Tuỳ bút - Biên khảo G Hồn Mai - Nguyễn Xuân Hoàng

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi teacher.anh, 5/6/16.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. lichan

    lichan Lớp 12


    Trung Thu Một Thuở

    Cứ đến mùa Trung thu, lũ trẻ bạn tôi lại hát rông rổng suốt ngày "Tết Trung thu bánh quà đầy mâm. Soi xuống trần ánh sáng dịu dàng. Rằm tháng tám bóng Hằng soi sáng...". Bây giờ, không còn nhớ lời bài hát là của ai. Từ đứa này qua đứa khác cứ hát theo rồi thuộc làu. Hát là hát vậy chứ Trung thu của trẻ em nghèo nông thôn làm gì có "bánh quà đầy mâm". Giỏi lắm thì có được bữa ăn tối có thịt và xôi đậu xanh, do làng quyên góp tổ chức. Nhưng niềm vui của trẻ thơ nào có đợi cái sự đủ đầy. Cả bầy vừa con trai vừa con gái kéo nhau ra luỹ tre ven sông làm lồng đèn . Tre làng thì không bao giờ thiếu. Kiếm những cây tre đực nhỏ và chắc, vót làm khung đèn. Giấy bồi lồng đèn là giấy kiếng đỏ để dành từ những lần nhận phần thưởng. Nếu thiếu thì bồi thêm giấy vở đi học đã dùng rồi. Thưở ấy rất khó kiếm đèn sáp, thì lấy ruột mù u chẻ nhỏ, rồi xâu bằng một sợi kẽm con. Ở phần đuôi sợi kẽm cột thẳng vào giữa khung đèn. Lửa trái mù u cháy sáng không thua gì đèn sáp, chỉ phải cái là hơi nhiều khói. Chơi xong một mùa Trung thu, mũi đứa nào cũng đen ngòm ngòm. Dễ làm nhất vẫn là lồng đèn hình sao, vừa chắc chắn lại vừa khó cháy. Thứ đến là lồng đèn máy bay, làm vụng nó thuông thuông như hình thoi, nhưng vẫn có thể vừa xách đi thung thăng, vừa hát mà lòng vui như hội. Một chiếc lồng đèn được làm xong, ba bốn đứa thay nhau chơi. Tiếng trống đánh tùng tùng, trăng mùa Trung thu sáng rực rỡ. Dưới trăng những chiếc lồng đèn cháy bằng lửa trái mù u trở nên bạc trắng và nhỏ nhoi như những số phận đang cầm nó.

    Để làm được một chiếc lồng đèn dù xấu xí cũng mất cả ngày trời. Nhưng khi chơi lại không được lâu. Chỉ cần một cái đẩy vai đùa nghịch, lồng đèn chao nghiêng, cây sáp mù u đổ quẹo vào vách giấy, lồng đèn bắt lửa bùng lên là hết chơi. Những lúc như vậy có muốn làm lồng đèn để chơi cũng không còn kịp nữa. Cứ nhìn đám bạn đi thành hàng rồng rắn mà thèm. May mắn năn nỉ thì được chơi ké một lúc. Dường như trẻ con nông thôn đứa nào cũng thảo, hay nhường nhau chơi vì không muốn bạn buồn...Một cái kẹo cũng chia đôi, chia ba. Chỉ có điều khi chia sẻ cho bạn vẫn lấy ngón tay làm mức để không được ăn quá phần.

    Vui nhất trong đêm Trung thu là sau khi chơi lồng đèn chán chê, bèn rủ nhau đi hái trộm trái cây nhà hàng xóm. Có bữa áo rách tả tơi vì chó cắn, còn mặt mũi thì đầy những vết gai cào. Nhưng lại vui và nhớ mãi.

    Bây giờ, ngay cả ở quê tết Trung thu cũng đã khác xưa rất nhiều. Cái gì cũng gần như có sẵn. Đầy đủ và không được vui. Tết Trung thu trẻ con không cần phải làm lồng đèn nữa. Cần thì đi mua vừa mau vừa rẻ. Lồng đèn đủ chủng loại treo đầy các cửa hiệu. Có cả lồng đèn không bao giờ cháy và không thắp lửa, đó là lồng đèn dùng pin của Trung Quốc. Bánh Trung thu thì được bán đầy dẫy, chưa ăn đã thấy chán. Còn mặt nạ thì có cả thầy trò Tam Tạng, người dơi, rô bốt...nhiều vô thiên lũng. Trẻ con đi chơi tết Trung thu cũng ăn mặc đẹp hơn, cứ sáng choang như một cái gì đó không thật. Thật hạnh phúc khi các em không phải chơi chung một cái lồng đèn, ăn chung một thanh kẹo, và đi hái trộm trái cây nhà hàng xóm. Chỉ có một điều tôi băn khoăn là các em sẽ còn lại gì ở tuổi thơ của mình? Chắc chắn rằng các em có thể kể chiếc lồng đèn đẹp của mình được mua ở đâu đó với giá bao nhiêu ấy, nhưng các em không thể kể thêm gì về nó nữa. Phải chăng sự đầy đủ đã đánh mất của các em một tuổi thơ ý vị.
     
  2. lichan

    lichan Lớp 12


    Cơm Đồng

    Cái hồi bỏ quê đi học xa, không nghĩ rằng đi là đi mãi không về. Cũng không nghĩ rằng lòng lại nhớ quê đến vậy. Nghe mưa lăn thăn là nhớ. Cái nhớ từ trong ruột nhớ ra, ray rứt như một cơn đau không có thuốc chữa trị . Tưởng là đã quên hết, đã cháo lú từ lâu nhưng đến lúc nhớ thì sao lại nhớ mồn một, nhớ như in. Như mới hôm qua ta còn gánh cơm ra đồng. Người nhỏ gánh nặng, chân và vai lễ mễ. Bờ đê nhiều cỏ, thứ cỏ ban mai xanh và đẫm sương móc, cứ quấn lấy đôi chân trần. Gánh hai đầu cơm đi vắt vẻo qua những bờ ruộng nhỏ đến được chân ruộng nhà, là bụng đã mừng thầm. Ngã chiếc nong tre lên những gốc rạ cứng, ngồi xệt xuống ruộng bày cơm canh ra đã nghe bụng đói cồn cào.
    Còn gì hơn ăn một bữa cơm đồng. Mồ hôi nhễ nhại, bưng bát cơm nghe nắng dọi vào mặt. Hương lúa sực nức gặp gió bốc lên thơm lừng. Bát canh cua đồng nấu với bồ ngót ngon hơn hết thảy cao lương mỹ vị trên đời. Vừa ăn vừa gạt mồ hôi trên mặt. Mày lúa bay vào người xon xót như nằm trên ổ rơm. Hết bát này lại xới tiếp bát khác. Cơm mới dẻo như nếp tháng tám, chan lên một vùa mắm cái, cơm dậy mùi như hương bánh nổ. Làm đồng vất vả chưa hết nửa buổi sáng đã thấy bụng đói nheo nhéo. Cắt một thôi lúa lại ngửa mặt ngóng vào ngõ xóm, chờ người nhà mang cơm ra. Bát cơm đồng ngày nắng có nhọc và mệt nhưng là thứ hạnh phúc nhọc mệt của cần lao mà hễ ai đã ăn một lần là nhớ mãi. Nhưng vẫn chưa bằng mùa đông. Mưa. Rét. Càng mau đói. Bát cơm bưng lên chưa kịp che nón, mưa đã tấp đầy ắp nước. Đôi bàn tay chai phồng vì cán cuốc rát bỏng, khi bưng bát cơm phải nhon nhón để tránh vết đau. Chỉ là cơm rau dưa cà thêm một ít cá đồng kho khô, nhưng chừng ấy đã là một bữa tiệc thịnh soạn.

    Nhớ những năm được mùa. Bữa cơm đồng còn vui hơn tết. Người lăn xăn nhộn nhịp, tiếng cười nói ồn ã. Lúa nườm nượp về nhà. Bữa cơm đồng dưới bóng cây đa làng đầy ắp những chuyện vui. Người nhà quê cũng nhiều chuyện nhưng thường là những chuyện thật thà. Đánh một lèo bảy, tám bát bụng no căng. Làm thêm một ca nước chè xanh dịu mát. Rồi khoan khoái ngã người ra vạt cỏ, úp chiếc nón lá lên mặt. Nghỉ trưa trong làn gió nồm mát như quạt hầu. Chân tay thả lỏng dài trên cỏ, để mặc lòng mơ những vụ mùa sau. Làm đồng nặng hay đói nên ăn gì cũng ngon. Mấy ai còn nhớ bát canh mướp hương nấu với tép sặc ở đìa. Mở chiếc vung ra, hương mướp lùa vào mặt thơm nưng nức. Nhớ dĩa rau muống cỏ xanh mềm chấm với nước mắm cái dầm ớt mọi cay xé đầu lưỡi. Nhớ dĩa cá rô con kho khô thịt dai bùi như thịt gà tơ. Nhớ và nhớ cả cái nắng gắt gao. Nắng hoa cả mắt. Và màu trời ngày mùa vừa xanh vừa cao, vang lừng tiếng hót của bầy chim chiền chiện.

    Nhiều năm xa quê, thấy thèm và nhớ một bữa cơm đồng. Nhớ có lúc đến cùng quẫn, bèn tự bày ra trong trí nhớ những bữa cơm đồng đã từng ăn. Mâm ăn trong tơ tưởng có canh mướp hương, đĩa cá rô con và chén nước mắm cái ớt mọi....Rồi bất chợt giật mình, thảng thốt nghe như có tiếng ai gọi "Bớ...cơm". Tiếng gọi như gió thoảng mơ hồ khiến lòng ứ đầy dư vị tha hương.
     
