Đôi dòng lưu niệm ... Hiểu Sử NGƯỜI... Thấm Xứ TA...

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 7/1/24.

Moderators: amylee
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    LÃO TỬ


    Tư tưởng gia, người mở đầu học phái Đạo gia cuối đời Xuân Thu. Lão Tử họ Lý tên Nhĩ, tự Bá Dương, thụy hiệu Đam, sinh vào khoảng năm 580 T.C.N, chết khoảng năm 500 T.C.N. Tương truyền, Lão Tử là người huyện Khổ nước Sở (nay ở đông Lộc Ấp, Hà Nam), từng giữ chức coi kinh sách triều Chu, thông thạo các loại điển chương chế độ, thông hiểu nhiều chuyện cổ, Khổng Tử* từng hỏi lễ nơi Lão Tử. Cuối đời Lão Tử ẩn cư nơi quê cũ, tự cày cấy nuôi thân và thu nhận học trò, sau đi vào Quan Trung phía tây, chết nơi đất khách.

    Hệ thống tư tưởng Lão Tử trung tâm gọi là “Đạo”. Đạo là cái hỗn độn chưa phân, là cái khởi đầu sớm nhất, là sự vận động vĩnh hằng, không thể cảm biết được, vô danh vô hình, là tổ của muôn sự vật, muôn vật muôn sự đều sinh ra từ Đạo. Ông cho rằng vạn vật đều nương tựa vào nhau mà sinh tồn, tạo điều kiện lẫn nhau, là “có và không cùng sinh, khó và dễ cùng thành, dài và ngắn cùng hình, cao và thấp cùng nghiêng, thanh và âm cùng họa, trước và sau cùng theo” (Hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, thanh âm tương họa, tiên hậu tương tùy) và cùng dựa vào nhau mà chuyển hóa.

    “Họa là chỗ dựa của Phúc, Phúc là chỗ dựa của Họa” (Họa hề phúc chi sở ỷ, phúc hề họa chi sở ỷ). Đối với sự vật chỉ cần “yên lặng quan sát" (Tĩnh quan) và "Xem xét một cách huyền vi” (Huyền lãm), nghĩa là nhận thức sự vật cần phải dùng tư duy sâu sắc để khảo sát. Lão Tử cho rằng “Đạo thường không làm mà không gì không làm” (Đạo thường vô vi nhi vô bất vi). Vì vậy, ông chủ trương tĩnh tâm ít ham muốn, dứt thánh bỏ trí, dùng “vô vi để an trị”, “Xử bằng việc vô vi, làm sự giáo hóa bằng không lời” (Xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo).

    Xã hội lý tưởng của Lão Tử là “Nước nhỏ ít dân" (Tiểu quốc quả dân). Xã hội này là một xã hội “Làm cho dân có đủ khí giới mà không dùng tới, làm dân coi trọng cái chết mà không đi xa, tuy có thuyền xe mà không ai đi, tuy có binh giáp mà không bày trận, khiến cho dân trở lại dùng thắt nút, các nước lân cận nhìn thấy nhau, tiếng chó gà cùng nghe được của nhau, dân sống đến già chết mà không hề qua lại với nhau”.

    Tư tưởng của ông là một thứ duy tâm có bao hàm cả thành phần duy vật. Trong hình nhi thượng học có ánh lên màu sắc của biện chứng pháp thô sơ và có cả nhân tố tiến bộ, có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sau.

    Thời Chiến quốc, người nước Sở là Hoàn Uyên thu thập chỉnh lý ngôn từ tư tưởng của ông biên tập thành bộ Đạo Đức kinh* gồm thượng, hạ thiên 81 chương, tức là bản Lão Tử ngày nay. Năm 1973 ở Mã Vương đôi, Trường Sa, lại phát hiện trong mộ cổ đời Hán một bản bạch thư Lão Tử, là bản chép tay cổ nhất được phát hiện.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/5/24
    vuivui2013 and Wanderman like this.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    LIỆT TỬ


    Nhà tư tưởng đầu đời Chiến quốc, tức Liệt Ngự Khấu. Ông sinh vào khoảng năm 450 T.C.N, mất năm 375 T.C.N, người nước Trịnh đời Chiến quốc.

    Cuộc đời ông không được chép trong sử sách, căn cứ vào tác phẩm để lại, thì có thể biết. Về chính trị, ông chủ trương cai trị theo đạo “vô vi”. Về triết học, ông chủ trương “Quý sự hư tĩnh” (Quý hư) và “Quay trở về sự chất phác ban đầu” (Phản phác), thuộc tư tưởng của học phái Hoàng Lão Đạo gia. Đời Đường, ông rất được tôn trọng, được phong là “Xung Hư chân nhân”.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ “Liệt Tử” có 8 thiên, đã mất. Bản Liệt Tử* ngày nay ngờ là ngụy tác của người đời Ngụy, Tấn. Các sách Trang Tử*, Chiến quốc sách*, Hàn Phi Tử*, Lã thị Xuân Thu* đều có đoạn ghi chép về học thuyết của Liệt Tử.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    LÝ LY


    Nhà cải cách chính trị, nhân vật đại biểu phái Pháp gia đầu đời Chiến quốc. Ông sinh năm 455 T.C.N, mất năm 395 T.C.N, người nước Ngụy. Thời Ngụy Văn hầu giữ chức Thái thú Bắc địa, sau làm Ngụy Tướng. Năm 406 T.C.N (Ngụy Văn hầu hậu thứ 28), ông chủ trì cuộc biến pháp ở nước Ngụy.

    Nội dung cuộc biến pháp này là: về chính trị, bãi bỏ chế độ thế tập truyền đời quan tước của quý tộc cũ, căn cứ vào công lao và năng lực để tuyển chọn đề bạt quan lại, áp dụng các biện pháp “ban thực ấp cho người có công”, “ban lộc cho người có công”, “thưởng cho người hiền”, “hình phạt phải đúng” làm lợi cho giới địa chủ nắm giữ chính quyền. Về kinh tế, thực hành chế độ bình quân ruộng đất, bớt chỗ thừa thêm chỗ thiếu để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, ổn định kinh tế tiểu nông, củng cố sơ sở kinh tế phong kiến.

