Đôi dòng lưu niệm ... Hiểu Sử NGƯỜI... Thấm Xứ TA...

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 7/1/24.

Moderators: amylee
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA TRƯƠNG TẢI


    Trương Tải (1020-1077), triết học gia đời Bắc Tống, tên tự Tử Hậu, người ở Mi huyện (nay là trấn Hoành Cừ, Mi huyện, Thiểm Tây), được gọi là Hoành Cừ tiên sinh, Tiến sĩ niên hiệu Gia Hựu, quan chức tới Đồng Tri Thái Thường Lễ viện. Ông từng giảng học ở Quan Trung nên học phái của ông được gọi là “Quan học”. Tác phẩm triết học chủ yếu của ông là “Chính mông”, “Dịch thuyết”, “Trương Tử ngữ lục”.

    Về mặt quan điểm tự nhiên, Trương Tải cho “Khí” là nguồn gốc vũ trụ vạn vật, ông đưa ra học thuyết duy vật “Thái hư tức là Khí” (Thái hư tức khí). Ông nhấn mạnh Khí chỉ có tụ lại hay tan ra chứ không có sinh ra hay bị diệt đi, “Thái hư” không phải khoảng không không có mà là khí vô hình tan ra, vẫn là thực tại khách quan có tính vật chất. Ông phê phán chủ nghĩa hư vô của Phật giáo và Đạo giáo.

    Về mặt quan điểm phát triển, ông đưa ra quan điểm liên hệ “Vật không tồn tại riêng lẻ” (Vật vô độc lập) và quan điểm mâu thuẫn “một vật hai thể” (Nhất vật lưỡng thể), sơ bộ hình thành hệ thống tư tưởng biện chứng.

    Về mặt nhận thức, ông đưa ra khái niệm “Cái biết do nghe và thấy” và “Cái biết do đức tính” (Văn kiến chi tri, đức tính chi tri), thừa nhận nguồn gốc của cảm giác là do ngoại vật, kiên trì phản ánh luận duy vật nhưng ông lại rơi vào duy lý luận.

    Về mặt nhân tính luận, ông đưa ra khái niệm “Tính của trời đất” và “Tính của khí chất” (Thiên địa chi tính, khí chất chi tính), gọi Bản tính tiên thiên bẩm thụ ở thái hư nơi con người là “Thiên địa chi tính” và cho rằng tính trời đất ấy nguồn gốc là thiện, còn tính của khí chất là nguồn gốc của ác. Quan điểm nhân tính luận trừu tượng ấy không thể gọi là duy vật.

    Tuy vậy, ông chính là người tổng kết cuộc tranh luận về tính thiện và tính ác kéo dài trong lịch sử, tạo ảnh hưởng rất sâu xa.

    Về mặt quan điểm luân lý, xuất phát từ chủ nghĩa nhân đạo phong kiến, ông đưa ra quan điểm “người và vật cùng bọc” (Nhân bào vật dữ), có ý nghĩa gợi ý nhất định đối với tư trào nhân đạo chủ nghĩa sau này.

    Tư tưởng triết học của Trương Tải có tác dụng xây dựng nền móng cho tư tưởng duy vật suốt thời kỳ Nguyên, Minh, Thanh. Vương Đình Tướng* đời Minh ca ngợi ông là người “Làm sáng sự bí ẩn của tạo hóa, làm rõ nguồn gốc của nhân tính, mở ra công lớn cho hậu học”.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/6/24
    Wanderman thích bài này.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA TUÂN HUỐNG


    Tuân Tử* là người tập đại thành triết học duy vật trước đời Tần (tiên Tần), đề cập đến khá nhiều vấn đề triết học trong thời “Trăm nhà đua tiếng” (Bách gia tranh minh), tổng kết khá toàn diện nhiều vấn đề triết học.

    Về quan điểm tự nhiên, Tuân Tử phản đối các thuyết “mệnh trời” (Thiên mệnh) và Quỷ thần, đề xuất tư tưởng “làm rõ sự phân biệt giữa trời và người” (Minh thiên nhân chi phân - Tuân Tử, Thiên luận), ông cũng nghiên cứu tường tận quan điểm khách quan quy luật tính và chủ quan năng động tính của người trước, cho rằng tự nhiên giới và sự vận động biến hóa là tất nhiên tính khách quan không lệ thuộc vào ý chí chủ quan của con người, đề xuất quan điểm: “Trời vận hành có quy luật thường, không tồn tại vì Nghiêu mà cũng không tiêu vong vì Kiệt” (Thiên hành hữu thường, bất vị Nghiêu tồn, bất vị Kiệt vong - Thiên luận), nhưng đối với quy luật tự nhiên ông cũng không chọn thái độ tiêu cực tùy trời mà đề xướng: “Chế ngự mệnh trời để dùng nó” (Chế thiên mệnh nhi dụng chi), đề xướng cần phải chủ động khống chế và lợi dụng, phát triển tư tưởng năng động chủ quan của chủ nghĩa duy vật.

    Về nhận thức luận, ông đề xuất hoạt động tinh thần của người ta là dựa vào hình thể “hình thể đầy đủ thì thần sinh ra” (Hình cụ nhi thần sinh - Thiên luận). Ông cho rằng con người có năng lực hiểu biết thế giới khách quan, mà thế giới khách quan cũng có thể được nhận thức bằng quy luật “Phàm có hiểu biết là tính của con người, có thể biết được là lý của vật" (Phàm dĩ tri, nhân chi tính dã; khả dĩ tri, vật chi lý dã - Giải tế). Người ta có thể thông qua cảm quan (Thiên quan) và khí quan tư duy “Tâm” (Thiên quân) để nhận thức thế giới khách quan.

    Ông cho rằng “Tâm có thể biện chứng để biện biệt bằng cảm tính" (Tâm hữu chứng tri). Chính vì vậy, muốn có được nhận thức toàn diện cần phải giữ cho Tâm “trong sạch hư tĩnh", tức không có thiên kiến riêng, không để cho ý nghĩa mờ ám tham dự vào. Về quan hệ giữa “tri” và “hành”, ông nhấn mạnh nhận thức “hành” cao hơn “tri".

    Về vấn đề nhân tính, ông phản đối thuyết “Tính thiện” của Mạnh Tử*, chủ trương thuyết “Tính ác”, ông cho rằng người ta sinh ra đều thích lợi ghét hại, tính trời sinh ra là ham thanh sắc tình dục, “Thiện” chỉ là kết quả giáo hóa sau này mới có “Tính của người là ác, người nào thiện là giả dối” (Nhân chi tính ác, kỳ thiện giả ngụy dã - Tuân Tử, Tính ác), nếu như cứ để tùy thuận mặc cho tính người tự nhiên phát triển thì sẽ xảy ra hỗn loạn vì tranh giành, vì vậy cần phải tăng cường lễ nghĩa giáo hóa, dùng quy phạm đạo đức xã hội để sửa đổi tình dục tự nhiên của con người.

    Tuân Tử phát triển tư tưởng “Chính danh” của Khổng Tử*, nhấn mạnh danh từ (Danh) và thực chất nội dung (Thực) phải tương ứng phù hợp, đưa ra nguyên tắc “Chế ngự nắm vững danh từ để chỉ đúng nội dung” (Chế danh dĩ chỉ thực - Chính danh), phê phán sai lầm “dùng danh làm loạn danh” (Dụng danh dĩ loạn danh), “dùng thực làm loạn danh” (Dụng thực dĩ loạn danh) và “dùng danh làm loạn thực” (Dụng danh dĩ loạn thực) trong quan hệ giữa DanhThực.

    Về quan điểm lịch sử, Tuân Tử chủ trương “Học tập bắt chước các vua đời sau” (Pháp hậu vương), cho rằng xã hội là quá trình thay đổi của các triều đại vua chúa, các pháp chế của “Tiên vương” sáng tạo ra cũng phải thay đổi theo quá trình phát triển ấy để thích ứng với ngày hôm nay. Pháp chế xã hội do "Hậu vương" sáng tạo ra chắc phải thích hợp hơn pháp chế của “Tiên vương". Về vấn đề nguồn gốc của quốc gia xã hội, ông cho rằng con người có tổ chức xã hội phải biết vận dụng sức mạnh “hợp quần” để hơn tự nhiên giới và những động vật khác. Người ta sở dĩ có thể hợp quần vì có khả năng biết “phân ra” (tức biết căn cứ theo từng đẳng cấp xã hội khác nhau để đối xử với nhau). Loại tư tưởng từ “phân” đi tới “hợp quần” này là luận chứng lý luận đáp ứng đúng yêu cầu của giới phong kiến mới hưng khởi lên.

