Biên khảo Luyện văn II - Nguyễn Hiến Lê

Thảo luận trong 'Tủ sách Tuỳ Bút - Biên Khảo' bắt đầu bởi goldfish, 5/1/14.

Moderators: SLASH.ROCK4U
  1. goldfish

    goldfish Lớp 8

    LUYỆN VĂN
    TẬP II


    Tác giả: Nguyễn Hiến Lê

    Nhà xuất bản: Văn học

    LV II.jpg


    Cung cấp bản scan: Hoaithu84
    Tạo eBook: Goldfish
    Ngày hoàn thành: 04-01-2014
    TVE-4u
    TỰA

    Quyển LUYỆN VĂN trước đã may mắn được nhiều độc giả hoan nghinh, cho là một cuốn sách mà “gia đình nào cũng phải có”. Nhiều vị khuyến khích chúng tôi viết thêm. Cảm động nhất là đoạn dưới đây trong một bức thư từ Phan Thiết mà giọng bắt buộc rất gắt gao, song vô cùng khả ái: “Ông Lê, ông phải soạn ngay một cuốn LUYỆN VĂN thứ nhì và phải xuất bản gấp, nội trong ba tháng, không được trễ, để hè này tôi có sách đọc mà quên cái nóng nung người đi nhé. Vấn đề còn rộng, ông chưa xét hết và ông không được từ chối”Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.

    ọc những hàng thân mật ấy, chúng tôi thú thật là hơi thèn thẹn. Ngay từ khi sửa ấn cảo cuốn trước, chúng tôi đã thấy vấn đề còn gần như nguyên vẹn, nhiều chỗ xét còn nông cạn, độc giả không trách là may, lại khen nữa thì thực là quá khoan dung. Thẹn nhưng vui; thẹn cho chúng tôi mà vui cho tiền đồ Việt ngữ. Sách được hoan nghinh đã không phải vì giá trị của nó thì tất là vì hoàn cảnh, vì nó ra hợp thời và làm thỏa mãn được phần nào nhu cầu của quần chúng. Mấy năm nay, độc giả trí thức trong đủ các giới, từ giáo sư tới thương gia, công chức, luật sư, bác sĩ đều đời hỏi, mỗi ngày một nhiều, những sách chỉ cách luyện Việt ngữ. Người ta đã thấy khéo vận dụng tiếng mẹ là nắm được một lợi khí, hơn nữa, là tự đeo vào mình một dấu hiệu cao quý. Thế sự đã đảo lộn: ngày nay những người được trọng vọng nhất thường ở trong số người thông Việt ngữ, chứ không còn ở trong hạng nói tiếng Pháp như người Pháp. Tóm lại, Việt ngữ đã bước vào một kỉ nguyên mới. Điều đó, các đại biểu trong Quốc hội đầu tiên của chúng ta hiểu rõ hơn ai hết, và là nguyên nhân chính giúp chúng tôi thành công.


    LuyenVan_QII.jpg
    Bìa "Luyện văn - Quyển II" (Nxb Nguyễn Hiến Lê )
    (Nguồn: sachxua.net)

    Nghĩ rằng Việt ngữ chỉ mới được trọng dụng trong vài ba năm nay, thì ta thấy là quá trễ; nhưng nếu nghĩ đến sức tiến triển của Việt ngữ thì ta lại nên mừng. Thật là một điều vô cùng kì dị, có lẽ độc nhất trong lịch sử nhân loại: thơ nôm của chúng ta đã có từ cả ngàn năm trước, phát triển từ ca dao đến các điệu hát rồi đạt tới một mực rất cao trong truyện Kiều, còn văn xuôi nôm của chúng ta thì mới xuất hiện từ chưa đầy một thế kỉ nay. Vì bạn thử xét xem, từ giữa thế kỉ thứ 19 trở về trước, chúng ta có những tác phẩm nào là văn xuôi nôm? Các bộ Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ư? Không. Đó là tản văn Hán chứ không phải nôm. Các bài phú, kinh nghĩa nôm cửa Lê Quí Đôn, Nguyễn Công Trứ ư? Cũng không nữa. Những bài ấy tuy viết bằng tiếng nôm song theo thể biền ngẫu, một thể có đối, có vần, niêm luật chặt chẻ, gần thi ca hơn là gần văn xuôi. Rút cục, chỉ còn những bài biểu, chiếu dưới triều Quang Trung (có lẽ cả trong thời Hồ Quý Ly) mới thực là văn xuôi Nôm, song những bài đó ít quá (vua Quang Trung cầm quyền không được lâu, công cuộc cách mạng văn học của ông chưa kịp hoàn thành) và viết rất vụng về, đầy những thành ngữ Hán, không có chút giá trị gì cả.