    Về pháp chế, ông tổng hợp kinh điển hình pháp các nước biên soạn thành 6 thiên “Pháp kinh”, là bộ hình luật thành văn đầu tiên xác lập pháp chế để bảo vệ chế độ phong kiến. Cuộc biến pháp của Lý Ly đã đẩy mạnh phát triển kinh tế và củng cố cho chính quyền phong kiến, làm cho nước Ngụy trở thành một cường quốc đầu đời Chiến quốc.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ “Lý Tử” có 32 thiên và liệt vào sách đứng đầu Pháp gia.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    MẠNH TỬ


    Tư tưởng gia đời Chiến quốc, người mở đầu học phái Tư Mạnh của Nho gia, tên là Kha, tự Tử Dư. Ông sinh khoảng năm 372 T.C.N, mất năm 289 T.C.N, người đất Trâu (nay ở đông nam Trâu huyện, Sơn Đông), là hậu duệ của họ Mạnh Tôn quý tộc nước Lỗ. Mạnh Tử theo học cháu của Khổng Tử* là Khổng Cấp*, đại biểu cho phái chính tông Khổng Nho và đã từng giữ chức Khách khanh cho Tề Tuyên vương, lại từng du lịch qua các nước Tống, Đằng, Tiết, Ngụy để tuyên truyền chủ trương chính trị của mình.

    Nhân vì quan điểm không thích hợp với thời thế, nên ông đều không được các nước sử dụng. Sau này, ông lui về cùng các đệ tử là Vạn Chương, Công Tôn Sửu trứ thư lập thuyết. Tư tưởng của Mạnh Tử về chính trị, là người phát ngôn của giới địa chủ quý tộc, chủ trương “bắt chước tiên vương” (pháp tiên vương), phản đối những cải cách quá mạnh, chủ trương cải lương ôn hòa. Ông kế thừa và phát huy học thuyết "Nhân” của Khổng Tử, đề xuất chủ trương “Nhân chính” (chính trị theo lòng nhân), mô tả một xã hội lý tưởng theo kiểu chế độ tỉnh điền mới.

    Ông còn chủ trương “không tấn công” (Phi công), đả kích mạnh mẽ các loại chiến tranh mở mang đất nước thôn tính lẫn nhau, ông chỉ trích tất cả những tham quan ô lại và cả các đế vương đối xử tàn bạo với dân chúng. Ông đề nghị nên “bỏ bớt hình phạt, nhẹ tô thuế” (Tỉnh hình bạc liễm). Ông chủ trương trị nước bằng “Vương đạo”, xác định “Dân là quý, xã tắc ở hàng dưới, vua đáng khinh” (Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh), yêu cầu trong một mức độ nhất định, người thống trị phải cải thiện quan hệ với dân chúng, nhưng đồng thời, ông lại cho rằng “Người lao tâm cai trị người khác, người lao lực bị người khác cai trị” (Lao tâm giả trị nhân, lao lực giả trị ư nhân).

    Xuất phát từ lý luận duy tâm “Tính thiện”, ông cho rằng nguyên động lực để thi hành “Nhân chính” là mọi người phải có “Lòng trắc ẩn" (Trắc ẩn chi tâm), dùng đức để cảm phục người. Những quan điểm về “Lương tri”, “Lương năng” của ông tất phải đưa tới công phu tu tâm dưỡng tính, thông qua “Tận tâm”, “Tri tính”, “Nuôi dưỡng khí hạo nhiên của ta” (Dưỡng ngô hạo nhiên chi khí) để đạt tới cảnh giới hoàn mỹ “muôn vật đều đầy đủ trong ta” (Vạn vật giai bị ư ngã).

    Tư tưởng Mạnh Tử giống như tư tưởng của Khổng Tử*, có ảnh hưởng rất lớn đến đời sau. Từ đời Tống Nguyên, ông được tôn xưng là “Á thánh” (dưới bậc thánh, tức chỉ dưới thánh nhân Khổng Tử). Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ Mạnh Tử có 11 thiên, do các đệ tử ghi chép.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    MẶC TỬ


    Nhà tư tưởng, người mở đầu phái Mặc gia đầu đời Chiến quốc. Ông tên là Địch, sinh vào khoảng năm 468 T.C.N, mất năm 376 T.C.N, người nước Tống, lại có thuyết là người nước Lỗ. Ông xuất thân nghèo hèn, từng làm thợ, sau này mới thăng lên giới “sĩ”. Thời Tống Chiêu công, ông có lần làm qua chức Đại phu, sau định cư lâu dài ở nước Lỗ. Thuở trẻ ông tiếp nhận qua giáo dục Nho gia nhưng sau bỏ Nho đề xướng Mặc học, sáng lập học phái Mặc gia, đối đầu với học phái Nho gia.

    Các đệ tử của ông phần lớn xuất thân từ hạ tầng xã hội, học thuyết của ông cũng thường phản ánh lợi ích của loại người thấp kém như nông dân, thợ thủ công, người buôn bán. Mặc Tử là người đại biểu phát ngôn cho giới lao động nên ông rất coi trọng lao động, chủ trương tự làm tự ăn, phản đối thụ hưởng không lao động. Ông đưa ra ý kiến “có làm có sống, không làm không sống”, ông lại cho rằng “không lao động mà được hưởng thụ” là bất nhân bất nghĩa. Ông còn đề cao tiết kiệm, nhấn mạnh tới “Tiết dụng” (dùng tiết kiệm), “Tiết táng” (việc tang tiết kiệm), “Phi nhạc” (không sử dụng âm nhạc).