    Hệ thống tư tưởng của Tuân Tử không những có cống hiến quan trọng đối với sự phát triển của triết học duy vật đời Tiên Tần mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến truyền thống chủ nghĩa duy vật từ đời Hán Đường đến cận đại. Ví dụ, phương pháp luận chứng đả phá quan niệm quỷ thần của triết gia duy vật Vương Sung* đời Đông Hán, cơ hồ không khác gì luận chứng của Tuân Tử. Trong bài “Phong kiến luận” của Liễu Tông Nguyên*, một nhà tư tưởng duy vật đời Đường kiêm nhà thơ đã hấp thu tư tưởng tính ác của Tuân Tử rất nhiều.

    Do vì tư tưởng vô thần luận và tư tưởng chính trị xã hội của Tuân Tử không hợp với khẩu vị của giới thống trị phong kiến, nên trong một thời gian dài sau đời Hán, ông không được đề cao.

    ...
     
    Wanderman and teacher.anh like this.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA TỬ SẢN


    Tử Sản (khoảng 580 T.C.N-522 T.CN), tư tưởng gia, chính trị gia thời kỳ Xuân Thu, họ Công Tôn, tên Kiều, tự Tử Sản, hiệu Thành Tử, cháu của Trịnh Mục công, năm Trịnh Giản công thứ 12 (554 T.C.N) ông giữ chức Khanh, trong 23 năm là Chính Khanh, làm Tướng của Trịnh hơn 20 năm. Sau khi nắm quyền, ông thực hành một loạt cải cách chính trị kinh tế như khai khẩn, dẫn thủy, sửa tô thuế. Năm 536 T.C.N, ông chế hình thư, là bản pháp chế thành văn được công bố khá sớm ở Trung Quốc. Chủ trương chính trị của ông vừa khoan dung vừa nghiêm khắc.

    Về triết học, ông đề xuất: “Đạo trời xa, đạo người gần, không liên quan gì vậy” (Thiên đạo viễn, nhân đạo nhĩ, phi sở cập dã - Tả truyện), dùng đó để phản bác tư tưởng mê tín cho trời có tham dự vào việc người, đây cũng là tư tưởng phân biệt trời và người tương đối sớm trong triết học sử Trung Quốc, đả phá hẳn tư tưởng “Thiên mệnh”. Đối với tự nhiên giới và nhân thân, Tử Sản cũng có đề cập, đưa ra vấn đề “Lục khí” và “Ngũ hành”, cho rằng: “Người sống bắt đầu chết gọi là Phách, đã sinh ra Phách thì Dương gọi là Hồn, Dùng nhiều tinh vật thì Phách Hồn mạnh, tức là tinh thần thông suốt, đến tận Thần minh” (Nhân sinh thủy hóa viết Phách, ký sinh Phách, dương viết Hồn. Dụng vật tinh đa, tắc Hồn Phách cường, thị dĩ hữu tinh sảng, chỉ vu thần minh - Tả truyện).

    Trong những luận thuật ấy bao hàm vật chất tính để giải thích thế giới có nhân tố duy vật thô sơ, là nghiên cứu khá sớm về quan hệ giữa hình và thẩn ở Trung Quốc. Thế nhưng, cũng trong những nhận thức ấy của Tử Sản, vẫn bị giới hạn bởi nhận thức linh hồn bất tử. Tử Sản khá chú trọng đến tác dụng của luân lý đạo đức trong sự trị nước, đưa ra quan điểm: "Đức là cơ bản của nước... Có đức ắt vui vẻ, vui vẻ ắt có thể dài lâu” (Đức, quốc gia chi cơ dã... Hữu đức tắc lạc, lạc tắc năng cửu - Tả truyện), đề cập tới cả vấn đề nhân tính.

    Trong bộ Tả truyện*, ghi chép khá nhiều lời nói hành vi của Tử Sản.

    ...
     
    teacher.anh and Wanderman like this.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA VƯƠNG AN THẠCH


    Vương An Thạch học rộng hiểu nhiều, trứ tác rất nhiều, phần lớn đã mất mát, nay chỉ còn 100 quyển bộ “Lâm Xuyên tập”, “Chu Lễ tân nghĩa”, “Chu quan tân nghĩa” và “Lão Tử chú”.

    Về thế giới quan, ông cho rằng nguồn gốc thế giới là Nguyên khí (hoặc có thể gọi là “Đạo” hay “Thiên”), đưa ra mệnh đề “Đạo là trời ấy vậy, là nơi tự sinh của muôn vật” (Đạo giả, thiên dã, vạn vật chi sở tự sinh). Từ Nguyên khí cụ thể hóa thành Ngũ hành; từ “Ngũ hành qua lại biến hóa” hình thành vạn vật. Về quan điểm phát triển, ông nhấn mạnh “Đạo trời sùng thượng sự biến đổi” (Thiên đạo thượng biến), “Mới và cũ cùng trừ khử lẫn nhau” (Tân cố tương trừ), “Đời ắt có cải cách” (Thế tất hữu cách), đến như nguyên nhân của sự phát triển, ông quy kết là do sự vận động mâu thuẫn của vạn vật.

    Về nhận thức luận, ông chủ trương mọi hoạt động của con người nên “thuận theo trời mà bắt chước theo” (Thuận thiên nhi hiệu chi), nhận thức cần phải “quan sát trời đất, núi sông, cây cỏ, trùng cá, chim thú” (Quan ư thiên địa, sơn xuyên, thảo mộc, trùng ngư, điểu thú) mới mong đạt tới chỗ “Hữu đắc” (có sở đắc). Tri thức con người hình thành sau kinh nghiệm hậu thiên, không nên nương dựa vào sự thông minh bẩm sinh.

    Ông có khuynh hướng duy vật vô thần luận, biểu lộ rõ ở tinh thần cải cách triệt để của ông, có ảnh hưởng quan trọng với đời sau.

    ...
     
    teacher.anh and Wanderman like this.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA VƯƠNG BẬT


    Vương Bật (226-249), triết học gia nước Ngụy thời Tam quốc, một nhân vật đại biểu chủ yếu của phái Huyền học, coi trọng (Không). Ông tên tự Phụ Tự, người ở Cao Bình, Sơn Dương (nay là Kim Hương, tỉnh Sơn Đông). Tác phẩm của ông có các sách “Lão Tử đạo đức kinh chú”, “Chu Dịch chú”, “Chu Dịch lược lệ”. Nhân vì trong khoảng niên hiệu Chính Thủy (240- 249), ông đề xướng phong trào Huyền học nên học thuyết của ông được gọi là “Chính Thủy chi âm”.

    Tư tưởng triết học chủ yếu của ông là:

    ① Bản thể luận coi “” (Không, trống rỗng, hư vô) là gốc rễ muôn vật. Ông đưa ra luận chứng từ bốn phương diện:

    a) Từ nguồn gốc trong quan hệ “thể” và “dụng”, ông đưa ra mệnh đề “coi trọng gốc và ngọn” (Sùng bản cử mạt), biểu lộ tư tưởng “gốc và ngọn là một” (Bản mạt bất nhị). Nhưng rồi ông lại đưa ra thuyết “coi trọng gốc đè nén ngọn” (Sùng bản tức mạt), tạo thành mâu thuẫn trong hệ thống tư tưởng của mình.

    b) Trong quan hệ giữa “Động” và “Tĩnh”, ông chủ trương “lấy tĩnh chế ngự động” (Dĩ tĩnh chế động).

    c) Trong quan hệ giữa “một” và “nhiều”, ông cho rằng “Đám đông không thể trị an đám đông, chỉ có một người mới trị an được đám đông (cũng như) động không thể chế ngự được động, chế ngự cái động trong thiên hạ chỉ có một người thôi vậy” (Phù chúng bất năng trị chúng, trị chúng giả, chí quả giả dã; phù động bất năng chế động, chế thiên hạ chi động giả, trinh phu nhất giả dã).

    d) Từ phương diện tự nhiên vô vi, ông nêu lên “Trời đất mặc theo tự nhiên, không làm không tạo ra, muôn vật tự an trị lẫn nhau” (Thiên địa nhiệm tự nhiên, vô vi vô tạo, vạn vật tự tương trị lý).​

    ② Nhận thức luận “được ý quên lời” (Đắc ý vong ngôn); thông qua sự phân tích quan hệ của ý quẻ, tượng quẻ và lời quẻ trong Chu Dịch để kết luận “đắc ý vong ngôn” và đưa ra phương pháp nhận thức “Bản thể của thánh nhân là Vô” (Thánh nhân thể vô).