  3. lichan

    lichan Lớp 12


    Tiếng Chim Mùa Đông

    Mùa đông ở Huế thường dài và rét mướt. Mưa lê thê từ ngày này qua ngày khác. Bầu trời như một túi nước âm âm đổ xuống trần gian. Mưa đã biến tất thảy không phải là nó thành màu xám tro, nặng nề và u ám. Có cảm giác như sự sống đã chùn lại và chuyển sang một dạng khác. Nhưng thực ra thì không phải vậy. Trong những công viên đẫm nước mưa, vẫn le lói tiếng chim mùa đông. Nhìn bầy chim Sẻ thiên di trên vòm cây long não, lòng tự hỏi mùa đông chim Sẻ sống thế nào? Làm sao mà con chim Chào mào đít đỏ có thể hót trong mưa và giông bão? Tiếng hót vui, dài, rộn rã giai điệu trẻ thơ khiến lòng ta như ấm lại. Ai đó bảo mùa đông chim cũng đổi giọng. Không biết điều đó có đúng không, nhưng quả là giọng hót của bầy chim Sâu ri khàn khàn như tiếng cọ xát của hai thanh đũa thép. Còn giọng chim Sơn ca thì chìm xuống như một nỗi buồn lữ khách, được nén lại trong vòm ngực. Chỉ có tiếng kêu của con chim Từ quy là bốn mùa không đổi, vẫn "quất,quất" can trường với niềm tin xác tín Thục đế. Ở thành phố Huế bây giờ, chim Từ qui dường như đã vắng nhiều. Thỉnh thoảng vào mùa đông những ngày mưa lớn, mới nghe tiếng chim gọi trong bụi cây Đồng đình ở công viên Tứ tượng. Tiếng gọi nức nở như tiếng gọi bầy u hoài, âm vang con đường nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Gặp mùa gió xuôi, tận bến đò Hoa - Việt khách còn nghe thấy tiếng chim kêu. Nhưng hót sầu thảm nhất vẫn là con chim Chàng làng, còn có tên gọi khác là chim Chăn vịt. Chim Chàng làng thường hót nửa đêm. Trong mưa gió vẫn dài rõ mồn một tiếng kêu "bớ thằng chăn vịt". Cũng tiếng kêu ấy, có vùng phiên ra là "Cơm còn cho cục..Cá nục còn cho con..". Nên cũng vì vậy mà có vùng còn gọi chim Chàng làng là chim Ăn mày. Có nghe tiếng kêu của con chim Chàng làng lúc nửa đêm, mới hiểu vì sao quê hương là nỗi nhớ không nguôi trong lòng. Để tận nước Pháp xa xôi, danh hoạ Lê Bá Đảng làm một "Cõi người ta" mà nhớ về cỏ lau Quảng Trị. Còn Trần Kiêm Đoàn trong sương mù Cali, thèm thắt lòng bát cơm hến xứ Cồn. Thuở còn bé, tôi hay băn khoăn mùa đông chim cư trú ở đâu, nó ăn gì và hót ra sao? Mưa gió thế chim làm sao khỏi ướt? Lớn lên nửa đời phiêu bạt cái băn khoăn xưa còn mãi trong lòng. Nghe tiếng kêu đau của con chim Từ qui lòng e dè đám học trò quê mùa lũ qua đò đi học.

    Không hiểu sao khi nghe tiếng chim mùa đông lẻ loi trên những hàng cây cao trụi lá, lòng tôi nhớ một mùa xuân nào xa xôi lắm. Cũng trên những hàng cây cao, lá non trổ từng bầy, xanh như một tình yêu cũ. Và như trong mơ, bóng con chim Phượng hoàng cao lớn bay về ăn khế trả vàng. Chỉ là tiếng chim lẻ loi thôi, nhưng đã cho mỗi ngày ta sống bao nhiêu hương sắc. Tiếng chim là bức tình hồng gởi gắm lòng trai gái, là ngọn lửa ủ trong tro lạnh mà nồng nàn suốt cả một đời ai.

    Ơi tiếng chim, làm sao có thể vắng mày trong những ngày đã sống?
     
  4. lichan

    lichan Lớp 12

    Giấy Mực Học Trò

    Đã lâu lắm, kể từ khi thôi học, không còn nhìn thấy cuốn vở học trò. Nhớ những năm tháng đất nước khó khăn, vở học trò bìa mỏng dính, còn ruột thì thâm sì. Dòng kẻ cũng không một chút mạch lạc. Ngòi bút chạy trên trang giấy nhiều khi đang trơn tru bỗng dưng khựng lại, vấp một miếng bả mía nhỏ. Lấy ngón tay khơi ra, từ giấy viết lủng một lỗ gần bằng đồng xu. Một quyển vở học đến ba, bốn môn. Chữ ken dầy từ ngọn đến gốc trang giấy. Cái lề hẹp chừng ba ly cũng bị "ngốn" luôn. Lớn hơn một chút, là tập viết tắt cho lợi giấy, được nhiều chữ. Ngày ấy, thơ lục bát cũng bị bọn học trò quê tôi chép như văn xuôi. Còn nếu chép xuống dòng một câu sáu rồi một câu tám thì "đau" tờ giấy lắm. Trống hai bên không biết làm gì. Vở học xong một năm học, muốn dùng lại một lần nữa thì đem "giặt" bằng nước cơm. Không biết ai đã "sáng kiến" ra kiểu tiết kiệm này. Trước khi giặt phải ngâm ít nhất vài tiếng đồng hồ. Vừa chơi ô ăn quan vừa đợi. Để lâu một tí là đi tong cuốn vở. Giặt vở có kinh nghiệm nhất là thằng Tài con ông Lệ hành nghề bảy đáp (đồ tể). Vở nó giặt lại thường trắng phau. Giấy vẫn cứng chứ không bã ra. Bí quyết của thằng Tài là ngâm vở với nước cơm và nước tro. Rồi dùng một chùm nõn tre cột túm lại làm chổi tẩy đánh tỉ mỉ từng hàng chữ một. Lúc phơi thì "kê" từng tờ bằng nan tre. Để các tờ giấy không dính nhau khi vở khô. "Giặt" vở cũ thành vở mới là một kỳ tích của tuổi thơ nghèo khó. Năm nào cũng vậy, cứ gần đến độ khai giảng là lũ trẻ bọn tôi lại rủ nhau đi chợ Trạm để mua giấy bút. Tiền thì có đứa cha mẹ cho. Có đứa đi cúi, hốt trấu lấy tiền bỏ trong cái bùng binh đất. Toàn là tiền kên (tiền kẽm). Xếp lại rồi lấy vỏ bạc (vỏ trong bao thuốc lá) vấn theo hình trụ thành cọc. Cứ một cọc là mười đồng cho dễ nhớ. Đường đi xa đến bảy tám cây số lại phải đi qua đò giang, sợ rớt tiền tay đứa nào cũng phải nung núc trong túi áo. Mua xong giấy bút vẫn còn rủ nhau đi tha thẩn để ngắm chợ. Hàng hoá cơ man cái gì cũng đẹp. Rất thích mà không có tiền mua. Mấy đồng tiền lẻ trong túi còn để dành ăn bánh đúc và tiền qua đò. Bánh đúc quê đổ trong chén cái, bột gạo trắng tinh. Khi ăn chan một lớp nhân cũng là bột gạo nhưng có khuấy với mỡ heo và gia vị. Rồi lấy cái xẻ tre xẻ chén bánh thành từng miếng nhỏ. Dùng xẻ tre như dùng nĩa nhấc lát bánh lên từ từ rồi cho vào miệng. Thơm. Ngọt. Béo. Bùi. Nhớ một đời. Mua được vở học gói cẩn thận trong túi ni lông, rồi lấy dây chun ràng lại cẩn thận. Qua đò nhỡ có xẩy tay đánh rơi thì vở vẫn không bị ướt.
    Những năm tháng ấy, vở gay mà mực cũng gay. Xin mực viết trong lớp học là "chuyện thường ngày ở huyện". Xin không cho thì nhè lúc ra chơi, đương sự đi vệ sinh, "bụp" lấy một ruột mực, viết đến cả ngày hôm sau còn chưa hết. Ghét nhau thời đi học thường hại nhau bằng cách đổ mực vào giấy viết. Cho mực lem ra bỏ ghét. Thiếu mực thì cái khó ló cái khôn. Hái trái mồng tơi vắt vào chén, phơi nắng cho hơi nước bay bớt, chỉ còn cô lại trong lòng chén một phần ba thứ nước tim tím. Cho vào bình mực pha thêm một ít mực rin là có mực viết dài dài. Nhưng chỉ một thời gian, chữ viết mực mồng tơi sẽ bay màu, nhạt đến nhức mắt. Viết đầu học kỳ đến giữa học kỳ đã thấy con chữ nhá nhem. Muốn ôn lại phải dò từng chữ một. Chữ nào nhạt khó thấy thì lấy bút đồ lại cho rõ. Chuyện giấy mực thuở học trò quê nghèo là vậy.
    Hôm khai giảng đi mua vở cho con. Nhìn những cuốn vở bìa đẹp, giấy đẹp mà thèm. Giở lòng vở ra giấy trắng tinh, hương bay thơm lừng. Những dòng kẻ xanh xanh chạy đều tăm tắp như những ô mạ mời mọc. Nghĩ đến thời đã qua mà lòng rưng rưng. Không còn được mím môi đẩy bút trên những trang giấy nữa rồi. Bây giờ lại đến lượt con...
     
  5. lichan

    lichan Lớp 12


    Nỗi Đau Sống

    Tự đứng chôn chân chịu đựng suốt một mùa đông lạnh lẽo, tự vắt mình đến kiệt gió kiệt nắng, rồi bất ngờ một sáng xuân nồng, rùng mình trổ những cánh hoa vàng, đó là Hoàng Mai Hoa. Chính với khả năng chịu đựng câm lặng bất nhị ấy, nên người đời mê hoa đã kính cẩn "phong thần" cho Hoàng Mai Hoa là "Quân tử Hoa".

    Cái đẹp của hoa mai thì đã từng biết, nhưng nỗi tân khổ đau đớn sinh thành để có Mặt Hoa thì không dễ gì lý hội được. Nó là chuyện của trời và đất. Luân xa những qui luật vô thường của cõi tụ - tán hữu hình.

