1. Click vào đây để xem chi tiết

Đôi dòng lưu niệm ... Hiểu Sử NGƯỜI... Thấm Xứ TA...

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi tducchau, 7/1/24.

Moderators: amylee
  1. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TRÍ VIÊN
    (976 - 1022)


    Cao tăng đời Tống, đại biểu chủ yếu phái “Sơn ngoại” Thiên Thai tông* Phật giáo Trung Quốc. Họ thế tục là Từ, tự Vô Ngoại, tự hiệu Trung Dung Tử, hoặc Tiềm Phu, người ở Tiền Đường (nay là Hàng châu, tỉnh Chiết Giang).

    Ông xuất gia từ nhỏ, 21 tuổi học Nho nhưng vẫn giữ gốc Phật. Học tập giáo nghĩa Thiên Thai trong 3 năm, sau ẩn cư ở ven núi Tây Hồ, sống lẻ loi nghèo khổ nhưng vẫn chuyên tâm học tập trứ thuật. Vì ở cạnh Cô sơn bên Tây Hồ nên được đời gọi là “Cô sơn pháp sư”.

    Sau này xảy ra tranh luận giữa ông và nhóm Tri Lễ*, ông bị bài xích đẩy ra ngoài dòng Thiên Thai tông chính thống và liệt vào phái “Sơn ngoại”. Trứ thuật của ông phong phú nhiều thể loại, ông chủ trương Nho, Phật hợp nhất, Tam giáo cùng nguồn. Ông cho rằng tu thân dùng Nho, sửa tâm dùng Thích (Phật) (Tu thân dĩ Nho, tri tâm dĩ Thích). Ông có bài kệ:

    Thích, Đạo, Nho tông
    Kỳ chỉ bản dung
    Thủ chu tắc tắc
    Vong thuyên nãi thông


    Tạm dịch:

    Thích, Đạo, Nho tông
    Ý chủ vốn cùng
    Ôm cây ắt tắc
    Quên lờ bèn thông.

    Cuối đời ông nghiêng theo Nho học, phản ánh khuynh hướng tư tưởng của một số tăng nhân đời Tống.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Click icon này sẽ chuyến về Index... :)
    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  2. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    PHƯƠNG HỘI
    (992 – 1046 hoặc 1049)


    Thiền tăng đời Tống, người sáng lập phái Dương Kỳ Lâm Tế tông* Thiền tông hậu kỳ Phật giáo Trung Quốc. Họ thế tục là Lãnh, người ở Nghi Xuân, Viên châu (nay là Nghi Xuân, Giang Tây). Năm 20 tuổi cạo đầu làm tăng ở Cửu Phong sơn, Quân châu (nay là Cao An, tỉnh Giang Tây), sau tham học với Thạch Sương Sở Viên ở Đàm châu (Trường Sa, tỉnh Hồ Nam), được khải phát đại ngộ, cư trú ở Dương Kỳ sơn, Viên châu lập tông phái, nổi danh bốn phương, vì vậy được gọi là “Dương Kỳ Phương Hội”, hệ thống pháp được gọi là “Dương Kỳ tông”.

    Đệ tử của ông có 12 người như nhóm các ông Tống Đoan, Nhân Dũng. Tư tưởng chính tông của Phương Hội thuộc hệ Lâm Tế, dung hợp với Vân Môn tông* được vận dụng linh hoạt để tiếp dẫn người học đạo. Có người hỏi ông kế thừa Thiền pháp của ai, ông đáp: “Có ngựa cưỡi ngựa, không ngựa đi bộ” (Hữu mã kỵ mã, vô mã bộ hành) với ý không nên cố chấp quy tắc nhất định. Người đương thời cho rằng ông kiêm cả sở trường của Bách Trượng Hoài Hải* và Hoàng Bá Hi Vận*, lại nắm được đại cơ đại dụng của Mã Tổ Đạo Nhất*.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  3. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TUỆ NAM
    (1002 - 1069)


    Thiền tăng đời Tống, người sáng lập phái Hoàng Long Lâm Tế tông* Thiền tông hậu kỳ Phật giáo Trung Quốc. Họ thế tục là Chương, người ở Ngọc sơn, Tín châu (nay thuộc tỉnh Sơn Tây). Năm 17 tuổi ông xuất gia, năm 19 tuổi thụ Cụ Túc giới. Ông từng học Vân Môn tông*, sau cư trú ở Đàm châu (nay là Trường Sa, Hồ Nam) tham học Thạch Sương Sở Viên, được Sở Viên ấn khả, trước sau giảng pháp ở các nơi Sùng Thắng thiền viện, Đồng An (nay thuộc Phúc Kiến), Hoàng Bá sơn.

    Niên hiệu Cảnh Hựu thứ 3 đời Tống (1036), ông chấn hưng Thiền tông ở Sùng Ân thiền viện, Hoàng Long sơn, vì vậy được gọi là “Hoàng Long Tuệ Nam”, danh tiếng không kém gì Mã Tổ Đạo Nhất*. Khi chết ông được ban tên thụy là “Phổ Giác thiền sư”.

    Tuệ Nam vừa kế thừa vừa phát triển tư tưởng “Xúc mục nhi chân” của Lâm Tế tông vừa kế thừa phong cách của Vân Môn tông*, quy luật nghiêm khắc, được gọi là “Như hổ”.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  4. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    KHIẾT TUNG
    (1007 - 1072)


    Thiền tăng Vân Môn tông* Thiền tông đời Tống. Họ thế tục là Lý, tự Trọng Linh, hiệu Tiềm Tử, người ở Đạo Tân, Đằng châu (nay là huyện Đằng, tỉnh Quảng Tây). Năm 7 tuổi ông xuất gia, 14 tuổi thụ Cụ Túc giới, 19 tuổi đi du lãm tìm thầy, học Thiền với Hiểu Thông thiền sư ở Thụy châu (nay là Giang Tây), được ấn khả. Sau đó ông giảng pháp ở chùa Linh Ẩn, Hàng châu.

