Đôi dòng lưu niệm ... Hiểu Sử NGƯỜI... Thấm Xứ TA...

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 7/1/24.

Moderators: amylee
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TAM THANH


    Tam Thanh là 3 vị thần tối cao của Đạo giáo, bao gồm Nguyên Thủy Thiên tôn, Linh Bảo Thiên tônĐạo Đức Thiên tôn (tức Thái Thượng Lão quân). Trong các miếu vũ lớn Đạo giáo đều có Tam Thanh cung hoặc Tam Thanh các, Tam Thanh điện với 3 vị thần tôn kính bên trong, bài trí chính giữa là Nguyên Thủy Thiên tôn, bên trái là Linh Bảo Thiên tôn, bên phải là Đạo Đức Thiên tôn. Nguyên Thủy Thiên tôn đứng đầu trong “Tam Thanh" là đại thần lớn nhất Đạo giáo.

    Sách Đạo kinh cho rằng ông ở tại Ngọc Thanh tiên cảnh, là cảnh giới tối cao trong Tam thiên giới. “Nguyên Thủy” có ý chỉ nguồn gốc khởi nguyên của vũ trụ, cho rằng ông sinh ra trước cả lúc vũ trụ hình thành. Khi trời đất sơ khai, ông truyền bí đạo cho các tiên để cứu giúp loài người. Ông tượng trưng cho trước cái hỗn độn. Có lý luận gia Đạo giáo hợp nhất ông với Bàn Cổ, người khai thiên lập địa trong truyền thuyết viễn cổ và cho tên ông là “Bàn Cổ chân nhân”, tự hiệu là “Nguyên Thủy Thiên vương”, là tổ sư chủ trì cõi trời.

    Theo thuyết này, Nguyên Thủy Thiên tôn trở thành người khai sáng thế giới, sáng tạo ra cả vũ trụ và trời đất muôn vật. Nguyên Thủy Thiên tôn chính là “Thượng đế” do Đạo giáo xây dựng nên.

    Linh Bảo Thiên tôn là vị thần lớn thứ hai của Đạo giáo, tượng trưng cho cõi hỗn độn chưa tách lìa. Ông ở tại Thượng Thanh tiên cảnh Linh, tầng thứ hai trong Tam thiên giới.

    Đạo Đức Thiên tôn hay Thái Thượng Lão quân tức Lão Tử mà mọi người đều biết.

    Đầu tiên, Đạo giáo tôn Lão Tử làm tổ sư, coi “Đạo Đức kinh” là kinh điển, nhưng sau này các môn đồ thấy chỉ một mình Lão quân không đủ uy lực, không thể so được với Tam thế Phật của Phật giáo, họ bèn tạo dựng lên Nguyên Thủy Thiên tôn và Linh Bảo Thiên tôn để tạo thế ngang bằng với Phật giáo. Lão quân tuy vẫn là thần tối cao nhưng đã xuống ghế thứ ba. Đạo giáo cho ông cư trú ở Thái Thanh tiên cảnh trên thiên giới.

    Đạo giáo lại có thuyết “Một khí hóa thành Tam Thanh” (Nhất khí hóa Tam Thanh), cho rằng Tam Thanh đều là hóa thân của Nguyên Thủy Thiên tôn, đây cũng là một loại phiên bản của “Tam thân” Phật giáo. Tóm lại, hợp cả “Tam Thanh” lại chính là bản đồ hình thành vũ trụ của Đạo giáo.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Click icon này sẽ chuyến về Index... :)
    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/6/24 lúc 10:53
    Wanderman thích bài này.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TÀO QUỐC CỮU


    Tào Quốc Cữu là người xuất hiện muộn nhất trong Bát tiên, tài liệu về ông cũng rất ít, chủ yếu có hai truyền thuyết như sau: một thuyết có tên là Tào Cảnh Hưu, em Tào Hoàng hậu của Tống Nhân tông. Sách “Lịch đại thần tiên sử” chép:

    (Cảnh Hưu) có thiên tư thuần hậu, không thích phú quý, rất mê thanh tĩnh... Em của Quốc cữu phóng túng coi thường pháp luật, sau có tội trốn khỏi lưới hình phạt. Quốc cữu lấy làm thẹn bèn bỏ vào núi ẩn cư tu luyện Nguyên lý, mặc áo gai ở hoang dã, thường cả tuần lễ nhịn ăn. Một ngày nọ (Cảnh Hưu) gặp hai tổ sư là Chung Ly và Thuần Dương. Hai tổ sư hỏi: “Nghe ông tu dưỡng, vậy dưỡng vật gì vậy?”. Đáp: “Dưỡng đạo”. Hỏi: “Đạo ở đâu?”, ông chỉ tay lên trời. Hỏi: “Trời ở đâu?”, ông giơ tay chỉ vào tim. Hai tổ sư thấy vậy cười bảo: “Tâm tức trời, trời tức đạo. Ông đã thấy bản lai diện mục rồi vậy”, rồi truyền cho ông bí thuật đưa vào hàng ngũ các tiên”.

    Sách “Thần tiên thông giám” chép cụ thể hơn: Em của Tào Cảnh Hưu là Tào Thực cậy quyền thế ngang ngược, từng giết chết người, bị Bao Chửng xử án. Cảnh Hưu lấy làm sỉ nhục, đi vào núi ẩn cư quyết chí tu đạo. Nhưng truyện Tào Cảnh Hưu dẫn trên đây không đáng tin vì trong lịch sử không có ai tên Cảnh Hưu cả.

    Một thuyết khác, Tào Quốc cữu tức Tào Dật đời Tống. Trong lịch sử đúng có người này, là danh tướng đời Tống, cháu của Lỗ Quốc công Tào Bân, có chị là Hoàng hậu của Tống Nhân tông Triệu Trinh.

    Tào Hoàng hậu là một Hoàng hậu tài ba trong lịch sử, nổi tiếng nhân từ cần kiệm nhưng cực lực chống đối đổi mới của Vương An Thạch*. Em bà là Quốc cữu Tào Dật, tự Công Bá, tính tình giản dị hài hòa, biết âm luật, giỏi văn chương, nhiều tài nghệ. Nhờ quyền thế của chị, ông được chức quan Đồng Trung thư, môn hạ Bình Chương sự, sau được phong tước Tế Dương quận vương. Tào Dật là một nhân vật khôn khéo, biết tự che chở riêng thân mình bằng cách minh triết nên sống trong thời đại tao loạn mà vẫn đủ Phúc, Lộc, Thọ, sống đến 72 tuổi. Tuy vậy không có chỗ nào chép về việc Tào Dật thành tiên đắc đạo cả.

    Tại sao Tào Quốc cữu lại được đưa vào hàng ngũ Bát tiên? Quả là khó hiểu. Vả chăng, trong hình tượng Bát tiên sau này, hình dáng Tào Quốc cữu vẫn được mô tả ăn mặc y phục quan quyền, đội mũ lụa. Có lẽ tín ngưỡng dân gian đã đưa họ Tào vào để có màu sắc đủ mọi loại nhân vật trong xã hội chăng?

