Trà phiếm Mật ngữ Thủy Hử

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi Caruri Tlkd, 7/4/19.

Moderators: amylee
  1. metalheart5410

    metalheart5410 Lớp 7

    Có lẽ thế, ai mà đếm được ngay lúc đó. Cá nhân mình không thích anh Tống Giang, có vẻ anh ta mang mục đích cá nhân áp đặt cho các anh em còn lại, không trượng nghĩa, trọng tín, nói toẹt ra thì Tống Giang là "ngụy quân tử".
     
    avatar_fc thích bài này.
  2. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Kim Thánh Thán có xếp hạng các nhân vật đấy, Tống Giang chỉ là hạng hạ thôi, hạng thượng thì có Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm, trung thì có Lư Tuấn Nghĩa.
    Tống Giang - Ngô Dụng - Lý Quỳ là bộ 3 bỉ ổi nhất truyện còn gì. TG thì chủ mưu kéo Chu Đồng lên Lương Sơn, Ngô Dụng bày mưu hèn, Lý Quỳ là thằng thực hiện đi giết đứa con nít vô tội.
     
    hafreestyle thích bài này.
  3. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Kỳ cuối

    6. Nguồn gốc của độc tiễn


    Khi đặt ra vấn đề này, chắc hẳn nhiều bác giật mình và đoán ra ngay được rồi. Nhiều thứ ta đọc nhưng không để ý, nhưng nó vẫn nằm đâu đó trong tiềm thức, chỉ cần 1 manh mối gợi ra là ta ồ lên ngay. Tuy vậy, đã nhận đủ lies và share thì em có trách nhiệm biên ra thôi.

    Giới giang hồ hắc đạo xài thuốc độc, thuốc mê thì nhiều lắm. Thuốc mê thì như đám mở hắc điếm như Chu Quý, Tôn Nhị Nương, Lý Lập,... có ai là không rành. Mà dùng độc dược thì đến giang hồ về vườn như Vương bà cũng biết mài tì sương ra cho Võ Đại lang uống. Tuy nhiên độc dược để bôi vào tên thì không dễ kiếm như tì sương, phải là kẻ có chuyên môn thực thụ. Thế thì trong các giới, ai là người hay dùng độc tiễn nhất? Dễ thấy đó là cánh thợ săn và Lương Sơn có vừa vặn có huynh đệ Lưỡng đầu xà Giải Trân và Song vĩ hạt Giải Bảo. Tới đây lại phải ngả mũ kính cẩn trước vong linh cụ Thi Nại Am, cụ thực khéo khi gài mật ngữ chính là ngoại hiệu của nhị vị huynh đệ này, 1 rắn 1 bò cạp, cùng ám chỉ việc dùng độc dược. Quả thật 2 anh em họ Giải chuyên nghề đánh bẫy, dùng độc tiễn bắn hổ. Hồi 24 từng tả: “Khi đó hai anh em vâng giấy lặc hạn của quan, rồi cùng nhau về nhà sắp sửa các đồ cung máy, tên thuốc, cùng dây móc thùng lùng, rồi đội lốt hổ báo vác khí giới đi lên trên núi Đăng Châu bắt cọp.”

    Độc của anh em họ Giải cũng không phải loại kiến huyết phong hầu, con hổ trúng tên còn chạy đc tới nhà Mao thái công “Khi đó có một con cọp bị tên thuốc bắn trúng, đương khua nhẩy ở trên mặt đất, con cọp thấy hai người vác gậy chạy xuống đuổi, liền vùng té để chạy.” Quả thực khá hợp với tình trạng của Tiều Cái khi trúng tên, được Lâm Xung cứu về trại, đưa lên Lương Sơn rồi mới chết.

    Rõ ràng Giải Trân, Giải Bảo tham gia phi vụ này, đổi lại là vị trí trên Lương Sơn. Hai anh em nhà này võ nghệ chỉ vào hạng làng nhàng, xuất thân hạng bét, xét về quân công thì chỉ có vụ đánh Chúc gia, giả làm tù binh rồi phá cũi đánh từ trong ra; tham gia đánh hôi trận câu liêm, tham gia đánh hôi trận Thanh Châu, tham gia phóng hỏa phủ Đại Danh, có thể nói chưa từng chém tướng lập đại công (chính xác thì Giải Trân có chém đc Tăng Sách, còn Giải Bảo thì chả thấy làm được gì).

