... HẬU TẦN Một nước trong số “Thập lục quốc”. Năm 384 (Bạch Tước nguyên niên, Hậu Tần), Diêu Trành thuộc tộc Khương tự xưng Tần vương, đóng đô ở Trường An, sử gọi là Hậu Tần. Diêu Trành dựng nước rồi, áp dụng các biện pháp trừ bỏ hết hỗn loạn cuối đời Tiền Tần, đổi mới chính trị, trừng phạt tham ô, chỉnh đốn hình ngục, bãi bỏ hình phạt tàn khốc. Các mặt xã hội đều xuất hiện khí tượng mới. Kế thừa Diêu Trành là Diêu Thiểm, tôn sùng Nho học, đề xướng Phật giáo, lấy đó tăng cường thêm tư tưởng thống trị. Để phát triển sinh sản nông nghiệp, sau khi đánh bại thế lực tàn dư của Tiền Tần, Diêu Thiểm cho chuyển toàn bộ quân đội sang làm nông nghiệp và thả một lượng lớn nô lệ cho tham gia sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy kinh tế xã hội có bước phát triển, thế nước khá hùng cường. Thế nhưng vì chiến tranh liên miên, thuế má nặng nề, nhân dân đau khổ khôn xiết, mâu thuẫn giai cấp ngày càng gay gắt. Nhân dân ly tán, phần tử thượng tầng dao động không yên. Năm 417 (Vĩnh Hòa thứ 2), Hậu Tần bị Lưu Dụ của Tấn tiêu diệt, trước sau tồn tại 34 năm. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index... ...
... HẬU YÊN Một nước trong số “Thập lục quốc”. Năm 384 (Yên Nguyên nguyên 3 niên, Hậu Yên), quý tộc Mộ Dung Thùy của Tiền Yên tự xưng Yên vương, định đô ở Trung Sơn (Định huyện, Hà Bắc) sử gọi là Hậu Yên. Dựng nước không lâu, đánh chiếm Nghiệp Thành do Phù Phi cố thủ, tiêu diệt thế lực Tiền Tần ở Quan Đông. Năm 392 (Kiến Hưng thứ 7), diệt luôn nước Ngụy do Đinh Linh Địch Chiêu dựng lên ở Hà Nam. Năm 394 (Kiến Hưng thứ 9), lại diệt Tây Yên, khôi phục bản đồ từ Tiền Yên. Năm 395 (Kiến Hưng thứ 10), đem đại quân đánh Ngụy, đại bại, quân chết kể số vạn; 4, 5 vạn quân đầu hàng bị chôn sống toàn bộ. Mộ Dung Thùy chết rồi, con là Mộ Dung Bảo nối ngôi. Vì hạ lệnh kiểm soát hộ khẩu nên bị phần tử thượng tầng tộc Tiên Ti và tộc Hán phản kháng. Lúc ấy, nhân Ngụy chiếm đô thành Trung Sơn và một bộ phận quận huyện Hà Bắc, Hậu Yên bị cắt thành hai bộ phận. Một bộ phận quay về Long Thành (nay thuộc Liêu Ninh), một bộ phận xuống Nghiệp Thành phương nam. Cuối đời Hậu Yên, Hoàng đế Mộ Dung Hi thống trị thối nát, không màng đến sự sống chết của bá tính và quân sĩ, nhân dân muốn làm loạn. Năm 407 (Kiến Thủy nguyên niên), đại thần Phùng Bạt thừa cơ đoạt chiếm chính quyền. Hậu Yên diệt vong, tồn tại 24 năm. ...
... TÂY TẦN Một nước trong số “Thập lục quốc”. Năm 385 (Kiến Nghĩa nguyên niên, Tây Tần), Khất Phục Quốc Nhân người tộc Tiên Ti ở Lũng Tây tự lập, định đô ở Uyển Xuyên (nay thuộc Cam Túc), sử gọi là Tây Tần. Khất phục Quốc Nhân vốn là thuộc tướng của Phù Kiên. Năm 383 (Kiến Nguyên thứ 19, Tiền Tần), từng theo Phù Kiên đi đánh Đông Tấn. Đánh xong quay về đến bản bộ thì quyết định tự lập. Trình độ Hán hóa của Khất Phục Quốc Nhân rất kém, không biết kinh doanh nông nghiệp, chỉ lấy cướp bóc quân sự giữ sự sống, từng đánh bại đất Cừu Trì (nay là Thành huyện, Cam Túc) và Dương Định, phạm vi thế lực đạt tới vùng Xuyên Bắc. Năm 431 (Vĩnh Hoằng thứ 4), bị Hạ tiêu diệt, trước sau tồn tại 47 năm. ...
