Đôi dòng lưu niệm Mình thường đọc gì?

Thảo luận trong 'Bàn Trà' bắt đầu bởi amylee, 28/6/23.

Moderators: amylee
  1. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Nghe Và Viết Tạp Ghi
    Tạp Ghi Quỳnh Giao
    Ca hát từ khi còn bé, từ ban thiếu nhi cho đến về sau, Quỳnh Giao là người thích nghe... Trong lãnh vực âm nhạc, phải nghe nhiều sáng tác khác nhau thì mới thấm được ngôn ngữ nhạc.

    Một cái thú đến trễ hơn về sau là đọc truyện trinh thám mà nói ra thì buồn, chỉ trinh thám của Hoa Kỳ. Loại sách nhiều người cho là nhảm nhí ấy thật ra đẩy trí tưởng tượng của mình đi rất xa. Khi đọc thì chúng ta đã đấu trí với tác giả, xem là bị nhà văn dẫn dụ lừa gạt cho tới đâu. Mà chỉ đọc trinh thám Mỹ, vì Việt Nam ít có thể loại ấy.

    Xưa kia, Thế Lữ là một người may mắn.

    Ngoài thơ và kịch, ông là người đi tiên phong cho loại truyện trinh thám và ngưng viết khi Phạm Cao Củng vẫn còn tiếp tục. Đi tiên phong nên ông... viết sao cũng được. Cốt truyện có thể là Việt hóa một đoạn truyện hay tình tiết nào của Pháp rồi cứ thế mà sáng tác nhờ trí tưởng tượng lồng trong vài luận lý có vẻ khoa học để cuối cùng giải thích cho độc giả ngờ nghệch bằng câu "Thấy Chưa?"

    Đời nay, không còn mấy ai viết như vậy nữa. Vì đời nay độc giả đã... khôn hơn nhiều! Không ai thuê một phóng viên như Lê Phong hay nàng Mai Hương đi làm những chuyện như Thế Lữ viết.

    Tác giả đáng quý của chúng ta còn một may mắn khác. Đó là đời xưa... chúng ta chẳng biết gì nhiều.

    Sau Thế Lữ vài chục năm, Ian Fleming cũng có một phần may mắn như vậy. Ông viết trinh thám gián điệp như người hướng dẫn du khách tới các vùng xa lạ, theo bước chân nghiệp vụ của điệp viên James Bond. Loạt truyện "Không-Không-Bẩy" hấp dẫn ở tình tiết hay lồng trong một không gian lạ, khi thiên hạ còn đi máy bay chong chóng, nếu họa hoằn có dịp được đi.

    Sáu mươi năm sau khi James Bond xuất hiện, có khi loại nhân vật đó cũng lại thất nghiệp, như phóng viên Lê Phong của Thế Lữ ngày trước.

    Vì độc giả đời nay đã có máy bay phản lực và nhất là... Internet!

    Quỳnh Giao được nghe - lại nghe - rằng khi viết những pho truyện dã sử mấy ngàn trang, Alexandre Dumas phải ghi tên các nhân vật phụ và đặt lên lò sưởi. Vì ông phải nhớ là ai sống ai chết trong một chuỗi dài tình tiết do trí tưởng tượng đã nặn ra, nếu không là có ngày lại cho người chết sống lại!

    Và cũng được nghe nói rằng nhiều tác giả đã đến tận thành phố mình muốn dựng truyện, vào rạp hát là nơi dự tính sẽ cho xảy ra vụ án mạng, mua vé về đặt trên tấm bản đồ trước mặt. Rồi mới ngồi viết truyện trong một không gian đã định hình.

    Viết như vậy thì quả là tốn tiền mua vé xe hỏa hay đi máy bay....

    Những tác giả kỹ lưỡng như thế là người đáng quý vì họ kính trọng độc giả. Không vì cảm hứng sáng tác dù là hư cấu mà viết sai sự thật. Đời nay, viết sai sự thật như vậy là bị độc giả gửi e-mail cho, với dăm ba lời than phiền! Cả ngàn người đọc mà có một người nói rằng chi tiết ấy sai, nơi chốn đó không có ngôi đền như vậy, thì tác giả cũng thấy cụt hứng, hoặc ân hận.

    Vốn đã thích nghe nhạc và ưa đọc truyện, từ khi viết Tạp Ghi, Quỳnh Giao có thêm một cái thú khác, là nghe chuyện.

    Chúng ta đều biết: chịu khó nghe là người đáng yêu - với những ai thích nói. Nhưng cái nết "chịu khó nghe" của người viết tạp ghi lại có nhiều động lực... ích kỷ lắm!

    Tạp Ghi xuất phát đầu tiên từ cảm hứng. Một tiếng chim hót hoặc một đoạn nhạc hay có thể đem lại cái hứng ban đầu. Nhưng từ đó cho đến cái bàn gõ không đẹp như phím đàn thì mình còn phải nghĩ đến những người bên kia, đến độc giả. Người đọc nghĩ sao?

    Viết về một nhân vật, một cuốn phim hay một nhạc khúc thì cảm hứng ban đầu có thể miên man dẫn mình bay lên một quỹ đạo mơ hồ nào đó, rồi ta cứ để độc giả ngồi dưới một mình!

    Cho nên, dù là viết tạp ghi tùy hứng, có một việc vẫn cần thiết là tìm hiểu thêm về đề tài, sự việc hoặc nhân vật hay tác phẩm muốn nhắc tới. Chúng ta may mắn hơn các tác giả đi trước vì bây giờ có Internet.

    Bí chuyện gì là cứ lách cách "Google" thì biết được ngay. Nếu có quên tên con đường mà danh họa Van Gogh đã ở năm xưa tại miền Nam nước Pháp thì cũng tìm ra. Chính xác hơn ký ức có hạn của chúng ta rất nhiều.

    Nhờ vậy mà ai ai trong chúng ta cũng có thể thành người uyên bác được. Nhưng người uyên bác mà viết tạp ghi thì có lẽ lại thành kẻ tra tấn. Vì độc giả muốn cái gì khác chứ không phải là một bài luận thuyết nữa về đời sống, nghệ thuật, về hội họa hay âm nhạc!

    Khác với các thế hệ đi trước, chúng ta có phương tiện dồi dào về kiến thức nên có điều kiện bố trí điều mình gọi là “sự thật tương đối khá sát với sự thật”. Nhưng điều mà người xưa cũng không có chính là cái thú bất ngờ khi tìm hiểu về đề tài.

    Chuyện này, độc giả thường không biết. Phần thưởng đầu tiên cho người viết khi cẩn thận kiểm chứng chi tiết là bỗng khám phá ra điều mới lạ trước đó mình không có trong đầu!

    Chẳng hạn, vào một tháng ba, Quỳnh Gao có lần muốn nói đến lễ hội Mardi Gras đầy màu sắc của New Orleans, nhưng bỗng đi lạc qua xứ Brazil và tìm ra truyện phim O'Cangaceiro và nhớ lại ca khúc nổi tiếng ở Sài Gòn năm xưa. Đề tài thay đổi hẳn.

    Một trường hợp nữa, cũng trong tháng ba, mình nhớ đến Hai Bà Trưng, rồi nhờ tìm hiểu lại khám phá ra nhiều cảnh hội hè đời xưa, đề tài có khi lại chuyển qua chuyện khác. Cảm hứng ban đầu thì vẫn cứ nằm đấy, có khi sẽ nẩy mầm bất ngờ trong một dịp tham khảo thêm chi tiết cho một bài khác.

    Những người cầm bút ban đầu thường ít nhiều khởi nghiệp theo mạch viết tự truyện, xuất phát từ kinh nghiệm riêng tư.

    Nhưng nếu chỉ quanh quẩn trong không gian đó thì khó viết được nhiều vì đời người vốn có hạn. Khi đã thoát ra khỏi giới hạn này thì nghệ thuật mới vươn xa hơn, bay cao hơn và tìm đến cái rất chung của nhiều người. Trong số đó, có độc giả của mình.

    Nhưng bước đầu tiên khiến mình bay bổng vẫn phải là cảm hứng sơ khởi.

    Cảm hứng đó không đến từ cái kho kiến thức của Internet hay Google. Nó đến từ đời sống, từ một câu chuyện được nghe kể lại, đôi khi ở nơi vu vơ như trong một phòng uốn tóc, hoặc quanh quầy trả tiền ngoài chợ chẳng hạn. Đấy là lý do vì sao Quỳnh Giao nói rằng từ khi viết tạp ghi mình là người thích nghe chuyện. Gặp được những người thích kể chuyện là mình ngoan ngoãn ngồi nghe...

    __

    (Quỳnh Giao viết bài Tạp Ghi này ngày 23 Tháng Ba, 2011)

    Hình bìa tập truyện BÊN ĐƯỜNG THIÊN LÔI của Thế Lữ (1907-1989, xuất bản từ 1936, khi Ian Fleming (1908-1964) chưa... đẻ ra James Bond!
    FB_IMG_1689294162664.jpg
     

    Các file đính kèm:

    Wanderman and nhan van like this.
  2. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Một bài viết vui :D

    Thói quen trong nhà hàng: Sự thật đáng ngại?
    Nick Do • 15/07/2014
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Một nhà hàng đắt khách tại New York gần đây nhận được nhiều phàn nàn về việc phục vụ chậm chạp, đến mức họ phải thuê một công ty chuyên trách để điều tra sự việc này. Và khi họ so sánh những hình ảnh ghi lại được vào năm 2004 với năm 2014, họ đã khám phá ra một vài sự thật đáng kinh ngạc.

    Sự việc như sau:

    Chúng tôi là một nhà hàng có tiếng với cả các khách địa phương cũng như khách du lịch. Vì đã mở cửa từ nhiều năm nay, nên chúng tôi đã nhận thấy, trong khi số lượng khách chúng tôi đón tiếp mỗi ngày tại thời điểm này là ngang ngửa với khoảng 10 năm trước, nhưng việc phục vụ trong nhà hàng chúng tôi trở nên chậm chạp hơn hẳn dù chúng tôi đã tăng số lượng nhân viên lên và cũng giảm bớt số món trong thực đơn.

    Một trong những lời phàn nàn chúng tôi, và cả một số nhà hàng khác trong khu vực, nhận được là, phục vụ quá chậm chạp và/hoặc là khách hàng phải chờ đợi quá lâu để có được chỗ ngồi.

    Chúng tôi quyết định thuê một công ty để tìm hiểu về vấn đề bí ẩn khó hiểu này, và đương nhiên, điều đầu tiên họ kết luận là các nhân viên của chúng tôi cần phải được đào tạo kĩ càng hơn, hoặc đơn giản là có thể các nhân viên trong nhà bếp chưa đủ sức để phục vụ lượng khách hàng ngày.

    Cũng giống như hầu hết các nhà hàng khác tại New York, chúng tôi có một hệ thống camera ghi hình, và khác với hệ thống kĩ thuật số hiện nay, 10 năm trước chúng tôi vẫn phải dùng hệ thống ghi hình vào băng cối, và những cuốn băng này chỉ được giữ lại trong vòng 90 ngày.

    Công ty điều tra có đề nghị chúng tôi lục lại những băng cũ này để phân tích lại chất lượng phục vụ của nhân viên thời điểm 10 năm trước và so sánh với thời điểm hiện tại. Tất nhiên là chúng tôi không thể tìm thấy một cuốn băng nào cả.

    Thật may mắn làm sao, chúng tôi tìm lại được một số máy ghi hình, và trong mỗi chiếc máy lại còn sót lại một cuốn băng cuối cùng, cuốn băng mà không ai trong chúng tôi thèm tháo ra khi nâng cấp toàn bộ hệ thống lên kĩ thuật số.

    Thời điểm được ghi lại trên băng là ngày 1 tháng 7, thứ Năm, năm 2004. Ngày hôm đó nhà hàng rất đông khách. Chúng tôi đã xem cuốn băng đó song song với những hình ảnh được ghi lại vào một ngày thứ Năm khác, ngày 3 tháng 7 năm 2014. Trên cả hai màn hình hiện lên số lượng khách khá tương đương nhau.

    Sau đây là những gì chúng tôi tìm thấy. Chúng tôi đã theo dõi tổng cộng là 45 giao dịch khác nhau để thu được những thông tin sau:

    2004:

    Khách hàng đi vào.

    Họ được đưa vào bàn và mời xem thực đơn, có 3 trong số 45 khách muốn đổi chỗ ngồi.

    Trung bình mỗi khách hàng mất khoảng 8 phút xem thực đơn trước khi họ gấp chúng lại, tỏ ý đã sẵn sàng để gọi món.

    Gần như ngay lập tức bồi bàn có mặt để ghi món.

    Các món khai vị được mang ra trong vòng 6 phút, tất nhiên những món phức tạp hơn thì mất thời gian hơn một chút.

    Có 2 trong số 45 khách trả lại món ăn.

    Các bồi bàn trong trạng thái theo dõi và trực chờ trong trường hợp khách hàng cần đến họ.

    Sau khi khách ăn xong, hoá đơn được mang đến, và trong vòng 5 phút sau đó là khách đứng lên rời khỏi nhà hàng.

    Thời gian trung bình từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc: 1 tiếng 05 phút.

    2014:

    Khách bước vào nhà hàng.

    Khách hàng được đưa vào bàn và mời xem thực đơn, có 18 trong số 45 khách đòi đổi chỗ.

    Trước khi họ mở thực đơn ra xem, họ lấy điện thoại ra, một số thì chụp hình còn một số khách thì chỉ đơn giản là làm cái gì đó trên điện thoại của họ (xin lỗi chúng tôi không biết họ làm gì nữa và chúng tôi đương nhiên không kiểm soát hoạt động cá nhân của khách).

    Có 7 trong số 45 khách gọi bồi bàn tới ngay lập tức, nhưng là để chìa điện thoại của họ ra cho bồi bàn xem xét một cái gì đó và đoạn này chiếm khoảng 5 phút của bồi bàn. Sau này chúng tôi đã tìm hiểu và được biết rằng những khách này không vào được wifi và yêu cầu các bồi bàn tới giúp họ.

    Cuối cùng thì cũng đến lúc bồi bàn phải tới hỏi về việc gọi món. Hầu hết các khách còn chưa thèm mở cái thực đơn ra và đề nghị bồi bàn cho họ thêm thời gian.

    Rồi khách cũng mở menu ra, tuy nhiên, tay vẫn cầm máy điện thoại và tiếp tục làm gì đó trên điện thoại của họ.

    Bồi bàn quay trở lại để hỏi xem khách đã sẵn sàng gọi món hay chưa, hay có thắc mắc gì hay không. Khách yêu cầu thêm thời gian.

    Và cuối cùng thì khách cũng sẵn sàng để gọi món.

    Tổng cộng thời gian trung bình từ lúc khách ngồi xuống bàn cho đến khi gọi món khoảng 21 phút.

    Các món khai vị vẫn được mang ra sau khoảng 6 phút, và tất nhiên những món phức tạp hơn thì vẫn mất nhiều thời gian hơn.

    Khoảng 26 trong số 45 khách dành khoảng 3 phút ra để chụp ảnh món ăn của họ.

    14 trong số 45 khách chụp ảnh cùng nhau với dĩa đồ ăn ở phía trước mặt họ hoặc như thể họ đang ăn món ăn đó. Đoạn này cũng mất khoảng 4 phút vì họ chụp xong lại xem lại ảnh và đôi khi phải chụp lại tấm khác.

    Có 9 trong số 45 khách muốn hâm nóng lại đồ ăn của họ. Rõ ràng là nếu họ không dành thời gian làm việc gì đó trên điện thoại hoặc chụp ảnh với đồ ăn của họ thì đồ ăn đâu có bị để đến nguội đi như vậy.

    Lại có 27 trong số 45 khách yêu cầu bồi bàn chụp ảnh nhóm cho họ. 14 người trong số này yêu cầu bồi bàn chụp lại một tấm khác khi họ không hài lòng với tấm hình đầu tiên. Tổng cộng thời gian trung bình cho quá trình này, bao gồm cả màn chit chat giữa các khách cùng nhóm về những bức ảnh mất khoảng 5 phút thời gian của bồi bàn, và rõ ràng là làm cho những bồi bàn này không thể chăm sóc cho những bàn khác trong khu vực trách nhiệm của họ.

    Hầu hết các trường hợp khách hàng này đều luôn có vẻ bận rộn với điện thoại của họ tới mức mất thêm khoảng 20 phút nữa kể từ lúc họ ăn xong tới khi họ gọi tính tiền. Và ngay cả khi hoá đơn đã được mang ra thì họ cũng mất nhiều hơn 15 phút so với 10 năm trước để thanh toán và đứng lên đi về.

    8 trong số 45 khách va phải người khách khác hoặc là các bồi bàn trong quán do họ vừa đi vừa cắm mặt vào điện thoại.

    Và thời gian trung bình từ khi bắt đầu đến kết thúc là: 1 tiếng 55 phút.

    Đúng, chúng tôi hoàn toàn biết ơn tất cả các khách hàng đã lựa chọn nhà hàng chúng tôi để dùng bữa, nhất là khi ngoài kia ngày càng có nhiều lựa chọn hấp dẫn. Nhưng các thượng đế ơi, các bạn có thể biết nghĩ cho những người khác một chút hơn được không?
     
    Wanderman thích bài này.
  3. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Đôi Bờ Hương Sắc
    Quỳnh Giao • 16/10/2007

    Baudelaire không là một người lạc quan.

    Ông chẳng tin vào cái đẹp. Với ông, thiên nhiên không đẹp mà xấu đến ghê tởm. Nhưng, từ nơi chốn dơ bẩn hôi tanh ấy, đoá thơm vẫn có thể nở. Mâu thuẫn đó của nhà thơ được kết tinh trong tập thơ có tựa đề cũng ngược ngạo như con người ông: Les Fleurs du Mal. Những đoá hoa của cái ác.

    Là người sùng đạo mà nổi loạn của Pháp vào thế kỷ 19, phải chăng ông cũng cảm được tinh thần của hoa sen hay đạo pháp, mọc lên từ bùn dơ và tỏa hương cho đời như một sự cứu chuộc?

    Lần đầu in ra vào năm 1857, tập thơ lập tức thổi lên làn sóng phẫn nộ của bậc đạo cao đức trọng. Một cơ quan có tên là Công an trong bộ Nội vụ tức thời lập thủ tục truy tố tác giả và nhà xuất bản về tội xúc phạm luân lý. Ông bị phạt vạ ba trăm quan và phải rút một số bài thơ trong tuyển tập vì tính chất công xúc tu sỉ.

    Một thi sĩ khác lập tức nhảy vào cuộc. Trên tột đỉnh danh vọng thời ấy, Victor Hugo ngợi ca tập thơ là rực rỡ như tinh đẩu và mừng ông là được chế độ Napoléon Đệ tam truy tố. Với Victor Hugo, Napoléon III chỉ là hoàng đế tầm thường, mà ông mỉa mai gọi là “Napoléon le Petit” để so sánh với Đại đế kia, Napoléon le Grand!

    Kể từ đó, Les Fleurs du Mal làm thay đổi thi ca của Pháp, và gây ảnh hưởng đến các nhà thơ khác như Rimbaud hay Mallarmé.

    Mà đoá thơm kỳ dị ấy trong dòng thơ mới của Pháp còn tỏa hương cho đến ngày nay. Một trăm năm chục năm sau, vào đầu năm nay là 2007, nhà sản xuất nước hoa Jean Paul Gaultier đã tung ra một mùi hương mới, gợi nhớ đến Baudelaire ở cách chơi chữ: Les Fleurs du Male, hương thơm của chàng. Nếu diễn cho đúng tinh thần nổi loạn và nói bạo của thi sĩ, có lẽ ta nên dịch lại, đó là hương thơm của con đực.

    Mùi nước hoa này lập tức chinh phục các bà!

    Biến cố ấy khiến người ta chú ý đến một trào lưu mới, là nữ lưu ngày nay lại ưa thích... cầm nhầm nước hoa của các ông. Xức mùi thơm của chàng mới thực sự lột hết nữ tính của mình! Chuyện cũng lạ!

    Cách đây hơn một thế kỷ, năm 1889, nhà Guerlain đã tung ra lần đầu tiên trong lịch sử một loại nước hoa được cất lên, như một ca khúc, từ sự tổng hợp hài hòa của các hoá chất. Jicky, tên loại nước hoa ấy, là chai dầu thơm hiện đại đầu tiên của nhân loại. Nó cũng là mùi thơm đầu tiên có tính chất đồng giới, unisex, dùng chung cho cả nam lẫn nữ.

    Khởi đầu là một sự bình đẳng đấy chứ, khi mà chai nước hoa không là của riêng ai!

    Nói đến nước hoa, ta thường nghĩ tới hoa, là tinh dầu của các loài hoa như hồng, nhài, hoàng lan, hoa diên vĩ. Nhưng trực giác của Baudelaire quả là không lầm. Nước hoa Jicky đã tỏa thơm từ một cõi hôi hám nhất vì nhà sản xuất lén pha vào đó một chút hạch bài tiết lấy từ một chỗ thâm sâu của loài chồn hương!

    Phải chăng mùi hương ấy mới đánh thức bản năng con người và gõ vào tiềm thức của chúng ta những thôi thúc thầm kín của thú vật?

    Đấy là mình luận bàn cho thêm phần đau thương về cái thú của loài người, chứ các nhà pha chế nước hoa thực sự tinh như ma trong cách châm chế các loại tinh dầu để mê hoặc loài người, và để dụ dỗ khách hàng!

    Trong một kỳ trước, khi nhàn tản luận bàn về hương thơm được dậy lên từ tác phẩm "Để tưởng nhớ mùi hương" của Mai Thảo, lấy tựa đề từ một dòng văn Thạch Lam, người viết đã liếc sang bên cạnh. Đó là khu tàng trữ các loại nước hoa của phái nam. Chúng ta đều biết rằng các ông cũng biết len lén bôi nước hoa để đánh lừa khứu giác của các bà. Bây giờ, họ sẽ ngồi yên khi thấy nước hoa của mình bị đoạt lại!

    Trong các loại dầu thơm có nhiều nam tính nhất, đứng đầu phải là Vétiver của nhà Guerlain, tức là hãng nước hoa đã lần đầu tiên tinh chế các loại hoá chất để phất lên mùi Jicky thời xưa. Vétiver của Guerlain xuất hiện từ 1959 và đã chinh phục một thành phần khách hàng trung kiên bất ngờ là các bà. Nữ giới rất chuộng hương thơm đúng mùi chanh cốm của các ông và thản nhiên bôi Vétiver lên gáy trước khi ra ngoài. Điều ấy, nhiều người không biết chứ nhà Guerlain đã ngửi ra. Tháng tới, tức là tháng 11 này, họ sẽ chào thua bằng cách tung ra chai Vétiver Pour Elle. Vétiver cho Nàng!

    Như chưa đủ vây bủa chúng ta, họ sẽ còn dâng cho các bà một loại Vétiver dữ dội khác, có tên là Vétiver Extrême. Cực kỳ Vétiver, cực kỳ nam giới.

    Nổi tiếng không kém gì nhà Guerlain về nghệ thuật phục vụ khách hàng lịch lãm, năm ngoái, nhà Hermès đã có một loại dầu thơm mới cho các ông là Terre d'Hermès. Nhưng các ông chưa kịp thưởng thức hương thơm rất nhẹ, thoang thoảng mùi thông, mùi sả, mùi hoa bưởi, thì chai nước hoa đã bay sang phòng bên. Đây là loại nước hoa dậy mùi thanh niên và lịch sự, nhưng trên làn da các bà, nó tỏa hương khác hẳn. Ngổ ngáo, xông xáo và đầy tự tin!

    Nếu kể ra, ta có hàng chục trường hợp mà nước hoa của phái nam đã được các bà tận tình chiếu cố. Vétiver hay Terre d'Hermès hay Fleur de Male không là ngoại lệ hay mới mẻ gì.

    Mấy chục năm trước, khi các ông còn vênh váo với mùi Eau Sauvage để mượn vẻ man dại thì không ngờ rằng mùi thơm ấy đã vượt tuyến qua phòng trang điểm của các bà. Nhà Christian Dior bắt quả tang vụ cưỡng đoạt hương thơm bèn pha chế ra mùi Diorella trên cùng cung bậc của Eau Sauvage để nam nữ hài hoà và tránh cảnh cướp giật hương thơm của người khác. Acqua di Parma hay Hugo Boss đời nay cũng thế, Calvin Klein hay Tom Ford cũng vậy. Họ tung ra hàng loạt nước hoa cho các ông mà biết là chính các bà sẽ đón bắt và bỏ túi, hoặc hờ hững cho phảng phất lên vai.

    Vì sao lại có hiện tượng ấy?

    Một phần vì phụ nữ ngày nay đã độc lập hơn, tới độ khỏi cần đàn ông. Phảng phất một chút hương thơm của chàng trên làn da mái tóc là cũng đủ, khỏi phải lẽo đẽo đi trước theo sau làm chi cho mệt! Phần khác, vì nước hoa cho các ông có mùi thơm của thiên nhiên hoang dại, của gỗ, da hay cỏ, thì lấy một chút hoang dại ấy cho mình cũng là một cách khẳng định sự độc lập. Với hương thơm này mà đi làm, vào trong văn phòng, mình vẫn không gây ra sự khó chịu vì sực nức mùi hoa quá ngọt quá hắc. Thoang thoảng thôi, cũng đủ lãng quên đời mà không làm bà xếp cau mày, supervisor lườm nguýt.

    Ngày xưa, đã có người dựng ra một thuyết về tính phái trong nghệ thuật khiêu vũ.

    Rằng khi nhân loại có các điệu nhảy mà người nam khỏi còn dìu nàng đi trong tiếng nhạc, như điệu cha cha cha, mambo hay twist, vân vân... thì các bà đã cất cánh khỏi quỹ đạo đàn ông và nhảy múa một mình. Loại vũ điệu ấy báo trước thời kỳ giải phóng phụ nữ. Lý thuyết ấy có lẽ không sai lắm. Hãy cứ xem chương trình "Dancing with the Stars" hàng tuần trên hệ thống ABC thì rõ! Chẳng những không còn chuyện nam nữ bình quyền mà đã thành chuyện các ông xin được bình đẳng với các bà.

    Cho nên, cũng phải thôi, việc các bà ngày nay đã lấy luôn phần hồn của các ông và chiếm luôn hương thơm của nam phái. Các ông lủi thủi đi sau, ngoan ngoãn trả tiền, và về nhà đành tưởng nhớ mùi hương của mình... trên làn da của người khác. Sắc là của em, hương của chàng nay cũng là của em luôn. Cho đáng kiếp!

    Hương thơm nay cũng vượt biên và toả thơm trên bờ bên kia... Bờ vai bên kia.
     
  4. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    1930 – Sinclair Lewis (Mỹ, 1885 – 1951)
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link • 20/02/2023
    Nguồn: vanchuongviet.org

    [​IMG]

    Con đường chính - Main Street (1920) của Sinclair Lewis, mô tả cuộc sống trong một thị trấn nhỏ, là một trong những truyện hay nhất được viết từ trước đến nay. Chắc chắn đây là thị trấn đầu tiên và của người Mỹ đầu tiên trên nước Mỹ, nhưng điều kiện tác động đến đời sống tinh thần lại ở châu Âu. Giống như Lewis, rất nhiều người trong chúng ta đã phải chịu đựng sự thù địch và cố chấp. Tính châm biếm mạnh mẽ đã dấy lên những phản kháng cục bộ, nhưng người ta không cần giương to mắt để nhìn thấy được giọng văn bao dung của Lewis trong việc phác họa thành phố quê hương của mình và con người sống ở đó.

    Trong tác phẩm Babbitt (1922), nhân vật Ông Babbitt - George Follansbec Babbitt - là một công dân hạnh phúc của một thành phố như thế. Thành phố có tên là Zenith, nhưng người ta không tìm thấy trên bản đồ. Thành phố với những chân trời mở rộng là điểm khởi đầu những lời chỉ trích của Lewis tấn công vào những lãnh địa của nước Mỹ chủ nghĩa. Thực tế, Babbitt có lẽ là mẫu người Mỹ lý tưởng của giai cấp trung lưu. Tính tương đối của đạo đức thương mại cũng như những qui tắc đạo đức cá nhân đối với anh ta là một loại niềm tin được thừa nhận, và anh ta không hề do dự cho rằng mục đích của Thượng đế tạo ra con người là ta lao động, làm tăng lợi tức, và thụ hưởng những tiến bộ hiện đại. Anh ta cảm thấy rằng mình phải tuân theo những mệnh lệnh này, vì thế anh ta sống trong sự hòa hợp hoàn toàn với bản thân và xã hội. Đó chính là những thể chế đại diện cho những tư tưởng sai lầm, và không có tính cá nhân, mà Lewis muốn tấn công với giọng văn châm biếm, ông đã tự biểu thị thái độ của mình. Ông có khả năng làm cho anh chàng Babbitt này, một kẻ tin vào định mệnh nhưng cùng lúc lại là một con người vụ lợi huênh hoang, trở thành một kẻ hầu như đáng yêu. Ông đã thành công về nghệ thuật miêu tả, một thành công độc đáo trong văn học.

    Arrowsmith (1925) là một tác phẩm nghiêm túc hơn. Lewis muốn diễn tả nghề y khoa và khoa học trong mọi hình thái của nó. Như chúng ta biết, người Mỹ nghiên cứu về khoa học tự nhiên, vật lý, hóa học và y học đứng hàng đầu trong thời đại chúng ta. Vô số phương sách được thực hiện. Nhiều viện nghiên cứu làm việc không ngừng trên đà phát triển. Trong tác phẩm này chứa đầy kiến thức đáng khâm phục, được những nhà chuyên môn đánh giá cao về tính chính xác của chúng. Mặc dù là bậc thầy về cách sử dụng những từ ghép, Lewis không bao giờ hời hợt khi đụng đến nền tảng nghệ thuật của mình. Ông nghiên cứu các chi tiết rất cẩn thận không kém gì nhà khoa học như Arrowsmith hay Gottlieb - những nhân vật trong tác phẩm. Ông đã dựng lên một tượng đài nghề nghiệp của chính cha mình, một tượng đài của người thầy thuốc chứ chắc chắn không phải là của một lang băm.

    Tác phẩm lớn của ông Elmer Gantry (1927) giống như cuộc giải phẫu một trong những phần tế nhị nhất của cơ cấu xã hội. Có lẽ là nó không chú ý đến việc tìm kiếm ở bất cứ nơi nào trên thế giới những đức tính lỗi thời của những người theo Thanh giáo, nhưng người ta có thể tìm thấy được ở những nơi cổ kính nhất của nước Mỹ tàn dư của một giáo phái xem việc tái hôn là một tội ác, từng làm vui lòng Thượng đế bằng cách biến một người nào đó thành goá vợ hay góa chống, và tệ cho vay tiền vì lợi ích. Nhưng mặt khác, nước Mỹ cũng đã cố gắng làm nhẹ bớt sự khắc nghiệt của tôn giáo này.

    Sinclair Lewis là một người Mỹ. Ông viết bằng một thứ ngôn ngữ mới - ngôn ngữ của người Mỹ - đại diện cho 120 triệu người (thời bấy giờ). Ông đòi hỏi chúng ta phải xem đất nước này là chưa hoàn chỉnh hay tan rã, rằng nó vẫn còn trong giai đoạn hỗn độn của thời thanh xuân.

    Một nền văn học Mỹ vĩ đại mới bắt đầu với lời tự phê về đất nước. Đó là dấu hiệu của sự lành mạnh. Sinclair Lewis có tài năng thiên bẩm về việc sử dụng phương tiện phát quang đất nước của ông, không những chỉ với bàn tay rắn chắc mà còn với nụ cười trên môi và sức trẻ trong tim. Ông có tính cách của một cư dân mới, muốn cày xới và vun trồng vùng đất mới. Ông là nhà tiền phong...
     
    zoomvietnam and nhan van like this.
  5. Wanderman

    Wanderman Lớp 4

    Thêm bài nào nữa không @amylee ơi!
     
    amylee thích bài này.
  6. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Hí hí. Dạo này Amy hơi bận chút (ham đi chơi) nên đợi nhé :p.
     
    Wanderman thích bài này.
  7. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    John Cheever

    dl.jpg

    JOHN CHEEVER SINH QUÁN TẠI QUINCY, MASSACHUSETTS, theo học tại South Braintree, Massachusetts, tại Thayer Academy. Năm mười bảy tuổi bị đuổi khỏi trường Thayer, nhưng sau đó ông đột nhiên cho in một truyện ngắn viết về trường này trên tạp chí New Republic.

    Kể từ ngày đó, John Cheever trở thành một nhà văn khá độc đáo với những truyện ngắn đặc sắc. Ông đã cho xuất bản có đến cả trăm truyện ngắn trong hai tuyển tập có nhan đề “Nếp sống của một số người” (The Way Some People Live, 1943) và “Chiếc máy phát thanh vĩ đại”, (The Enormous Radio, 1953). Phần lớn những truyện ngắn này đều đã xuất hiện trên tạp chí The New Yorker. Nhiều tác phẩm ngắn khác của ông đã trúng giải văn chương và đã được tái bản tại Anh-cát-lợi và Pháp.