    [​IMG]

    Trong nhóm do Tôn Lập cầm đầu cùng lên núi đợt ấy, xét về võ nghệ, công lao thì Tôn Lập làm số một, nhưng rốt lại cũng chỉ thuộc hàng Địa sát, dưới nhị Giải mấy bậc. Quay trở lại với vị trí Tôn Lập đã đề cập trong kỳ 3 và cũng liên quan mật thiết đến nhưng lý giải về mối thiện duyên Tống-Từ ở kỳ 4, ta thấy xét về ân nghĩa với Tống Giang thì Tôn Lập cũng xấp xỉ Từ Ninh. Trận đánh Chúc gia là trận đánh lập uy của Tống Giang dằn mặt Tiều Cái mà nguyên nhân xuất phát từ Dương, Thạch. Thua trận này thì ko chỉ 2 cái mạng nhỏ Dương, Thạch phải mất mà Tống Giang sẽ chẳng còn quyền phủ quyết trước mặt Tiều Cái. Tình thế quân Lương Sơn tại Chúc gia không khả quan cho tới khi Tôn Lập vô gian đạo đại phá đồi Độc Long. Nhẽ ra quan hệ của Tống và Tôn phải thực sự tốt đẹp, nhưng ta sẽ thấy Tống Giang không hài lòng với Tôn Lập trong trận chiến với Hô Diên Chước. Như đã nhắc tới ở kỳ 4, đây là trận đánh khẳng định sức mạnh của Lương Sơn với triều đình, với Tống Giang vô cùng quan trọng. Thế nhưng biểu thị của Tôn Lập thì sao? Trận này Lương Sơn chơi bẩn dùng xa luân chiến, đầu tiên là Lâm Xung ra đánh với Hô Diên Chương 50 hợp, rồi Hỗ Tam Nương đánh tiếp 20 hợp. Rồi tới Tôn Lập: “Đằng này Tôn lập đeo gươm lên vai (nguyên văn là thương - ta đều biết Tôn Lập dùng thương, cụ Á Nam tự đổi thành gươm) rút đôi cương chuỳ dóng trúc, ra đánh nhau với Hô Duyên Chước, đôi bên cùng múa song chùy, thế lực tất là hùng dũng.” Tiếp theo là 1 đoạn rất hay miêu tả hai vị anh hùng đối chiến... Nhưng... đây là biểu hiện đặt việc đặt lợi ích cá nhân lên trên tập thể. Vũ khí sở trường là thương thì lấy thương mà đánh, nhưng không, anh chàng lại thích xài chiêu Mộ Dung Phục, “dĩ chi bỉ nhân hoàn thi bỉ nhân”, thắng thì oai mà nhỡ có sơ xảy thì ấy là do dùng sở đoản đánh sở trường. Với một trận đánh quan trọng như thế này, khi Hô Diên Chước đã nỏ cứng hết đà, không khác chi thay người đá hiệp phụ mà còn thích dệt gấm thêu hoa kiểu Barca chứ không ào ạt tạt cánh đánh đầu như MU thời 99, thì làm sao kẻ ti bỉ Mourinho có thể ưa nổi. Rốt cục giằng co lại để Hàn Thao kịp khởi Liên hoàn mã trận giết quân Lương Sơn không còn mảnh giáp. Với thái độ đó, kết quả đó, Tôn Lập không thể trở thành tâm phúc của Tống Giang là vì vậy.

    Trở lại với anh em họ Giải. Khi Tiều Cái còn tại vị, 2 người ấy được cắt đặt trông coi Đệ nhất quan của thành Uyển Tử, còn dưới cả Đỗ Thiên, Tống Vạn coi đệ nhị quan (đệ tam quan do đại đầu lĩnh Lưu Đường và Mục Hoằng coi, cho thấy đệ nhất quan là kém quan trọng nhất). Vậy mà sau khi Tống Giang lên làm chủ, 2 anh em được xếp vào hàng Thiên cang, cùng hàng 10 viên bộ quân đại đầu lĩnh, chung mâm với những Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Lưu Đường, Lôi Hoành, Lý Quỳ, Yến Thanh, Dương Hùng, Thạch Tú. Tuy nhiệm vụ vẫn là trông coi đệ nhất quan, nhưng đệ nhị, đệ tam quan đã đổi thành những đại đầu lĩnh cao cấp đảm nhiệm: “Cửa quan đệ nhất đường bên Nam trước núi, cắt Giải Trân, Giải Bảo coi giữ, Cửa quan thứ nhì Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng coi giữ. Cửa quan thứ ba Chu Đồng, Lôi Hoành coi giữ.” Trong 4 người giữ cửa quan sau thì Lỗ Trí Thâm chịu ơn cứu mạng của Tống Giang, 3 người còn lại là huynh đệ thân thiết. Có thể thấy nhị Giải cũng được xếp vào nhóm thân tín. Và như đã nhắc tới ở kỳ trước, trận ngũ phương, anh em họ Giải cũng được xếp vào nhóm tâm phúc bảo hộ Tống Giang, Ngô Dụng cùng Lã, Quách, Hoa, Từ.