    Vậy thực ra văn xuôi nôm mới xuất hiện từ hồi Trương Vĩnh Ký viết cuốn Chuyện đời xưa (1866) nghĩa là cách đây chín chục năm. Nhưng trong hậu bán thế kỉ trước, lời xướng của ông được ít người họa, phải đợi đến đầu thế kỉ này, từ khi nhóm Đông dương tạp chí ra đời, văn xuôi nôm, mới phát triển đều đều và phát triển rất mạnh. Mặc dầu bị tiếng Pháp lấn áp trong mọi khu vực, mặc dầu bị đa số quốc dân thờ ơ, bị nhiều nhà giáo coi thường - chúng tôi đã không ở trong hoàn cảnh các cụ thì đâu dám trách các cụ, nhưng quả thực là bốn chục năm về trước, nhiều cụ trong giờ “A na mít” chỉ cho đọc CHINH ĐÔNG, CHINH TÂY; hoặc năm thì mười họa có ra bài luận thì không sửa chữa, mà chỉ bắt học sinh đọc lên nghe rồi cho điểm - mặc dầu gặp những nghịch cảnh đó mà văn xuôi của ta chỉ trong nửa thế kỉ, đã tiến những bước rất dài. So sánh văn của nhóm ĐÔNG DƯƠNG TẠP CHÍ với văn thời nay, ta tưởng như có sự cách biệt hàng mấy thế kỉ, cách biệt hơn văn thế kỉ 17 với thế kỉ 20 của Pháp hoặc văn thế kỉ thứ 8 (đời Đường) với thế kỉ 19 (cuối Thanh) của Trung Hoa.


    Sự đột tiến đó do công lao của các nhà cầm bút tự tìm chữ, đặt chữ, áp dụng các cách hành văn của ngoại quốc rồi thí nghiêm trong tác phẩm của mình, mà ráng dung hòa cho văn được hợp với tính cách của Việt ngữ và không cách biệt quá với lời nói thông thường trong dân chúng.


    Tuy nhiên, ta đừng nên quá mừng mà quên rằng Việt ngữ vì mới được luyện trong già nửa thế kỉ nay nên so với pháp ngữ, Anh ngữ, còn kém sáng sủa, tế nhị trong sự phô diễn những tư tưởng triết học, khoa học; và hiện nay văn chương của ta so với văn chương nước người còn thua phần bát ngát, rực rỡ: chúng ta chỉ mới khai thác được ít khoảng trong khu vực mênh mông, thiên hình vạn trạng của văn học thôi.


    Nói ngay như lối dạy Việt ngữ trong các trường bây giờ, cũng còn sơ sài lắm, vì đã thiếu sách, thiếu thầy mà vì chương trình lại không trọng văn bằng toán. Ngày xưa hồi Nho học còn thịnh, nghệ thuật làm văn được dạy tỉ mỉ, thầy khóa nào cũng phải chuyên luyện hàng năm cách đối, cách làm thơ, phú. Mỗi bài văn được chấm rất kĩ phê bình từng chữ; và trong khi phê bình, các cụ Đốc, cụ Nghè giảng cho môn đệ chữ dùng thế nào là non, là già; giọng thế nào là du dương, là khó đọc, văn thế nào là tươi, nhã, hàm súc, cách mở ra sao, tiếp ra sao, gói ra sao (!) Ngày nay trong ban Trung học, người ta chỉ cần tập cho học sinh viết được gọn, sáng và xuôi, chứ không luyện cho viết có nghệ thuật. Đó là khuynh hướng chung của thời đại: văn học đã nhường địa vị cho khoa học. Vì vậy, thanh niên dù ở Trung học hay Đại học ra, muốn cho thuật viết văn của mình thành một lợi khí, tất phải học thêm trong sách vở hoặc các lớp hàm thụ. Ở nước ta, vì nhiều nguyên nhân, các lớp hàm thụ dạy Việt ngữ chưa thể mở được nên người muốn tự học chỉ còn trông ở sách và sách dạy Luyện văn thành ra cần thiết vào bực nhất.