    Tôi có người bạn đã nhiều năm đeo đuổi nghề nuôi trai lấy ngọc. Giàu lên nhưng anh vẫn buồn. Những lúc cùng nhau rượu vào, cảm khái anh bảo: "mình cơ ngơi thế này là sống bám vào nỗi đau của con trai". Hoá ra, "công nghệ" nuôi trai lấy ngọc cũng chẳng lấy gì làm khó hiểu. Khi trai bước vào tuổi trưởng thành, chọn một ngày đẹp trời, rải cho thật nhiều mạt sắt vụn. Trai ăn thức ăn có lẫn mạt sắt nhọn vào lòng. Mạt sắt nhọn gim sâu và nhanh đến tận tim, khiến trai đau đớn vật vã. Để làm dịu nỗi đau, trai tự tiết ra một Linh Chất trong suốt, bao lấy vết đau do mạt sắt nhọn gây ra. Lâu ngày, nỗi đau ấy, khối u ấy vón lại thành ngọc quý.

    Nhớ xưa, Mạc Đỉnh Chi Trạng Nguyên nhà bần hàn, mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu cơm. Học bài phải cậy ánh sáng của bầy đom đóm thu trong vỏ trứng vịt. Dưới ánh sáng nhờ nhờ ấy, mà ông lĩnh hội được tri thức của cả một thời, trở thành "lưỡng quốc trạng nguyên".

    Còn với Cao Bá Quát học là chuyện của nhục hình. Để có hai bồ chữ trong thiên hạ, ông ngày ngày tự cột chân vào bàn bằng một sợi dây thừng vàng (hoàng thằng), tự túm búi tóc cột ngược lên xà nhà bằng sợi dây thừng xanh (thanh thằng). Trong cực nhọc, xa xót để sừng sững một trí tuệ uyên thâm.

    Qua một mùa đông băng giá để sinh thành hoa. Đau đớn suốt ngần ấy năm trời để sinh thành ngọc. Một bầy đom đóm làng mà soi đường cho trí tuệ. Một sợi dây thừng nhỏ mà mở ra cánh cửa mênh mông của biển học. Đó là chuyện cuộc đời mà không phải ai cũng đạt được, nếu không từng vật vã trải qua Nỗi - Đau - Sống đến luỵ máu.
     
  6. lichan

    lichan Lớp 12


    Tiếng Sáo Của Người Hát Rong

    Ấy là một buổi chiều mờ mịt nắng.

    Anh xuất hiện trên bậc thềm, khuôn mặt già hơn tuổi tay cắp một chiếc sáo tre ngắn. Huế rét lạnh, nhưng trên người anh vẫn đánh phong phanh một chiếc áo katê mỏng cộc tay. Có lẽ màu trắng đã chuyển sang màu cháo lòng. Chào cả bàn nhậu để làm quen, rồi thì anh cố cười, một cái cười cầu thân trên gương mặt tàn tạ. Nhìn anh cười không hiểu sao tôi lại muốn khóc. Đứng co ro bên khung cửa giá lạnh, anh nhã nhặn xin được thổi sáo cho bàn nhậu thêm vui. Rồi không đợi ý khách, anh đằng hắng lấy giọng và bắt đầu điệu sáo vui chào bàn.

    Nắng nhạt dần, trời đã tối.

    Từ lúc nào giọng sáo vui chợt biến mất, chỉ còn là những điệu buồn như tiếng lòng của một kẻ tế nhân tha hương cầu thực. Anh đang đi solo bài "Lòng mẹ" của Y Vân. Lúc này tôi mới nhận ra anh là người tật nguyền. Tay trái mất cả bàn tay và tay phải mất nhiều ngón. Nơi các đầu ngón tay chỉ còn lại những khúc thịt lồi ngắn đến là lạ. Anh đứng thổi sáo trong một tư thế cũng không bình thường. Đầu ngoẹo về bên trái như một nghệ sĩ chơi đàn vĩ cầm. Một phần thân sáo được kẹp điệu nghệ vào nách trái. Khuỷu tay phải đỡ phần còn lại của thân sáo và bàn tay phải tật nguyền khó nhọc bịt các lỗ sáo. "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào...." anh thổi say sưa như lạc vào thế giới nào đó đầy ắp hạnh phúc. Trong cõi vô hình kia, mắt anh sáng rực lên, người cứ vẹo thêm ra, bàn tay tật nguyền run run theo nhịp sáo. Mỗi lúc anh nghỉ lấy hơi, cái cần cổ chạy một đường trái khế trông giống như bức tranh chân dung tự hoạ của Van-Gốc. Nửa chừng điệu sáo, anh nghiêng người một cách tật nguyền và tự giới thiệu mình là Hùng, Nguyễn Văn Hùng, quê ở tận Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam, lưu lạc ra Huế đã nhiều năm. Nâng cốc mời tế nhân, tôi xin anh thổi thêm một lần nữa bài "Lòng mẹ". Anh gật đầu rồi lẳng lặng thổi lại từ đầu. Tiếng sáo cất lên não nuột. Trong giai điệu sáo tre dường như có tiếng khóc của ai đó xa xôi lắm. Như là tiếng mẹ ngày xưa mà không phải là tiếng mẹ ngày xưa. Lòng chợt nhớ lại ngày bé, cái thời ta lẫm dẫm đi lại. Thế giới thơ ngây và lạ lẫm. Tất cả cứ ngọt ngào như chiếc bánh ít lá gai mà mẹ mua cho. Phải chăng ngày ấy thế giới của mẹ là thế giới hoàn thiện hoàn mỹ. Một thế giới của cái đẹp mà con sinh ra chưa hề biết đến những tật nguyền. Tôi còn nghe như trong điệu sáo có tiếng của lá bàng rơi bên ngoài song cửa. Ngày trở về thập thững, và nắng buổi chiều tràn ngập tâm hồn.

    Nước mắt chảy dài trên đôi má hóp, Hùng - Home tiếp tục kể câu chuyện cuộc đời bằng điệu ru của đôi bàn tay tàn tật. Những khúc thịt lồi bấm tràn lên lỗ sáo, nghe bi thiết như tiếng kêu của con chim đa đa tật nguyền đang hoài quê gọi mẹ.

    Hết bài, anh chào nhã nhặn và xin cáo từ. Bạn tôi thù lao cho anh. Trời Huế đã sập tối. Trong bóng đêm chập choạng, như một con dơi hoang cô đơn, cắp chiếc sáo tre vào nách áo, anh đi lặng lẽ đến quán nhậu khác....
     
  7. lichan

    lichan Lớp 12


    Mảnh Vườn Xưa Của Ngoại

    Sau lần bị té nặng chấn thương cột sống, ngoại phải bỏ quê lên ở với cậu tận Pleiku. Mấy năm trời thuốc thang chữa trị, vết thương có thuyên giảm, nhưng bây giờ muốn đi lại ngoại phải dùng đôi nạng gỗ.

    Buổi sáng đầu tiên ở quê nhà sau bao năm xa cách, tôi ngửa mặt thích thú nghe tiếng con chim chìa vôi mang tơ lòng ra hót lảnh lót. Gió thổi từ phía biển mang hơi thở mằn mặn của cánh đồng lúa đang thì con gái. Và nắng, chao ôi cái nắng quê mềm như lụa đổ thành từng vũng vàng sau rặng tre. Chống đôi nạng gỗ ra hàng hiên, ngoại bảo tôi đưa ngoại sang thăm mảnh vườn cũ. Đường đi tắt đến vườn xưa chưa đầy một trăm mét mà sao dài dằng dặc như một đời người. Ngoại lê từng bước một qua những gờ đá, bậc thang...Có chỗ ngoại thả đôi nạng gỗ bíu bằng cả hai tay. Nhìn ngoại vất vả, tôi bảo: "Hay là để con cõng ngoại cho mau". Ngoại cười nặng nhọc: "Để ngoại tập đi cho quen, rồi có sức mà chăm sóc lại ngôi vườn".

    Mảnh vườn cũ mấy năm trời thiếu bàn tay ngoại, đổ nát và hoang phế vô cùng. Bờ chè tàu không người chăm sóc, đã ăn lan ra tận chân ruộng. Dơi hoang làm tổ trong những ngọn tre cụt. Cỏ dại mọc lúp xúp, điểm thêm vào sự trống vắng một nỗi u hoài lặng câm. Hàng cau già mấy năm không người làm cỏ, rũ những chiếc tàu úa như bàn tay ngoại xanh xao. Nhìn đâu cũng thấy tai tái như mặt người thiếu máu. Thiếu hơi người những tàu lá chuối cũng không buồn lay, mặt lá gầy guộc những gân xanh. Đứng lặng thinh giữa ngôi vườn cũ đổ nát, tôi nhìn thấy mặt ngoại hoen nước, mái tóc bạc trắng rung rung. Đôi chân tần tật cứ như muốn nhích lên, bước đến một điểm vô hình nào đó trong ký ức. Gió thổi từng đợt lớn, những chiếc lá tre bay vần vũ trên bầu trời...Những chiếc lá như đời ngoại đã gắn liền với mảnh vườn này. Chiến tranh, mất mùa, loạn lạc, đói khát...mảnh vườn là một nhân chứng sống của mấy thế hệ. Đứng yên một chập, ngoại vẫy tay bảo tôi đưa ngoại đến góc vườn nơi có chiếc giếng nước bốn mùa mát rượi và xanh như ngọc. Từ khi ngoại về làm dâu, vườn đã có giếng này. Giếng được xây bằng đá tổ ong - thứ đá càng ngâm lâu trong nước càng cứng lại. Bây giờ bị bỏ hoang không có người dùng nước, lá tre mục rơi dày đan kín mặt giếng. Một phần bờ thành vỡ toác tự khi nào để lộ màu đỏ bậm nhức nhối.