    Thế là trong cái chết của Tiều Cái, ta thấy một đường dây xuyên suốt do Tống Giang giữ một đầu mối, hai anh em họ Giải cung cấp thuốc độc, Đới Tung vận chuyển và cuối cùng Từ Ninh hạ thủ.

    Để khép lại kỳ này, ta cùng nhau mổ xẻ cái chết của Giải Trân, Giải Bảo ở hồi 116: “Giải Trân, Giải Bảo vội đi thu xếp bao gói, mặc áo da hổ, giắt dao nhọn ngang lưng, tay xách đinh ba vào trướng từ biệt Tống Giang rồi theo đường nhỏ tìm lối trèo qua đèo Ô Long... Giải Trân khẽ nói với Giải Bảo: “sắp sáng đến nơi rồi, anh em ta phải vượt lên thôi”. Hai người lại vén gai góc trèo lên. Gặp chỗ vách đá dựng đứng, hai người chỉ còn cách bám chặt mà trèo lên. Tay bíu, chân đạp, khăn gói, đinh ba bên người lủng lẳng và vào vách đá và cây cối, phát ra tiếng động làm cho lính canh trên đèo nghe tiếng. Khi Giải Trân vừa bò vào một hốc đá bỗng nghe trên có tiếng quát vang: “Đứng im!”

    Rồi một ngọn câu liêm đâm tới móc vào búi tóc Giải Trân. Gỉai Trân chưa kịp với tay rút dao thì ngọn câu liêm đã kéo bổng người lên. Giải Trân vội vàng rút dao phạt đứt cán câu liêm, người Giải Trân cũng rơi luôn xuống vực. Thương thay cho Giải Trân, sống nửa đời hảo hán từ trên vách đá cao hơn trăm trượng rơi xuống phải chịu chết ngoài số mệnh. Phía dưới vách núi lởm chởm đá tai mèo, Giải Trân rơi xuống đó liền xương tan thịt nát. Giải Bảo thấy anh mình rơi ngã vội xoài người lui xuống nhưng lúc ấy từ trên cao đá lớn đá nhỏ lăn xuống ào ào, tiếp đó cung nỏ từ trong bụi rậm bắn ra tới tấp. Thương thay Giải Bảo một đời làm thợ săn, nay cùng anh ruột chịu chết trong bụi rậm bên đèo Ô Long.”

    Ở đây ta lại thấy cố sự Tăng đầu thị một lần nữa lặp lại và cũng hao hao như cái chết của Từ Ninh: nhị Giải đi đường hẻm gặp phục binh nên chết. Nhưng khoan, Thi Nại Am tiên sinh và La Quán Trung tiên sinh không tầm thường như vậy, hãy xem nguyên cớ gì khiến hai huynh đệ bị lộ? Do chính khăn gói, đinh ba của họ va đập vách núi, nói cách khác, chính là bị vật bên mình làm phản, có khác gì Tiều Cái đâu.

    Trước cái chết của Giải Trân, Giải Bảo, Tống Giang cũng khóc lóc thảm thiết hơn xa người thường: “Đến lúc trời sáng, bọn Thạch Bảo ở trên cửa ải sai quân xuống chặt thủ cấp Giải Bảo đem bêu nắng gió trên đèo Ô Long. Quân thám thính đi nghe ngóng biết rõ sự việc liền về báo cho Tống tiên phong biết tin. Tống Giang đau đớn khóc ngất mấy lần, bèn gọi Quan Thắng, Hoa Vinh điểm ngay quân sĩ để đi đánh đèo Ô Long báo thù cho bốn anh em đầu lĩnh.”

    Có thể thấy nhị Giải cùng Từ Ninh quan trọng thế nào đối với Tống Giang.
     
  4. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    TÂM CƠ LÝ ỨNG

    [​IMG]
    Phác thiên điêu (撲天雕) Lý Ứng - điêu nha, ko phải bằng như cụ Á Nam dịch - là một nhân vật không quá nổi bật trong hàng ngũ đại đầu lĩnh của Lương Sơn Bạc. Về võ nghệ, chàng không sánh được với đám Quan, Lâm, Tần, Hô Diên, Đổng, mưu lược binh pháp dĩ nhiên thua xa bọn Ngô, Chu. Thế nhưng xét về địa vị, chàng ta ngồi ghế thứ 11, xét về thực quyền, chàng đứng thứ 7. Một vị trí cao khủng khiếp khiến người ta phải trong mắt bất ngờ.