    ③ Với quan điểm lịch sử xã hội “Danh giáo xuất xứ từ tự nhiên” (Danh giáo xuất ư tự nhiên), ông cho rằng “danh giáo” là ngọn (mạt), “tự nhiên” là gốc (bản), phản đối đối lập giữa quy phạm danh giáo và bản tính tự nhiên, chủ trương thuận theo tính tự nhiên để dẫn đường vào quy phạm danh giáo.

    Vương Bật là người đặt cơ sở ổn định cho bản thể luận Huyền học, đưa trình độ tư biện của triết học Trung Quốc lên một bước rất cao.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/6/24
    teacher.anh and Wanderman like this.
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA VƯƠNG ĐÌNH TƯỚNG


    Vương Đình Tướng(1474-1544), triết học gia duy vật kiệt xuất giữa đời Minh, tên tự Tử Hành, hiệu Tuấn Xuyên, người ở Nghi Phong (nay là Lan Khảo, Hà Nam). Ông đậu Tiến sĩ niên hiệu Hoằng Trị, trải qua các chức quan Tả đô Ngự sử Đô Sát viện, Nam Kinh Binh bộ Thượng thư, Tuần án Thiểm Tây, nhân vì đấu tranh với thế lực hoạn quan tham ô, bị vu cáo hạ ngục. Ông thích trứ thuật, giỏi thơ văn, cùng trong nhóm “Tiền thất tử” với Lý Mộng Dương, Hà Cảnh Minh v.v...

    Ông coi trọng hiện thực, đề xướng chủ trương “cái học giúp đời” (Kinh thế chi học), nghiên cứu cả khoa học tự nhiên, càng tinh thông Thiên văn, Âm luật và Nông chính.

    Về quan điểm tự nhiên, ông cho Nguyên khí là “thực thể của tạo hóa”, cho rằng “Khí có tụ lại hay tan ra chứ không bị mất hẳn” (Khí hữu tụ tán vô diệt tức). Ông quả quyết “Lý có nguồn gốc là ở Khí” (Lý căn ư Khí), và “Lý sinh ra từ Khí” (Lý sinh ư Khí), “Muôn Lý đều ra từ Khí” (Vạn lý giai xuất ư khí). Ông phản đối thế giới quan chủ trương “hư không” của Phật giáo và Đạo giáo, đả kích cả quan điểm “Lý là gốc Khí là ngọn” (Lý bản khí mạt) của các nhà Lý học.

    Về nhận thức luận, ông chủ trương “hiểu biết và thực hành phải là một” (Tri hành kiêm cử), phủ nhận học thuyết tiên nghiệm Trí lương tri, đả kích các thuyết Thiền định, Tĩnh tâm của các nhà Đạo học.

    Về quan điểm phát triển, ông dùng mâu thuẫn âm dương giải thích sự thế cơ biến hóa của vạn vật, khẳng định nhân loại luôn luôn phát triển, vì vậy mà ông chủ trương “Tùy theo thời thay đổi pháp chế” (Tùy thời biển pháp). Tác phẩm triết học đại biểu của ông là các bài “Thận ngôn”, “Nhã thuật”.

    Tóm lại, Vương Đình Tướng trên thì kế thừa tư tưởng của Trương Tải*, dưới thì mở đường cho Vương Phu Chi* giữa đời Minh Thanh, là một triết học gia quan trọng trong lịch sử phát triển duy vật của Trung Quốc hậu kỳ xã hội phong kiến.

    ...
     
    teacher.anh thích bài này.
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA VƯƠNG PHU CHI


    Vương Phu Chi (1619-1692), triết học gia duy vật nổi tiếng khoảng giữa hai đời Minh, Thanh. Ông tên tự Nhi Nông, hiệu Khương Trai, người ở Hành Dương, Hồ Nam. Vì cuối đời ông ẩn cư ở núi Thạch Thuyền, Hành Dương nên được gọi là Thuyền Sơn tiên sinh. Thuở trai trẻ ông từng thi Cử nhân, nổi tiếng bác học biết nhiều, từng nổi dậy ở Hành Dương chống quân Thanh, sau khi thất bại từng giữ chức quan trong chính quyền Nam Minh (triều Minh thua chạy xuống phương nam lập triều đình chống Thanh gọi là Nam Minh). Sau đó, ông trốn quay về Hồ Nam rồi chuyển trốn vào các sơn động dân tộc ít người Miêu, Dao, trải qua nhiều gian khổ.

    Đời ông trứ tác nhiều tác phẩm đủ mọi loại triết học, chính trị, lịch sử và văn học, được người đời sau sưu tập biên soạn thành bộ “Thuyền Sơn di thư”. Trong đó tác phẩm triết học chủ yếu có “Trương tử chính mông chú”, “Chu Dịch ngọai truyện”, “Thượng Thư dẫn nghĩa”, “Độc Thông giám luận”, “Tư vấn lục”.

    Vương Phu Chi là triết học gia duy vật kiệt xuất trong lịch sử triết học cổ đại Trung Quốc, đưa chủ nghĩa duy vật thô sơ cổ đại đến mức độ phát triển cao nhất. Ông công khai chỉ rõ tông chỉ của triết học là phải bài trừ Phật và Lão giáo, làm chính lòng người.

    Về quan điểm tự nhiên, ông kế thừa và phát triển học thuyết “Thái hư tức khí"của Trương Tải*, minh xác quan điểm duy vật, cho rằng vạn vật đều sinh ra do “thực thể thái hư hun đúc” (Thái hư nhân uẩn chi thực thể). Ông còn đề xuất phạm trù “Thành nhất thực hữu” chứng minh tính thực tại khách quan của vật chất, tổng kết cuộc tranh luận về vấn đề quan hệ giữa Lý KhíĐạo khí kéo dài từ đời Tống, đưa ra các quan điểm duy vật “Lý ở trong Khí” (Lý tại Khí trung), “Thiên hạ chỉ có Khí” (Thiên hạ duy khí).

    Về quan điểm vận động phát triển, ông còn đề xuất các tư tưởng biện chứng pháp “Thái hư vốn động” (Thái hư bản động), “Tĩnh do động mà có” (Tĩnh do động đắc), “Động và tĩnh đều là động” (Động tĩnh giai động), “Sự biến hóa của trời đất ngày càng mới” (Thiên địa chi hóa nhật tân). Ông minh xác nguyên nhân vận động phát triển của sự vật là do tính mâu thuẫn ở trong nội bộ sự vật, kết luận sự mâu thuẫn ấy vừa là “tương phản” vừa “hội thông”.

    Về nhận thức luận, ông đề xuất quan điểm duy vật “Hình, Thần và Vật, ba điều kiện ấy gặp nhau rồi nảy sinh ra tri giác” (Hình dã, thần dã, vật dã, tam tương ngộ nhi tri giác nãi phát). Luận về quan hệ giữa chủ thể và khách thể, cho rằng nhận thức chủ thể (Năng) là dựa vào khách thể (Sở) và đủ khả năng nhận thức khách thể.

    Về quan hệ giữa tri và hành, ông tiến hơn một bước, đưa ra quan điểm “Làm trước biết sau” (Hành tiên tri hậu), “làm có thể kiêm cả biết nhưng biết không thể kiêm cả làm” (Hành khả kiêm tri nhi tri bất khả kiêm hành), phản đối quan điểm “biết trước làm sau” (Tri tiên hành hậu) của Trình Chu* và “biết và làm hợp làm một" (Tri hành hợp nhất) của Vương Thủ Nhân*.

    Về quan điểm lịch sử xã hội, ông đưa ra tư tưởng “Lý và Thế hợp làm một” (Lý Thế hợp nhất), “Ngày nay hơn đời xưa” (Kim thắng ư cổ), cho rằng lịch sử phát triển không do ý chí của con người mà theo xu thế (Thế) và quy luật () của tiến hóa, đó chính là manh nha của sử quan duy vật.

    ...
     
    teacher.anh thích bài này.
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA VƯƠNG SUNG


    Vương Sung (27-97), triết học gia duy vật nổi tiếng đời Đông Hán, nhà vô thần luận, tên tự Trọng Nhiệm, người ở Thượng Ngu, Cối Kê (nay là huyện Thượng Ngu, tỉnh Chiết Giang). Ông xuất thân trong gia đình nghèo hèn, từng mấy lần giữ chức quan nhỏ ở châu huyện nhưng con đường hoạn lộ lại gập ghềnh, thời gian làm quan ngắn ngủi, sau này ông trở về quê, chủ yếu theo nghề dạy học và sáng tác.

