pháp Ngôn, trải qua bàn luận xác định một bộ vận thư làm tiêu chuẩn cho các thi nhân chọn lựa vần điệu dễ dàng khi sáng tác thơ văn và cũng để học trò phân biệt thẩm âm khi đọc sách.

    Lục Pháp Ngôn viết nguyên tắc biên soạn và đại cương sách, sau đó vì phạm tội bị truất đi xa khỏi kinh đô. Ở nơi sơn dã, Lục Pháp Ngôn nhân có thời gian bèn căn cứ vào nguyên tắc và đại cương đã được xác định trước, tham khảo thêm một số tự điển và vận thư, cố công biên soạn và cuối cùng hoàn thành tác phẩm có uy quyền được đời tôn sùng.

    Nguyên bản Thiết Vận gồm 5 quyển đã bị thất lạc, bản Thiết Vận phát hiện được ở Đôn Hoàng chỉ là bản tàn khuyết. Căn cứ vào bản tàn khuyết này và mấy bản vận thư chép tay đời Đường để khảo định, có thể biết bộ sách này thu chép được 11.500 chữ, chia làm 193 vần, trong ấy Bình thanh có 54 vần, Thượng thanh có 51 vần, Khứ thanh có 56 vần, Nhập thanh có 32 vần.

    Chú giải thích nghĩa của sách này có phần giản lược, thậm chí có chữ không có cả chú thích. Về ngữ âm chủ yếu là âm đọc đương thời, châm chước có ghi thêm âm cổ và âm địa phương, gồm dùng cả cách chú âm “phiên thiết” của tiền nhân.

    Cách chia vần của Thiết Vận nghiêm mật, là bộ vận thư hệ thống hoàn chỉnh, vì vậy “người đời cùng trọng, lấy làm mẫu mực” (Thời tục cộng trọng, dĩ vi điển phạm - Lời của Đường vương Nhân Hú). Sách này chưa cách quá xa đời thượng cổ, vì vậy, nó không những là sách tham khảo quan trọng nghiên cứu ngữ âm trung cổ, mà còn có giá trị tham khảo nghiên cứu ngữ âm thượng cổ nữa.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THỦY HỬ TRUYỆN


    Tác phẩm trường thiên tiểu thuyết phản ánh cuộc nổi dậy của nông dân do hai văn học gia Thi Nại Am và La Quán Trung viết vào đời Minh. Nguồn gốc câu chuyện này là cuộc khởi nghĩa do Tống Giang đứng đầu vào cuối đời Bắc Tống. Sự tích này tuy sách sử có chép sơ qua nhưng được lưu hành rất rộng trong dân gian, sau đó trải qua nhiều lần sưu tập, chỉnh lý, bổ sung của các người kể truyện (thuyết thư nhân) và văn nhân mới dần dần thành tác phẩm hoàn chỉnh.

    Văn bản Thủy hử truyện rất nhiều, chủ yếu có ba loại: Một là bản 100 hồi tên là “Trung nghĩa thủy hử truyện”; Hai là bản 120 hồi tên là “Trung nghĩa thủy hử toàn truyện”; Ba là bản 70 hồi tên là “Đệ ngũ tài tử thư thủy hử truyện”.

    Nghệ thuật của Thủy hử truyện khái quát toàn bộ quá trình, sự phát sinh và phát triển cho đến thất bại của cuộc nổi dậy ở Lương Sơn vào cuối đời Bắc Tống. Trong tác phẩm, tác giả vạch trần sự đen tối của xã hội và tội ác của giới thống trị áp bức bạo ngược nhân dân, đả kích dữ dội tội ác của chúng, nêu cao tính tất nhiên của cuộc nổi dậy.

    Tác giả cũng biểu lộ lòng đồng cảm với nhân dân đau khổ, nhiệt tình ca tụng tinh thần của quân nổi dậy đánh phá các thế lực phong kiến cai trị, tác giả cũng đưa ra nguyên nhân quan trọng khiến quân nổi dậy thất bại.

    Thành tựu nghệ thuật của Thủy hử truyện rất rực rỡ, đầu tiên, là nó đã tạo dựng được khá nhiều hình tượng anh hùng như Lý Quỳ, Võ Tòng, cá tính của họ sinh động như người sống thật; thứ hai, là tình tiết câu chuyện rạch ròi khúc chiết, nhiều biến hoá hấp dẫn người đọc; thứ ba, là kết cấu phát triển đơn thuần, tương đối độc lập xoay quanh chủ đề “kẻ giàu áp bức thì dân phải làm phản”; thứ tư, là ngôn ngữ chuẩn xác, phong phú, dễ hiểu.

    Sau khi Thủy hử truyện ra đời có ảnh hưởng rất sâu rộng. Thủy hử truyện đã có bản dịch ra chữ Việt.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THỦY KINH CHÚ


    Tác phẩm địa lý nổi tiếng chú giải “Thủy kinh” của Trung Quốc cổ đại, do Lịch Đạo Nguyên đời Bắc Ngụy biên soạn. Thủy kinh vốn là sách chuyên môn địa lý học liên quan tới dòng chảy của sông ngòi khá hoàn chỉnh của Trung Quốc cổ đại. Sách ấy ghi chép 137 điều về các con sông ở Trung Quốc nhưng thuật tả rất sơ lược. Lịch Đạo Nguyên noi gương cũ, quyết tâm hoàn thành sự việc chú giải, ông sưu tập hết sách vở, thâu thái hằng trăm thuyết giải khác nhau, thậm chí đi tìm hỏi từng nguồn sông, khảo sát thực địa, cuối cùng biên soạn hoàn thành. Sách này mở rộng 137 điều của nguyên bản thành 1252 điều, lời chú giải so với nguyên văn tăng hơn đến 20 lần.

