... Nguyên lý kết hợp giữa sơn với thủy là y cứ, lý luận của nó. Trong lý luận này, quan trọng bậc nhất là khái niệm về Khí. Khí sinh ra vạn vật trời đất, đó là vũ trụ quan truyền thống. Sách “Quách Phác Táng kinh” viết: “Khí âm dương than thở mà thành gió, bay lên thành mây, hạ xuống thành mưa, lan khắp mặt đất thành sinh khí, sinh khí ấy phát ra trên đất sinh ra vạn vật” (Phù âm dương chi khí y nhi vi phong, thăng nhi vi vân, giáng nhi vi vũ, hành hồ địa trung nhi vi sinh khí, sinh khí hành hồ địa trung phát nhi sinh hồ vạn vật). Theo học thuyết của “Hoài Nam tử” hợp khí của trời đất là Âm Dương, khí Âm Dương thực sự lại do khí vũ trụ sinh ra. Âm Dương lại có thể sinh ra vạn vật bốn mùa nên cái gọi là “sinh khí lan khắp mặt đất” chính là tình huống khí Âm Dương sinh ra vạn vật trên mặt đất. Sinh khí là tên gọi khác của khí Âm Dương, nói trắng ra quan niệm khí sinh vạn vật là miêu tả cụ thể của thuật địa lý. Lý luận thuật phong thủy về “Khí” có hai trạng thái là “Chỉ” (dừng lại) và “Tụ” (tụ lại). Khí bị gió thổi tan ra “gặp nước ắt dừng lại” (Giới thủy tắc chỉ). Do vậy “Giới thủy” là một trong nhiều mô thức hoàn cảnh. Chọn lựa xác định “Huyệt” rất cần phù hợp với loại lý luận về nước. Khí có dừng lại sau đó mới “tụ” được, mà muốn đạt tới trạng thái “tụ” trước tiên phải chặn được gió thổi. Do vậy, mô thức hoàn cảnh bốn bề chung quanh nơi cư trú cao vọt lên xuất hiện. Nói chung là nơi đó bốn mặt đất cao hơn, lại có cả sông nước mới có khả năng cho khí tụ. Nơi cư trú tốt đẹp được giải thích như thế. Khí có tụ sau đó mới có thể sinh ra vạn vật. Người ta ra đời là được bẩm thụ bởi khí, vì vậy khí tụ mới có sự sống. Khí của long huyệt qui kết lại có hai điểm đặc trưng: một là khí cần phải liên tục không đứt đoạn, hai là khí cần phải tụ. Hai điểm này cũng chính là đặc trưng hình tượng của Long huyệt. “Khí” chẳng qua là khái niệm trừu tượng, thế nhưng, không có khái niệm này lại không được, vì chính nó giúp cho lý luận phong thủy tìm được chỗ y cứ. Nếu không, lý luận về chỉnh thể hoàn cảnh của phong thủy chẳng còn cơ sở gì nữa. ... Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index...
... Liên quan đến thuật ngữ “Long” và “Huyệt” còn có thuật ngữ “Sa” và “Thủy”. Nghĩa gốc của Sa là cát đá vụn tạo thành đá, trong thuật địa lý, Sa chỉ đơn nguyên cấu tạo thành “Long”. Long là mạch lạc toàn thể địa thế, Sa chỉ là một ngọn núi cá biệt nhưng không phải ngọn núi nào cũng gọi là “Sa”, chỉ có núi tương quan với “Huyệt” (nơi cư trú) mới được gọi là “Sa”. Khái niệm về “Sa” này có liên quan đến mô thức hoàn cảnh cấu tạo nên thuật phong thủy. Trên đây có nhắc tới các loại Long mạch, Tổ sơn, Thiếu tổ sơn đều chỉ núi ở sau lưng nơi cư trú, điều này thống nhất với cái mà thuật phong thủy gọi là “Lai long khứ mạch”. Sau lưng nhà là “Lai xứ” (chỗ đến), tên gọi các núi tổ tông là chỉ “Lai xứ” ấy. Tất cả núi hoặc gò đất ở hai bên phải trái hoặc trước mặt nhà ở (Huyệt) là “Sa”. Trong thuật địa lý, núi cạnh trái nhà ở gọi là “Thanh long sa” gọi tắt “Thanh long” hay “Tả phụ”, “Tả kiên”, “Tả tí”; núi cạnh phải nhà gọi là “Bạch hổ” hay “Hữu bật”, “Hữu kiên”, “Hữu tí”. HÌNH TƯỢNG TRƯNG LONG MẠCH SA HUYỆT 1-Tổ sơn; 2 Thiếu tổ sơn; 3- Chủ sơn; 4- Huyệt; 5- Án sơn; 6- Triều sơn; 7- Tả tí sa; 8- Hữu tí sa; 9- Hộ sơn; 10- Hộ sơn; 11- Thủy khẩu sa; 12- Thủy lưu Thanh Long, Bạch hổ là tên gọi tứ tượng, dùng để gọi “Sa” hình như có dụng ý so sánh với tinh tú. Vả