Hồi ký - Tiểu sử G Huyền thoại Cờ Vua - Bobby Fischer

Thảo luận trong 'Phòng đọc trực tuyến' bắt đầu bởi dangtuanpr, 17/2/16.

Moderators: galaxy, teacher.anh
  1. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Tal hút thuốc liên tục và có thể hút hết cả bao thuốc trong một ván cờ. Anh cũng có thói quen chống cằm lên bàn, ngước mắt nhìn các quân cờ và nhìn cả đối thủ. Những ngôn ngữ cơ thể của Tal rất kỳ lạ, và Fischer cho rằng điều đó nhằm chọc tức cậu.

    Điệu bộ và ánh nhìn của Tal làm Fischer tức điên. Cậu phàn nàn với trọng tài, nhưng hầu như họ không làm gì. Bất cứ khi nào Tal rời khỏi bàn cờ, lúc Bobby đang tính toán cho nước tiếp theo, Tal cũng đến nói chuyện với các kỳ thủ Liên Xô, và họ bắt đầu thì thầm bàn tán về thế cờ của họ, cũng như của các đối thủ. Dù biết tiếng Nga nhưng Bobby không thể hiểu các từ lóng và cách dùng của họ. Chẳng hạn, cậu chỉ nghe được từ ferz’ ("Hậu") hoặc lad’ya ("Xe"), vì vậy không biết được có phải Tal đang nói về ván cờ của anh ta với cậu hay không. Cậu chỉ biết rằng điều đó rất "ngứa mắt". Cậu không thể hiểu nổi tại sao trọng tài không ngăn việc này lại, vì luật cấm điều đó, và cậu nói với ban tổ chức rằng Tal cần bị đuổi khỏi giải. Thực ra các kỳ thủ Liên Xô đã thảo luận với nhau trong khi diễn ra các ván cờ suốt nhiều thập niên qua, và không có ai phàn nàn về việc đó cả, trừ Bobby.

    Fischer cũng rất bực mình khi cứ có một ván cờ kết thúc là nhiều kỳ thủ liền cùng đối thủ của mình lao vào phân tích ồn ào ngay trên sân khấu. Điều đó làm cậu không tập trung thi đấu được. Cậu viết một bức thư than phiền việc này và gửi tận tay các trọng tài:

    Sau khi một ván cờ kết thúc, cần phải cấm các đấu thủ phân tích lại để tránh làm phiền đến những người khác. Lúc kết thúc, trọng tài phải ngay lập tức bỏ hết quân trên bàn ra để tránh việc phân tích. Chúng tôi khuyến khích ban tổ chức chuẩn bị sẵn một phòng đặc biệt dành riêng cho việc phân tích. Căn phòng phải hoàn toàn nằm ngoài tầm nghe của tất cả những ai còn đang thi đấu.

    Robert J. Fischer, Đại Kiện Tướng Quốc Tế

    Dù vậy, chẳng có gì thay đổi cả. Không có ai khác cùng lên tiếng phản đối, vì hầu hết mọi người đều vi phạm.

    Bobby nhanh chóng nổi tiếng vì là người liên tục phàn nàn, một người Mỹ nóng nảy, và hầu hết các kỳ thủ đều cảm thấy khó chịu. Họ tin rằng cậu lúc nào cũng bào chữa thất bại bằng việc đổ lỗi cho điều kiện thi đấu hoặc hành vi của các kỳ thủ khác.

    Dù đúng hay không thì Bobby cũng là một con người quá nhạy cảm, nhạy cảm với tiếng ồn và cả những âm thanh ở xa. Và rõ nhất là Tal, biết điều đó, nên tìm cách để làm cậu hồi hộp và lo lắng. Một lần trong bữa ăn tối chung của các kỳ thủ, Tal chỉ vào Bobby và nói lớn: "Fischer: cuckoo!". Bobby gần như phát khóc. "Tại sao Tal lại nói 'cuckoo' với tôi?", cậu hỏi, và có lẽ lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong suốt giải, Bent Larsen (trợ tá của Bobby, tuy vẫn bực mình vì thất bại trước Bobby ở Portoroz nhưng vẫn nhận lời làm trợ tá) cố gắng an ủi cậu: "Đừng để anh ta quấy rầy cậu!". Và Larsen nói Bobby vẫn còn cơ hội để phục thù... trên bàn cờ.
     
  2. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Những khán giả, các kỳ thủ, và cả những nhà báo bắt đầu đặt câu hỏi tại sao Bobby có thể dành cả 2 tháng trời, tháng 9 và tháng 10, nghỉ học để tham gia thi đấu. Và cuối cùng thông tin động trời cũng được khui ra: Bobby đã bỏ học ở Erasmus Hall. Mọi nỗ lực của Regina để kéo Bobby quay lại lớp học đều vô vọng, nhưng bà vẫn hy vọng có thể nói chuyện với Bobby sau khi kết thúc Candidates để thuyết phục cậu tiếp tục con đường học vấn của mình.

    Sư việc ngoài ý muốn này ảnh hưởng đến hình ảnh của Bobby tại giải, và cậu bắt đầu bị xem như một kẻ không có học thức, thiếu giáo dục, và bị một số kỳ thủ chế nhạo.

    Và cũng không may cho Bobby khi cậu khởi đầu không suôn sẻ tại giải này. Cậu bực bội khi bị thua cả hai ván trước Tal. Trước khi tái đấu với Tal lần ba, Bobby tiếp xúc với Alexander Koblents, một trong những huấn luyện viên của Tal, và nói với giọng đe dọa nhất mà cậu có thể: "Nếu Tal không biết cư xử cho phải phép thì tôi sẽ đấm gãy hết răng anh ta". Dù vậy, Tal vẫn tiếp tục, và Bobby lần thứ ba bại trận trước Tal.

    "Hãy đi xem một bộ phim", Dimitrije Bjelica nói với Bobby vào đêm trước khi cậu đấu với Vassily Smyslov. Bjelica là một nhà báo người Yugoslavia, đồng thời cũng là một bình luận viên bóng đá trên truyền hình. Ông kết bạn với Bobby từ giải Portoroz và thông cảm cho những phàn nàn của cậu. Ông nghĩ một bộ phim có thể giúp cho đầu óc của cậu thư thái hơn. Và bộ phim bằng tiếng Anh duy nhất chiếu ở Belgrade là phim về danh họa người Hà Lan ở thế kỷ 19 Vincent Van Gogh.

    Bobby đồng ý đi xem, và ngay khi đến cảnh Van Gogh cắt tai, Bobby đột nhiên đồng cảm và lẩm bẩm: "Nếu tôi không thắng Smyslov vào ngày mai, tôi cũng sẽ cắt tai". Ngày hôm sau, Fischer cầm Đen đánh một ván tuyệt vời trước Smyslov, cựu vô địch thế giới, và giành được ván thắng đầu tiên của mình trước người Liên Xô. Vậy là cái tai của cậu vẫn còn nguyên.

    [​IMG]
    Bobby Fischer và Vassily Smyslov tại Candidates 1959

    Xui xẻo vẫn cứ đeo bám Bobby. Nếu cậu thắng một ván, thì ngày hôm sau lại thua một ván. Cậu đánh bại Benko sau đó thua Gligoric; thắng một ván trước Olafsson sau đó lại bại trận trước Tal. Bobby thấy cơ hội của mình cứ ngày càng nhỏ dần. Cậu thua những ván mà cậu đáng lẽ hòa và hòa những ván mà cậu đáng lẽ thắng.

    Harry Golombek, trọng tài chính của giải, cho rằng Bobby tiến bộ qua từng vòng đấu, và nếu giải có 56 vòng đấu, thay vì 28 vòng, thì thành tích của cậu chắc chắn sẽ tốt hơn. Dù thua Tal nhưng với việc có được 2 trận thắng trước Keres và bằng điểm với Smyslov, là quá đủ để chứng minh cậu xứng đáng nằm trong hàng ngũ các đại kiện tướng.

    Nhà vô địch thế giới Mikhail Botvinnik đánh giá về kỳ thủ 16 tuổi người Mỹ: "Điểm mạnh và điểm yếu của Fischer nằm ở chỗ cậu ta luôn luôn là chính mình và chỉ chơi theo cùng một kiểu bất chấp gặp đối thủ nào...". Đúng là Fischer hiếm khi thay đổi phong cách, và điều đó tạo lợi thế cho đối thủ vì họ biết trước loại khai cuộc nào mà cậu sẽ sử dụng, nhưng Botvinnik không hề biết được những lo lắng, khó chịu cũng như khổ sở của Fischer khi cậu phải hứng chịu "cái nhìn" của Tal.

    Tal đã hạ Bobby 3 ván, và cậu nung nấu ý chí phục thù khi bước vào ván thứ 4. Cậu chơi một ván cờ đầy quả cảm, với lời thề phải đánh bại Tal bằng mọi giá.

    Bobby cố gắng sử dụng chiến thuật tâm lý trong ván này, dù theo như cậu nói: "Tôi không tin vào tâm lý, tôi chỉ tin vào những nước cờ hay". Thông thường cậu sẽ thực hiện nước đi, nhấn đồng hồ, và sau đó ghi biên bản. Nhưng trong ván này, ở nước thứ 22, cậu đột ngột thay đổi trình tự. Thay vì đi quân trước thì cậu lại ghi biên bản nước mình chuẩn bị đi, chuyển sang ký hiệu tiếng Nga, rồi thoải mái đặt tờ biên bản lên bàn ở chỗ Tal có thể nhìn thấy, và trong khi đồng hồ đang chạy, cậu dò xét phản ứng của Tal.

    Tal nhận ra đó là một nước cờ có thể giúp Fischer chiếm ưu thế. Sau này anh viết lại: "Tôi rất muốn thay đổi quyết định của Fischer. Vì vậy tôi bình thản rời khỏi ghế và bắt đầu đi loanh quanh trên sân khấu, trò chuyện vui vẻ với Petrosian, nhìn vào bàn cờ của mình và quay trở lại chỗ ngồi với vẻ hài lòng". Vì Tal trông có vẻ thoải mái trước nước cờ mà Fischer dự định thực hiện, nên cậu xóa nước đó khỏi tờ biên bản, và thay vào đó, thực hiện một nước đi khác - chiếu Vua của Tal. Đó là một sai lầm.

    Bobby nhắm mắt lại. Cậu không cần nhìn vào bàn cờ nữa, vì nó đã in sâu trong tâm trí của cậu rồi. Cậu cố gắng thật tập trung vào ván đấu. Cậu dồn hết sức lực để tìm ra một nước đi, một phương án, một đòn đánh chiến thuật nào đó khả dĩ giúp cậu thoát ra được dòng nước đen chết chóc đang bủa vây lấy thế trận của mình. Cậu cố gắng tránh hết mọi cám dỗ có thể đưa đẩy cậu di chuyển quân đến một ô sai lầm.

    Nhưng than ôi, không một chiến thuật nào hiệu quả cả. Cậu lại thua. Bi kịch thay, đau đớn thay. Cậu khóc, và không thể nào che giấu được những giọt nước mắt. Tal thắng ván thứ 4, và cũng là ván đấu cuối cùng của hai người tại giải. Một chiến thắng đưa anh đi thẳng đến trận tranh chức vô địch thế giới với Botvinnik.

    ***

    Alexander Koblents, huấn luyện viên của Tal, có kể lại một câu chuyện sau giải Candidates 1959 như sau:

    Các đối thủ của Tal vô cùng ngạc nhiên khi được anh mời đến dự một bữa tối thân mật sau lễ bế mạc. Đây là một điều mới mẻ đối với các đại kiện tướng. Không khí tại bữa tiệc rất vui vẻ và thân thiện. Dường như những cảm xúc ganh đua trước đây của họ đều tan biến. Nhưng chính tại đây lại xảy ra một sự việc khiến tôi không thể nào quên được.

    Khi nhìn gương mặt hạnh phúc của Misha, tôi không thể không nhớ đến Tiến sĩ Nekhemye Tal, một con người với học vấn thật uyên bác, và cũng là một người cha hết mực yêu thương con. Chính ông đã dạy Misha chơi cờ, và tôi tưởng tượng ông sẽ hạnh phúc biết bao, nếu như ông còn sống để được chứng kiến ngày hôm nay. Và vì tôi là người tuyên bố nâng cốc chúc mừng tại bữa tiệc, nên tôi đề nghị hãy chúc mừng cho những người cha của chúng tôi.

    Đó dường như chỉ là một việc làm vô hại, nhưng bạn hãy nhìn vào phản ứng của Fischer! Cậu ấy ngay lập tức rời khỏi bữa tiệc với cặp mắt rưng rưng. Làm thế nào tôi biết được những hành động nóng nảy của tài năng trẻ này lại là hậu quả của một tuổi thơ bi kịch. Mãi sau này, khi đọc một bài phỏng vấn trên báo vào đầu những năm 70, tôi mới hiểu được tại sao vào ngày hôm đó Fischer lại buồn bã đến vậy và bỏ đi.

    "Cha tôi bỏ mẹ tôi khi tôi chỉ mới 2 tuổi. Tôi chưa bao giờ được gặp ông ấy. Mẹ tôi chỉ nói với tôi rằng tên ông ấy là Gerhardt và ông là một người Đức rất tốt. Những đứa trẻ lớn lên mà không có tình thương của cha sẽ trở thành những con sói", Fischer nói với phóng viên.
     
  3. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Đối với nhiều người, và hầu hết các kỳ thủ, việc muốn được một bữa ăn chung với Fischer cũng khó như ăn tối với ngôi sao điện ảnh. Cậu giờ đã là một ngôi sao trong làng cờ, nhưng danh tiếng càng cao, cách cư xử của cậu càng khó ưa. Những thành công đến liên tiếp trên bàn cờ khiến cho cái tôi của cậu càng lớn hơn. Bên ngoài là một Bobby quyến rũ với nụ cười sôi nổi, còn bên trong là một Bobby khó chịu với thái độ khinh khỉnh và thường hay cáu kỉnh. Mọi người đều muốn là bạn của Bobby, là một phần trong cuộc sống của cậu ta, và cậu ta biết điều đó. Nhưng chỉ một lỗi lầm của họ, một sự bất đồng, hay lỡ một cuộc hẹn là đủ để Bobby chấm dứt mối quan hệ. Và mối quan hệ đó sẽ bị chấm dứt mãi mãi; luôn có những người khác thế chỗ cho người đó.

    Nếu bạn không biết chơi cờ, bạn gần như không thể bước vào được thế giới của Bobby, và sự thiếu tôn trọng của cậu ta với các kỳ thủ yếu dường như còn nhiều hơn cả những người không biết chơi.

    Và, cũng luôn có những vấn đề về tiền bạc với Bobby. Những câu hỏi cứ lẩn quẩn với Bobby: Nếu cậu là một trong những kỳ thủ giỏi nhất thế giới, hay ít ra là giỏi nhất ở Mỹ, thì tại sao cậu không thể kiếm sống được bằng nghề của mình? Trong khi lương trung bình của một người Mỹ ở thời điểm đó là 5500 USD một năm, thì Bobby chỉ kiếm được vừa đủ 1000 USD cho một năm làm việc vất vả trên bàn cờ. Tiền thưởng cho cậu tại Candidates Tournament chỉ vỏn vẹn 200 USD. Tại sao Quỹ Tài Trợ Cờ Vua Mỹ không thể tài trợ cho cậu? Họ tài trợ cho Reshevsky, thậm chí còn cho anh ta học đại học. Hay là tại cậu không tôn sùng người Do Thái, trong khi Reshevsky là người Do Thái chính thống? Hầu như tất cả những người lãnh đạo của quỹ tài trợ đều là người Do Thái. Hay là họ muốn gây áp lực để cậu phải tuân theo ý họ? Để quay lại trường học? Có phải họ không tôn trọng cậu vì cậu "chỉ là một đứa trẻ"? Hay là tại vì cách ăn mặc của cậu?

    Những cú điện thoại và điện tín liên tục bay đến Bobby vào cuối tháng 11 và những tuần đầu của tháng 12. Họ hỏi cậu có thi đấu bảo vệ danh hiệu vô địch Mỹ tại giải Rosenwald không. Một bức thư đến vào đầu tháng 12 thông báo về việc họ đã xếp cặp thi đấu. Danh sách có 12 kỳ thủ - bao gồm cả Bobby - và họ đã xếp lịch chi tiết ai đấu ngày nào, cầm màu quân gì ở mỗi vòng đấu. Bobby nổi đóa, vì việc tổ chức một buổi lễ xếp cặp công khai đã trở thành truyền thống, cậu lớn tiếng nói, ở các giải châu Âu và phần lớn các giải quốc tế khác.

    Ban tổ chức Rosenwald, hiểu ý Bobby cho rằng họ thông đồng để tạo lợi thế cho một hay một vài kỳ thủ nào đó, nên tỏ ra rất giận dữ trước sự phản đối của Bobby. "Đơn giản thôi", Bobby đáp lại, "chỉ cần xếp cặp lại... và xếp công khai". Họ từ chối, và Bobby 16 tuổi đe dọa sẽ kiện việc này. Tờ The New York Times đưa sự việc này lên mặt báo. Một cuộc cãi vã dữ dội nổ ra, và Bobby được cho biết cậu sẽ được thay thế bởi một kỳ thủ khác nếu từ chối tham gia. Cuối cùng tình hình cũng được xoa dịu khi ban tổ chức đồng ý cho Bobby thi đấu lần này, còn việc xếp cặp công khai sẽ được tiến hành vào năm sau. Thế là đủ cho Bobby nhượng bộ. Cậu đồng ý thi đấu, và ẵm gọn chức vô địch.
     
  4. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Trong quá khứ, Bobby đã từng nhiều lần bị phê bình vì kiểu cách ăn mặc của mình. Ví dụ, một bài báo trên tờ Sunday đã cho đăng một bức ảnh cậu biểu diễn thi đấu đồng loạt với chú thích: "Dù danh tiếng đang lên, nhưng Bobby vẫn còn ăn mặc quá tự nhiên: áo sơ mi sọc vuông, quần gấp nếp, trái ngược với các đối thủ luôn vận comlê và đeo cà vạt".

    Sau đó, Pal Benko, kỳ thủ đã từng thi đấu với Bobby tại Candidates Tournament, nói chuyện với Bobby và đề nghị cậu thay đổi cách ăn mặc. Ông giới thiệu Bobby với người thợ chuyên may quần áo của ông, để anh chàng Bobby có thể đặt may vài bộ comlê cho riêng mình. Làm thế nào Bobby có đủ tiền trả cho những bộ quần áo đó vẫn còn là điều bí ẩn. Có lẽ là tiền từ việc bán quyển sách "Bobby Fischer’s Games of Chess", xuất bản năm 1959.

    Khi Bobby đến khách sạn Empire vào tháng 12 năm 1959 để thi đấu vòng đầu tiên của Giải Vô Địch Mỹ, cậu mặc một bộ comlê rất đẹp, áo sơ mi trắng vừa vặn, cà vạt trắng Sulka, và một đôi giày Ý. Ngoài ra, tóc cậu cũng được cắt chải gọn gàng. Một hình ảnh hoàn toàn khác so với cái cậu bé mặc áo len trượt tuyết, mang giày thể thao, tóc rối bù trước đây. Báo chí bắt đầu nói về một "Fischer mới", và cách ăn mặc của cậu cho thấy cậu đã bước vào tuổi trưởng thành.

    Các đối thủ của Bobby cố gắng che giấu sự ngạc nhiên trước diện mạo rất mới mẻ của chàng trai 16 tuổi. Và khi giải diễn ra, họ lại bị choáng váng theo cách khác: Bobby thi đấu rất xuất sắc, và không để thua một ván nào. Kết thúc giải, Bobby không những giữ vững chức vô địch Mỹ mà còn thiết lập một kỷ lục ấn tượng: Cậu vô địch Mỹ năm thứ ba liên tiếp, và chưa hề để thua một ván nào tại giải này trong suốt 3 năm qua.