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/6/24 lúc 11:21
    Wanderman thích bài này.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TÂY VƯƠNG MẪU
    VƯƠNG MẪU NƯƠNG NƯƠNG



    Vương Mẫu nương nương là một vị thần tiên nổi tiếng, có vị trí rất cao vì là đệ nhất phu nhân trên thiên giới, vợ của Ngọc Hoàng đại đế. Vương Mẫu trong mắt người trần có phong thái ung dung tôn quý, nghiêm cẩn đoan trang. Thế nhưng tiền thân của bà lại là loại quái vật nửa người nửa thú!

    Đại danh của Vương Mẫu gọi là “Tây Vương Mẫu”, thoạt đầu tiên là tên một bộ tộc nguyên thủy phía tây Trung Quốc. Truyền thuyết bộ tộc này ở trong núi Côn Lôn, thực tế có khả năng ở vùng Cam Túc, Thanh Hải. Thủ lĩnh bộ tộc Tây vương mẫu cũng được gọi là “Tây Vương mẫu”, bộ tộc này sùng bái cọp, báo và thờ cọp báo làm thần vật tổ. Rồi vị Tây vương mẫu ấy được thần hóa thành có hình dạng loài người nhưng vẫn có nanh dài như cọp, tóc bù rối như bờm và có đuôi như đuôi báo, vẫn còn hình dạng quái vật thích gầm rống. Quái vật nửa người nửa thú ấy trở thành Thần bảo hộ bộ tộc, đến lúc này vẫn chưa có gì phân định là thần nam hay nữ.

    Trong sách “Mục Thiên tử truyện” đời Chiến quốc chép câu truyện Chu Mục vương đi chơi phía tây gặp Tây Vương Mẫu. Đến lúc này, Tây Vương Mẫu không phải là quái thần nữa mà đã trở thành một vị nữ vương với các bảo bối: thuốc bất tử, trái đào tiên trường sinh (còn gọi là Bàn đào). Nàng Thường Nga (Hằng Nga) trong truyền thuyết thần thoại đã từng ăn trộm thuốc bất tử của Vương mẫu (mà chồng là Hậu Nghệ lấy được) để bay lên mặt trăng.

    Trong sách “Hán Võ đế nội truyện”, Tây Vương Mẫu đã trở thành một giai nhân diễm lệ với vai trò Hoàng hậu, bà thượng điện tiếp kiến hàng ngàn thần tiên, nghiễm nhiên là một lĩnh tụ nữ tiên. Đạo giáo tôn sùng Vương mẫu, hết sức nâng cao xuất thân của bà, cho rằng bà là con gái của đại thần lớn nhất Đạo giáo là Nguyên Thủy Thiên Tôn, toàn bộ phụ nữ trên tiên giới đều là thuộc hạ của bà. Địa vị của Vương mẫu lên tới tuyệt đỉnh, di tích còn rơi rớt nanh cọp đuôi báo của bà được thuyết minh là vì bà là sứ giả của Bạch hổ.

    Vương mẫu nương nương tuy không phải là người phàm trần nhưng cũng có thất tình lục dục. Người ta kết bà làm vợ của Ngọc Hoàng đại đế chẳng khác gì đế hậu ở trần gian. Hai vợ chồng này còn sinh được 7 cô con gái, trong ấy cô gái út thất tiên nữ lén giáng trần kết hôn với chàng Đổng Vĩnh. Vương mẫu lại có cháu ngoại tên là Chức Nữ lấy anh chàng Ngưu Lang để đẻ ra truyền thuyết “cầu Ô Thước” tháng 7 hàng năm.

    Trước đây đền Tây Vương mẫu được xây dựng khắp nơi và liên quan đến di tích Vương mẫu cũng không ít, như “Động Vương mẫu” ở Sơn Tây, “Ao Vương mẫu” ở Sơn Đông, “Dao trì Vương mẫu” ở Tây Tạng v.v...

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THÁI THƯỢNG LÃO QUÂN


    Hồi thứ 5 trong “Tây Du ký”*, một mình Tôn Ngộ Không vào hội bàn đào uống hết rượu tiên say túy lúy rồi đột nhập vào “Đâu Suất thiên cung” của Thái Thượng Lão quân đúng lúc Lão quân không có nhà. Ngộ Không bèn ăn hết “Cửu chuyển kim đan” do Lão quân nấu luyện. Vị Thái Thượng Lão quân trong “Tây Du ký” ấy có địa vị không cao, như cuộc Hội Bàn đào mời Tiên Phật các nơi đến dự nhưng Lão quân không được mời, ông chẳng qua chỉ là một vị thần tiên luyện kim đan mà thôi. Thế nhưng, trong Đạo giáo, Thái Thượng Lão quân được coi là một bậc vô cùng tôn quý, là một trong những thần lớn nhất Đạo giáo và được thờ như vị tị tổ Đạo giáo. Thật ra, lúc còn sống vị tổ sư này chẳng phải là thần tiên gì cả mà là một triết học gia trác việt - Lão Tử*.

    Lão Tử, tức Lão Đam, cũng có tên là Lý Nhĩ, là người có thật trong lịch sử, là một tư tưởng gia sáng lập ra Đạo gia ở cuối đời Xuân Thu. Văn bản chép cuộc đời Lão Tử sớm nhất chính là bộ “Sử ký”* của Tư Mã Thiên*. Căn cứ vào bộ sách này, Lão Tử tên là Lý Nhĩ hoặc Lý Đam, là người huyện Khổ nước Sở (nay thuộc Hà Nam). Đam có nghĩa là tai dài và lớn như “Thuyết văn giải tự”* giải thích. Đời cổ coi đó là tượng trưng cho tuổi thọ và là phúc tướng như các tượng Phật trong chùa chiền đều có tai dài và lớn.

    Lão Tử được coi là tác giả của bộ sách “Năm ngàn chữ” (sau này đổi tên là Đạo Đức kinh). Truyền thuyết Lão Tử sống đến 160 tuổi hoặc 200 tuổi, có người lại coi Lão Tử là Lão Lai Tử hay Thái sử Chiêm, nhưng có lẽ không đúng. Tóm lại, đến đời Tây Hán đã có nhiều truyền thuyết khác nhau về Lão Tử được Tư Mã Thiên ghi nhận mà vẫn để lại nhiều chi tiết mù mờ đến nay chưa thể kết luận. Chính vì nhiều chi tiết mù mờ và bộ Lão Tử “năm ngàn chữ” với tư tưởng huyền bí ấy được sau này Đạo giáo vận dụng, Lão Tử mới nhuốm đầy màu sắc tông giáo, trở thành vị tổ sư Đạo giáo.