    Việc chú giải lấy đường sông ngòi chảy làm chủ tuyến, sau đó xét từ nguồn gốc, hướng chảy, sự thay đổi của dòng chảy, tên gọi thay đổi v.v... đến cả những cảnh núi non, bình nguyên, sơn lăng, thành thị, bến đò... khu vực dòng sông chảy qua. Tác giả còn mô tả từ tình huống thay đổi đến lịch sử sự kiện có liên quan, từ nhân vật đến thần thoại truyền thuyết, mô tả tường tận nhất là khoảng lưu vực sông Hoàng Hà và các vùng phụ cận.

    Sách này bảo tồn tư liệu văn sử cực nhiều, cộng với văn bút đẹp đẽ diễm lệ, trong ấy có nhiều giai tác, nhiều tiểu phẩm đọc lên khoái chá nhân khẩu. Vì vậy sách không những chỉ là tác phẩm địa lý kiệt xuất mà còn có giá trị sử học và văn học rất cao.

    Sách lưu truyền qua nhiều đời, không tránh được xuất hiện khá nhiều sai lạc. Từ đời Minh, Thanh đến nay nhiều học giả bỏ công sức ra hiệu đính giải thích sách. Bản chú giải khá tốt đáng tham khảo là các bản “Thủy kinh chú tiên” của Chu Mưu Vĩ đời Minh, “Thủy kinh chủ tập thích đính ngoa" của Thẩm Bính đời Thanh, “Thủy kinh chú sớ” của Dương Thủ Kính và Hùng Hội Trinh. Bản cuối cùng này có giá trị hơn hẳn các bản cũ, đáng coi là bản tốt nhất.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THUYẾT VĂN GIẢI TỰ


    Tác phẩm văn tự học do Văn tự học gia Hứa Thận đời Đông Hán biên soạn. Toàn thư, cộng cả bài Tự gồm 15 quyển, ghi chép 9353 chữ, phần chữ trùng (chữ dị thể) gồm 1163 chữ, chữ cổ văn khoảng 500 chữ, chữ Lựu văn 223 chữ, phần giải thích đạt hơn 13 vạn 3 ngàn chữ.

    Thuyết văn giải tự là bộ tự điển đầu tiên của Trung Quốc có đầy đủ tính mở đầu khai sáng với phong cách dân tộc, tạo ảnh hưởng hết sức sâu xa trong lịch sử, được học giả các triều đại coi là tác phẩm kinh điển. Sách có ý nghĩa rất quan trọng đối với văn tự học, âm vận học Trung Quốc và có những đặc điểm mở đầu như sau: đầu tiên sáng lập ra phương pháp bộ thủ; sách đã căn cứ vào nguyên tắc truyền thống “lục thư” phân tích chữ Hán thành hai hay nhiều bộ phận rồi chọn cho chữ một bộ thủ có ý nghĩa biểu thị nghĩa chữ, dùng phương pháp này sách xếp 9353 chữ vào trong 540 bộ thủ và sắp xếp 540 bộ thủ ấy theo thứ tự rất tiện để tra cứu. Ví dụ, chữ Tường 翔 (Bay lượn) thuộc bộ 羽, chữ Hạ 暇 (rảnh rỗi) thuộc bộ Nhật 日 v.v...

    Sau này các tự điển sắp xếp theo bộ thủ đều có nguồn gốc từ Thuyết văn giải tự. Đưa ra quy cách phân tích giải nghĩa chữ đầu tiên theo 3 phương diện âm chữ, nghĩa chữ và hình chữ. Sách chủ yếu dựa vào cấu tạo hình chữ “Tiểu Triện” tham chiếu thêm các văn tự cổ khác rồi dùng lý luận “Lục thư” (sáu cách cấu tạo chữ) giải thích hình chữ thể hiện nghĩa chữ ra sao; Ví dụ, giải thích chữ (mới, bắt đầu) như sau: “ là bắt đầu, theo chữ Y (áo) và Đao (dao), nghĩa gốc là mới bắt đầu cắt áo vậy” (Sơ, thủy dã, tòng Đao tòng Y, tài y chi thủy dã). Còn như âm chữ, tuy sách không chú âm hết tất cả các chữ nhưng lại dùng những chữ “đọc như chữ…”, “đọc giống như...” để xác định âm đọc.

    Thuyết văn giải tự có giá trị tham khảo cực lớn đối với việc biện biệt tìm hiểu Giáp cốt văn, Chung đỉnh văn và nghiên cứu văn hiến cổ điển.

    Khuyết điểm của sách là: giải nghĩa quá sơ lược, một phần giải nghĩa sai lầm, việc sắp xếp cũng có chỗ không hợp lý.

    Văn bản lưu truyền hiện nay là bản của văn tự học gia Từ Huyền* đời Tống hiệu đính, được gọi là “Đại Từ bản".

    ...
     
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THƯƠNG QUÂN THƯ


    Tác phẩm của Thương Ưởng* và các người đời sau, cũng gọi là “Thương quân”, hoặc “Thương Tử”. Thương Ưởng họ Công Tôn, tên Ưởng, người nước Vệ, sau qua nước Tần phò tá Tần Hiếu công thay đổi pháp lệnh đặt cơ sở cho Tần gồm thâu 6 nước, nhờ đó được phong 15 ấp ở đất Thương (nay thuộc huyện Thương, tỉnh Thiểm Tây) và đất Vu (nay thuộc Hà Nam) nên có tên hiệu là Thương Quân hay gọi là Thương Ưởng.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư xếp sách vào loại Pháp gia 29 thiên, đến đời Tống bị thất lạc mất. Bản hiện nay có 24 thiên, nội dung chủ yếu của sách ngoài ca ngợi các chủ trương tiên tiến mở mang cương vực, bãi bỏ chế độ “tỉnh điền”, thay chế độ nô lệ bằng chế độ phong kiến phân phong, tăng cường trung ương tập quyền và lập pháp, hình phạt không chia đẳng cấp của Thương Ưởng. Ngoài ra, còn ghi chép một số chế độ quân sự chính trị, mô tả cuộc đấu tranh giữa chủ trương biến pháp của Thương Ưởng với số quý tộc cũ.