    Ông chủ trương giữa người và người cần phải giúp đỡ nhau, yêu thương nhau, phản đối chiến tranh không có chính nghĩa, đưa ra những chủ trương “Kiêm ái” (yêu thương tất cả), “Phi công” (không tấn công đánh các nước khác), yêu cầu đề cao địa vị sản xuất nhỏ. Về quan điểm tông giáo, Mặc Tử tuyên dương quan điểm “Phi mệnh” (không có mệnh trời), nhưng đồng thời lại yêu cầu tôn trời, kính quỷ thần, cho rằng quỷ thần trời đất là quyền uy tối cao bảo vệ lợi ích cho dân chúng.

    Về mặt nhận thức luận, ông đề xuất tiêu chuẩn Tam biểu pháp để phê phán đúng sai thực giả, chủ trương cần phải dựa theo kinh nghiệm gián tiếp của người xưa, kinh nghiệm trực tiếp của dân chúng và hiệu quả thực tế để phán đoán đúng sai. Tuy vậy, ông quá khoa trương tác dụng của cảm giác, coi nhẹ tính trọng yếu của nhận thức lý tính, dù vẫn còn chút ít màu sắc duy vật nhất định.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ Mặc Tử có 71 thiên, nay còn 53 thiên, phần lớn là ghi chép của đệ tử hoặc đệ tử cách đời của ông, trong đó có 6 thiên Kinh thượng, Kinh hạ, Kinh thuyết thượng, Kinh thuyết hạ, Đại thủ, Tiểu thủ là tác phẩm đại biểu của Mặc gia hậu kỳ.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    NGŨ TỬ TƯ


    Nhà quân sự cuối đời Xuân Thu, tên Viên, tự Tử Tư, không rõ năm sinh, mất năm 484 T.C.N. Ông là người nước Sở, nhân tránh nạn trốn sang nước Ngô, sống làm môn hạ cho Công tử Quang (tức Hạp Lư). Ngũ Tử Tư từng hiến kế sách cho Ngô vương Liêu đánh Sở nhưng bị Công tử Quang phản đối, tiếp đó, ông tiến cử Chuyên Chư cho Công tử Quang để tham dự kế sách giết Ngô vương Liêu, giúp Công tử Quang chiếm đoạt ngôi vương.

    Sau khi Ngô vương Hạp Lư nắm quyền, cải cách các mặt quân sự: xây thành quách, tích trữ kho lương, lập trạm canh phòng... khiến thực lực nước Ngô thêm lớn mạnh. Ngũ Tử Tư từng cùng Tôn Võ* đem quân đánh Sở, chiếm hạ thủ đô Sính của Sở báo thù Sở Bình vương đã giết cha anh của ông, quật mộ Sở Bình vương, quất 300 roi vào xác. Sau khi phá Sở phía tây, nước Ngô đe dọa cả nước Tề, Tấn ở bắc và khuất phục nước Việt ở nam. Nhờ có công lớn, Ngũ Tử Tư được phong đất Thân (nay ở bắc Giang Lăng, Hổ Bắc) nên được gọi là Thân Tư.

    Thời Ngô vương Phù Sai, ông được trao chức Đại phu tham dự việc nước. Ông cực lực chủ trương không nhận lời cầu hòa của nước Việt, nỗ lực khuyên Ngô vương Phù Sai nên giết Việt vương Câu Tiễn để trừ hậu hoạn cho nước Ngô. Hai lần ông phản đối việc bắc phạt nước Tề nhưng không được Ngô vương chấp thuận, sau đó ông bị Thái tể Bĩ vu hãm, Ngô vương Phù Sai giận dữ ban kiếm cho ông tự sát.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán Thư* chép bộ “Ngũ Tử Tư” có 8 thiên, liệt vào hàng Tạp gia. Tác phẩm của ông nay đã thất truyền.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    QUỶ CỐC TỬ


    Tư tưởng gia đời Chiến quốc. Truyền thuyết về tên tuổi của ông không thống nhất, một thuyết họ Vương tên Hủ, một thuyết tên Lợi, một thuyết tên hiệu Huyền Vi Tử, vì ẩn cư ở Quỷ Cốc nên có tên gọi ấy, không rõ năm sinh năm mất và theo truyền thuyết là người nước Sở.

    Học thuyết của ông biến hóa vô thường, căn cứ vào lý luận tâm thuật của học phái Hoàng Lão để giải thích và chế ngự muôn vật muôn việc trong thế giới, sau này được xem là tổ sư học phái Tung Hoành gia. Tô Tần*, Trương Nghi* đều đã từng học tập nơi ông.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ “Quỷ Cốc tử” có 3 thiên, liệt vào học phái Âm Dương gia. Phần Kinh tịch chí sách Ngụy thư chép bộ “Quỷ Cốc Tử” có một quyển, có người cho rằng đây là ngụy tác và liệt vào học phái Tung Hoành gia. Bản in “Quỷ Cốc Tử” ngày nay do Đào Hoàng Cảnh đời Lương Nam triều Tây chú giải, liệt vào học phái Đạo gia.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THÂN BẤT HẠI


    Nhà tư tưởng trung diệp đời Chiến quốc, thuộc học phái Pháp gia. Ông sinh khoảng năm 385 T.C.N, mất năm 237 T.C.N, người ở đất Kinh nước Trịnh (nay ở đông nam Vinh Dương, Hà Nam), từng học tập môn học Hình Danh của Hoàng (đế) và Lão (tử), vốn là tôi thần thấp ở nước Trịnh. Sau khi nước Hàn tiêu diệt Trịnh, ông thờ Hàn Chiêu hầu. Năm 355 T.C.N, Hàn Chiêu hầu phong Thân Bất Hại làm Tướng để chủ trì biến pháp thay đổi thể chế, giúp nước Hàn kiến lập chế độ theo công lao mà ban thưởng.

    Trọng tâm tư tưởng pháp chế của ông gọi là “Thuật”. Thuật là phương pháp để quân vương dùng hay bỏ, thử thách, thưởng phạt tôi thần. Ông yêu cầu quân vương phải độc đoán, trực tiếp nắm giữ thao túng quyền lực, tăng cường quyền thống trị phong kiến. Ông cầm quyền Tướng 15 năm, đối nội sửa sang chính giáo, đối ngoại thuận ứng các nước chư hầu, nhưng cuộc biến pháp của ông không đủ sức thành công, làm di hại đến cả Hàn Phi*.

