Đôi dòng lưu niệm ... Hiểu Sử NGƯỜI... Thấm Xứ TA...

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 7/1/24.

Moderators: amylee
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    CỬU LƯU THẬP GIA


    Tên gọi chung các loại học phái khác nhau từ trước đời Tần đến đầu đời Hán. Thuật ngữ này xuất hiện đầu tiên trong thiên Chư tử lược sách Thất lược của Lưu Hâm. Lưu Hâm chia tư tưởng của các tác gia từ trước đời Tần đến đầu đời Hán thành “10 nhà” (Thập gia) và chỉ ra nguồn gốc các tư tưởng ấy. “Mười nhà” bao gồm: Nho gia*, Đạo gia*, Âm Dương gia*, Pháp gia*, Danh gia*, Mặc gia*, Tung hoành gia*, Tạp gia*, Nông gia* và Tiểu thuyết gia*.

    Trong “Thập gia” ấy, ngoài Tiểu thuyết gia, lại được gọi là “Chín dòng” (Cửu lưu). Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* của Ban Cố* căn cứ vào cách chia của Lưu Hâm trong Thất lược để ghi chép các nhân vật và tác phẩm. Do vì Tiểu thuyết gia theo quan điểm cũ bị coi là loại chuyện lặt vặt ngoài vỉa hè, nên không được kể vào trong “Cửu lưu”.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    DANH GIA


    Học phái quan trọng biện luận về vấn đề quan hệ giữa “Danh”, và “Thực” thời kỳ tiên Tần. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* liệt vào một trong “Cửu lưu thập gia” và chỉ ra: “Học phái Danh gia xuất xứ từ Lễ quan”. Đời xưa người dạy học có tên gọi khác nhau, Lễ cũng khác nhau. Khổng Tử bảo: “Ắt phải vậy, tên gọi phải chính đính vậy, tên không chính ắt lời không thuận, lời không thuận ắt việc không thành” (Tất dã, chính danh hồ; danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành).

    Các nhân vật đại biểu là Huệ Thi*, Đặng Tích*, Công Tôn Long*. Trong ấy thuyết Hình danh của Đặng Tích có thể coi là đề xướng đầu tiên. Huệ Thi, Công Tôn Long có ảnh hưởng khá lớn, là nhân vật đại biểu cho Danh gia. Cuối đời Xuân Thu và cuối đời Chiến quốc, do vì xã hội thay đổi lớn, chế độ cũ mau chóng tan rã, sự vật cũ liên tục tiêu trầm, hiện tượng Danh thì còn mà Thực chất đã mất liên tiếp xảy ra. Đồng thời sự vật mới liên tục phát sinh, tên gọi mới chưa được công nhận nhất trí, vấn đề quan hệ giữa “Danh” (khái niệm) và “Thực” (sự vật) dần dần buộc người ta phải chú ý rồi trở thành tranh luận. Tiếp đó sản sinh ra các phái “Danh gia” cũng gọi là “Hình danh gia” hoặc “Danh biện gia”.

    Nội dung chủ yếu của tư tưởng học phái này là: về vấn đề quan hệ giữa “Danh” và “Thực” phải “Theo danh mà đặt thực, cho vào cùng hạng mà không mất Thực chất”. Đặng Tích, Huệ Thi, Công Tôn Long đều đề xuất kiến giải của riêng mình về vấn đề ấy và mỗi người đều có đặc điểm riêng. Ví dụ, Đặng Tích chủ trương “Cai trị bằng hình danh” và “Giỏi nắm cả hai thuyết có thể và không có thể, đặt lời lẽ vô cùng”. Huệ Thi đưa ra thuyết "Hợp đồng dị”, cho rằng tất cả sai biệt, đối lập đều là tương đối. Công Tôn Long lại cho rằng “Danh là tên gọi của Thực vậy”, tức Danh dùng để gọi cái Thực, Danh là khái niệm để gọi tên sự vật và đưa ra thuyết “Ly kiên bạch”, đẩy sự vật và thuộc tính của sự vật đến chỗ độc lập để khu biệt cá biệt tất cả, tách biệt cụ thể và trừu tượng, tuyệt đối hóa cảm quan đối với các sự vật khác nhau, xem nhẹ tính quan hệ và tính đồng nhất giữa các sự vật với nhau; thậm chí đưa tới khuynh hướng ngụy biện; nhưng một mặt nào đó lại xiển minh được quy luật tư duy, hình thành luận lý học Trung Quốc cổ đại.

    Danh gia chiếm địa vị nhất định trong tư tưởng sử thượng cổ. Tư tưởng Đạo gia, Pháp gia kết hợp với tư tưởng Danh gia hình thành nên môn học Hình danh Hoàng Lão. Đầu đời Tây Hán, Hoàng Lão, Hình danh được ghép vào gọi chung, coi là tư tưởng chính thống. Sau khi Hán Võ đế “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật”, Danh gia mới dần dần sa sút.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    ĐẠO GIA


    Học phái quan trọng sùng bái học thuyết của Lão Tử*, Trang Tử*. Trong bài “Luận lục gia chi yếu chỉ” của Tư Mã Đàm đời Tây Hán gọi là “Đạo đức gia”. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* gọi là Đạo gia và liệt vào một trong “Cửu lưu thập gia” và chỉ ra: “Học phái Đạo gia xuất xứ từ sử quan, họ ghi chép sự thành bại, tồn vong, họa phúc, đạo cổ kim rồi sau hiểu biết nguồn gốc, tự giữ mình bằng lẽ thanh hư, tự nhún mình làm như yếu đuối, đây là thuật của quân vương vậy”.

    Người sáng tạo mở đầu là Lão Tử. Nội dung chủ yếu học thuyết của ông là: cho rằng "Đạo” là nguồn gốc của muôn việc muôn vật. Cái gọi là “Đạo” sinh ra trước trời đất” “là mẹ của thiên hạ” (Tiên thiên địa sinh, vi thiên hạ mẫu) chính là hư vô.

    Về chính trị, chủ trương “cai trị bằng vô vi” (Vô vi nhi trị), chủ trương “không trọng người hiền, khiến dân không tranh dành” (Bất thượng hiền, sử dân bất tranh) cho rằng “Vô vi” tức “Vô bất vi” (không gì không làm), chủ trương quay về với xã hội “nước nhỏ ít dân” (Tiểu quốc quả dân).

    Về nhận thức luận, cho rằng vạn vật nương dựa vào nhau mà tồn tại “Có và không sinh ra nhau, khó và dễ cùng thành với nhau, dài và ngắn cùng hình, cao và thấp cùng nghiêng” (Hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh).

    Về luân lý, chủ trương “dứt nhân bỏ nghĩa” (Tuyệt nhân khứ nghĩa), “dứt thánh bỏ trí” (tuyệt thánh khứ trí), khiến cho người ta “không hiểu biết không thèm muốn” (Vô tri vô dục), đối lập tuyệt đối với tư tưởng Nho gia.