    Với bao phụ nữ nông thôn, giếng là người bạn lòng từ thuở chưa có gương soi. Thanh sắc một đời con gái. Ngoại, rồi Mẹ và đến lượt em tôi đã soi vào chiếc giếng này với bao nhiêu buồn vui. Có lúc khóc thầm tức tưởi thì đã có bờ giếng đây là người bạn nhẫn nại tâm tình. Thả đôi nạng gỗ, ngoại bíu tay vào thành giếng, như cố tìm lại thời con gái của mình. Ôi, thời con gái của ngoại - cái thời guốc mộc, quần lĩnh, áo the, răng nhuộm đen rưng rức hạt na, lúc rãnh rỗi lại cù rủ bạn bè chơi chuyền một chuyền hai. Rồi lấy chồng, sinh con đẻ cái, vai ngoại gầy như gió bấc, đòn gánh chín chạng hai vai. Thoắt đó thôi mà đã gần trọn một đời người. Cùng với ngoại thăm mảnh vườn xưa, sao chỉ nghe có tiếng gió thổi rung những tàu lá chuối. Phải chăng vẫn là ngọn gió nồm ấy mát rượi đi qua suốt thời thiếu nữ của ngoại. Rồi cũng ngọn gió ấy lại miên man thổi thêm một lần nữa qua mái tóc ngoại cơ hồ như lau trắng.

    Và suốt mấy hôm Tết, chiều nào cũng vậy, ngoại chống nạng lê đến bên cửa sổ sau nhà, đôi mắt hoen gỉ nước, nhìn đăm đăm về phía mảnh vườn xưa....
     
  8. lichan

    lichan Lớp 12


    Bỏ Làng Ra.....Phố

    Không hiểu sao bạn học khoa Văn của tôi thường là con nhà nghèo và ở nông thôn. Đứa nào ra phố học, tay chân cũng còn đầy vết chai sần. Nhiều năm sống ở phố mà cốt cách thôn dã vẫn cứ còn in đậm trong cái dáng đi tất bật, giọng nói to át sóng át gió...Khóc hay cười đều ồn ào như nhau. Chân đã đi trong dép mà vẫn cứ bấm những đầu ngón như đang đi trong bùn. Còn tay cầm một quyển sách to mà vẫn đánh đồng xa như đang gánh một gánh lúa nặng trên vai. Đứa nào quê ở gần trường thỉnh thoảng lại tọt về nhà, tháng một vài lần. Khi đi vẫn nhớ "mang" theo vài thằng bạn, trước là cho biết nhà còn sau là giúp bạn "cải thiện" cho bỏ những ngày đói dài ở ký túc xá. Chưa hết. Khi lên lại Huế còn bới theo cả một gia sản nhà nông: khoai, sắn, gạo, mắm, ớt, và cả tiền tiêu vặt để "chi viện" cho bạn bè.

    Với những cậu bé nông thôn như bọn tôi, "phố" là một khái niệm rực rỡ. Đường lên phố còn xa hơn đường lên mặt trăng. Ở đó cái gì cũng khác, người đông, xe cộ nhiều, ban đêm đèn sáng trưng. Dường như ai cũng mặc đẹp. Cuộc sống no đủ và sung túc lắm. Khác xa cái vòm tối đen nông thôn, quần quật cần lao. Thiếu vở viết thiếu sách đọc, cái gì cũng thiếu. Trò chơi xe thì dùng nguyên chiếc mo cau mà kéo. Còn muốn làm phi công thì trèo lên mái nhà nhảy một cái đụi xuống đống rơm. Có khi lọi tay lọi chân đau đớn suốt cả tuần. Một quả bóng màu, một cuốn sách cổ tích đã rách bìa, một que kem mùa hè được đổi bằng chiếc dép cũ...đều là những niềm vui lớn không gì thay thế được. Đêm đêm, nhìn quầng sáng của ánh đèn đô thị hắt lên nền trời đen thẫm mà khát khao, tự vẽ ra cái viễn cảnh một ngày được ra phố, đi đôi chân trần lên nền nhựa đường nóng bỏng, rồi vào một hiệu ăn đường hoàng gọi một bát phở mà ở quê chưa thấy bao giờ.

    Có một con đường hẹp để đám học trò nông thôn ra phố là thi đậu vào đại học. Đây là con đường gian nan, không phải đứa nào cũng đi trọn. Ngày cầm chiếc phong bì đựng giấy báo nhập học, lòng nghe hân hoan với bao nhiêu dệt mộng chắc là từ đây đã rũ sạch chốn thôn dã tối tăm, bùn lầy nước đọng. Những năm tháng điện đóm ở phố còn phập phù, đèn ký túc xá nhợt nhạt nhưng nhìn vẫn sáng gấp trăm lần ngọn đèn dầu hoả ở quê. Mà khi học bài muốn sáng thêm phải lấy tờ giấy bạc trong gói thuốc lá xếp lại làm cái chao chụp lên bóng đèn. Cháy "chao" đèn này, lại đi kiếm "chao" đèn khác. Ở phố sướng nhất là trong mùa mưa gió đi đâu cũng không phải xắn quần lội trong bùn lầy. Nhà ở phố dẫu có nhếch nhác cũng bằng vạn nhà ở quê, phên tre vách nứa, mùa gió bấc cứ run bần bật.

    Sống nhiều năm ở phố cho đến khi đã có tuổi. Một hôm vô tình điện tắt, phố xá tối om, chợt nhìn thấy vầng trăng rờ rỡ phía trên tán lá long não, thấy mình dại dột biết bao nhiêu. Có cái gì có thể so sánh được với ánh trăng quê, gió quê, những con đường quê...Đêm trăng, ra đầu ngõ hứng gió nghe lao xao trong đám lá tre non tiếng con Chìa vôi mẹ nựng con ríu rít. Giữa những vòm tối xanh thẫm, ánh trăng đổ lụa lên con đường làng lênh láng một thứ ánh sáng màu ngọc lam. Đó là chưa kể ngày mùa. Làng đông vui như Tết. Người ra đồng tấp nập như trảy hội. Các o thôn nữ gặt lúa, cái đáy lưng ong thon thon nhấp nhỏm. Một phần khuôn mặt trái xoan khuất lấp dưới nón lá, đỏ hồng như trái đào tơ. Xong một ngày gặt lúa dưới nắng chang chang. Chiều xuống, thu vén đồ nhà nông, rồi rủ nhau ra sông, chơi đùa tắm táp cho đến lúc trăng lên thật cao mới chịu về. Nước sông mát lạnh như nước giếng làng, nước máy ở phố không thể nào bì được. Trong giấc ngủ quê, thư thả ngả người trên chiếc chỏng tre êm ái, nghe con chuột sành gọi bạn ngoài ruộng lúa, đâu đó nhà ai giã gạo đêm, tiếng chày nhịp ba đệm vào tiếng ru con tha thiết như một khúc hát vọng phu.

    Hôm rồi gặp lại bạn cũ. Đứa nào cũng nhớ quê. Lại đem chuyện "ngày xưa" thôn dã kể để mà đỡ nhớ. Xa từ ấy đến chừ sao vẫn không có chi tiết nào bị lãng quên. Kéo nhau ra phố, thắc thỏm đi tìm trăng. Đi. Đi mãi ra khỏi phố Huế. Chợt thấy ở lưng trời phía Đông chòm sao Con Vịt chấp chới sáng, đang chở trên lưng chiếc mũ Thần Nông như những ngày nào....
     
  9. lichan

    lichan Lớp 12


    Rơm Vàng ....Mấy Sợi

    Mỗi bận mùa lên, dọc các con đường làng đầy rơm. Rơm chất thành đống. Rơm rơi vãi như thoi vàng trên lối đi. Rơm vương cả vào những bờ dậu, mỗi bận có gió thoảng qua rung rung lay lắt. Những ngày nắng, hương rơm làng toả thơm ngây ngất như hương cau. Có lúc gay gắt thơm, cay nồng đến ứa nước mắt. Hương rơm nhỏ nhoi len lỏi vào tận giấc ngủ ban trưa của đám mục đồng chăn trâu, len vào tận tiếng đập đuôi của bầy bò trẻ. Hương rơm làng một thời đã đọng mãi trong những trang sách tuổi thơ tôi. Nó là một thứ sáo diều vô hình, bay cao và hót lảnh lót như con chim chìa vôi buổi sáng. Cầm sợi rơm trên tay, nghe ram ráp ấm như nụ hôn của cha ngày nào. Ở đó, tôi cũng nhận ra những giọt mồ hôi cay mặn của mẹ. Một sợi rơm ngày mùa vất vưởng nằm trên lối đi làng nhiều cỏ dại, với tôi là bao nhiêu ân tình. Xa làng bao năm tháng, sao vẫn nhớ cái bóng cao lớn của cây rơm, nhẫn nại qua mưa gió, để chỉ làm một thứ chất đốt cho đời. Hết cuộc đời rơm, là đời của lửa. Rơm cháy lên để mang hơi ấm nồng hậu. Hết mình, tận tuỵ mà không hề đòi hỏi điều gì - đó là cái lý sống vĩ đại chỉ có ở lòng rơm.

    Mùa đông rét mướt, rơm cho bếp lửa hơi ấm. Nhưng ngoài trời, ở những con đường lạnh căm căm rơm rải trên lối đi nhiều bùn giúp bàn chân trẻ thơ có chỗ bấu víu. Đám bạn tôi ngày nhỏ cấp sách đi học, chân lội trên bùn nhờ có rơm mà đến được lớp học. Đặt bàn chân trần lên những sợi rơm làng tin cậy, nhiều đứa đã lập nên sự nghiệp và biết sống tốt ở đời. Phải chăng sợi rơm làng đã dạy bao nhiêu thế hệ con đường đến với những giá trị chân chính. Nếu ai đó lỡ quên thì hãy xin rơm một lời nhắc nhở ân tình. Có mùi hương nào so sánh được với hương rơm khi đã ngập trong mưa, dậy men chua hoai hoai, nghe như mùi mồ hôi nặng của cánh đồng. Đó là một thứ hương thơm đặc trưng vô kể. Chỉ cần nghe trong ký ức lòng cũng đã thấm nhớ quê hương.

    Cái thú ngủ trong tổ rơm bây giờ có lẽ cũng không còn. Nhưng đã có một thời cả dân tộc nằm trong hơi ấm tổ rơm như đứa trẻ thơ nằm trong lòng mẹ. Rơm nhân tình đã sưởi ấm cho Thạch Sanh và cho cả mẹ con Lý Thông. Đêm nằm trong chiếc tổ rơm nóng sực, hé mắt nhìn ra đêm tối mưa gió mịt mù, rồi nghe có tiếng con thạch sùng tắt lưỡi trên vách đất, mơ hồ thấy lòng rưng rưng những hạnh phúc không ngờ.