    Phần Lão Trang Thân Bất Hại liệt truyện trong sách Sử ký* chép ông có tác phẩm Thân Tử có 2 thiên. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép Thân Tử có 6 thiên, đã mất, nay chỉ còn lại 1 thiên Đại thể chép trong bộ Quần thư trị yếu.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THẬN ĐÁO


    Tư tưởng gia đời Chiến quốc, sinh khoảng năm 395 T.C.N, mất năm 315 T.C.N, người nước Triệu. Thời Tề Mân vương, ông giảng học ở Tắc Hạ, từng có lần giữ chức Thái tử phó (dạy Thái tử) và được phong Thượng đại phu nước Tề cùng với Trâu Diễn*, Điền Biền* sau đó ông rời nước Tề sang nước Hàn làm Đại phu.

    Ông vốn là người theo học thuật đạo đức của Hoàng (đế) và Lão (tử), sau này mới chuyển biến hướng về tư tưởng pháp chế. Ông chú trọng “dùng đạo thay đổi pháp chế” (Dĩ đạo biến pháp), cho rằng “Trị nước mà không có pháp chế ắt loạn, giữ pháp chế mà không biết thay đổi ắt suy yếu” (Trị quốc vô pháp tắc loạn, thủ pháp bất biến tắc suy).

    Ông cho rằng lập ra pháp luật là để “thống nhất lòng người” (Nhất nhân tâm). Ông chủ trương quân vương cũng phải tuân thủ pháp luật như mọi người “việc không phân biệt lớn nhỏ, quyết định là ở luật pháp” (Sự vô đại tiểu, nhất đoán ư pháp), nếu không sẽ không thể yêu cầu dân chúng tuân theo pháp luật được.

    Để đạt mục đích cai trị bằng pháp luật, ông nhấn mạnh phải tăng cường quyền lực vào tay quân vương. Ông là nhân vật từ tư tưởng Đạo gia chuyển biến hướng tới tư tưởng Pháp gia. Thiên Thiên hạ trong sách Trang Tử* liệt ông vào môn phái Đạo gia. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ “Thận Tử” có 42 thiên, liệt vào Đạo gia, nhưng phần lớn đã mất hết, hiện nay bộ này chỉ còn 7 thiên.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THI GIẢO


    Tư tưởng gia trung diệp đời Chiến quốc, còn được gọi là Thi Tử. Ông sinh khoảng năm 390 T.C.N, mất năm 330 T.C.N, người nước Ngụy, thuyết khác nói là người nước Lỗ.

    Ông chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của tư tưởng Hoàng Lão, rất thông thạo thuật hình danh, từng làm thượng khách của Thương Ưởng*. Khi Thương Ưởng biến pháp, ông tham gia vạch kế hoạch, tương đối được tín nhiệm. Thương Ưởng bị xé xác chết, ông sợ bị tội lây nên trốn qua đất Thục, sống cuối đời viết sách lập ngôn ở đấy.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ “Thi Tử” có 20 thiên, liệt vào học phái Tạp gia, đã mất. Phần Nghệ văn chí sách Tống Sử gom lại 1 quyển, liệt vào học phái Nho gia, đến đời Nam Tống thì mất, đến đời Thanh mới được sưu tập lại.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THƯƠNG ƯỞNG


    Chính trị gia trung diệp đời Chiến quốc, nhân vật đại biểu môn phái Pháp gia. Ông họ Công Tôn, tên Ưởng, vốn tên Vệ Ưởng, nhân có công được phong đất Thương (nay ở đông nam Thương huyện, Thiểm Tây) nên sử sách gọi là Thương Ưởng. Ông sinh khoảng năm 390 T.C.N, mất năm 338 T.C.N, vốn là dòng dõi quý tộc sa sút ở nước Vệ. Thuở nhỏ, ông thích học môn hình danh, từng làm gia thần cho Công Thúc Tòa ở nước Ngụy, rất được coi trọng. Khi Công Thúc Tòa sắp chết có tiến cử ông lên Ngụy Huệ vương nhưng không được trọng dụng, sau đó Tần Hiếu công hạ lệnh cầu hiền, ông bèn qua nước Tần.

    Được Cảnh Lam tiến cử, ông bái kiến Tần Hiếu công, dâng lên kế sách làm dân giàu nước mạnh. Năm 359 T.C.N (Tần Hiếu công thứ 3) dưới sự ủng hộ của Tần Hiếu công, ông chủ trì cuộc biến pháp lần thứ nhất. Biến pháp tiến hành 3 năm khiến trăm họ an vui, nhờ công đó ông được làm Tả thứ trưởng. Năm 352 T.C.N (Tần Hiếu công thứ 10), nhân có quân công, ông được thăng làm Đại Lương tạo. Năm 350 T.C.N (Tần Hiếu công thứ 14), ông lại chủ trì cuộc biến pháp lần thứ hai, tổng cộng hai lần biến pháp kéo dài 20 năm.

    Biến pháp của Thương Ưởng có nội dung chủ yếu là: Về kinh tế, bãi bỏ chế độ “tỉnh điền”, thống nhất chế độ phân chia ruộng đất, thừa nhận chế độ đất đai phong kiến, trọng nông nghiệp ức chế thương nghiệp, khen thưởng nông trang cày cấy, thống nhất chế độ đo lường. Về chính trị, thúc đẩy phổ biến chế độ quận huyện, thành lập pháp chế liên gia, dời đô về Hàm Dương, tăng cường quyền chuyên chế tập quyền. Về quân sự, khen thưởng người có quân công, căn cứ vào “người công lao nhiều thì được lộc nhiều, công nhiều thì chức tước cao”, thiết lập chế độ quan tước theo quân công, bãi bỏ chế độ quý tộc truyền đời nắm quyền, tăng cường thế lực cho giới địa chủ mới lập được quân công. Về tư tưởng, thực hành văn hóa phong kiến chuyên chế.