    Sau Lão Tử, từng xuất hiện khá nhiều học phải có đặc điểm như Đạo gia. Có phái chủ trương "Lấy bản nguyên làm tinh túy, lấy vật làm thô thiển" như của Hoàn Uyên"; có phái quả dục như của học phái Tống (Bính*) Doãn (Văn*); có phái chủ trương giữ vững tính chân, không dùng vật lụy hình như của học phái Dương Chu*; có phái chủ trương bỏ trí bỏ cả thân mình như học phái của Thận Đáo*, Điền Biền*, Bành Mông; có phái chủ trương tự do tuyệt đối, quên cả vật lẫn ta như học phái Trang Chu* v.v... Trong số ấy, chỉ có Trang Chu là được coi như kế thừa và phát triển toàn diện tư tưởng của Lão Tử, có ảnh hưởng rất lớn.

    Thời kỳ Chiến quốc, tư tưởng Đạo gia kết hợp với tư tưởng học phái Danh gia, Pháp gia, hình thành môn học Hoàng Lão. Thân Bất Hại*, Hàn Phi* đem “Đạo bắt chước tự nhiên” (Đạo pháp tự nhiên) làm cơ sở lý luận cho tư tưởng Pháp gia. Đầu đời Tây Hán, Hoàng Lão và Hình danh được ghép liền với nhau. Từ khi Hán Võ đế “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật” trở đi, tuy Đạo gia có hơi sa sút nhưng lại có Vương Sung* dùng quan điểm thiên đạo tự nhiên của Đạo gia để phản đối thần học sấm vĩ, tạo tác dụng rất lớn.

    Tư tưởng Đạo gia lưu truyền vào dân gian, ảnh hưởng biến thành Đạo giáo trong cuộc khởi nghĩa Khăn vàng (Hoàng cân) đến độ Thái Bình đạo*, Ngũ đấu mễ đạo* tôn Lão Tử lên hàng giáo chủ. Kỳ thực, cái học của Lão Tử không hề là tông giáo. Thời kỳ Ngụy, Tấn, các ông Hà Án, Vương Bật dùng tư tưởng Đạo gia giải thích Nho gia, hình thành loại Huyền học kết hợp giữa Đạo và Nho gia. Từ đời Đông Tấn về sau, lại có một lần dùng học thuyết Lão Trang giải thích Phật học mới truyền vào Trung Quốc, hình thành hợp lưu Phật, Đạo. Sau này, Lý học đời Tống, Minh tuy bài bác Phật, Lão, suy tôn Nho học nhưng cũng hấp thu khá nhiều nhân tố hợp lý của Đạo gia.

    Tư tưởng Đạo gia có ảnh hưởng cực lớn đến tư tưởng giới, văn nghệ giới ở Trung Quốc. Tác phẩm đại biểu là các bộ Lão Tử*, Trang Tử*.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    HOÀNG LÃO HỌC PHÁI


    Một trong các học phái quan trọng của Đạo gia thời kỳ Chiến quốc, hình thành vào khoảng giữa thời kỳ Chiến quốc. Trong phần Liệt truyện sách Sử ký* từng đề cập đến Thân Bất Hại*, Hàn Phi* từng có gốc từ Hoàng Lão mà lập nên Hình danh học. Trong phần Thận Đáo liệt truyện sách Sử ký* cũng từng đề cập đến Thận Đáo*, Điền Biền*, Tiếp Tử, Hoàn Uyên* đều học thuật đạo đức của Hoàng Lão (Giai học Hoàng Lão đạo đức chi thuật). Học phái này gộp chung Hoàng đế trong truyền thuyết với Lão Tử và cùng tôn xưng lên hàng các người khai sáng phái Đạo gia.

    Nội dung chủ yếu của học thuyết này là: lấy tư tưởng Đạo gia làm cơ sở, có nhuốm ít nhiều màu sắc tư tưởng Pháp gia, chủ trương thanh tĩnh vô vi, sạch lòng ít tham muốn, an trị vô vi, từng đưa ra quan điểm “Yên tĩnh để nuôi dưỡng nội tâm, âm dương có đầy đủ trong vật chất, biến hóa nên sinh ra”, chứa đầy nhân tố biện chứng thô sơ.

    Thời kỳ Tây Hán, giới thống trị phong kiến cần áp dụng chính sách cho dân nghỉ ngơi, khôi phục sản xuất nên thuật Hoàng Lão bắt đầu được lưu hành. Đến thời kỳ Hán Văn đế, Hán Cảnh đế, học phái Hoàng Lão cực thịnh một thời. Khi Hán Võ đế chủ trương: “Bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật" rồi, cái học Hoàng Lão dần dần sa sút, nhưng đối với đời sau vẫn có ảnh hưởng sâu xa.

    Các tác phẩm mượn tên Hoàng Lão đều đã mất, bộ Lão Tử* chỉ có 5 ngàn chữ. Năm 1973, trong mộ đời Hán ở Mã Vương đôi, Trường Sa, có phát hiện một số sách cổ thuộc tư tưởng học thuyết Hoàng Lão phái.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    HỌC PHÁI ĐÔNG LÂM


    Môn phái học thuật do Cố Hiến Thành, Cao Phan Long đời Minh làm đại biểu. Nhân vì vào niên hiệu Vạn Lịch (đời Minh) họ kiến lập Đông Lâm thư viện ở Vô Tích, Giang Tô nên có tên gọi ấy. Nhân vật chủ yếu còn có các ông Tiền Nhất Bản, Tôn Thận Hành, Cố Doãn Thành, Hoàng Tôn Tố. Về học thuật, phái Đông Lâm bắt chước Dương Thời, tôn sùng Lý học Trình Chu, phủ định Vương học đang lưu hành lúc ấy, dựng lá cờ độc lập về học thuật.

    Lý tưởng của họ là thông qua giảng học để cứu vãn lòng người, mong muốn trị quốc bình thiên hạ. Bài “Minh” ghi ngay chỗ ngồi của họ có câu đối rằng: “Tiếng gió, tiếng mưa, tiếng đọc sách, tiếng tiếng đáng nghe. Việc nhà, việc nước, việc thiên hạ, việc việc quan tâm” (Phong thanh, vũ thanh, độc thư thanh, thanh thanh nhập nhĩ. Gia sự, quốc sự, thiên hạ sự, sự sự quan tâm). Họ “sau khi học tập rảnh rỗi, thường thường bàn chê triều chính, đánh giá nhân vật”, do vậy là một đoàn thể học thuật dần dần mở rộng thành một đoàn thể chính trị, bị thế lực phong kiến bảo thủ gọi là “Đông Lâm đảng”.