    Vô địch giải này Bobby nhận được 1000 USD. Sau đó Jacob Wender, ông ngoại của cậu, qua đời, và Regina được thừa kế 14000 USD. Số tiền đó đủ cho gia đình Fischer - nếu biết tiết kiệm - sống trong vài năm. Chị gái Joan của Fischer đã đi lấy chồng, vì vậy Regina sử dụng số tiền này cho mình và con trai.
     
  5. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Tháng 3 năm 1960, Bobby 17 tuổi bay đến Mar del Plata, một resort bên bờ biển Atlantic của Argentina, phía nam Buenos Aires. Thành phố này có một truyền thống đáng tự hào về đăng cai các giải đấu quốc tế. Khi tới nơi, Bobby được đón tiếp rất chu đáo. Điều trở ngại duy nhất ở đây là mưa liên tục không ngớt và gió lạnh của biển. Regina, có lẽ đoán trước tình hình thời tiết bất lợi ở Mar del Plata, nên đã chuyển cho Bobby một đôi giày cao su và nhắc cậu nhớ mang theo chiếc áo khoác da trước khi rời Mỹ.

    Bobby nghĩ cậu sẽ dễ dàng vô địch giải Mar del Plata cho đến khi hay tin David Bronstein và Fridrik Olafsson cũng sẽ thi đấu ở giải này, chưa kể còn có đại kiện tướng 23 tuổi đến từ Leningrad, Boris Spassky. Nhưng Olafsson và Spassky không phải là mối lo thực sự của Bobby. Bronstein kìa.

    Một tuần trước khi đến Argentina, Bobby và Frank Brady (chủ tịch của câu lạc bộ cờ Marshall từ năm 2007 đến nay) ăn tối với nhau tại Cedar Tavern ở Greenwich Village, một trong những địa điểm ưa thích của Bobby.

    Bobby gọi bia Lowenbrau, còn Brady gọi Heineken. Anh bồi bàn không hỏi tuổi Bobby, dù cậu chỉ mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi uống bia rượu ở New York (ít nhất là phải 18 tuổi). Bobby chọn món mà không cần nhìn vào thực đơn. Cậu lấy một miếng thịt sườn nướng khổng lồ và ăn hết chỉ trong một vài phút. Như thể cậu là một võ sỹ quyền Anh hạng nặng đang thưởng thức bữa ăn cuối cùng trước khi bước vào một trận đấu lớn.

    Bobby vừa nhận được lịch thi đấu từ Mar del Plata. Tin xấu: cậu phải cầm Đen gặp cả hai đối thủ rất mạnh là Bronstein và Spassky.

    Sau đó cả Bobby và Brady đều yên lặng một lúc lâu. Sau cùng Brady cất tiếng: "Bobby, cậu chuẩn bị cho giải đấu này như thế nào? Tôi muốn biết cách cậu chuẩn bị". Bobby bỗng dưng trở nên vui vẻ khác thường và cảm thấy thú vị trước yêu cầu của Brady. "Đây, tôi sẽ cho anh xem", cậu vừa nói vừa mỉm cười, đoạn lấy chiếc bàn cờ bỏ túi thân quen của mình ra.

    [​IMG]
    Bobby Fischer và chiếc bàn cờ bỏ túi thân quen

    "Trước hết, tôi sẽ xem qua các ván cờ của tất cả các đối thủ, nhưng tôi chỉ thực sự chuẩn bị để đối đầu với Bronstein thôi. Spassky và Olafsson, tôi không sợ". Sau đó Bobby cho Brady xem ván cờ duy nhất của cậu với Bronstein - ván hòa tại Portoroz cách đây 2 năm. Cậu giải thích từng nước một cho Brady, chê trách một nước của Bronstein, rồi lại tán thưởng một nước khác. Bobby phân tích rất nhanh, cậu thảo luận về các nhánh phương án hay chiến thuật nào đó, lý giải có nên lựa chọn nước đi đó hay không. Giống như đang xem một bộ phim có thuyết minh vậy, nhưng có một điều khác biệt lớn: Bobby di chuyển các quân cờ và cậu nói quá nhanh, nhanh đến nỗi thật khó để theo kịp những bình luận của cậu, những giảng giải về ý đồ thực sự sau một "hư chiêu", những cái bẫy rình rập. "Tôi không thể chơi như thế vì nó sẽ làm suy yếu các ô đen" ... "Tôi không nghĩ đến nước này" ... "Không, ông ta đang đùa à?".

    Những khe rãnh trên bàn cờ bỏ túi của Bobby như rộng hơn sau hàng ngàn giờ phân tích. Hầu hết các quân cờ như Tượng, Vua, Hậu, đều bị mòn đi sau nhiều năm sử dụng. Nhưng, dĩ nhiên là chỉ cần chạm vào Bobby đã biết đó là quân gì, dù cho nó đã bị biến dạng. Những quân cờ nhỏ xíu giống như những con thú cưng của cậu.

    "Vấn đề với Bronstein", cậu tiếp tục, "là hầu như không thể đánh bại ông ta nếu ông ta đã quyết chí đánh hòa. Tại giải Zurich ông ta chơi hòa 20 trên tổng số 22 ván! Anh có đọc sách của ông ta không?". Brady bối rối trả lời: "Không. Nó bằng tiếng Nga à?". Bobby tỏ vẻ khó chịu, và ngạc nhiên vì Brady không biết ngôn ngữ đó. "Ừ, đọc đi! Một quyển sách tuyệt hay. Ông ta sẽ quyết đánh thắng tôi, tôi chắc chắn, và tôi cũng sẽ không đánh hòa".

    Xếp lại quân trong vài giây, và một lần nữa hầu như không nhìn vào Brady, Bobby nói: "Khó chuẩn bị đối sách trước ông ta vì ông ta có thể chơi theo bất cứ loại nào, chơi thế trận hay chơi chiến thuật, và bất cứ loại khai cuộc nào". Bobby bắt đầu trình diễn cho Brady, từ trí nhớ, hết ván này đến ván khác - dường như có đến hàng tá - tập trung vào các loại khai cuộc mà Bronstein sử dụng. Không chỉ thế, cậu còn phân tích lại những ván cờ mà Louis Paulsen đã chơi từ những năm 1800, và cả những ván của Aaron Nimzowitsch trong những năm 1920, cũng như những ván cờ chỉ mới được chơi cách đây vài tuần - những ván cờ lượm lặt từ các tờ báo Nga.

    Suốt cả buổi Bobby ngồi đánh giá từng phương án một, những khả năng để chọn lựa, các phương án thay thế, nước nào hay nhất... Giống như là một bài học lịch sử và cũng là một bài giảng về cờ, nhưng điều gây kinh ngạc nhất là trí nhớ tuyệt vời của Bobby. Cặp mắt cậu như dán chặt vào bàn cờ bỏ túi - đặt nhẹ nhàng trên bàn tay trái của cậu, tự nói chuyện với mình, hầu như không nhận ra sự có mặt của Brady hay là của chính cậu trong nhà hàng. Cậu thậm chí còn sôi nổi hơn cả khi thi đấu. Cậu lẩm bẩm: "Nếu anh ta chơi như thế... tôi sẽ khóa con Tượng anh ta lại". Rồi sau đó, cất giọng thật to đến nỗi những vị khách khác đều nhìn chằm chằm vào cậu: "Anh ta sẽ không chơi như thế".

    (Brady) Tôi bắt đầu khóc thầm, nhận ra trong khoảnh khắc thời gian ngừng lại đó tôi đã ở trước mặt của một thiên tài.
     
  6. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Tiên đoán của Bobby ở nhà hàng Cedar Tavern quả không sai. Tại Mar del Plata, khi Bronstein gặp Bobby ở vòng 12, kỳ thủ Xô Viết quyết tâm đánh thắng. Nhưng khi ván cờ gần đến tàn cuộc thì quân số hai bên hoàn toàn bằng nhau, và một kết cục hòa là không thể tránh khỏi. Kết thúc giải, Fischer và Spassky đồng hạng nhất (tuy vậy Fischer thua ván duy nhất tại giải trước Spassky). Cho đến lúc này, đó là thành tích quốc tế tốt nhất của Fischer.

    Nhưng giải đấu tại Buenos Aires 2 tháng sau thì đúng là một thảm họa. Buenos Aires là một thành phố mà Bobby rất thích: cậu thích thức ăn ở đây, thích tình yêu cờ tha thiết của con người nơi đây, và thích cả những đại lộ rộng thênh thang. Tuy nhiên, Bobby lại thi đấu cực kỳ tệ hại, điều rất ít thấy ở cậu. Những tin đồn bắt đầu lan ra, rằng cậu thức cho đến tận sáng hôm sau, ít nhất là một lần với một người đẹp bốc lửa của Argentina, khiến cho cậu bị kiệt sức và không chuẩn bị được gì để thi đấu với đối thủ. Rồi người ta lại cho là đại kiện tướng người Argentina Miguel Najdorf, người không thi đấu ở giải này, giới thiệu cậu với những thú chơi đêm ở thành phố, không quan tâm đến việc ông đang hủy hoại chàng trai mới lớn này. Và với sự nông nổi của tuổi 17, Bobby cho rằng mình vẫn dư sức thi đấu khi mà chỉ được ngủ rất ít, hết đêm này đến đêm khác. Không may, đến khi gặp hiểm nguy trên bàn cờ, cậu muốn gọi Nàng Thơ của mình để truyền cảm hứng thì không có hồi âm nữa rồi.

    Rất nhiều lý do, rất nhiều tin đồn được đưa ra để giải thích cho thành tích bết bát của cậu (sau này Bobby nói là vì điều kiện ánh sáng quá tệ). Trong số 19 đối thủ gặp tại giải, cậu chỉ thắng được 3 người, hòa 11, và thua hết số còn lại, xếp hạng 16/20

    Đối với Bobby, thất bại này thật là một nỗi nhục, đặc biệt là với một con người đầy tự tin, và có phần cao ngạo như cậu. Không những không đạt được mục tiêu đề ra, mà thậm chí còn đứng gần bét bảng xếp hạng, Samuel Reshevsky, đồng hương và cũng là đối thủ của cậu, đồng hạng nhất giải này với Viktor Korchnoi. Trong bức ảnh lưu niệm chụp các kỳ thủ tham dự giải, người ta thấy Bobby với đôi mắt không tập trung, hầu như không chú ý gì đến người chụp ảnh cũng như các kỳ thủ khác. Cậu đang nghĩ về màn trình diễn nghèo nàn của mình? Hay là quyết tâm chiến thắng của cậu tại giải này không đủ lớn?
     
  7. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Sau đó, Bobby đồng ý chơi ở bàn 1 cho đội tuyển Mỹ tại Olympic Cờ Vua Thế Giới, được tổ chức tại Leipzig, Đông Đức, vào tháng 10 năm 1960, nhưng những lãnh đạo của cờ vua Mỹ cho biết họ không đủ tiền để chi trả phí tổn cho đội tuyển tham dự giải. Một ủy ban được thành lập để góp tiền cho đội tuyển, và những người điều hành nhờ Bobby biểu diễn một trận đấu đồng loạt để quảng bá cho đội tuyển. Cậu chơi trên 20 bàn, và không có gì ngạc nhiên khi cậu thắng tất cả.

    Không may, dù trận cờ này được đưa tin trên một tờ báo địa phương, nhưng lại không nhấn mạnh về lý do tổ chức sự kiện: để thu hút tài chính cho đội tuyển cờ vua Mỹ. Nhưng nếu Bộ Ngoại Giao và Liên Đoàn Cờ Vua Mỹ không thể giúp thì Regina Fischer nghĩ bà có thể. Từ các hoạt động của Quỹ Tài Trợ Cờ Vua Mỹ, bà chứng minh rằng vài kỳ thủ (như Reshevsky) nhận được sự hỗ trợ trong khi số khác (như Bobby) thì không. Bà bày tỏ sự giận dữ trên báo chí, cũng như gửi thư đến chính phủ yêu cầu một lời giải thích công khai.

    Dù Bobby đã cảm thấy tuyệt vọng về cơ hội được đến Leipzig thi đấu Olympic đầu tiên trong đời mình, nhưng cậu cũng không thích sự giúp đỡ của Regina. Cậu tức giận vì sự can thiệp của bà, và ít nhất một lần đã chỉ trích công khai bà khi bà xuất hiện tại một giải cờ.

    Tuy nhiên, chính nhờ sự giúp đỡ của Regina mà cuối cùng Fischer cũng được tham dự Olympic (nói thêm về Regina, sau này bà gặp Cyril Pustan, một giáo viên cấp 3 và thợ sửa ống nước người Anh. Họ cùng có lòng tin về chính trị, tôn giáo và rất hòa hợp với nhau. Cuối cùng hai người kết hôn và định cư luôn ở Anh). Đội trưởng tuyển Mỹ tại Olympic lần này là Isaac Kashdan. Kashdan và Bobby chưa từng gặp nhau trước đây, nhưng Kashdan là một huyền thoại trong làng cờ. Ông là một đại kiện tướng quốc tế, một trong những kỳ thủ mạnh nhất của Mỹ từ cuối những năm 1920 đến những năm 1930. Ông từng thi đấu tại 5 kỳ Olympic, và giành được một số huy chương. Đã được cảnh báo trước rằng Bobby là một người "khó bảo", nên Kashdan băn khoăn lo ngại rằng Bobby sẽ không tuân theo những chỉ đạo của ông.

    Bobby có lẽ cảm nhận được sự thận trọng của người đội trưởng, vì cậu đã có nghe qua về sự nghiệp của Kashdan; và thậm chí còn biết nhiều ván cờ của ông. Kashdan sau này nói: "Tôi không gặp vấn đề thực sự gì với cậu ta. Tất cả những gì cậu ta muốn là chơi cờ. Đó là một tay cờ rất lợi hại". Dù chênh lệch gần 40 tuổi, nhưng hai người khá thân thiết với nhau và mối quan hệ này được duy trì trong nhiều năm.

    Một trong những điểm nhấn tại Olympic lần này chính là cuộc đụng độ giữa Mỹ và Liên Xô, và Bobby lại được tái ngộ Mikhail Tal - lúc này đã đăng cơ bảo điện sau khi truất ngôi của Botvinnik. Fischer và Tal gặp nhau ở vòng 5. Trước khi thực hiện nước đi đầu tiên của mình, Tal cứ nhìn chằm chằm vào bàn cờ, và cứ nhìn, cứ nhìn. Bobby tự hỏi liệu Tal có phải định dùng lại chiêu cũ hay không. Cuối cùng, sau 10 phút, Tal nhấc quân đi. Có lẽ anh hy vọng sẽ khiến cho Bobby cảm thấy không thoải mái. Nhưng Bobby vẫn rất tập trung, với lối đánh gây hấn liên tục. Tal cũng đáp trả rất quyết liệt. Một ván đấu không khoan nhượng, với những đòn tấn công và phản công tóe lửa. Cuối cùng trận hỗn chiến đẹp mắt kết thúc hòa. Sau này cả hai đều đưa ván cờ này vào trong những quyển sách của họ.

    [​IMG]
    Bobby Fischer năm 17 tuổi tại Olympic Leipzig 1960

    Và một số hình ảnh về trận đấu giữa Bobby Fischer và Mikhail Tal tại Olympic Leipzig 1960:

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    Việc Bobby 17 tuổi đấu hòa với nhà vô địch thế giới đã gây được sự chú ý, và nhiều kỳ thủ nhận định chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, cậu sẽ chiến đấu để tranh đoạt danh hiệu cao quý này.

    Phóng viên Dimitrije Bjelica (người đã đưa Bobby đi xem bộ phim về Van Gogh tại Candidates 1959) kể lại một câu chuyện thú vị về Bobby và Tal tại giải này:

    Olympic Leipzig đã kết thúc. Tại buổi lễ bế mạc, Tal và Fischer một lần nữa lại là tâm điểm của sự chú ý. Bobby và tôi ngồi cùng bàn với nhau. Cậu ấy rất vui vẻ nói chuyện với tôi: "Khi ở Bled anh có nghe tôi hát lần nào chưa? Nếu tôi không là một đại kiện tướng, thì gần như chắc chắn tôi sẽ trở thành một ca sĩ. Chính Smyslov đã nhìn thấy tài năng âm nhạc trong tôi. Nhưng tôi còn có tài khác nữa cơ", Bobby tiếp tục, "đợi tôi gọi Tal đã nhé".

    Khi Tal đến bên bàn của chúng tôi, Bobby nói với Tal: "Để tôi cho anh biết về con đường sự nghiệp của anh". Sau đó Bobby cầm lấy tay Tal, chăm chú nhìn vào lòng bàn tay, rồi thủng thẳng nói: "Tôi thấy anh là một kỳ thủ rất tài năng..."

    Nhiều kiện tướng và đại kiện tướng đã tụ tập quanh bàn của chúng tôi. Tất cả mọi người đều đang theo dõi và lắng nghe. Các máy quay phim cũng bắt đầu chĩa ống kính vào Tal và Bobby.

    "Lòng bàn tay của anh thậm chí còn cho biết anh có lối chơi rất sắc bén, phong cách đánh đòn phối hợp..."

    Trước sự hài hước của Bobby, Tal dĩ nhiên là cười lớn. Cả William Lombardy, người đang đứng cạnh Tal, cũng cười thú vị. Trong khi đó Bobby vừa cười toe toét vừa nói tiếp: "Nhưng tôi cũng có thể thấy anh sắp bị mất danh hiệu vô địch thế giới vào tay một đại kiện tướng trẻ tuổi người Mỹ..."

    Khỏi phải nói, Bobby rõ ràng là đang ám chỉ chính anh ta. Nhưng Tal ngay lập tức quay sang bắt tay Lombardy và nói: "Hoan hô, Billy! Vậy là chính anh chứ không ai khác sẽ là người kế vị tôi!"

    Mọi người đều cười ồ. Tôi không biết điều gì khiến cho họ thấy thích thú hơn: "tài nghệ" bói toán của Fischer hay là cú trả đòn rất hài hước của Tal.

    Chẳng bao lâu sau, tạp chí cờ Chess Life nhắc lại câu chuyện thú vị này, và bình luận: "Nhìn vào sự tự tin trên gương mặt của Fischer, chúng ta tự hỏi liệu anh ta có thực sự 'xem' mình là Nhà Vô Địch Thế Giới kế tiếp hay không".
     
  8. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Bobby tiếp tục giành được chức vô địch Mỹ mùa giải 1960-1961. Chess Life bình luận về sự kiện này:

    Với chiến thắng tại giải Vô Địch Mỹ lần thứ 4 liên tiếp, Bobby Fischer, Đại Kiện Tướng Quốc Tế 17 tuổi đến từ Brooklyn, đã khắc nên một dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử cờ vua Mỹ, và chứng minh rằng anh không chỉ là kỳ thủ vĩ đại nhất mà đất nước đã từng sản sinh ra, mà còn là một trong những tay cờ mạnh nhất thế giới. Fischer chưa thua một ván nào trong giải Mỹ kể từ năm 1957.

    Tuy nhiên, có một vấn đề nảy sinh: Reshevsky không đồng ý với điều đó, cũng như cả những người ủng hộ ông.