    Rơm làng ngày nắng hương lay lắt thơm. Rơm vàng ngày mưa hương chua hoai hoai. Rơm làng lót đường nâng bàn chân trẻ đến trường, ủ bao cuộc đời trong hơi ấm. Lớn lên với bao vấp ngã tôi mới hiểu một điều đơn giản, thì ra sợi rơm nhỏ nhoi ân tình kia đã làm cái việc lớn lao của cả một vũ trụ, che chở cho con người. Cho cả đến khi sợi rơm chỉ còn là một nắm tro tàn trong bếp lửa.

    Ngày mùa về thăm quê, nâng sợi rơm vàng sắc nắng trên tay, bỗng dưng lòng chùn lại. Nghe con chim Cuốc kêu ngoài bờ đê, tưởng như có tiếng quê hương khắc khoải gọi ai về....
     
  10. lichan

    lichan Lớp 12


    Đắc Nhất Tri Kỷ...

    Dường như tri kỷ chỉ còn là chuyện của người xưa. Đêm chong cây nến trắng, đọc "Dụ thế minh ngôn" của Phùng Mộng Long mới hay tín nghĩa còn to hơn mạng sống rất nhiều. Người xưa đã một lần kết giao là mãi mãi bền chặt. Chính vì vậy mà Giác Ai Nguyên chết theo anh là Bá Đào để quật mồ cưỡng hồn Kinh Kha. Còn Phạm Cự Khanh vì một lời hẹn ước mà tự biến mình thành cô phong kịp đi ngàn dặm trong một ngày, để tái ngộ hiền đệ Trương Nguyên Bá. Tử Kỳ thác, Bá Nha đập vỡ mặt đàn, nguyền từ nay không đánh đàn nữa. Mới hay người xưa xem cái sự hiểu mình là mối tâm giao lớn ở trong lòng. Người càng có học, chí càng cao, lại càng mong có người khác hiểu mình. Điều đó tự nhiên như mùa xuân hiểu hoa hoàng mai, mùa hạ hiểu hoa xích phượng, còn mùa thu chỉ dành lòng mình cho hoa cúc. Đến như tiếng kêu của loài dế hoa cũng chỉ rộ lên trong những đêm hè có gió nồm và trăng thanh. Có cảm giác như bí mật về hạnh phúc của tạo hoá là bí mật của Duyên và Phận. Duyên là cái được mà có, nhưng cũng là cái không được mà có. Chính vì vậy mà mới có chuyện con gà mái đẻ hai lần trong ngày, và hoa mai nở đầu hạ. Người xưa thâm thuý bảo đây là ép duyên. Nhưng ép được duyên cây, duyên vật mà không thể ép được duyên Người. Nên có người gặp nhau, dù mới chỉ lần đầu đã hát bài "kết giao hành". Có người ngày nào cũng gặp mà như chưa hề gặp nhau lần nào. Cổ thi bảo:

    Kết giao mạc kết khinh bạc nhi
    Khinh bạc dĩ kết hoàn dĩ ly.
    Tạm dịch:
    Kết bạn đừng kết với người khinh bạc
    Người khinh bạc dễ kết giao mà cũng dễ chia tay.
    Nên có vui cười mà lòng cách xa, có vồn vã mà tâm băng giá, lời nói không cùng đi với ý nghĩ. Tri mặt mà không tri lòng. Mới hôm sáng còn gặp nhau chiều đã tuyệt giao. Người nhạt vô chừng.

    Tôi nhiều năm ly hương, có dịp về quê cũ, kính cẩn ghé thăm thầy giáo dạy văn xưa. Ở cái tuổi không còn nghi ngờ gì về mình, thầy vẫn là người ngạo nghễ và phóng túng hình hài. Chung rượu ngày tái ngộ thầy trò cay nồng bao chuyện vui buồn. Tôi vào vai hầu rượu, vừa tiếp cho thầy vừa nghe thầy nói chuyện. Vẫn phong thái ấy, vẫn giọng nói trầm ấm ấy từng gieo vào lòng tôi bao khát vọng cuộc đời. Có khác chăng bây giờ tôi là người đứng tuổi, sông Ngô bể Sở đã từng. Ngâm nga lời cổ nhân " đắc nhất tri kỷ khả dĩ bất hận", giọng thầy còn buồn hơn phận của một người đưa đò. Người nóng nảy trực tính như thầy không thể ở giữa chợ đời, chỉ có thể làm cây tùng cây bách trên núi cao, thoát khỏi vòng danh lợi. Chia tay thầy lén không chào mà lòng buồn rười rượi. Hoá ra ở đời ai cũng cần có người tri kỷ, cần gặp gỡ kết giao, và chia xẻ chuyện vui buồn. Đêm nằm vương vấn mãi chuyện xưa, nghe tiếng chuông chùa xưa có lẻ lòng bổng dưng tự hỏi: người hiểu ta bây giờ ở đâu?
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/7/16
  11. lichan

    lichan Lớp 12


    Tên Người, Tên Cây

    Đặt tên cho một con người, đó là một việc hệ trọng. Chính vì vậy, khi một đứa bé ra đời chỉ có cha đứa bé hoặc ông nội mới có cái quyền đặt tên cho con cháu. Có nhiều gia đình còn phải thành lập cả một "hội đồng" để nghị sự cái tên cho thành viên mới. Sở dĩ có sự cẩn trọng này là bởi ở hai lẽ: để thành viên mới có tên không trùng với người trong dòng họ, và một lẽ khác đó là sự kỳ vọng về tương lai của đứa bé. Cái tên của một con người chính là số phận của con người đó? Cho nên những Na, những Ngần, những Nụ....cuộc đời thường bình yên trong dân dã, kết cục tròn trặn như đời Thuý Vân. Còn những Huệ, những Lan, những Hồng.....thường là truân chuyên, bèo dạt mây trôi không biết đâu là bến nước đục trong. Tên con người còn mang trên vai nó tấm gương của lịch sử. Có một thời người Việt mất nước, cái tên của cả dân tộc là đĩ Dậu, là Tám Bính, là Trạch Văn Đoành. Lịch sử sang trang, có một thời tên của cả dân tộc là Chiến, là Thắng, là Quang Vinh, là Trường Sơn. Đất nước thống nhất, nhiều đứa bé ra đời với cái tên là Hoà Bình. Xu thế đặt tên cho thấy không chỉ sự giao lưu văn hoá, mà còn cả cái vị thế và sự phản ánh vị thế ấy vào tâm thức của một dân tộc. Hai mươi lăm năm sau ngày giải phóng, tên của những đứa bé mới ra đời cũng khác đi nhiều. Không thân phận như cái thời chị Dậu, nhưng cũng không còn quá kêu như cách đặt vần phải như vậy để động viên đánh giặc. Những cái tên nghe hiền hơn, với một chiều sâu văn hoá mới, song vẫn gìn giữ được bản sắc chân quê của dân tộc. Không khác tên người là mấy, đó là tên của loài cây. Có điều tên của cây thì ngàn năm vẫn vậy, không hề thay đổi. Có chăng chỉ là cách gọi khác của một vùng, một miền. Như người xứ Bắc gọi cây "mận" là cây "roi", cây "lê ki ma" là cây "trứng gà". Người miền Trung gọi cây "sầu đông" là cây "thầu đâu"; dân gian gọi cây "trinh nữ" là cây " chết giả" không phải là giả chết. Và những cách gọi như vậy làm cho cây gần với con người hơn. Giống như một đứa bé ở nhà tên Tèo nhưng đi học tên là Trung. Trong khi nhiều loài cây có tên rất mộc mạc như cây "cứt lợn", cây "cửa", cây "mưng"... Thì vẫn có những loài cây có tên rất lạ như cây "ngô đồng" ( chứ không phải là ngô làng), cây sến lửa, cây nhạc ngựa. Những cái tên gọi rất chức năng nhưng cũng võ đoán vô cùng và gợi lên trong tâm trí về một độ mờ dễ chịu nào đó. Cũng như con người, cây có đời sống riêng và sự đa mang của nó. Mỗi loài cây tự cho phép mình sống theo một triết lý sinh học mà không phải bất cứ nhà sinh học nào cũng hiểu được. Nhiều người vẫn cho rằng những cây dừa có tuổi hay cười vào ban đêm. Còn những cây cao su trẻ thì thường nói chuyện vào buổi trưa, hay gây sự với nhau nhất có lẽ là cây me, nên ít khi nào người ta trồng me gần nhau. Có lẽ đây là những câu chuyện huyền hoặc. Nhưng có ai dám đoán chắc là không phải như vậy. Và tên cây cũng là số phận của cây, một số phận có tính chất tiền định, và không được lựa chọn. Điều này cây cũng giống như người không chọn được quê hương và cha mẹ. Thân phận nhất có lẽ là loài cây thiếu quê hương, thiên di đến những vùng đất lạ, không hợp phong thổ sống cô đơn và quặt quẹo. Có lần đi trên phố Huế, tôi đã bất ngờ thấy một cây sồi đen mọc ở góc phố nhỏ. Không hiểu ai đó đã trồng nó ở đây. Đứng giữa những bầy phượng cãi nhau choe choé hoa đỏ, cây sồi đen như một khách ngoại lai, gốc rỉ máu trắng vì nhớ ..... tuyết. Trong mỗi ngày sống, dù bộn bề công việc, tôi vẫn thường có cái thú là cố gắng tích luỹ một ít kiến thức về cây. Chia sẻ với cây màu xanh êm dịu, lời thì thầm khi trở gió, và nỗi cô đơn không thể nói thành lời. Có gì hạnh phúc hơn khi thấy lòng cô quạnh, một mình đi lang thang trong phố chợt nghe mùi hương hoa hoàng lan đầy ắp trong gió. Tựa vào mùi hương bay lay lắt ta chợt nghe cây gọi tên người.
     