    Ông giỏi văn chương, được Âu Dương Tu* khen: “Không ngờ trong Thiền có chàng này” (Bất ý Thiền trung hữu thử lang dã). Ông chủ trương Nho, Thích hội thông, cho rằng: “Nho, Phật đều là sự giáo hóa của thánh nhân cả. Xuất xứ của hai tuy khác nhau nhưng cùng giống nhau ở chỗ sửa trị. Nho là “đại hữu vi” của thánh nhân, Phật là “đại vô vi” của thánh nhân. “Hữu vi” dùng để sửa trị đời, “Vô vi” dùng để sửa trị tâm... Cho nên sửa trị đời không thể không có Nho, sửa trị ngoài đời không thể không có Phật” (Nho, Phật giả, thánh nhân chi giáo dã. Kỳ sở xuất tuy bất đồng, nhi đồng quy hồ trị. Nho giả, thánh nhân chỉ đại hữu vi giả dã; Phật giả, thánh nhân chi đại vô vi giả dã. Hữu vi giả trị thế, vô vi giả dĩ trị tâm. Cố trị thế giả, phi Nho bất khả dã, trị xuất thế, phi Phật diệt bất khả dã - Đạc Tân văn tập, quyển 8).

    Trứ tác “Gia Hựu tập” của ông từng được dâng lên vua Nhân tông, Nhân tông liền sắc ban cho biên nhập vào “Tạng kinh” và ban cho ông hiệu “Minh giáo đại sư”. Ông có “Đạc Tân văn tập” 20 quyển hành thế.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 18/8/24
    Wanderman thích bài này.
  5. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TÔNG CẢO
    (1089 - 1163)


    Đại sư trứ danh hệ phái Dương Kỳ* Thiền tông đời Tống. Họ thế tục là Hề, hiệu Diệu Hỉ, người ở Ninh Quốc, Tuyên châu (nay thuộc tỉnh An Huy). Ông xuất gia từ thuở nhỏ, đầu tiên tham học với các sư Tào Động tông*, sau học thiền với các đại sư Viên Ngộ Khắc Cần thuộc phái Dương Kỳ ở chùa Thiên Ninh, Kinh đô, được Khắc Cần ấn khả, thụ “Lâm Tế chính tông ký” lên tòa giảng trước chúng nhân, nổi tiếng chấn động kinh sư, được Huy tông ban cho áo tía và hiệu “Phật nhật”.

    Khi quân Kim xâm lược kinh sư, Tông Cảo chạy về Giang Tô tạm trú ở Hổ Khâu, sau đó trôi nổi nhiều nơi, cuối cùng khai pháp ở Kính sơn, Lâm An (nay là Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang), các tăng đồ bốn phương ùn ùn tìm tới. Nhân vậy mà có tên gọi “Kính sơn Tông Cảo”. Khi ông chết được ban tên thụy là “Phổ Giác thiền sư”. Đệ tử nối pháp của ông có hơn 90 người, nổi danh có Tư Nhạc, Di Quang, Ngộ Bản, Thủ Tịnh, Đạo Thiên, sau đó chia làm hai phái Linh Ẩn và Bắc Động.

    Để cứu những mối tệ trong Thiền tông hậu kỳ, Tông Cảo thu thập tư liệu tổng hợp tinh hoa các tông phái trong “Chính pháp nhãn tạng”. Chính pháp nhãn tạng không chia môn loại, không cần biết là Vân Môn tông*, Lâm Tế tông*, Tào Động tông*, Quy Ngưỡng tông* hay Pháp Nhãn tông*, chỉ cần có tri kiến đứng đắn (Chính tri kiến) giác ngộ người là được thu nhập.

    Về thực tiễn tông giáo, Tông Cảo nỗ lực để xướng “Khán thoại thiền” hay “Khán thọai đầu”. Đây là một loại phương thức vận dụng “Công án” đặc biệt của Thiền tông hậu kỳ. Loại phương thức này dùng một đoạn câu trong “Công án” làm “thoại đầu” (tức đề mục) để bỏ công phu tham cứu, quét sạch hiểu biết thành kiến, đạt đến cảnh giới “đại tự tại” không thể giải thích bằng ngôn ngữ lời nói, phản đối phái “Văn tự thiền” đang thịnh hành lúc ấy.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  6. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    CHU HOẰNG
    (1535-1615)


    Cao tăng đời Minh, họ thế tục là Thẩm, pháp danh Chu Hoằng, tự Phật Tuệ, người ở Nhân Hòa (nay là Hàng châu, Chiết Giang). Thuở nhỏ ông học Nho, 32 tuổi xuất gia, thụ Cụ Túc giới tự hiệu Liên Trì và tìm học tất cả các vị thiện tri thức. Sau ông cư trú ở chùa Vân Thê nên đời gọi là “Vân Thê đại sư” hoặc “Vân Thê Chu Hoằng”.

    Mùa đông ông tọa thiền, còn lại thời gian là giảng kinh luận. Ông đề xướng phóng sinh cấm giết động vật. Các sách do ông tu sửa hiệu đính như “Du Già diêm khẩu”, “Thủy Lục nghi quỹ” và “Triêu mộ nhị thời khoá tụng” vẫn lưu truyền đến nay. Trình độ của ông về Hoa Nghiêm và Thiền học rất sâu nhưng xu hướng vẫn là pháp môn Tịnh Độ. Liên tông (tức Tịnh Độ tông) tôn ông lên làm tổ thứ 8 (Đệ bát tổ).

    Ông cho rằng Tịnh Độ và các tông phái khác không hề đối lập: “Nếu người giữ Luật, Luật là Phật chế, chính là Niệm Phật; nếu người xem kinh, kinh là lời Phật nói, chính là Niệm Phật; nếu người tham Thiền, Thiền là tâm Phật, chính là Niệm Phật” (Nhược nhân trì luật, Luật thị Phật chế, chính hảo niệm Phật; nhược nhân khán kinh, kinh thị Phật thuyết, chính hảo niệm Phật; nhược nhân tham thiền, thiền thị Phật tâm, chính hảo niệm Phật).

    Pháp môn Tịnh Độ coi Trì danh niệm Phật là trung tâm, chủ trương tam giáo Nho, Thích, Đạo nhất trí luận, nhấn mạnh “Nho Thích hòa hội”, “Nho Phật phối hợp”. Trứ thuật của ông rất phong phú, các đệ tử đời sau sưu tập lại thành bộ “Vân Thê pháp hối” 3 quyển hành thế.