    Tại sao nói thực quyền đứng thứ 7? Thủy hử - hồi 70 viết: “Hai viên Tổng binh Đô đầu lĩnh ở Sơn Bạc là Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa. Hai viên quân sư là Ngô Dụng, Công Tôn Thắng, coi giữ việc cơ mật. Một viên Tham tán quân vụ, là Thần cơ quân sư Chu Vũ. Hai viên đầu lĩnh coi giữ tiền lương, là Sài Tiến và Lý Ứng.” Tiếp đó mới tới đám ngũ hổ bát kỵ. Đúng như binh pháp thường nói “đại binh vị động, lương thảo tiên hành”. Tôn Văn Đài oai mãnh nhường ấy mà phải tay Viên Thuật cắt lương thì chẳng cần đánh cũng tự bại. Nếu coi Lương Sơn như một công ty thì Tống Giang là giám đốc, còn Sài Tiến, Lý Ứng là kế toán trưởng. Nếu không phải tâm phúc thì ắt cũng là đồng minh của nhau. Nhưng nguyên nhân vì đâu Lý Ứng trở thành cùng phe với Tống Giang, ta sẽ phải từ từ mổ xẻ, và nên bắt đầu từ vị thế của Độc Long Cương với triều đình và Lương Sơn Bạc.

    1. Độc Long Cương mạnh tới đâu?

    Hồi 46, Đỗ Hưng kể rằng: “Quãng trước mặt đây có dãy núi Độc Long Cương, chia làm ba ngọn, trong đó có ba thôn trang, khoảng giữa Chúc Gia Trang, phía tây Hổ Gia Trang, bên đông này là Lý Gia Trang. Trong ba thôn ấy có với một, hai vạn nhân mã, mà duy có Chúc Gia Trang là oanh liệt hơn cả... Ba thôn ấy xưa nay giao ước với nhau, thề cùng sống chết, chỉ sợ bọn Lương Sơn Bạc quấy nhiễu vay lương, nên phải phòng bị cẩn thận, mà hẹn cùng nhau tiếp ứng cho nhau.

    Rõ ràng ta thấy Độc Long Cương với ba trang Chúc, Hổ, Lý không chỉ đơn thuần là những trang viện nho nhỏ bình thường như xuất thân của bọn Tiều Cái, Tống Giang, mà nó mang vai trò như những thành bảo, có người cai quản, có lượng nhân mã lớn (hàng vạn). Nhân mã ở đây là trang khách và dân chúng được trang bị võ khí như hồi 45 mô tả: “Chung quanh trang có tới năm, bảy trăm nhà điền hộ, mỗi nhà đều cho hai thanh đao để ứng dụng. Chỗ này là điếm Chúc Gia, thường có mươi tên người nhà ra ngủ ở đây, nên phải để quân khí luôn ở đó.”
    Trong Chúc gia trang còn hoành tráng hơn: “lại có một ông giáo sư tên là Thiết Bổng Loan Đình Ngọc sức muôn không địch nổi, trong trang có tới hai nghìn trang khách thạo giỏi võ nghệ cả.

    Và “một thôn Chúc Gia chúng tôi đây cũng có tới hai vạn người” (lời ông cụ họ Chung Ly ở tửu điếm trong thôn nói với Thạch Tú)

    Như vậy tính sơ sơ 700 nhà, mỗi nhà xuất 2 quân, trong trang có 2 ngàn trang khách, tính thêm gia nhân, tá điền các loại phải tròm trèm 4 ngàn. Vậy thì binh lực 3 trang cộng lại hơn vạn quân là hợp lý. Binh lực này so với Đào Hoa Sơn của Sử Tiến vỏn vẹn 5, 7 trăm lâu la, Lương Sơn Bạc thời Vương Luân cũng chỉ 5, 7 trăm lâu la (lời Nguyễn Tiểu Nhị - hồi14), Nhị Long Sơn cũng chỉ 6 trăm (đoạn giết Đặng Long), trại Thanh Phong 4, 5 trăm (đoạn cướp xe tù Tống Giang). Như vậy tính tới khi khởi binh đánh Độc Long Cương, Lương Sơn gồm quân cựu Lương Sơn (700), quân chiêu mộ mới (không rõ bao nhiêu nhưng chắc ko nhiều), quân bản bộ của Hoa Vinh (1-200), quân Thanh Phong trại (500) bất quá cũng chỉ khoảng 1 vạn, binh lực 2 bên không chênh nhau bao nhiêu. Khi Tống Giang thuyết phục hội Thanh Phong nhập Lương Sơn có nói Tiều Thiên vương dăm ba ngàn nhân mã (bản dịch cụ Á Nam là "rất đông").

    Chúc Triều Phụng - trang chủ Trúc gia trang có phải quan chức triều đình không? Có lẽ là không, nhưng trong trang có bố trí cả quan Bộ đạo lo việc bắt trộm: “Ông ấy là quan Bộ Đạo tuần tiễu ở đây, ước hẹn đêm nay là bắt Tống Giang đó. (nguyên văn: bản xứ Bộ đạo Tuần kiểm)

    Tuần kiểm ty đời Tống chức trách rất nặng, quản việc huấn luyện giáp binh, tuần tiễu châu huyện, do Huyện lệnh chỉ huy. Nhưng ở đây ta thấy Bộ đạo tuần kiểm làm việc trực tiếp trong thôn trang, dưới quyền của Chúc Triều Phụng, có thể thấy họ Chúc có quyền lực không nhỏ tại châu huyện. Nếu so với Tiều Cái hồi ở thôn, gặp 1 anh Đô đầu quèn Lôi Hoành còn hết sức bợ đỡ, đút lót.