  12. lichan

    lichan Lớp 12


    Theo Bóng Chim Câu

    Mỗi năm cứ vào ngày Học sinh - sinh viên 9.1, họ lại tổ chức gặp nhau. Nơi gặp bao năm vẫn vậy, đó là quán Cafe Tổng hội sinh viên nằm trên đường Trương Định. Hơn một chục con người từng vào sinh ra tử bất chấp súng gươm, giờ ngồi lặng yên, lòng ôn lại những kỷ niệm cũ. Những cái vỗ vai bôm bốp chí tình bạn hữu, những bàn tay tìm nhau xiết chặt, những tiếng cười vỡ như pha lê và những giọt nước mắt thổn thức.
    Một giọng Huế nhỏ nhẻ cất lên "Mi còn nhớ thằng đại uý Khánh không? Cái thằng đích thân nó lấy dây thừng trói ké mi với nhỏ Hạnh vào gốc cây phượng vàng trước cổng trường ấy". Một giọng khác hơi khàn đáp lại "Làm răng tau quên được. Hôm rồi tau chở khách, gặp nó cũng đạp xe thồ leo dốc Phú Cam. Nửa chừng, nó hỏi tau nhỏ Hạnh bây chừ làm chi. Tau bảo tàn tật bán bánh bèo ở chợ An Cựu". Nó cười trong nước mắt "thế à".

    Rồi họ hát. Say mê như chưa từng bao giờ được hát. Những bài hát quen thuộc trong những năm tháng tranh đấu, nhắc nhở bao con tim gia tài của mẹ. Máu Lạc Hồng chảy sôi trong huyết mạch. Lựu đạn cay, cùm xích lao tù cũng chỉ là trò chơi con trẻ. Cái đích lớn lao của tuổi trẻ những năm tháng ấy là hoà bình thống nhất đất nước. Niềm yêu sống trong những năm tháng ấy là tranh đấu, tranh đấu và tranh đấu. Sức trẻ hừng hực bầu nhiệt huyết không một chút toan tính so đo. Ai cũng có quyền hô to "Chết nì, một hai ba..." Rồi chết mà không sợ hãi bất cứ điều gì.

    Trong số những cựu sinh viên Đại học Huế thường gặp nhau ngày 9.1, tôi để ý có một thiếu phụ nhỏ nhắn, đôi mắt chị to buồn, khuôn mặt trông rất "ết vê". Suốt cả buổi sáng chị ngồi trong yên lặng. Mắt nhìn mông lung ra cửa sổ trời Huế đổ mưa phùn lất phất gió lạnh. Bạn bè giục mãi cuối buổi mới thấy chị tựa vào ghế đứng lên hát song ca cùng với chồng. Chị và anh hát bè bài "Tự nguyện" của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh "Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng. Nếu là hoa tôi sẽ là một đoá hướng dương...". Chất giọng chị mềm và ấm. Còn chất giọng của anh thì khàn khàn. Không hiểu sao hai chất giọng rất khác biệt ấy khi quyện vào nhau lại bãn lĩnh như một cách lạ thường. Chưa bao giờ tôi được nghe một bài hát tranh đấu hay như vậy. Nghe tiếng hát của anh chị, cứ cảm tưởng như ngoài sân sau bức tường Tổng hội sinh viên lô nhô những chiếc mũ cảnh sát, tiếng còi hụ thiết quân luật và tiếng nổ mơ hồ của lựu đạn cay. Là một trong những yếu nhân của phong trào sinh viên, một thời chị được mệnh danh là "Hoa hồng lửa". Vận một tà áo dài, cắp chiếc nón bài thơ, chị có mặt khắp những điểm nóng của phong trào sinh viên. Hai lần vào lao Thừa Phủ, một lần bị đày ra Côn Đảo. Bị tra tấn đánh đập nhiều quá, bây giờ chị không thể có con. Đó là những gì tôi được biết qua lời kể của chồng chị, cũng là một sinh viên phong trào.

    Gần đây anh cho biết, bây giờ có tuổi những vết thương cũ trên người chị lại tái phát. Suốt cả mùa đông Huế rét mướt, độ ẩm cao, chị thường phải hát thật to cho đỡ đau. Nhưng nhà tập thể vách mỏng, mỗi bận đau quá chị phải hát cho thật khẽ để khỏi làm phiền hàng xóm.

    Ngày Học sinh - sinh viên năm nay, tôi lại tìm đến quán Cafe Tổng hội. Mùa đông, cội hoa giấy đỏ bên hiên chỉ còn lơ thơ lá. Trong căn phòng nhỏ mù mịt khói thuốc lá, những gã đàn ông can trường của một thời đang say sưa hát: "Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng....". Tôi cố tìm trong khoảng tối của căn phòng gương mặt dịu hiền của chị, nhưng chỉ thấy một khoảng mờ của bức tranh phiên bản lập thể danh hoạ Picasso vẽ gương mặt một người phụ nữ buồn. Kỷ niệm ngày Học sinh - sinh viên năm nay thiếu bóng nhỏ Hạnh. Chị đang phải nằm viện và không thể đến được.....
     
  13. lichan

    lichan Lớp 12


    Gọi .....

    Gọi mùa xuân có hoa mai vàng, nở rưng rức như khóc. Gọi mùa hạ có hoa phượng cháy đỏ, nở như bếp lửa nhà ai iu ấp. Gọi mùa thu có hoa cúc tiết Trùng cửu, hương như đường mê, vàng chưa thôi những ngày tao ngộ. Gọi mùa đông có hoa hoàng hậu nở đỏ se sắt. Xa vắng trên những cội cây cao lung linh một bầy hoa rực rỡ như vương miện. Cái đẹp của hoa đã gọi tên cho bốn mùa.

    Có cái gọi âu lo, gọi để mà mong đợi. Đó là cái gọi khẩn thiết của đồng đất sau lũ, mong những hạt giống cho một ngày mùa. Người nông dân lam lũ gọi tranh rạ về dựng lại ngôi nhà cũ. Hai bàn tay trắng vàng những chua phèn gọi trái tim để có nghị lực mà làm lại từ đầu. Bếp lửa nhà ai hắt hiu gọi hương gạo mới ấm lòng. Bầy trẻ thơ nheo nhóc gọi thầm chiếc áo mới mặc Tết.

    Có cái gọi để mà hoài vọng. Đó là con đường làng lát rơm vàng gọi những ngày xưa yêu dấu. Mùa đông giá lạnh, vách đất lớp học vữa ra từng mảng. Ngồi học phải vận áo mưa. Chữ cô chữ trò nhão nhoẹt nước. Từ con chữ vỡ lòng ngày ấy đến đường vào đại học thực heo hút xa. Bao năm đi qua con sông làng, bạn bè tôi ngày ấy vẫn còn nhớ tiếng gọi " đò ơi!" thắc thỏm mong đợi. Bao đứa bạn trai đi qua chuyến đò vào lính rồi không về. Bao đứa bạn gái sang ngang rồi nheo nhóc chồng con. Cái bến sông nhỏ tí mà gọi bao nhiêu kỷ niệm mờ tỏ và lau lách buồn.
    Từ điểm cao 1999, cả nhân loại gọi năm 2000. Điều gì sẽ đến trong những ngày tới? Đêm thao thức nhìn lên bầu trời cao đầy sao, ước mơ của người nông dân làng tôi không phải là đường đến sao Hoả, sao Kim, mà là một vụ mùa mưa thuận gió hoà, sau những ngày dãi nắng dầm sương, bát cơm bưng lên mong có đầy hơn. Tấm áo mặc ngày rét đại hạn có ấm hơn. Con cái được đến trường, không phải úp mặt vào bùn đất. Cánh cửa tri thức mở ra những cơ hội làm người.

    Thì bao đời nay vẫn thế. Ước mơ giản dị nhất, cũng là cao quý nhất của con người vẫn là có nhà ở, có cơm ăn, có áo mặc và được học hành. Thời đại nào, chính sách nào, cơ chế nào cũng phải xoay quanh cái trục đó làm tiêu chí để định lượng đánh giá sự phát triển. Xa rời tiêu chí đó một giờ, một buổi, một ngày là mất dân, mất lòng dân. Vì vậy mà cổ thi bảo chăn dân lòng sợ hãi như người cầm sợi dây mục mà điều khiển sáu con ngựa. Sách đã ghi vậy ai đọc, ai làm?

    Đứng lên sau lũ, bao người dân miền Trung lại nhen nhóm niềm hy vọng. Vượt qua bao đau thương, gạt nước mắt, họ mở cánh cửa năm 2000 bằng bàn tay cần lao, để mong sau cánh cửa ấy là những phép lạ của ngày thường.
     
  14. lichan

    lichan Lớp 12


    Lên Non Mới Biết Non Cao

    Thời tôi đi học, nhà nghèo vô kể. Cả năm anh em đèn sách đều trông vào ba sào ruộng khoán của mạ và chiếc xe thồ ọc ạch của ba. Ngày nào ba cũng dậy từ khi đêm còn. Bất kể mùa mưa mùa nắng, chưa bao giờ tôi thấy ba tôi nghỉ một ngày nào. Cũng chưa bao giờ tôi nghe ba tôi than thở. Ông làm việc với một niềm tin của núi Thái Sơn, rằng năm anh em tôi đứa nào cũng phải vào đại học, đèn sách nên người. Ông bảo học không phải để có cái nhà vàng, mà học để có tấm lòng.

    Hơn mười năm ròng rã đạp xe thồ, hai bàn chân ông - bàn chân của một viên chức có thời sống trong nhung lụa, bỗng bè ra thành từng múi, trông rất lạ. Còn tấm lưng vốn rất thẳng, bây chừ xem ra hơi cong cong, tồi tội. Nhưng đôi mắt, ôi đôi mắt ba chưa bao giờ khác, vẫn chói ngời một đức nhẫn, và sự hy sinh không có bến bờ.

    Sau này, mạ mới cho chúng tôi biết, những tháng đầu tiên hành nghề xe đạp thồ, đêm nào ba tôi cũng dậy vài lần, bóp hai bàn chân bằng nước muối. Ông giấu cả nhà, làm lặng lẽ sau chái bếp.