chăng, “Huyệt” cũng tượng trưng cho tiểu vũ trụ, “Hữu bật” cũng là tên sao, nghĩa gốc của nó vốn thuộc nhân văn, tên gọi này có ẩn ý ví dụ “Huyệt” là ngôi quân chủ, Kiên (vai) và Tí (tay) là tên gọi bộ phận thân thể con người, dùng ở đây với dụng ý ví dụ thân thể người ta. Các thuật ngữ này rõ ràng muốn biểu hiện vị trí đặc trưng của “Huyệt” tức Chính vị (vị trí trung ương, chính giữa, quan trọng). Có nhà ở (Huyệt) rồi mới có “Hộ sơn” (núi che chở bảo vệ). Ở hướng chính diện nhà, hơi gần nơi cư trú có gò đất nhỏ gọi là “Án sơn” (núi bàn), ý là trước mặt nhà vua ngồi phải có bàn. Cách hơi xa nơi cư trú có núi gọi là “Triều sơn” (núi chầu) với ý nghĩa là triều bái, chầu bái. Thể chế lễ gặp nhau giữa vua tôi hay chủ khách đã được thể hiện trong mô thức kiến lập nhà ở (Huyệt). Như vậy đặc trưng cách cục của một nơi cư trú tốt là hoàn toàn rõ ràng, tức nó phải ở giữa trung điểm, đó cũng là Minh đường. Và như vậy, tổng thể đặc trưng của một mô thức cư trú tốt đẹp cũng đã rõ, tức nó cần có mô thức hình tròn hoặc hình vuông ngay ngắn. Khí ban sơ tụ là hình tròn, đó là mô thức của vũ trụ ban sơ. Sách “Hoài Nam tử” viết: “Đạo trời tròn, đạo đất vuông” (Thiên đạo viết viên, địa đạo viết phương). Đặc điểm mô thức vuông tròn này là ở vị trí trung chính. Vị trí trung chính cũng là mô thức “trong không sinh có” (Vô trung sinh hữu) của vũ trụ, vạn vật đều manh nha từ đây. ...
... Mô thức hoàn cảnh kiến lập của “Huyệt” đương nhiên chịu ảnh hưởng loại tư tưởng truyền thống này. Xét từ hình tượng, mô thức cuộc đất có bốn mặt chung quanh cao hẳn lên hiển nhiên phù hợp với đặc trưng hình thái tụ hợp. Người ta có thể tụ hợp cư trú, khí cũng có thể tụ. Gió thổi khí đến đây bị các gò núi cao chận không vào được. “Khí theo gió ắt tan”, không tan được tức là tụ. Thuật phong thủy gọi huyệt có hình ổ là “Oa huyệt” là nơi cư trú giàu có, trái lại huyệt hình cong như cây cung (Cung hình huyệt) là “Tiện huyệt” (nơi cư trú nghèo nàn). “Oa huyệt” (vì có hình ổ) nên tụ khí và như vậy là Tốt, trái lại “Cung hình huyệt” không tụ khí được nên Xấu, mô thức tụ khí ấy gọi là “Tụ cục”. Sách “Thanh nang áo chỉ” của Dương Quân Tùng phát huy thêm thuyết Âm Dương: “Con mái là Âm, con trống là Dương, đó là hai Khí vậy. Nói về mái và trống giống như nghĩa vợ chồng vậy. Vợ chồng giao kết nên sinh nam nữ, mái trống giao hợp nên phẩm loại được nuôi nấng, đó là nghĩa lớn của trời đất hóa sinh vậy”. HÌNH ÂM DƯƠNG ÔM NHAU THEO “TỤ CỤC” Âm Dương giao hội là gốc sinh ra Khí. Dùng đó để xét mô thức “Tụ cục” bên trái bên phải ôm lấy nhau tự nhiên là hình thế Âm Dương giao hội. Mô thức Khí xoay về trái hay xoay về phải có xuất xứ từ tri thức thiên văn. Cũng trong “Thanh nang áo chỉ”, Dương Quân Tùng viết: “Khí trời xoay về phải là Dương, Khí đất xoay về trái là Âm” (Thiên khí tả toàn vi Dương, Địa khí hữu toàn vi Âm). Như vậy Âm Dương, phải trái của Long mạch hoàn toàn hợp điệu với sự vận hành của vũ trụ trời đất. Long mạch đã chia ra Âm Dương, đương nhiên phải chia ra Ngũ Hành, nếu không, không hoàn toàn viên mãn về quan điểm vũ trụ truyền thống. Sách “Quản thị địa lý chỉ mông” viết: “Trước khi trời đất chưa ổn định, năm khí đều ở trong hỗn độn, sau khi chia ra Càn Khôn, mỗi khí có phần riêng biệt của mình” (Cái thiên địa vị định chi tiền, ngũ khí câu tại hỗn độn chi nội, càn khôn ký phán chi hậu, ngũ khí toại các hữu chuyên khư). Đây là y cứ lý luận cho thuật tìm long mạch phong thủy. ...