    Năm 1951, John Cheever trúng giải văn chương Guggenheim Fellowship; và năm 1956 ông nhận một giải thưởng văn chương khác trị giá 1.000 đô-la của Học-viện Văn-học Nghệ-thuật Quốc Gia (National Institute of Arts and Letters).

    Nhìn chung toàn bộ tác phẩm của John Cheever (gồm mấy tập truyện ngắn và hai cuốn truyện dài, “The Wapshot Chronicle” và “The Wapshot Scandal”), người đọc nhận thấy ông là người đả kích nếp sống máy móc đến phi nhân tại Hoa-kỳ. Một trong những người gần gũi với John Cheever phải kể đến nhà văn trẻ đồng tuổi với ông, John Updike.
    ___________
    THÚ CÔ ĐƠN

    MỘT BUỔI TỐI KHI ELLEN GOODRICH TỪ SỞ TRỞ VỀ CĂN phòng của nàng ở Chelsea, nàng nghe có tiếng gõ nhẹ vào cửa. Nàng không quen thân ai ở thành phố này cả; nàng không thể chờ đợi có người tới thăm. Nàng mở cửa và thấy hai đứa bé trai đứng ngay ở lối đi ra ngoài tiền sảnh. Nàng đoán chừng chúng độ mười hay mười một tuổi. Quần áo của chúng mỏng manh và chúng đang run rảy vì lạnh.

    “Florence Valle có ở đây không?” một đứa lên tiếng hỏi.

    “Tôi không quen ai có cái tên đó cả”, Ellen nói. “Có lẽ các em hỏi bà chủ nhà thử xem - bà ta sống ở tầng trên đó.”

    “Chúng em đi tìm Florence Valle. Nó là em họ của thằng này”, thằng bé kia nói, tay chỉ bạn nó. “Nó vẫn thường sống ở đây mà.”

    “Tôi rất tiếc,” Ellen nói, “nhưng mà tôi không quen biết với cô bé đó.”

    “Chắc nó dọn nhà rồi,” thằng bé nói. “Chúng em đã phải cuốc bộ mãi từ nhà đến đây...”

    Rất ít khi Ellen cảm thấy có thể thương xót hay có cảm tình với người khác, song trông hai thằng nhỏ có vẻ sợ và lạnh, và sự tha thiết muốn giúp đỡ chúng mạnh hơn cả tính ưa khép kín của nàng. Nàng nhận thấy chúng nhìn chằm chặp vào đĩa kẹo ở trong phòng phía sau lưng nàng. Khi nàng mời chúng ăn kẹo, chúng từ chối với một thái độ lễ phép pha lẫn mắc cỡ và sự tính toán, điều đó làm nàng thấy muốn ôm chúng vào trong vòng tay. Nàng đề nghị mỗi đứa nên mang về một miếng kẹo rồi nàng trở vào trong phòng đến bên đĩa kẹo. Bọn nhỏ nối gót theo nàng.

    “Phòng cô đẹp đó chớ, thưa cô.”

    “Phải, phòng cô đẹp đó.”

    Khuôn mặt của chúng gầy guộc và nghiêm trang và giọng nói của chúng nghe khàn khàn.

    “Bộ các em không có cái áo choàng nào hay sao?” nàng hỏi. “Bộ các em mặc như vậy ra ngoài trời lạnh sao chớ?”

    “Chúng em không có cái áo choàng nào cả, thưa cô”.

    “Tôi nghĩ là các em cứ đi như vậy sẽ bị cảm cho mà xem.”

    “Chúng em không có một cái áo choàng nào hết cả.”

    Chúng cho nàng biết tên tuổi chúng khi nàng hỏi chúng về điều đó, và chúng nói chúng sống ở phía Đông hạ. Chính nàng đã đi qua khu nhà ở chuột đó và nàng có thể tưởng tượng thấy sự bẩn thỉu và cẩu thả trong đó chúng sinh sống. Trong khi nàng nói chuyện với chúng, nàng nhận ra đây là lần đầu tiên từ hơn một năm nay nàng chưa cho phép ai, trừ bà chủ nhà, vào phòng nàng. Sự có mặt của bọn nhỏ làm nàng thấy vui và nàng hỏi thăm chúng thật nhiều cho đến khi nàng chợt nhận ra giọng nói đượm vẻ cuồng nhiệt của mình. Nàng chợt ngưng lại. “Tôi nghĩ có lẽ các em nên đi đi,” nàng nói. “Tôi có vài việc phải làm”. Chúng cảm ơn nàng đã cho kẹo và dời khỏi phòng nàng. Tựu trung, buổi gặp gỡ làm nàng cảm thấy cởi mở và sung sướng.

    Ellen không phải là loại người rộng lượng. Nàng sống trong một ngôi nhà gồm nhiều phòng cho thuê ở Chelsea với mục đích bỏ ngân hàng được chừng nào hay chừng nấy số lương nàng lãnh để có được một khoản tiền hàng năm. Nàng vẫn thường khó khăn trong việc kết bạn. Suốt mười năm qua sống ở Nữu-ước, nàng đã phải chịu đựng cô độc, nhưng bây giờ việc đó không thành vấn đề vì nàng đã thu xếp ổn thỏa với nỗi cô đơn của mình. Nàng có thể tỏ ra tàn nhẫn với chính mình và với mọi người. Một lần mẹ nàng viết thư yêu cầu nàng giúp cậu em nàng bằng cách cho hắn ta vay một số tiền. “Con nghĩ là tốt hơn”, Ellen trả lời, “là nên để cho thằng Harold nếm mùi khổ cực một chút. Có thể nó mới hiểu thế nào là giá trị của đồng tiền. Con không định nói là không có tiền, song cái số tiền ít ỏi mà con hiện gửi ở nhà băng đã được dành dụm do một sự hy sinh lớn lao và con không hề có ý muốn cho thằng Harold vay một chút nào cả khi tất cả chúng ta điều biết rằng nó có thể làm được cái gì nếu nó cố gắng. Con nghĩ là nó mang ơn mẹ nhiều hơn là con, vì rằng, cuối cùng tất cả, mẹ và ba đã phải tốn tiền về việc học vấn của nó nhiều hơn là việc ba mẹ chi tiêu trong việc học của con”. Lúc này nàng hai-mươi-tám tuổi.

    Sau khi bọn nhỏ đi khỏi tối hôm đó, Ellen thay đồ mặc ở nhà và sửa soạn bữa cơm tối. Gió lạnh thổi làm rung rinh cửa sổ khiến nàng thấy thú vị trong căn phòng ấm cúng và sáng sủa. Nàng rửa chén đĩa rồi ngồi đọc một cuốn sách mượn được của thư viện. Đó là cách thức nàng trải qua mỗi buổi tối, và nàng hãnh diện vì nàng không còn cảm thấy xúc động và cô độc nữa. Tuy nhiên nàng cứ nghĩ hoài về bọn nhỏ. Nàng thấy khuôn mặt nghiêm trang và gầy guộc của chúng, và khi nàng nghĩ đến việc chúng phải đi trong trời lạnh, nàng cảm thấy lòng đầy buồn bã và xót xa. Cuộc sống phẳng lặng của nàng khiến nàng trở nên gắn bó đối với những việc bất thường và hiếm hoi khi chúng chợt xảy đến cho nàng. Có một chủ đích nào đó, nàng linh cảm, một lý do nào đó cho cuộc gặp gỡ bất ngờ này.

    Một tuần sau, cũng vào giờ đó, có một tiếng gõ cửa và nàng lại bắt gặp thằng nhỏ đứng đó.

    “Chúng em đi dạo qua đây”.

    “Chúng em nghĩ nên tạt qua thăm cô”.

    “Thế à, tôi sung sướng vì các em đã ghé thăm”, Ellen nói, và chợt nhận ra giọng nói của nàng có thể đến tai những người mướn phòng trong nhà với những khu cửa mở ra cùng một tiền sảnh. Không có điều gì gọi là bậy cả trong cái việc nàng đang làm, nhưng đồng thời nàng không muốn những người trọ chung nhà biết là nàng đang bảo bọn trẻ nhỏ lạ mặt vào phòng nàng chơi, vì thế nàng đợi cho đến khi nàng đóng cửa phòng lại sau lưng bọn nhỏ rồi nàng mới lại lên tiếng. “Tôi vui vì các em ghé thăm”, nàng nhắc lại. Nàng mời chúng ngồi xuống. Rồi nàng nghĩ đến việc đem coca-cola ra cho chúng uống, nhưng dường như điều đó có vẻ đi hơi xa. Chúng bảo nàng chúng là dân Ý, và nàng hỏi chúng liệu chúng có biết cách làm món parmigiana, món mà nàng luôn luôn muốn học làm. Chúng không biết, song chúng nói với nàng về những món ăn khác của người Ý. Một trong hai đứa, đứa lớn hơn, dường như thú vị về những món đồ trang hoàng trong tủ đựng chén bát của nàng và nàng bèn lấy cho nó xem. Thằng bé nhỏ hơn lôi một mẫu thuốc lá trong túi ra và châm hút.

    “Em có thấy là em còn quá nhỏ để hút thuốc không?” Ellen hỏi.

    Thẳng này ngó thằng bạn nó và cả hai đứa cùng khúc khích cười. Ellen biến sắc mặt. Nàng nhìn chúng trao đổi nhau và giọng cười của chúng làm nàng hoảng sợ. “Những cái kia là một cặp maracas,” nàng nói với giọng nóng nảy, tay trỏ lên cặp trống sơn màu treo trên tường. “Tôi mua cặp maracas đó khi tôi đi thăm Caribbean năm 1933. Họ dùng chúng trong các dàn nhạc ở Caribbean”.

    Mẩu thuốc lá dường như làm hai thằng nhỏ cảm thấy dễ chịu hơn. Ellen có thể yêu cầu chúng thôi đừng hút nữa nhưng nàng do dự. Thằng nhỏ tuổi dụi điếu thuốc vào trong cái khay đựng kim của nàng và nàng nhìn nó không nói một lời nào. Nàng thú vị một cách mà nàng không tài nào hiểu nổi. Chúng kể nàng nghe về gia đình chúng, về các chị em gái của chúng, những câu chuyện xảo trá và dâm đãng mà nàng cần phải ngăn không cho chúng đề cập tới. Độ nửa giờ sau, nàng bảo chúng đi về. Chúng đi khỏi được một lát thì nàng khám phá ra cái bóp của nàng đã biến mất.

    Nếu chúng có mặt trong phòng lúc bấy giờ, nàng sẽ giết chúng ngay. Nàng bám vào lưng của một chiếc ghế và nắm chặt lấy nó. Cho đến khi cánh tay và vai nàng bị nhức nhối. “Chúng nó không việc gì phải ăn cắp như vậy!” Nàng bật khóc. “Chúng nó không việc gì phải ăn cắp cả! Chúng nó không việc gì phải làm thế hết!” Nàng vật người xuống giường và khóc một hồi lâu. Khi nàng ngồi đậy, nàng tranh luận về sự ngay thẳng và tưởng tượng như chính nàng đang thuyết bọn nhỏ về đề tài này. Nàng nghĩ đến việc gọi cảnh sát, nhưng khi nàng mô tả việc đã xảy ra như thể nàng đang kể cho viên cảnh sát nghe, nàng lại nhận thấy việc đó khó tin và đáng nghi. Nàng đi vào phòng tắm và dùng khăn lạnh rửa mặt. “Chúng không việc gì phải ăn cắp cả. Mình có thể cho chúng tiền nếu chúng cần tiền”. Nàng đi tới đi lui trên sàn nhà, lẩm bẩm một mình với vẻ giận dữ.

    *​

    Sáng hôm sau, Ellen quyết định quên hai thằng nhỏ đi; tốt hơn cả là chịu để mất mười lăm hay hai mươi đô-la trong bóp của nàng hơn là chịu mất sự yên bình của tâm trí. Thường thường nàng có thể quên đi những điều làm nàng bận tâm, song lần này không dễ dàng gì. Trong thâm tâm nàng, nàng cảm thấy như mình đã phạm vào một lỗi lầm có thể đe dọa tất cả cái nếp sống của mình. Ít đêm sau đó, vào một ngày thứ tư, lại có tiếng gõ cửa. Nàng mở cửa và thấy hai thằng nhỏ đứng ngoài hành lang.

    Nàng đã sửa soạn sẵn sàng hết cả. Nàng đã rượt nhiều lần những điều nàng muốn nói, nhưng bây giờ, khi nàng toan lên tiếng, nàng không nghĩ ra điều gì cả. “Vào đây”, cuối cùng nàng nói. “Cả hai vào đây. Tôi muốn nói với mấy chú.” Hai đứa đi theo nàng vào phòng. “Mấy chú không việc gì phải ăn cắp cả”, nàng nói. “Các chú phải biết là các chú không việc gì phải ăn cắp hết cả.” Nàng lên giọng và nàng run rảy đến nỗi nàng phải đứng dựa vào tường. “Nếu mấy chú cần tiền, nếu mấy chú thật sự cần tiền, có những cách ngay thẳng để có tiền. Mấy chú ăn cắp cái bóp của tôi. Khi mấy chú đến đây chơi lần vừa qua.”

    “Chúng em không ăn cắp gì hết, thưa cô.”

    “Chúng em đâu phải là quân ăn trộm.”

    “Hừ, vô ích để mà đứng đây tranh luận về điều đó”, nàng nói. “Ra ngay.”

    “Cô cho tụi em năm đô-la, cô.”

    “Ra mau”, Ellen nói. “Ra khỏi đây ngay trước khi tao gọi cảnh sát đến.”

    Bọn nhỏ lùi dần ra khỏi phòng và nàng đóng cửa khóa lại rồi lắng nghe tiếng chân chúng đi ở ngoài tiền sảnh. Đêm hôm đó, nàng nằm mơ thấy chúng. Nàng không thể nào nhớ rõ ràng mọi chi tiết của giấc mơ, nhưng khi nàng thức dậy nàng cảm thấy suy nhược và hãi hùng. Giấc mơ đó đã ám ảnh nàng suốt những ngày còn lại trong tuần đó. Vào ngày thứ sáu nàng cảm thấy khó chịu như sắp bị cảm và nàng được phép dời khỏi sở vào buổi trưa. Nàng mượn về một cuốn sách ở thư viện và mua ít đồ gia vị cho bữa cơm tối.

    Mặc dù bị bệnh, nàng thú vị với nỗi cô đơn của mình buổi trưa hôm đó hơn bất cứ lúc nào hết. Nàng đọc cho đến khi trời sẫm tối. Trước khi bật đèn sáng, nàng đến bên khung cửa sổ kéo tấm sáo lại. Tuyết rơi xiên xiên nơi khoảng không gian giữa khung cửa sổ của nàng và khu sân sau. Nàng đi tắm và trở lại giường nằm vào lúc bẩy giờ, người gây gấy sốt. Nàng đang thiu thiu sắp ngủ thiếp đi thì nàng nghe chúng gõ cửa. Nàng nhớ là nàng đã quên gài then cửa lại. Chúng nói với nhau một hồi ngoài tiền sảnh, lại gõ cửa nữa, rồi đẩy cửa vào. Khi chúng thấy nàng nằm trên giường, chúng bước lại bên nàng và nhìn nàng chằm chặp.

    “Cô đau hả, cô?”

    “Xin để tôi yên”, nàng nói yếu ớt. “Ra ngay đi”.

    “Chúng em cần ít tiền, cô”.

    “Mấy chú không thấy là tôi đau sao?” nàng nói. Nàng phải cố gắng khi nói. “Ra khỏi đây đi. Tôi không có tiền đâu”.

    Một trong hai đứa nhận thấy cái bóp của nàng bỏ trên bàn. Nó đến gần, cầm cái bóp lên và bắt đầu lôi những giấy bạc trong đó ra. Nàng chồm dậy khỏi giường và đánh nó, nhưng nó đã nắm được tiền trong tay. Nàng cố giựt lại tiền, nhưng nó khỏe hơn nàng; nó dư sức để giựt tay nó ra khỏi tay nàng, rồi cả hai đứa chạy ra khỏi phòng tiến về phía tiền sảnh. Nàng đứng nơi cửa la lên “Bà Duval, bà Duval ơi!” Không có tiếng trả lời, và nàng vật xuống giường, quá ốm yếu và quá mệt mỏi để khóc. Mười phút sau, bà chủ nhà gõ cửa phòng nàng và hỏi có chuyện gì xảy ra. Ellen bảo bà ta rằng nàng nghĩ là nàng có nghe thấy tiếng của mấy người đàn ông lạ ngoài hành lang và cái khóa nơi cửa ngoài cần phải được khóa lại.

    Sáng hôm sau Ellen quyết định dọn nhà. Thật không dễ dàng gì cho nàng song nàng cảm thấy tinh thần xuống dốc. Một trong số bạn gái của nàng ở sở cho nàng biết có một cái nhà gồm những phòng cho thuê ở phố Ba-mươi-bẩy về phía Đông, và tối hôm đó Ellen đến đấy đặt thuê một phòng. Tối hôm sau nàng thuê một chiếc tắc-xi và chở tất cả đồ đạc của nàng đến nhà mới. Cái phòng này không đẹp như cái phòng nàng vừa dời khỏi nhưng nàng cố gắng làm cho nó trở nên quen thuộc. Nàng cảm thấy trên một khía cạnh nào đó nàng đang bắt đầu một cuộc đời mới.

    Tối hôm sau nàng đi bộ từ sở về nhà. Trời mưa xối xả, và khi nàng quẹo từ Đại-lộ Madison sang phố Ba-mươi-bẩy nàng thấy chúng đứng ngay trước cửa nhà, mắt ngó lên các khung cửa sổ. Mưa lạnh và bọn nhỏ không có mũ áo gì cả. Nàng đi về phố Ba-mươi-tư dùng cơm trong một tiệm ăn ở đó. Lúc bấy giờ là tám giờ trước khi nàng trở về chỗ ở, bọn nhỏ đã đi khỏi. Nàng vào phòng, dựng cây dù trong một cái đĩa, cởi đồ ướt ra và mặc bộ đồ ở nhà vào. Có tiếng gõ cửa nàng ra mở cửa và chúng đang đứng đó.

    “Sao mấy chú biết tôi ở đây?”

    “Bà chủ nhà đằng kia bảo tụi em vậy”.

    “Một lần cho tất cả, ra ngay. Để tao yên, để tao yên, có được không?” Nàng chụp lấy cây dù và thúc vào vai thằng nhỏ tuổi bằng tất cả sức bình sinh của nàng. Nó té khuỵu xuống gối rồi lăn kềnh ra trên sàn nhà và nàng tiếp tục đập nó trong khi thằng kia bắt đầu la lên, “Cứu chúng tôi với! ông Cảnh sát ơi! ông Cảnh sát ơi!” Nó la to đến nỗi cả dẫy phố có thể nghe thấy tiếng nó.

    JOHN CHEEVER
    TRÙNG DƯƠNG dịch
    Trích từ Tạp chí Văn số 141.
     
    Wanderman thích bài này.
  8. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Thiền sư Trạch Am luận về Trà đạo
    Nguyễn Nam Trân dịch và chú thích
    Nguồn: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Nguyên tắc cơ bản của Cha-no-yu là tinh thần hòa hợp của đất trời (thiên địa trung hòa), nó đem đến cho ta phương tiện xây dựng một thế giới hòa bình. Người đời nay chỉ coi trà hội (chakai) như cơ hội để gặp gỡ bạn bè, bàn bạc thế sự, ăn uống cho ngon miệng, no lòng. Ngoài ra, trong khung cảnh trà thất bày biện đẹp đẽ, nơi đó, giữa những mỹ thuật phẩm quí hiếm được trưng bày, họ có thể trổ tài châm trà thanh lịch của mình để chế nhạo người khác là không đạt. Thế nhưng, những điều nói trên hoàn toàn không phải là bản chất của Cha-no-yu.

    Tốt hơn hết là cất một túp nhà nhỏ trong lùm trúc hay dưới những tàng cây, khơi suối và đặt đá, trồng thêm cây cỏ, trong khi ấy ở bên trong phòng, chúng ta hãy cho than vào lò, kê ấm nước, cắm vài cụm hoa, bày cho ngăn nắp một số trà cụ. Làm như vậy thì từ gian phòng, ta có thể thưởng thức cả núi sông thiên nhiên qua hình ảnh suối, đá, xúc cảm trước phong, hoa, tuyết, nguyệt… khi nhìn chúng chuyển vần theo bốn mùa, lúc hiện lúc biến, khi xanh tươi khi tàn tạ. Khách đến đây đều được tiếp đón bằng tất cả sự tôn kính, mọi người có thể ngồi với nhau nghe tiếng nước reo lên trong ấm tựa làn gió nhẹ vi vu qua đám lá tùng để mà quên hết mọi toan tính và lo âu trong cuộc sống. Thế rồi khi rót nước ra từ chiếc ấm, ta sẽ liên tưởng đến dòng suối chảy từ trên núi cao, nó giúp cho chúng ta tẩy sạch bụi trần. Đó chính là tiên cảnh giữa trần gian.

    Lễ (rei 礼) được coi là đầu mối của Kính (kei 敬). Trong đời sống hằng ngày, nó đưa mối liên hệ giữa con người đến một sự hòa hợp. Khi giải thích về cái dụng của chữ lễ, Khổng tử đã nói như thế. Đó cũng là phép tắc tinh thần (tâm pháp) mà chúng ta cần có với Cha-no-yu. Ví dụ cho dù có những công tử hay quí nhân đến dự, người biết giữ lễ vẫn đối xử với họ một cách đạm bạc và không hạ mình, khúm núm. Lại nữa, khi trà nhân ngồi bên cạnh những ai địa vị xã hội thấp hơn mình, anh ta cũng giữ thái độ tôn kính trước họ và không hề nuôi một ý nghĩ ngạo mạn. Sở dĩ được như vậy vì có một bầu không khí đặc biệt bao trùm lên căn phòng làm cho sự giao tiếp giữa những người đến dự trở nên hòa ái. Cho dù cuộc gặp gỡ kéo dài đến đâu thì sự hòa hợp ấy vẫn còn mãi. Như nụ cười của Ca Diếp (Kâsyapa), cái gật đầu của Tăng tử (曾子) là cái lý của sự “bất khả thuyết” về lẽ Chân như huyền diệu (mysterious Suchness), tinh thần hòa hợp này cũng không thể diễn đạt bằng lời nói.

    Vì lý do trên, từ cách trang trí trà thất, cách bày biện trà cụ, hành động châm trà, cách thức nấu nướng cho đến áo xống v.v… đều phải làm sao để khỏi sa vào lễ nghi phiền toái và sự diêm dúa. Dụng cụ đem ra dùng có thể cũ kỹ nhưng cái tâm phải được kích thích sao cho luôn luôn tươi mới để có thể nhạy cảm trước sự chuyển vần của phong cảnh theo thời tiết bốn mùa. Cái tâm đó không dối gian, không tham lam, không ngạo mạn nhưng lúc nào cũng ân cần và tôn trọng người khác. Người có cái tâm như vậy dĩ nhiên sẽ chân thực và hòa nhã. Đó chính là Cha-no-yu vậy.

    Do đó, Trà đạo (the way of Cha-no-yu) đã dời cái hòa hợp giữa Đất Trời cũng như sơn xuyên thảo mộc đến cạnh một bếp lò và như thế, ta đã có đầy đủ cả ngũ hành (wu-shing 五行) kim, mộc, thủy, hỏa, thổ như trong thiên nhiên. Chúng ta vục nước từ suối nguồn thiên địa và nếm được hương vị của thiên nhiên ở đầu lưỡi. Niềm vui thỏa vô biên của trà đạo là thưởng thức được sự hòa hợp của Đất Trời như thế đấy.



    Đoạn văn của Thiền sư Takuan (Trạch Am, 沢庵 1573-1645) trích từ Kết Thằng Tập 結縄集 và Cổ Kim Trà Thoại 古今茶話.
     
    STTGK1999, Wanderman and nhan van like this.
  9. Wanderman

    Wanderman Lớp 4

    Blog suiseki nhiều bài đọc hay quá! Nhất là về haiku! Cám ơn @amylee
     
    amylee thích bài này.
  10. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    LẬP TRƯỜNG NGƯỜI CON - Kawabata Yasunari
    (Kodomo no tachiba, 1926)
    Nguyễn Nam Trân dịch

    Thật tình bà mẹ của anh chàng hơi chậm hiểu.

    - Bác ơi, mẹ buộc cháu phải lập gia đình nhưng cháu đã hứa hôn với một người khác trước đó rồi.

    Nếu Tazuko đem chuyện đó để hỏi ý kiến bà ta là bởi vì người yêu trong câu chuyện mà nàng đã hứa hôn trước không ai khác hơn là con trai của bà. Bà ta hình như cũng đã thấy giữa hai nhân vật đó có cái gì trùng hợp với nhau. Thế mà bà cứ nói năng ào ào, làm ra vẻ như chuyện đó không dính dáng tới mình. Mà lại còn nói kiểu này nữa chứ:

    - Chuyện như vậy có gì cháu phải bối rối. Dầu phải bỏ nhà ra đi, cháu cứ theo tiếng gọi của con tim mà cưới anh ấy đi. Bác lấy kinh nghiệm bản thân mà khuyên cháu đấy. Hồi xưa, bác cũng gặp cảnh giống như cháu bây giờ, bác vì lầm lẫn trong sự lựa chọn nên phải chịu khổ suốt ba mươi năm nay. Đời của bác từ đó mới ra nông nỗi này.

    Nghe nói như thế, Tazuko cứ đinh ninh một cách sai lầm rằng bà mẹ anh chàng đã đồng tình với mối tình của hai người và âm thầm đứng về phía họ. Đôi má nhuộm hồng, nàng tươi tắn hỏi:

    - Nếu nói như vậy thì chắc bác cho phép anh Ichirô nhà bác được tự do trong việc kết hôn của ảnh, có phải không ạ?

    - Dĩ nhiên là thế rồi!

    Tazuko vui mừng, vui vẻ, phấn khởi trên đường về. Sau khi tình cờ nghe kể lại câu chuyện, anh chàng bèn chạy đuổi theo cô gái, viết một lá thư để từ hôn. Anh ta bảo: “Em cứ nghe lời ép buộc của cha mẹ mà lấy chồng đi”. Thế nhưng, có câu như sau thì ngay đến anh cũng chẳng dám viết ra:

    (- Và xin em hãy sinh ra một đứa con được nuôi dạy đàng hoàng như anh)

    (Dịch ngày 20/05/2008)
     
    Wanderman, machine and tran ngoc anh like this.
  11. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    ĐIỀU CÁNH HỮU ĐÃ HIỂU SAI VỀ ADAM SMITH
    Nguồn bài viết: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    John Kay, 1790. Wikiwand
    Chúng ta nên rút ra điều gì từ Adam Smith? Có lẽ bạn nghĩ rằng ta đã làm rõ vấn đề này xong, vì ông ấy chỉ viết hai cuốn sách và đã 300 năm kể từ ngày ông ra đời. Nhưng không hề. Ai cũng muốn kéo nhà triết học và kinh tế học người Scotland về phe mình. Ngoài Chúa Giê-su, khó mà nghĩ ra còn ai có thể thu hút những cách giải thích hoàn toàn khác biệt như vậy.

    Một phần là vì chúng ta thực sự biết rất ít về người đàn ông này. Smith giám sát việc đốt tất cả các bài viết chưa công bố của mình khi ông nằm trên giường bệnh – một thông lệ vào thời điểm đó, nhưng để giải quyết các cuộc tranh luận bất tận thì không hữu ích mấy.

    Những gì chúng ta biết là Adam Smith ra đời ở thị trấn Kirkcaldy trên bờ biển phía Đông Scotland. Cha ông là một thẩm phán đã qua đời ngay trước khi ông được sinh ra. Smith dường như là một đứa trẻ rất uyên bác, hiếm khi người ta thấy ông không cầm sách trên tay.

    Một trải nghiệm thuở thiếu thời dường như liên quan đến khu chợ ở thị trấn dường như đã ảnh hưởng đến ông. Một số chủ đất được miễn thuế cầu đường và phí gian hàng ở chợ do Kirkcaldy là một thị trấn hoàng gia. Điều này tạo cho họ lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ, và chàng trai trẻ Smith thì không đồng tình với chuyện này.

    Ông rời mẹ năm 14 tuổi để theo học triết học đạo đức tại Đại học Glasgow, trước khi hoàn thành nghiên cứu sau đại học về siêu hình học tại Balliol College Oxford. Sau đó, ông dành cả đời để nghiên cứu, giảng dạy và viết về các lĩnh vực triết học, thần học, thiên văn học, đạo đức học, luật học và kinh tế chính trị. Phần lớn sự nghiệp của Adam Smith là dành cho công việc học thuật ở Edinburgh và Glasgow, mặc dù ông cũng có thời gian làm gia sư riêng ở Pháp và London.

    Của cải của các dân tộc

    Hai cuốn sách mà Smith đã xuất bản khi còn sống là Lý thuyết về những tình cảm đạo đức (1759) [The Theory of Moral Sentiments] và cuốn sách được biết đến rộng rãi hơn của ông, Những nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân của cải của các dân tộc (1776) [An Enquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations]. Cuốn thứ hai, một văn bản dài 700 trang dài dòng và rối rắm được xuất bản trong hai tập, đã được thực hiện trong 17 năm.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Toàn bộ hai tập sách.
    Hệ tư tưởng kinh tế thống trị thời bấy giờ được gọi là chủ nghĩa trọng thương. Nó xem giá trị kinh tế đơn giản là lượng vàng mà một quốc gia sở hữu để mua hàng hóa mà quốc gia đó cần. Chủ nghĩa trọng thương ít quan tâm đến việc hàng hóa được sản xuất như thế nào – dù là đầu vào vật chất hay động lực của con người.

    Nhưng đối với Smith, động lực là trung tâm của hành vi kinh tế. Ông xem nó như một chất bôi trơn đa năng mang lại lợi ích chung cho tất cả:

    Không phải vì lòng nhân từ của người bán thịt, người nấu bia hay người làm bánh mà chúng ta có được bữa tối, mà đó là vì họ quan tâm đến lợi ích của chính họ.

    Những quan sát của Smith về cách tổ chức phân công lao động để tăng năng suất vẫn là một trong những đóng góp lâu dài nhất của ông cho kinh tế học. Cải thiện năng suất vẫn được coi là chén thánh giúp các quốc gia trở nên giàu có hơn. Chẳng hạn, Larry Fink, người đứng đầu công ty đầu tư khổng lồ BlackRock, vừa mới lập luận rằng trí tuệ nhân tạo có thể cải thiện năng suất.

    Vấn đề gây tranh luận

    Theo giám đốc của Viện Adam Smith, Của cải của các dân tộc là một văn bản chiết trung – thậm chí là một văn bản "không thể hiểu thấu đáo" được. Smith lập luận rằng chế độ nô lệ và chế độ phong kiến là xấu còn tăng trưởng kinh tế và giúp người dân thoát nghèo là tốt.

    Ông nghĩ lương cao và lợi nhuận thấp là tốt. Ông cũng cảnh báo trước những thứ như chủ nghĩa thân hữu [cronyism], tham nhũng chính trị do các công ty gây ra, chủ nghĩa đế quốc, bất bình đẳng và bóc lột người lao động. Khi quan sát Công ty Đông Ấn Anh, vốn là một Amazon thời bấy giờ và sau đó là một số công ty khác, Smith thậm chí còn cảnh báo về việc các công ty bành trướng quá lớn đến nỗi chúng không thể thất bại.

    Những người thuộc cánh hữu trong cuộc tranh luận thường trích dẫn cụm từ “bàn tay vô hình” của Smith từ quyển Của cải của các dân tộc để ủng hộ thế giới quan của họ. Được mượn từ vở kịch Macbeth của Shakespeare, cụm từ này thực sự chỉ xuất hiện một lần trong toàn bộ văn bản. Đó là phép ẩn dụ về cách một thị trường “tự do” mang người mua và người bán lại với nhau một cách kỳ diệu mà không cần sự tham gia của chính phủ.

    Trong thời gian gần đây, “bàn tay vô hình” có ý nghĩa hơi khác một chút. Những người ủng hộ thị trường tự do của Trường phái Chicago như Milton Friedman và George Stigler xem nó như một phép ẩn dụ về giá cả, điều mà họ coi là tín hiệu cho những gì nhà sản xuất muốn sản xuất và người mua muốn mua. Bất kỳ sự can thiệp nào từ chính phủ về mặt kiểm soát giá hoặc các quy định sẽ làm biến dạng cơ chế này và do đó nên tránh (sự can thiệp).

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linkMilton Friedman đã sửa lại tư duy của Smith cho hợp với chủ nghĩa tân tự do.
    Ronald Reagan và Margaret Thatcher là môn đệ của lối tư duy này. Trong một bài phát biểu năm 1988 nhằm khuyến khích người dân của mình hãy biết ơn vì sự thịnh vượng mà thương mại tự do mang lại, Tổng thống Reagan lập luận rằng Của cải của các quốc gia “lúc nào cũng phơi bày sự điên rồ của chủ nghĩa bảo hộ”.