    Tới đây dừng 1 chút nói về chức Đô đầu, vốn thoát thai từ chức Đô tướng. Đô đầu thời Bắc Tống trở về trước vốn thuộc ngạch quan binh, là thuộc quan của Chỉ huy sứ, mã quân thì có chức Binh mã sứ, bộ binh thì có chức Đô đầu, dưới tay là khoảng 100 binh lính, tương đương Bách phu trưởng thời Nguyên. Sang tới Nam Tống và Nguyên, chức Đô đầu dần dịch chuyển thành 1 loại nha dịch, phụ trách trị an của huyện, thôn, dưới quyền là vài chục người. Thủy hử được biên ở thời cuối Nguyên đầu Minh, nên tuy viết về Bắc Tống nhưng chức danh quan lại thực là thời Nguyên. Địa vị Đô đầu không so được với Tuần kiểm, có thể thấy Chúc gia trang với Tiều gia trang, Tống gia trang có sự khác biệt không nhỏ.

    Với một Chúc Triều Phụng uy quyền như vậy mà Lý Ứng bình khởi bình tọa. Hồi 46, Lý Ứng mắng Chúc Bưu như mắng trẻ con: “Quân kia! Miệng chưa ráo hơi sữa, cha các ngươi đã với ta kết nghĩa cùng nhau, đồng sinh đồng tử để bảo vệ lấy thôn trang.” thì có thể thấy vai vế của Lý Ứng trong xã hội không hề nhỏ. Bên cạnh đó, uy danh của Lý Ứng trong giang hồ cũng rất lừng lẫy.
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/5/19
  5. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Cái dở của bản dịch Trần Tuấn Khải là dịch sai nhiều, nhiều khi làm sai lệch ý nghĩa. Không rõ là do cụ dịch sai hay do bản viết tay của cụ người khác đọc sai dẫn tới in ấn bị sai.
    Cụ dịch sai thì thôi, đằng này qua bao nhiêu lần tái bản mà các nhà xuất bản vẫn không chịu biên tập lại, cứ để nguyên y xì mà in.
     
  6. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Lư Tuấn Nghĩa có quan hệ gì với Sử Văn Cung?
    (Không biết đứa nào nó dám ghi bậy trong Wiki là đồng môn với Lâm Xung và Lư Tuấn Nghĩa. Dám chắc nó chưa hề đọc truyện, chỉ mới xem phim). Đúng bựa...
    :lmao:
    Thật ra thì chẳng liên hệ gì cả. Chỉ có Lư Tuấn Nghĩa là sư huynh của Nhạc Phi và đám anh em kết nghĩa. Chi tiết này đích thân thầy của Lư Tuấn Nghĩa là Châu Đống tiết lộ trong truyện Nhạc Phi. Nhạc Phi may mắn hơn không chỉ là học trò mà còn là nghĩa tử.
     
  7. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Yến Thanh có đem Lý Sư Sư đi trốn không?
    (Lại cũng đứa tào lao nào chỉ xem phim rồi ghi bậy bạ lên Wiki).

    Lúc Tống Giang bị thuốc độc chết hiện hồn về báo mộng cho ông vua thì lúc đó lão vua đang ôm Lý Sư Sư mà ngủ. Trong khi trước đó Yến Thanh nó đã từ giã Lư Tuấn Nghĩa để thoái ẩn rồi. Vậy thì Yến Thanh nó ôm cô Lý Sư Sư nào đây... Trước đó Lý Sư Sư lẳng lơ mê trai tính gạ tình Yến Thanh nhưng bị hắn bái lạy làm chị, chẳng lẽ sau này lại còn ham hố cô nàng, hóa chẳng ra sỉ nhục tư cách đạo đức của Yến Thanh à.
    :lmao:
     
    Chỉnh sửa cuối: 29/4/19
  8. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Kiểu lịch sử để lại vậy bác, trừ khi dịch bản mới thì dịch giả sửa đổi bổ sung, chứ theo tôi nếu tái bản họ sẽ không sửa bản dịch của Á Nam.

    Các bản in lại ngày nay có lẽ lấy gốc từ bản Khai Trí 3 tập? Bản Trẻ 4 tập năm 1988 in lại đúng lỗi chính tả "Lôi Hoàng" của bản Khai Trí.
     