    Quá trình có thể tóm lược: Cuối đời Đông Hán, Trương Đạo Lăng sáng lập Đạo giáo thời kỳ đầu để đối lập với Phật giáo và để nâng cao giá trị Đạo giáo, nếu như họ Trương tự cho mình là tổ sư thì đương nhiên bị rơi vào thế yếu, uy tín không lớn, thân thế sẽ thấp hơn Thích Ca một bậc. Họ Trương chọn một cách khá thông minh: đưa một vị thánh hiền đời cổ lên địa vị tổ sư, Lão Đam là vị được chọn lựa. Chọn lựa Lão Đam làm tổ sư Đạo giáo cũng có nguyên nhân từ xa, đầu tiên tên tuổi uy tín của Lão Đam vốn rất lớn vì ông là người sáng lập Đạo gia, có địa vị tương đương với người sáng lập Nho gia là Khổng Tử", người đã từng học Lễ với Lão Đam.

    Thứ hai, về tuổi tác Lão Đam không kém gì Thích Ca, sau này các giáo đồ Đạo giáo bịa nên các truyền thuyết trong “Lão Tử hóa Hồ kinh”, coi đức Như Lai là hóa thân của Lão Đam. Thứ ba, các chi tiết mơ hồ về cuộc đời của Lão Tử là tư liệu tốt cho các đạo sĩ phụ hội xuyên tạc. Thứ bốn, Đạo giáo chủ trương thanh tĩnh vô vi và đạo dưỡng sinh, lý luận và tông chỉ của Đạo gia chính là lớp sơn tốt để bọn phương sĩ thần tiên dùng trang sức. Thứ năm, trong bộ Lão Tử (tức Đạo Đức kinh) có rất nhiều thành phần huyền bí, nhất là quan niệm về “Đạo” rất gần gũi với tư tưởng tông giáo được các tín đồ lợi dụng giải thích theo ý mình. Đạo giáo chọn Lão Đam làm giáo tổ là do các nguyên nhân khách quan và nguyên nhân nội tại ấy.

    Trương Đạo Lăng thành lập đạo “Ngũ đấu mễ”, căn cứ vào “Thái Bình kinh”, tự xưng là được Thái Thượng Lão quân (tên tôn xưng Lão Tử) truyền miệng, sau này các Đạo thư càng khoa trương thuyết ấy. Đương thời, họ Trương đã được giáo đồ thần hóa, đương nhiên tổ sư Lão Tử càng được coi là “Thần” cao hơn nữa. Tên tôn xưng Lão Tử thành Thái Thượng Lão quân xuất hiện sớm nhất trong phần Thích Lão chí sách Ngụy thư, nhưng tên gọi là “Lão quân” xuất hiện sớm hơn, trong phần Khổng Dung truyện sách Hậu Hán thư, còn hai chữ “Thái Thượng” là có ý tôn xưng. Hình tượng của Lão Tử cũng phát sinh ra nhiều thay đổi biến hóa, nhiều sách mô tả ông có hình dạng kỳ dị cao 9 thước, mũi cao, đỉnh đầu có khí màu tía phát ra, đầy mùi vị thần thánh.

    Bản thân Lão Tử vốn không tin quỷ thần, nhưng bản thân bộ Đạo Đức kinh do ông viết ra lại không ít tư tưởng được Đạo giáo lợi dụng. Đạo Đức kinh vốn là trứ tác quan trọng của Đạo giáo trước đời Tần, Đạo giáo coi đó là kinh điển chủ yếu. Bắt đầu từ “Ngũ mễ đạo” thành lập, họ đã tụng đọc sách của Lão Tử. Tư tưởng trung tâm của Đạo Đức kinhĐạo mà trọng tâm tín ngưỡng của Đạo giáo cũng là Đạo. Giáo nghĩa Đạo giáo và phương thuật thần tiên đều có nguồn gốc phát sinh từ Đạo. Lão Đam đưa ra phạm trù Đạo là có ý muốn giải đáp vấn đề nguồn gốc vũ trụ, thế nhưng vấn đề này là quá lớn, không dễ dàng có câu trả lời dứt khoát thuyết phục. Do vậy, Lão Đam giải thích khái niệm Đạo ấy hết sức huyền diệu như câu viết “Huyền rồi lại huyền, cửa vào của mọi huyền diệu” (Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn - Đạo Đức kinh, chương 1).

    Chính vì khái niệm Đạo vi diệu không có hình thể ấy mới được Đạo giáo tiếp thu, lợi dụng và sửa đổi để xây dựng nên cơ sở lý luận. Ngoài lý luận về Đạo, các khái niệm về thanh tĩnh, vô dục, bão nhất thủ phác cùa Lão Tử cũng được Đạo giáo hấp thu, dùng làm tư tưởng chỉ đạo tu luyện.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    THỌ TINH, NAM CỰC TIÊN ÔNG


    Người xưa sùng bái rất nhiều loại tinh tú, tục ấy lưu truyền đến tận ngày nay, nhưng được dân chúng hoan nghênh và tôn thờ, không tinh tú nào bằng Thọ tinh. Thọ tinh (hay ông Thọ, Nam Cực tiên ông) được treo khắp nơi, từ phòng khách, bàn thờ hoặc dán ngay tại bàn làm việc với hình dáng khá buồn cười: thân thể thấp bé, lưng gù, một tay chống gậy đầu rồng, một tay nâng trái đào tiên, dáng mặt hiền lành tươi cười với chòm râu trắng phau dài quá lưng, đặc biệt là đầu gồ lên rất lớn. Trong mắt nhìn của loài người thì chẳng có gì giống “tinh tú” cả mà chỉ là một vị lão nhân hiền hòa, tượng trưng cho sự may mắn sống lâu. Thọ tinh còn được gọi là Nam Cực lão nhân hay Nam Cực tiên ông.

    “Sao Thọ tức sao Giốc sao Cang vậy” (Thọ tinh, Giốc Cang dã), đó là giải thích trong Nhĩ Nhã*. Hai sao Giốc và Cang nằm trong chòm Thương Long phương đông của Nhị thập bát tú. Quách Phác* chú thích: “Giốc và Cang là hai sao đứng đầu các sao nên gọi là Thọ" (Liệt tú chi trưởng, cố viết thọ), còn Tư Mã Thiên* cho rằng đây còn gọi là sao “Lão nhân tinh”, sao này xuất hiện là điểm an ổn, sao này không xuất hiện là điềm binh loạn. Bảy ngôi sao ở phương đông trong Nhị thập bát tú, theo thứ tự là các sao: Giốc, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ, bày thành hình Thương Long. Thiên văn học ngày nay liệt hai sao Giốc và Cang vào tòa Thất Nữ, hai sao này sáng vào loại nổi tiếng.