    Tuy nhiên, những người ở cánh tả cũng tìm thấy ở Smith nhiều điều phù hợp với mình. Họ thường trích dẫn mối quan tâm của ông đối với người nghèo trong tác phẩm Lý thuyết về những tình cảm đạo đức:

    Mặc dù khuynh hướng ngưỡng mộ và gần như tôn thờ những người giàu có và nắm quyền lực, và coi thường, hoặc, ít nhất, bỏ mặc những người có hoàn cảnh nghèo khó và bần cùng, là cần thiết để thiết lập và duy trì sự phân biệt giữa các tầng lớp và trật tự xã hội, nhưng đồng thời, cũng là nguyên nhân lớn nhất và phổ biến nhất dẫn đến sự băng hoại về những tình cảm đạo đức của chúng ta.

    Năm 2013, Tổng thống Barack Obama đã trích dẫn Smith trong một bài phát biểu để ủng hộ việc tăng mức lương tối thiểu của Hoa Kỳ:

    Những người tạo ra thực phẩm, quần áo và chỗ ở cho toàn thể nhân dân nên nhận được một phần trong sản phẩm lao động của chính họ để tự lo liệu được chuyện ăn, mặc và ở của bản thân.

    Các chính phủ và sự lạm dụng

    Vậy làm sao để vẹn cả đôi đường? Sự thật là bài viết của Smith có đủ các ý tưởng và sự không nhất quán để cho phép tất cả các bên thiên vị những nguồn tham khảo theo yêu cầu. Nhưng một lập luận mà tôi thấy thuyết phục, đã được nhà kinh tế học Mariana Mazzucato đưa ra, đó là nhiều người trong số những người ủng hộ những chính sách tự do kinh doanh [laissez-faire] đã hiểu sai khái niệm của Smith về thị trường tự do.

    Điều này liên quan đến một sự thật là Smith viết ở thời điểm Công ty Đông Ấn Anh chịu trách nhiệm cho một con số đáng kinh ngạc – 50% thương mại thế giới. Công ty này hoạt động theo một đặc quyền hoàng gia công nhận độc quyền thương mại của Anh ở toàn bộ khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Nó thậm chí còn có quân đội riêng.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Hoàng đế Mughal Shah Alam chuyển giao quyền thu thuế đối với Bengal, Bihar và Orissa cho Công ty Đông Ấn Anh, Benjamin West 1765. Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link.
    Smith đang trình bày một tầm nhìn thay thế cho nền kinh tế Vương quốc Anh, trong đó các công ty độc quyền do nhà nước cấp phép như vậy được thay bằng các công ty cạnh tranh với nhau trong một thị trường “tự do”. Sự đổi mới và cạnh tranh sẽ tạo ra việc làm, giữ giá cả ở mức thấp và giúp giảm mức độ nghèo đói khủng khiếp ở thành thị vào thời điểm đó. Đây là chủ nghĩa tư bản. Và cuối cùng, Smith đã được chứng minh là đúng.

    Tuy nhiên, Mazzucato lập luận rằng khi Smith nói về thị trường tự do, ông không có ý là tự do nằm ngoài sự can thiệp của nhà nước, mà đúng hơn là tự do khỏi tô [rent] và không bị khai thác từ hệ thống. Trong thế giới ngày nay, ví dụ tương đương về kiểu khai thác phong kiến như vậy được cho là giống cách các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Amazon, Apple và Meta đang thúc đẩy các quốc gia cạnh tranh với nhau để giảm thiểu các quy định và nghĩa vụ thuế của họ.

    Điều này nghe có vẻ không giống với loại thị trường “tự do” mà Smith đã hình dung. Chẳng hạn, ông ấy có thể sẽ cổ vũ cho Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem linknhằm vào Google. Những người tin rằng Smith không thấy nhà nước có vai trò gì trong việc quản lý nền kinh tế nên tự ngẫm lại về việc ông đã trải qua những năm cuối đời như thế nào – làm người thu thuế.

    Tác giả:
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Conor O’Kane​
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Giảng viên cao cấp về Kinh tế, Đại học Bournemouth

    Tuyên bố công khai

    Conor O’Kane không làm việc, tư vấn, sở hữu cổ phần trong hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào có thể hưởng lợi từ bài viết này và không có sự trực thuộc nào ngoài giới chuyên môn của mình.

    Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

    Nguồn: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link The Conversation, Jun 15, 2023.
     
    Wanderman thích bài này.
  12. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    “Cuộc đời ANNA AKHMATOVA”: Giải cuốn sách lớn của văn học Nga

    23/6/2009 là ngày sinh lần thứ 120 của nữ thi sĩ Nga nổi tiếng Anna Akhmatova, nhân dịp này phóng viên Báo Nga đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình văn học Alla Marchenko - tác giả cuốn sách "Cuộc đời Akhmatova" - cuốn tiểu sử duy nhất đã lọt vào vòng chung khảo giải thưởng văn học quốc gia Nga "Cuốn sách lớn" năm nay. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

    [​IMG]
    Anna Akhmatova.
    - Bà đã viết tiểu sử các nhà thơ như Mikhail Lermontov, Sergey Esenin. Tại sao tiếp theo họ lại là Akhmatova, chứ không phải một người nào khác?

    - Ở Nga người ta quen thế này: nếu như ai đó nghiên cứu Thế kỷ bạc thì đầu tiên anh ta viết về Akhmatova, sau đó về Tsvetaeva, rồi đến Mandelshtam... còn tôi chỉ viết về những thi sĩ mà tôi thích. Sở thích này có từ nhỏ. Một thời gian tôi đọc nhiều thơ Blok, sau đó không hiểu sao mất hứng thú. Ở trường đại học tôi nghiên cứu Mayakovsky và... thậm chí không thể viết luận văn tốt nghiệp về ông. Trong trường hợp các thi sĩ mà tôi viết, không phải là vì tôi không thôi yêu mến họ, mà vì không đánh mất hứng thú. Những bài thơ của họ vẫn giữ nguyên sự tươi trẻ như năm tôi 14 tuổi. Mandelshtam nói về Akhmatova: chỉ có thể xóa thơ của chị ra khỏi đầu tôi bằng con đường phẫu thuật. Cũng như vậy, thơ của Esenin, Lermontov và Akhmatova chỉ có thể bị xóa khỏi đầu tôi bằng phẫu thuật. Những người khác thì không hiểu sao đến rồi lại đi.

    - Cuốn sách của bà có nhan đề "Cuộc đời Akhmatova". Bà có cảm thấy rằng nó sẽ phù hợp hơn với nhan đề "Thơ Akhmatova" không, bởi trong đó bà phân tích lịch sử những bài thơ của Anna Akhmatova - chúng xuất hiện như thế nào?

    - Bạn đã nhận xét chính xác rằng tư liệu chủ yếu để nghiên cứu hay truy tìm trong cuốn sách là những bài thơ. Nếu không, có thể đọc cuốn sách như một tác phẩm trinh thám về Akhmatova và những tình nhân của bà. Tôi viết và phân tích cuộc đời Anna Akhmatova bên cạnh những con người có duyên nợ với bà về thơ ca. Cuộc đời của bà là ở trong thơ và bằng thơ ca.

    - Nhiều người thích những bài thơ của Akhmatova về tình yêu, những cảm xúc đầy nữ tính. Và bỗng nhiên bà lại viết một bài thơ như "Khúc tưởng niệm". Cũng về phụ nữ, nhưng ở đây thơ ca mang tính xã hội... Tóm lại là loại thơ ca khác. Thơ trữ tình và thơ xã hội của Akhmatova tác động lẫn nhau như thế nào?

    - Ở Akhmatova không thể tách bạch được gì hết. Bà sống trong một thời đại khi mà lịch sử bước vào mỗi căn nhà. Chỉ bây giờ chúng ta mới có thể nói: tôi không quan tâm chính trị. Akhmatova nói rằng những ấn tượng mạnh mẽ nhất của bà trong tuổi thơ là: thứ nhất, Tsusima (trong chiến tranh Nga-Nhật Hải đoàn Thái Bình Dương thứ hai của Nga đã bị tiêu diệt ở đảo Tsusima - một thất bại nặng nề của quân đội Nga); thứ hai là khi bà nghe thông báo về vụ tàn sát những người công nhân ngày 9 tháng Giêng. Đối với Anna, cái tin đó như một cú sét đánh ngang tai vì lần đầu tiên bà được biết. Các nhà tâm lý học nói rằng những sự kiện lớn của cuộc đời chúng ta được in dấu trong tuổi thơ chúng ta. Những gì gây cho chúng ta ấn tượng mạnh sẽ được ghi nhớ mãi.

    Tuổi thơ của Akhmatova rất vất vả, bà phải trải qua sự nghèo khổ, cái chết của những người thân, bỏ nhà, sống tá túc ở những người quen. Bà không có bạn bè, vì họ thường xuyên chuyển chỗ ở. Thế rồi bà lấy chồng sớm và chồng dẫn bà vào con đường văn học.

    Vào thời điểm đó, Anna từ một cô gái ngốc nghếch biến thành một trong những phụ nữ duyên dáng nhất của Peterburg. Bà không chỉ biết kể về số phận và những mối tình của người phụ nữ mà cả về việc người phụ nữ nhìn nhận thế giới như thế nào. Bà kể về phụ nữ nhiều hơn Lev Tolstoy trong "Anna Karenina".

    - Những sự kiện đời sống nào có ảnh hưởng mạnh nhất đối với tác phẩm của Akhmatova?


    - Nếu như Lermontov bỗng trở nên nổi tiếng sau khi viết bài thơ về cái chết của Pushkin thì trong cuộc đời Akhmatova mọi thứ cứ đến dần dần. Hồi nhỏ bà làm thơ, rồi huỷ đi. Sau đó chồng bà Gumilyov bỏ đi, bà trở thành người cô phụ, và trong một thời điểm nào đó thơ của bà hoàn toàn thay đổi. Giống như cây hoa nhài: vốn giản dị, bỗng nhiên một ngày trở nên sặc sỡ, lại còn toả hương. Tất nhiên, điều đó được thể hiện trong tác phẩm: cùng với những thay đổi mạnh mẽ trong cuộc đời là nỗi hờn giận vì chồng bỏ đi mà không dám nói ra. Sau đó chính bà nói rằng cần một bước ngoặt thẩm mỹ nào đấy. Thế rồi xuất hiện bài thơ của Innokenty Annensky, người mà về sau bà nói: "Tôi coi ông là thầy của mình".

    Về sau tôi đã đọc kỹ thơ của I. Annensky, cố tìm hiểu xem Akhmatova đã học được gì ở ông. Trong thơ Anna cái chủ yếu, như bà nói, là khả năng nói rất nhiều điều bằng một vài từ hay một thành ngữ, tôi nghĩ rằng đó là điều bà học được ở Annensky.

    Trần Hậu (Theo rg.ru)
    Sức khỏe & đời sống
     
  13. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Alaa Al Aswany - Văn chương khơi dậy sự cảm thông như thế nào?
    Nguồn: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Alaa Al Aswany sinh năm 1957, là nhà văn Ai Cập, đồng thời là một thành viên sáng lập phong trào chính trị Kefaya – một phong trào vận động cho sự thay đổi chính trị của Ai Cập. Không chỉ là một gương mặt nổi bật của văn chương Ai Cập đương đại, Alaa Al Aswany còn là một nghệ sĩ, một trí thức có ảnh hưởng xã hội sâu rộng, đặc biệt là trong phong trào đấu tranh chính trị mùa xuân Ai Cập, dẫn đến việc phế bỏ vai trò tổng thống của Hosni Mubarak.

    Bài viết dưới đây của Alaa Al Aswany nằm trong chuyên mục “By Heart” của báo The Atlantic, nơi các nhà văn chia sẻ những suy nghĩ của mình về những đoạn văn ấn tượng mà họ đã từng đọc và ảnh hưởng đến con đường văn chương của họ.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    *

    Cha tôi – cũng là một nhà văn – đã khuyên tôi không nên đọc Dostoyevsky trước khi vào đại học. “Đó là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất,” ông nói với tôi, “và còn còn quá trẻ để có thể hiểu.” Vì thế, tôi đã không đọc Dostoyevsky cho đến năm hai mươi tuổi. Tôi là sinh viên trường Đại học Cairo, ngành nha khoa – khi đó, cha tôi đã qua đời. Nhưng tôi còn nhớ rõ những gì mình đã trải nghiệm. Những trang viết của Dostoyevsky đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh mẽ, tôi đã đọc một mạch tất cả những tiểu thuyết của ông. Đó là sự khám phá một đời sống khác, một thế giới mới.

    Dostoyevsky sinh năm 1821. Năm 1849, ông bị bắt vì tham gia vào một tổ chức cách mạng. Ông bị kết án tử hình. Vào phút chót, Sa hoàng đã thay đổi hình phạt, theo đó, ông bị đi đày bốn năm ở Siberia. Nhưng chúng ta may mắn vì ông đã trải qua kinh nghiệm khủng khiếp này. Bởi nhờ đó, ông đã viết nên một kiệt tác về đời sống ấy – tác phẩm Bút ký từ ngôi nhà chết.

    Tác phẩm này nói về kinh nghiệm của Dostoyevsky khi sống trong trại lao động khổ sai ở Siberia trong bốn năm. Đó là cực hình, và vì ông xuất thân từ một gia đình quý tộc, những tù nhân khác chưa bao giờ thấy thoải mái với ông. Vào thời đó, ở Nga, việc dùng nhục hình để trừng phạt tù nhân được xem là hợp pháp. Những cảnh đòn roi ấy được Dostoyevsky miêu tả bằng những trang viết mãnh liệt. Cuối cùng, vì ảnh hưởng của cuốn sách này, Sa hoàng đã buộc phải chấm dứt việc cho phép dùng đòn roi đối với tù nhân – do đó, có thể nói, cuốn tiểu thuyết này đã có một vai trò rất quan trọng trong xã hội Nga.

    Có một cảnh trong cuốn tiểu thuyết mà Dostoyevsky miêu tả một phạm nhân còn trẻ tuổi đang chết dần. Khi y chết, một phạm nhân khác đứng lặng bên giường của y và gã bắt đầu khóc. Chúng ta không quên rằng đây đều là những kẻ phạm phải những tội ác khủng khiếp. Người kể chuyện đã mô tả một người canh ngục đã ngạc nhiên như thế nào khi nhìn thấy gã đang khóc cho một tù nhân khác. Và gã đã nói:

    Cậu ta cũng có một bà mẹ.

    Từ “cũng” là từ quan trọng trong câu văn này. Gã thanh niên này là kẻ phạm tội. Gã là kẻ vô dụng đối với xã hội. Gã đã làm những việc ghê tởm. Nhưng gã cũng là một con người. Gã cũng có một bà mẹ như chúng ta. Với tôi, vai trò của văn chương nằm ở trong chính chữ “cũng” này. Nó có nghĩa là rồi chúng ta sẽ thấu hiểu, chúng ta sẽ tha thứ, chúng ta không định phán xét. Chúng ta nên hiểu con người không phải là tồi tệ, nhưng họ có thể làm những điều tồi tệ trong những hoàn cảnh đặc biệt.

    Thí dụ: Một người chồng hay người vợ không chung thủy, trong đời sống hàng ngày của chúng ta, thường được xem là một kẻ tồi tệ. Nhưng chúng ta có hai tiểu thuyết, đều là những kiệt tác, từ chối kết án hành vi ấy: Anna KareninaBà Bovary. Trong hai tiểu thuyết ấy, nhà văn cố gắng giải thích cho chúng ta tại sao người vợ lại không chung thủy. Chúng ta không phán xét họ mà cố gắng hiểu những điểm yếu và những sai lầm của họ. Văn chương không phải là một công cụ phán xét – nó là công cụ để hiểu con người.

    Do đó, nếu bạn là kẻ cuồng tín, bạn sẽ không bao giờ hiểu văn chương. Và nếu bạn hiểu văn chương, bạn sẽ không bao giờ trở nên cuồng tín. Chủ nghĩa cuồng tín nhìn mọi thứ trắng-đen rạch ròi: Người ta hoặc là tốt, hoặc là xấu. Người ta hoặc là bạn, hoặc là thù của ta. Ở cực kia, văn chương là thứ hoàn toàn đối lập. Văn chương trao cho chúng ta một dải phổ rộng của những khả năng của con người. Nó dạy chúng ta làm thế nào để cảm nhận được sự đau đớn của người khác. Khi bạn đọc một cuốn tiểu thuyết hay, bạn quên đi quốc tịch của nhân vật. Bạn quên đi tôn giáo của nhân vật ấy. Bạn quên đi màu da của anh ta hay cô ta. Bạn chỉ hiểu con người. Bạn hiểu đây là một con người, cũng như chính chúng ta thôi. Và vì thế đọc những tiểu thuyết vĩ đại có thể tái tạo chúng ta trở thành những con người tử tế hơn nhiều.

    Một kẻ độc tài có thể không bao giờ thấy thoải mái với văn chương bởi nhiều lý do. Thứ nhất, tiểu thuyết gia hoàn toàn tự do viết bất cứ cái gì anh ta muốn. Thứ hai, văn chương hư cấu có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến con người, mạnh hơn nhiều so với những diễn văn chính trị vì thứ văn chương ấy đòi hỏi chúng ta phải sử dụng trí tưởng tượng của mình. Cuối cùng, những kẻ độc tài không bao giờ thấy thoải mái với các tiểu thuyết gia vì họ không cảm thấy yên tâm. Họ cho rằng ngay kể cả khi anh không nói về họ trực tiếp thì anh cũng đang gián tiếp miêu tả họ. Dưới thời Mubarak, tôi có viết một số truyện loài vật, giống như những truyện ngụ ngôn của La Fontaine. Một truyện trong đó kể về một con voi rất già, không còn khả năng cai quản khu rừng được nữa và tìm cách để đưa con của mình lên làm vua. Nhưng con voi coi rõ ràng là ngu ngốc, chẳng làm được trò trống gì ngoài việc chơi với nước. Những quan chức an ninh khi đó đã rất, rất giận dữ về những câu chuyện này – bạn không thể tưởng tượng nổi. Họ tin rằng tôi muốn nói con voi già kia là Mubarak và con voi con chính là con trai của ông ta – mà đúng là như thế. Họ gây áp lực lên chủ tờ báo để dừng việc in những câu chuyện này. Đó chỉ là một ví dụ.

    Thực sự mọi việc rất khó khăn khi bạn viết, khi bạn cố gắng, cố gắng hết sức có thể và bạn không thể đến được với độc giả vì sự kiểm duyệt. Đó là một trải nghiệm khủng khiếp. Ở Ai Cập, tôi bị từ chối cơ hội được xuất bản bởi các nhà xuất bản của nhà nước, con đường duy nhất để xuất bản lúc bấy giờ. Tôi bị từ chối ba lần vào các năm 1990, 1994, 1998. Và năm 98, tôi bị từ chối một cách rất bất lịch sự: không chỉ bị từ chối mà còn bị làm nhục. Tôi quá đỗi mỏi mệt. Tôi quyết định từ bỏ. Lúc đó, tôi đã viết một cuốn tiểu thuyết mới và quyết định sẽ hoàn thành nốt cuốn tiểu thuyết này, rồi chấm dứt hoàn toàn. Tôi đã nói với vợ mình: “Anh đã mất mười năm theo đuổi văn chương nhưng nó chẳng đem đến cho anh điều gì ngoài những khoảnh khắc tồi tệ.” Tôi nói tôi muốn di cư và vợ tôi đồng ý. Nhưng khi viết xong cuốn tiểu thuyết, Tòa nhà Yacoubian, cuốn sách trở thành hiện tượng. Và điều này đã thay đổi mọi thứ.

    Tôi viết để giúp người ta hiểu rằng thật kinh khủng như thế nào khi sống một đời sống không có tự do. Tôi không viết về “chính trị”. Chúng tôi làm gì có đời sống chính trị ở Ai Cập khi chúng tôi không có một nền dân chủ. Chúng tôi chỉ có một tiết mục độc diễn. Luôn là như thế, chúng tôi có một nhà độc tài quyết định thay cho mọi người. Nhưng chúng tôi có cuộc đấu tranh cho dân chủ. Chúng tôi có cuộc đấu tranh chống lại việc tra tấn, chống lại sự độc tài, chống lại sự đàn áp, áp bức. Và phản ánh điều này là một phần của bổn phận nhà văn. Tôi không thể viết về hoa khi mà người dân bị giết trên đường phố. Tôi không thể, vì tôi luôn viết những gì mình cảm thấy – và tôi đang sống ở Ai Cập, tôi nhìn thấy người dân phải chịu đựng khổ sở như thế nào, và tôi thuộc về họ. Vì thế tôi cố gắng tìm ra khía cạnh văn chương, nghệ thuật bên trong sự khổ đau ấy, hoặc qua sự khổ đau ấy. Tôi viết về con người – và một phần của nỗi khổ đau của con người là phải sống dưới sự cai trị của một kẻ độc tài, kẻ sẵn sàng giết bất cứ ai, tra tấn bất cứ ai, để giữ quyền lực. Tôi viết để cho thấy tự do và sự giữ gìn phẩm giá có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Và nếu người ta có thể bị thuyết phục bởi những tiểu thuyết nói về điều này, họ có thể sẵn sàng cho một cuộc cách mạng.

    Tôi không cho rằng văn chương có thể là công cụ thích hợp để thay đổi tình thế ngay tại lúc này. Nếu bạn muốn thay đổi tình thế, hãy đi ra đường. Văn chương, với tôi, liên quan đến một sự thay đổi quan trọng hơn: nó thay đổi cảm quan của chúng ta, hiểu biết của chúng ta, cách nhìn của chúng ta. Và con người mà văn chương làm thay đổi, đến lượt mình, sẽ có nhiều khả năng hơn để thay đổi tình thế.

    Tôi định nghĩa văn chương hư cấu như thế này: Nó là cuộc đời trên trang giấy, tương đồng với đời sống hàng ngày của chúng ta, nhưng ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn và đẹp đẽ hơn. Cái gì có ý nghĩa trong đời sống thường nhật của chúng ta sẽ trở nên hữu hình trong tiểu thuyết, và trở nên sâu sắc hơn vì chúng ta sống rất nhiều khoảnh khắc hời hợt – nhạt nhẽo, bằng phẳng. Tiểu thuyết nên trở nên nhiều ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn, đẹp đẽ hơn đời thực. Nếu bạn viết một cuốn tiểu thuyết giàu ý nghĩa hơn và sâu sắc hơn, thì nó cũng sẽ trở nên đẹp hơn.

    Tôi nhớ đến một trích dẫn của một con người đáng kính, Giangiacomo Feltrinelli, một trí thức người Hy Lạp sống tại Italy, người sáng lập nhà xuất bản Feltrinelli, nơi in bản dịch tiếng Italia tác phẩm của tôi. Ông nói, “Tôi chỉ biết có hai loại tiểu thuyết: tiểu thuyết sống và tiểu thuyết chết.” Công việc của tôi là xuất bản những tiểu thuyết sống. Điều quan trọng nhất đối với văn bản tiểu thuyết là nó phải “sống”. Để thuyết phục độc giả rằng có những con người thật trong văn bản, những nhân vật thật. Bất kỳ ai, sau một khóa viết văn sáng tạo, cũng có thể viết một tiểu thuyết. Việc đó không khó. Nhưng điều thật sự khó khăn là làm thế nào có thể đem đời sống vào trong tiểu thuyết, gợi ra cảm giác: Tôi biết những con người này, tôi nhìn thấy họ trên màn hình của trí tưởng tượng của tôi. Cảm nhận được họ, tin họ thực sự tồn tại. Đấy là một tiểu thuyết sống. Còn thứ tiểu thuyết chết, tiểu thuyết chỉ có tính lý thuyết, thì ai cũng viết được.

    Nhưng mỗi nhà văn phải tìm một con đường riêng, độc đáo để có một tiểu thuyết sống – không có một công thức duy nhất. Điều này rất khó ở giai đoạn đầu tiên của đời viết vì trong sáng tạo, bạn không thể dựa vào kinh nghiệm của người khác được: Bạn phải tự khám phá phương pháp nào thì có hiệu quả cho mình. Tôi đã tìm thấy con đường của mình qua nhiều năm đấu tranh. Và đây là phương pháp có hiệu quả đối với tôi: Tôi bắt đầu bằng việc phác thảo một vài tiểu thuyết và dành nhiều ngày để suy nghĩ, chăm chút cho nó. Và đến một điểm nào đó, thì có một sự lóe sáng. Tôi cảm giác rõ là mình phải viết tiểu thuyết này, chứ không phải những tiểu thuyết kia.

    Sự lóe sáng xuất hiện khi tôi cảm giác các nhân vật trở nên hữu hình đối với mình. Ngay từ đầu, tôi thử tưởng tượng cac nhân vật, tôi tưởng tượng các chi tiết. Nếu ta đang nói chuyện với một thiếu phụ, thì tôi phải nhìn thấy trên màn hình của trí tưởng tượng của mình nàng trông như thế nào, ăn nói ra sao. Nàng có hút thuốc hay không. Và nếu có, thì đó là loại thuốc lá nào. Và rồi, đến một điểm nào đó, tôi biết mình đã hình thành cuốn tiểu thuyết trong đầu mình, vấn đề còn lại chỉ là thời gian: tôi sẽ hoàn thành cuốn tiểu thuyết đó.

    Hải Ngọc dịch

    Nguồn: Alaa Al Aswany, “How Literature Inspires Empathy”, Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
     
    cungcung and Wanderman like this.
  14. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Tình yêu cuối cùng của Dostoievsky
    SERGEI BELOV
    Tiểu truyện
    Nguồn: tapchisonghuong
    Trên góc đường Malaya-Meschanskaya và Stolyrany có một chung cư trông thật khiêm tốn, đó là nơi nhà văn Dostoievsky với đứa cháu của người vợ đã mất cùng bà nhũ mẫu trung thành đang ở.

    Trong phòng làm việc ông treo bức chân dung của người thiếu phụ mặc sắc phục màu đen, chân dung của Maria-Dmitriyevna-Iayeva, người vợ đầu của Dostoievsky đã từ trần cách đó hai năm rưỡi. Tình cảnh của ông lúc ấy là người độc thân, 44 tuổi, đang sống những ngày dài lo âu, buồn bã.

    Trước đó một năm, khi những chủ nợ đến gõ cửa, đe dọa đưa ông vào tù... Đứng trước tai họa ấy, ông đã nhắm mắt ký một hợp đồng với nhà xuất bản Stellovsky để nhận 3.000 rup, không cần biết thủ thuật mà nhà xuất bản toan tính cướp đi sự sống của ông. Theo hợp đồng, Dostoievsky chấp nhận bán hai tác phẩm, đến ngày 1/9/1866 ông sẽ trao tác phẩm cuối cùng gồm 75.000 chữ, nếu không thực hiện đúng điều khoản, chẳng những ông phải chịu tiền phạt mà còn mất hẳn bản quyền trong vòng chín năm với những sáng tác mới của ông.

    Cuộc sống túng thiếu và hình ảnh nhà tù không ngừng ám ảnh ông. Đứng trước viễn cảnh tối đen nầy thiên tài Dostoievsky đã thức dậy bằng cả ý chí sáng tạo, ông quyết tâm viết hai tác phẩm cùng một lúc. Cuốn đầu là Tội ác và hình phạt (Crime And Punishment) được đăng tải từng kỳ trên báo Rusky-Vetnik vào đầu tháng 1/1866, tác phẩm thứ hai còn nằm trong trí tưởng, đó là cuốn Con bạc (The Gambler).

    Suốt thời gian từ những tháng cuối năm 1865 đến tháng 9/1866 ông say mê viết Tội ác và hình phạt. Vào ngày mà cô gái trẻ đẹp đánh tốc ký đến giúp ông, ông chỉ còn vỏn vẹn 26 ngày nữa là hạn chót giao tác phẩm Con Bạc cho Stellovsky. Khi tác phẩm vẫn còn phác thảo trong sổ tay, tất cả hy vọng ông trông mong là lòng tận tụy của cô thư ký trẻ đẹp Anna, người thiếu nữ có duyên tiền định với đại văn hào Dostoievsky.

    Anna-Snitkina sinh ở Saint-Péterbourg ngày 30/8/1846, cha cô là Grigouivanovich-Snitkin, một viên chức chính phủ, mẹ cô là Anna-Nikolayevna- Snitkina sinh ở Miltopeus, bà gốc người Thụy Điển lẫn Phần Lan được Nga hóa. Bước đầu vào đời, Anna quyết định theo học ngành sư phạm, không may cho cô, giữa lúc ấy thì cha cô lâm trọng bệnh, cô phải thường trực bên giường để chăm sóc cha từ sáng tới tối cho đến khi ông chìm vào giấc ngủ Anna mới có chút thời gian theo học lớp tốc ký.

    Cái chết của cha đã làm gia đình cô suy sụp, trước hoàn cảnh khó khăn ấy, Anna phải tìm kế mưu sinh. Hôm trước trong lớp học tốc-ký, thầy Pavel-Matreyev- ich-Olkhin có trao cho cô một số công việc gấp rút với nhà văn Dostoievsky kèm theo những lời dặn dò: “Nhà văn ấy là một người buồn bã hay gắt gỏng và khó tính.

    Vào một buổi sáng mùa đông giá lạnh ở Saint-Péterbourg ngày 4/10/1866, một cô gái 20 tuổi, trẻ đẹp, mặc trang phục giản dị, với khuôn mặt trái xoan dịu hiền, đôi mắt sáng trong xanh bước đi dưới trời mưa tuyết đến căn nhà trên đường Malaya-Meschanskaya và Stolyrany-Lane. Cô đưa tay ngại ngùng gõ cửa... Đó là căn nhà Dostoievsky đang sống những ngày tháng phập phồng, ông đợi chờ cái giờ kết thúc của bản hợp đồng khốn kiếp? Ông đang đợi tai họa đưa ông vào tù vì các chủ nợ? Không! Dostoievsky đang đợi tình yêu cuối cùng bước vào đời ông. Và định mệnh đã đưa Anna đến với ông.

    Ngày 4/10/1866, nhà văn và cô thư ký bắt đầu cuộc chiến chống lại thủ thuật của nhà xuất bản, ban đêm ông phác thảo Con bạc, hôm sau đọc cho Anna tốc ký, chiều tối về nhà Anna ngồi chép lại, sáng mai Dostoievsky duyệt qua một lần nữa, cả hai người đang chạy đua với thời gian bằng tài năng và nhiệt huyết của mình. Khi Anna nghe ông kể về cái hợp đồng trí trá ấy, cô tức giận, nguyện lòng sẽ giúp ông tới cùng, cô trở thành người trợ lực của ông, ông thường bông đùa gọi cô là: “Con chim câu yêu quý tài tình” hoặc là “người vệ binh chân tình của ông”. Ông đã đón nhận ở Anna rất nhiều ý kiến hay trong việc sáng tác của ông. Dần dần Anna không còn ngại ngừng với tình cảm của ông nữa, cô bắt đầu hỏi về quá khứ đời ông, nhiều khi giúp ông vài việc vặt vãnh trong nhà. Tình cảnh cô độc, lo lắng, nghèo túng mà Dostoievsky đang sống gây cho cô nhiều xúc cảm về đời sống của một nhà văn.

    Tác phẩm Con bạc đến ngày 29/10/1866 là ngày ông đọc cho Anna những dòng cuối cùng, ông thai nghén cuốn tiểu thuyết nầy lúc còn sống với Maria-Dmitriyevna, nội dung hình thành qua mối tình thứ hai với Apollinariya, đến khi Anna xuất hiện thì tác phẩm bắt đầu khai sinh. Dostoievsky đã làm được một sự thực phi thường, chỉ trong vòng 26 ngày, ông viết xong cuốn tiểu thuyết 75.000 ngàn chữ, một sự thực trước nay chưa hề có trong thế giới văn chương, tuy nhiên ông hiểu rằng, nếu không có lòng tận tụy của Anna chắc chắn ông không thể viết nổi.

    Tác phẩm Con bạc nói về một người Nga có thiên tư ném đời mình vào trong cuộc đỏ đen hoang phí. Dostoievsky thường tự vấn bao giờ một người Nga xuất hiện trong văn chương? Và đó là ý tưởng cho ông chủ đề kế tiếp Gã khờ (The Idiot) tác phẩm duyên nợ kết hợp đời ông với Anna.

    Một hôm Anna thấy ông không được vui, cô dịu dàng hỏi:

    - Sao ông không lấy vợ lại đi để tìm hạnh phúc trong đời sống gia đình?

    Nhà văn ngạc nhiên hỏi cô:

    - Thế cô nghĩ rằng tôi còn có thể lấy vợ nữa sao? Cô thấy ai bằng lòng lấy tôi chứ? Còn tôi! Tôi sẽ chọn lựa người vợ như thế nào đây? Một người thông minh hay tốt bụng? Tất nhiên là người thông minh! Ồ! Không! Nếu tôi chọn, tôi sẽ lấy người tốt bụng hơn, người ấy sẽ yêu tôi và sẽ đối xử tốt lành với tôi.