... Trong phép chiêm đoán theo hoàn cảnh hình tượng, nó chia hình thế núi ra 5 đặc trưng, như hình núi đỉnh tròn chân rộng là Kim sơn (núi hình nhọn), núi đỉnh tròn hình nhưng thân thẳng là Mộc sơn (núi hình gỗ), núi đỉnh bằng hình như sóng là Thủy sơn (núi hình nước), núi đỉnh nhọn chân rộng là Hỏa sơn (núi hình lửa), núi đỉnh bằng phẳng thanh tú là Thổ sơn (núi hình đất). HÌNH CÁC THẾ NÚI THEO NGŨ HÀNH Trong thuật phong thủy còn có “Thủy pháp” chuyên môn. Đây là phương pháp chiêm đoán theo hình thái nước (hay sông ngòi) chảy. Thủy (sông nước) có địa vị quan trọng trong thuật phong thủy. Lý luận phong thủy có nhiều câu danh ngôn nhấn mạnh tới tính quan trọng của “Thủy” như “Phép xem phong thủy, được Thủy là hơn hết” (Phong thủy chi pháp, đắc thủy vi thượng), “Khí gặp nước ắt dừng” (Khí giới thủy tắc chỉ). Tính quan trọng của Thủy nằm trong mô thức của Huyệt. Huyệt là sản phẩm do Sơn và Thủy tụ hợp kết thành. Núi (Sơn) có các núi vây họp chung quanh, nước (Thủy) cũng có các giòng chảy giao hợp. Núi có nguồn gốc “Tổ tông”, nước cũng có giòng thuận nghịch. Nguyên tắc cấu tạo thành Huyệt của Sơn và Thủy là nhất trí. Thuật ngữ gọi sơn mạch là Long mạch, gọi nước chảy là Huyết mạch. Huyết mạch có nguồn gốc, nhận rõ nguồn gốc là biết được giòng chảy thuận hay nghịch. Điểm ấy nhất trí với thuyết Sơn mạch tương sinh. Trong thuật ngữ phong thủy, sự phân biệt nhận biết nguồn gốc Long mạch và Huyết mạch gọi là “Tróc mạch”, còn thuật ngữ “Tam thoa” là nơi ba con sông hợp lại, ở nơi tương hợp này nhất định cần phải nhận rõ quan hệ tụ hay tán. Nơi gọi là “Long thủ” (đầu rồng) tức là “Long sơn”. Xác định được vị trí Long sơn mới xác định được “Huyệt”. Huyệt có khí tụ mới có sự sống. Cũng vì vậy trước mặt Long sơn cần phải có nước, dùng Huyết mạch thay thế Long mạch. Khí vận động theo hình thể gặp nơi có sông nước Khí dừng lại, Khí dừng chủ về sự sống. Gió thổi đến Long sơn không thể làm tan Khí (vì bị Long sơn ngăn chặn lại), đó là đại ý của câu “Khí theo gió tan, mạch gặp nước dừng” (Khí thừa phong tán, mạch ngộ thủy chỉ). Trước mặt Long sơn không chỉ cần có thủy mà còn cần có cả sự giao hội của hai dòng nước chảy từ trái và phải. Có như vậy, chẳng những khí được sinh ra mà còn được tụ lại. Đối với “Huyệt” mà nói, nơi dòng nước chảy đến gọi là “Cửa trời” (Thiên môn), nơi dòng nước chảy đi gọi là “Cửa đất” (Địa hộ), tên gọi đó thống nhất với tên gọi trên la bàn. ...