    Sách này đã được lưu truyền rộng rãi ở cuối đời Chiến quốc nên tư tưởng của nó có tác dụng tích cực đối với xã hội đương thời và cũng có ảnh hưởng quan trọng đối với tư tưởng Pháp gia hậu kỳ.

    Về các bản chú giải của sách, có bản “Thương quân thư chú thích” của Cao Hanh là đáng kể nhất.

    ...
     
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THƯỢNG THƯ


    Tập văn hiến lịch sử xưa nhất đời cổ Trung Quốc, vốn ban đầu chỉ gọi là “Thư”, từ đời Chiến quốc đến nay các nhà Nho tôn xưng gọi là “Thư kinh”, đến đời Tây Hán mới gọi là “Thượng thư”.

    Sách tập hợp một phần ghi chép đàm thoại, mệnh lệnh của các kẻ thống trị ba đời Hạ, Thương, Chu, trong ấy có phần ghi chép sự tích cuối xã hội nguyên thủy. Những việc ghi chép trên đến đời Nghiêu, Thuấn, dưới đến đời Tần Mục công là sử liệu rất đáng quý về lịch sử mạt kỳ xã hội nguyên thủy và lịch sử xã hội ba đời Hạ, Thương, Chu.

    Tương truyền, sách Thượng Thư từng qua tay chỉnh lý của Khổng Tử* chọn lọc thành trăm thiên, sau bị lửa đốt sách của nhà Tần hủy diệt. Đầu đời Tây Hán, có bác sĩ đời Tần là Phục Sinh (hoặc Phục Thắng) đọc thuộc 28 thiên, gồm 4 thiên Ngu Hạ thư, 5 thiên Thương thư, 19 thiên Chu thư, chia làm 6 loại văn thể Điển, Mô, Huấn, Cáo, Thệ Mệnh. Bản này vì được viết bằng chữ Lệ thông hành đời Hán nên được gọi là bản “Kim văn Thượng thư”. Cuối đời Hán Võ đế, Lỗ Cung vương Lưu Dư phát hiện một bản Thượng thư viết bằng chữ nòng nọc (khoa đẩu) từ trong vách nhà cũ của Khổng Tử, gọi là bản “Cổ văn Thượng thư”.

    Cả hai bản trên đến đời Tây Tấn đều đã mất. Đời Nguyên đế Đông Tấn bỗng có Dự Chương nội sử Mai Di dâng lên triều đại một bản “Cổ văn Thượng thư” 59 chương, nói rằng do được Khổng An Quốc (cháu xa đời của Khổng Tử) truyền lại. Sách này có ảnh hưởng khá lớn với xã hội, thời gian lưu hành rất dài, nhưng từ đời Đường đến nay, bị nhiều người ngờ là sách ngụy tác. Sau này, sách được các học giả như Chu Hi* đời Tống, Diêm Nhược Cừ đời Thanh khảo chứng, xác định là “giả bản của họ Khổng” (ngụy Khổng bản) nhưng 20 chương “kim văn” vẫn lưu truyền đến ngày nay.

    Bản Thượng Thư thông hành hiện nay là bản tổng hợp giữa Kim văn Thượng ThưCổ văn Thượng Thư được chép trong tập “Thập tam kinh chú sớ” do các học giả Khổng Dĩnh Đạt (đời Đường), Thái Trầm (đời Nam Tống) và Tôn Tinh Diễn (đời Thanh) chú giải kiểm định.

    Thượng Thư đã được dịch toàn bộ ra chữ Việt bởi Nghiêm Thẩm, Bộ Giáo Dục Sàigòn xuất bản, 1965.

    ...
     
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TỲ BÀ KÝ


    Tác phẩm kịch bản Nam hí của Cao Minh cuối đời Nguyên đầu đời Minh, kể câu chuyện ái tình giữa Triệu Ngũ Nương và Thái Bá Hài. Câu chuyện này từ đời Nam Tống đã là đề tài trong văn học thuyết xướng dân gian. Cao Minh đã dựa trên cơ sở truyện kể lâu dài ấy rồi gia công nghệ thuật sáng tác thành Tỳ Bà ký.

    Do nhờ chương hồi trong Nam hí có thể dài ngắn tùy ý, tự do linh hoạt nên Tì Bà ký chứa đựng được nội dung vừa dài vừa hoàn chỉnh. Căn bản biến chuyển của kịch bản này là biến Thái Bá Hài đang “vong ân bội nghĩa” trở thành nhân vật “toàn trung toàn hiếu”, ý đồ sáng tác của tác giả là muốn tuyên truyền cho đạo đức luân lý phong kiến, vì vậy, các nhân vật trong tác phẩm đều được tô lên một lớp sơn thuyết giáo phong kiến. Thế nhưng, khi Tì Bà ký tuyên dương đạo đức luân lý phong kiến cũng bộc lộ nhiều hiện tượng đen tối như cuộc sống đau khổ của nhân dân trong năm mất mùa, bọn quan lại địa phương tham lam ức hiếp, bọn giai cấp thượng tầng xa xỉ hoang dâm v.v... đã phản ánh bộ mặt chân thật của xã hội. Các hình tượng nhân vật trong tác phẩm được miêu tả hết sức sống động như Triệu Ngũ Nương, Thái Bá Hài.

    Về nghệ thuật kết cấu, Tì Bà ký xứng đáng được ca ngợi, tác giả sử dụng phương pháp so sánh hai tuyến nhân vật để giải quyết xung đột, một mặt tả cuộc sống hào hoa của Thái Bá Hài trong Ngao tướng phủ, một mặt tả cuộc sống đau khổ trong thời loạn của Triệu Ngũ Nương. Hai tuyến nhân vật ấy giao kết, phát triển rồi hợp thành một, tăng cường hiệu quả cho bi kịch, làm phong phú thêm ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm. Hơn nữa, Tì Bà ký còn sử dụng ngôn ngữ rất gần với khẩu ngữ dân gian.

    Hiện nay, Tì Bà ký có bản chú giải chính xác của Tiền Nam Dương do Trung Hoa thư cục xuất bản năm 1962.