    Sau đó ông hỏi cô sao chưa lấy chồng? Anna đáp rằng:

    - Hiện có hai người đang theo đuổi cô, nhưng cả hai cô kính mến chứ không yêu! Cô muốn lấy người bằng tình yêu kia.

    Dostoievsky khuyến khích cô:

    - Đúng! Phải là tình yêu! Lòng kính trọng thôi không đủ làm cho cuộc hôn nhân hạnh phúc.

    Ngay từ buổi đầu, Dostoievsky đã rất yêu mến Anna, ông thấy lòng mình bị thu hút qua sự bén nhạy, sự mẫn cảm, quán xuyến trong công việc và trên tất cả là lòng tốt của cô. Không những Anna kính yêu ông, cô còn quan tâm đến cái ăn cái mặc, giấc ngủ và mọi sinh hoạt hằng ngày của ông. Đã từ lâu ông thiếu vắng sự chăm sóc của một người đàn bà chân thật, người cuối cùng cho ông sự chăm sóc ấy là mẹ ông, nhưng bà đã mất cách đây ba năm. Sống với người vợ đầu, ông hiếm khi thấy bà dịu dàng yêu mến ông, cả hai người đàn bà trước đây không hiểu nổi ông, họ đã không giúp ông được gì trong việc sáng tác, trái lại họ còn quấy rầy ông. Ông cảm thấy trái tim mình sống lại qua bóng hình Anna, nhưng sự khước từ của người đẹp Suslova còn in đậm trong tâm trí ông, ông không thể quên sự thực chuyện tình cay đắng ấy. Trong truyện ngắn Ước mơ của một người chú, ông tự chế nhạo mình qua nhân vật trong truyện “Một người quý tộc đứng tuổi đi tán tỉnh cô gái còn tơ” nên đối với Anna ông không dám mạo hiểm lần nữa. Những năm sống cô độc, ông luôn khát khao một tổ ấm gia đình. Trong bức thư mới đây gởi cho Alexandre-Vrangel có đoạn: “Chí ít anh cũng sống được hạnh phúc trong đời sống gia đình, còn tôi số phận đã khước từ niềm hạnh phúc lớn lao nầy của con người”.

    Một hôm Anna đang ngồi chờ ông đọc nốt phần kết của Tội ác và hình phạt thì Dostoievsky bắt đầu nói với cô về những giấc mơ ông hằng tưởng. Điều làm cô kinh ngạc là ông quyết định viết một tác phẩm mới nữa, lời của ông cảm xúc như khi ông đọc cho cô tốc ký tác phẩm Con bạc, nhân vật chính trong truyện là một nhà văn lớn tuổi, hay bệnh hoạn, đã trải qua nhiều biến cố trong đời, đã mất đi cả gia đình lẫn bạn hữu. Dostoievsky diễn tả chi tiết về cuộc đời người nghệ sĩ ấy làm Anna nghi hoặc ông đang nói về chính ông. Khi ông nói với cô rằng nhà văn trong truyện đem lòng yêu một cô gái tên là Anna, cô nghĩ rằng ông đang tưởng nhớ về Anna-Korvin-Krukovskaya, một cô gái trẻ đẹp, thông minh mà có lần ông nói với cô. Vào lúc cô quên mất tên mình là Anna thì ông hỏi cô rằng:

    - Nếu như đó là chuyện thực, cô gái Anna ấy yêu nhà văn lớn tuổi, bệnh hoạn nầy, người hoàn toàn khác cô về tính tình cũng như tuổi tác, như vậy về phần nàng phải chịu sự thiệt thòi ghê gớm, cô nghĩ xem có được không?

    Anna trả lời ông rằng:

    - Nếu nàng có lòng tốt thì yêu một người như vậy không phải là chuyện hy sinh đối với nàng. Lòng tốt không sợ hãi bệnh tật hay nghèo khổ, người ta thường lấy nhau vì dáng vẻ bên ngoài, vì của cải phù phiếm, nhưng như vậy đâu phải là tình yêu. Nếu Anna yêu nhà văn ấy, nàng sẽ hạnh phúc và không bao giờ hối tiếc cho quyết định của mình.

    Khuôn mặt Fyodor trông thật hoang mang như có nỗi dằn vặt bên trong, liền ngay tôi hiểu rằng đây không phải là cuộc bàn luận văn chương bình thường, tôi sẽ gieo vào lòng cao thượng và tự trọng của ông một tai họa ghê gớm nếu tôi từ chối, tôi nhìn khuôn mặt lo lắng của Fyodor, khuôn mặt quá thân yêu với tôi và nói rằng:

    - Câu trả lời của em là... em sẽ yêu anh và yêu anh trọn đời.

    Anna chấp nhận tìm hạnh phúc trong đau khổ của đời ông. Cô biết ông người mang bản án đại hình từ địa ngục Sibérie trở về, hiện ông thường xuyên bị mật vụ theo dõi, lệnh theo dõi đến năm 1875 mới hết hiệu lực. Mặc dầu ông là nhà văn tài năng, nhưng đời sống của ông nghèo túng, bấp bênh, bên cạnh gánh nặng nợ nần người anh ông chết đã trút lên vai ông, và cái điều bất hạnh hơn nữa là chứng động kinh không phương cứu chữa, nhưng Anna đã nói rằng “lòng tốt không sợ hãi bệnh tật hay nghèo khổ, lấy nhau vì điều kiện bên ngoài đâu phải là tình yêu”. Quả thật thời gian làm việc với Dostoievsky cô đã thầm yêu ông.

    Riêng Dostoievsky, khi ông cởi lòng bằng câu chuyện tình ấy, ông hiểu rằng đây là cơ hội cuối cùng để có một tổ ấm gia đình với người vợ hiền và con cái, nếu Anna từ chối không hiểu vết thương mà Suslova gây nên sẽ sâu xa đến chừng nào. Nhìn từng nét biểu lộ trên khuôn mặt yêu kiều của Anna, chăm chú nghe từng lời cô nói, ông hiểu cô yêu ông bằng lòng chân thật. Sau nầy Dostoievsky kể lại: “Khi tôi kết thúc câu chuyện, tôi thấy Anna tỏ lòng yêu tôi thật chân thành, mặc dầu nàng chưa bao giờ thể hiện điều ấy, còn phần tôi, tôi càng yêu thương nàng hơn nữa, ngày anh tôi mất đi, cuộc đời đè lên tôi những gánh nặng khủng khiếp, vậy mà tôi dám hỏi nàng làm vợ và tuổi tác còn là sự chênh lệch ghê gớm nữa chứ! Nàng 20, tôi 45t, nhưng dần dần tôi tin chắc rằng nàng sẽ hạnh phúc, vì nàng có trái tim cuồng nhiệt của tình yêu”.

    Tuy nhiên cuộc hôn nhân của họ không thuận buồm như tình yêu đã đến. Bà vợ của anh ông và Pasha, cháu trai của người vợ đầu cùng đàn đúm con cái của bà phản đối kịch liệt; họ biết rằng sau cuộc hôn nhân, họ sẽ không còn nương tựa vào sự sống của ông nữa. Về phần bên họ hàng bạn bè cô dâu, tất cả đều phản đối kịch liệt, nếu họ không vì tình yêu thì khó vượt qua nổi, tất cả đều không bằng lòng để Anna lấy Dostoievsky, một người nghèo khổ bệnh tật, đã qua hai đời vợ, tuổi tác đã đến cùng vận may của đời người, nhiều năm sau con gái Anna hỏi mẹ: “Sao mẹ yêu được người mà tuổi đời bằng tuổi ông ngoại vậy mẹ?” Anna mỉm cười trả lời con “Nhưng cha con tính tình trẻ trung lắm, nếu con biết cha con thế nào!... Cha con rất thích cười đùa, cha con nhiệt tình như thanh niên, cha con còn vui vẻ và nhạy cảm hơn lớp trẻ đương thời, những thanh niên tập thói quen đeo kính trông nghiêm nghị như những vị giáo sư ấy”.

    Trong 44 năm sống trên đời, thời kỳ hứa hôn với Anna là những ngày tháng tươi đẹp nhất của đời ông, trái tim cuồng nhiệt tuổi trẻ của cô đã hồi sinh cõi lòng băng giá của Dostoievsky. Ông thú thật rằng, Anna đã hoàn toàn biến đổi con người ông, cô đem đến cho ông nhiều cảm xúc mới, nhiều ý tưởng mới và kết quả là ông trở thành con người tốt đẹp hơn, điều ấy ông thể hiện qua phần cuối trong Tội Ác Và Hình Phạt. Rakolnikov trong tình yêu của Sonya-Marmeladova đã hồi sinh trở lại, về sau không phải vô tình mà ông đặt tên con gái đầu lòng là Sonya.

    Nhưng giữa mùa xuân của mối tình mới chớm, những người bà con trong gia đình ông là đám mây che lấp niềm vui của họ, Pasha và Emilia thường xuyên xúc phạm đến Anna, họ vẫn bám lấy ông, tiền bạc tờ báo Rusky-Vestnik trả cho cuốn Tội Ác Và Hình Phạt và nhà xuất bản thanh toán về cuốn Con Bạc đều dần dần đi vào túi của họ. Anna bất lực không thể làm gì được, cô biết rằng Dostoievsky không thể chối từ trước lời xin của những người bà con, ngay cả những nhu cầu cần thiết của riêng ông, ông không còn nghĩ tới. Cô lo ngại nếu tình cảnh ấy kéo dài, một ngày ông sẽ xác xơ. Khi cô nói cô yêu ông và sẽ yêu ông trọn đời, tất nhiên cô đã có nhiệm vụ thiêng liêng của người vợ đối với chồng, còn những người trong gia đình chỉ xem ông là hiện thân của một chuỗi thất bại triền miên, tù đày, bệnh tật, nợ nần, vợ con dang dở, còn sứ mệnh mà ông đem linh hồn thắp sáng cho cuộc đời, họ là những kẻ mông muội, riêng Anna cô biết rằng “Dostoievsky chỉ có con đường duy nhất là sáng tạo”. Đau khổ, tù đày, nghèo túng trở thành chất liệu, nội tâm ông là ngọn núi lửa đang âm ỉ dưới khổ nạn, những gì ông thể hiện từ trước tới nay chỉ là bước đầu trên con đường đánh thức thiên tài. Năm 1839 thời Dostoievsky còn là cậu thanh niên 18 tuổi, ông đã viết thư cho anh ông rằng: “Con người là một hiện thể huyền bí phải được kiến giải, nếu anh sống trọn đời để kiến giải điều ấy thì đừng nói anh đã hoang phí cuộc đời, em đang dấn thân để giải thích sự huyền bí nầy, vì em muốn được làm người”.

    Dostoievsky đã chọn lựa định mệnh của mình, sống đến tận cùng, đẩy đưa mình chuyện trò với cái chết, dũng cảm đu bay giữa địa ngục và văn chương là suối nguồn phản chiếu nội tâm của ông qua cuộc đời để khai phóng sự huyền bí của con người, từ tội ác học đến nhân bản học cho đến cõi siêu hình.

    Một buổi sáng tháng 9 giá lạnh, ông mặc phong phanh chiếc áo mùa thu đến thăm Anna, đi giữa trời mưa tuyết, ông run cầm cập, cảm thấy cái lạnh của mùa đông cực độ nhức buốt xương da, đến nhà gặp Anna ông không thốt ra lời. Anna vội vã rót cho ông hai chén trà nóng, bưng tiếp hai ly rượu hồ đào, uống xong ông mới tỉnh người lại. Anna hỏi ông áo lạnh đâu sao không mặc? Giọng cô đầy trách móc hờn giận, không giấu được ông mới thú thật rằng, “Pasha và Emilia cần gấp một số tiền nên đã xin ông cầm chiếc áo đi”, nghe xong Anna ràn rụa nước mắt:

    - Thế nầy làm sao anh sống nổi với mùa đông?

    Dostoievsky sung sướng vuốt tóc cô:

    - Bây giờ anh mới hiểu em yêu anh chừng nào! Em không thể khóc như thế này nếu anh không được em yêu!

    Từ hôm đó Anna tìm đủ mọi cách bảo vệ cuộc sống của ông và đó là cuộc đấu tranh không dễ dàng. Cô nói với ông phải cưới nhau sớm chừng nào tốt chừng ấy, chắc chắn trước tổ ấm mới dựng xây, những người bà con sẽ buông tha cho ông, nhưng đám cưới lấy đâu ra tiền bây giờ? Cả Anna lẫn Dostoievsky không đủ sức tổ chức ngày vui thiêng liêng của họ. Cuối cùng ông quyết định đi Moscow gặp M.M. Katkov chủ bút tờ báo Rusky-Vestnik để điều đình với ông ta xin ứng trước một số tiền về tác phẩm Gã khờ ông sẽ viết.

    Hai bức thư ông viết cho người vợ chưa cưới từ Moscow có những dòng cảm xúc về lòng thủy chung của Anna và tương lai tổ ấm của họ như sau: “Anh tưởng nhớ em, nhớ bóng hình em từng giờ từng phút. Vâng! Anna! Anh yêu em vô cùng, hôn em một triệu lần hơn... Năm mới và mùa hạnh phúc mới đang đến gần đây, cầu phúc cho tình yêu của chúng ta... cho thiên thần của anh... Anh sẽ làm việc với cả sức lực, tất cả đều vì em, vì lòng chân thành của em, lòng chân thành vô bờ không thay đổi, anh tin em và nhắc lại tương lai của anh với em, Anna, người bạn vĩnh cửu của anh, ngày cưới của chúng ta đã quyết định rồi, chúng ta phải có tiền và lấy nhau lúc nào có thể, anh yêu em biết bao! Yêu em vô cùng, điều ấy làm anh sung sướng quá! Với người vợ như em hỏi sao anh không hạnh phúc chứ? Yêu em, Anna, anh yêu em mãi mãi”.

    Ngày 15/2/1867, hôn lễ của họ cử hành tại nhà thờ Thánh Ba Ngôi Izmalovo, đó là ngày Dostoievsky ghi khắc vào tim mình: Ngày 15/2/1854 ông trở về từ địa ngục Osmk-Sibérie, “Tự Do! Tự Do! Ôi! Cuộc đời mới, sự hồi sinh từ cõi chết. Và ngày ấy! Anna-Grigousyevna, đây là cuộc đời mới, là tất cả tương lai, hy vọng, chân thành, hạnh phúc và huyền diệu của đời anh”.

    Ông hưng phấn giới thiệu Anna cùng tất cả bạn bè, bà con dòng họ: “Nàng là người của tình yêu, người kỳ diệu, nàng có trái tim bằng vàng.

    Mười năm trước đây trong đêm tân hôn với người vợ đầu, Maria-Isayeva, ông đã lên cơn động kinh làm cô dâu hoảng sợ và đó là một trong những nguyên nhân gây tan vỡ những mối tình trước kia của ông. Và Anna trong đêm ấy, cô cũng gặp trường hợp như vậy. Nhìn ông quằn quại trong cơn đau, Anna không sợ hãi chút nào, trái lại cô còn chăm sóc yêu thương ông hơn nữa, mặc dầu đó là lần đầu cô chứng kiến, sau nầy cô hồi tưởng lại: “Giữa lúc ấy tôi không hề hoảng sợ, dù đó là lần đầu tôi thấy cơn động kinh tấn công, tôi vội ôm lấy đôi vai Fyodor, dùng sức đặt anh ấy nằm trên divan, nhưng khủng khiếp quá! Thân thể chồng tôi vật vã lìa khỏi chiếc ghế mà tôi không đủ sức giữ lại... Tôi đành để Fyodor nằm trượt xuống sàn nhà rồi quỳ người xuống hết sức ghì anh ấy vào chân tôi... Dần dần cơn co giật hạ bớt, Fyodor bắt đầu tỉnh táo lại, nhưng tôi lo âu biết bao! Khi một giờ sau cơn động kinh lại tấn công, dữ dội như thế, khủng khiếp như thế, khoảng hai giờ sau chồng tôi mới tỉnh lại, anh ấy kêu lên thật đau đớn, đó là chứng bệnh thật ghê gớm. Ôi! Một đêm kinh hoàng biết bao! Đó là lần đầu tiên tôi chứng kiến Fyodor chịu đựng cơn đau với chứng bệnh ấy, nghe những tiếng kêu la rên rỉ không dứt của anh, nhìn khuôn mặt hổn hển biến đổi, đôi mắt điên dại của anh và hoàn toàn không hiểu nổi những lời ngắt quãng thều thào, tôi đau lòng nghĩ rằng người chồng thương yêu của tôi sắp hóa điên, ý nghĩ nầy ám ảnh tôi ghê gớm.

    Ngày Anna lấy Dostoievsky cô vừa tròn 21 tuổi, cái tuổi chưa thể nói là đã đủ kinh nghiệm để lo toan bao việc đời rối rắm, lòng cô vẫn ngây thơ như cô gái mới dậy thì. Chứng bệnh của ông sau ngày cưới là một mất mát lớn lao cho hạnh phúc của cô, nhưng bối cảnh cuộc sống hiện tại còn đe dọa họ hơn nữa. Những người bà con bây giờ trở thái độ thân thiện với Anna, họ quanh quẩn bên cô từ sáng tới chiều, cuộc sống riêng tư của vợ chồng bị mất mát phần lớn tự do và bao nhiêu công sức Dostoievsky cùng Anna hợp tác làm việc dần dần biến thành những nhu cầu đòi hỏi của những người bà con đến nỗi Anna muốn xây dựng hạnh phúc nơi một cảnh đời khác. Phải rời khỏi Saint-Péterbourg ồn ào nầy, rời khỏi bao nhiêu nỗi phiền hà... rời khỏi những khuôn mặt chủ nợ thỉnh thoảng xuất hiện trước ngưỡng cửa. Thế là đôi vợ chồng mới cưới quyết định tìm hạnh phúc ở đất nước khác một thời gian, họ chuẩn bị ra nước ngoài.

    Hai vợ chồng cùng nhau đi Moscow để điều đình với Katkov một khoản tiền ứng trước nữa, chủ bút Rusky-Vestnik đồng ý trao cho họ 1000 rúp khác. Anna vui mừng quá đến nỗi quên lời hứa với chồng sẽ không bao giờ làm ông buồn như những người đàn bà trước đây. Lúc ở nhà người chị, cô đã thân mật chuyện trò với một người trẻ tuổi ngoài mức bình thường, cô quên những người trẻ tuổi là nguyên nhân làm tan vỡ những mối tình của ông trước đây. Ông từng đau khổ vì hình ảnh Vergurov, người giáo sư trẻ tuổi trong lòng Suslova, hai người đàn bà trước không che giấu sự ngoại tình của họ với những người khác khi họ đang sống với ông, nhưng thuở ấy Dostoievsky không tỏ thái độ ghen tuông, ông chỉ âm thầm chịu đựng, ông còn tìm cách vỗ về họ nữa. Còn với Anna, mối tình làm ông hồi sinh thì thái độ của ông khác hẳn, ông giận dữ ghen tuông đến nỗi Anna phải ôm mặt khóc, nước mắt trong trắng cũng như tấm lòng của cô làm ông thấy rõ sự phi lý của mình. Ông hối hận suốt đêm dằn vặt khiến Anna phải trìu mến an ủi ông. Chuyện rắc rối ấy không phải là bóng mây che bớt niềm vui của Anna, trái lại điều ấy chứng tỏ Dostoievsky yêu cô khôn cùng và điều sung sướng là họ đang có tiền để ra nước ngoài. Những ngày ở Moscow đôi vợ chồng sau tân hôn mới thật sự hưởng được tuần trăng mật ở khách sạn Dusso, ông thấy đời mình trẻ lại như thuở ban đầu được yêu.

    Dự tính ra nước ngoài của họ bị những người trong gia đình phản đối kịch liệt, họ đòi hỏi nếu muốn ra đi thì phải để lại cho họ một số tiền trả dần cho các chủ nợ, thế là trong số tiền ấy ông phải trích bớt 400 rúp, ông buồn bã sợ chuyến đi sẽ không thành. Nhưng Anna đã quyết tâm, không gì ngăn cản được cô. Cô thu góp những gì mình có, từ đồ đạc, áo quần, vàng bạc đem bán và cầm cố đi. Thế là với số tiền ấy, ngày 14/4/1867 hai vợ chồng như đôi chim xổ lồng cất cánh bay sang trời Âu.

    VƯƠNG KIỀU lược dịch theo bản tiếng Anh
    (Còn nữa, kỳ sau đăng hết)
     
    Wanderman thích bài này.
  15. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Tình yêu cuối cùng của Dostoievsky
    SERGEI BELOV
    Tiểu truyện
    (Tiếp theo)
    Sau nầy Dostoievsky kể lại tâm trạng của ông lúc ấy với Allon-Maikov: “Tôi ra đi, nhưng tôi ra đi với cõi lòng héo hắt, tôi không tin chuyến đi ra nước ngoài ấy, nghĩa là tôi nghĩ đời sống ở đất khách quê người sẽ không có gì tốt đẹp, một mình với người vợ trẻ có niềm vui ngây thơ muốn chia xẻ cùng tôi đời sống đó đây, nhưng tôi thấy niềm vui trong trắng nầy quá thiếu nhiều kinh nghiệm, chỉ là hứng khởi lúc đầu, điều lo lắng ấy ám ảnh tôi ghê gớm. . .với chứng bệnh của tôi, tôi sợ Anna sẽ không chịu nổi, sự thực Anna có nghị lực và độ lượng hơn tôi tưởng. . .”

    Đất nước Nga đã xa vời trong tầm mắt của hai vợ chồng mới cưới, trước mắt họ là cuộc sống mới hoàn toàn xa lạ không lấy một hình ảnh quen thân. Những ngày đầu ở Âu châu Anna đã thể hiện tấm gương sáng đẹp của người vợ hiền mà Dostoievsky hằng mơ ước, đối mặt với bao nhiêu khó khăn ở xứ người, cô đã đảm đang vượt qua để xây dựng tổ ấm chỉ có vợ chồng cô chia xẻ cùng nhau những đắng cay ngọt bùi, tuy nhiên dù tình yêu trọn vẹn đến mấy, vợ chồng nào lại không có những lúc bất hòa, bởi lẽ rầy rà cãi vả là thuộc tính của hạnh phúc. Anna cố tránh nhưng không được, cô không hề than thở, cô hiểu Dostoievsky yêu cô hơn bất cứ ai trên đời. Và mỗi lần mưa gió qua đi bầu trời lại sáng đẹp hơn, sau mỗi lần giận hờn cãi cọ họ lại yêu nhau nồng nàn, đằm thắm hơn. Trong nhật ký viết về đời sống hằng ngày ở Thụy Sĩ của Anna có những đoạn “Anh ấy giận dữ la mắng tôi. . .” “Bất ngờ anh nói với tôi rằng: Tôi đang phá hỏng cuộc sống vì tính tình kỳ quái của tôi hoặc Fyodor trút cơn giận xuống tôi. . .tôi bắt đầu run lên giận dữ. .” Những lúc Anna không còn bình tĩnh, cô ghi vào nhật ký “Chồng tôi hay xét nét hoặc “quá nóng nảy nhưng thường thì cô viết “tôi đâm giận với mình, do tôi là người gây ra những cuộc cãi vả vô ích nầy, tôi có một người chồng kỳ diệu như vậy, anh ấy yêu tôi nhiều lắm, vậy mà tôi hay quấy rầy anh. . .”


    Có lẽ Anna là người hiểu Dostoievsky hơn ai khác, ngay từ buổi đầu ông hiện ra trong lòng cô đầy nhân ái, cao cả và bí ẩn, chính những khác thường nơi con người nầy đã cho cô sức mạnh vượt qua mọi thử thách để đến với ông trọn vẹn bằng tình yêu hiến dâng của cô gái mới biết yêu lần đầu, cô hiểu sâu xa rằng, toàn thể cuộc sống của Dostoievsky là để đánh thức nguồn sáng tạo vô song trong ông, nên cô không ngại ngùng chia xẻ cùng ông những gánh nặng ông mang vát trên vai: Tù đày, ngheo khổ, nợ nần, bệnh tật. . .nhưng chưa hết, Anna còn dám chấp nhận một sự thực khác nữa của con người toàn diện nầy: “Nỗi đam mê cờ bạc khó thể phê phán của thiên tài Dostoievsky”

    Dostoievsky tìm đến “bàn con quay trước khi gặp Anna, nếu cờ bạc là một trong những nguyên nhân đưa gia đình ông trầm luân trong nghèo khổ thì cờ bạc cũng giúp ông tìm lại nguồn sáng tạo sau cuộc chơi, Anna hiểu ông đến tận chân tơ kẻ tóc, cô hiểu rằng dấn thân vào cuộc cờ đỏ đen không chỉ là phương tiện lãng quên bao nhàm chán thường ngày nhưng cái chính của ông là tìm lại sinh khí sống, mỗi lần thua đậm trên bàn con quay ông lại lao vào sáng tác và trong cuộc chơi nầy ông là kẻ vô địch, kẻ chiến thắng với những vòng hoa rực rỡ trên từng trang giấy, Anna không hề phiền trách hay ngăn cấm, trái lại khi thấy ông không viết tiếp được tác phẩm “Gã Khờ cô dịu dàng khuyên ông nên tìm đến “bàn con quay rồi cô lấy tiền đưa cho ông. Ôi! Trên đời có người vợ nào dám liều lĩnh như vậy? Và quả thật từ sòng bài về, Dostoievsky say sưa viết đến gần 100 trang tiểu thuyết.

    Ông đánh bạc đến trắng tay, Anna phải cầm cố mọi thứ không một lời nặng nhẹ đến nổi ông đem nhẫn cưới và hoa tai đi cầm cô cũng không tỏ lòng hời trách, vì cô đã nguyện hiến dâng cả linh hồn và đời mình phụng sự cho một Jêsus-Christ mới, cô biết hơn ai cả, những gì đi qua trái tim ông sẽ biến thành ngọn lửa một ngày kia sẽ tỏa sáng khắp dòng đời. Đó là những gì sau khi Dostoievsky chết, còn trước bình minh ấy Anna phải trải qua đêm dài vô tận của ông, chỉ có tình yêu là thắp sáng ngọn đèn trong tim họ.

    Trong những thư từ thời khủng hoảng ấy, ít có bức thư nào ông không nhắc đến chuyện tiền bạc, suốt đời ông bị hành hạ vì nỗi lo nầy, nợ nần thúc dục ông chạy vạy khắp nơi, nhiều khi ông nói rằng “Nếu cuộc sống không bức bách thế nầy, chắc ông sẽ không tìm đến bàn cờ”, ước mong có một số tiền lớn để trả sạch nợ, để sống thanh thản vài năm cứ ám ảnh ông, ông thường nhắc nhở “Tôi muốn có điều kiện như Tolstoi, Tourgenev để viết, không lo âu vì nỗi nhà tù của các chủ nợ hoặc bị tịch biên tài sản. Tuy nhiên Dostoievsky hiểu thấu định mệnh đời mình, dần dần “cờ con quay trở thành nhu cầu tự nhiên, cái chính của thiên tài là sự tuyệt thú của kẻ nhìn thấy hố thẳm nên nhiều khi thắng lớn trên bàn cờ ông lại tìm chơi nữa, chơi cho đến lúc không còn một kopeck, không còn gì đem đến tiệm cầm đồ mới thôi, ông từng nói rằng “cờ bạc đối với ông là một ham muốn thử thách định mệnh, phải làm cho định mệnh nòi ra được sự bí ẩn của kiếp người. Và cái ham muốn nầy thúc dục ông vay nợ khắp nơi, vay cả Tourgenev, kẻ kình chống ông suốt đời.

    Khó có thể nói hết được những gánh nặng mà Dostoievsky để cho người vợ trẻ mang vát trong những năm đầu mới lấy nhau, Anna đón nhận bất cứ điều gì ông đem đến cho cô, lòng cô bao dung trên sự thực của đời ông, Anna như một quê nhà tự do, ở nơi ấy một lần về ông thấy những lỗi lầm của mình được hóa giải. “Anh sẽ nhớ mãi điều ấy suốt đời, cầu phước lành cho em mãi mãi hỡi! Thiên thần của anh, nhưng cho đến nay một nửa con người của anh thuộc về cái chứng ngông cuồng đáng tội đó” Ông hiểu rằng giữa tinh thần sáng tạo và “cái chứng ngông cuồng đáng tội đó” có một sự tương giao khắn khít, một trong những bức thư ông kể với Anna sau khi đánh bạc thua, ông viết “Ôi! thật cám ơn cái giây phút bất hạnh ấy, vì nó gợi cho anh một ý tưởng mới lạ. Hôm ấy anh thoáng có một ý tưởng mới, nhưng chưa hìng dung ra được cảm xúc ấy, thế mà bây giờ nó đến với anh thật rõ ràng, nó đến vào lúc 9 giờ hay chừng khoảng ấy, sau khi anh thua sạch ở bàn cờ đang trên đường thả bộ xuống phố, giống như lúc ở Wiesbaden sau giờ bại trận anh đã nghĩ về “Tội Ác Và Hình Phạt”. Ôi! Đó là định mệnh hay là ý Chúa?”. Và tác phẩm “Gã khờ” đã thai nghén trong trường hợp như vậy.

    Mười tháng sau ngày từ giã quê hương Anna sinh cháu gái đầu lòng, giờ phút nhìn con cười khóc trong vòng tay vợ chồng là giờ phút thiêng liêng nhất đối với Dostoievsky, ông sống trong cảm xúc và ý tưởng về một thế giới mới, thế giới hơn nửa đời người ông mới thấy ước mơ của mình đến thực, ước mơ được làm cha. Ông quấn quít bên bé gái suốt ngày, chăm chút cho bé như một vú em, bàn tay vụng về của Dostoievsky trong sự sắp xếp cuộc sống bỗng dưng thành khéo léo trong tình thương đối với con, ông làm đủ mọi việc bảo mẫu, nào quấn tả cho cháu, hát ru cháu ngủ, ẩm nựng đùa giỡn cho cháu cười. Từ ngày có con Dostoievsky không rời tổ ấm một lúc nào cả, ông thấy trái tim và linh hồn mình quyện lẫn trong hơi thở của Anna và bé gái. Nhưng than ôi! Tháng 5/1868 tại Genève, Sonya đứa con đầu lòng của Dostoievsky và Anna vĩnh viễn lìa cha mẹ khi chỉ được 3 tháng tuổi, Dostoievsky ôm lấy thân xác giá lạnh của con khóc ngất, tiếng khóc của ông là nỗi tuyệt vọng không cùng, suốt ngày ông chìm trong đau đớn, cuộc sống của ông khoảng thời gian ấy lịm tắt, Anna phải tìm cách an ủi ông, nhưng ông không nguôi quên được. “Không! Không một thế giới hài hòa nào có thể thay thế được sự mất mát lớn lao này, không một thiên đường nào trong đời chuyển vị được trái tim của người cha bị cướp mất đứa con đầu lòng” Anna nhớ lại “Fyodor yêu cháu hơn bất cứ gì trên đời nầy, anh thường nói rằng, anh chưa bao giờ sung sướng như vậy khi có Sonya, nỗi tiếc thương của anh ấy nhiều hơn những gì tôi tưởng, trên đời tôi chưa bao giờ thấy một người cha tuyệt vọng như vậy khi mất con mình và anh chỉ nguôi khuây khi chúng tôi có đứa con thứ hai.”

    Ngày 4/9/1869 bé gái thứ hai chào đời, vợ chồng đặt tên cho con là Lioubov [tình yêu] ánh sáng lại chan hòa trong gia đình, Dostoievsky yêu quý con vô bờ, ngày đêm không rời khỏi con, ông tắm cho cháu, bồng bế ru hời trên tay, sung sướng đến nỗi ông viết thư cho nhà phê bình N.N. Strakhov: “A! Tại sao anh không lấy vợ? Tại sao anh không có con? Hỡi! Anh bạn Nicolai-Nikolayevich, tôi thề với anh rằng ¾ hạnh phúc trên đời nầy nằm trong tình thương con, những gì còn lại chỉ là ¼.

    Tình yêu của Dostoievsky và Anna là bản giao hưởng của hạnh phúc và bất hạnh, thời gian đối với họ là phương tiện để đi đến cái vô cùng của nhau, Anna nhìn Dostoievsky tài tình hơn cả trí tuệ thời đại cô đang sống, hạnh phúc lớn nhất của cô là từng phút từng giờ được chiêm ngưỡng ánh sáng kỳ lạ của “Mặt Trời Dostoievsky”, trong lúc thế hệ cô đang sống, khi ông mất rồi họ mới nhận ra thiên tài, bức thư gởi cho Anna ngày 17/5/1867 ông thú thật “Chúa đã cho em đến cùng anh đến nổi không một suối nguồn nào trong em sẽ bị hoang phí đi, trái lại nó sẽ nở hoa rực rỡ kỳ diệu, Chúa đã cho em đến cùng anh đến nổi anh sẽ rửa sạch mọi tội lỗi qua lòng em. . .anh sẽ ngợi ca em trước mặt Chúa như là một con người toàn thiện.” Sau nầy Liuobov viết về cha mình: “Cha tôi rất quan tâm đến sự phát triển tinh thần của mẹ tôi, ông thường dẫn mẹ tôi đi thăm viện bảo tàng, chỉ cho bà những bức tranh đẹp, những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng và muốn đánh thức trong tâm hồn trẻ trung của bà tình yêu về mọi cái lớn lao, trong lành và cao quý.”