... HẬU LƯƠNG Một nước trong số “Thập lục quốc”. Năm 386 (Thái An nguyên niên, Hậu Lương), Lã Quang người tộc Chi kiến lập, định đô ở Cô Tang (Võ Uy, Cam Túc) sử gọi là Hậu Lương. Lã Quang vốn là thuộc tướng của Phù Kiên. Năm 383 (Kiến Nguyên thứ 19, Tiền Tần), Phù Kiên sai ông đi chinh phạt Tây Vực, đánh hạ nước Quy Tư (vùng Tân Cương Khố Xa ngày nay), hàng phục được hơn 30 nước. Trên đường đem quân quay về, nghe tin Phù Kiên chiến bại trong trận Phì Thủy, ông bèn tự phong cho mình quyền Thứ sử Lương châu, khi Phù Kiên chết rồi mới dựng nước Hậu Lương. Nội bộ tập đoàn thống trị Hậu Lương mâu thuẫn gay gắt. Lã Quang trọng dụng nhóm người vừa Hán vừa Hồ là Đoàn Nghiệp, Thư Cừ La Cừu làm Thượng thư. Sau La Cừu bị giết, cháu La Cừu là Mông Tốn và Đoàn Nghiệp nối nhau phản loạn. Cháu Lã Quang là Lã Long nắm quyền cực tàn bạo, giết người bừa bãi. Lúc ấy đói khát mất mùa liên miên, gạo đắt hơn vàng, xác chết đầy đường. Nhân dân xin được ra khỏi thành đi ở đợ để mong cơm ăn, Lã Long chôn sống toàn bộ số dân ấy. Do vậy, mâu thuẫn giai cấp hết sức gay gắt, cộng thêm sự tấn công của Bắc Lương và Nam Lương, tình thế nguy cấp như đứng trên bờ vực, Lã Long hết đường thoát. Năm 403 (Thần Đỉnh thứ 3), Long đầu hàng Hậu Tần. Hậu Lương diệt vong, trước sau tồn tại 18 năm. ...
... NAM LƯƠNG Một nước trong số “Thập lục quốc”. Năm 397 (Thái Sơ nguyên niên, Nam Lương), Ngốc Phát Ô Cô người tộc Tiên Ti ở Hà Tây kiến lập, đóng đô ở thành Liêm Xuyên (Nhạc Đô, Thanh Hải), sử gọi là Nam Lương. Nam Lương tuy sử dụng cả các phần tử thượng tầng người tộc Tiên Ti, Hán, Khương nhưng giới thống trị không hoàn toàn tín nhiệm người Hán. Họ quản thúc địa chủ Hán tộc để khống chế người Hán. Khi giữ thành, họ cho người Tiên Ti giữ nội thành, người Hán giữ vòng ngoài. Giới thống trị bắt một số lớn người dân tộc di chuyển đến gần vùng đô thành để giải quyết vấn đề đất rộng người thưa. Họ không biết kinh doanh nông nghiệp, nhiều năm không thu hoạch, lương thực thiếu thốn, chỉ có cách cướp đoạt thóc lúa của nước lân cận. Chăn nuôi thiếu sót, lại cũng đi cướp đoạt. Một lần cướp của bộ tộc Khất Phục phía tây hơn 40 vạn ngựa, dê, trâu... Năm 414 (Gia Bình thứ 7), Nam Lương bị Tây Tần diệt vong, trước sau tồn tại 18 năm. ...
... BẮC LƯƠNG Một nước trong số “Thập lục quốc”. Năm 397 (Thần Man nguyên niên, Bắc Lương), Thư Cừ Mông Tốn làm phản Tây Lương rồi, tôn Đoàn Nghiệp lên làm Lương vương, đóng đô ở Trương Dịch (nay thuộc Cam Túc), sử gọi là Bắc Lương. Năm 401 (Vĩnh An nguyên niên), Mông Tốn lại giết Đoàn Nghiệp, tự lập làm vua. Mông Tốn coi trọng và hợp tác với địa chủ tộc Hán, chấn hưng học hiệu, tôn sùng Nho học, phát triển nông nghiệp, đề xướng tiết kiệm. Thế nhưng, chế độ chính trị không hoàn thiện, triều đình không có kỷ cương, thưởng phạt không công minh. Năm 439, bị Bắc Ngụy diệt vong. Bắc Lương trước sau tồn tại 43 năm. ...
... TÂY LƯƠNG Một nước trong số “Thập lục quốc”. Năm 400 (Canh Tí nguyên niên, Tây Lương), Lý Cảo người Hán tạo dựng, định đô trước sau ở Đôn Hoàng, Tửu Tuyền, sử gọi là Tây Lương. Lý Cảo vốn là viên huyện lệnh Bắc Lương, dưới sự ủng hộ của nhóm đại địa chủ Tống Dao người Hán, kiến lập nên Tây Lương. Ông nhận tước phong của Đông Tấn, thiết lập Kiều quận an trí các lưu dân từ Giang Hoài và Trung châu trốn đến. Lý Cảo coi trọng sản xuất nông nghiệp, thực hiện đồn điền suốt vùng Ngọc Môn, Dương Quan, thường thu hoạch được sung túc, đời sống dân chúng có phần an ổn, thế lực chính trị hơn hẳn Tây Vực. Lý Cảo chết rồi, con là Lý Hâm kế vị. Hâm cai trị tàn bạo và thối nát, xa xỉ vô độ, xây dựng cung điện bừa bãi, hình phạt nặng nề, dân chịu không xiết. Kết quả sức người suy giảm, trăm họ oán thán. Năm 421 (Vĩnh Kiến thứ 2), bị Bắc Lương diệt vong, Tây Lương trước sau tồn tại 22 năm. ...