    ...
     
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TOÀN ĐƯỜNG THI


    Toàn tập thơ đời Đường do nhóm Bành Định Cầu đời Thanh biên tập. Sách này gồm 900 quyển, hoàn thành vào năm 1716 (Khang Hi thứ 55), căn cứ vào các sách gốc Đường âm thống giám của Hồ Chấn Hạnh đời Minh và Đường thi của Lý Chấn Nghi đầu đời Thanh có tăng đính thêm.

    Toàn bộ sách thu chép hơn 4 vạn 8 ngàn 9 trăm bài thơ của hơn 2500 tác giả đời Đường và Ngũ đại, phụ chép cả đời Đường, Ngũ đại. Các thi nhân được sắp xếp trước sau theo thời đại, chép cả tiểu sử của họ, đôi chỗ có hiệu chú, khảo đính câu chữ. Tư liệu sách này phong phú, là một tư liệu quan trọng nghiên cứu thơ Đường.

    Khuyết điểm của sách là vẫn còn đôi chỗ sai sót, lầm lẫn. Năm 1966, Trung Hoa thư cục có xuất bản hiệu điểm, sửa chữa một số sai lạc trước.

    ...
     
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TOÀN ĐƯỜNG VĂN


    Toàn tập văn đời Đường do nhóm tôi thần vâng sắc chỉ biên tập vào khoảng niên hiệu Gia Tĩnh đời Thanh, gồm 1000 quyển, sách dựa trên cơ sở gốc "Đường Văn” cất giữ trong nội phủ, thu thập thêm văn chương trong các bộ “Vĩnh Lạc đại điển”, “Văn uyển anh hoa”, “Đường văn túy” để hoàn thành. Quy cách biên tập mô phỏng theo sách “Toàn Đường thi”*. Sách thu chép hơn 1 vạn 8 ngàn 4 trăm thiên văn của hơn 3000 tác giả đời Đường và Ngũ đại, phụ lục chép tiểu sử tác giả.

    Sách chẳng những bảo tồn được nhiều bài văn không được chép ở đâu mà còn giữ lại được rất nhiều bài văn đã thất lạc. Đời Thanh có Lục Tâm Nguyên biên soạn “Đường nhân thập di” 72 quyển và “Tục tập” 16 quyển, bổ sung những sai sót của Toàn Đường văn.

    ...
     
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TÔN TỬ BINH PHÁP


    Trứ tác quân sự nổi tiếng nhất Trung Quốc cổ đại, do nhà quân sự kiệt xuất Tôn Võ, người nước Tề cuối đời Xuân Thu biên soạn. Cũng có các tên gọi “Tôn Tử”, “Ngô Tôn tử binh pháp”, “Tôn Võ binh pháp”. Về số thiên nhiều ít của sách này còn có nhiều tranh luận. Bản hiện nay có 13 thiên là Kế, Tác chiến, Mưu công, Hình, Thế, Hư thực, Quân sự, Cửu biến, Hành quân, Địa hình, Cửu địa, Hỏa công, Dụng gián, khoảng hơn 6000 chữ.

    Sách tổng kết kinh nghiệm chiến tranh tại Trung Quốc cổ đại, đặc biệt là chiến tranh thời kỳ Xuân Thu, là binh thư sớm nhất và có ảnh hưởng nhất hiện còn. Về mọi mặt chiến tranh, sách đều có luận thuật tinh tế mà hệ thống. Tác giả cho rằng chiến tranh là việc lớn của quốc gia, tất phải nghiên cứu cẩn thận. Ông đưa ra năm yếu tố cơ bản quyết định thắng bại trong chiến tranh: Đạo tức quan hệ chiến tranh và lòng dân, Thiên cần phải có thời cơ thuận lợi, Địa phải hiểu biết thuận lợi của địa thế, Tướng biết dùng người có tài năng, Pháp phải có pháp luật nghiêm minh. Trong năm yếu tố ấy, Đạo tức là chính trị vẫn là yếu tố đầu tiên quyết định thắng bại.

    Ông còn cho rằng trong quá trình chiến tranh, chiến lược và chiến thuật rất quan trọng, ông đưa ra hai nguyên tắc chỉ đạo chiến tranh:

    1- Thực hành vận động chiến tấn công chớp nhoáng, phản đối đóng trại chờ địch.

    2- Tranh thủ chủ động, đẩy đối phương vào bị động, giảm bớt điểm yếu của mình chuyển thành điểm yếu của địch.

    Tóm lại, sách tiến hành nhiều luận chứng rất hay đối với khá nhiều mâu thuẫn cơ bản trong lãnh vực quân sự, sách không những được quân sự gia các triều đại ở Trung Quốc tôn sùng mà còn được nhiều quân sự gia trên thế giới đánh giá cao, được coi là “Tị tổ ngành binh học phương đông” ảnh hưởng cực sâu xa. Từ cổ đến nay, các văn bản của sách này không dưới vài ngàn loại. Chủ yếu có bản chú giải của nhóm Tào Tháo, Đỗ Hựu.

    Năm 1978, ấn bản “Thập nhất gia chú Tôn Tử” của Thượng Hải Cổ tịch xuất bản xã đã là bản thông hành. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay sách đã có các bản dịch chữ Anh, Nga, Nhật, Đức, Pháp, Đại Hàn, Việt Nam v.v...

    ...
     
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TRANG TỬ


    Một trong những tác phẩm kinh điển của học phái Đạo gia đời Chiến quốc, cũng là trứ tác quan trọng trong loại tản văn chư tử đời Tiên Tần, cũng còn gọi bằng các tên “Nam Hoa kinh”, “Nam Hoa chân kinh”. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư chép sách này có 52 thiên, bản hiện nay còn 33 thiên, trong đó Nội thiên 7 thiên, Ngoại thiên 15 thiên, Tạp thiên 11 thiên.