    Vài kỳ thủ nhận thấy đó là một sự xúc phạm khi tuyên bố Fischer là kỳ thủ vĩ đại nhất của Mỹ ở tuổi 17, và do đó đã làm giảm mất danh tiếng của Reshevsky ở tuổi 50. Có một bài nghiên cứu xuất bản năm đó trên tạp chí American Statistician, "Yếu tố tuổi tác trong cờ vua", mà tác giả cho là các kiện tướng cờ sẽ sa sút phong độ sau một độ tuổi nhất định nào đó. Reshevsky muốn chứng minh bài viết đó là sai.

    Trong nhiều năm Reshevsky đã được xem như là kỳ thủ Mỹ "vĩ đại nhất", còn bây giờ thì mọi danh vọng mỹ từ đều được dành cho Bobby, mà nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là một tay cờ trẻ mới nổi, và có phần thiếu lễ độ.

    Những quan chức của Quỹ Tài Trợ Cờ Vua Mỹ vẫn tin rằng Reshevsky là kỳ thủ giỏi hơn, và họ sắp xếp một trận đấu để ông chứng minh thực lực của mình. Reshevsky tuyên bố: "Dù gì đi nữa Fischer cũng không thể hiện được gì trước tôi cả. Trong một trận đấu tay đôi anh ta sẽ không bao giờ đánh bại được tôi". Và Bobby Fischer chấp nhận lời thách thức. Mùa hè năm 1961, một trận đấu gồm 16 ván được tổ chức với quỹ giải thưởng 8000 USD được hứa hẹn, với 1000 USD thưởng trước cho mỗi người. Số còn lại, 65% sẽ dành cho người thắng cuộc, và 35% cho người thua. Một trận đấu như vậy có thể ví với những cặp đại đối đầu trong lịch sử nhân loại, như Mozart với Salieri, hay Napoleon với Wellington. 4 tay cờ hàng đầu thế giới - Svetozar Gligorich, Bent Larsen, Paul Keres và Tigran Petrosian - được hỏi ý kiến về trận đấu này, và không một ai nghiêng về Fischer cả. Petrosian dự đoán tỉ số sẽ là 9,5-6,5 nghiêng về Reshevsky, Keres 9-7, trong khi Gligorich và Larsen chỉ trả lời đơn giản rằng Reshevsky sẽ thắng.

    Reshevsky, một người hói, nhỏ con, có một tính cách nghiêm nghị và cương quyết. Ông là một con người lịch sự nhưng luôn ngắn gọn. Bobby thì lại khác hẳn. Anh ta cao lênh khênh, một anh chàng hay nổi cáu, một hoàng tử cờ vua đôi lúc cũng tỏ ra hào hoa phong nhã. Và phong cách chơi cờ của họ cũng khác nhau: những ván cờ của Reshevsky hiếm khi có chất thơ, và không giàu cảm xúc. Nhà vô địch lâu năm thường bị rơi vào tình trạng thiếu thời gian (time pressure hay time trouble), và chỉ vừa kịp tránh bị xử thua vì hết giờ. Còn những ván cờ của Fischer thì trong suốt như pha lê, nhưng rất tài tình và mưu trí. Bobby tự học, và sau nhiều năm tập luyện cậu biết cách sử dụng thời gian để hầu như không bao giờ bị rơi vào tình trạng bị sức ép về thời gian như vậy (chính nhờ Jack Collins đã đặt mua một chiếc đồng hồ của Đức cho Bobby luyện tập).

    [​IMG]
    Thần đồng 8 tuổi Samuel Reshevsky, đánh bại vài kiện tướng trong trận đấu tại Pháp


    [​IMG]
    Samuel Reshevsky

    Còn những điểm khác biệt nào nữa? Fischer luôn chuẩn bị rất chu đáo - "booked up", như người ta vẫn thường nói - để chỉ những cách tân và nước biến mới trong khai cuộc. Còn Reshevsky thì thường ít chuẩn bị và phải lựa chọn những nước đi hiệu quả nhất trong quá trình thi đấu, do đó làm lãng phí thời gian. Fischer là kỳ thủ chơi thiên về chiến thuật (tactical player), với ngọn lửa của sự tài hoa; còn Reshevsky là kỳ thủ với lối đánh thế trận (positional player). Ông điều quân để đạt được từng ưu thế nhỏ với một sự nhẫn nại tuyệt vời. Ông còn có khả năng giành chiến thắng trong những thế cờ rất tinh tế, mong manh (delicate position).

    Nhưng cuối cùng thì mục đích của trận đấu này không phải để xem thử lối đánh của ai hay hơn, mà là để xác định ai là tay cờ mạnh nhất của Mỹ hiện nay.

    Trận đấu diễn ra như một trò chơi bập bênh. Bobby thắng... hòa... rồi lại Reshevsky thắng. Đến ván thứ 11, tỉ số hòa nhau 5,5-5,5. Tuy nhiên đến ván thứ 12 thì gặp khó khăn trong việc sắp xếp, vì nó rơi vào ngày thứ bảy. Đây là ngày Sabbath theo đạo Do Thái (ngày nghỉ ngơi và thờ phụng Chúa), trong khi Reshevsky là một người Do Thái chính thống nên ông không thể thi đấu trong ngày này cho đến sau khi mặt trời lặn. (vào giai đoạn đầu của sự nghiệp Reshevsky cũng thi đấu trước khi mặt trời lặn, nhưng ông tin rằng chính sự vi phạm này đã gây ra cái chết cho người cha của mình, vì vậy từ đó ông từ chối thi đấu vào ngày Sabbath). Giờ thi đấu vì vậy được đổi thành 8:30 tối. Khi có người chỉ ra rằng nếu ván cờ bắt đầu vào giờ đó thì có thể kéo dài đến tận 2 giờ sáng hôm sau, nên giờ thi đấu lại được dời sang 1:30 chiều hôm sau - ngày chủ nhật.

    Phức tạp lại tiếp tục nảy sinh, lần này từ Jacqueline Piatigorsky (tên thời con gái là Rothchild, một thành viên của một trong những gia tộc giàu có nhất châu Âu), một trong những nhà tài trợ cho trận đấu. Bà kết hôn với nghệ sĩ cello Gregor Piatigorsky, người sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc vào chiều chủ nhật. Bà muốn tham dự buổi hòa nhạc của chồng, vì vậy yêu cầu dời trận đấu sang 11:00 sáng. Bobby, chuyên gia ngủ nướng, và chưa bao giờ thay đổi thói quen của mình, phản đối ngay lập tức. Anh ta không thể chơi vào giờ đó, Bobby nói, "Thật lố bịch". Bobby không hiểu tại sao mình lại phải mua vui cho bà Piatigorsky. Bà có thể đến xem ván cờ sau khi xong buổi hòa nhạc, anh ta cự lại. Có thể giờ đó họ vẫn còn đang thi đấu.

    Tại địa điểm tổ chức giải - khách sạn Beverly Hilton - đồng hồ cờ của Bobby được bắt đầu lúc 11:00 sáng. Reshevsky cứ đi tới đi lui, vài khán giả thì kiên nhẫn chờ đợi, và khi lá cờ nhỏ màu đỏ rơi xuống vào 12 giờ trưa, ban tổ chức tuyên bố phần thắng thuộc về Reshevsky. Ván thứ 13 sẽ được đấu tiếp ở New York tại khách sạn Empire.

    Bobby nói anh ta sẵn lòng tiếp tục trận đấu, nhưng ván kế tiếp phải là ván 12, và kết quả thua vì bỏ cuộc của anh ta phải bị hủy bỏ. Anh ta không muốn mình bị thất thế, vì ván thua lãng xẹt đó có thể quyết định kết quả trận đấu.

    Reshevsky lại bồn chồn bước đi trân sân khấu, một lần nữa phải chờ đợi Bobby đến thi đấu ván 13 gây tranh cãi. Khoảng 20 khán giả và nhiều phóng viên, nhiếp ảnh gia cũng chờ đợi, nhìn vào chiếc bàn bỏ trống, còn Reshevsky thì không hề dừng bước.

    1 tiếng đồng hồ trôi qua, I. A. Horowitz, trọng tài, tuyên bố Reshevsky thắng ván này. Sau đó Walter Fried, chủ tịch của Quỹ Tài Trợ Cờ Vua Mỹ, bước vào phòng, tuyên bố Fischer bỏ cuộc và Reshevsky là người chiến thắng chung cuộc trong trận đấu. "Fischer chĩa súng vào đầu chúng ta", sau này ông nói, giải thích về sự đổ vỡ đột ngột của một trong những trận đấu quan trọng nhất của cờ vua Mỹ từng được tổ chức.

    Cuối cùng Bobby kiện Reshevsky và Quỹ Tài Trợ Cờ Vua Mỹ ra tòa, yêu cầu tòa án cho tiếp tục trận đấu và cấm Reshevsky thi đấu ở tất cả các giải cho đến khi vấn đề này được giải quyết. Chuyện này lần khần trong các tòa án suốt nhiều năm và sau cùng chìm xuồng. Dù sau này Fischer và Reshevsky vẫn gặp nhau trong các giải đấu, nhưng đây quả thực là một tai nạn không may đến từ thói quen ngủ nướng thâm căn cố đế của Bobby, và từ sự cố chấp của cả hai bên.
     
  9. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Để xua đi cảm giác bực tức từ trận đấu với Reshevsky, Bobby muốn rời xa New York và làm điều mà anh luôn cảm thấy hạnh phúc: chơi cờ. Anh đã nhận lời tham dự một giải mời ở Bled, Yugoslavia, gồm 20 kỳ thủ, hứa hẹn là một trong những giải quốc tế mạnh nhất trong năm. Nhưng trước tiên anh phải chuẩn bị, và anh chỉ còn có 3 tuần để làm việc đó.

    Thông thường, thời gian biểu của Bobby gồm 5 tiếng mỗi ngày dành cho việc nghiên cứu: những ván cờ, khai cuộc, các phương án, và tàn cuộc. Và sau đó, dĩ nhiên, là 5 tiếng hoặc nhiều hơn dành cho việc chơi cờ nhanh với những học trò của Collins hoặc các thành viên trong câu lạc bộ. Bobby thích đấu cờ nhanh, vì nó tạo cho anh cơ hội thử nghiệm các biến mới, rèn luyện trực giác và buộc anh phải tin tưởng vào chính mình.

    Nhưng để thi đấu tại một giải quốc tế như thế, anh cần phải dùng nhiều thời gian hơn nữa cho việc phân tích, nghiên cứu và ghi nhớ. Anh ngừng trả lời điện thoại, chỉ ngồi một mình với bàn cờ, quẳng vài bộ quần áo vào vali, và không cho ai biết mình đi đâu. Có lúc anh ngồi nghiên cứu đến hơn 16 tiếng một ngày.

    Malcolm Gladwell, trong quyển sách Outliers, miêu tả cách mà con người đạt thành công trong tất cả các lĩnh vực. Ông trích dẫn câu nói của nhà thần kinh học Daniel Levitin cho biết con số ma thuật để đạt được sự thành thạo thực sự là 10,000 giờ luyện tập. Gladwell sau đó đề cập đến Bobby: "Để trở thành một đại kiện tướng quốc tế dường như phải mất khoảng 10 năm (còn huyền thoại Bobby Fischer để đạt đến trình độ đó chỉ mất 9 năm). Muốn giỏi thì bạn cần phải luyện tập...". Một ước tính cho thấy Bobby chơi 1000 ván cờ một năm trong khoảng thời gian từ 9 tuổi đến 11 tuổi, và 12000 ván cờ một năm từ năm 11 tuổi đến năm 13 tuổi, và hầu hết là cờ nhanh. Những ván cờ đó không chỉ đơn thuần là luyện tập, mà nó còn chính là các bài học. Những nước đi, những thế cờ đã từng chơi sẽ được lưu giữ lại trong tiềm thức, và khi cần thì nó sẽ được gọi ra...

    Bobby bây giờ đã 18 tuổi, và anh đến tham dự giải Bled 1961 trong một bộ comlê thật đẹp, trông anh bảnh bao và già dặn hơn. Nhiều người ở Yugoslav thoạt nhìn không nhận ra anh.

    Bobby đang đi trên đường thì bị bao vây bởi các fan hâm mộ muốn xin chữ ký. Sau hai giải Interzonal và Candidates Tournament 1958-1959 đều được tổ chức tại Yugoslavia, Bobby học được một ít ngôn ngữ để có thể ký tên của mình bằng tiếng Serbo-Croat. Các fan phát cuồng khi được Bobby ký tặng bằng ngôn ngữ của họ. Khi một khán giả từ Moscow hỏi xin chữ ký, Bobby lại ký bằng tiếng Nga, chỉ cần sửa lại vài ký tự.

    Đối với Bobby, điểm nhấn tại giải này chính là ván đấu với Tal ở vòng 2. Tal bây giờ đã ít nhìn chằm chằm vào Bobby hơn. Trong ván đấu Tal phạm hai sai lầm liên tiếp ở nước thứ 6 và thứ 9, chơi lúng túng trong khai cuộc mà Bobby đã chuẩn bị sẵn để đối phó. Sự sa sút phong độ này có thể do Tal không được khỏe. Lối chơi của Bobby không hẳn là sắc bén nhất, nhưng anh khai thác từng điểm yếu trong thế trận của đối thủ và chiếm ưu thế. Tal rơi vào một tàn cuộc vô vọng và buộc phải đầu hàng. Những tràng pháo tay vang lên như sấm dậy. Bobby giành được chiến thắng đầu tiên trước một trong những kỳ thủ mạnh nhất thế giới, cựu Vô Địch Thế Giới Mikhail Tal (anh đã thất bại trước Botvinnik trong trận tái đấu tháng 3 năm 1961).

    Khi Tal và Fischer rời khỏi sân khấu, các phóng viên chạy theo hỏi bình luận của họ về trận đấu này. Hai chàng trai trẻ hài hước nói với đám đông:

    Tal (thở dài): Thật khó mà đấu lại lý thuyết của Einstein.
    Fischer (hả hê): Cuối cùng thì anh ta cũng không thoát khỏi tay tôi !

    Bobby không hài lòng với kết quả về nhì chung cuộc (Tal là người vô địch), và cũng như Tal, đổ lỗi một số ván hòa là do vấn đề về sức khỏe. Khi kết thúc giải, Bobby cảm thấy bị đau bụng, và gặp khó khăn trong việc ăn uống. Khi cơn đau trở nên tồi tệ hơn, vài kỳ thủ khuyên Bobby cần phải gặp bác sĩ.

    Một bác sĩ được mời đến khách sạn Toplice, và một kỳ thủ người Yugoslavia đóng vai trò phiên dịch. Ngay khi bác sĩ chạm vào bụng, Bobby đã đau chịu không nổi. "Dường như là bị viêm ruột thừa", bác sĩ cảnh báo. "Anh phải đến bệnh viện. Nếu không khi ruột thừa bị vỡ, anh có thể bị viêm màng bụng và nhiễm trùng lan rộng". Bobby hỏi liệu có thể làm gì đó mà không cần đến bệnh viện không. "Không", bác sĩ trả lời dứt khoát. Bobby đành miễn cưỡng đồng ý, và anh được chở từ Bled đến Banja Luka ở Bosnia để điều trị tại một bệnh viện lớn của trường đại học. Anh khẩn cầu bác sĩ đừng phẫu thuật, dù họ đã nói với anh rằng đó chỉ là một cuộc phẫu thuật đơn giản, và anh sẽ gặp nguy hiểm nếu như không chịu phẫu thuật. Họ đảm bảo anh sẽ khỏe và đi lại được chỉ trong vài ngày, nhưng anh vẫn không chịu. Không những sợ mổ, Bobby còn sợ cả thuốc gây tê. Anh thậm chí còn không muốn uống thuốc để giảm cơn đau. Các bác sĩ phải thuyết phục anh và yêu cầu anh dùng kháng sinh. Cuối cùng cơn đau giảm dần và sau hai, ba ngày anh đã cảm thấy khỏe lại. Bobby cảm ơn các bác sĩ rối rít vì đã không động dao kéo với anh.

    Bobby không hẳn chỉ hoàn toàn dành hết thời gian cho cờ. Anh cũng là một con người sùng đạo, và thường đến Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo (Worldwide Church of God) lắng nghe các bài thuyết giáo của Reverend Armstrong, và nghiên cứu về Kinh Thánh. Nhưng rốt cuộc, anh thấy việc này làm ảnh hưởng đến công việc của mình. Anh không thể dành 10 đến 12 tiếng một ngày để nghiên cứu cờ, rồi lại 6 đến 8 tiếng đồng hồ cho việc đọc Kinh Thánh. Không từ bỏ Armstrong, nhưng anh nhận thấy Caissa (vị nữ thần hộ mệnh của cờ vua) có ý nghĩa với anh hơn là Nhà Thờ Thiên Chúa. Phải tập trung, tập trung, tập trung! Cờ phải là ưu tiên hàng đầu, là mục tiêu tối thượng, nếu không giấc mơ trở thành Nhà Vô Địch Thế Giới chỉ mãi là một giấc mơ.
     
  10. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1962, Bobby Fischer tham dự Stockholm Interzonal Tournament ở Thụy Điển. Một giải đấu cực kỳ ấn tượng của Bobby. Lần đầu tiên kể từ năm 1948, các kỳ thủ Xô Viết không thể vô địch giải này. Bobby thống trị hoàn toàn với khoảng cách 2,5 điểm so với người về nhì, và ấn tượng hơn khi anh không thua một ván nào trong 22 ván đã đấu tại giải. Phần thưởng lớn nhất cho Bobby chính là một suất tham dự Candidates Tournament vào tháng 5, với tư cách là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch.

    Nhiều người nghĩ rằng chuỗi 41 trận bất bại của Bobby, kéo dài từ giải Bled sang giải Stockholm, là một kỳ tích không thể tin nổi. Chưa đầy một tuần nữa là sẽ bước sang tuổi 19, Bobby Fischer đã đưa mình trở thành một trong những kỳ thủ phi thường nhất trên thế giới. Nhưng đây không phải là lúc để hả hê, tự mãn hay nghỉ ngơi. Mục tiêu của Bobby là chức Vô Địch Thế Giới.

    Tuy nhiên có một vấn đề muôn thuở khiến Bobby đau lòng. Trước khi rời Thụy Điển, anh nhận được một chiếc phong bì trắng chứa tiền thưởng cho thành tích xuất sắc tại giải đấu vừa qua: chỉ có vỏn vẹn 750 USD. Bobby chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.

    Bây giờ anh chỉ còn đúng 6 tuần để chuẩn bị cho Candidates Tournament tổ chức trên một hòn đảo của Curacao, cách bờ biển Venezuela 38 dặm. Người chiến thắng tại Curacao sẽ được quyền thách đấu với đương kim Vô Địch Thế Giới Mikhail Botvinnik.

    Quay trở lại căn hộ ở Brooklyn, Bobby lao ngay vào làm việc: một mình bên bàn cờ, phân tích từng ván một, tìm kiếm những phương án mới trong khai cuộc. Anh phân loại những nước biến nào là quan trọng, luôn luôn loại trừ những nước cờ không hoàn hảo, và chỉ lựa chọn những nước đi hợp lý nhất - mà không thể bị phản công.

    Trước khi Candidates Tournament 1962 khai diễn, mọi dự đoán đều nghiêng về Bobby. "Fischer tiến bộ từ giải này sang giải khác", Mikhail Tal nói. Bobby vượt qua thành tích ấn tượng của mình tại Bled bằng một chiến thắng còn rực rỡ hơn ở Stockholm, và dường như anh đã đạt đến đỉnh cao phong độ.