... NAM YÊN Một nước trong số “Thập lục quốc”. Năm 400 (Kiến Bình nguyên niên), Mộ Dung Đức từ Nghiệp Thành (nay thuộc Hà Bắc) chuyển tới Hoạt Đài, tự xưng Yên vương, sau đóng đô ở Quảng Cố (Ích Đô, Sơn Đông), sử gọi là Nam Yên. Địa chủ Hán tộc ở trong đất Nam Yên có thế lực khá mạnh, họ che giấu một số lớn hộ khẩu để né tránh tô thuế. Chính phủ Nam Yên kiểm tra số hộ khẩu trốn tránh ấy, dẫn đến bị địa chủ Hán tộc bất mãn dữ dội. Ngoài ra tô thuế của chính phủ Nam Yên phiền phức, lao dịch nặng nề, nhân dân không chịu đựng nổi. Vì vậy, mâu thuẫn giai cấp hết sức nghiêm trọng. Năm 410 (Thái Thượng nguyên niên), Lưu Dụ của Tấn bắc phạt, Nam Yên diệt vong, tồn tại 10 năm. ...
... НẠ Một nước trong số “Thập lục quốc”. Năm 407 (Long Thăng nguyên niên, Hạ), Hách Liên Bột Bột, người tộc Hung Nô tự xưng là thiên tử Đại Hạ, quốc hiệu Hạ, định đô ở Thống Vạn (Hành Sơn, Thiểm Tây). Hách Liên Bột Bột vốn là thuộc tướng của Hậu Tần, Diêu Hưng phân cấp cho ông ta 5 bộ Tiên Ti và hơn 2 vạn người Hồ trấn thủ phương bắc, vì đó ông ta được nắm quân tự lập. Sau khi Lưu Dụ của Tấn diệt Hậu Tần rồi, Hách Liên Bột Bột đánh bại Lưu Nghĩa Chân do Lưu Dụ phái đến trấn giữ Trường An, chiếm hữu toàn bộ đất Quan Trung. Sự cai trị của nước Hạ cực tàn bạo, trong chiến tranh thì cướp bóc, chôn sống hàng ngàn dân lưu vong, trong thời bình thì giết người vô cớ, đưa đến thù hận cho nhân dân, mâu thuẫn giai cấp hết sức gay gắt. Năm 431 (Đằng Quang thứ 4), Hạ bị Thổ Cốc Hồn tiêu diệt, trước sau tồn tại 25 năm. ...
... BẮC YÊN Một nước trong số “Thập lục quốc”. Năm 409 (Thái Bình nguyên niên, Bắc Yên), Phùng Bạt, vốn là đại thần Hậu Yên thừa cơ đoạt lấy chính quyền, tự xưng Yên vương, đóng đô ở Long Thành (nay thuộc Liêu Ninh), sử gọi là Bắc Yên. Phùng Bạt dựng nước rồi, cải cách hành chính, chỉnh đốn quan lại, chấn hưng học hiệu, phát triển nông nghiệp, có phần khởi sắc. Chính trị và kinh tế đều có phần pháttriển. Nhưng quý tộc Tiên Ti vì chưa thoả mãn lợi ích riêng, luôn luôn làm loạn, kết quả sức nước bị giảm sút mạnh. Năm 436 (Thái Hưng thứ 6), bị Bắc Ngụy diệt vong, Bắc Yên trước sau tồn tại 28 năm. ...
... NHIỄM NGỤY Một trong những chính quyền thời “Thập lục quốc”. Năm 350 (Vĩnh Hưng nguyên niên, Ngụy), Nhiễm Mẫn, người Hán xưng đế, quốc hiệu Ngụy, đóng đô ở đất Nghiệp (Lâm Chương, Hà Bắc), sử gọi là Nhiễm Ngụy. Nhiễm Mẫn vốn là tên cháu nuôi do Thạch Hổ cướp được. Thạch Hổ chết rồi, các con tranh giành ngôi vua giết chóc lẫn nhau. Nhiễm Mẫn và Đại tướng Lý Nông thừa cơ khống chế chính quyền. Năm 350, Nhiễm Mẫn giết Hoàng đế Thạch Giám và 5 người con của Thạch Hổ, tự lập lên ngôi đế. Từ đó đến sau, Nhiễm Mẫn từng yêu cầu được hợp tác cùng Đông Tấn để khôi phục Trung Nguyên nhưng Đông Tấn không đáp ứng. Thạch Chi lên ngôi đế nhà Hậu Triệu ở Tương quốc (nay thuộc Hà Bắc), rồi tiến đánh đất Nghiệp. Nhiễm Mẫn đánh bại cuộc tiến công ấy và bao vây Tương quốc. Thạch Chi liên hợp với Mộ Dung Huề nước Tiền Yên và dân tộc Khương đánh bại Nhiễm Mẫn, giết chết hơn 10 vạn tôi thần tướng sĩ của Nhiễm Mẫn. Năm 351 (Vĩnh Hưng thứ 2), Lưu Hiển nước Hậu Triệu giết Thạch Chi, đầu hàng Nhiễm Mẫn. Năm 352 (Vĩnh Hưng thứ 3), Mộ Dung Huề lại đại chiến với Nhiễm Mẫn ở Xương Thành, bắt sống Nhiễm Mẫn rồi chém đầu ở Long Thành (nay thuộc Liêu Ninh). Nhiễm Ngụy diệt vong, tồn tại 3 năm. ...