    Cuối đời Minh, Vân Thê đại sư nổi tiếng như cồn, cùng với Tử Bá (tức Chân Khả*), Hám Sơn*, Trí Húc* được gọi là “Tứ đại cao tăng”. Các danh sĩ được ông cảm hóa rất đông, tạo ảnh hưởng rất lớn.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  7. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    CHÂN KHẢ
    (1543 - 1603)


    Cao tăng đời Minh, họ thế tục là Thẩm, tự Đạt Quan, hiệu Tử Bá, được đệ tử xưng tụng vào hàng “Tôn giả”, người ở Ngô Giang, Giang Tô. 17 tuổi ông xuất gia ở chùa Vân Nham, Hổ Khâu, 20 tuổi thụ Cụ Túc giới, đóng cửa 3 năm nghiên cứu sâu rộng kinh giáo.

    Sau này ông đi du phương các nơi, cuối cùng quay trở về Hổ Khâu, giao du chí thiết với Đức Thanh*, có nhiều cống hiến với các việc sửa chùa, khắc kinh. Đối với các tông phái Phật giáo ông giữ thái độ điều hòa, khác với phái phủ định văn tự trong Thiền tông lúc ấy, ông rất coi trọng kinh nghĩa văn tự, cho rằng tín đồ Phật giáo không thông hiểu văn tự Bát Nhã tức không thể quán chiếu Bát Nhã, không khế hội thực tướng Bát Nhã. Ông không đồng ý với các thuyết Ngộ Đạo chỉ cần dựa vào cơ duyên và niệm Phật mong đến tĩnh thổ. Đệ tử vừa tăng vừa tục của ông rất đông.

    Được coi là một trong 4 cao tăng lớn nhất đời Minh (Minh đại tứ đại cao tăng), ba người còn lại là Chu Hoằng*, Đức Thanh*, Trí Húc*. Tác phẩm ông có nhiều, quan trọng nhất là bộ “Tử Bá tôn giả toàn tập” 30 quyển.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  8. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    ĐỨC THANH
    (1546-1623)


    Cao tăng đời Minh, họ thế tục là Thái, biệt hiệu Hám Sơn, người ở An Huy. Năm 19 tuổi ông xuất gia, yết kiến Vân Cốc ở chùa Thê Hà, Nhiếp sơn. Sau khi thụ Cụ Túc giới, nhân vì hâm mộ Thanh Lương nên đặt hiệu là Trừng Ấn, vân du khắp nơi. Khi đến Ngũ Đài sơn, thấy phong cảnh kỳ tú của Hám Sơn ở phía bắc bèn lấy đó làm tên hiệu. Niên hiệu Vạn Lịch thứ 11 (1583), đến an cư ở Lao sơn, Đông Hải (nay là Thanh Đảo, Sơn Đông) bắt đầu dùng hiệu Hám Sơn.

    Niên hiệu Vạn Lịch thứ 23 (1595), vì tội “lén xây tự viện”, ông bị sung quân ở Lôi châu, Quảng Đông với danh nghĩa tội phạm. Ông đăng đàn thuyết pháp ở Quảng châu, mở đầu phong khí Phật giáo Lĩnh Nam. Sau đó ông ở tại Tào Khê tuyên dương Thiền học rồi viên tịch ở chùa Nam Hoa, được tôn xưng là tổ sư trung hưng Thiền Tào Khê. Đức Thanh bác thông mọi học thuật nội ngoại điển, trứ thuật rất nhiều, các đệ tử sưu tầm tập trung thành các bộ “Hám Sơn lão nhân mộng du tập” 40 quyển (bản thông hành 55 quyển), “Hám Sơn ngữ lục”.

    Tư tưởng học thuyết của ông không câu nệ một tông phái nào. Về Phật giáo thực tiễn, Đức Thanh chủ trương vừa tu Thiền vừa tu Tịnh (Thiền Tịnh song tu), dung hợp hai tông Thiền và Hoa Nghiêm. Về bên ngoài, ông điều hòa tam giáo Nho, Thích, Đạo, cho rằng: “Vì học có ba điều trọng yếu: gọi là không hiểu “Kinh Xuân Thu” không thể hiểu đời, không hiểu Lão Trang không thể quên đời, không tham Thiền không thể ra khỏi đời” (Vị học hữu tam yếu: sở vị bất tri Xuân Thu, bất năng thiệp thế; bất tinh Lão Trang, bất năng vong thế; bất tham thiền, bất năng xuất thế).

    Đệ tử của ông rất nhiều, ông lại được giới đại sĩ phu kính trọng. Ông là một trong bốn đại cao tăng đời Minh cùng với Chu Hoằng*, Chân Khả* và Trí Húc*.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  9. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TRÍ HÚC
    (1599-1655)


    Cao tăng cuối đời Minh, họ thế tục là Chung, biệt hiệu Bát Nhất Đạo nhân, lại có tên Tế Minh, người Ngô huyện, Giang Tô. Năm 24 tuổi ông đến Lô sơn với ý muốn học Đức Thanh*, gặp đúng lúc Đức Thanh đã đi nơi khác, bèn theo đệ tử của Đức Thanh là Tuyết Lĩnh cắt tóc làm tăng với tên Trí Húc. Ông học Pháp tướng, nghiên cứu Thiên Thai giáo, tập theo các tông phái nhưng chủ yếu vẫn là Thiên Thai tông*.

    Ông du lịch qua nhiều vùng đất, từng ở tại Cửu Hoa sơn, An Huy, cuối đời quay trở về chùa Linh Phong, Chiết Giang (nay là An Cát, Chiết Giang), nhân đó lấy hiệu là “Linh Phong”.

    Về lý luận Phật giáo ông dung hợp Tính và Tướng, về thực tiễn tông giáo ông điều hòa Thiền, Tịnh, chủ trương hợp nhất ba môn học Thiền, Giáo, Luật, cho rằng: “Thiền là Phật tâm; Giáo là Phật ngữ; Luật là Phật hạnh” (Thiền giả Phật tâm; Giáo giả Phật ngữ; Luật giả Phật hạnh). Sau đời Thanh, mỗi lúc Thiên Thai tông giảng giáo phần lớn dựa vào kinh luận, kinh sớ của ông, hình thái phái “Linh Phong” vẫn còn tồn tại.

    Người đời sau tôn sùng ông là tổ thứ 9 (đệ cửu tổ) Tịnh Độ tông*. Ông chủ trương Nho, Thích là một. Cuộc đời và trứ tác của ông được các đệ tử sưu tập sắp xếp chia ra làm hai loại Tông luận Thích luận.