    Cuộc biến pháp của Thương Ưởng phá vỡ chế độ nô lệ của nước Tần, củng cố và phát triển chế độ phong kiến, đưa nước Tần dần dần trở thành một nước giàu mạnh nhất trong 7 nước hùng mạnh (thất hùng) đời Chiến quốc, đặt cơ sở vững chắc để sau này Tần tiêu diệt 6 nước, thống nhất toàn quốc. Năm 338 T.C.N (Tần Hiếu công thứ 24), Tần Hiếu công chết, Tần Huệ vương nối ngôi, nhân vì cuộc biến pháp của Thương Ưởng bị giới quý tộc tôn thất cũ oán hận, lại thêm bị vu cáo, ông bị xé xác chết, toàn gia cũng bị giết hại theo.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ “Thương Quân thư” có 29 thiên, được người đời sau chỉnh lý, nay còn 24 thiên.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TÍN LĂNG QUÂN


    Đại thần thuộc tông thất nước Ngụy cuối đời Chiến quốc, tức Ngụy Vô Kỵ. Nhân vì được thụ phong đất Tín Lăng nên người ta thường gọi ông là Tín Lăng quân, không rõ năm sinh, mất năm 243 T.C.N, con thứ của Ngụy Chiêu vương và là một trong bốn quân tử đời Chiến quốc, có 3000 môn khách trong nhà.

    Sau cuộc chiến Trường Bình giữa Tần và Triệu, chủ lực quân Triệu tổn thất gần hết. Từ năm 259 T.C.N (Tần Chiêu vương thứ 48) đến năm 257 T.C.N (Chiêu vương thứ 50), Tần Chiêu vương từng trước sau sai các đại tướng đến vây đánh kinh đô Hàm Đan của Triệu. Bình Nguyên quân nước Triệu xin cầu viện với nước Ngụy nhưng tướng Ngụy là Tấn Bỉ đang cầm 10 vạn quân đóng ở Thang Âm không dám xuất quân cứu Triệu.

    Tín Lăng quân trộm được Hổ phù của vua Ngụy, tạo mệnh lệnh giả, đem dũng sĩ đến giết Tấn Bỉ, chiếm lấy binh quyền rồi đem quân Ngụy cứu Triệu. Bị liên quân Ngụy, Triệu, Sở cùng đánh ép, quân Tần đại bại, chẳng những giải vây cho Hàm Đan mà còn thu phục được một số lớn đất đai đã mất của Triệu. Vì để tránh tiếng vu oan xấu, ông phải trốn ở Triệu 10 năm với Bình Nguyên quân. Sau Tần đánh Ngụy, Ngụy thua liên tiếp, trong cơn nguy cấp, ông mượn 10 vạn quân nước Triệu trở về nước (Ngụy) giữ chức Thượng tướng quân, từng dẫn đầu liên quân 5 nước đánh bại quân Tần ở ngoài Tây Hà, nổi tiếng chấn động.

    Sau, Tần dùng kế phản gián vu cáo ông mưu phản, Ngụy vương trúng kế bãi bỏ chức vụ của ông, vì thế ông uất ức mà chết. Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ “Ngụy Công tử” có 21 thiên, liệt vào học phái Binh gia, là do các môn khách sưu tập, đã mất.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TÔ TẦN


    Tung Hoành gia đời Chiến quốc, người tổ chức và lãnh đạo chính sách ngoại giao “Hợp tung”. Ông tên tự là Quý Tử, không rõ năm sinh, mất khoảng năm 284 T.C.N, người ở Lạc Dương đời Đông Chu. Ông cùng với Trương Nghi* từng theo học Quỷ Cốc tử*, từng giữ chức Tướng quốc nước Tề, nước Triệu phong ông tước Võ An quân. Suốt đời ông chủ yếu tổ chức chính sách “Hợp tung” giữa các nước Quan Đông để chống lại nước Tần,

    Thời Yên Chiêu vương, ông từng đến nước Yên du thuyết, được sự tín nhiệm. Để phá vỡ thế “Liên hoành” của Tần và Tề, ông từng dùng ba tấc lưỡi đi du thuyết giữa các nước và từng vào nước Tần hoạt động phản gián, khuyên dụ Tề Tuyên vương chủ động bỏ tên hiệu đế, phản lại lời ước để cùng chống Tần, thuyết phục 6 nước Hàn, Triệu, Ngụy, Tề, Yên, Sở liên hợp chống Tần. Ông đứng đầu hiệp ước “Hợp tung” nên nhận ấn tín 6 nước, buộc Tần phải cầu hòa, trả lại những vùng đất đã xâm chiếm.

    Sau đó tướng Tần là Ngụy Nhiễm ước hẹn với Tề đánh Triệu, ông nhiều lần ly gián quan hệ giữa hai nước Tề, Tần, cho rằng đánh Triệu không bằng đánh Tống, được Tề vương áp dụng. Cuối cùng, trong cuộc đấu tranh giành giật thế lực, ông bị Tề Mẫn vương ra lệnh cho xe xé xác chết.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ “Tô Tử” có 31 thiên, đã mất. Năm 1973 ở Mã Vương đôi, Trường Sa, phát hiện trong mộ cổ đời Hán có bản “Chiến quốc tung hoành gia thư” chép những ngôn ngữ du thuyết và 16 thiên thư tín ghi lại chủ yếu hoạt động của Tô Tần vào đời Tề Mẫn vương, có phần hơi khác với ghi chép trong Sử ký*.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TÔN VÕ


    Nhà quân sự nổi tiếng cuối đời Xuân Thu, người đặt cơ sở lý luận quân sự cổ đại. Ông tên tự Trường Khanh, không rõ năm sinh năm mất, đại khái sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ 6 T.C.N đến đầu thế kỷ thứ 5 T.C.N. Tổ tiên ông là quý tộc nước Trần vì nội loạn phải trốn sang nước Tề, tự xưng họ Điền. Ông nội Tôn Võ là Điền Thư làm Đại phu ở nước Tề, nhân có công đánh nước Lư (nay là Lư huyện, Sơn Đông) nên được Tề Cảnh công ban cho họ Tôn. Khi nước Tề có nội loạn, Tôn Võ lưu vong sang nước Ngô. Qua sự tiến cử của Ngũ Tử Tư*, ông được Ngô vương Hạp Lư trọng dụng, cho làm tướng.