    Tư tưởng và văn phong của Nội thiên đều có phần nhất trí, có thể coi là trứ tác của Trang Chu; Ngoại thiênTạp thiên là tác phẩm của các đệ tử hay người đời sau Trang Chu. Còn có thiên cá biệt chép tư tưởng của các học phái khác. Trang Tử là đại sư Đạo gia sau Lão Tử*, từ mặt tiêu cực của tư tưởng Lão Tử ông phát triển thêm, chủ trương “vô vi” với tinh thần tự do tuyệt đối, trừ bỏ tất cả đấu tranh trong đời sống. Ông lại cho rằng tất cả sự vật, bao quát cả nhận thức của con người đều là tương đối, phủ nhận chân lý khách quan, phủ nhận tiêu chuẩn khách quan giữa đúng và sai.

    Những điều đó rõ ràng có tính tiêu cực nhưng ông cố tình vạch trần mặt hắc ám bất hợp lý của xã hội, điều ấy lại có ảnh hưởng tích cực với người đời sau. Chủ thể của sách Trang Tử là tư tưởng Trang Chu, là tổng hợp học thuyết Trang Chu từ trung kỳ đời Chiến quốc đến Tần, Hán. Xét về khuynh hướng cơ bản toàn bộ, hoàn toàn thể hiện hình thái ý thức suy đồi của giới quý tộc, mô tả quan điểm thù hận xã hội lúc ấy của tác giả, nhất là trong lãnh vực triết học, đưa ra một hệ thống duy tâm lớn lao sâu sắc.

    Sách kế thừa Lão Tử*, mở đầu cho Hoài Nam tử* sau này, là trứ tác trọng yếu của Đạo gia. Trang Tử phần lớn sử dụng ngụ ngôn cố sự, trí tưởng tượng rất cao, văn bút biến hoá khôn lường, đầy sắc thái lãng mạn. Điều ấy có ảnh hưởng lớn đến các sáng tác phẩm đời sau.

    Các bản chú giải Trang Tử rất nhiều, nổi tiếng nhất là bản của Quách Tượng đời Tấn. Các bản chú giải đời sau cũng hay như bản “Trang Tử tập thích” của Quách Khánh Phiên đời Thanh hay “Trang Tử tập giải" của Vương Tiên Khiêm.

    Trang Tử đã được dịch ra chữ Việt nhiều lần, đáng chú ý là những bản của Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Tôn Nhan v.v...

    ...
     
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TRƯỜNG SINH ĐIỆN


    Tác phẩm bi kịch trữ tình của Hồng Thăng đời Thanh. Kịch này rút tài liệu từ mối tình của Đường Minh Hoàng Lý Long Cơ và Quý phi Dương Ngọc Hoàn đời Đường. Đây là câu chuyện ái tình truyền thống được lưu truyền rộng rãi trong dân gian sau cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn và Sử Tư Minh. Trong các thi ca tiểu thuyết đời Đường đã có nhiều tác phẩm có thành tựu nghệ thuật cao như “Trường hận ca”, “Trường hận ca truyện” và đó cũng là đề tài quan trọng của văn học thuyết xướng và Hi khúc các đời Nguyên, Minh.

    Trường sinh điện kế thừa được thành tựu của các tác phẩm ấy, thêm phần phát triển của riêng mình. Nội dung Trường sinh điện mô tả Đường Minh Hoàng sắp sách phong Quy phi cho cung nữ Dương Ngọc Hoàn, hai người chìm đắm trong cuộc sống hoang dâm hoan lạc và dùng anh họ nàng là Dương Quốc Trung làm Tể tướng, kết quả triều chính đen tối, quan lại thối nát. An Lộc Sơn thừa cơ phản loạn đánh chiếm Trường An, các quan văn võ hoảng hốt bỏ chạy, khi đến Mã Ngôi pha, ba quân xao động, tướng sĩ giận dữ yêu cầu Đường Minh Hoàng xử tử anh em nàng họ Dương vì đã gây tai họa cho quốc gia. Đường Minh Hoàng không biết làm sao hơn, đành đau đớn giết Dương Quốc Trung và cưỡng bức Dương Ngọc Hoàn tự thắt cổ chết.

    Sau đó, Đường Minh Hoàng trở về cung vẫn hết sức nhớ nhung Dương Ngọc Hoàn làm cảm động tới trời cao, trời giúp cho nhà vua lên tiên cảnh, vào nguyệt cung, đạt kết quả đoàn viên với tình nhân vĩnh viễn.

    Tác phẩm áp dụng phương pháp kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn đưa ái tình cảm động vào trong hoàn cảnh tao loạn. Trong tác phẩm, tác giả phẫn nộ khiển trách quyền gian Dương Quốc Trung và tên tạo phản An Lộc Sơn, ca tụng tướng Quách Tử Nghi đánh dẹp loạn Phiên, thu phục kinh thành. Tác phẩm không trực tiếp ca tụng tình yêu giữa Lý Long Cơ và Dương Ngọc Hoàn, cũng không phủ định căn nguyên của bi kịch ấy. Văn bút Trường sinh điện ưu mỹ, âm luật hài hoà, được các nhà phê bình khen ngợi.

    ...
     
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TUÂN TỬ


    Tác phẩm Tản văn lý đời Tần do Tuân Huống* biên soạn, một trong những trứ tác quan trọng của Nho gia cuối đời Chiến quốc. Sách “Thất lược biệt lục” của Lưu Hướng đời Hán gọi là “Tuân Khanh tân thư” (Tuân Huống có tên tự là Khanh) và chép sách này có 2 quyển, 32 thiên. Đời Đường, Dương Kinh chú giải bản sách này cho rằng văn tự phồn tạp, bèn chia làm 20 quyển, đặt tên là “Tuân Khanh Tử”. Từ đời Tống trở về sau thường gọi là “Tuân Tử".

    Trong sách này có các thiên Đại lược, Pháp hành là có thể do các đệ tử chép lại. Toàn bộ hệ thống nghiêm cẩn, quán triệt được tư tưởng duy vật thô sơ của tác giả. Như trong quan niệm về trời, ông cho trời là tự nhiên giới, cho rằng trời vận chuyển là thường và người có thể hơn trời.