    Hình ảnh Anna hiện thân qua nhiều tác phẩm của Dostoievsky, như trong “Gã khờ ba người con gái của tướng Epanshin đều mang bóng dáng tính tình Anna, tên ba cô đều bắt đầu bằng chữ A: Alexandra, Aglya, Adelaida. Anna đối với ông là quê nhà trăm năm, không những trong cuộc sống mà còn trong cảm hứng sáng tạo không ngừng. Những năm ở nước ngoài và sau nầy sức sáng tạo của ông đã chứng tỏ điều đó, thời còn sức trẻ sống với Iyeva và cả người đẹp Suslova ông không tìm thấy cảm hứng như ở Anna, những tác phẩm ông viết ở nước ngoài bên cạnh Anna như “Gã Khờ “Lũ Người Quỷ Ám “Người Chồng Muôn Thủa, ngoài ra ông còn viết rất nhiều truyện ngắn, tiểu luận và phác thảo nhiều tiểu thuyết lớn trong ấy có cuốn “Cuộc Đời Của Kẻ Trọng Tội.

    Dostoievsky rất yêu âm nhạc và hội họa, đặc biệt là những bản giao hưởng của Beethoven, tranh của Raphael và Claude-Lorraine, ông thường thả hồn vào thế giới âm thanh của Beethoven, đứng ngắm hàng giờ trước những bức tranh của các họa sĩ phương tây, tất cả đam mê của ông dần dần hiện ra trong tác phẩm đầy chất khám phá và thấu thi, suốt cuộc đời Anna nghĩ về ông như là một trẻ thơ mầu nhiệm và cô đã yêu Dostoievsky như yêu trẻ thơ mầu nhiệm ấy, không bao giờ để cho ông thoáng ý nghĩ thất vọng về mình, trong bức thư gởi về cho mẹ Anna ông viết: “Anna yêu con, trên đời chưa bao giờ con hạnh phúc như vậy khi được sống với nàng, nàng thật dễ thương, rộng lượng, thông minh, nàng tin yêu con và đã kết hợp với đời con khắn khít đến nổi với tình yêu của nàng, nếu con lìa xa nàng chắc con không sống nổi”.

    Ngay những ngày tháng bi đát nhất trong cuộc sống, Anna vẫn lạc quan yêu đời, ông thấy nàng không bao giờ biểu lộ nét ưu tư, lo lắng hoặc phiền trách, nhiều khi túi chỉ còn mấy đồng, ông cũng mua cho Anna. . .khi thì vài bông hoa, khi thì vài cái bánh ngọt để uống trà, Anna nhận những món quà nho nhỏ ấy cô xúc động như ông đã mang về cho cô cả vườn hoa hay cả một tiệm bánh bằng tình yêu của ông.

    Những năm ở nước ngoài không bạn bè, không bà con thân thuộc, chỉ có cái nghèo là cận kề với họ, lúc đầu Dostoievsky sợ rằng sự cô đơn mà ông cần để sáng tạo sẽ là nỗi buồn đối với Anna, vì trước đây Isayeva và Suslova không thể chịu nổi khung cảnh ấy, họ thích giao du đó đây hơn là tham dự vào sự thầm lặng của ông, nhưng Anna luôn luôn lập lại rằng: “Hạnh phúc biết bao là những ngày tháng bình yên ấy. Từ Genène ông viết thư cho Maikov: “Tôi sợ rằng Anna sẽ buồn bã vì cuộc sống lẻ loi của tôi, nhưng sự thực là chúng tôi đang sống lẻ loi cùng nhau, Anna đã tỏ ra đầy nghị lực và tốt đẹp hơn tôi tưởng.”

    Sau nầy Anna viết lại hồi ký những năm ở nước ngoài: “Chồng tôi và tôi có tâm tính, quan niệm và ý tưởng dựng xây khác nhau, nhưng chúng tôi luôn luôn quyến luyến bên nhau, không phải đóng vai trò hay tìm cách thích ứng với nhau bằng phương pháp nào đó, chúng tôi không hề xen vào đời sống tinh thần của nhau, nghĩa là tôi phải cùng tâm lý với anh ấy hoặc ngược lại, và như vậy là cả hai chúng tôi đều cảm thấy tự do. . .Fyodor hay khắc khoải về những câu hỏi siêu hình, về linh hồn con người và có lẽ anh rất thích sự không xen vào của tôi trong đời sống tâm linh của anh, vì vậy anh thường nói với tôi rằng: “chỉ có em là người đàn bà duy nhất mãi mãi hiểu anh . . .”

    Trước ngày rời khỏi nước Nga vợ chồng Dostoievsky dự tính chỉ ở nước ngoài thanh thản ba tháng, nhưng nay bốn năm đã trôi qua. Thời gian ấy những gì trong cuộc sống đã hiện ra với họ như câu trả lời của sự thực, sự thực về tình yêu của họ không thể thiếu nhau mà sống được, sự thực về đời sống lạnh lùng của họ ở nước ngoài, sự thực về những cuộc phiêu lưu xuống mấy tầng địa ngục trên “bàn con quay đã cho ông khám phá ra toàn bộ máu mê sa đọa của người đánh đu trên hố thẳm đỏ đen, ngay cả khi mới sang châu Âu vài tháng, Dostoievsky đã nướng hết 100 đồng tiền vàng vào ngày 16/7/1867, ông phải về mở cửa lòng Anna, vợ ông phải gỡ hoa tai, trâm cài đầu mà ông tặng vào ngày cưới để ông tiếp tục cuộc chơi, ông ôm lấy vợ xúc động, hôn tay Anna bảo rằng: “Trên đời không có người phụ nữ nào bao dung như nàng rồi ông lao ra cửa như một cơn lốc, ba giờ sau ông trở về cháy túi, nhìn Anna ông đau khổ ôm mặt òa khóc, nhưng đến ngày 16/7 Dostoievsky vơ vét được ít tiền rồi tìm tới cuộc cờ cúng sạch, về nhà Anna đưa cho ông chiếc áo khoát lông rất quý của mẹ cô cho trước khi sang châu Âu, cô đưa luôn cả nhẫn cưới, Dostoievsky đem tới tiệm cầm đồ, cầm cả nhẫn cưới ông đang đeo, cũng may lần nầy số đỏ không cự tuyệt ông, chiều tối ông phơi phới cầm bó hoa hồng trên tay về tặng Anna, chuộc được hai nhẫn cưới và còn dư 180 franc, nhưng đến ngày 24/7 lửa cờ bạc lại thiêu sạch chút của cải còn lại trong nhà đến nổi Anna ghi vào nhật ký: “giờ đây quả thực chúng tôi chẳng còn gì để sống”.

    Hai vợ chồng phải rời bỏ khách sạn tìm thuê căn gác xép trên một lò rèn, suốt ngày phải chịu đựng tiếng đe tiếng búa chan chát giữa lúc Anna đang ốm nghén, còn Dostoievky thì quay cuồng với cơn động kinh. Thế cùng Anna phải viết thư về quê hương xin ít tiền để rời khỏi cái tổ quỷ ấy. ngày 23/8/1867 hai vợ chồng sang Genève, những dòng thư trong thời gian ông ra vào địa ngục sa đọa gởi cho Anna có những đoạn:

    Anh đã thua sạch, anh đã đem cầm đồng hồ đeo tay, lạy trời hãy gởi gấp tiền cho anh để anh về nhà, hãy cứu anh lần chót. . .”

    Bốn năm sống nơi nầy nơi khác, cả Dostoievsky lẫn Anna đều mong mỏi trở về quê hương, trong bức thư gởi cho Maikov, Anna than thở: “ở đây khổ sở biết bao! Tôi đã quá mệt mỏi vì cuộc sống đổi dời từ chỗ nầy đến chỗ nọ, không có một nơi ổn định, khi nào tôi được trở về quê nhà chắc tôi sẽ không cho phép mình rời khỏi nước Nga lần nữa, nhưng ngày hồi hương của chúng tôi chỉ là giấc mơ, ai biết lúc nào sẽ thành sự thực, ngày ấy hẵn là các chủ nợ sẽ bắt Fyodor vào tù, giá như họ đồng ý để tôi ngồi tù thay anh ấy, tôi sẽ không ở đây thêm một phút nào nữa, tất cả hy vọng của chúng tôi đều trông mong vào Fyodor, nhưng mới đây sức khỏe anh ấy xấu quá, anh thường lên cơn và nhức đầu dữ dội, tuy nhiên chúng tôi sống rất hạnh phúc và hòa hợp, tôi thấy mình sẽ là người sung sướng nhất đời nếu không có lòng mong nhớ nước Nga vời vợi thế nầy. Hãy viết thư thường xuyên anh nhé! Anh biết không! Khi nhận được thư từ quê nhà, khi đọc thư anh, lòng chúng tôi như đến được đời sống nơi ấy.” Từ Genève Dostoievsky viết thư cho Maikov: “Không được sống ở quê nhà thật đau khổ, tôi cần nước Nga cho cảm hứng và sáng tác của tôi.”

    Cuộc sống ở châu Âu không còn gì quyến rũ họ nữa, ngày đêm ước mơ hồi hương càng da diết, nhưng hoàn cảnh của họ khó trở về sớm được, nào là bé gái mới sinh, tiền bạc không có, còn bao nhiêu điều rối rắm buộc lấy chân họ, rồi nổi lo các chủ nợ lăm le ở quê nhà, một hôm Dostoievsky than thở rằng:

    - Xa nước Nga lâu quá dường như sức sáng tạo của ông cạn dần đi.

    Thế là Anna đã tìm đủ mọi cách để trở về ngay như trước đây cô đã quyết tâm vượt mọi khó khăn để ra đi. Trước ngày chuẩn bị hồi hương, Dostoievsky nhận được một bức thư gởi từ Nga báo cho ông biết khi ông về sẽ bị cảnh sát xét hỏi mọi hành lý vì ông bị tình nghi có dính líu với những tổ chức cách mạng thời ấy, thế là ở Dresden năm 1871 ông đốt hết mọi bản thảo “Người chồng Muôn thủa” “Gã Khờ” và phần đầu tác phẩm “Lũ Người Quỷ Ám”, nếu hồi ấy vợ ông là người đàn bà khác, chắc chắn kho tàng văn học thế giới đã mất đi những tác phẩm vĩ đại ấy, nhưng Anna là người đầu tiên đón nhận ánh sáng của Dostoievsky quyết lòng gìn giữ đến cùng, ngoài những bản thảo cô còn chép riêng một bản khác và đã bí mật đem qua biên giới sau khi cô để ông trở về trước, về đến Saint- Peterbourg việc đầu tiên là cô gởi những tác phẩm ấy cho mẹ giữ.

    Giấc mơ hồi hương của họ đã trở thành sự thực, Saint-Peterbourg thủa ban đầu như sống lại trong lòng Dostoievsky-Anna, nhưng nếu thời gian càng làm cho tình nghĩa vợ chồng gắn bó hơn thì cuộc sống nơi đâu cũng có tai ách săn đuổi họ, sau ngày về ông nói với Anna:

    - Tốt lắm Anna ạ! Chúng ta đã sống bốn năm hạnh phúc ở nước ngoài, mặc dầu đôi khi có lắm nổi truân chuyên, còn Saint-Peterbourg sẽ cho chúng ta những gì đây? Anh thấy nhiều nổi lo âu, khó khăn đón chờ chúng ta khi mới đặt chân trở về.

    Anna đáp lời chồng:

    - Vấn đề chính là giấc mơ bao lâu của chúng ta đã trở thành sự thực.

    Ngày 28/4/1871 sau mười năm lao vào những cuộc cờ đỏ đen, sự thực đã cho ông biết tính chất sa đọa của con người cũng như sự phi lý của kẻ tìm lối thoát cuộc sống trên bàn cờ con quay, ông viết thư cho Anna như là một thực chứng của sự tìm kiếm nầy “Một việc lớn lao đã diễn ra trong anh, thói ngông ghê tởm từng dày vò anh mười năm đã biến mất, từ mười năm nay, không! Đúng hơn là từ ngày anh trai chết, khi anh è cổ ra để gánh lấy nợ nần, anh đã mơ ước kiếm tiền, anh đã mơ ước nghiêm chỉnh say mê, bây giờ tất cả đã chấm dứt” Dostoievsky đã thực sự đoạn tuyệt với ‘bàn con quay’ sau bức thư ấy.

    Ngày 16/6/1871 Anna sinh con thứ ba ở Saint-Peterbourg, đó Fyodor, con trai duy nhất của vợ chồng ông. Những ngày mới về nước Anna hy vọng bán căn nhà mẹ nàng cho làm của hồi môn để trả dần nợ cho ông, nhưng thời gian nàng ở nước ngoài, người quản lý lợi dụng không có nàng đã âm mưu đem bán đấu giá, thế là hy vọng trả nợ tiêu tan, tình trạng của hai vợ chồng thật nguy khốn, bốn năm không thấy các chủ nợ tưởng đã quên được, bây giờ trở về, họ như đàn quạ chực chờ lăn xả vào Dostoievsky, giữa lúc sự sống của gia đình chỉ trông chờ vào việc bán tác phẩm “Lũ Người Quỷ Ám” đang đăng tải ở báo Rusky-Vestnik, đứng trước nguy cơ một ngày Dostoievsky sẽ bị bắt vào tù, Anna mới sinh dậy, nàng đã phải một mình chống đỡ bảo vệ ông tới cùng, vì hơn ai cả cô hiểu rằng hạt kim cương vô giá đang kết tinh trong nội tâm chồng mình, cô quyết không để bi kịch nào nữa ảnh hưởng đến giờ phút sáng tạo của ông, đó là ngày khai sinh đứa con tinh thần bất tử “Anh Em Con Nhà Karamazov” mà ông đề tặng Anna tác phẩm vĩ đại ấy.

    Như một người mẹ bảo vệ con mình trước nanh vuốt thú dữ, Anna chống đỡ, thương lượng, chạy vạy đối phó với các chủ nợ, trong gia đình cô quán xuyến hết mọi việc, cô muốn Dostoievsky hoàn toàn thanh thản, bình yên với mùa sáng tạo đang chín, cô chăm sóc sức khỏe của ông như người mẹ, mỗi lần ông đi đâu, cô đắn đo sợ trên đường đi ông sẽ gặp điều không may, cô thường bước ra cửa trông theo đến khi ông dần khuất.

    Năm 1872 là năm đại nạn của gia đình, nào bé gái Lioubov bị té gãy tay, người chị ruột Anna chết lúc tuổi ba mươi, tiếp tục mẹ Anna lâm trọng bệnh rồi Anna bị viêm họng đến nổi bác sĩ ái ngại cho sự sống của cô. Trước hoạn nạn mới thấy hết sức chịu đựng, ý chí và lòng hy sinh của nàng. Trong nhật ký của nhà văn viết năm 1876 Dostoievsky ngợi ca hình ảnh dũng cảm của người phụ nữ Nga qua tấm gương sáng đẹp của vợ ông: “Cuối cùng tôi muốn hình ảnh khác nữa về người phụ nữ Nga, tôi nói rằng phụ nữ Nga là một trong những hy vọng lớn nhất, một trong những ước mơ trẻ trung nhất của chúng ta, sự hồi sinh của người phụ nữ Nga trong hai mươi năm qua thật không tranh cãi được, hy vọng của người phụ nữ đã vươn lên hòa chan vào sự trong sáng, không sợ hãi, ngay từ bước đầu điều ấy đã thể hiện lòng cao quý. . .người phụ nữ đã quả quyết nói lên ước mong của mình muốn tham dự vào cuộc đấu tranh chung và thực tế họ đang làm như vậy, không phải vì lòng vị kỷ nhưng bằng tâm tình hiến dâng. . .”

    Tất cả những tác phẩm Dostoievsky viết sau ngày gặp Anna, những người phụ nữ đáng yêu trong ấy đều ít nhiều mang bóng dáng, tính tình của cô, Sonya trong phần cuối của “Tội Ác Và Hình phạt”, chân dung ba chị em trong “Gã Khờ” rồi Tatina trong “Evgeni-Onegin” và bài diễn văn ông đọc ngày tưởng niệm Pouchkine.

    Thật vậy mười bốn năm làm vợ Dostoievsky, Anna đã chứng tỏ cô là người vợ phi thường của đại văn hào Dostoievsky, cô quên đi bản thân mình, vui trong niềm vui chồng con, hiến dâng cho sự sáng tạo của Dostoievsky là mục đích đời cô, cô lo lắng mọi việc trong nhà, một mình chống đỡ biết bao tai biến để giữ bình yên cho ông, niềm vui lớn nhất của cô là sự sáng tạo của Dostoievsky, mỗi lần ông viết xong một tác phẩm cô sung sướng như khi hạ sinh một đứa con vào đời, năm 1876 từ Eims ông viết thư về cho Anna: “Em là người phụ nữ phi thường, tuyệt vời nhất trong tất cả những người phụ nữ, chính em, em không ngờ được năng lực của em đâu! không những em gánh vát hết mọi việc nhà, công việc của anh, nhưng còn tất cả công việc của chúng ta nữa. Ví như em là nữ hoàng cho em một vương quốc, anh thề với em rằng, em sẽ trị vì tốt đẹp hơn bất cứ vị vua nào khác. Quả thật em thông minh, quán xuyến, độ lượng và đủ năng lực tổ chức như vậy. . .”

    Năm 1878 gia đình thêm một cái tan đau đớn nữa, đứa con út chết khi tuổi mới lên ba sau cơn động kinh, năm ấy Dostoievsky đang viết tác phẩm cuối cùng “Anh Em Con Nhà Karamazov”, tình yêu của người cha thật vô cùng, trái tim ông càng sống càng yêu thương, cũng như cái chết của Sonya trước đây, nhớ thương con đến nổi ông không viết được tác phẩm cuối cùng ấy. Trong những ngày bất hạnh đó, Anna nén lòng đau để giúp ông nguôi quên, cô nhờ người bạn trẻ, nhà triết học Vladinuz-Soloyev khuyên ông đến thăm vị linh mục nổi tiếng đạo hạnh và linh thánh ở tu viện Optina. Sau khi trở về ông thấy lòng yên ổn và tiếp tục sáng tác với sinh lực mới.

    “Anh Em Con Nhà Karamazov” Dostoievsky bắt đầu viết khi về sống ở Staraya-Rusa, một thị trấn nhỏ gần Novgorod, nơi có những dòng suối nước khoáng tốt cho sức khỏe con cái, ở đây ông rất thích, không khí trong lành, yên tĩnh, gia đình ông sống trong căn nhà của người anh Anna, dù không phải sở hữu nhưng về đây gia đình ông thoát được cái cảnh thuê nhà thay đổi liên tục ở Saint-Peterbourg. Suốt cuộc đời sáng tạo, đêm đối với ông là ánh sáng, khi cả nhà bắt đầu yên giấc là lúc ông làm việc, ông khám phá những bí ẩn của con người, của cuộc đời đều ở trong đêm, trà, cà phê ông uống thật đậm mỗi khi cầm bút và khi cả nhà thức dậy thì ông lên giường ngủ, thời gian sau nầy chứng bệnh khí thủng mà ông mắc phải vào những năm tù đày tái phát trầm trọng, ông phải đi Eims để điều dưỡng lâu dài, Anna đã làm mọi điều để gìn giữ sức khỏe của ông.

    Tháng 6/1880 Dostoievsky thực hiện những nguyện ước của đời mình, trả sạch nợ trần ai, lòng yên ổn với tuổi đời cánh hạc và đọc bài diễn văn tưởng niệm Pouchkine ở Moscow, con sơn ca yêu quý tự do mà thời trẻ ông ngưỡng vọng, suốt đời ông vẫn giữ tình cảm ấy, bài diễn văn của ông là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt tác, đẹp như lời ca thiên nga, ông đã tâm huyết viết nên bài ca suốt đời ông mong muốn.

    Sau nầy Lioubov nhớ lại “Cha tôi hy vọng sẽ tiếp tục điều trị vào tháng 9, nhưng rồi ông bỏ ý định ra nước ngoài, vì ông đang thỏa nguyện với cảm xúc chiến thắng trong ngày ấy, ông nghĩ ông còn đủ sức để sống thêm một năm nữa khỏi phải đi Eims chữa bệnh. Ôi! Ông đâu có biết cơ thể, xương cốt ông đã suy kiệt đến chừng nào, ý chí sắt đá của dòng tư tưởng bùng cháy trong tim ông cho ông sức sống tràn đầy để vượt qua sự thực của thân xác, nhưng thực tế ông đã yếu lắm rồi. . .”

    Dostoievsky biết sức mình lắm chứ! Ông thừa hiểu chứng bệnh khí thủng có thể phát triển rất nhanh và nguy kịch, Anna còn hiểu rõ điều ấy hơn nữa, nhưng cô không ngờ ngày cuối cùng của đời ông đến mau như vậy. Có lẽ nếu ông không thao thức nhiều đêm để viết bài diễn văn tâm huyết ấy thì ông còn sống thêm dài lâu nữa.

    Đêm 25 rạng ngày 26/1/1881 khi ông xê dịch kệ sách để tìm cây viết bị rơi, bỗng ông gập người ôm lấy ngực ho dữ dội, vài tia máu vươn theo nước dãi chảy ra miệng, hôm sau ông cãi cọ dữ dội với người chị V.M. Ivanove về chuyện chia gia tài, thế là tình trạng bệnh càng trầm trọng. Sớm ngày 28/1/1881 ông đánh thức Anna dậy, ông khàn giọng nói:

    - Anya! Em biết không? Anh đã nằm thao thức ba tiếng đồng hồ, bây giờ anh biết rõ rằng đúng ngày nầy anh sẽ chết.

    Anna ôm lấy ông nghẹn ngào, quả quyết rằng ông sẽ sống nhưng Dostoievsky ngắt ngang lời cô:

    - Không! Em ạ! Anh biết anh sẽ chết ngày hôm nay, hãy thắp đèn lên Anna, lấy cho anh cuốn Gospel, đó là cuốn Tân Ước mà ba mươi năm trước những người vợ nhóm tháng chạp đã cho ông ở Tobolsk trên đường đi đày tới địa ngục Sibérie, trước giờ phút lâm chung ông muốn bàn tay mình tình cờ lật kinh và đọc trang bên tay trái. Sáng hôm đó ông giở cuốn Gospel ra nhưng ông không đủ sức để đọc, Anna nức nở gạt nước mắt đọc cho ông nghe, ông tỉnh táo nói với cô:

    - Hãy nhớ rằng Anna, anh mãi mãi yêu em say đắm và không bao giờ làm em thất vọng.

    Ông gọi con cái đến bên giường dặn dò chúng phải sống thế nào sau khi ông mất, bảo chúng phải yêu thương mẹ thế nào, phải yêu sự chân thật, yêu lao động, phải yêu người nghèo và luôn luôn tìm cách giúp đỡ họ.

    Anna không rời khỏi chồng một phút, cô muốn đem sự sống của mình chan hòa vào hơi thở của ông nhưng không thể, Dostoievsky cầm lấy tay cô rưng rưng:

    - Em thương yêu! Làm sao anh bỏ em. . .cho đành . .với người vợ nghèo thế nầy!. . .với cuộc sống giờ đây biết bao khó khăn giờ đây em phải một mình gánh vát. . .

    Mặt trời của Anna vĩnh viễn lặn tắt năm cô vừa tròn 35 tuổi nhưng đối với cô hạnh phúc riêng tư từ đây đã chấm dứt, cuộc sống trước mắt chỉ còn nỗi đau và lòng tưởng nhớ, trong nhật ký cô viết về những ngày vĩnh biệt ấy: “Có điều duy nhất tôi biết rõ rằng, cuộc sống bao nhiêu hạnh phúc vô cùng ấy đã hết, từ đây tôi mãi mãi là người lẻ bóng, với tôi người yêu thương chồng tôi cuồng nhiệt như vậy, tận tụy như vậy, đã thể hiện hết tình yêu, tình bạn, lòng kính trọng với con người nhân bản lớn lao nầy. Trước sự mất mát nầy thật không có gì bù đắp nổi, trong những giờ phút đau thương của sự thực, tôi thấy mình khó sống nổi sau cái chết của chồng tôi, trái tim tôi sắp vỡ tan hoặc rồi đây tôi sẽ hóa điên. . .tôi đã mất đi con người toàn diện nhất trần đời. Người là niềm vui, kiêu hãnh, hạnh phúc của đời tôi. Ôi! Mặt Trời của tôi, ôi! Thần Thánh của tôi.

    Đám tang của văn hào là một sự kiện lịch sử lớn thời ấy, khi ánh sáng vầng dương đã tắt con người mới vội vã níu lấy hoàng hôn, gần 30.000 ngàn người đi sau quan tài Dostoievsky, có những người đeo gông, quàng xiềng lên mình để tưởng nhớ cuộc đọa đày của văn hào trong ngục tù Sibérie, họ đưa ông tới nơi an nghĩ cuối cùng ở tu viện Alexandre-Newsky trong niềm tiếc thương một thiên tài đã ra đi. Với Anna mùa xuân còn lại đã chấm dứt, trước linh cửu Dostoievsky cô đã thề nguyền sẽ ở vậy trọn đời để phụng thờ ông, sau nầy nhiều người hỏi cô sao không đi bước nữa khi tuổi xuân đang tràn trề nhựa sống, Anna tỏ ý giận nói rằng:

    - Điều ấy đối với tôi là sự phạm thánh – Nhưng rồi cô bông đùa – Sau Dostoievsky tôi có thể lấy ai bây giờ? Tolstoi ư?

    Anna tiếp tục tìm hạnh phúc trong tinh thần Dostoievsky, công việc của cô thật lớn rộng và đa dạng, cô đứng ra xuất bản toàn bộ tác phẩm của Dostoievsky đến bảy lần. Năm 1883 cô mở ở Staraya-Rusa một trường học miễn phí mang tên Dostoievsky cho tất cả trẻ em nghèo và căn nhà họ ở thị trấn trước đây cô xây dựng thành viện bảo tàng của văn hào, tập hồi ký của cô và thư từ của Dostoievsky lần lượt xuất hiện, đó là tác phẩm thật quý giá với những gì trong đời sống thực của gia đình, nơi ấy Dostoievsky hiện ra là một người chân thật đến cùng, một người chồng đằm thắm, giản dị và độ lượng, ngoài ra Anna còn xuất bản tập tiểu sử đầu tiên về Dostoievsky, viết lời chú giải về những tác phẩm của ông, sách vở bản thảo của ông Anna xây dựng thành thư viện và thường có những buổi họp mặt nói chuyện, hồi tưởng về nhà văn, cô còn mở cạnh viện bảo tàng lịch sử Moscow một phòng đặc biệt về F.M.Dostoievsky. Và công việc sau cùng của Anna là tác phẩm chỉ dẫn thư tịch về những tác phẩm của ông và những tác phẩm nghệ thuật liên quan đến cuộc đời sáng tác của Dostoievsky.

    Anna đã thực hiện trọn vẹn lời phát nguyện của cô trước linh hồn Dostoievsky, nửa cuộc đời còn lại cô thủy chung với ông, những năm về già ước mơ duy nhất mà cô thường dặn dò con cháu là được vĩnh viễn nằm cạnh Dostoievsky nhưng số phận đã quyết định khác hẳn.

    Mùa he năm 1917 Anna đi dự lễ thường năm ở phương nam thì bà ngã bệnh trong lúc ấy quân Đức đang chiếm đóng Crimée nên không thể đưa bà trở về Pretrograd được, những ngày cuối cùng của bà ở tại Yalta, đến hơi thở cuối cùng Anna vẫn nhắc đến Dostoievsky, con người duy nhất chỉ cho bà thấu đâu là thiên đường, đâu là địa ngục. Anna mất tại Yalta ngày 9/6/1918, người phụ nữ biểu tượng cho người vợ, người mẹ Nga đẹp nhất cuộc đời đã trở về với Dostoievsky trong cõi vĩnh hằng.

    Ngày 9/6/1968 kỷ niệm 50 năm ngày Anna-Grigouyevna-Dostoievskaya từ trần, cháu nội Andrei đứng ra thực hiện lời nguyện ước của bà: Chuyển hài cốt Anna về an táng tại tu viện Alexandre-Newsky. Sau lưng hai ngôi mộ Dostoievsky-Anna là hình ảnh người mẹ Nga mãi mãi bao dung, gìn giữ giấc nghìn thu của họ. Và tình yêu kỳ diệu của Dostoievsky-Anna mãi mãi là bình minh hạnh phúc cho mọi con tim trên toàn cầu chiêm ngưỡng.

    VƯƠNG KIỀU lược dịch
    Theo bản tiếng Anh
     
    katamachan and Wanderman like this.
  16. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Roland Barthes — Cái chết của tác giả
    Bởi lythuyetvanhoc • 12.04.2011
    Nguồn: Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Balzac khi nói về nhân vật nam bị thiến cải trang thành phụ nữ trong truyện Sarrazine có viết một câu như sau : “Đó là một người đàn bà thực thụ với những nỗi sợ hãi bất ngờ, những ý nghĩ quái đản, những lo âu bản năng, những cơn bốc đồng vô cớ, những cử chỉ ương ngạnh và những cảm xúc tinh tế mê hồn, đúng hệt như một người phụ nữ.” Ai là người nói câu đó? Phải chăng là một nhân vật trong truyện cố tình không biết rằng đó là một gã trai bị thiến dưới cái vỏ phụ nữ? Hay là cá nhân ông Balzac đang đàm luận về đàn bà trên cơ sở kinh nghiệm sống cá nhân của ông ta? Hay là ông Balzac – nhà văn đang thuyết giáo một quan niệm văn chương về bản tính của phụ nữ? Hay đó là sự thông thái có tính nhân loại? Mà cũng có thể đó là một thứ tâm lí học lãng mạn? Chúng ta không bao giờ nhận ra được điều đó chỉ vì một lí do là trong cái viết chính là nơi huỷ diệt tất cả mọi khái niệm về tiếng nói (giọng điệu) và về cội nguồn. Cái viết là một lĩnh vực không xác định, tạp chủng và nghiêng lệch, nơi mất hút các dấu vết chủ quan của chúng ta, cái mê cung đen trắng, nơi biến mất mọi tính tự xác định và trước hết là tính đồng nhất thân thể của người viết.

    Rõ ràng là bao giờ cũng vậy: nếu như một cái gì được kể ra vì bản thân câu chuyện, chứ không vì tác động trực tiếp đến hiện thực, tức là suy đến cùng, nằm ngoài mọi chức năng, ngoại trừ chức năng kí hiệu như nó vốn thế, thì tiếng nói tách rời khỏi cội nguồn của nó, đối với tác giả cái chết đã đến và ngay ở đây cái viết bắt đầu. Nhưng trong những thời đại khác nhau hiện tượng đó được cảm nhận khác nhau. Chẳng hạn, trong các xã hội nguyên thuỷ, việc trần thuật xưa nay đều không do người thường đảm nhiệm, mà do người trung gian đặc biệt, người thầy cúng trong đạo sa man hoặc là người kể chuyện; người ta có thể thưởng thức sự “biểu diễn” của anh ta – năng lực nắm vững mã trần thuật – chứ không thưởng thức “thiên tài” cá nhân của họ. Nhân vật Tác giả thuộc về thời hiện đại, hiển nhiên nó được tạo thành bởi xã hội chúng ta, song song với quá trình kết thúc thời trung cổ xã hội ấy bắt đầu phát minh cho mình ( nhờ chủ nghĩa kinh nghiệm Anh, chủ nghĩa lí tính Pháp, đến nguyên tắc niềm tin cá nhân trong phong trào cải cách tôn giáo đạo cơ đốc) sự tôn nghiêm của cá nhân, hay nói theo phong cách cao là “cá nhân con người”.Vì thế một cách hợp logích, trong lĩnh vực văn học “cá nhân” tác giả có được sự thừa nhận nhiều nhất trong chủ nghĩa thực chứng, học thuyết đã tổng kết và đưa đến sự cáo chung của ý thức hệ chủ nghĩa tư bản. Thế là từ nay Tác giả ngự trị trong các giáo khoa thư lịch sử văn học, trong các tiểu sử nhà văn, trong các bài trả lời phỏng vấn trên tạp chí và trong ý thức các nhà văn tác giả vẫn mong muốn gắn cá nhân mình với sáng tác dưới hình thức nhật kí thầm kín. Trung tâm điểm của cái hình tượng văn học vẫn tồn tại trong văn hoá của chúng ta, ngự trị độc tôn một tác giả với cá nhân, tiểu sử, tình cảm, hứng thú của anh ta; đối với phần lớn các bài phê bình cho đến ngày hôm nay, toàn bộ sáng tác của Baudelaire là do sự thất bại trong cuộc đời của ông, toàn bộ tác phẩm của Van Gogh là do tác giả mắc bệnh tâm thần, tác phẩm của Chaikovski là do mặc cảm tội lỗi của tác giả. Nhà phê bình bao giờ cũng đi tìm sự giải thích tác phẩm từ trong con người đã sáng tạo ra tác phẩm, tựa hồ như là thông qua những hư cấu có tính ngụ ý ít nhiều trong suốt, cuối cùng bao giờ cũng “thổ lộ” cho chúng ta tiếng nói cá nhân của chỉ một con người, đó là Tác giả.