    Trí Húc, Chu Hoằng*, Chân Khả*, và Đức Thanh*, được coi là 4 vị Cao tăng lớn nhất đời Minh (Minh đại tứ đại cao tăng).

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Click icon này sẽ chuyến về Index... :)
    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/8/24
    Wanderman thích bài này.
  10. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    6. CHƯ THẦN PHẬT GIÁO

    Trong các chùa Phật giáo, chúng ta thường thấy có rất nhiều tượng được tôn thờ, trong đó có tượng là Phật nhưng cũng có tượng là Bồ Tát, La Hán. Ở tiểu mục này chúng tôi giới thiệu các loại tượng Phật giáo ấy và chia ra ba mục nhỏ: A) Chư Phật; B) Bồ Tát; C) La Hán.


    A. – CHƯ PHẬT

    *​

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    *​

    DI LẶC PHẬT


    Ở Trung Quốc, trong các chùa miếu thường có thờ tượng hòa thượng mặc áo hở bụng, miệng cười tươi tỉnh và gọi đó là tượng Di Lặc. Thực ra, vị hòa thượng bụng to mập mạp ấy không phải là Phật vị lai Di Lặc trong “Tam thế Phật” mà chính là người Trung Quốc có tên hiệu Bố Đại hòa thượng, tên thật là Khiết Thử.

    Đời Hậu Lương, Ngũ đại, ở Chiết Giang xuất hiện một hòa thượng quái dị tên là Khiết Thử. Ông rất mập, bụng lớn như trống, thường dùng một thanh gậy trúc và đeo một cái túi vải lớn sau lưng đi hóa duyên đây đó với ngôn ngữ bất thường. Ông có khả năng tiên tri thời tiết và phúc họa cho người khác, những lời tiên tri của ông rất ứng nghiệm, vì vậy nổi tiếng một thời.

    Lúc Khiết Thử viên tịch (chết) cũng khác thường, ông ngồi ngay ngắn trên một tảng đá, đọc mấy câu kệ:

    Di Lặc chân Di Lặc
    Hóa thân thiên bách ức
    Thời thời nhị thời nhân
    Thời nhân tự bất thức.


    *

    Di Lặc thực Di Lặc
    Hóa thân ngàn vạn ức
    Thường thường dạy người đời
    Người đời tự không biết.

    Đọc xong kệ, ông an nhiên lìa đời. Lúc ấy người ta mới tỉnh ngộ rằng vị hòa thượng mập mạp ấy chính là hóa thân của Di Lặc Phật. Về sau, người ta căn cứ vào hình dạng của ông để tạo thành tượng Phật Di Lặc mập mạp đã bị Trung Quốc hóa.

    Còn Đức Phật Di Lặc chân chính lại ít người được biết. Thân tượng Di Lặc chính thống có dạng của một Bồ Tát, thường đội mũ “thiên quan”.

    Di Lặc là phiên âm tiếng Phạn có nghĩa là “Từ thị” (người có lòng từ bi). Đó là họ, còn tên ngài là A Dật Đa. Theo thuyết Phật giáo, hiện nay ngài còn là Bồ tát nhưng trong tương lai chắc chắn thành Phật (tức Vị lai Phật) và cũng là nối tiếp Phật Thích Ca Mâu Ni. Địa vị ngài cực cao, khác hẳn với Bố đại hòa thượng ở đời Ngũ đại.

    Theo sách “Di Lặc thượng sinh kinh”, A Dật Đa sinh trong gia đình Bà La Môn lớn ở Nam Thiên Trúc, Ấn Độ. Sau khi trở thành đệ tử của Phật Thích Ca, ngài lìa đời nhập diệt trước cả Phật Thích Ca và vãng sinh đến trời Đâu Suất (Đâu Suất thiên). Trải qua 56 ức 7 ngàn vạn năm sau, Phật Di Lặc sẽ hạ sinh xuống trần truyền bá Phật pháp.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 27/8/24
    Wanderman thích bài này.
  11. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    ĐÔNG PHƯƠNG TAM THÁNH


    Xưa nay cái thế giới mỹ diệu mà cổ nhân hy vọng tới đều là thế giới phương đông hoặc thế giới phương tây, chưa hề thấy họ gởi gấm hi vọng vào phương nam hay phương bắc. Loại tín ngưỡng như vậy e rằng có quan hệ tới tập tục sùng bái mặt trời của cổ nhân. Thời hoang sơ, nhân loại chưa có đời sống định cư, hoàn cảnh trên mặt đất thường vẫn xảy ra nhiều biến động, còn mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao trên trời luôn luôn như những người bạn của họ, mà được họ chú ý nhất và có ảnh hưởng nhất đến đời sống con người vẫn là mặt trời.

    Mỗi ngày mặt trời mọc ở phương đông và lặn ở phương tây, lúc nó xuất hiện ánh sáng tỏa ra muôn nơi, nó làm cho người ta được ấm áp, muôn vật được nảy nỏ. Có thể nói mặt trời tượng trưng cho sự sống, tượng trưng cho sự sáng sủa, tượng trưng cho hạnh phúc. Mặt trời mọc lên ở phương đông và chìm xuống ở phương tây làm cho con người sinh ra biết bao nhiêu huyễn tưởng kỳ diệu. Trong thần thoại cổ đại Trung Quốc, phương đông có những núi thần như Bồng Lai, Doanh Châu với những miêu tả chẳng khác gì thiên đường cực lạc.

    Kinh Phật kể cũng gần giống như vậy, phương tây có một quốc gia cực lạc do Di Đà làm chủ còn phương đông có Tịnh Lưu Ly quốc do Dược Sư là chủ.