    Về triết học, ông cương quyết phản đối thuyết “Thiên nhân cảm ứng” của Đổng Trọng Thư*, bảo vệ và phát triển vô thần luận và chủ nghĩa duy vật cổ đại. Ông kiên trì giữ vững quan điểm “Nguyên khí nhất nguyên luận" tự nhiên, cho rằng trời đất là một thực thể vật chất do nguyên khí cấu thành, “Trời đất, ngậm khí của tự nhiên vậy” (Thiên địa, hàm khí chi tự nhiên dã - Luận Hành, Đàm thiên). Đồng thời, ông cho rằng nguồn gốc của muôn vật cũng là Nguyên khí “Muôn vật sinh ra, đều thụ bẩm nguyên khí” (Vạn vật chi sinh, giai bẩm nguyên khí).

    Ông còn dùng thái độ nghiêm khắc phê phán thuyết “Thiên nhân cảm ứng", cho rằng trời là vật chất không có ý thức, không có khả năng “cảm ứng” với người. Ông còn phê phán và vạch trần hiện tượng tai dị chẳng có liên quan gì đến con người “Tai biến lúc đến là do khí tự làm ra như vậy. Ôi trời đất không thể làm được, mà cũng không thể biết được” (Tai biến thời chí, khí tự vi chi. Phù thiên địa bất năng vi, diệc bất năng chi dã - Luận Hành, Tự nhiên).

    Ông phủ nhận thuyết mê tín người chết trở thành quỷ, vạch trần nếu như người chết biến thành quỷ thì “đã có số trăm ngàn vạn, đầy nhà đầy sân, khắp nẻo cùng hang hẻm, đâu chỉ một vài người”. Người là vật chất đạt được “tinh khí”, “chết là tinh khí bị diệt”, kết kuận “người chết không thể là quỷ, không biết gì, không thể hại người được” (Nhân tử bất năng vi quỷ, vô tri, bất năng hại nhân - Luận Hành, Luận tử).

    Về nhận thức luận, ông phản đối tiên nghiệm luận “Sinh ra đã biết”, chỉ ra nguồn gốc của hiểu biết là do cảm quan “nên theo tai mắt mà xác định sự thực”. Ông chú trọng tới tác dụng của nhận thức lý tính, đề xuất cần phải thông qua các phương pháp phán đoán suy lý để đạt được nhận thức chính xác và nhấn mạnh tới “hiệu nghiệm”, chỉ cần lấy “hiệu nghiệm” làm tiêu chuẩn kiểm nghiệm nhận thức.

    Về quan điểm lịch sử, ông cho rằng lịch sử là tiến hóa phát triển, đời Hán phải hơn đời viễn cổ, nhưng ông lại có quan niệm “trăm đời cùng một đạo" (Bách đại đồng đạo).

    Ông viết văn chú trọng thực tế, cho rằng văn “vì thế dụng, trăm thiên (sách) vô hại, không vì thế dụng, một thiên vô bổ” (Vi thế dụng giả, bách thiên vô hại, bất vi dụng giả, nhất thiên vô bổ), phản đối tất cả “mọi ngôn ngữ phù hoa giả trá” (Phù hoa hư ngụy chi ngữ). Ông từng can đảm viết các thiên “Hỏi Khổng Tử" (Vấn Khổng), “Châm chích Mạnh Tử” (Thích Mạnh) đả kích đạo Khổng Mạnh.

    Tác phẩm của ông có bộ Luận Hành, bộ này vừa ra đời đã được gọi là “dị thư” (sách lạ), hay “kỳ thư”.

    Tóm lại, Vương Sung là nguồn sáng làm rực rỡ thêm triết học Trung Quốc. Ông thổi một luồng gió mới vào tư tưởng giới đang sơ cứng lúc ấy, để đưa tới tư trào khinh thị lễ giáo đời Ngụy Tấn. Tư tưởng vô thần luận của ông dựng một bia đá sáng rực trong lịch sử vô thần luận Trung Quốc, có ảnh hưởng rất lớn đến Vô quỷ luận đời Ngụy Tấn, Thần diệt luận của Phạm Chẩn* và các quan điểm vô thần luận đời sau nữa. Tư tưởng duy vật của ông là nguồn gốc tư tưởng của Liễu Tông Nguyên*, Trương Tải*, Vương Phu Chi*, Đái Chấn* sau này.

    ...
     
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA VƯƠNG THÔNG


    Vương Thông (584-618), tư tưởng gia và triết học gia đời Tùy, tên tự Trọng Yêm, các học trò đặt tên thụy riêng cho ông là Văn Trung tử, người ở Long Môn, Hà Đông (nay là Hà Tân, tỉnh Sơn Tây). Niên hiệu Nhân Thọ thứ 3 đời Tùy (603), ông lên Trường An bái kiến Tùy Văn đế dâng 12 chương “Thái Bình sách” nhưng bị giới công khanh gièm pha ngăn trở, ông không được dùng tới. Ông lui về ẩn cư giữa khoảng sông Hà sông Phán, sống bằng nghề dạy học viết sách. Học trò của ông rất nhiều.

    Tư tưởng triết học lớn nhất của ông chủ yếu vẫn là Nho học kết hợp với Đạo học và Phật học. Ông cho rằng trời, đất, người (Thiên, địa, nhân) là “Tam tài”, trời thống lĩnh Nguyên khí, đất thống lĩnh Nguyên hình và người thống lĩnh Nguyên thức, ba nguyên ấy trở thành tam tài hoàn bị như Kinh Dịch nói: “Trời sinh đó, đất nuôi nấng đó, thánh nhân hoàn thành đó. Nên trời đất dựng mà “Dịch” vận hành trong đó” (Thiên sinh chi, địa trưởng chi, thánh nhân thành chi. Cố thiên địa lập nhi “Dịch” hành hồ kỳ trung).

    Ông giữ thái độ “Kính cẩn mà tránh xa” (Kính nhi viễn chi) mặc dù vẫn tin vào Trời Đất (Thiên thầnĐịa chi). Về quan điểm tri hành, ông nhấn mạnh “Ở gần biết xa, ở nay biết xưa” (Cư cận thức viễn, xử kim tri cổ). Khi trả lời Lý Mật hỏi về anh hùng, ông trả lời: “Tự biết mình là Anh, tự thắng mình là Hùng” (Tự tri giả Anh, tự thắng giả Hùng).

    Suốt đời ông theo đuổi sự nghiệp giáo dục, mong muốn dùng tinh thần Nho gia để chấn hưng an trị. Tác phẩm còn lại đến nay của ông chỉ còn bộ “Trung thuyết” 10 quyển do các môn sinh sưu tập ghi chép.

    ...
     
    teacher.anh thích bài này.
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC CỦA VƯƠNG THỦ NHÂN


    Vương Thủ Nhân (1472-1528), triết học gia đời Minh, người tập đại thành tư tưởng Tâm học, tên tự Bá An, hiệu Dương Minh, người ở Dư Diêu, Chiết Giang. Ông kế thừa Tâm học duy tâm chủ quan của Lục Cửu Uyên*, coi Tâm là gốc, nhận rằng “Ngoài Tâm không có vật nào nữa” (Tâm ngoại vô vật), “Ngoài Tâm không có Lý nào khác” (Tâm ngoại vô Lý).

    Ông khoa đại tác dụng năng động của Tâm, cho Tâm quan hệ với Thân và Vật, tiến tới cho rằng “chỗ tồn tại của ý là vật” biến ngoại vật khách quan tồn tại không thể tách rời được với cảm giác. Ông đưa ra thuyết “Trí lương tri”, cho rằng Lương tri là bản chất của nhân tâm, là nhận thức vốn có tiên thiên, nhận thức hoạt động chính là phát hiện tự ngã của lương tri.

    Ông chủ trương Tri hành hợp nhất (hiểu biết và thực hành là một), cho rằng “nơi một ý nghĩ phát động ra chính là thực hành” (Nhất niệm phát động xứ tiện thị hành), “Hiểu biết là gốc rễ ban đầu của thực hành, thực hành là chỗ hoàn thành của hiểu biết” (Tri thị hành chi thủy, hành thị tri chi hành), sự thực là lấy hiểu biết (Tri) áp đảo thay thế thực hành (Hành), tức là quan điểm tri hành duy tâm.