... NAM TRIỀU Một thời kỳ lịch sử xuất hiện kế sau Đông Tấn. Nam triều bao gồm 4 triều đại phong kiến liên tục: Tống (từ năm 420 đến năm 479), Tề (từ 479 đến 502), Lương (từ 502 đến 557), Trần (từ 557 đến 589). Nhân vì toàn bộ 4 triều đại ấy đều đóng đô ở Kiến Khang (Nam Kinh, Giang Tô), thống trị vùng nam sông Trường giang nên sử gọi là Nam triều. Thời kỳ Nam triều, sĩ tộc môn phiệt vẫn giữ được đặc quyền như cũ. Các Hoàng đế Nam triều tuy đều có xuất thân hàn vi nhưng không ai phế bỏ đặc quyền của giới sĩ tộc môn phiệt. Theo quy định, con em giới sĩ tộc quyền quý đủ 20 tuổi là có thể vào triều làm quan, còn con em của địa chủ hạng dưới tới 30 tuổi mới được giữ chức quan nhỏ. Các chức quan cao vị lớn của Nam triều đều bị lũng đoạn bởi giới sĩ tộc lớn. Thế nhưng, để khống chế quyền lực, các Hoàng đế Nam triều toàn sử dụng những người xuất thân hàn vi cho nắm quyền trọng yếu xử lý triều chính. Địa chủ hạng thấp không cam tâm bị địa chủ sĩ tộc kỳ thị và áp bức, thông qua nhiều con đường khác nhau, họ nhảy lên vũ đài chính trị. Lập nhiều quân công là một trong những con đường quan trọng giúp họ lên cao. Các Hoàng đế Nam triều đều thông qua con đường chiến tranh mà nắm giữ quân quyền rồi tiến một bước đoạt chiếm chính quyền. Tướng súy Nam triều phần nhiều xuất thân từ nhà nghèo hèn, có người nhờ công trạng chiến đấu thăng dần lên đến Thái úy, Đại Tư mã, vào hạng nhất phẩm. Địa chủ sĩ tộc khống chế số lớn nhân khẩu. Số nhân khẩu này thực tế bị trói chặt bởi chế độ nông nô thế tập, họ chịu nhiều áp bức bóc lột mà không bao giờ có thể thóat thân. Tự canh nông là con đường chủ yếu mà chính quyền phong kiến phải chọn lựa. Tô thuế, tạp thuế, lao dịch là ba sợi dây luôn luôn trói trên cổ họ, đời sống nông dân hết sức khốn khổ, rất nhiều nông dân tự canh bị ép phá sản, lưu vong tha hương. Những nông dân lưu vong ấy không còn đường nào khác, có người đành đầu hàng hào môn làm nông nô suốt đời, có người bị rơi vào kiếp nô tì, có người trốn vào rừng núi, triệt để chống đối. Nội bộ giới thống trị Nam triều đấu tranh khá kịch liệt, chiến tranh liên tục. Điều ấy mang lại cho nhân dân các dân tộc tai họa nặng nề. Nam triều do vì chính trị thối nát, bóc lột và áp bức vô cùng tàn khốc, nhân dân đau khổ khôn xiết. Kết quả trước sau bạo phát nhiều cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn. Năm 589 (Trinh Minh thứ 3, nhà Trần), Tùy ở phương bắc tiêu diệt Trần, chấm dứt cuộc diện chia cắt nam bắc. Nam triều trước sau tồn tại 170 năm. ...