    Dược Sư Phật, chữ phạn là Bhaisaiyagururaiduryaprabhàsa, dịch trọn vẹn ra chữ Hán là “Dược Sư Lưu Ly quang Như Lai”, còn gọi là “Đại Y vương Phật”, ngài là Giáo chủ thế giới đông phương Tịnh Lưu Ly. Bên cạnh Dược sư Phật có hai vị Thần tướng là “Nhật Quang biến chiếu Bồ Tát” và “Nguyệt Quang biến chiếu Bồ Tát”, cả ba vị nầy được gọi chung là “Đông phương Tam Thánh” – Trong Mật tông, Nhật Quang Bồ Tát còn được gọi là “Uy Đức Kim Cương”. Tượng thờ của Nhật Quang được tạc thành hình Bồ Tát, sắc vàng, tay trái cầm khăn quý, tay phải cầm vòng mặt trời (Nhật luân). Tượng thờ Nguyệt Quang cũng tạc hình Bồ tát, sắc vàng, tay trái cầm hoa sen xanh, bên trên có hình nửa mặt trăng.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  12. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    HOAN HỈ PHẬT


    Hoan Hỉ Phật là dịch ý chữ Phạn Ganapati (Nga na bát để), cũng có thể dịch là “Vô ngại” (Không bị chướng ngại). Có nhiều cách giải thích về Hoan Hỉ Phật:

    Một thuyết coi Hoan Hỉ Phật tượng trưng cho ngụ ngôn, tức một loại vừa ngụ ý vừa tượng trưng. Đó là hình tướng cực kỳ hung ác, chính diện là đầu trâu hoặc hình tượng chín đầu với 36 tay 36 chân. Kỳ thực hình tượng gốc vốn là Di Lặc Phật với diện mạo từ bi nghiêm trang, nhưng lại tạo hình thành hung ác là để tượng trưng sức mạnh dữ dội để trấn nhiếp tà ma ngoại đạo hãm hại Phật giáo, biểu hiện sự đại phẫn nộ, đại vô úy, đại thắng lợi. Dưới chân có hình người nữ khỏa thân, hoặc ôm chặt giao tiếp với người nữ khỏa thân, đại biểu cho sự hàng phục được giáo đồ dị giáo, do đó có sự “hoan hỉ” (vui vẻ) của Hoan Hỉ Phật, nhưng đây không phải là sự vui vẻ của dâm lạc nam nữ mà là sự vui vẻ hàng phục được kẻ địch, dành được thắng lợi.

    Còn một loại khác lý giải Hoan hỉ Phật hai thân đều trần truồng, tượng trưng không vướng mắc một chút gì, không nhiễm một hạt bụi, đã thoát ly khỏi bụi bậm phàm trần. Hai thân thể ôm lấy nhau, thân thể nam đại biểu phương tiện, thân nữ đại biểu trí tuệ, với ý nghĩa biểu thị phương pháp với trí huệ đều thành tựu, nam và nữ hòa hợp một thể, đầy đủ viên mãn. Tu chứng sở đắc tức là “vui vẻ”, nhưng loại vui vẻ này tượng trưng cho tín niệm chứ không phải sự dâm lạc nam nữ.

    Khác với hai thuyết trên, còn một cách giải thích khác, Hoan Hỉ Phật là “Thần tình yêu” (Ái thần), “Dục thiên” trong Phật giáo, có loại kinh văn công khai viết: “Tùy theo mọi loại tính dục của các chúng sinh, khiến được vui vẻ” (Tùy chư chúng sinh chủng chủng sinh dục, linh đắc hoan hỉ – Đại Nhật kinh). Loại lý luận như vậy đương nhiên có quan hệ đến tập tục sùng bái tính dục của tông phái nguyên thủy cổ Ấn Độ. Ban sơ có một phái gọi là “Tính lực phái” cho rằng vũ trụ vạn vật đều sinh ra do tính dục của nữ thần, vì vậy coi hành vi tính dục như một phương pháp thờ cúng sùng bái nữ thần ấy.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  13. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    NGŨ PHƯƠNG PHẬT


    Năm vị Phật ngự ở năm phương hướng. Ngũ phương Phật thuộc hệ thống Phật giáo Mật tông, được sắp xếp như sau: phương đông A Thiểm Phật (biểu hiện tính giác ngộ), phương nam Bảo Sinh Phật (biểu hiện tính phúc đức), trung ương Tỳ Lô Giá Na Phật (Đại Nhật Như Lai), phương tây A Di Đà Phật (biểu hiện trí tuệ), phương bắc Bất Thành Tựu Phật (biểu hiện sự nghiệp).

    Tỳ Lô Giá Na là phiên âm tiếng Phạn, có nghĩa “ánh sáng chiếu khắp nơi” (quang minh biến chiếu), “khắp mọi nơi” (biến nhất thiết xứ), “mặt trời lớn” (đại thái dương) do vậy còn được gọi là Đại Nhật Như Lai. Thiên Thai tông của Phật giáo Trung Quốc coi Tỳ Lô Giá Na là Pháp thân Phật, còn Thích Ca Mâu Ni là Ứng thân Phật. Thực tế, Tỳ Lô Giá Na là một loại thân Phật của Thích Ca Mâu Ni. Phật giáo Mật tông tôn thờ Phật Tỳ Lô Giá Na (tức Đại Nhật Như Lai) như một ngẫu tượng chủ yếu.

    Nam phương Bảo Thắng Phật cũng gọi là Bảo Tướng Phật, Bảo Sinh Như Lai, ngụ ở thế giới Hoan Hỉ phương nam. Mật tông còn gọi ngài là Bình Đẳng Kim Cương, cho rằng ngài quản lý tất cả tiền bạc. Toàn thân ngài màu vàng, tay trái nắm lại, ngón vô danh và ngón út tay phải cong gấp vào, ba ngón còn lại dựng thẳng lên.

    Tên “A Thiểm” của Đông phương A Thiểm Phật có nghĩa là “không động đậy” (bất động), “không giận dữ” (bất sân nộ). Ngài ngự ở thế giới Diệu Hỉ phương đông, nếu có người chuyên cần tu tập Phật pháp, phát nguyện sinh vào thế giới này, sau khi chết có thể chuyển sinh đến đó được. Mật tông tạo hình tượng ngài có dáng ngồi, tay trái nắm lại, tay phải cầm Phạn hạp, toàn thân sắc vàng.

    Tây phương A Di Đà Phật, còn gọi là Vô lượng Thọ Phật, ngụ ở thế giới Cực Lạc.

    Bắc phương Bất Không Thành Tựu Phật, còn gọi là Vị Diệu Văn Phật, ngụ ở thế giới Liên Hoa.