    Tư tưởng triết học của Vương Thủ Nhân lưu hành trong thời gian dài hơn 150 năm, hình thành môn phái “Vương học”, “Dương Minh học”. Giữa thời Minh, học thuyết này truyền bá sang Nhật Bản, trở thành môn phái hiển học. Trong tư tưởng triết học Vương Dương Minh bao hàm ít nhiều nhân tố thúc đẩy tư tưởng tiến bộ. Tác phẩm của ông có bộ “Vương Văn Thành công toàn thư” mà các bài triết học tiêu biểu là “Truyền tập lục” và “Đại học vấn”.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/6/24
    teacher.anh thích bài này.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TƯỞNG VÔ THẦN LUẬN CỦA BÃO KÍNH NGÔN


    Bão Kính Ngôn (khoảng 278-342), tư tưởng gia đời Đông Tấn, nhà vô thần luận. “Ông Bão Kính Ngôn thích đọc sách Lão Trang, giỏi lời biện biệt, cho rằng đời cổ không có vua, hơn hẳn đời nay” (Bão sinh Kính Ngôn hiếu Lão Trang chi thư, trị kịch biện chi ngôn, dĩ vi cổ giả vô quân, thắng ư kim thế - Bão Phác tử, Cật Bão). Ông từng viết “Vô quân luận”, các trứ tác khác của ông còn giữ được trong bộ Bão Phác tử.

    Ông phủ định trời có ý chí, có khả năng dựng lên vua chúa và tất cả tư tưởng hữu thần luận. Theo ông, chế độ vua tôi không phải là hiện tượng tự nhiên có như thế mà là do kẻ mạnh dùng bạo lực chiếm đoạt, kết quả: “Kẻ mạnh hiếp người yếu thì người yếu chịu khuất phục thôi vậy. Người có trí lừa dối người ngu thì người ngu phải tôn thờ thôi vậy” (Phù cường giả lăng nhược, tắc nhược giả phục chi hĩ; trí giả trá ngu, tắc ngu giả sự chi hĩ). Ông so sánh quan hệ giữa quân vương (và giới quan lại) với nhân dân giống như quan hệ giữa con rái cá và cá, giữa chim ưng và chim sẻ, ông bảo: “Vua tôi đã thiết lập thì thay đổi dần càng sâu, ôi con rái cá bắt càng nhiều ắt cá bị quấy, chim ưng nhiều ắt chim sẻ sẽ loạn, đặt quan lại ắt dân khốn đốn, cung phụng vua nhiều ắt dân nghèo” (Quân thần ký lập, nhi biến hóa toại tư, phù thát đa tắc ngư nhiễu, ưng chúng tắc điểu loạn, hữu ti thiết tắc bách tính khốn, phụng thượng hậu tắc hạ dân bần).

    Sự thực nhờ hùng biện, Bão Kính Ngôn đã chứng minh được luận điểm sản xuất là việc hoàn toàn do người, quỷ thần không có khả năng tạo ra của cải, điều này dẫn đến quan điểm vô thần của ông. Ông cho rằng, vua chúa là nguồn gốc của tất cả tai họa, nguồn gốc của tất cả bất công trên đời này.

    ...
     
    teacher.anh thích bài này.
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TƯỞNG VÔ THẦN LUẬN CỦA ĐÁI QUỲ


    Đái Quỳ (khoảng 330-395), nhà vô thần luận đời Đông Tấn, tên tự An Đạo, người ở Tiều quận (nay là Túc huyện, An Huy). Ông bác học, giỏi văn chương, suốt đời không làm quan. Tác phẩm chủ yếu của ông có “Thích nghi luận”, “Phóng đạt vi phi đạo luận”.

    Ông phản bác đả kích tư tưởng nhân quả báo ứng của Phật giáo, cho rằng, toàn bộ sự thật lịch sử chứng minh người tốt không được báo đền bằng việc tốt mà trái lại, người xấu ác thường được giàu có.

    Đái Quỳ kế thừa tư tưởng Nguyên khí tự nhiên luận của Vương Sung*, giải thích theo vô thần các hiện tượng sống chết, phúc quý: “Người ta có tình của hai nghi (Âm, Dương) để sống, bẩm thụ được khí Ngũ thường (Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín) để giáo dục” (Nhân tư nhị nghi chi tính dĩ sinh, bẩm ngũ thường chi khí dĩ dục). Tính có dài ngắn, khí có tinh vi thô thiển khác nhau “Đó là định lý của tự nhiên, không thể thay đổi được vậy” (Thử tự nhiên chi định lý, bất khả di giả dã).

    Ông dùng quy luật tự nhiên để giải thích hiện tượng xã hội nên lại rơi vào khuyết điểm Mệnh định luận.

    ...
     
    teacher.anh thích bài này.
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TƯỞNG VÔ THẦN LUẬN CỦA HÀ THỪA THIÊN


    Hà Thừa Thiên (370- 447), tư tưởng gia vô thần luận thời Lưu Tống, Nam triều, người ở Đông Hải (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), từng làm Nội sử Hành Dương nên được đời gọi là Hà Hành Dương. Tác phẩm triết học chủ yếu của ông là các bài “Đạt tính luận”, “Đáp Tông cư sĩ thư”, “Đáp Nhan Quang Lục”, “Báo ứng vấn” chép trong các bộ "Hoằng Minh tập” và “Quảng Hoàng Minh tập”. Trong bài Báo ứng vấn, ông dùng tinh thần khoa học trên cơ sở quan sát khoa học phản bác thuyết “báo ứng” của Phật giáo với lập luận “Kẻ sát sinh không được báo đáp bằng điều xấu, người làm phúc không được báo đáp bằng tốt đẹp” (Sát sinh giả vô ác báo, vi phúc giả vô thiện ứng).

    Trong bài Đạt sinh luận, ông phản bác chỉ trích thuyết luân hồi của Phật giáo, ông vạch ra “Sống ắt phải chết, hình chết thì tinh thần tan, như (cây cỏ) mùa xuân tươi tốt mùa thu rơi rụng, bốn mùa thay đổi, sao lại có việc thụ nhận hình hài nữa? (Sinh tất hữu tử, hình tử thần tán, do xuân vinh thu lạc, tứ thời đại hoán, hề hữu ư cánh thụ hình tai?). Huống nữa, người và muôn vật khác nhau về thể chất nên người không thể nào biến thành muôn vật, muôn vật cũng không thể biến thành người.

    Trong bài Đáp Tông cư sĩ thư, chủ yếu ông nói rõ vấn đề hình thần, ông cho rằng “Hình và Thần dựa vào nhau, người xưa ví với củi và lửa. Củi tàn lửa yếu, củi hết lửa diệt, tuy có chỗ diệu dụng riêng nhưng đâu thể truyền đi một mình? (Hình Thần tương tư, cổ nhân thí dĩ tân hỏa, tân tệ hỏa vi, tân tận hỏa diệt, tuy hữu kỳ diệu, khởi năng độc truyền?). Nói như vậy có nghĩa là lửa không thể tách rời củi mà tồn tại một mình, thần cũng không thể tách rời hình mà tồn tại riêng biệt.

    Hà Thừa Thiên là người đại biểu phái vô thần luận và thần diệt luận chống đối với Phật giáo. Tư tưởng vô thần luận và thần diệt luận của ông tuy vẫn mang khuyết điểm trầm trọng của Nho gia nhưng đã đánh trúng một số luận điểm của Phật giáo, mang đậm tính chiến đấu mạnh mẽ.

    ...
     
    teacher.anh thích bài này.
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TƯ TƯỞNG VÔ THẦN LUẬN CỦA LƯU CƠ


    Lưu Cơ (1311-1375), tên tự Bá Ôn, tư tưởng gia, văn học gia đầu đời Minh, người ở Thanh Điền, Chiết Giang. Ông đậu Tiến sĩ cuối đời Nguyên, từng giữ chức Huyện thừa Cao An, Giang Tây, vì không hợp ý với thượng tầng thống trị và bất mãn với triều đình Nguyên, ông bỏ quan về. Năm 1360, ông vâng chiếu gọi của Chu Nguyên Chương, giúp họ Chu lật đổ thống trị triều Nguyên, lập khá nhiều công trạng. Sau ông làm quan đến chức Ngự sử Trung thừa kiêm Thái sử lệnh, được phong tước Thành Ý bá. Năm 1371, ông từ quan về ẩn cư ở Thanh Điền.