  9. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Đến tận mod trên đó còn lấy thông tin NPT hôm rồi bị đột quỵ, liệt tay trái, nguồn lấy từ FB Cô gái Đồ Long??? Tôi đọc được liền xóa ngay đi vì lấy FB, mạng xã hội là nơi người ta muốn nói gì cũng được, làm nguồn thông tin với wiki là việc không chấp nhận được.
     
  10. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Wiki nó mở thành ra nhiều thông tin tào lao vô cùng. Nhiều cái đọc mà không biết nên cười hay khóc.
    Mấy cái nào liên quan đến văn học TQ thì tốt nhất qua Wiki TQ còn tạm tin chứ mấy cha mọt phim VN mà đăng lên thì mấy cụ La, Thi, Ngô, Tào, Hứa, Phùng... chắc chết không nhắm mắt.
     
  11. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Lư Tuấn Nghĩa tài năng thế nào?

    Tuy đứng thứ 2 nhưng thật ra xét tổng thể thì LTN chẳng phải là một người toàn tài.
    Về võ công, là học trò của Châu Đống nhưng trong toàn bộ truyện thì chẳng có thành tích cá nhân gì gọi là xuất sắc, phải nói là còn chán hơn cả Lâm Xung, Quan Thắng, Hô Diên Chước.
    Về mưu lược, cũng chán phèo, bị Ngô Dụng xoay như dế. Bản thân chưa hề có kinh nghiệm trận mạc.
    Về danh tiếng, thật ra thì có nhưng chẳng qua là một tay phú hộ sống và làm việc theo pháp luật, chưa hề đụng chạm tới ai, cũng chẳng kết giao với giang hồ, thua cả Tiều Cái, Sài Tiến.
    Nói thẳng ra LTN chỉ là một tay chập chững vào đời, chỉ mới luyện võ đọc sách với mớ lý thuyết suông (chính miệng LTN thừa nhận khi đi ngang Lương Sơn: Ta đây bình sinh học biết bao nhiêu võ nghệ, chưa có chỗ nào mà bán được, nay gặp có cơ hội ở đây, lại không đem ra mà bán, thì đợi đến bao giờ), gặp chuyện thì thảm hại. Cũng may nhờ cái ngôi thiên tinh đứng thứ 2 nên ngồi trên đầu đám kia.

    Phim nó kiếm đâu diễn viên già chát. LTN mới tầm 36 tuổi, ngang Lâm Xung mà nhìn già như 45-50. Nếu như lăn lộn giang hồ làm cho lão luyện không nói, đằng này chỉ toàn ngồi mát ăn bát vàng hơn 30 năm. (Chí Tài năm nay 62 tuổi mà nhìn còn trẻ hơn LTN trong phim)
    :lmao:
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/4/19
  12. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Chắc vì cái danh "viên ngoại" nên đạo diễn mới nghĩ Lư già, kiếm một ông trung tuổi cho có mẽ, xứng đáng ngồi ghế số hai. Một nhân vật khác hay tạo hình già so với tuổi là Gia Cát Lượng, chắc tại cho rằng quân sư thao lược thì phải là một ông già.
     
  13. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    GCL lúc ra phò Lưu Bị thì mới 26 tuổi, thư sinh chán. Đưa vai già chát, chỉ hợp với khi Lưu Bị đã tạch.
    Xem bản hoạt hình mới thấy chuẩn.
     
  14. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Viên ngoại nghĩa đúng là nhà hào phú, giàu có nhưng không có chức quan gì, thường là do buôn bán kinh doanh hay cho thuê bất động sản (thường thì họ có nhiều nhà cửa ở những nơi sầm uất nên cho thuê để mở quán ăn chẳng hạn). Như LTN, Tiều Cái là viên ngoại, còn như Sài Tiến có đan thư thiết khoán ăn lộc triều đình nên không được gọi là viên ngoại.
    Nhắc tới viên ngoại chắc nhiều người tưởng là ông ngoại, nên sẽ nghĩ là người già.
    :D
     
  15. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Họ Lư thì đánh võ cũng thường, quả bắt Sử Văn Cung là phục kích tướng cùng đường, lại có Yến Thanh hỗ trợ, ở vị trí đó thì ai cũng có thể bắt được (như vây Tào Tháo đường Hoa Dung vậy).

    Tài thao lược thì cũng không có gì, điển hình vụ đánh Trương Thanh. Tống Giang vờ cho hai anh quân sư Ngô Dụng, Công Tôn Thắng xun xoe theo hầu nhưng thực chất chẳng bày mưu tính kế gì giúp Lư, nên quân mới bị thua tan tác. Tống còn vờ vĩnh than: "Cho hai anh qua giúp mà viên ngoại kém vậy".