    Mặc dù quyền lực của tác giả vẫn còn rất mạnh mẽ (việc làm của Phê bình mới chỉ càng củng cố thêm cho nó), nhưng không nghi ngờ gì, rằng một số nhà văn từ lâu đã muốn làm lung lay quyền lực đó. Người đầu tiên ở nước Pháp có lẽ là Mallarmé, người đã nhìn thấy đầy đủ nhất, dự cảm thấy cần thiết phải đặt ngôn ngữ vào vị trí của kẻ được coi là chủ nhân của nó. Mallarmé cho rằng – mà điều này trùng khớp với quan điểm hiện nay của chúng tôi – kẻ nói không phải là tác giả, mà là ngôn ngữ như nó vốn thế; cái viết ngay từ đầu là hoạt động phi cá nhân (tuyệt đối không được lẫn lộn tính phi cá nhân này với quan niệm tính khách quan bị thiến của nhà văn hiện thực chủ nghĩa), hoạt động này cho phép đạt được cái điều là không phải “tôi”, mà là ngôn ngữ đang hành động, đang “biểu diễn”; thực chất của toàn bộ thi pháp của Mallarmé là thủ tiêu tác giả mà thay cái viết vào đó – điều đó có nghĩa là – như chúng ta sẽ thấy sau đây, đó là khôi phục quyền lực của người đọc. Valéry bị trói tay trói chân bởi cái tâm lí học “cái tôi” của ông trong mức độ lớn đã làm mờ nhạt lí thuyết của Mallarmé, nhưng nhờ thị hiếu của ông đối với văn học chủ nghĩa cổ điển lại khiến ông hướng về các bài học của tu từ học, nên ông chưa bao giờ thôi hoài nghi, chế giễu tác giả, ông nhấn mạnh tính chất ngôn ngữ thuần tuý và dường như cái tính chất “không cố ý”, “vô tâm”trong hoạt động của nhà văn và trong toàn bộ các cuốn sách văn xuôi của ông đều buộc người ta phải thừa nhận rằng bản chất của văn học nằm trong ngôn từ, bất cứ sự viện dẫn nào về đời sống tâm hồn của nhà văn, đều chẳng có gì hơn là một sự mê tín. Thậm chí đối với Proust, trong toàn bộ sự phân tích tâm lí hiển nhiên của ông được mệnh danh là phân tích tâm hồn, ông đặt nhiệm vụ công khai là làm phức tạp tối đa – thay vì đi sâu vô tận vào chi tiết – mối quan hệ giữa nhà văn và các nhân vật của anh ta. Ông chọn người kể chuyện không phải là người đã nhìn thấy cái gì, thể nghiệm gì, thậm chí cũng không phải là người đang viết, mà là người chuẩn bị viết (người trẻ tuổi trong tiểu thuyết – không biết anh ta là ai, anh ta trẻ thế nào, người ra sao – muốn viết mà không bắt đầu được, và rốt cuộc tiểu thuyết kết thúc vào lúc cái viết trở thành có khả năng), bằng cách đó Proust đã sáng tạo một sử thi theo cái viết hiện đại. Ông thực hiện một cuộc lật đổ căn bản : thay vì miêu tả cuộc đời mình trong tiểu thuyết, như người ta vẫn thường nghĩ, ông đã biến cuộc sống của mình thành tác phẩm văn học theo mẫu mực của cuốn sách của ông và chúng ta thấy rõ, rằng không phải Charles được sao chép theo Montesquieu, mà ngược lại, trong các hành vi thực tại-lịch sử của mình Montesquieu hiện ra chỉ như một mảnh vụn, một bản dập, một cái gì phái sinh từ Charles mà thôi. Đứng sau hết trong hàng ngũ các vị tiên phong của chúng ta là chủ nghĩa siêu thực; nó tất nhiên không thể thừa nhận quyền lực tối cao của ngôn ngữ, bởi vì ngôn ngữ là hệ thống, trong khi đó mục đích của phong trào này là nằm trong tinh thần của chủ nghĩa lãng mạn, tức là phá huỷ trực tiếp tất cả mọi mã ( bản thân mục đích này là hư huyễn – bởi vì mã là cái không thể phá huỷ, người ta chỉ có thể khiến nó “biểu diễn”mà thôi); nhưng chủ nghĩa siêu thực thường xuyên kêu gọi phá huỷ trắng trợn các ý nghĩa được chờ đợi (“các lối ngắt nghĩa” trứ danh của chủ nghĩa siêu thực), nó đòi hỏi tay cần phải ghi cho thật nhanh những điều mà bản thân đầu óc chưa đoán định được (cái viết tự động), nó tiếp nhận về nguyên tắc và thực hành trong thực tế sự viết chung – bằng cách đó chủ nghĩa siêu thực đóng góp vào việc phi thần thánh hoá hình tượng của tác giả. Cuối cùng, tuy ở phạm vi ngoài văn học như nó vốn có (hơn nữa ngày nay sự phân biệt này đã lỗi thời) cái vũ khí có giá trị nhất để phân tích và phá huỷ hình tượng tác giả là ngôn ngữ học hiện đại, cái khoa học đã cho thấy, phát ngôn như nó vốn thế là một quá trình trống rỗng, nó tự thực hiện một cách tuyệt vời đến mức không cần bổ sung nội dung cá nhân của người nói. Theo quan điểm ngôn ngữ học, tác giả chỉ là người viết, cũng giống như “tôi”, chẳng phải ai khác, mà chỉ là kẻ xưng “tôi” mà thôi. Ngôn ngữ chỉ biết có “chủ thể”, không biết “cá nhân” là gì; cái chủ thể này được xác định bên trong hành động nói, không chứa đựng gì bên ngoài lời nói cả, thế cũng đủ để nó “gắn bó” với toàn bộ ngôn ngữ và sử dụng hết mọi khả năng của nó.

    Sự tước bỏ tác giả (Theo Brecht ở đây có thể nói về một sự “gián cách hoá”thật sự, tác giả tự làm cho mình bé lại, giống như hình ảnh trong chỗ sâu xa của “sân khấu” văn học) không chỉ giản đơn là sự thực của lịch sử và hệ quả của cái viết, mà còn là, sự tước bỏ ấy đã cải tạo một cách căn bản toàn bộ văn bản hiện đại, hay có thể nói, từ nay văn bản được sáng tạo và được đọc theo cách, trên mọi cấp độ của nó tác giả đều bị xoá bỏ. Đổi thay trước hết là viễn cảnh thời gian. Đối với những ai tin vào Tác giả, thì tác giả bao giờ cũng được nghĩ đến trong quá khứ theo quan hệ đối với cuốn sách, sách và tác giả được sắp xếp vào cái trục chung hướng vào giữa cái có trướccái có sau, cho rằng tác giả thêu dệt nên cuốn sách, tức là có trước cuốn sách, anh ta tư duy, chịu đau khổ, sống vì cuốn sách, tác giả cũng tồn tại trước cuốn sách của mình, như cha đối với con. Còn như nói đến người viết hiện đại, thì anh ta được sinh ra cùng một lúc với văn bản, anh ta không có tồn tại nào trước và ngoài cái viết, anh ta tuyệt đối không phải là cái chủ thể mà theo đó tác phẩm của anh ta là vị ngữ; chỉ có một thời gian là thời gian của hành vi nói và bất cứ văn bản nào vĩnh viễn cũng được viết bây giờở đây. Như là kết quả (hay nguyên nhân cũng thế) của điều này, ý nghĩa của động từ viết từ nay cần phải được xác định không phải ở chỗ một cái gì được ghi ra, miêu tả, vẽ ra (như các nhà Cổ điển đã xác nhận), mà ở chỗ các nhà ngữ học nối tiếp các nhà triết học trường phái Oxford gọi tên nó là động từ thuật hành (performativ), tức là một hình thức động từ hiếm gặp có tính chất biểu diễn, chỉ sử dụng trong ngôi thứ nhất thì hiện tại, trong đó hành vi phát ngôn không hàm chứa một nội dung nào khác (phát ngôn khác), ngoại trừ bản thân hành vi đó, giống như quốc vương nói “Trẫm tuyên bố”từ miệng quốc vương, hay “Tôi ngợi ca”từ miệng nhà thơ cổ đại. Do đó người viết hiện đại sau khi kết thúc với Tác giả, không thể tiếp tục cho rằng, theo quan điểm thống thiết của các vị tiền bối: rằng tay anh ta ghi chép không kịp ý nghĩ hay cảm xúc, và nếu thế thì đành chấp nhận số phận, anh ta phải tự mình nhấn mạnh sư tách rời ấy và trau chuốt hình thức tác phẩm của mình đến cùng; ngược lại, tay của anh ta, sau khi đánh mất mọi liên hệ với tiếng nói, thực hiện một cử chỉ thuần tuý phác hoạ (chứ không phải biểu hiện) và vẽ ra một trường kí hiệu nào đó mà không có điểm xuất phát, – bất cứ lúc nào cái trường ấy chỉ xuất phát từ ngôn ngữ như nó vốn thế, còn ngôn ngữ thì không ngừng hoài nghi bất cứ quan niệm nào về điểm xuất phát.

    Bây giờ chúng ta biết văn bản không phải là chuỗi hình tuyến các từ ngữ biểu hiện một ý nghĩa duy nhất, dường như ý nghĩa thần học (cái thông báo của Tác giả – Thượng đế), mà là một không gian đa chiều, nơi những kiểu viết khác nhau kết hợp, tranh cãi nhau mà không có cái nào trong số đó là cái xuất phát; văn bản được dệt bằng các trích dẫn gửi đến cho hàng nghìn nguồn văn hoá. Những nhà văn giống những kẻ sao chép muôn thuở như Bouvarou hay PécuchetVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link vừa vĩ đại vừa buồn cười, tính hài hước sâu sắc của họ chính là ở chỗ họ đánh dấu chân lí của sự viết; họ có thể chỉ là kẻ bắt chước vĩnh hằng những gì đã viết trước đó và tự mình viết cái lần đầu tiên; quyền lực tối cao của tác giả chỉ là đem pha trộn lẫn nhau những cái viết, hoặc là đem cái viết này đối kháng cái viết kia, đến mức hoàn toàn không dựa vào một cái viết nào cả; nếu như tác giả muốn tự biểu hiện một cái gì đó, thì chí ít anh ta cũng phải biết rằng, cái “bản chất” nội tại mà anh ta muốn “truyền đạt”, cũng chẳng có gì khác ngoài cuốn từ điển đã có sẵn, nơi mà các từ ngữ được giải thích bằng chính các từ ngữ khác và cứ thế mãi mãi. Và như thế sáng tác của Thomas de Quincy thời trẻ là một ví dụ tiêu biểu. Theo lời của Baudelaire, anh ta vừa mới học được tiếng Hy Lạp thì đã muốn truyền đạt những ý tưởng và hình tượng cực hiện đại bằng thứ tử ngữ ấy, “sáng tạo cho mình một cuốn từ điển và lúc nào cũng cầm sẵn nó, cuốn từ điển to hơn, phức tạp hơn các cuốn từ điển khác mà cơ sở của chúng là sự tận tâm không lấy gì làm xuất chúng trong các bản dịch văn học thuần tuý”(Thiên đường nhân tạo). Người viết hiện đại đến thay thế Tác giả mang trong mình không phải xúc động , cảm hứng, tình cảm hay ấn tượng, anh ta chỉ có bộ từ điển khổng lồ ấy, từ đó anh ta rút ra cái viết của mình, và cứ thế viết mãi; cuộc sống chỉ bắt chước sách, bản thân sách là cái vật được dệt bằng kí hiệu, còn sách bắt chước cái gì đã mất, và cứ thế cho đến vô tận.

    Một khi đã loại bỏ tác giả rồi, bất kì tham vọng “giải mã” văn bản nào đều trở nên vô ích. Đem tác giả gán cho văn bản có nghĩa là trói buộc văn bản, khoác cho nó cái ý nghĩa cuối cùng, là phong bế cái viết. Một quan điểm như thế lại hoàn toàn gia tăng niềm hăng hái cho phê bình, khi ấy phê bình xem nhiệm vụ quan trọng nhất của nó là phát hiện ra Tác giả trong tác phẩm (hoặc các danh nghĩa khác như: xã hội, lịch sử, tinh thần, tự do) : Nếu tác giả được tìm thấy, có nghĩa là, văn bản được “giải thích”, nhà phê bình giành được thắng lợi. Vì thế mà không ngạc nhiên là sự ngự trị của Tác giả có tính chất lịch sử cũng như sự ngự trị của Phê bình, và cũng như thế, ngày nay cùng với địa vị của Tác giả, Phê bình cũng bị lung lay (dù cho là Mới đi nữa). Quả thật, trong cái viết đa chiều tất cả đều cần được “tháo gở”, nhưng không có gì phải “giải mã”; có thể theo dõi cấu trúc hay “tháo” nó ra ( như tháo sợi len trong chiếc bít tất) trong tất cả những chỗ lặp lại hay từng bình diện của nó, nhưng không bao giờ đạt đến tận đáy; cái không gian viết cung cấp cho ta để lướt qua chứ không phải để xé rách. Cái viết không ngừng sản sinh ý nghĩa, nhưng ngay ở đây nó cũng không ngừng làm cho ý nghĩa bốc hơi, nảy sinh sự giải thoát có hệ thống cho ý nghĩa. Do đó, văn học (từ nay về sau đúng hơn nên gọi nó là cái viết) từ chối chỉ ra cái ý nghĩa cuối cùng như một “bí mật” của văn bản (kể cả đối với thế giới như một văn bản cũng vậy), mở ra sự tự do cho hoạt động “phản thần học”, về thực chất là hoạt động cách mạng, bởi vì nó không ngăn chặn cái dòng chảy của ý nghĩa – có nghĩa là suy đến cùng nó gạt bỏ bản thân Thượng đế và các hoá thân của ngài: trật tự lí tính, khoa học, pháp luật.

    Trở lại với câu văn của Balzac được nhắc đến trong phần mở đầu. Không có ai “nói ra” câu ấy cả (tức là không có “nhân vật” nào ): nếu như nó có nguồn gốc và tiếng nói thì điều đó không phải ở trong cái viết, mà ở trong sự đọc. Giúp ta hiểu điều đó là một cái tương đồng rất chính xác. Trong các nghiên cứu gần đây (của Jean – Pierre Vernan) cho thấy tính hai nghĩa trong cấu thành nền tảng của bi kịch Hy Lạp: văn bản của chúng được dệt bằng những từ hai nghĩa mà mỗi nhân vật trong kịch đều chỉ hiểu một nghĩa (sự hiểu lầm vĩnh viễn như thế chính là “cái bi kịch”); nhưng còn có một ai đó nghe được từng từ với tất cả hai nghĩa, thậm chí còn nghe được cả cái lảng tai của nhân vật đang nói trước mặt; kẻ ấy chính là người đọc (hay là, trong trường hợp ở dây là người nghe). Như vậy là toàn bộ bản chất của cái viết được bộc lộ ra: văn bản được tạo thành từ cái đa tạp kiểu loại của cái viết khác nhau, bắt nguồn từ nhiều nền văn hoá khác nhau, tham gia vào các mối quan hệ như đối thoại, giễu nhại, tranh cãi…nhưng tất cả cái đa tạp ấy đều quy tụ vào một điểm nhất định, điểm ấy không phải là tác giả như người ta vẫn khẳng định cho đến ngày nay, mà là người đọc. Người đọc là cái vũ trụ, nơi đó khắc ghi tất cả mọi trích dẫn làm nên cái viết mà không làm mất đi bất cứ trích dẫn nào; văn bản có được tính thống nhất không phải ở khởi nguồn của nó, mà ở tại đích của nó, có điều cái đích đó không phải là địa chỉ cá nhân; người đọc ấy là người không lịch sử, không tiểu sử, không tâm lí, đơn giản nó chỉ là một ai đó, nơi quy tụ tất cả những đặc trưng tạo thành văn bản viết. Bởi vậy, nực cười thay những ý đồ lên án cái viết hiện đại nhân danh một thứ chủ nghĩa nhân đạo nào đó, mạo xưng là người bảo vệ nhiệt thành cho quyền con người. Phê bình văn học cổ điển xưa nay không dính dáng gì đến người đọc; đối với nó, trong văn học chỉ tồn tại người viết. Giờ đây chúng ta không còn bị lừa dối thêm nửa bởi những loại lời sáo rỗng mà cái xã hội đáng kính với cơn phẫn nộ cao thượng đã sử dụng để bảo vệ kẻ mà trên thực tế bị nó chèn ép, coi thường, áp bức, tiêu diệt. Giờ đây chúng ta biết: để đảm bảo tương lai cho cái viết cần phải lật đổVui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link cái huyền thoại về nó – sự ra đời của Người đọc phải trả giá bằng cái chết của Tác giả.

    Trần Đình Sử dịch

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Đây là hai nhân vật trong tiểu thuyết cuôi cung chưa hoàn thành của G. Flaubert Bouvarou và Pécucher, trong khi ở ẩn rất tự phụ, muốn lần lượt nắm bắt toàn bộ tri thức và năng lục của nhân loại trong mọi lĩnh vực, họ tuỳ tiện sưu tập mọi kiến thức và sau đó lại bỏ quên. – Chú thích của bản Tiếng Trung. ND.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link Chữ “renverser” trong nguyên bản, ngoài nghĩa “lật đổ”, còn nét nghĩa thứ hai là: “đảo ngược”, “dốc ngược”, “lật ngược”. – Chú thích của bản tiếng Nga. ND.
     
    takkkb and Wanderman like this.
  17. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    [​IMG]

    Tại sao người Nhật mê đọc sách?

    Tác giả: Nguyễn Xuân Xanh
    Nguồn: congnghiepxanh • 29.10.2019
    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Không có thú vui nào trên thế giới có thể so sánh được với thú vui đọc sách. Khi người ta cảm nhận được sự đàm thoại riêng tư với thế giới người hiền, thì đó là thú vui duy nhất không lệ thuộc vào người khác. – Kaibara Ekken (1630-1714)

    Chúng ta có thể nhân bản hơn bằng cách trở thành hoàn vũ hơn. – Okakura Tenshin (1862-1913)

    Tóm tắt

    Những lý do nào khiến dân tộc Nhật đã có một văn hoá đọc có thể nói vào bậc nhất thế giới? Văn hoá đọc này không phải chỉ bỗng dưng bùng nổ vào thời Minh Trị Duy Tân 1868 khi đất nước được mở cửa, hướng về phương Tây, mà có gốc rễ sâu xa từ thời Tokugawa 1600-1868, từ lúc dân tộc chỉ có văn hoá võ sĩ trên chiến trường, từ lúc thầy tu khoẻ mạnh cũng muốn ra trận để thi thố tài năng đi tìm hạnh phúc. Cách đây 300 năm Nhật Bản đã có những con số “khủng” về giáo dục và văn hoá đọc. Những lý do nào khiến cho một dân tộc võ sĩ lại trở thành mê đọc sách như thế? Và đọc sách để làm gì? Tại sao không phải các dân tộc có truyền thống văn sâu đậm như Trung Hoa hay Việt Nam mà lại một dân tộc có truyền thống võ như Nhật Bản?

    Hai trăm sáu mươi năm tự đóng kín cửa như “hến” sau khi đuổi hết người truyền giáo phương Tây khỏi nước(cùng thời với Việt Nam), nhưng tại sao mảnh đất Nhật Bản lại “ngậm” được viên ngọc ‘Tây học’ (Western learning, thông qua ‘Lan học’, Rangaku)hình thành bên trong, từ chất “nọc độc của người man di”, để rồi viên ngọc khai minh đó biến thành quốc sách thời Minh Trị?

    Một sự lặp lại kỳ thú của lịch sử: châu Âu đã từng có cuộc dịch thuật vĩ đại thế kỷ 11 và 12 lúc đại học châu Âu ra đời để làm nền tảng phát triển khoa học và văn hoá, thì tương tự, ở phương Đông, Nhật Bản cũng đã có cuộc dịch thuật vĩ đại của mình trong hai thế kỷ thời đóng cửa, giúp chuyển hệ hình tư duy kiểu phong kiến Trung Hoa sang hệ hình khoa học hiện đại phương Tây dù tầng lớp trí thức ở Nhật Bản chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Khổng giáo, có thể sâu đậm hơn cả giới trí thức Việt Nam cùng thời. Cuộc dịch thuật là khó nhọc và không kém phần nguy hiểm, nhưng trí thức Nhật Bản đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của mình đối với quốc gia, rằng họ không thể yêu nước trong sự vô minh. Đọc sách là việc làm của lòng yêu nước, không phải chỉ để thưởng ngoạn, mà đểkhai minh và khai sinh một thời đại mới cho đất nước. Đọc sách là thuộc tính của một dân tộc văn hoá có ý thức. Họ không sợ học của kẻ thù, chỉ sợ ngu muội vì không học. Và họ đã thành công.

    ****

    Người ta đã từng nghe nói về sự đọc sách khủng của người Nhật thời Minh Trị Duy Tân, cách chúng ta hôm nay ngót một thế kỷ rưỡi. Thí dụ minh hoạ thường là quyển sách Bàn vềTự do, On Liberty, của John Stuart Mill. Sách được xuất bản ở Anh năm 1859, cùng năm với tác phẩm “Thuyết tiến hoá” của Charles Darwin. Bàn về Tự do là một quyển sách rất có ảnh hưởng ở phương Tây, và ngày nay vẫn còn tiếp tục được đọc. Khi được dịch sang tiếng Nhật quyển sách đã bán trên triệu bản.

    Một quyển sách khác, có lẽ ít được biết hơn đối với độc giả Việt Nam, là Tự lo, Self-Help của Samuel Smiles. Quyển sách này là best-seller ở phương Tây, đến cuối thế kỷ 19 bán được số lượng 250.000 ở Anh Mỹ, nhưng khi được Nakamura Masanao, một học giả Khổng giáo từng học bên Anh, dịch sang tiếng Nhật những năm đầu của thời Minh Trị thì quyển sách bán đến một triệu bản! (Nakamura cũng là người dịch quyển Bàn về Tự do) Một con số thật “khủng” nếu ta biết rằng thời đó dân số Nhật Bản chỉ khoảng trên 30 triệu thôi. Self-Help là một trong ba quyển sách được gọi là “Bộ kinh thánh Minh Trị” có sức hút mãnh liệt đối với người Nhật, nhất là giới trẻ, trong giai đoạn đất nước đổi mới của Nhật Bản. Cuốn sách Tự lo thể hiện tinh thần độc lập tự chủ của các cá nhân, và từ đó làm cho quốc gia độc lập và tự chủ. Cuốn sách mượn lời của J.S. Mill ngay trang đầu: “Giá trị của nhà nước, xét lâu dài, là giá trị của các cá nhân cấu thành.” Đó là tín hiệu mà quyển sách muốn truyền đạt: Muốn có một đất nước mạnh, độc lập, phải có những cá nhân mạnh và độc lập, thông qua tự rèn luyện, tự lo. Đó là điều kiện tiên quyết.

    Nói chung vào thời mở cửa Minh Trị Duy Tân, dân tộc Nhật lên cơn sốt đọc sách nước ngoài để biết phương Tây đã làm gì và đang làm gì mà “nước giàu quân mạnh” như thế. Họ muốn biết và muốn học, để xây dựng đất nước hùng mạnh như các cường quốc phương Tây. Chỉ có được một nền văn hoá lớn, một xã hội phú cường, khi nào mọi người được học như nhau, khi mọi người có quyền ao ước và có điều kiện vươn lên khỏi chức phận cũ của mình. Tinh thần này, ethos, được diễn tả mạnh mẽ trong tác phẩm “Khuyến học”, Gakumon no susume, của nhà khai minh Fukuzawa Yukichi (1835-1901): “Con người không sinh ra cao quý hay thấp hèn, giàu sang hay nghèo khó. Chính những ai lao động siêng năng ở những công việc tìm tòi của họ, và học nhiều, sẽ trở thành cao quý và giàu có, trong khi những ai biếng nhác sẽ trở thành nghèo khó, thấp hèn.”

    Hai sự kiện sau đây ở thế kỷ 20 minh hoạ thêm óc tò mò học hỏi đặc biệt của người Nhật, điều mà các nhà truyền giáo phương Tây đã ghi nhận khi tiếp xúc với những dân tộc này, so sánh với các dân Trung Hoa hay Hàn Quốc mà họ biết trước đó. Năm 1922 khi Einstein thực hiện lời mời sang thăm và diễn thuyết khoa học tại Nhật thì nước Nhật vừa có ngay một tuyển tập Einstein gồm bốn quyển. Lúc đó không đâu ở châu Âu hay ở Mỹ có tuyển tập này. Tương tự, ba năm trước đó, 1919, Nhật Bản cũng là nước đầu tiên xuất bản tuyển tập Các Mác, Ăng-Ghen. Cũng không đâu trên thế giới, kể cả Nga, Đức là những nơi có phong trào xã hội chủ nghĩa mạnh nhất thế giới có tuyển tập này. Người Nhật quả muốn biết hết những nghĩ gì thế giới trước đó.

    Công ty ra đời đầu tiên thời Minh Trị Duy Tân kinh doanh gì? Được sách sử ghi lại, đó là công ty nhập khẩu và kinh doanh sách Maruzen của Hayashi Yuteki. Năm 1869 ông Hayashi Yuteki mở công ty đầu tiên tại Yokohama có tên Maruya, và năm sau mở thêm cửa hàng thứ hai tại Nihonbashi, khu phố cổ trung tâm sầm uất và thời trang nhất của Tokyo lúc bấy giờ! Năm 1880 Hayashi chuyển doanh nghiệp chính thức thành công ty TNHH Maruzen. Sách là mặt hàng đi đầu trong “cuộc chấn hưng dân khí”. Phần lớn các học giả và nhà văn đều là khách hàng của Maruzen, trong đó có hai nhà văn lớn Akutagawa Ryunosuke và Natsume Sōseki. Hayashi Yuteki vốn là một thầy thuốc hành nghề rồi sau đó trở thành học trò của nhà khai minh Fukuzawa Yukichi. Ngoài các hiệu sách, Maruzen còn xuất bản một nguyệt san cho giới văn sĩ, học thuật có tên “Ánh sáng của Khoa học”, Gakutō. Một thời gian dài Maruzen là cửa sổ duy nhất nhìn ra phương Tây. [Công ty sách này ngày nay vẫn còn tồn tại, hoạt động rộng rãi, có doanh số năm 1996 hơn một tỉ Euro với 2.100 nhân viên. Khách hàng của họ là nhiều đại học, cơ quan chính quyền và viện nghiên cứu.]

    Chúng ta tự hỏi vì đâu mà người Nhật lại có cái đam mê đọc sách cuồng nhiệt và sự đánh giá cao sách vở như thế? Có phải dân tộc này chỉ mê đọc sách thời Minh Trị khi bừng tỉnh sau ‘cơn ngủ đông’ mấy trăm năm trước đó không? Dân tộc Trung Hoa cũng từng ngủ đông dài như thế, và một số dân tộc khác cùng dòng văn hoá Khổng Mạnh, nhưng tại sao không có cái đam mê đọc sách như dân Nhật?

    Một truyền thống lâu đời

    Thực ra người Nhật đã có truyền thống đọc sách khủng lâu đời, ít ra từ thời Tokugawa 1600-1868. Trong thời đầu của Tokugawa Ieyasu, người thống nhất đất nước và lập nên triều đại Tokugawa hoà bình 265 năm lâu dài nhất lịch sử, thì chuyện một samurai có thể diễn đạt được ý tưởng của mình một cách mạch lạc trên giấy trắng mực đen là điều hi hữu, và tình trạng mù chữ là bình thường. Văn hoá Nhật Bản trước 1600 là văn hoá võ sĩ. Nhưng vào cuối thế kỷ 18, có thể nói một samurai mù chữ là một điều hụt hẫng đáng buồn, và tới giữa thế kỷ 19, tình hình lại khác nhau một trời một vực.

    Trong thời Genroku (1688-1704), được xem là thời vàng son của Tokugawa với kinh tế ổn định, nghệ thuật và văn chương phát triển, Nhật Bản đã có một hệ thống xuất bản sách hiện đại đáng ngạc nhiên, đặc trưng bởi sự hiện hữu của nhiều nhà xuất bản lớn, nhiều nhà minh hoạ sách có tiếng và nhiều nhà văn tên tuổi. Sách thường được xuất bản với số lượng đến hơn 10.000 bản! Đây là một con số “khủng” thời đó; Nhật Bản lúc đó chỉ có chừng 20 triệu người, vì thời Minh Trị dân số Nhật Bản khoảng 30 triệu. Năm 1692 Nhật Bản cũng đã từng có những bộ danh mục hàng chục tập về các sách in dành cho công chúng sử dụng. (Hiện nay VN chưa có được những bộ danh mục như thế tại các nhà sách).

    Con số phát hành 10.000 bản là rất đáng ghen tị cho những nhà xuất bản và tác giả Việt Nam hiện nay, đất nước với gần 90 triệu dân. Trong gần mười năm qua từ khi loại sách khai trí bắt đầu xuất hiện, có mấy tác giả nào có số ấn bản tương đương như thế? Cho nên số ấn bản 10.000 của người Nhật thời Tokugawa cách đây 300 năm quả là con số “khủng”! [Việt Nam lúc bấy giờ đang trong giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, không hiểu giáo dục và văn hoá đọc sách ra sao.]

    Thương mại sách ở Nhật bắt đầu phát triển mạnh từ đầu thế kỷ 17. Giới đọc sách truyền thống như quý tộc, tu sĩ và thượng lưu trong thành phố được mở rộng sang các giới đại chúng. Mặc dù số lượng phát hành cao, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu đọc sách của các tầng lớp dân chúng, văn hoáđọc sách thuê, ra đời trong thời Kan’ei (1624-44), trở nên phổ biến, đặc biệt tại các thành phố lớn như Edo, Kyoto và Nagoya. Các cửa hàng cho thuê sách, kashihonya, đóng vai trò quan trọng ở đây. Cuối thế kỷ 18 các cửa hàng cho thuê sách có mặt khắp nơi ở Edo (tức Tokyo) và các tỉnh. Khách hàng được phục vụ bởi những người đi rong mang thùng sách trên lưng. Sách vở có thể đi đến tận các hải đảo xa xôi. Edo có 650 cửa hàng cho mượn sách năm 1808, nhưng đến 1832 đã có tới 800. Edo có dân số khoảng hơn triệu, và tỉ lệ biết chữ lên đến 70%. Một cửa hàng cho mượn sách ở Nagoya, tên Daisō của Sōhachi, như lịch sử còn ghi, được thành lập năm 1767 và hoạt động 132 năm liền, đến khi chấm dứt hoạt động có một danh mục đến 26.768 quyển sách cho mượn.

    Nhật Bản thế kỷ 18 có những thành phố lớn phát triển với dân số tập trung cao như châu Âu. Edo có trên một triệu dân, nhất thế giới, hơn cả Paris. Các thành phố khác như Osaka có con số non một triệu. Nhật Bản có văn hoá thành thị, có cả văn hoá salon (zashiki), đời sống sung túc rõ nét như ở châu Âu thời Trung cổ. Và đó cũng là điểm hấp dẫn đối với giới thương nhân nước ngoài khi họ kêu gọi Nhật Bản mở cửa. [Việt Nam lúc đó chưa được như thế về mặt phát triển kinh tế.]

    Chúng ta hỏi: Từ đâu người Nhật có sự đam mê đọc sách như thế? Động lực nào?