    Học phái này nhấn mạnh phải nhập thế an trị nhân dân, phản đối xuất thế tách lìa sự thực cuộc đời, biểu lộ ở yêu cầu được tự do dạy học và tự do lập đảng, thậm chí xuất phát từ lời kêu gọi: “Thiên hạ đúng hay sai, tự phải nghe theo thiên hạ”. Họ đại biểu cho lợi ích của địa chủ và thương nhân thị dân. Trong cuộc đấu tranh với thế lực hoạn quan và thế lực chính trị thối nát lúc ấy, họ chủ trương đổi mới triều chính, yêu cầu thương dân, coi trọng phát triển công thương nghiệp. Những tư tưởng tiến bộ ấy tạo ảnh hưởng tích cực đối với sự hưng khởi tư trào đòi học hỏi Tây phương giữa khoảng hai triều Minh, Thanh. Cuộc đấu tranh của họ từng bị giới thống trị trấn áp tàn khốc. Trong sách “Minh Nho học án”, Hoàng Tông Hi ca ngợi tinh thần đấu tranh và tinh thần hiến thân của họ.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    HỌC THUYẾT DANH LÝ


    Học thuyết “biện luận về danh phân tích về lý” ở thời Ngụy Tấn.“Danh” tức danh từ, tên gọi, “” tức nội hàm chứa đựng của tên gọi ấy. Đây là một loại tư trào, cũng là một loại phương pháp, là một phương pháp, nó tiến hành phân tích khái niệm trừu tượng và suy luận, thông qua biện luận để đạt đến Huyền lý, người biện luận thắng gọi là “Danh thắng”, với ý là người đạt tới lý.

    Vương Bật* nói “Không thể biện luận về danh thì không thể nói về lý; không thể xác định danh thì không thể luận về thực” (Lão Tử thất lược). “Danh lý” có nguồn gốc bắt đầu là cuộc thảo luận về “Danh phận chi lý” tức vua hay tôi ai nấy giữ chức vụ của mình, làm cho DanhThực phù hợp để an trị thiên hạ. Sau đó, tiến thêm thảo luận về vấn đề xác định tiêu chuẩn mỗi nhân vật, phát triển theo hướng trừu tượng.

    Tóm lại cuộc tranh luận về Danh tuy đã sa vào chỗ trừu tượng, không thể giải quyết vấn đề trên thực tế, nhưng vẫn có thể cải thiện hoàn cảnh tinh thần của con người. Cái gọi là “Huyền phong” ở đời Ngụy Tấn chính là một loại phong khí “biện luận về tên gọi, phân tích về nội dung” (biện danh tích lý), cho nên các nhà Huyền học đều có khả năng biện danh tích lý. Danh lýHuyền viễn (xa rời sự vật) là hai mặt của Huyền học, Danh lý là một loại phương pháp, học vấn. Huyền viễn là một loại cảnh giới, là mục tiêu đạt tới. Người đạt tới cảnh giới “Huyền viễn” được gọi là “Huyền học gia”.

    Học thuyết Danh Lý thúc đẩy sự ra đời, hình thành và phát triển của Huyền học, đồng thời, bản thân nó lại là phương pháp Huyền học. Sự xuất hiện và phát triển của nó đã đề cao tiêu chí triết học tư duy trừu tượng của Trung Quốc, có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của triết học sử Trung Quốc.

    ...
     
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    HỌC THUYẾT KINH THẾ TRÍ DỤNG


    Một tư trào học thuật ở thời kỳ cuối xã hội phong kiến, đặc biệt là ở khoảng giữa hai triều Minh và Thanh, chủ trương nghiên cứu học thuật phải có lợi cho sự an trị xã hội, có lợi cho kinh tế phát triển và có công hiệu thực tế, phản đối kịch liệt phong khí Huyền học hư vô sáo rỗng của Lý học đời Tống Minh.

    Kinh thế” tức trị lý thế sự. Sự thực, quan điểm này đã có từ Lã Tổ Khiêm đời Nam Tống, chủ trương kết hợp học thuật văn hiến Trung Nguyên với đời sống thực tế xã hội, sau đó là chủ trương của Trần Lượng, Diệp Thích cũng đem kinh thế trí dụng kết hợp với thực sự công lợi, họ đả kích mãnh liệt lý học duy tâm bàn suông về tính mệnh nghĩa lý. Khoảng Minh, Thanh, theo chân chủ nghĩa tư bản, manh nha phương thức sản xuất mới, cộng với sự biến động xã hội “trời long đất lở”, tư tưởng “kinh thế trí dụng” thành một tư trào xã hội khá có ảnh hưởng. Các nhân xã hội khá có ảnh hưởng. Các nhân vật đại biểu cho tư trào này là Hoàng Tông Hi, Cố Viêm Võ, Vương Phu Chi, Phương Dĩ Trí, Chu Thuấn Thủy, Trần Xác, Phó Sơn, Nhan Nguyên, Lý Cung v.v...

    Cố Viêm Võ là người đầu tiên phê bình Lý học Tống Minh là “không được lòng người”, chỉ là cái học “bên ngoài tai miệng” (khẩu nhĩ chi học), do vậy, ông đưa ra tư tưởng “Thông kinh trí dụng”, chỉ ra rõ ràng: “Cái học của bậc quân tử là làm sáng đạo, là để cứu đời” (Quân tử chi vi học, dĩ minh đạo dã, dĩ cứu thế dã). Nhan Nguyên cực lực đề xướng “Thực sự”, “Thực học” và đưa ra cương lĩnh chính trị “Nên lấy bảy chữ làm giàu thiên hạ: khẩn hoang, quân điền, hưng thủy lợi; nên lấy sáu chữ làm mạnh thiên hạ: người đều là lính, quan đều là tướng; nên lấy chín chữ để an thiên hạ: đề cử nhân tài, chính đính kinh tế, hưng lễ nhạc”.

    Những chủ trương ấy đều có tính đại biểu. Phong khí học thuật mà họ đề xướng đều có chung đặc điểm: đối diện với hiện thực, cứu vãn những quốc nạn đương thời, dũng cảm nhận nhiệm vụ, không đề cao sự đàm luận trống rỗng, cố sức đổi mới, không bắt chước cổ nhân, thực sự cầu thị, chú trọng điều tra nghiên cứu, không thiên lệch thành kiến, không theo độc nhất một chủ trương nào. Phạm vi học thuật của họ rất rộng, bao quát từ chính trị, kinh tế, quân sự, quốc gia, dân tộc, pháp luật, biên cương, địa lý, phong tục, nhân tình cho đến cả khoa học tự nhiên v.v... Về chính trị, họ phản đối chế độ khoa cử lấy loại văn bát cổ làm đề thi, chủ trương bồi dưỡng nhân tài hữu dụng; về triết học, họ đưa ra tư tưởng duy vật phong phú và tư tưởng biện chứng pháp.

    Tư tưởng kinh thế trí dụng là truyền thống tốt đẹp của triết học Trung Quốc.

    ...
     