    [​IMG]
    Bobby Fischer năm 19 tuổi

    Tuy vậy, một loạt bất ngờ đã diễn ra mà không ai lường trước. Cả Fischer và Tal đều thua ở cả 2 vòng đấu đầu tiên. Vài người cho rằng có thể do Bobby đã dành quá nhiều thời gian đi đánh bạc, nhưng Arthur Bisguier (trợ tá của Bobby), nói rằng Bobby chỉ thỉnh thoảng lang thang trong casino vào buổi tối, và chơi với những cái máy đánh bạc cho đến chán. Bobby không coi ti vi và cũng không đi xem phim vì anh ta cho rằng những hoạt động đó có hại cho mắt. Bobby cũng có một lần đi xem đấu quyền Anh và vào hộp đêm vài lần, nhưng trái tim và hứng thú của anh ta không nằm ở đó.

    [​IMG]
    Kỳ thủ Arthur Bisguier

    Và có một sự cố hy hữu đã xảy ra tại Curacao 1962:

    Đại kiện tướng Pal Benko, kỳ thủ người Hungary lúc này đã nhập tịch Mỹ, bước vào căn phòng của Bobby tại khách sạn Intercontinental ở Curacao, chẳng bao lâu sau khi Arthur Bisguier, trợ tá của Bobby đến.

    "Chúng tôi sẽ làm việc ngay bây giờ", Bobby nói thô bạo với Benko, khi anh ta đang ngồi ăn tối trong phòng. Bobby và Bisguier đã dự định phân tích vài ván cờ. "Anh không thể đến được".
    "Được. Tôi có thể. Bisguier cũng là trợ tá của tôi", Benko nói.
    "Bisguier cũng là trợ tá của tôi", Bobby nhái lại, cố gắng bắt chước thật giống chất giọng Hungary của Benko.
    "Sao anh lại chế nhạo tôi?", Benko hỏi.
    "Sao anh lại chế nhạo tôi?", Bobby nhái tiếp.
    "Thôi ngay!"
    "Thôi ngay!"

    Bisguier đứng dậy dùng lời giảng hòa, cố hết sức xoa dịu tình hình.

    "Cút ra khỏi phòng tôi!", Bobby ra lệnh.
    "Không, anh cút!", Benko phản pháo, dù lời lẽ có hơi vô lý.

    Không rõ ai là người đánh trước, nhưng Bobby là người kém thế hơn. Những cú đấm đá trả đòn lia lịa diễn ra khi hai đại kiện tướng la hét nhau. Bisguier nhảy vào và tách hai người ra. Nhiều năm sau Benko thú nhận: "Tôi rất tiếc vì đã đánh Bobby. Nhưng anh ta là một kẻ bệnh hoạn". Trong lịch sử cờ vua, đây là vụ choảng nhau đầu tiên được ghi nhận giữa hai đại kiện tướng, và cả hai đều có triển vọng sẽ trở thành Nhà Vô Địch Thế Giới.

    Ngày hôm sau Bobby viết một bức thư gửi cho ban tổ chức, yêu cầu đuổi Benko khỏi giải. Tuy nhiên, ban tổ chức không làm gì.

    [​IMG]
    Ván đấu Keres - Fischer tại Candidates 1959 (Pal Benko là người đứng giữa Keres với Fischer)

    Một bài viết ở link Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link nói chi tiết hơn về vụ việc này:

    Sau vòng 5, cả Fischer và Benko đều đang có những ván cờ tạm hoãn. Fischer yêu cầu Bisguier giúp đỡ mình. Còn Benko, người khởi đầu giải đấu tốt hơn, cũng muốn Bisguier giúp mình ván cờ đang dang dở với Petrosian. Đã có một trận cãi vã nổ ra, và Benko dường như đã mất bình tĩnh. Ngày hôm sau Fischer viết một bức thư gửi cho ủy ban tổ chức giải Curacao Candidates Tournament 1962:

    Đây là phản đối chính thức về hành vi của Pal Benko. Vào đêm 9 tháng 5, trước nửa đêm một chút, Benko đã bước vào phòng mà không được sự cho phép của tôi; anh ta đi theo Bisguier. Tôi ngay lập tức yêu cầu anh ta rời khỏi phòng nhưng anh ta đã từ chối. Tôi lặp lại yêu cầu của mình và anh ta vẫn từ chối. Anh ta bắt đầu nổi giận khi tôi từ chối cho phép trợ tá của mình, Arthur Bisguier, giúp anh ta (Benko) phân tích ván đấu tạm hoãn với Petrosian. Anh ta xúc phạm tôi, và khi tôi trả lời lại thì anh ta lao vào đánh tôi lúc tôi đang ngồi trên ghế. Tôi không đánh trả. Sau cùng anh ta rời khỏi phòng...

    Tôi đề nghị Benko phải bị trừng phạt và/hoặc bị trục xuất khỏi giải.

    Arthur Bisguier chứng kiến sự việc trên.

    Trân trọng,
    Robert Fischer

    Và đây là tường thuật lại sự việc từ Arthur Bisguier (cũng nằm trong link trên):

    Tôi là trợ tá chính thức của Fischer tại Curacao, và tôi cũng bày tỏ mình sẵn lòng giúp đỡ cho Benko. Nhưng Fischer yêu cầu tôi chỉ trợ giúp cho anh ta. Anh ta giải thích rằng vì Candidates Tournament là một giải đấu cá nhân, không phải giải đồng đội nên Benko cũng là một địch thủ của Fischer.

    Fischer được dự đoán sẽ là người vô địch, trong khi Benko chỉ được xem như ngựa ô. Tôi đã ngầm định rằng bất cứ lúc nào Fischer không cần hỗ trợ, thì tôi sẽ giúp đỡ cho Benko phân tích các ván cờ tạm hoãn nếu như ván đó không làm phương hại đến quyền lợi của Fischer.

    Sự cố xảy ra sau vòng đấu thứ 5. Fischer khởi đầu giải một cách tệ hại. Anh ta bị văng ra khỏi cuộc đua khi chỉ có 1,5 điểm sau 5 ván đầu tiên. Fischer vừa bị thua một ván trước Korchnoi và đang rất nản chí. Sau đó tôi và Fischer về phòng của anh ta và anh ta gọi bữa tối lên.

    Trong khi đó, Benko đã gây bất ngờ lớn tại giải. Sử dụng vũ khí bí mật, 1.g3, anh ta đánh bại Fischer ở vòng đầu tiên và Tal ở vòng thứ 3. Dù vậy anh ta cũng thua Filip ở vòng 2 và hòa Korchnoi ở vòng 4. Sau vòng 5, anh ta có một ván cờ tạm hoãn với ưu thế lớn trước Petrosian.

    Trong khi Fischer đang ăn và tôi cố an ủi anh ta thì Benko gõ cửa. Rõ ràng anh ta tìm tôi nhờ giúp đỡ ván hoãn đấu. Tôi cố cảnh báo anh ta và ra hiệu là tôi sẽ đến giúp anh ta sau khi xong việc với Bobby. Fischer sau đó hỏi Benko rằng anh ta muốn gì, và khi được trả lời, Fischer ra lệnh cho Benko rời khỏi phòng và cấm tôi giúp Benko. Lời qua tiếng lại, Benko gọi Fischer là đồ ích kỷ và hai người họ lao vào đánh nhau. Tôi cố hết sức can ngăn, và Benko, sau khi dùng vũ lực với Bobby thì rời khỏi phòng. Fischer lặp lại yêu cầu tôi không được giúp đỡ cho Benko, và hơn nữa, còn muốn đuổi Benko khỏi giải, đe dọa sẽ không đấu tiếp nếu Benko không bị xử lý.

    Sau đó tôi thuyết phục Bobby tiếp tục thi đấu, nhưng sẽ phản đối chính thức lên trưởng ban trọng tài. Đó là lý do tại sao bức thư của Bobby được viết.

    Đây là hồi tưởng chính xác nhất của tôi về những sự kiện đó.

    Arthur Bisguier

    Tigran Petrosian vô địch Candidates Tournament 1962 với 8 ván thắng, 19 ván hòa, và không thua ván nào, được 17,5 điểm. Hai kỳ thủ Xô Viết khác là Efim Geller và Paul Keres kém Petrosian nửa điểm và đồng hạng nhì. Bobby đứng hạng tư, kém người về nhì 3 điểm, và hơn Korchnoi 1 điểm. Riêng Mikhail Tal dù có tham dự giải này, nhưng giữa chừng bị ốm rất nặng, và phải bỏ cuộc. Và cũng chỉ có một mình Bobby đến thăm Tal ở bệnh viện.

    [​IMG]
    Fischer đến thăm Tal tại Candidates 1962

    Bobby muốn cả thế giới biết những gì đã thực sự xảy ra ở Curacao. Anh viết: "Có một sự cấu kết công khai giữa các kỳ thủ Nga (Liên Xô). Họ đồng ý hòa nhanh những ván mà họ đấu với nhau... Họ còn bàn bạc, thảo luận với nhau trong quá trình thi đấu. Nếu tôi đang đấu với một đối thủ Nga (Liên Xô), thì những tay cờ Nga khác sẽ xem ván của tôi, và bình luận các nước đi trong tầm nghe của tôi".

    Korchnoi (lúc này đang chiến đấu dưới màu áo Liên Xô, sau này ông nhập tịch Thụy Sĩ) sau này thừa nhận những cáo buộc của Bobby: "Mọi chuyện đều do Petrosian sắp đặt. Anh ta cùng với người bạn của mình là Geller đấu hòa tất cả các ván giữa họ với nhau. Họ cũng thuyết phục Keres tham gia vào liên minh này... điều này đã tạo cho họ lợi thế lớn trước các đối thủ còn lại" (Petrosian, Geller, Keres nằm ở ba vị trí dẫn đầu khi giải kết thúc).

    Khi được hỏi tại sao Fischer không chiến thắng, Pal Benko, vẫn còn hậm hực sau trận ẩu đả với Bobby, trả lời: "Đơn giản anh ta không phải là người giỏi nhất".

    Lòng tin vào bản thân của Bobby tan vỡ sau kết quả tại Curacao. Giấc mơ của anh - nỗi ám ảnh của anh - trở thành Nhà Vô Địch Thế Giới trẻ nhất trong lịch sử - đã lảng tránh anh. Anh đã nghĩ mình sẽ chắc chắn giành được danh hiệu này, nhưng như thế là chưa đủ. Tài năng xuất chúng ở tuổi đôi mươi dường như sẽ đưa anh trở thành Nhà Vô Địch, nhưng những người Nga - bằng những tiểu xảo của họ - đã chứng minh rằng họ có thể níu giữ anh lại, và điều đó khiến cho Bobby vừa buồn vừa phẫn nộ.

    Bobby bây giờ nhận ra rằng vận mệnh của anh chẳng có gì là chắc chắn, và anh sẽ không im lặng bước đi trong màn đêm. Anh khinh bỉ những tay cờ Liên Xô vì những gì họ đã làm với anh. Anh tin rằng họ đã đánh cắp chức vô địch của anh, và anh muốn cả thế giới biết điều đó.
     
  11. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Ngày 20 tháng 8 năm 1962, tạp chí Sports Illustrated công bố lời cáo buộc của Fischer: "Những người Nga đã sắp đặt cả thế giới cờ" (The Russians Have Fixed World Chess). Bài báo được in lại bằng tiếng Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Iceland, và thậm chí cả những phóng viên cờ người Nga cũng đề cập đến nó. Bobby nói rằng anh ta sẽ không bao giờ tham dự Candidates Tournament nữa, vì hệ thống thi đấu của FIDE (Fédération Internationale des Échecs - Liên Đoàn Cờ Vua Thế Giới) khiến cho không thể có bất kỳ ai, ngoại trừ một kỳ thủ Liên Xô giành chiến thắng. Bobby viết: "Hệ thống do Fédération Internationale des Échecs đặt ra... đảm bảo luôn luôn có một người Nga trở thành nhà vô địch... Những người Nga đã sắp đặt điều đó". Bobby tin rằng ngay ở giải Portoroz (chứ không nói Curacao) anh ta đã đủ mạnh để đánh bại tất cả các đại kiện tướng Liên Xô tranh đoạt danh hiệu với mình, và những người Nga e sợ sự thống trị của anh ta nên mới làm như thế.

    Các khán giả dường như đồng ý rằng có lẽ các kỳ thủ Xô Viết đã thông đồng với nhau, ở một mức độ nào đó, tại Curacao. Nhưng Bobby, cũng như các kỳ thủ khác, đã không chứng tỏ được rằng mình là mối đe dọa đến 3 kỳ thủ Liên Xô dẫn đầu giải (Bobby đứng hạng tư nhưng kém họ từ 3-3,5 điểm, một khoảng cách rất xa, dẫu họ không thông đồng thì cũng chưa chắc Bobby sẽ giành chiến thắng). Hai giáo sư kinh tế Charles C. Moul và John. V. C. Nye có viết một bài phân tích khoa học, "Liệu những người Liên Xô có thông đồng? Một bài phân tích thống kê từ các giải vô địch cờ vua, 1940-64", khảo sát hàng trăm giải đấu liên quan đến các kỳ thủ Liên Xô và không thuộc Liên Xô, và kết luận rằng có đến 75% khả năng các kỳ thủ Liên Xô đã thông đồng với nhau. Và họ cho rằng sức cờ của Fischer chưa đủ mạnh để phá vỡ sự câu kết hòa cờ này tại Candidates Tournament ở Curacao 1962.

    [​IMG]
    Tigran Petrosian và Paul Keres tại Piatigorsky Cup

    Tuy nhiên, lý do thực sự mà những kỳ thủ Xô Viết luôn nằm trong số những người dẫn đầu, dĩ nhiên là nhờ thực lực của họ. Cờ là trò chơi rất phổ biến ở đất nước họ, và họ được chính phủ hỗ trợ. Liên Xô có nhiều kỳ thủ hàng đầu thế giới hơn bất cứ bộ ba quốc gia nào cộng lại. Luôn có hai hay ba kỳ thủ Liên Xô vượt qua Interzonal để bước vào Candidates, và họ cũng được xếp làm hạt giống tại Candidates. Vì có nhiều kỳ thủ Liên Xô nên sẽ gây ra khả năng họ "lập đội" với nhau (nếu họ đồng ý), và dẫn đến những lời cáo buộc của Bobby rằng không có một kỳ thủ phương Tây nào có hy vọng giành được danh hiệu Vô Địch Thế Giới dưới hệ thống thi đấu hiện tại của FIDE.

    Có lẽ vì những phản ứng không khoan nhượng của Fischer trong bài viết đăng trên Sports Illustrated, mà cuối năm 1962 FIDE đã ra quyết định thay đổi hoàn toàn thể thức thi đấu tại Candidates. Từ thời điểm đó trở đi, hệ thống thi đấu cũ sẽ được thay thế bằng hình thức đấu knock-out một chọi một, gồm từ 10 đến 12 ván giữa 8 kỳ thủ tại Candidates. Người thua trong mỗi trận sẽ bị loại ngay lập tức.

    Và nhiều người tự hỏi liệu Fischer có thực sự rời bỏ giấc mơ Vô Địch Thế Giới hay không. Thậm chí ai đó còn băn khoăn: liệu anh ta có từ bỏ cả cờ vua luôn không?

    Câu trả lời sẽ nhanh chóng được đưa đến.
     
  12. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Trong 9 ngày đi thuyền từ New York đến Rotterdam năm 1962, Bobby cố gắng ngủ thật nhiều, phân tích vài ván cờ, và ngồi trên boong tàu để tận hưởng không khí của biển. Anh đang trên đường đến Bulgaria để tham dự Olympic Varna 1962.

    (Tal) Để tôi kể lại câu chuyện này, mà theo tôi, sẽ làm sáng tỏ nhiều chuyện hiểu lầm liên quan đến cái tên Fischer. Tiện đây, nói về Fischer, tôi không thể chấp nhận những lời chỉ trích cho rằng tôi luôn chế nhạo anh ta và khiến anh ta cảm thấy bị tổn thương. Chúng tôi có một mối quan hệ tốt. Khi tôi bị ốm tại Curacao, anh ta đã đến bệnh viện thăm tôi. Vâng, chúng tôi trêu chọc nhau và thích làm như thế. Anh ta là một con người rất thú vị. Nhưng tính khí kì lạ cũng khiến cho người ta gặp khó khăn khi tiếp xúc với Fischer.

    Sau một vòng đấu tại Olympic Varna, chúng tôi ra khỏi phòng thi đấu cùng nhau. Tôi nhớ đã từng đọc ở đâu đó rằng Fischer yêu cầu phải trả tiền cho mỗi chữ kí, mỗi bài phỏng vấn anh ta. "Biên tập viên của tập san về cờ gọi điện cho tôi từ Riga...", tôi nói với Fischer, "và muốn tôi phỏng vấn anh." Bản thân tôi cũng là một biên tập viên. Bobby sẵn sàng trả lời phỏng vấn mà thậm chí không đề cập đến một đồng thù lao nào, và chúng tôi bắt đầu tản bộ xuống con đê.

    Câu đầu tiên tôi hỏi anh ta là: "Anh nghĩ ai là kì thủ giỏi nhất thế giới?" Anh ta ngạc nhiên nhìn tôi khiến tôi phải vội vàng nói thêm: "Dĩ nhiên là trừ anh ra." Anh ta lại nhìn tôi chăm chú và thừa nhận rằng tôi chơi không tệ. Đến đây, tôi nhận thấy không thể công bố một cuộc phỏng vấn như vậy, nhưng vẫn tiếp tục hỏi để có thêm thông tin cho riêng mình. Tôi biết được rằng anh ta chưa bao giờ nếm rượu sâm-panh của Liên Xô hay Pháp, nhưng vì lí do nào đó lại thích sâm-panh của Pháp hơn. Tôi hỏi anh ta đủ các vấn đề, và sau cùng, khi chúng tôi về đến khách sạn, tôi hỏi anh ta: "Anh sắp 20 tuổi rồi – có nghĩ đến chuyện kết hôn không?" Anh ta nhìn tôi một cách ngây thơ và nói rằng vào lúc này, đó là một vấn đề nan giải với anh ta. Thực sự, anh ta không biết nên làm gì: mua một chiếc xe hơi cũ hay kết hôn...

    Vào lúc đó, tôi bắt đầu nghi ngờ khả năng tiếng Anh của mình không đủ tốt để hiểu hết những điều anh ta nói. Gạt sự lúng túng sang một bên, tôi lặp lại câu hỏi của mình. Anh ta cũng lặp lại rằng "có", anh ta đang dự định kết hôn, nhưng không phải với một cô gái Mỹ (họ, theo anh ta, toàn dành hết thời gian của mình trong những tiệm làm đẹp). Anh ta thấy hấp dẫn với những cô gái đến từ Đài Loan hay Hồng Kông, những cô gái ngoại quốc... Một chiếc xe hơi cũ thời đó có giá khoảng 700 USD, trong khi việc rước dâu cũng tốn chừng ấy tiền...

    Người ta có thể cho đăng một bài phỏng vấn như vậy ở đâu đây? Ấy thế mà vẫn có nhiều nhà báo công bố những bài phỏng vấn như vậy. Do đó, tôi có thể hiểu rõ cảm giác của Fischer với giới báo chí. Mối ác cảm của anh ta không phải tự dưng mà có...

    Điểm nhấn tại mọi kì Olympic luôn là cuộc chạm trán giữa Mĩ và Liên Xô; và lần này, tại bàn 1 sẽ là trận chiến nảy lửa giữa Bobby Fischer và Đương kim Vô địch Thế giới Mikhail Botvinnik.