    Nguồn gốc đọc sách: văn đi trước võ

    Sự học tại Nhật Bản trước 1600 là độc quyền của giới quý tộc và tăng lữ, nhưng đến thời Tokugawa trở thành công việc của cả nước. Năm 1615 tướng quân Tokugawa Ieyasu, sau khi đã bình định được gần ba trăm phiên trấn (han), thiết lập nên một thể chế chính trị gần như liên bang, phát đi mệnh lệnh như một ‘big bang’ cho các đại danh, daimyō, chủ phiên trấn và các võ sĩ, samurai: Điều 1 của mệnh lệnh nói: “bun bên tay trái, bu bên tay phải”. Bun là văn, sự học, là cây bút, trong khi bu là võ, nghệ thuật chiến tranh, từ đó chữ bushi là võ sĩ, bushido là võ sĩ đạo. Như thế Điều 1 nói “quyển sách bên tay trái, thanh gươm bên tay phải”, và văn đi trước võ, để có thể trị nước lâu bền. Các võ sĩ Nhật dần dần trở thành giai cấp cầm quyền có học. Ở Nhật Bản, cầm quyền là việc của giai cấp của samurai, cha truyền con nối, không phải việc của các Khổng nho như ở Trung Hoa hay Việt Nam, Triều Tiên. Khổng nho cao lắm chỉ được làm tư vấn với đồng lương thấp. Nhật Bản cũng có xếp hạng “sĩ, nông, công, thương” (shi, nō, kō, shō) dưới ảnh hưởng của Khống giáo Trung Hoa, nhưng ở đây không phải là nho sĩ, mà là võ sĩ.

    Các daimyō giờ đây phải học văn hoá, các loại khoa học và nghệ thuật quản lý đất nước. Một daimyō có học phải đọc sách hằng ngày. Để phục vụ cho việc học tập của daimyō, và các gia thần, thư viện được thành lập, sách vở được sưu tầm một cách qui mô, và trở thành biểu tượng cho tri thức. Thư viện bao gồm các loại sách về lịch sử Nhật Bản và Trung Hoa, các sách về Khổng giáo, Phật giáo và Thần giáo; sách về nghệ thuật quân sự, chiến lược quân sự, địa lý, thiên văn, kinh tế, toán học, y khoa và vô số sách về văn chương cổ điển. Bản thân tướng quân Ieyasu từng lập thư viện cho mình. Nhật Bản mỗi thời đều có những thư viện nổi tiếng, nhưng vào thời Tokugawa, Nhật Bản có nhiều thư viện nhất chưa bao giờ thấy trước đó. Fukuzawa Yukichi (1835-1901) đã ghi lại trong “Tây dương sự tình” sự quan sát đặc biệt của ông về các thư viện phương Tây khi ông có dịp đi tham quan:

    Trong những thành phố lớn của phương Tây đều có các sưu tập sách được gọi là “thư viện”, ở đó tất cả được sưu tầm, từ sách cho nhu cầu hàng ngày đến những loại sách hiếm, và sách trong nước cũng như từ nước ngoài. Người dân đến và có thể đọc quyển sách mình muốn, dù không phải là mỗi ngày. Thư viện Anh có 800.000 quyển, của St. Peterburg 900.000, và của Paris 1,5 triệu. Người Pháp nói rằng, nếu đem tất cả sách xếp nối đuôi nhau, chúng ta sẽ có một chiều dài 7 dặm

    .Phát triển giáo dục

    Văn hoá đọc sách gắn liền với giáo dục. Tokugawa là thời kỳ của sự bùng nổ giáo dục, hệ thống trường học, phục vụ cho nhiều đối tượng, nhiều đẳng cấp, trường trung ương của shogun, trường phiên của các daimyō, trường tư, cho dân thường và trường hỗn hợp cho cả samurai và dân thường. Vài con số dưới đây sẽ làm chúng ta thêm ngạc nhiên để thấy mối tương quan giữa văn hoá đọc và giáo dục.

    Ngoài những trường chính thống dành cho giai cấp samurai của Mạc phủ, như “Hàn lâm Khổng giáo”, Shōheikō, thành lập năm 1630, và trường của các phiên, còn có các loại trường như trường terakoya cho thường dân; trường gōgaku dành cho cả con em samurai lẫn thường dân học chung, được chính thức hỗ trợ từ nhà nước, báo trước loại giáo dục hiện đại phi đẳng cấp sẽ ra đời thời MinhTrị. Ngoài ra có loại trường tư thục, shijuku, privat academies, với khoảng 1.500 trường, từ qui mô nhỏ vài ba chục đến qui mô lớn cả ngàn sinh viên, cạnh tranh với các trường trung ương hay trường phiên, dành cho cả samurai và thường dân mọi tầng lớp.

    Tại phiên Chōshū, một trong những phiên quan trọng trong việc lật đổ Mạc phủ để phục hồi thiên hoàng, nhiều samurai nổi loạn và trở thành lãnh đạo của chính phủ Minh Trị đã từng là học trò của nhà yêu nước Yoshida Shōin (1830-1859) tại trường tư thục do ông thành lập. Shijuku thường phục vụ cho giáo dục cao cấp (advanced education), đi vào nghiên cứu, là trường của những người muốn tiến thân vào học thuật. Đó là loại trường “vườn ươm nhân tài”, bất kể từ đâu đến, samurai hay thương gia, thầy tu, tạo nguồn nhân lực quốc gia, jinzai (nhân tài, human resource), điều cũng được các giới chính quyền trung ương và địa phương ủng hộ. Theo tinh thần của jinzai, việc tuyển mộ nhân sự được dựa trên cơ sở tài năng hơn là nguồn gốc thân thế, và tài năng có thể đi từ phiên này sang phiên khác sống. Ngoài ra còn các trường dạy nghề và trường tôn giáo.

    Năm 1868 khi Nhật Bản Minh Trị bắt đầu cuộc duy tân, cả nước đã có 17.000 trường đủ mọi loại! Đây cũng là một con số ‘khủng’ nữa. Hàng triệu người đã được học hành. [Việt Nam có được bao nhiêu trường học và học sinh lúc đó? Nam Kỳ lúc đó vừa trở thành thuộc địa Pháp.] Có một ước tính theo đó cuối thời Tokugawa Nhật Bản có khoảng trên 40 phần trăm con trai và 10 phần trăm con gái nhận được giáo dục ngoài gia đình. Nhà nước không sợ sự phát triển giáo dục trong nhân dân, và dân chúng cũng đồng tình để cải thiện vị trí xã hội của mình. Phát triển đất nước cần những người có học. “Việc đầu tiên cần thiết cho sự trị vì một nhà nước là năng lực con người. Mà năng lực con người thì đến từ sự học” như học giả Khống giáoDazai Jun (1686-1747) viết.

    Qui mô của trường Nhật cũng không kém phần ngạc nhiên. Trường Shōheikō được xây dựng lại năm 1799 thực tế không phải là một ngôi trường, mà là một campus to lớn, nhiều dãy nhà ngang dọc, nhiều đường phố trong đó, với một đền thờ Khổng tử lớn tại trung tâm, nó là một cái làng học thuật và đào tạo đúng hơn là một cái trường đơn giản theo quan niệm của chúng ta. Trường Nisshinkan tuy có thể nhỏ hơn nhưng cũng rất lớn. Chúng ta biết rằng tại Hoa Kỳ, các đại học dạng campus hình thành chủ yếu từ Luật giao đất Morrill năm 1862 trước khi cuộc nội chiến chấm dứt. Phải chăng, xét về qui mô, các trường của Nhật Bản thời Tokugawa đã đi trước các đại học campus của Mỹ gần cả trăm năm?

    Nước Nhật bước vào hiện đại hoá không phải từ tro tàn của chế độ cũ, mà ngược lại, được xây dựng trên một nền móng văn hoá đã phát triển cao, đa dạng về nội dung học, và vững chắc. Năm 1872 (cũng là năm sinh của cụ Phan Châu Trinh), tức chỉ bốn năm sau khi vua Minh Trị được phục hồi, một chế độ giáo dục cưỡng bách toàn dân được thực hiện trên khắp nước Nhật, một kỳ công. Điều này sẽ khó có thể được nếu Nhật Bản Tokugawa không có gì cả. Năm 1900 Nhật Bản có tỉ lệ người biết chữ cao hơn tỉ lệ của Anh. Đó là một môi trường văn hoá tốt và thiết yếu cho sự phát triển mạnh của khoa học và kỹ thuật.

    Nếu đầu thời kỳ Tokugawa lưỡi gươm là quan trọng, thì vào cuối thời Tokugawa thì quyển sách là quan trọng hơn.

    Trước áp lực của nguy cơ nước ngoài sự học cổ điển dần dần được hiện đại hoá bằng các môn học phương Tây. Các môn tri thức quân sự, luyện kim, vẽ bản đồ, y khoa, hoá học…, cũng như các môn học về các thể chế chính trị, kinh tế các quốc gia phương Tây có sức hút mạnh mẽ. Các daimyō biết nhìn xa gửi sinh viên tài năng đi học tại Nagasaki hay tại những trường Lan học tại Edo và Osaka. Và trong những năm 1850, 1860 họ thành lập các trung tâm Tây học tại các phiên của họ. Các nhà lãnh đạo của Minh Trị Duy Tân như Saigō của phiên Satsuma, Kido, Itō và Inoue của Chōshū, Soejima và Okuma của Saga, Gotō, Sakamoto và Sasaki của Tosa, Yuri của Fuki, Mutsu và Katsu của Mạc phủ, tất cả đều đã một lần học tại Nagasaki, trung tâm Lan học hiện đại của cả đất nước.

    Sự phát triển giáo dục thời Tokugawa gắn liền với sự phát triển văn hoá Edo. Edo là thời kỳ của nghệ thuật và học thuật. Tokugawa chọn con đường đóng kín không phải để suy tàn, mà ngược lại, để phát triển bản sắc Nhật Bản không bị phá rầy, đưa sức sống của dân tộc lên đỉnh cao văn hoá và nghệ thuật, vun xới đạo đức và bản sắc. Đó là thời kỳ của sự tự tôi luyện, sự quyết tâm tự khẳng định mình, biến đổi miếng đất hoang sơ thành một vườn hoa sặc sỡ, phát triển các hình thái nghệ thuật lên cao nhất, để bản sắc Nhật Bản trở thành nền tảng không lung lay được trong thời mở cửa xáo trộn sau, để tài năng Nhật Bản được tinh luyện làm niềm tin của dân tộc. Khi mở cửa, nghệ thuật Nhật Bản đã chinh phục được các quốc gia phương Tây và quốc gia được nể phục.

    [​IMG]
    Tấm bình phong sơn mài hoa Iris của Ogata Kōrin (1658-1716), bậc thầy tiên phong về hội hoạ thời Edo, là thời đại hưng thịnh của nghệ thuật, để lại dấu ấn mãi mãi trong lịch sử Nhật Bản. Otaga Kōrin là tấm gương lớn của những người trường phái ấn tượng đầu tiên của Pháp. Các cuộc triển lãm tranh nghệ thuật của nghệ sĩ Nhật Bản nửa cuối thế kỷ 19 trong thời mở cửa tại châu Âu cũng như tại Hoa Kỳ đã mang đến cho Nhật Bản một sự công nhận lớn trong lãnh vực nghệ thuật. Không phải chỉ có phương Tây chiếm lĩnh Nhật Bản qua các hiệp định thương mại, mà Nhật Bản đã chiếm lĩnh sân khấu nghệ thuật phương Tây qua nghệ thuật. Van Gogh cũng chịu ảnh hưởng của hội hoạ Nhật Bản. Nhiều người Mỹ thừa nhận tính ưu việt của nghệ thuật Nhật Bản. Một làn sóng lớn, “tsunami”, du lịch từ phương Tây, nhất là từ Hoa Kỳ đã đổ sang Nhật Bản vì sự ngưỡng mộ dân tộc đặc biệt này. Người Nhật cảm thấy tự tin khi bước vào sân chơi của cộng đồng các cường quốc. (Ảnh: nguồn Wikipedia)
    Lan học, cuộc dịch thuật vĩ đại

    Còn một sự kiện ‘khủng’ khác cần được nói lên ở đây. Đó là cuộc dịch thuật vĩ đại hai thế kỷ của giới trí thức Nhật Bản trong thời Tokugawa tự đóng cửa. Sáu năm sau khi Copernicus qua đời (1543) và tác phẩm cách mạng Về chuyển động quay của các thiên thể xuất bản, Nhật Bản tiếp xúc với những người phương Tây đầu tiên. Nhưng năm mươi năm sau, Nhật Bản, như chúng ta biết, chọn con đường đóng kín cửa, “toả quốc”, sakoku, từ 1640 (Việt Nam từ 1630), khi thấy sự phát triển của Kitô giáo là nguy hiểm cho tinh thần dân tộc và cho quyền lực. Nhật Bản chỉ chừa một cửa thông thương duy nhất với Hà Lan tại Dejima, Nagasaki. Sự đóng kín này kéo dài cho đến hết thời Tokugawa năm 1868. Vậy mà trong điều kiện đó, đây là điều Việt Nam không có, trí thức Nhật Bản đã làm một cuộc dịch thuật vĩ đại sách vở phương Tây. Tuy không quyển sách nào thoát khỏi bàn tay kiểm duyệt nghiêm ngặt của Mạc phủ, tuy giới học giả phải làm việc trong điều kiện khó khăn, đôi khi phải trả giá bằng tính mệnh, nhưng họ đã làm nên mộtcuộc dịch thuật vĩ đại từ cái được gọi là Lan học, rangaku, Dutch learning (“Lan” là gọi tắt của Hà Lan), bắt cầu cho khai trí, khoa học, kỹ thuật để Minh Trị Duy Tân bước tới mạnh mẽ.

    Trí thức Nhật, nhất là giới bác sĩ, đặc biệt chú ý đến khoa học kỹ thuật từ châu Âu qua các tác phẩm dịch từ tiếng Hà Lan. Họ nhìn thấy trong đó một nền văn minh mới xuất hiện, và ý thức rằng, nếu một ngàn năm trước Nhật Bản đã từng gửi học giả và tăng lữ sang Trung Hoa để học văn hoá, thì nay, họ cũng đang đứng trước một nền văn minh mới đồ sộ cần phải học hỏi, và họ phải tự học trong sự dè chừng của Mạc phủ. Qua Lan học – hay Tây học qua tiếng Hà Lan – người Nhật học hầu như tất cả các môn khoa học và công nghệ phương Tây: y khoa, sinh học, thiên văn, toán học, vật lý, hoá học, điện, cơ học, máy bơm, đồng hồ, máy hơi nước, kính thiên văn, kính hiển vi, luyện kim, đúc súng, đóng tàu…Họ thường xuyên theo dõi sự tiến bộ khoa học công nghệ châu Âu. Các thương nhân Hà Lan ngay từ đầu được Mạc phủ yêu cầu hàng năm viết báo cáo (fūsetsugaki) cho chính phủ tướng quân về tình hình thế giới, và về cuộc cách mạng công nghệ và khoa học ở châu Âu.

    Từ thế kỷ 18, tức khoảng một thế kỷ sau tác phẩm Principia của Newton, các học giả Lan học đã nắm bắt được vật lý Newton, họ đã dịch được các khái niệm như “trọng lực” (jūryoku), “lực hút” (inryoku), “lực ly tâm” (enshinryoku), “khối tâm” (jūten, centre of mass) vẫn còn được sử dụng ngày nay. Các học giả Lan học đã hiểu các hiện tượng điện, tĩnh điện, hiểu nguyên lý ắc-quy của Volta đầu thế kỷ 19, chỉ mấy năm sau khi Volta phát minh ở châu Âu. Họ hiểu hoá học của Lavoisier, có thể chế tạo kính thiên văn không lâu sau Hans Lippershey và Galilei đầu thế kỷ 17; chế tạo đồng hồ, máy bơm, súng hơi, chế tạo những con búp bê cơ khí tự động phục vụ trà. Đặc biệt máy hơi nước được Nhật Bản chế tạo lần đầu tiên năm 1853. Người Nhật đã đóng được tàu chiến chạy hơi nước chỉ hai năm sau cuộc gặp gỡ lịch sử với Commodore Perry 1853. Tất cả cũng chỉ dựa trên bản vẽ. Một quan chức Hà Lan bình luận rằng “Tuy có những sự không hoàn chỉnh về chi tiết, nhưng tôi phải ngã mũ trước dân tộc thiên tài có khả năng chế tạo những thứ này mà họ không hề thấy một chiếc máy thực ngoài đời, chỉ dựa trên các bản vẽ đơn thuần.”

    Cuộc dịch thuật diễn ra trong hai thế kỷ với hàng ngàn cuốn sách được xuất bản và truyền bá trong giới học thuật, làm cho người ta nhớ đến cuộc dịch thuật vĩ đại văn minh Hy Lạp cổ đại và Ả rập vào châu Âu hai thế kỷ 11 và 12 đúng lúc đại học châu Âu đang hình thành, làm cho đại học và khoa học châu Âu phát triển mạnh mẽ. Chỉ có khác một điều: trong khi cuộc dịch thuật ở châu Âu được phần lớn các học giả Ả rập thực hiện thì ở Nhật Bản cuộc dịch thuật được do chính người Nhật thực hiện, những người được đào tạo từ một nền văn hoá rất khác. Phương Đông chưa có cuộc dịch thuật nào như cuộc dịch thuật Nhật Bản phản ảnh trung thực nền khoa học kỹ thuật phương Tây. (Cuộc dịch thuật ở Trung Hoa bởi các nhà truyền giáo bóp méo một phần khoa học vì mục tiêu truyền giáo, và gặp sức ỳ mãnh liệt của sự tự mãn văn hoá Trung Hoa). Đây là một sự lặp lại kỳ thú của lịch sử giữa Tây và Đông. Hai trăm năm dịch thuật ở Nhật Bản Tokugawa cũng là thời gian tại châu Âu diễn ra các cuộc cách mạng khoa học, công nghiệp dữ dội, tạo nên sự mất cân bằng lực lượng nghiêm trọng trên thế giới dẫn tới thay đổi lớn lao chưa từng có trong lịch sử loài người. Người Nhật đã biết tiếp cận các cuộc cách mạng đó từ xa để chuẩn bị mình.

    Người Nhật không thể yêu nước trong sự mê muội, vô minh, lại càng không yêu nước bằng những nội dung khuôn sáo không thực chất. “Chúng ta cảm thấy xấu hổ làm sao khi khám phá ra sự ngu dốt của mình” với tư cách là người phục vụ đại danh và đất nước, như một lời tự thú của Siguta Gempaku (1733-1817), một bác sĩ tên tuổi và là người đã tạo cú hích quan trọng cho Lan học cuối thế kỷ 18, sau khi ông chứng kiến rằng cấu trúc của cơ thể con người không giống như sách vở của Trung Hoa hay Nhật Bản bấy lâu nay, mà giống chính xác các bản vẽ cơ thể học của một quyển sách từ phương Tây (Tafel Anatomia), sau đó được Gempaku và các đồng nghiệp dịch ngay sang tiếng Nhật, tạo cú hích mạnh mẽ cho phong trào Lan học.

    Kết luận

    Nói tóm lại, Nhật Bản là một dân tộc có óc tò mò không bao giờ nguôi, tinh thần khao khát học hỏi cái mới mãnh liệt không bao giờ tắt, và khả năng hiểu biết nhanh chóng, để hoàn thiện mình, để bảo vệ đất nước, để “kiểm soát những người man di bằng tri thức của họ”, và vì thế họ đọc sách dữ dội, và đã thành công dữ dội. Thế kỷ thứ bảy và tám họ đã từng vượt biển trong hiểm nguy để học văn hoá Trung Hoa đem về xây dựng nền tảng văn hoá riêng của họ. Rồi một ngàn năm sau, cũng trong khó khăn và nguy hiểm, giới trí thức đã tiến hành cuộc dịch thuật văn hoá phương Tây hai thế kỷ liền, và từ 1868 trở đi một cách bùng nổ, để có thể nhanh chóng hiện đại hoá đất nước với mục tiêu trở thành ngang bằng với các cường quốc phương Tây. Đó là hai sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử văn hoá nước Nhật. Và họ đã thành công. Họ bỏ lại Trung Hoa từng là trung tâm văn hoá đối với họ, để rồi chính Trung Hoa sau đó phải học lại họ. Nhật Bản đã từng trở thành trung tâm văn hoá mới và niềm hy vọng ở phương Đông, thay thế cho cái trung tâm Trung Hoa cũ đang rệu rã.

    Nhật Bản là tấm gương “tổng hợp văn hoá Đông Tây” của thế giới mà không mất đi bản sắc sâu đậm của mình. Họ là một tấm gương tuyệt vời của sự tự-khai trí vươn lên. Họ đóng cửa mà không hư hỏng hay hỗn độn. Ngược lại, họ đóng cửa để phát triển các tố chất dân tộc thành tinh hoa, làm bước chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp vững chắc, không chao đảo khi mở cửa ồ ạt thời Minh Trị. Họ là một dân tộc văn hoá đáng kính phục.

    Charles Darwin nói đâu đó trong lá thư gửi cho một người bạn, rằng đối với ông Nhật Bản là một kỳ quan trong những những kỳ quan của thế giới, nếu không muốn nói là kỳ quan lớn nhất.

    Chúng ta người Việt Nam nên học văn hoá đọc sách độc đáo của người Nhật, óc tò mò của họ, học để sáng tạo cho đất nước. Nếu chỉ học với mục đích có được một nghề để sống, điều đó quý cho bản thân, gia đình, nhưng dễ dẫn đến sự tự mãn làm cho người ta không đọc sách nữa khi đã đạt được mục đích. Với tinh thần đó, Việt Nam chỉ có cá nhân chứ không có quốc gia. Chỉ có đọc sách với tinh thần người Nhật là muốn hiểu biết thế giới đã, đang nghĩ gì, làm gì để tái tạo tinh hoa thế giới và sáng tạo cái mới làm giàu đất nước Việt Nam, điều đó mới giúp cho chúng ta đọc sách mãi mãi không thôi, đọc cuồng nhiệt trong thế giới tri thức vô tận. Và chỉ trên cơ sở đó, văn hoá đọc mới có thể thăng hoa. Không phải chỉ vài ngàn, mà hàng triệu các bản sách hay mới có thể được đọc giả hâm mộ và háo hức đón nhận. Và cũng chỉ trên cơ sở đó, nhân dân mới nhanh chóng ấm no, đất nước mới phú cường, giang san mới bền vững.

    Nguồn: nghiencuuquocte.org
     
  18. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Năm giải Nobel ghi dấu ấn trong lịch sử

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link

    Giải Nobel văn chương là hình thức thưởng công cho các tác giả mà sự nghiệp văn chương của họ đóng góp nhiều cho làng văn học thế giới. Phần thưởng quý báu này đương nhiên vinh danh các nhà văn, nhưng cũng vinh danh các nhà thơ, các triết gia, tác giả viễn xứ hay những người đối lập với đảng cầm quyền, theo di chúc của Alfred Nobel thì miễn sao tác phẩm của họ biểu thị một «khuynh hướng lý tưởng chủ nghĩa». Neruda, Camus, Hemingway, Beckett, Mann là những người có được tính thiên cảm này và họ đã ghi dấu ấn trong lịch sử của nền văn học thế giới, và viện Hàn lâm Thụy Điển.


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Pablo Neruda, nhà thơ gốc Chili, Nobel 1971
    Giải Nobel văn chương đôi khi lại mang một ý nghĩa chính trị. Và đó chính là trường hợp của Pablo Neruda.
    Pablo Neruda làbút danh của Ricardo Eliecer Neftalí Reyes Basoalto, một trong những tác giả nổi tiếng nhất và được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất của Chi-li. Ông chọn bút danh này để tưởng nhớ thi sỹ Tiệp Khắc Jan Neruda (1834 – 1891). Neruda sinh ngày 12 tháng bảy năm 1904 tại Parral, thuộc tỉnh Linares, và qua đời ngày 23 tháng chín năm 1973 ở Santiago, Chi-li. Ông là một nhà văn, nhà thơ, chính trị gia, triết gia, đồng thời cũng là một nhà ngoại giao nổi tiếng, một nhân vật quan trọng trong chính quyền Chi-li. Ông được bầu Thượng nghị sỹ năm 1945, nhưng sau đó bị buộc tội phản quốc vì đã công khai phê phán chính quyền đương nhiệm, nên phải viễn xứ. Những ý tưởng chính trị đã khiến ông quyết định về nước tranh cử Tổng thống năm 1970, nhưng tự rút lui để ủng hộ Salvador Allende, vốn là người đứng đầu đảng Xã hội và là một thân hữu của ông. Salvador Allende đắc cử ngày 4 tháng chín năm 1970 và bổ nhiệm ông làm Đại sứ Chili tại Pháp, và chính tại đây, vào tháng mười năm 1971, ông hay tin mình đã được trao vòng nguyệt quế của giải Nobel Văn chương, nhờ khối tài sản thơ đồ sộ của ông. Ông qua đời chỉ 12 ngày sau cú đảo chính của tướng Pinochet chống Tổng thống Allende. Nguyên nhân về cái chết của ông vẫn còn là một bí ẩn. Vào năm 1974, trong cuốn tự truyện được xuất bản sau khi ông qua đời có tiêu đề Tôi thú nhận là tôi đã sống, có đoạn trích :
    «Tôi muốn sống trong một đất nước mà ở đó không có kẻ bị rút phép thông công.
    Tôi muốn sống trong một thế giới, nơi con người chỉ có tình nhân loại, mà không gì khác ngoài chức danh này, không bị ám ảnh bởi một quy định, bởi một từ, bởi một nghi thức.
    Tôi muốn người ta có thể bước vào trong tất cả mọi nhà thờ, trong tất cả mọi xưởng in.
    Tôi muốn người ta không bao giờ đợi ai đó nữa, trước cửa một tòa thị chính để bắt người, để trục xuất họ.
    Tôi muốn tất cả cười tươi bình đẳng ra vào nhà Ủy ban .
    Tôi không còn muốn bất kỳ ai bỏ trốn bằng thuyền gondole, rằng ai đó bị các xe mô tô truy đuổi.
    Tôi muốn rằng số đông đông đúc, số đông duy nhất : tất cả mọi người có thể nói, đọc, nghe và thăng hoa.»

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Samuel Beckett : Nhà văn và nhà soạn kịch Irlande, Nobel 1969 – Một nghệ sỹ đi tìm sự yên lặng
    «Do cứ kêu đó là cuộc đời tôi, thì rốt cục tôi đã tin điều đó. Đó là điều căn bản của quảng cáo». Samuel Becket luôn cẩn trọng tránh xa giới truyền thông và hầu như không bao giờ chấp thuận cuộc phỏng vấn nào và sự kín đáo của ông đã gần như trở thành huyền thoại, ngay cả khi được trao giải Nobel. Chính Xuất bản gia tiếng Pháp của ông, vị giám đốc Nhà xuất bản Minuit lừng danh, đã nói điều này trên đài truyền hình.

    Samuel Becket sinh ngày 13 tháng Tư năm 1906 tại Foxrock, một khu ngoại ô khá giả ở phía nam thành Dublin, và qua đời ngày 22 tháng mười hai năm 1989. Sinh thời, ông viết văn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Nếu như ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết và những bài văn xuôi dạng thơ, thì tên tuổi của ông lại được gắn bó nhiều hơn với thể loại Sân khấu Phi lí, mà vở Trong lúc đợi Godot (1952) là một trong những minh họa tiêu biểu nhất.

    Toàn bộ sự nghiệp văn chương của Beckett phản ánh sự thấu hiểu sâu sắc về bi kịch thân phận tồn tại trên trần thế: «Anh được sinh ra trên trần gian, thì không còn phương thuốc chữa trị nữa !”, - Hamm, nhân vật chính của vở Tàn cuộc chơi (Fin de partie), đã nói thế. Cuộc đời này dẫu sao cần được sống. Bởi chính vì thế mà cuối tác phẩm Không thể gọi tên (L’Innommable), được viết : «Phải tiếp tục, tôi không thể tiếp tục được nữa, tôi sẽ tiếp tục ».

    Tác phẩm là nhân chứng về đoạn kết của một thế giới. Là một nhân chứng sáng suốt trong thời ông sống, Beckett đã thông báo sự kết thúc của nghệ thuật (Trong lúc chờ đợi Godot) và đoạn cuối của một thời kỳ được ghi dấu ấn bởi tính ưu việt ở châu Âu của văn hóa Pháp (Tàn cuộc chơi), trước khi những chủ đề này trở nên được ưa chuộng. Nghệ thuật không còn có thể khiến cho thế giới đẹp lên như trong quá khứ. Một số ý tưởng về nghệ thuật đã đi đến đoạn cuối của nó. Beckett nhấn mạnh thói đạo đức giả trong Ô những ngày đẹp trời. Winnie hân hoan trong một thế giới mà mỗi ngày lại đem đến sự «tích lũy hiểu biết », trong khi trên tay Willie, bạn trai của cô, lại đang phấp phới một tấm bưu ảnh khiêu dâm.

    Tóm lại, ta có thể chia cuộc đời nhà văn Beckett thành ba phần : Phần thứ nhất: những tác phẩm đầu tiên cho đến cuối cuộc Đại chiến thế giới thứ II; phần thứ hai: từ 1945 đến 1960, trong thời kỳ này ông viết những vở kịch nổi tiếng nhất; và phần cuối: từ 1960 cho đến khi ông qua đời, trong thời kỳ này, ông xuất bản ít, và văn phong của ông càng ngày càng trở nên minimaliste (một trào lưu nghệ thuật thịnh hành trong những năm 1960 tại Mỹ: đưa vào ít yếu tố nhất và làm xáo trộn vạn vật đến mức ít nhất).

    Trong cuốn tiểu sử của Giải Nobel Văn chương 1969 này do James Knowlson viết, chúng ta sẽ nhận thấy rõ những ảnh hưởng và thị hiếu văn chương của Beckett (Shakespeare, Dante, Joyce, Racine, Diderot, Stendhal, Swift, Sterne ou Rabelais). Sự khám phá những thể loại khác nhau khiến Beckett say mê trong nghệ thuật, cũng như hình mẫu của ông: Beckett thừa kế sự tương đương của Joyce: “Hình thức là nội dung, nội dung là hình thức” mà sau này ông sẽ đúc kết để tận dụng lối viết và tìm kiếm những cách thức diễn đạt khác nhau.

    Trong suốt cuộc đời cầm bút của Beckett, ta có thể nhận thấy rằng ông luôn không ngừng tặng chúng ta một bài học về tính ngoan cường bền bỉ, nhuốm màu khiêm nhường. Năm 1982, khi đã 76 tuổi, người ta đặt ông viết một tác phẩm, ông từ chối những vẫn nói “Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ thử sức”. Trước khi qua đời, vào tháng mười hai năm 1989, ông xuất bản những dòng viết cuối cùng của mình, một bài thơ mang tên “Nói thế nào đây”, mở đầu bằng từ “khùng điên”, và vẫn luôn luôn chăm tỉa về sự bất lực của ngôn ngữ khi muốn sao chép lại một cách trung thành một thế giới thực tế và mặt khác là kiệt lực, chết dần trong một sự im lặng mãi mãi. Chính vì thế, bền bỉ cho đến tận cuối đời, Beckett sẽ còn mãi thực hiện một cuộc dò kiếm sự yên lặng. Trong một lá thư gửi Parmela Mitchell, Beckett viết: “Ý tưởng về hạnh phúc không còn bất kỳ ý nghĩa nào với tôi nữa. Tất cả những gì tôi muốn, đó là được ở trong yên lặng.”


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Albert Camus, Nobel 1957
    Năm ấy Ủy ban xét duyệt đồng loạt bỏ phiếu cho Albert Camus. Nhà văn được bầu vì “với một sự nghiêm túc sắc sảo, toàn bộ khối tác phẩm đã vạch rõ những vấn đề được đặt ra trong thời đại chúng ta trước ý thức của con người”. Ông qua đời trong một tai nạn giao thông khủng khiếp sau khi nhận vòng nguyệt quế được ba năm, và trước khi hoàn thành cuốn tự truyện Người Đàn ông đầu tiên. Là một người khiêm nhường, ông không những luôn biết mình là ai mà còn thông tỏ bạn bè trong giới và thường đi trước phản ứng của họ. Giải Nobel Văn chương năm ấy đã khiến cha đẻ của Người Xa Lạ vừa thỏa mãn vừa sợ. Phản ứng đầu tiên của ông trước báo chí sau khi được trao giải: “Lẽ ra phải là Malraux được trao giải này.” Đó là phép lịch sự của một Quí ông cao thủ bậc thầy nhưng cũng là cách mà ông muốn đi trước các phản ứng ác ý mà các trí thức Paris hẳn sẽ sung sướng tung vào ông. Sâu trong lòng mình, Camus biết rõ “thế giới” ấy đã đặt ông đứng sau Malraux. Chính ông cũng thấy mình còn quá trẻ và tự đánh giá sự nghiệp còn lâu mới hoàn thiện. Ở điểm này, chúng ta có thể hơi hình dung điều gì đó qua lời nhắn gửi của ông. Ông ngỡ đã bị cạn kiệt cảm hứng. Ông đau buồn trước thảm kịch đang diễn ra ở Algérie, và những rắc rối riêng tư khiến ông lắc lư giữa sự chơ vơ cô đơn và cơn tức giận thầm kín, và điều đó đã khiến niềm ham muốn luôn sẵn sàng sống vui vẻ của ông bị giảm nhiệt. “Một xã hội Paris gièm pha chê bai, và chẳng thèm quan tâm đến Giải Nobel, giải thưởng vốn luôn khiến toàn thể châu Âu và lớp trẻ hào hứng” ông nói. Xã hội văn chương Paris thờ ơ bởi đó là một nhà văn được cho là chưa có đẳng cấp, trong khi thời kỳ ấy vẫn còn mang nặng chủ nghĩa Staline, tất cả những thành phần li khai ở Đông Âu đều sung sướng mãn nguyện. Sau Roger Martin du Gard, André Gide và François Mauriac, thì đây, ngay sau chiến tranh, ngự trên đỉnh cao vinh quang là một chàng trai bình dân đến từ khu nghèo thuộc thành phố Alger và mẹ đẻ anh ta đã từng làm nghề giúp việc nhà.