    Về nhận thức luận, ông đề xuất khả tri luận duy vật, nhấn mạnh “lý sự vật có thể biết được” (Vật lý khả tri), chủ quan và khách quan tiếp xúc mới tạo thành nhận thức, ông còn đề xuất tư tưởng luận lý của chính danh luận, nhấn mạnh tên gọi và thực chất cần phải phù hợp.

    Về nhân tính luận, ông tuyên dương thuyết “tính ác”, thuyết này tuy thuộc về duy tâm nhưng tác dụng giáo dục do ông nêu lên lại có điểm hợp lý. Ngoài ra, về các mặt chính trị xã hội, tư tưởng và lý luận quân sự, ông cũng đều có những kiến giải được người đời coi trọng. Sách này chẳng những là y cứ quan trọng để nghiên cứu tư tưởng Tuân Tử, mà còn trợ giúp cho việc nghiên cứu lịch sử xã hội trước đời Tần.

    Sách được chú giải rất nhiều, chủ yếu có bản Tuân Tử chú của Dương Kinh đời Đường, hay bản Tuân Tử tập giải của Vương Tiên Khiêm đời Thanh. Tuân Tử đã có bản dịch ra tiếng Việt của Nguyễn Hiến Lê.

    ...
     
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TRỊ THÔNG GIÁM


    Bộ thông sử biên niên đầu tiên của Trung Quốc do Tư Mã Quang* đời Bắc Tổng biên soạn. Tác giả bắt đầu biên soạn vào năm Trị Bình thứ 3 đời Tống Anh tông (1066), trước đó đã soạn xong 8 quyển sử biên niên từ đời Chiến quốc đến đời Tần với tên là “Thông chí” in đã được trình lên vua Anh tông. Anh tông ra lệnh lập sử cục tiếp tục biên soạn, do các sử học gia Phạm Tổ Võ, Lưu Thứ, Lưu Ban giúp sức, tuyển chọn trong các dã sử, chính sử, truyện ký hơn 220 loại, trải qua 19 năm nỗ lực mới hoàn thành.

    Sách gồm 294 quyển, Thần tông nhận định sách này “soi tấm gương việc trước, có lợi trong việc trị đạo” nên ban tên là Tư trị thông giám (Tấm gương soi làm tư liệu cai trị). Sách chép việc bắt đầu từ năm Chu Uy Liệt vương thứ 23 (năm 403 T.C.N), đến năm Hiển Đức thứ 6 đời Chu Thế tông (năm 959), từ đời Chiến quốc đến cuối đời Ngũ đại, tổng cộng 1362 năm lịch sử. Tài liệu trong sách này phong phú đáng tin cậy, các thư tịch trưng dẫn trong sách hơn nửa đã mất nên giá trị sử liệu của sách rất cao.

    Quy cách biên soạn của sách nghiêm cẩn, mạch lạc phân minh với văn bút sinh động, có một số đoạn nổi tiếng văn chương. Thế nhưng về nội dung, sách quá nghiêng về sự hưng suy trị loạn của chính trị mà bỏ qua (hay chỉ chép sơ lược) phương diện văn hoá và kinh tế. Vì số quyển quá nhiều, tác giả còn soạn thêm phần Mục lục 30 quyển phỏng theo thể niên biểu để giúp độc giả tra tìm.

    Năm 1956, Thượng Hải Cổ tịch xuất bản xã ấn hành Tư trị thông giám được hiệu đính của Hồ Tam Tỉnh.

    ...
     
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TỰ HỐI


    Bộ tự điển do nhà học giả đời Minh là Mai Ưng Tộ biên soạn. Về mặt chia bộ thủ chữ Hán, đây là bộ tự điển có sự sửa đổi lớn, sách căn cứ theo thể chữ Khải chân phương chia bộ thủ, từ đó thay đổi hẳn cách chia bộ thủ của các sách Thuyết văn giải tự* và Ngọc Thiên*, làm cho số lượng bộ thủ giảm bớt rất nhiều, mở đường cho cách chia bộ thủ của các tự điển, từ điển ngày nay.

    Toàn bộ Tự Hối thu chép được 33.179 chữ Hán, ngoài những chữ thường dùng trong cổ thư, sách còn ghi lại một số chữ thông tục, nhưng không thu ghi chữ lạ ít dùng. Khi chú thích âm đọc, sách cho biết cách “phiên thiết” trước tiên rồi chú thích thẳng cách đọc; giải thích nghĩa chữ giản dị trong sáng dễ hiểu, vừa dễ nhớ vừa dễ lý giải. Sách chia làm 12 tập ghi theo thứ tự 12 chi: Tí, Sửu, Dần, Mão v.v...

    Toàn sách theo thứ tự cách viết chữ Khải chia bộ thủ làm 214 bộ chữ Hán (đến nay cách chia số và bộ thủ này đuợc coi là truyền thống và vẫn được áp dụng). Bộ thủ và các chữ thuộc bộ ấy đều theo cách viết thứ tự số nét chữ Khải để sắp xếp, rất tiện lợi khi cần tra cứu nên được dùng đến ngày nay.

    Về phần giải nghĩa chữ, Tự Hối y cứ theo Thuyết Văn, Nhĩ Nhã* và các tài liệu hữu quan khác, cộng thêm phần hiệu đính sửa chữa của tác giả. Cách chia bộ thủ của Tự Hối có ảnh hưởng rất lớn đến đời sau, các từ thư từ điển sau này đa số đều dựa vào bộ thủ của Tự Hối khi biên soạn.

    ...
     
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    VĂN TÂM ĐIÊU LONG


    Tác phẩm chuyên đề lý luận văn học do Lưu Hiệp* đời Lương, Nam triều biên soạn. Toàn thư 10 quyển, 50 thiên chia ra làm hai phần Thượng và Hạ, mỗi phần có 25 thiên.