    Muốn kiểm tra kiến thức binh pháp của Tôn Võ, Hạp Lư yêu cầu ông diễn tập trận pháp và cho các cung nhân mỹ nữ dưới quyền chỉ huy thao luyện của ông. Tôn Võ tuyên bố quân pháp nhiều lần, xác định khẩu lệnh, nhưng các cung nữ cứ cười đùa không chịu nghe, kết quả Tôn Võ chém đầu hai ái phi được Ngô vương sủng ái, đội ngũ lập tức nghiêm cẩn, động tác rất chỉnh tề, thao luyện hoàn toàn phù hợp yêu cầu.

    Năm 506 T.CN (Ngô Hạp Lư thứ 9), Tôn Võ làm chủ tướng đem quân đánh Sở, năm lần đánh là năm lần thắng, cuối cùng tiến vào thủ đô của Sở là Sính (nay là Giang Lăng, Hồ Bắc). Năm 484 T.C.N (Ngô Phù Sai thứ 12), Tôn Võ phá vỡ quân Tề ở Ngải Lăng (nay ở đông bắc Lai Vu, Sơn Đông). Năm 482 T.C.N (Phù Sai thứ 14), hội họp minh ước cùng Tấn Định công và các chư hầu ở Hoàng Trì (nay ở nam Phong Khâu, Hà Nam), hình thành thế lực thay thế nước Tấn làm bá chủ. Trong chiến tranh khuất phục người Việt, ông lập nhiều công lớn.

    Bộ “Tôn Võ binh pháp” của Tôn Võ là tác phẩm lý luận quân sự tương đối hệ thống đầu tiên trong lịch sử, với nội dung phong phú, kiến thức tinh mật, có ảnh hưởng sâu xa đến đời sau.

    ...
     
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TỐNG BÍNH


    Tư tưởng gia đời Chiến quốc, người mở đầu học phái Tống Doãn, cũng có các tên gọi là Tống Tử, Tống Vinh, Tống Vinh tử, không rõ năm sinh năm mất. Ông là người nước Tống, cùng với Doãn Văn* đi sang nước Tề giảng học ở Tắc Hạ. Sau đó ông chu du thiên hạ, trên thì thuyết giảng dưới thì giảng dạy, tuyên truyền cho chủ chương của mình.

    Tư tưởng học thuật của ông kế thừa Lão Tử* và mở đường khai thị cho Tuân Tử, phát huy học thuyết “Đạo” của Lão Tử, đề xuất quan điểm cho “Tinh khí”, cấu tạo thành muôn vật muôn sự, nhấn mạnh đến tác dụng chủ yếu của “Tâm” trong nhận thức, đưa ra nhận thức luận “Tĩnh lặng quan sát” (Tĩnh quan). Ông cho rằng để tiếp xúc với sự vật, đầu tiên là phải trừ bỏ thiên kiến cá nhân. Tư tưởng của ông kết hợp với tinh thần “Quên cái ta” (Vong ngã) của Đạo gia và Mặc gia.

    Quan điểm chính trị xã hội của ông là tư tưởng kiêm dùng cả Lễ trị và Pháp chế. Trang Tử* từng hết lời ca tụng ông.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ “Tống Tử” có 18 thiên, đã mất. Trong các sách Trang Tử*, Tuân Tử*, Hàn Phi Tử*, Lã thị Xuân Thu*, Quản Tử* đều có những đoạn chép liên quan đến tư tưởng của ông. Có thuyết lại cho rằng trong bộ Quản Tử có nhiều thiên là nguyên tác của ông.

    ...
     
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TRANG TỬ


    Tư tưởng gia đời Chiến quốc, nhân vật đại biểu cho học phái Đạo gia*. Ông tên là Chu, sinh khoảng năm 369 T.C.N, mất năm 286 T.C.N, người đất Mông nước Tống (nay ở gần Thương Khâu, Hà Nam). Trang Tử xuất thân trong giới quý tộc chủ nô lệ đã sa sút, từng làm qua chức Tất viên lại, sau đó quy ẩn. Ông sống nghèo nàn, từng phải đi mượn gạo ăn, có lúc phải sống bằng nghề đan dép. Sở Uy vương có lần sai người đến tặng tiền của mời ra làm quan nhưng ông từ chối, chỉ mong sống trong cảnh an lạc về tinh thần.

    Trang Tử từ phương diện duy tâm phát triển thêm học thuyết của Lão Tử*, Dương Chu*. Xuất phát từ quan điểm “Đạo bắt chước theo tự nhiên” (Đạo pháp tự nhiên) của Lão Tử, ông cho rằng “Đạo” là không có giới hạn, vượt lên trên cả thời không, không thể cảm biết được. Đạo sinh ra tất cả sự vật, trời đất, đế vương, quỷ thần nhưng vốn lại có tự bản gốc, không thể tìm dò. Ông cho rằng giữa trời và người, giữa vật và ta, giữa tất cả các hiện tượng và bản chất, chỉ tồn tại một điều kiện như nhau. Ông cho rằng tính chất của đối tượng đều tương đối vô điều kiện, không thể nhận thức. Khả năng nhận thức của con người là tương đối, không thể có tiêu chuẩn khách quan, tiêu chuẩn của nhận thức không thể phân biệt được thật giả, không thể hiểu biết hết được.