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    HỌC THUYẾT SỰ CÔNG


    Cũng gọi bằng các tên Sự công học phái hay Công lợi học phái. Môn phái triết học duy vật chú trọng sự thực và thành quả của sức lao động trong thời kỳ cuối xã hội phong kiến Trung Quốc, đối lập với học thuyết nghĩa lý coi nhẹ thành quả sức lao động, chỉ trọng nghĩa khinh lợi. Học phái sự công mở đầu bằng Lý Cấu, Vương An Thạch* đời Bắc Tống và được tập đại thành bởi Trần Lương, Diệp Thích đời Nam Tống, sau đó được vững vàng trên lý luận bởi Nhan Nguyên, Lý Cung đời Minh Thanh.

    Lý Cấu cho rằng: “Người ta không có lợi không sống được” (Nhân phi lợi bất sinh), “Đâu có nhân nghĩa nào mà không có lợi” (Yên hữu nhân nghĩa nhi bất lợi). Trần Lương chủ trương: “Công lao đến chỗ hoàn thành tức là có đức; việc đến chỗ có thể giúp cứu được người tức là có lý” (Công đáo thành xứ tiện thị hữu đức, sự đáo tế xứ tiện thị hữu lý). Diệp Thích cũng coi trọng công lợi như vậy, với chủ trương “vụ vào sự thực, không vụ vào sự hư rỗng” (Vụ thực nhi bất vụ hư), dùng công lợi để đánh giá nghĩa lý, nhấn mạnh lý luận ắt cần phải thông qua hoạt động thực tế để kiểm nghiệm. Loại quan điểm coi trọng quá thực tế này giống như quan điểm “bỏ sự thực là theo hình bóng, bỏ hữu dụng mà vì vô ích" (Xả thực sự nhi hi ảnh tượng, khí hữu dụng nhi vi vô ích) của Đạo gia.

    Nhan Nguyên cho rằng Nghĩa và Lợi, là thống nhất. “Trong nghĩa có lợi là điều quân tử coi quý” (Nghĩa trung chi lợi quân tử sở quý). Trên đời này, người cày cấy gieo trồng không ai không muốn thu hoạch, người đánh cá không ai không muốn được cá. Nhan Nguyên phê bình: “Nhà Nho sau này (có người) nói chính đính nghị luận mà không cầu lợi ích” là sai lầm, nên sửa là: “Chính đính nghị luận để cầu lợi ích”.

    Học thuyết sự công phản ánh lợi ích của giới công thương nghiệp địa chủ. Về chính trị, chủ trương cải cách nói chính; về kinh tế, chủ trương coi trọng cả nông nghiệp và thương nghiệp, giúp đỡ nghề buôn bán; trong chiến tranh dân tộc, chủ trương tích cực kháng chiến; về tư tưởng, công khai nêu cao ngọn cờ thực sự coi trọng công lợi, phê phán loại Đạo học duy tâm “Bàn tính mệnh mà né tránh công lợi” (Đàm tính mệnh nhi tịch công lợi).

    Công lợi học phái trở thành một biệt phái quan trọng trên mặt trận duy vật ở Trung Quốc cổ đại.

    ...
     
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    HUYỀN HỌC ĐỜI NGỤY TẤN


    Tự trào triết học lấy tư tưởng Lão Trang làm nòng cốt trong thời kỳ Ngụy Tấn. Tư trào này thảo luận về căn cứ tồn tại của trời đất là vấn đề bản thể luận xa lìa hẳn “thế vụ” và thực tế cuộc đời. Họ coi các sách Lão Tử*, Trang Tử*, Chu Dịch* làm kinh điển, gọi đó là “Tam Huyền”(ba bộ Huyền diệu).

    Huyền học hưng khởi lên, có cơ sở và điều kiện lịch sử cụ thể và cũng có cả nguồn gốc tư tưởng. Là một hình thái triết học, Huyền học khác “Hán học” ở điểm: “Nói giản dị, Huyền học vì bản thể luận, còn Hán học thì vì vũ trụ luận hoặc vũ trụ cấu tạo luận. Chủ thể Huyền học dùng Nhất như, dựa vào Chân thể nên ngoài thể không còn dùng gì nữa... Hán học chủ yếu coi vạn vật dựa vào Nguyên khí bắt đầu sinh ra, Nguyên khí vĩnh viễn tồn tại và chấp vào vật có thực. Xét về vạn vật cấu tạo, trước khi vạn vật thành hình đã có Nguyên khí tồn tại, sau khi vũ trụ bị tiêu diệt Nguyên khí vẫn tồn tại. Như vậy, hình như ngoài vạn hữu ra và sau đó vẫn có thực thể khác” (trích sách Ngụy Tấn Huyền học luận cảo).

    Xét về phương pháp luận chứng và tư duy, Huyền học cao hơn Nguyên khí luận đời Hán. Huyền học Ngụy Tấn phát triển chia ra làm bốn giai đoạn:

    ① “Âm vang Chính thủy”, với các nhân vật đại biểu là Hà Án, Vương Bật, chủ trương “quý hư vô” (quý vô), lấy “Lão học” làm chủ.

    ② Thời kỳ Trúc lâm, với nhân vật đại biểu là Nguyễn Tịch*, Kê Khang*, chủ trương “vượt qua danh giáo để mặc tự nhiên”, đặc trưng là theo “Lão Trang học”.

    ③ Thời kỳ Nguyên Khang, với nhân vật đại biểu là Quách Tượng, chủ trương biến hóa một mình, tự sống, “tôn sùng cái có” (sùng hữu) lấy “Trang học” làm chủ.

    ④ Thời kỳ hợp lưu Huyền học và Phật học, đại biểu chủ yếu là Đạo An*, Chi Độn, Tăng Triệu*. Trong ấy, Tăng Triệu về tư tưởng đã tổng kết Huyền học Ngụy Tấn, chủ trương “tuy có mà không có, tuy không nhưng không phải không" (Tuy hữu nhi bất hữu, tuy vô nhi phi vô), "có không là tên gọi khác nhưng là một” (Hữu vô dị xưng, kỳ trí nhất dã), hoàn thành con đường nhận thức phát triển của Huyền học từ “Quý vô” đến “tôn sùng có”, rồi lại đến “không có không không” (Phi hữu phi vô), “Có không là một” (Hữu vô vi nhất).

    Trong triết học sử Trung Quốc, Huyền học Ngụy Tấn chiếm địa vị quan trọng, có tác dụng thúc đẩy Phật học sau đó, thậm chí thúc đẩy cả sự phát triển của Lý học Tống Minh.

    ...
     
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    LÃO TRANG HỌC PHÁI


    Học phái Đạo gia tôn sùng học thuyết của Lão Tử* và Trang Tử* đời tiên Tần. Hai nhân vật đại biểu là Lão Tử và Trang Tử*. Sách “Sử ký”* viết phần truyện chung cả Lão Tử, Trang Tử; sách Hán thư cũng đề cập chung Lão và Trang. Sách Hoài Nam Tử* cũng gộp chung Lão, Trang trong câu “Khảo nghiệm thuật Lão Trang để hợp thế được mất vậy” (Khảo nghiệm hồ Lão Trang chi thuật, nhi dĩ hợp đắc thất chi thế giả dã).