    Theo truyền thuyết Phật giáo Mật tông, Đại Nhật Như Lai có đủ năm loại trí tuệ, vì giáo hóa chúng sinh, ngài thành 5 Phật ở 5 phương.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  14. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    NHƯ LAI PHẬT


    Như Lai là một trong nhiều danh hiệu của Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong lịch sử, Thích Ca Mâu Ni là nhân vật có thật. Niên đại ngài sống đại thể có cùng một thời với Khổng Tử* ở Trung Quốc. “Thích Ca” là tên gọi của một dòng tộc cổ, nghĩa là “Năng” (có tài năng), “Mâu Ni” được giải nghĩa là “Nhân” (lòng yêu người) hay “Tịch” (trầm lặng), gộp lại thành nghĩa “Năng nhân” (có tài yêu người) hay “Năng tịch” (có tài trầm lặng), cũng có thể giải nghĩa là “bậc thánh nhân của dòng họ Thích Ca”.

    Thích Ca Mâu Ni chỉ là tên tôn xưng, ngài vốn tên là Tất Đạt Đa và thường được gọi là “Phật” hay “Phật Đà” nghĩa là “người giác ngộ” (Giác giả) “người hiểu biết” (Tri giả). Như Lai là tên gọi phổ biến của Thích Ca, với nghĩa “người đến từ Đạo Như thực (chân lý tuyệt đối)” hay “người khai thị chân lý”.

    Thích Ca Mâu Ni là con trai của Tịnh Phạn, quốc vương một nước nhỏ ở cổ Ấn Độ, mẹ ngài qua đời sau khi sinh hạ ngài 7 ngày. Năm 16 tuổi, ngài cưới vợ sinh con tên La Hầu La. Thích Ca nhìn thấy xã hội tàn khốc vô tình, đời người đầy đau khổ với sinh lão bệnh tử, ngài khẳng khái từ bỏ đời sống an nhàn, tìm đường xuất gia tu hành để tìm cách giải thoát tinh thần. Sáu năm sau, ngài ngồi nhập thiền qua 7 ngày 7 đêm suy tưởng, hoát nhiên giác ngộ được chân đế của vũ trụ và nhân sinh, đạt tới giải thoát, rồi đó ngộ Đạo thành Phật, lúc ngài 35 tuổi. Từ đó ngài bắt đầu truyền giáo, thành lập Tăng đoàn và chế độ Tự viện. Năm 80 tuổi, Thích Ca nhập Niết Bàn. Sau khi nhập diệt, thi thể của ngài được hỏa táng.

    Từ đó về sau, Phật giáo do Thích Ca Mâu Ni sáng lập không ngừng được truyền bá ra ngoài Ấn Độ, dần dần phát triển thành một tông giáo có tính thế giới, hình thành nhiều giáo phái có đặc sắc riêng tùy từng quốc gia. Từ một “bậc giác ngộ” dần dần Thích Ca Mâu Ni được các tín đồ thần hóa với pháp lực vô biên, thành một vị thần lớn đệ nhất, vô cùng tôn quý trong Phật môn.

    Phật giáo có ảnh hưởng cực sâu xa tới xã hội Trung Quốc. Phật giáo ảnh hưởng tới luân lý đạo đức truyền thống Trung Quốc, triết học Trung Quốc, đến cả văn học, nghệ thuật và tập tục dân gian, càng ảnh hưởng rõ ràng trong đời sống xã hội.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  15. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    QUÁ KHỨ THẤT PHẬT


    Bảy vị Phật thời đã qua. Phật giáo cho rằng thời đã qua có 7 vị Phật, Thích Ca Mâu Ni là vị Phật cuối cùng trong số ấy, theo thứ tự cao thấp, 7 vị Phật quá khứ là:

    1. – Tì Bà Thi Phật
    2. – Thi Khí Phật
    3. – Tì Xá Bà Phật
    4. – Câu Lâu Tôn Phật
    5. – Câu Na Xá Phật
    6. – Ca Diếp Phật
    7. – Thích Ca Mâu Ni Phật.​

    Tì Bà Thi Phật là vị đầu tiên, tên này phiên âm từ tiếng Phạn, có nghĩa là “Thắng quan” (quan sát hơn người) hay “Chủng chủng quan” (quan sát nhìn thấy mọi thứ). Sách Phật viết Ngài đã thành Phật từ 91 đại kiếp trước. Theo truyền thuyết Phật giáo, một “kiếp” có 13 ức 4 ngàn vạn năm, vậy 91 kiếp là 1200 ức năm, đó là con số thiên văn khó tưởng tượng nổi.

    Thi Khí Phật là vị thứ hai trong 7 Phật quá khứ, tên này phiên âm từ tiếng Phạn, có nghĩa là “bậc cao nhất” (tối thượng).

    Tì Xá Bà Phật, vị thứ ba cũng là tên từ tiếng Phạn, có nghĩa là “tất cả đều có” (nhất thiết hữu).

    Câu Lâu Tôn Phật phiên âm tiếng Phạn nghĩa là “thành tựu tốt đẹp” (thành tựu mỹ diệu).

    Câu Na Xá Phật phiên âm tiếng Phạn nghĩa là “sự trầm lặng như vàng” (kim tịch).

    Ca Diếp Phật nghĩa là “uống ánh sáng" (ẩm quang).

    Theo truyền thuyết, Ca Diếp Phật chính là bậc thầy đời trước của Phật Thích Ca Mâu Ni, từng đoán trước Thích ca nhất định sẽ thành Phật. Hình tượng Ca Diếp Phật thường cưỡi trên lưng sư tử.

    Vị Phật Ca Diếp này là nhân vật khác với Ca Diếp (tên toàn vẹn là Ma Ha Ca Diếp, hay còn gọi là Đại Ca Diếp) đệ tử của Phật Thích Ca.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  16. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    TAM THẾ PHẬT


    Tam thế Phật (ba đời Phật) tức 3 Đức: Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai, trỏ: Dược Sư Phật ở thế giới Tịnh Lưu Ly phương đông, Thích Ca Mâu Ni Phật ở thế giới Ta Bà và A Di Đà Phật ở thế giới Cực Lạc tây phương. Tam Thế Phật tức là ba vị Phật của ba thế giới ấy.

    Thích Ca Mâu Ni Phật là Giáo chủ của thế giới “Ta Bà” là phiên âm tiếng Phạn, có nghĩa là “thế giới chịu không nổi” (kham nhẫn) hay chịu nổi (năng nhẫn). Đây là thế giới do Thích ca Mâu Ni tiến hành giáo hóa, sự thực chính là thế giới hiện thực của loài người. Ở đây có mấy hàm nghĩa: thế giới hiện thực này đầy rẫy những đau khổ không thể chịu nổi, tội nghiệt chúng sinh nặng nề, Phật và các Bồ Tát phải chìm đắm trong cái thế giới “không chịu nổi” này để cứu vớt họ, biểu hiện lòng vô úy và từ bi.