    Những điều đó biểu hiện nhận thức luận tương đối chủ nghĩa và hư vô chủ nghĩa của ông. Ông đưa ra khái niệm “Quý sinh” (Quý sự sống) để dẫn đến “Đạt sinh” và “Vong ngã”, đi tìm tự do tuyệt đối vô điều kiện, tức cái gọi là “Đạo”, tự nhiên hợp nhất với cái “Ngã” (chính ta). Muốn đạt tới tự do tuyệt đối ấy cần phải “Vô kỷ” (không có cái ta nữa). Ông lại đưa ra loại người tiêu chuẩn lý tưởng là “Chí nhân” (Hay “Chân nhân”), “Thần nhân”, “Thánh nhân”. Chủ trương của ông là thông qua “Vô vi”, “Tọa vong” để đạt tới tiêu chuẩn nhân cách lý tưởng.

    Tư tưởng của ông phản ánh sự bi quan của giới địa chủ quý tộc trong tình trạng hùng mạnh của thế lực phong kiến.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ “Trang Tử” có 52 thiên, hiện nay chỉ còn 33 thiên, trong ấy có 7 thiên Nội thiên truyền thống vẫn cho rằng chính do Trang Tử viết, còn các thiên khác bị ngờ là hậu học viết.

    ...
     
    vuivui2013 thích bài này.
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TRẦN CHẨN


    Tung hoành gia đời Chiến quốc, không rõ năm sinh năm mất và quê quán. Ông từng tới Tần du thuyết, được Tần Huệ vương đối đãi theo lễ, tranh giành sự sủng ái với Trương Nghi*. Khi Trương Nghi nắm quyền Tướng, ông chạy sang Sở nhưng cũng không được trọng dụng. Sở vương sai ông đi sứ nước Tần, khi đi qua Ngụy, thuyết phục tướng Ngụy là Công Tôn Diễn* liên hợp với Yên, Triệu để uy hiếp Tề phải theo nhóm “Hợp tung” chống lại Tần.

    Sau đó vì hai nước Hàn, Ngụy mâu thuẫn, Tần Huệ vương cho Trần Chẩn quyết định vấn đề giải cứu nước nào. Trần Chẩn khuyên Tần vương nên theo kế sách “ngồi trên núi xem hai hổ đấu” đợi đến khi cả hai đều suy yếu thì sẽ thừa cơ đoạt thắng lợi. Tần Huệ vương nghe theo và quả nhiên đoạt được mục đích.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ “Trần Tử” có 2 thiên, đã mất.

    ...
     
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TRÂU DIỄN


    Tư tưởng gia đời Chiến quốc, nhân vật đại biểu phái Âm Dương gia. Ông sinh vào khoảng năm 305 T.C.N, mất năm 240 T.C.N, người nước Tề. Ông nghiên cứu về trời và người, rất giỏi biện luận nên có tên hiệu là “Đàm thiên diễn”. Ông từng du học ở cung Tắc Hạ nước Tề, cũng từng du thuyết khắp các nước chư hầu, tuyên truyền chủ trương học thuật của mình, bất cứ nơi nào ông đến cũng được mọi người kính trọng. Cuối đời ông sang Triệu, biện luận mệnh đề “Ngựa trắng không phải là ngựa” (Bạch mã phi mã) với Công Tôn Long*, nổi tiếng một thời.

    Ông “nghiên cứu quán triệt âm dương tăng giảm”, “dùng thứ tự ngũ hành vào việc đời”. Ông dùng “ngũ hành tương khắc” để giải thích sự thay đổi của các triều đại, sáng lập nên thuyết “Ngũ đức chung thủy”, cho rằng các triều đại nên luân chuyển theo quy luật của ngũ hành Thổ, Mộc, Kim, Thủy, Hỏa, từng được Tần Thủy hoàng áp dụng. Ông dùng trật tự “Ngũ hành tương sinh” mở đầu các môn học về “Nguyệt thực” và “Thập nhị kỷ”, dùng đó luận thuật sự chuyển biến của đạo trời và đạo người.

    Ông lại dùng đó để giải thích biến hóa của bốn mùa và họa phúc của đời người, từ đó, ông đưa ra chủ nghĩa duy vật nguyên thủy về Ngũ hành, tiến dần đến chủ nghĩa thần bí duy tâm. Ông còn sáng lập thuyết “Đại cửu châu”, cho rằng thế giới có 9 đại châu, mỗi châu lớn nhất lại chia thành 9 châu, mà Trung Quốc là một trong 9 châu, gọi là “Xích huyện thần châu”. Ngoài mỗi châu lớn là biển, phản ánh kiến thức địa lý cổ đại.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ “Trâu Tử” có 49 thiên và “Trâu Tử chung thủy" có 56 thiên, đều đã mất. Phần “Mạnh Tuân liệt truyện” trong sách Sử ký* có chép ít nhiều về học thuyết của ông.

    ...
     
    vuivui2013 thích bài này.
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TRƯƠNG NGHI


    Tung hoành gia đời Chiến quốc, không rõ năm sinh, mất năm 310 T.C.N. Ông xuất thân là quý tộc nước Ngụy, cùng với Tô Tần* theo học Quỷ Cốc Tử* và là nhân vật đại biểu cho pháo Tung hoành gia, người mở đầu chính sách ngoại giao “Liên hoành”. Trương Nghi từng giữ chức Quốc tướng ở các nước Tần và Ngụy. Thời gian làm Tướng ở Tần, ông cùng Tần Huệ vương xác định chính sách ngoại giao “Liên hoành”, rồi với ba tấc lưỡi ông đi du thuyết các nước chư hầu, sử dụng các thủ đoạn uy hiếp, dụ dỗ, khiêu khích, lừa dối để ly gián các chư hầu, xúi giục họ đánh lẫn nhau, làm suy yếu lẫn nhau để cùng quy phục nước Tần hùng mạnh, thực hiện mục đích thôn tính và thống nhất thiên hạ của Tần.