    Nhờ vậy mà công việc của chúng tôi được hoan nghinh.


    Ngay khi in xong cuốn trước, chúng tôi đã thu nhập tài liệu để viết tiếp, nhưng vì mắc nhiều công việc khác gấp hơn, nên đến nay mới thảo được cuốn này, làm nhiều độc giả phải trông đợi.


    Cuốn trước, tuy ngoài bìa đề là: CÁCH VIẾT VÀ SỬA VĂN, song thực ra xét về cách viết nhiều hơn là sửa. Cuốn này là cuốn sau chỉ cách sửa nhiều hơn, nhưng tôi đã bỏ nhan đề đó đi chỉ giữ hai chữ LUYỆN VĂN vì luyện văn tức là tự sửa văn rồi.


    Đại ý của chúng tôi là trước hết chỉ cho độc giả nhận thấy sự thực này: Muốn luyện văn thì phải kiên nhẫn, tốn công, hứng tuy có ích mà không cần bằng sự cần cù. Rồi chúng tôi phân tích cách sửa văn của các danh sĩ để độc giả coi đó làm mẫu; trong phần này có những điểm chưa xét trong cuốn I, lại có những điểm đã xét nhưng chưa kĩ, nên xét thêm. Sau cùng, chúng tôi nghĩ, về văn nghệ, kĩ thuật không quan trọng bằng sự học rộng và tư cách của người cầm bút, nên MUỐN LUYỆN VĂN, PHẢI BỒI DƯỠNG HAI CÁI ĐÓ: SỰ HIỂU BIẾT VÀ LÒNG VĂN NGHỆ. Có hai điều kiện ấy, thì kĩ thuật viết tự nhiên tiến; trái lại, thiếu nó thì dù tốn công học kĩ thuật bao nhiêu, kết quả cũng chỉ là đưa ta đến những cái tiểu xảo mà non hai ngàn năm trước, Dương Hùng đã chê là cái trò “Chạm con sâu, khắc con dấu, kẻ chí khí không thèm làm”, và gần đây Verlaine cũng cho là một “đồ trang sức đánh giá một xu, nó kêu nhưng rỗng tuếch”.

    Sài Gòn ngày 1-4-1956Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    [HR][/HR]Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Chúng tôi xin cám ơn một độc giả khác ở Sài Gon đã viết thư khuyến khích chúng tôi mà giấu địa chỉ sợ làm chúng tôi mất thì giờ phúc đáp.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Theo danh mục “Sách của Nguyễn Hiến Lê” in trong cuốn Mười câu chuyện văn chương thì quyển Luyện văn II do nhà Nguyễn Hiến Lê xuất bản năm 1957. Ebook này tôi chép theo bản in trong Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê III: Ngữ học, nhà Văn học xuất bản năm 2006. (Goldfish).

    Mã:
    [COLOR=#006400][B]Định dạng PRC:[/B][/COLOR]   Link  [URL="https://drive.google.com/file/d/0BzFnAqALO-xHWnA2THNqWkhXcDg/edit?usp=sharing"]LuyenVan II_NHL[/URL]  (Font chữ Hán: MS Mincho)
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/1/14
  2. Phạm V Hoàng

    Phạm V Hoàng Mầm non

    Có định dạng epub hay Pdf ko bạn?
     
Moderators: SLASH.ROCK4U

Chia sẻ trang này