... Long, Sa, Huyệt, Thủy là bốn thuật ngữ quan trọng nhất trong thuật địa lý và cũng là bốn hệ thống lớn về hoàn cảnh để chiêm đoán mô tả. Trong tình huống sử dụng bốn thuật ngữ này, đại khái có thể rút ra mấy điểm: Một, đối tượng mà Long, Sa, Huyệt, Thủy chỉ tới là tồn tại khách quan. Xét một cách tương đối, Sa và Thủy là đối tượng cục bộ; Long và Huyệt là đối tượng chỉnh thể, chúng tổ hợp thành do Sa hoặc Thủy. Hai, ý nghĩa tượng trưng của Long, Sa, Huyệt, Thủy chủ yếu thông qua phương pháp loại suy mà có, ý nghĩa loại suy không ngoài phạm trù thiên văn và nhân văn, trong ấy nhân văn chiếm đa số như các khái niệm về Tổ sơn, Thiếu tổ sơn, Triều sơn v.v... tất cả những khái niệm này đều có công năng phán đoán tốt xấu. Thuật phong thủy thường dùng loại ý nghĩa hình tượng này đoán định đối tượng tốt hay xấu. Ba, sự quan hệ giữa Long, Sa, Huyệt, Thủy là mô thức hóa. Mô thức này là mô thức chỉnh thể của hoàn cảnh tự nhiên, nguyên lý cấu tạo nên nó chủ yếu là lý luận trật tự tương sinh. Loại lý luận này xuất phát từ vũ trụ quan truyền thống, trong ấy quan trọng nhất là khái niệm về “Khí”. Do vậy mô thức này có thể coi là bức ảnh thu nhỏ của địa lý phong thủy vẽ mô thức vũ trụ. Đặc trưng rõ ràng nhất của nó là “Tụ”. “Tụ” ở huyệt chính giữa tức là nơi cư trú. Dưới đây là một mô thức điển hình của nhà ở Trung Quốc. MÔ THỨC ĐIỂN HÌNH CỦA NHÀ Ở TRUNG QUỐC Tường bao quanh giống như tường thành, trục tuyến giữa chủ yếu là sảnh đường nhà ở, hai bên sảnh đường có phòng hành lang, đối diện thẳng sảnh đường có cửa lớn, ngoài cửa có bình phong, khoảng giữa có thiên tỉnh. Tường bao quanh và phòng ốc bốn bên cấu tạo nên một không gian trật tự. Mô thức không gian lý tưởng của nhà ở theo thuật phong thủy Trung Quốc là mô thức được khái quát theo đồ hình dưới đây. Thuật phong thủy (lấy mạch khí) làm gốc lấy “Sa” làm dụng chiêm đoán chọn lựa hoàn cảnh cư trú liên quan rất nhiều đến nội dung của “Sa”, vì vậy phương pháp chia hình thế núi cá biệt còn gọi là “Sa pháp”. Lý luận của “Sa pháp” và “Mạch khí” có quan hệ tới hình và thế. Ngoài căn cứ chiêm đoán về hình tượng của cuộc đất, thuật phong thủy còn một phương pháp chiêm đoán theo số thuật. “Tượng” và “Số” vốn là hai khái niệm đối ứng của Dịch học được thuật phong thủy vận dụng. Tuy vậy, giữa hai môn phái “Tượng” và “Số”, môn phái “Tượng” luôn luôn được coi trọng và được kế thừa liên tục, vì vậy, ở đây chúng tôi chú ý tới phong thủy Tượng thức nhiều hơn. ...