    Học thuật của Trang Tử vốn xuất phát từ Lão Tử, Lão Tử và Trang Tử đều xuất phát từ quan điểm thiên đạo tự nhiên vô vi nhưng tư tưởng của hai ông cũng có khác biệt nhất định. Quan điểm thiên đạo của Lão Tử thuộc về duy tâm khách quan còn quan điểm về thiên đạo của Trang Tử thuộc duy tâm chủ quan.

    Cả hai tuy đều nhận rằng “Hư vô là gốc” (Hư vô vi bản), nhưng, Lão Tử nhấn mạnh lấy nhu nhược tự khiêm không tranh giành với đời, mục đích lấy rút về nội tại làm hiệu quả, lấy mềm thắng cứng, lấy yếu thắng mạnh, lấy “không làm” (Vô vi) để đạt tới “không gì không làm” (vô bất vi); chủ trương Đạo bắt chước Tự nhiên, dùng quy luật giống như tự nhiên đạt tới mục đích trị nước, chế ngự đám đông, giữ vững vị trí, bảo toàn thân mình.

    Còn Trang Tử chủ trương vô vi tuyệt đối, coi đúng sai như nhau, vật và ngã bằng nhau, quên cả sống chết. Mục đích của Trang là phải tìm tới tự do tuyệt đối của tinh thần chủ quan.

    Nhận thức luận của Lão Tử là chủ nghĩa tiên nghiệm, thừa nhận sự vật chuyển hóa, hàm chứa tư tưởng biện chứng thô sơ. Nhận thức luận của Trang Tử thuộc về chủ nghĩa tương đối, nhuốm đầy màu sắc hư vô chủ nghĩa và bất khả tri luận.

    Học phái Lão, Trang có ảnh hưởng rất lớn, là một học phái quan trọng duy nhất có khả năng chống chọi với học phái Nho gia do Khổng, Mạnh đứng đầu.

    Từ cuối đời Tây Hán đến đời Đông Hán, là thời kỳ ảnh hưởng của học phái Lão Trang tương đối mạnh. Thời kỳ Ngụy Tấn, Huyền học hưng khởi, sùng bái Hư Vô, học đòi Lão Trang, học phái Lão Trang cực thịnh một thời, thậm chí có người đem thần hóa nó thành tông giáo, đủ biết ảnh hưởng ghê gớm của nó.

    Tác phẩm đại biểu của học phái này là hai bộ Lão Tử*Trang Tử*.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/4/24
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    LỤC GIA


    Tên gọi chung sáu học phái từ trước đời Tần đến đầu đời Hán, gồm Âm Dương gia*, Nho gia*, Mặc gia*, Danh gia*, Pháp gia*, Đạo Đức gia*.

    Thuật ngữ này đầu tiên xuất hiện trong bài Thái Sử công tự tự sách Sử ký* của Tư Mã Thiên*. Trong bài Tự tự này ghi chép lời bình luận của Tư Mã Đàm (cha của Tư Mã Thiên) về “Sáu nhà”:

    “Tôi thường trộm quan sát thuật hay đẹp của Âm Dương, nhưng vì mọi người kỵ huý khiến người ngoài câu nệ mà sinh ra sợ sệt, nhưng (thuật ấy) thuận theo thứ tự bốn mùa, không thể để mất. Nhà Nho học rộng mà ít nắm được chỗ quan yếu, mệt nhọc mà ít hiệu quả nên khó theo, nhưng nó lại biểu lộ được trật tự của lễ vua tôi, cha con, phân biệt được chồng vợ, lớn nhỏ, không thể đổi thay. Nhà Mặc cần kiệm khó tuân theo, sự ấy không thể phổ biến rộng khắp, nhưng tiết dụng là điều không thể bỏ. Pháp gia nghiêm khắc mà ít ân nghĩa, nhưng nó có thể làm chính đính phân biệt vua tôi trên dưới, không thể đổi khác. Danh gia khiến người cần kiệm nhưng lại mất cả chân thực, nó làm danh và thực ngay ngắn, không thể không xét tới. Đạo gia khiến tinh thần chuyên nhất, động thì hợp với vô hình, chiêm nghiệm thì đủ muôn vật, ấy chính là thuật vậy. Nhận đại thuận của Âm Dương, lấy vẻ hay của Nho Mặc, tóm lấy ách yếu của Danh và Pháp, cùng thay đổi với thời, ứng dụng biến hóa, thành tục hay làm việc không gì không thích nghi..."

    Đoạn trên chẳng những đề cập tới tên của “Lục gia” mà còn tiến hành bình luận và khen chê theo ý riêng, là sử liệu quan trọng để nghiên cứu tư tưởng triết học tiên Tần.

    ...
     
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    MẶC GIA


    Học phái quan trọng sùng bái học thuyết của Mặc Tử*, phần Nghệ văn chí sách Hán thư* liệt vào một trong “Cửu lưu thập gia” và chỉ ra: “Học phái Mặc gia xuất xứ ở người coi giữ Thanh miếu. Nhà tranh vách đất nên quý cần kiệm. Nuôi dưỡng người già nên có lòng kiêm ái; chọn lọc tuyển lựa kẻ sĩ nên coi trọng người hiền; thờ bái cha mẹ nên coi trọng quỷ thần; hành động thuận theo bốn mùa nên không chấp nhận mệnh trời có sẵn”.

    Người sáng tạo mở đầu là Mặc Tử*, thời kỳ đầu của học phái Mặc gia coi Mặc Tử là nhân vật đại biểu, cùng với người đại biểu Nho gia là Mạnh Tử tranh biện và đấu tranh kịch liệt để tuyên dương và mở rộng tư tưởng học thuật của mình.

    Nội dung chủ yếu của học thuyết này là: Về tư tưởng chính trị, chủ trương “Yêu thương hết thảy mọi người” (Kiêm ái), “Không tấn công đánh nhau” (Phi công), “Coi trọng người hiền” (Thượng hiền), “Coi trọng cùng một lòng” (Thượng đồng), tức đề xướng sự yêu thương lẫn nhau, phản đối chế độ thế tập đời đời của giới ăn trên ngồi trước, dùng người chỉ dùng người hiền. Về tư tưởng xã hội, chủ trương “Tiết kiệm sự tiêu dùng” (Tiết dụng), “Tiết kiệm trong việc tang” (Tiết táng), “Không lạm dụng lễ nhạc” (Phi nhạc), tức phản đối xa xỉ lãng phí, phản đối lễ nghi hoang phí v.v...