    [​IMG]
    Mikhail Botvinnik

    Mikhail Moiseyevich Botvinnik đến từ Leningrad năm nay 51 tuổi, và được xem như là một trong những kỳ thủ sinh thời giỏi nhất thế giới. 3 lần Vô Địch Thế Giới, đã từng đánh bại những bậc thầy vĩ đại như Alexander Alekhine, José Capablanca, Max Euwe, và Emanuel Lasker. Giữa những danh kỳ lừng lẫy hiện thời, ông được xem như là một huyền thoại sống, một tượng đài. Tuy nhiên, dù tiếng tăm vang dội là thế, ông lại có phần e ngại trước lần đụng độ đầu tiên giữa ông với Bobby Fischer. Kỳ thủ người Nga, dĩ nhiên, đã nghe qua "Ván cờ thế kỷ" của Bobby, phong độ ấn tượng tại Bled, và những chiến thắng hủy diệt ở Stockholm. Và có một nhân tố khác khiến Botvinnik cảm thấy khó chịu: Ông xem Bobby như là một địch thủ của Liên Xô, vì những cáo buộc của tay cờ 19 tuổi này về những sự việc ở Curacao.

    Đây có thể xem như là một cuộc Chiến Tranh Lạnh thu nhỏ - một cuộc chiến trên 64 ô vuông.

    Fischer và Botvinnik đã gặp nhau một lần - nhưng không thi đấu - tại Olympic Leipzig 1960, và khi được giới thiệu, Bobby chỉ bắt tay và nói ngắn gọn, "Fischer". Không ai chào hỏi thêm câu nào. Dù nói tiếng Anh khá tốt, nhưng Botvinnik được biết đến như là một con người ít nói, rất ít cười, và không thật thân thiện.

    Botvinnik phỏng đoán rằng một ngày nào đó Bobby sẽ là người thách đấu với ông, hoặc ai đó, để tranh ngôi Vô Địch Thế Giới - và có lẽ sẽ lấy được danh hiệu cao quý này - nhưng dù điều đó không xảy ra, thì cả thế giới cũng sẽ nghiên cứu và phân tích ván cờ giữa ông với Fischer tại Olympic lần này suốt hàng trăm năm. Nghĩ đến cảm giác lúng túng nếu thua trận, Botvinnik đề nghị ban tổ chức cho ván cờ được chơi trong một phòng riêng: ít nhất ông cũng sẽ không phải đối mặt với khán giả và những kỳ thủ khác nếu bị thất bại. Nhưng không có sẵn một căn phòng như vậy, và dù sao đi nữa ban tổ chức cũng muốn ván cờ được đấu công khai để cho mọi người thưởng lãm. Có hàng ngàn ván đấu tại Olympic, và cuộc chiến Fischer - Botvinnik hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn, vì vậy ban tổ chức không muốn cướp đi của khán giả một trận cờ đỉnh cao.

    Botvinnik thường đeo kính gọng thép, mặc một bộ comlê xám, và luôn là một con người nghiêm túc. Ông dè dặt, kín đáo, vừa là một nhà khoa học, vừa là một đại kiện tướng. Học trò của ông, Anatoly Karpov, nói về ông như là một "vị thần Olympi khó gần" (Olympian inaccessibility).

    Bobby đã chơi 15 ván tại Olympic trong 4 tuần trước khi ngồi đối diện với Botvinnik. Khi gặp nhau trên bàn cờ, họ bắt tay và bất ngờ cụng đầu nhau khi đang ngồi xuống. "Xin lỗi", Bobby nói, từ thứ hai mà anh nói với Botvinnik (từ đầu tiên là "Fischer" tại Olympic Leipzig 1960), và lần này cũng không có lời đáp lại.

    Khi ván đấu được tạm hoãn, thế cờ của Fischer chiếm ưu thế rõ.

    [​IMG]
    Botvinnik - Fischer tại Olympic Varna 1962

    Fischer ngồi ăn tối một mình, nhìn lướt qua ván cờ, tự tin rằng anh sẽ thắng, và đi ngủ sớm. Nhưng các kỳ thủ Liên Xô thì không như thế. Mikhail Tal, Boris Spassky, Paul Keres, Efim Geller, huấn luyện viên Semyon Furman, và Botvinnik nghiên cứu thế cờ này cho đến tận 5:30 sáng hôm sau. Họ cũng gọi điện về Moscow và nói chuyện với Yuri Averbakh - một chuyên gia cờ tàn lão luyện - để tham khảo ý kiến. Geller cho rằng dù Fischer đang hơn quân, nhưng vẫn có cách tinh tế để đưa về thế cờ hòa.

    [​IMG]
    Các kỳ thủ Liên Xô tại giải Candidates năm 1953. Từ trái sang: Tigran Petrosian, Alexander Kotov, Paul Keres, Yuri Averbakh và Efim Geller

    Sáng hôm sau khi đang ăn sáng, ai đó gặp Botvinnik và hỏi ông nghĩ sao về thế cờ. Ông chỉ trả lời bằng một từ tiếng Nga duy nhất: "Nichia". Hòa.

    Khi ván đấu tiếp tục, Botvinnik mặc áo sơ mi ngắn tay, một vẻ ngoài khác thường mà nhiều kỳ thủ biết rằng ông đã lo lắng và làm việc cật lực. Trong khi đó, Bobby, không hề biết rằng anh sắp sửa phải chơi một thế cờ đã được phân tích kỹ lưỡng bởi không dưới 7 đại kiện tướng Liên Xô, chứ không đơn thuần chỉ là đối thủ lợi hại của anh. Dần dần, anh thấy thế trận của Botvinnik được cải thiện, và khuôn mặt anh bắt đầu tái đi. Botvinnik, người hiếm khi đứng dậy khỏi bàn cờ cho đến khi ván cờ kết thúc, quá phấn khởi trước sự đổi thay thần kỳ của thế trận, và ông không thể ngồi tiếp được nữa. Ông đứng dậy, đi đến chỗ đội trưởng đội tuyển Liên Xô, Lev Abramov, và, một lần nữa, thì thầm: "Nichia". Bobby, vẫn còn nhớ cuộc tranh cãi với Abramov ở Moscow 1958, nên ngay lập tức phản ánh với trọng tài. "Nhìn kìa", anh nói, "Botvinnik đang nhờ giúp đỡ!".

    Abramov, dù trình độ vẫn còn kém xa Botvinnik, nhưng vẫn là một kiện tướng quốc tế và có thể, vào một lúc nào đó, sẽ chuyển thông tin đến Botvinnik từ những đại kiện tướng Liên Xô khác. Ít nhất, đó là điều mà Bobby đang suy nghĩ. Không có phản đối chính thức nào được đưa lên ban tổ chức, vì chính các đồng đội của Bobby cũng tin rằng anh là một con người cực kỳ ương ngạnh.

    Cuối cùng, Bobby không thể tiến triển gì thêm trong ván cờ mà anh có thể giành chiến thắng. Anh nhìn vào Botvinnik và nói từ thứ ba giữa hai người: "Hòa". Botvinnk chìa tay ra bắt tay Bobby. Sau này, ông hồi tưởng lại Bobby, với khuôn mặt xanh xao, bắt tay ông và rời khỏi phòng thi đấu trong nước mắt. Đội tuyển Mỹ kết thúc giải một cách đáng thất vọng ở vị trí thứ 4, chủ yếu là vì kết quả thi đấu không tốt của Bobby. Một cách bí ẩn, chàng trai 19 tuổi viết một bức thư xin lỗi đến Tiến sĩ Eliot Hearst, đội trưởng đội tuyển Mỹ, nói rằng anh đã quá căng thẳng và không thể làm gì hơn.

    Gương mặt thất thần của Fischer sau ván đấu với Botvinnik:



    Lại lên tàu quay về New York, Bobby gửi một bức điện cho bạn mình là Bernard Zuckerman, giải thích tâm trạng của anh về ván hòa với Botvinnik. Bobby cảm thấy mình đã bị đánh lừa bởi mưu mẹo của đối thủ và thực hiện một nước đi không chính xác. Bobby cho rằng trước khi mình phạm lỗi, Botvinnik dường như đã khó tránh khỏi một thất bại.

    Bobby cũng viết rằng Botvinnik, một Nhà Vô Địch Thế Giới rất được tôn kính, sẽ không bao giờ là một kỳ thủ vĩ đại thực sự, không bao giờ là "người đứng nhất trong những người ngang nhau" ("first among equals"), như ông tự mô tả về mình. Thay vào đó, Bobby khẳng định Botvinnik sẽ giỏi hơn ở lĩnh vực chính trị. Anh ta cho rằng Botvinnik có thể trở thành Thủ Tướng Liên Xô vì những khả năng (chính trị) "ngoài bàn cờ".

    Curacao là một bước ngoặt đưa Bobby đến lời thề không bao giờ quay trở lại thi đấu ở Giải Vô Địch Thế Giới. Trận đấu với Botvinnik tại Varna cũng là một bước ngoặt. Phải mất 2 năm sau Bobby mới nhận lời thi đấu tại một giải quốc tế khác. Những người Nga khẳng định sự rút lui của anh ta khỏi đấu trường quốc tế là vì nỗi sợ hãi "bệnh hoạn" của "bàn tay Moscow". Quay trở lại Brooklyn, Bobby nói rằng anh ta không còn muốn dính dáng gì đến "những kẻ gian lận" đó nữa, như anh ta gọi họ như thế.
     
  13. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Tháng 12 năm 1963, Bobby Fischer thi đấu giải Vô Địch Mỹ mùa giải 1963-1964. Bobby hạ gục từng đối thủ một, hết ván này đến ván khác, và chưa hòa một ván nào. Các khán giả như cảm thấy có điều gì đó bất thường sắp xảy ra.

    Bobby hết đánh bại Arthur Bisguier, càn quét Larry Evans rồi lại thắng Samuel Reshevsky, và mọi người bắt đầu suy đoán: Liệu Bobby có khả năng quét sạch - đánh bật mọi đối thủ, mà thậm chí không có lấy một trận hòa hay không? Khả năng đó cứ tăng lên sau mỗi vòng đấu, khi lại có thêm một người gục ngã dưới lưỡi kiếm của Bobby.

    Sự căng thẳng hồi hộp càng lúc càng lên cao. Hôm đó là ngày 30 tháng 12 năm 1963, và Bobby đã chơi 10 trên tổng số 11 ván tại giải, mà chưa thua hay hòa một ván nào. Anh chỉ còn một chướng ngại cuối cùng phải vượt qua.

    Các kỳ thủ nghỉ một ngày để đón năm mới, rồi quay trở lại thi đấu vào ngày 2 tháng 1 năm 1964. Điểm số áp đảo của Bobby đã đảm bảo cho anh chức vô địch, nhưng anh sẽ kết thúc giải theo cách nào đây. Ván cuối cùng của anh là với Anthony Saidy, một người bạn thân. Nhiều hơn Bobby 6 tuổi, Saidy là một bác sĩ quân y và anh được cho về để thi đấu tại giải này. Anh đang thi đấu rất tốt, và nếu thắng ván cuối, anh sẽ giành hạng nhì. Anh cũng có thể sẽ trở thành một "kẻ phá bĩnh", khi phá hỏng chiến thắng tuyệt đối của Fischer. Và thực sự Saidy có thể thắng, khi anh có được lợi thế cầm quân Trắng.

    [​IMG]
    Anthony Saidy năm 2002

    Lúc này đã có hàng trăm khán giả trong khách sạn, hồi hộp dõi theo từng nước đi trên bàn cờ. Hầu hết bọn họ đều rõ ràng, nhưng rất âm thầm, cổ vũ cho Bobby. Nhưng khi ván cờ diễn tiến, một chiến thắng dường như là không thể. Thế cờ của Saidy rất tốt, còn của Bobby lại không chắc chắn. 2 tiếng 30 phút (của mỗi bên) kết thúc, và chưa có ai là người chiến thắng. Đến lượt Saidy đi. Vị bác sĩ trẻ suy nghĩ trong khoảng 40 phút, viết nước mình dự định đi vào biên bản, bỏ vào trong phong bì dán kín lại theo đúng luật, rồi trao tận tay cho ban tổ chức. Ván cờ được tạm hoãn để đấu tiếp vào hôm sau. Mọi người rời khỏi phòng và tin rằng ván cờ sẽ kết thúc hòa. Nhưng không. Saidy mất khoảng 30 phút để nhận ra rằng anh đã ghi vào một nước cờ sai lầm. Ngày hôm sau, khi chiếc phong bì được mở ra, nước cờ được thực hiện trên bàn, Bobby ngay lập tức nhận ra Saidy đã có một lựa chọn không sáng suốt. Anh nhìn Saidy, và một nụ cười thoáng hiện trên gương mặt. Sai lầm của Saidy đã trao cho Fischer cơ hội đưa vào một tàn cuộc thắng thế, và nửa giờ sau khi ván cờ tiếp tục, Saidy buộc phải đầu hàng.

    Kỳ tích không tưởng của Fischer được loan đi trên khắp các báo đài, ti vi trên khắp thế giới: 11 ván cờ, 11 trận thắng, bỏ xa người về nhì là Larry Evans đến 3,5 điểm. Ở đẳng cấp này thì một chuỗi trận thắng như vậy gần như là không thể, nhưng Fischer lại làm được. Dẫu vậy, tiền thưởng dành cho thành tích xuất sắc của anh cũng chỉ là 2000 USD. Tại giải vô địch Mỹ năm 2009, một giải thưởng 64000 USD đã được đặt ra cho ai có khả năng lặp lại chiến tích huy hoàng của Fischer, tuy nhiên không một ai làm được, và giải thưởng đành bỏ ngỏ.

    Cộng đồng cờ vua trên khắp thế giới đều nói về thành tích vô song của Fischer. Chỉ có Bent Larsen, người luôn gièm pha Fischer, thì không lấy gì làm ấn tượng: "Fischer chỉ thi đấu với những đứa trẻ", anh ta nói.

    Vậy Reshevsky là đứa trẻ? Robert Byrne? Larry Evans? Hay Pal Benko?

    [​IMG]
    Reshevsky (đeo kính) và Bobby Fischer
     
  14. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Bobby Fischer ngồi trong một căn phòng nhỏ ở câu lạc bộ cờ Marshall, chỉ với một chiếc bàn cờ và một trọng tài. Không có ai ngồi đối mặt với Bobby. Sau khi quyết định nước đi, anh ghi vào biên bản, và tờ biên bản được trọng tài đưa cho một người "đưa tin". Anh ta chạy nhanh đến căn phòng đã để sẵn máy điện báo gần đó và gửi nước đi. Bobby chờ đợi, vẫn một mình. Nước cờ được chuyển đến Havana, Cuba, nơi đối thủ của Bobby cũng đang ngồi một mình trước bàn cờ. Khi đối thủ của anh đi xong, nước cờ đó lại được đánh điện từ Havana về Marshall, và chuyển đến cho Bobby đang căng thẳng chờ đợi.

    [​IMG]
    Bobby Fischer đang chờ đợi nước đi của đối thủ

    Đó là năm 1965 và Bobby đã nhận lời mời tham dự giải Capablanca Memorial Tournament ở Havana. Và đó chính là cách mà Bobby thi đấu. Có 13 đại kiện tướng và 8 kiện tướng quốc tế (chưa kể Fischer), không mạnh bằng giải đấu quốc tế cuối cùng của Bobby (Candidates Tournament 1962), nhưng cũng là một giải ở đẳng cấp rất cao. Bobby đã trở lại.

    Nhưng không hẳn. Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba ở thời điểm này đang hết sức căng thẳng. Bộ Ngoại Giao Mỹ đã bắt đầu cho phép các phóng viên đến Cuba, nhưng với các công dân thường thì vẫn bị cấm. Không ai biết động lực nào khiến Bobby muốn thi đấu tại giải này, nhưng trước tình hình như hiện tại thì việc anh đến Cuba tham dự là không thể. Và thế là Liên Đoàn Cờ Vua Mỹ đã nảy ra một ý tưởng kỳ lạ: Bobby sẽ ở New York và thi đấu từ một căn phòng của câu lạc bộ cờ Marshall. Năm 1965 chưa có điện thoại di động, và cũng chẳng có Internet. Nhưng Fischer có thể đấu bằng điện tín, và ban tổ chức giải Capablanca Memorial bằng lòng. Các kỳ thủ khác cũng miễn cưỡng đồng ý trước sự sắp xếp mới lạ này. Che Guevara (đại kiện tướng Liên Xô Mark Taimanov đánh giá sức cờ của Che Guevara ngang mức dự bị kiện tướng), cũng nằm trong ban tổ chức.

    [​IMG]
    Mark Taimanov và Che Guevara tại giải Capablanca Memorial 1964

    Để tránh bất cứ một sự gian lận nào từ Bobby, anh bị cách ly với tất cả mọi người, và chỉ ngồi một mình trong phòng với trọng tài. Rất khó khăn cho Bobby, vì anh không có cơ hội đọc ngôn ngữ cơ thể của đối thủ. Khi ngồi với trọng tài, không có một từ nào được trao đổi. Thỉnh thoảng, trong khi chờ đợi nước đi của đối thủ từ Havana, Bobby nhìn về phía khu vườn của câu lạc bộ. Căn phòng thật nặng nề với âm thanh duy nhất là tiếng tíc tắc phát ra từ chiếc đồng hồ.

    [​IMG]
    Bobby Fischer tại giải Capablanca Memorial 1965

    Một ván cờ thông thường dài từ 4 đến 5 tiếng, nhưng khi đấu bằng điện tín thì nó kéo dài ra thành 8 đến 9 tiếng. Thậm chí có những ván đến 12 tiếng. Ván cờ bỗng chốc trở thành một cuộc chạy đua về thể lực và sự kiên nhẫn. Bobby như kiệt sức. Các đối thủ của anh cũng thế, nhưng chỉ phải chịu một lần duy nhất - khi thi đấu với Bobby. Còn Bobby thì phải chịu đựng hết ván này đến ván khác, 21 ván ròng rã.

    Bobby thắng 2 ván đầu tiên, nhưng khi giải tiếp diễn thì anh để hòa và thua trước một vài đối thủ dưới sức mình. Dẫu đây không còn là Bobby Fischer đã càn quét giải Vô Địch Mỹ cách đây 18 tháng, nhưng anh vẫn xếp đồng hạng nhì, và chỉ kém nhà vô địch của giải là Vassily Smyslov - cựu Vô Địch Thế Giới, nửa điểm.

    Câu chuyện về Bobby Fischer có thể đã kết thúc ngay tại đây, trong căn phòng tĩnh lặng của câu lạc bộ cờ Marshall, nếu như anh thi đấu tệ hại. Havana là sự trở lại của Bobby với thế giới, và một phong độ nghèo nàn sẽ phá tan mọi mơ ước và hy vọng của Bobby. Với Bobby, chỉ có một vị trí khiến anh hài lòng, đó là chức vô địch. Nhưng sau một giải đấu đầy cam go, và phải chơi mỗi ván trong một điều kiện rất khắc nghiệt, Bobby thấy vị trí thứ hai xem ra vẫn có thể chấp nhận được, và anh sẽ không từ bỏ giấc mơ.

    Dù Bobby đánh giá thấp phong độ của mình, nhưng các kỳ thủ Liên Xô rất sửng sốt trước những gì mà Bobby đã thể hiện, khi phải thi đấu trong một điều kiện khó khăn đến như vậy. Họ e ngại rằng sẽ có một ngày Bobby truất ngôi bá chủ của cờ vua Liên Xô.

    Mối lo ngại về Fischer đã dẫn đến việc "Viện Nghiên Cứu Khoa Học Về Thể Thao Toàn Liên Bang" (All-Union Scientific Research Institute of Sports) , cử đại kiện tướng và cũng là một lý thuyết gia về cờ vua, Vladimir Alatortsev, thành lập một phòng nghiên cứu bí mật (nằm gần câu lạc bộ cờ Moscow). Nhiệm vụ của phòng nghiên cứu này là phân tích tất cả các ván cờ của Fischer. Alatortsev cùng một nhóm nhỏ các kiện tướng và nhà tâm lý khác đã làm việc cật lực suốt 10 năm để cố gắng "giải mã" năng lực huyền bí của Fischer, ngoài ra họ còn phân tích cả hành vi và tính cách của Fischer. Họ nghiên cứu miệt mài về các khai cuộc của anh ta, trung cuộc, và tàn cuộc - và phân loại, chọn lọc những phân tích mà họ tìm được để gửi đến các kỳ thủ hàng đầu Liên Xô.
     