    Nội dung sách có thể chia làm 4 bộ phận: các thiên “Nguyên đạo”, “Trưng thánh” là bộ phận tự luận, đặt cơ sở lý luận cho toàn thư mà thiên “Tông kinh” là trung tâm lý giải toàn thư. Các thiên “Minh thi”, “Nhạc phủ”, “Thuyên phú” là bộ phận văn thể, mỗi thiên thông qua bình luận một loại hay vài loại văn thể để luận thuật đặc trưng của các loại văn chương và diễn biến lịch sử. Các thiên “Thần tư”, “Dung tài”, “Tỉ hứng” là bộ phận sáng tác luận, luận thuật về quá trình sáng tác, phong cách tác gia, kỹ thuật viết v.v... Các thiên “Thời tự”, “Tri âm” là bộ phận phê bình luận, luận thuật nguyên tắc và phương pháp phê bình văn học. Cuối cùng thiên “Tự chí” là bài tựa có tính tổng kết của chính tác giả.

    Sách này chẳng những tổng kết được toàn diện các hiện tượng văn học đời trước mà còn đề xuất khá nhiều quan điểm mới và kiến giải mới mà người xưa chưa hề nhắc tới; từ nội dung lớn lao của lý luận văn học cổ đại, sách kiến lập một hệ thống lý luận văn học nghiêm mật. Sách ra đời, đưa nền lý luận nghệ thuật Trung Quốc cổ đến tầm cao mới, tạo ảnh hưởng sâu đậm đối với sáng tác văn học và phê bình văn học đời sau. Khuyết điểm của sách là quá cường điệu địa vị kinh điển Nho gia, nhiều vấn đề chưa hoàn toàn thoát được ảnh hưởng của văn phong lúc ấy.

    Văn bản của sách rất nhiều, bản thông hành nhất in trong Tứ bộ tùng san. Ngoài ra, còn có các bản chú thích dịch ra Bạch thoại của Phạm Văn Lan, Dương Minh Chiếu... cũng đáng tham khảo.

    Văn tâm điêu long đã được dịch ra chữ Việt bởi Phan Ngọc.

    ...
     
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    VĂN TUYỂN


    Tổng tập thi văn sớm nhất còn lại đến nay do Chiêu Minh Thái tử Tiêu Thống* đời Lương, Nam triều biên soạn. Đời gọi là “Chiêu Minh văn tuyển".

    Sách thu chép thơ văn từ phú từ đời Tiên Tần đến đầu đời Lương, gần hơn 130 tác gia, hơn 700 thiên. Trong ấy có nhiều tác phẩm chỉ nhờ được chép vào sách này mà còn bảo tồn đến nay. Tác giả đã chú ý đến sự khác biệt của loại hình văn học nên không tuyển chọn các loại thuộc “kinh”, “tử” và “sử”.

    Phần Sở từ, Hán phú và văn biền ngẫu Lục triều chiếm đa số trong sách; mà phần lớn thi ca được chọn cũng phải là loại tác phẩm đối ngẫu nghiêm cẩn như của Nhan Diên Chi, Tạ Linh Vận, còn loại thơ bình dị như của Đào Uyên Minh được chọn rất ít. Trong phần tử trí thức cũ, sách được coi là mẫu mực học tập và tạo ảnh hưởng lớn như đã có câu tục ngữ “Đọc nát sách Văn tuyển (là đã hi vọng) một nửa đậu Tú Tài” (Văn tuyển lạn, Tú tài bán).

    Thế nhưng, phân loại của sách quá vụn vặt tạp nhạp, bị đời sau chỉ trích. Nguyên thư 30 quyển, đời Đường Lý Thiện viết chú thích chia nhỏ ra làm 60 quyển, khi chú giải có sưu tập tư liệu khá nhiều nên cũng có giá trị. Sau này có nhóm Lã Diên Tế gồm 5 người cùng nhau chú thích lại gọi là bản “Ngũ thần chú”. Đời Tống hợp hai bản ấy làm một, gọi là “Văn tuyển lục thần chú”.

    Văn bản của sách này có khá nhiều, trong ấy có bản do Hồ Khắc Gia đời Thanh in lại bản của Lý Thiện khá hoàn chỉnh.

    ...
     
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    XUÂN THU


    Bộ sử biên niên cổ nhất còn giữ được của Trung Quốc, một trong các kinh điển Nho gia. Tương truyền sách này là do Khổng Tử căn cứ vào sách “Lỗ Xuân Thu” của các sử quan nước Lỗ rồi chỉnh lý biên soạn thành. Sách chép theo thứ tự 12 đời vua nước Lỗ, từ năm 722 T.C.N (Lỗ Ai công thứ 14) gồm lịch sử dài 242 năm.

    Xuân Thu chép sử sự chủ yếu ở nước Lỗ, nhưng có đề cập đến hơn trăm quốc gia khác. Nội dung ghi chép phần lớn là hoạt động chính trị, trong ấy tỉ lệ các cuộc chiến tranh xâm chiếm giữa các nước là nhiều nhất. Ngoài ra, còn chép cả các hiện tượng tự nhiên như núi lở, sao rơi, mưa đá, nguyệt thực, động đất, trùng hại và các sinh hoạt đời sống như hôn lễ, tang lễ, thờ cúng v.v...

    Xuân Thu ghi chép sự việc quá ư vắn tắt, một điều mục tối đa chỉ chép 47 chữ, tối thiểu chỉ 1 chữ. Chép sử sự của 242 năm lịch sử mà chỉ dùng tổng cộng có 18.000 chữ. Phần lớn là tỉnh lược bớt quá trình lịch sử, rồi lại chỉ ghi chép kết quả hoặc kết luận, chữ dùng lại quá kín đáo tối nghĩa. Vì vậy nếu không có chú giải rất khó hiểu rõ.