    Về thế giới quan, đề xuất các khái niệm Phi mệnh, Thiên chí, Minh quỷ, tức phản đối quan điểm Thiên mệnh của Khổng Tử*, cho rằng người ta có sức mạnh là có thể giàu có, đồng thời lại tin vào ý chí của trời và quỷ thần có thể “thưởng điều thiện, phạt điều ác". Về nhận thức luận đưa ra nguyên tắc Tam biểu pháp để phán đoán đúng sai. Tam biểu pháp ấy là:

    ① Căn cứ vào kinh nghiệm của “Thánh vương” cổ đại.

    ② Căn cứ vào cần thiết của dân chúng.

    ③ Xem phải chăng có lợi cho đất nước dân chúng.

    Mặc Tử có hơn trăm môn đồ, họ đoàn kết thành một đoàn thể nghiêm mật, do chức “Cự tử” lãnh đạo, sống khắc khổ chuyên cần và trung thành với tông chỉ của môn phái. Tương truyền, họ đều là những người can đảm gan dạ, “nhảy vào lửa, đạp lên đao kiếm, chết không sợ hãi”.

    Mặc gia đại biểu cho lợi ích của giới địa chủ mới nổi lên và giới sản xuất nhỏ, có ảnh hưởng rất lớn với xã hội đương thời. Cũng giống như Nho gia, ở thời kỳ Chiến quốc, Mặc gia được coi là “hiển học”.

    Mặc Tử chết rồi, Mặc gia chia làm ba phái gọi chung là “Mặc gia thời kỳ sau”. Mặc gia thời kỳ sau tiến thêm một bước phát triển tư tưởng của Mặc Tử.

    Thời kỳ Hán Võ đế, bắt đầu chủ trương “Sùng thượng Nho gia, ức chế Mặc gia”, tư tưởng Mặc gia dần dần sa sút. Từ giữa đời Thanh trở về sau, tư tưởng Mặc gia lại được các học giả coi trọng. Tác phẩm đại biểu là bộ Mặc Tử*.

    ...
     
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    MẶC GIA TAM PHÁI


    Ba phân phái của học phái Mặc gia thời kỳ Chiến quốc, cũng gọi là “Tam Mặc”.

    Sau khi người khai sáng học phải Mặc gia là Mặc Tử* chết rồi, Mặc gia chia ra làm ba phái. Theo ghi chép trong phần Hiển học sách Hàn Phi tử* thì “Từ khi Mặc Tử chết, có Mặc học của Tương Lý thị, có Mặc học của Tương Phu thị (cũng gọi là Bá Phu thị hoặc Tổ Phu thị), có Mặc học của Đặng Lăng thị (Tự Mặc Tử chi tử dã, hữu Tương Lý thị chi Mặc, hữu Tương Phu thị chi Mặc (dã xưng tác Bá Phu thị chi Mặc hoặc Tổ Phu thị chi Mặc), hữu Đặng Lăng thị chi Mặc), được gọi chung là “Mặc gia thời kỳ sau” (Hậu kỳ Mặc gia).

    Hậu kỳ Mặc gia đối với học thuyết Mặc Tử có giải thích khác và phát triển thêm. Sáu thiên “Kinh thượng”, “Kinh hạ”, “Kinh thuyết thượng”, “Kinh thuyết hạ”, “Đại thủ”, “Tiểu thủ” trong bộ Mặc Tử*, từ hình thức đến nội dung đều khác rất rõ với các thiên chương khác trong cùng bộ ấy, học giả gần đây cho rằng 6 chương này chính là trứ tác của hậu kỳ Mặc gia, đại khái ra đời vào khoảng cuối đời Chiến quốc.

    Xét từ tư tưởng và phong cách, cũng không phải là tác phẩm của một người viết ra. Những thiên ấy, về nhận thức luận, luân lý học, luận lý học, pháp học, kinh tế học, số học, lực học, quang học, kỷ hà học đều có cống hiến hữu ích tích cực dối với sự phát triển khoa học tự nhiên của Trung Quốc cổ đại.

    Thời Tây Hán Võ đế, do vì Đổng Trọng Thư* đề xuất “Bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật”, Mặc gia chịu sa sút tan rã. Sau thời Ngụy Tấn, cơ hồ Mặc gia tuyệt tích. Cho đến giữa đời Thanh, Mặc gia mới lại được một số chuyên gia học giả coi trọng, từ đây tiếp tục được nghiên cứu.

    ...
     
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    NHAN LÝ HỌC PHÁI


    Học phái do hai thầy trò Nhan Nguyên và Lý Cung sáng lập đầu đời Thanh. Học phái này phản đối quan điểm triết học duy tâm “Lý có trước Khí” của Trình Chu và quan điểm “Ngoài tâm không có vật”, “Ngoài tâm không có Lý” của Lục (Cửu Uyên) và Vương (Dương Minh), nhấn mạnh “” và “Khí” là một, cho rằng “” là lý của “Khí”, “” chỉ có thể ở trong sự vật, không thể ở ngoài sự vật. Về nhận thức luận, đưa ra chủ trương “Trí tri”, chủ yếu không do tư biện và học vấn mà do kinh nghiệm thực tế, bởi vậy họ đề xướng thực hành thực tế, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Thực học, thực hành và công lợi.

    Về vấn đề Nghĩa và Lợi, họ cho rằng cả hai là một, phê phán sai lầm của các nhà Lý học đối lập giữa Nghĩa và Lợi, họ cho rằng các hoạt động của nhân loại có đặc trưng căn bản là mưu lợi, lập công. Đạo đức chỉ có thể thông qua thực sự công lợi mới có thể hiện ra được.

    Học phái Nhan Lý kịch liệt phản đối Lý học Trình Chu và Tâm học Lục Vương chỉ bàn suông về tính mệnh, không vụ vào thực tế, họ nhấn mạnh phải thông qua “Học tập và thực hành” để đạt tới ích dụng, có tác dụng thúc đẩy tư trào thực học “Kinh thế trí dụng” đầu đời Thanh.

    Nhan Nguyên và Lý Cung mỗi người đều có hàng trăm đệ tử, trứ tác chủ yếu của học phái này là bộ Nhan Lý di thư.

    ...
     
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    NHO GIA


    Học phái quan trọng sùng bái học thuyết của Khổng Tử*. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư liệt vào một trong “Cửu lưu thập gia” và chỉ ra: “Học phái Nho gia xuất xứ ở quan Tư đồ, giúp bậc quân vương thuận theo âm dương và làm sáng giáo hóa vậy. Rong chơi văn chương trong sáu kinh, lưu ý vào khoảng giữa Nhân Nghĩa, tổ thuật Nghiêu Thuấn, hiến chương Văn Võ, thờ Trọng Ni, coi trọng lời thầy là đạo tối cao vậy”. Người sáng tạo mở đầu là Khổng Tử*.