... 2. PHONG TỤC SÙNG BÁI TƯỢNG THẦN DÂN GIAN Cũng giống như nhiều dân tộc cổ đại khác, dân gian Trung Quốc có nhiều tín ngưỡng vật tổ thần linh từ thời “khai thiên lập địa” cho đến khi bước vào chế độ phong kiến ổn định. Dân gian Trung Quốc tôn thờ rất nhiều các loại tượng thần với nhiều lai lịch rất khó truy nguyên nguồn gốc. Ở tiểu mục này, chúng tôi giới thiệu tương đối hệ thống thần linh của họ với chú giải gọn nhưng đầy đủ về xuất xứ mỗi tượng thần. Tiểu mục này, chúng tôi căn cứ hoàn toàn vào sách Dân gian chư thần của Diệp Triệu Tín, Trung Quốc khinh công nghiệp xuất bản xã, Bắc Kinh, 2000. PHONG TỤC TỤC SÙNG BÁI TƯỢNG THẦN Ở TRUNG QUỐC CỔ ĐẠI Trung Quốc cổ đại là một quốc gia có tinh thần sùng bái thần tượng rất cao. Sùng bái tượng thần không phải chỉ một mình dân tộc Trung Quốc, mà là hiện tượng chung của cả nhân loại. Dân tộc khác nhau và đất nước khác nhau có tín ngưỡng tông giáo khác nhau, mỗi dân tộc và quốc gia đều có lịch sử dài sùng bái thần tượng. So với hoạt động sùng bái thần với các quốc gia khác, hoạt động sùng bái thần ở Trung Quốc có những đặc điểm: ① Thần thoại ở Trung Quốc thời viễn cổ tuy rất phong phú nhiều màu sắc, nhưng hiện tại chỉ còn lại chút ít tàn dư; thuật bói toán (vu thuật) ở Trung Quốc cổ đại tuy có nhiều danh mục, nhưng trước sau chưa hề phát triển thành một tông giáo có tính phổ biến. Hiện tượng ấy là do kết quả dưới xã hội phong kiến văn hóa sử quan và học thuyết Nho gia luôn luôn chiếm được địa vị chủ đạo. ② Vào đời Thương đã có lý luận “dùng đạo thần lập giáo thì thiên hạ an ổn”, đó chính là tư tưởng chủ đạo giúp các đế vương lịch đại chỉ nhắm vào hoạt động sùng bái thần linh. ③ Trong lịch sử Trung Quốc, tuy có khá nhiều tông giáo ngoại lai du nhập vào và cũng có tông giáo sản sinh từ bản địa, nhưng cuối cùng chỉ có Đạo giáo kết hợp với Phật giáo và tư tưởng Nho gia là có thể lưu truyền lâu dài. Dù cho hai tông giáo kia có ảnh hưởng rất lớn với xã hội Trung Quốc nhưng xưa nay chưa bao giờ được coi là có địa vị độc tôn. Trong xã hội phong kiến Trung Quốc chưa hề xuất hiện một loại hình thức quốc gia hợp nhất chính trị và tông giáo. ④ Dù giữa các loại tông giáo vẫn tồn tại đấu tranh, nhưng tính chất đấu tranh ấy chỉ nhằm lung lạc triều đình để được ân sủng nhiều hơn; giữa các loại tông giáo, giữa các giáo đồ với nhau sự mâu thuẫn không hề đưa tới chiến tranh tông giáo. Dù trong lịch sử cũng nhiều lần xuất hiện sự việc “diệt Phật” hoặc “diệt Đạo”, nhưng đều chỉ là phản ánh sự đấu tranh trong nội bộ gia đình Hoàng thất, chẳng liên quan gì đến mâu thuẫn giữa các tông giáo cả. ⑤ Dân gian sùng bái thần là một loại hiện tượng tông giáo, trong ấy có nhuốm thành phần màu sắc mê tín nhất định, nhưng cũng phản ánh được phong tục tình cảm của dân chúng, là một bộ phận quan trọng tổ hợp liên kết thành mỹ thuật và nghệ thuật dân gian. Trong ấy gửi gấm rất nhiều hi vọng được sáng sủa, được hạnh phúc, được an cư lạc nghiệp của nhân dân, và cũng biểu lộ cả lòng kính phục, tưởng nhớ đến các bậc trung thần lương tướng, danh thần hiền sĩ của nhân dân, có tính giáo dục luân lý trung hiếu, đương nhiên cũng có cả lòng bị khuất phục trước mê tín và vu thuật bói toán. Lòng sùng bái thần của dân gian luôn luôn bị những đoàn thể bí mật lợi dụng, tạo thành sự uy hiếp phá hoại cho trật tự chính thống dưới xã hội cũ. Sùng bái thần ở Trung Quốc cổ đại là một đề tài vừa rộng lớn vừa phức tạp, sách này chỉ chọn lọc một số tư liệu, giới thiệu giản lược một số hiện tượng sùng bái thần ở Trung Quốc cổ đại. Sùng bái thần linh vốn có nguồn gốc từ quan niệm xa xưa “Vạn vật hữu linh” (Muôn vật có linh hồn) ở hậu kỳ xã hội nguyên thủy. ...