    Dược Sư Phật là Giáo chủ thế giới Tịnh Lưu Ly phương đông, cái thế giới “Tịnh Lưu Ly” này chính là “Tịnh Thổ", “Lạc viên”, tức thế giới lý tưởng của Phật giáo. Dược Sư Phật từng lập 12 đại nguyện làm cho tất cả công dân ở thế giới Tịnh Lưu Ly đủ cơm ăn áo mặc, không có bệnh tật tai nạn, giải thoát khỏi đau khổ, thân tâm an lạc, nam nữ bình đẳng. Trong các điện thờ, thường tượng Dược Sư được đặt ngồi chính giữa, hai bên trái phải có hai thị vệ là Nhật Quang Bồ Tát và Nguyệt Quang Bồ Tát, gọi chung là “Dược Sư tam tôn” hoặc “Đông phương Tam Thánh”. Hình tượng điển hình của Dược Sư Phật là tay trái cầm bát đựng nước Cam Lộ, tay phải cầm viên thuốc.

    A Di Đà Phật là Giáo chủ tây phương Cực Lạc, đây là nước Phật có ảnh hưởng lớn nhất. tại sao gọi là “Cực Lạc?”, vì nơi đây không có bất cứ đau buồn khổ não nào. Các công dân ở đây tận tình hưởng hết vui vẻ, một thế giới như vậy ai không mong muốn? Trong sách Phật đã sẵn sàng cung cấp phương tiện cho tín đồ: chỉ cần toàn tâm nhất ý niệm danh hiệu “A Di Đà Phật”, A Di Đà Phật liền tiếp dẫn người niệm Phật vãng sinh đến thế giới Tây phương Cực Lạc. Chính vì vậy A Di Đà Phật còn được gọi là “Tiếp Dẫn Phật”.

    Hai bên tả hữu tượng A Di Đà Phật là Quan Thế Âm Bồ Tát và Thế Chí Bồ Tát, gọi chung là “A Di Đà Tam tôn”, hoặc “Tây phương Tam Thánh”.

    Hình tượng Tam Thế Phật còn là ba vị Phật quá khứ, hiện tại và vị lai, thường được bài trí như sau:

    Chính giữa là Thích Ca Mâu Ni, Phật đời hiện tại, bên trái là Nhiên Đăng Phật, tức Phật đời quá khứ, bên phải là Di Lặc Phật, tức Phật đời vị lai. Phật Mâu Ni Thích CaPhật Di Lặc đã được giới thiệu ở trên, dưới đây chủ yếu nói về Phật Nhiên Đăng.

    Nhiên Đăng Phật còn gọi là “Đĩnh Quang Phật”, Đĩnh quang nghĩa là chân đèn. Vì sao gọi là “Đốt đèn?” (Nhiên đăng). Trong Kinh “Đại Trí độ luận” kể khi Phật Nhiên Đăng ra đời, toàn thân sáng rực như đèn nên mới có tên là Nhiên Đăng (đốt đèn). Lúc Thích Ca Mâu Ni còn bé, có lần Thích Ca đã dâng tặng Nhiên Đăng 5 cành hoa sen, Nhiên Đăng vui vẻ nhận Thích Ca làm đệ tử.

    Một hôm Thích Ca Mâu Ni theo Nhiên Đăng Phật đi ra ngoài, thấy đường toàn là bùn lầy, Thích Ca liền lấy áo trải xuống đường để sư phụ đi trên đó. Nhiên Đăng vui vẻ tiên tri: “Sau chín mươi mốt kiếp nữa, tức Hiền kiếp, con sẽ thành Phật với tên Thích Ca Như Lai”. Theo thứ tự, Phật Nhiên Đăng là bậc thầy đời trước của Thích Ca Mâu Ni. Nhân vì lúc ấy đang là đời quá khứ Trang Nghiêm kiếp, Nhiên Đăng tiên tri sau 91 kiếp nữa, Thích Ca sẽ thành Phật. Như chúng ta đã biết, theo Phật giáo, một kiếp là 13 ức 4 ngàn vạn năm, vậy thì câu nói trên kia của Nhiên Đăng ít ra cũng phải là trước 1200 ức năm…

    Đến sách “Phong thần diễn nghĩa”, Nhiên Đăng Phật đã biến thành một lãnh tụ Đạo giáo có danh là Nhiên Đăng đạo nhân, giúp rập Khương Thái công đánh bại quân địch.

    Phật quá khứ Nhiên Đăng với địa vị cao, Pháp lực lớn, nên được tông giáo bí mật dân gian (như Bạch Liên giáo) tôn thờ, thành một trong những ngẫu tượng được sùng bái nhất.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  17. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    B. – BỒ TÁT

    *

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    *

    CHUẨN ĐỀ QUAN ÂM



    Chuẩn Đề Quan Âm là phiên âm từ tiếng Phạn Candi-Avalokitesvava, cũng còn viết là Chuẩn Đề Quan Âm hay Chuẩn Đề Phật Mẫu, hay Tôn Đề Quan Âm. “Chuẩn Đề” có nghĩa là “thanh tĩnh” hay “tâm tính trong sạch yên lặng”. Hình tượng Chuẩn Đề có từ ba cánh tay đến 84 cánh tay, ngồi trên toàn sen mọc trên mặt nước, bên dưới có hai Long vương chắp tay, hiển thị công đức vô lượng, có khả năng trừ diệt tất cả khổ ách khổ nạn, làm tăng tiến trí tuệ phúc đức để chúng sinh được sống lâu khỏe mạnh. Chuẩn Để Quan Âm còn có thể làm cho trẻ con nín khóc, rất được giới phụ nữ hoan nghênh.

    Trước đây Chuẩn Đề Quan Âm được sùng bái rộng rãi trong dân gian, khắp nơi ở Trung Quốc có không ít am thờ Chuẩn Đề.