    Nội dung chủ yếu học thuyết của Khổng Tử* là: Về chính trị, “bắt chước học theo vua Nghiêu vua Thuấn, hiến chương sáng đạo của vua Văn vua Võ”, sùng thượng “Lễ Nhạc Nhân Nghĩa”, chủ trương “lấy đức trị người” (Đức trị) và “lấy lòng yêu thương trị người” (Nhân trị). Về đạo đức, đề xướng đạo “Trung thứ” và đạo “Trung dung” không thiên không lệch, coi trọng sự tu dưỡng đạo đức luân lý, hướng dẫn “ngay chính tâm tu thân, khắc phục bản thân mình theo lễ” (Chính tâm tu thân, khắc kỷ phục lễ). Về thế giới quan, tin vào mệnh trời, cho rằng “sống chết có số mệnh, giàu quý do trời” (Tử sinh hữu mệnh, phú quý do thiên), “kính quỷ thần nhưng tránh xa” (Kính quỷ thần nhi viễn chi). Về giáo dục, chủ trương “dạy dỗ không kể loại người nào” (Hữu giáo vô loại), tuỳ khả năng mà áp dụng phương pháp dạy, kết hợp học và suy nghĩ, dần dần đưa đến chỗ tốt đẹp v.v...

    Khổng Tử chết rồi, Nho gia chia làm 8 phái, gồm: Nho học của Tử Trương; Nho học của Tử Tư; Nho học của họ Nhan (Nhan thị); Nho học của họ Mạnh (Mạnh thị); Nho học của họ Tất Điêu (Tất Điêu thị); Nho học của họ Trọng Lương (Trọng Lương thị); Nho học của họ Tuân (Tuân thị); Nho học của họ Nhạc Chính (Nhạc Chính thị). Các phái Nho gia luận tranh lẫn nhau, ảnh hưởng tương đối lớn là hai phái của Mạnh Tử* và Tuân Tử*.

    Thời kỳ Chiến quốc, Nho học được coi là “Hiển học”, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, thực hành “đốt sách chôn học trò” là đòn nặng với Nho gia. Hán Võ đế thu nạp ý kiến của Đổng Trọng Thư “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật”, tư tưởng Nho gia mới dần dần trở thành tư tưởng chính thống trong hơn hai ngàn năm xã hội phong kiến ở Trung Quốc. Nhưng vì để thích ứng với những yêu cầu của từng thời đại lịch sử, nội bộ Nho gia cũng sản sinh khá nhiều môn phái khác nhau, đấu tranh biện luận lẫn nhau. Ví dụ, thời kỳ Lưỡng Hán có phái Kinh học cổ văn do Lưu Hâm làm đại biểu và phái Kinh học kim văn và Thần học sấm vĩ do Đổng Trọng Thư làm đại biểu.

    Thời kỳ Ngụy Tấn, có các ông Hà Án, Vương Bật đại biểu cho phái Huyền học. Đời Đường, có Hàn Dũ* đại biểu cho thuyết “Đạo thống”. Đời Tống có các ông Trình Hạo, Trình Di, Chu Hi đại biểu cho Trình Chu lý học hay Lục Cửu Uyên, Vương Dương Minh đại biểu cho Lục Vương tâm học. Đầu đời Thanh, với Hán học, Tống học; giữa đời Thanh trở đi với Kinh học kim văn và Kinh học cổ văn.

    Chỉ cho đến khi cuộc vận động ngũ tứ nổi lên, tư tưởng Nho gia mới sa sút theo sự sa sút của xã hội phong kiến. Nhưng do vì được rất nhiều giới thống trị phong kiến tôn sùng như một giáo điều tối cao, lại là tư tưởng chính thống trong thời gian lâu dài nên ảnh hưởng của Nho gia đối với Trung Quốc và các nước lân cận có thể nói là vẫn sâu sắc.

    Học thuyết Nho gia chẳng những bảo tồn được nhiều di sản văn hóa quan trọng ở Trung Quốc, mà có nhiều nhân tố tích cực trong ấy vẫn còn được coi là đáng thừa kế soi sáng. Tác phẩm đại biểu chủ yếu của Nho gia là các sách Luận ngữ*, Mạnh Tử*, Trung dung*, Tuân Tử*.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/4/24
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    NÔNG GIA


    Học phái thời kỳ Chiến quốc có nội dung chủ yếu là phản ánh kỹ thuật nông nghiệp và tư tưởng nông dân. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* liệt vào một trong “Cửu lưu thập gia” và chỉ ra: “Học phái Nông gia xuất xứ ở quan Nông tắc, gieo trồng trăm thứ lúa, khuyến khích canh tang để cơm áo đầy đủ...”, rồi ghi chép văn chương gồm 114 thiên sách “Thần nông”, “Dã Lão”, “Triệu thị”, “Phạm Thắng Chi”... hiện nay phần lớn đã mất mát.

    Căn cứ vào thiên “Đằng Văn công thượng” sách “Mạnh Tử* thì Hứa Hành* là người đề xướng Nông gia “Thần Nông chi giáo”, cho rằng ông lãnh đạo đoàn thể vài chục người đều mặc áo vải, sống bằng nghề đan dép và dệt chiếu. Nông gia chủ trương “Người hiền và dân thường cùng cày mà ăn, phải biết cách nấu chín”. Đề xuất khái niệm mọi người đều lao động bình đẳng, tự hưởng theo sức mình, mọi vật theo cân lượng giao hoán, theo mô thức xã hội lý tưởng không có bóc lột, phản ánh được yêu cầu và mong muốn của nông dân lao động. Nhưng loại lý tưởng ấy không thích hợp với thực tế trong xã hội đương thời, là loại không tưởng không phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.

    Nông gia còn tổng kết được phương diện kỹ thuật sản xuất và kinh nghiệm nông nghiệp. Thiên “Địa viên” trong bộ “Quản Tử” hay các thiên “Thượng nông”, “Nhiệm địa”, “Biện thổ”, “Thẩm thời” trong bộ Lã thị Xuân Thu* đều thuộc trứ tác phái Nông gia. Trong sách có khá nhiều tư liệu quan trọng liên quan đến tri thức nông nghiệp.

    ...
     
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    PHÁP GIA


    Học phái quan trọng do các Pháp gia tổ hợp thành vào thời kỳ Tiên Tần. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* liệt vào một trong “Cửu lưu thập gia” và chỉ ra: “Học phái Pháp gia xuất xứ từ các quan quản lý. Không thưởng ắt phạt, để rõ lễ chế”. Bắt nguồn từ các ông Quản Trọng*, Tử Sản* thời kỳ Xuân Thu phát triển đến Lý Ly*, Ngô Khởi*, Thương Ưởng*, Thận Đáo*, Thân Bất Hại* thời kỳ Chiến quốc. Đến Hàn Phi* tổng hợp “Pháp” của Thương Ưởng*, “Thuật” của Thân Bất Hại và “Thế” của Thận Đáo, đưa ra tư tưởng Pháp gia kết hợp Pháp, ThuậtThế, coi như người tập đại thành tư tưởng Pháp gia trước đời Tần. Các nhân vật đại biểu cho Pháp gia có ảnh hưởng khá lớn là Thương Ưởng* và Hàn Phi*.