    Tác phẩm của ông có bộ “Uất Ly tử”, ngoài những đoạn vạch trần sự bóc lột tàn bạo và áp bức dân chúng của triều Nguyên, về thế giới quan, ông phủ định trời có ý chí, nhấn mạnh tác dụng của con người. Phản đối quan điểm các tai họa là do sự cảnh cáo của trời, ông cũng phản đối các chủ nghĩa thần bí, đồng thời phê phán các thói tục mê tín quỷ thần lúc ấy. Lưu Cơ cho rằng nguồn gốc thế giới là Khí hoặc Nguyên khí. Ông bảo: “Có nguyên khí bèn có trời đất, trời đất có thể bị hủy hoại nhưng nguyên khí không chấm dứt” (Hữu nguyên khí nãi hữu thiên địa, thiên địa hữu hoại, nguyên khí vô tức).

    Theo ông, khí cấu thành trời đất, chất của trời là “Khí mang mang tự nhiên” (mang mang nhiên khí dã). Khí của trời lại sinh ra vạn vật, trời đất vạn vật có sinh ra có hủy hoại mất đi nhưng khí hoặc nguyên khí thì vĩnh viễn tồn tại. Đây chính là bản nguyên luận duy vật.

    Ông đã coi trời là khí vật chất, đương nhiên cũng phủ nhận luôn tính thần bí của trời. Có người hỏi ông “Trời giáng họa phúc xuống người, có hay không?”. Ông đáp: “Không! Trời làm sao giáng họa phúc xuống người được thay!”. Có người hỏi: “Thiên tai lưu hành, âm dương sai lạc, trời dùng đó để cảnh cáo người đấy chăng?”. Ông đáp: “ Không phải. Trời dùng khí làm chất, khí không quân bình thì biến động... khí vận hành nên thông, ắt âm dương điều hòa… trời được sự thường hằng của nó. Khí vận hành bị ủng tắc, ủng tắc ắt bị kích động, kích động ắt thay đổi, thay đổi sau đó tật bệnh tai họa sinh ra vậy” (Phủ. Thiên dĩ khí vi chất, khí thất kỳ bình tắc biến... khí hành nhi thông, tắc âm dương hòa... Thiên chi đắc kỳ thường dã. Khí hành nhi ủng, ủng tắc kích, kích tắc biến, biến nhi hậu bệnh sinh yên).

    Như vậy theo ông, hiện tượng tự nhiên có hiện tượng thường và khác thường là do khí bình hòa hay mất bình hòa, khí thông hay khí bị ủng tắc, trong đó không hề có sức mạnh thần bí nào điều động. Lưu Cơ cũng phê phán tục mê tín quỷ thần. Căn cứ để ông phủ nhận quỷ thần là: “Người được khí sinh ra thân hình, như lửa cháy nhờ gỗ, hồn (của người) là ngọn lửa, vốn gốc từ than. Người chết hồn quay trở về thành khí như lửa bị tắt vậy, ngọn lửa sao còn được nữa? Cho nên người được bẩm thụ khí mà có hình thể, như đổ nước biển vào chén; đến khi chết lại trở về khí, như nghiêng chén đổ nước về biển vậy” (Phù nhân chi đắc khí dĩ sinh kỳ thân, do hỏa chi trứ mộc nhiên, hồn kỳ diệm, thể kỳ khôi dã. Nhân tử chi hồn phục quy ư khí, do hỏa chi diệt dã, kỳ diệm an vãng tai? Cố nhân chi thụ khí dĩ vi hình dã, do chước hải ư bôi dã; cập kỳ tử nhi phục ư khí dã, do khuynh kỳ bôi thủy nhi quy chư hải dã). Điểm này chính là kế thừa tư tưởng vô quỷ luận của Hoàn Đàm*, Vương Sung* trước đây.

    Ngoài ra, Lưu Cơ còn tiến hành phê phán thuật bói toán, mê tín bốc phệ. Quan điểm cơ bản của ông là: “Đạo trời thân điều gì? Chỉ thân với đức; quỷ thần làm sao được linh, nhân có người mà linh. Cỏ thi, là cỏ khô vậy; mai rùa, là xương khô vậy, (tất cả) chỉ là vật vậy. Người linh thiêng hơn vật, sao không tự tin mà đi tin ở vật?” (Thiên đạo hà thân, duy đức chi thân; quỷ thần hà linh, nhân nhân nhi linh. Phù thi, khô thảo dã; quy, khô cốt dã, vật dã. Nhân linh ư vật giả dã, hà bất tự thính nhi thính ư vật hồ? - Uất Ly tử, Thiên đạo). Nhân vậy, ông phủ định bói toán, cho rằng việc của người ta “sao cần bói toán!”, người linh thiêng hơn vật, cần phải tự tin nơi mình.

    ...
     
    teacher.anh thích bài này.
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    PHẦN TÔNG GIÁO

    Có thể nói ở Trung Quốc cổ đại đã có mặt hầu hết các tông giáo lớn trên thế giới như Phật giáo, Hồi giáo, Bái Hỏa giáo, Cảnh giáo, Cơ Đốc giáo, Bà La Môn giáo v.v... nhưng nói đến tông giáo ở Trung Quốc người ta thường nghĩ ngay đến Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo. Thói quen này không phải không có lý do chính đáng, dù cho, ở phần Triết học, Khổng giáo không thể được coi là một tông giáo thuần túy với nghĩa tín ngưỡng. Bởi vậy, ở PHẦN TÔNG GIÁO này chúng tôi chỉ đề cập tới Đạo giáoPhật giáo Trung Quốc hóa.


    1. CÁC TÔNG PHÁI ĐẠO GIÁO

    Đạo giáo qua nhiều triều đại, có lúc từng được coi là một loại quốc giáo. Tuy ông tổ của Đạo giáo là Lão Tử, là triết gia lớn cổ đại nhưng đến Trương Đạo Lăng đời Hán, ông này đã biến Lão Tử thành Thái Thượng Lão quân và mang cho tông giáo này màu sắc tín ngưỡng rất đậm. Trong các mục từ dưới đây sẽ là diễn biến hình thành nhiều tông phái rõ ràng có tính tông giáo. Tiểu mục này được sắp xếp theo thứ tự ABC để tiện tra tìm.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    CHÍNH NHẤT ĐẠO

    Nguồn gốc từ “Chính Nhất Minh Uy chi đạo” do Trương Đạo Lăng sáng lập cuối đời Hán, thời kỳ đầu bị gọi là “Ngũ đấu mễ đạo”, đời Đông Tấn Nam Bắc triều gọi là “Thiên sư đạo”. Đạo giáo tôn Trương Đạo Lăng là “Chính Nhất Bình khí tam thiên chi sư”. Các đạo sĩ đời sau đều tôn xưng đạo của Trương Đạo Lăng là Chính Nhất như phần Thích Lão truyện sách Nguyên sử viết: “Chính Nhất thiên sư bắt đầu từ Trương Đạo Lăng đời Hán” (Chính Nhất thiên sư giả, thủy tự Hán Trương Đạo Lăng).

    Từ đời thứ 4, cháu của Trương Đạo Lăng là Trương Thịnh đời Ngụy từ Hán Trung quay trở về Long Hổ sơn, Giang Tây mở đầu giảng Chính Nhất tông, con cháu Trương Thịnh đời đời ở trong núi truyền bá Đạo giáo. Sau đời Đường Tống, Long Hổ sơn trở thành trung tâm Chính Nhất đạo. Niên hiệu Thiên Bảo thứ 7 đời Đường (748), sách phong Trương Đạo Lăng là “Thái sư”, niên hiệu Đại Trung Tường Phù đời Tống có sắc đổi Chân tiên quán trên Long Hổ sơn là Thượng Thanh quán, ban hiệu cho Trương Chính Tùy, cháu đời thứ 24 của Thiên sư là “Chân Tĩnh tiên sinh”.

    Từ đó, Thiên sư Chính Nhất ở Long Hổ sơn thống lĩnh các phái phù lục vùng Giang Nam. Đời Nguyên, Nguyên Thế tổ ra lệnh cho Thiên sư đời thứ 36 là Trương Tông Diễn “chủ lĩnh việc Đạo giáo vùng Giang Nam”. Niên hiệu Đại Đức thứ 8 đời Nguyên Thành tông (1304), trao cho Thiên sư đời thứ 38 giữ chức Giáo chủ Chính Nhất, các đạo phái Giang Nam gọi chung là Chính Nhất đạo, đại biểu là Chính Nhất Thiên sư ở Long Hổ sơn.