    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/9/24
    Wanderman thích bài này.
  18. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    ĐỊA TẠNG BỒ TÁT


    Núi Cửu Hoa ở An Huy là một trong “Tứ đại danh sơn”. Nơi đây là đạo trường của Địa Tạng Bồ Tát. Địa Tạng gia nhập vào hàng ngũ “Tứ đại Bồ Tát” cuối cùng và khác với Quan Âm Bồ Tát, Địa Tạng Bồ tát muốn cứu độ tất cả “tội quỷ” đang ở trong địa ngục, còn Quan Thế Âm chủ yếu cứu độ chúng sinh ở thế gian. Hai vị này hình như đã tự phân công riêng biệt. Tại sao vị Bồ Tát này lại được gọi là “Địa Tạng?

    Kinh Phật viết rằng: “An ổn nhẫn nhịn, yên lặng như đất, suy nghĩ tịch tĩnh, sâu sắc như sự chất chứa của đất”, nghĩa là Địa Tạng cũng như đất, chất chứa vô số chủng tử thiện căn. Theo truyền thuyết Phật giáo, Địa Tang nhận lời dặn dò của Phật Thích ca. Sau khi Phật Thích Ca nhập diệt mà chưa đến lúc Phật Di Lặc ra đời, ở khoảng chưa có vị Phật nào ấy (gọi là Vô Phật thế giới), Địa Tạng Bồ tát chịu trách nhiệm giáo hóa chúng sinh lục đạo, tương đương với chức vụ “thay mặt Phật”.

    Nhận trách nhiệm, Địa Tạng lập lời thề nguyện: “Địa ngục chưa trống không, chưa thể thành Phật” (Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật). Tiếc thay, vòng lục đạo luân hồi vĩnh viễn không ngừng, làm sao Địa ngục trống không được. Do vậy, Địa Tạng vĩnh viễn cũng không thể ngưng nghỉ, cũng như vĩnh viễn không thể thành Phật. Cũng nhờ vậy, Phật giáo Trung Quốc coi ngài là một trong “Tứ đại Bồ Tát”, tương truyền ngài hiển linh thuyết pháp ở đạo trường Cửu Hoa sơn.

    Theo ghi chép trong sách Phật giáo, Địa Tạng Bồ Tát thác sinh trong nhà Vương tử nước Tân La (nay là bán đảo Triều Tiên) vào thời Võ Tắc Thiên đời Đường, Trung Quốc, họ Kim, tên Kiều Giác, từ nhỏ xuất gia học đạo, đời Đường Huyền tông đến Trung Quốc, vào núi Cửu Hoa, An Huy tu luyện. Kim Kiều Giác xây chùa ở đây và thu nhận tín đồ, làm cho nơi này trở thành thắng địa Phật giáo nổi tiếng khắp nơi.

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  19. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    MÃ ĐẦU QUAN ÂM


    “Mã Đầu Quan Âm” là dịch từ chữ Phạn Hayartvaavalokite, phiên âm là “Hà Da Yết Lê Bà”. Vì trên đầu Quan Âm có hình đầu ngựa nên được gọi là “Mã Đầu Quan Âm”, cũng gọi là “Mã Đầu Quan Thế Âm Bồ Tát”, “Mã Đầu Bồ Tát”, “Mã Đầu Đại Sĩ”, “Mã Đầu Minh vương”. Phật giáo Trung Quốc Thiên Thai tôn còn gọi là “Sư Tử Vô Úy Quan Âm”.

    Quan Âm Bồ Tát có rất nhiều biến hóa, hầu hết đều thể hiện bằng tướng ôn nhu từ bi, chỉ có Mã Đầu Quan Âm là có tướng dữ dội. “Đại Nhật kinh sớ” giải thích là: “Hình trạng cực gầm thét giận dữ”. Mã Đầu Quan Âm có hai mắt xếch ngược lên, răng nanh nhe ra ngoài, mặt có ba mắt, tóc tết dựng trên đầu, đỉnh đầu có đầu ngựa. Hình dạng Quan Âm dũng mãnh dữ dội như vậy là biểu hiện nguyện vọng hàng phục yêu ma và các loại ma chướng, chiếu phá màn vô minh tăm tối của chúng sinh.

    Hình tượng Mã Đầu Quan Âm có nhiều loại: một mặt hai tay, một mặt bốn tay, ba mặt hai tay, ba mặt bốn tay, bốn mặt hai tay, ba mặt tám tay v.v…

    ...
     
    Wanderman thích bài này.
  20. tducchau

    tducchau "Nhặt lá..." Thành viên BQT

    ...


    NHƯ Ý LUÂN QUAN ÂM


    Như Ý Luân Quan Âm dịch từ tiếng Phạn Intàmanicahra-avalokités-vava. Vì tay ngài cầm bảo châu Như ý và bánh xe pháp bảo nên được gọi bằng tên ấy. Bảo châu Như Ý biểu thị lời nguyện thỏa mãn đầy đủ cho chúng sinh, bánh xe pháp luân biểu thị bánh xe pháp thường chuyển. Phần lớn Như ý Luân Quan Âm là tượng ngồi với 6 tay, tư thế co chân phải lên, chân trái khoanh lại. Đây chính là thế ngồi thoải mái của “tướng tư duy” (Tư duy tướng).

    Sáu tay đều có ngụ ý riêng: tay thứ nhất bên phải là tay thệ nguyện cứu chúng sinh ra khỏi Địa ngục đạo; tay thứ hai cầm bảo châu Như Ý đặt trước ngực là câu thệ nguyện thực hiện tất cả nguyện vọng cứu chúng sinh ra khỏi Ngạ quỷ đạo; tay thứ ba tượng trưng lời thệ nguyện cứu chúng sinh ra khỏi Súc sinh đạo; tay thứ nhất bên trái cầm đóa hoa sen mới nở, có khi đặt một tòa núi tức “Quang Minh sơn” là lời thệ nguyện cứu chúng sinh ra khỏi A Tu La đạo; tay thứ hai cầm hoa sen là lời thệ nguyện cứu chúng sinh ra khỏi Nhân gian giới; tay thứ ba cầm bánh xe pháp giơ lên cao là lời thệ nguyện cứu chúng sinh ra khỏi Thiên giới.

    Trên đây là những biểu thị đại nguyện cứu chúng sinh khỏi “Lục đạo” của Như Ý Luân Quan Âm.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Click icon này sẽ chuyến về Index... :)
    ...
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/8/24
    Wanderman thích bài này.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này