    Từ đời Chu, Tần, các hoàng đế lịch đại đã liệt Thọ tinh vào loại tế lễ quốc gia, đến đời Minh mới bãi bỏ, nhưng trong dân gian người ta vẫn thờ bái. Chuyện kể về Nam Cực tiên ông lưu truyền rộng rãi và được đưa vào các tác phẩm Đàn từ, Hí khúc (như Bạch xà truyện, Nghĩa yêu truyện, v.v...). Dân gian thường nhập chung Thọ tinh với Phúc tinhLộc tinh, gọi chung là Phúc Lộc Thọ. Họ đại biểu cho Phúc vận, Quan lộc và Trường thọ, là ba vị thần được mọi người yêu thích nhất. Mỗi khi tổ chức lễ thọ, nhà nào cũng thường treo cặp câu đối:

    Phúc như đông hải
    Thọ tỉ nam sơn

    *
    (Phúc như biển đông
    Thọ sánh núi nam).​

    Những người sống lâu thường được gọi là “Thọ tinh” hay “Lão thọ tinh” vừa thân thiết vừa có ý kính trọng.

    ...
     
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TRẦN ĐOÀN LÃO TỔ


    Đầu đời Tống, trong Đạo giáo xuất hiện một vị “thần tiên sống” kiệt xuất, được các đạo đồ tôn xưng là “Lão tổ”. Vị “Lão tổ” này chính là Trần Đoàn, tự hiệu Phù Diêu tử. “Lão tổ” là tiếng tôn xưng các bậc thầy trong Đạo giáo. Trong lịch sử Đạo giáo, được gọi là “Lão tổ” chỉ có vài vị như Lý Lão tổ, Thuần Dương Lão tổ Lã Động Tân và Trần Đoàn Lão tổ, đủ biết địa vị và ảnh hưởng của Trần Đoàn trong Đạo giáo sử.

    Trần Đoàn xuất thân rất nghèo hèn, nhưng vị được gọi là “rồng trong loài người” (Nhân trung chi long) này dựa vào tài trí siêu nhân của mình cống hiến rất lớn đối với từ lý luận Đạo giáo, triết học Nho gia, khí công Đạo giáo cho đến cả chính trị vương triều lúc ấy, trở thành bậc “Cao nhân một đời” (Nhất đại cao nhân) như lời khen của Tống Thái tông.

    Trần Đoàn tên tự Đồ Nam, tự hiệu Phù Diêu tử, Tống Thái tông ban hiệu Hi Di tiên sinh, sinh vào cuối đời Đường. Do vì xuất thân thấp hèn nên các chi tiết về quê quán, gia thế, năm sinh năm mất của ông sách sử đều không ghi chép. Sách Tống sử nói ông là người Chân Nguyên, Hào châu (nay là Hào huyện, An Huy), thuyết khác lại cho ông là người Lộc Ấp, Hà Nam. Có thuyết nói Trần Đoàn sống tới 118 tuổi, có thuyết nói ông sống tới 190 tuổi.

    Theo truyền thuyết, Trần Đoàn thuở nhỏ rất thông minh đĩnh ngộ, học một hiểu mười và cũng giống như mọi thư sinh dưới chế độ phong kiến, ông cũng định thông qua con đường khoa cử bước vào quan trường. Nhưng không ngờ, trong khoa thi vào năm Tường Hưng thứ 2 Hậu Đường (931), ông không có tên trong bảng vàng. Ông tỉnh ngộ, quyết tâm rời nhà đi tu học khắp nơi. Trần Đoàn bỏ nhà, trong lúc du ngoạn sơn thủy, ông gặp các cao sĩ Tôn Quân Phỏng và Chương Bì xử sĩ, họ đàm luận với nhau về Dịch học và Lão Trang hết sức tâm đắc, kéo dài 7 ngày 7 đêm không ngừng nghỉ. Được sự chỉ điểm của hai bạn, Trần Đoàn đến núi Võ Đang ở Hồ Bắc tu đạo. Ở Võ Đang, Trần Đoàn học tập khí công nội đan của Đạo giáo “phục khí tịch cốc hơn 20 năm nhưng mỗi ngày vẫn uống vài chén rượu”. Trong hơn 20 năm ấy ông tu luyện được công phu rất sâu, thâm hiểu Dịch kinh*, giỏi xem tướng pháp, đoán việc vị lai “ứng trúng không kém gì bói cỏ thi mai rùa”. Tuy Trần Đoàn xuất thân thấp kém, không được làm quan, buộc phải ẩn cư gởi tình vào nơi sơn thủy, nhưng trong nội tâm ông chưa hết hẳn lòng trần, vẫn ôm ấp chí lớn về chính trị. Năm hơn 70 tuổi ông đến Hoa sơn ẩn cư, kết giao bằng hữu để xem thế cuộc xoay vần. Ở Hoa sơn, ông kết giao toàn những bậc cao nhân dị sĩ như Chung Ly Tử, Lã Động Tân, Lý Bát Bách, Ma Y đạo giả, Bạch Ma tiên sinh, Nữ Chân Mao nữ, Lý Kỳ v.v...

    Những bằng hữu này của Trần Đoàn đều là kẻ sĩ giang hồ, ẩn tích nơi rừng núi, chìm đắm vào học vấn, tu đạo luyện công, hình thành nên một nhóm Đạo giáo có học thuật văn hóa khá cao. Trong nhóm văn hóa ấy, Trần Đoàn tự hàm dưỡng trình độ thâm sâu để cuối cùng trở thành bậc đại sư Đạo giáo. Trần Đoàn là một vị đạo cao, học vấn rộng, cống hiến học thuật của ông chủ yếu có 3 phương diện là Dịch học, Lão học và Nội đan học.

    Về tu luyện nội đan, thành tựu nổi tiếng của ông là “Thụy công” (công phu ngủ) và ông được ca ngợi là “Thụy tiên” (Bậc tiên ngủ). Xét với con mắt người thường, dường như Trần Đoàn chỉ tham lam ngủ vì lười biếng, nhưng xét với con mắt Đạo giáo thì “Ngủ” của Trần Đoàn là một phép tu luyện cao minh, khác hẳn với giấc ngủ bình thường. Đây là một phép tu luyện nội đan công phu của Đạo giáo. Có kẻ nói rằng giấc ngủ ngắn nhất của Trần Đoàn là vài tháng, dài nhất là vài năm.

    Tiếng tăm về ngủ của Trần Đoàn nổi lên khắp xa gần, Chu Thế tông Sài Vinh từng mời ông vào cung để kiểm tra công phu ấy, quả nhiên ông ngủ say đến hơn một tháng. Theo Lã Động Tân, đây là công phu “ẩn cư vào giấc ngủ, trong giấc ngủ vẫn luyện nội đan tu dưỡng, công phu này gọi là Thai tức". Sách Bão Phác tử giải thích: “Người đạt tới Thai tức có khả năng không cần thở hít bằng miệng mũi, giống như người ở trong bào thai vậy” (Đắc thai tức giả, năng bất dĩ tị khẩu khư hấp, như nhân hữu bào thai chi trung). Trước đây, thời Đông Hán đã có người tu luyện được công phu “Thai tức”, ông ta sống đến hơn 100 tuổi mà trông giống như người mới 50 tuổi.