  15. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Năm 1966, Bobby Fischer nhận lời tham dự Piatigorsky Cup tổ chức tại Santa Monica, California. Năm 1963 Bobby đã từng từ chối lời mời, nhưng lần này bà Piatigorsky quyết định trả trước cho mỗi kỳ thủ tham dự 2000 USD, và do đó đã đảm bảo được sự có mặt của tay cờ số 1 nước Mỹ.

    Câu chuyện về việc Fischer ngụp lặn dưới đáy bảng xếp hạng ở giai đoạn một của giải, sau đó đến giai đoạn hai xếp đồng hạng nhất với Spassky ở vòng đấu áp chót, đã được kể đi kể lại rất nhiều lần.

    Vào lúc khởi đầu giải, Fischer trông ốm như Abraham Lincoln, má hóp, mắt trũng sâu và thâm đen, tất cả các dấu hiệu của việc bị bệnh nặng. Khi Fischer chỉ biết đến hòa và thua, rõ ràng anh đã có một giải đấu tệ hại nhất trong sự nghiệp của mình, có lẽ còn tệ hơn cả thảm họa ở Buenos Aires (xếp 16/20). Tuy nhiên Bobby là một con người có nghị lực phi thường. Anh phải đi tìm một phương pháp thi đấu tốt hơn, phải hiểu rõ tại sao mình lại sai lầm, phải đi tìm những bài học trong thất bại, nếu không sự nghiệp của anh sẽ mãi mãi bị ô uế bởi thất bại nhục nhã này. Tạm thời xếp cuối không làm cho một con người thất bại, nhưng ở mãi nơi đó, và không chịu chiến đấu, thì mãi mãi chỉ biết đến thất bại mà thôi.

    Bobby đã hồi sinh mạnh mẽ ở giai đoạn hai, và kết thúc giải chỉ kém Spassky nửa điểm. Bobby vừa mừng vừa giận. Anh vui mừng vì mình đã thoát được vực thẳm, vì anh đã tìm lại được chính mình. Nhưng anh tức giận vì mình đã không thể giành giải nhất.

    Tại buổi lễ bế mạc, ông bà Piatigorsky chụp một bức ảnh với Spassky và Fischer. Fischer, mỉm một nụ cười yếu ớt trên môi, như thể muốn nói: "Tôi thực sự đã có thể vô địch giải này, nhưng tôi không thể đổ lỗi cho những người Nga được. Lần này là tại tôi... chỉ một mình tôi thôi".

    Khi tất cả các kỳ thủ đã rời khách sạn Miramar để về nhà, về lại đất nước mình, chỉ có một mình Bobby không chịu trả phòng. Như thể một diễn viên vẫn còn lưu lại vai diễn của mình và từ chối rời khỏi phòng phục trang, hay một nhà văn không muốn rời khỏi căn gác thân quen khi đã viết xong quyển sách.

    3 tuần sau khi mọi người rời đi, Bobby vẫn còn ở lại Miramar. Anh dùng cả ngày của mình, và thậm chí cả đêm, để ngồi phân tích lại toàn bộ các ván đấu trong giải, tự tra tấn, hành hạ bản thân về mỗi sai lầm mắc phải. Khi có người cho biết ông bà Piatigorsky đã không còn trả tiền khách sạn nữa, anh mới miễn cưỡng quay trở lại Brooklyn.
     
  16. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Trong những năm 1960, Bobby Fischer tiếp tục bộc lộ tài năng thiên phú cũng như tính cách ngang tàng của mình. Anh thắng giải quốc tế Monte Carlo nhưng lại từ chối chụp ảnh chung với Hoàng Tử Rainier cùng những nhà tài trợ giải. Rồi tại buổi lễ bế mạc, khi Công Chúa Grace trao giải thưởng, anh thô lỗ mở chiếc phong bì ra và đếm tiền trước, rồi mới cảm ơn Công Chúa. Bobby dẫn đầu đội tuyển Mỹ tham dự Olympic 1966 tại Cuba, tại giải này anh giành chiếc huy chương bạc cá nhân, và sau đó tặng cho chủ tịch Fidel Castro một bản sao chữ ký từ quyển sách "Bobby Fischer Teaches Chess". Tại Interzonal 1967 tổ chức ở Tunisia, khi đang dẫn đầu với 8,5 điểm sau 10 ván, Bobby đột ngột bỏ cuộc vì ban tổ chức không chịu sắp xếp lại lịch thi đấu theo yêu cầu của anh. Khi các phóng viên theo chân Bobby đến khách sạn ở Tunisia, anh không chịu mở cửa: "Để tôi yên!", anh hét lên, "Tôi không có gì để nói". Bobby biết nếu rút lui khỏi giải này anh sẽ không có cơ hội tham dự Giải Vô Địch Thế Giới, nhưng anh vẫn kiên quyết: chính anh, chứ không phải ban tổ chức, mới là người quyết định khi nào anh thi đấu và khi nào thì không.

    [​IMG]
    Từ trái sang: Bobby Fischer, Mikhail Tal, Lev Polugaevsky và Boris Spassky tại Olympic Havana 1966


    [​IMG]
    Bobby Fischer và Fidel Castro

    Tuy tính tình khó chịu nhưng các đối thủ lại không hề ghét bỏ hay xa lánh Fischer, mà ngược lại, họ còn thường nói chuyện vui đùa với Fischer. Hai đại kiện tướng Liên Xô là Vasiukov và Gufeld có kể về một giai thoại của Fischer tại Sousse Interzonal 1967:

    (Vasiukov) Mối quan hệ của Fischer với các kỳ thủ khác đều rất bình thường. Chỉ có với Reshevsky là Fischer thường hay xảy ra tranh chấp. Nhưng mối ác cảm giữa họ với nhau đã kéo dài trong nhiều năm, và mọi người đều biết chuyện này. Riêng với các kỳ thủ chúng tôi (Liên Xô), thì tất cả đều rất thân thiện với Fischer. Tay cờ người Mỹ cũng tỏ ra thân thiện, và chúng tôi luôn sẵn sàng trò chuyện cùng nhau.

    Một lần nọ, trên bãi biển, chúng tôi cùng trình diễn cho nhau xem các đòn phối hợp, cờ thế, và những bài tập về tàn cuộc. Fischer cũng tham gia vào "cuộc thi". Anh ta giải các thế cờ một cách nhanh gọn. Mọi thứ đều "xuôi chèo mát mái" cho đến khi trợ tá của Geller, đại kiện tướng Gufeld, thách đố Fischer tìm ra cách đánh thắng cho Trắng trong thế cờ này.

    [​IMG]

    (Gufeld) Tôi nảy ra ý định trêu chọc Fischer, và tôi đã sắp xếp với những người khác rằng, trong lúc anh ta đang tính toán, thì tất cả sẽ nói rằng đây chỉ là một thế cờ đơn giản, và họ đã tìm ra lời giải từ lâu rồi.

    "Anh có cần gợi ý không?", một đại kiện tướng châm chọc Bobby.
    "Không, không", Fischer hét lên, "Tôi sẽ tự tìm ra!".

    Hãy tưởng tượng xem: một thiên tài cờ vua không thể tìm ra lời giải trong khi mọi người quanh anh ta đều nhìn thấy hết! Một nỗi khiếp sợ hiện lên trên gương mặt của Bobby, nỗi khiếp sợ danh tiếng của một thiên tài cờ vua sẽ bị phá tan trong chốc lát!

    Nhưng rồi, một phút sau, anh ta đã tìm được đáp án. Khuôn mặt anh ta, chỉ vừa mới đây thôi còn thể hiện một nỗi sợ hãi cùng cực, thì bây giờ đã ánh lên nụ cười rạng rỡ với một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Tôi cứ ngỡ như mình đang trông thấy khuôn mặt của Archimede khi ông ấy kêu lên: "Eureka!". Tôi dám chắc không một diễn viên nào trên thế giới có thể diễn tả được một chuỗi cảm xúc từ khiếp sợ kinh hoàng sang sung sướng tột độ như chúng tôi đã nhìn thấy trên gương mặt của Fischer..."

    Thành công lớn nhất của Fischer trong năm 1969 không phải là các danh hiệu vô địch, mà là việc xuất bản sách. Quyển "My 60 Memorable Games" ("60 ván cờ đáng nhớ của tôi") của nhà xuất bản Simon & Schuster, ngay lập tức trở thành một hiện tượng không thể nào quên trong cộng đồng cờ vua thế giới. Fischer giới thiệu quyển sách này là một trong những quyển sách cờ tỉ mỉ và ưng ý nhất từng được viết, là đối thủ của những tác phẩm nổi tiếng của Tarrasch, Alekhine, và Reti. Fischer, cũng như bậc tiền bối Paul Morphy - thần đồng cờ vua ở thế kỷ 19, không viết nhiều, nhưng cả thế giới luôn chờ đợi mỗi từ mà anh viết ra. Trong quyển sách này, anh bỏ qua "Ván cờ thế kỷ" năm 1956 với Donald Byrne, thay vào đó anh cho vào 9 ván hòa và 3 ván thua - một cử chỉ thể hiện sự khiêm tốn. Fischer cũng dành đến 14 trang để phân tích cặn kẽ ván hòa với Botvinnik tại Varna.

    [​IMG]
    Bobby Fischer và "My 60 Memorable Games"

    Bobby lúc đầu định đặt tựa sách là "My Life in Chess", nhưng sau đó anh đổi ý, quyết định sẽ dành tựa đề đó cho quyển tự truyện của mình (đáng tiếc rằng nó đã không bao giờ được viết ra). Dự định ban đầu của anh là chỉ bao gồm 52 ván, nhưng sau đó trong quá trình chỉnh sửa và thi đấu ở các giải khác, anh thêm vào 8 ván nữa. Anh mất 3 năm để hoàn thành tác phẩm để đời của mình.

    Simon & Schuster như ngồi trên đống lửa khi quyển sách cứ bị chỉnh sửa liên tục, gần như là vô tận, và có thời điểm Fischer đã xóa hết tất cả chú thích của mình, trả lại sách cho nhà xuất bản và yêu cầu giải phóng hợp đồng. Có lẽ anh không muốn đưa hết các ý đồ của mình ra cho đối thủ biết. Kế hoạch xuất bản phải dừng lại. Tuy nhiên, 2 năm sau, anh đổi ý. Larry Evans, người viết lời giới thiệu cho quyển sách, cho rằng quyết định của Bobby đến từ một suy nghĩ thực dụng: "Anh ta cảm thấy chán nản cái thế giới này và nghĩ rằng sẽ sớm có một cuộc hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân. Anh ta thấy mình nên tận hưởng bất cứ đồng tiền nào có thể kiếm được trước khi quá muộn".

    "My 60 Memorable Games" thành công ngay lập tức. Và nếu Fischer không bao giờ còn thi đấu nữa, thì danh tiếng của anh, chắc chắn sẽ được biết đến như là một nhà phân tích đầy tài năng.

    Bobby rút lui khỏi làng cờ vào cuối năm 1968, và ngoại trừ một trận thắng trước Anthony Saidy trong trận đấu đồng đội ở giải New York Metropolitan League năm 1969, anh đã vắng bóng suốt 18 tháng, gây ra biết bao kinh ngạc lẫn tò mò trong giới cờ vua. Anh không giải thích tại sao, nhưng sau này có nói trong một cuộc phỏng vấn rằng vì một "sự khó chịu" mơ hồ nào đó. Trong một lần khác, anh nói rằng mình tránh thi đấu "để mưu tính kế hoạch phục thù. Tôi muốn quay trở lại và đặt tất cả những con người đó vào chỗ của họ". Anh từ chối hết lời mời này đến lời mời khác, hết cơ hội này đến cơ hội khác.

    Nếu nói mỗi lần Bobby Fischer tái xuất giang hồ là trời long đất lở, thì lần trở lại này chính là lần khiến cho giang hồ dậy sóng dữ dội nhất...
     
  17. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Mùa xuân năm 1970 tại Belgrade diễn ra "Trận đấu thế kỷ" giữa đội tuyển Liên Xô và "Phần còn lại của thế giới" (Đội tuyển thế giới). Ý tưởng này đã được Tartakower đưa ra từ năm 1945, nhưng mãi 25 năm sau nó mới được thực hiện...

    Fischer do dự một thời gian dài mới quyết định tham dự "Trận đấu thế kỷ" này. Theo Bobby, anh bị trọng tài Bozidar Kazic thuyết phục: "Ông ấy bay đến Mỹ và dành rất nhiều thời gian để thuyết phục tôi. Và đột nhiên ông nói: "Hãy nghĩ về nó đi - nếu không tham dự "Trận đấu thế kỷ", anh sẽ là kẻ ngốc nhất thế kỷ này!". Thật khó để mà tôi trả lời lại..."

    Ngày 26 tháng 3 năm 1970, Bobby bay đến Belgrade và ăn trưa tại khách sạn Metropol với George Koltanowski (một nhà báo chuyên về cờ) và Larry Evans, người đi theo tường thuật về trận đấu này và đóng vai trò trợ tá cho Fischer. Với sự lạc quan và thân thiện ít thấy, Bobby ký tặng cho hầu hết các bồi bàn trong khách sạn. Khi có một phóng viên nữ hỏi xin anh một cuộc phỏng vấn sau bữa trưa, anh đồng ý. Cô ấy cười đùa, ôm và thậm chí còn hôn lên má Bobby, nhưng anh vẫn chấp nhận. Evans bình luận: "Việc này không có gì là ngạc nhiên, nếu bạn thấy Bobby hôn một cô gái thì đó mới là tin mới đấy!". Bobby thậm chí còn cười nữa. Sau đó anh đi kiểm tra ánh sáng và điều kiện thi đấu. Mọi thứ đều khiến anh hài lòng.

    Dựa theo sức cờ và thành tích thi đấu, ban tổ chức đã quyết định xếp Fischer gặp Spassky (đương kim vô địch thế giới) ở bàn 1, còn ở bàn 2 Larsen gặp Petrosian. Đối với các kỳ thủ thế giới, bàn 1 có một ý nghĩa rất quan trọng bởi đó không những là vinh dự mà còn là sự khẳng định sức mạnh, uy tín đối với một kỳ thủ. Tuy nhiên, vào lúc đó Larsen đột ngột tuyên bố rằng anh ta dứt khoát từ chối việc chơi ở bàn 2: anh ta nói rằng trong khoảng thời gian Bobby vắng mặt trên kỳ đàn, anh ta đã giành được rất nhiều chiến thắng vang dội (là kỳ thủ giành giải Oscar đầu tiên của cờ vua cho người có thành tích thi đấu xuất sắc nhất trong năm), và do đó mới là người có quyền dẫn đầu đội tuyển thế giới. "Đây quả là một sự thách thức công khai đến Fischer và việc xuất hiện mâu thuẫn là không thể tránh khỏi", Taimanov viết. Larsen là người cứng rắn còn tính ngang ngạnh của Fischer thì không ai còn lạ gì.

    Nhưng điều không tưởng đã xảy ra! Khi Tiến sĩ Max Euwe - đội trưởng - đến phòng của Bobby, anh ta đang nằm trên đi văng và vùi đầu dưới gối. Ngài Euwe chưa cần phải thực hiện sứ mệnh ngoại giao khó khăn của mình thì Bobby đã hét lên: "Tôi không phản đối..."

    Lý do gì đã dẫn đến một sự nhượng bộ kỳ lạ như vậy? Rất có thể đây là một tính toán có chủ ý của Fischer, và thực sự là anh ta rất hài lòng nếu như Larsen chơi ở bàn 1. Tại bàn 2, Fischer sẽ gặp Petrosian, người mà anh chưa từng thua lần nào kể từ sau giải Curacao.

    [​IMG]
    Boris Spassky (trái) và Bent Larsen tại bàn 1

    Viktor Korchnoi nói về sự việc này: "Mọi người đều có cảm giác rằng Fischer không hề muốn đấu với Spassky tí nào. Thứ nhất, thành tích đối đầu của Fischer trước Spassky không tốt (0 thắng, 2 hòa, 3 thua). Thứ hai, nếu thất bại trước Spassky trong trận đấu nhỏ này (gồm 4 ván), thì bất cứ một cuộc đàm phán nào về một trận đấu với nhà vô địch thế giới, mà tránh hệ thống thi đấu của giải vô địch thế giới, sẽ bị dừng lại ngay lập tức (nghĩa là thỏa thuận đấu tay đôi với Spassky mà không cần phải vượt qua Interzonal và Candidates - Fischer đã có ý định này trước khi tham gia "Trận đấu thế kỷ"). Trong khi đó nếu để thua Petrosian, Fischer có thể nói rằng do mình không kịp chuẩn bị".

    [​IMG]
    Bobby Fischer và Tigran Petrosian ở bàn 2

    Đây quả thực là một nước cờ cao tay của Fischer. Việc nhường quyền chơi bàn 1 lại cho Larsen không những giúp anh tránh một cuộc đụng độ rất nguy hiểm với Spassky, mà còn chiếm được sự đồng cảm của công luận. Sau khi rút lui gần 2 năm, việc giành được một chiến thắng về tâm lý là hết sức quan trọng. Và mọi thứ đã diễn tiến theo đúng kịch bản mà Bobby mong muốn.

    Bobby khởi đầu trận đấu với Petrosian bằng một phương án cũ trong khai cuộc, và ít khi được sử dụng. Sau này anh nói rằng anh đã đưa tay cờ Liên Xô vào trong một biến thế mà mình đã nghiên cứu từ nhiều năm trước. Hai bên giao chiến kịch liệt nhưng Bobby có được ưu thế rõ rệt và giành chiến thắng ở nước thứ 39. Sau khi tất cả các ván đấu ở vòng 1 kết thúc, ván của Bobby được trao giải thưởng cho ván cờ đẹp nhất. Các khán giả vỗ tay nhiệt liệt suốt 3 phút. Các fan viết thư bày tỏ sự ngưỡng mộ với Bobby, thậm chí anh còn nhận được cả thư cầu hôn. Bình luận về chiến thắng của mình, Bobby nói: "Tôi còn có thể chơi tốt hơn". Sang vòng 2 Bobby tiếp tục giành thắng lợi trước Petrosian.

    Đến vòng 3 không khí ở Belgrade trở nên cực kỳ sôi động. Chỉ chưa đầy nửa giờ, phòng thi đấu đã chật cứng. Vé chợ đen được bày bán ngay trước Dom Sindikata, nơi tổ chức trận đấu. Tổng thống Ribicic của Yugoslavia, sau khi tham dự hai vòng đầu tiên, cũng trở lại để xem tiếp vòng đấu thứ 3.

    Fischer hòa ván này, sau đó thư giãn và đi xem các bàn còn lại. Ván đấu giữa Samuel Reshevsky và Vassily Smyslov được hoãn lại. Quay trở về khách sạn Metropol, Bobby ngồi cùng Reshevsky phân tích cặn kẽ mọi khả năng chiến lược của ván cờ. Sau 10 năm căng thẳng, đây là lần đầu tiên Fischer có một cuộc trò chuyện thân mật với đối thủ của mình (và ngày hôm sau Reshevsky đã giành chiến thắng).