    Mang ơn sâu như trời bể của ba, tôi vào đại học. Rồi cũng như bao người khác tôi có gia đình. Con đầu lòng của tôi là một cậu bé trai. Thằng bé lẻo khẻo, hay cam sài, thuộc loại khó nuôi. Ngoài đồng lương tập sự èo ọp, chúng tôi phải nhờ vả nhiều ở nhà ngoại, mới kham nổi một nhân khẩu trong nhà. Cuộc sống mệt mỏi, nhiều áp lực, dễ làm những người hiền nhất cũng phải phát cáu. Có lần thằng bé phạm lỗi, một lỗi rất nhỏ của tuổi thơ nghịch ngợm. Tôi vô cớ đánh con rất nặng. Vết roi tím bầm phải nhiều ngày sau mới tan. Lần đầu tiên mất ngủ với niềm ân hận, tôi chợt nhớ những năm tháng tuổi thơ. Nhớ cánh đồng lúa nghèo màu của mạ. Nhớ đôi mắt ba và những cuốc xe thồ vất vả trong mưa gió. Rồi những đồng tiền cóp nhặt gửi theo đường bưu điện cho tôi ăn học. Đã bao giờ ba nói nặng với tôi đâu.

    Tôi xoay người ôm con. Dường như thằng bé đang mơ và nó cười thành tiếng. Đêm đã khuya, chợt trước nhà có tiếng gọi giật "xe thồ". Tôi nghe tim mình nhói lên. Có tiếng lằm bằm của một gã say mặc cả. Rồi tiếng nói khàn khàn của một người đạp xe thồ già trả lời. Thằng bé bổng cười khanh khách trong mơ. Tôi lại ôm con. Nước mắt lưng tròng, ừ thì lên non mới biết non cao....
     
  15. lichan

    lichan Lớp 12


    Cứ Vào Dịp Cuối Thu....

    Mỗi năm ít nhất cũng vài ba lần lũ chúng tôi rủ nhau lên thăm mộ Thanh Tịnh. Ngày còn sinh viên thì đi bằng xe đạp mượn của bạn bè, còn bây giờ thì đi bằng xe máy, chỉ mất đâu chừng mười phút đồng hồ. Mộ Thanh Tịnh nằm trên ngọn đồi thấp trong Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế, gần mộ thân mẫu của nhà thơ Nguyễn Kim Thành - Tố Hữu. Ngôi mộ cao ráo khang trang, dưới chân mộ thường không hiểu từ đâu có nhiều hoa huệ trắng. Lồng vào tấm bia là di ảnh nhà thơ lúc đã cao tuổi, với chiếc mũ trấn thủ muôn thuở đội hơi lệch và đôi mắt đôn hậu lấp lánh sau mục kỉnh. Suốt một đời ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân, Thanh Tịnh là một nhân cách đặc sắc. Tôi còn nhớ như in vào cái ngày mưa gió của tuổi thơ, trước khi chia tay gia đình ba đã đọc cho chúng tôi nghe bài thơ "Rồi một hôm":

    Rồi một hôm nếu cha về hỏi
    Mẹ ở đâu con biết nói sao

    Bài thơ xa xót như một "Binh xa hành" và tôi yêu Thanh Tịnh từ đó.

    Lớn lên một chút biết viết biết đọc, tôi sưu tầm tất tật những gì liên quan đến Thanh Tịnh. Nhiều truyện ngắn của ông cũng buồn như là thơ ông vậy. Nhưng nghe bảo cái con người hay buồn đấy lúc nào cũng cười nói như không. Làm văn chương như chơi mà tài thì tài thật. Có cậu học trò nào mà không thuộc "Tôi đi học". Thuộc cái buổi sáng rất nhiều sương mù và gió lạnh ấy. Một khoảnh khắc rất nhỏ của tuổi thơ nhưng qua tấm lòng nhân hậu và cây bút tài hoa đã đọng lại rực rỡ trong ký ức bao người. Bởi khoảnh khắc ấy là cái rốn nhau nuôi nấng hài nhi, là đôi tao nôi ru hời giấc điệp mơ mòng ngày nhỏ, là....là cả sự hoài ơn, nghĩa sinh thành không thể tả bằng lời. Hồn nhiên như cây cỏ, nhưng có ai biết trong những đêm dài lang thang mưa cô đơn, Thanh Tịnh đã làm gì để đối mặt với chính mình. Đối mặt với "cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân"?

    Trên con đường nhỏ của làng Mỹ Lý xưa, ông đã từng theo mẹ đến trường làng. Để sau này trên con đường lớn của đời mình, ông chỉ có lẻ loi như con chim bằng bay bổng tuyệt mù.
    Chúng tôi uống rượu làng Chuồn bên mộ Thanh Tịnh. Nghe bảo loại rượu tăm Huế nức tiếng này rất được Thanh Tịnh mộ từ khi còn là hướng dẫn viên du lịch.

    Làm một cuộc đi dài ba mươi năm, bây chừ ông nằm đây, để nghe mỗi ngày từ phía sau đồi, tiếng trống trường làng tâng tâng vòm ngực trẻ. Chiều cơ hồ như đã xuống từ lâu lắm, chén rượu của đám hậu sinh kính cẩn hầu ông vẫn chưa vơi được mấy.
     
  16. lichan

    lichan Lớp 12


    Thư Gửi Mẹ Ngày Lũ

    Huế vừa lũ xong chưa kịp viết thư cho mẹ thì đã nghe Quãng Ngãi quê mình lũ lớn. Xem trên truyền hình chỉ thấy nước mênh mang. Nghe bảo đã có 22 người chết, chưa kể số mất tích. Nước lũ còn lớn hơn cả năm Thìn - năm mà mẹ sinh con. Mẹ kể năm đó con chào đời trên một chiếc bè chuối. Chung quanh nước gầm réo. Không có bà đỡ, mọi việc đều do ông ngoại làm thay. Rốn con được cắt bằng một mảnh chai vỡ. Ông ngoại cầm máu cho mẹ bằng một vốc muối hạt Sa Huỳnh. Muối mặn đã làm rốn con lành lại, nhưng vết cắt khô để lại di chứng làm rốn con nở sẹo và lồi suốt tuổi thơ. Sau trận lũ năm Thìn, con lớn lên mà không có cha. Mẹ vuốt nước mắt goá bụa, đi làm thuê để nuôi con. Nhà địa chủ rất ác ngày nào cũng đánh mẹ. Con nhớ lưng mẹ ngày ấy sọc dài roi mây roi song. Đêm đêm, con lại bóp muối vết thương cho mẹ. Cực lắm, mẹ bỏ làm thuê đi chạy chợ. Khi chợ Chùa khi chợ Trạm, chân mẹ đạp trên đường đá mà đi. Bát cơm con ăn ngày ấy có mồ hôi và nước mắt của mẹ.

    Suốt tuổi thơ hồn nhiên con mặc cảm với chiếc rốn lồi dị dạng của mình. Mỗi lần hỏi, mẹ chỉ cười hiền và kể chuyện lũ năm Thìn. Nghe lời bạn bè lần đầu tiên tập bơi con đã cho chuồn chuồn cắn rốn. Buồn cười là khi thấy rốn con, con chuồn chuồn cồ đâm sợ. Thế là chuồn chuồn không cắn rốn mà con vẫn biết bơi. Mẹ bảo cha con bơi rất giỏi mà vẫn chết...

    Xem trên ti vi thấy nước lũ sông Vệ, sông Trà chảy xiết, con sợ. Mẹ giờ đơn chiếc, bao năm nhà vẫn sơ sài ven đê. Ngày xưa còn có ông và cha, bây giờ chỉ còn mình mẹ, mà nước lũ thì thế này. Con ở xa, lòng dao đã cắt, bụng nóng như có ai đốt lửa. Suốt đêm nằm mắt chong lên trần nhà những nghe trong mưa ai như tiếng mẹ thở gấp. Mẹ ngồi lẩy bẩy với chiếc áo tơi trên nóc nhà. Vây quanh mẹ là nước lũ mịt mùng. Suốt mấy ngày lũ lớn ai cho mẹ ăn? Ai cho mẹ uống? Mẹ có đói không hở mẹ? Con nhớ nhà mình có chiếc thang tre nhỏ có từ thời ông ngoại. Nhưng không biết chiếc thang ấy có còn không, hay đã bị lũ cuốn trôi? Mà nếu còn liệu sức mẹ có leo nổi thang không? Mẹ sáu mươi rồi, sức đâu còn như ngày xưa nữa. Con đi xa giờ lũ vây quanh, ai giúp mẹ, mẹ ơi!

    Mẹ kể buổi chiều sau khi sinh con, mẹ lên cơn đau vật vã. Cha lội nước băng đồng đi tìm thuốc cho mẹ. Cha đi mãi suốt đêm không thấy về. Ông ngoại ngồi ôm con trong tấm áo tơi mỏng. Trời mưa như trút nước, gió thổi bần bật từng cơn. Thỉnh thoảng ông ngoại lại hú lên một tiếng dài, hy vọng để trong đêm đen cha biết hướng mà về. Mẹ kể sau mỗi đợt hú dài vô vọng ấy, ông ngoại nhìn mẹ trân trân. Qua tia chớp trời, mẹ thấy mặt ông xanh xám, đôi mắt ngập nước. Sau lũ cha không bao giờ về nữa.

    Nhớ cách đây mấy hôm, Huế lũ thêm một lần nữa. Con làm đầy tháng cho cháu mà lòng nhớ mẹ không nguôi. Ai cũng bảo cháu giống hệt bà nội. Con định lũ ở Huế rút, tàu thông đường sẽ vào đón mẹ ra thăm cháu. Mẹ chơi với cháu ít lâu cho ấm cửa vui nhà. Nhìn giọt máu của con, đứa cháu của mẹ nằm hạnh phúc trong chiếc nôi với nhiều quà tặng của bạn bè, bổng dưng hôm ấy cổ con uất nghẹn. Con nhớ chiếc áo tơi và cái nhìn trân trân của ông ngoại trong trận lũ năm nào. Trong ký ức sâu thẳm, con hình dung thấy cơn đau vật vã của mẹ, rồi bóng cha cao lớn lao xuống nước. Đêm đen cuốn lấy cha. Gió cứ đẩy cha ra xa dần. Cho đến khi con không nhìn thấy cha nữa.