    VoCucDo-TranDoan.jpg

    Chẳng những là một đạo sĩ có nhiều phương thuật, Trần Đoàn còn được coi là một triết học gia mở đầu cho Lý học đời Tống sau này, sẽ được Chu Đôn Di* kế thừa hoàn thành “Thái Cực đồ” mà người vẽ ra cảo bản đầu tiên chính là Trần Đoàn với “Vô cực đồ” như hình trên.

    ...
     

    Các file đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 25/6/24 lúc 12:45
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TRƯƠNG QUẢ LÃO


    Cử thế đa thiếu nhân
    Vô như giá lão hán
    Bất thị đảo kỵ lư
    Vạn sự hồi đầu khán.


    *

    Cả đời không mấy người
    Bằng được lão hán ấy
    Không phải cưỡi lừa ngược
    Muôn sự quay đầu thấy

    Đây là bài thơ đề tặng Trương Quả Lão, một trong Bát tiên. Trong Bát tiên, Trương Quả Lão có đặc điểm rất đặc biệt, một là già lão, hai là cưỡi lừa ngược. Tên của ông vốn là Trương Quả, “lão” là tiếng mọi người tôn xưng vì ông ấy có hình dạng một lão nhân đáng kính. Theo truyền thuyết đời Đường, khi vào yết kiến Đường Huyền tông Lý Long Cơ, Trương Quả Lão tự nhận mình “sinh năm Bính Tý thời Nghiêu, làm quan Thị trung”. Từ thời Nghiêu đến thời Lý Long Cơ dài tới 3000 năm! Thực ra, Nghiêu là thủ lĩnh bộ tộc đời viễn cổ trong truyền thuyết Trung Quốc và lúc ấy căn bản cũng chẳng có chức quan “Thị trung” nào cả!

    Nhờ được các tiên Uyển Khâu, Lý Thiết Quài truyền đạo pháp, Trương Quả vào ẩn cư ở núi Trung Điều, Hàng châu (thuộc tỉnh Sơn Tây) tu trường sinh bất lão. Khi di chuyển, Trương Quả thường cưỡi một con lừa trắng và lúc nào cũng ngồi ngược, một ngày ông đi được vài vạn dặm. Lạ lùng nhất, đến chỗ ngừng chân, ông gấp con lừa lại như gấp giấy cất vào hòm, lúc lên đường lại lấy lừa ra biến thành lừa thật. Đường Thái tông, Cao tông và cả Võ Tắc Thiên đều có gọi ông vào cung nhưng Trương Quả Lão đều từ chối.

    Đến đời Huyền tông khẩn thiết mời mọc, họ Trương mới vào cung yết kiến. Truyền thuyết khi Đường Huyền tông có ý định gả Công chúa Ngọc Chân cho Trương Quả Lào, ông có làm một bài ca tỏ ý:

    Thú phụ đắc công chúa
    Bình địa thăng công phủ
    Nhân dĩ vi khả hỉ
    Ngã dĩ vi khả úy.


    *

    Lấy vợ được công chúa
    Đất bằng xây tòa phủ
    Người lấy đó làm vui
    Ta cho rằng đáng sợ.

    Từ đó Trương Quả Lão vân du bốn phương, nghêu ngao ca hát tỏ chí mình và để khuyên dạy người đời. Họ Trương trở thành vị thần tổ sư của nghề kể truyện thuyết xướng sau này.

    ...
     
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TRƯƠNG TAM PHONG


    Đạo giáo bắt đầu từ đời Kim, Nguyên, dần dần chia ra thành hai đại phái là Chính Nhất giáo Toàn Chân giáo, một ở phương nam một ở phương bắc, đại thể giới hạn bởi địa vực nam bắc sông Giang sông Hoài. Chính Nhất giáo là tên gọi chung các phái phù thủy trong Đạo giáo, họ sùng bái quỷ thần, vẽ bùa niệm chú, đuổi quỷ hàng ma, cầu đảo phúc đức nhương tai, còn Toàn Chân giáo coi trọng đạo đức tu dưỡng tự thân. Đến cuối đời Nguyên đầu đời Minh, hai môn phái ấy có xu thế giao lưu dung hợp, trong ấy, tác dụng điều hợp của Trương Tam Phong là rất lớn.

    Trương Tam Phong là một vị có học vấn rộng trong Đạo giáo, ông còn là một đại võ thuật gia và tổ sư khí công, một đại “Ẩn tiên” Đạo giáo, đời ông đầy sắc thái truyền kỳ hấp dẫn. Trương Tam Phong là đạo sĩ có hành tung bất định, nhuốm ít nhiều màu sắc thần bí, do vậy tên gọi, tên hiệu, quê quán, cho đến thời đại sống của ông đều có nhiều truyền thuyết. Theo một truyền thuyết tương đối lưu hành thì vị đạo sĩ kỳ dị này tên là Trương Thông hoặc Trương Toàn Nhất, tên tự Quân Thực (hoặc Quân Bảo), tên hiệu Huyền Huyền tử, người ở Liêu Đông, Ý châu (nay là tây nam Chương Võ, Liêu Ninh), đạo sĩ thời cuối Kim, Nguyên, Minh.

    Trương Tam Phong là người cao lớn, tai to mắt tròn, râu cứng như kiếm. Vô luận trời nóng hay lạnh, ông chỉ mặc một áo mỏng manh, có lúc ăn một bữa mấy đấu gạo, cũng có lúc mấy ngày mới ăn một bữa, hoặc có lúc mấy tháng không ăn. Vì ăn mặc lôi thôi rách rưới nên ông còn có tên là “Trương rách rưới” (Trương lạp tháp). Truyền thuyết kể Trương Tam Phong từng làm việc cho Hoa châu Thái thú. Một lần nọ, ông theo Thái thú đến Hoa sơn bái yết đạo sĩ nổi tiếng Trần Đoàn. Sau khi mời họ ngồi yên vị, Trần Đoàn còn để trống chỗ ngồi chủ tọa như đang chờ đợi ai đó. Một lúc sau quả nhiên có một vị đạo sĩ đến nơi, thái độ rất ngạo mạn nhưng Trần Đoàn hết sức cung kính. Thái thú thấy mình bị lạnh nhạt thì lấy làm bực bội. Lúc ấy hai người nói cười vừa xong, đạo sĩ lấy từ trong ống tay áo ra ba trái táo, một đỏ một trắng một xanh, rồi nói: “Tôi đến vội vàng, không đem theo lễ vật. Chỉ có ba trái táo này, chúng ta cùng nhau ăn vậy”.