    Những đặc điểm trên phù hợp với một ông phú hộ (may còn đọc sách đánh võ, chứ phú hộ nhiều ông bụng phệ tay chân yếu ớt). Nhưng hình như đến bộ Hậu Thủy Hử tự dưng tài võ lại tăng tiến, mấy trận đánh ngang tay với đối thủ mạnh như ngũ hổ tướng của LSB, hình như bộ do mấy ông viết nên không thống nhất trước sau.
     
  16. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Lư Tuấn Nghĩa nổi tiếng vì điều gì?

    Quả thật đây là một câu hỏi khó...

    Trước khi lên LSB, LTN được người xưng tụng là Hà Bắc Ngọc Kỳ Lân, đứng vào hàng Tam Kiệt. Thế nhưng thử xét lại thì chẳng thể hiểu được anh ta vang danh vì điều gì...
    - Về võ nghệ, giỏi thật hay giả không ai chứng minh được vì trước giờ chưa hề ra trận, cũng chưa hề giao thủ với tay giang hồ nào.
    - Về mưu lược, cũng không chứng minh được vì đã ra trận lần nào đâu. Chỉ toàn ngồi nhà đọc sách ôm mớ lý thuyết.
    - Về quan hệ thì không liên quan tới triều đình (các anh võ tướng như Lâm Xung, Từ Ninh, Quan Thắng... chẳng ai từng gặp gỡ), với giới giang hồ thì lại càng không (thua xa Tiều Cái, Sài Tiến, Tống Giang là những tay chuyên giúp đỡ dân giang hồ).
    - Về thành tích cá nhân đặc biệt thì lại càng tịt mù, chẳng hề có một cái gì đáng để vang danh cả. Phải chăng như anh Thâm nhổ tung cây liễu, anh Tòng đánh chết cọp giết sạch nhà Trương Đô Giám, anh Sử Tiến giết quan quân kết giao thảo khấu, anh Chí giết thằng Ngưu Nhị, hay vợ chồng Trương Thanh Tôn Nhị Nương giết người làm bánh bao, đám Tiều Cái 7 anh cướp lễ vật ở Hoàng Nê cương...

    Tóm lại chắc anh Nghĩa này nổi tiếng là Gia Đình Văn Hóa, Công Dân Gương Mẫu thì hợp lý.
    :D
     
    colangxxi and Caruri Tlkd like this.
  17. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    TÂM CƠ LÝ ỨNG

    [​IMG]
    2. Một Lý Ứng giang hồ hảo hán

    Sơ với Chúc Triều Phụng, Trúc Gia tam kiệt, Hổ Thành, Hổ Tam Nương,... chẳng ai biết đến, thì Phác thiên điêu Lý Ứng lại rất nổi danh trong giang hồ. Khi Đỗ Hưng nói về chủ nhân mình, Dương Hùng và Thạch Tú đều ồ lên:
    Dương Hùng nói: Có phải Lý Đại quan nhân là Phác Thiên Bằng Lý Ứng vẫn có tiếng trong đám giang hồ xưa nay không?
    Đỗ Hưng nói: Chính ông ta đấy.
    Thạch Tú nói: Xưa nay tôi vẫn nghe tiếng Phác Thiên Bằng Lý Ứng, là tay hảo hán ở Độc Long Cương, tới nay mới biết là ở đất này. Phải, ông ta có tiếng là người khá, chúng ta thử đến đấy xem.


    Quả thực Lý Ứng cũng khá hào sảng, khi đám Dương, Thạch qua cầu cứu, chàng cũng sẵn lòng biên thư qua Chúc gia xin hộ, rồi khi việc bất thành, lại mặc giáp vác giáo qua đánh giết một trận. Cái tiếng thơm trên giang hồ quả bất hư truyền.

    Xét về mặt võ nghệ, Lý Ứng thiện cả mã chiến lẫn bộ chiến. Hồi 46 tả anh chàng đánh nhau với Chúc Bưu: “Lý Ứng cả giận, vỗ ngựa múa gươm (nguyên văn thương, ko hiểu sau cụ Á Nam rất thích chuyển thương thành gươm) vào đánh Chúc Bưu, Chúc Bưu cũng phóng ngựa ra đánh Lý Ứng. Đôi bên đánh nhau trước mặt núi Độc Long chừng bảy, tám mươi hiệp, thì Chúc Bưu không địch nổi Lý Ứng, bèn giật ngựa để chạy; Lý Ứng phóng ngựa đuổi theo.

    Nếu so với đoạn sau, Chúc Bưu đánh nhau với Hoa Vinh: “Ngoài kia có một toán quân mã ước chừng năm trăm người, một viên tướng là Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh, đeo cung dắt tên, vỗ ngựa múa gươm (thương) đến đánh, Chúc Bưu múa gươm (thương) vỗ ngựa xông ra đấu nhau trước núi Độc Long tới mấy mươi hiệp, bất phân thắng phụ.” Thì có thể thấy trình độ mã chiến của Lý Ứng có phần nhỉnh hơn Hoa Vinh.