    Cũng nhân vậy, người đời sau ở những góc độ khác nhau đã giải thích thêm Xuân Thu, gọi là Truyện. Đến đời Hán, phần Truyện đã có hơn 5 loại, gồm cả “Tả thị truyện”, “Công Dương truyện”, “Cốc Lương truyện”, “Hiệp thị truyện” và “Trâu thị truyện”. Sau đó mất 2 truyện, chỉ còn lại ba bản truyện đầu tiên, được gọi là “Xuân Thu tam truyện”.

    Xuân Thu vốn có nhiều bản in riêng và có cả nhiều bản in chung cả tam truyện. Sách đã có bản dịch chữ Việt của Hoàng Khôi, Trung Tâm Học Liệu Sàigòn xuất bản, 1969.

    ...
     
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    PHẦN TRIẾT HỌC


    Triết học cổ đại Trung Quốc là một trong những nền triết học lớn nhất nhân loại. Từ trước đời Tần, tư tưởng triết học đã đua nhau nở rộ và được gọi là “Trăm nhà đua tiếng” (Bách gia tranh minh). Trong phần này chúng tôi giới thiệu tương đối đầy đủ về các trường phái và quan điểm của nền triết học vĩ đại ấy. Tư liệu căn cứ là các bộ triết học sử và văn hóa sử.


    1.- BÁCH GIA VÀ CÁC HỌC PHÁI NỔI TIẾNG


    Các học phái tư tưởng của “Bách gia” ở Trung Quốc cổ đại có thể coi là tiêu biểu cho tư tưởng của toàn bộ triết học nhân loại lúc ấy. Ở tiểu mục này, chúng tôi xin giới thiệu các học phái nổi tiếng nhất. Chắc chắn bạn đọc cũng hiểu “Bách gia” chỉ là từ phiếm chỉ số nhiều. Tiểu mục này cũng được sắp xếp theo thứ tự ABC quốc ngữ.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    LỤC VƯƠNG TÂM HỌC
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link


    ÂM DƯƠNG GIA


    Học phái đề xướng thuyết Âm Dương Ngũ Hành trong thời kỳ Chiến quốc. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* liệt vào một trong “Cửu lưu thập gia” và chỉ ra: “Học phái Âm Dương xuất xứ từ quan Hi Hòa (quan coi về thiên văn, lịch pháp) kính thuận trời cao, trải xem hiện tượng trăng sao mặt trời, dạy cho dân chúng biết mùa màng”. Nhân vật đại biểu của học phái Âm Dương gia là Trâu Diễn*. Thuyết Âm Dương và thuyết Ngũ Hành vốn là quan niệm tự nhiên bao hàm nhân tố duy vật thô sơ, Trâu Diễn và các người cùng thời đưa nó kết hợp làm một với quan niệm “Thiên nhân cảm ứng” nhuốm đầy màu sắc tông giáo, vu thuật và thần bí mê tín.

    Đương thời, chia ra làm hai phái “Ngũ hành tương sinh thuyết” và “Ngũ hành tương thắng thuyết”.

    Ngũ hành tương sinh thuyết yêu cầu người ta căn cứ vào sự thay đổi của bốn mùa để tổ chức sản xuất nông nghiệp, là có bao hàm nhân tố duy vật thô sơ.

    Ngũ hành tương thắng thuyết lại nghiên cứu kỵ húy và dùng Ngũ Hành để giải thích họa phúc tai nạn, đây chính là màu sắc duy tâm thần bí.

    Trâu Diễn dùng Ngũ hành tương thắng thuyết để giải thích các triều đại lụi tàn, thay thế nhau, cho rằng xã hội nhân loại chịu chi phối bởi 5 loại thế lực là Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy, đó vừa là Thần học vừa là lịch sử tuần hoàn luận.

    Tư tưởng Âm Dương gia ảnh hưởng rất lớn tới đời sau. Đời Đông Hán hưng khởi thuyết sấm vĩ có bao hàm cả tư tưởng Âm Dương gia. Thuyết Âm Dương Ngũ Hành có tác dụng nhất định với các môn khoa học tự nhiên như Thiên văn, Lịch pháp, Y học, Hóa học.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* ghi chép 367 thiên văn chương của 21 nhà Âm Dương, nay đều đã mất. Thiên “Ứng đồng” trong Lã thị Xuân Thu* hay thiên “Nguyệt lệnh” trong Lễ ký* đều là ghi chép có liên quan đến tư tưởng học thuyết này.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/6/24
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    BINH GIA


    Học phái quan trọng nghiên cứu quân sự thời kỳ tiên Tần. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chia Binh gia ra làm 4 loại: Binh quyền mưu, Binh hình thế, Binh Âm dương, Binh kỹ xảo. Các nhân vật đại biểu là Tôn Võ*, Tư Mã Nhương Thư, Ngũ Tử Tư*, Tôn Tẫn, Ngô Khởi, Thương Ưởng*, Tôn Chẩn, Úy Liêu*, Ngụy Vô Kỵ.

    Binh gia chủ yếu nghiên cứu lý luận quân sự tìm kiếm chiến lược chiến thuật, hoạt động quân sự chuyên nghiệp. Học phái này ra đời để thích ứng yêu cầu tình hình thời kỳ Xuân Thu Chiến quốc, khi các nước đánh nhau liên miên. Nhiều tác gia Binh gia đã tổng kết hệ thống toàn diện kinh nghiệm chiến tranh trong thời kỳ lâu dài này để xác định cơ sở lý luận quân sự cổ đại, thuyết minh đầy đủ sự phát triển của khoa học quân sự cổ đại. Lý luận quân sự và chiến lược chiến thuật của Binh gia như “Tam thập lục kế”, đối với chiến tranh hậu thế cũng như chiến tranh ngày nay đều có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng hoặc giá trị tham khảo.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* ghi chép 790 thiên văn chương của 53 nhà Binh gia và 13 quyển hình vẽ, phần lớn đã mất. Lưu truyền đến nay và có ảnh hưởng khá lớn là các trứ tác của Binh gia như 13 thiên “Tôn Tử binh pháp”, 30 thiên “Tôn Tẫn binh pháp”, 6 thiên “Ngô Tử”.

    ...
     
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này