    (Bjelica) Fischer có thói quen ngủ dậy rất trễ, và thường ngủ cho đến tận trưa. Ở Belgrade, có khoảng 3 lần anh ta thức dậy trong đêm và đến phòng tôi. Lần thứ nhất, anh ta đánh thức tôi lúc 4 giờ sáng và bắt đầu cho tôi xem ván cờ của anh ta với Petrosian. Tôi vừa xem vừa ngủ gật. Suốt cả buổi, anh ta cứ liên tục nói rằng Polugaevsky đã sai khi khẳng định Petrosian sẽ giành chiến thắng (ở ván 3 này Petrosian chiếm ưu thế). Cuối cùng, Fischer dường như đã tìm ra được những nước đi tốt nhất, nhưng anh ta vẫn chưa chịu yên, tiếp tục xếp thế cờ của Tal - Najdorf lên chiếc bàn cờ bỏ túi của mình để phân tích. Anh ta nghiên cứu trong 10 phút, tìm ra nước đi chiến thắng cho Tal, và chỉ sau đó, anh ta mới hài lòng với bài phân tích của mình, và thoải mái đi ngủ.

    Khi anh ta đến vào một lần khác, anh ta yêu cầu tôi không được cho bất cứ ai biết anh ta đang ở phòng tôi, vì cánh phóng viên cứ liên tục gọi điện, còn ban tổ chức ở nhiều nơi khác lại muốn mời anh ta biểu diễn thi đấu đồng loạt (trong 7 ngày diễn ra "Trận đấu thế kỷ", Fischer đổi phòng đến 3 lần, nhưng vẫn không tài nào trốn được giới báo chí).

    Trước vòng cuối, anh ta lại đến vào lúc 4 giờ sáng, và hỏi tôi có phải việc giết chết một phóng viên là rất trái pháp luật không. Câu hỏi làm tôi tỉnh hẳn, và tôi trả lời trong sợ hãi rằng việc đó là hoàn toàn trái pháp luật – và tự nhiên tôi nghĩ anh ta có thể giết tôi, vì tôi cũng là một phóng viên. Nhưng Fischer trấn an tôi, nói rằng tôi không có gì phải sợ, và anh ta chỉ muốn giết những tay phóng viên cứ liên tục gọi điện quấy rầy anh ta vào ban đêm thôi. Anh ta nói mình đến Belgrade là để chơi cờ, chứ không phải để trả lời phỏng vấn.

    Hôm đó là thứ 7, ngày mà Bobby không thi đấu cho đến sau khi mặt trời lặn. Ban tổ chức hỏi tôi mấy giờ thì tay cờ người Mỹ có thể đấu ván cuối với Petrosian, và khi nào thì anh ta muốn nhận giải thưởng. Fischer trả lời câu hỏi đầu tiên là: 6 giờ 45 tối. Anh ta từ chối trả lời câu hỏi thứ hai, nói rằng anh ta không muốn nhắc đến chuyện tiền bạc vào các ngày thứ 7.

    Sau 40 nước, ván 4 được hoãn lại. Đại kiện tướng Larry Evans viết rằng, không như hầu hết các kỳ thủ khác, Fischer chỉ tự mình phân tích các ván hoãn đấu. Với các trợ tá, anh ta chỉ đơn thuần nhờ họ kiểm tra xem có gì sai sót trong bài phân tích hay không mà thôi. Evans kể lại cái cách mà Fischer đến gõ cửa phòng ông vào lúc 4 giờ sáng, và cùng ông kiểm tra lần cuối kết quả phân tích. Đó là một thế cờ đặc biệt khó chịu với Fischer, vì anh ta không có bất cứ cơ hội nào để phản công, mà chỉ có mỗi cách là ngồi và chờ đợi. Fischer nói rằng ở căn phòng gần đó, phòng của Petrosian, cứ mỗi phút anh ta lại nghe thấy tiếng chuông điện thoại reo, và một nhóm các nhà phân tích cờ Liên Xô đang tìm mọi cách để đưa ván cờ vào thế thắng.

    Fischer trông mệt mỏi khi anh ta đấu tiếp ván 4, và Evans sợ rằng anh ta sẽ thua. Nhưng anh ta đã kiên cường thủ hoà để duy trì mạch bất bại của mình, đồng thời trở thành người thi đấu hiệu quả nhất giải (2 thắng 2 hoà).

    Đội tuyển Liên Xô giành chiến thắng chung cuộc 20,5-19,5 trước Đội tuyển Thế Giới, nhưng đây có thể coi là một thất bại của nền cờ vua Liên Xô, khi mà họ luôn tự hào về sức mạnh áp đảo của mình. Ở 4 bàn đầu, họ chỉ giành được một ván thắng trong tổng số 16 ván. Bobby Fischer là người cao điểm nhất giải với kết quả 3-1 trước Petrosian.

    (Bjelica) Tại lễ bế mạc, Fischer và tôi đến trò chuyện thân mật cùng Petrosian. Fischer hỏi Tigran rằng ông ấy có biết chơi cờ Đam không (loại cờ có 24 quân cho hai người chơi). Fischer cũng nói anh ta tin rằng một ngày nào đó, những chiếc máy tính thậm chí sẽ đánh bại cả nhà vô địch thế giới. Khi kỳ thủ Liên Xô rời đi, tôi mới hỏi Fischer liệu anh ta có nghĩ rằng mình sẽ đánh bại Petrosian không. Fischer nói khi chuẩn bị bay đến Belgrade, anh ta nghĩ nếu đấu với Petrosian thì sẽ khó khăn hơn là Spassky. Tuy nhiên, ở Belgrade, hoá ra cả Petrosian lẫn anh ta đều không có được phong độ tốt nhất.

    "Điều đó có nghĩa là anh không hài lòng với lối chơi của mình?" tôi hỏi anh ta. Fischer trả lời "phải", anh ta cảm thấy mệt mỏi sau một chuyến bay dài. Fischer rất muốn được tham dự Interzonal Tournament, nhưng việc này sẽ gặp nhiều khó khăn, vì anh ta đã từ chối thi đấu tại Giải Vô địch Mỹ.

    Tôi hỏi Fischer rằng anh ta muốn thi đấu với ai, Fischer nói anh ta không có quyền để thách đấu với Spassky, nhưng Liên đoàn Cờ Vua Mỹ đã đề nghị với các nhà tài trợ một trận đấu không chính thức với Spassky, và đồng ý với quỹ giải thưởng là 25.000 USD: 15.000 USD cho người thắng và 10.000 USD cho người thua. Trận đấu có thể diễn ra ở Moscow hoặc New York. Fischer nói anh ta rất hài lòng nếu thi đấu theo thể thức ai thắng 6 ván trước là người thắng cuộc, và anh ta nghe nói Spassky cũng không quá phản đối trận đấu này, nhưng chuyện này phải do Liên đoàn Cờ Vua Liên Xô quyết định.

    Tôi hỏi Fischer ai là người có nhiều cơ hội nhất để thi đấu tranh ngôi vô địch thế giới với Spassky. "Korchnoi và Larsen", Fischer đáp.

    Được hỏi trận đấu nào sẽ gây sự chú ý nhất cho giới hâm mộ cờ vua, Fischer trả lời rằng, gần như chắc chắn, là trận đấu giữa Larsen và Fischer.

    Sau đó, tôi hỏi Fischer ai sẽ là người thắng trận, Fischer nói rằng anh ta nghĩ anh ta sẽ thắng.

    Tôi hỏi ý kiến đánh giá của Fischer về nhà vô địch thế giới, anh ta nói rằng Spassky là một kỳ thủ rất giỏi, nhưng, theo Fischer, Spassky đã phạm nhiều sai lầm trong trận đấu với Petrosian vào năm ngoái. Fischer cho rằng Spassky có phần hơi e sợ đối thủ. Fischer đã phân tích tỉ mỉ tất cả các ván đấu giữa Spassky và Petrosian khi anh ta chuẩn bị cho cuộc đấu tại Belgrade.

    Tôi hỏi Fischer tại sao anh ta lại nhường quyền chơi bàn 1 lại cho Larsen, Fischer trả lời rằng, dù anh ta biết mình chơi tốt hơn Larsen, nhưng anh ta đã rút lui khỏi làng cờ trong suốt gần 2 năm, và trong khoảng thời gian ấy Larsen đã giành được rất nhiều chiến tích xuất sắc, do đó Larsen hoàn toàn có quyền ngồi đấu ở bàn 1.

    "Anh nghĩ sao về kết quả trận đấu tại Belgrade?" tôi hỏi Fischer.

    Fischer nói rằng trước trận đấu anh ta nghĩ tuyển Liên Xô sẽ dễ dàng giành chiến thắng, nhưng thực sự trận đấu lại diễn biến hết sức thú vị. Ngay từ ý tưởng tổ chức cũng đã rất cuốn hút rồi. Giải đấu này đã quy tụ tất cả những tay cờ giỏi nhất thế giới. Dĩ nhiên, Liên Xô vẫn là quyền lực hàng đầu trong làng cờ Vua, Fischer nói thêm, và gần như chắc chắn sẽ tiếp tục là quyền lực trong một thời gian dài.

    Ở Liên Xô, các đại kiện tướng được ăn ở và tập luyện trong một môi trường rất tuyệt vời. Fischer nói rằng anh ta là một kỳ thủ chuyên nghiệp, kiếm tiền bằng việc thi đấu quanh năm suốt tháng. Nếu anh ta không thi đấu, anh ta sẽ không có tiền. Đúng là anh ta đã nhận được tiền nhuận bút từ việc xuất bản quyển sách "My 60 Memorable Games", nhưng như thế không đủ sống. Fischer rất hay bị chỉ trích vì luôn yêu cầu nhà tài trợ trả phí cao cho sự có mặt của anh ta trong các giải đấu. Fischer trả lời anh ta làm thế vì cờ là cuộc sống của anh ta. Anh ta sống bằng cờ!

    Tôi hỏi Fischer ngoài cờ ra anh ta còn có sở thích gì khác nữa không.

    Fischer nói rằng anh ta thích nghe nhạc và xem truyền hình. Trước đây anh ta còn thích sưu tập các bộ comlê, nhưng giờ thì không còn nữa. Anh ta không có xe hơi, và ở Belgrade anh ta đã nhận phần thưởng cho chiến thắng tại bàn 2, đó là một chiếc xe hơi Moskvich đời mới nhất. Tuy nhiên, Fischer thừa nhận rằng anh ta sợ xe hơi. Ở Mỹ năm ngoái có đến 56.000 người chết vì tai nạn giao thông, và Fischer quyết định rằng đi xe buýt thì tốt hơn.

    Sau cùng, tôi chúc Fischer sẽ hoàn thành ước mơ của mình: rằng anh sẽ được tham dự Interzonal Tournament.

    Anh ta chỉ mỉm cười và nói, "Tôi hy vọng thế..."

    Khi tất cả các kỳ thủ tập trung lại để chụp một bức ảnh lưu niệm thì Bobby, như thường lệ, không có mặt ở đó. Đại kiện tướng người Argentina Miguel Najdorf, người biết Bobby khá rõ, nói: "Anh ấy chỉ thích một mình đi vào lịch sử".

    [​IMG]
    Một bức ảnh chụp chung của các kỳ thủ
     
  18. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Sau "Trận đấu thế kỷ", một Giải Vô Địch Thế Giới không chính thức về cờ chớp (5 phút mỗi ván) được tổ chức tại Herceg Novi. Đây là giải đấu vòng tròn hai lượt, và Petrosian với Tal được dự đoán là hai ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch. Thế nhưng Fischer đã "nhất kiếm trấn quần hùng" khi đạt điểm số không tưởng 19/22 (thắng 17, hòa 4, thua 1), vượt xa Tal (14,5), Korchnoi (14), Petrosian (13,5), Bronstein (13)... Anh chỉ chịu thua một ván trước Korchnoi (nhưng vẫn thắng lại và hòa nhau 1-1). Tal phải thốt lên kinh ngạc: "Trong suốt cả giải anh ta không để bị ăn lấy một con chốt!".

    Liên Đoàn Cờ Vua Mỹ (United States Chess Federation - USCF) bây giờ phải đối mặt với một vấn đề khó khăn. Họ rất muốn Bobby tham dự vòng đấu Interzonal tại Palma de Mallorca, nhưng chính việc từ chối tham dự giải vô địch Mỹ năm 1969 mà Bobby không được phép thi đấu tại Interzonal (Chỉ lấy 3 người đứng đầu của giải vô địch Mỹ. Chính việc mất quyền tham dự này mà Bobby muốn đấu với Spassky không thông qua Interzonal và Candidates). May sao tại Đại hội FIDE vào tháng 9, cờ vua Mỹ được cho phép chọn người đại diện của mình. Và bây giờ vấn đề là sẽ thuyết phục ai trong số 3 người: Reshevsky, Benko và Addison nhường quyền tham dự cho Bobby Fischer. Cuối cùng Benko được chọn, vì anh đã đồng ý lui bước và được nhận 2000 USD. Tưởng đâu mọi chuyện đã xong thì lại thêm một vấn đề nảy sinh: Bobby không hài lòng về vấn đề tiền thưởng.

    Vào thời khắc then chốt này tình hình đã được giám đốc điều hành của USCF là Ed Edmondson cứu vãn. Ông viết một bức thư thật dài cho Bobby, bày tỏ mong muốn Bobby sẽ trở thành Nhà Vô Địch Thế Giới, nhưng muốn làm được điều đó trước hết anh phải tham dự Interzonal và Candidates Matches. Bức thư tưởng chừng như tuyệt vọng này đã mang lại hiệu quả: Fischer đáp máy bay đến Mallorca.

    Đại kiện tướng Liên Xô Vasiukov, người có mặt tại giải với tư cách là trợ tá cho Mark Taimanov, kể lại: "Anh ta trông hơi khác thường: ăn mặc luộm thuộm, râu không cạo, tóc để dài. Chỉ đến giai đoạn hai của giải anh ta mới diện đồ đẹp. Chúng tôi trao đổi với nhau vài lời. Khi tôi hỏi anh ta có thi đấu không, Fischer đáp lại: "Dĩ nhiên là có!". Nhưng cũng không có gì đảm bảo rằng Bobby sẽ không đột ngột rút lui khi giải bước vào giai đoạn nước rút (vụ xì căng đan tại Sousse Interzonal 1967 mọi người vẫn còn nhớ như in)..."

    Bobby khởi đầu giải rất tự tin. Sau ván hòa với Robert Hubner, anh thắng liền 5 ván. Các "nạn nhân" của anh gồm có Smyslov, Hort và Reshevsky. Những ván cờ của anh tại Mallorca đẹp đến kinh ngạc! Khi gặp anh, các đại kiện tướng hàng đầu (chứ không nói đến các kiện tướng) đều chơi một cách rụt rè, và thất bại mà không có được một sự kháng cự rõ nét nào. Sau 11 vòng đấu, gần đi được nửa chặng đường, Fischer xếp ở vị trí thứ 2, kém nửa điểm so với người dẫn đầu là Efim Geller của Liên Xô. Fischer và Geller chạm trán ở vòng đấu thứ 12 trong một trận cờ mang tính chất then chốt.

    Geller chưa thua một ván nào tại giải, và quan trọng hơn là hai yếu tố sau đây: thứ nhất, thành tích đối đầu của Fischer với Geller rất tệ hại (thắng 2, hòa 2, thua 5); thứ hai, Fischer phải cầm quân Đen. Đây là một thử thách thật sự cho Fischer. Anh cố gắng giữ tập trung và sự tự tin của mình bằng việc nghiên cứu thật cẩn thận các ván cờ của Geller.

    [​IMG]
    Efim Geller

    Fischer chọn một phương án bình ổn trong Phòng thủ Gruenfeld - và anh đã giành được chiến thắng trong cuộc đấu tâm lý: đối thủ của anh hài lòng với một trận hòa, và đề nghị hòa ở ngay nước thứ 7

    Phản ứng đầu tiên của Fischer là cười. Geller cũng cười: tình thế thật rõ ràng - tay cờ người Mỹ đã thua cả 3 ván gần đây trước Geller. Đột nhiên Fischer ngừng cười và cúi thấp xuống nói gì đó với Geller. Không ai nghe rõ Fischer nói gì trừ Geller. Có một khán giả kể lại rằng Fischer đã nói: "Quá sớm", nhưng nhìn gương mặt của Geller đỏ lên vì tức giận thì có lẽ Fischer đã nói gì đó cay độc hơn. Người ta cho rằng Fischer đã nói một câu đại loại như cách chơi hòa sớm chỉ có ở các tay cờ Liên Xô mà thôi. Khi quyển sách chính thức về giải đấu được xuất bản, những người biên tập đã viết ghi chú về nước thứ 7 của Geller: "Tại sao Geller lại mong đợi Fischer sẽ chấp nhận hòa nhanh? Qua những ván cờ của Fischer đã cho thấy rằng anh ta ghê tởm việc chơi hòa nhanh, và luôn muốn thi đấu cho đến khi không còn cơ hội để giành chiến thắng. Không hòa dưới 40 nước là triết lý của Fischer".

    Dẫu sau đó bị kém một chốt nhưng Geller đã phòng thủ rất xuất sắc, và khi ván cờ được tạm hoãn thì một kết quả hòa là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khi ván đấu được tiếp tục, lúc mọi nguy hiểm đã qua đi, thì Geller đột nhiên lại phạm sai lầm. Những lỗi lầm như vậy của đối thủ trong các thế tàn cuộc đơn giản đã xảy ra vài lần trong các ván cờ của Fischer. Nguyên nhân rất rõ ràng: quá căng thẳng.

    (Taimanov) Geller tự cho phép mình thư giãn, và Fischer, vẫn không hề đánh mất sự tập trung và chú ý vào ván cờ, đã ngay lập tức khai thác sai lầm của đối thủ.

    Nữ thần Caissa đã mỉm cười với Fischer, và anh giành chiến thắng tại Palma de Mallorca với 18,5 điểm, hơn người về nhì là Efim Geller đến 3,5 điểm.

    Bobby đã đạt đến độ chín tại Palma. Dù kết quả xuất sắc nhưng anh vẫn không ấn tượng với màn trình diễn của mình: "Tôi hài lòng với kết quả, chứ không hài lòng về lối chơi". Khi được nhắc lại về phong độ nghèo nàn tại Candidates 1962, anh nói: "Có lẽ đó là một điều tốt. Tôi chưa đủ hoàn thiện tại giải đó". Nhưng anh chắc chắn đã hoàn thiện tại Palma.
     
  19. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    ANH ĐẾN, ANH THẤY, ANH CHINH PHỤC !

    Thành công của Bobby tại Palma de Mallorca đã đưa anh đến chặng tiếp theo trên con đường chinh phục danh hiệu vô địch thế giới. Sau hai thất bại tại Candidates Tournament ở Yugoslavia 1959 và Curacao 1962, anh khẳng định rằng mình đã bị "đánh hội đồng" bởi các tay cờ Liên Xô, và những trận hòa sắp đặt trước của họ đã đánh cắp chức vô địch của anh. Giờ đây FIDE đã thay đổi hoàn toàn hệ thống thi đấu của giải vô địch thế giới, không còn là Candidates Tournament nữa mà đã trở thành Candidates Matches - những trận đấu loại trực tiếp, và Fischer sẽ không còn phải lo lắng việc các kỳ thủ Liên Xô thông đồng với nhau. Hai trận tứ kết và bán kết của Candidates Matches sẽ bao gồm 10 ván, còn trận chung kết là 12 ván.