    Toàn Chân phái đang hưng khởi ở miền bắc cùng với Chính Nhất đạo được coi là hai phái lớn nhất của Đạo giáo.

    Triều Minh sắc phong cho Chính Nhất Thiên sư ở Long Hổ sơn là “Chính Nhất tự giáo chân nhân” nắm quyền coi sóc Đạo giáo trong thiên hạ, địa vị Đạo giáo đến đây còn được đề cao hơn cả đời Nguyên. Đầu đời Thanh vẫn dùng quy định như đời Minh, đến triều Càn Long, Chính Nhất Chân nhân bị các triều thần đàn hặc, từ đó về sau Chính Nhất đạo suy yếu dần.

    Chính Nhất đạo chủ yếu thờ phụng “Chính Nhất kinh”, cũng học các thuật luyện đan tu dưỡng và phù lục chữa bệnh. Đạo sĩ Chính Nhất đạo có thể tu tại gia hoặc vào núi ở.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/6/24
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    ĐẠO GIÁO


    Một tông giáo sản sinh trong đất nước Trung Quốc. Người khai sáng là Trương Đạo Lăng (cũng có khi gọi là Trương Lăng) ở khoảng đời vua Hán Thuận đế (126-144). Về thuật ngữ Đạo giáo, Kinh Dịch* viết: “Bậc thánh nhân dùng Thần đạo lập giáo nên thiên hạ phục theo vậy” (Thánh nhân dĩ Thần đạo thiết giáo nhi thiên hạ phục hĩ).

    Trước hai đời Hán, Thần đạo nguyên thủy và đạo của các thánh nhân tiên vương đều gọi là Đạo giáo. Phật giáo cũng thường dịch nghĩa chữ Bồ đềĐạo. Sau khi Trương Đạo Lăng kế thừa Đạo của Lão Tử* lập nên Đạo giáo, Đạo giáo liền diễn dụng thành từ riêng biệt để chỉ Đạo của họ Trương, phân biệt với Phật giáo như câu trong sách “Di Hạ luận” của Cố Hoan đời Nam Tề: “Phật giáo văn vẻ mà rộng, Đạo giáo chơn chất mà tinh lọc” (Phật giáo văn nhi bác, Đạo giáo chất nhi tinh).

    Nguồn gốc Đạo giáo có từ các tục sùng bái quỷ thần ở Trung Quốc cổ đại (thời kỳ Ân Chu) hoặc từ Phương tiên đạo* thời kỳ Chiến quốc, hoặc từ Hoàng Lão đạo* thời kỳ Tần Hán. Văn gia Lưu Hiệp* đời Lương Nam triều viết trong bài Diệt hoặc luận: “Trên (thì) lấy tiêu chuẩn là Lão Tử, dưới nữa thuật đạo Thần tiên, thấp nữa tập theo (đạo) Trương Lăng” (Thượng tiêu Lão Tử, thứ thuật Thần tiên, hạ tập Trương Lăng). Đạo giáo thờ phụng hiền triết Lão Tử làm giáo tổ và coi “Đạo” của Lão Tử là tín ngưỡng tối cao, cho rằng Đạo ở khắp mọi nơi, hóa sinh ra vạn vật, là nguồn gốc của vũ trụ. “Đạo tan ra thành khí, tụ hình lại thành Thái Thượng Lão quân, Lão Tử chính là hóa thân của Đạo”.

    Đạo giáo đặt cơ sở trên tư tưởng thanh tĩnh vô vi, không tranh giành vì ít ham muốn, coi tín ngưỡng thần tiên là trọng tâm, phương sĩ thần học hưng thịnh vào thời Chiến quốc thông qua sự kết hợp với tư tưởng Hoàng Lão, trở thành chủ thể của tín ngưỡng Đạo giáo. Thần tiên mà Đạo giáo thờ phụng có khi đã linh thiêng nhưng có khi chỉ là người phàm tục, đậm màu sắc mỹ thuật cảm tính tự nhiên. Thế giới thần tiên của Đạo giáo cấu thành do Quỳnh uyển Lăng Vũ, trên trời nơi cư trú của thần minh là Thiên cung, dưới đất nơi cư trú của các người đắc đạo thành tiên là Động thiên Phúc địa.

    Đạo giáo coi trọng sự sống. Cho rằng có thể thông qua tu luyện để sống lâu trường thọ rồi thành tiên đắc đạo. Thuật tu tiên có thổ nạp (hít thở) đạo dẫn, ngoại đan nội đan, dưỡng khí hay phục thực v.v... Lý luận căn bản của Đạo giáo y cứ vào các kinh điển như Đạo Đức kinh*, Âm phù kinh. Để tìm cầu sự giải thoát khỏi đau khổ của “Nhân đạo”, Đạo giáo tuyên dương học thuyết vượt lên trên vật và ta (Siêu vật ngã), coi đúng sai như nhau của Trang Tử* với tinh thần tiêu dao ngoài vật để tìm đến sự giải thoát tự ngã. Đạo giáo phát huy thuyết Thiên đạo của “Thái Bình kinh”, khuyên người ta nên tích đức làm thiện với tông chỉ là cứu độ chính mình và cứu độ người khác.

    Trong gần 2000 năm phát triển, Đạo giáo chẳng những hình thành rất nhiều tông phái tự thân mà hình như còn liên quan tới hầu hết các phương diện văn hóa khác nữa, tạo ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng triết học, y học, hóa học, lịch sử, chính trị, văn học, thiên văn, địa lý, khoa học kỹ thuật ở Trung Quốc cổ đại, tác dụng rất lớn đến cả phong tục tập quán và tâm lý của dân chúng Trung Quốc, là bộ phận quan trọng kết hợp nên văn hóa Trung Quốc, phản ánh quan niệm về tông giáo của nhân dân Trung Quốc, phản ánh tổng hợp đời sống văn hóa xã hội và tín ngưỡng tông giáo cổ đại.

    Trong tổng tập kinh điển Đạo giáo “Đạo tạng” bao gồm rất nhiều kinh điển, nghi thức thờ tự, hình ảnh bùa chú, thuật dưỡng sinh v.v... cộng với các trứ tác thư tịch chư tử với nội dung hết sức phong phú, là văn hiến quan trọng để nghiên cứu văn hóa truyền thống Trung Hoa.

    ...
     
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    HOÀNG LÃO ĐẠO


    Tiền thân của Đạo giáo Trung Quốc, là kết hợp giữa tín ngưỡng Phương Tiên và tư tưởng Hoàng Lão và cũng là cơ sở lý luận của Đạo giáo. Học thuật Hoàng Lão vốn là một lưu phái chủ yếu của học thuật thời Tần Hán, Hoàng tức Hoàng đế*, Lão tức Lão Tử*. Hoàng đế đại biểu cho tư tưởng Thần tiên gia và Âm Dương gia; Lão Tử đại biểu Đạo gia, tư tưởng của họ vốn có chỗ giống nhau nên tự nhiên hợp lưu trở thành môn học Hoàng Lão.

    Đầu đời Tây Hán, dùng thanh tĩnh vô vi của Hoàng Lão trị nước, giúp dân nghỉ ngơi an dưỡng, đạt được thành công về chính trị, được sử gọi là “Văn Cảnh chi trị” (thời an trị của Văn đế và Cảnh đế).

    Hán Võ đế độc tôn Nho thuật, về chính trị, học thuyết Hoàng Lão bị mất tác dụng chủ đạo, nhưng trong tư tưởng, Hoàng Lão vốn bao hàm rất nhiều nhân tố thần bí, thêm nữa trong các học giả theo đạo Hoàng Lão lúc ấy cũng có nhiều phương sĩ, họ dùng tư tưởng Hoàng Lão làm căn cứ cho đạo Phương Tiên, khiến học thuật Hoàng Lão và phương thuật thần tiên kết hợp một cách tự nhiên, do đó càng phát triển theo hướng tín ngưỡng thần tiên.

    Đến đời Đông Hán, Hán Hằng đế thích chuyện thần tiên, tự thân thờ Lão Tử, tên gọi Hoàng Lão có, bắt đầu từ trong cung đình lập các miếu thờ Hoàng đế và Lão Tử. Những người tin Hoàng Lão dùng ngôn ngữ của Hoàng Lão để dung nạp Phật giáo, họ tiến thêm một bước coi Lão Tử là hóa thân của “Đạo”, coi Lão Tử là vị tổ sư lý tưởng. Cuối đời Đông Hán, đạo Thái Bình và đạo “Ngũ đấu mễ” (năm đấu gạo) hưng khởi lên, kế thừa và triển khai thêm tư tưởng Hoàng Lão, họ dựng lên Đạo giáo trên cơ sở đạo Hoàng Lão.