    Dứt lời, đạo sĩ bèn ăn trái táo đỏ, trái trắng đưa cho Trần Đoàn, còn trái xanh đưa cho Thái thú. Thái thú cho rằng đạo sĩ khinh mình nên trao trái táo xanh ấy cho Trương Tam Phong. Trương Tam Phong nhận lấy táo ăn liền, tức thì cảm thấy mạnh mẽ nhẹ nhàng. Đạo sĩ cười lớn, làm lễ cáo từ ra đi. Thái thú hỏi lý do thì Trần Đoàn đáp: “Đạo nhân ấy là tiên nhân Lã Động Tân, ba trái táo này là táo tiên, chia ra ba loại thượng, trung, hạ. Đại nhân là người tục cốt chỉ nên ăn trái xanh. Đạo tu thân không thể một bước lên tiên, chỉ nên dần dần tiến bước, dục tốc là bất đạt”. Thái thú nghe xong, buồn bã không ngớt vì tự mình đã bỏ lỡ cơ duyên.

    Sau khi ăn táo tiên, Trương Tam Phong bèn bỏ đi lãng tích giang hồ, hành tung bất định. Có lúc ông vào chợ cười đùa tự nhiên, cầu phúc trừ họa cho người, có lúc lại đến nhà nông làm việc nghĩa, được mọi người coi là bậc “Chân tiên”. Sau đó Trương Tam Phong vào núi Võ Đang ở Hồ Bắc tu luyện, dựng am trước cửa Ngọc Hư cung, luyện thành cửu chuyển kim đan. Ông thường nói với mọi người ở đấy: “Núi này ngày sau sẽ hiển hách lớn" (Minh sử, Phương kỹ truyện).

    Minh Thành tổ tuy chưa hề gặp Trương Tam Phong nhưng trong chiếu chỉ vẫn gọi ông là “Lão sư”, “Chân tiên”. Minh Thế tông còn gia phong thêm là “Thanh Hư Nguyên diệu Chân quân”. Trương Tam Phong chủ trương sống đời phóng lãng, không chịu trói buộc bởi thế tục, thậm chí không chủ ý cả đến giới luật tông giáo, chỉ cầu được tiêu dao tự tại. Tinh thần ấy phản ánh trong nhiều bài thơ của ông, ví dụ như:

    Khoái khoái khoái, hồng trần ngoại.
    Nhàn nhàn nhàn, bạch vân gian.
    Diệu diệu diệu, tùng nhai nhất thanh khiếu.
    Lai lai lai, bồng lai đảo hoa khai.


    *

    Mau mau mau, ra ngoài bụi trần.
    Nhàn nhàn nhàn, giữa vùng trắng mây.
    Diệu diệu diệu, hú một tiếng ven bờ tùng.
    Đến đến đến, đảo Bồng Lai hoa nở rộ.

    Ngoài tư cách truyền thụ Đạo giáo và là một đạo sĩ giang hồ, Trương Tam Phong còn là người tổ sư sáng lập Nội gia quyền phái Võ Đang. Võ Đang đạo của Trương Tam Phong sau này dần dần sát nhập vào Toàn Chân đạo.

    ...
     
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TRƯƠNG THIÊN SƯ


    Trương Thiên sư tức Trương Đạo Lăng (34-156) hay Trương Lăng, người Đông Hán. Ông là người sáng lập ra Đạo giáo, tông giáo của bản địa Trung Quốc. Trước khi Trương Đạo Lăng được thần tiên hóa, cuộc đời ông không có gì lạ lùng. Ông là người đất Phong nước Bái (nay là huyện Bái, Giang Tô), từng học ở trường Thái học, thông hiểu ngũ kinh. Thời Hán Minh đế, ông giữ chức Lệnh ở Giang châu, Ba quận (nay là Trùng Khánh, Tứ Xuyên), sau đó nghe đồn đất Thục nhân dân thuần hậu, dễ giáo hóa, ông bèn vào núi Hạc Minh(nay thuộc Tứ Xuyên) tu đạo, trứ tác 24 thiên Đạo thư, tự xưng là “Thái Thanh Huyền Nguyên”, sáng lập ra Đạo giáo thời kỳ đầu.

    Người gia nhập đạo phải nộp 5 đấu gạo nên được gọi là “Ngũ đấu mễ đạo” (Đạo 5 đấu gạo). Giáo dân hối cải tu đạo, dùng lời chú phù thủy chữa bệnh hoặc cầu đảo. Nhân dân coi ông như thần thánh, cùng thờ phụng ông. Trương Đạo Lăng bèn xây dựng 24 trụ sở (tổ chức Đạo giáo) và chức Tế tửu (Đầu mục) để lãnh đạo giáo dân. Từ Ngụy Tấn trở về sau, các đạo đổ tôn Trương Đạo Lăng làm “Thiên sư” và “Ngũ đấu mễ đạo” cũng được gọi là “Thiên sư đạo”, trở thành tông phái chính thức của Đạo giáo. Danh xưng “Thiên sư” từ đó được các giáo chủ đời sau kế thừa noi theo và chính thức trở thành lãnh tụ Đạo giáo trong toàn quốc.

    Sau đời Kim, Nguyên, ở phương bắc xuất hiện Toàn Chân đạo, một phái lớn khác của Đạo giáo, Thiên sư đạo đổi tên là “Chính Nhất đạo”, thịnh hành ở phương nam (các môn phái phù thủy bùa chú trong Đạo giáo gọi chung là Chính Nhất đạo). Trương Đạo Lăng đã là tổ sư Đạo giáo, dần dần được thần thánh hóa, từ người trở thành thần thánh. Một số đạo thư chép không ít các câu chuyện thần tiên về Trương Đạo Lăng. Trong các sách Hán Thiên sư gia truyện, Lịch đại thần tiên thông giám, Liệt tiên toàn truyện cho rằng Trương Đạo Lăng là cháu 9 đời của Trương Lương, mẹ ông đêm nằm mộng thấy thần nhân từ sao Bắc đẩu giáng lâm xuống nói: “Ta phụng lệnh Thượng đế giáng xuống nhà bà”, mẹ ông liền cảm ứng mang thai, sau đó sinh ra Trương Đạo Lăng.

    Khi Trương Đạo Lăng 7 tuổi, gặp người tiên Hà Thượng Công trao cho bộ “Đạo Đức kinh”*, Trương Đạo Lăng đọc xong liền thông hiểu nghĩa sách ngay. Sau khi lớn lên, tướng mạo ông khác người, thân cao 9 thước 2 tấc, lông mày như rồng, mắt có 3 cạnh con ngươi xanh biếc. Ông tinh thông ngũ kinh và các môn học thiên văn địa lý, Hà đồ Lạc thư sấm vĩ, là một nhà Nho lớn thời ấy.