    Về bộ chiến, có một đoạn viết về Lý Ứng đánh qua với Ngọc kỳ lân Lư Tuần Nghĩa ở hồi 61, khi Lư mắc mưu Ngô Dụng đi ngang Lương Sơn, các tướng Lương Sơn lần lượt gồm Lý Quỳ, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng nhảy ra mỗi người đánh 3 hợp rồi bỏ chạy. Tiếp đến Lưu Đường đánh vài hợp thì có Mục Hoằng nhảy vào đánh giúp, lại mấy hợp thì thêm Lý Ứng tới góp vui.

    Đoạn này bản dịch cụ Á Nam dịch rằng: “Bấy giờ, Mục Hoằng cùng Lưu Đường, đương múa đao đánh với Lư Tuấn Nghĩa, thì bỗng lại có một người nữa đến, Lư Tuấn Nghĩa cùng quát lên một tiếng. Lưu Đường cùng Mục Hoằng đều lui lại mấy bước, rồi lại cùng với người kia đều xông vào để đánh. Lư Tuấn Nghĩa thấy vậy, vẫn ung dung điềm nhiên để đấu lại với ba người, không hề chút khó nhọc.

    Nhưng nguyên văn có vẻ hay hơn: “Bấy giờ Lưu Đường, Mục Hoằng múa hai thanh phác đao song đấu với Lư Tuấn Nghĩa. Đánh nhau chưa được ba hợp thì thấy đằng sau có tiếng chân người chạy tới. Lư Tuấn Nghĩa quát một tiếng “Được”. Lưu Đường, Mục Hoằng lui lại vài bước. Lư Tuấn Nghĩa liền quay mình đánh với hảo hán phía sau, đó là Phác thiên điêu Lý Ứng. Ba vị đầu lĩnh đứng thành hình chữ đinh (丁), Lư Tuấn Nghĩa ung dung chẳng sợ, càng đánh càng khỏe.

    Không biết tam anh chiến Tuấn Nghĩa mấy hợp, nhưng chắc hẳn là nhiều hơn ba hợp nên tác giả mới viết “càng đánh càng khỏe”. Ở trường đoạn này, các vị đầu lĩnh Lương Sơn đấu không hết sức với Lư Tuấn Nghĩa, nhưng Lý Ứng góp mặt trong đám ấy có thể thấy khả năng bộ chiến của Lý cũng không quá kém so với Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng.

    Như vậy, nhặt nhạnh vài chi tiết nhỏ trong truyện cũng đủ thấy một Lý Ứng khá toàn diện trong khả năng chiến đấu, đủ hết trường trận, đoản binh, viễn trình (mã chiến, bộ chiến, phi đao).
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/5/19
  18. colangxxi

    colangxxi Lớp 2

    Em đọc truyện các tướng trong các truyện khác như "Tam quốc", "Thuyết đường" khi đánh trên ngựa đa phần dùng vũ khí dài như đao, thương, mâu, kích, búa (phủ)...Đọc "Thủy hử" của cụ Á Nam em toàn thấy cụ dịch các tướng dùng gươm ngắn nên rất bất lợi khi đấu trên lưng ngựa. Em thắc mắc mãi hóa ra cụ Á Nam dịch sửa cả nguyên tác, chán quá. Em đọc bản dịch Tam quốc cảm giác đọc rất vào, bản dịch "Thủy hử" của cụ Á Nam em đọc thấy như nhai cơm có sạn. Giá có bản dịch mới thì tuyệt
     
  19. khiconmtv

    khiconmtv Cử nhân

    Thủy Hử có bản dịch của Mộng Bình Sơn nữa.
     
  20. Caruri Tlkd

    Caruri Tlkd Sinh viên năm III

    Các cụ dịch giả xưa vốn tiếng Hán tốt, vốn tiếng Việt cũng rất phong phú, như các cụ dịch những bộ kinh điển của TQ như Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Thụy Đình... Một dịch giả thời nay là Nham Hoa phải khen ngợi hai câu thơ dịch của Thụy Đình trong Tây du ký:

    đào non kén rể ngồi đầy chợ,
    chanh cốm mò trai đứng chật đường


    vì sự uyển chuyển và nhuần nhuyễn trong cách dùng tiếng Việt. (nó khác một trời một vực với mấy tay dịch ngôn tình thời nay, hoặc trước đọc bản dịch Lôi Mễ trên mạng mà "nuốt một ngụm khí lạnh" thì nghe chối tỉ quá).

    Á Nam Trần Tuấn Khải chắc cũng không ngoại lệ. Thế nhưng sao bản Thủy hử của cụ nhiều sai khác với nguyên bản vậy, hay lỗi tại thằng sắp chữ?
     
Moderators: amylee
: Thủy hử

Chia sẻ trang này