... TỐNG Chính quyền đầu tiên trong lịch sử Nam triều. Năm 420 (Vĩnh Sơ nguyên niên, Tống), Lưu Dụ phế bỏ Cung đế Đông Tấn là Tư Mã Đức Văn, tự lập lên ngôi đế, quốc hiệu Tống, đóng đô ở Kiến Khang (Nam Kinh, Giang Tô), sử gọi là Lưu Tống. Lưu Dụ vốn chỉ là một võ quan thấp ở Bắc phủ binh, do nhờ trấn áp cuộc khởi nghĩa Tôn Ân, thảo phạt Hòan Huyền rồi bắc phạt Nam Yên, dần dần đắc thế, kết quả khống chế được chính quyền Đông Tấn. Năm 423 (Cảnh Bình nguyên niên), Lưu Dụ bệnh chết, con là Lưu Nghĩa Phù nối ngôi. Không lâu sau, các đại thần phế bỏ Nghĩa Phù, lập em trai là Nghĩa Long lên ngôi, tức Tống Văn đế. Từ đó chính trị an định, thuế nhẹ hình pháp bớt, sản xuất phát triển, lương thực dư thừa. Năm 439 (Nguyên Gia thứ 16), Bắc Ngụy thống nhất phương bắc, liên tục đánh xuống phương nam. Năm 450 (Nguyên Gia thứ 27), Thác Bạt Đào trưng tập 60 vạn đại quân tiến đánh phương nam và thân tự cầm 10 vạn quân đánh Huyền Hồ thành (Nhữ Nam, Hà Nam), đánh hạ không xong rút quân. Quân Lưu Tống thừa cơ chia hai đường bắc phạt. Thế nhưng, vì chủ lực tuyến phía đông thất bại, đành phải rút quân. Thác Bạt Đào nhân lúc quân Tống rút lui, đánh thành cướp đất, phao tin sắp chiếm đoạt Kiến Khang. Sau đó, nhờ Lưu Tống phòng bị vững chắc, quân Thác Bạt Đào đi xa thiếu lương, buộc phải lui quân, nhưng cướp bóc đốt phá làm hỗn loạn chính quyền Lưu Tống. Không lâu Tống Văn đế bị con trưởng là Lưu Thiệu giết chết. Con thứ 3 Văn đế là Lưu Tuấn đem quân giết Lưu Thiệu, trở thành Hiếu Võ đế. Nội bộ tập đoàn thống trị vì gấp gáp tranh quyền đoạt lợi bỏ mặc chính trị thối nát, dân không thể sống, mâu thuẫn giai cấp sâu sắc. Năm 432 (Nguyên Gia thứ 9), trước sau bạo phát các cuộc khởi nghĩa do Triệu Quảng, Điền Lưu, Trương Phụng, Lý Thừa Minh lãnh đạo. Năm 479 (Thăng Minh thứ 3), Thống soái cấm quân Tiêu Đạo Thành thừa cơ chiếm đoạt chính quyền của triều Tống. Lưu Tống diệt vong, tồn tại 60 năm. ...
... TỀ Chính quyền thứ hai trong lịch sử Nam triều. Năm 479 (Kiến Nguyễn nguyên niên, Tề), Tề Thái tổ Tiêu Đạo Thành chiếm đoạt chính quyền Lưu Tống bước lên ngôi đế, đổi quốc hiệu Tề, sử gọi là Nam Tề. Tiêu Đạo Thành nắm quyền rồi, soi tấm gương hộ tịch hỗn loạn, tô thuế thất thu, quyết định chỉnh đốn hộ tịch. Thế nhưng do vì kiệm ước quá mà quan liệu tham lam vơ vét, hiệu quả sai lạc hẳn. Năm 483 (Vĩnh Minh nguyên niên), Tiêu Đạo Thành chết, Tiêu Di lên ngôi tức Tề Võ đế. Tiêu Di nắm quyền rồi, giao hảo với Bắc Ngụy. Nhờ vậy biên giới được an định, kinh tế cũng có bước phát triển nhất định. Thế nhưng, nội bộ chính trị thối nát, tham quan ô lại có mặt khắp nơi. Quan lại vơ vét bá tính, Hoàng đế lại hạch sách quan lại, khởi nghĩa nổi dậy liên miên. Võ đế chết rồi, cháu Tiêu Đạo Thành là cha con Tiêu Loan nối nhau nắm quyền. Hầu như, hai cha con này giết sạch con cháu của Thái tổ, Võ đế để mong tránh nạn tranh quyền đoạt lợi. Năm 502 (Trung Hưng thứ 2), trong cuộc giết nhau hỗn loạn của gia đình tông thất, em họ Tiêu Đạo Thành là Tiêu Diễn khởi binh đánh chiếm Kiến Khang, đoạt lấy chính quyền. Tề diệt vong, trước sau tồn tại 24 năm. ...