    Thời gian làm Tướng ở Ngụy, ông từng thuyết phục nước Hàn và Ngụy tôn thờ Tần, cùng ức chế Tề và Sở, bị Công Tôn Diễn* là đại biểu thế lực “Hợp tung” lúc ấy đuổi ra khỏi nước. Thời Tần Chiêu Tương vương, liên minh hôn nhân với Tề, Sở, Trương Nghi đến Sở du thuyết, đầu tiên dùng vàng bạc hối lộ giới cựu quý tộc nước Sở và hứa sẽ tặng 600 dặm đất Thương Vu nếu Sở đồng ý đoạn giao với Tề. Sau khi hai nước đoạn giao, Sở đòi 600 dặm đất Thương Vu nhưng Trương Nghi nuốt lời, chỉ giao cho 6 dặm.

    Sở Hoài vương nổi giận, hai lần đem quân đánh Tần, cùng Tần giao chiến ở Đan Dương và Lam Điền. Vì Sở mất sự viện trợ của Tề nên kết quả hao binh tổn tướng, đại bại rút quân về, Tần nhân cơ hội đó chiếm lĩnh vùng Hán Trung của Sở. Sau khi Tề mất sự chi viện của Sở cũng không còn đủ sức chống lại Tẩn, lực lượng của Sở và Tề đều suy yếu. Chính sách “Liên hoành” của Trương Nghi thắng lợi, có tác dụng nhất định thúc đẩy sự lớn mạnh vượt bậc của Tần. Năm 310 T.C.N (Tần Võ nguyên niên), ông chết ở nước Ngụy.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ “Trương Tử” có 10 thiên, đã mất.

    ...
     
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TUÂN TỬ


    Tư tưởng gia cuối đời Chiến quốc, người tập đại thành tư tưởng duy vật của giới địa chủ Tiên Tần. Ông tên là Huống, tự Khanh, đến đời Hán kiêng tên húy của Tuyên đế Lưu Tuân nên đổi là Tôn Khanh. Ông sinh khoảng năm 313 T.C.N, mất năm 239 T.C.N, người nước Triệu, đã từng giảng học ở Tắc Hạ nước Tề, ba lần giữ chức Tế tửu. Ông từng du lịch đến nước Ngụy, nước Tần khảo sát và yết kiến Phạm Thư, lại đến nước Triệu bàn về việc binh với Triệu Hiếu Thành vương. Cuối đời ông nhận lời mời của Xuân Thân quân nước Sở, đến Sở nhận chức Lan Lăng lệnh, sau đó lui về ẩn cư ở Lan Lăng viết sách đến khi chết già.

    Học thuyết tư tưởng của ông có nguồn gốc Nho gia, đồng thời lại dung hợp được tư tưởng các nhà khác như Pháp gia. Về chính trị, ông chủ trương kiến lập quốc gia thống nhất trung ương tập quyền, chủ trương chấn hưng lễ, coi trọng Pháp luật, vừa trị an bằng lễ vừa bằng Pháp luật, dùng cả thuật vương và bá, nhấn mạnh cần phải coi trọng người hiền, sử dụng người có tài năng, chỉ cần có hiền đức là được tiến cử lên, phản đối chế độ hưởng lộc nối đời.

    Ông cho rằng thống trị phong kiến có ổn định hay không đều thuộc lòng người có theo hay không. Ông từng nói: “Vua là thuyền, dân chúng là nước, nước có thể chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền” (Quân giả, chu dã; thứ nhân giả, thủy dã. Thủy tắc tải chu, thủy tắc phúc chu). Về triết học, ông kế thừa quan điểm “Tinh khí” của học thuyết Tống Bính* và Doãn Văn*, cho rằng Khí là quy luật tự nhiên thay đổi không do ý chí của con người. Ông cho rằng: “Trời đất hợp nên muôn vật sinh ra, âm dương tiếp xúc nên xảy ra biến hóa” (Thiên địa hợp nhi vạn vật sinh, âm dương tiếp nhi biến hóa khởi).

    Thế nhưng con người vẫn hoàn toàn có thể phát huy tính năng động chủ quan “phán đoán mệnh trời để dùng đó” (Phán thiên mệnh nhi dụng chi), đưa ra quan điểm “người định thắng cả trời” (Nhân định thắng thiên). Về nhận thức luận, ông cho rằng nhận thức lý tính cần phải đặt cơ sở trên nhận thức cảm tính, đề xuất quan điểm “Thực hành quý hơn hiểu biết" (Hành quý ư tri). Ông cho rằng thông qua học tập có thể đạt tới “Màu xanh có từ màu lam nhưng xanh hơn màu lam” (Thanh xuất ư lam nhi thanh ư lam).

    Về quan hệ giữa “Danh” và “Thực”, trên cơ sở “Chính danh” của Khổng Tử*, ông đưa ra quan điểm phải “Hạn chế danh để hạn chế thực” (Chế danh dĩ chế thực), cho rằng “Thực” là đặc tính đầu tiên mà “Danh” là ước định của đời thường mới có, cần phải được kiểm nghiệm trải qua thực tế. Về vấn đề nhân tính, ông đưa ra “Tính ác luận” trừu tượng để phản đối “Tính thiện luận” của Mạnh Tử*, chủ trương phải thông qua hai thủ đoạn giáo hóa lễ nghi và hình phạt cấm đoán để hướng người ta đến lương thiện.

    Đối với tư tưởng các học phái tiên Tần, Tuân Tử tiến hành một loạt tổng kết và kế thừa có tính phê phán, tổng hợp tinh hoa Nho gia, Pháp gia và t tưởng các học phái khác, trở thành người tập đại thành tư tưởng duy vật của giới địa chủ tiên Tần.

    Phần Nghệ văn chí sách Hán thư* chép bộ “Tôn Khanh Tử” có 33 thiên, liệt vào Nho gia, trong đó 6 thiên từ Đại lược trở xuống ngờ là do người sau ngụy tác, hiện nay còn đủ.

    ...
     
    vuivui2013 thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này