    ...
     
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    PHƯƠNG TIÊN ĐẠO


    Nguồn gốc của tín ngưỡng Đạo giáo Thần tiên, hưng khởi ở suốt vùng bờ biển nước Yên, nước Tề thời Chiến quốc.

    Trong phần Phong thiện thư sách Sử ký* viết: “Từ đời Uy vương, Tuyên vương nước Tề... mà bọn Tống Vô Kỵ, Chính Bá Kiều, Sung Thượng, Tiểu Môn Cao cuối cùng đều là người nước Yên, theo Phương Tiên đạo, tu thuật hình giải tiêu hóa, dựa vào thờ quỷ thần” (Tự Tề Uy, Tuyên chi thời... nhi Tống Vô Kỵ, Chính Bá Kiều, Sung Thượng, Tiểu Môn Cao tối hậu giai Yên nhân, vi Phương Tiên đạo, hình giải tiêu hóa, y ư quỷ thần chi sự).

    Phương tức là Phương thuật. “Thiên hạ thiên” trong sách Trang Tử* viết: “Người theo phương thuật trong thiên hạ nhiều lắm vậy” (Thiên hạ chi trị phương thuật đa hĩ). Đến đời Tần, các phương sĩ chuyên về tìm cầu thuốc tiên kỳ lạ và luyện đan dược; Tiên tức người siêu thoát khỏi sinh tử. Thiên địa thiên sách Trang Tử viết: “Sống ngàn năm chán đời; bỏ đi lên tiên” (Thiên tuế yếm thế, khứ nhi thượng tiên). Từ đời Uy vương, Tuyên vương nước Tề hay Chiêu vương nước Yên cho đến Tần Thủy hoàng, Hán Võ đế đều tin rằng ở ngoài biển có ba ngọn núi thần (Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu), trong núi thần ấy có các tiên và thuốc trường sinh bất tử, từ đây Phương Tiên đạo thịnh hành

    Tần Thủy hoàng từng sai phương sĩ Từ Phúc dẫn theo vài ngàn đồng nam đồng nữ đi ra biển tìm tiên và thuốc tiên, họ đi mãi mà không thấy tiên đâu, lưu lạc đến nơi ngày nay là quần đảo Nhật Bản. Thời Hán Võ đế có các phương sĩ như Lý Thiếu Quân, Thiếu Ông, Dịch Đại, Công Tôn Khanh rất được vua sủng ái, họ chuyên làm các việc cầu tiên, hái thuốc, trừ quỷ, luyện đan.

    Hoài Nam vương Lưu An chiêu mộ vài ngàn tân khách phương sĩ đến biên soạn bộ sách “Hoài Nam trung thiên” (Còn gọi là “Hoài Nam chẩm trung hồng bảo uyển bí thư”) 8 quyển, chuyên ghi chép những thuật thần tiên. Sự tuyên dương ca ngợi “Phương Tiên” của bọn phương sĩ ấy đương nhiên không thiếu những câu lừa dối, thế nhưng vẫn phản ánh sự hiếu kỳ của người lúc ấy đối với biển rộng mênh mông và khuynh hướng thần phục sức huyền ảo của thần tiên siêu tự nhiên, từ đó manh nha hứng thú muốn tìm hiểu biển rộng và sẽ sản sinh ra phong trào giao thông bằng đường biển. Trong ý nghĩa ấy, phương sĩ Từ Phúc chính là nhà hàng hải sớm nhất.

    Tín ngưỡng Phương Tiên về sau diễn biến thành một trong những nội dung tín ngưỡng thần tiên của Đạo giáo, sau khi kết hợp với tư tưởng Hoàng Lão, trở thành tín ngưỡng trọng tâm của Đạo giáo.

    ...
     
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THÁI BÌNH ĐẠO


    Một chi phái của Đạo giáo thời kỳ đầu, cũng là một hình thái tổ chức Đạo giáo thời kỳ đầu ở Trung Quốc, được Trương Giác, người ở Cự Lộc (nay là Hà Bắc) sáng lập vào thời kỳ Hán Linh đế. Phần Hoàng Phủ Tung truyện sách Hậu Hán Thư* chép “Giác tự xưng là “Đại Hiền lương sư”, thờ đạo Hoàng Lão, nuôi dưỡng đệ tử, dạy phép quỳ bái, lấy phù chú nước thải trị liệu bệnh tật, người bệnh cũng có khi hơi khỏi, nhân dân tin tưởng theo. Thờ phụng cả “Thái Bình thanh lĩnh thư” tức “Thái Bình kinh”. Để thi hành ý Thái Bình nên gọi tên đạo là “Thái Bình đạo” (Giác tự xưng “Đại Hiền lương sư”, phụng sự Hoàng Lão đạo, súc dưỡng đệ tử, quỵ bái thủ quá. Dĩ phù thủy chú thuyết vi nhân liệu bịnh, bịnh giả phả dũ, bách tính tín hướng chi. Kiêm phụng ư cát sở đắc “Thái Bình thanh lĩnh thư”, tức “Thái Bình kinh”. Dĩ hành “Thái Bình” chi ý danh kỳ giáo “Thái Bình đạo”).

    Thái Bình kinh” viết: “Rửa sạch loạn lớn, công cao đức lớn, nên gọi là Thái Bình” (Trừng thanh đại loạn, công cao đức chính, cố hiệu Thái Bình). Từ trung diệp đời Đông Hán trở đi, vương triều phong kiến tàn bạo hoành hành, thêm thiên tai liên miên, ôn dịch tràn lan, dân chúng không còn đất sống. Trương Giác dùng tư tưởng “Thái Bình kinh” sai 8 đệ tử đi sứ khắp bốn phương giáo hóa thiên hạ, trong vòng hơn 10 năm, giáo đồ phát triển lên đến vài vạn người. Giác bèn đặt ra 36 trụ sở ở khắp nơi thống lĩnh giáo đồ rồi phát động cuộc khởi nghĩa “Khăn vàng” (Hoàng cân) vào niên hiệu Trung Bình nguyên niên (184). Trong vòng vài tháng, thiên hạ khắp nơi hưởng ứng, kinh sư chấn động.

    Sau vì khởi nghĩa thất bại, Thái Bình đạo suy yếu dần, nhưng cuộc khởi nghĩa ấy vẫn là đòn nặng đánh vào vương triều Đông Hán và tạo ảnh hưởng nhất định đối với các cuộc khởi nghĩa sau này.

    ...
     
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THIÊN SƯ ĐẠO


    Tên tôn xưng đạo của Trương Đạo Lăng. Thời kỳ Lưỡng Tấn, Đạo giáo truyền bá đến suốt vùng Giang Đông, tên gọi “Thiên sư” được thấy đầu tiên trong thiên Từ vô quỷ sách Trang Tử* được dùng như tên gọi tôn xưng Đạo giáo. Thời Võ đế Tây Tấn, đất Ba Thục từng có người tên Trần Thụy tự xưng là Thiên sư, đây chính là một chi phái có nguồn gốc từ “Ngũ đấu mễ đạo”. Thời Tấn, người đời tin Trương Đạo Lăng là Thiên sư, người theo đạo này gọi là Thiên sư đạo.

    Theo các học giả nghiên cứu, lúc ấy Thiên sư đạo có các bộ kinh “Chính nhất pháp văn Thiên sư giáo giới khoa kinh”, “Chính nhất pháp văn kinh chương quan phẩm”, “Chính nhất pháp văn truyện đô công bản nghĩa” nhưng vì quy pháp suy yếu dẫn đến giáo đoàn lỏng lẻo, giáo đồ nhiều kẻ phản đạo không theo giới luật.

    Đến thời kỳ Nam Bắc triều, đạo sĩ Khấu Khiêm Chi giả mượn được Thái Thượng Lão quân truyền vị ban cho “Vân trung âm tụng tân khoa chi giới”, thanh trừng Đạo giáo, cải cách Thiên sư đạo, chế định ra nghi thức lễ tục.

    Sau này Thiên sư đạo chia ra hai nhánh là Bắc Thiên Sư đạo và Nam Thiên Sư đạo. Cả Bắc và Nam Thiên Sư đạo đều có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Đạo giáo, đặt trung tâm truyền bá ở Long Hổ sơn, Giang Tây.

    ...
     
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này