... LƯƠNG Chính quyền thứ ba trong lịch sử Nam triều. Năm 502 (Thiên Giám nguyên niên, Lương), Tiêu Diễn chiếm đoạt chính quyền của Tề, đổi quốc hiệu Lương, đó là Lương Võ đế. Thời gian Tiêu Diễn thống trị, bắc triều đã suy yếu, mối lo bên ngoài có thể nói đã hết, do đó xã hội khá an định. Nhưng Tiêu Diễn là một ông vua mờ tối tham tàn. Dưới sự dung túng của chính ông ta, con cháu bọn quý tộc giết người cướp của ngay tại kinh đô. Quan lại hòanh hành vơ vét. Đối với những hành vi ấy, Tiêu Diễn chẳng những không cấm đoán mà còn có phần khuyến khích thêm. Đánh giá về quan lại của Tiêu Diễn là do quan lại ấy dâng cống cho ông ta nhiều hay ít. Do vậy không có viên quan viên nào không tham lam và tiêu xài hoang phí. Kết quả tạo thành tình thế nông dân phá sản, trốn hộ tịch lưu vong. Về tư tưởng, Tiêu Diễn hết sức đề xướng Phật giáo, dùng bộ mặt giả vờ lương thiện lừa gạt nhân dân nhưng thủ đoạn cai trị lại cực tàn bạo, bức hại người vô tội, hình phạt nặng nề, dân chúng bị buộc không còn đường sống, cuối cùng đành nổi dậy phản kháng. Các năm 505 (Thiên Giám thứ 4), 510 (Thiên Giám thứ 9), 542 (Đại Đồng thứ 8), liên tiếp nổi dậy các cuộc khởi nghĩa của Tiêu Tăng Hộ, Ngô Thừa Bá, Lưu Kính Cung. Năm 548 (Đại Thanh thứ 2), xảy ra cuộc loạn Hầu Cảnh. Tháng 3 năm sau, Hầu Cảnh đánh phá Đài Thành, Tiêu Diễn bị cầm tù, đói chết. Hầu Cảnh lập Thái tử Tiêu Cương lên làm Hoàng đế bù nhìn, đó là Giản Văn đế. Sau này, Hầu Cảnh lại phế bỏ Tiêu Cương, lập Lương Dự Chương vương Tiêu Đống lên ngôi đế. Không lâu lại phế Tiêu Đống, tự lập, đổi quốc hiệu là Hán, giết sạch hậu duệ của Tiêu Diễn. Năm 552 (Thừa Thánh nguyên niên), Vương Tăng Biện, Trần Bá Tiên đánh hạ Kiến Khang. Hầu Cảnh bị bộ hạ chém chết, Giản Văn đế Tiêu Cương lên ngôi trở lại. Sau cuộc loạn Hầu Cảnh, kinh tế xã hội bị phá hoại nặng, sức mạnh Nam triều bị suy yếu hẳn, đặc biệt là do hàng tông thất chém giết lẫn nhau, đẩy chính quyền mau lẹ rơi vào tay Trần Bá Tiên. Năm 557 (Thái Bình thứ 2), Lương diệt vong, trước sau tồn tại 56 năm. ...
... TRẦN Chính quyền thứ tư trong lịch sử Nam triều. Năm 557 (Vĩnh Định nguyên niên, Trần), Trần Bá Tiên phế bỏ Tiêu Phương Trí, tự lập lên ngôi đế, quốc hiệu Trần tức Trần Võ đế. Trần Bá Tiên vốn là viên quan nhỏ triều Lương, nhờ có công trấn áp cuộc bạo động nông dân Giao châu, thăng dần lên đến chức Đốc hộ Tây Giang, Thái thú Cao Yêu. Do nhờ đem quân đánh Hầu Cảnh chiếm được địa vị chính quyền. Triều Trần trong thời kỳ Văn đế và Tuyên đế về chính trị có cải thiện hơn so với cuối triều Lương, kinh tế cũng được khôi phục nhất định. Năm 583 (Chí Đức nguyên niên), Hậu chúa Trần Thúc Bảo nối ngôi, đời sống ông này thối nát, hoang dâm vô đạo, hành chính tàn bạo, chỉ lo sửa sang xây dựng cung điện, tiêu phí quá nhiều tiền tài. Kinh tế bị phá hoại nghiêm trọng, nhân dân đau khổ khôn xiết. Năm 589 (Trinh Minh thứ 3), đại quân Tùy tràn xuống phương nam, đánh vào Kiến Khang, Hậu chúa bị bắt. Trần diệt vong, trước sau tồn tại 33 năm. ...