    Tất cả những người được trao giải trước ông ở Stockholm đều thuộc tầng lớp quí tộc danh giá, khá giàu có để tự cho phép chờ đợi được nổi tiếng mà không quá sốt sắng. Thế thì tại sao lại là Camus chứ? Phải chăng các thành viên ban giám khảo giải Nobel đã dự đoán rằng Quán quân trẻ tuổi của họ - trẻ nhất, chỉ sau có Kipling -, sẽ qua đời ba năm sau đó ư? Một tai nạn xe hơi kinh hoàng khi ông mới chớm tuổi 47 đã chấm dứt một cuộc đời rạng rỡ và làm biến dạng một số phận. Trong bài diễn văn đọc tại Stockholm ông nhấn mạnh rằng theo ông, giải thưởng Quốc tế năm nay được trao cho một người Pháp – Algérie. Ông muốn nhắc cho mọi người nhớ rằng trong số dân tộc được chỉ định dưới cái tên “Pied-noir”, bao gồm cả những ông chủ Thực dân sung túc, vậy thì hoàn toàn có thể có những người xuất thân nghèo hèn nhưng có khả năng đem lại danh dự cho Tổ Quốc mình và cả nhân loại. Trong bức thông điệp này, Camus hoàn toàn là người Algérie, và ta còn thấy điều ấy lộ rõ hơn cả trong câu trả lời đám sinh viên Algérie tại Stockholm: “Giữa mẹ tôi và công lí, tôi luôn thích mẹ tôi hơn.” Câu này có vẻ khiến một số người bị choáng, và chúng ta phải đợi đến tận tháng 5/2006 để nghe một đương kim Tổng thống Algérie, ngài Bouteflika, tuyên bố rằng sự so sánh giữa Mẹ và Công lí được Camus đưa ra đã lột tả một thứ tình cảm thực sự và sâu sắc của thuần phong mỹ tục Algérie. Cùng thời, người ta không biết nhiều về Camus lẫn các tác phẩm của ông. Nếu trên thực tế, Người Xa lạ (L’Etranger) được đọc liên tục và là một trong những tác phẩm đương đại Pháp được dịch nhiều nhất trên thế giới, thì nó đã từng bị các giáo sư đại học “tìm kiếm bới móc mổ xẻ tra tấn” hệt như một nơi chuộc tội vậy. Chỉ mới gần đây, người ta mới thừa nhận rằng, tác giả này cũng như Gide, Malraux, Aragon và Giono, là một nhà sư phạm, có trình độ triết học phong phú, ghi tên mình vào truyền thống như Montaigne, Pascal và Diderot. Nhưng người ta không thể biết Camus mà lại không liên tưởng đến Nietzsche và Dostoievski. Ông sẽ còn lấn cấn mãi với nghịch lí “Nếu chẳng có gì tồn tại, vậy thì mọi thứ đều được phép”, và trả lời cho vấn đề này, ông nói rằng đó là bởi cuộc sống không có ý nghĩa gì nên cần phải cho nó một ý nghĩa nào đó.

    Phải thừa nhận rằng Người Xa LạSa ngã là những hiện tượng văn học. Người xa lạ được viết ở ngôi thứ nhất, thành quả lai tạo từ Kafka và Hemingway trên nhân vật Meursault, sự thờ ơ lạnh lùng nơi anh ta không thể dò được, sự quan sát cũng trung tính và trơn truội. Hiện giờ, người ta liên hệ cái chết của Meursault trong Người xa lạ với cái chết của Kaliaev trong Những người chính trực (Camus), nhưng với cả cái chết của Julien Sorel trong Đỏ và Đen (Standal). Các nhân vật này đã chấp nhận cái chết như họ mong muốn khẳng định sự phi lí của thế giới mà các ngài thẩm phán vùng vẫy trong đó.


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Ernest Hemingway, nhà văn Mỹ, giải Nobel năm 1954: “Một nhà văn luôn cần phải cố gắng thử sức làm điều mà chưa ai từng làm...”
    Khi được trao giải Nobel năm 1954, Ernest Hemingway đã thảo một trong những bài diễn văn cảm tạ ngắn nhất trong lịch sử Hàn lâm viện Thụy Điển. Nhưng đó cũng là một trong những bài diễn văn độc đáo bậc thầy nhất, trong đó tác giả đã trình bày quan điểm và cách nhìn của ông về nhà văn: “Cuộc đời của một nhà văn, nói một cách đúng đắn nhất, là một cuộc đời đơn độc[...] Tầm quan trọng của ông ta lớn dần lên dưới con mắt của bạn đọc khi ông ta từ chối sự cô độc của mình, nhưng thường xuyên tác phẩm của ông chịu nỗi đau ấy [...] Với một nhà văn thực sự, mỗi tác phẩm trong số những cuốn sách của ông ấy sẽ phải là một sự bắt đầu mới, một chuyến xuất phát mới về phía điều gì đó ngoài tầm với. Ông ta luôn phải cố gắng thử sức thực hiện điều gì đó mà nó vẫn còn chưa được thực hiện bao giờ, hoặc đã có một số người thử nhưng không thành công. Thế nên, đôi khi gặp nhiều cơ may, ông ta sẽ thành công.”...

    Tác phẩm Thời đại chúng ta (In Our Time) là một tác phẩm ngắn về cuộc Đại chiến Thế giới lần I với những lộn xộn và cuộc hành hình các Bộ trưởng của Quân vương Hi Lạp... mà Hemingway đã chứng tỏ được toàn bộ sự tuyệt vời của ông tính trong nghệ thuật ngắn gọn, xúc tích. Tác phẩm được xuất bản toàn bộ lần đầu tiên vào năm 1924, trong luồng báo chí William Bird, tại đảo Saint-Louis ở Paris, chính tại nơi nhà văn trẻ Hemingway sinh sống. Trong các lần tái bản sau, truyện đã được bổ xung xen kẽ để xuất bản thành hàng loạt các truyện ngắn. Vả lại, chính vì sự xếp đặt này mà bạn đọc Pháp được làm quen trong tập Truyện ngắn hoàn chỉnh được Nhà xuất bản Gallimard/Quarto phát hành năm 1999. Những Haikus của tác giả bên kia đại dương đã gợi lại hồi ức đẹp trong sự náo nhiệt dễ kích động khôn nguôi của thời kì ấy. Kỳ tích văn chương lớn đến mức đã lấy được nụ cười của một Francis Scott Fitzgerald đang chìm vào trong một thuyết hư vô đầy hào quang óng ánh của rượu gin. “Và biết bao người trong chúng ta, dẫu vẫn rất bạc nhược [...] đã lại tìm thấy một chút hứng khởi của chính mình...” - tác giả của Gatsby ghi nhận.

    Đoạn trích: “Khi ấy, chúng tôi đang ở trong vườn Mons. Chàng trai trẻ Buckley trở về cùng với đội tuần tra của mình sau một chuyến thám thính mà cậu đã thực hiện ở bên kia sông. Người lính Đức đầu tiên mà tôi thoáng nhìn thấy thì đang leo lên bức tường bao quanh khu vườn. Chúng tôi đã đợi anh ta bước một chân qua tường rồi mới nổ súng. Anh ta mang một thứ vũ trang đặc biệt và có vẻ như đã cực kỳ bị bất ngờ, thế rồi hắn gục xuống vườn. Ba tên khác leo tường ở một đoạn hơi xa. Chúng tôi hạ gục chúng. Tất cả bọn chúng đều leo qua theo cùng một cách.” Trong phiên bản gốc, hiệu lực còn mạnh hơn nữa. Hai câu cuối là: “We shot them. They all came just like that.”


    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Thomas Mann, Nhà văn Đức, giải Nobel 1929
    Một tượng đài của nền văn học Đức, Thomas Mann sinh ngày 6 tháng Sáu năm 1875 tại thành phố Lubeck, Đức. Ông là một trong những bộ mặt nổi trội nhất của làng văn học châu Âu trong nửa đầu thế kỷ XX và được coi như một đại văn hào hiện đại của thời kỳ suy tàn. Dần dần cắt đứt với dòng văn chương theo thể thức truyền thống, những tác phẩm của ông bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn và truyện ký, và cả lĩnh vực khoa học nhân văn, lịch sử, triết học, chính trị và phân tích văn học... Tác phẩm của ông tập trung vào nghiên cứu những mối quan hệ giữa một cá thể với cộng đồng xã hội, thường đối lập với đức tin thần linh, sự nghiệt ngã của công việc trí óc và tôn thờ hành động.

    Tác giả của Cái chết ở Venise (1912) và Núi Vi diệu (1924) chính là hiện thân của một bộ phận kháng cự Đức Quốc xã. Nhận vòng nguyệt quế Nobel năm 1929, thì năm 1930 ông tung ra “lời kêu gọi quay lại với chính nghĩa” tại nhà hát Beethovensalle ở Berlin. Khi Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, ông buộc phải viễn xứ. Sau một chuỗi ngày tại Pháp, ông đến Mỹ và đã nhập quốc tịch nước này. Cuối đời, ông mới quay lại Đức và qua đời tại thành phố Zurich vào năm 1955.

    Liệu Thomas Man có phải là một ca điển hình của nhà văn bị sống lưu vong không? Không hẳn. Nhưng chúng ta cũng nên cố gắng hiểu những hậu quả trấn sang tâm lý của sự lưu vong ấy khi đọc những dòng mà tác giả gửi von Molo: “... Bạn đã không phải sống trong cơn ứ ngạt của con tim do tình cảnh lưu vọng gây ra, bạn không bị truất khỏi cội nguồn và phải chịu những nỗi kinh hoàng của kẻ đã bị giằng khỏi tổ quốc của mình và ném đi nơi khác...”

    Tác Phẩm: Có thể nói Thomas Mann đã chỉ viết những kiệt tác và Cái chết ở Venise (der Tod in Venedig, 1912) là một trong số ấy và đã được Dirk Bogarde dựng thành phim. Tác phẩm kể về mối quan hệ đồng tính, và đây cũng là thời kỳ mà nhà văn khám phá ra giới tính thật của chính mình. Gustave Aschenbach đã mê li trước vẻ đẹp thiên thần và sự trinh trắng của cậu bé Tadzio. Một sự quyến luyến sẽ là định mệnh của ông và kéo theo sự suy tàn của chính nhân vật ấy. Được Mann đánh giá là “một bi kịch”, tác phẩm này là sự chiêm ngẫm về cái chết, tình yêu, điều ác, nghệ thuật và văn hóa. Cái chết ở Venise bày tỏ những hoảng loạn của một người đàn ông phải đối diện trước những ác quỉ trong chính mình.

    Đàm đạo về những ý tưởng tự do

    Một kì nghỉ tại khu điều trị bệnh tại Davos và thảm họa của cuộc Đại chiến mà ông đã liên can khá nhiều (ông đã từng ủng hộ Đức Hoàng gia), là nguồn cảm hứng để ông sáng tác tiểu thuyết nổi tiếng nhất của mình Núi Vi Diệu (Der Zauberg). Tác phẩm này, được cấu thành như một sự tái tác mai mỉa của Bildungsroman(Tiểu thuyết đào tạo), làm thành một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển tri thức của ông, đánh dấu sự ra nhập với những ý tưởng tự do, sau một thời gian gần gũi với trào lưu Cách mạng bảo thủ, mà tượng trưng là tác phẩm Những suy nghĩ về một sự phi chính trị, tác phẩm quan trọng được xuất bản năm 1918. Ngoài những suy ngẫm về chính trị, cấu trúc kể chuyện của tác phẩm xen vào những suy ngẫm về nghệ thuật, thẩm mỹ, triết học, lịch sử và tinh thần và nhiều thuyết văn chương. Với các đề tài là sự suy sụp nặng nề về tinh thần, tình yêu và cái chết, với châu Âu trước cuộc Đại chiến, ông xứng đáng được vinh danh và nổi tiếng trên bình diện quốc tế. Nhưng Hàn lâm viện Thụy Điển đã trao cho ông giải Nobel Văn Chương vào năm 1929 là nhờ cuốn Les Buddenbrook(Nhà Buddenbrook). Trước sự lớn mạnh của các chủ nghĩa Cực đoan tại châu Âu, Mann đã cho xuất bản tác phẩm Mario và nhà ảo thuật vào năm trước đó, tác phẩm khơi gợi sự nguy hiểm của những chế độ phát-xít và sự đớn hèn của tầng lớp tri thức.

    Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để xem link
    Paris 18/10/2016
    Hiệu Constant (sưu tầm và tổng hợp)
     
    hpth90, tran ngoc anh and Wanderman like this.
  19. amylee

    amylee Super Moderator Thành viên BQT

    Hồi ức một người bán sách
    Nguồn: tapchisonghuong.com.vn
    08:56 | 30/09/2015
    Đoản văn này được George Orwell viết năm 1936 kể về khoảng thời gian ông làm việc như một nhân viên bán sách bán thời gian tại tiệm sách cũ Booklover’s Corner tọa lạc ngay góc phố Pond Street và South End Green, thành phố London, nước Anh. Hiện nay tiệm sách cũ Booklover’s Corner không còn nữa, thay vào đó là một nhà hàng pizza, tuy nhiên ở đó còn gắn một tấm biển ghi rằng “George Orwell, nhà văn (1903 - 1950) từng sống và làm việc trong một tiệm sách ngay vị trí này”.

    Hồi ức một người bán sách
    GEORGE ORWELL​

    Khi tôi làm việc trong một tiệm sách cũ - nếu bạn chưa từng làm việc ở một nơi như vậy thì rất dễ hình dung, đó là thiên đường nơi những quý nhân lớn tuổi duyên dáng lật giở không ngừng những tập giấy bọc da dê - điều gây ấn tượng nhất với tôi là rất hiếm người thực sự ham đọc sách. Tiệm sách chúng tôi có một kho tài liệu đặc biệt thú vị, tuy nhiên tôi ngờ rằng chỉ mười phần trăm số khách hàng của chúng tôi nhận ra một cuốn sách hay từ mớ hổ lốn đó. Những kẻ săn lùng bản in đầu phổ biến hơn nhiều so với những người mê văn chương, bọn sinh viên phương Đông kì kèo mặc cả những cuốn giáo trình còn đông hơn nữa, nhưng thường xuyên nhất là mấy bà cô hời hợt đi tìm mua quà sinh nhật cho cháu mình.

    Thường lui tới tiệm sách chúng tôi là những loại người sẽ gây phiền toái ở bất cứ đâu nhưng lại có cơ may đặc biệt trong một tiệm sách. Chẳng hạn, bà già đáng yêu “muốn có một cuốn sách không còn tái bản” (một nhu cầu rất phổ biến, vậy đó), rồi những bà cô thân thương khác từng đọc một cuốn sách hay tận năm 1897 và hỏi liệu bạn có thể tìm cho bà ta một cuốn như vậy không. Thật không may, bà ta không nhớ tựa sách hay tác giả cũng như cuốn sách nói về điều gì, nhưng bà ta nhớ rằng nó có cái bìa màu đỏ. Tuy nhiên, ngoài những loại người trên còn hai loại người nổi tiếng luôn ám ảnh những tiệm sách cũ. Một là những người phát ra mùi bánh mốc cứ ghé tiệm mỗi ngày, đôi khi nhiều lần một ngày, và cố gạ bán cho bạn những cuốn sách chẳng có giá trị. Thứ hai là những người đặt sách với số lượng lớn mà chẳng có ý định trả tiền. Tiệm sách của chúng tôi không bán chịu, do đó chúng tôi sẽ xếp những quyển sách đó sang một bên, hoặc đặt hàng giùm nếu cần, để sau đó người ta thu xếp đến nhận chúng về. Hầu như một nửa số người đã đặt sách từ chúng tôi không bao giờ quay lại. Đó là điều làm tôi đau đầu nhất. Điều gì khiến họ làm như vậy? Họ đến và yêu cầu vài cuốn sách quý hiếm và đắt tiền, hứa hẹn với chúng tôi rằng nhất định giữ chúng lại cho họ, rồi sau đó họ biến mất không bao giờ trở lại. Rõ ràng nhiều người trong số họ bị chứng hoang tưởng. Họ thường phô trương về bản thân và kể những câu chuyện tài tình nhất để giải thích làm thế nào mà họ vô ý quên ví tiền ở nhà - trong nhiều trường hợp, tôi chắc chắn những câu chuyện đó làm người khác tin sái cổ. Trong một thành phố như London luôn có rất nhiều bệnh nhân hoang tưởng lượn lờ ngoài đường, và bọn họ thường nhắm đến những tiệm sách, bởi vì đó là một trong những nơi hiếm hoi mà bọn họ có thể ngồi lỳ hàng giờ mà không mất tiền. Rốt cuộc rồi người ta cũng sẽ nhận ra ngay những kẻ này. Những lời khoa trương của bọn họ toàn là những điều cũ mèm và bâng quơ về chính bản thân họ. Thường thì chúng tôi đối phó với loại người hoang tưởng này bằng cách đặt sang một bên những cuốn sách mà hắn ta yêu cầu rồi sau đó xếp chúng trở lại kệ ngay khi hắn quay đi. Tôi nhận thấy không ai trong bọn họ trả tiền để mang sách đi cả; chỉ đơn giản là đặt hàng - tôi cảm thấy điều đó làm cho bọn họ ảo tưởng rằng họ thật sự đã tiêu tiền.

    Giống như hầu hết các tiệm sách cũ, chúng tôi cũng kinh doanh thêm nhiều mặt hàng khác nữa. Chẳng hạn máy đánh chữ cũ, tem - ý tôi là tem chết. Những nhà sưu tập tem là những người kỳ quặc, ít nói, đủ thành phần, mọi lứa tuổi, nhưng chỉ toàn là nam giới; rõ ràng phụ nữ không mấy đặc biệt hứng thú với việc lấp đầy các cuốn album bằng những mẩu giấy nhiều màu nhỏ xíu. Chúng tôi cũng bán lá số tử vi với giá sáu xu được viết ra bởi những người cho rằng họ đã dự báo đúng trận động đất ở Nhật Bản. Chúng được bỏ trong phong bì dán kín và tôi chưa bao giờ thử mở ra xem, nhưng những người mua chúng thường trở lại và kể với chúng tôi rằng lá số tử vi của họ rất “đúng”. (Chắc chắn rằng bất kỳ lá số tử vi nào cũng có vẻ “đúng” nếu nó phán rằng bạn rất hấp dẫn đối với người khác giới và sai lầm tồi tệ nhất của bạn là sự rộng lượng.) Chúng tôi bán chạy nhất là sách cho trẻ con, nhất là “sách giảm giá”. Sách mới cho trẻ con toàn viết những điều khủng khiếp, đặc biệt là khi bạn thấy chúng hàng đống trong tiệm. Riêng tôi thường giới thiệu cho bọn trẻ đọc sách của Petronius Arbiter1 thay vì Peter Pan, nhưng ngay cả Barrie2 cũng còn mạnh mẽ và bổ ích hơn so với một số người bắt chước ông sau này. Vào dịp Giáng sinh, chúng tôi thường dành mười ngày đánh vật với thiệp và lịch Giáng sinh, khoảng thời gian này tuy vất vả nhưng rất có lãi khi mùa lễ kéo dài. Điều này tạo cơ hội cho tôi biết được những trò giễu cợt thô thiển khai thác trên tình cảm Thiên Chúa giáo. Những nhân viên chào hàng đến từ các hãng thiệp Giáng sinh thường gửi cho chúng tôi danh mục sản phẩm vào đầu tháng Sáu. Tôi nhớ mãi một cụm từ ghi trong hóa đơn của bọn họ. Đó là: “2 tá. Chúa hài đồng với lũ thỏ”.

    Nhưng nghề làm thêm chính của chúng tôi là cho thuê sách - thường với giá “hai xu không cần đặt cọc” cho một cuốn sách năm hay sáu trăm trang, sách gì cũng được. Bọn trộm sách phải yêu quý những tiệm sách lắm! Bởi đây là cách kiếm tiền dễ nhất trên đời khi thuê một cuốn sách ở tiệm này với giá hai xu, sau đó gỡ nhãn và bán nó cho một tiệm khác để lấy một shilling. Dù vậy các tiệm sách thường nhận thấy rằng thà chấp nhận mất một số sách nhất định (mỗi tháng tiệm chúng tôi thường bị mất khoảng hơn chục cuốn) còn hơn là bắt khách phải đóng tiền cọc.

    Tiệm chúng tôi nằm ngay vùng giáp ranh giữa 2 quận Hampstead và Camden Town, và là nơi lui tới thường xuyên của mọi loại người từ những nhà quý tộc cho đến người soát vé xe buýt. Có lẽ khách hàng thường xuyên của chúng tôi là những đại diện tiêu biểu của giới đọc sách thành London. Vì vậy, điều đáng lưu tâm là tác giả nào được ưa chuộng nhất trong trong tiệm sách của chúng tôi - phải chăng là Priestley3? Hemingway? Walpole4? hay Wodehouse5? Không, đó là Ethel M. Dell6, tiếp theo là Warwick Deeping7 và thứ ba là Jeffrey Farnol8. Tất nhiên các tiểu thuyết của Dell chỉ có phụ nữ đọc, các bà các cô mọi thành phần và đủ lứa tuổi, chứ không chỉ là các bà cô không chồng đang khao khát và mấy bà vợ béo ú trông cửa hàng thuốc lá như người ta thường nghĩ. Điều đó không có nghĩa đàn ông không đọc tiểu thuyết, nhưng sự thật là họ tránh xa những dòng sách đó. Nói nôm na, những gì người ta có thể gọi là tiểu thuyết hạng xoàng - tầm thường, ba xu, Galsworthy9 - pha loãng là tiêu chuẩn của tiểu thuyết Anh - dường như chỉ tồn tại dành cho phụ nữ. Đàn ông đọc một trong hai loại là đứng đắn hoặc trinh thám. Nhưng khả năng ngốn truyện trinh thám của họ thật đáng nể. Tôi biết một trong những vị khách quen của chúng tôi mỗi tuần đọc bốn hoặc năm cuốn trinh thám trong hơn một năm, chưa tính những cuốn mà ông mượn từ những nơi khác. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là ông ta không bao giờ đọc một cuốn nào đó hai lần. Rõ ràng ông ta có một sức chứa phi thường (tôi nhẩm tính những trang sách mà ông đã đọc hàng năm có thể phủ lên một bề mặt gần ba phần tư mẫu Anh) những điều đã đọc và ghi nhớ chúng. Ông ta chả thèm quan tâm tựa sách hoặc tên tác giả, nhưng chỉ cần nhìn thoáng qua cuốn sách thì ông có thể xác định rằng nó “đã được đọc rồi”.

    Trong một tiệm cho thuê sách bạn biết được thị hiếu thực sự chứ không phải là sự giả bộ của mọi người, và một điều bạn sẽ ngạc nhiên rằng những tiểu thuyết gia cổ điển Anh không hề được ưa chuộng. Thật là vô ích khi cố đưa Dickens, Thackeray, Jane Austen, Trollope10, v.v vào các tiệm cho thuê sách bình dân; chẳng ai rớ tay đến những cuốn sách của họ. Mỗi khi thấy một cuốn tiểu thuyết từ thế kỷ 19 người ta liền nói, “Ồ, nhưng nó lạc hậu rồi!” Rồi lảng đi ngay lập tức. Tuy nhiên, sách của Dickens luôn dễ bán, Shakespeare cũng vậy. Dickens là một trong những tác giả mà mọi người luôn “phải đọc”, và giống như Kinh Thánh, ông được biết đến rộng rãi một cách gián tiếp. Người ta biết đến ông bởi nghe kể về tên đầu trộm đuôi cướp Bill Sikes11 hay là cái đầu hói của ông Micawber12, cũng như người ta biết Kinh Thánh bởi được kể rằng ông Moses được tìm thấy trong một cái thúng giữa đám lau sậy và được Thiên Chúa cho xem lưng. Một điểm đáng chú ý là ngày càng nhiều sách từ Hoa Kỳ được phổ biến rộng rãi. Điều nữa - làm cho các nhà xuất bản rơi vào khủng hoảng hai hoặc ba năm một lần - là truyện ngắn không được ưa chuộng. Có những người khi thuê sách lúc nào cũng “Tôi không cần truyện ngắn”, hay “Tôi không mê những mẩu chuyện cụt lủn”, một vị khách người Đức hay ghé tiệm chúng tôi thường nói như thế. Nếu bạn hỏi họ lý do tại sao, đôi khi họ giải thích rằng mỗi lần đọc một truyện ngắn thì phải mất công làm quen với một đám nhân vật mới; họ thích “nhâm nhi” một cuốn tiểu thuyết mà chẳng cần bận tâm thêm nữa sau chương đầu. Mặc dù vậy tôi tin rằng lỗi ở đây thuộc về tác giả chứ không phải là độc giả. Hầu hết các truyện ngắn Anh - Mỹ hiện đại hoàn toàn vô hồn và vô giá trị so với tiểu thuyết. Truyện ngắn là những câu chuyện khá phổ biến, truyện ngắn và tiểu thuyết của D.H. Lawrence đều phổ biến như nhau.

    Tôi có muốn trở thành một người bán sách chuyên nghiệp không? Câu trả lời là không - mặc dầu ông chủ đối xử tử tế với tôi và tôi đã có những tháng ngày thật hạnh phúc nơi tiệm sách.

    Với một vị trí tốt và số vốn vừa đủ, bất kỳ người có học nào cũng có thể sống an nhàn bằng cách mở một tiệm sách. Trừ khi dấn thân vào con đường buôn bán sách “quý hiếm” thì đây không phải là một nghề khó làm, và bạn khởi nghiệp với một lợi thế tuyệt vời nếu bạn biết bất cứ điều gì bên trong cuốn sách. (Hầu hết những người bán sách đều không biết. Bạn có thể kiểm chứng bằng cách lướt qua những tờ báo thương mại nơi quảng cáo đủ mọi nhu cầu của họ. Nếu bạn không đọc được mẩu quảng cáo cuốn “Decline and Fall” của Boswell thì chắc chắn bạn sẽ tìm thấy bài đăng về cuốn “The Mill on Floss” của T.S. Eliot).13 Ngoài ra, đó là một nghề kinh doanh đầy tính nhân văn mà không thể bị tầm thường hóa đến một mức độ nhất định. Các hiệp hội không bao giờ có thể ép một tiệm sách nhỏ lẻ loi phải đóng cửa như họ đã ép những tiệm tạp hóa và cửa hàng sữa. Nhưng làm ở tiệm sách rất tốn thời gian - Tôi chỉ là một nhân viên bán thời gian, nhưng ông chủ yêu cầu tôi phải làm bảy mươi giờ một tuần, đó là chưa tính thời gian làm thêm trong những chuyến gom sách bên ngoài - và đó là một nghề có hại cho sức khỏe. Một quy luật trong tiệm sách là vào mùa đông thì lạnh khủng khiếp, vì nếu nó quá ấm thì các cửa sổ sẽ bị mờ đi, mà những người bán sách cũ thì sống nhờ vào những ô cửa sổ. Những cuốn sách cho ra nhiều bụi hơn và bẩn hơn bất kỳ thứ nào khác được con người phát minh ra, và mép trên cùng của một cuốn sách là nơi lý tưởng chứa xác của lũ ruồi nhặng bị chết.

    Nhưng lý do thực sự tôi không thích theo đuổi nghề bán sách là vì khi tôi làm nghề đó tôi đánh mất đi tình yêu đối với sách. Một người bán sách thì thường hay nói dối về những cuốn sách và điều đó tạo cho anh ta sự chán ghét đối với chúng; điều tồi tệ đó cứ bám riết lấy anh ta khi mà ngày nào anh ta cũng cứ lặp đi lặp lại việc lau bụi và sắp xếp chúng. Có một thời tôi thực sự say mê những cuốn sách - ngắm nhìn, ngửi và cảm nhận chúng, nhất là đối với những cuốn tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Không gì làm tôi hài lòng nhiều như thắng một cuộc đấu giá với thật nhiều sách mà chỉ tốn có một shilling. Một niềm phấn khích đặc biệt với những cuốn sách cũ kỹ mà bạn bất ngờ vớ được trong bộ sưu tập: những tập thơ nhỏ nhắn từ thế kỷ 18, những cuốn từ điển lỗi thời, những tập tiểu thuyết lẻ bộ bị lãng quên, những bộ tạp chí phụ nữ của những năm sáu mươi. Những lúc đọc bất chợt - chẳng hạn trong bồn tắm, vào đêm khuya khi bạn quá mệt mỏi không thể chợp mắt, hoặc mười lăm phút rảnh rỗi trước giờ ăn trưa - thì không gì bằng một số tạp chí Girl’s Own Paper14. Nhưng ngay khi tôi đến làm việc tại tiệm sách tôi ngừng mua sách. Nhìn khối sách khổng lồ, năm hay mười ngàn cuốn một lúc, nó làm tôi chán ngấy và thậm chí muốn phát bệnh. Giờ đây thi thoảng tôi có mua sách, nhưng chỉ khi đó là cuốn sách mà tôi thực sự muốn đọc mà không thể mượn được, và tôi không bao giờ mua sách đồng nát. Mùi vị ngọt ngào của những trang giấy cũ nát không còn quyến rũ tôi nữa. Trong tâm trí tôi lúc nào cũng in đậm hình ảnh những vị khách hoang tưởng và xác chết của lũ ruồi nhặng.

    Ngô Thanh Tuấn dịch từ bản tiếng Anh “Bookshop Memories”, George Orwell, 1936.
    (SH319/09-15)


    ---------------
    1. Petronius Arbiter (?-66): là một cận thần La Mã dưới triều đại hoàng đế Nero. Ông là tác giả của tiểu thuyết phiêu lưu trào phúng Satyricon mô tả bức tranh toàn cảnh xã hội La Mã vào thế kỷ 1.
    2. James Matthew Barrie (1860 - 1937): nhà văn, nhà viết kịch người Scotland, ông là cha đẻ của nhân vật nổi tiếng Peter Pan.
    3. Joseph Priestley (1733 - 1804): một nhà thần học người Anh. Ông cũng là nhà triết học tự nhiên, nhà giáo dục, và nhà lý thuyết chính trị với hơn 150 công trình được xuất bản.
    4. Hugh Walpole (1884 - 1941): nhà văn Anh sinh ra ở New Zealand. Ông nổi tiếng với tác phẩm Mr. Perrin and Mr. Traill, một câu chuyện bi hài về một cuộc đụng độ chết người giữa hai thầy giáo
    5. Pelham Grenville Wodehouse (1881- 1975): tiểu thuyết gia trào phúng, nhà viết truyện ngắn, nhà thơ trữ tình, nhà viết kịch nổi tiếng người Anh. Ông đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm Psmith, Journalist Leave It to Psmith.
    6. Ethel M. Dell (1881 - 1939): tiểu thuyết gia người Anh, tác giả của hơn 30 cuốn tiểu thuyết lãng mạn và nhiều truyện ngắn được sáng tác trong giai đoạn từ 1911 - 1939.
    7. Warwick Deeping (1877 - 1950): nhà văn người Anh, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Sorrell and Son (1925).
    8. Jeffrey Farnol (1878 - 1952): tác giả người Anh, từ năm 1907 cho đến khi qua đời ông sáng tác hơn 40 tiểu thuyết lãng mạn.
    9. John Galsworthy (1867 - 1933): là một nhà văn và nhà viết kịch người Anh. Ông được trao giải Nobel văn chương năm 1932 nhờ bộ sử thi đồ sộ The Forsyte Saga (1906 - 1921).
    10. Anthony Trollope (1815 - 1882): là một trong những tiểu thuyết gia người Anh thành công, sung mãn và được tôn trọng nhất trong thời đại Victoria.
    11. Bill Sikes: nhân vật trong tiểu thuyết Oliver Twist của Charles Dicken.
    12. Micawber: nhân vật trong tiểu thuyết David Copperfield của Charles Dicken.
    13. Ở đây tác giả muốn chế nhạo những người bán sách thiếu hiểu biết khi nhầm lẫn tác phẩm Decline And Fall Of The Roman Empire của sử gia Edward Gibbon, tương tự The Mill on the Floss được viết bởi nhà văn George Eliot.
    14. Girl’s Own Paper: là một tạp chí hàng tuần tại Anh quốc dành cho nữ giới, tồn tại từ năm 1880 đến năm 1956.
     
    hpth90, machine, utitgg and 2 others like this.
  20. Wanderman

    Wanderman Lớp 4

    Đọc ông này lúc nào cũng hài hước!
     
    hpth90, utitgg and amylee like this.
Moderators: amylee

Chia sẻ trang này