    Kết quả tại Interzonal Tournament đã gióng hồi chuông cảnh báo đến những người điều hành của Ủy Ban Thể Thao Liên Xô (USSR Sports Committee). Điểm số vượt trội so với các đối thủ đã cho thấy Bobby Fischer đang quyết tâm hơn bao giờ hết. Khi Edmondson, giám đốc điều hành của USCF, được hỏi liệu Fischer có tham dự Candidates Matches hay không, ông trả lời rõ ràng: "Tôi không nghi ngờ gì về điều đó". Vì vậy sẽ không có bất cứ hy vọng nào vào việc Fischer bỏ cuộc. Mọi chuyện dường như đang đi đúng theo lời dự đoán của Botvinnik vào giữa những năm 1960: "Tôi bị thuyết phục rằng nếu Fischer không trở thành Nhà Vô Địch Thế Giới trước tuổi 30, anh ta sẽ không bao giờ bằng lòng".

    Thử thách đầu tiên của Fischer tại Candidates Matches là đại kiện tướng người Liên Xô, Mark Taimanov. Tất cả các nhà chuyên môn đều dự đoán Fischer sẽ giành chiến thắng tại Candidates, nhưng không hề dễ dàng. Tal đoán rằng Fischer sẽ thắng Taimanov 5,5-4,5. Ngay chính Fischer cũng thiếu tự tin. Dù anh đã chơi 74 ván trong các giải đấu trong 9 tháng vừa qua, với chuỗi 7 ván thắng liên tiếp tại Palma, nhưng anh cảm thấy mình vẫn chưa đạt điểm rơi phong độ, và cần phải chơi thêm nhiều giải nữa. Candidates Matches đòi hỏi phải có sự chuẩn bị cực kỳ chu đáo, và việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi trận đấu luôn là chìa khóa thành công cho Fischer.

    Mark Taimanov 45 tuổi, còn Fischer là 28 - độ tuổi sung mãn trong sự nghiệp. Trận đấu của họ bắt đầu vào tháng 5 năm 1971 tại Vancouver, Canada, trong khuôn viên tuyệt đẹp của trường đại học University of British Columbia.

    [​IMG]
    Mark Taimanov (trái) và Vassily Smyslov
    Taimanov đến thi đấu với một lực lượng trợ tá hùng hậu như thường thấy của các kỳ thủ Liên Xô. Nhưng than ôi họ đã không thể giúp được gì. Fischer đánh bại Taimanov với tỉ số như một séc tennis: 6-0, một tỉ số chưa từng thấy trong lịch sử của Candidates Matches, và anh đã đánh văng đối thủ đầu tiên một cách không thể thuyết phục hơn.

    [​IMG]

    Trận đấu Fischer - Taimanov, tứ kết Candidates Matches 1971

    Tại sao một đại kiện tướng hàng đầu của Liên Xô lại bị thua một cách thê thảm như vậy? Garry Kasparov cho rằng đó đơn giản là sự sụp đổ về tâm lý. Kỳ thủ Xô Viết vào trận với một tinh thần quyết chiến (cả Fischer cũng vậy), nhưng ông đã không thể chịu nổi trạng thái quá căng thẳng: ván 1 và ván 3 ông khởi đầu rất tốt ở khai cuộc, nhưng sau đó đã để sai sót trong trung cuộc và thất bại. Và khi đấu tiếp hai ván cờ tạm hoãn là ván 2 và ván 5, ông lại phạm tiếp sai lầm chết người trong những thế cờ vốn đã chắc chắn hòa.

    Trước cuộc chiến với Fischer, nhận biết được rằng mình sắp phải đương đầu với một nhiệm vụ khó khăn, Taimanov đã đến nhờ Botvinnik giúp đỡ, người thầy đầu tiên của Taimanov và cũng là một Nhà Vô Địch Thế Giới rất giỏi trong quá trình chuẩn bị trước trận đấu. Botvinnik thảo luận với Taimanov, và ông còn tặng Taimanov một tập hồ sơ khá chi tiết về Fischer (được công bố trong quyển sách "Russians vs Fischer"). Đây là tập tài liệu được phân tích rất chuyên nghiệp và tinh vi. Taimanov sau này luyến tiếc rằng mình đã "lãng phí một tập tài liệu quý". Yuri Averbakh đã đúng khi viết: "Vì đối lập hoàn toàn với Botvinnik về tính cách, lối suy nghĩ, cũng như quan niệm về cờ và cuộc đời, mà Taimanov không nên thiếu cân nhắc nghe theo những lời khuyên của Botvinnik. Tập tài liệu là rất quý, nhưng nên dành cho một người khác".

    Botvinnik cũng có tác động đến đội ngũ trợ tá của Taimanov (bao gồm Kotov, Vasiukov và kỳ thủ trẻ Balashov). Mark Yevgenevich rất muốn Mikhail Tal làm trợ tá cho mình, và ông cũng đã nhận được sự đồng ý từ Tal. Hãy tưởng tượng một sự ngạc nhiên khó chịu nào sẽ đến với Fischer. Chàng Tal vui tính, với rất nhiều kinh nghiệm trong những trận đấu tay đôi (từ hai trận tranh chức vô địch thế giới với Botvinnik năm 1960 và 1961), cộng thêm việc biết rõ những điểm mạnh và điểm yếu của Fischer, sẽ là trợ thủ rất đắc lực cho Taimanov, đặc biệt là khi Taimanov gặp khủng hoảng sau những thất bại liên tiếp. "Nhưng than ôi, Mikhail Moiseyevich không tán thành sự lựa chọn của tôi, và than ôi, tôi đã nghe theo lời khuyên của ông ấy. Bây giờ tôi thấy đó là một trong những sai lầm lớn nhất của tôi".

    [​IMG]
    Alexander Kotov

    Chiến thắng kinh hoàng của Fischer trước Taimanov đã làm cả Liên Xô chấn động. Ngay lập tức, họ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để giải trình về thất bại của Taimanov. Sau cuộc họp, Hội đồng Huấn luyện viên của Liên đoàn Cờ Vua Liên Xô đã đưa ra một nghị quyết:

    NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG HUẤN LUYỆN VIÊN CỦA LIÊN ĐOÀN CỜ VUA LIÊN XÔ

    Ngày 7 tháng 6 năm 1971

    Về kết quả trận tứ kết Candidates Matches giữa M. Taimanov và R. Fischer

    Sau khi nghe và thảo luận những báo cáo từ đại kiện tướng Taimanov, đại kiện tướng Kotov (trưởng đoàn), và huấn luyện viên Vasiukov về khâu chuẩn bị và tổ chức trận đấu Candidates giữa Taimanov và Fischer, Hội đồng Huấn luyện viên tuyên bố trận đấu đã kết thúc với một kết quả hoàn toàn không thể chấp nhận được, và chưa từng thấy trong suốt nhiều năm tranh tài tại các giải quốc tế của các kỳ thủ Liên Xô.

    Taimanov cùng các huấn luyện viên của mình đã chuẩn bị nhiều về mặt chuyên môn, nhưng tinh thần thi đấu, yếu tố tâm lý, và việc tập luyện thể lực đã không được chú trọng.

    Trong việc lựa chọn đấu pháp, những điểm mạnh của Fischer và trình độ kỹ thuật điêu luyện của anh ta đã bị đánh giá thấp. Chúng ta quyết định đưa Fischer vào những trận đánh chiến thuật phức tạp, đòi hỏi cần phải tính toán nhiều phương án. Đối sách này đã thất bại vì không lưu ý đến một thực tế là Taimanov lớn tuổi hơn nhiều so với Fischer, và có thể sẽ phải chịu căng thẳng nhiều hơn đối thủ. Điều đó quả thực đã xảy ra.

    Những bài viết trên các tạp chí cờ của chúng ta đã nhấn mạnh quá đáng về các mặt hạn chế của Fischer, khiến cho nhiều người đánh giá sai về sức mạnh của Fischer và kết quả của trận đấu. Điều này nhất định đã ảnh hưởng tiêu cực đến Taimanov.

    Hội đồng Huấn luyện viên đã không giám sát quá trình chuẩn bị cho trận đấu, mà chỉ dựa vào những báo cáo từ Taimanov và Vasiukov. Vasiukov đã không báo cáo kết quả của những trận đấu tập, những trận đấu cho thấy Taimanov không có được phong độ tốt nhất.

    Sau khởi đầu không thành công, Taimanov bị mất phương hướng về mặt tâm lý, không thể thi đấu một cách kiên cường, chính xác, và đã phạm sai lầm. Kotov và Vasiukov đã không thể giúp Taimanov vượt qua tình trạng rối loạn này. Chế độ tập luyện hằng ngày cũng không đúng đắn. Dành quá nhiều thời gian cho việc phân tích, thay vì phải nghỉ ngơi.

    Thế cờ tạm hoãn ở ván 5 đã được phân tích rất kém cỏi, và chẳng bao lâu sau khi tiếp tục ván đấu, Taimanov đã phạm sai lầm, khiến cho kết quả hợp lý của ván đấu bị bóp méo.

    Hội đồng Huấn luyện viên muốn các kỳ thủ Liên Xô vẫn còn đang thi đấu tại Candidates Matches phải đặc biệt nghiêm túc trong trận đấu với Fischer, và thi đấu với một tinh thần trách nhiệm cao nhất. Hội đồng chỉ thị cho Taimanov, Vasiukov, Balashov và Kotov phải đệ trình, trước ngày 20 tháng 6, một bản báo cáo chi tiết nghiên cứu về lối đánh của Fischer, cùng những kết luận lý thuyết và thực tiễn rút ra từ trận tứ kết.

    Một cuộc họp đặc biệt phải được triệu tập trong tháng 7 năm nay để tổng kết lại những tài liệu có được và tiến hành lập đối sách về khai cuộc, chiến lược, chiến thuật để thi đấu với Fischer.

    Hội đồng Huấn luyện viên đề nghị Uỷ ban Thể thao Liên Xô gửi một quan sát viên đến trận đấu Fischer - Larsen trong khoảng 15-20 ngày, và yêu cầu Viện Nghiên cứu Thể dục Quốc gia sớm gửi các chuyên gia đến để huấn luyện thể lực và tâm lý cho các kỳ thủ.

    Hội đồng Huấn luyện viên cho rằng các tạp chí cờ định kỳ nên ngừng xuất bản, để tránh Fischer có thể sử dụng những tài liệu đó chống lại các đại kiện tướng Liên Xô.
    Chủ tịch Hội đồng Huấn luyện viên
    Yu. Averbakh


    Trận thua tan nát này gần như đã chấm dứt sự nghiệp chơi cờ của Taimanov. Chính phủ Xô Viết xem nó như là một nỗi nhục quốc gia và trừng phạt ông vì ông thậm chí đã không thể kiếm nổi một trận hòa. Họ cắt lương của ông và cấm ông xuất ngoại. Sau trận đấu, Taimanov buồn bã nói với Fischer: "Dù sao tôi vẫn còn có âm nhạc của mình" (ông là một nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng của Liên Xô).

    Hãy nghe Taimanov nói về trận đấu lịch sử của mình với đối thủ:

    ...Trận đấu với Fischer là một niềm vui to lớn. Vâng, dù kết quả thật đáng thất vọng, nhưng tôi không có lý do gì phải xấu hổ về những gì mình đã thể hiện, đó đều là những ván cờ đầy sáng tạo...

    Nhưng hơn hết, tôi vui vì định mệnh đã cho phép tôi được thi đấu với một đại kiện tướng vĩ đại. Tôi là một trong những người cuối cùng có cơ hội đối mặt với Fischer trên bàn cờ...

    Tôi không nghĩ mình có cơ hội chiến thắng trong trận đấu với Fischer, nhưng có lẽ đã không đáng thua với một tỉ số như vậy. Chính Fischer cũng thừa nhận điều đó. Anh ấy nói kết quả đã không tương xứng với những trận đánh khốc liệt trên bàn cờ, và anh nghĩ khi đến ván 6 tỉ số sẽ không hơn 3,5-2,5 nghiêng về phía anh. Nhưng yếu tố tâm lý đóng một vai trò quan trọng. Đó là lần đầu tiên tôi chiến đấu không phải với một con người, mà là với một chiếc máy tính không biết phạm sai lầm.
     
  20. dangtuanpr

    dangtuanpr Lớp 6

    Đối thủ tiếp theo của Fischer trong trận bán kết là đại kiện tướng Bent Larsen của Đan Mạch. Trận đấu này nhận được sự quan tâm cực lớn của làng cờ thế giới, đơn giản vì tỉ số khủng khiếp 6-0 trong trận tứ kết giữa Fischer và Taimanov.

    Dĩ nhiên, khác với Taimanov, Larsen không xem mình là một "nạn nhân của Fischer". Những thành công vang dội trong các giải quốc tế đưa Larsen trở thành một trong những kỳ thủ mạnh nhất thế giới. Sau "Trận đấu thế kỷ" được vinh dự xếp ngồi bàn 1, Larsen tiếp tục chứng tỏ sức cờ mạnh mẽ của mình khi là người duy nhất đánh bại Fischer tại Palma de Mallorca 1970. Larsen cho rằng, ít nhất đây cũng sẽ là một cuộc chiến ác liệt, và có thể xem như là một trận tranh chức vô địch của phương tây.

    Dù vậy, mọi người vẫn đánh giá Fischer nhỉnh hơn: Larsen đã từng thi đấu tại Candidates Matches, nhưng chưa có được thành công cụ thể nào (năm 1965 thua trong trận bán kết trước Tal, năm 1968 thua trận bán kết trước Spassky), và Larsen chưa chứng minh được mình là một mối đe dọa với các kỳ thủ Liên Xô như Fischer. Tuy vậy, kết quả trận đấu thực sự vẫn chưa rõ ràng. Chẳng hạn như Botvinnik đã viết: "Nếu bạn đánh giá các kỳ thủ chỉ từ quan điểm về cách tính toán phương án của họ, thì Fischer như một "chiếc máy tính" sẽ mạnh hơn Larsen. Nhưng nếu các kỳ thủ được đánh giá từ khía cạnh sáng tạo của họ, thì cá nhân tôi thấy Larsen thú vị hơn, lôi cuốn hơn. Anh ta có thể lóe lên những ý tưởng mà chưa từng xuất hiện trước đây. Trong khi Fischer phần lớn sử dụng những ý tưởng đã được chứng minh và đáng tin cậy".

    [​IMG]
    Bent Larsen

    Nhiều người ngạc nhiên khi Larsen cho biết mình sẵn sàng thi đấu ở Mỹ, trong khi vẫn còn nhiều địa điểm khác như Hà Lan, Thụy Điển và Tây Ban Nha. Petrosian có nói Taimanov đã phạm sai lầm khi đồng ý thi đấu tại Canada, vì sự khác biệt về thời gian với Moscow là quá lớn (nói chung, với một giải đấu diễn ra ở lục địa khác thì bạn nên đến trước ít nhất là 11 ngày, trong khi Taimanov đến Vancouver chỉ 6 ngày trước khi diễn ra ván đầu tiên). Quyết định này của Larsen cho thấy ông đã quá tự tin vào sức mạnh của mình! Và còn một điều nữa: trận đấu không diễn ra tại New York ngột ngạt đang trong thời kỳ nóng nhất của mùa hè, mà là tại Denver, cao 1600 mét so với mực nước biển, nên Larsen thực sự cảm thấy hài lòng. Nhưng ông không thể nào ngờ được tháng 7 năm đó lại là tháng nóng nhất trong suốt nhiều năm qua tại Denver, khi mà nhiệt độ lên đến gần 40 độ C !

    [​IMG]
    Trận đấu Fischer - Larsen, bán kết Candidates Matches 1971

    Và điều gì đã xảy ra? Fischer hủy diệt Larsen như cái cách mà anh đã làm với Taimanov, tỉ số của một séc tennis: 6-0. Thật không thể tin nổi! Hôm đó là 9 giờ tối ngày 20 tháng 7 năm 1971, và Bobby Fischer đã làm nên một kỳ tích mà chưa từng có ai làm được. Anh nghiền nát hai tay cờ hàng đầu thế giới với một tỉ số thật đáng sợ. Anh không để thua hay hòa một ván nào, mà chỉ biết thắng và thắng. Bây giờ anh đã có chuỗi 19 trận thắng liên tiếp trước các tay cờ mạnh nhất thế giới.

    Những người nghi ngờ khả năng của Fischer, đặc biệt là các kỳ thủ Xô Viết, cho rằng chiến thắng tưng bừng của anh trước Taimanov chẳng qua chỉ là một phút "loạn trí". Nhưng việc lặp lại tỉ số thắng tuyệt đối này trước một kỳ thủ trẻ hơn, và rất được nể trọng như Larsen, đã chứng minh rằng Fischer ở một đẳng cấp của riêng mình. Robert Byrne, người theo dõi trận đấu trong sự kinh ngạc, nói rằng ông không thể nào giải thích nổi cái cách mà Bobby có thể giành đến 6 ván thắng liên tiếp trước một thiên tài cờ như Bent Larsen.

    Các kỳ thủ Liên Xô cũng được an ủi phần nào, vì thất bại của Larsen giúp cho trận thua của Taimanov đỡ nhục nhã hơn. Tivi và radio trên khắp Liên Xô cũng gián đoạn chương trình để thông báo kết quả. Hàng triệu người dân Xô Viết say sưa theo dõi trận đấu, và họ bị mê hoặc bởi tài nghệ bậc thầy của Fischer. Kênh Sovietsky Sport tuyên bố: "Một phép màu đã xảy ra".

    Trong bài báo có tựa đề "Chơi cờ dưới cái nóng cháy da" ("Chess in a scorching atmosphere"), Larsen phàn nàn rằng ông gần như không thể ngủ nổi vì trời quá nóng, và do đó đã thi đấu không tốt vì bị thiếu ngủ. Spassky nói đó chỉ là "một cái cớ". Tuy nhiên Kasparov cho rằng Spassky không hoàn toàn đúng. Việc ngủ đủ giấc đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với một kỳ thủ. Botvinnik kể lại rằng khi ông tham dự giải quốc tế Moscow lần 2 (1936), ông cũng không thể nào ngủ nổi vì trời nóng kinh khủng, và chỉ dựa vào sức trẻ - khi đó ông 25 tuổi - ông mới có thể tự ép mình tập trung và chơi tốt dù bị mất ngủ. Còn với Larsen, ông đã 36 tuổi, không còn trẻ khỏe dẻo dai như trước, nên mọi thứ rõ ràng là khó khăn hơn...

    Larsen có nhắc lại trận đấu này trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2005:

    Đó là một trận đấu không thể nào chịu nổi... Ban tổ chức đã chọn sai thời điểm... Tôi bị kiệt sức dưới cái nóng, còn Fischer thì đã có sự chuẩn bị tốt hơn cho một tình huống như vậy. Tôi nhìn các quân cờ qua một màn sương, và do đó đã không thể chơi tốt. Đó là một cơn ác mộng mà tôi sẽ không bao giờ quên! Vận mệnh đã không cho tôi lấy một cơ hội để thắng anh ta...

    Lúc đầu khi thua, tôi cũng không quá thất vọng - mọi thứ đã xảy ra! Song rất khó để quên cảm giác này và bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Tôi nghĩ mình không làm nổi...

    Tuy nhiên, nếu chỉ đổ mọi thứ do trời nóng thì sẽ không công bằng cho người thắng cuộc. Không phải ngẫu nhiên mà Tal đã bình luận: "Dường như trong suốt cả trận đấu Larsen không thể chiếm ưu thế dù là chỉ một nước".

    Thất bại của Larsen quả thực đã gây ra một cú sốc còn lớn hơn cả trận thua của Taimanov. Rõ ràng những gì đã diễn ra tại Vancouver và Denver không phải do tình cờ chút nào, mà nó chỉ chứng minh một điều: một quyền lực mới đã xuất hiện trong lịch sử cờ vua!
     
Moderators: galaxy, teacher.anh

Chia sẻ trang này