... BẮC NGỤY Một chính quyền trong lịch sử Bắc triều. Năm 386 (Đăng Quốc nguyên niên, Bắc Ngụy), Thác Bạt Khuê người tộc Tiên Ti tại Thịnh Lạc (Nội Mông và Lâm Cách Nhĩ) xưng Đại vương, dựng nên nước Đại, cùng năm đổi quốc hiệu là Ngụy, sử gọi là Bắc Ngụy. Năm 395 (Đăng Quốc thứ 10), Thác Bạt Khuê lại đánh bại Hậu Yên ở Tham Hợp pha (nay ở bắc Đại Đồng, Sơn Tây). Tiếp đó đánh chiếm các đất Tín Đô (nay là Ký huyện, Hà Bắc), Trung Sơn (Bắc Định, Hà Bắc), Nghiệp (Lâm Chương, Hà Bắc).Năm 398 (Thiên Hưng nguyên niên) dời đô đến Bình Thành (nay là Đại Đồng. Sơn Tây). Thác Bạt Khuê dựng nước rồi, về chính trị, dùng địa chủ tộc Hán làm quan, về kinh tế, thực hành đồn điền, phát triển kinh tế nông nghiệp, do đó sức nước ngày càng cường thịnh. Năm 409 (Vĩnh Hưng nguyên niên), sau khi Minh đế Thác Bạt Tự lên ngôi tiến thêm một bước nâng cao đặc quyền cho địa chủ tộc Hán, làm cho chính quyền Bắc Ngụy được củng cố và phát triển. Năm 424 (Thủy Quang nguyên niên) khi Thái Võ để Thác Bạt Đào lên ngôi, hậu kỳ “Thập lục quốc”, chính quyền các nước chỉ còn lại Bắc Lương, Bắc Yên, Hạ và Tây Tần. Đồng thời, Thổ Cốc Hồn diệt Hạ. Năm 436 (Thái Diên thứ 2), Ngụy diệt Bắc Yên; 3 năm sau (Thái Diên thứ 5), Ngụy lại diệt Bắc Lương, thống nhất phương bắc. Bắc Ngụy từ khi dựng nước đến lúc thống nhất phương bắc luôn luôn gây ra chiến tranh cướp đoạt, chiếm giữ súc vật và người rồi ban chiến lợi phẩm ấy cho tôi thần làm tài sản và nô lệ. Sự thống trị của Bắc Ngụy vô cùng tàn bạo, áp bức giai cấp và áp bức dân tộc đan xen vào nhau. Vì vậy bị nhân dân các tộc phản kháng dữ dội mà điển hình là cuộc nổi dậy phản kháng của Cái Ngô. Các cuộc nổi dậy đấu tranh ấy của các dân tộc xảy ra liên miên khiến chính phủ Bắc Ngụy không thể không thay đổi. Vì đó mới có một loạt biện pháp biến pháp quân điền của Ngụy Hiếu Văn đế. Năm 490 (Thái Hòa thứ 14), Ngụy Hiếu Văn đế thân nắm quyền chính, dời đô về Lạc Dương. Ông xung phá muôn trùng trở lực, quyết liệt tiến hành cải cách Hán hóa, cống hiến lớn lao cho lịch sử phát triển. Cuối đời Bắc Ngụy, chính trị thối nát, mua quan bán tước, hối lộ công khai. Quan liêu quý tộc điên cuồng cướp đoạt đất đai, nông dân bị buộc phải lưu vong xa nhà. Cuối cùng bạo phát các cuộc khởi nghĩa lớn khắp nơi ở Hà Bắc, Sơn Đông, Nội Mông, Ninh Hạ và Cam Túc, công phá dữ dội vào sự thống trị của Bắc Ngụy. Năm 534 (Vĩnh Hi thứ 3), Bắc Ngụy phân liệt chia thành Đông Ngụy và Tây Ngụy. Bắc Ngụy chấm dứt, trước sau tồn tại 149 năm. ...
... ĐÔNG NGỤY - BẮC TỀ Hai chính quyền trong lịch sử Bắc triều. Năm 534 (Thái Bình nguyên niên), quân phiệt phương đông là Cao Hoan lập Nguyên Thiện Kiến lên ngôi đế, đó là Hiếu Tĩnh đế rồi dời đô đến đất Nghiệp (nay là Lâm Chương, Hà Bắc), sử gọi là Đông Ngụy. Năm 550 (Thiên Bảo nguyên niên), con trai Cao Hoan là Cao Dương phế trừ Đông Ngụy thành lập Bắc Tề. Lúc ấy Đông Ngụy Bắc Tề chiếm hữu đất đai tương đối rộng, bắc đến sa mạc, nam đến Giang Hòai, đông đến biển, tây đến Hoàng Hà và suốt vùng Lạc Dương, lân cận Tây Ngụy Bắc Chu. Quyền thống trị Đông Ngụy nằm trong tay cha con Cao Hoan và Cao Trừng. Tập đoàn thống trị Đông Ngụy Bắc Tề chủ yếu do tộc Tiên Ti lục trấn và địa chủ Hán tộc ở Hà Bắc kết hợp nắm giữ. Vì Tiên Ti kỳ thị người Hán nên mâu thuẫn dân tộc rất gay gắt. Cao Hoan muốn điều Hòa mâu thuẫn giữa hai tộc Hồ và Hán nhưng không đủ sức. Thời kỳ đầu Đông Ngụy Bắc Tề, đất đai bị kiêm tính hết sức nghiêm trọng. Năm 564 (Hà Thanh thứ 3), chính phủ Bắc Tề từng ban bố một lệnh chia đều ruộng đất với ý muốn điều chỉnh chế độ quân điền nhưng hiệu quả thu được rất nhỏ. Địa chủ sĩ tộc xưa nay vốn chiếm hữu phần lớn ruộng đất, họ lại hay thừa cơ chiếm đất tốt. Kết quả người giàu có ruộng cò bay thẳng cánh, người nghèo không một miếng cấm dùi. Thế mà quan phủ còn cứ theo quy định đòi tô thuế nhân dân khiến dân gánh vác quá nặng, khổ không nói xiết. Đến hậu kỳ Bắc Tề, nông dân mất hết đất đai, bỏ nhà lưu vong khiến thu nhập tài chánh của Bắc Tề hết sức lâm nguy. Chính trị Đông Ngụy Bắc Tề đen tối, tham quan ô lại dẫy đầy mọi nơi. Tề Hậu chủ Cao Vĩ là một hôn quân hoang đường, dâm dục tàn bạo, xây dựng cung điện chùa chiền liên miên, hoang phí vô độ. Vì vậy, bóc lột càng nặng, dân không đất sống, lửa khởi nghĩa bùng bùng phát sinh. Năm 576 (Long Hóa nguyên niên), quân đội Bắc Chu vây đánh thủ đô Nghiệp Thành, Tề Hậu chủ đang vui chơi săn bắn vội vàng đem quân nghênh chiến, đại bại bị bắt. Không lâu, Bắc Tề diệt vong, trước sau tồn tại 27 năm. ...