    Hoàng đế triệu ông về làm quan nhưng ông kiên quyết từ chối, ẩn cư trong núi Hạc Minh cùng luyện đan với các đệ tử. Luyện tu năm thứ nhất ánh sáng đỏ chiếu rực đầy nhà, đến năm thứ hai có thanh long bạch hổ xuất hiện bay lượn vòng quanh đan đỉnh (đỉnh luyện đan), đây chính là truyền thuyết sản sinh ra “Long Hổ sơn”, một thắng địa Đạo giáo ở Giang Tây. Năm thứ ba hoàn thành Long Hổ đan, lúc ấy Trương Đạo Lăng đã ngoài 60 tuổi, sau khi uống tiên đan ông trẻ lại như tuổi 30, đi mau như ngựa chạy. Sau đó ông được Thái Thượng lão quân tặng một bộ hơn ngàn quyển kinh thư, phù chú và hai thanh kiếm Thư Hùng.

    Thiên sư vâng mệnh Lão quân, hàng phục thần binh long hổ, ác chiến và tiêu diệt các ma vương, được Nguyên Thủy Thiên Tôn phong là “Chính Nhất Tam thiên quyết giáo phụ Nguyên đại pháp Thiên sư”. Từ đó, bất cứ ai lên trời trước tiên cũng phải tham bái vị Tam thiên đại pháp sư này, sau đó mới có thể đến Linh Tiêu bảo điện triều bái Ngọc Hoàng đại đế.

    Do vì Trương Thiên sư được coi là có khả năng hàng phục yêu ma, trừ tà khử độc nên dân gian coi ông như là một loại thần bảo hộ nhà cửa. Xưa kia, đầu năm mới thường có những bức tranh “Thiên sư trấn trạch” rất được dân chúng hoan nghênh. Đây là hình vẽ Trương Đạo Lăng mặc áo đạo bào, tay cầm chén nước Tịnh thủy, cỡi lưng cọp, uy phong trấn áp 5 loài vật độc là rết, rắn, cóc, thằn lằn, nhền nhện. Dân gian cho rằng dán tranh vẽ này trước cửa nhà có thể tránh được tai họa, bảo vệ cả nhà bình an.

    Nhân vì Chính Nhất đạo tôn kính “Chính Nhất kinh”, sùng bái quỷ thần bùa chú, cầu phúc trừ họa nên xưa kia thường có tục “Mời Trương Thiên sư trừ tà đuổi quỷ”. Tuy Trương Thiên sư là người thực tế sáng lập ra Đạo giáo nhưng lại vẫn đưa Lão Tử (Thái Thượng lão quân) lên hàng giáo tổ. Sau đó lại phát triển đến Tam Thanh (Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn, Đạo Đức Thiên Tôn tức Thái Thượng lão quân), trong thế giới thần tiên còn xuất hiện Ngọc Hoàng đại đế và các loại thần tiên cao cấp khác. Như vậy, địa vị của Trương Đạo Lăng trong thế giới thần tiên càng bị hạ thấp, cuối cùng ở dưới cả ba vị Tam Thanh.

    Ảnh hưởng của Trương Đạo Lăng trong dân gian là không nhỏ, ngày nay, hầu như ở khắp nơi trên đất nước Trung Quốc, đều có đạo quán thờ bái ông. Tôn hiệu “Thiên sư” truyền đến nay là đời thứ 63 (Trương Ân Phổ Thiên sư), năm 1949 chuyển sang định cư ở Đài Loan và qua đời năm 1969, truyền chức “Thiên sư” cho đời 64 là Trương Nguyên Tiên.

    ...
     
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG


    Đầu đời Nam Tống, ở vùng bắc là triều Kim thống trị. Lúc ấy chiến tranh liên miên, đời sống nhân dân cực kỳ đau khổ, cùng với sự thống trị áp bức của ngoại tộc, nhân dân tộc Hán rất cần sự an ủi giải thoát tinh thần, vì vậy, ở phương bắc Trung Quốc có một chi phái mới của Đạo giáo ra đời, đó là Toàn Chân đạo. Toàn Chân đạo có ảnh hưởng quan trọng đến các mặt chính trị, kinh tế, đời sống nhân dân lúc ấy và cũng chiếm địa vị quan trọng trong Đạo giáo sử. Người khai sơn tổ sư phái này là tị tổ Trùng Dương Vương Triết.

    Vương Triết (1112-1170) cũng gọi là Vương Trùng Dương, là một đạo sĩ nổi tiếng đời Kim. Vương Trùng Dương vốn tên gốc là Trung Phu, sinh ra trong một vọng tộc ở Hàm Dương (nay thuộc Thiểm Tây), lớn lên có khí độ phi phàm, râu dài quá ngực, tiếng vọng như chuông, mặt như bạch ngọc, tài trí mẫn tiệp, sức mạnh hơn người, võ nghệ cao cường nhưng tính tình phóng túng không màng đến việc nhà. Từ trẻ tuổi ông đã lão thông kinh sử, từng ghi danh thi ở bộ Lễ nhưng không đậu. Ông quay qua thi võ, đậu đầu khoa, nhưng ông vẫn chỉ được giữ chức quan nhỏ trong nhiều năm không được thăng chức.

    Lúc làm quan nhỏ, ông rất đồng tình với nỗi đau khổ của dân chúng. Có năm quê ông bị thiên tai mất mùa, ông nội của ông đem gạo trong kho của nhà ra phân phát cho dân thiếu ăn, nhưng nhu cầu thì lớn mà kho gạo nhà ông lại nhỏ, không đủ gạo phân phát, dân đói nổi dậy cướp sạch gia sản nhà ông. Các quan địa phương bắt được số cầm đầu nổi dậy, ghép vào tội chết. Vương Trùng Dương xin tha cho họ.

    Sống trong xã hội động loạn bất an, Vương Trùng Dương nhận ra sự vô thường của kiếp người ngắn ngủi. Ông tự than cho giá trị tự thân không thể thực hiện: “Khổng Tử 40 tuổi không còn nghi ngờ. Mạnh Tử 40 tuổi hết động tâm, ta nay 48 tuổi vẫn là kẻ tầm thường, chẳng đáng xuẩn ngốc lắm ư?”. Cuối cùng ông quyết định từ quan, bỏ cả vợ con trốn vào huyền môn. Từ đó ông đổi tên là Vương Triết, hiệu Trùng Dương tử. Tên “Trùng Dương” có ý muốn trừ bỏ hết khí âm để thoát vòng luận hồi sinh tử, đi tìm sự giải thoát tinh thần. Vương Trùng Dương để tóc rối dơ bẩn, phóng lãng hình hài, tự xưng là “Vương Hại Phong” - Họ Vương điên cuồng, sống đời “thần tu”.

    Theo truyền thuyết, một lần ông say rượu ở trấn Cam Hoài cổ, gặp hai vị dị nhân dạy cho ông khẩu quyết chân tu. Nguyên hai vị dị nhân ấy chính là Lã Động Tân và Chung Ly Quyền hóa thân ra. Từ đó Vương Trùng Dương tìm đến thôn Lưu Tướng, núi Chung Nam (nay thuộc Thiểm Tây) tự dựng một thảo am, chung quanh trồng vài thân cây cao, ở dưới đào một mộ huyệt, tự gọi nơi ở ấy là “Mộ của người chết còn sống” (Hoạt tử nhân mộ) và tu hành tại đó. Trước mộ, Vương Trùng Dương dựng một bia đá ghi “Vương Hại Phong linh vị”.