    Con viết thư gửi mẹ khi ngoài trời Huế vẫn mưa rất to. Bản tin cuối ngày của Đài truyền hình báo nước lũ ở Quãng Ngãi rút rất chậm. Vùng sâu Đức Thắng quê mình các đội cứu hộ chưa vào được. Con lo sợ. Con lo sợ thực sự. Mẹ ở trong lũ mà con thì xa mẹ quá. Bắt chước ông ngoại ngày nào con chợt hú lên đau đớn. Mẹ ơi tiếng hú của con liệu có đến tai mẹ hay không?
     
  17. lichan

    lichan Lớp 12


    Gió Bấc...Mưa Phùn..

    Chia đến bây giờ chẳng hiểu vì sao trong tuổi thơ chiêm trũng và buồn bã của mình, tôi lại ghê sợ gió bấc mưa phùn đến vậy. Cứ gió bấc mưa phùn là làng tôi lại mất mùa. Cây lúa thong thả trổ hoa he hé, chờ nắng ấm để phơi màu, nhưng gặp gió bấc mưa phùn là phất cờ lau đứng sững. Vỏ mày từ xanh non chuyển sang màu tím than, để cuối cùng là lép kẹp. Bao nhiêu mồ hôi nước mắt bỏ ra, đi tong tong như mưa phùn gió bấc. Lên vụ mà nhà ai bồ lúa cũng trống hoang.

    Mưa phùn gió bấc, lũ học trò nghèo làng tôi níu nhau như một bầy tang tình con xít, qua chiếc cầu khỉ một cây nhem nhép bùn, để đến trường. Mặt mũi đứa nào cũng tái mét, môi thâm tím như cỏ dại. Cái lạnh quất vào thịt da tê buốt như bị cây tầm ma cào. Không đứa nào trong đám bạn tôi mặc đủ ấm. Tất cả đều áo ngắn, quần cộc, với nhiều mụn vá chằng đục vào lớp, những khuôn mặt đói ăn kinh niên cứ lơ láo như người mất hồn. Ngày ấy, cô giáo làng tôi cũng nghèo, mà nghèo lắm. Cô gầy nhìn trò gầy, buồn ứa nước mắt.

    Mưa phùn gió bấc, làng tôi...đói. Người già làng tôi uống nước suông ngồi bắt chân chữ ngũ hò giã gạo. Đám thanh niên bỏ làng kiếm ăn. Còn lũ trẻ bọn tôi bỏ học, đi moi khoai ở làng bên. Một chiếc bao cát nhỏ, một lưỡi hái cùi mòn, tôi cùng lũ bạn ra đi như một lũ bê con đến tối mịt mới về.

    Tôi nhớ ngày ấy, vào những bữa ăn hiếm hoi có.... cơm. Mẹ thường chỉ nhìn tôi ăn. Ngoài ô cửa vẫn là mưa và gió bấc u u. San những hạt cơn dẻo thơm bám nhau trắng như bầy cò vào chiếc bát đất với đôi mắt nẫu buồn, mẹ tôi động viên: "ăn đi con cho chóng lớn mà đỡ đần mẹ". Tôi cười, để phô hai hàm răng sún vô tư.

    Chỉ đến khi đã đủ lớn khôn. Đi xa, xa mãi khỏi ngôi làng xưa bé nhỏ. Rồi vấp ngã - đứng lên - rồi vấp ngã. Có đủ trong tay mật đắng và hoa hồng. Tôi mới hiểu cực lắm thay mùa gió bấc mưa phùn. Cực lắm thay miếng cơm trắng cánh cò ngày nào mẹ nhường cho.

    Bây giờ đến bữa ăn, bưng bát cơm trắng phau phau, nhìn ê hề những thức ăn trên bàn, cổ họng tôi mặn đắng một niềm thương cảm.

    Đâu đó mơ hồ như một vết thương lòng những đợt gió bấc mưa phùn lại cồn lên, tàn nhẫn thổi u u. Và tôi nghe trong mưa phùn gió bấc có tiếng thở dài não ruột của mẹ tôi ngày nào.
     
  18. teacher.anh

    teacher.anh Rùa lười Thành viên BQT

    Màu của phố


    Hằng ngày sống, hằng ngày đi qua, rồi có những ngày bâng khuâng, lặn lội khắp ngõ ngách lòng phố Nội thành, những phố ngắn, phố dài nhung nhớ, chợt hỏi vậy phố Huế có màu gì?

    Trước hết, để cho chắc ăn cứ nói là Huế có màu xanh. Cố nhiên, Huế là một thành phố bốn mùa xanh mát bóng cây. Hàng trăm chủng loại cây từ sồi, lim, sến, chò chỉ, cừa, phượng đến long não, nhạc ngựa, bàng... giăng tay thành một tấm thảm mênh mông vắt qua vòm trời. Ngày đẹp trời đứng kẻ đỉnh Ngự Bình thấy màu xanh phố Huế miên man. Màu xanh ấy cứ xanh mãi cho đến lúc đèn trong phố kéo lên. Và màu xanh phai dần khi màn đêm buông xuống. Nhưng vào buổi sáng, phố Huế có màu trắng - màu của sương mù từ sông Hương và những dãy núi xa đổ về các khoảng trống, lấp đầy từng ngóc ngách nhỏ. Lối đi xuống bến sông, vào những con hẻm vắng, cũng đầy sương mù. Sương dày đặc có cảm giác có thể đưa tay vốc từng vốc lớn cho lên môi vị trong lành của buổi ban mai. Phố Huế lúc này mỏng mảnh như một tờ giấy Pơluya trắng huyền ảo. Người đi trên phố không thấy người, chỉ có giọng nói lao xao như tiếng nước sông Hương đập lép béo vào bờ cỏ. Những chiếc nón nữ sinh Huế nhuốm đầy sương mù. Dưới lòng nón lá là những gương mặt xinh xắn, mờ nhoà như ngắm qua một tấm kính dày bốc đầy hơi nước. Thành phố trắng ấy chợt xanh lại và hồng dần nét mặt khi ánh bình minh khoan thai lên ở phía đông...

    Có những ngày hiếm hoi thành phố Huế vàng rực rỡ. Những ngày vàng ấy thường rơi vào cuối thu khi gió mùa đông bắc se lạnh còn rất yếu ớt, chưa đẩy nổi những đám mây trĩu nước từ phương Bắc vào Huế. Màu vàng thu ấy chạy dọc đôi bờ Hương Giang, rồi nhạt dần cho đến những chân núi xa. Rong sắc vàng thu rười rượi ấy, những viên gạch thành cổ bất chợt đỏ lên rừng rực như đôi má cũng nữ xưa thẹn thò ngày gặp minh quân. Bầu không gian màu cỏ ua úa vàng rợn trong lòng một nỗi yêu thương gì không rõ ràng. Ngưng đọng lấp lánh cả không gian, cho đến khi chiều xuống, màu vàng mơ ấy vẫn còn le lói dưới chân những rặng tre mồ côi mọc lặng lẽ bên bến sông.

    Thành phố Huế còn có màu hồng phấn chỉ xuất hiện hiếm hoi và ngày trong tháng ba khi ngô đồng nở hoa. Phấn hoa ngô đồng bay xa, dát lên những ngôi nhà cổ một chút nụ phấn hồng. Có phải điều đó diễn ra như một hiện thực hay chỉ là cảm giác của tôi ngày một mình về dưới cội hoa, dõi theo cánh chim phượng hoàng mù tăm ở cuối chân mây. Cánh chim lớn mang theo màu hoa không thôi tàn phai, bỏ lại sau đường bay thành phố của tôi ngun ngút màu hồng phấn lả lơi. Và ấy cũng là ngày hoa đào rủ nhau về phố Huế, nói cười phôi pha suốt con đường cụ Đồ Chiểu thênh thang.

    Nhưng có lẽ màu sắc đặc trưng nhất của phố Huế vẫn là sắc tím nguyên ủy. Người mệnh danh cho Huế cái tên "thành phố nhân loại tím" là thi sĩ Trần Dần. Ngày nọ ghé Huế, ông đã nhìn thấy nó vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều và buổi tối. Ông ngắm say sưa sắc tím không hề hư hao dẫu qua bốn mùa. Sắc tím mà khi ngắm những mùa thu đi, Trịnh Công Sơn nâng đàn ghi ta hát nhè nhẹ "chiều tím loang vỉa hè". Còn Hoàng Phủ Ngọc Tường ngây thơ với cái giả thuyết huyền hồ nếu đặt một lọ mực không ngoài sông Hương, bạn sẽ có một lọ mực đầy màu tím... Chuyện ấy sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng ai cũng tin rằng điều ấy là có thực, như sen hồ Tịnh, như những viên gạch cổ Nội thành và như tiếng chuông Thiên Mụ vốn làm cho màu tím Huế bất chợt tím hơn. Có thể thảnh thơi và tha hồ ngắm màu tím Huế nhuốm đầy những con phố xưa. Tím le lói từ ký ức tím ra. Tim tím buồn từ những nhuỵ hoa sầu đông tím vào. Và tím đến dại khờ, tân khổ là màu tím áo dài của em: tím quay quắt, tím buốt rứt, tím tê cóng khắc khoải niềm tương tư Trương Chi.

    Và cứ như thể cô dâu trong ngày cưới, thành phố Huế đi qua bốn mùa rực rỡ the đoạn. Thay chiếc áo trắng của sương mù, nàng vận chiếc áo xanh lục y nữ trẻ trung, rồi choàng lên chiếc khăn san hồng phấn, đi đôi hài nhỏ màu nắng thu vàng và trên tay chiếc dù tím bềnh bồng như một áng mây xa.
     
    Heoconmtv and V/C like this.
  19. V/C

    V/C Mầm non

    Chị còn mần cuốn này nữa không:
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Bận thì quăng em hoàn thành nốt cho. Hâm mộ ông này chẳng kém J. Archer.
     
  20. Ngọc Sơn

    Ngọc Sơn Lớp 7

    Còn cả.
    Màu thời gian không xanh.
    Màu không gian tím ngắt.
     
    teacher.anh thích bài này.
Moderators: galaxy, teacher.anh
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.

Chia sẻ trang này