    Nội dung chủ yếu của học thuyết này là: Cần phải tuỳ thời lập pháp, để củng cố chế độ phong kiến đất đai, kiến lập chế độ quốc gia trung ương tập quyền; coi trọng nông nghiệp, ức chế thương nghiệp, khuyến khích cày cấy trồng trọt may dệt; khen thưởng người có quân công; bãi bỏ chế độ ăn lộc theo dòng dõi thế tập; dùng người hiền có tài năng, tăng cường chuyên chế quân chủ; trừng trị với hình pháp tàn khốc để làm nước giàu binh mạnh. Học thuyết của Pháp gia thích ứng yêu cầu phát triển thời kỳ Xuân Thu, Chiến quốc, làm chuyển biến từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến, kiến lập và củng cố trung ương tập quyền, xác định cơ sở lý luận.

    Nhân vật đại biểu Pháp gia thực hiện chủ trương pháp chế của mình, từng tiến hành đấu tranh kịch liệt với thế lực thủ cựu đương thời, thậm chí có người bị xử cực hình. Do vậy, Pháp gia có ảnh hưởng sâu xa với lịch sử Trung Quốc. Võ đế đời Tây Hán “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật” rồi, trong lịch sử phong kiến lâu dài, học thuyết Nho gia cơ bản vẫn giữ địa vị chính thống, nhưng đại đa số giới thống trị đều áp dụng chính sách hai mặt “Ngoài là Nho trong là Pháp” (Ngoại Nho nội Pháp). Tác phẩm đại biểu là các bộ Thương Quân thưHàn Phi Tử*.

    ...
     
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TẠP GIA


    Học phái có tính tổng hợp thu thái các tư tưởng học phái xuất hiện vào cuối thời kỳ Chiến quốc. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* liệt vào một trong “Cửu lưu thập gia” và chỉ ra: “Học phái Tạp gia xuất xứ từ Nghị quan (quan giữ việc bàn luận tranh cãi) kết hợp tư tưởng các phái Nho, Mặc, hợp các phái Danh (gia), Pháp (gia)...”, rồi ghi chép 403 thiên văn của 20 nhà Tạp gia. Nhân vật đại biểu là Thi Giảo*, Lã Bất Vi*, Úy Liêu*. Tạp gia ra đời để thực hiện phong kiến thống nhất và phục vụ cho sự củng cố thống trị phong kiến.

    Các tác phẩm đại biểu là “Lã thị Xuân Thu”*, “Hoài Nam Tử”*. Lã thị Xuân Thu chủ yếu là tư tưởng Nho gia rồi thu thái tổng hợp các tư tưởng Âm dương ngũ hành, Đạo gia, Binh gia, Mặc gia, Nông gia. Hoài Nam Tử chủ yếu là Đạo gia, Âm Dương gia, thu thái tổng hợp các tư tưởng Nho gia, Mặc gia, Pháp gia. Tạp gia có ảnh hưởng nhất định đối với đời sau.

    Trong trứ tác của Tạp gia có một số tư liệu đáng quý, có giá trị tham khảo quan trọng đối với công việc nghiên cứu thiên văn, nông nghiệp sản xuất cổ đại.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TẮC HẠ HỌC PHÁI


    Học phái hình thành ở Tắc Hạ nước Tề vào thời kỳ Xuân Thu, đời sau gọi là Tắc Hạ học phái.

    Khoảng đời Tề Hoàn công, nước Tề bắt đầu mở giảng đường ở ngoài “Tắc môn” phía tây đô thành Lâm Truy (nay là Truy Bác, Sơn Đông), rồi mời gọi các kẻ sĩ các nơi đến du thuyết, giảng học, bàn luận học vấn, vì vậy, nơi ấy được gọi là “Tắc Hạ học cung” và các học sĩ đến đây được gọi là “Tắc Hạ học sĩ”, học thuyết tư tưởng của họ được gọi là “Học phái Tắc Hạ” (Tắc Hạ chi học). Đến đời Tề Tuyên vương, kẻ sĩ tụ tập tại đây có đến gần số ngàn, trong ấy 76 người được gọi là “Thượng đại phu”. Các học giả nổi tiếng như Trâu Diễn*, Thuần Vu Khôn, Điền Biền*, Thận Đáo*, Tiếp Tử, Quý Chân*, Hoàn Uyên*, Bành Mông, Tống Bính*, Doãn Văn*, Điền Ba, Nghê Duyệt, Lỗ Trọng Liên, Trâu Thích... đều từng đến đây du học.

    Sau đời Tuyên vương, Tắc Hạ dần dần sa sút, tồn tại trải qua khoảng 145 năm. Các môn phái thông qua thuyết giảng, biện luận nên tư tưởng hấp thu giao lưu lẫn nhau, tập trung các học thuyết bách gia như Đạo gia*, Pháp gia*, Nho gia*, Danh gia*, Binh gia*, Nông gia*, Âm Dương gia*, dần dần hình thành những tư trào học thuyết đặc sắc có khuynh hướng nhất định. Trong các học sĩ nổi tiếng ở Tắc Hạ ấy, loại “học về thuật Hoàng Lão đạo đức, nhân ấy làm sáng tông chỉ thứ tự” (Học Hoàng Lão đạo đức chi thuật, nhân phát minh tự kỳ chi ý - Sử ký*, Mạnh Tử Tuân Khanh liệt truyện) khá nhiều, đưa tư tưởng Đạo gia lên địa vị chủ yếu ở Tắc Hạ.

    Học phái Tắc Hạ hình thành chính là sản phẩm của sự phồn vinh văn hóa “trăm nhà đua tiếng” (Bách gia tranh minh) thời kỳ Chiến quốc vậy.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TIỂU THUYẾT GIA


    Học phái thời kỳ Tiên Tần ghi chép những chuyện vặt vãnh đầu đường xó chợ và những lời kể tạp nhạp. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* liệt vào một trong “Thập gia” (mười nhà) nhưng lại cho rằng “Trong mười nhà chư tử, đáng kể chỉ có chín nhà mà thôi” (Chư tử thập gia, khả quan giả cửu gia nhi dī).

    Tiểu thuyết gia không được kể vào “Cửu gia” vì: “Học phái tiểu thuyết gia xuất xứ từ quan bại sử (chép truyện vặt), câu nói chuyện ở đầu đường hẻm nhỏ, do kẻ nghe ngoài đường kể ngoài đường bịa ra”. Do vậy tiểu thuyết gia bị đặt ra ngoài “Cửu lưu”.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* liệt kê 1380 thiên văn chương của 15 tiểu thuyết gia, phần lớn đã mất hết. Không có ảnh hưởng lớn đối với hậu thế.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này