    Vương Trùng Dương tự tin mình sẽ khai sáng ra một môn phái để truyền bá thiên hạ, tương lai sẽ “làm cho giáo phong đạo giáo trong bốn biển thành một nhà thống nhất” (Sử tứ hải giáo phong vi nhất gia nhĩ). Quả nhiên khi ông mất rồi, 7 vị cao đệ của ông (Bắc thất chân) hưng khởi giáo nghĩa, làm cho Toàn Chân đạo phổ biến khắp nam bắc, thịnh đại đến mức cực lớn, trở thành một môn phái lớn nhất trong hai môn phái Đạo giáo hậu kỳ (một môn phái khác là "Chính Nhất phái”)

    Bảy môn đồ chủ yếu của Vương Trùng Dương chấn hưng Toàn Chân đạo gồm: Đan Dương chân nhân Mã Ngọc, Trường Chân chân nhân Đàm Xứ Đoan, Trường Sinh chân nhân Lưu Xứ Huyền, Trường Xuân chân nhân Khâu Xứ Cơ, Ngọc Dương chân nhân Vương Xứ Nhất, Quảng Ninh chân nhân Hách Đại Thông, Thanh Tịnh chân nhân Tôn Bất Nhị. Bảy vị này được gọi là “Bắc thất chân”. Sau khi độ hóa 7 cao đồ này, Vương Trùng Dương qua đời, thọ 58 tuổi. Hiện nay tổ đình của Toàn Chân đạo được xây dựng quy mô rộng lớn ở Thiểm Tây, có tên là “Trùng Dương cung”.

    ...
     
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    3. CÁC THUẬT TU LUYỆN CỦA ĐẠO GIÁO

    Dưới đây là yếu chỉ của các phương pháp tu luyện theo Đạo giáo. Đương nhiên trong tiểu mục này chúng tôi chỉ có thể đề cập đến phần lý thuyết và chỉ được ghi lại qua những nét chính yếu cơ bản nhất, còn thực hành ra sao, đạt kết quả đến mức độ nào còn tùy thuộc vào nhiều công phu tự thân của mỗi Đạo gia, là điều chúng tôi tự nhận trình độ còn rất hạn chế. Các mục từ vẫn được sắp theo A.B.C.


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link


    ĐAN ĐIỀN


    Danh từ tu luyện của Đạo gia, các nhà Nội đan Đạo giáo mượn để chỉ nơi đào luyện tinh khí thần trong thân thể trở thành Đan. Đan điền có nhiều tên gọi khác nhau như Khí huyệt, Nguyên khiếu, Đan phòng, Thần thất, Tử phủ, Thượng phủ, nhưng trong phái luyện Nội đan Đạo giáo quen chia Đan điền ra thành Thượng Đan điền, Trung Đan điềnHạ Đan điền.

    Sách Bão Phác tử* viết: “Huyệt dưới rốn là Hạ Đan điền, dưới tim là Trung Đan điền, giữa lông mi là Thượng Đan điền” (Tại tễ hạ vi hạ đan điền, tại tâm hạ vi trung đan điền, tại lưỡng mi vi thượng đan điền), câu này đã chỉ rõ ba vị trí huyệt Đan điền trong thân thể con người. Ba huyệt Thượng, Trung, Hạ ấy mỗi huyệt đều có diệu dụng riêng.

    Các nhà tu luyện Nội đan Đạo giáo sử dụng các vị trí Đan điền khác nhau ấy để phát huy công hiệu của từng huyệt, nhưng đại đa số vị trí “Đan điền” trong kinh điển Đạo giáo đề cập tới vẫn là “Hạ Đan điền”, vì vị trí Hạ đan điền có quan hệ mật thiết tới sinh mệnh thân thể con người, huyệt này từng được tôn xưng là “quê hương giao hội của nước và lửa” (Thủy hỏa giao hội chi hương), “Gốc của tính mệnh” (Tính mệnh chi bản), “Nơi kết tụ thành đan” (Kết đan chi xứ).

    Đan điền có nhiều tên gọi khác nhau.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 27/6/24 lúc 21:52
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    ĐẠO DẪN


    Phương pháp dưỡng sinh và là một loại trị bệnh của Trung Quốc cổ đại. Thiên Khắc ý sách Trang Tử* viết: “Giống như con gấu leo lên cây, con chim sắp bay thì duỗi chân” (Hùng kinh điểu thân) và “Người học Đạo dẫn, bảo dưỡng hình thể, đi tìm sự trường thọ làm vui” (Thử đạo dẫn chi sĩ, dưỡng hình chi nhân, Bành tổ thọ khảo giả chi sở hiếu dã).

    Lý Di giải thích: “Đưa khí làm cho hòa hợp, dẫn thân thể làm cho mềm mại” (Đạo khí linh hòa, dẫn thể linh nhu). Thông qua vận động thân thể, phối hợp với những phương pháp hành khí, xoa bóp để trị bệnh làm cho khoẻ mạnh. Đạo giáo kế thừa phương pháp dưỡng sinh của Trung Quốc cổ đại, trong các kinh điển bí truyền đưa ra hàng ngàn phương pháp đạo dẫn.

    Thiên “Biệt chí” sách Bão Phác tử* viết: “Hoặc duỗi ra co vào, hoặc cúi xuống ngửa lên, hoặc đi hoặc nằm, hoặc ngồi hoặc đứng, hoặc chần chừ, hoặc đi chậm, hoặc ngâm hoặc nghỉ đều là đạo dẫn cả” (Hoặc thân khuất, hoặc phủ ngưỡng, hoặc hành ngọa, hoặc ỷ lập, hoặc trịch trọc, hoặc từ bộ, hoặc ngâm hoặc tức giai đạo dẫn dã).

    Gần đây ở Mã vương đôi, Trường Sa, có phát hiện khảo cổ các bức họa “Đạo dẫn đồ” vẽ 44 tư thế đạo dẫn. Sách “Chư bệnh nguyên hầu luận” viết: “Dẫn những độc xấu trong thân thể cũ, phục khí dẫn đưa theo ra ngoài nên có tên là Đạo dẫn” (Dẫn chi giả, dẫn thử cựu thân nội ác tà, phục khí tùy dẫn nhi xuất, cố danh Đạo dẫn) và chép cả 260 loại phương pháp trị liệu bằng đạo dẫn, coi đạo dẫn như một loại vận động thân thể phối hợp với các phương pháp vận khí dưỡng sinh là có tác dụng nhất định để bảo vệ sức khỏe.

    ...
     
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này