... TÂY NGỤY – BẮC CHU Hai chính quyền trong lịch sử Bắc triều. Năm 535 (Đại Thống nguyên niên, Tây Ngụy), quân phiệt Quan Trung là Vũ Văn Thái lập Nguyên Bảo Cự lên ngôi đế, đó là Văn đế, đóng đô ở Trường An, sử gọi là Tây Ngụy. Năm 557 (Võ Thành nguyên niên, Bắc Chu), con trai Vũ Văn Thái là Vũ Văn Giác phế bỏ Tây Ngụy, thành lập Bắc Chu. Lúc ấy, Tây Ngụy Bắc Chu chiếm hữu đất đai tương đối rộng, đông là biên giới với Đông Ngụy Bắc Tề, tây đến Lưu Sa, bắc đến Hà Sáo, nam đến Ba Thục, Vân Nam, Quý châu và lưu vực Hán thủy. Tập đoàn thống trị Tây Ngụy Bắc Chu chủ yếu là tập đoàn quân nhân ở Võ Xuyên do Hạ Bạt Nhạc lãnh đạo và địa chủ Hán tộc ở Quan Lũng kết hợp thành, trong ấy có cả một bộ phận sĩ tộc Quan Trung. Tây Ngụy thành lập rồi, để tăng cường thế nước, thay đổi tình thế yếu nhược của mình hòng tiêu diệt Đông Ngụy thống nhất phương bắc, bèn tiến hành một loạt cải cách. Vũ Văn Thái kiến lập chế độ dự toán số thu tô thuế và chế độ hộ tịch, để đảm bảo thu nhập cho chính phủ. Ông ta ban bổ chiếu thư 6 điều: trước sửa đổi tâm, đốc thúc giáo hóa, tận dụng địa lợi, chọn người hiền lương, giảm ngục tụng, quân bình lao dịch, để xướng biện pháp dùng người không phân biệt, chỉ cần có tài năng. Ông còn kiến lập chế độ phủ binh, không ngừng mở rộng quân đội. Bắc Chu cũng tiến hành chế độ quân điền. Sau khi Chu Võ đế Vũ Văn Ung tự nắm chính quyền, cải cách quan trọng nhất là cấm chỉ hai tông giáo Phật và Đạo. Lúc ấy tăng lữ ở Bắc Chu có hàng trăm vạn người, hơn một vạn tự viện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên và ảnh hưởng đến cả số quân (vì đàn ông đi tu quá nhiều) của chính phủ. Chu Võ đế cho tịch thu toàn bộ chùa chiền, đất đai, tượng đồng, tài sản sung vào quân nhu. Kết quả, tài chánh thu nhập tăng cao, quân đội ngày càng lớn mạnh. Năm 576 (Kiến Đức thứ 5, Bắc Chu), cuối cùng đã tiêu diệt được Bắc Tề, thống nhất phương bắc. Tiếp đó Chu Võ đế lại tiến hành chính sách diệt Phật ở vùng đất Bắc Tề và hạ chiếu thả nô tì. Năm 578 (Kiến Đức thứ 7), Chu Võ đế chết, con là Vũ Văn Bân nối ngôi, đó là Tuyên đế. Đây là một hôn quân hoang dâm vô độ, chính trị thối nát, ông ta ở ngôi 2 năm rồi bệnh chết. Nối ngôi là Chu Tĩnh đế mới 8 tuổi đầu. Do vậy, từ đó chính quyền lọt vào tay ngoại thích Dương Kiên. Năm 581 (Đại Định nguyên niên), Dương Kiên phế bỏ Chu Tĩnh đế tự lên ngôi. Bắc Chu diệt vong, Tây Ngụy Bắc Chu tồn tại cộng 47 năm. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link ← Click icon này sẽ chuyến về Index... ...
Do là bàn trà nên muốn cmt một câu, xong nhờ mod xóa đi nếu cấn vào mạch truyện. Ở các bài về các nước, nếu có bản đồ minh họa để nắm sơ về lãnh thổ thì quá tốt!